Chương 11: Tiền
Con trai cả lấy vợ, mẹ công bố: “Toàn bộ đồ đạc trong căn phòng này không có trong trí nhớ của chúng tôi đâu nhé !” và chàng hiền lành cười cười: “Mẹ cứ để kệ con!”. Hôm ấy có mặt mình, sang chơi mà, trong lòng hoang mang biết bao nhiêu. Trời ơi, có nên lấy chàng hay không đây ? Mẹ chàng khiếp thế cơ mà ? Còn chàng, cái bến đỗ của tôi đây sao ? Liệu có an toàn cho tôi gửi gắm nốt cuộc đời còn lại của mình không đây ? Chưa biết chừng một ngày nào đó chàng nghe mẹ, dắt mình ra khỏi nhà cũng nên ! …………Nhưng thôi, chắc mẹ chồng tương lại nói vậy thôi chứ trong lòng chẳng ác ý gì. Thôi, bỏ qua và tiếp tục yêu chàng nào !!!
Vậy là 2 năm yêu nhau, ngoài tình yêu, còn có con lợn đất làm chứng. Cứ hết tháng, mình và chàng lại trích nửa tiền lương bỏ lợn. Đủ để sắm nội thất cho phòng cưới. Vừa mừng, vừa hạnh phúc, nhưng bản thân mình, còn thêm một cảm xúc nữa: tủi thân! Bố mẹ chồng chẳng cho nổi một cái…..giường.
Cuộc sống, chẳng bao giờ có tiệt toàn màu hồng. Cũng chẳng bao giờ có tiệt toàn màu đen cả. Nó là sự tổng hoà của loang lổ biết cơ man nhiêu là màu. Có lẽ vì thế mà tình yêu sau ngày vu quy, nó bắt đầu loang lổ.
Trút bỏ bộ váy cưới đẹp lộng lẫy là chữ ….nghèo. Toàn bộ tiền mừng mẹ cầm cả. Chỉ để cho chàng vỏn vẹn hai triệu. Mẹ cũng chẳng đưa danh sách cho để biết họ hàng hay bạn bè mừng bao nhiêu. Chuyện đương nhiên, sau này còn đi mừng người ta cho phải đạo. Mẹ bảo:”Ai cũng mừng như nhau, danh sách cái gì mà danh sách?”.
Chẳng còn những buổi rủ nhau đi uống cà phê hay đi ăn ở những quán quen. Dạo đó có lúc sĩ lên mình đòi trả tiền. Oai thật ! Dạo ấy, mình hỏi: “sau này lấy nhau thi thoảng anh có rủ em đi ăn tiệm cho hâm nóng tình yêu không ? ” Chàng gật lấy gật để: “Đương nhiên rồi !” Còn bây giờ, có tiêu pha gì thì là tiền của hai đứa thôi. Quá tay là chết. Bây giờ phải tự nuôi mồm rồi. Còn phải nghĩ đến chuyện ky cóp nữa.
Lấy nhau về, tay trắng. Chưa kể còn nợ vụ chứng khoán. Hai trái tim đồng tự nhủ: Lập nghiệp thôi. Dành dụm được chút ít đã rồi mới sinh em bé. Không thể sống trong căn nhà tranh được. Cố gắng lên !
Nhớ hôm lại mặt chàng rủ rê:
-Đi tuần trăng mật em nhé !
-Tiền đâu mà đi ?
-Có hai triệu đây này (chàng vỗ túi đồm độp)
-Ôi trời, hai triệu thì đi vòng quanh Hồ Tây hả anh ? Hay sang Gia Lâm, thuê cái nhà nghỉ, ở tịt trong đó mấy ngày rồi về ?
-Ừ , ý của em hay đấy. Để anh tính xem nào, nếu sang Gia Lâm, cả ăn cả ở chắc được …..gần tuần !
-Cái gì….? (Mình hét lên khi bị chàng bơm vá vào câu châm biếm)
-Hí……..Hí………..
-Anh làm thế thật em đập chết, ăn thịt, phần còn lại cho lên nóc tủ, bày hoa quả đấy !
-Ừ, anh đùa, anh đùa. Nhưng số tiền ít ỏi đó đi chỗ nào tầm như Hà Tây là được mà. Đi 3 ngày thôi.
-Ừ……….ừ………..mà thôi anh ạ. Mình đang không có tiền, anh còn phải trả nợ nữa. Không đi cũng chẳng sao đâu anh ạ. Có lẽ tiêu tiền mà trong lòng cứ nghĩ đến kiếm tiền cũng không vui đâu. Số tiền đấy anh để trả nợ anh Vân đi. Còn em, tuần này em vẫn chưa hết phép, em sẽ ở nhà với bố mẹ cho thân mật. Cơm nước cho gia đình. Rồi sau này, chúng mình có tiền, chúng mình đi sau.
-Em việc gì phải thế ?
-Thôi, em để dành tuần trăng mật đến khi nào chúng mình bớt khó khăn hơn cũng được mà.
Chàng không nói gì, cũng chằng dỗ dành gì mình nữa. Chàng quay mặt đi, ngồi một xó, cúi mặt xuống , và…………chăm chú chơi điện tử trong điện thoại di động của chàng.
Mình cũng không nói gì, lặng lẽ ra đứng dựa cửa sổ, trong đầu mênh mang mong đến ngày mà mình bảo chàng là sẽ bớt khó khăn hơn, rồi đôi khi ý nghĩ về những lịch trăng mật của những đứa bạn xen ngang sự mênh mang của mình. Mình ngước nhìn lên chỗ có mây cao nhất, để nhìn, mà……..cũng để nước mắt đan ngấn đầy đỡ trào ra.
***
Tháng đầu tiên…
Đã đến lúc phải đóng tiền ăn cho mẹ chồng rồi. Chẳng biết phải đóng bao nhiêu. Hỏi các chị trong công ty, mỗi bà một ý. Kinh tế mỗi nhà một khác nên cái khoản tế nhị ấy mỗi người một ý riêng thôi. Bọn con gái chưa chồng, đương nhiên nó cũng như mình dạo nọ. Đi làm có bao nhiêu thì đắp vào thân. Biếu bố mẹ đẻ được bao nhiêu thì biếu. Có hỏi chúng nó, chúng nó biết trả lời mình ra sao.
