15/3/12

Hai nén hương thề - Trầm hương

Trước khi ra khỏi nhà trọ, Lê Thanh còn nghe lão già cụt chân nhắc lại:

- Cậu hãy nhìn cái chân chỉ còn một cọng như cái chân tôi đây để mà tính con đường tương lai của mình. Nên nhớ nằm lòng đều này: "Không ai được cái gì vô điều kiện từ mẹ rừng cả. Mà vàng, trầm đều là sản phẩm của rừng không thể tự tiện lấy đi mà được yên lành hoàn toàn đâu…".

Đi đã xa trên con đường rừng rồi mà Thanh vẫn còn nghe vang vọng trong đầu câu nói ấy. Anh còn nhớ như in chuyện về cái chân bị mất của lão già. Chính một lần đi lấy trầm hương ở cánh rừng này lão đã bị hổ vồ và may mắn thoát được sau khi mất một chân trong miệng hổ đói, nhờ đã nhanh trí dùng con dao trên tay mình chặt đứt cẳng chân con hổ đang ngoạm.

Đâu phải ai tìm được trầm đều phải hy sinh thân thể. Đã có khối người làm giàu nhờ tìm được kỳ nam, trầm hương. Họ có sao đâu ngoài sự giàu sang và đổi đời?

Vả lại, với Thanh chuyện tìm trầm để làm giàu không phải là mục đích chính. Mà mục đích quan trọng hơn của anh là thực hiện lời nguyền của người cha quá cố. Trước khi nhắm mắt, ông đã gọi Lê Thanh đến bên và dặn chỉ một mình anh nghe thôi: "Con phải nhớ, cả đời ba đã tiêu tốn bao công sức chỉ cho mỗi mục đích là tìm cho ra một miếng trầm mà như lời ông nội con miêu tả lại, ông nội con đã để vuột mất nó chỉ trong nháy mắt chỉ vì một mỹ nhân xuất hiện bất ngờ khi ông con vừa tìm thấy trầm! Chính ba cũng vậy, sau hơn ba tháng canh chừng gian khổ, ba sắp lấy được nó thì cũng bỗng bị hoa mắt ngã té từ trên cây xuống gộp đá sâu, may mà không chết, chỉ bị hôn mê và sau đó bị bại liệt luôn, không còn khả năng trở lại rừng nữa... Nhưng ba quyết phải thành công. Đời ba làm chưa được thì tới phiên con. Con phải hứa với ba, phải tiếp tục con đường của ba, nếu không thì ba sẽ mãi mãi làm oan hồn, không thể siêu thoát...".

Lê Thanh lao vào cái nghiệp đi tìm trầm không phải vì để làm giàu, mà vì chính lời ước nguyện của cha. Vả lại, chẳng biết phải do ám ảnh lời ước nguyện hay nguyên do nào khác, mà những lúc gần đây Thanh lại nghe niềm đam mê đi tìm trầm trong người cháy bỏng lên hơn bao giờ hết. Anh đã thề với lòng rằng phải tìm cho bằng được trầm hương mà không phải đánh đổi bất cứ thứ gì!

Soát lại túi thức ăn mang theo, Thanh khá yên tâm, bởi với lượng thức ăn này một mình anh thừa khả năng sống hơn một tuần giữa rừng. Cũng giống như lần trước, Lê Thanh không cần sự trợ giúp của ai, sẽ một mình lặng lẽ tìm kiếm và nhận mọi nguy hiểm chỉ với đôi tay và ý chí của mình. Anh nhớ lời cha anh đã nói lúc ông còn làm nghề đi rừng: "Tìm trầm hương là thử thách cái cơ duyên của mỗi người. Vậy đi tìm trầm thì tốt nhất là đi một mình. Có duyên thì vận may sẽ tới...".

