22/10/12

Chiếc xe oan nghiệt

Xe vừa qua khỏi địa phận tỉnh Kompong Thom thì hầu như người nào trên xe cũng ngủ say. Tài xế Thạch An, người Cambốt nhưng nói tiếng Việt khá rành, lên tiếng hỏi:

- Có vị nào cần ngừng lại nghỉ ngơi không?

Chẳng nghe ai đáp, Thạch An chép miệng:

- Ngủ gì mà mau vậy, mới lên xe đây mà...


Sở dĩ Thạch An hỏi vậy là bởi phía trước cách chừng hai chục cây số sẽ có một trạm đổ xăng, có thể tranh thủ nghỉ ngơi rồi mới đi tiếp về Siêm Riệp.

Mười lăm phút sau, dẫu không được ai trả lời nhưng Thạch An vẫn cho xe tấp vào một góc trạm xăng, rồi lên tiếng lần nữa:

- Ai có đi vệ sinh hay xuống thư giãn một chút thì cứ xuống, có lẽ ta nghỉ khoảng nửa giờ, đợi trời sáng sáng một chút mới đi cho an toàn bởi đoạn đường phía trước hơi xấu.

Anh ta đứng lên đưa tay bật đèn sáng và quay lại nhìn một lượt theo thói quen trước khi rời xe.

- Ủa?

Anh ta kêu lên một tiếng lớn khiến cho mấy nhân viên của trạm xăng đang ngủ gà ngủ gật bên dưới cũng phải giật mình, hỏi vọng lên:

- Chuyện gì vậy?

Thạch An la lớn:

- Sao khách trên xe đâu hết rồi?

Mấy nhân viên cây xăng cười rộ lên:

- Khách trên xe anh mà hỏi tụi tui? Trời đất!

Tuy nói vậy nhưng vài người cũng mở cửa xe bước lên xem. Lúc đó họ mới sững sờ:

- Mà người đâu hết rồi? Bộ bữa nay dư xăng sao anh chạy xe không tới đây vậy Thạch An?

Thạch An ngơ ngác:

- Tui chở đầy xe mà! Nhưng sao lại...

Cũng không thấy lơ xe Danh Nơ đâu, Thạch An càng sợ:

- Làm sao có chuyện kỳ vầy nè?

Các người kia vẫn cười chọc Thạch An:

- Thạch An bữa nay sảng rồi! Xách xe không chạy mà hỏi người thì kiếm đâu ra?

Thạch An quả quyết:

- Tui rời tiệm cơm ở chợ Kompong Thom lúc chín giờ, khi ấy tui còn đếm lại cho đủ số người rồi mới đi mà. Đâu lẽ nào...

Anh ta ngơ ngác như người từ trên trời rơi xuống. Trong đời lái xe hơn sáu năm nghề, chưa bao giờ Thạch An gặp trường hợp này.

Không tin vào mắt mình, Thạch An đích thân bước dọc theo đường giữa xe, kiểm tra từng hàng ghế cho tới hàng cuối cùng. Các hàng ghế hoàn toàn trống, nhưng hành lý thì còn nguyên. Một người dưới trạm xăng nói:

- Hay là anh mơ ngủ rồi lên xe chạy mà bỏ hành khách lại hết ở trạm trước rồi? Vậy thì chạy trở lại đón người ta đi, chớ giữa khuya này họ lấy xe khác đâu mà đi.

Dẫu không tin là mình đãng trí đến như vậy, nhưng cuối cùng Thạch An cũng đành phải làm như vậy. Anh quay đầu xe, vừa chạy được vài trăm thước thì chợt nghe có tiếng nói phía sau lưng:

- Ủa, sao anh chạy trở lại đường cũ?

Đang cho xe lăn bánh ngon trớn, Thạch An thắng gấp ngay giữa đường, quay lại ngay và... điếng hồn, bởi trên xe lúc ấy có đầy đủ hành khách!

Không tin được hình ảnh trước mắt, Thạch An đứng lên hỏi lớn:

- Nãy giờ quý vị ở đâu vậy?

Một hành khách ngồi băng ghế trước ngơ ngác:

- Bác tài hỏi kỳ vậy? Tụi tui ở trên xe này chớ đâu!

- Nhưng vừa rồi ở trạm xăng tui kiểm tra thì đâu thấy ai?

Mọi người cười rộ lên:

- Bữa nay bác tài bị mơ ngủ rồi! Thảo nào bác mới quay đầu xe lại phải không?

Thạch An hoang mang đầu óc, chưa biết phải nói gì thì một giọng nói nhẹ nhàng của một cô gái cất lên:

- Mấy người chưa vợ đôi khi còn bất thường hơn là người già nữa!

Thạch An đã chở đoàn khách này từ Sài Gòn qua Nam Vang, rồi từ Nam Vang lên đây suốt hai ngày rồi, nên Thạch An nhớ rõ từng người khách một. Kể cả chỗ ngồi của vị khách nữ này cũng không đúng, đó là của một bà cụ. Thạch An ngập ngừng hỏi:

- Hồi tối này cô ngồi đâu?

Cô gái choàng chiếc khăn trùm gần kín khuôn mặt, giờ bỗng lột khăn ra, nhìn Thạch An cười:

- Anh không nhớ em sao?

Thạch An thảng thốt kêu lên:

- Mỹ Lệ! Sao em ở đây?

Cô gái choàng lại khăn, vẫn cười:

- Em đã lên xe ngay từ bến Sài Gòn, có lẽ do em lúc nào cũng choàng khăn nên anh nhận không ra chớ em thì đã theo dõi anh từ đầu.

Thạch An không thể nào ngờ được, anh vẫn thắc mắc:

- Nhưng... chỗ em ngồi đâu phải ở đây?

- Đúng rồi! Tối qua em ngồi tít đằng sau, hồi nãy em mới thương lượng và được người ngồi ở đây đổi chỗ. Nhưng sao anh lẩm cẩm vậy?

- Sao? Anh lẩm cẩm gì?

- Thì không thấy hành khách trên xe trong khi họ ngồi đông đủ cả!

Thạch An vẫn quả quyết:

- Anh không thể nhìn lầm được. Lúc nãy chính mấy người ở cây xăng cũng thấy như anh, chớ đâu phải riêng anh.

Mấy người khách khác trên xe cũng lên tiếng:

- Chắc tài xế bị bệnh rồi, như vậy mà lái xe thì chúng tôi làm sao dám đi!

Người phụ lái nãy giờ ngủ gật, vừa tỉnh lại vội nói:

- Thôi, để tui lái thay cho, anh ngồi nghỉ một lúc cho tỉnh táo lại đã.

Dẫu không muốn, nhưng trước sự yêu cầu của hành khách, Thạch An cũng phải rời tay lái, xuống ngồi chiếc ghế ngay cạnh Mỹ Lệ. Anh cố giải thích:

- Anh chưa bao giờ bị hoa mắt cả. Rõ ràng...

Mỹ Lệ ngăn không cho Thạch An nói tiếp:

- Tốt hơn hết là anh cứ ngủ một giấc cho đầu óc tỉnh táo lại đã. Lái xe mà, đâu phải lúc nào cũng được như ý. Thôi, nói chuyện riêng với em đi. Sao lâu nay anh không ghé qua nhà chơi?

Thạch An dẫu đang muốn tiếp tục thanh minh tình trạng của mình, nhưng nghe Mỹ Lệ hỏi, anh đành trả lời:

- Do anh cứ ngày chạy ngày nghỉ, lại đường xa, nên mệt nhoài, đâu có thời giờ thăm viếng ai. Mà lâu nay em có khỏe không?

Cô nàng nguýt Thạch An một cái:

- Dữ hôn! Chắc em mà có chết anh cũng không hay nữa.

- Anh xin lỗi...

- Về mà xin lỗi ông bà già, chớ em đâu dám bắt lỗi ai!

- Thôi mà...

Bỗng cô nàng nghiêm nét mặt lại, nhìn thẳng vào mắt Thạch An hỏi:

- Có phải anh đã... lấy vợ bên này rồi không?

Câu hỏi làm cho Thạch An giật mình. Anh lúng túng thấy rõ:

- Đâu đâu có chuyện đó, anh chỉ quá bận thôi...

- Bận đến quên cả lời hứa là đầu năm sẽ về làm lễ hỏi em phải không? Anh có biết là cả nhà em đã trông ngóng thế nào không? Má em đã khóc hết nước mắt vì bà lở lời nói với bà con chòm xóm là sẽ gả con vào tháng giêng vừa rồi. Vậy mà...

Thạch An không còn vẻ hoạt bát như lúc nãy, anh nói lí nhí trong miệng:

- Anh... anh quá bận. Anh chỉ...

Mỹ Lệ đột nhiên ôm mặt khóc nức nở, Thạch An quýnh lên, nói thật khẽ:

- Em đừng khóc. Để anh... anh kể cho nghe! Khóc người ta sẽ cười cho.

Mỹ Lệ vẫn nói với nước mắt ràn rụa:

- Anh biểu em phải cười khi trong bụng em có mang giọt máu của một người mà nhìn người đó đi ở với người con gái khác sao?

Thạch An bối rối, líu cả lưỡi:

- Đâu... đâu có.., anh đâu có...

Mỹ Lệ móc trong túi ra một tấm ảnh và gắt lên:

- Vậy hình này của ai?

Thạch An điếng hồn, bởi trong ảnh là hình anh và người phụ nữ khác, trông cả hai rất tình tứ.

- Cái này... cái này...

Giọng Mỹ Lệ đanh lại:

- Em đã biết hết rồi, cả ba má em cũng biết. Và em đi chuyến này là để gặp tận mặt anh, hỏi anh lần cuối coi anh trả lời ra sao thôi.

