15/3/12

Ma ghen quỷ hờn - Một chuyện tình buồn

Tiếng đàn lạ vang lên như mọi ngày. Hàng xóm không cần nhìn đồng hồ cũng biết bây giờ là sáu giờ. Mùa này trời mau tối nên không gian đã có nơi đen thẫm.

Trong cái xóm lao động, mà hầu hết là dân nhập cư nghèo cùng cực này, tiếng đàn quả là rất lạ, có thể nói đó là một mặt hàng xa xỉ. Trong những căn nhà trọ tạm bợ người ta không có cái khái niệm nghe nhạc nữa nói chi là học đàn.

Trong mỗi một mảnh gia đình nhỏ đều là những con người khổ quá nên rời bỏ quê hương, để đi tìm một cách khổ khác hơn. Họ làm tất cả mọi việc vụn vặt nhất để kiếm những đồng bạc ít ỏi phục vụ cho cái ăn. Họ ở đây năm bảy tháng rồi lại bong bế dắt dìu nhau di chỗ khác. Người cư ngụ ở đây lâu lắm cũng chưa tới hai năm.

Chừng thời gian ấy cũng đã là lão làng của cái xóm Mả Cũ này. Hồi anh công nhân mới mướn ngôi nhà, đánh đàn trong những ngày đầu tiên, người ta cảm thấy bực dọc. Có lẽ sau một ngày lao động cực nhọc và nhẫn nhục, bị chèn ép, bị hiếp đáp, con người đâm ra bực bội. Họ bực từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, dường như bao nhiêu dồn nén trong ngày cần được bung ra.Có như vậy trong lòng họ mới có chỗ chứa những dồn nén ngày mai. Câu cửa miệng của họ thường là: "đói không lo, đói còn bày đặt..."

Phải nhìn nhận tiếng đàn của anh không hay lắm. Có lẽ vì vậy mà được bà con thông cảm. Vài hôm sau, có ông mang bình trà qua nhà anh công nhân, lại hú thêm ông khác. Ít hôm nữa, có ông lại cầm bình rượu. Thế là anh dần dần được công nhận là người trong xóm.

Thêm vào đó anh rất hiền và có một cuộc đời cũng tội nghiệp như họ. Khi anh khoảng tám tuổi thì cha mẹ mất vì một tai nạn giao thông thê thảm, phải sống với chú thím. Nhà chú thím nghèo, đông con, nên vẫn phải tự bươn chải kiếm miếng ăn. Từ nhỏ đã làm đủ thứ nghề.

Cách đây mấy năm, anh làm công cho một công trình xây nhà. Ở đó anh gặp được Loan, con gái chủ nhà. Không hiểu có phải duyên tiền định hay không mà họ yêu nhau tha thiết. Mối tình ấy đẹp và trong sáng. Họ cùng nhau hẹn hò, họ cùng nhau tâm sự, họ tính toán cho tương lai. Chàng trai nghèo bỗng dưng thấy mình nghèo và bất lực hơn.

Nhưng may mắn, ước mơ của cô gái rất đơn sơ và thơ mộng:

- Em chỉ cần một căn nhà nhỏ, hai vợ chồng sống chung. Tối tối, hai đứa đi làm về, cơm nước xong, anh đàn em hát. Vậy là hạnh phúc lắm rồi.

Cô gái rất thích hát, dù không bao giờ cô ước mơ mình trở thành ca sĩ. Anh đã hứa với nàng sẽ cố gắng kiếm một việc làm ổn định và học đàn. Họ đã thấy màu hạnh phúc trong cuộc tình lãng mạn của mình trong tương lai.

Nhưng một hôm, người chủ nhà, cũng chính là cha cô gái, bắt gặp họ đang âu yếm bên nhau. Sóng gió nổi lên. Ông nhà giàu đang phất lên không thể nào chấp nhận dược một thằng rể là một lao động nghèo. Hôm sau, chàng trai bị đuổi khỏi công trường.

Trong lần gặp cuối cùng, chàng trai hứa:

- Anh sẽ cố gắng tìm cho mình một số vốn liếng và học đàn. Em hãy chờ anh.