Đã sống qua một tuần trong chốn thâm u này mà cơ may chưa tới, nên hôm nay bắt đầu tuần thứ hai Thanh có vẻ tự tinh hơn, anh vừa tìm chỗ mắc võng nghỉ chân vừa lâm râm khấn vái vong hồn cha: "Con sẽ thực hiện được ước nguyện của cha, cha yên tâm đi. Trước sau gì con cũng thành công!".

Những lời khấn vái như thế này đồng thời là những lời tự động viên của Thanh. Anh luôn muốn làm như vậy mỗi khi mệt mỏi, chán nản...

- Chào người anh em trẻ!

Câu chào của ai đó làm cho Lê Thanh giật mình quay lại. Một lão già người thượng quẩy chiếc gùi trên lưng, đang đi từ một con đường nhỏ băng ra. Họ chẳng quen nhau, nhưng thường người đi hay chào hỏi nhau nếu bất chợt gặp nhau giữa rừng.

- Dạ, chào già... ông cũng đi săn?

Ông lão cười nhe ra hai cái răng còn lại chổng trơ trên hàng nướu thâm xì:

- Anh trẻ đi săn gì? Có giống già đi tìm con tra trả hay không?

(Thanh đã có nghe về con chim gọi là tra trả này, nó là loài chim chuyên bám theo các loại thú dữ như cọp, beo để kêu lên mỗi khi loài ác thú xuất hiện. Người đi rừng thường bảo loài chim đó giống như loài chim báo bão ngoài biển khơi. Nó là loài cứu tinh của con người!)

Anh hỏi thăm:

- Rừng này có ông hổ nào có loài chim đó?

Lão già vẻ sợ hãi:

- Đây là hang ổ của chúng, sao lại không có! Mà sao anh trẻ đi một mình và không mang theo cái cây bùm bùm?

Biết ông già hỏi đến súng, Thanh cười đáp:

- Cháu không đi tìm ông hổ thì đem súng theo làm gì già ơi! Hổ sẽ không hại người khi người không tìm đến chúng phải không?

Lão già thượng rùn vai:

- Người ta nói vậy, chớ ở đây người đi rẫy, lên nương bị "ông" hạ hoài. Phải nói là không có ý săn hổ, nhưng có tiền kiếp thâm thù với hổ, thì cũng bị "ông" sát khi gặp mặt.

- Vậy già đi tìm chim tra trả để làm gì?

- À, già tìm cho Thần Hương. Thần ra lệnh đi tìm, bảo chim mau về đây, mang ông hổ cùng về, để giúp thần đuổi bọn xấu đi!

Lê Thanh ngạc nhiên:

- Thần Hương là ai? Có phải là Thần Trầm hay không?

Nghe Thanh nói, già thượng hoảng hốt:

- Đừng nói tên đó ra!

- Tên nào?

Lão hạ thấp giọng như sợ có người nghe:

- Ở đây không ai gọi là trầm hương cả, mà phải gọi là Thần Hương!

Lê Thanh càng tò mò thêm:

- Sao lại có Thần Hương?

Thấy anh chàng quá lờ mờ, già thượng phải nói rõ hơn:

- Lâu nay nhiều người đổ xô về đi tìm trầm, họ tận dụng chặt phá không chừa cây già đến cây con. Chỉ có những loài trầm hóa kiếp rồi mới thoát nạn, nhưng các vị ấy đã nổi giận!

Chạm vào đúng mục đích của mình, Thanh hỏi tới:

- Sao lại gọi là trầm đã hóa kiếp?

- Thì… trầm đã hiển linh, đã không còn là trầm mà bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy.

- Thì ra là thế!

Lê Thanh nhớ lại những chi tiết về cái chết của ông nội, rồi tai nạn của cha, anh liên tưởng đến điều mà già thượng vừa kể. Anh hỏi lại:

- Trầm đó có lấy được không?

- Trầm nào?

- Trầm hiển linh ấy!

Lão già nhẹ lắc đầu:

- Đừng hòng.

Ông ta đáp xong đưa mắt nhìn Lê Thanh ra vẻ ái ngại. Rồi lặng lẽ bỏ đi mà chẳng nói thêm một lời nào...

