Bà Lệ Thuỷ rùng mình bởi cơn gió lạnh đột ngột thổi từ ngoài vào, bà bước tới đóng chặt cánh cửa sổ lại rồi bật lò sưởi.
Đây là một ngoại lệ, bởi tuy trời Đà Lạt có lạnh, nhưng từ bao lâu nay bà không bao giờ phải dùng tới lò sưởi cả. Với bà, cái lạnh ở xứ hoa này đâu thấm gì với cái lạnh ở nước ngoài mà bà đã trải qua hơn mười năm đi du học. Bởi vậy kể từ khi về nước, mua lại ngôi nhà cổ này trên ngọn đồi cách trung tâm thành phố hơn cây số, bà đã cho mở tung các cửa ra, kể cả ban đêm.
Với bà, không khí trong lành quan trọng hơn cả hơi lạnh mà mọi người thường ngại. Tôi tớ trong nhà không tán thành việc đó, nhưng họ đâu dám có ý kiến khi bà chủ muốn.
Tối nay, bà càng có lý do để chứng tỏ mình không sợ lạnh, bởi thằng con trai bà lúc chiều đã điện thoại lên dặn bà phải đóng kín cửa lại, làm cho trong nhà ấm lên, để khi anh ta đưa cô con dâu bà về cô ta đỡ phải cóng, vì cô ta rất dị ứng với khí lạnh Đà Lạt này.
Bà Lệ Thuỷ vốn có thành kiến với cô con dâu không do bà chọn này, cho nên hễ cái gì cô nàng không ưa thì bà muốn làm trái ngược lại.
Về cô con dâu Mỹ Dung, chính bà đã phản đối kịch liệt khi bà còn ở nước ngoài nhận được tin Hoàng Lộc cưới vợ. Với bà, chuyện vợ con của Lộc phải do bà chọn, mà việc đó bà đã làm rồi, bà muốn Lộc cưới Lan Hương, một cô gái đang ở Pháp cùng cha mẹ vốn là bạn thân của bà.
Tuy nhiên Hoàng Lộc đã làm chuyện đã rồi, khi tự mình tổ chức đám cưới mà không cần sự có mặt của mẹ. Khi bà về nước, giữa hai mẹ con đã nổ ra cuộc tranh luận dữ dội, dẫn tới sự tách ra lên Đà Lạt ở riêng, không màng gì tới cuộc kinh doanh đang phát đạt và rất cần sự góp sức của bà.
Hồi trưa nay, Lộc điện lên báo tin là anh và vợ sẽ lên gặp bà bàn vài việc quan trọng. Bà đã có ý không muốn tiếp cô con dâu, nhưng do Lộc bảo chuyện không thể không gặp, nên buộc lòng bà phải để cho Lộc đưa con dâu lên. Bà cố ý ngồi chờ là vậy...
Tuy nhiên, chẳng hiểu sao đang ngồi, bà Lệ Thuỷ lại bắt lùng mình, bà đóng cửa sổ lại nhưng không muốn mấy người giúp việc nhìn thấy mình bị lạnh, nên bà tự bật lò sưởi và đóng kín cửa ra vào lại, rồi ngã người trên ghế nệm. Tự dưng bà cảm thấy buồn ngủ đến độ đôi mắt vốn rất tỉnh táo của bà như đang muốn nhắm lại.
- Ra khỏi phòng này ngay!
Cái vía của bà Lệ Thuỷ vẫn còn chưa ngủ, nhưng câu nói của ai đó thì như vọng lại từ cõi hư vô. Bà cố bật người dậy mà không thể, nên cố nhướng mắt lên, vừa hỏi nhừa nhựa:
- Ai... nói gì...
- Tao nói là mày bước ra khỏi phòng này ngay, nghe chưa con đ. già!
Giọng nói càng lúc càng đanh đá và như sắp vồ lấy bà, khiến bà Lệ Thuỷ phải đưa tay lên đỡ và một lần nữa cố rướn người lên để tránh. Bà cảm giác như có hơi thở của ai phả vào mặt mình, bà kêu thét lên. Nhưng tiếng kêu của bà không thể phát ra khỏi cổ họng được, trong khi giọng nói lặp lại lần nữa:
- Tao nói lần nữa, mày có đi ra không! Phòng này là của tao, tại sao mày tới đây chiếm lấy rồi còn tự động đốt lò sưởi lên nữa, tao không thích!
Cái lò sưởi chạy điện đang phả hơi nóng ra, tự dưng tắt phụt, rồi một cái tát thật mạnh vào má, khiến bà Lệ Thuỷ phải ngã phịch xuống sàn. Bấy giờ, bà mới kêu lên thành tiếng:
- Bớ người ta!
Vừa khi ấy, bên ngoài có tiếng đập mạnh cửa phòng:
- Bà ơi, có chuyện gì vậy?
Bà Lệ Thuỷ đứng lên mà cảm giác lảo đảo vẫn còn. Phải mất nửa giây sau, bà mới hoàn hồn, hiểu rằng mình vừa trải qua cơn ác mộng...
- Con Hai hả, mày đẩy cửa vào, cửa không khoá!
Hai Sương, cô giúp việc đắc lực của bà lo lắng:
- Con nghe bà la dữ quá, có chuyện gì vậy?
Nhớ lại chuyện vừa rồi, nhưng bà không dám nói:
- Tao thấy cái gì đó ghê lắm, nhưng... mộng mị mà. Có lẽ tao nằm cấn bả vai, cho nên...
Bà nhìn đồng hồ tay và chép miệng:
- Sao giờ này mà cậu Lộc mày chưa lên tới?
Hai Sương đáp:
- Lúc nãy con nghe điện thoại trong phòng bà reo dữ lắm, con tưởng bà nghe...
- Tao nằm ngủ quên. Không biết có phải của thằng Lộc không?
Bà vừa dứt thì chuông điện thoại lại reo vang, ba chụp lấy ống nghe và ngạc nhiên khi đầu dây bên kia không phải là giọng của Lộc, nhưng đang nói chuyện về Lộc:
- Tôi là người đi đường ngang qua đèo Bảo Lộc và gặp chiếc xe của cậu Hoàng Lộc bị nạn ở đó. Cậu Lộc thì không sao, nhưng còn...
Bà Lệ Thuỷ buông ống nghe xuống, người bà cứng đờ sắc mặt tái xanh...
Hai Sương hoảng hốt:
- Chuyện gì vậy bà?
Bà nói như người mất hồn:
- Con vợ thằng Lộc... chết rồi!
- Trời ơi!
° ° °
Ghét My Dung là một chuyện, còn việc cô ta chết lại là việc khác, nó khiến bà Lệ Thuỷ bối rối và lo lắng nhiều. Cô dâu trẻ mà bà chỉ mới gặp có vài lần trước ngày tách ra ở riêng, thật ra cũng không phải là con người đáng ghét hay xấu xa gì, chỉ có điều... cô ta không phải là người do chính bà chọn lựa!
Người ta đưa được xác Mỹ Dung lên từ dưới vực sâu sau khi xe của Hoàng Lộc lạc tay lái rơi xuống đó. Cô nàng tuy chết do tai nạn rơi xuống đèo, nhưng chiếc xe của họ vướng vào một thân cây to và treo lơ lửng ở đó, chỉ cô bị rơi ra, máng vào một cành cây và tử vong, còn Hoàng Lộc thì vướng lại trong cabin, nên chỉ bị xây xát nhẹ.
Nửa đêm hôm đó, xác Mỹ Dung được chuyển từ nhà xác bệnh viện về theo yêu cầu của Hoàng Lộc. Anh chàng không muốn để ở nhà xác rồi chuyển thẳng về Sài Gòn theo ý của mẹ, bởi anh lập luận:
- Mỹ Dung được quyền nằm lần cuối trong nhà mẹ chồng, thay vì nằm trong nhà xác lạnh lẽo! Mẹ có phản đối thì con cũng đưa về đây và thậm chí con còn tổ chức tang ma luôn trên này, thay vì đưa về Sài Gòn.
Bà Lệ Thuỷ đành để mặc cho con trai muốn làm gì thì làm. Suốt đêm đó cho tới sáng, bà cáo bệnh nằm rút trong phòng riêng. Sáng hôm sau khi vừa tỉnh giấc, bà đã nghe bên ngoài có tiếng đọc kinh theo công giáo, thay vì tụng niệm theo nghi lễ Phật giáo.
