- Tự dưng buồn ngủ quá, có lẽ kiếm ly cà phê uống rồi mới đi tiếp được.
Một người lên tiếng hỏi:
- Đây về Gò Công còn bao xa nữa?
Hiển đáp:
- Còn khoảng bằng này cây số nữa.
Người vừa hỏi là Thu Nguyệt, cô em họ vừa thi đậu đại học, là người được thưởng chuyến đi nghỉ mát này. Nghe Hiển đáp, cô ngao ngán:
- Còn xa mà trời đang chuyển mưa nữa...
Cô định đề nghị tìm chỗ nghỉ ngơi, nhưng nhìn chung quanh thấy đồng trống nhiều hơn là nhà, nên cô im lặng. Chợt Hiển chỉ tay về phía xa:
- Có mấy căn nhà ngói ở đằng kia, ta tới đó dừng xe nghỉ một lúc và nếu lỡ trời có đổ mưa thì cũng có nơi mà trú tạm.
Ai trên xe cũng tán đồng. Hiển cố căng mắt ra, cho xe chạy tới đó cách khoảng non cây số. Tới nơi, anh nhận ra mấy ngôi nhà ngói mà anh nhìn thấy đằng xa là một cụm ba ngôi biệt thự mới cất, mái ngói còn đỏ mới, nhưng cửa cả ba ngôi nhà đều đóng kín, cả cổng ngoài cũng khóa chặt.
Hơi thất vọng, Hiển bảo:
- Cũng như không. Chắc nhà vắng chủ...
Anh định lùi xe ra lộ lớn thì bất chợt trời đổ mưa!
Cơn mưa lúc đầu tưởng đâu nhỏ, nhưng chỉ chưa đầy năm phút sau thì nặng hạt và mịt mù trời đất! Thu Nguyệt hơi hoảng:
- Người ta nói trời mưa lớn mà ngồi trong xe hơi đậu giữa đồng trống thế này dễ bị... sét đánh lắm đó.
Hiển cũng hiểu như vậy, nên anh lên tiếng:
- Chạy đi tìm nơi khác thì không còn kịp nữa rồi, mà vào nhà này lại cũng không xong. Bây giờ có ai dám leo vào rào không?
Vinh là anh chàng bám theo Thu Nguyệt chuyến này, cũng muốn chứng tỏ bản chất người hùng của mình nên lên tiếng ngay:
- Chuyện đó mình làm được. Nhưng chỉ ngại nhà có chó dữ...
Tuy nói vậy nhưng anh ta cũng mở cửa xe bước xuống. Nguyệt đưa cho cây dù và dặn:
- Anh che dù cho đỡ ướt, đồng thời dù cũng là phương tiện tự vệ hữu hiệu nữa. Anh nhớ bài học võ Vovinam chứ?
Được người yêu động viên, nên Vinh không chút ngại ngần, anh che dù và đầu tiên bước tới cổng lắc thật mạnh rồi gọi lớn vào trong:
- Nhà có ai không cho hỏi thăm?
Dĩ nhiên là không hề có ai đáp, bởi mưa gió quá lớn, nhà lại thụt xa bên trong, nên tiếng kêu đó dù cho có người trong nhà cũng chẳng ai nghe thấy.
Bỗng thấy Vinh gỡ ống khóa ra cầm trên tay, sau đó anh mở cánh cổng rộng ra, đủ cho Hiển lái xe hơi vào. Khi mọi người vào trong rồi, Vinh mới giải thích:
- Cái ống khóa chỉ móc đó chứ không bấm lại, nên chắc là chủ nhà mới đi đâu đó ra ngoài. Lát nữa có gì mình sẽ giải thích là mạo muội vào khi chưa xin phép...
Thu Nguyệt nói:
- Trú mưa mà, chắc chẳng ai trách cứ mình đâu!
Lúc này Hiển mới đưa mắt quan sát một lượt. Chợt anh ngạc nhiên khi thấy sau cánh cửa kính đóng chặt là một... cỗ quan tài nằm giữa nhà!
- Trời ơi!
Nghe tiếng kêu sửng sốt của Hiển. Nguyệt quay lại nhìn và tới phiên cô cũng gần như líu lưỡi...
- Quan... quan tài...
Cô bám chặt lấy Vinh, khiến anh chàng được dịp chứng tỏ bản chất người hùng của mình:
- Có gì mà sợ dữ vậy?
Anh ta nhìn theo ánh mắt của Hiển và Nguyệt, đến khi thấy cỗ quan tài thì cố chứng tỏ là mình không sợ:
- Thì có gì đâu, chắc nhà mới có người chết...
Anh ta rời hàng hiên, bước tới bên cánh cửa đóng kín, quan sát kỹ hơn.
Quanh quan tài không có nhang đèn hay bất cứ đồ lễ nào như các cuộc quàn xác khác, thêm vào đó là sự vắng vẻ đến kỳ lạ...
- Sao không có ai vậy kìa?
Hiển nhìn kỹ và nói:
- Cũng có thể quan tài không có xác ai. Bởi mấy nhà giàu thường hay mua trước áo quan cho người già chưa chết...
Nguyệt rùng mình:
- Áo quan mua sẵn thì người ta để ngoài, chứ ai để giữa nhà như vậy!
Hiển nhìn sang hai tòa nhà gần đó, anh bàn:
- Hay là ta qua bên kia, đỡ ớn hơn!
Thu Nguyệt ủng hộ ngay. Cô còn nói:
- Phải biết nhà có quan tài như vậy thì thà ở ngoài mưa còn hơn.
Cả ba đội mưa chạy sang ngôi nhà đối diện. Cũng là một biệt thự giống như ngôi nhà kia. Cửa cũng đóng kín...
Lần này thì Vinh là người vào trong trước tiên, và anh cũng la lên trước nhất:
- Bên này cũng có nữa!
Nguyệt không hiểu, hỏi lại:
- Có cái gì?
- Cỗ quan tài!
Hiển nghe nói thì quay lại và nhìn thấy cũng một quan tài giống hệt bên nhà kia! Anh hơi rúng động:
- Sao kỳ lạ vậy?
Nguyệt tái xanh mặt mày, cô ôm cứng lấy Vinh, vừa run giọng nói:
- Mình đi ra đi anh...
Hiển bước gần cửa kính nhìn vào, lần này anh lại nói khác:
- Đúng là trong quan tài có xác!
Anh chỉ tay về phía ngọn đèn dầu đặt dưới quan tài rồi nói:
- Như thế đó là quan tài có chứa xác. Người ta đốt ngọn đèn để cho xác không thành... ma!
Nguyệt nghe nói cô càng quýnh lên:
- Đi mấy ông ơi!
Cô kéo tay Vinh chạy thẳng ra ngoài mưa, nhắm hướng chiếc xe đậu định mở cửa leo lên, nhưng bỗng cô va phải một ai đó rồi cả hai đều ngã nhào!
- Trời ơi!
Vinh không bị ngã, anh đỡ Nguyệt dậy vừa hỏi:
- Em đụng cái gì vậy?
Nguyệt bò dậy, chưa kịp trả lời đã nghe ai đó tên tiếng:
- Mấy người là ai?
Nghe giọng lạ, Vinh hỏi lại:
- Ông là ai vậy?
Giọng kia khó chịu:
- Mấy người là ai, vào nhà người ta mà còn hỏi nữa là sao?
Lúc này Hiển đi sau, anh vừa tới nghe được, điềm tĩnh nói:
- Thưa chú, chúng cháu bị cơn mưa lớn quá không thể đậu xe ngoài kia được, nên mạo muội mở cổng vào. Không ngờ...
Một người đàn ông đứng tuổi đang lò mò đứng dậy sau cú ngã do bị Thu Nguyệt đụng. Ông nhìn không rõ những người trước mặt mình, nên vừa chạy thẳng vào ngôi nhà thứ ba vừa nói với lại:
- Mấy anh vào đây!
Thu Nguyệt đã bị ướt nên nhất quyết không chịu trở vào, cô bảo:
- Mình ra ngoài đi anh Hiển!
Vinh cũng chiều theo ý người yêu:
- Hay là mình đi Hiển ạ!
Hiển thấy đã có người, nên anh yên tâm, vội bước theo ông già. Lúc ấy người anh cũng đã ướt đẫm, nên vừa bước vào nhà thì đã phải dùng tay vuốt vội nước đọng trên tóc, khắp mặt. Vừa vuốt xong, bỗng anh hốt hoảng khi nhìn vào trong cửa kính. Cũng vẫn là một cỗ quan tài, giống hệt như hai cỗ quan tài ở hai ngôi nhà kia!
- Sao... sao lại...
Ông già mở cửa phòng kính và mời:
- Nếu thật sự cậu muốn trú mưa thì vào đây.
Thấy Hiển lưỡng lự, ông ta nói:
- Cậu ngại cỗ quan tài này phải không? Vậy thôi mời cậu sang đây, nơi ở của tôi.
