Cửa hàng điện thoại ế ẩm, cả buổi sáng không có lấy một vị khách ghé chưn . Ông chủ của hàng giết thời gian bằng cách mở máy vi tính chơi tetris. Đi được gần mười ngàn điểm thì có hai khách nữ xinh đẹp bước vô, một đài các, một dân dã. Nhưng có chung một điểm: cả hai đều rất đẹp và có mái tóc dài bóng mượt.
- Tôi có thể giúp gì cho hai cô? – Người chủ nói năng kiểu cách và xởi lởi.
Hường liếc mắt sang Nhành, hỏi:
- Mày muốn loại nào? Hàng xịn mới ra lò thì hơi mắc, à nghen?
Nhành lúng túng như cô bé nhà quê lần đầu tiên lên tỉnh, đôi mắt ngơ ngác nhìn những chiếc điện thoại xinh xắn, đủ kiểu dáng, màu sắc chất đầy trong tủ kiếng.
- Lựa cái nào thì nói, sao cứ đực mặt ra vậy?
- Khoản này tao bù trớt! Mày “ quân sư “ giùm tao với!
Chủ hàng lấy ra một cái chỉ lớn hơn hộp quẹt diêm một chút, bấm tách tách mấy cái:
- Theo ý tôi, các cô nên lấy cái này vì nó vừa đương mốt vừa có nhiều chức năng.
Rồi anh ta thao thao bất tuyệt không kịp nghỉ hơi:
- Chiếc điện thoại không đơn thuần để liên lạc mà còn là vật trang sức, nó thể hiện phong cách sành điệu, uy tín và bản lĩnh của người sử dụng nó. Chỉ cần liếc qua chiếc điện thoại người ta có thể đánh giá bạn là người thế nào.
Nhành rụt rè hỏi:
- Bao nhiêu vậy?
- Bảy triệu hai!
- Trời đất, cái cục sắt nhỏ xíu vầy mà mắc dữ vậy? Anh có nói lộn không đó?
Chủ hàng mỉm cười độ lượng:
- Thậm chí có cái hơn chục triệu nữa kìa! Nhưng không sao, ở đây có đủ loại từ thượng vàng đến hạ cám, muốn gì tôi xin chiều! – Trong giọng nói anh ta lộ vẻ chê bay.
- Loại rẻ nhứt là bao nhiêu?
- Sáu trăm. Nhưng tôi nói trước là hàng cũ nghen!
Nói rồi, anh ta lôi từ hộc bàn ra chiếc điện thoại màu đen vừa thô, vừa xấu, đặt cộp lên mặt tủ.
Hường cầm lên rồi nhăn mặt:
- Thứ này chọi chó còn chết nữa là..Lấy cái khác đi!
Chủ hàng chưa kịp cất đi thì Nhành đã kịp giữ lại:
- Tui lấy cái này!
- Đừng làm xấu mặt tao đó Nhành. Lấy cái khác đi.
Nhành cứ khăng khăng. Rốt cuộc, Hường cũng phải chiều ý, vừa móc tiền trả, vừa cằn nhằn sốt ruột.
- Xài thứ này phải đứng xa tao nghen. Quê một cục!
Thử máy xong, Nhành hỏi:
- Có bảo hành hôn?
- Một tháng!
Nhành vuốt ve cái máy như báu vật rồi cho vô túi xách, nó quá bự không vừa túi áo.
Ra đến ngoài, Hường nói:
- Xong cái a lô rồi, bây giờ đi mua vài bộ “ thư ký văn phòng”. Này, mày mượn tao bao nhiêu rồi? Có nhớ hôn?
Nhành gật đầu, xây mặt về phía Hường cười ghẹo:
- Cái gì mày cũng mau quên nhưng tiền bạc thì nhớ rất kỹ!
- Tức nhiên! Vì nó là Đấng cứu thế của nhân loại! – Giọng Hường ngân vang:- Thôi lên xe, tao chở đi, trễ rồi, chút nữa tao có cuộc hẹn.
Hường chở Nhành chạy lòng vòng những nơi hoàn toàn lạ lẫm mà cô chưa từng đặt chưn tới:
- Thời gian đầu chưa có tiền mày đi làm bằng taxi, hẻo, thì đi xe ôm nhưng nhớ dừng ở đàng xa rồi cuốc bộ tới chỗ hẹn. Chiếc xe đạp của mày liệng cô viện bảo tàng “ vết tích nghèo đói “ là vừa!
- Sao vậy?
- Ngây thơ cụ hoài! Thư ký giám đốc mà đi “ con cào cào “ chó nó coi.
Xe ngừng lại trước cửa hàng thời trang văn phòng trông khá ấn tượng. Hường co chưn gạt chống ngang rất điệu nghệ, nắm tay Nhành bước vô một cách tự tin.
