Là một chàng trai quê quanh năm suốt tháng với ruộng đồng, nhà lại nghèo nên bạn bè trang lứa đều đã được gia đình cưới vợ gả chồng, chỉ có Út Nhì vẫn cu ky với cái cày con trâu. Suốt ngày thui thủi lưng trâu, hoặc cùng trâu kéo cày, kéo bừa Út Nhì buồn bã, cô độc lắm. Những khi buồn quá mức thì Út Nhì bèn "thả" sáu câu vọng cổ để vừa tự trình diễn vừa tự thưởng thức một mình và tự giải sầu.
Lần đó có một gánh hát phương xa về vùng Vàm Lá. Có thể nói tin đó đến với cư dân quanh vùng như một niềm vui không gì tả nổi. Người lớn, thanh niên, trẻ nhỏ, ai cũng náo nức chờ đợi để có những đêm hội được xem đờn ca xướng hát.
Út Nhì cũng nằm trong số đó. Để chuẩn bị cho những đêm được bước vào nhà lồng chợ đứng hạng "cá kèo", Út Nhì phải quần quật mấy ngày trước đó... tát đìa trộm lấy cá bán, kiếm chút tiền rủng rỉnh cho những đêm vui.
Hồi đó Vàm Lá là vùng đất rộng người thưa, tiếng trống mời khán giả phải mất mấy phút mới bay đến tận những thôn xóm ở cách chợ xa xa, giữa những con rạch, cánh đồng.
° ° °
Ngay buổi chiều đầu tiên khi những tiếng trống ngoài chợ Vàm nổi lên thúc giục thì Út Nhì đã lo dắt trâu vô chuồng, bỏ rơm cỏ dư dả cho nó nằm nhơi suốt đêm, rồi đi tắm rửa thay bộ đồ mới duy nhứt, nhét vào túi mấy đồng bạc tiền tát đìa trộm và lặng lẽ rời khỏi nhà.
Leo lên chiếc xuồng câu đậu trong cái xẻo nhỏ um tùm cây bần, cây ô rô, Út Nhì khoan khoái, bổ mạnh mái dầm ra hướng chợ Vàm. Trên đường đi Út Nhì gặp lố nhố những chiếc xuồng ba lá của đám người già trẻ cùng trên đường đi xem hát như anh ta. Ai cũng hối hả muốn đến chợ sớm trước vài giờ để ăn tô bánh canh, cháo gà hoặc uống vài ve rượu với đĩa lòng lợn mà ngày thường đâu dễ gì có. Nhứt là mấy cậu thanh niên háo hức muốn ra chợ Vàm sớm để còn có dịp đi ve vãn các nàng thôn nữ chắc chắn cũng có mặt ở đây để xem cải lương.
Út Nhì chèo ra đến chợ Vàm thì mặt trời đã khuất bên cánh đồng. Trời sụp tối. Chợ Vàm Lá rực sáng đèn. Đèn dầu chen lẫn với đèn măng sông, ánh sáng lấp lánh như sao sa. Sau khi buộc ghe vào bến, Út Nhì đi vòng ra sau chợ định ngắm nhìn các nghệ sĩ đào kép, nhưng gánh hát che bít bùng nên chẳng thấy gì. Út Nhì vòng ra trước chợ, tấp vào một sạp bán cháo gà dằn bụng một tô. Cả năm trời đội nắng dằm mưa Út Nhì mới có được một buổi thong dong ngồi húp tô cháo ngọt lịm. Ăn hết một tô, Út lại gọi thêm tô nữa kèm với một đĩa gỏi gà. Lần này tát trộm cái đìa nhỏ xíu của ông Bảy Trọn mà được mấy chục ký cá, bán được mấy chục bạc. Vậy thì chơi cho đáng. Thong thả húp cháo, nhẩn nha nhai miếng gỏi gà ngọt lịm, Út Nhì vừa ăn vừa nhìn nam thanh nữ tú dập dìu lượn qua lượn lại.
Đang nghe tiếng kèn sáo bên trong nhà lồng chợ nổi lên rộn rã, đang quét mắt khắp sân chợ, Út Nhì chợt giật mình vì một cô gái mặt hoa da phấn từ trong phía sau chợ bước ra ngồi xuống đối diện. Cô gái kêu một tô cháo và hối chị bán cháo:
- Chị cho em xin tô cháo lẹ lên, em sắp tới giờ diễn rồi.
Nếu đêm nay không đi xem hát thì có lẽ suốt đời Út Nhì ắt hẳn chẳng đời nào có dịp gặp được một người thiếu nữ đẹp như thế này. Trái tim chàng thanh niên đồng ruộng rộn lên những nhịp đập rộn ràng khó tả. Anh chàng lắp bắp làm quen:
- Chị ơi, có phải chị là nghệ sĩ không?
