30/3/12

Như lục bình trôi (Chương 64)

Ngân vừa đạp xe vô hẻm đã thấy Huệ đứng đợi sẵn trong bộ đồ tươm tất như chuẩn bị đi đâu đó, chưa kịp hỏi gì thì Huê đã giằng lấy xe nói cho mượn đi công chuyện gấp. Chiếc xe đạp cà tàng của Huệ đã đem đi “ đại tu “ ở tiệm sửa xe gần chợ.

- Đi đâu mà gấp dữ vậy?

- Có gì gấp hơn chuyện tình yêu chớ! Anh Hoạt hẹn tui ăn tối và sau đó là vô rạp chiếu phim.

Thật ra người hẹn Huệ không phải là Hoạt mà là Tiền. Lúc trưa Tiền đạp xe tới trong khi Huệ đang phơi quần áo ngoài ban công. Nhìn thấy anh chàng lơ ngơ như bò đội nón lá, Huệ kêu lớn:

- Kiếm ai vậy hén?

Tiền ngẩng mặt lên, thấy Huệ trong bộ đồ ngắn ngủn, nhàu nát, tóc tai rối bù như con điên, bất giác bật cười:

- Trông Huệ lạ quá!

Chết cha! Huệ giựt mình chạy tuốt vô trong chải đầu, thay quần áo. Tiền đứng đợi dưới sân mắt nhìn sang nhà chị Hai, phì phà điếu thuốc. Lúc sau, Huệ mở cửa mời vô nhà.

- Có chuyện gì gấp gáp mà mò đến tận đây?

Tiền gỡ cặp kính, lấy khăn mùi soa lau bụi, cặp mắt láo liên:

- Chà chỗ ở cũng lý tưởng đó nghen! Nhà của Huệ à?

Huệ xì một tiếng:

- Cái lò gạch này mà anh biểu tươm tất sao? Nhà mướn đó ông ơi!

- Vậy sao? Vậy mà tôi cứ tưởng..Nhưng dù sao vẫn còn hơn cái xà lim của tôi. Mùa mưa thì ướt như chuột, mùa hè thì nóng như cái lò nướng bánh. Sáu thằng trần trùng trục, lưng bự như tấm ván, ra vô đụng chan chát đến tóe lửa!

- Anh ví von nghe ghê quá! Có việc gì, nói đi.

- Bạn bè đến nhà mà không đãi nhau được ly nước sao? – Tiền vừa nói, vừa cười. Huệ lấy nước. Uống xong, Tiền cười tít mắt:

- Giá như ngày nào Huệ cũng dễ thương như vầy.

- Dễ thương nhưng thương không dễ đâu! Vòng vo hoài hà!

Tiền cố tình dây dưa để được gần Huệ lâu hơn. Khi thấy Huệ quá sốt ruột, Tiền mới thủng thẳng nói:

- Tôi vừa tìm được một mối mở hàng. Người đầu tiên tôi nhớ đến là Huệ.

- À ra thế! Họ mướn mấy người?

- Hai; một nam, một nữ. Bà này bán cẩm thạch ở chợ An Đông giàu sụ, con cháu thì định cư ở nước ngoài hết rồi. Bả cặp bồ với một thằng đáng tuổi cháu nội mới ngoài hai mươi tuổi. Cả hai đang ôm nhau trên giường thì bà già hồi xuân muộn màng bỗng lên cơn co giựt chết trong sung sướng. Người ta đồn thằng bồ nhí dùng thủ đoạn để hưởng cái gia tài kếch xù. Thôi, chuyện đó để cơ quan pháp luật giải quyết. Năm giờ chiều nay , tôi và Huệ nhập vai hai đứa con. Thời gian nửa tiếng. Trăm ngàn mỗi người. - Chèn ơi, coi bộ anh cũng biết làm ăn dữ ha! Đồng ý.

Tiền không về liền mà ngồi tán hươu tán vượn một hồi lâu phát chán. Cuối cùng Huệ phải nói là mắc công chuyện , anh ta mới chịu nhấc đít lên. Đàn ông gì mà ngồi ở đâu mọc rễ ở đó!

Huệ đạp xe lần dò theo địa chỉ, cuối cùng cũng đến nơi. Tiền đã ngồi đợi sẵn ở xe nước mía cạnh đó. Thấy Huệ, Tiền lập tức tính tiền. Hai người quẹo vô con đường nội bộ vừa đủ chiếc xe tải hạng nhẹ đi lọt. Đón hai người là một anh thanh niên chừng hai mươi hai, hai mươi ba tuổi, đầu chít khăn tang mà mặt tươi roi rói:

- Tiến hành ngay đi. – Anh chàng ra lịnh - Đám ma mà không có tiếng khóc coi nó vô duyên làm sao đâu á!

