29/3/12

Như lục bình trôi (Chương 15)

Cơm nước, tắm rửa xong, Trang ngáp mấy cái tính lên gác ngủ sớm đặng còn lấy sức mai đi làm, Nhành kêu lại, chìa ra bức điện tín. Hiếu đang chải đầu thấy vậy cũng ngồi xuống. Chiếc lược còn gắn trên đầu. Trang lo lắng:

- Cái gì vậy chị?

- Đọc đi thì biết. – Nhành buồn rầu đáp.

Trang đọc xong ngồi chết lặng, Ngân tò mò lướt nhanh đôi mắt qua bức điện và im lặng. Trang bắt đầu khóc, thoạt tiên là những tiếng nấc khe khẽ rồi vỡ òa ra nức nở thành từng cơn. Để Trang khóc một hồi lâu cho vơi bớt nỗi buồn, Hiếu nói:

- Thôi khóc nhiêu đó đủ rồi, bây giờ phải bình tỉnh liệu tính cách nào để lo cho bà già.

Trang lấy tay quệt nước mắt:

- Má em mà có mệnh hệ gì chắc em tự tử quá, chị Hiếu!

- Đừng nói bậy! Mày còn bao nhiêu tiền?

- Chỉ còn có vài chục. Mấy bữa trước em gởi về quê hết trơn rồi.

Nhành đưa tay đập muỗi, rồi xòe tay ra. Trong lòng bàn tay có xác con muỗi chết giẹp:

- Chị em lúc khó khăn hoạn nạn có nhau, của ít lòng nhiều, ai có tiền thì xì ra đây!

Trang lấy chiếc túi xách, cho vô mấy bộ quần áo rồi nhìn mọi người lắc đầu:

- Ai cũng khó khăn như nhau , em không dám cầm đâu. Chỉ xin mượn đủ tiền lộ phí vìa quê thôi.

Ngân móc ra mấy chục, ấn vô tay Trang. Trang lại xòe ra. Ngân bóp tay Trang lại:

- Bác ở nhà bị bệnh chắc cần nhiều tiền điều trị thuốc thang, tôi chỉ có chút đỉnh, mong Trang đừng từ chối.

Hiếu, Nhành cũng đồng loạt đưa tiền cho Trang. Nhành nói:

- Còn đây là tiền “ viện trợ “ của con Huệ. Cầm lấy.

- Ấy chết không có ý kiến của Huệ, em không dám lấy. – Trang đẩy ngược trở lại.

- Cứ cầm lấy. Con Huệ tuy thương tiền nhưng cũng là đứa biết phải trái. Nó mà cà chớn là tao trừ thẳng vô tiền gởi không lôi thôi gì ráo!

Mọi người an ủi Trang chừng mười lăm phút, Hiếu coi đồng hồ rồi hối Trang đi ngủ sớm lấy sức để mai đi chuyến xe đầu tiên. Còn chuyện xin phép Hiếu sẽ lo liệu. Nhìn Trang bước lên gác thu dọn đồ đạc, Hiếu thở dài:

- Số nó sao mà lật đật quá!.

Sực nhớ ra một chuyện Nhành, ngửa mặt nói vọng lên gác:

- Trang ơi, mày cũng nên báo cho Thật biết tin này để nó cùng lo.

Trang nói:

- Thôi chị ơi, em sợ làm phiền lắm.

- Sợ gì! Con gái người ta thì nó hôn túi bụi, chẳng lẽ mẹ người ta có chuyện gì, nó cam tâm bỏ mặc. Đây là lúc nó thể hiện tấm lòng của mình. Mày không nói sau này nó trách.

Hiếu đồng ý với suy nghĩ của Nhành và nói thêm:

- Về quê thăm lo người bịnh cần phải có nhiều tiền. Mang nhiêu đó đâu thấm tháp gì. Biểu thằng Thật gánh vác một phần trách nhiệm cũng là việc nên làm.

Im lặng một lúc, Trang bước trở xuống, dắt xe lộc cộc vào bóng tối. Ba người nhìn nhau im lặng.
oOo