Bà gọi Lộc vào định phản đối, bởi gia đình theo đạo Phật. Tuy nhiên, Lộc đã thẳng thừng phản kháng:
- My Dung theo công giáo, do đó con phải làm lễ theo nghi thức tín ngưỡng của cô ấy. Mẹ không tham dự thì để con làm.
Sự chống đối của Lộc với mẹ đã ra mặt và có vẻ căng thẳng, mà với khách khứa tới nhiều, không tiện tranh luận với con, nên bà Lệ Thuỷ lại một lần nữa im lặng lánh vào phòng.
Hầu như suốt ngày hôm đó bà không ló mặt ra, dẫu bà nghe tin ông bà sui gia, tức cha mẹ của Mỹ Dung hay tin con chết đã có mặt đầy đủ! Hoàng Lộc phải nói khéo với cha mẹ vợ:
- Mẹ con đau tim nên khi hay tin dữ bà đã ngất đi và không dậy nổi suốt từ hôm qua đến giờ, có lẽ ba mẹ cũng không nên vào thăm làm gì chỉ khiến bà mệt thêm mà thôi.
Cha mẹ Mỹ Dung nhất quyết đưa quan tài con gái về Sài Gòn, nên ngay trưa hôm đó họ mướn xe chuyển đi ngay. Bà Lệ Thuỷ nhờ thế trút được gánh nặng.
Khi xe chuyển quan tài đi rối, chính Tư Sương khuyên bà:
- Dẫu gì thì bà cũng nên về theo cho phải lẽ.
Nhưng bà lại cương quyết:
- Thằng Lộc đã nói như vậy rồi thì tao không cần đi. Vả lại, tao không thể chịu nổi cho đến khi chấm dứt ma chay.
Hai Sương kê sát tai bà nói:
- Lúc liệm xác mợ Hai, con thấy ở hai khoé mắt của mợ như có hai hàng nước mắt chảy ra!
Bà Lệ Thuỷ trừng mắt nhìn chị ta:
- Nói tào lao! Mày nhiễm ba cái chuyện hoang đường rồi đó.
Nhưng Hai Sương quả quyết:
- Không riêng gì con thấy thôi đâu. Chính bà mẹ mợ ấy cũng thấy và con thấy chính bà ấy lấy khăn lau nước mắt cho mợ Hai nữa. Cậu Lộc đã khóc ngất khi chứng kiến cảnh ấy đó bà!
Tuy gạt ngang chuyện bà cho là nhảm nhí đó, nhưng khi vào phòng riêng nằm, bà Lệ Thuỷ cứ bị ám ảnh hoài điều mà Hai Sương gọi là xác chết chảy nước mắt đó. Đến nỗi khuya hôm đó, bà phải gọi Hai Sương vào ngủ cùng. Bà giải thích:
- Tao thấy trong người không được khoẻ lắm, nên cần mày bên cạnh, để nửa đêm cần cạo gió thì mày cạo giùm tao.
Hai Sương biết bà ta sợ, nhưng vờ như không hiểu, chị ta còn nói:
- Con ngủ với bà, nếu nửa đêm bà có sợ gió không ra ngoài mà cần gì bên ngoài con sẽ đi thay bà.
° ° °
Nửa đêm hôm đó...
Có lẽ quá căng thẳng suốt ngày, nên vừa nằm xuống một lúc bà Lệ Thuỷ đã ngủ say. Hai Sương đi tắt đèn rồi cũng nằm theo.
Khoảng một giờ sau...
Bà Lệ Thuỷ quay sang cô người làm của mình, nói bằng giọng ngái ngủ:
- Mày ngủ ngáy và nghiến răng quá tao ngủ không được! Hay là thôi, mày ra ngoài ngủ riêng đi!
Hai Sương không trả lời, hình như cô ta đã ngủ quá say. Và tiếng ngáy càng to hơn...
Bà Lệ Thuỷ phải bật dậy với tay bật bóng đèn ngủ có độ sáng tỏ hơn, bà gắt:
- Con này ngủ như chết vậy. Dậy đi!
Và bà chỉ kịp nói tới đó, rồi thì gần muốn đứng tim khi nhìn thấy trước mặt mình, người đang nằm kia không phải là Hai Sương, mà là... Mỹ Dung!
- Trời ơi, bớ... bớ...
Bà ta lảo đảo ngã ngửa xuống giường, vô tình lại ngã đúng lên thân thể của Mỹ Dung!
- Cứu...
Bà ta ngất đi. Đến khi được cứu tỉnh thì người đứng trước mặt bà là Hai Sương. Bà ta thều thào:
- Sao... sao lại... thế này...?
Hai Sương ngạc nhiên:
- Bà sao vậy? Sao nửa đêm bà la làng làm náo động cả nhà vậy bà?
Bà Lệ Thuỷ bật dậy, nhìn quanh với vẻ bàng hoàng còn trên nét mặt:
- Nó... nó đâu rồi?
- Nó nào?
- Con... con Mỹ Dung!
Hai Sương và mấy người làm đều ngơ ngác:
- Mỹ Dung nào? Mỹ Dung đã được chở về Sài Gòn rồi, sao còn cô ấy ở đây?
- Không, nó mới ở đây? Nó nằm trên giường này, nó là...
Bà ta quay lại nhìn Hai Sương với vẻ nghi ngờ:
- Sao lúc đầu mày ngủ với tao, mà sao khi tao lay dậy thì thấy... con Mỹ Dung nằm ngay chỗ của mày?
Hai Sương nghe bà ta nói vậy thì hốt hoảng:
- Con đâu phải ma! Lúc bà ngủ, con ra ngoài đi vệ sinh, bởi con sợ làm dơ nhà vệ sinh của bà. Đến khi trở vào thì con kịp nghe bà kêu thét lên!
Sáu Xinh, một cô người làm khác cũng lên tiếng:
- Lúc bà chủ kêu la trong này thì ở ngoài kia có ai đó để cái thùng lớn ngã dưới gốc cây mimosa. Cái thùng đó giống như... giống như...
Bà Lệ Thuỷ chú ý tới điều đó, bà hỏi dồn:
- Cái thùng gì?
Sáu Xinh chỉ tay ra ngoài:
- Ngay trước cửa đó!
Hai Sương là người chạy ra xem đầu tiên, và từ ngoài sân tiếng cô ta kêu thất thanh:
- Bà ơi, cỗ... cỗ quan tài!
Bà Lệ Thuỷ dù đang kiệt sức cũng phải cố lết ra ngoài, đôi mắt bà trợn trừng khi nhìn thấy cỗ quan tài đỏ như máu đang nằm lạnh lùng giữa sân nhà! Rồi như có một lực vô hình đẩy bước chân bà tiến lại gần hơn cỗ quan tài.
Hai Sương cũng bước theo và khi họ còn đang sợ sệt hồi hộp, thì bỗng nắp quan tài như bị ai đó đẩy mạnh, nó bật ra rơi xuống đất!
- Trời ơi!
Tiếng la lớn nhất là của Hai Sương, nhưng người ngất xỉu lại là bà Lệ Thuỷ?
Bên trọng quan tài là Mỹ Dung! Hình ảnh đôi dòng lệ chảy tuôn lúc liệm như thế nào, thì lúc này trước mắt mọi người nó lại tái hiện y như vậy! Hai Sương thất thần:
- Mợ Hai... xin mợ...
Mọi người không tin vào mắt mình, nhưng trước mắt họ, cái xác nằm im trong quan tài là sự thật và nó như đang thách thức những con tim sắp vỡ ra của những người có mặt. Hai Sương dìu bà chủ vào nhà, vừa nói với lại:
- Sáu Xinh gọi điện thoại về Sài Gòn báo tin này liền đi, kẻo cậu Lộc lo.
Xinh gọi ngay cho Hoàng Lộc báo tin cỗ quan tài thì từ đầu dây bên kia, giọng của Lộc sửng sốt:
- Chị nói cái gì, quan tài của vợ tôi đang ở dưới này, tang lễ đang cử hành mà!
Sáu Xinh rụng rời tay chân, đứng chết lặng...
-------------------------------------------------------------------------------------------------------HẾT
Phần 2: Khi người chết trở về
Thấy Hoàng Lộc quá mệt sau hai đêm thức trắng bên quan tài vợ, ông bà Tân Phát đều khuyên anh:
- Con phải ngủ lấy sức, chứ thức suốt như vậy chịu sao nổi!
