15/3/12

Nước mắt cô hồn - Hồn ma rừng

Lần đầu tiên được tới thành phố Tây nguyên Ban Mê Thuột, nên đối với Quý cái gì cũng lạ. Đầu tiên là cô gái chủ nhà, người mà trước lúc về đây Quý đã được người bạn thân là Thuận ân cần giới thiệu rằng: Nếu ưng anh ta sẽ làm mai cho. Gia đình mà Quý về ngụ vài tuần rong chơi Tây Nguyên là cậu mợ của Thuận, một nghiệp chủ có hạng của Ban Mê Thuột, cho nên ngay phút đầu Quý đặt chân đến đã được đón tiếp niềm nở và dành cho anh những đặc ân, mà như lời ông chủ nhà nói “Khi nào cháu thích đi vô rừng thì nói, bác sẽ cho người đưa đi. Rừng ở đây có nhiều điều kỳ thú lắm”.
Ngay chiều tối hôm đầu tiên Quý đã được Thủy Tiên, cô gái nhỏ của chủ nhà đưa đi dạo phố. Nói là dạo phố chớ thật ra ở thành phố nhỏ và vắng vẻ này thì có gì để dạo và ngắm. Cuối cùng hai người đưa nhau vào một quán cà phê nhạc, Thủy Tiên giới thiệu:

- Quán này là số một ở đây.

Suốt hơn một giờ ngồi trong quán, Quý chỉ hỏi quanh những chuyện… rừng núi, làm cho Thủy Tiên cũng thấy lạ:

- Làm như lên đây với anh chỉ để tìm hiểu về rừng?

Quý cười:

- Có lẽ tôi được xem quá nhiều những phim phiêu lưu, đọc quá nhiều những chuyện đường rừng, nên lúc nào cũng tò mò về rừng và những điều bí ẩn của nó. Còn Thủy Tiên, lẽ nào lại chưa đi rừng?

Thủy Tiên thực tình đáp:

- Ở vùng rừng núi nhưng em lại không ưa cảnh rừng, em chỉ muốn được về Sài Gòn sống.

Quý lại làm một cuộc thuyết giáo về những bát nháo của thành phố:

- Sài Gòn có nhiều cái vui nhưng đôi khi quá đà, xô bồ lắm, nên mình thích khung cảnh tĩnh lặng ở đây hơn, đặc biệt là ở rừng.

- Lại rừng...

Thủy Tiên có vẻ bực, cô bảo:

- Hay ta về, em mệt.

Quý biết là cô ấy không ưa việc mình cứ nhắc những chuyện đi rừng, trong lúc hình như theo Quý biết thì Thuận đã điện về giới thiệu trước là Quý rất ga lăng, rất sành điệu…

- Thôi về...

Quý buông lửng một câu rồi cùng ra về. Suốt từ đó về nhà, hai người chẳng nói với nhau câu nào. Cuối cùng, khi chia tay về phòng, Quý phải lên tiếng cho có vẻ lịch sự.

- Xin lỗi Thủy Tiên, anh mải mê chuyện gì đâu đâu...

Thuỷ Tiên chỉ cười nhếch mép rồi vào phòng mình mà không cầu chúc Quý ngủ ngon. Quý nghĩ cô ấy giận mình và định bụng ngày mai sẽ giải thích thêm và xin lỗi lần nữa. Nhưng chỉ khoảng một giờ sau, Quý khá ngạc nhiên, khi Thủy Tiên gõ cửa phòng:

- Anh Quý ơi, em có cái này cho anh.

Mở cửa phòng và Quý đã reo lên:

- Một đôi giày đi rừng!

Thủy Tiên cười thật dịu dàng:

- Tuy em không thích đi rừng nhưng ba đã sắm đủ thứ, đôi giày này ba mua lầm là của đàn ông. Có lẽ anh là người có duyên nên em đã để dành lâu nay...

Quý nghe nhẹ cả người khi trong giọng nói của Thủy Tiên đã không còn sự giận dỗi:

- Cám ơn em, cám ơn sự độ lượng của một người đẹp...

Thủy Tiên có vẻ hài lòng:

- Em bỏ qua chỉ vì anh là khách mới tới, đồng thời anh Thuận mới gọi điện lên dặn là không được để anh buồn.

- À, thì ra đó là Thuận nói giúp.

- Tự em chớ bộ! Mà nè, ngày mai anh có tính đi rừng không? - Thủy Tiên liếc yêu.

Quý mừng rơn:

- Bộ có người đi hả?

- Chớ bộ em tổ chức cho anh đi không được hả? Không biết cám ơn mà còn...

Quý phải nhanh nhẩu thanh minh:

- Không, anh xin lỗi. Anh không ngờ...