Nói xong, ông ra đóng cửa lại và dẫn Hiển chạy qua một căn nhà nhỏ gần đó. Chẳng hiểu sao, Hiển ngoan ngoãn chạy theo mà quên cả hai người bạn còn ngoài mưa.
Cơn mưa càng lúc càng nặng hạt, lúc bước vào gian nhà nhỏ hơn, chưa kịp ngồi xuống thì chợt Hiển nghe có tiếng hét rất lớn từ bên ngoài. Anh hốt hoảng:
- Tiếng của Thu Nguyệt!
Anh tuôn chạy ra, phía sau là tiếng hỏi lớn của ông già:
- Cậu chạy đi đâu vậy? Coi chừng nguy hiểm!
Hiển chạy trở lại sân, nơi Thu Nguyệt và Vinh còn ở đó. Lờ mờ trong màn mưa, Hiển thấy chiếc xe đậu nhưng không nhìn thấy hai người bạn. Anh lên tiếng gọi lớn:
- Nguyệt ơi! Vinh ơi!
Không có tiếng đáp. Chợt khi ấy lại một tiếng thét lớn của Vinh từ phía sau lưng, Hiển hốt hoảng:
- Họ ở trong đó!
Nơi phát ra tiếng hét là chỗ ngôi nhà thứ ba mà Hiển vừa rời khỏi. Anh không suy nghĩ thêm, vội chạy bay về hướng đó:
- Các bạn ở đâu?
Không có tiếng trả lời và cũng không còn nghe la hét nữa... Lúc này chỉ có tiếng mưa, tiếng gió thổi.
- Bác ơi!
Lần này Hiển gọi ông già lúc nãy. Nhưng cũng không nghe tiếng đáp lại.
Anh phải gọi lớn hơn:
- Bác ơi, giúp cho mấy người bạn cháu với!
Lời anh vừa dứt thì cũng là lúc chân anh giẫm lên một xác người, khiến anh bị ngã nhào. Rồi hầu như Hiển không còn biết gì nữa...
° ° °
Khi tỉnh lại, Hiển và hai bạn rất đỗi ngạc nhiên khi thấy mình đang nằm trên xe, mà chiếc xe lúc ấy đang đậu ở giữa đoạn đường vắng. Trời đã hết mưa và mặt trời vừa nhô lên sau rặng tre. Hiển ngạc nhiên kêu lên:
- Không lẽ mình đã ở đây suốt đêm?
Nhìn đồng hồ tay, Vinh sững sốt:
- Đúng là qua một đêm rồi!
Thu Nguyệt cảm thấy ê ẩm cả người, cô nhớ lại chuyện hôm qua thì cảm giác sợ hãi vẫn còn, nên giọng hơi run:
- Ngôi nhà đêm qua... Làm sao mình thoát ra được?
Hiển nhìn lại phía sau, anh kêu lên:
- Nó ở kia kìa!
Hai người nhìn theo tay chỉ của Hiển, nhận ra mái ngói của ba ngôi nhà ở cách đó không xa lắm. Thu Nguyệt giục:
- Mình đi đi Hiển!
Vinh cũng mất vẻ tự tin:
- Đúng là không nên ở đây...
Vừa khi ấy có một người đi ngang, Hiển lên tiếng hỏi:
- Phiền chị cho hỏi thăm, ba ngôi nhà ngói đằng kia là của ai vậy?
Chị đàn bà nghe hỏi thì nhìn sững ba người trên xe rồi nhẹ lắc đầu:
- Tôi cũng... không biết.
Chị ta định bỏ đi, nhưng chẳng hiểu sao lại quay lại và hỏi:
- Cậu ở xa đến phải không?
- Dạ phải. Chúng tôi muốn biết...
Chị ta đáp thật gọn:
- Nhà ma!
Hiển ngạc nhiên thì ít, mà Thu Nguyệt lại nghe lạnh cả người, cô líu lưỡi:
- Nhà... nhà có... ma là sao?
Chị nọ lặp lại:
- Thì nhà của ma! Do ma ở...
Chị ta bước đi rất nhanh nên Hiển không kịp hỏi thêm. Hiển thẫn thờ nhìn theo, anh lặp lại như không tin:
- Nhà có ma... phải chăng...
Nhớ lại ba cỗ quan tài trong ba gian nhà, Hiển lẩm bẩm nói:
- Phải chăng... đó là nhà mồ?
Anh thay vì chạy thẳng ra đường lớn, lại rồ ga cho chạy trở lại gần ngôi nhà hơn, Thu Nguyệt la to:
- Anh chạy tới đó tôi nhảy xuống xe bây giờ!
Nhưng lúc ấy chiếc xe đã tới cách ba ngôi nhà khoảng chưa đầy trăm thước, Hiển ngừng lại cạnh một người đàn ông đang xách cần câu từ ruộng bước lên và hỏi:
- Chú ơi cho cháu hỏi thăm...
Anh đưa tay chỉ vào ngôi nhà ngói, chưa kịp hỏi thì người kia đã lên tiếng trước:
- Cậu muốn hỏi ngôi nhà ma hả? Ở đây ai mà không biết nó...
- Nhưng... sao chẳng ai sợ? Hay làm gì để ma không ở...
Nghe Hiển hỏi ngớ ngẩn, ông ta vừa đưa tay quệt mồ hôi trán vừa nói tiếp:
- Ma nhưng chưa thấy phá phách gì ai, nên dân ở đây cũng đã quen...
Tuy ông ta nói thế, nhưng Thu Nguyệt vẫn sợ:
- Đi đi anh Hiển!
Người đàn nọ tỏ ra thích thú kể chuyện ma, nên nói một hồi:
- Ở đây ai mà không biết chuyện hồn ma ba cô! Người ta gọi là tam cô trinh nữ!
Câu chuyện đã hấp dẫn Hiển, một người khoái chuyện lạ, anh hỏi tới:
- Bộ họ chết trẻ lắm sao mà gọi là trinh nữ?
Người nọ nhìn vào xe thấy Thu Nguyệt nên bảo:
- Có lẽ trẻ hơn cô này và cũng đẹp như vậy!
Thu Nguyệt nghe mình bị đem so sánh với ma thì la lên oai oái:
- Tôi không phải là ma! Tôi... tôi...
Cô đưa cả hai tay ôm lấy mặt, nhích sát vào người Vinh. Người nông dân kia bật cười:
- Ma mà nhát thì càng trốn nó càng nhát dữ hơn!
Hiển còn tính hỏi thêm, nhưng cũng như chị lúc nãy, bác nông dân bỏ đi rất nhanh. Hiển rồ ga tới nữa, nhưng lần này Thu Nguyệt quyết liệt hơn:
- Anh mà tới nữa thì em chết liền cho anh coi!
Cô mở cửa xe, Hiển hốt hoảng:
- Thôi thì để anh cho xe quay lại!
Hiển đành phải chạy ra đường lớn, anh vẫn liếc nhìn về phía ba ngôi nhà ngói, tiếc rẻ:
- Phải chi mình có thì giờ tìm hiểu thêm, có lẽ thú vị lắm...
Thu Nguyệt la lên:
- Anh điên rồi sao cứ nhắc chuyện ma quỷ đó hoài vậy! Ma mà thú vị gì! Cũng may là đêm qua...
Giờ Vinh mới lên tiếng:
- Lúc tụi này bước vào nhà thứ ba, vừa nhìn thấy cỗ quan tài trong đó, chưa kịp lùi ra thì như có ai đó ngáng chân, làm cả hai ngã cùng lúc!
Hiển kể lại:
- Lúc mình vừa chạy tới thì giẫm phải ai đó, mình cũng ngã!
Thu Nguyệt càu nhàu:
- Anh đạp phải em chứ còn ai nữa, người em giờ vẫn còn ê ẩm!
- Anh cứ tưởng cả hai đang bị nguy...
Nguyệt làu bàu:
- Thấy ba cỗ quan tài cùng lúc mà còn gì nữa! Em không tưởng tượng nổi...
Nghe hai bạn phàn nàn, Hiển không nói gì, bởi lúc đó trong đầu anh đang có một ý nghĩ gì đó chưa tiện nói ra...
Họ về tới Gò Công vào trưa hôm đó. Đáng lý ra Hiển phải ở lại cùng vui với cô em họ Thu Nguyệt và bà con ở đó, nhưng hơi bất ngờ, anh nói:
- Anh có một việc rất cần phải về Mỹ Tho. Vậy Nguyệt và Vinh ở lại chơi, ngày mai anh sẽ về đón.
Thu Nguyệt không vui:
- Em ở đây mà thiếu anh thì còn gì là vui nữa! Đầu têu mà vắng mặt...
Hiển đành cười trừ rồi vội vọt xe đi nhanh. Ra ngoài thay vì hướng về Mỹ Tho, Hiển ngược đường về hướng vừa qua. Anh đã quyết định tìm lại ba ngôi nhà... ma!
Nguyên nhân nào khiến Hiển quyết định như vậy, ngay lúc này anh cũng không thể lý giải được, chỉ thấy trong lòng mình như có sự thôi thúc khó hiểu...
