22/10/12

Con ma nhà họ Lý

Hôm qua, khi chiếc xe Traction của cha từ từ ngừng lại trước sân thì Nguyệt Ánh đã có linh tính không hay. Cô nói nhỏ với em gái:

- Chị đoán thế nào cũng có bà ấy về cùng ba.

Lời tiên đoán của Nguyệt Ánh không sai, bởi bước theo sau ông chủ Thiên Thời là một người đàn bà tuy đã trung niên, nhưng từ cách ăn mặc cho tới cách trang điểm đều giống như các cô gái trẻ. Nhất là đôi môi thoa son đỏ chót, mà khi vừa thoạt nhìn thấy Lan Anh đã thốt lên ngay:

- Giống như mấy cô đào cải lương!

Vừa nhìn thấy hai cô con gái, ông Thiên Thời đã gọi ngay:

- Hai con ra đây chào dì Hai!

Lan Anh nguýt một cái, nói nhanh với chị:

- Dì cái con khỉ!

Nguyệt Ánh bấu em một cái, vừa nhắc:

- Kệ, đừng để ba mất mặt.

Cô kéo Lan Anh bước ra đứng ngay trên bậc tam cấp, chào cha như mọi khi:

- Ba mới về. Thưa dì...

Lan Anh thì không nói gì, cô chỉ khẽ cúi đầu.

Ông Thiên Thời quay sang người đàn bà:

- Đây là Nguyệt Ánh, Lan Anh, hai đứa con gái mà anh nói với em. Chúng nó...

Ông chưa nói hết câu thì bà ta đã chận ngang:

- Lần sau có chào hỏi thì cũng nên nhìn thẳng vào người mình đang chào, chớ nhìn ngang liếc dọc thế kia là không phải phép. Con gái phải biết lễ, biết phép để còn lấy chồng sau này!

Chưa gì đã bị bà ta chỉnh cho rồi, nên Lan Anh không dằn được, lên tiếng ngay:

- Con nhà này không lé mắt, cũng không sợ ai mà phải liếc ngang liếc dọc, chỉ có điều là có cần nhìn hay không mà thôi!

Ông Thiên Thời thấy không khí chưa gì đã căng thẳng, nên vội nói át đi:

- Nguyệt Ánh, Lan Anh đi lo cơm nước để ba đãi dì Hường. Những gì dì Hường nhắc không phải thừa đâu, cũng giống như ba thường nhắc thôi. Đi đi con.

Nguyệt Ánh biết ý cha, nên kéo tay Lan Anh đi:

- Thôi, bỏ đi.

Bữa cơm thì hai cô đã chuẩn bị xong khi nhận được tin cha về cùng với khách. Ban đầu hai chị em không hình dung khách của cha lại quá quắc như thế này, nên đã chuẩn bị tiệc đãi, bây giờ tuy có bực mình, nhưng dù sao thì cũng đỡ phải lo cái việc mà trong lòng hai đứa đều không muốn.

Nguyệt Ánh gọi Sáu Chi, đứa giúp việc và bảo:

- Lát nữa chị lo cho bả, còn tụi em thì khó ở, nên ba có hỏi chị nói tụi em đi nằm rồi!

Cả hai đi thẳng ra sau nhà, nơi có con kênh nhỏ, mà thường khi muốn giải buồn họ đều ra lấy xuồng bơi lòng vòng một lúc...

Trong khi đó ở trong nhà bà Hường đã bắt đầu chì chiết:

- Hai đứa con gái của anh coi bộ không ngoan ngoãn như anh nói đâu. Chúng khó dạy à nghen!

Ông Thiên Thời cố xoa dịu:

- Chúng là con nít, có gì mình nói sau. Bây giờ em phải chứng tỏ mình là bà chủ tương lai chớ.

Bà ta trừng mắt nhìn ông:

- Đã là chủ rồi chớ còn tương lai gì nữa.

Ông Thiên Thời nói êm:

- Thì đương kim chủ nhân. Còn trên cả... phó tướng này nữa đó nghen!

Bà ta nguýt một cái sắc như dao cạo, rồi bước thẳng vô căn phòng mà ông Thiên Thời đã dọn trước. Giọng bà ta nghe rất khó ưa:

- Cái phòng gì cũ xì, vậy mà anh nói là phòng của chủ nhân, phòng hạng sang! Như vậy đủ chứng tỏ chủ nhân trước đây không có mắt thẩm mỹ gì hết!

Biết cái kiểu ăn nói này sớm muộn gì cũng đụng chạm với hai cô con gái của mình, bởi chúng nó có thể nhịn cái gì được, chứ ai nói chạm tới người mẹ quá cố của chúng thì có chuyện ngay.

Nên ông vội khoả lắp:

- Thì cái gì không hài lòng mình sữa lại từ từ. Chớ ở xứ này nhà tui là số một rồi đó.

Cái phòng ngủ của vợ chồng ông Thiên Thời trước kia, đã được ông cho người sửa lại khá tươm tất, sang trọng hơn với chiếc giường Hồng Kông đặt mua khá nhiều tiền từ Sài Gòn chở về, thay thế chiếc giường ngủ mà ông cùng bà vợ trước sử dụng đã trên mười lăm năm, mặc dù vẫn còn tốt. Ngoài ra ông còn cho thay toàn bộ màn ở các cửa, cũng bằng vải ngoại, mà ông tin rằng chưa có nhà giàu nào ở tỉnh Rạch Giá này có được.

Bà Hường bước vô phòng, chỉ mới nhìn sơ qua đã càu nhàu:

- Màu màn cửa tối mò, cái drap giường cũng vậy, thời buổi này ai xài drap màu trắng nữa, thiếu gì bông hoa đẹp.

Ông Thiên Thời cũng nói cho xong chuyện:

- Không chịu thì đổi cái khác...

Ông mở đèn lên sáng choang cả gian phòng và vào tận phòng tắm, vừa tự hào giới thiệu:

- Cả tỉnh Rạch Giá chưa chắc nhà nào có phòng tắm nước máy, có vòi sen như nhà này. Có cả bồn ngâm nước nữa, tiếng Tây người ta gọi là beignore. Chỉ có ông chủ Thiên Thời này mới dám xài đó nghen!

Bà ta nguýt ông một cái:

- Cái bồn này bà già trầu của ông trước khi chết đã có ngâm thân chưa, nếu ngâm rồi thì gỡ bỏ ngay, mua cho tui cái khác!

- Làm gì có, tui mới lắp đặt đây mà. Còn nguyên tem luôn!

Lễ động phòng của hai ông bà trắc trở ngay từ đầu như vậy, chủ yếu là do tính khí quá quắt của người đàn bà mới nhập gia này. Vậy mà ông Thiên Thời cũng ráng chịu đựng cho qua. Cũng may khi con Sáu Chi mời xuống ăn cơm thì coi như ông được giải thoát, ông hối:

- Mình xuống ăn cơm rồi còn nghỉ ngơi, anh đói lắm rồi.