Như cái bong bóng xì hơi, Thạch An rủ người trên băng ghế và ước gì mình có thể tan biến đi được. Giọng của Mỹ Lệ vẫn đều đều:

- Chắc anh đâu còn nhớ những lời hứa trước đây, nào là tháng giêng anh sẽ về cưới em, rồi sau đó sẽ đưa em về Nam Vang chung sống. Em là đứa con gái quê mùa, chỉ biết yêu và tin những gì người yêu đầu đời của mình hứa, để rồi giờ đây bị vỡ mộng với nỗi đau ê chề. Nhất là cái thai trong bụng này...

Thạch An vẫn cố không để tình hình căng thêm, anh đưa tay sờ vào bụng Mỹ Lệ, vừa hỏi:

- Được mấy tháng rồi?

Mỹ Lệ gạt tay anh ra, đáp cộc lốc:

- Hơn sáu tháng rồi!

Trong đầu Thạch An chợt thầm tính ngày cuối cùng anh về thăm Mỹ Lệ ở Trà Vinh, đúng là hơn năm tháng rồi...

- Vậy thì... chỉ còn mấy tháng nữa là sinh con phải không?

Mỹ Lệ lại nhìn xoáy vào mắt anh chàng:

- Hay là anh nghi ngờ nó không phải con anh?

Thạch An quýnh lên:

- Đâu... đâu có. Anh tính xem mấy tháng nữa thì phải lo cho em. Anh hứa mà...

Mỹ Lệ trề môi:

- Lời hứa gió bay thôi! Mà đã bay rồi còn gì...

Cô đứng phắt dậy và đi về phía cửa sau xe, sau đó vỗ vào thành xe ra hiệu cho xe ngừng lại. Thạch An định lên tiếng bảo phụ xế đừng ngừng, nhưng tự dưng anh thốt không thành lời, trong lúc đó xe đã ngừng.

Đúng lúc đó Thạch An bị hoa mắt và mọi vật trước mặt anh như mờ đi. Anh nghe có nhiều bước chân chung quanh và rồi không còn biết gì nữa.

° ° °

Thạch An không tin vào mắt mình khi nhìn thấy trước mắt toàn là sông nước. Anh bật ngồi dậy thì suýt nữa đã té xuống nước, bởi lúc ấy anh đang nằm trên một chiếc xuồng nhỏ, trôi giữa dòng.

- Đây là đâu?

Thạch An tự hỏi rồi đưa mắt nhìn khắp chung quanh, bất chợt anh kêu lên:

- Biển Hồ!

Dù đã sinh ra và lớn lên ở đất nước Chùa Tháp này, nhưng chưa bao giờ Thạch An đặt chân tới vùng Tònglê Sáp hay còn gọi là Biển Hồ này, nhưng nhìn biển nước mênh mông trước mắt Thạch An đã chợt nghĩ tới cái hồ lớn như biển từng nghe nói.

Đến lúc này Thạch An mới dần nhớ lại những gì đã xảy ra hồi đêm, nhất là Mỹ Lệ, anh hỏi lớn:

- Mỹ Lệ! Em đâu rồi?

Dĩ nhiên là chẳng có ai trả lời, chỉ có tiếng gió rít và cái nắng rát da phả vào mặt khiến Thạch An khó chịu. Anh càng lo sợ hơn, bởi lúc ấy chiếc xuống nhỏ cứ trôi theo luồng nước chảy mà không biết là đang đi về đâu. Chẳng có ai để hỏi thăm, cũng chẳng có vật gì có thể chèo chống chiếc xuồng lái theo ý mình.

Đã từng nghe nói Biển Hổ này rộng chẳng khác một cái biển thật, một khi nó trôi đi thì chẳng biết là về đâu nên Thạch An chụm hai bàn tay lại làm loa, kêu thật lớn:

- Cứu tôi với!

Anh kêu đến khản cả cổ mà chẳng hề có ai hồi đáp. Lúc đó bỗng một cơn gió mạnh thổi tới làm chiếc xuống chao đảo và trôi giạt qua phía trái của hồ. Vài phút sau thì một cơn mưa khá to ập xuống, Thạch An chỉ còn biết nhắm mắt lại và cầu trời...

Gió càng lúc càng đưa chiếc xuồng trôi nhanh hơn. Vừa lạnh vừa sợ, Thạch An hai tay bám chặt lấy be xuồng, mắt nhắm nghiền...

Cho đến khi chiếc xuồng đụng mạnh vào một vật gì đó chao đảo rồi đột ngột ngừng lại. Lúc này Thạch An mới mở mắt ra và bắt gặp ngay trên đỉnh đầu mình một cái bọc to tướng, giống như một đòn bánh tét lớn cở một thân người, đang treo lơ lững giữa hai chánh ba cây. Một mùi khó ngửi hình như toát ra từ cái bọc đó, chợt làm cho Thạch An nhớ lại lời người ta kể kiểu mộc táng (chôn xác trên cây) mà người ở vùng nước nổi quanh năm này hay áp dụng, anh lắp bắp thốt lên:

- Đây... đây là... xác... xác người ư?

Anh cố đẩy chiếc xuồng ra khỏi chỗ đó, nhưng gió quá mạnh đã làm cho thân xuồng dính chặt vào gốc cây, không làm sao lay chuyển được. Phải mất gần nửa giờ sau, ở lần cố gắng đẩy cuối cùng, Thạch An mới đưa được xuồng tách ra được, nhưng lập tức bị gió đẩy mạnh va vào một gốc cây khác.

Lần va đập này mạnh hơn, khiến chiếc xuồng bị lật úp và Thạch An bị văng xuống nước. Khi đưa tay vớ được một nhánh cây vừa nhô lên khỏi mặt nước

Thạch An đã được bàn tay của ai đó nắm lấy và kéo mạnh lên. Lúc này Thạch An mới nhận ra chỗ anh vừa được kéo đó là một cái chòi nhỏ và người đưa tay cứu anh là một ông lão ăn mặc rách rưới. Thạch An chưa kịp hỏi thì ông già đã lên tiếng trước:

- Cứ nằm nghỉ đi, để già lau khô cho, coi chừng bị cảm lạnh đó.

Giọng nói khô khan và lơ lớ của ông chứng tỏ ông ta là một người Việt Nam nhưng sống ở vùng này lâu đời rồi nên tiếng nói có phần cứng. Ông không nghĩ là Thạch An biết nghe tiếng của mình, cho đến khi Thạch An lên tiếng:

- Cám ơn bác, cháu lạnh quá!

Lúc ấy ông mới hỏi dồn:

- Cậu là người Việt Nam? Sao cậu lại trôi tới đây?

Thạch An chỉ lắc đầu, ngầm cho ông biết là anh quá mệt. Ông già nhanh nhẹn quay sang cạnh lấy chiếc khăn cũ kỹ đưa cho Thạch An và bảo:

- Cậu lau đi cho khô!

Rồi ông tự động lột quần áo của Thạch An ra, lấy quần áo cũ của mình cho anh thay. Nhờ vậy lát sau Thạch An đã cảm thấy ấm và tỉnh táo lại. Lúc này ông già mới hỏi:

- Sao cậu lại lạc tới đây? Bộ bơi xuồng ở gần bờ rồi bị gió thổi qua tới bên này hả?

Thạch An đâu hình dung được nơi này, nên anh chỉ nói:

- Cháu chỉ nhớ là mình đi tới gần Siêm Riệp rồi chẳng biết gì nữa...

Ông lão ngạc nhiên:

- Cậu đi xe mà sao lại lạc xuống Biển Hồ này được?

- Cháu cũng không rõ...

Dần nhớ lại chuyện trên xe, Thạch An hỏi:

- Nơi đây có gần bờ không bác?

Ông già lắc đầu:

- Nói thiệt với cậu, tui cũng là người Việt, lưu lạc từ Châu Đốc sang tới đây hồi mười bảy tuổi, mà nay đã gần bảy chục rồi, chưa từng bước lên bờ của xứ

sở này, nên hoàn toàn không biết gì nơi đây cả, ngoài cái chòi này và mấy dặm nước quanh đây.

Rồi ông đột ngột hỏi:

- Bộ cùng đi với cậu có nhiều người nữa hả?

Thạch An giật mình:

- Sao bác biết?

- Thì hồi sáng sớm này cũng có một người bị chết trôi tới dây, cô ấy bận đồ giống dân thành thị, có thể từ Nam Vang tới, hoặc cũng có thể là dân Việt mình, bởi tui nhìn thấy cái khăn quàng cổ có mấy chữ Việt.

Tự dưng Thạch An hốt hoảng:

- Cô ấy đâu rồi?

Ông già chỉ tay ra xa xa:

- Ở đây chết không có đất để chôn, nên sáng nay tui đã dùng chiếu bó xác cô ấy lại rồi treo trên cây kia, chớ biết làm sao bây giờ. Ở đây người ta kêu là mộc táng đó!

Nhớ đến Mỹ Lệ, anh run giọng hỏi:

- Cái khăn quàng cổ đó ở đâu?

- Tui đã chôn theo xác cô ấy luôn rồi. Mà sao cậu quan tâm tới cái xác ấy vậy?

- Bởi vì... cô ấy có thể là...

Thạch An không tiện nói ra, nhưng nhất quyết đòi nhìn cho được cái xác đó. Ông lão lắc đầu:

- Khó khăn lắm tui mới bó được xác và đưa lên cây chôn cất. Như cậu thấy đó, mưa gió và nước ngập như thế này, đâu dễ gì chôn được xác chết.

Thạch An van lơn:

- Cháu xin bác, chính cháu sẽ tiếp tay với bác kéo cái xác xuống, bởi cháu nghi đó là... vợ chưa cưới của cháu. Hồi đêm qua cô ấy đi chung chuyến xe với cháu, rồi giận bỏ xuống giữa đường, thật khó mà tới đây, nhưng những gì bác kể cháu nghĩ có thể là...

Ông lão lắc đầu:

- Từng tuổi này rồi tui mới gặp chuyện như vầy lần đầu. Mà thôi cũng được, xác cũng mới bó chiếu, có mở ra cũng không sao.

Đợi trời hơi ngớt mưa, ông lão kéo chiếc xuồng của Thạch An chìm lúc nãy lên, rồi ông bảo:

- Cậu phải tiếp tui đưa cái xác xuống xuống, rồi chở về chòi này, sau đó mới mở ra. Mà cậu có sợ không đó?

