Cửa hàng của Tiêu Sơn cũng nằm trong hoàn cảnh đó. Ngay khi mùa mưa bắt đầu, anh chàng lái buôn độc thân này đã tính chuyện đóng cửa rồi đi chơi đâu đó, chờ qua hết tháng tám mới trở về.
Sáng hôm đó, sau khi thức dậy, chỉ ăn sáng qua loa, Sơn đã xách va-li đi ra. Trong lúc anh còn loay hoay khoá cửa thì chợt có tiếng người hỏi sau lưng:
- Sao giờ này mà hiệu buôn lại khoá cửa?
Quay lại, Sơn cau mày khi nhìn thấy một người đàn ông lạ, không có vẻ gì là cư dân địa phương.
- Phiền ông, hôm nay cửa hàng tôi nghỉ bán.
Người đàn ông lạ vẫn lịch sự:
- Tôi tới đây không phải mua hàng mà để bán hàng.
Sơn nhún vai, vẻ ngán ngẩm:
- Hàng đã không bán thì mua vào làm gì! Anh tới nhầm chỗ rồi. Mời anh đi cho.
Tiêu Sơn xách va-li bước nhanh đi, nhưng người đàn ông kia đã gọi giật lại:
- Ông cần mở cửa ra để nhận những thứ này.
Ông ta chỉ ra phía sau lưng mình, nơi có nhiều thùng đồ niêm phong:
- Những thứ này thuộc về ông. Ông cần cất giữ nó, rồi sau đó đi cũng được.
Sơn vốn tính ngay thẳng, anh hơi cáu:
- Ông cho rằng tôi sẽ chứa chấp bất cứ thứ gì không phải của mình trong nhà hay sao?
Người đàn ông vẫn kiên trì:
- Thứ hàng này không phải của tôi, mà là của một người quen với anh gửi, nhờ tôi chuyển giùm. Anh xem người ta ghi ngoài thùng kìa.
Lúc này, Sơn mới để ý nhìn mấy dòng chữ ghi ngoài thùng. Đúng là gửi cho anh, và người gửi chính là người bạn thân ở ngoài tỉnh lỵ. Sơn mừng lắm:
- Lâu lắm rồi không được tin người bạn thân này, không ngờ nay anh ta lại giở trò gửi quà cáp gì nữa đây!
Người đàn ông lạ lại nói:
- Người gửi quà cho anh có dặn tôi là phải giúp anh đưa nó vào nhà rồi mới được đi. Vậy anh nên mở cửa cho tôi chớ.
Không còn cách nào hơn, Sơn đành phải mở cửa và giúp anh ta chuyển bốn thùng hàng vào nhà. Khi các thùng hàng được mở ra thì Sơn vô cùng ngạc nhiên khi thấy trong cả bốn thùng ấy đều là hàng tơ lụa đắt tiền, những thứ mà từ mấy tháng qua cửa hàng của Sơn đã bán sạch, mà việc mua lại nó thì không thể, bởi nó hiếm và giá cả quá mắc, vượt khả năng của Sơn. Vậy mà nay...
Người đàn ông lạ giải thích thêm:
- Người bạn tên Phú của anh còn căn dặn tôi rằng nên ở lại giúp cho anh vượt qua giai đoạn buôn bán ế ẩm này. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ thì người giúp anh tốt nhất là một người khác, chớ không phải tôi.
Anh ta vừa nói xong đã quay ra ngoài vỗ tay liền ba cái. Từ ngoài cửa, có một người lao vụt vào nhà trong tư thế đang che kín mặt mày.
- Người này sẽ ở lại đây giúp anh mọi việc.
Lúc ấy, người trùm mặt kia mới bỏ tấm mạng che mặt ra, lộ diện là một cô gái tuyệt đẹp! Người đàn ông lạ giải thích:
- Người này cũng không phải của tôi, mà là của cậu Phú, bạn cậu. Chính cậu Phú bảo tôi đem số hàng này và cô gái tới đây gửi cho cậu. Có một lá thư gửi cho cậu nữa...
Ông ta đưa cho Sơn lá thư ngắn, trong đó Phú giải thích sự việc:
"Mình có việc phải ra nước ngoài một thời gian dài, là hàng hoá và công việc buôn bán không kịp thu xếp. Vậy nếu còn nghĩ tới người bạn thân này thì Sơn hãy nhận số hàng tơ lụa và cứ toàn quyền bán buôn nó theo ý thích, tiền thu
được thì cứ giữ lấy, dùng nó làm vốn tái tạo lại việc kinh doanh, khi về anh em mình sẽ tính lại với nhau. Riêng người con gái này, vốn là em gái nuôi của tôi, cô ấy hiền ngoan và tốt bụng, lại giỏi giang, tôi gửi cho cậu, xin hãy vì tôi mà cho cô ấy ở nhờ, bù lại cô ấy sẽ giúp cậu việc buôn bán. Cô ấy còn độc thân, nên Sơn không phải ngại gì cả..."
Đọc xong lá thư, Sơn vẫn chưa thể hiểu hết ý, anh hỏi lại:
- Phú còn ở nhà nó không? Tôi phải gặp ngay nó, bởi tôi không thể lo việc này.
Người đàn ông bảo:
- Cậu Phú đã lên máy bay rồi, nghe nói lâu lắm mới về. Tôi là người làm công lâu năm của cậu ấy, mà nay cũng bị yêu cầu tìm chỗ mà ở. May mà tôi còn có người bà con. Vậy thôi nhé, mọi thứ anh cứ làm theo lời dặn. Tôi đi đây.
Sơn muốn giữ ông ta lại, nhưng lúc đó người đàn ông kia đã biến mất ngoài cửa. Thất vọng, Sơn định lên tiếng thì cô gái đứng bên cạnh chợt nói:
- Hàng hoá này anh không nên để trong thùng quá lâu. Vả lại có nhiều khách hàng sắp tới mua, anh nên bày nó ra.
Sơn nhìn cô ta ngạc nhiên:
- Cô... cô...
Nàng ta nhắc lại:
- Khách đến mua hàng đông lắm, anh phải bày hàng và mở cửa ra kẻo không kịp.
- Cô biết gì chuyện bán hàng ở đây mà can thiệp. Mùa này chờ ba ngày cũng không có một người khách, chứ đừng nói...