Nhưng Lộc vẫn cương quyết:
- Con không sao ngủ được ba má à. Hễ nhắm mắt lại là con thấy hình ảnh vợ con như hôm xảy ra tai nạn và con lại bị sốc, lại hãi hùng!
Bà Tân Phát lắc đầu:
- Biết rằng vậy, nhưng con không thể chịu đựng nổi đâu. Hay là con cứ vái vong hồn vợ con, nó sẽ giúp con thanh thản mà nghỉ ngơi.
Lộc ngắm nghiền mắt lại, cố làm theo lời mẹ vợ, nhưng vừa lúc đó anh bỗng thảng thốt kêu lên:
- Coi kìa! Vợ con!
Anh hướng về cửa ra vào nhìn người phụ nữ vừa bước vào. Vợ chồng ông bà Tân Phát cũng nhìn theo và cùng reo lên:
- Trời ơi, con... Mỹ Dung!
Lúc này những người giúp lo ma chay đã đi ngủ hết, nên chỉ có ba người họ với nỗi sợ hãi thất thần. Hoàng Lộc là người tỉnh táo nhất, anh lên tiếng hỏi:
- Có phải là em không... Mỹ Dung?
Người phụ nữ vừa bước vào giương mắt nhìn ba người, nhìn Hoàng Lộc khá kỹ, rồi cất tiếng đáp:
- Chào cả nhà. Xin phép cho tôi được đốt nén hương cho người chết được không ạ?
Vừa nói cô ta vừa bước sát tới bên quan tài, một lần nữa bà Tân Phát rú lên:
- Mỹ Dung, con ơi!
Ông Tân Phát bình tĩnh hơn, dìu vợ lùi mấy bước, vừa khe khẽ gọi:
- Có phải con thác thiêng và về thăm cha mẹ không Mỹ Dung?
Người kia trừng mắt nhìn hai ông bà, ngơ ngác hỏi:
- Ai là Mỹ Dung? Tôi là Ngọc Hương, nhà tôi ở gần đây hay tin nhà có tang nên sang chia buồn. Sao ông bà gọi tôi là Mỹ Dung?
Hoàng Lộc tròn mắt nhìn vào vợ mình, gọi to:
- Mỹ Dung, anh đây mà!
Cô ta lại trừng mắt với Lộc:
- Cả nhà này sao vậy? Không cho người ta đốt nhang thì thôi, sao lại có thái độ này? Tôi là Ngọc Hương, chẳng dính dáng gì tới Mỹ Dung nào đó cả...
Lộc phải gắt lên:
- Em đừng đùa dai nữa, cả nhà đang đau buồn vì em, sao em lại...
Anh định đưa tay chụp lấy tay vợ mình thì cô nàng bước lùi lại rất nhanh vừa la lên:
- Nhà này điên rồi!
Vừa nói cô ta vừa tháo chạy ra ngoài, và phải vài giây sau Hoàng Lộc mới tốc chạy theo, anh kêu lớn:
- Mỹ Dung! Em đừng...
Nhưng anh không tài nào đuổi theo kịp, bởi lúc ấy dòng người và xe cộ bên ngoài rất đông. Trong khi ấy ở trong nhà, ông bà Tân Phát chưa kịp hoàn hồn thì những người khác đã thức giấc, họ ngơ ngác hỏi nhau:
- Chuyện gì vậy?
Một người kịp nhìn thấy nắp quan tài hé mở, liền kêu lên:
- Sao cái nắp quan tài như vậy?
Tư Quan là người đã cùng với những người trong đội mai táng hôm qua đã đóng quan tài cẩn thận, liền lên tiếng:
- Nắp áo quan này có nạy cũng chưa chắc ra được, sao lại như thế này?
Anh ta bước tới và kêu lên:
- Cô Mỹ Dung sao thế này?
Ông Tân Phát kịp bước tới cùng với vợ, ông nhìn vào và sững sờ:
- Nó còn đây mà!
Điều bà Tân Phát sững sờ là hai giọt nước mắt ở khoé mắt của xác con, nó giống như bữa đầu tiên bà đã bắt gặp và kịp lau. Bà gào lên:
- Nó còn sống ông ơi!
Nhưng khi tay bà chạm vào xác con thì lạnh ngắt. Nhưng hai giọt lệ thì tuôn chảy giống như người sống đang khóc! Bà gào to:
- Con ơi!
Tay bà chạm vào giọt nước mắt bà bỗng rú lên, bởi nó đỏ như máu! Ông Tân Phát nhìn thấy thì hốt hoảng:
- Bà đừng đụng vào!
Nhưng lúc ấy cả hai bàn tay của bà Tân Phát đã nhuộm đầy máu, khi bà đưa lên thì cũng là lúc Hoàng Lộc từ ngoài cửa bước vào với gương mặt hớt hải:
- Con sắp đuổi kịp thì vợ con biến mất vào xóm nhà bên trong hẻm, con...
Anh chợt nhìn thấy cảnh trước mắt thì khựng lại. Ông Tân Phát lên tiếng:
- Con My Dung còn đây. Nó...
Lộc bước tới nhìn thấy xác vợ mà vẫn chưa tin:
- Không thể nào...
Anh nói thế bởi người mà anh vừa đuổi theo không hề khác với vợ mình bất cứ điểm nào, kể cả bộ đồ cô ấy mặc trên người cũng chính là bộ đồ mà khi liệm xác, anh đã mặc vào cho Mỹ Dung.
- Không thể nào!
Anh nhìn hai bàn tay đầy máu của mẹ vợ với sự kinh ngạc:
- Má sao vậy?
Ông Tân Phát chỉ vào mắt của con gái:
- Nước mắt nó chảy ra và bà ấy chạm vào thì bị như vậy!
Tư Quan nói:
- Xác đã liệm rồi, bà bị như vậy bây giờ ông bà và cậu Hai phải đốt nhang làm lễ lại, coi như nhập quan lần thứ hai. Mợ Hai chắc có điều chi uất ức đây, nên mới thế này...
Ông Tân Phát đồng ý:
- Thì chú làm giúp cho đi!
Nhưng Hoàng Lộc ngăn lại:
- Con không thể nào tin được chuyện xác vợ con là người phụ nữ vừa rồi. Không thể có việc người giống người kỳ lạ đến như vậy!
Tư Quan vẫn đề nghị:
- Chuyện gì đó mình tính sau, còn bây giờ hãy đóng nắp áo quan lại, chứ để thế này không tiện. Mợ Hai giờ đã về với cõi âm, không thể...
Chợt bà Tân Phát gắt lên:
- Bây giờ tôi mới để ý làm gì có chuyện người chết sống lại như vừa rồi, trong khi con tôi còn nằm nguyên trong quan tài này! Đúng rồi, chắc chắn là ông lại sinh tâm mà bấy lâu nay tôi không hay biết! Ông... ông nói đi, có phải con nhỏ đó là con riêng của ông không?
Ông Tân Phát ngơ ngác:
- Con riêng nào?
- Thì con nhỏ vừa mới vào dây đòi đốt nhang đó, chứ con nào nữa! Chỉ có dòng máu của ông thì mới có đứa giống con Mỹ Dung như khuôn đúc vậy thôi! Cả tới thằng Lộc mà con lầm nữa là...
- Nói bậy! Tôi mà có con rơi con rớt hồi nào.
Lộc thì vẫn như người mê ngủ:
- Không thể tin được! Giống nhau như hai giọt nước... giống nhau...
Bà Tân Phát quên cả việc hai bàn tay mình đang dính đầy máu, bà chụp vai chồng và nổi cơn tam bành:
- Bây giờ cháy nhà mới ra mặt chuột nè trời! Bấy lâu nay tôi đui mù nên đã tin tưởng ông, vậy mà...
Bà khóc rống lên trước sự ngơ ngác của mọi tôi tớ trong nhà. Nhất là Tư Quan, anh ta đang sốt ruột muốn đóng nắp áo quan lại, mà như vậy thì biết làm sao? Anh ta nhắc nhở Hoàng Lộc:
- Cậu Hai xem...
Lộc quay lại anh ta và bảo:
- Anh cứ để đó cho tôi.
Nhưng câu nói của Lộc vừa dứt thì bỗng dưng nắp quan tài tự động đóng sầm lại. Tư Quan ngơ ngác:
- Sao kỳ vậy cậu?
Hoàng Lộc bước tới cố kéo ra, nhưng nắp áo quan như đã được đóng đinh chắc cứng, không làm sao lay chuyển được. Ông Tân Phát nhân cơ hội nói lớn:
- Bà làm chuyện tào lao khiến cho hồn con mình nó bị kinh động rồi kìa!
