Chương 11
Những rổ cam vàng rượm không cành không cuống gợi sự tò mò của khách hàng khi họ đi ngang chỗ bán trái cây của nhóm đàn bà hùn chung vốn. Chúng cũng đã khiến cho mấy người khách hàng quên hẳn điều kiêng kỵ và tật mê tín dị đoan của mấy người buôn bán như “bán mơ xưa”, “bán mở hàng”, “vía nặng, vía nhẹ”, khi họ đặt nhiều câu hỏi không nên hỏi về sản phẩm không tốt của người buôn khi mà chẳng hề có ý định mua những sản phẩm ấy.
- Trời ơi! Cam gì mà vàng chét vậy?
- Chưa bao giờ tui thấy cam lạ như vầy? Cam bị sao vậy chị?
- Cam trông như cam héo mà sao nhiều dữ vậy mấy chị?
Lúc đầu, những người đàn bà bán hàng còn lịch sự trả lời, tâm sự hay năn nỉ khách như:
- Cam quít bị rụng bởi vì thuốc khai quang đó chị.
- Chị mua dùm em ít trái em bán rẻ cho!
- Mua cam về vắt nước uống cho khoẻ chị ơi!
- Không muốn cúng thì vắt nước uống, mua dùm em đi!
Dần dần, nhận thấy không thuyết phục được khách hàng, họ không thèm trả lời cũng không năn nỉ bất cứ ai nữa, để mặc cho cam trong rổ ngày càng héo nhăn héo nheo ra sao thì ra.
Mọi người đều hiểu là không ai dại đến nỗi bỏ tiền ra mua trái cây héo uá để trưng bày trong những ngày đầu năm, khi mà táo Mỹ, lê Mỹ và cam Mỹ xuất hiện đầy dẫy trong các gian hàng lớn của những người đại lý thầu trái cây. Khách hàng xúm xít quanh các gian hàng lớn phảng phất mùi thơm ngọt ngào của trái cây ngoại để tranh nhau mua những trái tươi tốt nhất. Ngoài những thứ trái cây thường được mua theo tập tục dành cho Tết nguyên đán như dưa hấu, thơm, chuối, đu đủ người ta ra vẻ biết hưởng thụ khi lựa chọn những trái cây có kèm theo cái tên Mỹ như táo Mỹ, lê Mỹ hay cam Mỹ. Những thứ trái cây mà bà mẹ và những bà bạn hàng của bà đã từng mua bán thử nhưng không thể nào đủ tiền để mua sỉ và bán lẻ trong những ngày chợ nhộn nhịp nhân dịp Tết Nguyên Đán sắp đến. Số vốn hùn hạp của họ hầu như đã phải dốc hết để trả nợ cho những người chủ vườn, tiền vận chuyển, và các khoản chi phí chuyên chở, bốc xếp cho ba gác từ nhà bà mẹ đến chợ vào lúc trời tờ mờ sáng và từ chợ về nhà khi trời tối mịt. Mỗi ngày, sau khi tan chợ, mấy bà bạn hàng lại họp nhau ở căn nhà nhỏ của ba mẹ con, tính toán phân chia số tiền ít ỏi mà họ kiếm được trong ngày và cả một số cam héo. Dần dà, tin đồn cam bị nhiễm độc lan rộng, hàng họ ế ẩm đến nỗi số tiền bán cam trong ngày không đủ trả chi phí chuyên chở bốc xếp và, nhóm người buôn bán với bà mẹ hai con nhỏ bàn nhau đem đổ hết thảy mấy thúng cam rụng bởi thuốc khai quang còn lại vào khu chứa rác của chợ. Chuyến buôn bán cam trong những ngày cận Tết của họ đã hoàn toàn thất bại.
Thâm hụt vốn, nhóm buôn bán trái cây với bà mẹ hai con nhỏ đành phải giải tán việc hùn hạp của họ và bà mẹ phải ở nhà chăm sóc hai đứa nhỏ và quán xuyến công việc nội trợ như lúc chưa đi buôn bán. Sự có mặt thường xuyên của mẹ trong nhà khiến hai chị em con nhỏ vui sướng hẳn lên. Mặc dù chúng không còn được đi thăm những khu vườn cây trái xanh tươi, không được gặp những người buôn bán chung với mẹ, không được ăn những cái mặt trái cây thừa, không thấy thịt cá trong những bữa ăn, hai con nhỏ hạnh phúc bên mẹ của chúng lắm.
Có lẽ những người trong ngôi nhà lớn đoán được sự thay đổi trong đời sống ba mẹ con ở căn nhà nhỏ khi không còn thấy chiếc xe ba gác chở hàng đi đi về về và không còn nghe tiếng nói cười cởi mở của những người đàn bà buôn bán, tuy nhiên, chẳng ai đề cập đến chuyện gì đã xảy ra. Bà nội im lặng. Ông bà bác Cả im lặng. Cô Sáu im lặng. Cô Út không nói gì và cũng không chửi bới nữa.
Hôm ấy là ngày hai mươi ba tháng chạp âm lịch, ngày đưa ông táo về trời theo phong tục tập quán của những người theo dạo thờ cúng ông bà. Sáng sớm, trước khi đi chợ, cô Sáu đi ngang khu vườn cây ăn trái, gõ cửa căn nhà nhỏ và nói với bà mẹ:
- Chút nữa, chị đưa ra hai cháu ra hàng em nghe. Em sẽ cho chúng tiền ăn sáng.
Nghe như thế, bà mẹ làm y theo lời. Đúng chín giờ sáng bà dắt hai đứa ra chợ, để chúng lẩn quẩn quanh sạp tạp hóa của cô Sáu, rồi lân la qua mấy cái hàng buôn bán trái cây quen biết trước đó. Hai đứa nhỏ loay hoay xung quanh sạp hàng tạp hóa của cô Sáu, nhìn cô bán hàng cho khách và chờ nhận tiền. Sau khi nhận tiền của khách, cô Sáu đếm tiền cho hai đứa nhỏ rồi bảo chúng dắt nhau đi xuống những hàng bán thức ăn để chọn những món ăn sáng mà chúng thích.
Len lỏi quanh các quầy thức ăn với em, con chị ngơ ngẩn nhận ra là chưa bao giờ mẹ chúng đi ăn hàng cùng với chúng. Nó nghĩ đến mẹ và nhớ những ngày buôn bán tần tảo của bà. Nó nhớ những buổi tối sau khi chia lời với những người buôn bán chung, mẹ nó thường chắt chiu từng đồng cho chúng tiền ăn sáng nhưng luôn luôn ăn những thức ăn cũ, những mẫu cơm cháy, hay cơm ngui để lót lòng. Nó còn hiểu là cô Sáu chỉ cho hai đứa tiền ăn sáng chứ không bao giờ cho tiền để mẹ chúng ăn với chúng. Nó biết là trong khi hai chị em nó đang ăn, mẹ chúng đang đói và lang thang từ hàng trái cây này đến hàng trái cây khác cho đến lúc dẫn chúng đi về nhà. Nó nghĩ đến cô Sáu và hiểu rõ là cô Sáu đã kiếm tiền cho hai chị nó ăn trong khi cô phải nhịn đói vì tất bật buôn bán. Nó cảm kích đức tính hy sinh của những người lớn và mơ mộng sẽ được cô tiên ban phép thần như trong những truyện cổ tích do mẹ kể để được đền công ơn của những người mà nó hàm ơn. Con em không nghĩ ngợi vẩn vơ. Nó thường vòi chị dẫn đi khắp các gian hàng ăn trước khi quyết định món ăn mà nó thích.