Thạch An nói thật lòng:

- Sợ thì có sợ, nhưng nghĩ tới cô ấy thì cháu lại tự tin.

Ông lão định hướng rất chính xác, nên tuy trời mờ trong mưa, vậy mà ông chống chiếc xuống tới đúng chỗ gốc cây mà lúc nãy Thạch An đã nhìn thấy cái gói to như đòn bánh tét khổng lồ. Thạch An kêu lên:

- Lúc nãy cháu dừng xuồng ở đây và đã thấy cái này rồi!

- Quan tài chôn người ở vùng ngập nước này là như vậy đó! Nào, cậu đở một đầu, ta đưa cái xác xuống xuồng.

Ông lão tỏ ra rành chuyện này, nên chỉ chưa đầy mười phút sau cái xác đã được đưa xuống khoang. Ông giục:

- Bây giờ ta trở về nhà.

Ông dùng chữ "nhà" xong thì chép miệng nói tiếp:

- Tui đã sống gần cả đời trong cái chòi gọi là nhà đó ở đây, cậu thấy có khổ không?

Dù đang sốt ruột bởi cái xác, nhưng Thạch An cũng tò mò hỏi:

- Sao bác không kiếm chỗ nào cất cái nhà mà ở cho tiện nghi hơn?

Ông lão cười nửa miệng:

- Chung quanh Biển Hồ này chỗ có đất khô thì ở xa bên trong, mà người như tui và hầu hết dân Việt lên đây sống đều cần ở ngay vùng có nước, để làm nghề đánh bắt cá. Xa cái nghề này thì lấy gì mà sống?

Họ đưa cái xác trở lại chòi và ông lão từ từ mở dây cột ra. Sau một lớp chiếu cũ thì tới một lớp dày những lá cây, vỏ cây và sau cùng là cái xác. Nhưng khi

cái xác lộ ra thì chẳng riêng Thạch An kinh ngạc, mà ngay như ông lão, người trực tiếp liệm xác cũng phải kêu lên:

- Sao lại như vậy?

Bởi bên trong cùng chỉ là một bộ xương khô!

- Ủa, đâu thể nào...

Ông lão kêu lên rồi hết nhìn cái xác lại nhìn Thạch An. Anh chàng cũng sững sờ:

- Bác nói mới chôn xác hồi sáng này?

- Thì mới hồi mặt trời lên khỏi ngọn cây đây. Đó là một cô gái khá đẹp, người ăn mặc rất đẹp, có cái khăn choàng...

Ông vừa nói tới đó thì Thạch An đã kêu lên:

- Cái khăn choàng đây rồi!

Anh chụp chiếc khăn còn dính với bộ xương khô. Rõ ràng nó là chiếc khăn mà Mỹ Lệ choàng lúc ngồi trên xe!

- Đúng là cô ấy đây rồi! Cái khăn này không thể sai được...

Ông lão thì cứ ngồi thừ người ra, miệng lẩm bẩm:

- Xác mới bó chiếu chưa đầy một buổi thì làm gì rã thịt trơ xương ra như vậy được? Điều nay là không thể... không thể...

Trời lúc này đã tạnh mưa hẳn. Chợt có tiếng lao xao phía trước, rồi tiếng khua chèo, sau đó là giọng nói của ai đó vang lên:

- Ông Tư Sang có ở đó không?

Tư Sang là tên ông lão trên chòi, ông ta lên tiếng:

- Có đây! Tui cũng đang có ý trông các ông tới thì quả nhiên có thiệt. Ghé vô đây, tui có chuyện này muốn hỏi.

Ba người đàn ông trên hai chiếc xuồng lớn với mấy giỏ cá, họ thấy có mặt Thạch An thì ngạc nhiên hỏi:

- Người này là gì của ông vậy, ông Tư?

Chợt nhìn thấy bộ xương, họ hỏi liền:

- Sao ông đem cái xác trên cây xuống làm gì?

Chỉ về phía Thạch An, ông lão đáp:

- Cậu đây muốn nhìn mặt người thân, nhưng mới mở ra đã phải điếng hồn vía rồi. Theo mấy ông thì có khi nào cái xác mới liệm một buổi đã hóa thành xương cốt không?

- Làm gì có, treo trên cây như vậy phải mất ít nhất là hai năm thì mới rã hết.

Ông Tư Sang liền đem chuyện táng xác kể cho ba người kia nghe. Vừa nghe xong họ đã kêu lên:

- Cái xác đó dám là của người trong chiếc xe đò rớt xuống sông Kongpong Thom lắm à!

Thạch An không kể họ là người lạ, vụt hỏi liền:

- Cái xe đó rớt xuống sông hồi nào mấy bác?

Một người trong bọn họ liền kể:

- Tụi tui mới ghé vô bờ bán cá, nghe người ta đồn nhau ầm ĩ chuyện có một chiếc xe đò chở đầy hành khách, chẳng biết do tài xế ngủ gục hay sao đó mà lái luôn xuống cầu. Nghe nói chẳng một ai sống sót, tui nghĩ có thể có một vài cái xác đã văng ra khỏi xe và theo dòng chảy về Biển Hồ này, rồi trôi tấp qua phía bờ bên này, bởi mùa này nước giạt về phía của chúng ta đây.

Như bị điện giật, Thạch An đứng phắt dậy:

- Cháu phải đi qua bờ bên kia đây!

Mấy người nọ đều lắc đầu:

- Trời đang mưa giông như vầy cậu làm sao đi được? Phải đợi ít nhất là ngày mai.

Thạch An sốt ruột:

- Cháu không thể đợi được! Chiếc xe đò mà các bác nói có thể là xe do cháu lái, trên đó có người yêu của cháu. Cô ấy đang mang thai gần ngày sinh rồi!

Ông già Tư giật mình:

- Có thai hả? Cô gái này hình như cũng... có thai!

Xem lại chiếc khăn choàng mình còn cầm trên tay, Thạch An bàng hoàng:

- Như vậy thì không thể sai được rồi. Mỹ Lệ ơi!

Thạch An gào lên trong nỗi tuyệt vọng, rồi bất kể, anh gục đầu lên bộ hài cốt khóc nức nở. Ông già Tư phải kéo anh ra:

- Cậu phải bình tĩnh lại đã. Những gì tui nói chưa chắc là đúng hoàn toàn đâu, bởi giờ đây cậu không nhìn rõ mặt xác chết, biết đâu...

Mấy người kia cũng nói:

- Chuyện xác chết trôi sông thì không thể nói chính xác được. Như cách đây mấy năm, đứa con gái của một người nhập cư bị mất tích, sau đó người ta vớt được một cái xác mặc bộ quần áo y chang, chỉ có khuôn mặt là bị cá rỉa hết nhận không ra, nhưng căn cứ vào quần áo, cha mẹ cô gái đưa xác con về mai táng... Hai tháng sau bất ngờ cô gái đó trở về cho biết là mình bị bọn người xấu bắt đưa về Nam Vang bán cho một động điếm, may nhờ có người tốt bụng giúp cô ta trốn thoát!

Họ an ủi Thạch An đủ điều, nhưng nhớ lại lúc Mỹ Lệ giận dỗi bỏ xuống xe, Thạch An không thể nào yên tâm. Anh cố hỏi kỹ:

- Sông chảy qua thành phố Konpong Thom có chảy ra Biển Hồ không?

Ông già Tư đáp:

- Thì hầu như mọi con sông lớn ở xứ này đều chảy ra Biển Hồ. Chỗ chúng ta đang ở đây là trực diện với cửa sông đó. Do vậy...

Một người bổ sung chi tiết:

- Mọi thứ từ trong con sông cái đó đều trôi ra đây. Bằng chứng là cậu, có phải cậu trôi từ trong đó ra không?

Thạch An thừ người ra một lúc rồi lắc đầu đáp:

- Cháu cũng không nhớ. Chỉ mang máng nhớ lúc ấy mình bị hoa mắt, ngất đi thôi...

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Phần 2: Cô gái bị đem bán

Một thời gian sau...

Thạch An đã trở về được nhà sau đúng một tuần sống trôi dạt cùng những người nhập cư trên Biển Hồ. Việc đầu tiên của Thạch An là ghé lại Kompong Thom để hỏi thăm tin tức về chiếc xe. Người nơi đó xác nhận:

- Cách đây khoảng chục ngày có một chiếc xe chở khách bất thần lao xuống sông, nghe nói có một số người nhảy ra khỏi và sống sót, còn lại đa số đều chết theo xe. Nhưng mới hôm qua, khi người ta trục được chiếc xe lên thì không tìm thấy cái xác nào trong đó!

Nhớ lại hiện tượng mọi hành khách biến mất đêm hôm đó, Thạch An thảng thốt:

- Hay đúng là họ đã biến mất trước đó? Vả chăng Mỹ Lệ cũng đã xuống khỏi xe rồi mà?

Nhớ lại chiếc khăn choàng, Thạch An reo lên:

- Phải rồi, tục choàng khăn ở xứ Chùa Tháp này thì cô gái nào cũng giống nhau cả. Có thể người chết không phải là Mỹ Lệ chăng?

Với tâm trạng nửa nghi nửa ngờ như thế, Thạch An trở về nhà. Cô vợ Sam Sam Sơ Ri của Thạch An vừa mừng lại vừa tức giận khi gặp lại mặt chồng:

- Anh đi đâu mà biệt tăm biệt tích cả chục ngày nay vậy? Có phải đi theo con nào ở Siêm Riệp không?

Thạch An kể lại chuyện mình đã trải qua thì chẳng những không tin, mà trái lại Sam Sam Sơ Ri còn lồng lộn lên:

- Đúng như vậy rồi! Anh nói xe bị tai nạn, vậy sao người đi chung với anh trở về đây an toàn ngay sau hôm đó, có nghe họ nói xe bị tai nạn gì đâu!