-Tao bảo này, vợ chồng mày nghèo, lại chỉ ăn có một bữa ở nhà, lại đi làm cả ngày, tối về có tí thì đi ngủ. Tính ra có mấy tiếng ở nhà. Chắc mỗi đứa năm trăm !
-Mà có khi chúng nó còn chẳng buồn bật đèn ấy chứ, giảm trừ được khoản tiền điện, ba trăm thôi em ạ !
-Ừ, đứa nào da đen là đều ngại bật đèn cả!
-Ha….ha….ha……
Mấy bà chị tệ bạc luôn biến mọi câu chuyện về một vấn đề mà ……tất cả chúng ta đều hiểu. Tự dưng, cả hội đồng cố vấn cười ha hả vì vấn đề không thắp đèn.
-Thế thắp đèn ngủ thì nộp bao nhiêu các bà ơi? Các bà bậy bạ quá, để cho mấy đứa kia chúng nó còn lấy chồng chứ.
-Ôi trời, bọn này bây giờ khôn lắm, không tồ như chúng tao ngày xưa đâu
-Ha…….ha……ha………..
Sau 2 ngày tham khảo ý kiến bạn bè, cô gì chú bác…
-Anh đưa tiền cho mẹ nhé !
-Thôi, em đưa đi
-Anh buồn cười nhỉ, anh là con trai mẹ cơ mà. Em ngại lắm. Sao việc gì động đến tiền anh đều ủn cho em thế.
-Em đưa đi. (Chàng kéo dài giọng ra điều khó chịu. Chàng vẫn luôn là thế, cái gì ngại là trốn tiệt. Đồ đểu !)
Nói rồi chàng biến mất. Chối bỏ trách nhiệm vụ gửi tiền ăn. Chàng vẫn tệ như thế. Từ ngày lấy chàng, chưa thấy chàng che trở gì cho mình cả. Chàng cứ để mặc mình trước mọi cơn gió mới. Những cơn gió mà dù mạnh hay nhẹ cũng khiến mình choạng vạng, lơ quơ không biết bấu víu vào đâu. Vì có cái mái che là chàng thì chạy mất tiêu rồi. Thôi chết, thế nhỡ sau này có bão thì sao? Không lẽ, mình vẫn chỉ có một mình thôi sao?
Thụt thò mãi ở cửa bếp, chỉ khi mẹ ngước mắc nhìn lên, mình mới dám bước vào. Lạ thật, cái dạo còn gọi bằng bác ấy, sao tự nhiên thế. Đến nhà là Lý Thông cười nói tưng bừng, chuyện trò bả lả nghe chừng vui tươi. Rồi còn vào bếp nấu hộ con bạn cái gì cũng ra dáng nữa chứ. Vậy mà về làm dâu được một thời gian rồi, đứng ở cửa bếp cũng sợ, nhìn thấy mẹ chồng cũng sợ. Căng thẳng vô cùng.
-Mẹ,
-Ờ, cô đi lên nhà đi, xuống đây làm gì ?
-Mẹ ơi, Tháng này vợ chồng con mới cưới, chưa có nhiều. Anh Hậu lại còn lo tiền làm ăn nữa, nên ……….(ngập ngừng không nổi, mình cười trừ). Con biết là bố mẹ vất vả vì chúng con, nên đáng lẽ chúng con phải đóng góp nhiều hơn….
Mẹ ngửng mặt lên nhìn mình chằm chằm làm mình bối rối. Mẹ lắng nghe xem con bé rườm rà này nói những gì. Mình căng thẳng ! Có lẽ những lần tập thuyết trình cho buổi hội thảo hoặc đứng lớp giảng cho các khoá đào tạo nhân viên mới ở công ty cũng không đến nỗi như thế này. Cơ mà chẳng lẽ tắt đài ngay lúc này à ? Lại tiếp tục lí nhí bài nói dở dang thôi:
-Nhưng thôi, chắc bây giờ còn thiếu bao nhiêu thì bố mẹ cho bọn con. Rồi sau này…
-Thôi được rồi, nộp tiền ăn chứ gì ?
-Dạ………….ơ………….vâng.
Bài diễn văn còn chưa nói hết. Bao nhiêu sự chuẩn bị còn chưa thể hiện, ấy vậy mà mẹ đã hiểu ý mà cắt ngang sự run rẩy của mình. Sự cắt ngang ấy làm mình im tịt mà còn ngơ ngác. Chẳng biết phải nói tiếp cái gì cho mẹ nghe. Thôi chết, quên sạch những gì mình còn chưa nói, mình ngại ngùng đưa mẹ cuộn tiền gập làm 4 đang dấu trong tay. Mẹ ơi, may mà mẹ hiểu ý !
***
Lần đưa tiền tháng sau…
Mình đã thành ma cũ. Đỡ lo lắng và trơ hơn nhiều. Nộp cho mẹ gấp rưỡi lần trước, có lẽ vì thế mà tự tin lên không ? Chẳng có bài diễn văn nào cả, ngắn gọn mà sao tình cảm ơi là tình cảm:
-Mẹ ,mẹ ….
-Gì thế ?
-Tiền về …….tiền về…mẹ ơi !
-Ừ ừ, tiền về ….tiền về . May quá, dạo này tao thua hết cả tiền. Thế này là được rồi !
Mình hả hê sau khi chuyển khoản cho mẹ đúng lúc. Mẹ thì vẫn vui như mọi khi. Cuộc sống mà, rồi sẽ thích ứng hết thôi.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 12: Tịt
Hai tháng sau…
Mẹ chạy huỳnh huỵch lên gác 3 đầy giận dữ:
-Cái vỏ bao bì băng vệ sinh trong thùng rác là của mày à?
-Ơ….dạ….vâ…n..g ! Nhưng nó chỉ là cái vỏ túi thôi ạ ? (Mình lo sợ và ngơ ngác trả lời mẹ)
-Tao không nói chuyện ấy, tức là mày vẫn chưa có gì hả?
-Ơ….
-Tao lại cứ tưởng mày …Ôi giời ơi !