Ăn sáng xong, chiều em, con chị dắt con em đi ngang các sạp hàng bán đồ chơi để nhìn những con búp bê nhựa rẻ tiền hay những con thú nhựa nho nhỏ nằm trong những gói ni lông với một hai viên kẹo bên trong. Con em thường ao ưóc có một thứ gì trong gian hàng bán đồ chơi mà chẳng bao giờ nó có được bởi vì con chị luôn luôn nói với nó là “tiền là để ăn sáng chứ không phải tiền để mua đồ chơi.” Con chị biết con em vừa muốn ăn sáng và cũng muốn có đồ chơi nhưng số tiền cô Sáu cho chị em nó không thể đáp nổi cho cả tiền ăn sáng và tiền đồ chơi cho nên nó luôn khư khư với những gì người lớn căn dặn. Ăn sáng xong, dắt em đi ngang các hàng đồ chơi một chốc, nó dắt em trở lại gian hàng tạp hóa của cô Sáu ngay. Nó thích nhìn cảnh người đi qua lại trước hàng cô và nhìn cảnh xếp xếp, gói gói. Công việc chẳng khác nào trò chơi buôn bán mà nó bày cho con em dưới gốc cây vú sữa. Bởi vì gian hàng tạp hóa của cô Sáu có rất nhiều thứ như kẹp tóc, dầu thơm, long não, dầu khuynh diệp, thuốc nhum tóc, khăn trài bàn, áo quần đàn ông, áo quần đàn bà, áo quần trẻ con và đủ các thứ linh tinh khác, và bởi vì người ta có phong tục mua đồ mới trong những ngày cuối năm để chuẩn bị cho những ngày tết âm lịch cho nên cô Sáu luôn luôn bị bận rộn bởi vô số khách vây quanh hàng. Cô không thể vừa tiếp chuyện với khách, vửa gói hàng, vừa thu tiền, và vừa thối tiền cho nên dần dần cô giao cho hai đứa nhỏ những việc nhỏ như thu dọn các thứ khách tạm lựa còn để bề bộn trên các hộp kiếng, hay bỏ đồ vào bao cho khách, cho đến những việc quan trọng hơn như thu tiền, hay thối tiền.
Quay lại đón hai đứa nhỏ, bà mẹ hiểu ra rằng cô Sáu cần chúng phụ giúp cô trong dịp tết nên bà lưu chúng ở lại và dặn dò đến chiều tối sẽ đón chúng về. Khi trở về nhà một mình, cảnh chợ tết tấp nập kẻ bán người mua bây giờ mới thu hút tâm trí bà. Những bộ áo đầm, giày và dép trẻ em xinh xắn kiểu mới nhất được treo trên móc hay trong tủ kính của các gian hàng trung tâm; những nhánh mai vàng đầy búp xen lẫn một vài bông hoa vừa hé nở, những cây tắc xanh tươi trĩu quả, những chậu cúc, chậu hồng, vạn thọ, thược dược muôn hồng ngàn tía được đặt ngay ngắn trên lề các lối dẫn vào trung tâm chợ; và những trái dưa hấu xanh thẫm, những đòn bánh tét no tròn, những hộp bánh mứt gói giấy bóng kính đủ màu bày chồng lớp trên các kệ hàng. Tất cả như đang đón mời, nhưng tất cả chợt đem đến cho bà bao nỗi muộn phiền, day dứt. Bà xót xa nhớ đến cảnh nhà đơn chiếc chưa sắm sửa được gì. Bà không nghĩ đến mình nhưng hai con bà vẫn chưa có quần áo mới. Ngay cả bàn thờ Phật và bàn thờ chồng hiện cũng chỉ bày vỏn vẹn hai ly nước trắng, cái quả bồng và bình hoa trống trơn. Nghĩ đến số tiền eo hẹp trong túi, bà không dám ngừng lại hay hỏi giá một người bán hàng nào. Cho đến lúc lướt ngang gian hàng bánh mứt cuối cùng, nơi mà có những cái bánh in hình cối bọc trong giấy bóng sặc sỡ và người bán hàng niềm nở mời mọc, thì bà mới mạnh dạn ghé lại thăm dò giá cả. Nét mặt bà dãn hẳn ra khi bà biết được những cái bánh in hình cối kia có giá tiền vừa phải với số tiền còn lại mà bà đang có. Nghĩ rằng chúng vừa có thể thay thế cho mứt tết và hoa quả, vừa có thể tôn vẻ trang trọng hơn cho bàn thờ trong dịp Tết, bà quyết định móc tiền mua bảy cái rồi rảo nhanh về nhà.
Chiều hôm ấy, cô Sáu cho hai chị em con nhỏ cùng đi xích lô về nhà sớm. Chiếc xe đầy ắp các giỏ hoa quả, bánh trái trên đùi, và dưới chân cô Sáu và con chị. Con em đứng sau lưng hai người, ôm mấy bó hoa.
Cô Sáu vui vẻ nói với ông xích lô:
- Anh chịu khó chở nặng một chút, đến chỗ tui đưa thêm tiền cho.
Ông xích lô vui vẻ không kém gì cô Sáu:
- Được rồi mà chị Sáu! Thêm hai đứa nhỏ có là bao.
- Hôm nay tui mua đồ nhiều lắm, tui sẽ trả thêm cho anh. Cái gì ra cái nấy. Anh coi đấy! Lo mua bán đến ngày đưa ông táo về trời cũng không nhớ. Thấy mấy bà đi chợ nói tui mới nhớ! Tui mua vội mua vã các thứ để kịp cúng tối nay.
Ông xích lô không trả lời. Ông phải gồng người đẩy chiếc xe trên cái dốc giữa đám người đông đúc. Con em là người vui nhất trong xe. Lần đầu tiên nó được đi xe xích lô vì vậy nó ra vẻ quan trọng lắm. Đi ngang nhà mấy đứa hàng xóm nó nhoài người vẫy tay, gọi con nhỏ bạn học:
- Ê Hoa! Hoa! Tao được đi xe xích lô nè!
Ông xích lô la nó:
- Đứng đàng hoàng, coi chừng té đó!
Con chị ngồi im không nói gì. Đến cổng, nó và con em phụ xách một chiếc giỏ, đi theo ông xích lô và cô Sáu vào ngôi nhà lớn của nội, rồi dắt em trở về nhà.
Hai đứa về nhà khi bà mẹ lúi húi lau những chiếc bóng đèn dầu bên chiếc bàn cạnh cửa sổ. Bu quanh mẹ hai đứa chăm chú nhìn những bóng đèn tròn trên bàn. Con em huyên thuyên:
- Má ơi, tụi con về rồi nè! Tụi con đi xích lô. Má khỏi cần phải đón.
Bà mẹ hỏi:
- Vậy hai đứa con ăn chiều chưa?
Con em gật đầu, chớp đôi mắt linh lợi:
- Con ăn rồi! Chiều nay cô Sáu bán đắt lắm. Cô Sáu cho ăn bánh hỏi với thịt quay. Tụi con có gói để dành cho má nữa. Tụi con nói không muốn ăn nữa rồi gói lại để dành đem về cho má đó!
Bà mẹ lắc đầu:
- Má không ăn đâu. Để dành mai các con ăn. Má ăn cơm rồi.
Con chị lên tiếng:
- Má ăn cơm với gì vậy má?
- Má ăn với xì dầu.
- Sao hôm nay má ăn chay vậy? Hôm nay có phải là ngày rằm hay mùng một không?
- Má thích ăn chay thì ăn chứ đâu cần ngày rằm hay mùng một!
Con em nằn nì:
- Má ăn đi má! Ngày mai tụi con đi ra hàng cô Sáu nữa. Cô sẽ cho tụi con ăn nữa, má đừng lo.
Suy nghĩ một lúc, con em nói tiếp:
- Tối nay cô Sáu còn cho mình đồ ăn nữa má à! Cô Sáu nói cúng đưa ông táo về trời xong sẽ cho tụi con đồ ăn.
Con chị nhìn về phía nhà lớn. Ánh điện trong ngôi nhà lớn của nhà hai bác Cả và nhà cô Sáu lập lòe sau những hàng cây. Tiếng gọi, tiếng nói từ trong sân gạch phía sau nhà bác Cả văng vẳng trong khu vườn đêm. Giờ này chắc hẳn bà nội, cô Sáu, và Cô Út đang rộn ràng làm bánh mứt và sửa soạn các thứ để cúng đưa ông táo. Con chị hỏi mẹ:
- Má có cúng đưa ông Táo không má?