Hoàng Lộc cũng nói:
- Ba má gác chuyện đó lại đi, bây giờ phải tập trung lo cho Mỹ Dung đã...
Tuy nói là tập trung lo, nhưng Lộc cũng không biết là lo cái gì. Cho đến khi Tư Quan nhắc, vì ông bà Tân Phát cũng cho người mời các nhà sư tụng niệm theo nghi thức Phật giáo:
- Lát nữa dây có mấy nhà sư tới tụng kinh. Trong số mấy vị sư này có sư Thiện Tánh rành về tà ma, hay là mình nhờ ông xem thử.
Lộc gật đầu:
- Phải đó!
Vừa khi ấy thì ba nhà sư bước vào. Nhờ vậy mà cuộc tranh luận giữa đôi vợ chồng già mới tạm yên. Nhưng bà vẫn quay sang nhà sư có pháp danh Thiện Tánh và đề nghị:
- Nhờ thầy xem giùm, con gái tôi...
Bà nói chưa dứt lời thì sư Thiện Tánh đã lên tiếng vừa chỉ vào quan tài:
- Hồn người này vừa xuất ra lại nhập vào ngay, nếu không...
Ông quay lại nhìn Hoàng Lộc:
- Giữa vợ cậu với ai đó có mốt hận thù gì không mà như vậy?
Lộc ngạc nhiên:
- Hận thù gì ai đâu thầy?
- Có! Chết mà còn hiện về khi hạn bốn mươi chín ngày chưa qua là có chuyện rồi! Cậu không nhìn thấy trên hai khoé mắt của bức ảnh kia có nước mắt sao?
Bấy giờ Lộc và mọi người mới nhìn lên bức ảnh chân dung dựng trước quan tài, họ thấy rõ hai dòng lệ tuôn ra y như người còn sống! Bà Tân Phát kêu lên:
- Trên xác nó cũng có!
Nhà sư chậm rãi nói:
- Hiện tượng này là sự hoàn dương, bởi có điều oan ức chưa giải được. Phải giải trước khi mai táng, còn không thì...
Ông quay sang Lộc nói khẽ:
- Vợ cậu chết không do tai nạn xe, mà chết trước khi xe rơi xuống vực!
Vợ chồng ông Tân Phát kinh hãi:
- Có chuyện đó sao Lộc?
Hoàng Lộc còn đang bàng hoàng thì nhà sư vội nói tiếp:
- Chuyện này có thể không dính tới cậu đây, nhưng việc cô ấy chết là có điều uẩn khúc. Tôi sẽ tụng kinh cầu siêu cho vong hồn cô ấy siêu thoát, rồi việc gì đó gia chủ tính sau...
Ông bắt đầu buổi cầu kinh. Trong khi đó thì ông bà Tân Phát kéo Lộc ra ngoài truy vấn:
- Ông thầy nói vậy là sao?
Lộc thành thật thuật lại:
- Khi tụi con đi gần tới đèo Bảo Lộc thì Mỹ Dung kêu nhức đầu, con lấy dầu xoa thì Dung cho biết có đở hơn. Cô ấy chỉ có biểu hiện là không được khoẻ thôi, chứ không có điều gì khác thường. Sau đó, Dung ngả đầu trên ghế ngủ thiếp đi, con để yên cho cô ấy ngủ. Đến khi xe con đang chạy thì bỗng nghe có tiếng động gì đó khác thường dưới gầm xe, con tính dừng lại xem, nhưng do lúc ấy đang lên dốc, nên con phải chờ cho hết dốc mới tấp vào lề. Tuy nhiên...
Hoàng Lộc kể đến đó thì quá kích động nên phải dừng lại một chút rồi mới tiếp:
- Như con đã nói rồi, bỗng dưng lúc ấy xe chao đảo dữ dội, rồi thì con không còn điều khiển xe được nữa, và...
Bà Tân Phát kêu lên:
- Đúng rồi, con Mỹ Dung đã ngất trước khi xe bị nạn, có phải đã bị đầu độc không?
Hoàng Lộc hốt hoảng:
- Ai đầu độc? Vợ con trước đó nửa phút vẫn còn tỉnh mà, cô ấy đâu có biểu hiện gì của sự bị đầu độc?
Ông Tân Phát nói:
- Như vậy thì phải để lại xác con Dung, chờ khám nghiệm tử thi đã, không được đem chôn!
Hoàng Lộc cũng đồng tình:
- Chắc phải làm vậy thôi.
Nhưng bà thì phản đối:
- Con tôi đã chết thảm chết thương như vậy mà nay còn banh xác ra mổ xẻ nữa, tội nó lắm mấy người biết không!
Bà khóc oà lên. Từ trong nhà, sư Thiện Tánh bước ra, giọng từ tốn nói:
- Không cần phải làm vậy dâu. Chuyện này thuộc tâm linh, hãy để cho cái vong người chết quyết định.
Bà Tân Phát vụt hỏi:
- Như vậy là sao thầy?
- Đợi tôi tụng xong kinh cầu siêu này thì gia đình có thể cho mai táng được rồi. Mọi chuyện còn lại hãy để vong hồn cô ấy tự quyết định. Cứ làm như vậy đi rồi mọi việc sẽ sáng tỏ thôi.
Ông quay vào nhà mà còn nói với lại:
- Người cõi âm hành xử rõ ràng hơn cõi dương gian.
Ông tiếp tục gõ mõ cầu kinh trong khi bà Tân Phát đứng ngồi không yên, bà chốc chốc lại hỏi chồng:
- Có nên nghe theo lời thầy không?
Lộc chen vào:
- Con nghĩ cứ làm theo như thế. Việc bây giờ có lẽ con sẽ cho người giám định lại chiếc xe bị nạn của tụi con. Người ta đã trục được nó và đưa về gara gần đây.
Ông Tân Phát còn bức xúc:
- Ông thầy nói con Mỹ Dung chết trước lúc xe rơi xuống hố thì còn coi lại chiếc xe làm chi!
Lộc vẫn cương quyết:
- Theo con là có! Con đang nghi tới một số sự việc...
Anh bỏ vào đứng cạnh quan tài vợ, lâm râm khấn vái điều gì đó rất lâu.
Đến giữa trưa hôm đó thì buổi tụng kinh chấm dứt. Trước khi ra về, sư Thiện Tánh gọi riêng Lộc ra bảo:
- Cậu sẽ gặp nhiều khó khăn cho việc tìm ra những khúc mắc quanh cái chết của vợ cậu, tốt hơn hết là cậu nên đưa xác cô ấy về chôn trên đất riêng của mình hơn là chôn ở nghĩa địa.
Lộc do dự:
- Điều này ba mẹ con không đồng tình. Họ muốn chôn ở nghĩa địa để tiện bề thăm viếng hơn. Hay là thầy nói giúp giùm...
Sư Thiện Tánh gật đầu:
- Được, để ta nói.
Nhờ ông thuyết phục, cuối cùng vợ chồng ông Tân Phát mới thuận theo.
Nhưng bà vẫn ta điều kiện:
- Con phải bảo đảm là sau này nếu con có lấy vợ khác thì việc thăm viếng của gia đình bên này không có trở ngại gì. Bằng không thì má sẽ cho chuyển mộ đi nơi khác liền!
Hoàng Lộc nói chắc:
- Con xin hứa với ba má là đời con chỉ có một lần lấy vợ thôi. Ngôi nhà của con sẽ mãi mãi là nhà của Mỹ Dung. Con xin thề có vong linh cô ấy.
Theo lời khuyên của thầy Thiện Tánh thì việc an táng Mỹ Dung được thực hiện vào chiều tối hôm ấy. Ông nhấn mạnh:
- Giờ Dậu thích hợp cho việc an táng này.
Ngôi biệt thự nhỏ của Lộc còn một khoảng sân trồng nhiều hoa phía sau.
Anh an táng vợ ngay giữa những luống hoa nhiều màu sắc...
° ° °
Ba Minh đứng ngồi không yên khi liên tục hai ngày rồi chuông điện thoại nhà ông cứ reo rồi lại tắt ngay khi có người nhấc ống nghe lên.
Ông ta bực mình lắm nên đã ba lần đích thân nhấc máy lên và chửi vào đó những lời nặng nề nhất!
Và sáng hôm nay cũng thế. Khi ông vừa thay đồ xong định đi thì chuông reo.