Đoạn thở dài ngao ngán, mẹ không dấu nối nỗi thất vọng và giận dữ trong ánh mắt nhìn mình. Còn cô dâu bé nhỏ, vừa sợ lại vừa lo !
Mẹ cũng như bao bà mẹ thương con khác, mong có cháu cho vui cửa vui nhà. Các bà cùng hội “hai số cuối” của mẹ bà nào cũng có cháu hết rồi. Chỉ có mẹ là vất vả nuôi các con ăn học, rồi đến năm 32 tuổi, anh con trưởng mới nhấp nhểnh đi lấy vợ. Mẹ không mong sao được. Tối nào cũng vậy, vào lúc tiếng nhạc “sổ số ca” trên ti vi rộn rã, là các bà bế các cháu tụ tập. Có cô bé Chích Bông mới hai tuổi đầu, đã biết hét lên: “kết ….kết…” và chập chững đi tìm sổ cho bà chép kết quả. Còn những đứa khác thì nhảy tưng tưng theo nhạc. Mẹ ngồi đó, chỉ có một mình, nách không mang theo cháu nào cả. Chắc mẹ cũng buồn.
Dự định tích cóp đã rồi mới sinh em bé bị dập tắt thẳng thừng khi có một hôm mình đi làm về sớm la cà buôn chuyện ở bờ giếng làng. Mọi người cứ hỏi chuyện, rồi có người nhìn mình với ánh mắt thương cảm, có người lại còn vỗ vai an ủi. Chả hiểu ra làm sao cả. Cuối cùng, sau tiếng đồng hồ đấu tranh khai thác, mình cũng hiểu nguyên nhân.
-Này, em nói nhỏ..
-Hả …hả….cái gì mà bí mật thế
Mình hí hửng lắm, cô em họ chồng tỏ ra thân thiện bá vai bá cổ mình chuẩn bị lộ bí mật gì đây. Chuyện bí mật, nói thật, phụ nữ nào cũng muốn nghe. Một trăm người phụ nữ, thì có đến một trăm lẻ một người thích thầm thì. Nhưng…mấy ai giữ được bí mật.
-Mấy hôm trước ấy, mẹ chị ngồi đây nói chuyện này…
-Ừ….ừ…
-Mẹ chị kể với các bà ở đây về chị nhiều lắm. *********** cười, bà còn bảo là chị bị tịt đấy ….ha….ha…
Ơ hay, sao lại thế ?
Mình không thốt ra câu ấy, nhưng trong lòng bỗng chột dạ thốt lên câu ấy. Cái mặt hứng khởi đón chờ câu chuyện bị tưng hửng trong nháy mắt. Trong tiếng cười ha…ha ấy, mình biết, cô em họ chỉ buồn cười các cụ già thôi. Nhưng…
tự dưng…
mình….
thấy bị tổn thương.
Mẹ vẫn vậy, ừ, ai chẳng vậy. Nhưng sao mẹ nỡ nói mình thế chứ. Bản thân mình còn không biết mình có tịt hay không mà.
***
-Ha…ha….ha…
-Sao anh lại cười? nh càng cười, em càng buồn lắm.
-Trời ạ, em cứ như cây xấu hổ ấy. Đúng là ….
Nói rồi chàng dí vào trán mình cái ngón trỏ đáng ghét. Gạt tay chàng ra, mình chẳng buồn kể chuyện cho chàng nữa. Kể chuyện cho chàng nghe mà chàng làm như mình kể chuyện cười ấy. Chàng không bênh mình gì cả.
-Anh biết tình hình chúng mình rồi đấy. Không lẽ mẹ nói vậy mà anh lại chế giễu em à?
-Úi giời, Hiền tịt, ha….ha…..Hiền tịt !!!
-Im đi, đồ tồi. Có anh tịt thì có. Trông cứ như con cò hương thế kia, tịt là cái chắc.
-Này, quên đi nhé, đây là nhà vô địch !
Nói rồi chàng gồng đôi bắp tay như cái cẳng cò lên mà gồng. Cái mặt cười toe toét để lộ hàm răng khấp kha khấp khểnh. Càng nhìn càng bực.
-Này anh, gồng vừa thôi kẻo đứt gân, lăn đùng ra đấy thì chết đấy. Mai cả làng Đông này lại kháo nhau là Hậu vừa tịt vừa bị đứt gân bắp tay. Thật tội.
Chàng không ra vẻ nhà vô địch nữa, lẳng lặng lao ra giá sách, cầm lấy vỉ thuốc của mình, ném vào sọt rác.
-Thôi, anh quyết định rồi, chúng mình sẽ sinh em bé.
-Anh có nuôi nổi em không? Lương em thấp lắp đấy
-Nuôi được.
-Anh có dỗ được con mỗi khi nó khóc đêm không ?
-Ngon lành !
-Anh có biết sinh em bé phải chuẩn bị cẩn thận lắm không ?
-Kệ, đến đâu tính đến đó.
-Anh có sợ em đẻ con gái không ? Mà không khéo em đẻ con gái, mẹ lại lấy lá chuối lót tay đuổi em đi cũng nên.
-Con nào cũng được.
-Điêu
-Hề….hề………..
Thế là chàng vứt hẳn vỉ thuốc của mình đi rồi. Phí thật, mới uống có 10 ngày. Chàng bậy bạ thật !
***
Một Tháng tiếp theo…
Mình vẫn đi đi về về những ngày làm công ăn lương đều đặn. Và tất nhiên, vẫn diễu qua cái cổng đầu làng và cái bờ giếng lúc nào cũng đông người. Mấy ánh mắt càng ngày càng bám sát mình hơn. Có người còn thở dài, chép miệng nói mình là con cá rô. Ghét họ thật, mọi ngày đi ăn bún cá rô, thấy bát bún ngoài thịt còn đầy trứng đấy thôi !
Một tháng tiếp theo nữa…
-Sao lại có giống gì mà điếc thế không biết. Ăn bao nhiêu chỉ thấy đắp hết vào người vào mỡ. Tịt cả đít để đẻ.