- Bộ mày vô đây thường lắm hả?
- Vô hoài, tùy theo yêu cầu của thân chủ mà sắm bộ cánh cho thích hợp.
Hường gợi ý Nhành mua hai bộ, một bộ màu xám, một màu xanh đậm. Nhành nghe theo răm rắp. Dòm thấy bản báo giá suýt nữa Nhành chết ngất. Trong lúc cô đang trù trừ tính cò kè thêm bớt thì Hường xua tay lia lịa:
- Ở đây bán giá cố định không nói thách mày đừng làm tao quê!
Nhành vô buồng bận thử. Lúc sau trở ra, đứng trước mặt Hường xoay xoay mấy vòng, cử chỉ có phần ngượng nghịu:
- Coi được hôn? Tao thấy kỳ kỳ.
Hường nhìn trân trối tưởng chừng lồi cả nhãn cầu. Chiếc váy ngắn gần tới đầu gối để lộ cặp chưn dài và thon. Cái veston nữ vừa y. Cà vạt đỏ treo trên cặp ngực tròn căng phập phồng, làm tôn thêm vẻ quý phái, quyến rũ.
Hường thốt lên bằng vẻ ghen tỵ:
- Không ngờ mày đẹp quá chừng, tao mà là đàn ông nhứt định cưỡng dâm mày!
Nhành nghiêm mặt:
- Đồ ba trợn! Mồm mép lúc nào cũng như dân hàng cá hàng tôm!
- Giang sơn dễ đổi, bản tánh khó dời mà!
Hường khởi động xe. Nhành lên ngồi đàng sau. Hường nói:
- Bây giờ đi đâu?
- Chắc về nhà thôi.
- Về nhà tao đi, chiều nay đi làm luôn thể.
Nhành thầm nghĩ, hai tiếng “ đi làm “ nghe sao mà tức cười quá! Bất giác Nhành cười ré lên thành một tràng dài.
- Chờ cả ngày mà Hiếu vẫn không gọi điện thoại cho tôi. – Giọng nói mồn một bất ngờ phát ra từ phía sau lưng khiến Hiếu giựt mình suýt làm hư cái cổ áo. Bà Trần xuất hiện với gương mặt tươi rói.
- Dạ, tại vì...- Nhìn bà Trần, nhớ lại chuyện xảy ra cách đây mấy ngày, Hiếu mắc cỡ, mặt đỏ bừng như gấc chín.
- Coi kìa! Chưa gì đã đỏ mặt lên rồi – Bà Trần cười xoe:- Kể từ bữa đó lúc nào tôi cũng nhớ đến Hiếu, nhớ phát điên!
Hiếu biến sắc, mắt ngó dáo dác, rồi cúi đầu nói thật khẽ:
- Chị nói nhỏ thôi, người ta nghe được thì chết!
Bà Trần nhếch mép cười khinh bỉ :
- Kệ bà tụi nó! Đứa nào loe toe, tôi đuổi thẳng!
Đoạn bà Trần ngồi xuống đống quần áo đã gia công, cầm lên một cái ngắm nghía cho có lệ:
- Hiếu có nhớ tôi không?
Hiếu nói lầm thầm:
- Hơi hơi!
Bà Trần bật cười mãn nguyện. Đưa ngón trỏ ấn cặp kiếng dính chặt vô sống mũi. Nói hả hê:
- Hơi hơi là được rồi. Tôi cứ lo Hiếu thù tôi bầm gan, tím ruột!
Bà Trần nhích mông lại gần Hiếu. Bộ móng dài tô sơn đỏ chót bấu chặt vào chưn cô đau điếng:
- Giá như không có người nhất định tôi sẽ ôm hôn Hiếu trối chết!
Cử chỉ dồn dập của bà Trần làm Hiếu thấp thỏm, hoang mang. Dòm qua bên cạnh thấy cô bạn đồng nghiệp vừa may vừa cười tủm tỉm, nhứt định là nó cười mình rồi.
- Chị đi đi, ngồi lâu không tiện.
Bà Trần không những không đi mà còn áp sát hơn:
- Chiều nay Hiếu ghé tôi nhá!
- Không được.
- Tại sao không? – Bà Trần nói gằn. Ánh mắt vừa nhọn vừa xoáy như lưỡi khoan xuyên thấu qua hộp sọ, bóc trần những ý nghĩ thầm kín của Hiếu:
- Em có thằng nào rồi phải không?
- Không có!
- Nói thiệt đi!
- Đã nói không có mà. Tại mắc công chuyện.
Bà Trần thu hồi “ lưỡi khoan “ , gật đầu mấy cái:
- Tôi tạm tin Hiếu. Vậy thứ Năm tuần này nhá!