Gần hai tiếng sau, anh đã có mặt ở trước cổng ba ngôi nhà. Sau một lúc suy tính, cuối cùng Hiển cho xe hơi tới gởi ở sân một ngôi nhà cách đó vài trăm thước, rồi đi bộ trở lại. Trời lúc ấy vừa mới tối, nên việc xuất hiện của Hiển không gây sự chú ý của những người lân cận. Nhờ vậy, khi Hiển lách qua cánh cổng mở hé thì vào bên trong được trót lọt, ở cả ba ngôi nhà đều có ánh đèn chỉ đủ sáng cho ba phòng khách, nơi mà lần trước Hiển đã nhìn thấy ba cỗ quan tài.
Nép mình vào một bồn hoa, Hiển bỗng giật mình khi nhìn thấy một người đang lom khom trước quan tài.
- Ông già bữa trước!
Ông ta đang cúi xuống làm gì đó trước quan tài, lát sau khi ông ta ngẩng lên thì Hiển nhìn rõ là ông vừa đặt một mâm cơm xuống cúng. Đứng cách hơn chục mét, nhưng Hiển cũng nhìn thấy được trong mâm cơm có khá nhiều thức ăn còn bốc khói, chẳng khác gì mâm dọn cho một người còn sống ăn!
Bất chợt ông già bước ra khỏi phòng, suýt nữa thì Hiển đã bị ông ta nhìn thấy. Anh vội ngồi thụp xuống. Ông già bước qua rất nhanh, hướng về ngôi nhà thứ hai. Hiển tò mò bám sát theo và thật ngạc nhiên, anh thấy ông già ghé lại chỗ một ghế đá, bưng lên một mâm cơm giống như mâm cơm kia.
- Ông ta làm gì?
Trả lời cho thắc mắc của Hiển là việc ông già bưng mâm cơm đi thẳng vào phòng, đặt nó xuống trước quan tài giống y như mâm cơm vừa rồi.
- Ông ta cúng?
Quả là như vậy, Ông già trịnh trọng cúng vái và đốt một nén hương, Mâm cơm cũng đầy thức ăn ngon và bốc khói!
Xong rất nhanh, ông già lại bước ra khỏi phòng và hướng về ngôi nhà còn lại.
- Thì ra ông ta cúng thường nhật!
Cúng xong trước cỗ quan tài cuối cùng thì ông già bước ra, và lần này đi thẳng về phía ngôi nhà nhỏ, tức chỗ ở của ông mà Hiển đã có dịp biết đêm qua.
Vừa định bước theo, chợt Hiển kịp nghĩ, anh lưỡng lự một chút rồi lần bước về phía ngôi nhà đầu tiên. Những gì diễn ta đã khiến Hiển trố mắt kinh ngạc! Mâm cơm với thức ăn đầy lúc nãy, giờ đây hầu như hết sạch!
- Ai ăn?
Hiển kêu lên khẽ, may mà anh kịp kiềm chế chứ không thì ai đó đứng gần có thể nghe được!
Chợt nghĩ tới hai mâm cơm còn lại, Hiển bước len qua các bụi cây và hướng về ngôi nhà thứ hai. Cũng giống như mâm cơm vừa rồi, mâm cơm này cũng không còn! Tim Hiển bắt đầu đập mạnh, anh chạy sang ngôi nhà thứ ba và... sững sờ khi thấy mâm này cũng chỉ còn lại những chén đĩa không!
- Trời ơi!
Lần này không kìm được, Hiển đã buột miệng thành lời và anh suýt đứng tim khi có ai đó vỗ lên vai mình từ phía sau!
- Cậu đừng nhìn như vậy sẽ không hay...
Đó là ông già vừa bưng cơm cúng. Ông ta kéo tay Hiển đi nhanh về phía gian nhà của mình với câu nói:
- Hôm qua các cô cậu đã mạo hiểm vào đây, nếu tôi không kịp thời đưa ra thì... không biết chuyện gì đã xảy ra! Sao hôm nay cậu lại trở vào nữa? Cậu có biết hành động này sẽ không hay lắm không?
Khi vào tới nhà riêng của ông ta rồi, Hiển mới đánh bạo hỏi:
- Những mâm cơm hết sạch vừa rồi có phải do người chết ăn không chú?
Ông già không đáp ngay mà nhìn ra ngoài bầu trời đêm, một lúc sau mới lên tiếng:
- Chứ theo cậu thì ai vào đây ăn?
- Nhưng.. xưa nay cơm cúng cho người chết thì chỉ tượng trưng, chứ làm sao ăn như thật được?
- Vậy mà được...
Ông già trả lời xong thì đứng lên đi vào phía trong. Nửa phút sau ông trở ra, trên tay cầm một đĩa trái cây tươi, ngon, vừa bảo Hiển:
- Cậu cứ ngồi đây chơi chờ tôi một chút, tôi cho các cô tráng miệng xong đã.
Hiển nói:
- Cháu muốn đi theo chú...
Ông già lắc đầu:
- Để cậu vào đây là quá rồi, làm sao cậu có thể vào trong đó được.
Ông đi khoảng năm phút. Khi trở lại thì mang về ba cái mâm với chén đĩa dùng xong như Hiển đá thấy lúc nãy. Lúc này ông già mới nói rõ hơn:
- Ba cô này chẳng khác nào con ruột của tôi. Các cô xem tôi như cha chú, bởi vậy cho nên khi các cô chết thì tôi không nỡ rời xa. Và các cô cũng chỉ để mình tôi gần gũi, chăm sóc...
- Tại sao họ chết vậy chú?
Ông già vừa định trả lời, thì có một tiếng động lớn vang ra từ trong nhà.
Ông thất sắc:
- Cậu đi đi!
Hiển chưa hiểu sao mình bị đuổi ngang, anh hỏi lại:
- Sao vậy chú?
Lời anh vừa dứt thì có mấy vật gì đó từ trong bay ra rơi xuống ngay trước mặt vỡ toang. Ông già hốt hoảng:
- Các cô giận lên rồi, cậu đi nhanh đi kẻo không kịp...
Ông sợ Hiển không đi nên đích thân kéo tay anh dậy và lôi nhanh ra sân, vừa nói trong nỗi sợ hãi:
- Các cô ấy chưa bao giờ giận đến như vậy cả, không xong rồi!
Lúc Hiển ra gần tới cổng rồi mà vẫn nghe tiếng rổn rảng từ trong nhà.
Ông già đẩy anh ra cửa và nói nhanh:
- Lần tới mà cậu vào đây khi chưa được phép thì tôi không chịu trách nhiệm đâu!
Hiển ra rồi ông khóa chặt cổng từ bên trong, chứ không bấm hờ khóa từ bên ngoài như hai lần trước. Ông già biến rất nhanh trong khu vườn vắng...
Hiển hiểu là hôm nay anh chỉ nên chấp nhận những gì ông già khuyên, mặc dù khi trở lại đây anh còn có ý định táo bạo hơn... Khi trở lại xe, vừa mở cửa xe ra anh đã ngạc nhiên khi thấy một nải chuối tươi ngon nằm ở ngay ghế lái xe!
- Mình đã khóa cửa xe rồi mà!
Nhìn vào ngôi nhà nhỏ nơi anh gửi xe thì trong nhà chẳng có ai ngoài vài đứa trẻ đang nằm ngủ, mà bọn chúng thì không thể là thủ phạm để chuối vào xe anh được! Hiển lưỡng lự một chút rồi để nải chuối sang một bên, cho xe trở ra lộ lớn.
Dừng lại một quán cà phê đang vắng khách, Hiển khéo léo hỏi thăm:
- Cô cho cháu hỏi thăm, ba căn nhà trong kia hiện giờ chủ còn ở không vậy?
Bà chủ quán nhìn Hiển một lượt rồi chợt nói:
- Hình như cậu mới từ trong đó ra phải không? Tìm chủ nhà mà không gặp chứ gì? Cậu quen với gia đình ông bà Phạm gia đó như thế nào?
Vô tình Hiển biết được chủ nhà họ Phạm, nên anh bịa chuyện:
- Dạ... bác Phạm ngày trước là bạn của ba cháu. Kể từ khi...
Hiển chưa nói hết lời thì chủ quán đã mau miệng:
- Chắc kể từ ngày ông bà đó định cư ở nước ngoài cậu không ghé nhà chứ gì! Nhất là từ lúc nhà xây lại và ba cô con gái...
Hiển làm ra vẻ ngớ ngẩn:
- Ba chị em nhà đó bây giờ chắc lớn lắm rồi?
Bà chủ quán thở dài:
- Tội nghiệp, số kiếp hồng nhan...
Bà ta nói giọng điệu ra vẻ những người xem tuồng kịch cải lương nhiều, nên câu chữ đượm hơi hướm sân khấu lắm:
- Hồng nhan bạc phận mà. Tội nghiệp, mới hai mươi tuổi đời mà đã rủ nhau chết hết!
Hiển làm như sửng sốt lắm:
- Chết cả ba cô?