Mâm cơm dọn thịnh soạn nhưng chỉ có hai người ăn. Ông Thiên Thời hỏi:

- Hai đứa nó đâu rồi sao không ra ăn luôn?

Sáu Chi đáp:

- Dạ, hai cô nói khó ở rồi đi ra sau nhà. Chắc là đi bơi xuồng rồi, vì hồi sáng có mấy người bạn học của hai cô tới, họ có hẹn đi bơi xuồng.

Sáu Chi đã bịa chuyện để cho sự vắng mặt của hai cô chủ nhỏ hợp lý, chớ cô còn lạ gì cái nhăn mặt khó chịu của cả hai khi đón khách mới hồi nãy. Ông Thiên Thời cằn nhằn:

- Hai đứa này không biết gì hết, có khách thì phải ở nhà lo chớ!

Bà Hường lại có dịp mắc mỏ:

- Thiếu người dạy nên vậy đó! Mà thôi, có mặt tụi nó lại ăn mất ngon!

Sáu Chi nghe nói mà cũng phát tức. Cô ta đã làm cho nhà này kể từ khi bà chủ cũ còn khoẻ mạnh, bà thương cô và ngược lại cô cũng thương bà nhiều. Gần sáu năm ở trong nhà này cô chưa từng bị bà chủ nói nặng lời lần nào, bữa cơm nào bà cũng bắt phải ngồi ăn chung, không phân biệt chủ tớ. Vậy mà nay, từ lúc ngồi xuống mâm, bà Hường này chỉ chăm chú lo trách người này, chê cái kìa, chứ không hề quan tâm tới người phục vụ...

Chán nản, Sáu Chi bước tránh ra, đi làm vài công việc lặt vặt khác. Và suốt buổi cơm hôm đó cô nghe toàn là lời của bà Hường nói, không nghe ông chủ Thiên Thời nói gì. Câu cuối cùng cô còn nghe rất rõ bà ta bảo:

- Người ăn kẻ làm trong nhà này có lẽ tui phải coi lại, nếu cần thì cho nghỉ, mướn đứa khác tui ưng ý hơn!

Ông Thiên Thời bấy giờ mới lên tiếng:

- Trong nhà này chỉ có thằng Sĩ tài xế là người lái xe cẩn thận, làm nào giờ chưa từng để xảy ra gì, tui ưng ý lắm, còn con Sáu Chi thì là đứa được lòng cả nhà, lại siêng năng, hiền lành, đâu có ai khác mà phải cho nghỉ.

Bà ta cố tình nói cho Sáu Chi nghe:

- Nhưng tui muốn mọi cái trong nhà này phải mới. Người dính tới bà già trầu kia tui hổng ưa.

Sáu Chi nghe mà ức lắm, nhưng cô vẫn cố nhịn. Chờ cho xong bữa cơm, cố dọn dẹp rồi đi tìm hai cô chủ nhỏ. Không thấy hai người ở bờ kênh, Sáu Chi lại đi vòng qua chỗ ngôi mộ của bà chủ.

Nơi mà ngày nào Sáu Chi cũng ra đốt nhang cúng, thậm chí còn ngồi lại lâu hơn hai cô gái con bà.

Khi bước tới nơi Sáu Chi ngạc nhiên khi thấy ở đầu mộ có một bó hoa còn tươi.

- Hoa của ai vậy kìa?

Hoa rất lạ, Sáu Chi chưa từng thấy bao giờ, nên không biết là hoa gì, mặc dù đó chỉ là một thứ hoa cẩm chướng mà dân thành thị thường hay dùng.

- Của ai vậy hà?

Từ phía sau lưng chợt có một giọng nói rất lạ:

- Cứ tưởng là sẽ không có người tới để chiêm ngưỡng hoa. Ai ngờ cũng có, mặc dù không phải là...

Sáu Chi bật đứng dậy, ngạc nhiên hỏi:

- Anh là ai vậy, sao đặt hoa trước phần mộ của bà tui?

Khách là một chàng trai cỡ trên hai mươi tuổi, người có vẻ thư sinh, hiền lành, nghe Sáu Chi hỏi đã trả lời rất thành thật:

- Tôi là Hiếu, chắc là chị chưa biết, nhưng ngược lại tôi biết chị là Sáu Chi.

Sáu Chi càng kinh ngạc hơn:

- Sao anh biết tui?

- Nghe Nguyệt Ánh nói.

Sáu Chi hiểu ra:

- À, thì ra anh là bạn của Nguyệt Ánh? Hay của Lan Anh?

Anh chàng tên Hiếu cười rất tươi:

- Đâu chị thử đoán coi tui xứng làm bạn với cô nào?

Sáu Chi rất tự nhiên:

- Cô Nguyệt Ánh thì đã mười chín, còn cô Lan Anh thì mới mười bảy. Vả lại không lẽ em lại có bồ trước chị?

Hiếu kêu lên:

- Sao chị biết tụi tui bồ với nhau!

Sáu Chi tâm lý:

- Không có chàng trai nào không phải là bồ hay có tình ý gì đó với một cô gái mà chịu khó mang hoa tới thăm mộ mẹ cô nàng cả! Chắc chắn anh là bồ rồi! Cô Nguyệt Ánh phải không?

Hiếu lại một lần nữa cưởi hiền hoà:

- Chị đúng là nhà tâm lý đại tài rồi!

Thấy mình đoán đúng, Sáu Chi thích thú:

- Vậy mà lâu nay Nguyệt Ánh kín miệng như bưng! Cô này giỏi thiệt...

Sáu Chi nhìn quanh rối hỏi:

- Anh gặp cô Hai chưa?

Hiếu lắc đầu:

- Chưa. Nhưng thôi, tôi có việc phải đi ngay.

Phiền chị về nói lại với Nguyệt Ánh là có tôi ghé thăm mộ. Có gì tối sẽ gặp lại sau.

Anh ta nói xong quay bước đi. Nhưng vừa bước mấy bước thì quay lại nói:

- Chị vào nhà ngay, hình như trong nhà đang có chuyện gì, có ai đó la hét om sòm trong đó!

Lúc này Sáu Chi mới lắng nghe và quả là có tiếng gấu ó từ trong nhà vọng ra. Cô chạy vào ngay và đúng lúc ông chủ Thiên Thời chạy ra hỏi liền:

- Mày có thấy giỏ đồ của bà Hường đâu không?

Sáu Chi ngơ ngác:

- Từ lúc bà về tới giờ con có ở trong nhà đâu mà thấy.

Bà Hường bước ra tới, bà tru tréo nhắm vào Sáu Chi:

- Nhà gì trộm cắp như rươi, đồ đạc mới hở ra là mất tiêu liền! Con kia, mày lấy cái giỏ của tao để đâu, nói mau.