Vừa cầm máy lên ông đã chửi xối xả:
- Đồ mất lịch sự, đồ...
Lời ông ta chưa dứt thì đầu dây bên kia đã có giọng nữ trong trẻo cất lên:
- Làm gì hung hăng dữ vậy ông trùm côn đồ!
Từ nào đến giờ chưa có ai dám ăn nói xấc xược như vậy với ông, nên Ba Minh gay gắt ngay:
- Ai vậy? Bộ...
- Muốn giết tôi sao? Giống như giết người ở đèo Bảo Lộc hả?
Ba Minh thót tim. Giọng ông không còn tự nhiên:
- Ai... ai nói đó?
- Cần gì biết là ai khi ông chưa trả lời tôi? Có phải ông định giết tôi như giết vợ chồng Hoàng Lộc không?
Ba Minh dập ngay ống nghe xuống, mặt ông tái xanh! Chuông điện thoại lại reo. Không dám nhấc máy, nên chuông reo có đến gần một phút, cuối cùng ông ta nhanh tay ấn nút cúp cuộc điện đàm và thở phào!
Nhưng lạ lùng sao, tiếng nói trong điện thoại vẫn vang lên:
- Biết sợ rồi sao ông Minh. Tôi tưởng người dám làm mọi chuyện tày trời như ông thì đâu có sợ ai, dẫu là hồn ma báo oán chăng nữa!
Người của Ba Minh phát lạnh và run, điều mà suốt cuộc đời làm giang hồ của hắn chưa bao giờ xảy ra!
Ông ta có muốn kiềm chế lại cũng không được, cái lạnh lạ lùng xuất phát từ trong ruột gan mà ra, cho nên càng cố gắng kiềm chế thì ông la càng run lập cập và suýt nữa thì hai hàm răng đã chạm vào nhau.
- Thế nào, bây giờ ông chịu nói chuyện với tôi chưa, ông Minh?
Ba Minh như con gà mắc mưa, run giọng hỏi:
- Cô là ai?
- Hồn ma. Ông từng nghe nói về oan hồn chưa?
- Cô... tôi đâu có làm gì...
Giọng trong điện thoại bắt đầu sắc lạnh hơn:
- Không làm gì, chỉ giết người rồi ném xác người ta xuống vực sâu thôi, phải không?
- Tôi... tôi..
Ông ta thật sự bị suy sụp:
- Tôi xin cô...
- Ô kìa, trùm côn đồ, giết người như ngoé mà bây giờ hèn thế sao! Vậy lúc ông đích thân xả thắng xe của Hoàng Lộc, để khi đổ đèo thì mất thắng, ông có sợ không?
- Tôi... tôi...
Ông ta chỉ lặp lại mấy lần như vậy chứ không nói được câu nào khác. Giọng trong điện thoại vẫn vang lên:
- Rồi ai tráo lọ đầu gió của Lộc, để khi vợ anh ta hít vào thì bị hôn mê hả?
- Tôi... tôi...
- Mục đích chính của tội ác đó là gì? Do dược trả tiền công cao hay lý do nào khác, hãy tự nói đi, ông Minh. Đừng để tôi ra tay!
Ba Minh vừa run rẩy vừa cố bò lết ra tận cửa ra vào. Đến khi đứng lên được thì ông thoắt chạy như điên ra chiếc xe hơi nhà đang đậu sẵn. Khi xe ra tới đường rồi ông mới thở phào nhẹ nhõm. Ít ra thì ông cũng đã thoát được cái giọng nói chết người đó!
Ông ta có cuộc hẹn làm ăn với mấy khách hàng tại một địa điểm ở trung tâm thành phố và đáng lẽ khi rồ ga ông phải tới đó ngay, nhưng chẳng hiểu sao hướng xe của ông ta lại đi về khu vực ngoại ô.
Gần nửa giờ sau, Ba Minh cho xe rẽ vào một ngôi nhà bề thế nằm sâu trong một hoa viên sực nức mùi hoa kiểng. Đón anh là một phụ nữ ngồi trên chiếc xe lăn, bà ta đã tự lăn xe ra tận bậc tam cấp khi thấy xe của Ba Minh đi vào.
Ba Minh bước xuống xe và âu yếm với người đó bằng cách bế bà ta trên tay, đưa vào phòng khách, vừa cất giọng trìu mến:
- Đã nói rồi, Ly Ly không được tự lăn xe ra ngoài đó, lở ngã xuống bậc tam cấp thì sao?
Người có tên là Ly Ly nũng nịu:
- Thì đã có anh đỡ, lo gì!
- Đâu phải lúc nào anh cũng có mặt ở đây để đỡ. Mà anh còn đang có nhiều việc phiền lòng đây...
Ly Ly tuy đã có tuổi, nhưng là một phụ nữ đẹp, có sức quyến rũ không thua gì con gái trẻ. Người ta nói người phụ nữ khuyết tật luôn có sức quyến rũ, hấp dẫn tiềm tàng mà khó có người đàn bà lành lặn nào có được... Bởi vậy Ba Minh, một tay giang hồ khét tiếng, dưới trướng có không biết bao nhiêu em út trẻ đẹp, lại đi mê bà ta như điếu đổ, trong khi bà ta còn có chồng con và Ba Minh thì đang sống cùng hai bà vợ trẻ khác!
Giọng Ly Ly như mật ngọt:
- Bộ bị hai cái gông kia cột chặt sao mà mặt mày bí xị, hốc hác vậy cưng?
- Cột đâu mà cột, mà có cột thì làm sao giữ nổi thằng Ba Minh này?
Cuộc chuyện trò tình tứ giữa họ bị cắt ngang bởi chuông điện thoại reo vang.
Đã bị tiếng chuông điện thoại hành hạ suốt hai hôm nay, nên vừa nghe chuông leo Ba Minh đã nói liền:
- Đừng nghe!
Ly Ly cau mày:
- Sao lại đừng nghe? Em đang chờ điện thoại của Lan Hương từ Pháp gọi về mà.
- Nhưng...
Ba Minh không tiện nói ra ý của mình nên không cản nữa, để cho Ly Ly nhấc máy lên. Chẳng biết bà ta nghe ai nói gì trong điện thoại mà nhìn sững Ba Minh vừa quay ra hỏi:
- Ai mà biết anh ở đây?
Ba Minh hốt hoảng:
- Nói là anh vừa đi ra ngoài.
Nhưng giọng trong điện thoại đã vang lên giống y như lúc Ba Minh ở nhà mình:
- Sao vậy ông Ba Minh! Ông nghĩ là chạy trốn sang đây rồi có thể thoát được sao? Mà liệu ông thoát thì cô con gái cưng của ông và bà Ly Ly đây ở bên Pháp có thoát được chăng?
Câu nói này chẳng riêng Ba Minh sợ tái mặt, mà Ly Ly cũng rúng động. Bà run giọng hỏi:
- Cô là ai mà biết con gái chúng tôi?
Giọng người kia phá lên cười sắc như dao và sau tràng cười là một loạt âm thanh gầm rú nghe rợn người:
- Vừa nghe nói đến tên con gái mình thì đã lo sốt vó, trong khi đó thì lại đi giết con gái người khác không gớm tay!
Bà Ly Ly không còn giữ bình tĩnh được nữa, và điều khiển chiếc xe lăn thật nhanh, tiến sát tới bên điện thoại và chụp ống nghe lên, giọng bà run run:
- Cô... cô nói gì về con gái tôi? Nó... nó đâu có làm gì nó chỉ biết đi học thôi mà...
- Vậy con gái người ta thì sao, nó cũng chỉ biết sống vui và đi lấy chồng, có được hạnh phúc thôi, có làm gì ai đâu mà ông chồng của bà giết hại nó?
- Cô nói... ông ấy giết ai?
- Muốn biết giết ai thì bà hỏi người đàn ông bên cạnh bà đi!
Đến lúc này thì Ba Minh không còn giữ bí mật nữa, ông ta nói ra điều mà ngay cả người tình yêu dấu của mình ông cũng định giấu:
- Chỉ vì anh không muốn con gái mình bị chị Lệ Thuỷ bỏ rơi. Từ lâu anh đã muốn thằng Hoàng Lộc là con rể nhà mình. Chính em cũng muốn điều đó, bởi giữa em và chị Lệ Thuỷ từng hứa hẹn là sẽ làm sui gia với nhau mà...