Bà gật đầu:
- Cả ba chết một lượt!
Rồi hình như thấy chưa đủ, bà chủ quán lại nói thêm chi tiết hơn:
- Cách đây hơn ba năm, trong một dịp đi chơi Nha Trang bằng xe hơi nhà, ba cô Diệp, Thúy, Nga bị tai nạn đụng xe, chết cả ba người. Đau đớn hơn là khi ấy ba cô đều đã có giấy tờ xuất cảnh đoàn tụ gia đình với cha mẹ ở nước ngoài, tính là sau chuyến đi Nha Trang sẽ lên máy bay...
- Trời ơi!
Đó là tiếng kêu xuất phát từ tấm lòng của Hiển. Anh sững sờ thật sự khi nghe kể. Và trong một giây không kiềm chế được, anh thốt lên:
- Chẳng trách các cô ấy thành ma!
Câu nói của Hiển tuy nhỏ, nhưng cũng đủ cho bà chủ quán nghe:
- Cậu cũng biết các cô ấy thành ma?
- Dạ...
Bà không giấu giếm:
- Ông bà Phạm ở nước ngoài về khóc chết lên chết xuống, và sau cùng định thiêu xác các con đem đi đoàn tụ, nhưng hồn các cô không chịu. Hai lần ông bà Phạm tính thiêu xác thì cả hai lần xe chở ba cỗ quan tài đi thiêu đều không thể nổ máy được! Cuối cùng họ phải cầu vong các cô về, và biết được các cô chỉ muốn ở lại trên mảnh đất vườn của ông cha. Do đó mới có chuyện xây ba ngôi nhà rộng cho ba cô...
Hiển đã nhìn thấy ba cỗ quan tài trong ba ngôi nhà, nên anh reo lên:
- Đúng là như vậy!
- Cậu nói đúng cái gì?
Không muốn để bà ta biết mình đã vào nhà và biết nhiều chuyện, nên Hiển nói lảng sang chuyện khác:
- Hai ông bà Phạm gần đây có về không cô?
- Thấy năm nào họ cũng về. Họ thương ba đứa con lắm, nên các cô chết đi thì hầu như bà Phạm chỉ muốn chết theo. Nghe nói năm tới có thể bà ấy sẽ trở về ở luôn đây với các con.
Rồi bà nói thêm:
- Tôi cũng chưa từng thấy người đầy tớ nào trung thành và thương con chủ như ông Tư hiện nay ở giữ nhà mồ.
- Ông ta có bà con gì với gia đình họ không cô?
- Hoàn toàn không, chỉ có điều là ông ấy ở giúp việc trong nhà từ lúc các cô mới sinh, nên có lẽ vì vậy mà khi ông bà chủ nhờ ông ở lại chăm sóc nhà mồ cho con họ thì ông ta nhận lời liền! Nội chuyện chỉ một người sống ở chung với ba người chết như vậy đã thấy là ông già Tư cản đảm cùng mình rồi! Mà nghe nói là vong hồn ba cô còn linh hiển lắm, chẳng khác nào người sống...
Bà hạ thấp giọng, ra điều quan trọng:
- Ông già Tư không kể, nhưng nghe nói bữa nào ông cũng đi chợ nấu ăn thật ngon để cúng vong hồn các cô! Nghe nói họ ăn được thức ăn như khi còn sống vậy! Thiên hạ ở đây đồn đãi dữ lắm, nhưng chưa một ai thấy được tận mắt, bởi đâu có ai lọt được vào trong nhà đó mà an toàn trở ra!
Hiển tò mò:
- Sao vậy cô?
- Ma bắt, ma vặn họng bất cứ ai vào nhìn thấy nhà mồ của họ! Đã có không ít người bị rồi. Chứ nếu không thì làm sao nhà mồ đó yên ổn được với bọn người tham lam gần xa.
Hiển bất chợt rùng mình. Anh lắp bắp hỏi lại:
- Chuyện đó có thật sao cô?
- Sao lại không thật? Bởi vậy cánh cổng sắt tuy có ổ khóa, nhưng không bao giờ bấm ống khóa, vậy mà chẳng một ai lọt vào trong được, ngoại trừ...
- Ngoại trừ sao cô?
- Nghe nói chỉ ai đó mà các cô chờ và cho phép thì mới vào được và an toàn trở ra!
Một lần nữa Hiển rùng mình. Anh cảm thấy lạnh ở sống lưng...
- Nè cậu...
Thấy Hiển cứ thừ người ra, bà chủ quán phải gọi giật:
- Cậu có ý định vào nhà đó không? Nếu có thì thử kêu cửa coi ông già Tư là người quyết định giùm cậu. Nhưng theo tôi nếu chỉ tới thăm thôi thì cậu không nên vào. Tôi ở đây và ngày trước cũng thân thiết với gia đình đó lắm, vậy mà ba năm nay chưa bao giờ tôi bước vào trong ấy!
Hiển giả vờ:
- Dạ, có lẽ vậy...
Anh hỏi thêm vài chi tiết nữa rồi rời nơi ấy. Trong lòng anh còn nhiều hoang mang, nhưng tạm thời anh không muốn quan tâm thêm...
Trời lúc ấy đã quá xế chiều, đường về Gò Công tương đối vắng vẻ, nên Hiển sau khi đậu xe trên phà rồi, anh mở cửa xe bước xuống ngắm sông nước.
Mười lăm phút sau, khi đã nhìn thấy bờ bên kia, Hiển trở lại xe và giật mình khi thấy trên xe, chỗ ghế cạnh tài xế có một cô gái đã ngồi sẵn!
- Cô là...
Cô gái cười rất tươi:
- Thấy xe anh ngừng mà không tắt máy, lại không kéo thắng tay, cho nên tôi phải làm giùm. Bộ anh quên là xuống phà không được để xe như vậy sao?
Hiển ngạc nhiên:
- Ủa, vừa rồi tôi đã tắt máy rồi mà?
Chỉ xâu chìa khóa còn ở ổ công tắc, cô gái lắc đầu:
- Còn trẻ mà mau quên quá. Nếu tắt máy rồi sao chìa khóa còn đây?
Hiển giật mình:
- Tôi xin lỗi. Tôi...
Cô gái bước xuống xe và đi thẳng tới phía sau phà, trước sự ngạc nhiên của Hiển. Anh đinh gọi lại nhưng chỉ nhận được một cái khoát tay và câu nói ngắn của nàng:
- Anh nên ngồi lên xe, coi chừng tai nạn!
Hiển còn chưa hiểu nàng ta nói với ý gì thì chợt chiếc phà lắc lư dữ dội, hình như do va chạm với vật gì đó! Nhiều xe xô vào nhau, người ngã và cảnh hỗn loạn diễn ra. Có tiếng hô lớn của tài công:
- Ai ở đâu ở đó, đừng chạy lung tung, coi chừng phà chìm đó!
Hành khách sau đó hiểu được phà vừa đụng phải một sà lan chở cát, sà lan bị chìm, còn phà thì chao đảo, vài chiếc xe đậu gần mũi đã lao xuống sông.
Cũng may, xe của Hiển không sao, bởi lúc đó anh kịp thời giữ thăng bằng, sẵn ngồi trước tay lái nên đã lách được mũi xe vào cột rào chắn, giữ được xe lại, thoát nạn trong đường tơ kẽ tóc!
- Cô ta...
Ngầm cám ơn cô gái nên Hiển quay lại tìm, nhưng trong cảnh nhốn nháo của mọi người, anh không tài nào tìm thấy. Mãi đến lúc phà vào tới bến, Hiển tìm lại lần nữa bằng cách đứng ngay thang lên xuống mà cũng chẳng thấy cô nàng đâu!
Cho đến khi có một đứa bé bán bánh dạo tới đưa cho Hiển mảnh giấy nhỏ:
- Có người gửi cho chú.
Hiển cầm và đọc được mấy chữ:
- Xe sắp tuột thắng, sửa lại trước khi đi!
Dưới dòng chữ viết không có ký tên, Hiển định hỏi thằng bé xem cô nàng ở đâu thì thằng bé cũng biến mất rất nhanh. Lúc này Hiển mới cho xe ra khỏi khu vực chờ của bến phà, cũng may cách đó không xa có một ga-ra sửa chữa xe, anh ghé vào đó và kêu cần kiểm tra lại thắng. Người thợ vừa nhấp thử vài lần rồi chui xuống gầm xe và kêu lên:
- Trời ơi! Xe anh chỉ chút xíu nữa thôi là con ốc sắt bộ phận thắng sút ra rồi!
Hiển ngẩn người ra, anh lẩm bẩm:
- Sao nàng ta biết?
Dẫu cô nàng không ký tên dưới dòng chữ, nhưng anh đoán chắc người viết đúng là cô nàng lúc nãy! Anh nhờ sửa lại bộ thắng xong thì vọt xe trở lại bến phà. Cũng kịp lúc anh nhìn thấy dáng một cô gái vừa bước lên chiếc xe đò chạy về hướng Gò Công. Hiển gọi lớn:
- Cô gì ơi!