Tiếng ai đó đang nói ở ngoài ngõ vọng vào ban công tầng 3 làm mình kéo chăn lên chùm đầu. Mình không muốn tin đó là giọng của mẹ. Mình càng không muốn xuất hiện trước đám đông nữa. Mình chỉ muốn có chàng ở đây để chàng hiểu những lúc không có chàng thì như thế nào. Mình thấy mình cô đơn.
Dạo này công nhận đã thành ma cũ trong nhà rồi, công nhận bố mẹ không còn khách sáo với mình nữa. Có gì là bố mẹ nói luôn. Mình có kể chàng cũng không tin. Thường là thế, đàn ông họ nghĩ: đúng là chuyện đàn bà ! Nhưng họ cứ thử làm đàn bà một lần xem, chả sợ chết khiếp với thù trong giặc ngoài ấy chứ.
***
-Hiền này, ra đây chị bảo, nhanh nhanh lên !
Chị Mười cấp dưỡng của công ty vẫy vẫy gọi mình ra đầy trìu mến. Hai chị em quý nhau lắm. Lần nào xuống phòng ăn của công ty trước giờ cơm trưa, chị cũng cho mình ăn vụng đồ ăn.
-Chị có mớ rau muống nhà tự trồng sạch lắm, chị bó thêm mang cho em này.
-Trời, chị làm gì mang đi cho vất vả. Em không cầm đâu, ngại chết đi được. Chị để mà bán. Chết thật đấy. Cứ tự mình làm khổ mình.
-Chị nghèo, không có gì cho em, bó cho em mớ rau, em đừng chê chị mà.
Tấm lòng của bà chị làm mình không nỡ từ chối nữa, mình cầm mớ rau, cảm ơn chị mà trong lòng thương chị ấy quá. Lấy chồng từ năm 19 tuổi, một nách nuôi chồng và 2 con, giờ lại vác bầu đứa thứ 3 nữa, vậy mà tình cảm với đồng nghiệp vô cùng. Chẳng phải người đi làm nào cũng có được tấm lòng như chị. Nhưng, mình không biết rằng mớ rau ấy là họa sát thân của mình…
***
-Mày phải xem lại mày đi, mày về làm dâu nhà tao bao lâu rồi mà mày không nghĩ cho nhà tao là thế nào ?
Mâm cơm tối vừa đặt xuống, cả nhà còn chưa kịp ngồi, thì bố đã trút cơn sấm sét lên đầu mình. Vậy là tất cả chạy sang phòng bên trú mưa. Còn mình, mâm cơm, và bố chồng.
-Nhà tao gia giáo bao nhiêu năm, con cái học hành đàng hoàng. Mày cũng được ăn học tử tế, thế mà mày ….đến cả mớ rau muống mà mày cũng đi xin. Mày làm tao xấu hổ quá. Xấu hổ với làng xóm xung quanh. Ngày mai ra ngoài đường tao còn biết nhìn mặt ai.
Mình quỳ xuống bên mâm cơm, chẳng có ai bênh vực, chàng cũng dạt đi trú cơn sấm rồi. Bố cứ nói, nói nhiều lắm, bố gằn giọng, đủ nhỏ để mình thấy thắt lại trong lòng. Khi còn con gái, bố mẹ đẻ mắng, sao không thấy thắt đến thế. Mẹ đẻ có mắng, có khi còn cãi cố. Giờ …chỉ biết lặng im mà nhìn xuống đất.
Bố vẫn nói, những lời bố nói tỉ lệ thuận với nước mắt trong lòng mình. Nó nhiều quá, trào ra cả mắt, đơn độc và….xót xa.
-Mày về đây, bố quý mày như con. Bố thương mày con một không biết gì, quen được bố mẹ làm cho hết. Nhưng mày không biết nghĩ gì cả. Mày càng ngày càng quá đáng hết lần này đến lần khác. Mày về đây, tao có khiến mày chào hỏi tao đâu. Nhà tao ba đứa con, đứa nào đi, đứa nào về đều không phải chào. Thế mà mày…..mày chào từ đầu xóm đến cuối xóm, khác gì mày bảo tao không biết dạy con.
Nỗi ấm ức như một cục đất nghẹn tắc trong cổ làm mình chỉ biết khóc. Bài nói dài gần hai tiếng của bố đã kết thúc, mọi người trong nhà đã ngồi vào mâm cơm, mà chàng chẳng mảy may nói một lời. Cầm bát cơm, vừa khóc vừa ăn, mình không nuốt được nhưng cũng không dám bỏ cơm, sợ tội còn to hơn. Không dám bỏ công việc rửa bát trọng đại của mình. Còn bố, bố bỏ về phòng đóng cửa. Bố bỏ cơm.
11h đêm, mình vẫn khóc. Không hiểu sao lần này mình không tự dỗ nổi mình nữa. Khóc từ 6h chiều đến giờ, cứ như là ăn vạ ấy, lấy đâu ra mà nhiều nước mắt thế. Lúc này, mình chỉ cần bờ vai chàng chìa ra, chỉ cần chàng vỗ vỗ vào lưng mình ai ủi. Mình sợ chàng bênh mình mà điều tiếng với bố mẹ. Mình chỉ cần lúc này, chỉ có hai vợ chồng, chàng hãy là mái che cho mình nép thôi. Nhưng…
-Thôi, nín đi !!!
Chàng kéo dài cái giọng đầy khó chịu. Hết, cái mái che chỉ dành cho mình duy nhất một mẩu câu gồm ba từ ngắn gọn. Rồi chàng lôi sữa chua ra ngồi ăn cho trận bóng đá trên ti vi thêm hứng thú. Chàng quên mất là chàng có vợ, chàng quên mất là mình bỏ bố bỏ mẹ để đến nơi này vì yêu chàng, chàng quên mất là mình vẫn đang ngồi ở góc phòng, bịt miệng khóc vì sợ ai đó nghe tiếng, chàng ơi…
-Nhà anh rộng quá, một trăm mét lận, nhưng không có lấy nổi một mặt gạch lát cho em dung thân.
-Khổ thế nhỉ, không sao đâu, em cứ như thế thì sống với ai được.
Cố nén không ào cơn khóc to quá khổ kẻo tầng 1 và tầng 2 nghe tiếng. Mình nói với chàng điều đó chỉ để mong một chút gì nữa vỗ về. Nhưng không.