Tối hôm đó cô gái trao cho người yêu sự trong trắng của mình và họ cùng thề non hẹn biển. Bốn năm sau, chàng trai trở lại nơi cũ, mua lại căn nhà mà ngày xưa hai người ân ái. Căn nhà giờ đã cũ kỹ, hoang tàn lắm vì người ta đồn nhà này có ma.

Thì ra, sau khi chàng trai ra đi được gần hai năm thì cha cô gái quyết định gả cô cha một anh Việt kiều. Sau bao nhiêu cơn khóc lóc, nhịn ăn và đủ mọi cách khác, cô gái vẫn không lay chuyển dược ý cha. Cuối cùng cô quyết định...

Sáng hôm sau, trong căn phòng trọ mà chàng trai đã ở, người ta thấy cô gái thắt cổ tự tử. Thân thể cô gái trong bộ quần áo màu hồng xinh xắn treo lủng lẳng giữa nhà.

Từ đó, người ta đồn với nhau rằng đêm đêm hàng xóm thấy một bóng người con gái đi lại trong căn nhà, thỉnh thoảng còn nghe tiếng hát thoang thoảng vút cao.

Căn nhà để trống và xuống cấp. Lâu lâu có người lại mướn, nhưng ở được một hai ngày là người ta lại dọn đi vì sợ. Có người thì thấy cô gái đứng ở đầu giường nhìn mình lom lom, có người thấy cô đang ngồi hát...

Anh công nhân ở đó khoảng mười ngày thì một đêm...

Đang cúi mình đàn một bản nhạc tình, anh bỗng linh cảm như có ai đang nhìn mình. Anh ngẩng đầu lên.

Một bóng người mặc áo hồng phất phơ trước mặt anh. Anh không nhìn thấy rõ mặt, nhưng qua cái dáng vẻ đó anh biết chắc đó chính là Loan của anh.

Anh đứng dậy:

- Loan!

Cái bóng thụt lùi lại và tan biến. Cả đêm đó và mấy đêm sau nữa, anh không dám ngủ. Anh cố gắng thức để gặp được Loan, người anh yêu, người mà anh trở về tìm sau khi học đàn. Nhưng Loan vẫn không hiện ra với anh.

Đêm đó, buồn chán lại có người hàng xóm đem rượu đến rủ rê. Anh uống thật nhiều và say khướt. Trong cơn say, Loan đến với anh.

Trong giấc ngủ, anh thấy mình được Loan chăm sóc. Loan lấy nước đắp trán cho anh. Sữa mền gối và ngồi cạnh giường canh anh ngủ.

Anh mở mắt nhìn. Đúng là cô gái anh yêu ngày nào, nhưng có vẻ xanh xao và u buồn hơn. Anh thều thào gọi:

- Loan!

Loan quay nhìn anh, mỉm cười, rồi nằm xuống bên anh.

- Sao em bỏ anh đi?

- Không, em vẫn chờ anh đó chứ. Anh về em mừng lắm!

- Nhưng sao mấy hôm nay em tránh mặt anh?

Giọng Loan bùi ngùi:

- Em không muốn làm anh sợ. Dù sao thì em... em cũng đã chết rồi!

Trong bóng tối anh cảm nhận được những giọt nước mắt. Anh ghì chặt thân mình mảnh mai của người yêu. Anh sợ mất cô lần nữa.

- Không, anh không sợ! Anh về đây là để tìm em, là để sống với em. Em hãy ở lại với anh nghe Loan!

Loan choàng tay ôm ghì lấy người yêu:

- Em về. Em về với anh mỗi đêm, nhưng... chỉ trong mơ thôi.

Họ xoắn lấy nhau, yêu nhau... Một đêm tân hôn muộn màng.

° ° °

Sáng hôm sau, những người hàng xóm gọi đi làm anh mới thức dậy.

Trời đã sáng hẳn. Anh thấy trong người khoan khoái vô cùng. Nhớ tới chuyện đêm qua, anh bật người ngồi dậy nhìn quanh. Loan đâu? Chỉ một mình anh trong căn nhà trống vắng. Anh quơ tay trên giường hy vọng tìm được hơi hướng của Loan.