Xóm “ nhập cư “ quay thành vòng tròn tách rời với những khu dân cư khác như ốc đảo. Trước đây, nơi này là đất canh tác làm lúa nước. Mỗi hộ dân chỉ một khoảnh đất bạc màu, nhỏ như bàn cờ tướng bị chia manh mún lại bị thiên địch, sâu rầy phá hại nên chẳng bao giờ đủ ăn. Công việc chính của những người nông dân ở đây là chạy chợ hoặc làm những nghề linh tinh khác hoàn toàn không dính dáng đến nghề nông. Bỗng đùng một cái, có tin đồn quy hoạch. Đã nhiều lần mấy ông cán bộ địa chính ở thành phố xuống lăng xăng vẽ sơ đồ, đo đạc, ghi chép một cách cẩn thận, rồi cắm một tấm bảng quy hoạch chi tiết lừng lững bên cạnh đường chính gồm; những dãy nhà cao tầng, biệt thự song lập, hồ bơi, công viên cây xanh, khu giải trí.... Mọi người dân ở đây hớn hở ra mặt cứ nghĩ phen này sẽ đổi đời, trở thành dân phố thị tới nơi , nên chẳng buồn nghĩ đến chuyện đồng áng, suốt ngày sống trong tâm trạng chờ đợi phập phồng và nhậu nhẹt! Họ đợi mỏi mòn, nhậu thiếu điều lủng bao tử, thậm chí có người đã ngủm củ tỏi từ khuya rồi mà dự án vẫn còn đóng mốc meo trong ngăn kéo của mấy ông cán bộ chuyên trách nào đó, nghe đồn Quỹ Tiền tệ quốc tế chưa duyệt. Không đủ kiên nhẫn hơn được nữa, vài người đã tự tiện xé rào, đắp đất ruộng cất nhà cho công nhân mướn. Người này làm, kẻ khác bắt chước làm theo. Rào rào như mưa. Huyện biết được bèn cử một đoàn thanh tra gồm nhiều ban, bệ xuống lập biên bản xử phạt. Họ chấp nhận đóng phạt rồi tiếp tục xây cất trái phép. Lại phạt. Lại cất. Cái vòng lẩn quẩn! Chẳng mấy chốc, trên những mảnh ruộng cằn cỗi đã mọc lên vô số những ngôi nhà tạm bợ để cho số thanh niên từ các tỉnh lẻ đến thuê mướn làm chỗ trọ. Đến nay, những thửa ruộng nghèo đã biến thành khu “ nhập cư “ tự phát.

Vì là khu dân cư tự phát nên nó không có trật tự nào ráo trọi. Lộn xộn. Rối rắm. Mọi thứ đều tạm bợ như một doanh trại dã chiến. Nhà cửa được dựng bằng những vật liệu rẻ tiền. Các thứ phế thải được tận dụng tối đa. Những người nông dân một thời tay lấm, chưn bùn, thiệt thà như đếm , không quen so đo, toan tính bỗng trở thành những nhà kinh doanh lỗi lạc! Phương châm của họ là giản tiện, giá rẻ, mau thu hồi vốn để sinh lợi! Những ngôi nhà ( nói chính xác hơn là những túp lều ) lợp giấy dầu Trung Quốc, tường gạch không tô, nền xi măng lòi gạch, nham nhở, dây điện giăng như tơ nhện, nằm xiên xẹo, ngang dọc, chẳng ra thứ tự, lớp lang nào tạo thành những con đường chi chít, ngoằn ngoèo như ma trận. Những người lần đầu mới đặt chưn đến cứ ngơ ngác đi vòng vòng một lúc rồi trở lại nơi mình vừa tới khi nãy.
Trời tối. Trang đạp xe vòng vo, lách qua những chỗ hẹp chỉ vừa đủ cho một chiếc xe đạp. Chỗ ở của Thật nằm kẹp giữa hai ngôi nhà đâm xiên ngang hông. Phía trước bị án ngữ bởi đống ván cốt pha, cừ tràm xây dựng cao lút đầu. Cửa bị khóa. Bên trong đèn đuốc tối thui. Trang dựng xe. Mệt muốn thở ra khói. Lấy cườm tay quệt mồ hôi trán. Cách chỗ cô đứng vài bước chưn về phía bên tay mặt có một ngôi nhà leo lét ánh đèn, bên trong phát ra tiếng khóc của trẻ con. Đây là chỗ ở của tốp nữ công nhân Xí nghiệp giày da, trong số đó Trang có quen vài người qua những lần đến thăm Thật. Trang đặc biệt có cảm tình với chị Yến. Yến xuất thân là gái vườn dừa, có gương mặt đẹp tương phản với đôi mắt u tối tàn tro. Trang chưa từng thấy ai có đôi mắt buồn đến vậy. Thỉnh thoảng cô ghé qua chỗ Yến. Yến rót nước mà thở khò khè như lên cơn suyễn, rồi nói:

- Tới chơi hay có chuyện gì hôn?

Trang lắc đầu, trả lời:

- Không có gì, ghé chị nói chuyện chơi, đỡ buồn!

Yến nói ngắc ngứ:

- Có gì vui mà nói.