Nghe chàng trai tóc đỏ như râu bắp dáng vẻ quê mùa mà ăn nói lễ phép, cô gái cười gật đầu:
- Ừa, đúng vậy, chị tên Mỹ Phụng, đêm nay chị sẽ đóng vai Nghi Xuân trong vở Phạm Công Cúc Hoa.
Lần đầu tiên được nói chuyện với một nghệ sĩ lại là một nữ nghệ sĩ đẹp như tiên nga lòng Út Nhì thật bồi hồi vui sướng.
Cô gái ăn cháo xong chào Út rồi biến vào hậu trường. Út Nhì cũng đứng lên mua vé vào xem. Không mua vé hạng "cá kèo" mà Út mua vé ngồi để có dịp áp gần sân khấu, để tiện ngắm nàng Mỹ Phụng. Đến cảnh Nghi Xuân Tấn Lực được mẹ Cúc Hoa hiện hồn về chăm sóc cho hai đứa con thơ bị bà mẹ ghẻ Tào Thị ác nghiệt đánh đập bắt đi ăn mày, ngồi ở dưới Út Nhì khóc như mưa.
Dường như tuy đang diễn nhưng Mỹ Phụng có liếc xuống khán giả và nhìn thấy chàng trai nhà quê đang khóc. Có lẽ cô gái cũng nao lòng và cảm động trước những giọt nước mắt của chàng nam nhi.
Qua đêm sau nữa, cũng ở sạp cháo gà Út Nhì lại gặp Mỹ Phụng, cô ả cười nói:
- Hôm qua chị thấy em khóc phải không? Đàn ông con trai mà cũng dễ rơi nước mắt vậy sao?
Út Nhì đỏ rần mặt mũi:
- Ừ, tại hôm qua chị diễn hay quá cứ y như thật. Thương chị và má Cúc Hoa nên em khóc...
Mỹ Phụng dặn bà bán cháo:
- Hai tô cháo này để em trả tiền.
Rồi quay qua Út Nhì cô nàng thân mật:
- Bữa nay chị bao em. Lát nữa có vào xem không?
- Có chớ, đêm nào em cũng chèo ghe ra đây xem hát mà.
Ăn xong, trả tiền cháo, Mỹ Phụng nheo mắt cười với Út Nhì rồi chạy nhanh vào hậu trường.
Vãn hát, xuồng ghe lịt kịt ra về. Út Nhì bần thần không muốn rời khỏi nơi này. Út Nhì thấy thèm nhớ cô đào Mỹ Phụng, trong lòng lưu luyến làm sao. Ước gì được nhìn Mỹ Phụng một lần nữa rồi về ngủ cho ngon. Một tay cầm dầm, một tay nắm giữ nhánh bần cho ghe đừng trôi, Út Nhì nhìn về phía gánh hát.
Có lẽ ước muốn của Út Nhì quá chân thật nên động lòng trời hay chỉ là một sự vô tình, một bóng trắng đi xăm xăm về phía chiếc xuồng Út Nhì đang đậu.
- Mỹ Phụng.
Út Nhì há hốc miệng, kêu nhỏ. Làm như đã biết trước Út Nhì ở đây, Mỹ Phụng cười:
- Chưa về hả? Tính đợi chị sao?
Út Nhì say sưa ngắm Mỹ Phụng. Làn da cô đào hát hơi xanh xao, có lẽ đã bôi hết son phấn. Bù lại, bóng dáng nàng tha thướt dịu dàng đến lạ lùng. Nàng bước đi uyển chuyển như khói, như mây.
Không nghe Út Nhì trả lời, Mỹ Phụng hỏi tiếp:
- Nhà em ở tận đâu vậy?
Út Nhì chỉ theo hướng dọc dòng sông:
- Từ bến sông này chèo ngược vô phía trong độ nửa giờ thì đến xóm em. Xóm em nhỏ lắm, chỉ lèo tèo độ chục nóc gia thôi.
Mũi xuồng tấp sát vào bờ, không đợi mời, Mỹ Phụng nhanh nhẹn bước xuống, đến ngồi kế bên Út Nhì.
- Vậy đêm nào em cũng chèo ghe ra đây xem hát một mình?
- Dạ, đêm nào cũng vậy. Em muốn được xem chị hát lắm - Giọng Út Nhì chợt buồn - Không hiểu chừng gánh hát của chị dọn đi em sẽ làm gì trong những chiều tối như thế này. Chắc em sẽ buồn lắm.
Nghe chàng trai thổ lộ tâm tình, Mỹ Phụng có vẻ chạnh lòng lắm, nàng vỗ nhẹ vai chàng trai:
- Đời của bọn chị là cuộc đời rày đây mai đó, chủ yếu sống về đêm, lúc thuận duyên thì đến, hết duyên thì đi, hơi sức đâu nhớ nhung những kiếp người nổi trôi như bọn chị!