Huệ hơi run run theo chưn Tiền vô bên trong. Chính giữa nhà chễm chệ cỗ quan tài bằng gỗ cẩm lai nổi vân láng bóng, bên trên đặt mấy ngọn đèn sáng choang lồng trong những khung giấy hình quả trứng. Phía trước có kê một cái bàn đặt đi ảnh người quá cố. Đó là một người đàn bà, không, đúng hơn là một bà lão già khằn ăn vận sang trọng, ngồi trên chiếc ghế đẩu, tay đặt lên chiếc bàn gỗ tròn, nét mặt đầy vẻ mãn nguyện. Trước di ảnh là cái lư hương nghi ngút mùi nhang trầm thơm phưng phức. Tiền kề tai Huệ nói khẽ:

- Bà ta dễ đến tám mươi. Từng tuổi này mà còn “ sinh hoạt “ làm sao mà không nhồi máu cơ tim!

Huệ không nói gì, mắt dán chặt vào cỗ quan tài không chớp:

- Nhà này chơi sang thiệt! Chôn người chết bằng cây cẩm lai! Nội cái hòm tốn cả chục triệu chẳng chơi!

Thân nhân người chết hầu như không có ai, chủ yếu là mấy người hàng xóm. Những thanh niên thất nghiệp, thích bù khú nhậu nhẹt nhân cơ hội này được chè chén miễn phí. Họ ngồi chen chúc quanh cái bàn tròn kê sát góc nhà. Giữa bàn đặt chai Gò Đen lít rưởi và mấy dĩa thức ăn, thuốc lá... Cái chung nhỏ liên tục được chuyền tay, hầu như không chạm xuống mặt bàn. Vừa nhậu nhẹt, họ vừa bàn tán chuyện trên trời, dưới đất rồi chun xuống tận dưới âm ty địa phủ. Một người được coi là chủ xị nói lè nhè:

- Sau này tao chết, tụi bây nhớ chôn theo mấy chai bốn chục độ. Xuống dưới tao nhậu với Diêm Vương một bữa quắt cần câu rồi mới yên tâm nhảy vô vạc dầu!

Dàn nhạc tang tranh thủ không có người đến cúng nằm ngồi ngả ngớn trên chiếc đi văng. Bên cạnh họ là mâm cơm ê hề rượu thịt, ruồi nhặng đen kịt như rắc đậu đen. Một người trong bọn ngáy ro ro, nước miếng ke chảy thành dòng.

Tang chủ chỉ vô họ, nói:

- Mấy người này biểu để họ khóc luôn cho tiện. Nhưng tôi không đồng ý, bởi vì họ thiếu tính chuyên nghiệp. Hai người mà lấy được nước mắt thiên hạ, tôi thưởng trăm phần trăm.

Nói rồi, anh ta liệng hai bộ đồ tang đã chuẩn bị sẵn. Trong khi hai người đang mặc quần áo, thì gia chủ thúc giục đám tay chưn câu dây loa, đem ra đặt ngay lối ra vô. Một thanh niên cởi trần cầm chiếc micrô, tay kia điều chỉnh volum cái amply hiệu Sansui đen bóng.

- A lô! A lô..một, hai, ba bốn. Một, hai ba, bốn, được rồi!

Tiền cũng hơi hồi hộp, mấy nốt mụn bọc đỏ ửng cả lên. Nỗi sợ của Tiền lây sang cả Huệ. Tiền hỏi Huệ, ai sẽ khóc trước, Huệ nói để cô khóc trước.

Huệ bắt đầu khóc thì một người đã xăng xái chạy tới đặt cái micrô trước mặt. Cô thật sự lúng túng khi gặp phải cảnh khó xử như vầy. Khóc đám ma mà cầm micro như ca sĩ! Sau phút giây ngỡ ngàng Huệ lập tức trấn tĩnh lại. Những lời lẽ bi ai, thống thiết qua bộ khuếch đại âm thanh, loa, vang xa cả một vùng, làm náo động cả khu cư xá vốn dĩ yên tĩnh.

