15/3/12

Mộ tình - Cô gái hoa tiên

Hằng năm cứ đến tháng chạp, theo thông lệ, làng Hòa An có ngày hội hoa.

Hầu như không một loài hoa đẹp nào ở khắp vùng mà không góp mặt. Đặc biệt nhất và cũng thú vị nhất là cuộc tuyển chọn người con gái đẹp nhất của ngày hội hoa. Năm trước người trúng giải giai nhân hội hoa đã được tuyển lên kinh thành, và sau đó được đi xuất ngoại.

Còn năm nay, nếu tính riêng mỹ nhân của vùng miền tây này thì có đến trăm người, đã tề tựu rất sớm. Có lẽ đứng đầu những đóa hoa hương sắc kỳ này sẽ khó lọt khỏi những cô gái này.

Các tài tử giai nhân khác, tuy không đi thi, nhưng cũng có mặt và hồi hộp chờ đợi. Trong số này có anh chàng Lê Dung, một anh chàng được tiếng là thơ hay chữ tốt, lại có tài ăn nói lưu loát và... rất đào hoa! Trước ngày hội, các bạn bè của Lê Dung đã nửa đùa, nửa thật:

- Kỳ này Lê Dung phải hóa trang thành anh bán than. Nếu không thì khó an toàn tính mạng!

Người khác nghe vậy đã ngạc nhiên hỏi:

- Sao lại thế?

- Thì bởi anh ta sẽ lọt mắt xanh những cô nàng đẹp nhất hội hoa. Mà trong khi đó những cô nàng ấy cũng sẽ được vị quan quyền thế nhất vùng này chấm!

Khi Lê Dung tới Hòa An thì chỉ cách ngày khai hội hoa có một đêm. Thuê chỗ trọ xong, Dung một mình tản bộ dọc theo con đường có nhiều bóng mát.

Đường vắng, nên vừa đi Dung vừa cất tiếng ngâm nga bài thơ ưa thích. Anh ngâm chưa hết bài đã chợt nghe vọng lại từ trong bụi rậm một giọng ngâm khác thật trong trẻo. Mà kỳ lạ thay, nàng ta lại ngâm đúng bài thơ Lê Dung vừa ngâm dang dở, không sai một lời.

Quá đỗi ngạc nhiên, Lê Dung quay lại và kịp há hốc mồm ngơ ngác! Trước mặt anh, một cô gái mặc trang phục toàn một màu hồng, môi má không hề son phấn mà đẹp như được trang điểm cực kỳ công phu, lộng lẫy!

Như bị thôi miên, Dung phải ngây người một lúc, sau đó mới thốt thành lời.

- Cô… cô thuộc bài thơ đó từ lúc nào?

Sở dĩ Dung hỏi như thế, bởi tám câu thơ ấy anh vừa mới ngẫu hứng thành thơ trong lúc đi dạo. Thể thơ khó, câu chữ cầu kỳ rất khó nhớ. Như vậy làm sao chỉ mới nghe qua mà cô ta đã thuộc lòng, mà lại đọc trước hai câu Lê Dung còn bỏ dở?

Cô gái chừng như không để ý đến sự ngạc nhiên của Dung, cô ta tươi cười hỏi:

- Công tử từ xa mới đến đây? Thảo nào khẩu khí có khác...

- Cô nương chắc cũng không phải ngụ ở chốn này? Bởi cách phục trang, cung cách đều không giống người nơi đây. Đặc biệt là thông minh còn hơn là người sáng tác ra bài thơ. Trong khi nghe chưa hết bài đã thuộc...

Cô nàng che miệng cười khúc khích, giọng cười trong trẻo lạ thường:

- Thơ hay, tứ thơ dễ nhớ, nên nghe là có thể mạo muội đọc luôn, đâu có gì lạ!

- Nhưng đâu dễ thuộc khi tác giả vẫn còn đang tìm ý?

- Thần giao cách cảm đấy!

Nàng ta vừa nói vừa bước đi, nhanh hơn Dung nghĩ.

Anh hốt hoảng chạy theo và lên tiếng:

- Cô nương, xin cho hỏi...

Anh định hỏi tên và nơi lưu trú, nhưng cô gái bước càng nhanh, chỉ trong phút chốc đã lẫn vào rừng cây.

Tiu nghỉu, nhưng Lê Dung vẫn vui, anh nghĩ rằng chắc chắn cô ta là một trong những người đẹp đến dự hội hoa. Mà nếu vậy thì trước sau gì cũng sẽ gặp lại.

Dù nghĩ vậy, nhưng đêm đó Lê Dung cũng cứ lang thang mãi ngoài thị trấn. Cứ mong ngóng người đẹp xuất hiện... Mãi đến khi quá khuya, anh mới trở về phòng trọ.