Anh chàng định gọi lại, nhưng nghĩ sao lại thôi. Đợi lão kia đi xa rồi Thanh mới rẽ về một hướng khác, nơi mà hôm trước anh đã từng đi qua, mà cũng là địa điểm mà theo lời chỉ dẫn của cha, ông đã từng ở đó lâu ngày và đã tìm được dấu vết của trầm hương.

Đến xế chiều hôm đó, chợt có một cơn mưa lớn. Lê Thanh đã thủ sẵn mọi thứ, nên chỉ trong vòng 5 phút anh đã mắc được chiếc võng treo lơ lửng giữa hai nhánh cây và có cả tấm bạt che mưa.

Mưa ở rừng có khi kéo dài cả ngày, nhưng cũng có những cơn mưa chỉ ồ lên một chút rồi ngừng, như cơn mưa hôm nay. Mưa tạnh, nhìn đồng hồ thì đã quá giờ, nên Lê Thanh quyết định ngủ lại, sáng mai sẽ đi tiếp. Theo anh nhẩm tính thì đã sắp đến địa điểm có ghi dấu của cha và ông nội, Thanh yên tâm chờ đêm xuống...



Giật mình tỉnh giấc bởi mùi hương nức mũi, Lê Thanh nhìn xung quanh một lượt, nhận ra mình vẫn nằm yên trên võng treo giữa hai thân cây. Ánh trăng trên đỉnh đầu sáng trong tỏa khắp khu rừng, mà bằng mắt thường cũng nhìn thấy vạn vật như đang lay động theo từng cơn gió. Đêm rừng đẹp lạ thường!

Và còn đẹp hơn khi Thanh chợt nhìn xuống gốc cây và bắt gặp một người con gái đang đứng co ro, mái tóc xõa tung bay theo gió...

- Cô là…?

Thanh hỏi rất khẽ, nhưng cô gái đứng dưới vẫn nghe, cô không nhìn lên, thốt lời:

- Thật vô tình, mình nằm ngủ ấm áp như thế, để người khác lạnh cóng cả người…

Trước hoàn cảnh bất ngờ, Lê Thanh lúng túng:

- Cô là… là ai vậy? Tại sao nửa đêm lại ở đây? Cô là…

- Hỏi gì mà lắm thế? Không kịp để cho người ta trả lời!

- Nhưng... cô là...

- Là người thiếu lịch sự, ngồi trên cao nói chuyện với một người đang sắp chết vì lạnh dưới này, coi được lắm sao!

Bây giờ Lê Thanh mới nhớ ra, anh chuẩn bị bước xuống thì đã nghe nàng ta cười khúc khích:

- Thôi, để người ta lên!

Nói xong, cô này thoăn thoắt leo lên, còn giỏi hơn là Thanh lúc leo lên ban chiều.

- Cô biết leo cây?

- Nếu không tập leo thì đã bị hổ ăn thịt từ đầu hôm rồi. Vừa rồi... chỉ vì ngại nên... người ta mới còn đứng đây, chớ còn mùi hổ đang rất gần đây.

Vừa lúc ấy Thanh nghe tiếng chim tra trả kêu lên liên hồi. Dấu hiệu có hổ đến gần!

Không còn kịp suy nghĩ, Thanh đưa tay kéo cô nàng lạ mặt lên ngay cùng chung võng với mình. Cũng may dây võng khá chắc nên hai người ngồi vẫn an toàn. Tuy vậy Thanh vẫn nói:

- Hay để tôi qua cành cây ngồi, cô nằm nghỉ...

Cô gái liếc nhìn rất sắc:

- Lịch sự có thừa, đúng là người thành phố!

Bây giờ Thanh mới kịp nhìn kỹ cô gái, bất chợt anh giật mình, bởi sắc đẹp lạ thường của cô nàng!

- Cô là...