Không còn nhịn được nữa, Sáu Chi phản ứng:

- Bà nói thì phải có bằng chứng, không được nói càng! Nhà này từ bao giờ chưa từng có ai là ăn trộm cả, bà chủ trước đây từng để quên mấy chục lượng vàng mà còn không mất nữa là.

Bị phản ứng bà ta quê, nên nổi xung thiên:

- Mày hỗn láo hả con ranh con kia! Tao đuổi mày từ bây giờ!

Sáu Chi không vừa:

- Tui làm là làm cho ông chủ và mấy cô trong nhà này, chớ bộ ham làm cho bà để ăn vàng sao chớ! Tui sẽ nghỉ liền sau khi chờ gặp hai cô chủ tui đã.

- Nhưng tao muốn mày ra khỏi nhà tao ngay!

- Nhà nào của bà? Nhà này là của ông chủ đây và hai cô Nguyệt Ánh, Lan Anh. Chừng nào những người này đuổi thì tui đi liền!

- Nhưng tao...

Ông chủ Thiên Thời phải lên tiếng:

- Chuyện gì cũng từ từ. Con Sáu đây quán xuyến hết công việc trong nhà, nay cho nó nghỉ thì lấy ai làm...

Nghe ông ta nói vậy bà ta tru tréo lên:

- Nếu ông binh nó thì tui sẽ đi cho ông coi!

Bà ta ngoe nguẩy đi vô phòng có lẽ định lấy va li, nhưng chợt nghe bà kêu lên từ trong ấy:

- Ủa, sao lại ở đây!

Ông Thiên Thời bước vào và ngạc nhiên khi thấy cái túi mà bà Hưởng bảo mất hồi nãy đang nằm giữa giường. Bà ta cầm giỏ lên soát lại đồ đạc trong đó rồi thở phào:

- Còn nguyên!

Ông Thiên Thời lắc đầu:

- Vậy mà bà hô hoáng!

Bà ta bị bẽ mặt, nhưng vẫn giọng điệu khó ưa:

- Mà không mất của thì cũng phải đuổi con nhỏ hỗn láo đó đi thì tui mới ở trong nhà này!

Ông Thiên Thời phải dịu giọng:

- Được rồi, để mai tui tính.

Ông hỏi lại:

- Trong giỏ có gì mà em la dữ vậy?

Bà ta hạ thấp giọng:

- Cả tài sản của tui ôm theo ông, chớ phải ít đâu! Gần một trăm lượng vàng và cả đống hột xoàn nữa! Số này tui lấy luôn của lão thầu khoán gởi hùn làm ăn, chưa ăn được mà mất thì có nước tự tử!

Ông Thiên Thời rùng vai:

- Bao nhiêu đó thì ăn thua gì, bà về đây tui còn cho bà gấp chục lần nữa. Nhưng thôi, đem để trong tủ khoá lại đi, rồi ngủ một giấc, sáng mai tính.

Bà ta ôm kè kè cái giỏ, đưa vào tủ đứng cất, khoá lại cẩn thận, rồi nhét xâu chìa khoá vào trong lưng quần.

Suốt từ đó tới đêm, ông Thiên Thời hầu như không rời bà ta nửa bước, cũng không hỏi thăm hai cô con gái đi chơi đã về chưa.

Nửa đêm...

Bỗng dưng bà Hường choàng tỉnh bởi hình như bà vừa bị ai đó thọt léc vào nách. Bà bật ngồi dậy ngơ ngác hỏi:

- Ai làm gì vậy?

Bà nghĩ ông Thiên Thời ngọ ngoạy tay chân, nhưng khi nhìn sang, bà ta ngạc nhiên thấy ông đang nằm co dưới sàn, ngủ ngáy khò khò!

Ông Thiên Thời, sao lại...

Bà hỏi chưa dứt lời thì chợt há hốc mồm khi nhìn ra cửa sổ phòng, nơi đó có một người đang ngồi vắt vẻo, quay lưng vô và hầu như chẳng để ý tới gì xung quanh. Hoảng quá, bà ta hỏi bằng giọng run run:

- Ai... ai vậy?

Người kia vẫn không quay lại, cũng không lên tiếng. Rồi bỗng dưng cả thân người nhảy ra phía ngoài!

- Kìa?

Bà Hường hốt hoảng chạy ra cửa nhìn xuống. Trước tầm mắt bà ta là một chàng trai trên dưới hai mươi tuổi, đang nằm sãi tay, bất động trên thảm cỏ.

- Ông Thiên Thời! Ông Thiên Thời!

Bà gọi đến mấy lần mà ông Thiên Thời vẫn nằm im, quýnh quá bà ta phải chạy lại lay ông, lúc đó mới phát hiện là người ông lạnh ngắt và hầu như hơi thở sắp tắt!

- Trời ơi!

Tiếng kêu của bà ta khá lớn, nên dẫu không muốn, nhưng Sáu Chi vẫn phải từ phòng mình chạy lên và lên tiếng:

- Cửa khoá làm sao tui vô được!

Bà ta phải bước tới mở chốt cửa vừa nói nhanh:

- Mày coi tiếp tao đỡ ổng lên giường. Không biết bị sao mà người lạnh như thây ma vầy nè!

Sáu Chi tiếp bà ta kéo ông chủ lên giường, cô nói nhanh:

- Ông lạnh là bị cảm gió rồi, để con đi lấy dầu.

- Khỏi, mày chạy ra cửa sổ coi ai nằm dưới kia kìa!

Sáu Chi quá đỗi ngạc nhiên, nên không kịp hỏi lại, đã bước tới cửa nhìn xuống và cô ngơ ngác hỏi:

- Có ai đâu?

Bà Hường gắt lên:

- Mắt mày đui sao không thấy, có thằng nào nằm đó, tao mới thấy nó té từ trên trên này xuống đó!

- Làm gì có?

Không thèm để ý việc ông Thiên Thời đang ưỡn người lên, có dấu hiệu bất thường, bà ta chạy lại cửa sổ nhìn xuống và kinh ngạc.

- Nó mới nằm đó mà? Nó... là ai vậy?

Sáu Chi bực mình:

- Con không thấy thì làm sao biết?

Bà ta gắt lên:

- Tao muốn hỏi trong nhà này có đàn ông nào khác không?

Sáu Chi đáp nhát gừng:

- Không có!

- Ủa... như vậy chẳng lẽ...

Bà ta chợt hốt hoảng nói to:

- Có khi nào...

Bà vừa chạy tới bên tủ áo, vừa run run tra chìa khoá vào mở tủ. Rồi giọng bà ta thất thanh:

- Trời ơi... của cải của tôi!

Trước mắt bà cái túi đựng mấy trăm lượng vàng đã không còn ở chỗ cũ! Bà xốc tung quần áo trong đó lên và kéo cả hộc tủ nhỏ bên trong ra. Vẫn chẳng thấy gì. Số vàng đã không cánh mà bay!

- Thằng đó lấy!