Bỏ lên trần phơi quần áo, ngồi bệt xuống, bịt miệng kẻo vỡ òa, nước mắt vẫn nhiều thế, nóng rang cả mặt, mình nấc lên: Mẹ ơi, cho con về với !
***
Ngày hôm ấy dài quá, mãi không hết. Mà có lẽ vẫn dài mãi, đến bây giờ vẫn chưa thể nào quên. Không biết có phải do bố mẹ chồng nghĩ mình tịt nên ghét mình hơn không? Chỉ biết rằng đêm hôm ấy, mình vẫn ôm mặt khóc thay cho ngủ, chàng ăn xong sữa chua, ngồi nhìn mình một lúc rồi ngủ gật. Còn bố, lục tục đi nấu mỳ tôm.
Ngày hôm ấy, mình không biết rằng mình đã có bầu.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 13: Hậu chiến
Ngày ác mộng cuối cùng cũng qua đi. Nặng nề và thất vọng nhiều như cơn mưa trái mùa của buổi sáng hôm sau. Mưa tầm tã, mưa nặng hạt. Mình không đi làm nữa, hai cái mắt sưng húp làm mình ngại xuất hiện trước mọi người. Lại trăm nghìn câu hỏi của đồng nghiệp, của người đi đường và của bạn bè quan tâm. Nhưng mình sợ hãi nếu phải ở nhà, mình cảm thấy lạnh đến tận xương sống khi chàng đi mình còn lại một mình. Rồi đến bữa cơm, sẽ phải làm sao ? Nhịn thì mình không nhịn được rồi, còn ăn ? Tất nhiên không thể nuốt trôi.
Vẫn sắp đồ ra xe, lặng lẽ, mẹ chạy theo mình nói nhỏ:
-Này, mày đi thì mày cứ đi, đừng có chào ông ấy đấy nhé. Ra ngõ cũng không được chào ai hết. Nghe rõ chưa.
Mình im lặng, không phải vì láo, mà là không biết vâng hay phản đối. Bố mẹ dạy nhưng sao lại quái đản thế. Chẳng biết có nên nghe hay không? Sắp xong đồ, mình vẫn quyết định chào bố mẹ thật to rồi đi. Thôi kệ, cứ coi như mình cãi lại mẹ vậy. Không khí u ám lặng im sẵn từ buổi sáng bỗng sống động hẳn. Bố đóng cửa phòng đến rầm, mẹ nhìn theo khó chịu. Kệ, dù sao mình vẫn cứ chào. Tí nữa, ra ngõ, mình chào cả làng, để xem bố mẹ sống được với mình bao lâu. Đang sẵn chán đời đây, giờ thế nào cũng được.
…
-Mẹ ơi! Đó là tất cả câu chuyện hôm qua đấy. Lúc ở trên trần phơi quần áo, con chỉ muốn chạy ngay về đây thôi. Con muốn đi ngay lập tức, bỏ hết, không mang theo gì cũng được. Con gọi mẹ nhiều lắm chẳng biết mẹ có cảm thấy gì không?
-Ừ, mẹ cũng không ngờ con lại ra nông nỗi ấy. Sao ông bà ấy lại ghế thế nhỉ? Lúc sang xin cưới, bảo với mẹ là thương con nhất, quý con nhất là gì. Lần nào sang chơi, cũng bảo gia đình lao động nên quý con người lắm cơ mà. Vậy mà như thế sao? Mẹ không ngờ đấy. Lúc ấy con không về đây? Khổ thân con gái của mẹ.
Mẹ ôm lấy mình đầy xót xa. Cái mặt mẹ vốn đã khổ khổ nay trông càng tội. Mẹ xoa đầu mình trong lòng như lúc mình còn bé. Ôi, ở đây mới bình yên làm sao.
-Vâng, mẹ biết không, ngay lúc con đứng giậy để đi, tự dưng con chợt nghĩ: con được cưới xin đàng hoàng, có 7 cái xích lô lọng vàng đón rước. Ngày cưới, họ hàng hai bên phát biểu đủ thứ, vậy mà con lại ra đi trong đêm tối lặng lẽ thế này sao? Đi thì dễ, nhưng trở về mới khó. Liệu đến khi anh Hậu sang đón con về, xin lỗi đủ điều, thì bố mẹ chồng con có quên được ngày con bỏ đi hay không ? Người ta bảo phải tu 10 kiếp, đến kiếp thứ 10 mới được duyên vợ chồng với nhau, con cũng đâu nỡ bỏ lại anh Hậu, để rồi gặp lại nhau biết nói gì cho đỡ sượng sùng? Nên con chỉ biết ôm mặt khóc mà ở lại thôi mẹ ạ.
Mình vừa xình xịch khóc vừa kể cho mẹ nghe cơn ác mộng đó. Bản năng vô thức, dắt xe ra ngõ tự cái tay chỉnh lối để về với đấng sinh thành. Ùa vào lòng mẹ rồi khóc. Mẹ cũng xót xa, từng nếp nhăn nặng trĩu lại. Mẹ cho rằng đó là lỗi của mẹ, vì chính mẹ ra sức miệt thị tất cả các chàng trai khác mà dỗ mình lấy cái ao bèo.
-Ừ, con nghĩ được thế thì mẹ yên tâm rồi. Thôi, nín đi. Trưa nay ăn cơm với mẹ nhé. Thích ăn gì mẹ nấu ? Canh cua nhé !
Gạt nước mắt, mình cười méo mó trong lòng mẹ. Trời ơi, sao nó ấm đến lạ kỳ. Chẳng bù đêm qua lạnh quá.
…
Buổi chiều, mình đi làm như bình thường. Vết thương của con voi còi đã lành lại sau nhiều chắp vá của sự an ủi. Tính mình hay quên, mải lao vào công việc và những tán láo của đồng nghiệp lại làm mình lấy lại cân bằng nhanh chóng. Mình chỉ sợ 5h chiều thôi. Sợ về lại cánh cổng xanh ấy.
…
-Sao hôm nay em đi làm về muộn thế ?
-Vâng, em nhiều việc, làm nốt mới được về. Bản thiết kế cần đến 4 phương án.
-Có thật không ? (Chàng nhìn mình tinh quái)
-Thật !