- Lại hỏi nữa! Hay Ià không muốn cho người ta chung võng?

- À không, tôi chỉ...

Có thể thông cảm cho sự lúng túng của anh chàng, nên nàng ta nói, giọng khác hẳn nãy giờ:

- Em theo đoàn đi săn hổ, bị hổ rượt nên lạc đường.

- À, thì ra...

- Còn anh, sao lại chọn rừng già đầy hiểm nguy này nằm ngủ, hay là muốn làm bạn với thú dữ?

- Cô hiểu như thế cũng không sai.

Bây giờ đã xác định hương thơm lừng nãy giờ là do từ thân thể cô gái phát ra, Thanh đột ngột đưa mũi dí sát vào mái tóc nàng ta và hỏi:

- Có phải cô ướp hương trầm?

Cô gái nhìn sâu vào mắt Thanh:

- Anh không thích?

Lê Thanh hít một hơi dài:

- Chỉ vì mùi hương này mà tôi nguyện gắn cuộc đời mình với chốn này.

Nàng chau mày:

- Anh đi tìm trầm?

Thanh không giấu:

- Tôi không chuyên nghiệp, nhưng vẫn là người tìm trầm hương. Mà như vậy thì có gì không nên chăng? Nàng nhẹ lắc đầu:

- Đâu có sao. Miễn là...

Nàng có vẻ như muốn tránh không muốn nói chuyện đó, nên lảng sang chuyện khác:

- Anh có biết là vùng này có hổ?

- Có. Tôi có nghe ông già thượng nói lúc chiều. Cô cũng biết?

- Không, em bị lạc đường... cũng may có anh. Anh là...?

Lê Thanh chợt nhớ ra:

- Nãy giờ quên không giới thiệu, tôi là Lê Thanh. Còn cô?

- Lệ Hương.

Lúc ấy chợt có một tiếng gầm thật lớn. Có lẽ lũ hổ đang đến gần.

Lệ Hương vội ôm chặt lấy Thanh, người run run lên nhè nhẹ. Mặc dù cũng sợ, nhưng có hơi ấm của cô nàng, đồng thời hương thơm lạ thường cứ phả vào mũi, đã làm cho anh như ngất ngây, quên cả loài mãnh thú đang rình rập dưới kia.

Một con hổ thật to đi thẳng về chỗ hai người. Cách khoảng hơn chục bước chân, bỗng nó dừng lại, nghểnh cổ lên nhìn và rõ ràng hai cánh mũi nó phập phồng như ngửi hương thơm kỳ lạ đó vào buồng phổi. Vài mươi giây trôi qua, rồi bỗng dưng con hổ quỳ phục xuống như một người đang quỳ gối! Mắt nó hướng chỗ hai người như chờ đợi...

Lê Thanh muốn tiếp tục theo dõi động tĩnh của con hổ, nhưng vòng tay của cô nàng ghì chặt cổ anh xuống. Giọng cô thật khẽ:

- Em sợ... hãy ôm chặt vào... nữa... vào nữa...

Trời đất như quay cuồng, đảo lộn... Lê Thanh dần dần có cảm giác như toàn thân mình nóng ran lên, đôi mắt muốn mở ra mà sao không tài nào mở được.

Chừng như có bàn tay ai đó lùa vào ngực anh và vuốt nhẹ xuống. Cái vuốt tay đến đâu người anh run lên đến đó...

- Nè, cái anh trẻ ơi! Làm gì mà giờ này còn nằm trên võng vậy?

Lão già thượng gọi ba bốn lần vẫn chẳng thấy động đậy, nên lầu bầu:

- Mặt trời đã đứng bóng rồi, sao vẫn còn ngủ...

Linh tính như báo điều chẳng lành, lão đặt gùi xuống rồi leo lên cây. Phát hiện Lê Thanh đang nằm bất động hai mắt nhắm nghiền, lão kêu lên:

- Anh trẻ sao vậy?