Thạch An cố cãi, nhưng khi Hiệp, cậu phụ lái xe cho anh xuất hiện thì mọi việc đảo lộn hết. Anh ta thuật lại:

- Khi anh ngủ thì em lái, nhưng sau đó em phát hiện trên xe không có hành khách, giống như trước đó anh đã gặp phải. Em ngừng xe lại tìm hoài không thấy anh, trong lúc đang loay hoay thì bỗng chiếc xe tự nhiên trôi từ từ, rồi tuột

luôn xuống sông! Em ở lại đó nhờ người giúp trục chiếc xe lên nhưng không được nên vội trở về đây báo tin. Không gặp anh em nghĩ chắc là anh đi đâu đó, chớ chắc chắn anh không có trong xe lúc nó rớt xuống sông.

Sam Sam SơRi càng được nước làm căng thêm:

- Anh tưởng lâu nay giấu kín rồi tui không biết hay sao? Anh và con đó...

Cô ta nói tới đó chợt ngừng lại khi bà mẹ bước ra. Hình như bà ta nháy mắt ra hiệu gì đó khiến cô nàng phải bỏ ngang cơn giận. Tuy nhiên vẫn còn ấm ức, nên cô quay vào nhà trong mà sắc mặt còn đằng đằng sát khí. Thạch An ngơ ngác:

- Có chuyện gì vậy mẹ!

Bà Kham Sô xua tay:

- Ôi, đàn bà ghen bóng ghen gió đó mà!

- Nhưng... chưa bao giờ SơRi lại có thái độ như hồi nãy! Con muốn biết là con đã làm gì nên tội mà cô ấy đối với con tệ quá. Chuyện con vắng nhà vừa rồi đúng là con bị tai nạn mà. Tai nạn ấy cho tới giờ phút này con cũng chưa biết thực hư ra sao nữa. Mẹ đã từng biết Biển Hồ chưa? Con đã bị trôi giạt ra đó trong mấy ngày qua!

Bà Kham Sô nhìn sửng chàng rể:

- Con nói đã ra tới Biển Hồ?

- Dạ, con bị ngủ mê trên xe, đến khi tỉnh dậy thì thấy đang bị trôi trên Biển Hố, may mà gặp được người cứu.

Bà chép miệng:

- Con nói toàn chuyện gì đâu không, đến mẹ còn không tin nổi, nói gì con SơRi.

Thạch An vò đầu bứt tóc:

- Con có nói gì cũng chẳng ai tin, vậy ai muốn nghĩ gì cũng được!

Anh bỏ ra ngoài khu vườn bên cạnh nhà, nơi có ngôi nhà mát mà thường khi Thạch An vẫn ra đó ngồi mỗi khi cần thư giãn. Bà Kham Sô cũng hơi bực với thái độ của chàng rể, nhưng chưa tiện nói ra. Bà bước ra cửa định đi chợ thì chợt có một người từ bên kia đường bước qua, trông thấy bà người đó đã kêu lên:

- Bà Kham Sô, tôi tìm bà từ hai hôm nay rồi!

Nhìn sửng người khách không mời, lúc đầu bà Kham Sô còn chưa nhận ra, nhưng sau đó bà hơi lúng túng:

- Có phải cô là... là....

- Tôi là Sáu Đen ở Sài Gòn nè!

Lúc ấy bà Kham Sô mới sững sờ:

- Cô Sáu đây sao? Mà... mà sao cô tới đây?

Bà Kham Sô có vẻ không tự nhiên, nhìn trước ngó sau rồi lôi tuột khách vào trong nhà. Sáu Đen lên tiếng trước:

- Có chuyện cấp bách nên tui phải tìm lên bà ngay, không tuân theo lời bà dặn, xin bà thông cảm.

Bà Kham Sô hạ thấp giọng:

- Có gì nói nhỏ nhỏ...

Sáu Đen có lẽ quen ăn nói bổ bả nên vẫn giữ giọng điệu như trước đó:

- Chuyện đó tui làm xong cả nửa năm nay rồi, tưởng là êm. Nào ngờ vừa rồi con Mỹ Lệ lại hiện về làm dữ lắm!

Câu nói đó lọt ra bên ngoài, Thạch An nghe được, anh giật thót người, nhưng kịp kiềm chế, cố lắng tai nghe kỹ hơn...

Bên trong nhà hình như bà Kham Sô không còn hạn chế lời nói của khách được, nên mặc cho Sáu Đen tiếp tục:

- Con nhỏ đó thành ma rồi! Mà nghĩ cũng tại tui, lúc hại nó tui không quan sát kỹ, chở nếu để ý một chút thì tui đâu có hại chết một đứa đang mang thai!

Giọng bà Kham Sô thảng thốt:

- Nó có bầu sao? Sao nói nó mới cặp với thằng Thạch An mà?

Sáu Đen tỏ ra rành rẽ:

- Đâu phải mới! Tụi nó yêu thương nhau từ năm sáu năm rồi, trước khi thằng Thạch An lên dây lập nghiệp rồi cưới con gái bà. Tui mới tìm hiểu đây và thấy bất nhẫn quá. Thêm nữa chuyện con Mỹ Lệ hiện về đòi mạng mấy bữa nay khiến tui và mấy đứa đàn em không đứa nào ngủ được! Tui cũng xin báo cho bà hay, tui thì còn có thể giữ mồm giữ miệng được chớ mấy đứa đàn em chúng không giữ được đâu. Tui e chúng nó...

Bà Kham Sô la lên:

- Phải tìm cách bịt miệng chúng nó lại chớ!

Sáu Đen hạ thấp giọng:

- Tui hứa cho tụi nó thêm tiền và đưa tụi nó đi xa, nhưng tiền nong tui bây giờ yếu lắm...

Bà Kham Sô gắt lên:

- Tôi đã trả tiền công đủ cho cô rồi, mà số tiền cũng đâu phải là nhỏ. Vậy sao bây giờ còn có ý...

Giọng Sáu Đen đầy vẻ giang hồ, thách thức:

- Thật lòng tui muốn chuyện này êm xuôi, chớ đâu có làm khó dễ gì bà. Nhưng cơn Mỹ Lệ không phải là người, nó đã là ma, do đó tui đâu biết nó trả thù lúc nào! Tui sợ lắm rồi, nếu bà không giúp giải quyết tụi đàn em tui thì chuyện chúng nó đi tố cáo để chuộc tội là điều tui không thể ngăn cấm được. Đó là chưa kể oan hồn con đàn bà có thai mà bị chết oan, nó sẽ ra tay báo oán bất cứ lúc nào!

Bà Kham Sô có vẻ trách móc:

- Hồi đó tôi đã dặn rồi, chỉ cần dọa cho nó sợ mà rút lui khỏi thằng Thạch An, để bảo vệ hạnh phúc cho con gái tui. Chớ tui đâu có...

Sáu Đen lớn tiếng:

- Bà nói sao? Chớ không phải bà dặn làm bất cứ điều gì miễn là diệt tận gốc, để con Mỹ Lệ đó không còn tồn tại hay sao? Khi thực hiện xong phi vụ này tui đã báo cho bà biết khi bà xuống mua bán ở Sài Gòn, lúc ấy bà còn thưởng thêm tui về cách làm nhanh, gọn và hiệu quả nữa!

- Nhưng mà...

- Thôi, tui nói mau để bà dễ tính. Bây giờ bà cho thêm một ít nữa để tui đưa bọn đàn em đi xứ khác sinh sống, tránh những điều không hay xảy ra.

- Nhưng mà...

- Còn nếu bà không chi thêm thì tui bỏ mặc tụi nó, tui bỏ xứ đi. Sau này tụi nó có khai linh tinh gì đó thì bà ráng mà lo.

Biết nếu để kéo dài sự có mặt của mụ ta trong nhà sẽ sinh nhiều phiền toái, bà Kham Sô móc vội một số tiền đưa cho Sáu Đen và dặn:

- Từ nay chị đừng ghé đây nữa, nghe chưa!

Sáu Đen có vẻ không hài lòng với số tiền được đưa thêm, nhưng nghĩ sao mụ ta lại rút êm. Ra khỏi nhà khoảng vài trăm thước thì nghe có tiếng gọi phía sau:

- Chị gì đó ơi!

Sáu Đen hoảng hốt quay lại thì Thạch An đã đứng ngay sau lưng chị ta, anh nói nhanh:

- Tôi sẽ gởi thêm cho chị ít tiền, chị ghé quán nước này nói chuyện một chút.

Chưa từng biết mặt Thạch An, nên lúc ấy Sáu Đen tưởng gặp phải lính kín, chị ta hơi run:

- Ông là...

Thạch An nhanh tay đẩy chị ta vào một quán cà phê vắng gần đó, nói nhanh:

- Tôi là Thạch An, người mà chị vừa nói chuyện với mẹ vợ tôi!

Sáu Đen điếng vía:

- Cậu... cậu đã biết chuyện?

- Biết hết! Và chị thấy là đã đến lúc tôi báo cảnh sát bắt chị được chưa?

Sáu Đen là tay giang hồ giết người không gớm tay, vậy mà vừa bị dọa đã quíu cả lên:

- Tui đâu có làm gì! Tui chỉ...

- Chỉ có giết người thôi chớ gì! Chị giết Mỹ Lệ khi nào?

Bị nói trúng tim đen, Sáu Đen líu lưỡi:

- Tui... tui không có giết. Đó là do bọn dàn em nó làm...

Thạch An đanh giọng lại:

- Tôi hỏi giết khi nào?

- Dạ... đã gần năm tháng rồi...

Thạch An ôm đầu kêu lên:

- Trời ơi, vậy mà tôi nào có hay! Mỹ Lệ ơi...

Lợi dụng lúc Thạch An đang ôm đầu gục xuống, Sáu Đen đứng vụt dậy định chuồn, nhưng Thạch An đã phát hiện kịp. Anh nắm chặt tay mụ ta lại, nói gần như thét lên:

- Chị mà bước ra khỏi đây là coi như chị hết muốn sống rồi đó! Khôn hồn thì ngồi xuống đây nói hết cho tôi nghe, chị được mướn bao nhiêu tiền để làm chuyện tày trời ấy?