Vừa bước vào phòng, anh đã ngạc nhiên bởi một mùi thơm kỳ lạ lan tỏa khắp căn phòng nhỏ.

Gọi các người trực phòng, họ đều lắc đầu bảo:

- Nhà trọ này không có lệ xịt nước hoa, chắc là của quý khách đó thôi!

Lê Dung xưa nay chưa từng dùng đến dầu thơm như thế này, mà bạn bè của anh thì càng không. Vả lại anh tới đây trọ một mình, đâu có ai quen biết viếng thăm...

Đợi người phục vụ phòng bước ra rồi, Lê Dung mới tỉ mỉ quan sát từng nơi trong phòng, cố tìm một dấu vết nào đó, khả dĩ đoán xem ai đã lọt vào phòng trong lúc anh vắng mặt. Nhưng hoàn toàn không có gì khả nghi. Cửa vẫn khóa, rèm cửa vẫn còn nguyên.

Gần suốt đêm đó, Lê Dung hầu như không chợp mắt được Cứ hết thắc mắc về ai đó, lại hình dung ra từng nét, từng lời của cô gái gặp ngẫu nhiên hồi chiều.

Mãi đến gần sáng, Dung mới mơ màng được một lúc. Đến khi nghe tiếng ai đó gọi, anh mới choàng tỉnh và nhận ra tiếng của tên hầu phòng. Cậu ta đưa cho Dung một mảnh giấy màu hồng sực nức mùi thơm và bảo:

- Có một cô gái mặc bộ đồ màu hồng, bảo đưa cái này cho cậu.

Lê Dung nhận, vừa mở ra đã thấy một bài thơ chép nắn nót bằng nét chữ con gái rất dễ thương. Cuối bài thơ có ghi chú: Xin nhận được phúc đáp bài thơ vào tối nay. Gặp nhau ở đầu chợ hoa .

Tứ thơ phong phú, lời thơ chải chuốt. Khi đọc xong, Lê Dung phải buột miệng:

- Hay tuyệt!

Anh thuận tay họa liền bài thơ và bồn chồn nôn nóng, cứ mong sao mau đến tối để gặp lại nàng ta. Hỏi người phục vụ, cậu này nói:

- Tối nay là ngày khai hội hoa xuân. Đầu chợ hoa ở phía đông thị trấn, từ đây đi đến đó khoảng hai mươi phút là tới.

Dung dò hỏi:

- Cô nàng đưa thơ này có phải là người địa phương này không?

Anh chàng bồi phòng xua tay:

- Đất này làm gì có người đẹp như vậy!

Biết có hỏi gì thêm cũng vô ích, nên Lê Dung biếu cho hắn mấy đồng và căn dặn:

- Khi nào cô ta tới nữa, cậu phải lập tức báo cho tôi biết ngay nhé!

Thời khắc qua nhanh, đã đến tối. Từ phía hội hoa đã thấy đèn đuốc sáng choang, người người lũ lượt kéo nhau đi về hướng đó.

Lê Dung ăn mặc chải chuốt hơn thường khi, tay cầm phong thư có chép bài thơ vừa nhận, ý muốn cho người đẹp đó nhận ra mình.

Đến đầu chợ hoa, chọn đúng hướng đông, Lê Dung nhìn trước ngó sau, rồi dựa lưng vào gốc cây cổ thụ để đợi. Ba khắc... bốn khắc... Đêm cứ khuya dần… vậy mà chẳng thấy bóng dáng nàng đâu?

Quá sốt ruột, Dung hỏi một người bán đậu phọng rang gần đó:

- Bác ơi, đây có phải là đầu chợ hoa không?

Người này nhìn sững Lê Dung, rồi chợt nhớ ra, reo lên:

- Suýt nữa thì quên mất! Có người đưa công tử cái này. Ngài có lẽ là khách trọ của khách điếm Nghi Xuân phải không?

Lê Dung nhận phong thư, anh biết ngay là của cô nàng, bởi hương thơm không thể lẫn với ai được. Mở thư ra, chỉ thấy một dòng chữ: Xin cáo lỗi, phải lỡ hẹn vì chuyện quá cấp bách. Sẽ gặp lại trong đêm .

Lê Dung quá thất vọng, anh tần ngần giây lâu... chợt phấn khởi, lẩm bẩm:

- Phải rồi, cô ta bận là đúng. Tại sao ta không tới đó?

Anh đi thật nhanh đến giữa chợ hoa, nơi đang diễn ra cuộc thi người đẹp. Cuộc thi vừa bắt đầu.