Út Nhì mủi lòng:
- Biết vậy nhưng em mến chị quá, hình ảnh của chị, tiếng hát của chị cứ ám ảnh em suốt trong những giấc mơ.
Mắt cô gái long lanh, dường như nàng xúc động dữ lắm trước tấm chân tình của chàng trai trẻ nông thôn chân chất. Nàng ướm lời:
- Ở làng quê gái mười sáu đã lấy chồng, trai mười tám đã có vợ, vậy em đã có vợ chưa?
Út Nhì đỏ mặt lúc lắc cái đầu bù xù tóc:
- Trời ơi gia đình em nghèo lắm chị, nên đâu có cô nào dám thương em.
Cô gái nắm nhẹ bàn tay Út Nhì:
- Thôi thì để chị làm mai cho em một người vậy. Mà biết em có chịu người ta không đây?
- Người ấy là ai vậy chị Phụng?
Phụng bóp nhẹ tay Út:
- Bí mật, khuya mai vãn hát em xuống xuồng chờ chị nhé.
Như có một luồng điện từ bàn tay của người con gái, truyền sang Út khiến người cậu ta lâng lâng khó tả. Đây là lần đầu tiên trong đời chàng trai hiền từ đồng ruộng biết thế nào là sự mềm mại của một bàn tay con gái…
° ° °
Con trăng mười tám lên muộn. Ánh trăng rải rộng một màu vàng tươi tắn xuống dòng nước lặng lờ...
Chưa kịp vãn hát Út Nhì đã đi xuống bến sông leo lên chiếc xuồng nhỏ của mình hồi hộp ngồi chờ. Chàng trai còn cẩn thận đậu khuất vào một tán bần to để không ai nhìn thấy được.
Đang mơ mộng bỗng nghe mũi thuyền lắc nhẹ, Út Nhì giật mình quay lại đã thấy Mỹ Phụng ngồi ở đó hồi nào và mỉm cười:
- Ngồi mơ cô nào mà người ta đến đây cả buổi vẫn không hay? Thôi, xô thuyền ra đi kẻo người ta thấy bây giờ.
Như cái máy, Út Nhì đẩy mái dầm bơi xuồng ra khỏi bến rồi thả thuyền trôi theo con nước. Mỹ Phụng đi lần xuống ngồi giữa lòng thuyền để tóc buông xõa bay theo chiều gió. Út nghe từ mái tóc người con gái tỏa ra mùi hương hoa lài thoang thoảng, ngất ngây. Nàng ngồi đó nhìn trăng, hát nho nhỏ.
Khi thuyền đã đi vào một vùng sông tối do những đám bần, dừa nước mọc hoang, cô nàng kêu Út dừng thuyền bên một nhánh bần nhỏ.
- Chỗ này thật trữ tình, sao ta không cột thuyền ở đây để nói chuyện.
Út Nhì neo thuyền lại. Con trăng mười tám nằm trên ngọn bần nhỏ. Dòng sông vắng lặng như thể nó đang say ngủ giữa canh khuya trăng sáng. Mỹ Phụng đưa tay vẫy:
- Lại đây, chị nói chuyện này.
Út cột thuyền vào nhánh bần rồi lại ngồi xuống cạnh Mỹ Phụng.
- Đâu, chị nói giới thiệu cho em người nào đâu, sao chẳng thấy?
Mỹ Phụng cười nho nhỏ trêu:
- Con mắt em đâu mà chẳng thấy người đó?
Út ngây thơ nhìn quanh:
- Ngoài chị và em ra thì có ai đâu?
Mỹ Phụng kéo sát Út vào mình rồi nói nhỏ vào tai cậu ta:
- Người ấy là chị đây nè, em chịu không?
Hỏi xong cô nàng không để Út trả lời đã ôm sát hôn Út đắm đuối:
- Từ hôm gặp em, chị đã thấy có tình cảm với chàng trai này rồi. Và chị nghĩ em cũng đã yêu chị, đúng không? Chị biết chúng ta có duyên phận với nhau mà!
Mùi con gái thơm tho lạ lùng, hơi thở nàng ấm áp là những thứ mà chưa bao giờ Út được cảm nhận. Út Nhì như say, như điên dại ôm chầm lấy Mỹ Phụng. Hai người quấn nhau như hai con rắn mặc cho chiếc thuyền chòng chành làm vỡ những mảnh trăng vàng.
Đêm ấy cả hai ân ái với nhau đến gần sáng. Khi con trăng sắp chìm dưới dòng sông thì nàng mới giục:
- Thôi, đêm nay chị đã làm vợ của em rồi, bây giờ phải đưa trả chị về bến chợ Vàm, tối nay mình sẽ lại gặp nhau.