Sáu Đen từng nghe Thạch An là dân tài xế chạy xe đường dài Sài Gòn - Nam Vang, nên cũng có hơi nhợn nên đành phải ngồi trở lại. Mặt bắt đầu xanh tái...

- Chị được trả bao nhiêu tiền để làm chuyện này?

Giọng chị ta ngập ngừng:

- Dạ... hai lượng vàng...

- Giết ở đâu và bằng cách nào?

- Dạ... ở đấy...

Thạch An sửng sốt:

- Ở đấy là ở đâu?

- Biển Hồ.

Câu nói khiến cho Thạch An nhảy dựng lên:

- Sao lại ở Biển Hồ?

Sáu Đen như một phạm nhân trước vành móng ngựa:

- Nói thiệt với cậu... đúng ra cô Mỹ Lệ không bị giết ở xứ này đâu, nhưng vì bọn đàn em của tui sợ làm ở bên xứ mình thì dễ đổ bể, nên nhân dịp cô ấy đi qua Nam Vang hồi tháng tư, hình như là để kiếm cậu cho nên tụi nó đã ra tay.

Thạch An bị kích động dữ dội, anh nói như là ra lệnh:

- Nói rõ cho tôi nghe coi, giết bằng cách nào?

- Tụi nó đón bắt cô Mỹ Lệ ở bến xe lúc cô ấy nghe tin cậu có vợ bên này và sau đó đưa cô ấy ra Biển Hổ vào một đêm trời mưa. Chúng nó... xô cô ấy xuống hồ!

Thạch An đấm mạnh xuống bàn:

- Quân dã man! Biết cô ấy đang có thai mà chúng bay vẫn không tha, trời tru đất diệt tụi bây!

Sáu Đen cũng không vừa:

- Nếu tụi đàn em tui tội mười thì cậu tội cũng không nhẹ đâu. Chỉ vì cậu bỏ bê con người ta trong lúc cô ấy đang có mang, nên cô ấy mới cất công từ quê nhà sang tận đây tìm cậu, để rồi bị hại như vậy. Tui nghĩ...

Thạch An điên tiết lên:

- Chị mà còn nói nữa tôi sẽ giết liền tại đây!

Rồi Thạch An lảm nhảm như kẻ điên:

- Thảo nào mình trôi giạt ra tận Biển Hổ... thì ra Mỹ Lệ dẫn dắt mình ra đó, chính cô ấy đã chỉ lối cho mình tìm ra xác cô ấy. Vậy mà mình ngu muội, không biết gì...

Sáu Đen nghe được lại tưởng là Thạch An đã khám phá ra mọi chuyện, mụ càng quýnh lên:

- Cậu đã tìm được xác cô ấy? Tui... tui xin tạ tội, tui xin...

Mụ ta bất ngờ sụp xuống lạy Thạch An, khiến những người chung quanh ngơ ngác, chẳng hiểu chuyện gì. Thạch An để cho mụ ta lạy, đến một lúc anh vụt đứng lên và nói:

- Chị đi với tôi!

Thạch An lôi mụ ta ra ngoài, hướng về phía nhà mình. Sáu Đen phản ứng bằng cách vùng thoát và chạy nhanh qua bên kia đường. Bị bất ngờ nên khi Thạch An đuổi theo thì đã chậm, mụ ta đã mất hút trong đám đông.

Còn đang bực tức đứng nhìn theo thì bỗng Thạch An thấy chiếc xe đò mà mình thường lái, tức chiếc xe nghe nói đã rớt xuống sông Konpong Thom, vừa trờ tới đậu ngay trước cửa nhà của mẹ vợ.

- Ủa?

Thạch An chạy vội qua, nhìn thấy ngồi ở vô lăng là Hiệp, cậu phụ lái cho anh, Thạch An ngạc nhiên hỏi:

- Xe được vớt lên hồi nào vậy?

Hiệp giải thích sự có mặt của mình:

- Xe mới được vớt chiều hôm qua, đáng lẽ còn phải chỉnh sửa, nhưng bà chủ ra lệnh phải đưa xe về đây để sáng nay đi liền.

- Đi về Sài Gòn à?

- Không! Đi Siêm Riệp.

Thạch An nhìn lên xe thấy trống không, anh hỏi khẽ Hiệp:

- Những hành khách đi xe bị rớt xuống sông giải quyết ra sao rồi?

Hiệp lắc đầu cười:

- Đâu có ai!

Thạch An ngơ ngác:

- Vậy là sao? Năm mươi hai người khi tôi rời bến ở Sài Gòn mà, sao lại không có ai?

Hiệp đáp tỉnh queo:

- Đã xuống xe hết chỗ trạm xăng, anh không nhớ sao?

- Nhưng... chỉ vài phút sau thì xe lại đầy khách, tao nhờ mày lái thay, lúc đó khách đông đủ cả. Vậy là sao?

Hiệp lắc đầu:

- Em không biết! Nhưng khi xe lao xuống sông thì em văng ra khỏi xe, chiếc xe chìm lỉm, để rồi khi trục vớt lên thì không còn người nào trong xe. Cửa xe vẫn đóng kín, như vậy làm sao người thoát ra được nếu có trong xe? Điều này em cũng thắc mắc và định gặp anh để hỏi.

Thạch An đang định vào nhà để hỏi mẹ vợ tại sao lại điều xe của mình đi Siêm Riệp, trong khi nếu xe đã sửa xong thì chính anh se là người lái nó về lại Sài Gòn.

Vừa lúc đó bà Kham Sô từ trong nhà bước ra, vừa thấy Thạch An bà đã gắt lên:

- Mọi người đang chờ trong nhà để đi, sao con ở đâu nãy giờ?

Thạch An đang bức xúc trong lòng về những gì biết được về tội ác của bà mẹ vợ này, nếu không gằn được thì Thạch An đã nổi xung thiên ngay. Cũng may lúc này Thạch An tự nhủ lòng là cố nhịn và sẽ chỉ nổ ra khi cần thiết. Thạch An chỉ đáp cộc lốc:

- Con không thể lái đi đâu khi chưa biết những người khách đi xe tới Konpong Thom bây giờ đang ở đâu. Hay là họ cũng... bị thủ tiêu giống như cô gái tên Mỹ Lệ rồi?

Câu nói của Thạch An đột ngột đã làm cho bà Kham Sô tái mặt, bà lắp bắp:

- Sao... sao con nói chuyện của ai đó? Mỹ Lệ là người ra sao?

- Má dám chắc là không biết người này?

Bà Kham Sô chưa trả lời câu hỏi khó của Thạch An thì bỗng có giọng the thé của Sam Sam SơRi:

- Biết con đó thì sao! Bây giờ anh ra mặt bênh vực nó phải không?

Như giọt nước làm tràn ly, Thạch An nói như hét lên:

- Quân giết người. Đồ dã man!

Bị bất ngờ, bà Kham Sô vừa giận nhưng cũng vừa sợ, nên trong nhất thời bà không phản ứng kịp, trong khi Sam Sam SơRi thì vẫn đanh đá:

- Anh làm gì khi tui giết đứa đã cướp chồng tui hả? Giết người thì sao?

Bà Kham Sô bụm miệng con gái không kịp, nói như van lơn:

- Má xin con, muốn gì thì từ từ nói...

Thạch An chỉ thẳng tay vào bà mẹ vợ:

- Bà giết Mỹ Lệ phải không?

Bà Kham Sô run rẩy:

- Không... má không...

- Mụ Sáu Đen đã nói hết rồi, má còn muốn nói gì nữa không? Mà con nghĩ má và vợ con đâu còn gì để mà biện minh nữa. Bây giờ hãy để cho người chết nói chuyện với hai người thôi!

Vừa lúc đó phụ xế Hiệp bước vô, anh chỉ tay ra xe và nói:

- Lúc nãy có người gởi tui mang về đây một thứ mà thấy lạ quá tui không dám chở, nhưng người ấy nói nếu tui không chở thì sẽ hối hận... nên tui đành phải đem về đây.

Bà Kham Sô hỏi:

- Chở cái gì?

- Dạ, một bó gì đó giống như đòn bánh tét lớn.

Vừa nghe nói là Thạch An đã kêu lên:

- Vật đó đâu rồi?

- Dạ, ở ngoài xe.

Thạch An chạy nhanh ra mà hai chân như quíu lại, linh tính cho anh biết là điều chẳng lành...

Vật đó đặt nằm ở băng ghế sau cùng mà vừa nhìn thấy Thạch An đã nhận ra ngay, đó là cái gói xác chết treo trên cây ở bờ Biển Hồ mà anh đã gặp hôm trước!

- Ai gởi vật này?

Hiệp lúng túng:

- Lúc em sắp sửa chạy xe về đây thì có một ông lão đã lên xe tự lúc nào không biết. Vừa bước xuống xe vừa chỉ tay tên và nói: "Mày chở vật này về giao cho chủ xe, nói với bà ta là hãy nhận lại vật mà bà đã cho người xô xuống hồ cách đây năm tháng!", rồi ông ta biến mất!

Bà Kham Sô đang đứng bỗng té ngồi xuống ghế trường kỷ, trong lúc Sam Sam SơRi thì hơi biến sắc. Chỉ có Thạch An, bỗng nhiên anh cười lên như điên, rồi thét to:

- Cuối cùng thì em cũng đã tìm tới đúng chỗ rồi Mỹ Lệ ơi!

Trong lúc mẹ con bà Kham Sô xanh mặt sợ hãi thì Thạch An lại càng cười lớn. Chẳng biết là anh đang tỉnh hay mê...

° ° °

Hãng xe đò chạy tuyến Nam Vang - Sài Gòn là của bà Kham Sô. Trong số hơn chục đầu xe thì chiếc xe do Thạch An, con rể bà lái là chiếc mới nhất. Nhưng kể từ khi xảy ra tai nạn, rồi đến việc xác chết bó chiếu nằm trên xe thì hầu như chiếc xe đó không kiếm được tài xế. Ai cũng ngại lái nó. Mà ngay như Thạch An, kể từ hôm đó cũng bỏ nhà đi luôn, chẳng biết là đi đâu.