Vẫn không có phản ứng, lão đưa tay sờ lên trán rồi lên mũi và hoảng hốt:

- Không xong rồi! Trúng gió rừng rồi!

Khó khăn lắm lão mới mở được võng đưa Thanh xuống. Anh chàng đã ngất lịm từ lúc nào rồi, người lạnh như băng. Có điều lạ là dù không biết gì, nhưng hai bàn tay anh chàng vẫn ôm ghì lấy khúc gỗ được đẽo gọt giống như một hình nhân, một mỹ nữ! Lạ hơn nữa, hương thơm phát ra từ khúc gỗ đẽo làm cho lão thượng phải ngẩn ngơ. Lão lẩm bẩm:

- Trầm hương! Thần hương!

Lão chợt nhìn ra sau, thấy con hổ vẫn quỳ ở đó, thì thật nhanh, lão chấp tay lại, đọc lầm thầm gì đó trong miệng.

Con hổ hiền khô, nó từ từ đứng lên rồi đi biến vào rừng cây.

Cất tiếng hú mấy hồi dài... lát sau người làng của lão thượng tới bốn, năm người nữa. Lão bảo họ khiêng Thanh về bản. Để mọi người không nhìn thấy, lão khéo léo lấy áo choàng của Thanh quấn chặt anh lại, nhét pho tượng vào trong đó.

Lão tỏ ra vô cùng cung kính khúc gỗ trầm. Gần như không dám chạm mạnh vào.

Về đến bản, nhờ có thuốc gia truyền, đồng thời chừng như đoán được căn bệnh của Thanh, nên đến tối hôm đó thì Thanh tỉnh lại.

Vừa tỉnh, anh đã bật dậy hỏi ngay:

- Nàng đâu?

Lão già thượng ngạc nhiên:

- Nàng nào?

Chợt nhận ra trong tay mình có pho tượng gỗ trầm, đến phiên Thanh ngơ ngác:

- Cái này... ở đâu vậy?

- Thì của cậu. Lúc tôi leo lên võng thì thấy cậu bị ngất mà trong tay vẫn còn ôm chặt lấy pho tượng này. Chẳng của cậu thì của ai?

Lê Thanh nhớ lại chuyện hôm qua. Anh lẩm bẩm:

- Thì ra...

- Cậu nói gì?

- À, không. Cháu chỉ...

Thanh săm soi pho tượng thật kỹ, hương thơm từ đó phát ra nức mũi, chẳng khác mùi hương của cô gái lạ đêm qua.

- Hay là…?

Anh quay sang lão thượng, hỏi:

- Có một đoàn đi săn ở gần đây phải không?

Lão già lắc đầu:

- Đây là vùng cấm săn bắn, mà cũng đã lâu chẳng hề nghe thấy cuộc đi săn nào.

Thanh muốn kể lại chuyện cô gái, nhưng lưỡng lự một lúc rồi thôi. Anh chỉ nói:

- Cháu muốn nghỉ nhờ ở đây đến sáng mai.

Lão già thượng thật lòng:

- Anh trẻ muốn ở bao lâu cũng được. Bởi vì già này có hứa với Thần Hương hễ ai là bạn thì sẽ bảo vệ tới cùng.

- Nhưng cháu đâu phải là bạn?

Chỉ pho tượng gỗ, lão nói:

- Pho tượng này theo lão biết thì đã ở trong hang gió từ mấy chục năm rồi, không một ai lấy được. Theo truyền thuyết thì tượng này do một người đi tìm trầm, khi bị kẹt dưới hang không lên được, đã bỏ ra mấy tháng trời mới tạc xong pho tượng này bằng chính khúc gỗ trầm do mình tìm được. Tạc xong tượng thì ông ta chết. Hiện nay xương cốt trong Hang Gió. Hang quá hiểm trở, không một ai xuống đó được. Vậy anh trẻ có được pho tượng này chắc là… có điều gì đó thiêng lắm…

