7/4/12

Vứt bỏ anh là điều dũng cảm nhất (C7-II)

Qua lễ Noel là đến tết dương lịch, bắt đầu một năm mới.

Hôm 31 tháng 12, Bắc Kinh có tuyết rơi, khắp đất trời là một vùng mênh mông tuyết trắng, trông rất sạch sẽ và náo nhiệt.

Sau khi xem xong buổi biểu diễn chúc mừng năm mới, đã gần nửa đêm. Tôi gọi điện cho Viên Viên, Viên Viên thì thầm nói với tôi: “Khả Lạc, xin lỗi nhé, bọn mình đang đàm phán với công ty sản xuất, lát nữa mình gọi lại cho cậu”.

Khoảng một giờ đồng hồ sau, tôi đang lúc mơ màng chuẩn bị chìm vào giấc ngủ, Viên Viên mới gọi điện thoại tới.

Tôi ôm ống nghe, cười ngớ ngẩn, “Cậu biết không, Bắc Kinh tuyết rơi rồi. Mình rất nhớ những giây phút bọn mình ngồi nặn người tuyết hồi còn nhỏ, cũng rất nhớ cậu”.

Viên Viên không nói gì, tôi tiếp tục nói, dù sao giữa hai chúng tôi, nếu cô ấy không phàn nàn thì là tôi phàn nàn.

“… Cũng rất nhớ mẹ mình”. Tôi còn nhớ cả Tiêu Viễn, nhưng không nói ra, sợ nói ra, Viên Viên lại mắng tôi là không có chút ý chí gì, “Không có mẹ và cậu, mình cảm thấy rất cô đơn, giống như một khúc gỗ trôi nổi giữa biển cả mênh mông…”

“Em còn có anh”. Tôi bị giật mình bởi giọng nói của nam giới, “Sao em không nói với anh câu chúc mừng năm mới? Em không biết rằng anh ở nơi đất khách quê người cũng rất cần sự an ủi của đồng bào sao?”

“Chương Ngự?” Mấy hôm trước còn gặp anh ở trung tâm mua sắm, sao mới có mấy ngày mà đã sang Mỹ rồi?

“Bắc Kinh thật sự rơi tuyết rồi sao?” Có vẻ như anh rất hào hứng.

“Đúng vậy, bây giờ vẫn còn đang rơi”. Tôi ngáp một cái, thuận miệng nói một câu, “Chúc ngủ ngon”. Nói xong mới nhớ ra, ở chỗ anh lúc này đang là ban ngày, bất giác tự cười nhạo mình ngớ ngẩn.

Chương Ngự không hề cười, mà nói với tôi rất nghiêm túc: “Chúc ngủ ngon”.

“Vậy năm sau gặp nhé”.

“Tạm biệt”.

Tết dương lịch được nghỉ một ngày, tôi bèn di đến trung tâm đồ điện tử mua di động, đến tận tối muộn mới về nhà.

Khi đang chuẩn bị mở cửa, bèn nhìn thấy trên cửa dán một tờ giấy, viết: “Anh tìm em để đi nặn người tuyết, sao em không ở nhà?”

Góc bên phải tờ giấy còn vẽ hình một con cá mực đang há miệng, tua uốn lượn.

Tôi bật cười.

Tôi lấy máy di động mới mua gọi cho Chương Ngự, đã gọi cho anh vô số lần, nếu tôi còn không nhớ được thì tôi đúng là thành nhị sư huynh thật.

Giọng Chương Ngự rất uể oải, “Ai đấy?”

Tôi cố nín cười, ra sức hằn giọng, nói: “Ta là yêu tinh Cá Mực đây”.

“Em cứ hù dọa anh đi, còn đắp người tuyết nữa chứ, đợi em thì tuyết đã tan hết rồi”.

“Anh bảo ai đến dán tờ giấy trên cửa nhà em đấy? Rất sáng tạo”. Tôi cười hi hi, hỏi.

“Anh tự dán đấy”. Giọng anh chậm rãi và ấm áp.

“Anh lừa ai chứ? Anh còn đang ở Mỹ kìa”. Thật hiến được một lần thông minh như vậy.

“Thì anh chẳng phải đã về rồi sao…”

“Anh nói anh đã về rồi?”

“Về rồi. Không tin,em đến đây mà xem”. Giọng nói của Chương Ngự có vẻ như không phải đang đùa, nhưng cũng không giống thật.