Tay anh đụng một chiếc kẹp. Anh cầm lên. Đây rồi! Đây là chiếc kẹp cài cóc mà anh đã tặng Loan ngày ấy. Đúng là Loan đã đến với anh.

Anh thay quần áo đi làm trong tâm trạng vui vẻ nhưng hồi hộp. Anh lo vì không biết tối hôm nay Loan có lại đến với anh không.

Mối tình được ngăn cách gần bốn năm được nối lại, dù rằng hơi khác bình thường một chút. Nhưng với anh công nhân việc này hoàn toàn không quan trọng. Anh đã có Loan, đó là hạnh phúc tuyệt vời nhất. Họ sống với nhau hàng đêm trong nồng nàn.

Mỗi chiều, khi xong việc, anh vội vàng về căn nhà nhỏ của mình. Anh lại đàn những bài hát mà Loan yêu thích. Trong lúc đàn, anh nghe thoang thoảng tiếng hát đơn giản nhưng đầy ấm áp của Loan. Hình như chỉ có anh nghe được tiếng hát này và anh rất vui vì điều đó.

Chính vì nếp sống gần như xa cách với một người mà mọi người để ý đến anh. Anh không bài bạc, không nhậu nhẹt, cũng tốt thôi. Nhưng anh rất ít nói chuyện với ai, thỉnh thoảng lại tủm tỉm cười, nụ cười ngây ngô của người... từ trên trời xuống. Thêm nữa mọi người đều nhận thấy mỗi ngày anh một gầy đi và xanh xao hơn.

Cho đến một hôm một người thợ già đã phải hỏi anh:

- Mày có bệnh hoạn gì không mà sao tao thấy xanh xao quá vậy?

- Không có gì chú. Cháu vẫn bình thường mà!

Người thợ già không chấp nhận câu trả lời đó. Ông là người đã giúp đỡ từ ngày đầu tiên anh công nhân vào làm ở công trường này. Ông đã nghe anh kể về cuộc đời, về mối tình của anh công nhân. Ông rất thương anh. Trước đây, hai người thợ, một trẻ một già, thường ngồi bên nhau tâm sự lúc rảnh tay hay những buổi chiều về.

Thỉnh thoảng anh công nhân cũng về nhà ông thợ già chơi. Một tình cảm thân thiết đã nẩy nở trong họ. Nhưng thời gian gần đây thì khác hẳn. Ông thợ già vừa bực mình vừa nghi ngờ về hành động của anh công nhân. Tuổi già, kinh nghiệm sống suốt cuộc đời từng trải truân chuyên và sự quan sát tinh tế, ông thợ già kết luận:

- Anh công nhân đang bị ma ám.

Ông âm thầm sắp xếp mọi việc.

Một hôm, người thợ già nói với anh công nhân:

- Bữa nay nhà ta có khách. Chiều nay sau khi làm xong mầy qua nhà tao chơi.

Phản ứng đầu tiên của anh công nhân là định từ chối. Nhưng tình cảnh trước đây không cho phép, anh chần chừ một chút rồi gật đầu với giao hẹn:

- Nhưng cháu không nhậu nhẹt gì nổi nghen. Cháu phải về sớm!

Anh nghĩ đến Loan và sợ Loan phải đợi.

- Cái thằng, ai ép mà mầy sợ?

Chiều hôm đó, hai người về nhà ông thợ già. Người nhà đã chuẩn bị sẵn một bữa ăn tương đối tươm tất. Mâm cơm đã được dọn lên. Anh công nhân trẻ ngạc nhiên vì chưa thấy khách khứa gì. Anh hỏi, ông thợ già trả lời:

- Có chớ! Tôi liền bây giờ.

Lúc đó từ ngoài một ông già mặc bộ bà ba màu nâu bước vào. Vào nhà, ông già lột chiếc nón lá xuống. Đó là một người có khuôn mặt phúc hậu, với bộ râu dài, mái tóc búi củ tỏi sau gáy. Tóc và râu đều bạc trắng.