Thanh nhớ lại có lần cha mình đã muốn kể rõ về cái chết của ông nội đi lấy được trầm thì bị rơi xuống vực. Rồi thôi, không kể nữa… có thể xác chết trong hang Gió đúng là ông nội của anh? Ông đã chết thảm và đầy bí ẩn như thế, chớ không như lời kể của cha. Giờ đây kết nối câu chuyện của ông già thượng, Thanh bắt đầu hiểu ra…

Nhưng tại sao anh có được pho tượng này, nếu không do cô gái lạ hồi đêm? Thanh khẩn thiết van nài lão già:

- Cháu có liên quan đến người bỏ xác trong hang Gió mà lão vừa nhắc tới đó. Cháu muốn biết có phải lúc sáng lão nói về cây trầm hương hiển linh có liên quan đến tượng này?

Có lẽ muốn giấu, nhưng thấy thái độ thành khẩn của Thanh, nhất là khi nghe anh nói mình là cháu của bộ hài cốt trong hang, lão trầm ngâm một lúc rồi nhẹ giọng kể:

- Chuyện này già đã thề dưới hang Gió là không nói cho ai biết. Nhưng đến nay có lẽ già cũng phải phá lệ thôi. Hồi đó, có lẽ cũng ngót 20 năm rồi, già mạo hiểm đuổi theo một con chồn bị thương chạy vào hang Gió và bị lọt xuống hang, ở đó già tình cờ gặp một bộ xương tay còn ôm pho tượng trầm tỏa hương này. Trên vách hang có mấy hàng chữ viết bằng máu đã sẫm màu, ghi lại ý nguyện của người đó trước khi chết...

Không đợi lão kể hết, Thanh chen ngang:

- Viết gì vậy?

Lão kể tiếp:

- Người ấy dặn con cháu không nên tìm lấy trầm hương nơi này nữa, bởi đây là trầm thiêng. Bởi nó quá thiêng nên ai tìm thấy nó đều chịu nhiều bất trắc. Cũng như người đó, tiết lộ rằng trong lúc đốn trầm đã vô tình gây thương tích và để lại máu thấm vào thân trầm hương. Mà dân rừng ở đây ai cũng đều biết, một khi máu người thắm vào trầm thì khúc trầm đó sẽ... thành tinh!

Lão kể tới đây thì lạc hẳn giọng, liếc nhìn pho tượng gỗ trầm, lộ vẻ sợ sệt…

Lê Thanh xiết chặt pho tượng vào lòng, anh quay qua chỗ khác, nói chỉ mình nghe:

- Đúng cô nàng ấy là...

Lão già thượng hỏi:

- Cậu nói gì?

- Dạ... không có gì.

° ° °

Lê Thanh về thành phố mang theo cả pho tượng trầm hương. Về nhà, anh lục tìm trong tủ sách cha để lại, thật bất ngờ, anh bắt gặp một quyển sổ tay mà trong đó có những dòng mà do chính tay cha anh ghi lại:

"Tôi hai lần trở lại chỗ Hang Gió, cố tìm cách thâm nhập vào hang để đưa xác cha về, nhưng lần nào cũng thất bại. Tôi đã giấu không kể hết sự thật về cái chết của ông nội thằng Lê Thanh cho nó nghe, chỉ sợ nó sau này lặp lại điều mà ông nội nó phạm phải. Kể cả tôi, suốt gần mười năm tìm trầm chưa bao giờ tôi dám nghĩ chuyện trở lại Hang Gió lần nữa, mặc dù cho đến hôm nay hài cốt cha tôi vẫn chưa đem về được...".

Thế là rõ, những gì ở Hang Gió có liên hệ trực tiếp tới nhà anh. Đặc biệt là pho tượng gỗ trầm này…

Kể từ hôm trở về nhà Thanh đặt pho tượng lên trên đầu tủ ngay trong phòng mình. Nhưng ngay đêm đầu tiên, giữa giấc ngủ, anh phải giật mình bật dậy nhiều lần, bởi cứ khi nào nhắm mắt là y như rằng có một thứ ánh sáng xanh kỳ lạ phát ra từ pho tuợng!