- Em không dám hứa.
- Em bỏ cái tật làm reo đi, nghe thốn lỗ tai lắm! Sự kiên nhẫn của con người đều có giới hạn, Hiếu đừng để tôi phải nổi nóng!
Hiếu sợ hết hồn. Bà Trần mà lên cơn thì chẳng có chuyện gì mà không dám làm. Cô đành phải xuống nước nhỏ:
- Chị la lớn như vậy làm em sợ.
Bà Trần lập tức thay đổi thái độ mềm mỏng:- Tôi xin lỗi! Nhớ thứ Năm nghe.
Hiếu đỏ mặt, gật đầu. Bà Trần nói:
- Phải vậy chớ! Điện thoại nhà Hiếu số mấy?
- Em nghèo muốn chết, tiền đâu mà vô điện thoại, hả chị?
- Thì lấy số điện thoại của nhà hàng xóm.
Hiếu đọc số, bà Trần lấy viết ghi vô cuốn sổ tay bỏ túi. Sau đó bà vẽ hình trái tim bên trong ghi chữ “ Hiếu”, gương mặt tỏ vẻ hài lòng lắm.
- Hiếu mà không giữ đúng lời hứa là tôi mò tới nhà đó, nghe chưa!
Bà Trần vừa đi khỏi thì cô bạn ngồi bên cạnh lập tức lên tiếng:
- Tui thấy hai người sao mà muồi quá! Cứ như là đôi vợ chồng mới cưới ấy! Chị chị em em ngọt xớt!
Hiếu mắc cỡ, mặt thộn ra như . Cô bạn đồng nghiệp “ nổ “ một tràng dài như súng liên thanh:
- Cái gì mà nhớ nhung, hò hẹn, thể thốt đủ điều! Ái đà, coi bộ miếng bả ái tình, cho dù là tình tính tang thì vẫn cứ đắm cứ say, cứ tha cứ thiết như thường!
Mấy người ngồi cạnh đấy được dịp chọc ghẹo một trận đã đời. Mỗi người góp một câu:
- Chị Hiếu quen cán bộ, phen này tụi em cũng được nhờ lây rồi!
- Bà Hiếu ơi, đàn bà với đàn bà thì “ chuyện ấy “ làm sao?
- Vậy trong hai người ai là chàng, ai là nàng? Ai nằm trên, ai nằm dưới?
- Còn hỏi nữa. Nhứt định chị Hiếu là nàng rồi!
- Hai người định chừng nào làm đám cưới? Có mời tụi này hôn?
Hiếu nói như thét:
- Im đi! Đồ bá láp! Đùa giỡn cũng phải tùy lúc, tùy nơi chớ không phải bạ đâu nói đó. Tánh tôi dễ thiệt nhưng không phải để ai muốn nói gì thì nói! Chị Trần mà hỏi, thì tui không dám hứa là sẽ im miệng đâu!
Nghe Hiếu nẹt sẽ học lại chuyện này cho bà Trần, đám đàn bà con gái nhiều chuyện phát hoảng. Nín thinh. Không dám cục cựa. Hiếu trở lại chỗ làm. Chưa đặt đít xuống thì cúp điện. Không phải cúp điện toàn bộ phân xưởng mà chỉ vài khoảng một chục máy đổ lại. Hiếu còn lưỡng lự chưa biết làm gì thì một cô đã nhanh nhẹn đi kiếm anh Tưởng thợ điện. Tưởng là dân Trà Vinh, gần bốn mươi tuổi, dáng vẻ gồ ghề coi giống lực điền hơn là dân kỹ thuật.. Trước khi dừng chưn ở xí nghiệp Đại Phát này, anh đã trải qua đủ nghề. Và nghề mà mọi người hay nhắc đến làm đề tài đàm tiếu là nghề đấm bóp, giác hơi.
- Anh Tưởng ơi, em nhức lưng quá, đấm em một tẹo!
- Anh Tưởng ơi, giác hơi cho em đi. Em sẽ làm mai chị Hiếu cho anh, chịu hôn?
Tưởng liếc ngang về phía Hiếu rồi nhìn cô vừa nói, cười hề hề:
- Đứa nào có cách mời chị Hiếu đi ăn kem với anh, anh sẽ đấm bóp, giác hơi một năm miễn phí!
Thế là các cô gái trẻ nghịch ngợm như quỷ phá nhà chay vây quanh Hiếu buông lời chọc ghẹo:
- Chị Hiếu ơi, đi ăn kem với anh Tưởng đi, em nhức lưng quá chừng!
- Chị mà quen ổng hả, tối về ổng đấm lưng sướng hơn vua!