Ông già chào người thợ già rồi quay qua chào anh công nhân trong cái nhìn chăm chú.

- Chào chú!

Không hiểu sao cái nhìn và giọng nói của ông già làm anh công nhân ơn ớn.

Anh thấy sống lưng mình có một luồng khí lạnh chạy dọc lên.

Sau một lúc im lặng quan sát, ông già nói:

- Nặng lắm rồi. Cậu bị nặng lắm rồi đó!

Lấy lại được bình tĩnh một phần, anh công nhân hỏi nhỏ nhẹ:

- Thưa ông cái gì nặng?

- Chú đang bị ma khí rất nặng. Có phải chú đang chung sống với một linh hồn không? Chú nói thật đi tôi giúp cho. Tôi nói thiệt nghen, theo tôi thấy, chú không còn chịu đựng được bao lâu nữa đâu. Cố lắm là nửa tháng nữa thôi.

- Nửa tháng nữa thì sao?

- Thì chết chứ sao?

Ông công nhân già mời hai người khách vào bàn. Anh công nhân không uống rượu. Hai ông già nhấm nháp bằng hai chiếc ly sậy. Bữa cơm trôi qua chầm chậm với những câu chuyện bình thường. Sau đó, lúc uống nước trà, câu chuyện dang dở lúc nãy mới chính thức được tiếp tục.

Ông già nắm tay anh công nhân:

- Tôi nói thiệt, nhìn chú tôi đã thấy hết rồi. Chú đang khó lắm chớ chẳng phải thường đâu. Nhưng may còn kịp. Bây giờ tôi thấy cách tốt nhất là chú phải kể thiệt mọi chuyện với tôi.

Nhìn vẻ mặt phúc hậu và đầy thành thật của ông già, xúc động vì tình cảm của ông thợ già dành cho mình, một người mà trước đây anh luôn coi như một người cha thân yêu, anh công nhân bắt đầu kể.

Anh kể về chuyện tình của mình, về lần trở về, về khoảng thời gian từ ngày gặp lại Loan đến nay.

Cả hai người già chăm chú nghe. Thỉnh thoảng họ trao đổi cho nhau những ánh mắt ngạc nhiên hay thương cảm.

Khi anh công nhân dứt lời. Im lặng một chút giữa ba người. Cuối cùng ông già lên tiếng:

- Vậy là chú tự nguyện. Tình yêu đã làm chú quên hết tất cả! Quên luôn mạng của chính mình. Người ta và ma không thể nào hoà hợp được với nhau, chú cũng biết vậy mà...

- Nhưng trên đời này không có gì quý hơn mạng sống con người, đúng hơn bây giờ là mạng sống của chú. Chú nghĩ sao nếu tôi khuyên chú chấm dứt chuyện tình trên?

Anh công nhân phản ứng nhanh như máy:

- Không!

- Tôi cũng biết vậy. Đó mới là cái khó. Chú không muốn thì không ai làm gì được. Tôi cũng bó tay.

Ông già vấn thêm một điếu thuốc nữa. Khói bốc lên chầm chậm, là đà. Ông thợ già lo lắng:

- Không lẽ không còn cách nào nữa sao? Ông cố gắng nghĩ cách giùm. Tội nghiệp nó quá.

Ông già trầm ngâm quá. Những đám khói thuốc bay lên cuồn cuộn. Ông già lơ đãng nhìn qua ông thợ già. Ông thợ già chớp mắt và khẽ gật đầu:

- Thôi thì vầy. Tôi giúp kéo dài được lúc nào hay lúc nấy. Nhưng...

- Nhưng sao ạ?

- Chủ phải nhiệt tình hợp tác.

- Nhưng cháu nói trước cháu không xa Loan dù thế nào đi nữa.

Hai ông già lại nhìn nhau thất vọng. Bằng cử chỉ thể hiện sự cương quyết, ông già đứng dậy:

- Thôi được. Vậy thì làm cách này đi.

Ông già vuốt lại mái tóc và chòm râu bạc, sửa sang lại quần áo, từ từ đi lại bàn thờ giữa nhà. Mọi hành động của ông lúc này hết sức chậm rãi và đầy trang trọng.