Lời Sơn chưa dứt thì đằng trước đã có nhiều tiếng huyên náo, rồi có người gọi to:
- Ông chủ ơi, khách chờ mua hàng đông lắm, hãy mở cửa ra mau!
Trong lúc Sơn còn đang ngạc nhiên thì cô gái lại giục:
- Sao không mở cửa hàng ra đi!
Rồi không đợi Sơn, cô ta đã nhanh tay mở các kiện hàng tơ lụa ra, bày trên các kệ. Việc làm cực kỳ nhanh gọn trước sự ngạc nhiên, thán phục của Sơn.
- Sao anh còn chưa mở cửa ra?
Khi Sơn mở cửa ra thì cũng là lúc cô nàng nhanh chân lẩn vào bên trong nhà. Sơn phát hiện ra, định hỏi, nhưng lúc ấy khách tràn vào khá đông nên anh cũng chẳng còn hơi sức đâu mà lo chuyện nào khác bằng bán hàng. Khách hàng thích thú với những hàng hoá lạ, nên người này mua lại í ới gọi người khác tới cùng mua.
Chỉ nội buổi sáng mà Sơn đã bán hết một kiện hàng lớn. Điều ấy khiến các hiệu buôn cùng ngành hàng với Sơn kinh ngạc, họ chạy tới chứng kiến và bảo nhau:
- Thằng cha này gặp thời hay sao, chớ mùa này ai lại ùn ùn đi mua hàng tơ lụa như vậy!
Mà chỉ riêng cửa hàng của Tiêu Sơn thôi, các nơi khác hầu như khách không buồn đưa mắt nhìn, dẫu có vài nơi hàng hoá cũng phong phú không kém!
Đến giờ cơm trưa hôm ấy, ngồi tính sổ sơ sơ, Sơn thấy mình đã có doanh thu bằng cả một tháng bán buôn trước đây... Lúc này anh mới chợt nhớ tới cô gái, nên đóng cửa trước, ra nhà sau tìm.
Lại một lần nữa Sơn ngạc nhiên, khi thấy trên bàn ăn đã có một mâm cơm nóng hổi đã dọn sẵn!
- Ủa, ai đã...
Cô gái bây giờ đã thay đổi xiêm y, suýt nữa Sơn nhận không ra, anh lúng túng:
- Cô... cô là...
Cô gái cười thật tươi:
- Em đây mà. Cứ gọi em là Tuyết Hồng.
Sơn không quen lắm việc tiếp xúc với mỹ nhân, nên anh khá vụng về:
- Cô... cô Tuyết...
Nàng lại chủ động:
- Người ta hay gọi em là Hồng Nương. Em thích được gọi như vậy.
- Cô Hồng... Hồng Nương, tại sao lúc nãy cô...
Hồng Nương nói năng khá tự nhiên:
- Lúc ấy em bỗng bị đau mắt không chịu nổi. Vả lại... em cũng không quen... em không muốn gặp mặt người lạ. Mong anh tha lỗi cho.
Sơn xua tay:
- Không sao đâu! Tôi cũng không dám bắt cô Hồng phải nhúng tay vào công việc như vậy!
Nàng chỉ mâm cơm:
- Như việc này thì anh không cấm chớ? Em sẽ tình nguyện hằng ngày được nấu cơm hầu anh. Em ái ngại quá khi thấy bếp núc lạnh tanh, hầu như anh chẳng bao giờ nấu nướng gì?
Sơn lại lúng túng:
- Tôi... có một mình, lại lo buôn bán, nên... gặp đâu ăn đó, lúc nào nhớ thì ăn.
- Không được. Từ nay anh phải ăn uống đúng giờ.
Sơn khoe chuyện buôn bán đắt hàng và tỏ ý lo lắng:
- Hàng bán thì ham quá, nhưng theo đà này thì chỉ vài tuần là hết số hàng đang có, biết tìm mua ở đâu, bởi hàng hoá xứ này không được như thế.
Hồng Nương vô tư:
- Anh cũng chẳng phải lo. Em có một mối chạy hàng giỏi lắm. Người này vẫn thường xuyên lo cung cấp hàng hoá cho anh Phú. Để em nhắn tin, rồi cứ mỗi lần cần hàng ta cứ chờ họ mang tới đây giùm.
Sơn mừng lắm:
- Ồ, được vậy thì còn gì bằng! Đây, bao nhiêu tiền bán được tôi đưa hết cho cô giữ, khi nào cần mua hàng thì cô toàn quyền gửi họ mua. Nhưng tôi vẫn lo, liệu cô còn xa lạ nơi này, vậy làm sao cô đi đứng, giao thiệp cho tiện?
- Ồ, anh không phải lo chuyện ấy đâu. Em có cách của mình để nhờ người quen lo giùm. Tiền này em chỉ giữ tạm thôi, mua hàng hết bao nhiêu, sau đó em sẽ cất vào tủ của anh cho chắc.
- Ồ không, tiền này cô có quyền...
Cô nàng nghiêm giọng:
- Anh Phú đã dặn rồi, số hàng hoá đó là thuộc toàn quyền sử dụng của anh. Mọi tiền bạc thu được từ đó dĩ nhiên là của anh, chớ em thì không can dự gì. Nếu anh tin thì em giúp cho một phần việc đặt hàng, chớ nặng trách nhiệm hơn thì em nhất định không dám nhận!
Sơn đành phải chấp nhận như vậy. Anh mạnh dạn ngồi xuống ăn bữa cơm thật ngon lành. Nhưng đang ăn, anh ngạc nhiên hỏi:
- Nhà không có thức ăn, mà chẳng thấy cô đi chợ, vậy lấy đâu ra những thịt cá tươi ngon như mấy món này?
Nàng lại cười:
- Đó là bí quyết riêng cửa phụ nữ chúng em, anh cho phép em không nói được không?
Tuy không hỏi nữa, nhưng cho đến khi xong bữa ăn, Sơn vẫn còn thắc mắc. Ăn xong, anh vừa định dọn dẹp thì cô nàng đã mau mắn nói:
- Đây là công việc của đàn bà. Đã có đàn bà trong nhà này thì nhất định anh không được làm.
Cũng chẳng còn cách giải quyết nào khác hơn, nên tối đó Sơn phải đưa ra giải pháp:
- Nhà có hai phòng, nhưng vì phòng kia đã lâu không dùng đến nên bụi bặm, hôi mốc. Vậy tối nay cô cứ vào phòng tôi mà ngủ, tôi sẽ ngủ ngoài chỗ bán hàng, vừa trông coi hàng hoá luôn.
