7/4/12

Vứt bỏ anh là điều dũng cảm nhất (C2-III)

Bên đường mới mở một cửa hàng bán đồ lưu niệm, mô hình một chiếc đàn dương cầm bằng sơn mài đã thu hút tôi. Trên đỉnh của chiếc đàn có công tắc, chắc là một hộp nhạc.

Tôi dùng tay nhấn công tắc của chiếc đàn, nó liền phát ra một điệu nhạc tính tang, êm ái như dòng thác chảy.

Trên bàn học trong phòng tôi cũng có mô hình một chiếc đàn dương cầm bằng gỗ đàn hương đỏ, tuy không phát ra tiếng nhạc, nhưng rất đẹp và tinh tế, đó là món quà mà Tiêu Viễn tặng tôi trước khi sang Anh.

Nhìn thấy chiếc đàn này, lại nhớ đến Tiêu Viễn, nhớ đôi mắt nheo lại mỗi khi anh cười, nhớ dáng hình mạnh mẽ của anh trên sân vận động, nhớ cả làn môi anh ướt mềm và dịu mát lúc hôn tôi…

Hình ảnh Tiêu Viễn cứ hiện ra trước mắt, không xua tan được, càng lúc lại càng trở nên rõ nét.

Tôi vội vàng bỏ tay ra khỏi mô hình chiếc đàn, nhanh chóng rời khỏi cửa hàng đồ lưu niệm, chạy như điên trên các đường phố, muốn chạy đến một nơi không có hình bóng của Tiêu Viễn.

Giữ chặt tay lên trái tim đang đập loạn trong lồng ngực, mới phát hiện ra rằng, cái tên Tiêu Viễn đã thấm sâu vào máu, sợ rằng cả đời này tôi cũng không thể quên nổi.

Sinh nhật mẹ, tôi đòi lại mẹ thẻ lương của tôi, để tôi mua cho bà một chiếc khăn cashmere, mẹ thường xuyên xuýt xoa khen chiếc khăn kiểu ấy đẹp làm sao, ấm làm sao, thời trang làm sao v.v… thế mà lúc tặng rồi cũng chả thấy mẹ tỏ ra thích lắm.

Thẻ lương của tôi lúc nào cũng để mẹ giữ, mua đồ gì đều trực tiếp xin tiền mẹ, đỡ mất công tôi phải lo quản lý vấn đề tài chính. Tôi đưa thẻ lương trả lại cho mẹ, mẹ không cầm, mà bảo: “Sắp đến Tết rồi, con rút lấy ít tiền, mua cái gì mình thích đi!”

Tôi lắc đầu, “Cần mua cái gì mẹ đều mua cho con rồi, con còn có thể thiếu gì được chứ?”

“Chả phải con suốt ngày mơ tưởng đến chiếc xe đạp điện đó sao?”

“Con đã quen với chiếc xe cũ nên thấy quý nó rồi, không muốn đổi nữa! Với lại, bây giờ mỗi ngày con chỉ tập thể dục một tý lúc đạp xe thôi, mua xe điện nữa thì chỉ ăn không vận động để mà thành heo mất à?”

Buổi tối ra sạp báo mua cho mẹ tờ báo, tôi vô tình nhìn thấy một quyển tạp chí bìa bóng láng rất đẹp, nhân vật trang bìa hình như đã gặp ở đâu rồi, tiện tay mua luôn một quyển. Vừa đi vừa xem, bỗng dưng nhớ lại, anh ta chính là Chương Ngự – anh trai của lớp trưởng. Nhưng ảnh chụp trên tạp chí không đẹp bằng người thật, nguyên nhân cũng có thể do góc độ và ánh sáng không tốt.

Chỉ chú ý xem, tôi va vào người đối diện mạnh quá, chiếc mũi rất cao của tôi suýt chút nữa thì cũng bị tẹt xuống.

“Đi đường phải để ý một chút chứ, cô gái!”

Tôi vừa xoa mũi vừa vội vàng xin lỗi, “Xin lỗi, xin lỗi, tôi không cố ý ạ!”