Nhưng chiếc xe đò chạy quá nhanh nên tiếng kêu của Hiển bay theo gió.
Anh chàng lại nhấn ga, vọt xe theo. Chạy đến hơn chục cây số Hiển mới chặn được chiếc xe lại, tài xế và lơ xe đều bực mình cự nự:
- Anh làm gì mà chặn xe tụi tôi lại?
Hiển xin lỗi rồi nhảy lên xe nhìn dáo dác tìm kiếm... Chẳng hề thấy cô gái mà anh thoáng trông thấy lúc nãy?
- Cô ta...
Lơ xe giục Hiển:
- Yêu cầu anh xuống xe cho, tụi tôi còn chạy cho kịp giờ!
Hiển thẩn thờ bước xuống. Anh quay lại xe mình mà vẫn còn ấm ức...
Nhưng khi vừa mở cửa xe bước lên thì Hiển đã phải trố mắt:
- Cô...
Cô gái chẳng biết ngồi trên xe từ lúc nào rồi!
- Người gì vô tâm, vẫn chứng nào tật náy, xuống xe mà không tắt máy! Nếu vừa rồi tôi là kẻ gian thì anh còn đâu xe để đi?
Hiển thật sự lúng túng:
- Tôi... tôi...
Giờ cô gái mới nghiêm túc:
- Tôi cần về Mỹ Tho, anh có thể cho quá giang được hay không?
Hiển hơi ngập ngừng:
- Tôi chỉ đi tới Gò Công... Nhưng sao về Mỹ Tho mà cô đi hướng này? Cô lên xe từ đâu?
Cô gái trả lời rành rọt, chứng tỏ là dân địa phương:
- Ở giữa đường từ Cần Đước đi Mỹ Tho thì ngoài đường này chỉ còn cách quay lại Chợ Lớn rồi đi ngược xuống. Cự ly đường cũng bằng nhau, nên đi thế nào cũng vậy. Nếu anh không tiện thì thôi, tôi chỉ xin quá giang tới Gò Công, rồi từ đó tôi đi xe đò cũng được. Xin cám ơn trước.
- Nãy giờ toàn là cô nói, chưa cho phép tôi...
Cô ta mỉm cười:
- Vậy tới phiên anh nói. Tôi chờ nghe...
- Tên cô là gì?
Cô ta cười xòa:
- Quên, xin lỗi. Em tên Hà, Thu Hà.
- Tôi tên Hiển. Được rồi, nếu cô chịu nói rõ hơn cô về Mỹ Tho làm gì thì tôi xin tình nguyện đưa cô về tới chỗ?
Cô nàng tên Thu Hà vẫn cười rất tươi:
- Về để... lấy chồng! Thế anh có sẵn lòng cho quá giang không?
Hiển nhìn sững cô ta:
- Nhà cô ở đâu?
- Cần Đước!
- Kể cũng lạ. Con gái mà phải thân chinh đi lấy chồng, thay vì phải đợi chồng tới nhà mình để cưới! Cô nói như thế mà nghe được sao?
- Yêu nhau thì sá gì ai tới cưới ai? Xách gói theo trai cũng đâu phải là chuyện lạ!
Thấy cô nàng vui vẻ, biết nói đùa, Hiển thích thú:
- Hôm nay tôi hên nên ra đường gặp cô. Có được một người đồng hành vui vẻ như vậy thì đỡ buồn ngủ biết mấy!
Nàng nghiêm giọng:
- Anh chưa nói cám ơn về lời nhắc cứu mạng!
Hiển giật mình:
- À sao cô biết trước điều mà tưởng chừng như vô phương vậy?
- Nếu em nói là do... nhìn sắc mặt của anh mà đoán được chuyện sắp xảy ra, anh có tin không?
Hiển nhìn cô nàng với ánh mắt hoài nghi:
- Không lẽ cô là thầy bói?
Thật bất ngờ, cô nàng gật đầu:
- Em có thể đoán chuyện tương lai, quá khứ được! Bằng chứng là vừa rồi, lúc ở trên phà em nhìn thấy anh cứ thẫn thờ khi từ trên xe bước xuống...
Hiển lắc đầu:
- Tôi vẫn chưa tin. Nhưng thôi, chuyện cũng xảy ra rồi và cô đã đoán đúng. Tôi thành thật cám ơn. Nhưng cô thử đoán xem... tôi có vợ chưa?
Nàng không ngạc nhiên chút nào trước câu hỏi của Hiển và trả lời ngay, không cần suy nghĩ:
- Có rồi và cũng mất rồi. Hiện nay coi như không có vợ!
Hiển giật mình:
- Cô... cô là...
Nàng cười:
- Biết tên em rồi mà, sao vẫn là cô này cô nọ?
Hiển lại một phen lúng túng:
- Cô... Thu Hà làm tôi bất ngờ...
- Nhưng anh xác nhận xem em nói có đúng không?
- Ờ thì... đúng. Nhưng mà...
- Không cần nhưng nhị gì cả. Em nói không sai là được rồi. Và anh có muốn nghe chuyện tương lai không?
Hiển trố mắt:
- Cô dám nói... tôi sắp lấy vợ lắm à?
Nàng gật đầu:
- Điều đó không sai.
Hiển cười to:
- Lần này cô sai rồi.
Cô nàng vẫn bình thản:
- Sai hay không thì đợi chuyện đến mới chứng minh!
- Nhưng... riêng chuyện lấy vợ lần nữa thì e khó! Cô có biết là với lần dang dở vừa rồi của tôi đã là một vết thương lòng không thể lành được, vậy làm sao có can đảm để bị thương thêm lần nữa!
Lần này người cười to lại là cô nàng:
- Vậy mà sẽ xảy ra đó!
Hiển vừa định nói, chợt nàng la lớn:
- Tấp vào lề, dừng xe lại!
Hiển kịp làm theo thì chỉ chưa đầy mười giây sau đã có một chiếc xe tải lớn chạy ngược chiều bị đứt thẳng và đâm sầm vào đường lưu thông của Hiển.
Nhờ đã tấp kịp vào sát lề và dừng lại, nên anh đã tránh được cú va chạm mạnh!
Nhiều người đi gần đó hốt hoảng, cứ tưởng xe Hiển đã lãnh đủ. Khi họ chạy tới nhìn thấy thì kêu lên:
- Đúng là được trời Phật che chở!
Người khác thì nói:
- Ông này vừa rồi coi như chết chắc!
Hiển vẫn chưa hoàn hồn, anh gục đầu xuống tay lái mà lồng ngực hầu như không còn không khí để thở. Mãi tới khi có ai đó bên ngoài nói to lên:
- Thoát rồi, chạy đi chứ!
Hiển hoàn hồn ngẩng lên thì lại quá đỗi ngạc nhiên khi tìm không thấy Thu Hà đâu. Anh gọi to:
- Cô Hà ơi!
Không nghe tiếng trả lời, Hiển phải mở cửa xe bước xuống. Đó là quãng đường vắng, chung quanh toàn là đồng lúa. Các xe cộ khác thì sau tai nạn hụt đã chạy đi hết. Hiển vẫn cất tiếng gọi:
- Cô Thu Hà ơi!
Cô ta biến mất cũng giống như lúc đột ngột hiện ra khiến cho Hiển bàng hoàng:
- Không lẽ cô ta là... ma?
Ngoại trừ là ma, chứ người thật thì làm sao ẩn hiện lạ thường như thế?
° ° °
Hiển trở lại Gò Công vào nửa đêm, cả nhà sửng sốt khi thấy anh bước vào. Bà cô anh trố mắt nhìn, vừa hỏi mà giọng run run:
- Con có bị gì không?
Hiển ngạc nhiên:
- Bị gì là sao?
Thu Nguyệt cũng đang sốt ruột, cô nói chen vào:
- Cả nhà đang lo cho anh khi nghe tin anh bị đụng xe!
Hiển ngơ ngác:
- Đụng hồi nào?
Cô Tư của Hiển lại nhìn anh từ đầu đến chân, rồi nói mà giọng vẫn chưa hết run:
- Cô ấy nói con bị đụng xe, không biết sống chết ra sao nên cả nhà lo quá chừng, dượng Tư con đã đi với mấy đứa trong nhà lên trên đó rồi.
Hiển phải gắt lên:
- Cô nào nói?
- Cô... cô gì đó...
Bà quay sang Thu Nguyệt:
- Cô ấy nói tên gì?
Nguyệt đáp:
- Thu Hà!
Hiển kêu lên:
- Thu Hà! Cô ta tới đây sao?
- Tới hồi đầu hôm.
- Đâu rồi?
Cô Tư ngạc nhiên:
- Con hỏi cái gì đâu rồi?
Hiển la lớn:
- Thì cô Thu Hà đó!
Thu Nguyệt phải đáp thay cô:
- Đi rồi. Nhưng có nói là sẽ trở lại vào sáng mai, khi nào anh an toàn trở về!