Bà ta tuôn chạy ra ngoài, vòng ra ngoài cửa sổ, chỗ bà thấy chàng trai nằm lúc nãy. Chẳng hề có một dấu vết gì chứng tỏ là vừa có người té xuống. Nhìn quanh cũng chẳng thấy bóng ai.

- Trời ơi!

Bà ta cứ luôn miệng kêu trời và cuối cùng chạy trở lên phòng ngủ. Không nhìn thấy Sáu Chi ở đó, bà gào to:

- Con gì đó, mày vô đây tao hỏi coi!

Phải một lúc sau Sáu Chi mới trở lên. Cô hỏi:

- Bà cần gì con?

Bao nhiêu bực dọc bà ta đổ lên đầu cô gái:

- Vàng của tao đâu? Tụi bây lấy hết của tao rồi phải không?

Sáu Chi hết nhịn nổi, cô phản ứng liền:

- Ai lấy gì của bà? Bà ăn nói lung tung kiểu đó tui không nhịn à nghen!

Bà ta vẫn bù lu bù loa:

- Quân ăn cướp, tụi bây không ăn dộng được của tao đâu, tao giết,..

Bà lao tới như mụ điên, Sáu Chi buộc phải vừa né tránh vừa kêu cứu:

- Cô Hai cô Ba ơi, bà ta giết tui!

Nguyệt Ánh và Lan Anh thề với lòng là sẽ không gặp mặt bà ta nữa, nhưng khi nghe Sáu Chi la hét, họ cùng chạy lên. Nguyệt Ánh hỏi trước:

- Chị bị sao vậy chị Sáu?

Sáu Chi chưa kịp nói thì mụ Hường đã gầm lên:

- Cả hai đứa mày nữa, tụi bây lấy vàng của tao thì mau trả lạí đây!

Lan Anh vốn ngang bướng, đã phản ứng liền:

- Bà kia, bà giở trò gì đây hả? Bà tưởng chị em tui sợ bà sao chớ! Bà...

Vừa khi ấy họ nhìn thấy ông Thiên Thời nằm như chết trên giường thì hốt hoảng:

- Ba sao vậy? Ba ơi...

Họ quên hết mọi chuyện, cùng lao vào phòng. Nguyệt Ánh sờ vào người cha, cô hét lên:

- Ai làm gì ba, trời ơi! Mụ ta phải không?

Lan Anh xốc nổi hơn, cô la làng chói lói:

- Người ta giết ba tôi rồi, bớ bà con ơi!

Mụ Hường lúc này chứng tỏ mình là một con người đáo để, mụ ta cũng la to hơn:

- Bớ thiên hạ ơi, tụi nó ăn cắp tiền vàng của tôi! Đồ quân ăn cướp, đồ ác nhơn!

Tiếng kêu la của họ vang vọng ra tận bên ngoài, tuy nhiên xưa nay chuyện xảy ra trong ngôi nhà giàu này ít khi được láng giềng can thiệp, bởi vậy mặc cho họ la, thật lâu sau vẫn không có người tới. Tài xế lái xe cho ông Thiên Thời thì tối về nhà riêng ngủ, phải sáng hôm sau mới đi làm.

Thấy kêu la chẳng có kết quả gì, mụ Hường xoay qua tru tréo kiểu khác:

- Tụi bây ỷ đông chống lại tao phải không? Nhưng bây nên nhớ, em tao là lính kín của Tây, chỉ cần tao báo cho nó biết tức thì nó gông cổ tụi bây lại hết cho biết tay!

Lan Anh không vừa:

- Không làm chuyện gì bậy thì sợ gì lính kín hay lính hở, hổng ai sợ bà đâu!

Bà ta trở lại tủ áo, lấy ra gói vải đựng vàng bị mất lúc nãy, giũ tung nó ra làm bằng chứng:

- Vàng tao mới để trong này, tụi bây không lấy thì ai vô đây lấy? Cái thằng con trai lúc nãy trèo cửa sổ vô, thấy tao bỏ chạy, nhảy xuống đất suýt chết, đúng là đồng bọn với tụi bây rồi! Nó... nó...

Nói tới đây bỗng dưng mụ ta giật mình, khi thấy từ trong túi vải rơi ra một vật. Đó là chiếc đồng hồ đeo tay hiệu Telda.

Mụ ta ngơ ngác:

- Cái này... đâu phải của tao?

Nguyệt Ánh thì kêu lên:

- Cái này... mụ lấy ở đâu ra?

Cô cúi xuống nhặt lên và nhận biết ngay:

- Của Hiếu mà!

Lan Anh cũng nói:

- Vật này do chị tặng cho anh Hiếu hồi ảnh đi học ở Sài Gòn mà! Từ lâu ảnh vẫn đeo, sao bây giờ nó lại ở đây? Phải chăng...

Rồi chợt nghĩ ra, Lan Anh chỉ vào mặt bà ta hỏi lớn:

- Bà ăn cắp vật này ở đâu?

Mụ Hường không ngờ mình bị phản pháo khá bất ngờ, nhưng vốn là người đầy kinh nghiệm và gian xảo, nên mụ ta lấy lại bình tĩnh liền:

- Đúng là giữa tụi bây và thằng ăn trộm vừa rồi có thông đồng với nhau rồi! Hãy nói mau, nó té bị thương nặng rồi được tụi bây đem giấu ở đâu?

Nguyệt Ánh hoảng hốt:

- Bà làm gì anh ấy phải không?

Câu hỏi của Nguyệt Ánh vô tình như xác nhận chàng trai kia có liên hệ với mình, nên bị mụ Hường chụp lấy:

Nó là người yêu của mày phải không? Giấu nó ở đâu nói mau, đừng để tao truy ra thì lúc đó có lạy tao, tao cũng không tha!

Nghe bà ta nói người nào đó té trọng thương, Nguyệt Ánh quá sức lo lắng:

- Bà đã làm gì người ta rồi? Tôi sẽ ăn thua đủ với bà...

Sáu Chi chen vào nói:

- Chưa biết người kia là ai, cô đừng để mắc mưu bà ta.

Lan Anh cũng nói:

- Chắc gì đó là anh Hiếu. Em nghĩ mụ này đã lấy cắp cái đồng hồ này ở chỗ nào đó, mình phải bắt mụ ta khai ra ngay!

Cô quay sang mụ ta, gằn giọng:

- Bà tưởng cả vú lấp miệng em được hả! Tui sẽ bắt bà phải nói ra...

Cô thuận tay chụp lấy cây gài cửa, đưa cao nhắm vào bà ta:

- Bà nói ngay không, lấy vật này ở đâu? Bà không nói tui đập một cây này thì chết không kịp trối đâu!

Bà ta lùi một bước, nhưng miệng vẫn tru tréo:

- Mày tính giết người diệt khẩu phải không!

- Tao nói cho mà biết...

Mụ ta bất thần chụp lấy con dao rọc giấy trên bàn và lao nhanh về phía ông Thiên Thời, vừa quát:

- Tụi bây mà áp đảo tao, thì thằng cha tụi bây sẽ không thoát chết đâu!

