- Tuy có hơi trễ, nhưng tụi con sẽ về tới Gò Công trước khi trời tối, hoặc trễ lắm là lúc bảy giờ, khi ấy còn sớm chán!
Bà Trâm vẫn không yên tâm lắm:
- Sao không để mai hãy đi có rộng thời giờ, đường sớm dễ đi hơn. Con Lan này nó lái xe tao ớn lắm. Con gái mà lái xe hơi còn ẩu hơn đàn ông!
Lan biết mẹ cưng mình nhất nhà, nên bị rầy mà lại phá lên cười:
- Có lái như vậy cánh đàn ông mới sợ mà tránh đường cho mình đi chứ mẹ! Ai như con Châu này, hễ thấy xe ngược chiều là run lên như thằn lằn đứt đuôi!
Bà Trâm lại khen Châu:
- Tao chịu con Châu lái xe hơn. Con gái phải đằm thắm như vậy mới phải!
Lan nhéo bạn một cái đau điếng:
- Mày phải là con của mẹ tao thì mới đúng!
Vừa nói Lan vừa nhấn ga chiếc xe vọt lên nhanh khiến bà Trâm hết hồn:
- Con quỷ, mày lái xe kiểu gì vậy chứ!
Nhưng xe của hai cô đã vọt xa cả trăm mét rồi. Họ hướng qua cầu Mới, theo quốc lộ 50 đi về phía cầu Ông Thìn. Châu hỏi:
- Sao không đi đường Mỹ Thọ, xa hơn nhưng khỏi qua phà. Tao sợ cái phà gì đó quá, lâu như... như bà già đi âm phủ!
- Phà Mỹ Lợi. Cái phà chỉ qua con sông có vài trăm mét mà đi lâu còn hơn là đi tới Vũng Tàu! Nhưng được cái là đi ngả này tao quen hơn, với lại nó vui mắt hơn với cảnh trí hai bên đường.
Mà qua phà cũng là mết hết ưu khuyết điểm của nhau, nên trong những chuyến đi chơi họ ăn ý nhau trong mọi tình huống. Như chuyến đi này là về thăm nhà ngoại của Lan, với ý định ở lại Gò Công chơi đến hơn một tuần, vậy mà Châu cũng tình nguyện đi theo và còn hứa hẹn với nhau sẽ có những ngày nghỉ ở quê vui tới bến!
Qua khỏi cầu Ông Thìn, vừa vào thị trấn Cần Giuộc, Châu nhắc:
- Mình ghé qua chùa Tôn Thạnh đi, chuyến rồi mình về không kịp ghé!
Lan nhìn đồng hồ rồi nói:
- Trễ giờ rồi. Để chuyến lên tao hứa là sẽ ghé để mày thăm cụ Đồ Chiểu!
- Mày nói đúng, tao hứa với mẹ tao là tìm hiểu thân thế của cụ Đồ ở ngôi chùa này, về kể cho bà nghe. Bà là tín đồ của thơ lục Vân Tiên đó!
Lan ôm miệng cười:
- Nhìn mày cũng giống Kiều Nguyệt Nga lắm!
Hai người cứ cười đùa với nhau suốt đoạn đường, nên chẳng mấy chốc đã gần tới Cần Đước. Lan phấn khởi nói:
- Mấy phút nữa mình sẽ tới phà Mỹ Lợi. Dư sức về tới Gò Công trước khi trời tối! Kỳ này về sớm tao sẽ cho mày ăn món mắm tôm chà mà kỳ rồi vuột ăn do mày bị Tào Tháo đuổi!
Nửa giờ sau, họ tới phà Mỹ Lợi. Dân xứ này quen gọi là Bắc Mỹ Lợi, chớ ít khi gọi là phà. Châu chưa rành nên hỏi:
- Sao gọi là Bắc, phà mới đúng chớ?
Lan giải thích ra vẻ thành thạo:
- Bắc là nói theo tiếng Pháp tức là Bac, có nghĩa là xà lan chở phương tiện qua sông.
- Ừ, lâu nay tao cứ tưởng Bắc là phương Bắc, người Bắc chứ. Người mình phong phú chữ nghĩa thật, một thứ đồ vật, phương tiện mà mỗi nơi gọi một cách. Cũng như xe mình đi, dân Nam thì gọi là xe hơi, còn có người thì gọi là ô tô.
Nghe Châu luận về chữ nghĩa, Lan ôm bụng cười:
- Nghe con nhỏ này nói mà không nhìn mặt chắc tưởng nó là bà già, mà có người còn gọi là bà cụ non!
Mải mê cười vui mà đã đến bến phà Mỹ Lợi lúc nào rồi. Châu reo lên:
- Trời chiều ở bến phà đẹp ơi là đẹp!
Được dịp, Lan lên mặt:
- Đó mày thấy chưa, đi ngả này vui hơn mà. Theo tao thì đi về tỉnh Gò Công qua ngả này vừa gần vừa lý thú hơn nhiều!