-Anh không tin, anh biết em mà.
-Mà ừ thế đấy, (mình đổi giọng bất bình), anh biết nguyên nhân mà còn hỏi à. Mọi chuyện là từ anh cả đấy.
-Sao lại là anh ? (Chàng mở to mắt ra vẻ ngây ngô)
-Anh nỡ để em một mình ở phòng khách. Trời đánh còn tránh miếng ăn. Thế mà em không có một ai che trở. Em về đây, chỉ có anh là người thân duy nhất. Em bơ vơ trơ trọi khi anh làm bạn với ti vi và cốc sữa chua. Anh có cần phải đối xử với em thế không ?
-À, ùi, (chàng xuề xòa) em chấp nhặt lâu thế. Em bảo anh biết bênh em thế nào ? Càng làm căng thẳng trong nhà ra thôi.
-Em không bảo bênh em. Em cũng sợ anh phải đứng giữa bố mẹ với em. Và em không có ý định ấy. Nhưng ít nhất anh cũng phải giải thoát cho em chứ ?
-Giải thoát ?
-Vâng, em chỉ cần anh ra vẻ cáu lắm, bực lắm. Anh xông vào mắng em. Rồi quay ra bảo bố mẹ cứ bình tĩnh, đừng bận tâm mà hại sức khỏe, để con giạy vợ con. Rồi anh lôi xềnh xệch em lên phòng ra vẻ như sắp đánh em đến nơi ấy. Đóng cửa phòng lại, em thì được giải thoát, còn bố mẹ thì được hả hê. Có phải hơn không ?
-Ui giời, ai mà nghĩ được như em ?
Chàng chỉ cười rồi lôi điện thoại ra chơi điện tử. Hình như chàng không tiếp thu ý tưởng mới của mình. Bao giờ hãng NOKIA mở giải thưởng cho những người đàn ông nào dành cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp game mobile thì chắc chàng được cúp vàng danh dự ngay lập tức. Bực lắm, mình mở máy tính đọc tin tức rồi làm nốt công việc dở dang ở công ty. Hôm nay mình lại làm việc khuya. Kệ cho chàng cười, mình sẽ trả thù.
…
-Hiền ơi !
Tiếng hét ở nhà tắm thất thanh làm mình mắt nhắm mắt mở lồm cồm bò giậy. Hôm qua, mình 2h sáng mới đi ngủ. Còn chàng, cái ao bèo vô tâm, con người đáng bị trả thù và trừng phạt, chàng đang kinh hãi trước gương với bộ râu mèo bằng bút bi được vẽ cẩn thận khắp má và mũi. Kỳ cọ mãi không hết, chỉ mờ.
Kệ chàng, để sàn chứng khoán hôm nay thiên hạ được biết thế nào là sự trừng phạt của Hiền !
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 14-15: Mẹ
Không biết mọi đứa con trên đời có ai giống mình không, chứ mình từ bé đã thích ngửi mùi mồ hôi của mẹ. Mỗi lần ngủ, gối tay mẹ, hay rúc nách mẹ, cứ hít hít ngửi ngửi, rồi cười tít mắt.
Đời mẹ vất vả, chưa khi nào, chưa lần nào thấy mẹ được bình yên.
Cô gái quê lớn lên ở cái vùng thuần chất cấy lúa một nắng hai sương. Năm anh chị em, mẹ không phải là lớn nhất, nhưng lại chăm chỉ nhất. Bế em chẹo cả xương hông, đi cấy lúa đ********* cắn đầy hai bên bắp, mang cơm cho bố ngoài đầu làng, cũng phải cầm kéo học nghề cắt tóc. Chẳng có gì là không làm. Nhưng mẹ vẫn xinh lắm lắm. Gì kể:
-Mẹ mày chắt bóp từ trong máu. Cóp tiền mua được con chó con, nuôi được cho nó lớn thì bố và anh trai mang ra thịt. Mẹ mày khóc. Cả nhà bảo: cũng ăn mà, khóc cái gì ? Thế là mẹ nhịn. Bà ngoại mua cho ba chị em gái ba tấm mía, hai gì ăn hết, mình mẹ mày dành dụm cất đi. Mấy ngày sau mía mọc mầm, không ăn được nữa, mẹ mày nhịn. Đi bộ đội, đến khi được nghỉ phép, về đến đầu huyện, đứng khóc vì không biết đường về nhà. Cả đời chỉ quanh quẩn trong cái làng bé con con bên bờ sông nước đục, một năm chỉ một vài lần được lên xã, nên cổ lỗ sĩ vô cùng.
Rồi mẹ chuyển ngành, đi học trung cấp Thương Nghiệp để ra làm thủ kho cho công ty Bách Hoá Hà Nội. Còn các gì, chẳng phải đi bộ đội, chẳng phải hô hào vì nhân dân quên mình, chẳng phải phấn đấu để được nhiều bằng khen, nhưng bà nào cũng làm một chân to trong toà án và sư phạm. Khi các gì mỗi người có hai cái nhà. Mẹ vẫn chui ra chui vào cái nhà lợp giấy dầu. Âu cũng là cái số. Ai bảo vì nhân dân quên mình !
Mẹ gặp bố, đồng ý lấy bố với tình thương nhiều hơn là tình yêu. Vì bố ốm yếu, đi khập khiễng và là đứa con bị kỳ thị trong gia đình. Lúc ấy, mẹ đã ba mươi hai tuổi. Nhưng nhìn mẹ, ai cũng tưởng mẹ chỉ mới hai nhăm. Mẹ trẻ và xinh đẹp.
Ngày nhà trai từ Hà Nội về quê xin cưới, các bá quan văn võ thi nhau thách cưới. Ở quê là thế, nhất là mẹ lại lấy được một …….anh Hà Nội, con ông to.
-Một trăm thúng bánh nướng, một trăm thúng bánh dẻo, mười cân chè ngon…
-Thôi, nhà bác không phải kể ra nữa đâu. Nhà chúng em cũng chỉ là bộ đội, không có nhiều thế đâu. Chỉ có cân chè Thái Nguyên với tút thuốc Điện Biên thôi, bác nhất trí thì để hôm tới ăn hỏi em cho cháu mang tới.