Quý được nhà ông cậu của Thuận bố trí cho một chuyến đi cắm trại trong rừng. Theo kế hoạch thì có cả Thủy Tiên cùng đi, tuy nhiên vào giờ chót thì xảy ra một sự cố, Thủy Tiên bị trượt chân ngã cầu thang, bị bong gân. Thế là chuyến đi suýt bị hủy bỏ, cũng may chính Thủy Tiên đã đề nghị:

- Hay là anh Quý cứ đi kẻo không có dịp. Em ở nhà nghỉ ngơi vài ngày là ổn ngay.

Cuối cùng thì Quý cũng thực hiện được ước mơ của mình. Trước lúc đi anh còn ôn lại lời dặn của ông chú, người mà trước đây vốn là thợ săn, đã sống gần như trọn đời nơi núi rừng và từng có vợ là người dân tộc Gia Lai Kon Tum, ông bảo: “Nếu muốn tìm sự thật thà và chung thủy của phụ nữ thì tìm các cô gái người dân tộc ắt có”.

Chẳng hiểu tại sao Quý luôn bị hấp dẫn bởi lời dặn ấy và dưới mắt anh thì các cô gái thị thành lại không quyến rũ bằng các sơn nữ dù từ nào đến giờ Quý chỉ được nhìn hình ảnh họ qua phim, qua sách và qua lời kể của ông chú. Quý nguyện với lòng là dịp đi này anh sẽ tìm hiểu kỹ hơn và nếu có dịp anh sẽ làm quen với họ...

° ° °

Lần đầu tiên Quý đi bộ, mà lại leo đèo, vượt suối bốn giờ liền, anh cảm giác như đôi chân của mình không còn nhấc lên nổi. Anh đề nghị với chú Y Kngơn, người hướng dẫn:

- Hay ta nghỉ ở đây một lúc.

Y Kngơn tỏ ra sành sỏi:

- Phải đi tiếp qua hai cái đồi nữa, kẻo tối không đi được.

Suốt từ sáng đến giờ, hễ lúc nào hỏi bao giờ tới, chú Y Kngơn đều đáp: Qua vài ngọn đèo nữa thôi, bây giờ lại chỉ hai cái đồi, Quý ngán ngẫm, định ngồi đại xuống vệ đường thì chú Y Kngơn nghiêm giọng:

- Ở đây thú dữ hay về giờ này, cậu không thấy người ta làm dấu cảnh giác ở trước mặt đó sao, phải đi ngay thôi!

Bây giờ Quý mới thấm thía là tại sao Thủy Tiên là dân địa phương mà luôn luôn sợ đi rừng. Nhưng rồi, lời của ông chú lại vang vọng trong đầu Quý: Rừng núi gian khó, nhưng có vào rồi mới hiểu được tại sao người ta không rời bỏ được nó. Phải đi thì mới biết sự huyền bí của rừng.

Thế là Quý cố lê bước. Cũng may là đôi giày đi rừng của Thủy Tiên đưa rất vừa với chân Quý, nên dù có mỏi nhưng chân vẫn không đau. Mặt khác, Quý cũng không muốn biểu lộ sự bết bát trước mặt chú Y Kngơn, con người này rồi sẽ về mách với Thủy Tiên, cô nàng lại có dịp bĩu môi, nhún vai...

Đến gần 4 giờ chiều mới nghe chú Y Kngơn lên tiếng:

- Đến rồi đó.

Trước mặt Quý hiện ra là một chòm nhà hơn chục nóc, những ngôi nhà sàn đặc trưng của đồng bào người dân tộc Tây Nguyên. Chú Y Kngơn giới thiệu:

- Những người ở đây tính tình thân thiện, ít tiếp xúc với những người thành thị nhưng dễ gần, dễ quen.

Câu đó hình như chú Y Kngơn nói riêng với Quý, bởi trên đường đi anh đã từng thố lộ là muốn được làm quen với vài cô gái người dân tộc để tìm tư liệu sống về viết luận văn tốt nghiệp đại học. Trước khi vào một ngôi nhà, chú Y Kngơn căn dặn:

- Người ở đây rất thật thà, mới quen hay quen lâu họ đều xem như thân thiết, họ có mời gì thì đừng từ chối. Cậu nhớ nhé.

Quả như chú Y Kngơn nói, đôi vợ chồng người dân tộc vừa trông thấy khách họ đã vồn vã ngay với những câu hỏi líu lo mà chỉ có chú Y Kngơn mới nghe được. Chú phải dịch lại:

- Chủ nhà nói rất vui khi được người như cậu tới thăm, họ bảo đêm nay cả xóm sẽ thiết đãi cậu một bữa rượu cần, thịt rừng.