Cô nàng đưa tay chỉ vào trong phòng gần bếp:
- Anh thử vào xem, dọn dẹp như vậy được chưa?
Sơn vào ngắm căn phòng và rất đỗi ngạc nhiên:
- Sạch gấp đôi phòng của tôi! Nhưng... thời gian đâu mà cô làm được việc này?
Nàng vừa dọn bếp vừa đáp:
- Việc nhỏ của đàn bà mà.
Đêm đó, Sơn nằm trằn trọc mãi, bởi trong đầu cứ suy nghĩ về sự hiện diện của một cô gái trong nhà mình. Ở lại trong một hai ngày thì được, nhưng lâu dài thì sao? Sẽ giải thích với người quen như thế nào cho hợp lý?
Còn đang mải mê suy nghĩ, bỗng có tiếng gõ nhẹ cửa phòng, Sơn bước ra mở cửa thì không thấy ai, chỉ thấy có mảnh giấy nhỏ nhét ở ổ khoá:
"Anh đừng bận tâm về sự hiện diện của em. Từ nay em sẽ không bao giờ bước ra khỏi cửa một bước. Kể cả chỗ bán hàng, em cũng không có mặt. Phạm vi của em là phòng riêng và nhà bếp, chỉ yêu cầu anh đừng cho người lạ vào khu vực bên trong đó. Cám ơn anh. Hồng Nương."
Nhìn sang phòng nàng thì vừa thấy bóng Hồng Nương mới khuất vào trong. Sơn thở phào, như vừa trút được gánh nặng. Đúng là nàng đã hiểu thấu ruột gan của Sơn!
Nhờ vậy mà sau đó Sơn đã ngủ được một giấc thật say...
Do hơi mệt vì bán hàng bữa trước, nên sáng hôm sau Sơn dậy rất muộn. Lúc anh thức giấc thì nắng đã xuyên qua cửa sổ vào phòng. Hốt hoảng, anh bật dậy và lo việc không ai mở cửa bán hàng. Nhưng Hồng Nhung đã nói vọng vào:
- Em ra sớm, lúc chưa có ai để niêm yết giờ mở cửa. Vậy anh còn hơn mười lăm phút nữa mới tới giờ bán hàng. Thôi, vào ăn sáng rồi còn ra tiếp khách đi, ông chủ!
Một mâm thức ăn đã dọn sẵn, và lại là món điểm tâm Sơn đặc biệt ưa thích!
- Cô... cô lấy đâu ra mấy món này? Đây là hủ tiếu tim gan, sườn non của tiệm Hải Vị cuối khu chợ mà?
- Đúng là thức ăn của tiệm đó. Anh cứ ăn đi cho nóng. Đừng thắc mắc việc làm cách nào em mua được. Bảo đảm với anh, không ai thấy em từ trong nhà này đi ra, cũng không thể thấy em đi vào.
Sơn ái ngại:
- Vì ý thích của tôi mà cô phải nhọc công như vậy, tôi không muốn đâu. Từ mai cứ còn cơm nguội bữa trước, cô chiên giúp lại, tôi ăn thế quen rồi.
Nàng lắc đầu:
- Không có em ở đây thì anh muốn ăn uống thế nào tuỳ ý. Nhưng có em rồi thì trách nhiệm của em là phải thế này, việc thức khuya dậy sớm, nếu không cho em làm vậy thì em bệnh, anh lại mất công tốn tiền thuốc!
Lại một lần nữa, Sơn phải nhượng bộ. Và đúng là nhờ thay đổi thức ăn nên anh ăn rất ngon miệng. Ăn vừa xong thì ngoài cửa đã có tiếng lao xao của khách hàng.
Lúc Sơn mở cửa thì cả chục người tràn vào. Họ hết lời khen ngợi anh:
- Trong lúc chợ búa ế ẩm mà ông chủ Sơn lại có hàng mới bày bán, đáp đúng thị hiếu người mua, thật là giỏi!
Sơn cám ơn mọi người thì có một bà nói:
- Ông chủ trẻ tuổi, tài giỏi như vậy mà không có người quán xuyến việc nhà, thật là tiếc! Có cần không, tôi làm mai cho?
Một người khác lên tiếng liền:
- Bà ta gả con gái cho cậu đó, chớ cần gì làm mai cho ai!
- Con gái bà ta đẹp thì có đẹp, nhưng cái miệng ăn hàng núi cũng sập chớ đừng nói là cửa hàng này!
Bị chọc quê, bà xỉa xói mấy người kia một lúc, trước khi về còn nói với lại:
- Con gái tôi tên Trà My, bữa nào ông chủ Sơn ghé nhà chơi, nhà tôi ở đầu xóm Đông.
Đợi bà ta đi rồi, một bà nói với Sơn:
- Bà đó là trùm ở xóm chợ này đó, nhà bà ta giàu có lắm, cỡ cậu mà lọt vào làm rể bà ta thì hốt trọn ổ đó!
- Ổ quạ hay ổ cú!
Một người nào đó chen vào nói rồi mọi người cùng cười to. Không khí cửa hàng của Sơn lúc nào cũng vui vẻ, nhộn nhịp như vậy.
Đến trưa, trong giờ cơm Sơn phải nói:
- Kiểu này thì chỉ vài ngày nữa là hết hàng để bán. Liệu có cách nào mua hàng về kịp không?
Hồng Nương bình tĩnh đáp:
- Anh khỏi phải lo, nội chiều mai sẽ có một chuyến hàng mang tới.
Sơn kinh ngạc:
- Sao mà nhanh vậy?
- Thì mình đặt hàng, họ mang tới chớ sao?
- Đặt hàng? Cô đặt hồi nào?
Nàng cười tươi:
- Hôm qua khi anh nói và sẵn tiền, em đã nhắn với người quen, họ báo tin 1à ngày mai sẽ giao tới.
Sơn tính lại số tiền bán được và càng ngạc nhiên hơn, bởi tuy số lượng bán ra ngang bằng hôm qua, nhưng số tiền lại nhiều hơn. Anh chưa hiểu tại sao thì Hồng Nương giải thích:
- Số hàng hôm nay thuộc thùng hàng lụa loại cao giá, anh bán mà không để ý sao?