Hôm nay họ may mắn, nên chỉ chờ khoảng mười lăm phút là phà rời bến. Ra giữa sông, Châu nhìn về phía tay trái là một cánh đồng và rừng bạt ngàn sông nước, cô reo lên:
- Có phải kia là Đám Lá Tối Trời đó không?
Lan gật đầu:
- Chính là nó, nhưng ở chỗ xa kia, nó chạy giáp tới biển, phía này giáp Cần Giờ, phía kia giáp Gò Công. Hồi trước lúc ông nội tao còn sống thường kể về chuyện ông Trương Công Định đóng căn cứ trong đám lá đó để đánh Tây, tụi Tây thua đau lắm nhưng không làm sao tấn công vào đó được! Đám lá tối trời mà...
Châu rùng mình:
- Nghe tên đã phát ớn rồi, ai dám ở trong đó! Chắc là... ma nhiều lắm!
Lan lại được một dịp cười đau bụng:
- Con khỉ, nhìn chỗ nào cũng là ma! Nếu vậy ngày mai tao với mày lấy xuồng đi ra đó chơi!
Châu tưởng bạn nói thật nên lè lưỡi, lắc đầu:
- Thôi thôi, ai dại gì đi tới mấy chỗ đó! Ma có gì hấp dẫn đâu mà đi tìm!
- Có chứ! Ma là thứ ai cũng sợ, nhưng lại tò mò muốn gặp thôi!
Câu nói chen ngang là của một chàng trai ăn mặc bảnh bao, ra dáng thư sinh, anh ta vừa nói vừa bước tới gần và lặp lại:
- Xin lỗi nhị cô nương, vì hứng thú với câu chuyện của hai cô nãy giờ nên tôi đã mạo muội chen vào. Xin bỏ qua cho tội đường đột.
Lan rất ghét mấy anh chàng luôn tìm cách ve vãn con gái, nên xịu mặt ngay, quay chỗ khác. Cô nghe anh ta tiếp tục nói:
- Xin lỗi, có phải hai cô cùng là nữ sinh truờng Áo Tím?
Châu là người hời hợt, nên đáp ngay:
- Đúng rồi! Sao anh biết?
Lan bực quá quay lại và lên tiếng ngay:
- Con này, ai hỏi gì cũng đáp. Tụi này học trường Áo Xanh, hiểu chưa!
Nghe giọng đanh đá nhưng anh chàng vẫn vui vẻ:
- Như vậy là hai cô đã xác nhận rồi. Bởi ở Sài Gòn chỉ có một trường nữ trung học mang tên là trường Áo Tím thôi, làm gì có áo xanh, áo đỏ! Còn cô hỏi sao tôi biết đích xác hả, chỉ bởi tôi có cô em gái học cùng trường, cùng lớp với hai cô. Đã có lần tôi hân hạnh gặp mặt rồi, nhưng chưa kịp làm quen. Tôi là Chánh, anh của Lan Hà.
Bây giờ tới phiên Lan reo lên:
- Anh là anh của Lan Hà, nhà ở chợ Nancy?
Châu tiếp lời ngay:
- Nhưng Lan Hà đã... đã...
Anh chàng giọng buồn buồn:
- Em tôi đã chết, như các cô biết rồi, và lần tới đưa đám tang nó tôi đã nhìn thấy hai cô...
Từ không ưa, giờ đây Lan lại thân thiện ngay, bởi cô với Lan Hà ngày trước đã thân nhau từ năm học lớp Đệ Thất. Cái chết đột ngột của Hà đã khiến cho Lan hụt hẫng, buồn khổ suốt cả năm trời.
Châu cũng thân với Lan Hà, cô nói mà đôi mắt đỏ hoe:
- Tụi em xin lỗi. Tụi em nhớ con Hà lắm...
Quả là con gái mau nước mắt. Chỉ bấy nhiêu đó đã khiến cả hai đứng khóc ngon lành! Anh chàng tên Chánh phải an ủi:
- Thôi, cám ơn hai cô đã không quên em tôi, nhưng bây giờ trước cảnh đẹp như vậy phải tươi tỉnh để chụp hình đi chớ, chẳng lẽ khóc hoài!
Anh chàng có đeo chiếc máy ảnh Leica, Châu đổi buồn làm vui ngay:
- Anh chụp hình cho bọn em đi!
Lan cũng không còn khinh khỉnh như lúc nãy, cô còn nói:
- Ngày xưa Lan Hà cũng có tay nghề chụp ảnh đẹp lắm. Nó từng chụp cho tụi này nhiều ảnh ở Cấp, ở Long Hải...
Vậy là sau đó họ trở nên thân thiết. Lan hỏi:
- Anh Chánh đi đâu mà chỉ có một mình?
- Lan quên là quê nội tôi cũng ở Gò Công sao? Ở gần biển Tân Thành.