Vào sáng sớm một ngày cuối năm...

Bà Kham Sô ngồi xe cùng Sam Sam SơRi do tài xế Hiệp lái, đi về hưởng Sài Gòn. Từ Nam Vang về Bù Vét, tức biên giới chỉ có ngót hai trăm cây số, nhưng chẳng hiểu sao Hlệp lái với tốc độ khá cao mà từ sáng sớm cho đến xế chiều vẫn chưa thấy tới.

Quá sốt ruột bà Kham Sô hỏi:

- Tới đâu rồi Hiệp?

Hiệp cũng ngơ ngác, anh phải nhìn quanh mấy lượt mới trả lời:

- Sao lạ quá, con lái đúng hướng, đáng lẽ giờ này đã qua khỏi Tây Ninh rồi, mà sao hình như...

Anh nhìn thấy chiếc cầu và con sông lớn phía trước mặt có một thị trấn quen thuộc thì giật mình:

- Ủa, sao kỳ quá.

Sam Sam SơRi buột miệng:

- Hay là đi lạc rồi?

Hiệp buông thỏng:

- Lạc thiệt rồi!

Bà Kham Sô trợn mắt nhìn Hiệp:

- Mày lái đi đâu mà lạc? Ở đây là đâu?

Hiệp ấp úng:

- Dạ, hình như là... Konpong Thom bà ơi!

Bà ta kêu lên:

- Về Sài Gòn sao mày chạy ngược lên đây làm gì? Bộ muốn đi Angkor hả?

Hiệp lúng túng:

- Dạ, con đi về hướng Sài Gòn mà. Hồi nãy bà thấy xe mình qua phà Niết Lương đó, mà hướng đó thì chỉ mấy trăm cây số là tới Tây Ninh rồi. Sao kỳ lạ vậy?

Sam Sam SơRi rít lên:

- Đầu óc mày để đâu vậy? Trời ơi, đi lên đây làm gì không biết nữa!

Tự dưng bà Kham Sô rùng mình. Bà run giọng nói:

- Chạy ra khỏi tỉnh này ngay đi!

Hiệp luýnh quýnh quay đầu xe và suýt nữa anh đã đâm xe vào thành cầu, càng khiến cho bà Kham Sô hốt hoảng:

- Mày cẩn thận chớ! Mau đi đi!

Vừa khi đó có một chiếc xe tải chở đầy hàng hóa va chạm với một xe tải khác ngay dốc cầu phía vừa đi qua, khiến hai xe nằm vắt ngang cầu và hàng đoàn xe phải kẹt lài. Hiệp kêu lên:

- Điệu này làm sao qua!

Phải mất hơn hai giờ sau đường mới khai thông. Lúc ấy trời đã tối và đổ mưa nữa, Hiệp nói:

- Đường này không an ninh làm sao đi tối được. Mà từ đây trở lại biên giới phải trên bốn trăm cây số, e rằng...

Sam Sam SơRi đã quá mệt, cô nàng gắt lên:

- Kiếm khách sạn nào ở đi, đi không nổi nữa đâu!

Nhưng bà Kham Sô phản đối liền:

- Muốn ngủ thì chạy qua tỉnh khác, chớ không được ở đây!

Sam Sam SơRi bực mình ngay với mẹ mình:

- Má kỳ quá, ở đâu mà không được, miễn có khách sạn thôi.

Bà Kham Sô nói như hét:

- Tao nói không được!

Hiệp phải lên tiếng:

- Cô Sam Sam SơRi nói đúng, giờ này chỉ có thể ngủ ở Konpong Thom này thôi, chớ chạy cách cả trăm cây số nữa mới có khách sạn. Mà quãng đường này kể cả xe nhà binh Pháp còn không dám đi ban đêm nữa là...

Sam Sam SơRi nói ngang:

- Ông ghé đại vô chỗ nào đó cũng được, tui mệt gần tắt thở rồi đây!

Bà Kham Sô vẻ sợ hãi nhưng chẳng còn cách nào hơn nên đành nín thinh. Hiệp đã từng ở chỗ này mấy đêm khi chờ trục vớt chiếc xe, nên anh ghé lại khách sạn quen, Hiệp nói:

- Bà và cô Hai ngủ phòng hạng sang cho tiện nghi, còn riêng con thì quen ngủ trên xe rồi, khỏi cần mướn phòng.

Mệt quá nên Sam SơRi không thiết gì chuyện ăn uống, cô nàng bảo:

- Con ngủ cái đã! Chừng nào đói thì kêu bồi mua cái gì đó lên phòng ăn cũng được.

Cô ta vô phòng và lăn ra ngủ ngay. Bà Kham Sô thì sau khi khóa chặt cửa phòng lại, còn dặn bồi phòng:

- Không được kêu cửa, khi nào cần cái gì chúng tôi sẽ rung chuông.

Móc khóa chưa đủ an tâm. Bà ta còn kéo chiếc ghế chận ngang cửa, vừa nói như nhắc nhở con gái:

- Không được mở cửa đó nghe!

Rồi bà ta đi tắm trước khi ngủ. Vừa vào nhà tắm bà ta vừa càu nhàu:

- Cái thằng tài xế khỉ gió, chạy đâu không chạy lại chạy lên đúng chỗ này...

Cái thói quen một khi tắm thì phải tắm khá lâu, cho nên phải mất gần nửa giờ sau bà Kham Sô mới từ trong phòng tắm bước ra. Đèn phòng đã được tắt, chỉ chừa lại bóng đèn ngủ nhỏ trên đầu giường.

- Ngủ chưa con?

Không có tiếng đáp, nghĩ là con gái đã ngủ nên bà nhẹ nhàng lên giường, nằm cạnh con. Bây giờ nỗi ám ảnh về chuyện cách năm tháng trước như sống dậy. Cũng ở thị trấn này, hồi đó tay bà không trực tiếp ra tay, nhưng chiếc xe Desoto của bà đã có mặt bà trên đó, chở theo một người mà sau đó bọn thủ hạ của Sáu Đen đã đưa xuống ghe, mà theo lời dặn của bà thì "phải đưa nó ra tận Biển Hồ, cho nó vĩnh viễn nằm dưới đó". Hôm đó cũng vào một đêm tối trời như thế này, mọi việc diễn ra khá nhanh, nhưng sao giờ đây nó như hiển hiện lại một cách chậm chạp và sống động... chẳng khác chuyện vừa mới xảy ra!

Bất giác bà Kham Sô rùng mình, và quay sang ôm chặt con gái vào lòng, nói rất khẽ:

- Má sợ quá con ơi...

Chẳng thấy SơRi có phản ứng gì, mà bàn tay của bà lại có cảm giác lạ lạ, rồi bỗng bà rút tay về, vừa bật dậy vừa la lên:

- Sao vậy SơRi? Con... con bị gì vậy?

Người bà vừa ôm có thân thể ướt đẫm và lạnh như băng!

Bà Kham Sô chưa kịp bước xuống giường thì toàn thân bà đã bị rớt xuống như trái mít rụng. Vừa bật dậy bà đã bật công tắc điện, căn phòng sáng choang. Trước mắt bà, một người hoàn toàn xa lạ đang nằm trên giường, nước ướt sũng lan ra thấm cả nệm. Dẫu đứng cách mấy bước, nhưng bà Kham Sô vẫn nhìn rõ mặt người đó, vẫn bộ quần áo đó, vẫn chiếc khăn choàng cổ đó và... bà chợt nhớ ra và kêu Iên:

- Mỹ Lệ!

Đúng người nằm trên giường kia là Mỹ Lệ, người phụ nữ mà năm tháng trước bà đã nhờ Sáu Đen và đàn em đưa đi thủ tiêu!

- Bớ...

Tiếng kêu thất thanh của bà Kham Sô chưa kịp phát ra cửa miệng thì bất thần như có ai đó từ phía sau đẩy mạnh, khiến bà nhào tới trước, rồi ngã sóng soài trên giường, ngay bên cạnh Mỹ Lệ. Lúc này bà ta mới phát hiện ra là Mỹ Lệ chỉ còn là... cái xác chết.

Cố vùng dậy để bỏ chạy, nhưng chẳng biết bằng cách nào đó, cánh tay trái của bà ta lại bị cả thân thể xác chết đè lên, chẳng làm sao nhúc nhích được!

Rồi một giọng sắc lạnh cất lên:

- Trả nợ cho tao!

Giọng nói đó phát ra từ miệng của xác chết.

- Bớ...

Bà Kham Sô cố gào lên, rồi đôi mắt tối sầm...

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Phần 3: Vay trả

Đường bộ đi từ thành phố Siêm Riệp tới Biển Hồ chỉ hơn mười cây số, nhưng chẳng hiểu sao xe hơi chạy đã gần hai giờ mà vẫn chưa tới. Bà Kham Sô nhận ra điều bất thường nhưng không dám lên tiếng hỏi. Bởi người ngồi bên cạnh bà không phải là cô con gái đanh đá mà là... xác chết của Mỹ Lệ.

Kể từ khi tỉnh lại sau cơn ngất ở phòng khách sạn thì bà Kham Sô đã nhận ra mình ngồi chung băng ghế với cái xác ma, nhưng dẫu có muốn rút tay ra khỏi bàn tay lạnh giá kia thì cũng chẳng làm sao rút được, nên đành ngồi im trong nỗi sợ hãi tột cùng.

Thậm chí muốn lên tiếng hỏi tài xế Hiệp đang lái xe mà cũng chẳng làm sao hỏi được. Phải đợi đến khi xe ngừng lại ở một bụi cây rậm rạp, lúc ấy bà Kham Sô mới thu hết can đảm cất tiếng hỏi:

- Con Sam SơRi đâu rồi?