Cứ ngỡ là do mình đi xa mới về còn mệt nên bị tình trạng như vậy. Nhưng đến đêm thứ hai, thứ ba vẫn xảy những chuyện giống như thế. Điều này đã làm cho Thanh bắt đầu lo ngại.

Tới ngày thứ năm Thanh chuyển bức tượng ra phòng khách, nơi có tủ thờ ông nội và cha. Tượng được để trang trọng trong một hộp kính, đặt trên một tủ thờ riêng.

Đêm đó quả nhiên những cơn ác mộng không xảy ra nữa. Lê Thanh ngủ yên tới sáng.

Nhưng có một điều lạ thường đã xảy ra vào sáng sớm hôm đó! Vừa bước ra phòng khách, Thanh đã sững sờ trước một bộ hài cốt đặt ngay dưới chân bàn thờ.

Trong nhà chỉ một mình Lê Thanh sống, lúc ngủ cửa nẻo đều đóng kín, khóa chặt. Như vậy nhất khoát không phải do ai mang bộ xương vào nhà...

Lúc xem kỹ lại bộ hài cốt, Thanh phát hiện ở xương cổ còn có một thẻ bài bằng kim loại, trên đó ghi rõ danh tính là Lê Văn Hạo. Đó chính là ông nội của Lê Thanh!

° ° °

Lê Thanh sống yên ổn với bức tượng gỗ trong nhà. Còn hài cốt ông nội thì anh mai táng ngay vườn sau nhà.

Cuối năm đó Thanh có ý định lấy vợ. Cô gái anh dự tính lấy tuy không phải do mối tình lãng mạn, nồng thắm... Tuy nhiên, do có người mai mối, đồng thời Thanh cũng muốn có người tiếp tay lo chuyện nhà nên Thanh đồng ý, chuẩn bị chọn ngày làm lễ hỏi.

Nhưng thật lạ lùng, nửa đêm hôm đó bỗng nhiên những bát nhang đặt trên bàn thờ bốc cháy dữ dội. Khi Thanh phát hiện chạy ra thì lạ hơn nữa, cái hộp kính bao pho tượng trầm bỗng nổ to và vỡ ra từng mảnh. Thứ ánh sáng xanh hôm trước lóe lên rất lâu!

Như được báo trước một điều gì đó, tự nhiên Thanh đổi ý, hủy lễ hỏi sáng ngày mai. Dù bị khá nhiều rắc rối ngay sau đó, nhưng Thanh cam chịu, không hối tiếc điều gì…

Và cũng lạ lùng hơn, kể từ hôm ấy, nếu Lê Thanh đóng cửa ở trong nhà thì không có việc gì, trái lại nếu anh ra đường và có quan hệ với ai là nữ giới, thì y như rằng bàn thờ tổ tiên nhà anh bốc cháy! Mỗi lần như vậy thì pho tượng cũng phát ra lửa xanh kỳ lạ, rồi tự nhiên mùi hương nức mũi cũng biến mất. Hiểu điều đó, nên kể từ đó Thanh chỉ đóng cửa và luôn nhang khói đều đặn cho cả pho tượng trầm hương.

Về sau, người ta đồn rằng cậu Lê Thanh có quan hệ với hồn ma hay một người con gái nào đó trong nhà mình. Cô ta chỉ xuất hiện vào ban đêm và mỗi khi xuất hiện thì mùi hương lạ thường lan tỏa khắp xóm.

Hư thực ra sao, chỉ có Lê Thanh mới biết...

Chỉ có điều là hàng chục năm sau vẫn chẳng thấy anh chàng lấy vợ. Vậy mà ngôi nhà anh ta ở lúc nào cũng như tràn đầy hạnh phúc…

(Tác giả Người Khăn Trắng, nguồn vnthuquan.org)