Không hiểu sao Trang lại có cảm giác thích thú khi nghe những tiếng mưa tí tách trên nón lá, bởi nó gợi cô nhớ lại những ngày đội mưa làm lúa. Những ngày mưa gió dầm dề, cực mà vui.
Mưa bắt đầu ngớt, mấy chị em chưa kịp mừng thì ông Trời lại ào lên một cái dữ dội hơn. Gió xoáy như cánh tay khổng lồ đang cố nhấc cái mái nhà ném đi chỗ khác.
Lại Trời! - Trang nói lầm rầm - Ông mà dở cái nóc nhà tụi con biết ngủ ở đâu?
Sấm sét vang rền. Mưa như chưa từng được mưa. Gió như chưa từng được thổi. Đêm như chưa từng có đêm. Cả thế gian oặn mình rên xiết trước cơn thịnh nộ của vũ trụ. Không hiểu ngày xưa Mẹ Âu Cơ khi sanh ra trăm trứng có oằn oại, vật vã như vầy không.
Những tấm mền cũ bắt đầu thấm nước khiến mấy chị em run lên lập cập. “ Lão bà bà “ Hiếu đi làm ca đêm coi như trốn được trận mưa quỷ quái này.
Ngồi dòm mưa hoài cũng buồn, Nhành tìm cách khơi mào câu chuyện để xua đi cảm giác lạnh lẽo cô đơn:
- Ở thành phố, mưa đầu mùa lớn như vầy chỉ làm buồn thúi ruột, chớ ở quê tụi mình thì vui, vui biết mấy!
Đúng rồi, ở dưới quê, mọi người náo nức chớ đón cơn mưa đầu mùa như ngày hội lớn. Nếu mưa vào buổi chiều tối thì càng vui. Cơn mưa đầu mùa mọi người kêu là “mưa rước cá lên đồng “. Lũ cá sông bụng mang dạ chửa chỉ chờ mưa đổ xuống ngập đồng,vừa ngớt hột là chúng liền lóc lên bờ, lao xuống ruộng để làm tròn chức năng sanh sản. Lũ cá lóc, rô, trê, sặc…thi nhau chen chúc đen kín cả con đê ngoằn ngoèo ngập nước. Người đi bắt cá lúc nào cũng chuẩn bị sẵn cái đèn soi . Đó là loại đèn gồm một cái niền gắn trên đầu, phía trước có lắp cái chóa và bóng đèn nối với cái bình accu xe gắn máy. Cá nhiều mà người cũng đông. Tiếng cười nói ồn ào hòa cùng tiếng xuýt xoa vì bị sểnhcon cá lớn làm át cả tiếng mưa rơi, làm quên đi cái lạnh như những ngọn roi da quất vào da thịt. Con rô di chuyển bằng hai cái ngạnh, đuôi vẫy lung tung. Con sặc nẩy lách tách. Con trê ngoe nguẩy. Khó bắt nhứt vẫn là con lóc. Cá lóc di chuyển toàn thân, tinh ranh như cáo hễ thấy ánh đèn là nó phóng cái vèo mất hút. Muốn bắt được nó thường phải dùng lưới. Tạnh mưa vài giờ đồng hồ mà lũ cá vẫn thi nhau lóc lên bờ rồi xuống đồng để thực hiện thiên chức làm mẹ bất chấp nguy hiểm đang rình rập. Thế mới biết tình mẫu tử của loài cá cũng thiêng liêng như chính con người.
Sau một đêm thức trắng, ai nấy đều lạnh cóng cùng với niềm hân hoan rọ cá trĩu nặng. Cá đồng vào mùa này, con nào con nấy đều mập ù, bụng đầy trứng, rất ngon. Cá rô làm sạch rồi đem kho tộ, chiên xù. Cá lóc nấu canh chua với bạc hà, cà chua hay đem nướng trui nhưng ngon nhứt vẫn là đem nướng bầu. Người ta dùng trái bầu non khoét lỗ vừa vặn con cá sau đó đặt lên vỉ than. Bầu chín cũng là lúc cá vừa chín tới, vị ngọt của trái bầu thấm vô con lóc, cắn một miệng ngọt lịm tới óc o. Món cá trê, bắt mồi nhứt vẫn là đem chiên giòn dầm nước mắm gừng, nếu có thêm dĩa củ cải bóp gỏi là tha hồ say sưa tới chữ.
Huệ nói:
- Nhà em nằm kẹp giữa con mương với ruộng nên chẳng phải mắc công đi đâu cho cực. Nước ngập lưng chừng, em cứ ngồi trên giường cùng cái vợt. Hễ cá lóc[3] tới thì chỉ việc cầm vợt mà quơ đại. Coi vậy mà có đêm em bắt được cả kí lô!
Gần hết mùa nước nổi. Khoảng tháng mười một âm, chờ những cơn mưa lớn cuối mùa lũ cá lại tìm cách ngoi lên những thửa ruộng chật chội , hướng ra sông rộng tìm lấy tự do. Và người ta lại một phen bận rộn. Những cơn mưa như vầy được kêu là “ mưa rước cá xuống sông “. Tội nghiệp, lũ cá khốn khổ đổi lấy quyền làm mẹ, quyền được tự do phải đánh cược bằng chính sự sống của mình. Riêng về điểm này nhân loại còn thua xa loài cá!