Sơn chợt nhớ ra, anh gật đầu:
- Đúng rồi, lúc nãy tôi căn cứ theo giá ghi ở đầu cây vải để bán mà quên so với giá hàng hôm qua. Tôi cũng không ngờ là Phú đã gửi cho những loại hàng cao giá như vậy.
Hồng Nương tiết lộ:
- Các thứ hàng hoá này suốt trong nhiều tháng anh Phú đã không bán ra, nói là để dành cho mùa Tết. Cho đến lúc nghe tin mình sắp phải đi nước ngoài thì đã quyết định dành toàn bộ số hàng quý gửi tới cho anh. Có thể nói đây gần như là toàn bộ tài sản của Phú.
Buổi chiều hôm đó, quả nhiên có một xe chở hàng tới giao tận nơi. Người giao hàng chỉ biết giao xong rồi đi, Sơn có hỏi thêm vài chi tiết, nhưng anh ta hầu như không nói gì, lên xe đi thẳng.
Vào nhà hỏi lại Hồng Nương thì cô chỉ cười bảo:
- Em cũng chẳng biết. Có lẽ người quen của em giao cho họ chở tới mà không dặn gì khác.
Sơn xem lại hàng và phải công nhận số hàng lần này còn tốt hơn đợt vừa rồi đặc biệt là đáp ứng đúng màu sắc mà trong mấy ngày vừa qua nhiều người đã yêu cầu. Điều này khiến Sơn không khỏi ngạc nhiên, bởi khi bán hàng thì Hồng Nương không có mặt, không nghe được sở thích của khách hàng, mà khi vào nhà ăn cơm Sơn cũng chưa nói ra yêu cầu của khách. Vậy mà cô đã đặt hàng chính xác đến không ngờ!
Hỏi thì Hồng Nương cười đáp:
- Có lẽ do kinh nghiệm của phụ nữ. Ở đây là vùng thôn quê, màu sắc phải thích nghi với hoàn cảnh, khí hậu và bản tính con người.
Sơn thầm phục kiến thức đó của cô ta, anh nói lịch sự:
- Tôi phải cám ơn cô Hồng vạn lần. Lần này thành công là có phần đóng góp rất lớn của cô!
Hồng Nương khiêm nhường:
- Chuyện đó đâu đáng gì mà anh phải quan tâm. Việc anh cho em nương nhờ mới là ơn lớn mà em phải đền đáp.
Sơn cảm thấy bạo dạn hơn:
- Nhưng xem ra ơn của cô lớn hơn. Cô biết không, nếu mấy hôm trước không có cô tới với số hàng quan trọng này, thì tôi đã đóng cửa hiệu đi du lịch rồi. Mùa mưa ở chợ này bán được nửa thước vải đã là khó, chớ đừng nói là cả mấy thùng như hai hôm nay!
Nghe anh nhắc tới chuyện đi, Hồng Nương hỏi:
- Anh định đi với ai mà hôm đó sửa soạn kỹ dữ vậy?
- Đâu có gì mà kỹ, tôi chỉ...
Hồng Nương kể ra vanh vách:
- Ngoài quần áo cá nhân của anh, còn có bốn đoạn gấm dành cho con gái nữa!
Sơn ngạc nhiên:
- Sao cô biết rõ vậy?
Hồng Nương cười:
- Mạn phép anh, em đã lấy đồ đạc trong va-li ra định giặt, nên mới rõ. Anh có rầy thì em chịu, chớ em không thể thấy đồ đạc để trong rương lâu, nó sẽ hôi mốc.
Đúng là Sơn không hài lòng lắm về việc người khác soạn đồ đạc riêng của mình. Tuy nhiên, với Hồng Nương thì anh lại dè dặt. Đúng hơn, nếu cô nàng có làm hơn thế nữa thì Sơn cũng không nỡ chê trách. Tác Giả:
Đưa hàng hoá vô nhà xong thì trời đã tối. Để mừng việc buôn bán thành công và mừng có chuyến hàng mới, Sơn ngỏ ý với người khách nữ thân thiết của mình:
- Tối nay tôi muốn được mời cô Hồng một chén rượu.
Hồng Nương nhận lời ngay:
- Em cũng đã làm sẵn một ít món nhắm rồi đây!
Họ bày tiệc rồi cùng nhau uống đến gần nữa khuya. Sơn vô cùng ngạc nhiên khi nhận ra tửu lượng của cô nàng khá cao. Anh thật lòng khâm phục:
- Hồng Nương tửu lượng ăn đứt tôi rồi, có lẽ tôi phải xin hàng thôi!
Hồng Nương cũng đã ngà ngà, giọng cô hơi lè nhè:
- Chưa bao giờ em uống đến như thế này...
Nàng vừa nói vừa đưa tay chụp đại lên bàn, vô tình nắm phải bàn tay của Sơn. Anh chàng để yên, mắt vẫn nhắm nghiền. Tay hai người cùng trong tay khá lâu...
Và có lẽ họ cùng say và đi vào giấc ngủ...
Chẳng biết bao lâu. Cho đến khi Sơn mở mắt ra thì anh chẳng còn thấy cô nàng đâu. Sơn cũng đứng lên về phòng mình. Tuy nhiên, khi đi ngang qua phòng của Hồng Nương, Sơn ngạc nhiên khi không có nàng trong đó.
Bước ra phòng ngoài cũng chẳng thấy cô nàng, Sõn thật sự lo, anh gọi:
- Hồng Nương!
Anh lo nàng quá say rồi ngã ở đâu đó, nên đi tìm kỹ mọi ngõ ngách. Chẳng hề thấy. Mà cửa nẻo vẫn đóng kín.
- Cô Hồng!
Sơn gọi đến cả chục lần, thậm chí mở cửa bước ra ngoài tìm mà vẫn không thấy gì. Giờ đó đã quá khuya, có lẽ gần sáng, nên đường sá vắng tanh.
Người vẫn còn hơi men, nên chỉ đứng ngoài được một lúc, Sơn phải quay vào nhà. Anh cố cưỡng lại cơn mệt, thức đến sáng, chờ đợi trong tâm trạng nôn nao, lo lắng như chưa bao giờ như thế... Khăn
Lúc này Sơn mới có thời gian soát lại lòng mình. Anh không thể chối rằng trong con tim trống rỗng xưa nay của mình đã bắt đầu có chút gì đó làm xao động...