Nói rồi bà nội đứng dậy xin phép ra về. Lúc ấy, ông nội mình là vụ trưởng vụ 1 bộ Công Nghiệp Nhẹ. Bà ngoại thì hiền lành, các quân sư nói sao thì gật đầu vậy. Chồng mất rồi, hai anh con trai lớn thì đi bộ đội. Gả chồng cho cô con gái đầu tiên chẳng biết đâu mà lần. Nhưng nghe thấy bà nội mình nói thế cũng biết tự ái. Tự ái dấu trong lòng thôi.
Mẹ cuối tuần về làng, nghe tin thì uất quá, lên ngay Hà Nội để tìm cho được con người nhu nhược ấy, con người phụ bạc ấy. Nhưng rồi ông bà nội lại dỗ dành. Và loanh quanh vẫn dẫm phải …bố. Y như mình, loanh quanh thế nào vẫn dẫm phải người vô tâm như…chàng.
Sinh mình ra trong cơn đẻ khó. Đau ba ngày mà không đẻ được. Đến khi nhảy ổ, bố biết tin mẹ xong rồi thì chạy tít về nhà báo tin, bỏ mặc mẹ vừa đau vừa đói, vừa lẻ loi trong bệnh viện. Ông bà nội thấy bảo đẻ con gái, giống ông nội như đúc mừng lắm, ăn cơm xong bảo nhau mai vào thăm. Chỉ có mỗi ông cậu của bố ở quê lên chơi, vội vàng đạp xe mấy cây số tìm mua cho mẹ bát phở. Mẹ kể: “mẹ mang ơn cậu ấy suốt đời, chẳng bao giờ quên.”
…
Hết cấp một, mình kể với mẹ:
-các bạn cùng lớp cứ trêu quần áo con mặc. Con chẳng mặc quần áo mẹ khâu nữa đâu. Mẹ mua cho con bộ quần áo mới đi.
Mẹ cười hiền từ nhìn mình thì thầm:
-Con chịu khó mặc lại quần áo của các cô các chú, mẹ sẽ khâu đẹp hơn. Bao giờ con lớn, mẹ sẽ cho con ăn diện nhất cái khu tập thể này .
Nói rồi mẹ lại ngồi chăm chú khâu cho mình cái váy đồng phục.
Ngày khai trường, cả trường mặc đồng phục áo trắng váy xanh đẹp ơi là đẹp. Chỉ có riêng mình mặc cái áo trắng cháo lòng và váy xanh màu bộ đội. Cô giáo nói:
-Em không đóng tiền mua đồng phục à ? Vậy đứng cuối hàng nhé, kẻo lớp mất điểm thi đua.
Về nhà nước mắt ngắn nước mắt dài, chỉ có mẹ là hiểu. Mẹ mua đền bù cho con gái miếng đu đủ. Mẹ bảo:
-Bữa nào thấy có miếng vải nào giống của các bạn, mẹ lại khâu cho con cái váy khác. Còn áo trắng, các con hay nghịch bẩn, đằng nào chẳng giống nhau.
…
Năm mình học cuối cấp hai, mẹ về hưu non. Bố về mất sức. Chẳng còn biết sống kiểu gì. Bố không có ý định đi tìm việc làm. Bỏ mặc thùng gạo bao giờ vơi bao giờ đầy. Giấu tạm nỗi quyến luyến, mẹ lên Mộc Châu đi làm giúp việc cho anh trai cả. Ba năm sau mới về. Những năm tháng ấy, mình sắp thành một cô gái. Không còn chơi trò may quần áo cho búp bê nữa mà bắt đầu biết soi gương để tết hai bím tóc thật gọn gàng. Những biến đổi đầu tiên trong đời khiến mình hốt hoảng. Từ một hình chữ nhật trở thành hình cái lọ hoa, từ một nhúm cau trở thành cỡ bự, từ một …..trở thành….., từ một…..trở thành.
Học sinh ngày ấy tồ lắm. Mình mất chiếc dép do đi lội Hồ Tây còn đứng khóc cơ mà. Mình chưa nghĩ ra những bữa cơm no bụng hai bố con là tiền của mẹ. Mình chỉ biết không có mẹ ở bên, mà cũng không có ai đáng tin tưởng để mà hỏi: “Tại sao con thế này ?”
Mình chỉ biết nhìn trộm bạn gái cùng lớp để bắt chước. Trong lòng tự dưng lại giận mẹ đến vô cùng. Những bức thư mình viết cho mẹ, ngày càng giận dỗi. Mình hét lên trong thư: “Mẹ bỏ rơi con, con ghét mẹ”.
Cho đến khi mình cũng có một em bé của riêng mình, bỗng nhớ lại ngày ấy, chợt giật mình, không biết lúc ấy nước mắt mẹ nhiều đến ngần nào.
Hai năm sau, đúng ngày mùng một tháng mười một, đi học về đã thấy mẹ nằm ở giường, mình mừng rỡ chạy tới ôm lấy cổ mẹ. Thời gian xa cách quá nên không còn chỗ cho tự ái mà chỉ còn chỗ cho nhớ nhung.
-Mẹ, mẹ về! Mẹ ơi, mẹ về từ lúc nào thế ? Sao mẹ biết hôm nay mà về. Mẹ ơi, mẹ say xe à? sao lại nằm mệt mỏi thế ?
-Hôm nay á ? -Mẹ lơ đãng hỏi lại- Hôm nay là ngày gì ?
-Hôm nay là sinh nhật nó - Bố gắt –
-Mẹ, thế không phải hôm nay mẹ về vì sinh nhật bước sang tuổi mười tám của con ư ? Mẹ, mẹ nỡ quên sinh nhật của con ?
-Ừ, mẹ quên mất. -mẹ mệt mỏi trả lời rồi nằm quay mặt vào trong tường-
Trời ơi, sự rạng rỡ, ánh mặt trời chói lọi trong cái tiềm thức của một đứa con thiếu mẹ như bị vụn vỡ. Mình bước thụt lùi lại khỏi cái giường rồi ngồi thụp xuống đất. Người dừ dẫn không muốn bước. Cái cảm giác bị ẩn lại phía sau để trước mặt là tấm lưng của mẹ làm mình như rơi xuống một cái hố. Hố sâu đen ngòm toàn những mảnh sắc nhọn biết cứa đau. Mình thất vọng, cái thất vọng đổ xuống đè nát tất cả. Đè nát cả nỗi nhớ nhung mong ngóng mẹ trở về.