Nguyệt Ánh ngăn em mình:

- Từ từ đã...

Thấy kế sách này có hiệu quả, mụ Hường lại làm tới:

- Tụi bây không khai ra vụ ăn cắp vàng thì tao sẽ làm thịt thằng cha tụi bây ngay bây giờ!

Mụ ta đưa tay lên cao, như sắp vung đao đâm xuống, bỗng lúc đó mụ thét lên một tiếng:

- Trời ơi!

Rồi ngã ngữa ra phía sau, con dao rớt xuống sàn nhà. Từ khoé miệng mụ ta tuôn ra hai dòng máu...

° ° °

Mặc dù không tìm thấy dấu vết gì của Hiếu, nhưng những gì mụ Hường nói đã khiến cho Nguyệt Ánh hoang mang. Cô thức suốt đêm để suy nghĩ mà cũng chẳng làm sao hiểu được tại sao Hiếu lại đột nhập vào nhà làm gì, để đến nỗi phải nhảy lầu? Hiếu xưa nay là một chàng trai hiền lành, đứng đắn, từ khi yêu cô đến bây giờ đã hơn ba năm mà chưa một lần dám tới nhà và cũng chưa bao giờ anh đòi hỏi bất cứ điều gì sằng bậy, chứ đừng nói là chuyện lén lút tới nhà và trèo tường lên phòng ngủ như thế này. Nhưng tại sao chiếc đồng hồ, kỷ vật riêng mà lúc nào Hiếu cũng đeo dính trên tay, lý do nào lại ở trong phòng của ông Thiên Thời, nếu không do chính Hiếu mang tới và vô tình đánh rơi lại. Như vậy vụ mất vàng gì đó mà mụ Hường nói là có thật và Hiếu là người... đã gây ra?

Chính điều nghi ngờ này đã khiến cho Nguyệt Ánh quyết định phải đi tìm Hiếu cho bằng được. Mặc dù cả nhà Hiếu đã chuyển về một tỉnh khác, chớ không còn ở chung Huyện với Nguyệt Ánh như trước kia, nhưng một khi đã quyết rồi thì cô nhất định đi cho bằng được, mặc cho sức khoẻ của ông Thiên Thời vẫn chưa có dấu hiệu gì khả quan hơn. Phải mất gần một buổi Nguyệt Ánh mới tìm ra nơi cư ngụ của cha mẹ Hiếu, mà cô hy vọng là Hiếu có về đây, bởi hằng năm vào thời điểm này Hiếu vẫn thường về chơi trong mấy tháng nghỉ hè và đã nhiều lần Hiếu đã tìm sang chỗ hẹn ước của hai người để gặp nhau.

Do giữa Hiếu và cô yêu nhau lén lút, cha mẹ hai bên chưa biết, nên khi Nguyệt Ánh xuất híện trước cửa nhà Hiếu thì người đàn bà đang quét sân nhìn khách với vẻ xa lạ, ngạc nhiên:

- Cô kiếm ai?

- Dạ, con muốn hỏi thăm nhà của bác giáo? Bác có phải là...

- Tui là vợ giáo Chấn, cô kiếm ông giáo nhà tui có chuyện chi không?

Nguyệt Ánh mừng rơn:

- Dạ, con chào bác giáo. Con muốn hỏi có anh Hiếu ở nhà không?

Bà già nhìn sững cô gái vừa hỏi tên con mình mà như nhìn một vật thể lạ nào đó. Bà hơi run giọng hỏi lại:

- Cô... cô là gì của con tôi? Bao lâu rồi cô không gặp nó?

Nguyệt Ánh thật thà:

- Dạ, hơn sáu tháng rồi bác ạ.

Bà già thở hắt ra:

- Thảo nào!

Rồi bà bỗng nghẹn ngào:

- Cô tới quá trễ rồi!

Nguyệt Ánh hoảng hốt:

- Bác nói sao? Có chuyện gì vậy?

Bà già quay bước vào nhà, nói với lại:

- Cô vô đây.

Mời Nguyệt Ánh ngồi ở bộ ván gỗ ngoài hàng hiên, bà hỏi lại:

- Cô quen sao với thằng Hiếu?

Nguyệt Ánh hơi lúng túng:

- Dạ... tụi con... là bạn thân. Con và Hiếu...

Hiểu ra, bà thở dài:

- Có phải cô tên là Nguyệt Ánh không?

- Dạ, chính con là Nguyệt Ánh. Trước kia con học chung trường với anh Hiếu, nhưng dưới hai lớp chúng con...

Bà chận lời:

- Tui hiểu rồi. Có lần Hiếu nó nói bóng gió về chuyện này và nói rằng khi nào lấy vợ thì nó chỉ lấy người bạn quen lâu năm mà thôi, không lấy người nào khác.

Nguyệt Ánh xúc động:

- Dạ... con hiểu lòng dạ anh Hiếu. Hè này con định yêu cầu anh Hiếu dẫn về ra mắt bác và cả ba con bên nhà nữa. Anh Hiếu có hứa với con.

Bà già bỗng oà lên khóc nức nở, khiến cho Nguyệt Ánh ngơ ngác:

- Thưa bác... có chuyện gì vậy?

Bà đứng lên bước vào nhà trong rồi đưa tay chỉ lên bàn thờ:

- Nó ở trên đó chờ con lâu nay!

Nguyệt Ánh trợn tròn hai mắt, chết sững giây lâu rồi mới thốt nên lời:

- Bác... bác nói gì? Anh Hiếu... Hiếu sao vậy?

- Nó chết rồi, trong một tai nạn xe hơi cách đây hai tháng. Do nó không nói nên bác đâu có biết cháu ở đâu mà tìm để báo tin. Bởi vậy suốt hai tháng nay nó cứ về hoài, đòi phải đi tìm cháu mà bác biết tìm ở đâu. Bác biết tên cháu là do vậy.

Nguyệt Ánh tưởng đâu trời sập trên đầu, cô gào lên:

- Trời ơi, anh Hiếu!

Rồi cô ngất xỉu. Bà mẹ Hiếu phải đỡ cô lên ghế. Mãi một lúc sau Nguyệt Ánh mới tỉnh lại, cô không tin đó là sự thật, lay tay bà mẹ Hiếu hỏi lại:

- Có thiệt không bác?

Không đợi câu trả lời, Nguyệt Ánh chạy tới bên bàn thờ, chụp lấy bức ảnh thờ của Hiếu và gào lên:

- Tại sao thế này hả anh Hiếu? Tại sao anh không giữ lời với em mà bỏ đi một mình!

Giọng bà mẹ Hiếu vẫn trong nước mắt:

- Nó chết oan nên hồn phách cứ lẩn quẩn quanh đây. Bữa nay cháu tới đây là may mắn cho nhà bác. Con hãy thắp cho nó nén nhang để vong hồn nó yên ổn ở suối vàng...