Trang cười cười:

- Sao chị chán đời quá vậy?

Miệng Yến trễ xuống:

- Em vô tư quá! Giá như chị cũng được như em thì hay biết mấy.

Trang lại nói:

- Có ai cấm chị vui đâu. Lúc nào cũng rầu rĩ mau già lắm! Chị thử cười lên coi nào!

Yến điều khiển những dây chằng ở khóe miệng giãn ra, cặp môi vẫn khép lại không hé nom giống như khóc. Sau này, Trang mới biết người yêu của chị vốn là bạn học từ hồi cấp hai cùng lên thành phố lập nghiệp đã bỏ chị đi theo người đàn bà khác lớn hơn anh ta gần mười tuổi nhưng giàu sụ và quan trọng nhứt là dân thành phố chánh hiệu con nai vàng. Sau đám cưới “ chạy tang “ , đầy tai tiếng, anh ta nghiễm nhiên trở thành cư dân thành phố. Liệng cái bay thợ hồ vô thùng rác, mỗi ngày chỉ việc ăn mặc giống như tài tử Hồng Công đứng chàng ràng trước tiệm hủ tiếu Nam Vang của bà vợ vừa già, vừa xấu để làm kiểng! Trước sự phản bội của người yêu, Yến phẫn uất đã mấy lần tự tử nhưng không thành. Sau lần uống cả bụm thuốc ngủ, được phát hiện kịp thời Yến thề không tìm đến cái chết nữa. Nhưng từ đó chị sống dật dờ như con sông dở ròng dở lớn. Một khi niềm tin đã đổ vỡ thì người ta khó mà trở lại con người thật của mình.

Trang dắt xe, ngừng trước cửa nhà Yến, day mặt nhìn vô. Yến đang ôm đứa bé còn đỏ hỏn, cho nó bú. Gương mặt thằng nhỏ nửa tối, nửa sáng dưới ánh đèn lờ mờ. Bên cạnh là cô gái khác đang cầm cái lục lạc lắc lắc. Những tiếng leng keng vui tai khiến đứa trẻ ngo ngoe trong tã lót ngừng bú, nghếch đôi mắt, toét miệng cười hết cỡ. Cô gái ấy là Thanh, cũng là người quen của Trang. Gần cả năm Trang không gặp chị Yến, không ngờ chị đã có chồng, sanh con. Âu đó cũng là điều đáng mừng! Cách xoa dịu nỗi đau tâm hồn tốt nhứt là tìm hạnh phúc thay thế cho nỗi bất hạnh. Trang chỉ hơi bất ngờ là Yến có thể quên đi quá khứ nhanh và thanh thản đến vậy. Rồi cô nghĩ lại, cũng phải thôi, chẳng lẽ con người cứ gặm nhấm nỗi đau để mà sống hay sao.

Vừa thấy Trang, Yến cúi gằm mặt xuống, ra chiều không muốn tiếp. Dầu vậy, Trang cũng bước vô, ngồi xuống. Chiếc giường cũ kỹ vặn mình kêu răng rắc. Trang nhìn vào cái vật nằm giữa đùi của đứa trẻ rồi thốt lên:

- Con trai! Chị Yến này xấu ghê, lấy chồng mà không cho em biết. Bộ khi dể em không có tiền mừng đám cưới hả? – Đoạn Trang cười ngỏn ngoẻn, đưa tay bẹo má thằng bé một cái.

Yến lủng bủng như nghẹn đàm, đưa mắt nhìn Thanh. Thanh dòm Trang rồi xây mặt sang hướng khác:

- Chị đưa thằng cu cho em ẵm một chốc. Chà, vài bữa nữa về ở nhà cao, cửa rộng rồi, đâu thèm nhớ mẹ, nhớ dì nữa đâu! No kềnh bụng rồi, dì cháu mình đi chơi nghen.

Trang lấy làm lạ, nghiêng đầu nhìn Yến. Yến thở cà hớp như người hụt chưn sắp chìm xuống đáy nước. Thanh ẵm thằng nhỏ ra cửa. Yến rượt theo đưa chiếc khăn lông khá dày, trùm lên người nó và dặn:

- Cẩn thận coi chừng muỗi cắn thằng nhỏ!

Thanh bật cười giòn đầu ngoẻo qua một bên:

- Chị làm như em là con nít không bằng! Con muỗi nào cắn thằng cu, em đền gấp mười lần!

Yến lại dặn:

- Đừng cho nó bú tay, sau này răng dễ bị hô, xấu lắm.

- Biết rồi, nói hoài hà! Thôi dì cháu mình đi hóng mát nghen, ở trong nhà nực nội quá chừng. Ngày mai con có theo dì đi thăm cô Nhâm hôn?