Nhìn người bực tức bỏ đi xa dần, tôi oán hận nhăn mặt với tờ bìa tạp chí, “Con Cá Mực chết tiệt này, toàn là những việc tốt do ngươi gây ra”.

Về đến nhà, mẹ hỏi tôi: “Con thích tạp chí tài chính từ khi nào vậy?”

“À, quyển đó… con không thích, không thích, mua để tặng đấy”.

“Con xem thời buổi bây giờ có kiểu tiêu pha rõ lạ, mua một tờ báo 5 xu để đọc, còn mua một quyển tạp chí 5 tệ để tặng”. Mẹ tôi lắc đầu, tỏ vẻ không hiểu nổi.

Tôi cuối cùng cũng vẫn không tìm thấy di động. Mỗi ngày đều nhẩm tính: Tiêu Viễn đã đi chưa nhỉ? Anh ấy có gọi điện thoại cho mình không? Di động của mình có khi nào để trong túi bị móc cùng với chứng minh thư và thẻ phòng rồi chăng?

Thấy tôi cả ngày cứ ám ảnh mãi việc mất điện thoại, mẹ mua cho tôi một cái mới, đồng thời cũng mua luôn một số sim mới, mẹ đâu biết rằng việc này chẳng có tác dụng gì với tôi cả.

Thấy tôi vứt điện thoại mới lên giường, mẹ bảo: “Lại mất nữa thì khỏi dung!”

“Con thề với cụ Các Mác, quyết không để mất lần nữa”. Tôi đùa đùa, cầm điện thoại cho vào trong túi.

“Cô mà có thể không làm mất thì lại chả phải con gái của tôi”. Mẹ hiểu tôi quá mà.

Đến Tết, cơ quan cho nghỉ mấy ngày, tôi cùng mẹ đi thăm họ hàng, thường đều là họ hàng bên mẹ. Khi tôi vừa sinh ra, bố đã ly hôn với mẹ rồi, từ đó cũng không xuất hiện nữa, cho nên tôi và họ hàng bên nội không qua lại bao giờ.

Bác dâu cả nhìn thấy tôi, đã kêu lên khen ngợi tôi bằng giọng nói đặc chất giọng của người Đường Sơn: “Khả Khả đã lớn thế này rồi! Coi này, lớn lên trông xinh xắn quá, thật ra dáng! Có đối tượng nào chưa?”

Tôi ngượng nghịu cười cười, tại sao vừa đến đã hỏi ngay một câu thẳng thừng thế chứ?

“Vẫn chưa có ạ, cháu nó bận công việc quá”. Mẹ thật biết cách trả lời thay tôi.

“Chuyện tình cảm lại ra như thế nhỉ. Để bác giới thiệu cho một người nhé, đảm bảo làm cháu hài lòng”. Bác ấy nói chuyện mà giống bà nghệ sỹ Triệu Lệ Dung đang diễn tiểu phẩm quá.

“Thằng bé ấy tốt lắm nhé, là bác sĩ, trưởng khoa. Hai bác cháu làm cùng cơ quan mà, biết rõ gốc gác”. Bác dâu cả rất hào hứng, ngay cả mẹ tôi cũng gật gù theo.

Bác dâu cả mới nói mấy câu như vậy, thế mà mẹ tôi đã bảo sẽ về suy nghĩ, khổ cái thân tôi rồi.

Qua Tết, quả nhiên tôi bị mẹ tôi và bác dâu cả kéo đi xem mặt, đối tượng xem mặt tên là Quách Phẩm Tự, là một bác sĩ.

Địa điểm hẹn gặp là một khách sạn lớn nào đó, xem ra anh chàng này kinh tế cũng khá “hùng hậu”, lần đầu tiên gặp mặt đã mời đi ăn một bữa sang trọng.

Vì không hứng xem mặt, nên tôi cũng chẳng nỡ để cho người ta phải tốn kém. Tôi tuyên bố trước, chia đôi tiền ăn, anh chàng đó nhìn tôi như nhìn người ngoài hành tinh vậy.