Nguyệt Ánh đốt nhang mà hai tay run run. Bất chợt, cô thốt lên khiến bà mẹ Hiếu giật mình:

- Anh ấy đã tới nhà tìm con!

- Hồi nào?

- Dạ, mới đêm qua.

Cô kể lại chuyện xảy ra ở nhà, nhưng giấu không nói tới vụ bà Hường mất vàng. Tuy nhiên lúc ấy bà già vụt nói:

- Tối qua có cái này để trên bàn thờ, cháu xem coi nó viết cho ai?

Đó là một mảnh giấy với mấy chữ viết vội:

"Nó sẽ giúp cho em nhiều trong những ngày sắp tới. Hãy thường xuyên ra thăm mộ mẹ em."

Nguyệt Ánh lẩm bẩm:

- Anh Hiếu viết cho mình...

Bà mẹ Hiếu không hiểu nên hỏi lại:

- Nó dặn vậy là sao?

Nguyệt Ánh lắc đầu:

- Con cũng chưa biết. Nhưng đúng là Hiếu dặn dò con điều gì đó...

Nguyệt Ánh nhớ lại lời của Sáu Chi kể về việc gặp chàng trai đặt bó hoa cẩm chướng trên đầu mộ của mẹ, cô vụt nói:

- Đúng là anh ấy rồi! Và ngôi mộ...

Cô vội chào bà mẹ Hiếu, xong đi nhanh về nhà. Từ đó về nhà có hơn sáu chục cây số, lại đi bằng phương tiện trung chuyển mấy lượt, nhưng vì sốt ruột nên Nguyệt Ánh vẫn cương quyết đi. Mãi đến hơn mười giờ đêm cô mới về tới.

Khi vừa bước vô nhà thì đã thấy Lan Anh cùng Sáu Chi ra đón ở cửa, Nguyệt Ánh ngạc nhiên:

- Sao hai người biết tui về giờ này?

Sáu Chi chưa kịp trả lời thì Lan Anh đã nói:

- Em đang ngủ thì nghe như có ai gọi tên mình, biểu ra đón chị và cùng nhau ra mộ của má!

Nguyệt Ánh ngạc nhiên:

- Ra ngoài mộ giờ này làm gì?

- Em hổng biết, nhưng có ai đó gọi như vậy. Giọng của đàn ông!

Nguyệt Ánh giọng buồn hiu:

- Là của Hiếu đó.

Lan Anh sửng sốt:

- Anh Hiếu... sao rồi?

Nguyệt Ánh buông thỏng:

- Anh ấy chết rồi!

- Trời ơi!

Lan Anh kêu lên rồi sững sờ nhìn chị mình. Sáu Chi cũng bàng hoàng hỏi:

- Sao chết vậy?

- Bị tai nạn.

Thuật sơ lại chuyện biết được bên nhà Hiếu cho em gái nghe, Lan Anh vụt nói:

- Có thể ở ngoài mộ mẹ có điều gì đó!

Sáu Chi giục:

- Mình ra ngoài đó coi thử!

Nguyệt Ánh hỏi về cha:

- Ba sao rồi?

Sáu Chi đáp thay:

- Ông chủ không sao, nhưng vẫn mê man. Thỉnh thoảng ông có tỉnh lại, nhưng không nói gì hết, chỉ rưng rưng nước mắt rồi lại lịm đi...

Nguyệt Ánh thở dài, trong khi Lan Anh nói oang oang:

- Em nghi mụ ác nhơn đã làm gì đó khiến ba ra nông nỗi như vậy!

Sợ giọng nói của Lan Anh quá lớn khiến mụ Hường trong nhà nghe được, nên Nguyệt Ánh ra dấu cho em nhỏ lại và bảo khẽ:

- Mình sẽ tính sau, bây giờ ra ngoài mộ đã.

Lúc này đã nửa đêm, trời không trăng nên tối mò, nhìn cách vài thước trước mặt không thấy gì. Cũng may cả ba người đã quá quen thuộc khu vườn của mình nên đi không khó khăn lắm. Lát sau họ đã tiến gần tới ngôi mộ. Chợt Sáu Chi nói khẽ:

- Hình như có ai kìa!

Theo tay chỉ của Sáu Chi, chị em Nguyệt Ánh nhìn theo và phát hiện có hai bóng người đang lom khom trước đầu mộ. Lúc ấy có giọng nói của nữ từ phía hai người kia phát ra:

- Làm nhanh đi kẻo tụi nó phát hiện!

Một giọng đàn ông tiếp theo:

- Giờ này chắc họ ngủ say hết rồi, ai mà biết. Con chị lớn thì đi rời, chỉ có con nhỏ và đứa ở còn lại ở nhà, nhưng hồi chiều tui đã bỏ thuốc mê vô lu nước uống, tụi nó ăn cơm rồi uống nước đó, chắc chắn là sẽ ngủ tới sáng cũng chưa dậy nổi!

- Giỏi! Bà giỏi lắm. Có như vậy mới không uổng công tui đi thỉnh bùa tận bên Miên về và chịu cực đào mồ vào giờ này chớ!

- Có vậy tui mới... thương!

Giọng đàn ông có vẻ hờn dỗi:

- Thương mà về ở với thằng già Thiên Thời ấy. Tui nói thiệt, nếu bà không ngăn thì hôm nó lên Sài Gòn rước bà, tui đã cho đàn em làm thịt nó rồi!

- Cái đầu ông đặc sệt, không nghĩ ngợt sâu xa gì hết! Tui không làm như vậy thì làm sao chiếm cái sản nghiệp này được! Chỉ tiếc một điều là ta chưa kịp ra tay thì đã mất mấy trăm lượng vàng rồi. Phen này tui quyết phải lấy lại gấp chục lần cho coi!

- Chính vụ mất vàng này sẽ có lợi cho bà nhiều hơn. Người ta sẽ hiểu là trước khi về đây bà cũng có nhiều tiền của và đến khi lão già Thiên Thời mà chết rồi thì việc bà chiếm gia sản này sẽ không ai dị nghị. Họ nói sao được khi bà cũng đã hy sinh một số tiền lớn rồi! Buông con tép ta sẽ bắt được con tôm càng bà ơi!

Vừa nói chuyện họ vừa ra sức đào, cuốc cật lực. Lan Anh hốt hoảng:

- Họ đào mộ của mẹ kìa!

Nguyệt Ánh tuy có bình tĩnh hơn, nhưng cô cũng bắt đầu nóng mặt, hỏi Sáu Chi:

- Họ làm gì vậy?

Sáu Chi chưa kịp đáp thì đã nghe giọng của người đàn bà nói nhanh:

- Đặt nó xuống đi!

- Ừ, tui đặt liền!

Chẳng hiểu họ đặt vật gì, mà hình như chỉ đặt cạnh đầu mộ thôi chớ không đào sâu xuống mộ huyệt.