Lan lại reo lên:
- Nhớ rồi, hồi đó có lần Hà nó rủ cùng về quê. Nhưng chưa kịp về thì nó đã...
Sợ hai cô lại khóc, nên Chánh chuyển sang câu chuyện khác:
- Hai cô đi bằng gì về đây?
Châu chỉ sang Lan:
- Lan lái xe nhà.
- Tôi thì có việc gấp nên đi xe đò. Đi từ 9 giờ sáng đến giờ mới tới đây.
Lan đề nghị:
- Hay là anh cùng sang đi chung với tụi này. Chỉ có hai đứa tụi em thôi.
Châu hỏi liền:
- Anh biết lái xe?
Chánh gật đầu:
- Là nghề của chàng mà!
Châu reo vui:
- Anh làm ơn lái giùm bọn này đi, con Lan nó lái làm em ngồi mà muốn rụng tim luôn!
Cô quay sang nheo mắt với Lan, cô nàng gật ngay:
- Ừ, phải đó. Anh Chánh sang lái xe với tụi em đi. Mà gọi tụi này là em, chớ không cô cô nữa nhé! Tụi em là bạn của Hà mà...
Chánh vui vẻ nhận lời. Sau khi lên bến phà bên kia, anh ngồi vào tay lái vừa bảo:
- Kể từ ngày Hà chết, anh thề không bao giờ lái xe nữa. Thôi thì hôm nay phá lệ vậy.
Lan và Châu từng nghe chuyện Hà chết là do tai nạn xe hơi vào năm đó trên đường đi Đà Lạt, nhưng lâu quá rồi nên quên chi tiết. Định hỏi Chánh, nhưng nhìn nét mặt đăm chiêu của anh nên cả hai thôi, không hỏi.
Chạy được một đoạn, bỗng Chánh đề nghị:
- Giờ này về nhà chắc cũng kịp giờ cơm, nhưng mình ghé nơi này ăn bún nước lèo, nhẹ bụng, dễ ngủ hơn. Anh mời hai em nhé!
Nghe tới khoản ăn uống thì Châu khoái ngay:
- Ừ, được đó! Nghe nói bún nước lèo xứ này ngon lắm phải không?
Chánh đáp:
- Bún nước lèo đúng ra phải ở bên Trà Vinh mới ngon. Nhưng ở chỗ này anh quen, họ cũng gốc bên Trà Vinh sang, nên mở tiệm bán khá đông khách.
Dần dần Lan có cảm tình hơn với anh chàng Chánh này, qua cách nói năng, qua tài lái xe vừa bạo lại vừa lành nghề. Cô nói thẳng ý của mình:
- Tới bây giờ em mới thật tình chấm anh Chánh đó. Chớ thật lúc mới gặp em cứ tưởng mấy anh chàng be he dê gái đó!
Chánh phá lên cười:
- Suýt ăn bạt tai rồi, phải không?
Lan nheo mắt:
- Không đến nỗi, nhưng bị chửi thì có khả năng hơn!
Châu châm thêm:
- Nhỏ này nó nói thật đó! Bữa trước có anh chàng hỏi đường, chỉ vì cười nheo mắt với nó mà bị nó chửi cho một trận, cuốn xéo đi luôn, bỏ quên lại tờ bản đồ đưa để hỏi đường!
Chánh đùa:
- Con gái mà đanh đá quá khó lấy chồng nghe chưa!
Lan cao giọng:
- Ai thèm lấy mà lấy!
Châu lại phải chen vào:
- Anh Chánh mà nói chuyện với con nhỏ này coi chừng tức mà chết đó!
Chánh lại cười to:
- Đã có mấy người chết vì tức rồi? Nếu chưa đủ thì anh xin xung phong làm người tiếp theo!
Đã quá sáu giờ chiều...
- Thấy trời sắp tối, Lan có vẻ lo:
- Hay là anh Chánh lái xe cho tụi này ghé qua nhà, rồi mình sẽ đi ăn tới mấy giờ cũng được.
Chánh thoáng một chút suy nghĩ, rồi gật đầu:
- Được rồi, cũng gần tới quán, anh sẽ xuống quán trước, kêu món ăn rồi ngồi đợi, hai em cứ ghé qua nhà đi rồi quay trở lại, cũng gần thôi.
Quán bún nằm khuất trong một vườn cây, cho xe dừng trước cổng, Chánh xuống xe và dặn:
- Hai em quay lại ngay, anh sẽ đợi.
Anh ta đi thẳng vào vườn, được vài chục bước còn quay lại đưa tay vẫy chào. Châu nói liền:
- Anh chàng này lịch sự gớm! Lại... đẹp trai nữa!
Lan phá ra cười:
- Lại có thêm một cô nàng bị trúng tên rồi!
Châu ngạc nhiên:
- Bộ mày cũng... khoái anh ta?