Hiển muốn điên đầu:
- Cô này... cô này...
Anh định nói cô ta là ma! Nhưng kịp ngừng lại...
- Cô này hơi lạ, em chưa từng gặp. Quen sao với anh vậy anh Hiển, mà lại biết nhà dưới này?
Hiển không đáp mà lại lẩm bẩm đủ nghe:
- Cô ta muốn gì nữa đây?
Nghe không rõ, Thu Nguyệt tò mò:
- Bạn gái của anh hả? Lúc chiều khi ra tiếp cô ta, anh Vinh đã ngẩn ngơ vì sắc đẹp và quả quyết đó là bạn gái của anh, phải không?
- Bậy! Ai dám...
Suýt nữa Hiển đã nói ra ý của mình. Chợt nhớ tới Vinh, anh hỏi:
- Vinh đâu rồi?
- Cô ấy nhờ đưa ra bến xe, nói là cần trở về Mỹ Tho gấp lắm!
Hiển hốt hoảng:
- Nguy rồi!
Thu Nguyệt ngạc nhiên:
- Chuyện gì vậy?
Hiển quýnh lên:
- Vinh đi lâu chưa?
- Khoảng hơn nửa tiếng.
Cô Tư chợt lo:
- Đây ra bến xe đâu có xa, mà sao tới giờ này chưa về? Hồi nãy mày cho nó đưa làm gì. Tao thấy con nhỏ đó đẹp quá tao cũng ngại...
Thu Nguyệt cười:
- Con cũng biết vậy, nhưng con muốn nhân dịp này thử lòng dạ của chàng ta coi sao? Nếu mê nữ sắc đến nỗi theo tán tỉnh cô ấy thì... con chia tay luôn.
Hiển phóng ra xe, nói với lại:
- Em có đi kiếm nó về không, hay là để... lấy xác nó?
Cô Tư hốt hoảng:
- Con nói điên gì vậy Hiển?
Thu Nguyệt nhìn thái độ của Hiển thì đoán biết có chuyện không ổn, cô vọt theo ngay. Khi ngồi trên xe rồi cô hỏi dồn:
- Chuyện gì vậy anh Hiển?
- Cô ấy là ma đó!
Thu Hà tưởng mình nghe lầm:
- Anh nói cái gì?
Hiển lặp lại rõ ràng hơn:
- Anh nói cô Thu Hà đó là hồn ma. Chính anh đã chở cô ấy về, tới chỗ xe suýt bị tai nạn thì cô ấy biến mất! Anh...
Vừa khi ấy có tiếng từ ngay băng sau xe:
- Hai anh em lại nói xấu người vắng mặt rồi! Phải chăng hồn ma biết cứu người thoát chết trong đường tơ kẽ tóc trong tai nạn vừa rồi?
Hiển suýt nữa đã tông xe vào cột đèn đường khi nghe tiếng nói đó! Anh kịp dừng xe lại, quay nhìn ra sau và kêu lên:
- Cô Thu Hà!
Thu Nguyệt há hốc mồm, chưa kịp nói gì thì Thu Hà đã lên tiếng:
- Tôi vội chạy đi ngay lúc chiếc xe tải đâm vào xe anh, rồi leo lên một xe khác là để về nhà báo tin, vậy mà anh lại cho tôi là hồn ma, nghĩ cũng vui!
- Nhưng vừa rồi...
- Tôi thấy anh vào nhà, tôi không tiện vào, ngồi lên xe chờ anh ra. Hai người ra không hề để ý có người ngồi phía sau, và... tôi biến thành hồn ma phải không?
Nghe cô nàng hỏi mắc mỏ, Hiển hơi lúng túng:
- Thật ta tôi... tôi cũng hoang mang... Ai bảo cô khi ẩn khi hiện làm tôi chẳng biết đâu mà lần!
Thu Nguyệt vội hỏi:
- Vậy anh bạn của tôi đâu?
- Anh ta vừa mới về, bước vào nhà thì cô đi ra, cô còn hỏi gì nữa?
Nghe thế, Nguyệt bảo Hiển:
- Anh Hiển cho em trở về nhà, em xem Vinh ra sao!
Hiển vẫn chưa hoàn hồn, anh còn thừ người ra thì Nguyệt đã nhảy xuống xe, cô bảo:
- Em đi xe lôi về đây!
Nguyệt đi một đoạn xa rồi, lúc đó Hiển mới hỏi lại:
- Thật ra cô... cô là...
Thu Hà móc trong túi ra một phong thư:
- Cái này em định đưa cho anh ngay lúc gặp dưới phà, nhưng chưa kịp thì...
Nhìn nét chữ ngoài phong bì, Hiển giật mình:
- Của... Diễm Chi?
Thu Hà cười nhẹ:
- Vẫn còn nhớ người tình cũ sao?
- Cô là gì của Diễm Chi?
- Là em họ. Có lần nào anh nghe chị Chi nói về người em họ học trường mỹ thuật không?
Hiển chợt nhớ ra:
- Cô học vẽ tranh lụa? Người có bức tranh lụa vẽ hình thiếu nữ với hoa sen đoạt giải nhất cuộc thi toàn quốc?
Thu Hà cười thích thú:
- Trí nhớ anh không tồi chút nào! Và anh còn nhớ có lần chị Diễm Chi nói rằng khi nào chị ấy chết, hoặc anh và chị ấy không lấy nhau được thì chị ấy sẽ làm mai đứa em họ cho anh không?
- À... có...
- Và anh cũng đã hứa với chị ấy là suốt đời sẽ yêu thương chẳng những chị ấy, mà còn cả những người thân của chị ấy nữa, đúng không?
- À... chuyện ấy có...
- Vậy anh hãy đọc lá thư này đi.
- Diễm Chi chỉ cho em biết nhà dưới quê của anh?
- Và cả số xe hơi của anh nữa. Chưa gặp anh lần nào, nhưng qua ảnh trong album của chị Diễm Chi, em đã nhớ mặt anh nên khi gặp trên bến phà em nhận ra ngay.
Thấy Hiển có vẻ hiểu ra, cô nàng nheo mắt hỏi:
- Bây giờ còn cho em là... ma nữa thôi?
Hiển hơi ngượng:
- Anh xin lỗi...
Anh bóc thư ra đọc. Trong thư Diễm Chi xin lỗi anh về việc đột ngột bỏ đi mà không nói lý do, cho rằng mình có một lý do đặc biệt khó giải thích, và mong rằng Hiển hãy làm bạn với Thu Hà và coi Hà như là mình. Cô nhấn mạnh đoạn cuối thư: "Thu Hà rất ngoan và có hoàn cảnh tội nghiệp, nó lâu nay cô đơn, nên em mong rằng anh sẽ làm cho nó vui trở lại. Còn riêng em thì anh hãy coi như em đã... chết. Bởi em...".
Thư không có đoạn cuối. Hiển ngẩng lên hỏi:
- Diễm Chi đang ở đâu? Cô ấy...
- Chị ấy... bị bệnh nan y, không bao giờ gặp anh nữa. Và anh cũng đừng hy vọng gặp lại, bởi chị ấy thề nếu để cho anh gặp thì thà chết còn hơn!
Hiển hốt hoảng:
- Diễm Chi bệnh gì?
Hà lắc đầu, giọng buồn bã:
- Em đã thề với chị ấy rồi, thà anh giết em chết, chứ không bao giờ em chỉ chỗ. Thôi, nếu anh không có ý gì khác thì em xin kiếu...
Cô mở cửa xe bước xuống, Hiển vội chụp tay lại.
- Khoan đã!
Anh không nói gì thêm, nhưng Thu Hà lại ngả người xuống băng ghế xe, rồi ôm mặt khóc nức nở!
Diễn biến sự việc quá nhanh, khiến cho Hiển chẳng kịp đối phó. Anh lúng túng buông tay cô nàng ra. Cuối cùng, anh đóng hẳn cửa xe lại, nói khẽ:
- Mình đi rồi sẽ tính!
Anh thay vì chạy về nhà lại hướng xe về phía bến phà, nơi cách đó khá xa. Đi được một đoạn, Hiển định quay ra sau hỏi chuyện thì thấy Thu Hà đã ngủ ngon lành. Có lẽ cô nàng đã quá mệt với một ngày vất vả, bao nhiêu chuyện...
Không nở để cô nàng giật mình, nên Hiển lái chậm lại. Một giờ sau thì đến bến phà. Lúc này đã gần sáng nên chuyến phà đầu tiên của ngày rất vắng khách, chỉ có chiếc xe của Hiển và một số khách bộ hành nhưng phà vẫn chạy.
Qua đến bờ bên kia trời mới sáng hẳn, Hiển muốn dừng xe nghỉ và ăn lót dạ, nhưng nhìn thấy Thư Hà vẫn ngủ say, nên anh quyết định đi tiếp. Và chẳng hiểu vô tình hay số phận, mà khi đi ngang qua chỗ rẽ vào nơi có ba ngôi biệt thự... ma thì xe hết xăng!