Có hơn hai chục người đẹp lộng lẫy bước ra, trước sự xuýt xoa của mọi người. Cố nhìn thật kỹ, nhưng đó không phải là người Dung đang tìm. Thế là sao?

Đợi cho cuộc thi chấm dứt và thiên hạ kéo nhau về hết, lúc ấy Lê Dung mới lê bước trở về nhà trọ. Đầu óc anh quay cuồng thậm chí không nhớ được tên cô gái vừa được phong hoa hậu của cuộc thi.

Đến lúc về tới phòng trọ, Dung gặp người phục vụ đang nhoẻn miệng cười tươi với anh:

- Để người đẹp đợi lâu quá rồi, mau lên xin lỗi đi công tử ơi!

Hỏi ai đợi thì hắn không nói, chỉ đưa tay chỉ lên lầu Dung không hồ hởi lắm, bởi đầu óc đang thất vọng. Nhưng khi mở cửa ra, anh đã phải kêu lên:

- Cô nương!

Cô gái áo hồng đang ngồi ở bàn viết, hí hoáy viết vào tờ giấy trước mặt. Khi nghe Lê Dung kêu, cô ta ngẩng lên và nũng nịu:

- Tưởng phải đợi đến sáng chớ!

Rồi nàng giải thích:

- Lúc tối do có việc quá khẩn cấp nên phải lỗi hẹn. Mong công tử thứ tội.

- Tôi cứ ngỡ cô bận đi dự thi mỹ nữ.

Nàng trố mắt:

- Xấu như vậy có thể dự thi sao?

- Ai bảo cô xấu? Theo tôi, các mỹ nữ dự thi hôm nay còn thua cô rất xa.

Anh móc trong túi áo ra bài thơ đã họa, đưa cho cô nàng:

- Cám ơn đề thơ quá hay.

Cô nàng ôm miệng cười, hỏi hồi lâu mới nói:

- Tự mình họa thơ mình mà lại khen là hay!

Lê Dung trố mắt:

- Cô nói thơ ai?

- Thì của anh chớ còn của ai! Anh không nhớ lúc ngồi uống rượu ở nhà thủy tạ Tây Hồ cách đây ba năm sao?

Lúc ấy Lê Dung mới chợt nhớ:

- Tây Hồ? Phải rồi, tôi có qua đó một lần. Có uống rượu và có đề thơ lên vách. Nhưng quả thật không còn nhớ câu nào.

Cô nàng trách móc:

- Chuyện thơ phú mà còn quên, nói gì đến bạn thơ?

Dung cau mày:

- Bạn thơ?

Nàng nhắc:

- Anh không nhớ ai đã ngâm thơ, thổi sáo lúc anh uống rượu?

Lại một lần nữa, Lê Dung kinh ngạc:

- Thì ra, cô là...

Tuy hỏi vậy chứ Dung không còn nhớ người nào đã thổi sáo đêm đó. Có chăng là bức họa vẽ cảnh một mỹ nhân ngồi trên thuyền thổi sáo dưới ánh trăng. Bức tranh mà sau tiệc rượu đó anh đã mua và đi đâu cũng mang theo. Ngay như đêm nay, anh vẫn mang nó trong hành trang, sở dĩ chưa kịp treo vì mới dọn đến.

Thấy anh chàng tần ngần, cô gái thở dài:

- Chẳng trách được ai, khi người ta có số đào hoa, cứ bước ra nửa bước đã có người đẹp bám theo.

Cô đứng lên, tiện tay đặt lên bàn một tấm giấy được cuốn tròn. Vừa thoạt trông thấy, Dung đã kêu lên:

- Bức họa hoa tiên Thuyền trăng… !

Thì ra đó là bức tranh vẽ cảnh cô gái ngồi trên thuyền thổi sáo dưới ánh trăng mà anh vừa nghĩ tới.

- Sao cô có bức họa này?

Cô ta đưa tay chỉ ra cửa sổ:

- Sở dĩ không đến được cuộc hẹn vì phải đi nhặt nó từ lùm cây bên dưới! Nếu không, gặp trời mưa, đã tan hết rồi còn đâu! Còn gì là một số kiếp...

Nói đến đó, cô nàng bỗng sụt sùi khóc khiến Dung ngạc nhiên:

- Sao cô lại khóc?

Anh bước đến chỗ bức họa, cầm lên xem. Chợt anh giật mình, bởi đúng là bức tranh của anh, nhưng sao lại thiếu cô gái ngồi thổi sáo trên thuyền?

Anh ngước nhìn cô gái ngồi đó, bất chợt anh kêu lên:

- Cô... cô là… là người trong tranh?

Lúc này Lê Dung mới phát hiện ra giữa người trong tranh và cô gái ngồi đây giống nhau như hai giọt nước.