- Có chứ, má cúng rồi! Má lau mấy cái bóng đèn này để cúng Phật Bà và ba con.
- Má cúng ông táo ở đâu vậy má?
- Ở dưới bếp đó con à!
Con chị đứng lên, bước ra khỏi bàn, đến ngưỡng cửa và bước xuống bếp. Bên cạnh bếp lò một chiếc đèn dầu chân vịt nho nhỏ được thắp sáng. Ánh đèn vàng vọt chiếu hắt lên cái dĩa sành đựng ba cái bánh in gói giấy bóng kính, hai chén nước lạnh và ba nén nhang. Tất cả mọi vật trong bếp câm nín với ánh đèn như cái im lặng của con chị. Nó quay ra khỏi bếp, đến giếng, thả gàu xuống nước. Mùi mứt gừng thơm thoang thoảng trong khí đêm khiến nó hướng mắt về phiá cái sân gạch. Ánh điện lung linh, bóng người qua lại, tiếng nói, tiếng cười ở cái sân sau ngôi nhà lớn cho nó hiểu bà nội và cô Út đang làm các thứ mứt gừng, mứt khoai, mứt bí ở ngoài sân như mọi năm. Cảnh xôn xao đàng sau ngôi nhà lớn cho nó có ý nghĩ là ông Táo sẽ vui vẻ tìm đến nhà nội và cô Sáu hơn là đến căn nhà nhỏ của ba mẹ con nó và ông Táo cũng sẽ thích đến bếp của bà nội hơn là đến bếp của mẹ nó. Lặng lẽ, nó xối nước lên đôi chân. Nước mát tràn trên hai bàn chân làm con nhỏ chị dễ chịu. Nó đạp chân lên nhau để kỳ cọ những đất ghét bám trên các ngón chân và gót chân. Ngước mặt nhìn lên trên, nó lại bắt gặp hai sợi dây điện đan trong những tàu lá dừa và cảm giác khoan khái như bị tan biến. Những cây dừa này không hiểu do ai trồng, đã vô tình tiếp tay cho sự tăm tối và u buồn ngàn đời trong căn nhà nhỏ của ba mẹ con nó. Nghĩ đến ba, nó bước nhanh vào nhà hỏi mẹ:
- Con thắp hương cho ba nghe má!
Mẹ nó vừa ngạc nhiên vừa trả lời:
- Má vừa thắp hương cho ba xong nhưng con muốn thắp nữa cũng được.
Con chị không nói, cũng không hỏi thêm. Nó lặng lẽ đến bàn thờ của ba nó, lấy một cây nhang và đốt cháy trong cái đèn nho nhỏ ở chính giữa bàn thờ. Đó là lần đầu tiên con chị thắp hương cho ba nó. Nó không biết người lớn mở đầu lời cầu nguyện như thế nào nên im lặng nhìn tấm ảnh bán thân của ông và mọi thứ trên bàn thờ. Cũng như nơi cúng ông Táo, bàn thờ ba nó chỉ có hai chén nước lã, hai cái bánh in trên quả bồng, không có đèn cầy, không có hoa, không có trái. Những đồ vật trống trải trên bàn thờ khiến nó nhớ những trái cây mà mẹ nó từng bày cúng trên những quả bồng khi mẹ nó buôn bán trái cây. Nó nhớ những ngày đi vườn, những buổi tối chia lời của mẹ, rồi quyết định cầu nguyện ba nó giúp cho mẹ nó có cơ hi tiếp tục buôn bán trái cây để mẹ nó có trái cây cúng ba, cúng phật và có tiền nuôi sống chị em nó. Ánh đèn leo lét của ngọn đèn dầu gây cho nó tủi thân nghĩ hai sợi dây điện trong những cành lá dừa và cảnh tối tăm trong căn nhà nhỏ. Nó thì thầm thêm lời cầu nguyện. Nó cầu ba nó làm cho cây dừa rụng hết lá để bác Cả gái bằng lòng “mở điện” truyền từ nhà ngôi nhà lớn đến căn nhà nhỏ. Tham lam hơn, nó cầu nguyện nhiều thứ khác như được học giỏi, được quà bất ngờ, được áo đẹp, và được nhiều đồ chơi đắt tiền. Càng khấn, nó càng hạ thấp giọng để không cho con nhỏ em tò mò đang đứng bên nghe lóm.
Bà mẹ chờ con chị thắp hương cho ba nó và cầu nguyện xong, định hỏi điều gì đó nhưng thấy khuôn mặt trang trọng của nó thì nén lại. Con em bám theo chị đến cái bàn gỗ, hỏi ríu rít:
- Chị Hạ nói gì với ba vậy?
- Chị nói gì Vy hỏi làm chi?
Con em không hết thắc mắc:
- Chị có cầu ba làm cái gì tốt cho em không?
Con chị trả lời:
- Chị cầu ba làm nhiều điều tốt cho tất cả ba mẹ con mình.
Nó quay sang hỏi mẹ:
- Sao má cúng ba và Phật Bà chỉ có hai cái bánh mà cúng ông Táo đến ba cái bánh vậy?
- Vì ông táo có ba người.
- Ba người? Con nghe ông Táo con nghĩ chỉ có một người thôi chứ!
- Ba người lận con à cho nên con thấy bếp lò có ba cục gạch đó!
Con chị buồn rầu:
- Con nghĩ ông táo không đến nhà nhà mình đâu.
- Vì sao? Bà mẹ hỏi.
- Mình đâu có cúng đủ lễ! Không có hoa, không có trái cây.
- Con đừng nói bậy mà mang ti! Ông Táo là Táo quân gồm có hai Táo ông một Táo bà. Ông bà Táo là vua bếp nên lúc nào cũng ở trong bếp để theo dõi mọi chuyện trong gia đình người. Táo quân thường tâu những việc làm xấu tốt của mình cho Ngọc Hoàng nghe để Ngọc Hoàng phán xét. Thánh thần không phân biệt giàu nghèo đâu. Hôm nay ông Táo về trời, đến sau tết mình sẽ đón ông trở lại.
Con chị lắc đầu:
- Con không hiểu gì về chuyện này. Tối nay má kể chuyện ông Táo cho tụi con trước khi đi ngủ đi! Mình đi ngủ sớm nghe má!
Bà mẹ gật đầu ưng thuận. Những buổi tối dưới ánh đèn dầu lù mù, khi hai đứa nhỏ không còn có bài làm, bài học, bà thường cho chúng đi ngủ sớm để kể chuyện cho chúng nghe. Đó là thú tiêu khiển duy nhất của chúng mà bà có thể làm cho.
Con chị bảo em:
- Vy ra lu rửa chân mau đi! Đi ngủ sớm để má kể chuyện Ông Táo cho mình nghe.
Con em đáp gọn lỏn:
- Không! Em chưa muốn đi ngủ.
Con chị trợn mắt tức giận bởi vì nó chưa bao giờ bị con em cãi lại như thế. Nó hỏi với giọng khô khan:
- Thức làm gì nữa? Vy muốn ngồi đây chờ muỗi cắn hả?
Con em chỉ tay về phia ngôi nhà lớn:
- Em chờ cô Sáu với cô Út cho đồ cúng ông Táo. Hai cổ ra nhà mình cho đồ kìa!
Xuyên qua mấy khung cửa sổ, con chị thấy hai cái bóng lụp xụp gần bờ giếng đang hướng về nhà nó. Tiếng cô Sáu vang ở ngoài vườn:
- Chị Năm ơi, ra lấy đồ cho mấy cháu nì!
Ba mẹ con chạy đến cửa ra vào. Hai người đàn bà bước vào nhà không phải là cô Sáu và cô Út mà là cô Sáu và cô Mỹ.
Bà mẹ hỏi cô Mỹ vồn vã:
- Trời ơi! Cô đi đâu mà tối quá vậy?
- Em đến thăm chị để cho các cháu mấy xấp vải may áo dài. Chị đưa hai cháu đi may áo dài đi. Bao nhiêu tiền công em trả lại.