Bởi vậy, sự lo lắng trong anh lại càng tăng thêm. Nếu có thể được, Sơn đã chạy đi tìm coi nàng đang ở đâu?
Gà bắt đầu gáy thưa thớt ở đầu thôn. Cũng là lúc Sơn mòn mỏi ngủ thiếp đi...
- Này, dậy ăn chút cháo nóng cho khoẻ. Coi chừng anh bệnh rồi đó!
Sơn choàng tỉnh dậy, anh giật mình và mừng rỡ khi nhìn thấy Hồng Nương đang cúi xuống trước mặt mình:
- Cô... cô về lúc nào?
Hồng Nương ngạc nhiên:
- Em có đi đâu mà về?
Sơn quả quyết:
- Tôi đã đi tìm khắp nơi, cả trong phòng cô nữa mà chẳng thấy. Cô đi đâu làm tôi lo quá...
Chỉ tay ra chỗ để các thùng hàng:
- Hàng quý mới về, em sợ kẻ trộm nên ra ngủ giữa hai kiện hàng. Một phần cũng do say...
- Ủa, lúc nãy tôi có tìm ở đó mà...
- Chắc là anh chỉ tìm ở ngoài nên làm sao thấy, trong khi em nằm ở tận bên trong.
Sơn thở phào nhẹ nhõm và anh không cần ăn chén cháo mà nàng bưng ra, đã vội đi về phòng ngủ tiếp... Do vậy, anh không để ý thấy Hồng Nương vừa đem giấu một bộ đồ nguỵ trang. Có lẽ dùng để đi ra ngoài lúc đêm...
° ° °
Năm năm sau...
Từ một hiệu buôn ế ẩm, ít hàng, thưa khách, sắp đóng cửa, cho đến nay hiệu Tiêu Sơn đã trở thành một hiệu buôn bề thế nhất của chợ thị xã này.
Không thể phủ nhận, mọi việc đều bắt nguồn từ số hàng hoá của người bạn tên Phú gửi tới. Sơn hiểu điều đó nên cứ thỉnh thoảng vài tháng một lần, anh đều cho người về tỉnh thăm chừng xem Phú xuất ngoại đã trở về chưa. Nhưng đã qua năm năm, Phú vẫn bặt tăm hơi, kể cả một lá thư cũng không gửi về.
Đã mấy lần Sơn hỏi, nhưng Hồng Nương chỉ biết lắc đầu. Có lần cô bảo:
- Anh Phú tính tình kín đáo, ít chịu nói điều gì anh ấy không muốn. Chuyện anh ấy ra đi cũng hoàn toàn bí mật với mọi người và cả em, mặc dù ảnh thương em như em ruột.
Sơn băn khoăn chuyện bặt vô âm tín của Phú một phần là nhớ bạn, nhưng điều làm anh áy náy nhất là đồng vốn mà anh đang chiếm dụng, chẳng biết tính sao? Sơn đã tích luỹ có thừa số vốn của bốn kiện hàng do Phú gửi giúp, định sẽ trả đủ cho bạn khi gặp lại. Chẳng những thế, Sơn còn dành đến hơn phân nửa số tiền lời từ năm năm qua cho bạn. Anh chỉ dành cho mình một số vừa phải để phát triển cơ ngơi và cho... hai thành viên nữa trong nhà. Hai thành viên?
Điều này nếu Phú về, anh ta sẽ vô cùng ngạc nhiên và có thể là rầy rà nữa, nhưng Sơn chẳng còn cách nào khác hơn. Chung đụng nhau, giúp đỡ nhau khi tối lửa tắt đèn rồi bén duyên lúc nào không hay, và đến một ngày, cũng trong một cơn say, hai người họ đã trở thành của nhau. Hồng Nương không tỏ ra hối tiếc gì, cũng không lo bị Phú rầy, mà chỉ lo chuyện đứa con ra đời. Lúc có thai, nhiều lần nàng ưu tư, Sơn hỏi mãi nàng mới thổ lộ:
- Em lo, không biết con chúng ta sẽ có hình hài ra sao nữa?
Sơn ngạc nhiên hỏi lại thì nàng giải thích thêm:
- Là bởi... trước đây có lần em bị bệnh sốt rét rừng, chẳng hiểu sinh con có ảnh hưởng gì không?
Sơn trấn an:
- Em yên tâm, anh là giống tốt, sống đàng hoàng, nên con anh nhất định là phải đẹp trai và thông minh!
Mà quả vậy, cậu bé Tiểu Minh khi ra đời đã kháu khỉnh, lanh lợi và cực kỳ thông minh. Đến lúc ấy, Hồng Nương mới an tâm. Tuy nhiên, nếu để ý sẽ thấy thỉnh thoảng nàng thường lén nhìn con rồi lại ôm con vào lòng, như sợ nó rời xa mình! Điều này nàng không biểu lộ cho Sơn biết, và anh chàng do quá lo làm ăn, nên cũng không để ý.
Thằng bé Tiểu Minh nay đã trên ba tuổi, và thường quấn quít theo cha ở ngoài cửa hàng, và chính nó có lần đã nói với cha:
- Sao không bao giờ mẹ chịu ra ngoài này vậy cha?
Sơn cười:
- Tại mẹ sợ bị người đàn ông khác nhìn rồi người ta... bắt cóc mẹ đi!
Thằng bé kêu lên:
- Còn ba đây và con nữa, ai dám bắt mẹ được!
Sơn xoa đầu con:
- Cha chỉ nói đùa thôi, chớ từ lâu nay mẹ không quen buôn bán, nên mẹ không tiện ra ngoài này. Mẹ con không thích tiếp xúc với người ngoài.
Thằng bé ngây thơ nói:
- Sao hôm trước mẹ dẫn con đi gặp tới mấy ngươi lận! Họ cũng là người buôn bán...
Sơn kinh ngạc:
- Con nói gì vậy Tiểu Minh?
- Thật đó, buổi tối mẹ thường đi gặp mấy người kia. Con thấy những người đó không phải là bạn của cha.
Từ lâu nay, Sơn tin tưởng vợ tuyệt đối, bởi chưa bao giờ thấy Hồng Nương ra khỏi nhà nửa bước, vậy mà nay...
Anh nghiêm giọng nói con:
- Con còn nhỏ, không được nói bậy nghe chưa! Mẹ con sao lại...
