Đám tang người đàn ông ngoài năm chục tuổi, cái tuổi còn yêu đời phơi phới chẵng ai muốn chết vào lúc này. Vậy mà lại chết, chết bất đắc kỳ tử một cách lảng nhách! Người đàn ông bạc phước này đang đi bộ trên vỉa hè, bỗng dưng một chậu bông từ lầu ba rớt xuống...Người đến dự đám tang chép miệng thở dài:
- Ở cái thành phố này chẳng nơi đâu là an toàn cả. Có khi đang nằm ngủ trong nhà bỗng dưng bị Thần Chết lôi đi!
Chuyện còn nóng hổi , đang đêm một chiếc xe tải chở heo bỗng lạc tay lái đâm thẳng vô ngôi nhà xập xệ bên ven đường. Kết quả là hai con người mãi mãi đi vào cõi vĩnh hằng mà không biết ất giáp gì! Nhưng chuyện này không ly kỳ bằng cái chết của ông hàng xóm xảy ra cách đây cũng hơi lâu lâu, nhưng mọi người vẫn không thôi bàn tán: số là ông già gân ngoài sáu chục, một hôm cảm thấy ngứa ngáy, bèn ra công viên kiếm “ bò lạc “ để giải sầu. Một lần cao hứng trong bàn nhậu bèn đem chuyện ra kể làm quà. Chẳng dè, bị mấy anh bạn nhậu dọa thế nào cũng mắc bịnh sida. Sợ quá, ông liền đi khám. Kết quả “ âm tính “, có nghĩa là chẳng bị gì cả. Nhưng ông không tin, cứ đinh ninh mọi người xí gạt mình. Ba tháng sau, ông già ham vui từ giả cõi đời không vì bịnh “ ếch” mà là bịnh tưởng! Một cái chết lãng òm!
Đám ma rất lớn do người chết đã thâm căn cố đế mấy chục năm ròng rã, có dây mơ rể má chằng chịt. Khách khứa đông đến chen chưn không lọt. Người tới phúng điếu cắm lia lịa mấy cây nhang, rút bao thơ đặt vội lên bàn và chuồn thẳng, coi như đã hoàn thành phận sự. Khói hương dày đặc đến nỗi sắp chết ngộ̣t. Thỉnh thoảng người nhà phải lén ôm cả bó ra phía sau nhúng vô thau nước, vậy mà khói vẫn cay sè mắt. Gần năm giờ thì khách bắt đầu vãng. Dàn nhạc tang được dịp nghỉ tay, hút điếu thuốc, khề khà ly rượu đế. Đám “ thợ khóc mướn “ bắt đầu hoạt động...
Tiếng khóc than kể lể bằng giọng nam trầm nghèn nghẹn giữa buổi chiều oi ả, gió hanh càng gợi không khí ảm đạm, ngột ngạt đến vô cùng. Tang chủ là một chàng thanh niên gần ba chục tuổi, anh ta là con trai trưởng người quá cố, hiện đang là nhân viên kế toán Công ty du lịch thành phố. Không hiểu cái chết ông già có làm cho anh ta đau khổ, chỉ thấy anh chàng lăng xăng khắp nơi, miệng luôn cười hớn hở như hoa! Có người còn chắc chắn như đinh đóng cột, sau đám ma thế nào tang chủ cũng thay chiếc Suzuki 100 năm về trước bằng chiếc Dream 100 màu nho mới cáu cạnh!
Hoạt cùng ba đồng nghiệp nữa đến viếng tang. Cả bốn người không vội vào bên trong cúng kiếng mà ngồi xung quanh chiếc bàn hình chữ nhật kê ngoài hẻm. Họ vừa uống nước trà hút thuốc, vừa chuyện phiếm bao đồng. Tang chủ cũng ngồi cùng với họ, anh ta sắm gương mặt buồn rồi thở dài, tặc lưỡi cho hợp cảnh:
- Đúng là năm xui tháng hạn, chỉ còn vài ngày nữa là đón cái tết vui vẻ.Vậy mà, tội nghiệp ông già.
Hoạt ấn chiếc phong bì dày cộp vào tay tang chủ, nói mấy lời chia buồn kiểu cách:
- Tôi thay mặt anh chị em trong Công ty gởi cậu ít tiền để lo ma chay, hương khói. Mất mát của gia đình là rất lớn không gì có thể bù đắp, cậu hãy nhận đây là lời chia buồn sâu sắc của cá nhân tôi, và của mọi người trong Công ty đến toàn thể gia quyến..