Bà mẹ cúi đầu:
- Cảm ơn cô. Tui buôn bán thất bại quá không sắm sửa được gì.
Nhìn quanh nhà và các bàn thờ, cô Mỹ chép miệng:
- Tội nghiệp! Ngày tư ngày Tết mà chị làm ăn thất bại, còn tụi em thì bận rộn không ngớt tay.
Nắm tay bà mẹ, cô thân mật đề nghị:
- Hiện giờ tiệm em còn có một số giày dép kiểu cũ mà mấy người đi phố chẳng muốn hỏi tới. Em muốn bày bán số hàng tồn này với giá rẻ mạt ở trên đường Phan Bội Châu mà không có ai coi. Nếu chị phụ em bán thì em sẽ chia hoa hồng cho chị.
Cô Sáu chen vào:
- Còn mấy ngày nữa đến Tết rồi. Khi mô chỉ mới bắt đầu được?
Cô Mỹ nói:
- Ngày mai! Ngày mai chị đến tiệm em lấy đồ dọn ra đường Phan Bội Châu bán. Em biểu mấy đứa giúp việc làm cái bảng đại hạ giá để chị bán mau hết. Được giá nào bán giá đó không cần kèo nài gì cả! Sau tết, hàng mới về không để mấy thứ cũ đó làm gì. Bất cứ giá nào cũng phải bán hết trước tết.
Sau khi căn dặn cẩn thận những việc cần làm cho ngày hôm sau, cô Sáu và cô Bảy Mỹ vội vã chào từ giã rồi khuất dạng sau bờ giếng. Dưới ánh đèn dầu nhạt nhòa bên khung cửa sổ, ba mẹ con nói nói, cười cười không thôi. Con nhỏ em hân hoan với những thứ đồ cúng ông Táo mà cô Sáu cho, bà mẹ rộn ràng với tương lai hứa hẹn của ngày mai và con nhỏ chị sung sướng mân mê hai xấp vải lụa hồng phấn trên tay. Con chị thầm cảm ơn ba nó đã chấp nhận một trong những lời mà nó cầu xin.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 12
Đường Phan Bội Châu là con đường chính dẫn đến chợ Đầm, một khu chợ lớn nhất của thành phố biển Nha Trang. Từ sáng đến khuya, người và xe qua lại trên con đường này đông như mắc cửi, nên bà mẹ không bao giờ cho phép hai đứa nhỏ đến chợ mà không có bà hay người lớn nào đó đi kèm. Những con đường mà chúng có thể tự tiện sánh vai nhau cất bước chỉ là những con đường thân quen từ nhà dẫn đến trường
Vào những ngày có chợ Tết, đa số dân ở thành phố biển đổ xô về chợ Đầm mua sắm nên số người buôn bán ở đây tăng lên gấp bội. Người ta phải chia lô ở lòng đường Phan Bội châu để mở rộng thêm chỗ cho những người buôn bán và cảnh sát phải ngăn rào không cho xe chạy vào con đường này từ khúc đầu đường cho đến khúc rẽ vào chợ Đầm.
Ngày bà mẹ giúp cô Bảy Mỹ bày bán giày dép đại hạ giá trên vỉa hè chật ních của đường Phan Bội Châu là ngày hai đứa nhỏ được tự do dắt nhau đi từ hàng đại hạ giá của bà qua những gian hàng bán Tết để đến hàng tạp hóa của cô Sáu.
Len lỏi trên các vỉa hè, dọc theo các cửa hiệu, hai đứa nhỏ hoa mắt bởi các loại hàng tết giăng bày. Những hàng bánh mứt, hàng hoa nhựa, hàng bán hình Chúa Jésu và đức Mẹ, hàng bán hình Phật tổ và Bồ tát, hàng bán lư hương, hàng bán pháo... được trưng bày thật đẹp mắt như mời mọc, cuốn hút dòng người ngược xuôi qua lại. Người bán hàng mặt tươi roi rói cười cười, nói nói, gọi mời khách dạo chợ. Mới mười giờ sáng đã có nhiều người đi mua sắm Tết. Kết hợp mua sắm các thứ thực phẩm thường ngày, họ lân la hết hàng này sang hàng khác để săn tìm, chọn lựa, và mặc cả để mua bằng được những thức ngon, vật lạ theo giá tiền vừa ý nhất.
Hớn hở xuyên qua đám đông người, hai con nhỏ vượt qua các gian hàng hoa Tết, hàng dưa hấu, hàng trái cây, hàng bông rồi hướng về khu tạp hóa của chợ Đầm. Đến khu may mặc, hai đứa đứng lại ngắm nghía những xấp vải đủ màu, hoặc thanh nhã, hoặc sặc sỡ được giăng ngang trên những quầy may. Những người chủ, thợ may và thợ phụ đang bận rộn may may, cắt cắt. Tiếng máy may đạp rè rè liên tục kèm theo những tiếng giục nhau, tiếng kèo nài của những người khách tạo nên một không khí nhộn nhịp và rộn ràng. Tần ngần một lúc với hai xấp vải tơ trên tay, con chị quyết định dẫn em đi thẳng đến hàng cô Sáu.
Cô Sáu đang thối tiền cho khách, thấy hai đứa nhỏ mừng như bắt được vàng:
- Hai đứa ra trước quầy tiếp khách cho cô. Hạ thâu tiền để con Vy bỏ đồ vào bao cho khách.
Lách mình vào giữa nhóm người đang xúm xít vây quanh quầy tạp hóa của cô Sáu, hai đứa nhỏ làm y theo lệnh của cô. Ba cô cháu thi nhau gói hàng, thâu tiền, thối tiền cho đến trưa mà quầy hàng của cô Sáu vẫn chưa vãn khách.
Đến xế chiều, lác đác chỉ còn vài người khách cô Sáu gọi thức ăn đến tận hàng. Mặc cho cô giục nó ăn cho mau, con chị đến cái góc của quầy tạp hóa rút hai xấp vải tơ ra:
- Má con nói nhờ cô có rảnh đưa tụi con đi may mấy cái áo dài.
- Vì sao má con không dẫn các con đi?
- Vì má con phải bán hàng cho cô Bảy. Với lại, má con không có tiền, má con sợ.
- Cô Bảy sẽ trả tiền may cho hai con mà sợ gì? Đưa vải cho mấy đứa thợ may may, đến khi nào lấy áo thì nói cô Mỹ trả cho, có chi mờ sợ?
- Má con không có tiền nên sợ không muốn đi tới tiệm nào cả.
Cô Sáu chép miệng:
- Tiệm nào bây giờ cũng không nhận đồ may nữa đâu con. Họa chăng mấy cái quầy may trong chợ này có nhận không thôi. Hôm nay chỉ còn sáu ngày nữa là Tết, không biết họ có nhận cho không!
Cô trao hai chén bún cho hai chị em, giục rối rít:
- Thôi hai đứa ăn lẹ đi! Để cô tính cho!
Nghe vậy, con em lùa vội, lùa vàng vài miếng bún vào miệng, rồi buông đũa xuống:
- Con no rồi. Con không ăn nữa.
Cô Sáu la:
- Ăn nữa đi! Từ sáng đến chừ không có chi trong bụng răng mờ no?
Con chị ngập ngừng chén bún trên tay:
- Vậy có ai nhận may áo dài trước Tết không cô?
- Để cô lo cho! Nếu không may được, cô cũng mua cho hai đứa hai cái áo đầm mới. Đừng lo!
Những lời nói của cô Sáu làm con em an tâm. Nó nhai thong thả và lấy thêm thức ăn.
Lần này cô Sáu giục nó:
- Con Vy ăn mau lên để cô dẫn đi may đồ. Còn con Hạ coi hàng cho cô! Khi nào người ta nhận may, Vy sẽ chỉ chỗ cho con tới đo đồ.
Con chị lo lắng:
- Rồi sao con bán cho người ta? Con đâu biết giá hết?