Lan là người luôn thẳng tính:
- Khoái thì nói khoái, sợ gì! Vậy là hai nàng một chàng rồi!
Châu nhẹ lắc đầu:
- Thôi, tao xin nhường. Bởi có tranh cũng tranh không lại con nhỏ miệng lưỡi như mày!
Hai người vừa ngừng xe trước nhà thì bà dì út từ trong đã chạy ra, vừa mừng nhưng cũng vừa lo lắng:
- Má bay nhắn dây thép về hôm qua, nói bữa nay tụi bay về sớm. Từ trưa tới giờ bà ngoại với tao cứ trông đứng trông ngồi hoài.
Lan ôm bà dì, rồi chạy vào ôm bà ngoại, miệng không ngớt nói:
- Trễ gì, mới có hơn sáu giờ mà. Đáng lý phải hơn chín giờ tụi con mới về tới, nếu con phải đi ăn...
Muốn giấu chuyện đi ăn với bạn trai, nhưng lỡ lời, nên Lan phải nói trớ:
- Con tính ghé chợ cho con Châu ăn mắm tôm chà, nó thèm!
Dì út nói liền:
- Muốn ăn thứ đó thì lát nữa tao cho ăn, đã thèm luôn. Nhà này lúc nào mà chẳng có món đó. Thôi, cất xe rồi vào thay đồ, đi tắm cho khỏe.
Lan nhảy trở lên xe, giục Châu:
- Lẹ lên con quỷ cái. Trễ giờ rồi!
Bà ngoại vội la:
- Mới về mà đi đâu! Út, nấu cơm cho tụi nó ăn liền đi!
Lan ỷ bà ngoại và mấy dì đều cưng, nên vẫn rồ máy xe. Bà ngoại phải nói toạt ra:
- Ở đây người ta cấm con gái ra đường buổi tối!
Dì út phải giải thích rõ thêm:
- Mấy hôm nay ở vùng này đã xảy ra nhiều chuyện kỳ cục, ghê gớm lắm. Đã có hai đứa con gái cỡ tuổi tụi con đi chơi ban đêm rồi bị ai đó bắt đem nhốt trong bụi tre, một đứa bị nhốt trong kho lúa, miệng bị nhét đầy đất sét và chết do ngạt thở, hoặc là có thể do...
Dì ngập ngừng chưa nói hết thì bà ngoại đã nói:
- Bị ma bắt đó chớ ngạt thở gì.
Lan đâu bao giờ tin chuyện ma quỷ, cô sợ lôi thôi sẽ bị buộc ở nhà, nên nhấn ga vọt xe đi, vừa nói với lại:
- Con đi mua cái này, chút về!
Cô chạy trở lại con đường đi qua lúc nãy. Trời lúc này đã tối hẳn. Châu bảo:
- Trước chỗ đó có một cây xoài rất lớn, cổng có một cái mương, có cây cầu đá bắc ngang. Dễ nhớ lắm, bởi chung quanh đâu có nhà nào giống như vậy.
Lan chạy từ từ tìm cả mấy chục phút rồi mà vẫn chưa thấy ngôi nhà lúc nãy. Phải đến vòng thứ ba thì Châu mới kêu lên:
- Kìa!
Cho xe thắng lại ngay trước cổng ngôi nhà có vẻ vắng lặng, cả hai đều bước xuống. Châu nhìn qua và ngài ngại:
- Đúng là chỗ này rồi. Có cây xoài, có cây cầu đá... nhưng sao lại là nhà hoang?
Lan nhìn kỹ hơn, cô nàng liều lĩnh gọi đại vào trong:
- Có ai trong nhà không?
Gọi đến lần thứ ba mà vẫn chẳng có ai đáp. Châu hơi nản, cô lầm bầm:
- Quán xá gì mà như chùa bà đanh vậy!
Chợt có người hỏi từ phía sau:
- Hai cô kiếm gì vậy?
Lan nhanh nhảu:
- Tụi cháu tìm quán bán bún, sao hồi chiều thấy ở đây, mà bây giờ...
Người đàn bà trung niên hơi ngạc nhiên:
- Làm gì có quán xá gì ở đây. Nhà đó là nhà mồ ông Phủ Xưng, có ai trong đó đâu!
Trong lúc Lan đang tròn mắt kinh ngạc thì Châu lại nhớ ra:
- Hồi nãy hình như anh ấy bỏ quên lại cái máy ảnh?
Vừa nói Châu vừa trở lại xe, cầm lên chiếc máy ảnh Leica, đưa cho Lan:
- Đúng rồi nè, máy ảnh của Chánh!
Lan quả quyết với người đàn bà:
- Tụi cháu mới hẹn với người bạn cách đây chưa đầy một giờ, họ đợi tụi cháu ở đây mà...
Chị nọ kêu lên:
- Phải hẹn với một chàng trai không?
Lan mau mắn gật đầu:
- Đó là anh của người bạn cháu. Anh ấy...