Rất tự nhiên tang chủ cho bao thơ vô túi quần, rồi xăng xái rót nước trà lợt mời khách. Câu chuyện được tiếp tục, chẳng dính dáng gì đến người quá cố, chủ đề xoay quanh về nạn tham nhũng, thất thoát trong xây dựng cơ bản và đầu tư nước ngoài. Nghe họ bàn luận, người ta dễ ngộ nhận, đây là những chính trị gia tầm cỡ.
- Tham nhũng là vấn nạn đã đến hồi báo động toàn xã hội, nếu trước đây vấn đề này chỉ xảy ra một số ít ở những nhân vật chóp bu có quyền thế, thì giờ đây nó đã tràn lan khắp nơi, không chừa bất kỳ ai, chỗ nào. Thậm chí ông tổ trưởng dân phố mà cũng tập tọe xơ múi thì đúng là hết chỗ nói!
- Nhà dột từ trên nóc dột xuống mà! Nhưng mà ông có phóng đại quá không đấy? Tổ trưởng thì chấm mút được gì?
Một người nói:
- Cậu đúng là từ trên trời rớt xuống! Cán bộ to vét tiền tỉ, cán bộ nhỏ vét cữ cà phê thuốc lá! Sâu lớn, sâu nhỏ cũng là sâu!
- Đúng vậy! – Một người từ đầu im lặng lắng nghe chăm chú, chêm vô:
- Năm rồi ở khu phố tôi đang ở, Đội dịch vụ Công ích quận xuống khảo sát và lên kế hoạch làm mới hai con hẻm. Nực cười ở chỗ hai con hẻm này có diện tích, kích thước chênh lệch nhau như năm với mười mà chi phí xây dựng thì xấp xỉ nhau, thế mới là chuyện lạ. Càng lạ hơn là sau bàn giao chưa đầy một tháng thì xi măng tróc đàng xi măng, gạch tróc đàng gạch, tạo thành vô số ổ gà, ổ voi.. thậm chí còn tệ hơn hồi chưa làm. Ông chủ thầu xây dựng chỗ tôi cứ nhổ râu cười hoài. Ổng nói, chỉ cần đưa bằng hai phần ba số tiền đã bỏ ra, ổng xin hứa sẽ đảm bảo tuổi thọ con hẻm không dưới mười năm. Mấy chả phải làm kiểu vầy để sang năm mới có việc làm, chớ chẳng lẽ lập ra đội Dịch vụ Công ích lại ngồi chơi xơi nước!
Một người thốt lên bằng giọng phẩn nộ:
- Đúng là một việc hết sức phi lý, đáng lên án. Vậy mà cậu lại có thể ngồi im được sao? Ít ra cũng nên góp một tiếng nói.
Người kia cười ha hả:
- Cậu tưởng mình là ai vậy? Ngay cả Quốc hội nói đến khô nước miếng còn không ăn thua nữa là, huống chi một gã phó thường dân như tớ. Thật ra, tớ cũng đã vài lần há mồm ra đó chớ. Và rốt cuộc tớ đã rút ra được bài học xương máu, nói nhiều thì bị để ý nhiều, nói ít bị để ý ít, không nói thì chẳng ai để ý đến mình. Vậy thì, tốt nhứt không nên hó hé để khỏi bị liên lụy.
Một người bận áo sọc ca rô day mặt về phía người vừa nói. Ánh mắt lộ vẻ khinh bỉ:
- Đó có thể coi là hành động thủ tiêu ý chí! Xã hội đi xuống là “ nhờ vào “ những người như cậu. – Giọng anh ta uốn éo ra vẻ châm chọc.
Người kia cười ré lên:
- Chúng ta đang sống trong một thời đại suy đồi về nhân cách, đạo đức.., thiên hạ đang tranh giành xâu xé lẫn nhau như thú dữ. Cái ác trở nên phổ thông và bản thiện bỗng trở nên vật phẩm kỳ lạ, có khi là lố bịch! - Đoạn anh chàng nhấp một ngụm trà thấm giọng rồi đảo mắt nhìn mọi người chung quanh:- Mấy vị có đọc báo đăng tin về vụ một học sinh đã dũng cảm bắt cướp và bị thương không?
Chuyện này tuần rồi hầu như tất cả các phương tiện thông tin đại chúng: báo chí, phát thanh, truyền hình đều nhứt loạt đưa tin có kèm theo hình cậu học sinh bắt cướp bị đạn bắn trượt ngang tim!. Những lời ca tụng tán dương lên đến tận mây xanh, nào là: đây là hành động anh hùng đáng được thưởng huy chương, thậm chí có vị có chưn trong hội đồng nhân dân thành phố còn có ý định phát động trong giới trẻ cả nước noi gương, học tập “ người dũng sĩ “. Đài truyền hình còn phát đi phát lại đoạn phóng sự miêu tả chi tiết sinh hoạt thường nhựt của cậu học sinh cấp ba một cách rùm beng! Tuy nhiên cũng không ít người cho rằng đấy chỉ là hành động ngu ngốc, là nông nổi trong lúc nhứt thời, là anh hùng rơm!