-Mẹ……….thế thì mẹ về làm gì ? Mẹ có nhiều con để mà nhớ đâu. Không có mẹ con vẫn sống được mà. Không có mẹ, có lẽ đời con cũng khác rồi. Mẹ nghỉ ngơi rồi đi lúc nào cũng được. Mẹ đi đi. Cũng chẳng phải mẹ có nhớ sinh nhật con hay không, con chẳng cần. Nhưng con nghĩ, chẳng có người mẹ nào lại quên ngày mình đau đẻ. Có con bất hạnh nên con có thôi. Gần ba năm mẹ đi, con chỉ có gửi thư đi mà chẳng có lấy một dòng nào trở lại. Con vẫn bền bỉ viết mà mong ngày hôm nay. Quần áo con rách, chẳng có tiền mua, tự cắt lại đồ của các cô các chú để may đồ cho mình. Đi học mà như con hề ấy. Thế mà…
-Con kia, mày im đi.
Bố gào lên cáu giận. Hình như bố sắp đập vỡ một cái gì. Bố không cần phải đập, ở đây, trong tim này cũng đã vỡ rồi. Nước mắt mình không còn ri rỉ trên bờ má gầy gò nữa. Nước mắt trào rộng, nhoè nhoẹt trong tiếng nấc, mình oà khóc như một đứa chỉ mới 2 tuổi. Mình nhìn bố đầy trách móc, lao về phòng, đóng cửa đánh rầm. Và không còn muốn ai đến sinh nhật chào đón tuổi mười tám nữa. Mình căm ghét tất cả những thứ thuộc về mình.
Mẹ lặng im, không nói. Cái khoảng không mẹ dành hết cho những giận dữ của mình. Nước mắt mình rơi, còn mẹ, mẹ quay mặt vào tường như thể ngủ. Nước mắt mẹ lặn trong lòng. Cô bé mới lớn làm sao hiểu nổi.
Ngày ấy, mình không biết rằng sau ba năm mẹ giúp đỡ hết lòng cho hai bác, đến khi mẹ bị tiểu đường, mọi sức lực mất hết, người chỉ như một cây rơm, bác dâu đưa cho mẹ mấy trăm nghìn và bảo mẹ về lại Hà Nội. Mẹ trở về như một….cái vỏ chanh.
…
Học hết lớp 12, bố mẹ ngẩng cao đầu với tất cả vì mình tốt nghiệp còn thiếu 1 điểm nữa thì được bằng giỏi. Những ngày tháng ôn thi đại học như những con thiêu thân tìm đường đến với cái đèn chụp muỗi. Mệt mỏi, căng thẳng và lo lắng. Lớp ôn thi đại học xô bồ và ngổn ngang đủ mọi tầng lớp. Học 4h chiều mà phải mang quyển vở đến xí chỗ từ 9h sáng. Đấy là học ở trung tâm Cửa Bắc. Còn ở trung tâm của trường đại học Sư Phạm thì ca này nối tiếp ca kia, chen nhau bẹp ruột. Nhưng nào ngờ, niềm tự hào của bố mẹ bị rơi xuống cái hang không đáy khi nghe tin mình trượt đại học. Mình cũng ngỡ ngàng không kém. Xót xa, rụng rời. Chẳng hiểu vì sao mình trượt.
Những năm 89 – 99 là những năm thì tuyển sinh đại học tiêu cực nhất trần đời, phải đến 3 năm sau, báo đài mới nói nhiều. Nhìn lại mà xót xa nền giáo dục nước nhà.
Mẹ đi bán hàng ngoài hồ, bố ở nhà đập phá, chửi rủa. Bố bảo mình trượt đại học là bôi tro chát trấu vào mặt bố. Bố bảo mình là đồ ăn hại, chỉ ăn với chơi là giỏi thôi. Mình lặng lẽ đi quạt lò nấu cơm, nhưng khổ, lò mãi không bén lửa. Khói tùm lum. Bố điên tiết xông tới cầm cái chậu nhôm phang vào mặt con gái. Rồi đấm đá cho bõ ghét. Mình sợ hãi, chạy khỏi căn nhà. Chạy mãi, chạy mãi, ra đến chợ Bưởi, và…ngơ ngác không biết đi đâu về đâu.
Hai hôm sau, mình gọi về cho mẹ, mình khóc vì cả nhà chẳng thấy ai đi tìm. Mẹ giọng thẳng băng: “Con đi chán thì liệu mà về nhé! Mẹ không đồng ý con đi như thế đâu” làm mình giận mẹ lắm. Mình đâu biết rằng bố nói dối mẹ, bố bảo nó bỏ sang nhà cái Lý chơi, giờ này vẫn chưa chịu về. Chắc mẹ cũng giận mình. Gì chứ mẹ nghiêm khắc lắm. Mà cũng may có cô bạn cho ở nhờ mấy hôm, không thì biết bấu víu vào đâu.
…
Cuối cùng, mình cũng đỗ đại học, có việc làm và đi lấy chồng. Mẹ lặng lẽ làm tất cả mọi thứ cho con đường mình đi được thuận buồm xuôi gió hơn. Mẹ vẫn ngồi khâu cho mình cái nút áo bị đứt, vẫn dặn mình về nhà chồng phải ra làm sao cho bố mẹ khỏi bận lòng. Hai tháng bỏ nhà theo chàng làm dâu làng Đông, là hai tháng mẹ sắp cơm vẫn lấy đủ 3 cái bát. Gạo vẫn đong hai bò rưỡi. Ngày thứ bảy chưa về thăm mẹ, sáng chủ nhật sang đã thấy mẹ tủi thân rơm rớm nước mắt rồi. Mẹ bảo: “cả ngày hôm qua không làm gì cả, cứ ngồi ngóng tiếng xe của chúng mày.”
Mẹ ơi, biết đến bao giờ con mới trả hết được ơn sinh thành