Chị nọ sợ hãi thấy rõ:
- Đúng là nó rồi! Đúng là... là... ma rồi! Các cô đã gặp ma!
° ° °
Cả Lan và Châu đều há hốc mồm. Tuy nhiên, vốn bản tính ngang bướng, Lan vẫn cãi:
- Đó là người quen của tụi này mà, ma cỏ gì!
Người kia vẫn nói:
- Quen hay không tôi không biết, nhưng ở đây có mấy vụ, cũng tương tự như mấy cô. Vụ thứ nhất ở vườn bỏ hoang nhà ông Hội đồng Thì, còn vụ thứ hai thì ở kho lúa của chủ Chành. Cả hai đều là con gái. Và nghe nói họ cũng đi hẹn với con trai y như vậy.
Nghe hơi nhột, Lan chỉ cám ơn qua loa chị nọ rồi kéo Châu lên xe:
- Đi mày!
Lên xe rồi Lan quả quyết:
- Chắc là trời tối mình nhìn lầm chỗ. Thôi, để sáng mai sớm mình trở lại, thế nào anh ấy cũng đợi. Máy ảnh còn đây mà.
Lúc họ trở về nhà thì bà ngoại và dì út đang chuẩn bị đi tìm. Họ cương quyết:
- Hai đứa vào tắm rửa rồi ăn cơm. Tao lấy chìa khóa xe không cho đi nữa!
Lan và Châu đành nhìn nhau cười...
Sáng hôm sau, Lan lái xe đi cả chục vòng mà không làm sao tìm được nơi nào khác ngoài ngôi nhà mà người ta gọi là nhà mồ ông Phủ Xưng. Đúng là nhà mồ ấy không có người ở, chỉ có một ông từ mỗi ngày tới quét dọn rồi ra về. Tuyệt nhiên không hề có quán bún nước lèo nào cả.
Nhiều người được hỏi đã quả quyết:
- Ở xứ này không có quán bún như vậy. Chỉ có quán bún cà ri vịt, nhưng ở phía chợ, mà cũng nghỉ bán từ lâu rồi.
Đem chuyện hỏi bà ngoại thì bà hỏi lại Lan:
- Con Lan Hà nào đó quê xứ này mà làng nào, ấp nào?
Lan cố nhớ lại, lát sau cô reo lên:
- Con nhớ ra rồi, hồi còn sống nó có rủ con về chơi quê nội nó, đó là ông Đốc phủ gì đó tên Xung hay Sung gì đó!
Bà ngoại cố lục trí nhớ, một lát bà nói:
- Làm gì có ông Xung hay Sung, mà ở đây chỉ có Đốc phủ hàm là ông Xưng, gọi là Phủ Xưng. Có cái nhà mồ ngoài lộ đó.
Châu buột miệng:
- Nhà mồ đó đó!
Dì út nghe vậy liền hỏi:
- Tụi bay sao biết nhà mồ đó?
Lan phải giấu:
- Dạ, tụi con nghe người ta nói...
Dì út dặn:
- Hai đứa không được vào mấy chỗ đó nghe chưa!
Rồi dì nói thêm để cho hai cô nghe mà không còn ý định đi tìm kiếm:
- Mà nghe nói cánh đó bây giờ cũng chẳng còn ai ở xứ này. Cánh Phủ Xưng ngày trước vang danh, nhưng mấy năm Pháp đóng đồn, nó chiếm hầu hết điền sản của ông ta, nên dòng họ đều tứ tán hết. Chỉ còn lại cái nhà mồ đó.
Nghe nói vậy thôi, đến sáng hôm sau Lan lại lén cùng Châu đi thêm một vài vòng nữa, quan sát lại ngôi nhà mồ và bảo Châu:
- Tao chắc chắn anh chàng Chánh này về đây thăm mồ mả ông bà mà không tiện nói với mình. Đêm đó chắc là muốn dành cho mình sự ngạc nhiên, nên anh ấy mới hẹn chỗ đó. Rồi hôm qua tìm không được mình nên đã về Sài Gòn rồi cũng nên. Được rồi, ở chơi bữa nay nữa thôi, trưa nay mình xin với bà ngoại cho về. Mình sẽ ghé chợ Nancy kiếm nhà con Lan Hà. Mình còn nhớ nhà, tới tìm chắc là anh chàng sẽ ngạc nhiên lắm. Kỳ này tao bắt anh ta khao một chầu khác, thay chầu bún nước lèo!
Mặc dù bà ngoại và dì út không cho, nhưng Lan viện lý do có hẹn xin học bổng du học, phải về gấp, nên hơn một giờ hai người đã xuống Bắc Mỹ Lợi. Châu nói đùa:
- Có khi nào anh chàng đợi mình ở bến Bắc kia không?