“Em chẳng thèm đến đâu, có khi anh lại đang nghĩ cách để bỡn cợt em”.

“Em thật là người vô lương tâm, anh tranh thủ thời gian quay về thăm em, em lại nói anh lừa em”.

“Nghe anh nói như vậy, càng khó tin, anh là người vô cùng bận rộn, có thể tranh thủ thời gian về thăm em sao? Có đánh chết em, em cũng không tin”.

“Tin hay không tùy em”.

“Đây là số điện thoại mới của em, liên lạc với anh sau nhé”. Tôi tắt máy, ngắm nghía tờ giấy dán trên cửa, nét chữ rồng bay phượng múa và một con mực sống động, thật thú vị.



Tôi vẫn luôn ở trong căn hộ mà cơ quan mẹ tôi phân cho, bởi vì sắp bị dỡ và di dời, nên cơ quan hữu quan ra lệnh cho mọi người chuyển đi.

Tôi vẫn cứ cố nhùng nhằng không chịu chuyển đi, không phải không có nơi nào để đi, mà là không nỡ rời khỏi nơi này.

Nơi đây có quá nhiều kỷ niệm giữa tôi và mẹ.

Từng vật dụng, đồ trang trí trong nhà đều do tôi và mẹ cùng chọn lựa, từng vị trí trong căn phòng đều có bóng dáng mẹ tôi. Cũng chính ở nơi đây, mẹ đã dõi theo sự trưởng thành của tôi, có bức tranh hai mẹ con tôi cùng vẽ, đây không chỉ đơn giản là một căn hộ, mà là một ngôi nhà, sao có thể nói đi là đi được?

Cô bé nhà cô hàng xóm tưởng tôi chuẩn bị chuyển nhà, chạy sang xem tôi có cuốn tiểu thuyết hay truyện tranh nào bỏ đi không.

Tôi mời cô bé vào phòng chơi, cô bé nhìn thấy tờ giấy tôi dính ở trên lịch treo tường, nói: “Tờ giấy này chính là em đã đưa cho chú ấy đấy. Chú ấy đợi ở trước cửa nhà chị rất lâu, sau đó xin em tờ giấy và vẽ con cá mực này cho chị”.

“Chú nào cơ?” Tôi hỏi.

“Chú ấy rất cao, mắt to, lúc cười trông như người quảng cáo kem đánh răng vậy. Răng chú ấy đều tăm tắp, còn trắng nữa”. Cô bé vì răng khấp khểnh, nên phải đeo bộ chỉnh răng, nhìn thấy răng người khác đều tăm tắp, đương nhiên là có ấn tượng sâu sắc.

Lẽ nào Chương Ngự đến đây thật?



Tết nguyên đán, tôi đến nhà bác ở một đêm, đến sáng mồng hai mới về nhà.

Khi trở về nhà, tôi mới phát hiện ra quên đem theo di động, tôi còn đang nghĩ, sao mấy hôm nay, đôi tai lại yên tĩnh đến thế.

Mở di động ra, thật không ngờ có tới hơn 20 cuộc gọi nhỡ, trong những dãy số lộn xộn đó, nhiều nhất là tên Chương Ngự.

Tôi vội gọi lại ngay cho Chương Ngự. Di động của anh đổ chuông, nhưng lại không thấy anh nghe máy.

Mấy phút sau, tôi gọi lại lần nữa, vẫn không bắt máy, có phải anh đang giận tôi?

Tôi giận dỗi đặt di động lên bàn, đi tắm.



Khi tắm xong bước ra ngoài, di động của tôi đang kêu, có dùng ngón chân cũng đoán được là Chương Ngự gọi đến.

Người phía đầu dây bên kia tâm trạng vô cùng buồn bực hét lên với tôi: “Điền Khả Lạc, nếu em còn không nghe điện thoại của tôi, lần sau gặp em, tôi sẽ lột da em đấy”.

“Em đã làm sai điều gì để đến nỗi anh phải lột da em?” Tôi thực sự không thể hiểu nổi.

“Em còn dám hỏi nữa à, cũng không thèm nhìn xem anh đã gọi cho em bao nhiêu cuộc điện thoại”.

“Chẳng phải em đã gọi lại cho anh rồi còn gì…” Tôi khẽ nói.

“Thế em không biết gọi nhiều thêm mấy lần nữa à? Em không nghĩ là anh đang ngủ sao?”