Tài xế Hiệp không trả lời, mà cái xác bên cạnh bà ta lại bất thần cử động và cất tiếng yếu ớt:

- Con đây!

Bà Kham Sô kịp nhìn lại và hết sức kinh hãi khi người ngồi cạnh mình lại là con gái, chớ không phải xác ma. Điều này quá đỗi lạ, bởi rõ ràng lúc lên xe chạy gần một giờ đồng hồ thì chắc chắn người này chính là cái xác kia. Vậy mà sao bây giờ lại là...

- Sao lại là con, Sơ Ri?

Giọng của SơRi nghe hơi khác thường, có lẽ vì quá sợ hãi:

- Bộ má không muốn đem con theo sao?

- Trái Iại, má đang sợ bỏ con lại đó một mình. Nhưng lúc nãy chính mắt má thấy...

Sam SơRi chưa kịp đáp thì lúc ấy cánh cửa xe tự nhiên bật mở ra rồi hai mẹ con như bị ai đó xô ra khỏi băng ghế và sau đó tự động bước về phía trước mặt. Người đi trước dẫn đường là tài xế Hiệp. Anh ta chẳng nói lời nào, cứ lầm lủi bước nhanh. Mà anh ta càng đi nhanh thì mẹ con bà Kham Sô đi phía sau càng

mệt, bởi phải cố bước cho kịp. Khoảng nửa giờ sau thì tới chỗ bến nước, mà vừa kịp nhìn thấy bà Kham Sô đã hoảng sợ:

- Biển Hồ đây sao?

Đây là lần đầu tiên bà ta nhìn thấy cái biển mênh mông này. Mặc dù cách có hơn bốn tháng bà cũng đã một lần ngồi trên thuyền xuôi dòng sông Konpong Thom, nhưng lần đó chỉ ra tới gần cửa sông thì thuyền đậu lại, để cho đám thủ hạ của Sáu Đen đi tiếp. Còn lần này được trực tiếp nhìn cả một vùng hồ rộng lớn ngoài sức tưởng tượng, bà Kham Sô chợt run lên và hai chân như rủ xuống, không còn bước đi bình thường được nữa. Lúc này tài xế Hiệp mới từ từ quay lại, vừa cất tiếng:

- Nóng nực quá nên mệt, bước đi không nổi hả bà chủ? Vậy thì hãy đi nhanh xuống ghe để rồi còn tắm nước hồ cho mát chớ!

Nghe giọng nói đúng là của tài xế Hiệp, nhưng gương mặt anh ta thì không phải. Mà là... chính là gương mặt của... Mỹ Lệ!

- Trời ơi!

Mặc cho tiếng kêu thất thanh của bà ta, người có thân xác là tài xế Hiệp, nhưng mang gương mặt của Mỹ Lệ vẫn bình thản vừa đi vừa nói:

- Xuống ghe nhanh lên, mọi người đang đợi!

Mẹ con bà ta ríu ríu nghe lời. Họ cùng bước lên chiếc ghe có mui đang đậu chờ sẵn. Vừa trông thấy chiếc ghe bà Kham Sô đã ngờ ngợ rồi chợt kêu lên:

- Chiếc ghe ấy đây mà.

Bà nhớ rất rõ, hơn bốn tháng trước, chính bà đã bỏ tiền ra mướn chiếc ghe có cái mui màu xanh này cho bọn đàn em Sáu Đen đưa người phụ nữ tội nghiệp tên Mỹ Lệ xuống để đem đi thủ tiêu.

- Không... tôi không...

Bà và cô con gái cố vùng thoát chạy trở lên bờ nhưng bỗng cả thân người họ bị nhấc bổng Iên, rồi nhẹ nhàng rơi lên sàn ghe và... nằm bất động.

- Nhổ neo!

Lệnh ban ra từ miệng của Mỹ Lệ. Sam SơRi còn lơ mơ tỉnh, cô cố nói bên tai mẹ:

- Mẹ cố chạm vào người của Hiệp xem... người ra nói ma mượn lốt người khác thì chỉ cần chạm vào chân nó thì nó sẽ hiện lại nguyên hình. Má thử chạm đi...

Bà Kham Sô sợ điếng hồn nên đâu dám. Sam SơRi phải bất thần chụp lấy tay bà ta rồi đưa chạm vào chân của Hiệp đang đứng kế bên. Một tiếng ré lên như tiếng heo kêu, rồi cả thân người của Hiệp đổ ngay xuống bên cạnh mẹ con họ. Lúc này gương mặt của Hiệp đã trở về nguyên trạng, nhưng anh ta nằm im như chết. Bà Kham Sô cố gào lên:

- Dậy đi Hiệp!

Nhưng mặc cho bà ta cố kêu gào và vùng vẫy, chiếc ghe vẫn từ từ lui ra giữa dòng và lướt đi thật nhanh. Bà Kham Sô đã mất hết khái niệm về thời gian, nhưng có lẽ cũng phải rất lâu sau đó... Chợt có giọng ai đó nghe rất quen cất lên:

- Đúng chỗ này rồi đó!

Một giọng khác còn quen hơn:

- Cho họ xuống một lượt đi!

Lời nói vừa dứt thì chiếc ghe chòng chềnh và mẹ con bà Kham Sô có cảm giác như bị hất tung lên cao và rơi xuống. Sau đó họ hầu như chẳng còn biết gì nữa, cho đến khi bên tai họ nghe có những âm thanh kỳ dị...

Sam SơRi mở mắt ra trước, cô ta vừa nhìn thấy cảnh vật chung quanh đã phát hoảng:

- Má ơi!

Không thấy mẹ đâu, cô ta càng hoảng hơn. Vừa lúc đó có tiếng hét rất gần, khi Sam Sơ Ri nhìn lại phía sau thì thấy mẹ cô cũng đang trong tình trạng giống như vậy. Hai mẹ con đều bị treo lủng lẳng trên cành cây, mà phía dưới chỉ toàn nước và nước.

- Mẹ ơi!

Sam Sơ Ri cất tiếng gọi và bên cây kia giọng bà Kham Sô cũng cất lên:

- SơRi con!

Lúc này có một giọng thứ ba vang lên ở phía tay phải của họ:

- Chỗ ở mới có tiện nghi không phu nhân và tiểu thư?

Nhìn kỹ, cả hai thấy người hỏi lại là một ông lão đang ngồi trên một chiếc xuồng câu. Và nếu họ biết thì đó là ông Tư Sang. Người đã từng cứu Thạch An một lần.

Bà Kham Sô cố kêu lớn:

- Cứu giùm tôi với!

Sam SơRi cũng la lên:

- Con ngộp thở rồi ông ơi, xin cứu con giùm!

Ông già Tư vẫn bình thản:

- Xưa nay nằm trên nệm ấm chăn êm quen rồi, nay chỉ mới thử nằm trên cành cây có chút xíu đã kêu than rồi, vậy thử hỏi người suốt đời bị treo trên đó thì họ làm sao chịu nổi?

Sam SơRi khóc òa lên:

- Con sợ lắm ông ơi, xin cho con xuống.

Ông già Tư đáp mà không nhìn lên họ:

- Giữa treo trên đó như vậy và xuống đây để rồi bị bó lại bằng chiếc chiếu rách này, cô chọn cách nào?

Bà Kham Sô nhìn thấy mấy chiếc chiếu rách trên xuồng đầu tiên và bà cũng từng nghe nói là người chết ở đây được bó trong chiếu và treo lơ lửng giữa chánh ba cây, nên vừa nghĩ tới viễn cảnh đó đã kêu thét lên:

- Chúng tôi không muốn chết!

Bấy giờ ông già Tư mới quay lại nhìn thẳng vào bà ta:

- Vậy sao bà làm cho người ta chết rồi thân xác người ta bị treo trên đó suốt đời thì được? Bà hãy nhìn lại ngay bên cạnh bà đó, có phải có người nằm đó vĩnh viễn không?

Lúc ấy bà Kham Sô mới chợt nhìn thấy có một xác người bó chiếu treo ngay bên cạnh. Bà thét lên:

- Trời ơi, cứu tôi!

Ông già Tư cất tiếng cười nghe thê lương lạ thường, rồi giọng ông như tiếng than khóc:

- Ở đời bất công vậy đó. Người ta giết người rồi xác người bị hại treo giữa rừng nước cô quạnh thì được, mà khi người ta bị thì lại sợ hãi, kêu la! Vậy tui hỏi mọi người, trường hợp của bà ta thì có tha hay không?

Bỗng có nhiều tiếng đáp vang lên:

- Làm sao tha được khi bà ta là chủ mưu vụ này mà!

Nghe lẩn trong lời đáp đó có giọng quen quen, bà Kham Sô đảo mắt nhìn quanh thì chợt nhận ra giọng đó ở ngay cạnh mình. Và chợt bà kêu lên:

- Mỹ Lệ! Xin cô...

Giọng đó lại vang lên:

- Tôi phải đưa bà về đây hôm nay là để bà thấy hậu quả do bà gây ra! Bà thấy rồi chớ, nạn nhân của lòng thù hận ích kỷ của bà đã chết và chịu như thế này mãi mãi. Vậy theo bà thì nếu bà trả nợ tôi thì cái chết treo có phải là hình thức tương xứng không?

Mỗi lời nói phát ra thì cái xác táng trong chiếc chiếu bó tròn kia lại lắc lư theo nhịp gió thổi qua. Bà Kham Sô đã sợ chết điếng rồi, nên giọng của bà không con phát ra trơn tru nữa:

- Tôi... tôi xin lỗi... tôi hối hận... tôi...

Sam SơRi khóc như con heo bị thọc huyết vừa van lơn:

- Xin chị tha mẹ con em. Cũng chỉ vì ích kỷ, muốn chiếm đoạt anh Thạch An một mình nên mẹ con em mới làm chuyện ác. Bây giờ thì em đã biết tội mình rồi. Vậy xin chị Mỹ Lệ hãy rộng lòng tha cho em và cho cả cái thai em đang mang trong bụng nữa...