Một vài giây sau đó nghe giọng tên đàn ông:

- Xong rồi. Bây giờ thì chính cái hồn ma của con mụ dưới mồ này sẽ hiện về bóp cổ thằng chồng già của nó, mình không cần ra tay!

Mụ kia hỏi nghe rất rõ:

- Ông liệu bùa này có linh nghiệm không đó? Tui chỉ muốn thằng chả chết cho nhanh, rồi tới phiên mấy đứa con của lão nữa, chớ còn để chúng nó sống ngày nào thì tui không yên.

- Bà yên tâm, bùa này ở bên Miên người ta sùng bái, chỉ cần chôn nó xuống đầu mộ trong vòng hai mươi bốn giờ là sẽ phát huy tác dụng. Vong hồn con mụ này sẽ hiện về và bắt luôn cả chồng con nó đi một lượt. Bảo đảm hiệu quả sẽ làm bà không thể ngờ!

Lan Anh không kiềm chế được, suýt la lên, cũng may là Sáu Chi bụm miệng cô bé lại kịp.

Nguyệt Ánh nói khẽ:

- Mụ này còn hơn rắn độc nữa! Mình phải làm sao, chớ không khéo sẽ chết dưới tay mụ ta mất.

Đằng kia sau khi thực hiện xong mưu đồ, cả hai đứng lên. Lúc này Nguyệt Ánh đã nhìn rõ được mặt người đàn ông, cô kinh ngạc:

- Ông Sĩ tài xế!

Cả Lan Anh và Sáu Chi cũng đã nhận ra. Sáu Chi quá đỗi ngạc nhiên:

- Sao lại là ông ta? Người này lâu nay trung thành với ông chủ lắm mà?

Lan Anh quá tức, cô vụt chạy tới định lật mặt hai con người xảo trá đó. Nhưng lạ làm sao, khi cô vừa nhấc chân lên thì như có ai kéo lại, không nhúc nhích được. Cả Nguyệt Ánh cũng thế, cô chẳng làm sao cử động được, đành

phải đứng im. Trong khi đó thì mụ Hường và tài xế Sĩ ung dung rời khỏi hiện trường. Họ vừa đi vừa nói huyên thuyên đủ thứ chuyện.

Cho đến khi họ đi khá xa rồi chị em Nguyệt Ánh mới nhấc chân lên được, nhưng Sáu Chi đã khuyên:

- Đừng đuổi theo làm gì, mình phải coi họ chôn cái gì ở mộ của bà cái đã.

Sáu Chi giúp hai cô chủ nhỏ bới chỗ đất vừa bị đào lên ở đầu mộ và họ ngạc nhiên khi moi lên được một pho tượng bằng gỗ, đẽo và chạm khắc giống y cái hình người. Dẫu trong bóng tối lờ mờ, nhưng vừa thoạt trông thấy, chị em Nguyệt Ánh đã kêu lên:

- Hình nhân của mẹ!

Sáu Chi hiểu chuyện, cô khuyên:

- Pho tượng này đã bị yểm bùa, cô không nên giữ trong người.

Nguyệt Ánh lo lắng:

- Nhưng lúc nãy họ nói đó, cái này họ dùng để trấn yểm làm cho vong hồn mẹ bị sai khiến để về giết ba và tụi em. Vậy mình phải làm sao đây!

Đã từng nghe nói về những pho tượng tà ma, nên Sáu Chi bàn:

- Muốn huỷ hoặc vô hiệu hoá bức tượng này chỉ có mấy ông thầy cao tay ấn, hoặc...

Thấy Sáu Chi ngập ngừng, Lan Anh giục:

- Chị Sáu nghĩ cách gì đi chớ, chẳng lẽ để cho mẹ bị... hay sao!

Sáu Chi nghĩ rất nhanh:

- Chị nghĩ ra rồi, Lan Anh đưa vật đó cho chị!

Cô cầm lấy pho tượng gỗ chạy bay tới ao nước dơ ở cuối vườn, nơi hằng ngày lũ heo, bò thường trầm mình và phóng uế. Chẳng chần chừ Sáu Chi ném ngay pho tượng xuống đó! Một tiếng rú vang lên từ ao nước, khiến cho chị em Nguyệt Ánh hốt hoảng chạy bay tới, họ ngơ ngác hỏi:

- Chuyện gì vậy chị Sáu?

Sáu Chi lắc đầu:

- Chị không biết, nhưng chắc chẳng phải là điều xấu. Hai cô coi kìa.

Từ dưới lớp bùn có một ngợn lửa xanh lặc lè loé lên, rồi thật nhanh, ngọn lửa bay lên cao, biến mất dạng trong bóng đêm. Sáu Chi chấp tay vái theo hướng đó:

- Hồn bà có thiêng thì xin phù hộ cho ông và hai cô tai qua nạn khỏi.

Lan Anh bị kích động nên nói giọng run run:

- Không lẽ mẹ mình để cho họ biến thành... ma hay sao?

Nguyệt Ánh định nói, nhưng cô chua kịp mở miệng thì bên tai đã nghe có tiếng của ai đó rất khẽ:

- Cứ làm như không hay biết, rồi sẽ ổn thôi...

Nguyệt Ánh kêu lên:

- Hiếu! Anh ở đâu?

Giọng nói kia là của Hiếu. Nhưng khi Nguyệt Ánh hỏi thì lại im bặt. Lan Anh sợ sệt hỏi:

- Bộ... anh Hiếu thành ma hả?

- Không, chính anh ấy đã giúp chúng ta khám phá ra hành động mờ ám này của mụ Hường và tên tài xế khốn kiếp!

Sáu Chi nhận xét:

- Theo những gì mình nghe và thấy được thì giữa bà Hường và ông tài xế đã có sự thông đồng với nhau.

Lan Anh rít lên:

- Đúng là nuôi ong tay áo mà!

Nguyệt Ánh nhớ lại:

- Hèn gì có lúc thấy chú Sĩ cứ rù rì chuyện gì đó với ba, rồi chở ba đi Sài Gòn có khi mấy tuần mới về. Thì ra chú ấy âm mưu bán đứng ba đã từ lâu rồi.

Lan Anh được dịp đay nghiến:

- Lâu nay em đã không ưa cái tay đó, người gì có cặp mắt gian xảo thấy rõ, vậy mà ba cũng tin, chợt nhớ ra, Nguyệt Ánh hối mọi người:

- Ta trở lại mộ của mẹ đi, coi lời dặn của Hiếu còn có gì nữa không.

Họ trở lại và ngạc nhiên khi nhìn thấy một bó hoa cẩm chướng còn tươi, nằm trên đầu mộ.

Nguyệt Ánh nói:

- Hoa này lúc còn sống mẹ rất thích. Cả ba cũng không biết cái sở thích này, chỉ có tui biết do được mẹ kể. Lúc còn con gái mẹ thường được một người con trai tặng cho loài hoa này...

