Vừa kinh vừa sợ, tôi mơ mơ màng màng chìm vào giấc ngủ, không biết ngày mai còn có những gì đang chờ đón mình, mặc kệ, ngủ đã rồi tính sau.
Cả đêm ngủ không ngon giấc, trời chưa kịp sáng thì đã bị cung nữ gọi dậy, sau đó là tắm rửa thay quần áo. Trời đất ơi, người chưa kịp tỉnh ngủ đã phải đi tắm mà tối qua trước khi ngủ mới tắm xong, chẳng lẽ người ở đây mắc bệnh sạch sẽ?
Buổi tối nghỉ ngơi không tốt làm mắt đỏ ngầu, sưng vù. Bọn Tố nhi nhìn thấy tưởng tôi khóc cả đêm, ai cũng buồn như nhà có đám. Không hiểu có cần thiết phải tỏ ra đau thương như vậy không khi mà tối qua tôi đứng giữa ranh giới bị cưỡng hiếp hoặc bị giết thì bọn họ ở đâu?
Tới giờ mới thèm nhớ tới người ta lại còn giả bộ!
Tắm xong thay vì mặc lễ phục lại có 2 tốp cung nữ y phục sặc sỡ đi đến, thật đúng như lời tên kia nói, người của cả hai nước cùng đến kiểm tra thân thể công chúa. Hi vọng cái cô Phúc Vinh kia chưa đi hò hẹn với ai nếu không thì tôi thảm bại mất.
Quá trình kiểm tra đúng là không có chút nhân quyền. Dù là công chúa nhưng vẫn phải ngoan ngoãn nghe lời đám nữ quan, may mà kết quả không làm tôi mất mặt: Phúc Vinh công chúa vẫn nguyên đai nguyên kiện. Sau đó nữ quan hai nước cùng lấy từ một cái lọ nhỏ bằng ngọc rất tinh xảo một thứ màu đỏ rồi điểm trên cánh tay tôi. Thứ cao màu đỏ đó vừa chạm vào da đã khiến tôi thấy nhói buốt.
Chẳng lẽ đây là dấu thủ cung? (dấu ấn này chứng minh người con gái vẫn còn trinh và chỉ biến mất sau khi người con gái quan hệ lần đầu - ND) Tôi thở dài, cảm giác mình từ sáng tới giờ như một con heo trong lò mổ, làm thịt xong rồi, tắm rửa xong rồi, kiểm tra xong đóng một cái dấu đạt tiêu chuẩn lên người. Xong! Cuối cùng cũng mang đi bán được rồi!
Hai tốp cung nữ cáo lỗi rồi lui đi nhường cho bọn Tố nhi lên trang điểm. Đừng tưởng đồ trang điểm của người cổ đại ít. Ít chẳng qua do không có tiền. Hoàng gia có khi nào thiếu tiền không? Đương nhiên không, cho nên đồ trang điểm nhiều như thể chuẩn bị trang trí cho ba, bốn, năm ngôi nhà. Phong tục của Chu Quốc không giống các nước khác, tóc của cô dâu không được phép chải mà chờ đến lúc sắp ra khỏi cửa do mẫu thân tự tay chải. Do vậy mà tôi đành để xõa mái tóc đen bóng dài đến mắt cá chân. Đẹp thì có đẹp thật nhưng cái cảm giác đầu mình bị kéo ngược lại phía sau chẳng dễ chịu chút nào.
Vẽ xong mặt thì có nữ quan tới giúp tôi mặc lễ phục, ngay cả cung nữ thân cận như Tố nhi cũng không được phép. Lễ phục đúng là trong 8 lớp, ngoài 8 lớp, mặc xong không khác gì người gỗ.
Chờ trang điểm xong xuôi bọn Tố nhi cũng mệt lử. Bọn họ là cung nữ trong cung của tôi nên đều phải theo tôi đi Ngõa Lặc, ngoài ra còn "ba mươi sáu kế" đứng xếp hàng sau lưng tôi nữa. Cảnh tượng phải nói là hoành tráng!
Chưa kịp uống miếng nước nào thì đã có lễ quan thông báo đã đến giờ, mời công chúa di giá hành đại lễ, tôi bèn dẫn đầu đoàn bồi giá (cung nữ, tùy tùng, người của bên nhà gái đi theo cô dâu xuất giá sang nhà chồng - ND) theo lễ quan đến nơi hành lễ.
Chờ tôi hì hục trèo hơn trăm bậc thang tới lễ đài thì hoàng đế anh trai dẫn đầu văn võ bá quan Chu Quốc cùng sứ đoàn Ngõa Lặc đã đứng chờ tự khi nào. Dưới lễ đài là từng hàng dài bộ binh đen kịt cả một góc giống hệt như cảnh trong phim Trương Nghệ Mưu. Hoành tráng!
Hoàng đế anh trai đứng đó chờ tôi. Cái phong thái ấy chỉ có người sinh ra đã làm vua mới có được. Bên cạnh là một thái phi (thái phi là phi tần của tiên hoàng - ND), quý phi mẹ tôi và thái hậu đếu qua đời từ sớm nên hoàng đế anh trai đành gọi thái phi đến chải đầu cho tôi.