Anh chàng bác sĩ này trắng trẻo thưu sinh, trông cũng không đến nỗi nào, nhưng nếu so với Tiêu Viễn, thì còn thua xa.

Nghĩ đến Tiêu Viễn, tôi thấy nhói đau, anh bây giờ ở xứ người chắc cũng đã đón nhận tình cảm khác rồi chứ? Có giống tôi không, nhớ nhau đến vô vọng mà chẳng thể làm gì, vẫn phải đối diện với một người không quen biết?

“Xin phép vào phòng vệ sinh một chút ạ!” Trong dạ sôi lên thật khó chịu, tôi chẳng để ý đến sắc mặt của mẹ và bác dâu cả nữa, chạy vội ra khỏi phòng ăn.

Sau lưng vẫn nghe thấy tiếng mẹ tôi phân trần, “Con bé còn nhỏ quá, không hiểu gì, dừng trách nó…”

Nôn ra toàn là thứ nước chua, tôi đứng soi gương hồi lâu, tự ngắm mình, “Mình nhỏ không?”

“Em chỉ chỗ nào?” Tôi ngẩng đầu, nhìn qua gương thấy có một người đàn ông đứng đằng sau, đang nhìn tôi.

“Chương Ngự!” Tôi hốt hoảng quay người lại, tại sao lại gặp anh ta ở đây chứ.

“Sao em lại ở đây?” Anh ta hỏi.

“Đi vệ sinh mà!” Đúng là thừa lời, vào nhà vệ sinh không đi vệ sinh, chẳng lẽ đến ăn gì sao?

“Tôi hỏi là tại sao em lại có mặt trong khách sạn này?” Anh ta cười.

“Đi gặp đối tượng!” Tôi cáu kỉnh trả lời.

“Em đi gặp đối tượng?”

Thái độ của anh ta làm tôi bị tổn thương lòng tự trọng ghê gớm, tôi có gì không phải, mà bị anh ta nhìn như vậy.

“Tôi! Đi gặp mặt đối tượng! Kỳ lạ lắm à?”

Anh ta gật đầu, “Đúng!”

“Có gì kỳ lạ ở đây? Nhiều tuổi rồi, sợ không lấy được chồng thì phải đi gặp đối tượng chứ sao”.

“Em sốt ruột lấy chồng à?” Anh ta rướn lông mày, hỏi.

“Mẹ tôi sốt ruột muốn thanh lý tôi rồi!” Nếu mà theo ý tôi, chắc chắn đã không đến cái buổi gặp vô duyên này.

“Ồ, nếu mà như vậy, tôi có thể suy nghĩ đến việc thu mua”. Anh ta vênh mặt nói, làm tôi nghĩ đến sự ngạo mạn và vô tình của Rherr Butler trong bộ phim “Cuốn theo chiều gió”. “Anh chết đi cho rồi!” Tôi ghét nhất điệu nửa cười nửa không của anh ta.

Anh ta cau mày, “Em muốn thành quả phụ à?”

Đúng là không được một câu nào tử tế, tôi quay người bỏ đi, nói chuyện với người này chỉ có phí lời.

Tôi mừng vì con Cá Mực ấy không đi theo, về đến phòng ăn, thấy mẹ và anh chàng bác sĩ ấy nói chuyện rất ăn ý. Tôi bảo: “Con phải về trước, ở cơ quan còn có việc”.

Anh bác sí nói với theo: “Tôi đi xe đến, để tôi đưa cô về”.

“Được, cảm ơn anh!” Tôi cũng không khách sáo với anh ta nữa, đúng lúc tôi muốn nói chuyện riêng với anh ta, để anh ta biết rằng ý của mẹ tôi và bác dâu cả không có nghĩa là có thể thay cho ý của tôi.

“Nếu anh cảm thấy tên của tôi buồn cười, có thể gọi tôi là Tiểu Khả”.

Anh ta mỉm cười, “Không buồn cười, không buồn cười”.