Châu mở cửa xe bước xuống ngắm cảnh, còn Lan thì ngả người trên ghế xe cố tìm một giấc ngủ ngắn. Suốt đêm rồi, Lan chỉ ngủ chập chờn, nhưng giấu không cho bà ngoại biết. Cả Châu cũng không phát hiện, bởi mỗi lần Châu thức giấc thì Lan đều giả vờ ngủ. Cô bị hình ảnh của anh chàng Chánh ám ảnh!
Châu trở lại xe, vừa mở cửa xe vừa nói:
- Mình lấy máy ảnh của anh chàng chụp mấy "pô" chơi!
Lan mở mắt ra, tán đồng:
- Ừ, chụp cho mình với.
Nhưng Châu kêu lên:
- Máy ảnh đâu?
Lan ngạc nhiên:
- Mình mới thấy đây mà! Hồi nãy trước khi đi mình còn cẩn thận để nó bên cạnh ghế này đây. Lúc mày bước xuống tao còn thấy nó nằm ở đó. Mà nãy giờ chẳng nghe ai mở cửa cả. Vậy ai đã lấy?
Châu tức tối và bối rối:
- Ai đã lấy cái máy cũ này? Rồi mình làm sao ăn nói với anh ấy đây?
Lan cũng nghĩ là chiếc máy bị đánh cắp:
- Tên khốn nào mà lẹ tay như vậy chắc phải là dân chuyên nghiệp. Mà thôi lỡ rồi, mình sẽ giải thích với anh Chánh sau. Ba giờ nữa mình sẽ ghé nhà, chắc là anh ấy không giận đâu.
Lên bến phà là Lan nhấn ga cho xe chạy với tốc độ trên tám chục cây số giờ. Một tốc độ quá sức tưởng tượng với con đường hẹp và gồ ghề. Châu ngồi cạnh nhiều phen phải ôm lồng ngực, hú tim!
Năm giờ thì họ đến nơi. Châu bàn:
- Hay là mình ghé qua nhà mày tắm rửa rồi ghé qua bên đó cũng chưa muộn. Dẫu gì...
Nhưng Lan đã gạt ngang:
- Tao muốn ghé liền!
Biết có ngăn con khỉ gió nóng tính này cũng không được, nên Châu ngồi yên.
Đường Galliéni gần góc Nancy toàn phố buôn bán, chỉ duy nhất có căn phố của nhà Lan Hà là nhà ở, dù lâu không ghé, nhưng Lan vẫn đỗ xe đúng y chang. Cô bước xuống và lên tiếng gọi chớ không chờ bấm chuông:
- Anh Chánh ơi!
Từ trong nhà có tiếng lê dép đi ra và một giọng của người già hỏi:
- Ai hỏi vậy?
- Dạ cháu là Lan, bạn của Lan Hà và anh Chánh. Cháu muốn tìm anh Chánh.
Bà mẹ của Lan Hà nheo mắt già nhìn Lan một lúc mới nhận ra:
- Mèn ơi, con nhỏ này cả bốn, năm năm nay mới ghé, bây giờ lớn đại, tao tưởng cô nào!
Lan hỏi ngay:
- Anh Chánh có nhà không bác?
Bà già phải hỏi lại:
- Con hỏi ai?
- Dạ, anh Chánh.
- Thằng Chánh?
Bà vừa hỏi vừa bước lùi lại, suýt vấp ngã. Lan kêu lên:
- Bác! Bác bệnh hay sao vậy?
Bà già lắp bắp:
- Chánh... sao lại là Chánh? Con... con...
Châu bình tĩnh hơn, nói chậm:
- Dạ, tụi con mới gặp anh Chánh hôm qua ở Gò Công, anh ấy đi nhờ xe tụi con và bỏ quên một chiếc máy ảnh, nên tụi con...
Cô vừa nói tới đó thì từ trong nhà một người chị của Lan Hà bước ra, vừa lên tiếng:
- Mấy đứa nói nhảm gì vậy? Thằng Chánh đã chết cách đây ba năm rồi, còn đâu mà quá giang xe!
Câu nói khiến cho cả Lan và Châu đều rụng rời tay chân! Lan không tin vào tai mình:
- Chị nói...
Bà chị của Hà nói rõ hơn:
- Con Lan Hà chết được một năm thì Chánh, anh nó cũng chết trong một tai nạn xe khi đi về quê nội ở Gò Công. Có lẽ mấy em lâu nay không ghé đây nên không biết đó thôi.
Lan chợt nhìn vào bàn thờ đặt giữa nhà, cô vô cùng sửng sốt khi thấy một vật mà cô không bao giờ nghĩ nó ở đây:
- Chiếc máy ảnh!
Bà chị của Chánh chỉ tay về hướng đó, vừa bảo:
- Thằng Chánh lúc sống rất thích chụp hình, cái máy ảnh này do ba chị tặng cho nó lúc Chánh thi đậu bằng Thành chung. Nó quý lắm và giữ kỹ cho đến lúc chết!