Quý mệt lả, anh tỏ ý muốn được tắm thì chú Y Kngơn chỉ tay ra ngoài rừng:

- Tắm ở suối, nhưng sợ cậu không biết đường ra, để chờ cô Hơ Kleng về sẽ dẫn đi.

Rồi chú quay sang nói gì đó với chủ nhà, có vẻ lúng túng nhưng rồi cũng chỉ tay ra hướng rừng. Y Kngơn lại phải thông dịch:

- Cô con gái Hơ Kleng của họ đang tắm ngoài suối, họ nói nếu cậu muốn tắm thì cứ ra ngoài đó. Tôi sẽ chỉ đường cho cậu đi.

Chỉ mất hơn phút, Quý đã nghe tiếng suối reo phía trước và cả tiếng cười giòn tan của con gái. Anh khựng lại chưa dám bước tới thì đã nghe chú Y Kngơn giục:

- Cậu đừng ngại gì cả, cứ xuống tắm. Có tôi lên tiếng thì các cô gái sẽ không sợ, nếu không họ sẽ la lên đấy!

Quả đúng vậy, sau một tràng tiếng líu lo của chú Y Kngơn, từ dưới suối có tiếng đáp vọng lên, chú Y Kngơn bảo Quý:

- Họ mời cậu xuống đấy!

Ông đẩy Quý bước tới, anh mất đà suýt ngã nên phải chạy nhanh để lấy lại thăng bằng. Đến khi Quý quay lại nhìn thì đã không thấy chú Y Kngơn đâu, mà chân của Quý thì đã bước xuống mép suối. Anh nhìn quanh một lượt, chỉ thấy nước chảy róc rách, chẳng hề thấy bóng dáng ai. Hơi ngạc nhiên, vì mới rồi anh còn nghe giọng nói rất gần?

Chợt Quý trượt chân, chới với vài giây rồi ngã nhoài xuống dòng suối. Một tràng cười vang lên ở gần đó làm Quý ngượng quá, anh đánh bạo lên tiếng:

- Người ta lạ chỗ, chưa quen tắm suối, đáng lẽ các cô phải giúp, chớ sao lại cười?

Giọng trong trẻo, nói tiếng kinh không chuẩn lắm, nhưng cũng nghe được:

- Lại đây đi.

Quý quên ngượng, anh sải tay bơi về phía tiếng người. Thấp thoáng phía trước cách không xa, anh thấy có hai bóng con gái. Hình như họ có ý mời gọi Quý ra giữa dòng, nơi đó nước mát hơn. Quý mạnh dạn hẳn lên, đi về hướng đó.

Đang bơi, chợt tay của Quý chạm vào ai đó, tấm thân trần mềm, và mát lạ thường. Anh ngẩng lên và suýt nữa đã kêu lên, bởi trước mặt Quý là một cô gái rất trẻ, với mái tóc dài phủ qua vai xuống ngực, nhưng không che được trọn bộ ngực trần tuyệt đẹp. Cô ta cười, nụ cười mê đắm khó tả...

Quý không còn giữ được bình tĩnh:

- Tôi… tôi không có ý. Tôi xin lỗi...

Nàng không trách móc gì, chỉ cất tiếng cười rồi chợt nhoài người về phía trước như chơi trò cút bắt với chàng trai mới gặp. Quý bị cuốn ngay vào cuộc vui không hẹn trước mà trong đầu óc như còn lâng lâng với cảm giác va chạm da thịt vừa rồi.

Xa dần... xa dần...

Không biết Quý bơi đuổi theo cô gái đến bao xa, mãi đến khi anh chỉ nhận ra là trời đã tối từ lúc nào rồi. Quý hơi sợ, anh đánh bạo cất tiếng gọi:

- Cô ơi, chúng ta về thôi!

Chẳng nghe tiếng đáp lại, mà ở phần thân dưới nước của Quý như bị ai đó ôm chặt và bất ngờ bị kéo mạnh về phía trước. Quý chỉ kịp kêu lên những tiếng đứt quãng, rồi người như bay trên mặt nước.



Quý nghe rõ như có ai đó nói bên tai mình, nhưng chẳng làm sao mở mắt ra được để nhìn. Mọi chuyện với Quý giờ đây như mơ hồ, kỳ lạ. Anh nghe người ta lặp lại một lần nữa:

- Cậu ta là người từ thành phố tới, hoàn toàn không biết lối để vào tận hang dơi đó. Nhưng cũng may là vẫn còn sống…

Có bàn tay ai đó đặt lên trán Quý, rồi một tay của Quý được nhấc lên, anh nghe nhột ở nách. Một giọng nghe quen cất lên:

- Cả hai bên nách đều có dấu thâm tím, đúng là đã bị những con ma rừng hại rồi.