Thằng bé rất hồn nhiên:
- Mẹ dặn con đừng nói lại với cha. Mà con thấy mẹ và những người kia cũng không có làm gì. Lần nào cũng bàn chuyện hàng hoá gì đó...
Chợt nhớ ra, Sơn reo lên:
- Đúng rồi! Mẹ con mua hàng cho cha. Những người kia là thương buôn.
Tiểu Minh vẫn thắc mắc:
- Thương buôn sao không tới ban ngày gặp luôn cha, mà chỉ tới vào ban đêm? Mà lại gặp nhau ngoài đồng vắng nữa!
Những điều tiết lộ là hoàn toàn mới mẻ với Sơn, anh sợ Hồng Nương nghe được, nên kéo con ra ngoài cửa căn dặn:
- Con chỉ được nói chuyện này với cha thôi, không được nói với ai nghe chưa!
- Dạ...
Thấy sắc mặt của cha, Tiểu Minh có vẻ ngại... Nó nói sang chuyện khác:
- Tối qua con thấy mẹ khóc.
Sơn hốt hoảng:
- Hồi nào?
- Lúc ba tính sổ sách ngoài này. Mẹ ngồi trong phòng ôm con vào lòng rồi khóc. Con có hỏi thì mẹ chỉ nói do mẹ quá thương con. Nhưng thương con sao mẹ lại khóc, hả cha?
Sơn hơi lúng túng:
- À, có lẽ... Mà thương quá cũng khóc chớ sao. Khóc sung sướng mà!
Sơn còn định giải thích thêm, nhưng lúc đó có mấy khách bước vào nên anh xoa đầu con rồi bảo:
- Con vào trong nhà với mẹ đi, lát cha vào rồi mình ăn cơm!
Chợt Tiểu Minh nhìn ra rồi reo lên:
- Con nhớ rồi, cái ông mang cái giỏ lớn đi phía sau kia là bạn của mẹ đó!
Sơn giật mình, anh nhìn kỹ thì rõ ràng đây là những người khách lạ, chưa từng đến đây bao giờ. Họ gồm bốn người, toàn là đàn ông. Sợ Tiểu Minh ở đó nói lôi thôi, nên anh giục con:
- Con vào trong đi, cũng đừng nói với mẹ về mấy người khách này, để đây cha tiếp họ.
Tiểu Minh dùng dằng một lúc rồi mới chịu đi. Vừa lúc đó, bốn người khách bước vào. Họ nói giọng miền khác:
- Ở đây có thu mua tơ?
Sơn lịch sự đáp:
- Dạ có chớ. Miễn là hàng đẹp và giá cả phải chăng.
Một người nói:
- Hàng chắc chắn là ông chủ vừa ý rồi, còn giá cả thì chẳng khác gì giá mà lâu nay ông chủ vẫn thu mua.
- Vậy thì mấy ông cho coi thử hàng?
Người đàn ông mà lúc nãy Tiểu Minh nói là quen với Hồng Nương, lên tiếng:
- Bà vợ ông đã từng mua của chúng tôi mà. Chính những hàng hoá ông bán ở đây cũng là do chúng tôi mang tới cả...
- À, thì ra các ông là khách buôn lâu nay vợ tôi thường nhắc. Vậy mời ngồi. Ta ngồi rồi nói chuyện. Thật vinh hạnh quá!
Người nọ nói với giọng thiếu thân thiện:
- Chúng tôi muốn gặp ngay vợ ông, chứ không có thì giờ nói chuyện! Hàng hoá này là chúng tôi mang tới giao cho cô ấy.
- Vậy thì các ông cứ giao cho tôi cũng được. Cô ấy mua giá nào, tôi sẽ trả giá đó.
Người kia gắt lên:
- Không được. Phải kêu Tiểu Tuyết ra đây!
- Tiểu Tuyết nào? Ở đây làm gì có Tiểu Tuyết?
- Chính con vợ của ông đó!
- Nàng còn có tên là Tiểu Tuyết ư? Nhưng... nhưng nàng đang bận...
- Bận gì cũng kêu ra đây!
Thấy thái độ kỳ lạ của họ, Sơn nghĩ là do buôn bán tiền nong không sòng phẳng sao đó, nên anh nói:
- Nếu nàng còn nợ nần gì các ông thì đưa sổ ra, tôi sẽ trả tất cả!
Một gã khác nói to:
- Nợ này không phải bằng tiền, mà là... mạng sống của con đó!
Trong lúc Sơn trố mắt ngạc nhiên thì một người khác trong bọn có vẻ trầm tĩnh hơn, ông ta nói:
- Cô vợ ông thường đặt hàng chúng tôi, nhưng hai tuần nay lại đổi sang mối khác, khiến chúng tôi bị kẹt hàng, lỗ vốn nặng. Bây giờ ông hãy gọi cô ta ra đây bồi thường thiệt hại cho chúng tôi, có như vậy chúng tôi mới để cô ta yên. Bằng không...
- Nhưng... tôi đâu biết chuyện này. Vả lại lâu nay vẫn một người mang hàng tới giao, tôi thấy có sự thay đổi gì đâu?
Người hung dữ nhất trong bọn đã gắt lên:
- Gọi ngay Tiểu Tuyết ra đây!
Vừa khi ấy, Tiểu Minh chạy ra gọi cha:
- Cha vào trong mẹ cần nói chuyện!
Sơn cũng cần gặp vợ, anh để khách đứng đó, chạy vào phòng. Anh giật mình khi thấy Hồng Nương nằm co ro, sắc mặt tím tái, giọng yếu ớt:
- Mau đuổi họ đi. Em... em sẽ gặp nguy, nếu... nếu họ còn ở đó...
Sơn hốt hoảng:
- Họ hung dữ lắm, làm sao anh đuổi đi được?
Hồng Nương cố sức nói:
- Hãy... hãy bắt con mèo mun ra... ném vào họ...
Sơn còn lưỡng lự thì Tiểu Minh đã nhanh chân chạy đi tìm con mèo mun đang nằm ngủ ở cửa buồng, rồi nó chạy bay ra bất thần ném mèo vào chỗ bọn người kia.
Bỗng có những tiếng gầm rú ghê rợn vang lên, khiến cho Sơn vừa chạy ra tới cũng phải sững lại, kinh hãi nhìn bốn cái bóng phóng vút ra cửa!
Những người chung quanh đó kinh hoàng gào thét:
- Hổ! Hổ bà con ơi!