“Không buồn cười thế anh cười cái gì?” Tôi vặn lại.

Anh ta không nhịn được cười, nói: “Cô từ trước đến nay đều hay nói thẳng thế à?”

“Khi nào tôi thấy cần thể hiện luôn ý của mình, tôi sẽ nói thẳng”.

“Vậy có phải bây giờ cô chuẩn bị thể hiện ý của mình?” Anh ta vừa lái xe vừa hỏi.

“Đúng thế!”

“Thái độ của cô nói với tôi rằng, cô không thích tôi, rất bài trừ tôi. Có phải cô muốn nói với tôi rằng, lần xem mặt hôm nay đã thất bại rồi?” Anh ta cười mỉa mai.

“Đáp án đúng rồi, cho 10 điểm!” Tôi thích được nói chuyện với người thông minh.

“Gặp đối tượng thất bại đáng để cô hoan hô lắm sao?”

Tất nhiên rồi! Nếu có thể, tôi còn muốn nổ pháo chúc mừng nữa.

Đưa tôi về đến cơ quan, anh ta nói: “Rất vui được biết cô, hy vọng sau này có thể thường xuyên gặp gỡ”.

Vị bác sĩ này cũng không đến nỗi tồi, nếu không phải vì quen nhau qua mai mối, biết đâu đã có thể làm bạn.

“Được, sẽ thường xuyên gặp gỡ!”

Chính vì câu “thường xuyên gặp gỡ” này, đã khiến tôi và Quách Phẩm Tự sau này trở thành bạn tốt của nhau, không những thế còn tác thành cuộc hôn nhân tốt đẹp cho anh và người bạn thân nhất của tôi – Viên Viên, tất nhiên chuyện này sẽ kể sau, tạm thời không nhắc đến.

Về đến cơ quan, thấy có một chiếc xe Mer Benz mới coóng đậu ở trước cổng, làm cho cổng chính của cơ quan tôi bị tắc nghẽn trầm trọng.

Bình thường cổng cơ quan tôi không cho dừng xe, ban quản lý giao thông đang yêu cầu tài xế lái xe đi chỗ khác, nhưng người ta cứ không để ý, vẫn muốn tiếp tục đi vào.

Nhìn vào trong xe, tôi lập tức phát hoảng. “Cái anh này bị làm sao thế?” Tôi gõ vào cửa sổ xe nói.

Cửa kính hạ xuống, Chương Ngự thò đầu ra, nhìn tôi cười, “Tôi tìm em”.

“Ở đây không được dừng xe!”

“Em lên xe, tôi sẽ lái đi”. Thái độ của anh ta có chút đểu giả.

“Tại sao tôi phải lên xe của anh?” Lại còn là xe Mer Benz nữa, người dân thường như tôi sợ phải ngồi xe sang trọng như thế này, ngồi không quen, dễ say xe lắm.

Tôi với anh ta cùng đôi co, người quản lý thấy tôi nói chuyện với anh ta, liền hỏi: “Tiêu Khả, bạn cô à?”

“Đúng vậy!” Chương Ngự nhiệt tình trả lời.

“Không phải ạ!” Tôi phủ nhận.

“Đừng có dừng ở đây, lái xe đi! Ở đây không thể đậu xe, lát nữa máy xúc đất sẽ vào đường này!” Bác quản lý giọng thúc giục.

“Nghe thấy chưa, không thể dừng xe!” Tôi nói.

“Em lên xe, tôi sẽ lái xe đi”. Chương Ngự vẫn cố chấp yêu cầu.

“Tiểu Khả à, cô nhanh bảo bạn cô cho xe đi đi, bên ngoài có tín hiệu rồi, xe tải sắp vào rồi!” Bác quản lý nài nỉ tôi.

Tôi đến ngất xỉu mất, mình vốn tốt bụng định khuyên nhủ giúp, cuối cùng lại bị vạ lây.

“Lên thì lên!” Tôi đành liều, không thể cứ ì ra với anh ta ở đây mãi được.