Một cú chọc mạnh vào nách Quý. Anh kêu rú lên rồi chợt tỉnh lại. Nhìn quanh, Quý nhận ra trước tiên là khuôn mặt khả ái của Thủy Tiên, cha mẹ cô và chú Y Kngơn. Căn phòng Quý nằm đúng là phòng anh đã ngủ đêm trước khi đi rừng. À, đi rừng! Quý vùng bật dậy vừa kêu to:

- Cô... gì ơi! Cô…

Anh lại vật vã ngã xuống, người lại nóng bừng lên và giống như người bệnh nặng, mê sảng. Chú Y Kngơn lo lắng:

- Tôi hơi lo một điều. nhưng chưa dám nói ra...

Cuối cùng ông cũng phải nói ra điều mà ông cho là cấm kỵ:

- Cậu ấy bị con ma rừng nó ám! Đó là cô gái tên Hơ Kleng.

Quý đang mê sảng, nhưng vừa nghe nhắc đến tên Hơ Kleng thì anh bật dậy thét to như người điên dại. Chú Y Kngơn kể tiếp:

- Từ hôm qua tôi vẫn giấu điều này: Khi cậu Quý đi tắm suối không về, tôi đã nghi và hỏi cha mẹ cô ấy thì họ thú nhận là Hơ Kleng đi lội suối và chết đuối cách đó hơn hai tháng. Sở dĩ họ không nói thiệt là vì theo tục lệ bản làng của họ, thì một khi có con gái bị chết trẻ, chết ở sông, suối tức là đã bị thuỷ thần, hà bá bắt hồn và hồn phách đó sẽ mãi mãi lang thang, đói khát ở nơi đã bị chết, nếu không có người đến thế mạng. Cậu Quý này đã tới tắm suối một cách vô tình và đã gặp hồn ma của Hơ Kleng và bị cô ấy bắt đi.

Ngay chiều hôm đó, thì Thuận từ Sài Gòn lên tới theo điện nhắn của cha mẹ anh. Thuận là người rất cực đoan, anh không bao giờ tin chuyện ma quỷ nhảm nhí, nên khi nghe kể chuyện, anh đã cực lực phản đối. Anh bảo Thủy Tiên:

- Em giúp anh đưa ngay Quý vào bệnh viện.

Từ bệnh viện Ban Mê Thuột, Quý được chuyển về Sài Gòn. Suốt một tuần sau anh vẫn trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê, miệng lúc nào cũng kêu gào tên cô gái rừng.

Cũng may, qua đến ngày thứ tám thì Quý đã có dấu hiệu hồi phục. Anh tỉnh táo hẳn khi nhận ra người vừa ngồi bên giường bệnh:

- Em vất vả vì anh quá, Thủy Tiên…

Cái xiết chặt tay của cô gái làm cho Quý cảm động, tự dưng anh thấy gần gũi nhiều hơn với người mà anh chỉ mới gặp một lần hôm mới rời thành phố Tây Nguyên.

Chính Thủy Tiên cũng có cảm giác ấy, cô nhìn Quý như ngầm động viên: “hãy khỏi bệnh nhanh lên”. Họ nhìn nhau như muốn nói điều gì đấy.

Cho đến nhiều tháng sau chẳng hề nghe Quý nhắc gì đến tên cô gái rừng Hơ Kleng. Người vui nhất không phải là Quý mà chính là Thủy Tiên. Từ Ban Mê Thuột cô điện thoại xuống Sài Gòn dặn Quý:

- Anh đừng lên đây, chờ em xuống sẽ nói chuyện nhiều.

Trong thâm tâm Thuỷ Tiên cô chẳng bao giờ muốn Quý đặt chân lên nơi mà theo cô sẽ gợi nhớ chuyện không hay, nhất là chuyện Hồn ma rừng theo lời kể của chú Y Kngơn. Dù không tin chuyện ma ám đó, nhưng sao trong lòng Thủy Tiên vẫn lo lo...

Niềm vui lớn nhất mà Thủy Tiên mang về Sài Gòn cho Quý làm cho anh không thể nào tin được, anh phải trợn mắt hỏi lại:

- Em nói sao? Ba má đã... đồng ý cho anh... làm rể?

Ngã đầu vào vai Quý, Thủy Tiên ra điều kiện:

- Với một điều kiện: Anh không bao giờ được tơ tưởng đến những cô gái rừng.

- Đồng ý ngay!

- Và cả việc không bao giờ được bén mảng đến rừng...

- Nhưng...

Thuỷ Tiên vùng ra, nghiêm sắc mặt:

- Anh không chịu phải không?

Quý dịu giọng ngay:

- Thế thì xin tuân lệnh!


(Tác giả Người Khăn Trắng, nguồn vnthuquan.org)