Út còn quyến luyến:
- Nhưng trời chưa sáng hẳn, chúng ta nấn ná lại đôi giờ nữa được mà.
Nàng lắc đầu và hôn nhẹ má Út:
- Không được, chị phải về ngay đây, đừng cãi chị giận sẽ từ biệt luôn bây giờ. Đừng trẻ con nữa ông chồng bé bỏng của chị.
° ° °
Suốt mấy đêm liền khuya nào Út Nhì cũng chèo xuồng ra chợ Vàm đón Mỹ Phụng và đưa nhau ra khúc sông vắng để tâm tình ân ái.
Rồi một đêm Mỹ Phụng nói thì thầm bên tai Út:
- Bao ngày qua em đã cho chị biết thế nào là thứ hạnh phúc xác thịt gái trai. Nhưng em với chị tuy có duyên mà không nợ nên đêm mai ta gặp nhau sẽ là đêm cuối cùng.
Út muốn khóc:
- Hay là chị cho Út theo chị. Út nghèo tài sản chỉ có chiếc xuồng này thôi. Út sẽ bỏ xuồng, bỏ bến sông, bỏ làng sẵn sàng theo chị đến bất cứ nơi nào.
Mỹ Phụng vuốt ve mái tóc rối bù của Út:
- Không được đâu, đời sống của chị và em khác nhau xa lắm, đôi bề cách trở, không thể nào ở vĩnh viễn bên nhau mãi được. Chúng mình chỉ có bấy nhiêu thôi. Đừng buồn chồng ơi.
Đêm sau trời đã nhá nhem tối bỗng có một cơn mưa nhỏ rơi xuống. Khung cảnh làng quê càng trở nên mịt mờ vắng lặng.
Bữa nay chắc nước ngược hay sao mà xuồng chèo lâu quá vẫn chưa chịu đến cửa Vàm. Khi đến được chỗ gánh hát thì tuồng đang diễn. Út cột thuyền nhảy lên bờ đi thẳng vào cửa chợ. Lố nhố người xem hát, Út Nhì há hốc say sưa ngắm Mỹ Phụng trong vai Chiêu Quân.
Út Nhì thấy Mỹ Phụng mê mải hát dường như chẳng hề để ý gì đến cậu ta. Gần vãn đêm hát, Út Nhì đi ra, xuống xuồng ngồi chờ trong lòng cảm thấy buồn vô hạn. Lát sau Mỹ Phụng xuất hiện. Không chờ cho xuồng đi xa, nàng lao tới ôm chầm lấy Út Nhì rủ rê cậu ta vào thú vui xác thịt như những đêm trước.
Xong việc nàng khóc với Út:
- Ân tình với em đêm nay nữa là xong, về sau em nên đi lấy vợ và xin đừng mơ tưởng.
- Không, Út sẽ theo chị, Út không lấy vợ đâu, chị đã là vợ của Út rồi.
Nàng ủ dột:
- Biết là khó rời nhau, song duyên số đã vậy biết nói sao bây giờ. Thôi em hãy nằm trong lòng chị, để chị hát ru cho mà ngủ.
Rồi nàng Mỹ Phụng nỉ non hát. Tiếng hát của nàng ngọt ngào dìu dặt khi xa khi gần làm đôi mắt Út Nhì ríu lại và ngủ thiếp đi trong vòng tay mân mê êm ái của người con gái...
Đến sáng hôm sau khi những tia nắng ban mai đầu tiên chiếu vào mặt Út Nhì làm cậu ta giật mình tỉnh giấc. Ngó quanh không thấy Mỹ Phụng đâu, còn chiếc xuồng của cậu ta thì đậu trên một bãi cạn chung quanh đầy mồ mả cái cao cái thấp lúp xúp lô nhô... Hốt hoảng, Út Nhì ì ạch đẩy xuồng xuống mép nước chèo riết về cửa Vàm. Gánh hát đã dọn đi trong đêm...
° ° °
Ông cụ Út Nhì nay đã ngoài chín mươi, đang sống ở một trung tâm nuôi dưỡng người già. Ông cụ kể chuyện về "mối tình xưa" xa lắc nào đó chẳng rõ là thật hay hư. Đó là mối tình với một cô đào hát mơ hồ như truyện liêu trai ma quái. Buổi chiều buồn. Trên ghế đá ngoài sân trung tâm, ông ngồi một mình với cái bóng hiu hắt. Đôi mắt hấp háy, mọng đỏ, ông nói:
- Từ đó tới giờ tôi không có vợ con, tôi sống thủy chung với một bóng hình trong quá khứ. Nàng là người hay ma, tôi không xác định được, nhưng tôi yêu nàng, tôi mong là có cơ hội được gặp lại nàng, Mỹ Phụng của riêng tôi...
(Tác giả Người Khăn Trắng , nguồn vnthuquan.org)