Giọng của Mỹ Lệ lẫn giữa đau đớn và thù hận:

- Vậy khi mẹ cô giết chết tôi thì đứa con trong bụng tôi nó cũng đâu có thoát. Cô có biết lúc ấy tôi cũng van xin bà ta như vậy, thậm chí còn thống thiết hơn nữa kia, vậy mà bà ta có đoái hoài tới đâu, vẫn ra lệnh cho đám kia dìm tôi xuống nước, khiến tôi chết mang theo cả cái thai năm tháng tuổi, có thê thảm không?

Sam SơRi nhìn sang mẹ:

- Có phải vậy không mẹ?

Bà Kham Sô khóc nức nở:

- Cái ác đã khiến mẹ phải làm như vậy... mẹ biết lỗi mình rồi và chỉ xin...

Bà quay sang cái xác bên cạnh:

- Tôi đã gây ra tội ác thì phải trả, chỉ xin cô để con tôi yên, để nó sanh con và nuôi đứa nhỏ.

Một tràng cười vang lên:

- Bà con hãy nghe người ác nói chuyện nhơn đức nè! Theo bà con thì có nên làm theo lời bà ta không?

Những tiếng vang lên:

- Không! Đừng nghe lời bà ta!

Tuy nhiên, giọng của Mỹ Lệ lại vang lên:

- Tuy ai cũng có thể đồng tình với tôi về cuộc báo thù này, nhưng tôi không muốn lặp lại tội ác mà kẻ thù của tôi đã gây ra. Có nghĩa là tôi không giết người phụ nữ đang mang thai này, mà chỉ trừng trị người đàn bà tán tận lương tâm thôi!

Lời vừa dứt thì bỗng thân thể đang treo lơ Iửng của bà Kham Sô bị rơi xuống nước, cùng lúc với năm, sáu thân thể nữa ở các cây gần đó.

Giọng của Mỹ Lệ trầm xuống:

- Bà ta đã chết cùng với bọn Sáu Đen, những kẻ không đáng sống trên đời nữa.

Sam SơRi thét lên một tiếng rồi ngất trong lúc thân thể vẫn còn treo lơ lửng như vậy.

Giọng nói rất nhẹ của Mỹ Lệ:

- Mọi việc gần như xong rồi chú Tư. Vậy phiền chú giúp nốt cho con việc đưa cô ta về nhà giùm.

Ông già Tư hơi lưỡng lự:

- Nhưng sao cô... lại để cô ta sống? Đây là đứa ích kỷ, lòng dạ độc ác không thua gì mẹ cô ta đâu!

Mỹ Lệ thở dài:

- Đủ rồi chú Tư! Vả lại cô ta còn có đứa con của Thạch An trong bụng, mà con thì không muốn Thạch An không có người nối dõi.

- Nhưng...

- Không sao đâu! Con đã tiên liệu mọi việc rồi. Cô ta sẽ chỉ làm mỗi nhiệm vụ là sinh ra đứa con thôi. Còn những điều khác thì hãy để số phận tính...

Ông già Tư muốn nói thêm, nhưng cái chiếu của Mỹ Lệ đã tan biến nhanh thành bụi bay theo gió. Ông già Tư chỉ còn biết thở dài rồi từ từ đỡ thân thể của Sam SơRi xuống. Ông chép miệng:

- Lòng dạ con người lương thiện thì dẫu có thành hồn ma họ cũng đâu thể độc ác, tán tận lương tâm như bọn ác nhân thật sự. Thay mặt những người còn sống trên thế gian này, chú xin có lời cám ơn cháu, Mỹ Lệ!

Ông vừa đưa Sam SơRi đặt lên xuồng, vừa quay lại nhìn những thân thể người, trong đó có bà Kham Sô nổi lềnh bềnh trên mặt nước, vừa nói với họ:

- Các người hãy trôi trên nước đi, để trải qua đúng như những gì cô Mỹ Lệ đã chịu đựng, rồi đợi tôi đi Nam Vang về sẽ tìm chỗ định cư cho!

° ° °

Bốn tháng sau Sam SơRi sinh đứa con đầu lòng.

Nó là một đứa con trai, giống Thạch An như đúc và còn lạ hơn nữa nó lại có phần giống Mỹ Lệ, chớ không có chút gì giống Sam SơRi cả.

Chính Thạch An đứng ngẩn ngơ rất lâu nhìn đứa trẻ và sau cùng anh lẩm bẩm:

- Đúng như Iời Mỹ Lệ nói trong giấc mơ rồi...

Trong chiêm bao, đã ba đêm liền Thạch An được cái vong của Mỹ Lệ về báo là đứa trẻ do Sam SơRi sinh ra chính là giọt máu của Thạch An với cô mà cô đã mang xuống âm cảnh, nay cho nó trở về thay đứa con của Sam SơRi trong bụng. Mỹ Lệ có hỏi rằng Thạch An có đồng ý như vậy không, lúc ấy Thạch An lặng thinh. Bởi cả hai đứa đều Ìa giọt máu của anh, vậy làm sao Thạch An có thể nhẫn tâm để đứa này, bỏ đứa kia?

Bất giác Thạch An thở dài, nói một mình:

- Đành phải vậy thôi!

Sam SơRi bất chợt nói:

- Đứa con này là của anh và chị Mỹ Lệ, anh hãy nhận lấy!

Nói vừa xong thì bất ngờ Sam SơRi bước xuống giường, rồi đi thẳng ra ngoài cửa, mặc dù mới sinh được có hai ngày. Lúc đầu Thạch An tưởng cô nàng đi vệ sinh, nhưng sau khi chờ gần nửa giờ vẫn không thấy Sam SơRi trở vô, Thạch An hốt hoảng chạy đi tìm. Lúc ấy có một người ngồi bán hàng phía trước nhà bảo sinh đưa cho Thạch An một mảnh giấy nhỏ, trong đó có mấy chữ của Sam SơRi:

"Đừng tìm tôi! Hãy cố nuôi thằng bé, cô Mỹ Lệ muốn như vậy đó. Anh mướn một người nuôi đứa bé rồi trở về nhà ngay để giải quyết mọi việc.

Sam Sơ Ri".

Thạch An hoảng quá, nhưng rồi cũng phải làm theo lời dặn đó. Anh trả tiền và nhờ bảo sinh viện chăm sóc giùm đứa bé trong một tuần lễ, để sau đó anh sẽ đem con về nhà.

Sau đó Thạch An ngồi xe về nhà ngay. Nơi mà anh đã dự tính là sau khi Sam SơRi sinh con anh sẽ bỏ đi luôn, không ở đó nữa.

Nhưng khi về tới nhà Thạch An đã giật mình khi thấy chị người làm chạy ra đưa anh chùm chìa khóa nhà, cùng một hộp giấy tờ. Giở ra xem thì trên cùng là một phong thư của một luật sư. Ông ta viết khá rõ ràng:

"Tuân lệnh thân chủ tôi là cô Sam Sam SơRi, kèm theo là tờ ủy quyền hợp pháp, tôi là luật sư Yeng ĐơNi xin thông báo đến ông Thạch An là:

Cô Sam Sam SơRi đã nộp đủ thủ tục ở văn phòng công chứng để chuyển nhượng toàn bộ tài sản của cô sang cho ông và đứa con mới sinh là Thạch Luôn.

Vậy từ nay ông là sở hữu chủ duy nhất của số tài sản gồm: một ngôi nhà ở Nam Vang, hai ngôi nhà ở Battambang, một ngôi nhà tại Sài Gòn (văn bản quyền sở hữu mang tên ông kèm theo đây), cùng công ty vận tải liên quốc gia, chạy tuyến Nam Vang - Sài Gòn, giao ông khai thác, sử dụng mà không được sang bán cho người khác cho đến khi đứa bé Thạch Luôn đủ mười tám tuổi, khi đó chính đứa bé sẽ là sở hữu chủ vĩnh viễn mọi thứ vừa kể trên.

Luật sư Yeng ĐơNi"..

Thạch An cầm hộp giấy tờ mà ngẩn ngơ hồi lâu, rồi sau đó anh gào lên:

- Không, SơRi!

Anh định chạy đi tìm thì chị người làm vội nói:

- Cô Sam SơRi bảo là cậu đừng đi tìm, sẽ không gặp được cô ấy đâu. Tốt hơn hết là cậu hãy cố chăm sóc đứa con mình. Nếu cậu không chê tôi già yếu, thì xin giao đứa bé cho tôi nuôi. Hy vọng tôi con sống để nuôi nó khôn lớn.

Thạch An chỉ biết ngồi thừ người ra.

Sau đó...

Thạch An làm đúng theo lời dặn của Sam Sam SơRi. Anh tiếp tục quản lý cơ ngơi của nhà vợ và làm rất khá. Chẳng mấy chốc tài sản phát triển nhanh gấp bội trước kia. Đứa bé lớn lên thường hay hỏi cha:

- Mẹ con đâu rồi cha?

Thạch An chỉ đáp lơ lửng:

- Mẹ con... có việc đi xa, sẽ có ngày trở về...

Cho đến một ngày kia có người tới báo chắc với Thạch An rằng, họ gặp được xác của Sam Sam SơRi chết trôi ở bờ Biển Hồ gần làng đánh cá của người Việt. Họ định vớt đem về giúp Thạch An, nhưng khi vừa mang lên ghe thì tự dưng cái xác biến thành tro bụi bay theo gió mất tăm.

Thạch An lặng người đi, rồi hai hàng nước mắt của anh tuôn chảy. Thốt nhiên anh nói thầm:

- Hẹn em kiếp sau...

Chẳng hiểu trong lòng của Thạch An lúc ấy hẹn mà hẹn với ai. Mỹ Lệ hay Sam Sam SơRi? Thật ra tuy Sam Sam SơRi là kẻ có nhúng tay vào tội ác, nhưng chưa hẳn cô ta hoàn toàn xấu. Và cũng có thể cô cũng xứng đáng nhận được lời hứa của Thạch An lúc này...

(Tác giả Người Khăn Trắng, nguồn vnthuquan.org)