Cô Sáu nói nhanh và vội vã:
- Gần chiều tối rồi! Người ta lo đi chơi chợ Tết chứ không mua tạp hóa nhiều nữa đâu mà con sợ! Bán được gì thì bán còn không chờ cô về. Cô phải mua vải may quần trắng để tụi con mặc với áo dài nữa! Nhớ ngồi gần hc tủ đựng tiền đừng ra phía trước quầy hàng.
Nói xong, cô lấy một ít tiền, cặp hai xấp vải vào nách và kéo con em đi theo bên cạnh. Nhìn hai ống quần cao thấp và dáng điệu tất bật của cô khuất sau dãy hàng tạp hóa với con em, con chị vừa thấy thương thương vừa lo lắng. Hơn bao giờ hết, nó hiểu tấm lòng thương yêu của cô Sáu dành cho chị em nó. Nó hiểu cô muốn đền bù cho chúng những những thiệt thòi mà chúng phải chịu đựng trong cảnh mất cha. Lơ đãng nhìn người qua kẻ lại, nó hồi hộp và lo lắng khi nghĩ đến những người thợ may không chịu nhận đồ may cho chị em nó. Nó nghĩ đến chiếc áo đầm mà cô Sáu hứa cho rồi lắc đầu khi cái áo dài tơ màu hồng phấn với những thứ nữ trang “hồi môn” mà mẹ nó cho đeo trong ngày Tết hiện ra rực rỡ hơn và đặc biệt hơn trong trí của nó.
Xếp dọn các thứ thức ăn thừa bỏ vào giỏ rác cạnh bên quầy hàng, con nhỏ chị liếc mắt hướng về phía dãy hàng may. Cô Sáu và con nhỏ em chưa thấy trở lại. Mỉm cười hy vọng, nó đưa cây phất trần phủi những bụi tấm trên các mặt kính và xếp các chồng áo sơ sinh. Vài người khách ngang qua hàng, nhìn nó nhưng không hỏi mua thứ gì; có lẽ họ nghĩ nó không biết buôn bán nên chẳng muốn phí thời gian. Con nhỏ chị không thấy chuyện chào mời khách mua hàng là quan trọng, nó chìm mình mơ màng với chiếc áo dài mới trong ngày đi chùa và lấy lộc đầu năm với mẹ và với em.
Thình lình con em vừa thở hổn hà, hổn hển vừa chạy về phía nó.
- Chị Hạ ơi! Mình không có áo dài mới được rồi!
Con chị giật mình, lắp bắp hỏi:
- Vì ... vì sao vậy?
- Không ai chịu may cho mình hết!
Cô Sáu bước theo sau nó, mặt nhăn nhó. Cô quẳng hai xấp vải trên mặt tủ kính càu nhàu:
- Hai cái áo nhỏ tí xíu mà cũng làm khó khăn. Mấy con quỷ thợ may làm eo làm sách. Hết Tết coi thử có ai cầu cạnh nữa không cho biết!
Nghe giọng phàn nàn khá lớn của cô, bà bán hàng tạp hóa cạnh bên lên tiếng hỏi:
- Chuyện gì vậy chị Sáu? Có chuyện gì mà chị bực mình dữ vậy!
Được dịp, cô Sáu phân trần:
- Chị Mận coi đó! Mấy con nhỏ thợ may có lạ gì với em. Lần nào tụi nó đến mua kim chỉ nút, dây kéo, em cũng để giá hạ hơn người khác vậy mà bữa nay trở mặt làm tàng. Em năn nỉ hết nước miếng mà tụi nó không chịu may cho hai đứa cháu em hai cái áo dài!
- Tết là vậy đó chị! Tụi nó nhắm may không nổi nên không nhận cho chị chứ không phải làm tàng với chị đâu!
Cô Sáu nhìn hai đứa, an ủi:
- Tối nay cô đi mua áo đầm cho hai con. Đừng buồn!
Không nghe hai con nhỏ trả lời, cô nói tiếp:
- Năm nay cô đi chùa với má con và hai đứa con, cô sẽ lì xì cho hai đứa nhiều hơn mấy đứa khác.
Con chị vẫn im lặng. Con em hớn hở hỏi:
- Con lấy tiền lì xì ăn sáng lúc con đi học được không?
- Được! Còn hai xấp vải này sau Tết cô đưa các con đi may. Cô sẽ trả tiền may cho, không cần cô Mỹ trả!
Mặt con chị ủ rũ, nó lí nhí:
- Con không mặc áo dài sau Tết đâu! Đi học chỉ mặc áo đầm trắng hay đồ bộ trắng thôi!
Cô Sáu chưa biết trả lời sao thì bà Mận vọt miệng sang mách nước:
- Em biết chỗ nào nhận may trong lúc này rồi chị Sáu! Chị đem hai cháu đến ông Hào thợ may dưới hàng rau đó! Ít ai đem đồ cho ông may nên ổng sẽ nhận may cho chị trong dịp này.
Mặt cô Sáu tươi hẳn lên. Cô không ngớt cảm ơn bà bạn hàng tốt bụng, rồi giục con em:
- Đi! Đi với cô may áo! Chặp nữa biết chỗ rồi con dắt chị Hạ đi may.
Dứt lời Cô Sáu dẫn con em đi xuống khu hàng bán thức ăn thay vì đi về hướng hàng may như lần đầu.
Con chị ngồi một mình coi hàng cho cô Sáu và mơ màng với cái áo dài tưởng tượng. Một người đàn bà đến quầy; sau khi chọn chiếc áo cánh vừa ý, hỏi nó gíá. Lúng túng không biết trả lời, nó gọi to cầu cứu:
- Cô Mận ơi, nói dùm con giá tiền cái áo này. Bác này muốn mua mà con không biết giá!
Cô Mận chạy sang, xem xét kiểu áo, nói giá và thu tiền cho nó. Cứ thế, con chị trở nên dạn dĩ chào mời khách và bán được nhiều hàng dùm cô Sáu hơn. May mắn sao, lúc này khá nhiều khách đến mua, nhận hàng, trả tiền đến độ nó không hay biết cô Sáu đã trở lại và đứng bên quầy hàng. Cô Sáu vui vẻ, hất hàm về phía con em đang đứng chờ:
- Con đi với con Vy đo áo dài đi. Ông Hào chịu nhận may cho hai đứa rồi. Để cô bán hàng cho!
Há hốc miệng vì sung sướng, Con chị nhảy xuống khỏi sạp hàng, bước đến bên em. Con em đi trước dẫn đường. Nó bước xuống khu bán thức ăn, không nói gì.
Níu tay em, con chị huyên thuyên hỏi:
- Ông thợ may đó đo áo dài cho em rồi hả?
- Ừ, Ông đo quần cho em nữa.
- Chừng nào ông cho mình lấy áo?
- Em không biết!
Nhận ra sự im lặng và ngập ngừng bất thường của con em, con chị lo lắng hỏi:
- Sao em buồn vậy?
- Em không thích mặc áo dài ngày Tết
- Áo dài đẹp hơn áo đầm chứ. Ngày thường mình mặc áo đầm rồi!
- Em không thích đàn ông may áo dài.
Con chị tiếp tục an ủi em:
- Vì không ai nhận may nữa nên cô Sáu mới đưa ổng may cho mình đó em! Không sao đâu! Có áo dài mặc là tốt rồi!
Con em không nói gì thêm, lặng lẽ rảo bước và con chị lẽo đẽo đi theo sau nó, không nói gì nữa. Đi ngang qua các gian hàng thức ăn vắng người, các hàng rau đang dọn dẹp, và các vũng nước đọng của khu hàng cá trống không, hai đứa dừng lại trước một quầy ki-ốt gỗ. Đó là một quán may nghèo nàn. Chỉ có một bàn máy may đạp bằng chân cũ kỹ. Cái phản gỗ thấp lè tè chất đầy các xấp vải, chỉ chừa một khoảnh hẹp để cắt vải. Người đàn ông đang may cũng phải ngồi một góc trên chiếc phản. Ông đạp máy lộp cà lộp cộp như thể cái bàn đạp sắp rơi xuống dưới nền xi măng. Thấy hai đứa nhỏ bước vào, ông ngừng chân đạp. Trục bánh quay của máy may kêu rin rít như muốn át tiếng nói của ông với cô con gái trạc tuổi trung học đang ngồi trên chiếc ghế gỗ vuông đối diện:
- Con lấy số đo của con nhỏ nớ cho ba. Hắn là cháu o Sáu đó! Hắn may áo dài và quần dài.