“Anh ngủ hay thức, sao mà em biết được? Cứ tưởng anh có việc gì quan trọng không tiện nghe máy”. Tôi còn nói lớn tiếng hơn giọng anh.

“Được rồi, được rồi, đón năm mới, cứ nhất định muốn cãi nhau với anh phải không?” Giọng nói của Chương Ngự thoáng dịu lại.

“Đây chẳng phải là do chính anh khơi ra sao?” Tôi xảo biện.

“Em đang ở đâu đấy?” Chương Ngự hỏi tôi.

“Em vừa từ nhà bác em về. Còn anh? Tết mà không về nhà thăm bố mẹ sao?”

“Không dám, anh đang bị cảm nặng, về nhà làm họ bị lây bệnh thì phiền phức to”.

“Anh bị cảm nặng?” Nghe giọng nói có vẻ không giống.

“Ôi, hôm kia đã về thăm bố mẹ rồi, cùng Chương Sính mua chút quà, khi quay về là bị đau đầu, sốt cao…” Giọng Chương Ngự dần dần trở nên yếu ớt, xem ra đúng là không được khỏe rồi.

Ít ra Chương Ngự cũng đã nhiều lần giúp đỡ tôi, anh bị ốm, nếu không đi thăm, thì không yên lòng.

Thế nên, tôi hỏi: “Chương Ngự, anh đang ở đâu? Em đến thăm anh nhé”.

“Đang ở nhà. Em đến đi, tiện thể gọi cho anh chiếc bánh pizza, mấy bữa liền anh chưa ăn uống gì rồi”.

“Sao anh không biết đường mà tìm người chăm sóc mình”.

“Đang đúng dịp tết, ai không về nhà để đoàn tụ với gia đình chứ, sao anh có thể gọi người ta đến chăm sóc mình được?” Càng nói càng thấy đáng thương, khiến tôi cảm thấy đồng tình, nói: “Anh ốm thế, còn ăn pizza gì chứ. Anh đợi nhé, lát nữa em nếu cháo mang đến cho anh”.

Ra siêu thị mua ít gạo tẻ lùn và ruốc thịt, nấu xong cháo, đưa đến cho anh. Chương Ngự lảo đảo bước ra mở cửa cho tôi, sau khi tôi bước vào nhà, anh bèn nằm gục xuống sofa, bộ dạng ỉu xìu.

Trán anh nóng rẫy, ít nhất cũng phải 39 độ. Khi tôi sốt, mẹ tôi thường cho tôi uống thật nhiều nước, tôi tìm khắp nhà anh, chẳng thấy bình nước lọc nào.

Trên bàn có chai nước khoáng, chắc mấy hôm nay anh chỉ uống chút nước này cầm hơi.

“Anh đã uống thuốc chưa?”

Anh không nói, chỉ lắc đầu. Tôi múc một bát cháo nhỏ cho anh, sau khi đút cho anh xong, tôi dìu anh trở về giường, để anh nằm nghỉ.

“Hôm qua gọi điện thoại cho em suốt một ngày, sao em không nghe máy?”

“Em không mang theo di động”.

“Sau này em hãy dùng hai chiếc di động, một cái luôn đem theo bên người, một cái có thể vứt lung tung, để anh đỡ phải gọi cho em không được”.

Nể anh đang ốm, tôi không so đo với anh, chỉ nói một chữ: “Được”.

Chương Ngự cứ nhìn tôi cười, rồi ngủ thiếp đi.

Nhân lúc anh ngủ, tôi nấu chút mì tôm cho anh. Bên ngoài, hoàng hôn đã buông xuống, tiếng pháo nổ ngày tết lác đác vang lên.

Tôi nhớ đến cảnh ngày tết hồi còn nhỏ, tôi cùng mẹ đi đến Thiên An Môn xem bắn pháo mừng tết, đi một quãng đường xa chỉ để xem khói lửa lung linh, vẫn cảm thấy xứng đáng.

Vì sợ tiếng pháo nổ quá lớn, chúng tôi bèn bịt tai chạy trên quảng trường Thiên An Môn, giống như thỏ mẹ dẫn theo một con thỏ con vậy.

Nghĩ đến khung cảnh lúc đó, tôi bất giác tự mỉm cười. Mặc dù niềm vui không còn nữa, nhưng đã lưu lại những kỷ niệm đẹp mãi.