Dung chưa nghĩ hết ý thì bất chợt cô nàng đứng dậy và vút một cái đã mất dạng! Dung ngơ ngác:

- Sao... sao cô lại…

Anh không thấy nàng ta phóng ra cửa, mà cũng chẳng thấy chui đi đâu, vậy sao biến mất? Tự dưng Dung rùng mình.

Anh lẩm bẩm:

- Không lẽ là... là ma?

Lê Dung nghĩ đến những câu chuyện liêu trai, anh bật cười khan:

- Nếu có cô gái liêu trai như thế này mình cũng... cưới làm vợ liền!

Anh chong đèn định thức trắng đêm để đợi cô nàng trở lại. Tuy nhiên, có lẽ quá mệt mỏi, nên chỉ một lúc sau anh đã gục đầu trên bàn ngủ thiếp đi... Khi choàng tỉnh vì nghe mùi khét, Lê Dung giật mình khi thấy cô nàng hồi đêm đang ngồi giữa phòng cầm bức họa và... đốt!

- Kìa, sao cô...

Anh nhảy tới định giằng lại thì nghe nàng nghiêm giọng nói:

- Anh tiếc bức tranh hay người trong tranh?

Dung lắp bắp:

- Tôi... tôi...

Đã tỉnh hẳn. Lúc này trời sáng, nên Lê Dung có dịp nhìn rất rõ người đẹp trước mặt. Cô nàng đẹp hơn bao giờ! Nàng lại đang mỉm cười cực kỳ quyến rũ:

- Nếu anh tiếc bức tranh thì em đi đây, để bức tranh nguyên vẹn lại.

Lê Dung đã thật sự bàng hoàng trước nhan sắc của cô nàng. Anh trở thành con người ngây dại và chỉ biết đứng nhìn nàng say đắm...

Ngày hôm đó, Lê Dung dặn bồi phòng:

- Ta hôm nay người không khỏe nên không ăn uống gì, hãy để ta yên trong phòng, đừng gọi cửa.

Anh đóng chặt cửa phòng lại và bắt đầu nghe cô gái kể chuyện về mình:

- Em không phải là người. Em là ma. Em chết cách đây hơn ba năm. Tức là khi anh đến Tây Hồ thấy bức tranh thì em đã chết được sáu tháng. Hôm ấy em được một nhà danh họa có tông tích bí hiểm, chẳng hiểu từ đâu tới Tây Hồ và ngồi đợi em suốt buổi. Khi gặp được em, ông ta mời em làm mẫu để vẽ tranh. Lúc đầu do thẹn nên em từ chối, nhưng sau đó ông ấy hứa cho em một số tiền thù lao đủ để chữa bệnh cho cha già ở nhà, nên em đồng ý ngồi trên thuyền cho ông ta vẽ. Suốt một đêm thì bức tranh hoàn thành. Nhưng khi hoàn tất thì ông ấy mới nói thật cho em biết rằng: Nếu không lưu lại gương mặt trong tranh thì em sẽ chết ngay ngày hôm đó. Còn khi đã lưu được hình ảnh lên bức họa rồi thì một ngày nào đó sẽ gặp được người đến cứu. Người cứu em chính là người biết giá trị bức tranh và mua đem về...

Cô nàng kể tới đây thì ngừng lại nhìn vào mắt Lê Dung rất trìu mến. Sau cùng nàng nói tiếp:

- Ngay từ khi được anh mua bức tranh thì em đã có tình cảm rồi. Vong hồn em vương vấn bên anh mãi, nhưng chưa mạnh dạn xuất hiện để tỏ bày. Bởi vì em thấy anh quá lãng tử, quá đào hoa, cứ sợ rồi đời em sẽ khổ!

- Còn bây giờ?

- Một khi em đốt bức tranh đi thì mãi mãi em sẽ...

Nghe như chuyện chiêm bao, Lê Dung chưa tin lắm, anh bất ngờ chớp lấy bàn tay nàng. Một luồng hơi ấm truyền sang khiến Dung dễ chịu. Anh nói khẽ:

- Đúng là duyên số rồi!

Câu chuyện của họ nếu có kể cũng chẳng ai tin. Giữa thời buổi này mà có một chuyện tình như liêu trai thế sao?

Nhưng đó là sự thật. Ngay ngày hôm đó, Lê Dung trả phòng trọ. Khi anh bước xuống cùng cô gái thì từ bà chủ trọ cho đến những người phục vụ đều ngẩn ngơ nhìn.

Chẳng ai biết nàng tên họ là gì. Chỉ riêng Lê Dung thì thích gọi nàng là Hoa Tiên.

(Tác giả Người Khăn Trắng, nguồn vnthuquan.org)