Cô con gái nghe lời, bảo con chị đứng ngay ngắn hướng mặt về phía cửa ra vào rồi tìm lấy thước dây và sổ ghi. Thẹn thùng vì người lạ chạm vào người, con chị nín thở, đứng im như lính trong thao diễn nghiêm.
Cô gái nói giọng Huế rặc:
- Thở bình thường coi nờ! Tóp bụng chi rứa? Bụng teo tẻo như ri còn tóp nhỏ thêm, may chật áo bi chừ!
Ông thợ may căn dặn.
- Nới thêm số đo cho ba! Người ta nói “nhỏ may ra bà già may vô”, may trừ hao cho chắc ăn!
Lần này con chị thở phình bụng ra. Cô gái không biết ghi số đo nào cho chính xác, ngần ngừ với con số trên tay, nhẩm nhẩm, tính tính một lúc rồi mới ghi số vào sổ. Con em đứng yên ở góc cột cửa ra vào, đưa mắt nhìn hết người này đến người kia. Khi nó nhìn con chị, con này mỉm cười với nó và nháy mắt ra hiệu chờ.
Một bà già với dáng điệu khổ sở, lụm cụm bước vào, chào ông thợ may. Sau khi trao cho ông thợ may chiếc quần cũ để nhờ ông thay chiếc sợi dây thun bị giãn, bà hết nhìn con chị lại nhìn con em rồi chép miệng nói:
- Tội nghiệp! Tết đến nơi rồi mà nhà còn có tang. Nhà tụi này có ai chết vậy anh Hai?
Nghe bà này hỏi vậy, khuôn mặt dàu dàu của con em càng tỏ ra buồn rầu hơn. Khuôn mặt nó như chảy dài xuống với đôi mắt chơm chớp như đang rơm rớm khóc. Con chị nhìn em và thầm trách con này có bộ mặt hãm tài nên đã khiến cho bà già kia hiểu lầm. Nín thở vì những đụng chạm bởi sợi thước dây, nó cố giữ người thăng bằng để giúp cô gái lấy số đo nhanh hơn.
Tiếng ông thợ may gắt gỏng trả lời sau lưng:
- Nhà hắn có ai chết mô mờ chị nói ba láp rứa! Tụi hắn may áo dài ăn Tết đó thê!
- Chời quơi! Hồi giờ tui đâu có thấy anh may đồ thường. Thấy anh chuyên môn may đồ tang không tui đâu có biết!
Câu nói của bà già làm con chị hốt hoảng. Nó ngoái cổ bất thình lình ra phía sau. Những tấm ván gỗ xung quanh quán may này không có một tấm vải màu nào giăng bày như những gian hàng may trên khu hàng may mặc. Trên cái phản gỗ thấp vô số những cuộn vải xô trắng dày cồm cộm chồng lên nhau. Nó thảng thốt hỏi cô gái:
- Bộ chị may quần cho em bằng vải tang trắng đó hả?
Cô gái lắc đầu nguầy nguậy:
- Không! Mần răng mờ có chuyện như rứa! Em có để tang ai mô mờ may vải tang? Đứng ngay lại coi nờ! Còn cái chiều dài quần nữa là xong.
Con chị chưa hết lo lắng:
- Vậy chị may cho em vải nào?
Ông thợ may rút nhanh xấp vải trắng và hai xấp vải lụa trên bàn may, chìa trước mặt nó, nói át một hơi:
- Vải ni nì. Mấy xấy vải ni là vải của o Sáu mi kêu tau may cho chị em mi. Tau không có điên mà may vải tang cho bọn mi ăn Tết. Đo xong rồi phải không? Bi chừ dắt em về đi! Nói o Sáu bốn ngày nữa đến lấy đồ.
Con chị gật đầu an tâm. Nó khoanh tay, cúi đầu lí nhí chào từ giã ông chủ thợ may, bà già và cô gái rồi dắt em ra khỏi quán. Tiếng ông thợ may cằn nhằn sau lưng:
- Chị tưởng tui không biết may áo dài răng mờ nói như rứa? Tui may áo quần xưa cho mấy ôn mấy mệ còn khó hơn ba cái đồ khỉ tân thời ngày ni nữa huống chi may cho tụi nhỏ chút chút như ri?
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 13
Tiếng pháo nổ dòn giã trước nhà bác Cả khiến hai chị em con nhỏ chạy đến cửa ra vào thò đầu ra nhìn về phía cổng trước ngôi nhà lớn. Hôm nay là mùng một âm lịch, và hai bác Cả đang đốt pháo đón mừng năm mới. Tiếng nói cười vui nhộn trước ngôi nhà lớn thu hút hai đứa nhỏ đến xem. Chúng hăm hở định mang dép chạy về phía cổng trước, bà mẹ đã ngăn lại:
- Hai đứa không được chạy vô đó!
Con em nhìn mẹ, ngạc nhiên:
Con em nhìn mẹ, ngạc nhiên:
- Sao vậy má?
- Hôm nay là ngày mùng một; đến nhà ai trước là đạp đất nhà người đó đó!
Con em bướng bỉnh:
- Con mang dép. Con không “đạp đất” nhà bác Cả đâu!
- Đạp đất không phải là đạp đất nhà người ta với chân trần hay dùng chân trần đạp trên nhà người ta. Đạp đất nghĩa là mình là người đầu tiên đến nhà người nào đó và đặt bàn chân đầu tiên của mình vào nhà người ấy.
Con chị thắc mắc:
- Vì sao người ta không cho mình tới nhà họ trước vậy má?
- Không ai cấm mình vào nhà họ sớm hay trễ cả nhưng mà bởi vì người ta tin người đầu tiên vào nhà họ quyết định một năm của họ thành công hay thất bại cho nên mình phải biết thông lệ mà giữ kẽ! Má đã giải thích nhiều lần về chuyện đạp đất đầu năm cho các con rồi mà các con không nhớ gì cả!
Con em ngồi bệt trên bậc tam cấp, lảm nhảm:
- Con đâu có “tính” vô nhà bác Cả đâu! Con chỉ đến trước sân nhà để lượm pháo thôi!
Con chị ngồi xuống cạnh em, thở dài. Cũng như con em, nó muốn vào nhà bác Cả ngay để lượm mấy viên pháo để đốt chơi, nhưng nó hiểu là không thể nào đến ngôi nhà lớn trước khi gia đình cô Mỹ hay con cháu bác Cả “đạp đất” ngôi nhà lớn ấy. Mẹ nó luôn giải thích cho chị em nó hiểu rằng không ai muốn những người nghèo bước đến nhà trong ngày mùng một bởi vì đa số mọi người đều tin dị đoan rằng những người nghèo thường có khuôn mặt buồn bã, hãm tài nên thường đem những điều xui xẻo và nghèo khó suốt cả năm. Qua những lời căn dặn của mẹ, nó mơ hồ hiểu vị trí của chị em nó ở đâu và chị em nó là ai trong khuôn viên đại gia đình. Suy nghĩ một lúc nó cất giọng người lớn nói với con em:
- Chút nữa tụi mình lượm cũng được Vy! Khi nào má dẫn mình đi chùa, ngang nhà bác Cả thì mình lượm.
Con em nhăn mặt, càu nhàu:
- Chút nữa mấy đứa con của cô chú Bảy Mỹ và con của anh Ký, chị Trịnh đến lượm hết cho coi!
Bà mẹ hắng giọng, vẻ không vui:
- Hai đứa ra sân rửa mặt mũi tay chân rồi vào thay quần áo mới, chải đầu chải tóc cho đàng hoàng, tươi tắn lên đi. Đầu năm mà ngồi giữa nhà ụt mặt như vậy sao làm ăn được chớ? Không nên ngồi đưa mặt hãm tài trước cửa nhà như vậy! Ở nhà mà đầu năm có cái mặt hãm tài như vậy làm ăn không nên nổi huống hồ tới nhà ai!