Nói đoạn, Thanh gật đầu chào Trang. Yến kéo áo che cặp ngực căng sữa.

Trang ngó quanh quất rồi đột ngột lên tiếng:

- Bộ chị Nhâm bị bịnh hả chị Yến? Sao lại phải đi thăm?

Chị Nhâm với Yến cùng quê. Chị lớn hơn Yến bốn tuổi đã có gia đình, vì gia cảnh túng bấn quá phải lặn lội thân cò lên thành phố bươn chải tìm kế sinh nhai, bỏ lại quê nhà anh chồng khắc khổ vật lộn với mấy công ruộng nhiễm phèn và đứa con quặt quẹo nuôi hoài không thấy lớn. Hàng tháng chị chắt bóp gởi tiền về quê nuôi chồng nuôi con. Tánh chị hiền, ít nói, nhưng hễ mở miệng ra là thốt toàn những lời lẽ chán chường tuyệt vọng. Cuộc sống đói nghèo, không lối thoát đã cướp đi nụ cười, niềm vui của chị mất rồi.

Nghe nhắc tới Nhâm là Yến lại thấy đau nhói trong lòng.

- Ở tù rồi!

- Sao ạ? Chị nói giỡn! Chỉ hiền như cục bột làm sao bị bắt đi tù? Chẳng lẽ nghèo lại là cái tội?

Yến trả lời buồn thảm:

- Nghèo không là cái tội nhưng cũng vì nó mà khiến người ta phạm tội. Bộ em không thấy những kẻ sa vào vòng lao lý đa phần là người nghèo hay sao? Tội nghiệp, chị Nhâm ở tù chỉ vì một tội không đáng có! Chẳng thà chỉ tham nhũng tiền tỉ như mấy ông cán bộ cỡ bự thì không nói làm gì. Đàng này...

Yến bỏ lửng câu nói, thở phì phò như đang khuân vác vật nặng. Hồi lâu kể tiếp bằng giọng nặng nề u uất:

- Thằng con của chỉ bị bịnh đau ban đỏ mà trong túi lại không có một xu. Đói ăn vụng túng làm liều, chị lén ăn cắp tiền lương vừa mới lãnh của con Hoa cùng nhà. Em còn nhớ con Hoa không?

Trang gật đầu. Hoa là dân Cà Mau, có bộ dạng gầy đét như con khô hố. Hoa ăn rất dữ, mỗi bữa có thể xơi gọn năm chén cơm đầy vun nhưng người vẫn ốm tong ốm teo.

- Bữa đó Hoa lãnh được năm trăm sáu mươi bốn ngàn đồng. Nó xếp từng tờ ngay ngắn rồi để ở đầu nằm. Nửa đêm chị Nhâm lén dở gối cuỗm sạch. Khi công an phường xuống xác minh, chỉ run như cầy sấy, mặt mày tái mét không còn hột máu. Rồi chẳng cần tra khảo lôi thôi, chỉ cúi đầu nhận tội. Mặc dù bạn bè sẵn lòng bỏ qua, không muốn làm lớn chuyện nhưng người ta vẫn bắt chị đi. Ông tổ trưởng nói pháp luật phải nghiêm minh, phạm tội trên năm trăm ngàn là đủ để truy tố! Chỉ bị còng tay dẫn đi mà gương mặt khắc khổ vẫn chưa hết bàng hoàng. Con Hoa vừa khóc vừa kể, nếu biết chuyện lớn như vầy thà rằng bỏ luôn không thưa kiện lôi thôi. Chị Nhâm bị giam đúng một tháng thì đem ra xét xử , mà lại xử lưu động ngay tại “ khu nhập cư! ”. Hỏi, thì mấy vị quan tòa biểu phải làm như vầy để trấn áp, răn đe những ai có cái tật nhám nhúa lấy đó làm bài học mà chừa! Bữa đó thiên hạ kéo tới coi đông lắm. Hoàn toàn không giống những phiên xử khác, người ta không nguyền rủa, chửi bới phạm nhân mà lại ra sức binh vực, sẻ chia đồng cảm. Thậm chí có người đã la ó phản đối rất dữ dội. Nhưng những nhà hành pháp chỉ căn cứ vào Bộ luật hình sự mà thực thi! Vừa nghe Tòa tuyên án chín tháng tù giam, chỉ té xỉu liền tại chỗ! Nhiều người đã bật khóc. Thiệt là bất công! Những ông cán bộ cấp trung ương, cấp thành phố đưa ra một chính sách sai lầm làm điêu đứng cả chục triệu dân thì chỉ bị khiển trách, làm kiểm điểm, thậm chí chỉ dừng lại ở mức “ đóng cửa bảo nhau “ cũng như những tay cán bộ tham ô tiền tấn vẫn cứ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, được hưởng án treo. Nhẹ hều. Trong khi kẻ chỉ vì vài trăm ngàn lại phải sa vào vòng lao lý! Công lý mà thiếu lòng nhân mãi mãi chỉ là lưỡi dao đồ tể – Đoạn chị thở dài:- Thì ra pháp luật chỉ là công cụ bảo vệ cho kẻ mạnh mà thôi!