Nhành, mắt mơ màng:
- Trước khi có những trận mưa cuối mùa, ông già thường lấy thuổng ra đào bốn góc ruộng. Sau đó xuống sông vét bùn bỏ vào đó để dụ cá. Lũ cá hửi thấy mùi bùn tưởng là sông cứ thế mà rúc vô. Đợi nước rút, cứ thế mà bắt không kịp.
Ngân nói cũng tham gia câu chuyện cho có tụ:
- Sau mưa, em thường theo anh Hai đi bắt ếch. Lũ ếch sống dưới hang suốt mùa nắng chỉ chờ mưa xuống là ló ra kiếm ăn, kiếm bạn tình. Lũ ếch đực, ếch cái thi nhau muồi mẫn đến đỗi có người tới gần cũng chẳng thèm buông ra. Đúng là chết vì yêu. Anh Hai kêu là “ ếch bắt cặp “. Em không khoái ếch rô ti mà chỉ thích ếch xào sả ớt.
Huệ im lặng suy nghĩ vu vơ. Cô đang nghĩ về Nội, không biết giờ này ở quê có mưa không. Nhà bị dột Nội biết nằm ở đâu. Bất giác cô thở dài. ****** Ông Khả bị chấn thương nặng. Máu tụ trong não phải tiến hành mổ gấp. Gần sáng, ca mổ thành công. Người ta đưa ông lên phòng chăm sóc đặc biệt, có bác sĩ thường xuyên túc trực theo dõi. Thức trắng đêm, trong trạng thái lo âu, căng thẳng bà Vân xuống sức thấy rõ, gương mặt bợt bạt như tờ giấy bản nhúng nước, đôi mắt sưng húp, có quầng đen.
- Thưa bác sĩ, chồng tôi khi nào tỉnh lại?
- Khó nói lắm! Có thể trong vài giờ, vài ngày, hay vài tháng cũng chưa biết chừng! Nói tóm lại là vầy, thành công y học là chín chục phần trằm, mười phần trăm còn lại phụ thuộc vào bản năng sống của người bệnh.
Bà Vân khóc sụt sịt, ngồi xuống bên cạnh, tay lần trên miếng băng trắng toát thấm máu quấn quanh đầu chồng:
- Anh ơi, tỉnh lại đi! Sao anh lại nằm yên như vậy? Anh có nghe em nói gì không?
Không nén được kích động, bà Vân nhào xuống người ông Khả, khóc rống lên. Bác sĩ, y tá phải hè vô , khiêng bà Vân ra phía ngoài.
Xế trưa có hai viên sĩ quan công an đến lấy lời khai. Bà Vân hoàn toàn mù tịt nên chẳng cung cấp được tin tức gì.
Một trong hai người hỏi:
- Chồng bà có kẻ thù nào không?
- Không, ảnh sống rất chuẩn mực, đạo đức, bạn bè đồng nghiệp, bà con xóm giềng đều quý mến, tôn trọng thì làm gì có kẻ thù.
Người đó lại hỏi:
- Trong công việc, ông ấy có hiềm khích với ai không?
- Chuyện này tôi không rõ lắm. Các anh hãy đến viện mà tìm hiểu. Nhưng theo tôi biết, chỗ ảnh làm việc chỉ đơn thuần là cơ quan nghiên cứu chớ không dính líu đến chuyện kinh doanh, tiền bạc thì khả năng thù tức khó xảy ra.
- Chúng tôi nghe loáng thoáng chuyện ông Khả có mối quan hệ phức tạp, bà có biết chuyện đó không?
Bà Vân chột dạ, thoáng biến sắc mặt, nhưng rất nhanh bà ta vội gạt phắt:
- Các anh nghe ai nói thì hãy xác định rõ tư cách của người đó. Chuyện thiên hạ, các anh còn lạ gì nữa, không thành có, có một thành mười, mười thành trăm. Về phần tôi, với tư cách là nguời vợ đã từng sống chung suốt mười mấy năm, tôi xin khẳng định chuyện ấy là hoàn toàn bịa đặt. Ảnh rất yêu tôi, hết lòng nâng niu hạnh phúc gia đình của mình.
- Ông bà chung sống ngần ấy năm mà chưa có con, liệu đây có phải là lý do khiến chồng bà..
Bà Vân nói át đi:
- Các anh không được xúc phạm đến anh ấy và bản thân tôi!
Viên sĩ quan cảnh sát điều tra đứng dậy, thò tay vào túi áo đưa ra tấm card:
- Đây là địa chỉ, số điện thoại của tôi. Khi nào ông ấy tỉnh dậy, bà hãy thông báo cho chúng tôi biết càng sớm càng tốt.
Bà Vân đón lấy, cho vô xắc tay, nhìn theo bóng dáng hai người ̣ khuất sau dãy hành lang rồi thở dài ngán ngẩm.