Ngại tiếng đằng hắng, con chị nhanh nhảu đứng lên, giục em:
- Lẹ đi Vy! Để má la đầu năm là cả năm bị la hoài cho coi! Rửa mặt, chải đầu xong mình thay áo quần để đi chúc Tết và lãnh tiền lì xì!
Bà mẹ ngắt lời:
- Chưa vào nhà nội được thì chưa chúc Tết ai cả! Sửa soạn xong, hai đứa lấy giấy viết ra viết vài chữ cho má. Đầu năm viết vài chữ để cả năm học giỏi!
Hai đứa nhỏ ngoan ngoãn vào bếp lấy bàn chải đánh răng rồi bước đến lu nước. Cái lu đầy ắp nước!
Ngày Tết Nguyên Đán, ngày đầu năm, nào cũng vậy chúng không những bị cấm đạp đất mà còn bị cấm động giếng. Người trong khuôn viên nhà nội chỉ được phép xách nước giếng sau khi bà nội cúng thần giếng xong, cho nên mẹ chúng đã chuẩn bị một lu nước đầy để dùng cho cả ngày mùng một.
Con em vừa đánh răng, vừa nói lơ lớ :
- Em mặc áo đầm chứ không mặc áo dài đâu!
Con chị không đáp lại. Nó hiểu chắc chắn rằng, khi con em thích mặc áo đầm thì mẹ nó cũng bắt nó mặc áo đầm theo để cho hai chị em ăn mặc giống nhau khi đi ra đường. Nghĩ đến những chiếc áo mới của ngày tết, nó thấy lòng chùng xuống. Cả chiếc áo dài mơ ước và cái áo đầm cô Sáu mua cho đều không làm nó vừa ý. Chiếc áo dài mà ông thợ may may cho nó rộng đến nỗi nó tưởng chừng mình đang bơi trong ấy. Mặc dù nó cố mặc cái áo lót dày thật dày bên trong cũng không thể nào vừa cái độ rộng mà ông thợ may trừ hao. Khi nó mặc chiếc áo dài tơ vào, thân hình cao lêu nghêu của nó tựa như cái cọ rửa chai đang lắc lư, kỳ cọ lớp trong cái chai rỗng là lớp vải lụa phất phơ, lụng thụng. Cái áo đầm cô Sáu mua cho nó chẳng khá gì hơn. Nó dài tận mắt cá chân. Với lập luận con nít mau lớn, cô Sáu đã mua trừ hao cho nó gấp hai lần kích thước thật của nó, và khi nó mặc vào, nó trông giống như mặc áo bính của ai.
Không nghe chị trả lời, con em nhắc lại lần nữa:
- Em không mặc áo dài. Em mặc áo đầm đó chị Hạ!
Con chị vào bếp đặt chiếc bàn chải đánh răng vào cái lon, rồi bước lên nhà, cũng không thèm trả lời. Con em đi sau nhì nhằng nói tiếp:
- Hôm nay tới phiên chị Hạ mặc ríp-pông đó! Chị mặc áo đầm với em nghe chị Hạ!
- Ừ, nhưng mà chị sẽ mặc áo đầm cũ chứ không mặc áo mới đâu!
Con em tròn mắt:
- Sao vậy?
- Vì không có cái áo mới nào vừa với chị cả!
- Em cũng vậy!
- Vậy hai chị em mình cùng mặc áo cũ đi nghe!
Bà mẹ rầy:
- Đầu năm không nên mặc áo cũ! Có áo mới là quý lắm rồi còn mong chi? Người lớn cho cái gì lấy cái đó không được khen chê. Không mặc áo của mấy cô cho là tụi bây phụ lòng các cô đó! Người lớn kiếm tiền cực khổ mới có của mà cho tụi bây, còn nhỏ mà bày đặt khen chê, đòi cái nọ, cái kia không tốt đâu. Thay đồ lè lẹ rồi ra viết vài chữ lấy hên!
Vâng lời mẹ, hai đứa chải đầu, mặc áo đầm mới và lấy giấy viết ra ngồi trên chiếc bàn cạnh cửa sổ. Ngồi bên nhau, trước hai tờ giấy trắng, chúng cắn bút nặn óc suy nghĩ sẽ phải viết chữ gì và câu văn nào sao cho có ý nghĩa, đó là một cực hình đối với chúng. Mẹ hai đứa luôn luôn tin rằng nếu hai đứa con bà viết một vài câu văn câu thơ gì đó gọi là khai bút đầu năm, thì văn chương chữ nghĩa chúng sẽ thông suốt, và chúng sẽ học hành giỏi giang suốt năm, cho nên bà thường đánh thức chúng dậy khi tiếng pháo giao thừa bắt đầu nổ. Năm nay bà mẹ ngủ quên. Bà đã không đón giao thừa cũng không kêu hai đứa nhỏ thức dậy lúc giữa đêm, và hai đứa nhỏ tưởng đâu đã thoát lệ khai bút đầu năm, nào ngờ mẹ chúng không quên tập tục này.
Ngần ngừ một lúc, hai con nhỏ viết tên chúng trên hai tờ giấy rồi in đậm những nét chữ. Không biết viết gì thêm, chúng đưa mắt nhìn nhau rồi cùng bật cười khanh khách. Con em vừa nói, vừa cười ngặt nghẽo:
- Chị Hạ mặc áo đầm mới thấy lạ quá hà!
Con chị vừa nguýt em, vừa cười khì khì:
- Em cũng vậy chứ bộ! Có đẹp gì đâu!
Bà mẹ nhắc chúng:
- Viết văn thơ gì thì viết đi, đừng cười giỡn nữa!
Con chị than vãn:
- Con không biết viết gì! Con không biết làm thơ mà cũng không thích viết luận văn đâu!
- Viết cái gì cũng được, không cần phải thơ văn gì cả. Viết vài chữ để lấy hên ngày đầu năm thôi.
Con chị tiếp tục than vãn và phản đối:
- Nhưng con đâu biết viết gì? Ngày lễ sao không được nghỉ mà còn phải viết chứ?
Bà mẹ đằng hắng, nghiêm giọng:
- Con học đến lớp nhì mà không biết một cái gì để viết sao? Ngày đầu năm nào cũng phải viết, sao còn làm bộ hỏi tới hỏi lui hoài vậy? Viết mấy chữ trong ngày đầu năm để học giỏi cả năm. Học giỏi cho con, không phải học giỏi cho má!
Ngẫm nghĩ một lúc, con chị hỏi mẹ:
- Vậy con viết bài Học Thuộc Lòng được không?
- Được! Viết đi!
Con em hỏi mẹ:
- Con có thể chép lại bài của chị Hạ được không má?
Bà mẹ gật đầu:
- Cũng được. Miễn là có viết là tốt rồi!
Con chị chấm ngòi viết lá tre vào hũ mực tím. Nó viết học thuộc lòng mà nó thích nhất:
Bà ơi cháu rất yêu bà
Đi đâu bà cũng mua quà về cho
Hôm qua có chiếc bánh bò
Bà chia cho cháu phần to nhất nhà.
Mỗi lần cháu chạy chơi xa
Mẹ cháu có đánh thì bà lại bênh.
Cháu không nói bậy, nói càn
Bà xoa đầu cháu khen ngoan nhất nhà.