Lan không kiềm chế được, đã lao ngay vào tận tủ thờ, cầm chiếc máy ảnh lên, nhìn kỹ rồi kêu to:
- Đúng là chiếc máy này mà.
Châu bước lại nhìn và cũng xác nhận:
- Chính là nó!
Họ ngẩn người ra, hồi lâu chính Lan thốt lên:
- Lúc chiếc máy để trên xe bị mất là do anh Chánh lấy lại vật của mình!
Họ kể cho mẹ và chị của Chánh nghe mọi chuyện rồi ôm nhau khóc! Bà mẹ Chánh kể:
- Hồi đêm này bác mơ thấy anh em thằng Chánh con Hà, chúng nó tranh luận với nhau về chuyện con Hà ngăn cản anh nó không cho hại ai đó mà con Hà nói là bạn của nó! Thằng Chánh thì cương quyết làm, còn con Hà bảo nếu thằng Chánh mà ra tay thì chính nó sẽ ăn thua đủ với Chánh. Bác không biết chuyện gì nên sáng dậy cứ thắc mắc mãi, kế tụi con tới đây...
Tự dưng Lan và Châu cùng rùng mình...
Cả Lan và Châu đều ngã bệnh gần nửa tháng trời. Đi khám bệnh thì các bác sĩ chẩn đoán họ bị suy nhược do quá lo nghĩ chuyện gì đó, chớ không nói cụ thể là gì. Nhưng người nhà họ thì nghi ngờ họ bị ma quỷ gì đó ám! Bởi cả hai đều giống nhau: Hễ giật mình tỉnh giấc thì đều thảng thốt gọi tên một người nào đó, rồi tiếp tục mê man trở lại!
Và rồi vào một buổi chiều, hai cô bạn thân này chẳng hẹn mà cùng có mặt ở trước một nghĩa trang vùng ngoại ô. Khi gặp nhau thì Lan trố mắt hỏi bạn:
- Sao Châu cũng tới đây?
Châu lắc đầu:
- Tao không biết. Chỉ hiểu lơ mơ là đêm qua mình thấy Lan Hà nó gọi tên mình!
Lan cũng nói:
- Tao cũng vậy! Lan Hà vừa kêu tao vừa khóc, nó nói rằng vì cứu tụi mình nên bị anh nó đánh dữ lắm!
- Nó cũng nói với tao như vậy!
Họ không dự lễ đưa tang cho Lan Hà, vì hôm đó bận thi học kỳ, cũng chưa từng viếng nghĩa trang kể từ Hà mất, nhưng sao họ có linh tính rằng đây là nơi Hà yên nghỉ. Lan nói:
- Chẳng hiểu sao mình lại tới đây, chắc do vong hồn Hà mách bảo, vậy thôi mình vào trong thử xem...
Họ đi chỉ một vòng là nhìn thấy ngay ngôi mộ có tên Lan Hà và cả anh cô ấy nữa. Châu kinh ngạc kêu lên:
- Hà kìa!
Khi nhìn vào ảnh trên mộ bia, bỗng Châu lại kêu lên:
- Mày coi kìa!
Lan đã nhìn thấy đôi mắt trong ảnh chứa chan dòng lệ!
- Hà khóc!
Họ cùng òa lên khóc. Rồi như ai mách bảo, Lan khấn:
- Nếu Hà có linh thiêng, có thương bọn mình thì xin hãy làm gì đó cho mình thấy đi!
Lặng yên một lúc... Rổi bỗng nhiên có một cơn gió mạnh thổi qua, chỉ trong chớp mắt biến thành cơn lốc xoáy, khiến bao nhiêu lá cây từ đâu bay tới và hầu như phủ đầy ngôi mộ của Hà!
Gió lặng, Lan kêu lên:
- Mày coi kìa, Châu!
Trên mộ Hà lá xếp thành một vòng hoa hình trái tim, kết toàn bằng lá cây khô, ở giữa có một chùm hoa tươi mà gió vừa thổi rụng. Lan nhớ ra, cô nói to:
- Trò chơi mà ngày xưa Lan Hà thường làm!
Châu cũng nhớ. Khi còn học lớp Đệ Lục, Lan Hà đã tỏ ra là con người lãng mạn, ủy mị, thường bắt chước nhân vật Lâm Đại Ngọc trong truyện Hồng Lâu Mộng, thường thơ thẩn ở bãi đất trống hay sân trường những lúc vắng người, rồi gom lá hoa lại làm thành hình trái tim, và chôn bên dưới một hình nhân xếp bằng giấy, bảo rằng đó là nấm mộ của người tình chung!
Ngày đó đã đôi lần bạn bè khuyên Lan Hà đừng chơi trò kỳ cục ấy, nhưng mỗi lần bị nhắc nhở là Hà giận. Năm học Đệ Tứ thì Hà mất, nghe người nhà nói, lúc gần mất Hà thường có những biểu hiện bất thường về tình cảm, hay lo ra và buồn nản không thiết học...