- Ôi, má ơi. Sao má nở ra đi để con trở thành đứa bơ vơ côi cút....Đứa con bất hiếu này chưa một lần đền đáp công ơn sanh thành, dưỡng dục… Đám con nít đang chơi đá banh trên bãi đất trống bên cạnh trường cấp một đang trong giai đoạn sửa chữa, nghe ồn ào lập tức ngừng cuộc chơi , vểnh tai nghe ngóng. Ban đầu chúng cứ đinh ninh gánh cải lương “ bầu tèo “ nào đó trên đường lưu diễn ghé tạt qua đây kiếm thêm chút đỉnh. Thế là không ai biểu ai chúng rồng rắn kéo đến. Khi vỡ lẽ chỉ là đám khóc mướn, vài đứa tiu nghỉu bỏ đi. Tuy nhiên đa phần vẫn nán lại theo dõi. Vừa nghe, chúng vừa trầm trồ bàn tán. Có đứa áp hẳn tai vô cái loa, cười như nắc nẻ. Vài đứa khác làm ra vẻ đăm chiêu, xúc động, thỉnh thoảng đưa tay chỉ trỏ vào bên trong vừa cười vừa nói. Lúc sau xuất hiện thêm nhiều người nam có, nữ có đứng chật cả lối đi xe cộ không sao lách qua được, họ lắng nghe có vẻ nghiêm túc, vài người cảm động lấy tay quệt nước mắt.

...Má ôi. Trong giờ phút này đây, con như con thuyền không bến trôi dật dờ giữa dòng đời nghiệt ngã. Con không biết nơi đâu là chốn.... Đang khóc ngon trớn, bỗng cái loa tắc tị. Mấy người phụ đám ma liền chạy tới vỗ vỗ lên cái amply nhưng nó chỉ phát ra những tiếng u..u..nhức lỗ tai. Huệ chưa biết xử trí trong tình huống dở khóc dở cười, thì Tiền nháy mắt ra hiệu cô cứ tiếp tục, đừng để gián đoạn. Mấy đứa trẻ bên ngoài được dịp cười một trận bò lăn, bò càng. Cáu tiết, một người co chưn đá mạnh vô cái chưn bàn:

- Mẹ kiếp! Mày mà không lên tiếng, tao quẳng ra đường!

Không hiểu có phải sợ bị biến thành cục sắt vụn hay không mà nó bỗng dưng làm việc trở lại. Tiếng khóc của Huệ qua màng loa phầm phập nghe như buổi trình diễn ca nhạc. Lúc này anh chủ nhà đang ngồi uống rượu Tây với mấy người ăn mặc sang trọng. Chai Napoleon đã vơi quá nửa. Một người cất giọng lè nhè:

- Bữa nay, tôi với ông phải uống cho tơi bời hoa lá mới thôi. Nào cạn trăm phần trăm!

- Ừ, thì cạn! Sợ đách gì – Chủ nhà nâng chiếc cốc đế cao, chạm mạnh vào cốc người bạn, cả hai uống một hơi hết sạch, lại rót...

- Này, ông còn nhớ con Tuyết Phương hôn?

- Tuyết Phương nào ta?

- Bộ “ mecury “ của ông bị chập rồi hả? Con Phương vú bự ở quán “ Mây Hồng “ đó, nhớ chưa?

- Ừ, rồi sao nữa?

- Nó khen ông chơi rất đẹp, nhắn tôi kêu ông lại đẳng.

- Đám ma làm sao đi được? Để khi khác.

- Tranh thủ một chút thôi mà. Mụ ấy chết rồi, chẳng lẽ đội mồ sống dậy đánh ghen? – Đoạn người đó cười hề hề, nói:- Cậu mất mấy năm trường kỳ mai phục, cuối cùng cũng đến ngày “ gặt hái ! “ Chúc mừng! Chúc mừng!

- Suỵt! Nói nhỏ thôi cha nội ! Bọn chúng mà nghe được thì lôi thôi lắm.

Đám cô hồn các đãng đang nhâm nhi món đế Gò Đen nhìn sang bàn gia chủ thấy chai rượu ngoại chình ình trên bàn, tỏ vẻ tức tối. Một gã gầm gừ:

- Mẹ kiếp! Tụi mình uống Gò Đen, còn bọn nó chơi Napồ. Rõ ràng bên trọng bên khinh. Tụi bây ngồi đây để tao qua bển quậy cho một trận tới bến luôn.

- Thôi đi cha nội! – Một người can:- Có rượu uống là may lắm rồi. Tụi nó quen thân mấy thằng “ Khu vực “ , ú ớ lên đồn ngủ với muỗi bỏ mẹ.

Huệ khóc một hơi đúng nửa tiếng thì tới lượt Tiền.

___________ [1] Ở vá = ở hóa hay ở góa. Có người viết là “ ở giá “ không đúng chính tả.