Bà Ly Ly trợn tròn đôi mắt:
- Nói vậy con dâu chị Lệ Thuỷ chết là do anh?
Ba Minh nín thinh, chỉ có giọng trong điện thoại là vang lên:
- Chẳng những giết người con dâu vô tội kia, mà ông ta còn định giết luôn Hoàng Lộc nữa!
Không tin đó là sự thật, bà Ly Ly tròn mắt nhìn Ba Minh khiến ông ta lúng túng, run rẩy:
- Tôi... tôi... không có ý giết thằng Lộc. Hôm đó, tôi đã cho người phá cái chốt cửa bên tay lái, định hễ chiếc xe vừa sắp lao xuống vực thì bằng phản ứng tự nhiên, Hoàng Lộc sẽ tung cửa xe ra để thoát thân và chỉ ngã trên bờ vực, chứ đâu có ngờ. Nhưng cuối cùng Hoàng Lộc cũng đâu có chết!
- Trời ơi, anh Minh!
Bà Ly Ly thét lên rồi ngã chúi người về phía trước, toàn thân run lên bần bật.
Có lẽ cơn đau tim của bà đang bộc phát.
Ba Minh hoảng hốt:
- Ly Ly, em sao vậy?
Giọng kia lại vang lên:
- Ông lại phạm thêm một tội ác nữa rồi!
Sau câu nói đó thì giọng ấy im bặt... Chỉ có tiếng nấc của Ba Minh:
- Em ơi, anh chỉ muốn giành lại tình yêu cho con gái mình thôi. Chỉ còn một tháng nữa thì nó đã về nước, nó cần có một tấm chồng như con trai chị Lệ Thuỷ, có như vậy thì ngôi nhà này và những tài sản khác nữa của tụi mình mới không bị ngân hàng tịch biên để trả nó cho công ty bất động sản mà hiện nay thằng Hoàng Lộc đang làm giám đốc! Tôi chỉ muốn giữ hạnh phúc cho mẹ con em thôi mà...
Lời ông ta càng nói thì người bà Ly Ly càng co giật dữ dội hơn. Đến khi chợt nhớ ra thì Ba Minh mới bế xốc bà ta lên, chạy bay vào phòng riêng để cứu chữa.
Nhưng hình như đã quá trễ...
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Phần 3: Quỷ nhập
Bà Lệ Thuỷ dậy thật sớm và dặn Hai Sương:
- Bữa nay tao có khách, tụi bay lo đi chợ làm thức ăn đãi khách.
Hai Sương hỏi lại:
- Khách bao nhiêu người thưa bà?
- Khoảng bốn năm người!
- Dạ, là đàn ông hay đàn bà, khách chỉ ăn cơm hay khách nhậu ạ?
Bà Lệ Thuỷ bảo:
- Khách toàn đàn ông. Mày mua cho tao một nửa con chó.
Hai Sương sửng sốt:
- Bà... bà nói mua con gì?
- Mua thịt chó! Mày kêu xe đi xuống Trại Mát. Ở đó có bán thịt chó làm sẵn, mua về và chỉ làm đúng một món nướng cho tao thôi.
Hai Sương xanh mặt:
- Con... con đâu có biết làm thịt chó. Con cũng không quen mùi nữa...
- Không quen rồi se quen. Đem về đây rồi tao sẽ chỉ cho cách làm.
Trước thái độ kỳ lạ của bà chủ, Hai Sương thấy hơi kỳ lạ. Bà ta ở nước ngoài về mà sao lại bảo nấu món thịt chó đãi khách?
- Mày ngạc nhiên vì tao bảo làm món thịt chó hả?
Không ngờ bà ta hiểu thấu tâm trạng mình, nên Hai Sương hơi lúng túng:
- Dạ... con chỉ lo món thịt chó hơi lạ, xưa nay đâu nghe ai đãi khách...
Bà Lệ Thuỷ bỗng phá lên cười:
- Người ta không đãi mà mình đãi mới hay! Vả lại những người này phải đãi họ thịt chó họ mới thích.
Hai Sương biết tính chủ, càng nói thì bà càng bảo lưu ý của mình, nên chị ta vừa lấy xe máy ta mà vẫn còn thắc mắc, nhưng vẫn đi mua. Khi chạy xe tới Trại Mát, vùng ngoại ô của thành phố Đà Lạt thì Hai Sương mới càng lúng túng hơn, bởi nhìn quanh chẳng thấy nơi nào bày bán thịt chó. Mà hỏi thăm thì Hai Sương lại không dám, bởi ai đời một phụ nữ lại đi tìm mua thịt chó?
Còn đang hoang mang, bỗng có người hỏi từ bên ngoài đường:
- Có phải cô kiếm mua thịt chó không?
Hai Sương giật mình:
- Dạ... dạ phải. Nhưng sao anh lại biết?
Người đàn ông trung niên cười cười:
- Thấy cô ngơ ngác thế kia thì biết ngay mà! Nhưng nói cho vui thôi, chứ đã có người dặn rồi, cô cứ lấy thịt mà mang về, khỏi phải trả tiền.
Hai Sương càng ngạc nhiên hơn:
- Có phải bà chủ tôi dặn không?
Người đàn ông lắc đầu:
- Cô không cần biết. Hãy mang về đi.
Ông ta vừa nói vừa đưa cho Sương một cái túi nhựa và dặn:
- Đem về nhà hãy mở ra, và chỉ cần làm theo hướng dẫn ghi trong giấy là sẽ có món ngon ngay.
Hai Sương xách cái giỏ mà tay run run. Từ nào đến giờ cô có biết thịt chó nó ra làm sao, cứ tưởng tượng nguyên con chó mới làm thịt nằm trong giỏ là Sương đã muốn nôn ói rồi.
Chị ta gồng mình cầm lấy và cắm đầu đạp xe như bay trở về nhà.
Vừa tới cổng nhà đã thấy thấp thoáng mấy người khách lạ đứng trong sân.
Bà Lệ Thuỷ nhìn ra giục:
- Mau đem vào đi, còn chần chừ gì nữa.
Rồi bà quay sang một người khách trẻ và bảo:
- Đã có cậu này rồi thì mày giao món chịt đó cho cậu ấy làm.
Nói xong, bà ta lại hướng về người đàn ông có tuổi đang đứng quay mặt vào trong và nói:
- Món ăn này mình ăn ngay tại sân thích hơn anh!
Người đàn ông quay lại, thì ra ông ta là Ba Minh. Nghe hỏi, ông ta miễn cưỡng đáp:
- Ừ cũng được. Mình vừa ăn vừa nói chuyện! Tốt nhất là chị không nên để cho mấy người làm ở ngoài này...
- Anh yên tâm, sẽ chỉ có đám mình thôi. Nào, mời cùng ngồi quanh bàn đá này, trong lúc cậu gì đó mang gói thịt tới đây, ta bày lên bàn rồi đưa bếp lò ra sau.
Tên đàn em của Ba Minh đặt chiếc giỏ lên bàn, vừa đình mở ra thì đã bị bà Lệ Thuỷ ngăn lại:
- Không, vinh dự này phải để cho anh Ba chứ!
Ba Minh cười rất gượng:
- Ai cũng được mà, đâu hề gì.
Ông ta nói thế nhưng vẫn đưa tay mở dây cột giỏ ra. Gói khá lớn lại cột hai ký, nên phải mất gần nửa phút ông ta mới mở bung được lớp bọc bên ngoài.
Vừa nhìn thấy vật bên trong thì Ba Minh đã kêu thét lên:
- Trời ơi!
Trước mặt ông ta và mọi người là một chiếc đầu lâu người, chứ không phải con chó. Mà cũng không phải cái đầu lâu bình thường, bởi tuy đã nằm rời thân thể, nhưng đôi mắt của cái đầu ấy vẫn còn chớp mắt như người sống!
Bọn thủ hạ của hắn do đứng bên ngoài nên nhanh chân chạy đi, còn Ba Minh thì cứng đờ một chỗ! Tuy nhiên, cũng chỉ chạy được mấy bước rồi chẳng hiểu bị gì mà đều đứng khựng lại như bị chôn chân xuống đất!
Bà Lệ Thuỷ bỗng dưng phá lên cười:
- Lũ giết người mà cũng biết sợ xác chết sao?
Nghe giọng bà là lạ, Ba Minh nhìn sững và lắp bắp hỏi:
- Chị Thuỷ, có phải là chị không?