- Chị biết ngay là hai em thế nào cũng lên đây!
Cả hai quay lại thì rất đỗi ngạc nhiên khi thấy Liên, chị của Hà đã đứng sau lưng họ. Lan lúng túng:
- Dạ, tụi em...
Chị Liên bảo:
- Không phải giải thích, chị được Hà báo mộng cho tối qua. Nó muốn hẹn hai em lên đây và gọi cả chị cùng lên nữa.
Chị ngồi xuống bên cạnh hai người, thở dài một hơi rồi nhẹ giọng kể:
- Chuyện này đúng ra chị phải giấu kín, không nói ra sau khi Hà chết. Nhưng với những chuyện vừa qua, chị thấy cần phải nói cho các em rõ. Nhất là vừa rồi Hà đã về báo cho nhà biết việc nó phải cứu hai em, nếu không, cả hai đều phải chết dưới bàn tay của Chánh!
Châu kêu lên:
- Sao vậy chị Liên? Tụi này đâu có làm gì Hà...
Chị Liên nhẹ giọng:
- Không phải do nó muốn. Mà đó là do thằng Chánh!
Lan sốt ruột:
- Nói cho tụi em nghe đi, chị Liên!
Chị Liên kể sau một tiếng thở dài nữa:
- Chị phải kể đầu đuôi thì các em mới hiểu được tại sao có chuyện này. Hà và Chánh thật ra không phải là anh em ruột!
Lan lại kêu lên:
- Chị nói thật?
Chị Liên gật đầu:
- Do má chị không sinh con trai, rất mong mỏi nên đã xin Chánh từ một người nào đó, đem về nuôi và thương như con ruột! Lúc nhỏ thì Hà không biết, nên chơi và gần gũi với Chánh như tình ruột thịt. Tuy nhiên, khi lên tuổi mười ba thì do tình cờ Hà nó biết được, cũng là lúc thằng Chánh phát hiện ra sự thật. Và cũng dịp đó cả nhà mới hay là giữa hai đứa, một mười ba, một mười sáu đã nảy sinh tình cảm vượt quá mức tình anh em! Má chị giận lắm không kiềm chế được, bà rầy mắng hai đứa một trận và tách chúng ra không cho ở chung nhà, Chánh bị đem gửi nhà người cậu ở Gò Công. Tưởng như vậy là yên, nào ngờ từ đó Hà lại tỏ ra ngơ ngẩn, bê trễ việc học hành, tối ngày cứ thơ thẩn một mình như kẻ thất tình...
Lan chen vào:
- Đúng rồi! Hà nó giống như Lâm Đại Ngọc trong Hồng Lâu Mộng!
Chị Liên vừa khóc vừa kể tiếp:
- Chuyện Hà bị tai nạn giao thông chết, chỉ là cách nói của gia đình mà thôi. Thật ra Hà nó chết vì... tự tử! Và cả thằng Chánh nữa, một năm sau nó cũng nhảy sông mà chết! Nó chết ở Bắc Mỹ Lợi, đường về Gò Công!
Châu rùng mình:
- Đúng rồi, hôm mình gặp ảnh cũng ở Bắc Mỹ Lợi!
Chị Liên kể tiếp:
- Kể từ sau khi thằng Chánh chết đi, nó linh lắm, cứ hiện về hoài, đôi khi quậy phá cả bàn thờ mỗi khi nghe có ai nhắc tới Lan Hà với ý thương yêu, cảm tình. Nó ghen! Và còn nữa, mới rồi con Hà về báo là Chánh có ý muốn bắt hồn mấy cô gái từng có quen biết, cảm tình với Hà khi Hà còn sống, đưa xuống làm bạn với Hà nữa! Thằng đó nó điên rồi, có vậy mới có chuyện nó định hại cả hai em hôm ở Gò Công. Nếu không có Hà thì không biết chuyện gì đã xảy ra nữa!
Lan bật khóc:
- Em mơ thấy Hà mình đầy những vết bầm, chắc là bị đòn!
Chị Liên xác nhận:
- Thằng Chánh đã trở thành một hồn ma mà người ta gọi là yêu tinh, nhất là sau khi nó giết hại hai cô gái ở Gò Công. Nhưng con Hà nói, nó sẽ bằng mọi cách ngăn chặn, thuyết phục để Chánh không hành động điên cuồng nữa. Riêng hai em, để bảo toàn tính mạng, chị khuyên hai đứa nên hạn chế đi lại. Cần thì hương khói hằng ngày khấn vái nó...
Lan và Châu hứa, rồi sau đó họ theo chị Liên trở về. Tất nhiên là họ giấu biệt chuyện ấy với nhà mình.
Cũng may, nhiều năm sau đó, cho đến khi cả hai lấy chồng, đã không có chuyện gì xảy ra.
(Tác giả Người
Khăn Trắng , nguồn vnthuquan.org)