Vừa chấm dứt giòng thơ cuối cùng, con chị khoan khoái đặt bút xuống bàn nhìn em. Con em cầm nghiêng cây bút mực nắn nót viết từng nét một. Những chiếc bóng của lá dừa và nắng lung linh tên trang giấy trắng của nó như muốn in hình vào bài thơ mà con nhỏ em đang viết. Con chị bất chợt đưa mắt nhìn lên song cửa sổ. Ánh nắng đầy ắp trên các lá đừa cho biết mặt trời đã lên cao. Vài con chim cất tiếng hót líu lo như đang đón mừng nắng mới của mùa xuân. Những tiếng pháo nổ đì đùng từ xa như khơi động mạch xuân tràn chảy vào không gian. Bỗng dưng con chị nhận ra một điều lạ lẫm. Nó không nghe thấy tiếng gọi nhau ơi ới, nô đùa náo nhiệt thường ngày của bọn trẻ hàng xóm ngoài bức tường thành dài của khuôn viên nhà nội. Có lẽ bọn trẻ hàng xóm cũng bị cha mẹ giữ trong nhà để viết khai bút đầu năm như chị em nó? Nhà nội và bác Cả cũng có điều khác biệt, không có bóng dáng một ai cười cười nói nói trong sân và không có lấy một tiếng gõ của chiếc khoen cổng. Chỉ thấy những hàng hoa được cắt tỉa gọn gàng thẳng tắp làm nổi bật màu trắng mới của nước vôi, cái vòm hình vòng cung cao đài các ở hiên trước và vẻ nguy nga tráng lệ của ngôi nhà. Vào lúc này, không vang vọng tiếng pháo nổ, không xôn xao tiếng nói cười. Mọi vật dường như lắng chìm vào thế giới trầm lặng lạ thường của ngày đầu năm. Có lẽ vì mọi người, giàu cũng như nghèo, sang cũng như hèn, đều sợ bị đổ thừa đạp đất nhà người khác nên chẳng có một ai ra đường. Và cũng có lẽ họ đang chờ người khác đạp đất xong mới đi viếng nhà nên mọi căn nhà và mọi con đường trong thành phố vắng vẻ đến tận trưa. Con chị đưa mắt nhìn xa tận phía sân gạch sau ngôi nhà lớn, qua các hàng cây trong vườn, rồi đến cái giếng nước; đâu đâu chẳng thấy một bóng người. Giờ này có lẽ bà nội, hai bác Cả, hai cô đang ngồi trong phòng khách của ngôi nhà lớn để chờ con cháu về chúc Tết. Mỉm cười với không gian yên lặng, con chị cảm thấy như thiêu thiếu tiếng la hét thường ngày của cô Út. Nó đăm chiêu suy nghĩ và luyến tiếc nhớ những buổi chợ Tết và không khí của những ngày trước Tết. Những ngày trước Tết, người người đua nhau mua sắm tấp nập cho nên đâu đâu cũng nhộn nhịp và rộn ràng; trái lại, vào những ngày Tết như bấy giờ không gian gần như lắng trầm trong yên lặng nếu không có những loạt nổ đì đùng của những tràng pháo. Tết là dịp mọi người trong gia đình quây quần bên nhau để cúng kíến, chúc tụng, ăn uống, chơi cờ, hay đánh bạc. Ngày tết trong căn nhà nhỏ của ba mẹ con nó chẳng khác gì ngày thường bởi vì bà mẹ không thể sửa soạn mâm cao cỗ đầy, chẳng một ai trong ba người biết chơi cờ bạc và cũng chẳng bao giờ họ chúc tụng với nhau những lời khách sáo. Cả ba mẹ con cứ như là một; họ không bao giờ câu nệ, màu mè với nhau mà luôn luôn cùng nhau tuân theo những tập tục mà những người trong ngôi nhà lớn áp dụng. Và bởi vì cái khác nhau giữa sự thanh đạm, đơn giản trong gia đình riêng của ba mẹ con nó và cái sang trọng, kiểu cách của đại gia đình trong ngôi nhà lớn của nội mà nó cảm thấy sự xôn xao của Tết và những ngày đầu xuân chỉ là lúc tất cả bà con của đại gia đình họ Hoàng họp mặt tại ngôi nhà lớn. Vào lúc ấy, tất cả những người họ hàng sẽ làm cho không khí trong nhà nội của chúng vui vẻ hơn và huyên náo hơn lên.
Bất chợt, không gian trầm lặng đang vây quanh con chị bị khuấy động bởi tiếng đàn phong cầm ngân vang từ phía bên kia đường. Tiếng đàn réo rắc, lan tỏa khắp nơi trong xóm như muốn phả vào mùa xuân niềm vui sống. Mắt con chị sáng ngời sung sướng. Năm nào cũng vậy, ông láng giềng người Hoa trước nhà thường dạo phong cầm bài hát người con gái Trung Hoa xinh đẹp và những bài hát mùa xuân. Con chị rất thích nghe tiếng đàn du dương ngợi ca người con gái Trung Hoa xinh đẹp quen thuộc bởi vì khi nghe bài hát này, nó hiểu là ông người Hoa kia sẽ đàn những bài xuân Việt kế tiếp. Năm nay không hiểu lý do gì ông đã không chơi bài cô gái Trung Hoa xinh đẹp nào đó mà khởi đầu bằng khúc ca xuân của người Việt. Con chị hát thầm theo tiếng nhạc “Ngày thắm tươi bên đời xuân mới. Lòng đắm say bao nguồn vui sống. Xuân về với ngàn hoa tươi thắm. Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng…”
Con em đặt dấu chấm cuối cùng cho bài thơ xong, quẳng bút trên bàn, reo:
- Em viết xong rồi!
Giật mình, con chị gắt to:
- Xong thì thôi, có gì la dữ vậy!
- Em mỏi tay quá! Nhưng mà em viết đẹp hơn chị đó!
Con chị chun mũi, hất mặt, nói móc:
- Giỏi sao không tự viết đi, chép của chị chi vậy?
Rồi nó lại lắc lư đầu và ngâm nga theo điệu nhạc của tiếng đàn. Nhìn điệu bộ của con chị, con em bắt chước lắc đầu qua lại và ngâm nga hát theo.
Bà mẹ nói:
- Ngồi đó mà hát hò! Viết xong rồi thì lo cất giấy tờ, viết mực gọn ghẽ để lấy chỗ mà tiếp khách!
Hai đứa nhỏ vừa đứng lên, tiếng khoen gỗ của chiếc cổng nhà bác Cả vang lên, cả hai vội vàng chồm người về phía trước, dí sát mắt vào song cửa.
Con em reo lên mừng rỡ:
- Gia đình của anh Ký chị Trịnh đến rồi!
Con chị hòa theo em:
- Ba đứa con trai lớn của anh chỉ cũng về nữa kìa! Minh Toàn nè, Minh Thành nè, Minh Trung nè, và ba đứa Thúy Phương, Thúy Phong, Thúy Phi nữa! Vui quá vui đi!
Tiếng sủa của hai con chó Kiki và Vàng dồn dập, tiếng người la chó, tiếng cười, tiếng nói lao xao trước cổng đã khiến cho ngôi nhà lớn trở nên rộn ràng, và nhộn nhịp hơn bất cứ ngày nào trong năm. Hai chị em con nhỏ cuống quýt chạy ù đến cửa ra vào để nhìn ra cổng trước rõ ràng hơn. Bà mẹ trách chúng:
- Không được đứng giữa cửa vào ngày đầu năm! Hai đứa trở vào dọn dẹp bàn mau lên đi!
Con em nấn ná nhìn ra ngoài cổng trước một lúc rồi nhảy cỡn lên:
- Có gia đình cô Bảy Mỹ đến nữa! Đông quá! Nhiều người đến vui ghê!
Bà mẹ nói:
- Bây giờ ba má con mình có thể vào nhà bà nội để chúc Tết được rồi. Các con dọn dẹp hết giấy viết trên bàn đi rồi đi!
Con chị hối hả chạy đến bàn học, vừa cất giấy và viết vào cặp, vừa giục em:
- Vy dọn tờ giấy khai bút của em nè! Muốn đi nhanh mà cứ rề rà.
Con em nghe chị, nhét vội các thứ còn lại trên bàn vào cặp của nó rồi cùng chị đi lấy giày.
Trước khi bước ra khỏi nhà, bà mẹ căn dặn hai đứa nhỏ chuẩn bị những câu chúc Tết mà bà đã tập cho chúng tối hôm trước rồi dắt chúng đi về phía ngôi nhà lớn.