Ông đốt nhang, đưa lên trán khấn. Mấy phút trôi qua lặng lẽ. Ông lấy trong túi ra một miếng giấy màu vàng có vẽ những nét chữ. Ông già nhắm mắt, cầm ba cây nhang vẽ ngoằn ngoèo phía bên trên miếng giấy. Vài ba làn khói uốn éo bốc lên. Thời gian trôi qua ông già vẫn tiếp tục lim dim khấn vái. Cuối cùng ông xá một cái thật sâu cắm nhang lên bàn thờ, thở mạnh. Ông đã hoàn tất phần nghi thức. Ông đi chầm chậm đến bên anh công nhân, nhẹ ra hiệu cho anh đứng dậy.

Xoè hai tay ra đưa ngang mặt, anh công nhân làm theo như máy. Ông già cúi xuống như hôn vào lòng bàn tay, ông thổi một hơi vào đó.

- Xong rồi. Chú cất lá bùa này vào túi áo. Vậy thôi!

Khi anh công nhân cất xong, ông quay mặt bước ra khỏi nhà, không một lời từ giã. Mặt ông buồn, buồn lắm.

Khi anh công nhân về đến nhà thì trời đã tối. Tiếng đàn hôm nay hơi trễ và âm thanh có vẻ gì là lạ. Chính anh cũng cảm thấy như thế nên không đàn nữa.

Anh nằm im trên giường chờ Loan.

Miên man suy nghĩ về chuyện xảy ra lúc chiều, anh thiếp đi lúc nào không hay.

- Á!

Một tiếng hét thất thanh, căn nhà như chớp sáng, anh công nhân choàng dậy nghe tim mình đập liên hồi. Có tiếng rên ngoài hè. Anh mở cửa bước ra. Loan nằm đó hốt hoảng, quần áo cháy xém.

- Sao anh đánh em? Cái gì trong túi anh vậy?

Chợt hiểu ra, anh công nhân chạy vội vào nhà, móc túi lấy miếng bùa của ông già chạy ra ngoài xa đốt bỏ. Xong, anh đỡ Loan vào nhà. Anh cảm thấy hai tay mình bỏng rát vô cùng khó chịu.

Đặt Loan ngồi lên giường, anh kể hết mọi chuyện. Nghe xong, Loan trả lời giọng buồn buồn:

- Em cũng biết vậy. Nhưng không có cách nào khác. Chắc là em phải xa anh vĩnh viễn. Anh ơi...

Sợ mất người yêu, anh ôm chầm lấy Loan. Cảm giác bỏng rát lại xuất hiện ở hai tay, càng lúc càng nhiều hơn. Anh biết kể từ lúc này anh và Loan đã không còn được như trước nữa. Loan không hay biết gì, cô hạnh phúc vùi đầu vào người yêu.

Họ đắm đuối ái ân. Hai bàn tay anh quờ quạng trên thân thể người yêu. Anh cắn răng chấp nhận cảm giác bỏng rát mọi khi chạm vào Loan. Sao cũng được, anh bất chấp và cam chịu.

Hôm sau Loan không đến. Anh công nhân mong đợi cả đêm trong thao thức, nhớ nhung. Khuya lắm, anh nghe tiếng khóc bên hông nhà. Tiếng khóc thổn thức, u buồn.

Anh vùng dậy chạy ra ngoài. Anh thấy bóng hồng tan dần trong không gian.

Anh cất tiếng gọi thống thiết:

- Loan ơi!

Chiều hôm sau chòm xóm mới phát hiện anh công nhân đã chết. Anh thắt cổ treo tòng teng giữa nhà. Người ta đỡ anh xuống gỡ dây ra. Có một điều mà không ai hiểu tại sao là hai tay anh sưng đỏ, phỏng dộp như phỏng nước sôi.

Người ta chôn cất anh đơn sơ như cuộc sống của những con người nghèo khổ xóm này. Tối hôm sau căn nhà anh ở bỗng nhiên bốc cháy...

(Tác giả Người Khăn Trắng, nguồn vnthuquan.org)