Thì ra bốn cái bóng vừa phóng khỏi cửa hiệu của Sơn chính là bốn con hổ vàng thật to. Nhưng hình như chúng cũng đang kinh hoảng, nên trên đường chạy đã không chạm đến ai. Tuy vậy, cả thị trấn đã phải một phen hú vía!
Lúc mọi người hoàn hồn chạy tới hỏi thăm thì Sơn đã ngất đi giữa tiệm. Chỉ có Tiểu Minh là còn đứng đó, thằng bé chẳng những không sợ mà còn bình tĩnh cúi xuống lay gọi cha dậy. Rồi khi thấy người bâu tới đông quá nó lại nói:
- Bà con về đi, cha con không sao, chỉ bất tỉnh thôi.
Khi mọi người đi hết rồi nó mới cố kéo cha vào trong. Sau đó ra đóng cửa lại cẩn thận. Vào trong rồi, nó gọi mẹ:
- Chúng nó chạy hết rồi, mẹ không cần sợ nữa.
Sau đó ít giây thì Sơn tỉnh lại, anh lo lắng nhìn vợ:
- Em có sao không?
Hồng Nương đã đỡ hơn lúc nãy, cô ôm con vào lòng, giọng run run:
- Lạy trời, con và anh không sao.
- Họ là ai vậy? Tại sao họ mới là người đó lại hoá thành hổ?
Tiểu Minh nhớ ra, nó nói:
- Con thấy cả bốn con hổ đều chỉ còn lại ba chân! Chúng là cọp què mà, sợ gì!
Hồng Nương siết chặt con hơn:
- Không đâu con... Chúng là hổ tinh, nên dù còn mấy chân chúng cũng giết chúng ta trong nháy mắt thôi!
Sơn thấy trong giọng nói của vợ có gì đó không bình thường, nên gạn hỏi:
- Em nói cho anh nghe coi, sao bọn đó lại tìm em? Giữa em với chúng có gì...
Có lẽ biết không thể giấu mãi được, nên nàng vừa sụt sùi khóc vừa kể:
- Bọn chúng là bầy hổ dữ ở rừng Dương Lâm, ở phía bắc tỉnh thành. Trong nhiều năm, chúng đã ăn thịt vài chục người đi qua rừng. Trong số đó có những người buôn tơ lụa. Một hôm, trong nhóm người buôn tơ có một người thạo bắn cung tên và giỏi nghề săn thú dữ, đã đụng độ với bầy ác thú đó. Kết quả là người kia lùa cả bốn con hổ vào một hang đá sau khi bắn chúng trọng thương, mỗi con đều mất một chân sau. Khi hổ đã vào hang rồi, người ấy bịt miệng hang, chất củi đốt hang! Ai cũng ngỡ là bốn con hổ bị diệt, chẳng ngờ hơn một giờ sau đó, từ trong hang có tiếng gầm rú, rồi bốn con hổ đồng loạt phóng ra nhắm thẳng vào chỗ người kia mà tấn công. Người ấy bị giết chết tức khắc, xác bị hổ xé nát, hình như là để hả cơn hận thù! Mà chưa hết, sau khi giết kẻ thù rồi, bốn con hổ còn lao tới chỗ chiếc lều, nơi có người vợ và cô con gái nhỏ của ông lái buôn kia, và giết luôn bà vợ. Cô con gái nhỏ...
Kể tới đây dường như quá kiệt sức, nên Hồng Nương phải ngừng lại để lấy hơi. Sơn có linh tính, nên hỏi chặn ngang:
- Cô gái nhỏ đó phải chăng là...
Nàng gật đầu:
- Người đó là em. Đúng ra em cũng đã chết, nhưng nhờ có một người đi săn tới kịp, người đó nổ súng liền mấy phát. Bầy hổ phát hoảng nên bỏ em lại đó, chạy mất. Người cứu em hôm đó chính là anh Phú, bạn anh.
Sơn reo lên:
- Phú có tài bắn súng mà!
- Phú đưa em về chữa trị vết thương, nhưng chữa hoài vẫn không khỏi, bởi người ta cho biết hổ khi nó đã thành tinh, vết thương do chúng chạm vào ai thì sẽ không bao giờ lành được. Ngoại trừ...
Sơn ôm lấy vợ:
- Nhưng em quá may mắn, nên đã lành lặn như ngày hôm nay. Đó là trời ban lộc cho anh!
Nàng không vui mà lại bật khóc. Sơn an ủi:
- Chuyện qua rồi, em không phải lo nữa...
Nàng vẫn khóc, và bất thần cố sức ôm gọn hai cha con Sơn vào lòng như sợ họ biến mất:
- Đừng bỏ em!
- Kìa, sao em nói nhảm gì vậy? Anh và con vẫn bên em đây mà!
Nàng càng khóc to hơn:
- Không còn kịp nữa rồi! Chúng đã tới đây rồi thì còn mong gì sống sót nữa. Hai người hãy mau đi đi, kẽo chúng trở lại mà không còn đường sống!
Sơn vụt nhớ tới Phú, anh đứng lên và nói:
- Để anh ra tỉnh nhờ Phú xem. Có thể Phú đã về rồi. Phú là người bắn súng giỏi, có anh ta trong nhà sẽ giúp mình nhiều.
Hồng Nương càng khóc to hơn:
- Phú đã chết năm năm trước rồi! Ngày em tỵ nạn tới anh là ngày Phú bị lũ hổ tinh đó tới tấn công trả thù, chúng đã xé xác Phú ra làm nhiều mảnh rồi tha vào rừng.
- Trời ơi!
Sơn rụng rời tay chân, anh ngồi bệt xuống như người mất hồn, trong khi Hồng Nương vẫn tiếp tục kể:
- Em nhờ cải trang, đi theo các kiện hàng nên mới tới được đây. Em cứ ngỡ...
Nàng ngừng kể, cơn xúc động làm cho hơi thở nàng đứt quãng, khó khăn... Thằng bé Tiểu Minh ghì lấy mẹ, nói như hét lên:
- Không ai được làm hại mẹ. Họ tới đây con sẽ bắt con mèo mun, thật nhiều con mèo mun để đuổi họ!
Hồng Nương nhẹ lắc đầu:
- Không ăn thua gì đâu con! Hai cha con phải chạy trốn ngay thôi, bởi họ tới đây chỉ để tìm mẹ mà mẹ thì cũng không còn có thể sống nữa rồi, số mẹ đã tận con à...