Nghĩ là có thể nhờ ai đó đi mua giúp xăng rồi trả họ thù lao. Nhưng mất gần nửa giờ mà Hiển vẫn không nhờ được chuyện đó. Cuối cùng, anh đành phải bảo Thu Hà lúc đó vừa mới thức dậy:
- Cô ngồi tạm trên xe, tôi sẽ xách can đi mua xăng, xong rồi mình sẽ đi tiếp.
Cô nàng uể oải đáp:
- Được rồi, em tranh thủ ngủ thêm một chút.
Hiển đi gần một tiếng đồng hồ mới mua được can xăng. Nhưng khi trở lại xe thì chằng còn thấy cô nàng đâu!
- Lại thế nữa, cô này giỡn mặt với mình chắc?
Phát hiện một mảnh giấy nhỏ trên băng ghế với mấy chữ viết vội: "Em có bệnh riêng nên phải về nhà gấp mới chữa được. Cám ơn anh đã giúp đở, hẹn gặp lại sớm".
Hiển càu nhàu rồi châm xăng vào xe. Anh tính sau đó sẽ trở lại Gò Công.
Nhưng xăng đã có rồi mà xe vẫn chưa chịu nổ máy. Hiển đang bực dọc thì một người đi ngang có vẻ rành về máy móc xe đã bảo:
- Xe chạy đến hết sạch xăng có thể bị cặn của xăng làm nghẹt bình xăng con rồi! Cậu phải đi ngược lại khoảng vài cây số nhờ thợ tới súc bình xăng cho thì mới nổ máy được.
Ông ta chạy xe đạp nên Hiển ngỏ ý nhờ gọi thợ giùm, ông gật đầu:
- Tôi cũng biết về máy, chút nữa có thợ tới tôi cũng có thể giúp cậu một tay! Cậu cứ nghỉ tay đi, hoặc đi ăn uống lót dạ, để tôi lo cái xe cho.
Bà chủ quán bữa trước cũng ở ngay đó, bà nhớ ra Hiển liền nói:
- Cậu cứ để xe đó vào trong quán tôi ngồi nghỉ, cần ăn gì tôi làm cho ăn, chú Sáu này là người quen trong xóm, có thể giao xe cho chú được.
Hiển cũng đã quá mệt rồi nên nghe vậy anh bước ngay vào quán, để chìa khóa công tắc lại. Bà chủ quán hỏi:
- Cậu đi một mình sao, còn mấy người hôm trước đâu?
- Cháu đi với một người bạn nữa. Lúc nãy cháu đi mua xăng thì cô ấy còn ở đây, bộ dì không thấy sao?
Bà chủ quán lắc đầu:
- Tôi đâu thấy gì. Nãy giờ tôi ngồi đây, chỉ thấy duy nhất có một cô gái lạ đi vào phía ba ngôi nhà trong kia...
Hiển giật mình:
- Cô gái lạ nào?
- Tôi đâu biết. Mà ở đây thỉnh thoảng cũng có vài cô đi vào trong đó, chẳng biết con cái ai trong xóm này, nên tôi cũng không để ý.
Tự dưng Hiển thoáng có ý nghĩ trở lại ba ngôi nhà ma trong kia. Anh dặn bà chủ quán:
- Tôi có việc vào trong này một lát, nếu mấy người thợ sửa xe có tới dì nói họ cứ làm, lát nữa tôi sẽ ra thanh toán tiền.
Hiển đi rất nhanh vào phía trong trước sự tò mò của bà chủ quán, bởi vậy khi ngang qua cổng ba ngôi nhà, anh tạt vào ngay khi thấy cổng chỉ khép chứ không khóa.
Cũng giống như lần trước, dù giữa ban ngày, nhưng nhà vẫn vắng lặng, không thấy bóng ông già giữ nhà đâu. Thoang thoảng có mùi hương nhang tỏa ra, Hiển đoán chắc là ông già mới vừa đốt nhang xong, đang quanh quẩn đâu đó, nên anh cất tiếng gọi khẽ:
- Chú Tư ơi?
Không có tiếng trả lời nên Hiển đi thẳng về phía căn nhà nhỏ, nơi ở của ông. Vẫn chẳng thấy đâu, mà cửa lại khóa, chứng tỏ là ông ta đã đi ra khỏi nhà.
- À, ông ấy đi chợ mua thức ăn!
Nhớ lại những mâm cơm dọn lên hằng ngày, Hiển hiểu ra sự vắng mặt của ông ta lúc này. Còn đang cân nhắc xem có nên ở lại trong khi không có mặt ông già hay là đi ra, thì chợt anh nghe có tiếng động phía ngôi nhà bên trái.
Tiếng động giống như ai đó mở, đập cánh cửa, đồng thời lại như có tiếng bước chân dồn dập nữa. Hiển kêu khẽ:
- Có thể có kẻ trộm lắm!
Anh quên cảnh giác, phóng thẳng về hướng ấy. Khi đến trước cửa kính thì mới chợt nhớ, anh khựng lại. Thì ra tiếng động phát ra từ cánh cửa kính khép không chặt, bị gió làm va đập. Mùi nhang từ trong bay ra thơm lừng. Chợt Hiển giật mình khi thấy ngọn đèn dầu để phía dưới quan tài đang bừng cháy lên một cách bất thường, như sắp sém vào phần gỗ cổ áo quan!
- Không khéo nó làm cháy quan tài mất!
Không nghĩ ngợi thêm, Hiển tung cửa vào và kịp vặn cái bấc đèn xuống.
Thì ra có lẽ ông già giữ nhà mới châm thêm dầu, dầu nhiều tràn ra, gặp gió làm lửa cháy bùng lên vừa rồi!
- Để đèn này quanh năm nguy hiểm chết!
Hiển vừa càu nhàu vừa định bước lui ra ngay, chợt mắt anh nhìn thấy tấm ảnh bán thân đặt trước đầu quan tài, anh tái mặt!
- Cô ta?
Cô gái trong ảnh thờ kia giống với Thu Hà vừa rồi như khuôn đúc! Mà ngay phía dưới ảnh còn có dòng chữ đề tên: Đoàn Thị Thu Hà.
- Trời ơi...
Hiển kêu lên được mấy tiếng rồi tối tăm mặt mũi, cố quay lưng chạy ra ngoài, nhưng hình như anh chỉ chạy được tới cổng rồi gục ngã...
° ° °
Buộc lòng Hiển phải tìm đến nhà của Diễm Chi, sau khi anh tỉnh lại từ nhà mồ ba cô gái. Theo lời kể của Thu Hà thì cô ta là em họ của Diễm Chi, nên dù đã chia tay và thề không bao giờ gặp lại, nhưng hôm nay Hiển vẫn phải tìm tới.
Tiếp Hiển là bà mẹ của Diễm Chi, người trước đây từng thương Hiển như con ruột. Bà vừa trông thấy Hiển đã òa lên khóc! Hiển bình tĩnh hỏi:
- Thưa bác, con muốn gặp Diễm Chi.
Bà Hằng nhìn Hiển đầy ngạc nhiên:
- Con thật sự không biết tin gì về con Chi?
Hiển ngơ ngác:
- Tin gì về Diễm Chi? Kể từ khi Diễm Chi rời xa con mà không một lời giải thích, con đã tới đây gần chục lần, mà lần nào cũng bị hết Chi rồi tới bác xua đuổi, thì thử hỏi con còn mặt mũi nào để tới nữa. Do đó làm sao con biết được những gì xảy ra chung quanh Chi?
Bà Hằng thở dài:
- Nó chết rồi!
Câu nói khiến Hiển tưởng như mình từ trên trời rơi xuống đất:
- Bác nói... ai chết?
- Con Diễm Chi mắc chứng bệnh nan y, biết không qua khỏi nên nó chủ động rời xa con. Sau đó về ở trên đất rẫy của ông bà nội trên Lâm Đồng, tuyệt giao luôn với mọi người... Hôm đó, sau một thời gian bị căn bệnh hành hạ, nó biết sắp lìa đời nên nhắn cho bác hay, bác cho mấy đứa em bà con của nó biết tin, chúng tựu về thăm. Nhưng không còn kịp nữa. Diễm chi chết, có viết lại cho con một lá thư, giao cho con nhỏ em nhờ chuyển tới con. Nhưng...
Bà nói tới đó thì do quá xúc động, đã khóc ngất rồi không nói được nữa...
Lát sau Hiển đột ngột hỏi:
- Phải người chuyển lá thư tên là Thu Hà không?
Bà Hằng kinh ngạc:
- Sao con biết?
- Và cô ấy cũng đã chết?
Giọng bà Hằng trở nên bi thảm:
- Chết thật thương tâm! Chúng nó chết cả ba chị em, chỉ vì đi thăm con Diễm Chi! Trời ơi...