Bà Lệ Thuỷ vẫn giọng cười khác thường:
- Nếu không phải thì là ai? Trước tiên, anh hãy nhìn vào cái đầu lâu kia xem là ai cái đã!
Ba Minh nhìn xuống lần nữa và lần này còn thét lên kinh hoàng hơn lần trước:
- Ly Ly!
Rõ ràng cái đầu của bà Ly Ly đang nhìn ông với đôi dòng lệ đang tuôn trào hai bên khoé mắt! Ba Minh vồ lấy và ôm đầu lâu vào lòng, vừa khi ấy cỏ một tiếng rú lạ thường cất lên từ đầu lâu ấy, và... Ba Minh bật ngửa ra, buông rơi chiếc đầu lâu lăn lông lốc dưới đất.
Bọn đàn em hắn nhìn rõ mọi diễn biến, cả bọn chúng đều líu cả lưỡi, muốn kêu lên mà cũng không làm sao mở miệng được. Cho dến khi bà Lệ Thuỷ vụt đứng lên, tiến về phía chúng và cất tiếng hỏi:
- Đứa nào làm hư thắng xe của Hoàng Lộc?
Vừa hỏi, bà vừa chỉ thẳng vào một tên gọi là Hùng Sùi:
- Chính mày phải không?
Tên này vừa mở miệng định chối thì bỗng hắn thét lên đau đớn. Nhìn lại thì đã thấy miệng hắn đầy máu, một phần lưỡi của hắn đã rơi xuống đất!
Những tên còn lại kinh hoảng nhưng cũng đành đứng như bị trời trồng, cho đến khi bà Lệ Thuỷ hỏi tiếp:
- Thằng nào bỏ thuốc mê vào ly nước cho vợ Hoàng Lộc uống?
Bốp! Chát!
Vừa hỏi xong thì bà giương thẳng tay tát vào hai bên má thằng đàn em tên Năm Gà:
- Chính mày chứ còn ai vào đây!
Lại một cái lưỡi nữa rơi ra cùng lúc với tiếng kêu thảm thiết của tên nọ!
Đến lượt Ba Mình. Nãy giờ ông ta đã thất kinh hồn vía, vừa run vừa muốn chạy trốn, nhưng cũng là lúc bị gọi tên:
- Tụi nó chỉ là tay sai, được chủ sai đâu thì làm đó! Còn ông, ai đã sai bảo ông? Ông lý giải là do sợ con gái mình không lấy người chồng giàu phải không? Cho nên ông bằng mọi giá phải loại đối thủ của mình. Hành động đó của ông đã khiến cho người phụ nữ trót yêu ông mà cả đời phải hy sinh, chịu tật nguyền do ông cho uống nhầm thuốc phá thai, rồi vì ông mà bà ta phải chịu cảnh xa chồng, do người đàn ông kia không thể nào chịu nổi cảnh vợ mình mê một tay trùm xã hội đen như ông. Bây giờ bà ấy đã chết, bởi biết ông gây ra tội ác tày trời. Ông còn muốn gì nữa? Còn đứa con gái ông sắp về nước phải không?
Ba Minh gào lên, van lơn:
- Đừng, xin đừng hại tới con tôi. Mọi tội lỗi là do tôi, con gái tôi không biết gì hết, nó cũng không muốn làm theo tội ác của tôi đâu!
Ông ta vừa cử động tay chân được thì cũng là lúc cái đầu lâu của bà Ly Ly tự nhiên lăn đến dưới chân. Thuận tay, ông ta cúi xuống ôm lấy và nức nở khóc.
Nhưng lạ lùng thay, bỗng nhiên ông ta phát tru lên một tiếng thật dài, thật kinh khủng, rồi phóng mình xuống đất! Lúc đó Hai Sương và vài người nữa trong nhà nghe tiếng gào thét bên ngoài đã chạy ra nhìn, và sửng sốt khi nhìn thấy Ba Minh vừa nhảy xuống đất đã biến thành một con chó mực to tướng.
Hai Sương là người xách chiếc giỏ thịt chó về cho nên chị ta càng thêm kinh hãi khi nhìn thấy hiện đó. Chị líu cả lưỡi:
- Ông... ông ta...
Khi ấy bà Lệ Thuỷ quay lại và nói to cho người nhà nghe:
- Kẻ ác nhân này đã đền tội rồi đó, vậy bà chủ của mấy người cũng được tha từ nay. Và hãy nói với bà ta không được đối xử với con dâu mình như vậy nữa!
Nói dứt lời thì như cái bóng, hình hài bà ta thành sương khói biến mất...
Sáu Xinh đứng bên cạnh nói với Sương:
- Bà ra coi, sao bà chủ mình biến đi đâu?
Hai Sương thất thần:
- Kỳ quá...
Chợt chị ta nhớ ra, bảo:
- Hồi nãy nghe bà ấy nói gì không? Tại sao bà ta nói là đã tha cho bà chủ mình rồi? Vậy bà ta là ai?
Họ chẳng hẹn mà cùng chạy vào nhà, gõ cửa phòng bà Lệ Thuỷ:
- Bà chủ ơi!
Họ gọi đến khàn cả cổ mà vẫn chẳng có tiếng trả lời, mà bên trong lúc ấy hình như có âm thanh ú ớ.
Hai Sương nói:
- Mình tông đại cửa vào thôi, biết đâu bà chủ bị nạn gì đó!
Họ tung được cửa thì vừa kịp nhìn thấy bà Lệ Thuỷ ngã lăn xuống sàn nhà.
- Bà chủ!
Họ vực bà dậy thì vừa lúc bà Lệ Thuỷ tỉnh lại, sợ hãi hỏi:
- Nó đâu rồi?
Hai Xinh hỏi:
- Bà chủ hỏi ai?
- Nó... vợ thằng Lộc...
Sau khi hoàn hồn lại, bà kể:
- Tao đang ngủ trong này chợt thấy có ai đè lên thân thể, rồi cổ tao như bị chặn ngang, không nói hay kêu la gì được. Mà cả chuyện ngồi dậy cũng không thể.
Hai Sương ngơ ngác:
- Vậy người nãy giờ ở ngoài sân tiếp khách là ai? Rồi hồi sáng này có phải bà sai con đi mua thịt chó không?
Bà Lệ Thuỷ tròn mắt kinh ngạc:
- Tao bảo mua thịt chó làm gì? Mà từ sáng tới giờ tao có ra khỏi phòng đâu, tao bị ai đó đè cứng trên giường này như tụi bay thấy đó!
Mọi người như từ trên trời rơi xuống, nhất là Hai Sương, chị ta ngẩn người một lúc rồi tự hỏi:
- Phải chăng là... mợ Hai?
Sáu Xinh nghe vậy liền hỏi:
- Oan hồn cô Mỹ Dung hả?
Hai Sương như người mất hồn:
- Oan hồn! Đúng là oan hồn!
° ° °
Lan Hương vừa bước xuống phi trường, mới bước vào phòng chờ lấy hành lý thì đã thấy một thanh niên đưa tay vẫy vẫy ở cửa đợi. Lúc đầu tưởng là vẫy ai nên Hương không đáp lại, nhưng sau đó nhìn kỹ, cô thấy trên tay anh ta cầm một miếng bìa cứng đề tên LAN HƯ� NG, thì cô giật mình tự hỏi:
- Chằng lẽ là anh chàng này?
Cô lấy một mảnh giấy nhỏ trong túi áo khoác và đọc lại: Hoàng Lộc sẽ chờ ở phi trường.
Chỉ biết Hoàng Lộc trước khi đi du học, đã cách trên mười năm rồi, nên lúc này đứng trước mặt anh ta chắc gì Lan Hương đã nhớ. Tuy nhiên, khi nhìn lại một lần nữa anh chàng cầm tấm bìa đề chữ Lan Hương kia, cô nàng thầm nghĩ: vượt quá mong đợi của mình rồi!
Hương còn nhớ cách nay hơn một tháng, cô đã nhận được lá thư của cha, trong đó ông có viết:
"Ba đã tìm được cho con người con trai mà con mong đợi, thằng Hoàng Lộc mà trước khi đi du học con từng khen là đẹp trai, thông minh mà lại hiền lành.
Mặc dù khi ấy Lộc mới có mười hai tuổi, còn bây giờ nó đã gần ba mươi, đang là một mẫu đàn ông khôi ngô tuấn tú, lại giỏi giang, giàu có. Ba má mà được nó làm rể thì còn hạnh phúc nào bằng!"