Tôi bước từng bước đoan trang hướng về hai người. Đến giờ mới hiểu người trong hoàng gia tại sao lại có khí chất uy nghiêm vậy. Nó không phải thiên sinh, cũng không phải do giáo dục mà do sức nặng của quần áo và đồ trang sức. Ngay bộ quần áo tôi đang mặc đây có cắm con dao dài 5cm vào chưa chắc đã được.
Tôi quỳ trước mặt hoàng đế, cung nữ bên cạnh thái phi bưng ra một cái khay bày mũ phượng bằng vàng, bảo thạch, trân châu. "Rất thực dụng, lúc chạy trốn phái nhớ mang theo mới được", tôi nghĩ. Trên khay còn có một cái kéo vàng, Tố nhi đã nói cái kéo đó dùng để cắt tóc.
Người con gái lấy chồng xa sẽ cắt một lọn tóc lưu lại để tỏ lòng lưu luyến quê hương.
Tôi cầm lấy kéo chỉ muốn thủ đi mỗi tội đông người quá, không có cơ hội, nắm lấy mái tóc mà không biết phải cắt bao nhiêu. Tóc dài quá đúng là phiền phức, nặng cả đầu, thế là tôi tay trái nắm tóc, tay phải cầm kéo, ra sức cắt. Xong, bây giờ thì thoải mái rồi, đầu được giải phóng, tóc chỉ còn đến ngang lưng.
"Công chúa!", Tố nhi hét, đám cung nữ gào khóc tại chỗ.
Tôi sững người không hiểu gì, nhìn mớ tóc trong khay, lại nhìn đám cung nữ đau khổ tuyệt vọng, ngẩng đầu lên thấy sắc mặt hoàng đế anh trai cũng không tốt, còn thái phi thì mắt ngấn lệ. Chết rồi! Giờ mới nhớ ra Tố nhi có nói con gái lấy chồng càng xa thì cắt càng nhiều càng thể hiện lưu luyến quê hương, bình thường gả con gái đi là việc hỉ, hơn nữa con gái nước Chu quý trọng mái tóc, khi cắt cũng chỉ cắt một chút tượng trưng chẳng có ai cắt phăng mái tóc như tôi.
Thảo nào mà bọn họ khóc lóc thế, chắc tưởng tôi không nỡ rời nước. Bây giờ thì đẹp rồi! Tôi vô tình khuấy lên sự thương cảm của mọi người, giờ ngay cả mấy lão thần đứng cạnh cũng bắt đầu rơi lệ. Cũng chẳng trách bọn họ mềm yếu, công chúa một nước bị ép đi cầu thân cũng chẳng vui vẻ gì.
Thái phi nhẹ nhàng lau lệ ở khóe mắt, đi tới đứng cạnh tôi, bắt đầu vấn tóc. Lại thêm một cung nữ bưng khay đựng đồ cài tóc lấp lánh ánh vàng làm tim tôi đập liên hồi. Không ngờ bà thái phi này chẳng thèm chọn cái nào mà chỉ dùng vài cái kẹp cố định tóc lại rồi nhẹ nhàng đội mũ phượng lên đầu tôi. Ngay lập tức thấy đầu nặng trịch, cổ phải ngắn đi 2 cm chứ chẳng vừa. Công nhận là nặng.
"Hài nhi, bảo trọng.", thái phi khẽ nói.
Tôi đứng dậy, bước về phía hoàng đế giống như đã diễn tập, đưa tay ra đỡ cây gậy như ý bằng ngọc. "Hehe! Lại thêm một bảo bối nữa! Cái này chắc đổi được không ít tiền? " tôi thầm nghĩ.
Tay tôi đã cầm vào ngọc như ý mà hoàng đế vẫn chưa chịu buông tay, cố dùng lực vẫn không chịu buông. Muốn gì? Tiếc của chắc? Tôi ngước mặt lên hồ nghi. Qua hàng trân châu trước mắt thấy khuôn mặt và cả đôi mắt hoàng đế anh trai tràn ngập đau thương.
Tôi đờ người ra một chút rồi ngay sau đó tay kéo mạnh hơn nữa. Lúc này hoàng đế mới bừng tỉnh, gương mặt đổi sang nụ cười hiền từ rồi đặt ngọc như ý vào tay tôi. Nhận ngọc như ý xong tôi quay người đi về phía trước. Bên cạnh là văn võ bá quan Chu Quốc, dưới lễ đài là tướng sĩ Chu Quốc, về lý tôi phải hướng mặt về phía họ, nhận những lời chúc.
Trên đầu, mũ phượng ngày càng nặng còn quần áo thì không khác gì một bộ giáp sắt. Tôi biết dáng đi của mình nhất định sẽ trang trọng lại thanh nhã, vì mặc nhiều quần áo thế này, muốn suồng sã cũng khó.
"Các vị đại thần, các tướng sĩ, hôm nay Phúc Vinh rời xa quê hương..." tôi đọc những lời được dạy từ trước như một cái máy. Haiz! Bụng đã bắt đầu kêu rồi. Vừa mệt vừa đói, người lắc lư làm tôi có cảm tưởng cái mũ trên đầu rơi xuống đến nơi rồi. Tôi bước một bước nhỏ, vốn dĩ muốn lấy lại thăng bằng cho cái mũ, ai ngờ đâu dẫm luôn vào vạt váy.
Kết quả là câu "suốt đời không quên nước" vừa nói dứt tôi ngã người quỳ xuống đất. Thế là xong đời, vở kịch này bị mình làm hỏng mất rồi!