Nàng càng nói thì giọng càng yếu đi. Quay sang Sơn, nàng thì thầm:
- Em sắp bị họ rước đi rồi...
Sơn hốt hoảng:
- Không đâu! Em đừng nói nhảm, có anh đây mà...
Lúc đó trời đang tối dần,.. Nhìn ra cửa sổ, Hồng Nương sợ hãi:
- Không xong rồi, họ lại tới nữa đó!
Sơn nghe ngóng rồi nói:
- Anh có nghe động tĩnh gì đâu. Mình đóng hết cửa nẻo lại thì làm sao ai vào được!
Anh bước tới đóng cửa sổ thì vừa lúc đó có một giọng nói vang lên từ nhà bếp:
- Chậm mất rồi ông chủ Sơn ơi!
Đúng lúc đó, bốn người đàn ông lúc sáng lại xuất hiện, ngoài ra còn có một người đàn bà mặt mày đầy son phấn đi cùng. Mụ này mới là người lên tiếng tiếp theo:
- Tưởng là thoát được tao hả, con tiểu yêu kia!
Hồng Nương vừa nhìn thấy mụ ta thì đã run lẩy bẩy, vừa ghì chặt lấy Sơn hơn. Mụ kia quát lớn:
- Lôi cổ nó ra cho tao trị tội!
Bốn gã kia định nhào tới thì Tiểu Minh nhanh trí chụp lấy con mèo đưa ra doạ:
- Ai nhảy vào thì tôi tặng cho con này!
Thật là hiệu quả. Cả bốn tên đều khựng lại, chưa dám nhào tới. Mụ đó lồng lên:
- Đồ chết nhát, để tao!
Mụ ta như con hổ dữ lao thẳng về phía vợ chồng Hồng Nương. Nhưng thật bất ngờ, Tiểu Minh cũng lao theo, rồi bất thần thằng bé ngoạm lấy một bên cổ tay của mụ ta cắn chặt!
- A... a... a!
Tiếng thét của mụ khiến cho bốn tên đều muốn nhảy vào tiếp cứu, nhưng lúc ấy con mèo mun như đồng tình với chủ, nó giương cặp mắt xanh màu ve chai trừng trừng nhìn, nên bốn tên không dám nhúc nhích. Tác Giả:
Còn Tiểu Minh thì dù mụ kia có ra sức cào cấu, đánh đập, nó vẫn ngoạm chặt, nhất định không nhả ra. Một dòng máu từ cánh tay của mụ ác chảy xuống, rơi đúng vào đỉnh đầu của Hồng Nương, và... nàng lả người đi. Cùng lúc, mụ kia cũng khuỵ xuống, chụp lên thân thể vợ chồng họ.
Máu từ cánh tay mụ ta tiếp tục chảy... Phút chốc đã ướt đẫm cả đầu, cổ và thân mình Hồng Nương. Cho đến lúc, tự dưng thân xác mụ ác bỗng teo tóp đi như chiếc bong bóng xì hơi. Và... cuối cùng chỉ còn lại một bộ da hổ màu trắng!
Bất thần Hồng Nương bật dậy, nàng kéo chồng con lên, reo to:
- Thoát rồi!
Sơn ngơ ngác:
- Em không sao chớ?
Hồng Nương quay sang con, Tiểu Minh miệng còn dính đầy máu, nhưng nó vẫn cười vui:
- Con hạ được nó rồi!
Lúc họ nhìn lại thì cả bốn tên kia cũng biến đâu mất. Nhìn kỹ xuống sàn nhà thì chỉ còn thấy bốn bộ da hổ sần sùi. Hồng Nương thật sự mừng:
- Mình thoát rồi! Nhờ Tiểu Minh dám liều mạng cắn vào tay mụ hổ bạch đó, rồi máu từ thân thể mụ chảy ra rơi trên đầu em, nhờ máu hổ tinh đó mà em đã thật sự hoàn toàn trở lại kiếp người!
Sơn vẫn chưa hết bàng hoàng:
- Em nói gì anh chưa hiểu? Tại sao chỉ bấy nhiêu máu đó mà cả năm người họ đều tan biến hết?
Giọng Hồng Nương phấn chấn hẳn lên:
- Bây giờ em mới nói thật, khi tới đây em đã là hồn ma! Là sứ giả của lũ hổ tinh kia. Sau khi giết chết anh Phú và em xong, hồn em bị lũ hổ tinh đó khống chế, bắt em giả làm người để tiếp tục hại người hầu thoả mãn hận thù của lũ chúng nó. Việc em tới đây, đem hàng hoá tới giúp anh cũng là do bọn chúng dàn cảnh. Bọn nó biết anh là bạn thân của Phú, thế nào anh cũng trả thù, nên chúng tìm cách ra tay trước, để tận diệt mầm mống nguy hiểm. Tuy nhiên, khi tới đây sống với anh rồi, bắt đầu nảy sinh tình cảm nên em giấu thân phận, định kéo dài cuộc tình này. Bởi vậy nhiều lúc em nhìn Tiểu Minh cứ sa nước mắt là vì thế! Em chỉ sợ mất con và anh. Nhưng giờ thì hết rồi, thoát rồi! Khăn
Biết cha con họ không hiểu, Hồng Nương nói thêm:
- Không ai làm ma hổ chảy máu được. Nhưng may mắn sao, Tiểu Minh làm liều mà mụ hổ già độc ác kia đã bị chảy máu, và chảy cho đến cạn kiệt. Máu đó mà rơi xuống một oan hồn khác thì oan hồn ấy lập tức được trở lại kiếp người! Quả là trời còn thương em!
Đúng như lời của Hồng Nương, kể từ phút ấy nàng hầu như không còn sợ sệt, lén lút nữa. Mà hằng ngày đã công khai xuất hiện cùng chồng ở cửa hàng. Sơn hãnh diện giới thiệu vợ mình với mọi người. Ai cũng khen Hồng Nương đẹp và phúc hậu.
Thằng bé Tiểu Minh thì lúc nào cũng quấn quít bên cha mẹ. Nó ngầm hãnh diện vì đã cứu được mạng mẹ nó...
Cửa hiệu của Tiêu Sơn càng lúc càng phát đạt. Chẳng mấy chốc, anh trở thành người giàu nhất vùng!
(Tác giả Người Khăn Trắng, nguồn vnthuquan.org)