Kể xong, Yến im lặng liên tục nuốt nước miếng đặc sệt trong cổ họng. Trang ngồi duỗi thẻ cố nén tiếng thở dài. Lúc sau cô lên tiếng phá tan bầu không khí ngột ngạt:

- Ông xã chị chắc cùng quê hả? Ảnh làm nghề gì vậy, chị Yến?

Yến đưa mắt nhìn ra cửa. Mấy người thợ hồ rinh đồ nghề trở về sau một ngày lao động, họ đi băng xiên băng nai Giọng nói nhão nhè nhão nhoẹt. Không cần tinh ý cũng biết vừa từ quán nhậu bước ra. Trong số họ không có Thật.

Trang nóng lòng chờ câu trả lời của yến nhưng chỉ nhận sự im lặng và những tiếng thở dài. Trong việc này chắc có điều gì khuất tất, Trang nghĩ thầm.

Lúc sau, Yến có vẻ đã trấn tĩnh lại. Đám mây u tối trên mặt đã dần dần bốc hơi, trở nên nhẹ nhõm hơn tuy nhiên giọng nói vẫn chất chứa nỗi buồn bi thương, thảm thiết:

- Chị cũng chẳng cần giấu em làm gì. Ở đây tất cả mọi người đều biết, thêm một người cũng chẳng biết cũng chẳng đến nỗi nhục phải đi tự tử!

Đoạn, Yến nói rành rọt từng tiếng:

- Chị đâu có chồng!

- Gì ạ? – Trang thốt lên kinh ngạc:- Chị nói khó hiểu quá, không có chồng, sao lại có con?

Yến che giấu sự xúc động của mình bằng cách sắp xếp lại mấy bộ đồ trẻ con đặt ngay ngắn trên giường, mấy bộ đồ đã được là ủi cẩn thận vậy mà Yến cứ đưa tay vuốt hoài. Hồi lâu, Yến giương đôi mắt tuyệt vọng nhìn Trang:

- Đứa con đó chị đẻ cho người ta!

Trang nói thất thanh:

- Sao ạ? Đẻ cho người ta nghĩa là làm sao? Hổng lẽ nó không phải là con của chị, nghe kỳ quá!

Yến vừa sụt sùi vừa kể lể ngọn ngành. Cuối cùng thì Trang cũng hiểu ra đầu đuôi sự việc, Yến cần một khoản tiền lớn để giải quyết chuyện nhà nên đã bằng lòng đẻ mướn cho một tay trọc phú thừa tiền mà không có nỗi một đứa con để nối dõi tông đường, bù lại Yến sẽ có thứ mà chị đang rất cần.

- Vài bữa nữa người ta đến bắt con chị đi rồi, em có biết không? Trời ơi, cứ nghĩ đến cảnh tượng phải xa lìa đứa con do mình dứt ruột đẻ ra là chị chỉ muốn chết cho xong!

Yến thở hồng hộc như đang lấy hơi lên, đôi mắt trắng dã trợn trừng. Bỗng “ rầm “ một cái, Yến ngã bật ra phía sau. Ngất lịm. Trang liền hô hoán kêu cứu. Vài người xung quanh, nam có, nữ có hớt hải xộc vô, họ lật úp người Yến lại xức dầu, cạo gió. Hồi sau, cô tỉnh dậy, đưa đôi mắt tuyệt vọng nhìn mọi người, cất giọng khẩn thiết:

- Xin hãy cứu lấy con tôi! Tôi van xin mọi người hãy cứu lấy con tôi.

Yến bỗng quỳ sụp xuống lạy mọi người như tế sao. Nhiều người phải quay mặt đi, không dám đối diện với cảnh thương tâm.

Trang cảm thấy toàn thân tê dại hẳn đi, nếu ở chỗ này thêm lúc nữa chắc cô sẽ chết mất. Cô bước lầm lũi như cái xác vô hồn ra phía ngoài, đi đến chỗ vắng Trang ngồi phịch xuống đống gỗ, khóc như ri.