Cách ngày Hương về nước mấy hôm, cô còn nhận được một điện tín đánh từ quê sang, nói rằng khi về nước cô sẽ nhận được nhiều tin vừa xấu vừa tốt một lúc nhưng chính niềm hạnh phúc bất ngờ sẽ giúp cô vượt qua những tin gọi là xấu! Lúc đó, Lan Hương chưa hình dung được là chuyện gì. Cho đến hôm nay, suốt hơn mười giờ ngồi trên máy bay, cô nghĩ mãi mà vẫn chưa ra chuyện gì đang chờ mình ở nhà...
Sau khi lấy được hành lý, Lan Hương vừa đẩy xe ra tới cửa thân nhân đón thì Hoàng Lộc đã tiến đến gần và lên tiếng ngay:
- Tôi là Hoàng Lộc, đến đón Lan Hương theo sự cho phép của hai bác.
Lan Hương lịch sự, nhẹ giọng:
- Em đã được ba má nhắc nhiều về anh, nhưng không ngờ...
Lộc nói liền:
- Không ngờ gặp là thất vọng phải không!
Hai người cười vui và ngay từ phút giây ấy, họ đã thân nhau ngay. Điều này cả hai cũng không hiểu tại sao...
Đến khi Lộc lái xe đưa Hương về thẳng nhà mình thì thay vì ngạc nhiên, cô đã rất tự nhiên đi theo Lộc vào nhà và còn hỏi:
- Nhà có đủ phòng cho em ngủ lại không?
Hoàng Lộc đã chuẩn bị từ trước, anh chỉ về một căn phòng khang trang nhất trong nhà, đáp:
- Chẳng những có phòng mà còn là căn phòng đẹp nhất nữa!
Lan Hương không hỏi gì đến sự vắng mặt của cha mẹ mình, cho đến khi Lộc chủ động nói ra:
- Nếu bây giờ Hương nghe một tin buồn thì em sẽ làm sao?
Nàng bất ngờ hỏi:
- Anh muốn nói tới chuyện ba má em phải không?
Lộc gật đầu:
- Đúng vậy! Em có buồn lắm không?
Cô nàng sa nước mắt, nhưng vẫn tỉnh táo:
- Lúc ngồi trên xe anh, chẳng hiểu tại sao em lại nghe văng vẳng bên tai mình báo tin buồn này. Lúc đó em bàng hoàng, vừa muốn khóc lên thì bất chợt xe anh quẹo vào nhà, ngừng lại thì em như... một người khác. Bây giờ em chỉ bùi ngùi một lúc rồi thôi...
Hoàng Lộc cầm lấy tay nàng, nói rất khẽ:
- Từ bây giờ em không còn là... Lan Hương nữa! Đúng hơn, em là Lan Hương, nhưng thực chất em là... vợ anh thật sự!
Lộc nói những lời này vừa nhìn Hương, cô nàng không có phản ứng gì, ngoài việc nhìn anh đắm đuối.
Sau đó, hai người đứng trước bàn thờ của Mỹ Dung, Hoàng Lộc lên tiếng:
- Anh đã làm theo đúng những gì em muốn rồi đó! Bây giờ Lan Hương đã về đây, cô ấy rõ ràng hoàn toàn không biết những gì cha mẹ mình làm. Cô ấy...
Lời của Lộc chưa dứt thì đã nghe chính miệng Lan Hương thốt lên:
- Em biết rồi, không quay lại nhìn em sao?
Hoàng Lộc quay lại nhìn và anh kêu lên thích thú:
- Em đây mà, Mỹ Dung.
Tiếng cười khúc khích của cô nàng vừa lúc cánh cửa lớn mà Lộc vừa mở lúc nãy bỗng dưng sập lại, đèn đang sáng cũng tắt ngúm. Chỉ con lại tiếng reo vui của hai con người trong bóng tối:
- Làm người ta hết hồn!
- Cám ơn em đã đền cho anh...
- Nhớ đây là phần thưởng dành cho con người trung thực, hết lòng yêu vợ của anh. Nếu anh lạng quạng thì chẳng những mất em luôn mà cả cái xác Lan Hương này cũng sẽ thuộc về người khác đó nghe!
- Ai dại gì mà để mất... cả hai!
Một cú nhéo đau điếng, mà người lãnh đủ chính là Hoàng Lộc. Anh chàng ráng nhịn đau, nhưng đến lúc chịu không nổi phải kêu lên:
- Đau, đừng nhéo chỗ đó em!
Trong bóng tối, hai người quyện lấy nhau và có lẽ hạnh phúc sẽ ở với họ lâu lắm...
° ° °
Chuyện Lan Hương và Hoàng Lộc thành hôn với nhau tuy diễn ra âm thầm, nhưng vẫn có một số người biết. Họ bàn tán với nhau:
- Thằng Lộc sao tệ quá, vợ mới chết chưa đầy sáu tháng đã lấy vợ khác rồi!
Người lại nói:
- Mà cũng lạ, nghe nói vong hồn cô Mỹ Dung linh lắm, mà sao lại chấp nhận cho người vợ mới của Lộc về ở trong ngôi nhà còn bàn thờ cô ta trong đó?
Mặc ai nói gì thì nói, Lộc và Lan Hương vẫn hạnh phúc bên nhau. Bà Lệ Thuỷ vẫn ở Đà Lạt, nhưng thỉnh thoảng về Sài Gòn. Mỗi lần về, bà đều rất hoà hợp với Lan Hương, khác xa vớt thái độ hờ hững, đố kỵ với Mỹ Dung ngày trước.
Và nếu có ai nhìn thấy thì sẽ ngạc nhiên hơn, bởi bà luôn đứng trước bàn thờ của Mỹ Dung và lâm râm khấn vái rất thành khẩn. Có lần bà còn gọi Lan Hương lại gần, đứng trước bàn thờ và nói:
- Má biết lỗi của mình, biết được tấm lòng vị tha của con khi chấp nhận cho Lan Hương đem xác mình về nhập với hồn của con để làm vợ thằng Lộc. Má cám ơn con...
Bí mật của Lộc và Lan Hương chỉ có bà Lệ Thuỷ biết, và bà đã thề với lòng là sẽ mãi mãi giữ kín. Bởi vậy nhiều người ngạc nhiên tại sao Lan Hương từ lúc về nước chưa một lần về nhà thăm ngôi nhà của mẹ cô.
Ngôi biệt thự đồ sộ đó bị bỏ hoang... Tuy nhiên, khi tìm hiểu thì người ta mới phát hiện ra trong nhà không phải hoàn toàn vắng hoe mà thật ra còn có một... con chó mực rất lớn trú ngụ! Con chó đó là hiện thân của Ba Minh!
Ngôi biệt thự tuy không có người, nhưng chỉ có con chó ấy, nó đã giữ cho ngôi nhà luôn luôn ấm cúng như có người ở. Không một kẻ trộm nào dám léo hánh vào bởi đã từng có mấy lượt, kẻ tham lọt vào nhà và lập tức bị con chó cắn cổ, xé xác.
Chỉ có vợ chồng Lan Hương là biết chuyện. Họ thường tâm sự với bà Lệ Thuỷ:
- Con chó mực đó là hồn của Ba Minh nhập vào. Ba Minh là kẻ đại ác, nên chết không thành ma mà thành quỷ. Tuy nhiên, nó đã bị Mỹ Dung khắc chế, nhốt nó vĩnh viễn trong ngôi nhà đó. Ở trong ngôi nhà thì nó chỉ là con chó tinh ranh, nhưng bình thường nó không có gì nguy hiểm. Trừ phi có ai đó tìm cách đưa nó ra ngoài, lúc đó nó sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm! Người bị nó nhập sẽ là quỷ nhập tràng, nguy hiểm khôn lường...
Bà Lệ Thuỷ lo sợ hỏi:
- Sao con không diệt nó hẳn cho rồi, để như vậy sẽ có ngày...
Nhưng vong hồn Mỹ Dung đã quả quyết:
- Chỉ khi nào anh Lộc ruồng bỏ Lan Hương, tức ruồng bỏ con, thì lúc đó con mới để cho con chó mực thoát ra ngoài. Và lúc ấy nạn nhân đầu tiên sẽ là... Hoàng Lộc!
Hoàng Lộc dúi mặt vào tóc vợ, âu yếm:
- Trời có sập anh cũng không dám bỏ em nữa là...
(Tác giả Người Khăn Trắng , nguồn vnthuquan.org)