Hiếu bỏ ngoài tai những lời gán ghép của mọi người, cô không muốn dính líu với thứ đàn ông vợ con đùm đề. Hiếu nghĩ, mình già thiệt nhưng chẳng thà ở vá chớ dính vô mấy chuyện này lôi thôi lắm. Năm ngoái tại đây đã xảy ra một trận đánh ghen long trời, lở đất: tay Tự vốn là lái xe Xí nghiệp, vợ con đề huề, đã vậy không chịu yên phận làm chồng, làm cha lại lẹo tẹo với cô nhân viên kế toán. Cô này đẹp gái, có học thức, biết người ta đã có gia đình mà vẫn nhắm mắt đâm đầu như ăn phải bùa mê thuốc lú! Hai người quan hệ vừa công khai, vừa lén lút được gần ba tháng thì bà vợ dữ như chằn ở quê hay tin liền nổi cơn tam bành, huy động đám “ lâu la “ nội ngoại gần một chục người chực sẵn trước cổng Xí nghiệp. Cô nhân viên kế toán mắt nhắm, mắt mở bước ra, liền bị đám đông xông vô, kẻ xé áo, người tuột quần. Bà vợ già thủ sẵn một thùng “ sơn đâu cũng đẹp “ loại năm ký trút thẳng lên đầu. Mái tóc vừa được duỗi hai trăm ngàn biến thành cái chổi sơn ....Kết quả là ông chồng có máu hảo ngọt bị đuổi khỏi Xí nghiệp và cô nhân viên thì bỗng nhiên biến mất như chưa từng tồn tại trên thế gian này. Nhưng Tưởng thì không nghĩ như Hiếu. Anh ta thường hay kiếm cớ để ghé lại chỗ cô, buông ra những câu nửa giỡn nửa thiệt:
- Hiếu nè, mấy bữa nay anh bị bịnh uống thuốc hoài không hết, Hiếu có cách gì giúp anh hôn?
Hiếu ghét cái bản mặt của Tưởng, người gì mà lúc nào cũng tí toe tí toét, chẳng lúc nào đứng đắn đàng hoàng!
- Bị bịnh thì đi bác sĩ khám, sao lại hỏi tui? Đồ vô duyên!
Tưởng cười hềnh hệch, mắt đóng đinh câu rút lên chiếc áo ngực bị hở:
- Bác sĩ nói anh bị chứng thiếu hơi đàn bà! Nè, gài nút áo lại đi, tênh hênh vậy, anh nhồi máu cơ tim!
Mặt Hiếu như nhuộm phẩm đỏ, cô đưa tay gài lại nút áo:
- Kêu bà xã dưới quê lên, tha hồ mà ôm ấp, chẳng lo thiếu hơi mà sợ.
Nhưng mà con vợ của anh nó hôi lắm, toàn là mùi cá chết chớ không thơm như Hiếu!
Chịu không thấu, Hiếu trừng mắt nạt lớn:
- Tui thà chết làm gái già chớ không bao giờ dây dưa với thứ bờm xơm như anh, anh không nên phí thời gian vì chuyện tầm ruồng!
- Uổng lắm! – Tưởng tặc lưỡi tiếc rẻ:- Bây giờ còn hương, còn sắc không tranh thủ, mai mốt tình cho không biếu không chẳng ai thèm lấy!
Hiếu nói rít qua kẽ răng:
- Anh cút đi! Nếu không tui sẽ báo việc này cho quản đốc.
Tưởng cười cười nhún vai bỏ đi, được vài bước thì ngó lại, ánh mắt hay háy như chọc tức… ...Chừng năm phút sau, Tưởng mang túi dết đồ nghề đến bên Hiếu và ra điều kiện:
- Em chịu đi ăn kem với anh, anh sẽ sửa ngay tức thì, còn không thì cứ ngồi chơi ngáp ruồi!
- Không đời nào!
Mấy cô khác cũng bị cúp điện, năn nỉ Hiếu:
- Chị Hiếu ơi, làm ơn gật đầu một cái cho tụi em nhờ. Từ sáng tới giờ chưa kiếm được đồng nào.
Hiếu lắc đầu một cách dứt khoát. Tưởng ngồi phệt lên đống đồ, lấy thuốc ra hút, vừa nheo mắt nhìn cô khiêu khích.
- Anh có sửa không? Nói cho một tiếng!
- Tức nhiên với một điều kiện.
Hiếu chẳng nói chẳng rằng, ngoe ngoảy bước đi. Tưởng liệng vội mẫu thuốc, lật đật chạy theo:
- Đi đâu vậy?
- Báo quản đốc! – Hiếu nói cộc lốc.
- Thôi, anh chịu đầu hàng! Người gì mà khó tánh quá trời!
Tưởng bước lại mở tủ điện hý hoáy một lúc thì có điện trở lại.