Bà gục xuống khóc và không còn sức ngẩng lên nữa. Hiển phải an ủi:
- Bác đừng quá xúc động mà ảnh hưởng đến sức khỏe. Hôm nay con đến đây cũng vì chuyện của Diễm Chi và người tên là Thu Hà này. Nhưng trước tiên, xin bác nhận lời tạ lỗi của con, chỉ vì vô tình mà con không biết nỗi khổ của Diễm Chi, để cho cô ấy chịu đựng nỗi đau một mình.
Chợt nhớ ra, bà Hằng hỏi:
- Con Thu Hà đã chết chung chuyến xe cùng hai em của nó khi lên Lâm Đồng thăm Diễm Chi trở về, vậy con gặp nó lúc nào mà biết có lá thư?
Hiển phải kể lại mọi chuyện. Vừa nghe xong, bà Hằng đã hốt hoảng:
- Như vậy là linh hồn tụi nó hiển linh sao?
- Con không biết, nhưng rõ ràng một trong ba cô gái đó đã gặp con như một người sống. Vậy giữa họ và Diễm Chi có mối liên hệ thế nào vậy bác?
- Bà con gần, mà riêng con Thu Hà với con Diễm Chi còn có mối quan hệ mật thiết bởi tụi nó cùng một sở thích, cùng đi học chung trường một thời gian, cùng tuổi và đặc biệt là cùng hẹn ước có phước cùng hưởng, có họa cùng chia, nhất là trong chuyện tình yêu...
- Thảo nào!
Hiển kêu lên khiến bà Hằng một lần nữa ngạc nhiên:
- Là sao vậy con?
- Trong lá Chi gửi cho con, có dặn con là phải... thương cô Thu Hà!
Bà Hằng hình như hiểu chuyện đó, bà chỉ nhẹ lắc đầu rồi lặng lẽ đi vào trong, lát sau trở ra, bà đưa Hiển một gói vải nhỏ:
- Ở đây còn có những gì con và Diễm Chi có với nhau, thời hai đứa con mặn nồng. Đáng lẽ bác giữ lại, nhưng bây giờ thấy không còn cần nữa, nên tốt nhất là con nên giữ. Và biết đâu nó sẽ tốt cho con hơn khi gặp lại Thu Hà...
Bà nói xong quay vào hẳn trong nhà, không quay ra nữa, Hiển đứng một hồi lâu rồi lẳng lặng rời nơi đó. Khi xe anh chạy đi rồi thì có một đôi mắt nhìn lén qua khe cửa buồng, nhìn theo cho đến khi bóng Hiển khuất hẳn. Lúc này, người có đôi mắt ấy mới bật khóc!
Giọng của bà Hằng đẫm nước mắt:
- Xong rồi con. Từ nay con có thể yên tâm ở đây với mẹ. Mẹ sẽ không bao giờ bỏ con, dù con bây giờ chỉ còn là hồn ma bóng quế thì mẹ vẫn cần con bên mình. Và cũng từ nay con đừng mang ý định giành lại thằng Hiển nữa. Những gì con thử thách nó, mượn vong hồn của mấy đứa con gái chết oan giữa đường thử nó thì nào có kết quả gì. Nó vẫn là một đứa con trai tốt. Từ khi xa con nó có ai khác đâu. Kể cả cô gái tên Thu Hà mà con nhờ đóng vai em họ, đẹp như vậy mà nào có mê hoặc được nó.
Giọng người con gái cũng đầy nước mắt như mẹ:
- Con cũng đâu có hằn thù gì với anh Hiển. Chỉ vì con giận là khi con nông nổi bỏ đi để mong anh ấy theo cầu cạnh, nào ngờ anh ấy lờ con luôn, con nghĩ chắc lúc đó anh ấy có người khác nên con mới tự tử chết. Chết rồi con mới hối tiếc, mới thấy mình dại. Mà cũng tại mẹ hết, tại sao lúc anh Hiển đi tìm con nhiều lần mà mẹ không cho anh ấy gặp con?
Bà Hằng thở dài não ruột:
- Lúc ấy má tưởng giận dỗi và lời nói của con là thật, nên má quyết liệt không cho nó gặp con. Ai ngờ sau đó mới biết là con giả vờ. Biết thì đã muộn! Khi ấy con đã tự tử, còn thằng Hiển thì giận luôn, bỏ đi mất tăm! Con thấy không chỉ một chút hờn giận mà hậu quả không thể tưởng tượng nổi!
Ngừng một lát bà lại tiếp, giọng có vẻ bùi ngùi:
- Cho tới bây giờ mẹ vẫn chưa hết hối tiếc, tội nghiệp cho ba đứa con gái vô tội kia. Nó chết oan là phần số của nó, nhưng chuyện mình dựng lên nói nó có bà con với mình, chỉ vì đi thăm mình mà chết, nếu lỡ thằng Hiển nó tin thật, rồi nó bị tai họa gì với những hồn ma ấy thì sao?
- Con cũng đang suy nghĩ là liệu có nên đưa anh Hiển về đây mãi mãi với con không?
Bà Hằng hoảng hốt:
- Con đừng hại người ta! Một mình con lỡ chết rồi thì thôi, nó còn có gia đình, còn có sự nghiệp, đừng gây ra thêm oan nghiệt nữa con! Việc con kéo ba cô gái chết cùng một cái vực ở đường đèo, mẹ đã thấy ăn năn rồi.
- Không! Con đâu muốn anh Hiển chết theo. Con chỉ muốn làm cho anh ấy về xứ này lập nghiệp, ở lại đây. Dù sau này có lấy người khác con cũng chấp nhận, cũng phù hộ cho anh ấy...
Bà Hằng chép miệng:
- Thôi đi con, níu kéo mà làm gì nữa! Âm dương cách trở, có nhớ nhau thì ngầm phù hộ cho nó là đủ rồi. Má vẫn thương thằng đó, nó hiền...
Im lặng hồi lâu, bỗng giọng của Diễm Chi cất lên:
- Thôi được rồi, chuyện anh Hiển có còn nhớ tình con mà về thăm con hay không thì để anh ấy tự nguyện. Nhưng con sẽ tác động để sau này anh ấy thường xuyên về chỗ nhà mồ ba cô thăm và cúng vái thường xuyên! Bởi dẫu sao thì cũng tại con mà ba cô ấy mới chết, nay anh Hiển thay con chuộc lỗi với họ.
Bà Hằng hỏi lại:
- Lâu nay mẹ không nghe con nói chi tiết này, sao lại do con mà ba cô ấy chết?
Giọng Diễm Chi chùng xuống:
- Hôm đó ba cô gái ấy đi xe chung với những người bạn khác, khi đi qua đèo chỗ con tự tử, con đã hiện ra đón xe họ lại, bởi con thoáng thấy có một thanh niên vóc dáng giống y như anh Hiển. Chính vì sự lầm lẫn đó mà tài xế hoảng sợ, mất thăng bằng và để xe lao xuống vực, nên các cô ấy mới chết! Kể từ đó con cứ ân hận hoài, nên tìm cách bù đắp cho họ, mà Hiển là một cách...
Lại im lặng thêm một lúc... Sau đó, giọng của cô nàng lại càng buồn hơn:
- Con sẽ trả ơn sòng phẳng. Thôi, mẹ ra ngoài đi, để con được yên.
Bà Hằng buồn bã bước ra. Đã từ lâu nay bà phải chịu cảnh như vậy. Gần được con chỉ qua tiếng nói với cảnh âm dương cách trở thế này... Mà lần nào Diễm Chi hiện về hầu như cô cũng khóc sướt mướt...
° ° °
Chẳng hiểu Diễm Chi tác động thế nào mà kể từ sau đó không lâu, cứ nửa tháng, một tuần, đã thấy Hiển đích thân lái xe về chỗ nhà mồ ba cô thăm viếng. Về đó chỉ để thắp hương và cúng hoa trái. Có lẽ do được ông già thông tin, Hiển biết được sở thích của từng cô gái nên vật cúng của Hiển luôn khác nhau cho ba cô. Người thì thích ổi, kẻ thích me chua và riêng Thu Hà thì luôn được cúng xoài tượng.
Ông già Tư cũng chẳng hỏi Hiển tại sao lại làm vậy nhưng hình như ông ngầm chấp nhận việc đó. Và quan trọng là vong hồn các cô gái cũng không phản ứng gì với chàng trai tội nghiệp này. Nên việc Hiển lui tới là việc đương nhiên...
Với Diễm Chi thì ngôi nhà nhỏ của mẹ cô ở Lâm Đồng đã được Hiển cho xây lại khang trang hơn. Ngoài gian nhà lớn dành cho bà mẹ, Hiển còn xây riêng cho mình một gian nhỏ hơn, xinh xắn và riêng biệt cả về màu sắc lẫn kiểu cách. Thì ra, đó là theo ý thích của Diễm Chi lúc cô còn sống. Hầu như Hiển ở đó suốt, chỉ trừ phi có công việc làm ăn mới về Sài Gòn.
Cuộc sống của Hiển cứ tiếp diễn như vậy. Không một ai bên ngoài biết câu chuyện và cuộc sống kỳ lạ đó của anh...
(Tác giả Người
Khăn Trắng , nguồn vnthuquan.org)