Thấy mọi người gật đầu im lặng, người thanh niên đó nói bằng giọng khôi hài:
- Một hành động cao đẹp, đáng lẽ ra là rất tự nhiên thì lại được coi là phi thường! Trở thành viên kim cương quý hiếm! Trong khi, chuyện các bác tài phải nộp mãi lộ cho cảnh sát giao thông lại là chuyện bình thường! Và cũng bình thường như việc các nhân viên thuộc quyền phải tặng quà cho thủ trưởng vào những dịp lễ tết.. vân vân và vân vân. – Xong xuôi, anh ta day mặt dòm chòng chọc vô mặt người bận áo ca rô, nói bằng giọng mai mỉa:- Cậu muốn trở thành của quý hiếm hay tên lố bịch?
Người mặc áo ca rô định lên tiếng thì bên trong bỗng ồ lên tiếng khóc như cơn mưa rào bất chợt, khiến mọi người phải chú ý. Sau đó là một giọng nam cao kể lể nghe rất bài bản , vừa não nùng ai oán.
- Chà, ai khóc mà nghe giống đọc thơ!
Tang chủ cười hề hề, giải thích:
- Nhà neo người, anh chị em đều đi làm ăn ở xa không kịp về. Tui phải mướn vài người khóc cho “ vui cửa, vui nhà!” Mấy ông thấy sao?
- Chà, nghe được đó! Ông cho tui cái địa chỉ, khi nào có chuyện tui tìm đến họ.
- Được thôi! – Chủ nhà đưa ngay tấm các, rồi nói thêm:- Lát nữa, đứa con gái khóc, nghe mới đã! Cổ đã khóc một sô, tui nghe ngọt quá nên mướn thêm sô nữa.
- Mướn chắc là mắc lắm hả?
- Ba sô, trăm rưởi, vị chi mỗi sô năm chục không thiếu một cắc.Vậy mà họ còn bày đặt làm giá nữa đó!
- Cái nghề coi ghẻ ghẻ vậy mà hốt bạc!- Người nói huých nhẹ vào hông Hoạt:- Tui mà kiếm được con bồ như vầy khỏi phải lo chuyện cơm áo , gạo tiền! Có phải vậy hôn, Hoạt?
Hoạt gật đầu miễn cưỡng. Uống nước nhiều, bụng bắt đầu căng cứng.
Vừa lúc, tiếng khóc nữ bắt đầu trỗi lên. Chủ nhà biểu mọi người im lặng, tập trung lắng nghe. Đấy các cậu thấy chưa? Nghe cứ như nữ nghệ sĩ Lệ Thủy lên sáu câu giọng cổ.
“ Ba ơi, sao ba nở bỏ chúng con đi vội vã. Đường đời đầy chông gai, thăm thẳm, con biết nương tựa vào ai? Không có cha, đời con tròng trành như thuyền không lái. Bốn phương tám hướng mịt mùng bóng tối, con biết phải về đâu? Cha ơi!.. Trong lúc mọi người đang nhịp giò, lim dim mắt như thưởng thức âm nhạc truyền cảm thì Hoạt chợt rùng mình. Âm thanh nghe quen quá, hệt như tiếng của Huệ! Chẳng lẽ lại là Huệ? Không, không đời nào! Chắc tại lỗ tai mình lùng bùng.
“ ..Cha ơi, con quá đỗi vô tâm, quá đỗi dại khờ, có một báu vật quý nhứt trần đời mà không biết gìn giữ. Khi cha đi rồi, con mới giựt mình thảng thốt. Hiểu ra thì đã quá muộn màng! Từ nay con chỉ có thể nhìn thấy cha trong tâm tưởng..”. Hoạt đặt tách trà nguội xuống bàn:
- Nhà vệ sinh ở đâu?
Chủ nhà nói:
- Đi thẳng vô trỏng, quẹo trái.
Người đàn bà bận đồ tang đang quỳ mọp dưới cỗ quan tài. Nước mắt rớt lộp độp như mưa. Miệng không ngớt kể lể. Cô ngồi xây lưng về phía cửa. Hoạt để ý phía dưới đuôi tóc cô gái có cột cái nơ con bướm màu vàng. Cái nơ này Huệ đã từng khoe với mình đây: - Huệ! Có phải Huệ đó không? Đúng là em rồi!