Sáu Chi cũng nói:

- Bữa trước tui cũng gặp loài hoa này trên mộ. Chắc hai lần chỉ là do một người. Nhưng lạ quá, họ xuất hiện và biến mất quá nhanh, chỉ mới đây thôi.

Nguyệt Ánh lẩm bẩm:

- Chẳng lẽ là Hiếu?

Cô nhớ những lời Hiếu viết trong giấy và thầm khấn rằng:

- Nếu là anh thì hãy làm gì đó cho em tin.

Lời khấn thầm của Nguyệt Ánh vừa dứt thì bỗng nhiên bó hoa vút bay lên cao, rồi rơi xuống đúng ngày trước mặt cô. Nguyệt Ánh run lên:

- Đúng là Hiếu rồi!

Cô nhặt bó hoa lên và nói với Sáu Chi:

- Chị với Lan Anh vô nhà xem cha thế nào, đưa ông qua phòng của tụi em nằm đỡ cho tới sáng. Còn em thì ở đây có chút việc...

Khi Sáu Chi và Lan Anh trở vô nhà, vừa bước vào phòng thì tá hoả:

- Ông chủ đâu rồi cô Ba?

Lan Anh hốt hoảng khi không thấy cha mình nằm trên giường:

- Họ đã làm gì ba em rồi?

° ° °

Trong khi đó, ở một chợ quê cách nhà ông Thiên Thời khoảng hơn mười cây số, mụ Hường và tài xế Sĩ đang có mặt.

Mụ Hường bực bội ra mặt khi phải ở trong một ngôi nhà tồi tàn. Mụ càu nhàu:

- Bộ hết chỗ rồi sao đưa tôi tới ở chỗ này? Dơ dáy lại muỗi mòng nữa, chịu sao nổi!

Tài xế Sĩ an ủi:

- Ở dơ vài bữa thôi, khi nào đạo bùa linh ứng thì mình trở về và tha hồ mà sung sướng!

- Sao ông nói bùa chỉ cần chôn xuống thì sẽ linh ứng ngay mà từ đêm qua tới giờ không thấy gì hết?

- Sao bà biết là không có gì? Nó sẽ hiển linh lên cha con họ, chớ đâu có đụng tới chúng ta.

Tài xế Sĩ đứng dậy, nhìn bóng mặt trời rồi nói:

- Bà ráng ở trong nhà, đừng ló ra ngoài, để tôi ra chợ nghe ngóng tin tức ở nhà lão Thiên Thời xem sao.

- Nhớ mua về cho tui dĩa cơm sườn. Đói quá trời rồi!

Tài xế Sĩ xua tay:

- Để tui mua đỡ cho bà khúc bánh mì ăn lót dạ được rồi. Đâu có tô, dĩa gì mà mua cơm. Vả lại mua cơm đem về sẽ gây sự chú ý cho người chung quanh đây.

Hắn ta đi khá lâu. Khi trở về với vẻ lo lắng:

- Chẳng hiểu sao lão Thiên Thời đã biến mất, không có ở nhà!

Mụ Hường ngơ ngác:

- Biến đi đâu? Lúc mình đi lão ta còn nằm trên giường và tui đã khoá cửa lại cẩn thận mà.

- Tui mới nghe mấy tay đạp xe lôi truyền miệng nhau là nhà ông chủ Thiên Thời đang rộn lên vì chuyện ông ta bỗng dưng mất tích. Họ đã báo làng lính chia nhau đi tìm. Cầu trời cho họ đừng nghi chúng ta gây ra.

Vẫn quen thói đanh đá, chanh chua, mụ Hường lớn tiếng:

- Cũng tại ông hết, khi không ai biểu trốn ra khỏi nhà chi cho họ nghi! Mình ở nhà và chờ kết quả đến có phải hay hơn không?

Tài xế Sĩ đưa tay chận ngang miệng mụ ta và nói rất khẽ:

- Bà biết một mà không biết mười. Nếu chúng ta ở nhà thì khi xảy ra vụ vong hồn vợ lão ra tay thì liệu nó có tha cho mình không, hay là mụ ta sẽ diệt luôn bà và tui nữa?

Mụ Hường rên rỉ:

- Bây giờ rối rắm thêm nữa rồi. Ông liệu có cách nào trở về được không?

Tài xế Sĩ trấn an:

- Chưa biết lão ấy mất tích do dâu, nhưng cứ cho là do mụ vợ gây ra, như vậy không phải là mình sắp đắc lợi rồi hay sao!

Tuy vậy mụ Hường vẫn lo ngay ngáy trong lòng. Mụ bảo tài xế Sĩ:

- Ông giả vờ như không biết gì, quay về nhà thám thính xem hư thực thế nào? Có ai hỏi ông đi đâu thì nói là bị bệnh bất ngờ nên phải đi nhà thương, giờ mới trở về. Trong lúc đó ông tìm cách tung tin là cả tui cũng bị mất tích nữa, để họ không nghi ngờ.

Thấy tài xế Sĩ còn do dự, mụ đốc thêm:

- Đâu có ai hay biết vụ ông cấu kết với tui. Vả lại ông là người thân cận của ông Thiên Thời, nên chắc chắn hiện giờ họ đang cần ông hơn ai hết. Cứ nghe tui về đi.

Tài xế Sĩ trở về và thở phào nhẹ nhõm khi thấy mọi người trong nhà đều mừng rỡ. Nhất là Sáu Chi, cô ta reo lên:

- Cả nhà đang đợi anh tới để đi tìm ông chủ.

Nguyệt Ánh bấm Lan Anh, không cho nói và nhẹ nhàng bảo tài xế Sĩ:

- Chú Sĩ có biết thường khi ba em đi đâu, ghé nơi nào không? Nếu biết thì chú lái xe đi tìm ba em giùm. Tụi em nghi trong lúc không có ai ở nhà thì ba tỉnh lại, rồi trong lúc đầu óc không tỉnh táo, ba đã đi tới nơi nào đó.

Tài xế Sĩ nhân cơ hội nói theo ý của mụ Hường:

- Tui nghi chắc là có điều gì đó bất ổn cho cả ông chủ và bà Hường nữa. Thôi, được rồi, tui sẽ lái xe đi tìm. Nhưng ở nhà nếu có chuyện gì thì các cô cũng đừng hoảng loạn, cứ đóng cửa lại, ở trong nhà chờ tui về.

Khi anh ta lái xe đi rồi Lan Anh mới gầm lên:

- Đồ giả nhân giả nghĩa! Em nghi chính nó và mụ kia đã thủ tiêu ba chớ không ai vô đây!

Sáu Chi trấn an:

- Sở dĩ tui biểu ông ta lái xe đi là để tiện việc mình theo dõi coi ông ta tới đâu. Chiếc xe này ở tỉnh mình chỉ có ba chiếc, mà hai chiếc kia đều thuộc mấy

nhà giàu khác, họ thường đậu xe trước cửa nhà. Bây giờ mình chỉ việc lần theo để hỏi thăm thì người ta sẽ chỉ nơi nào hắn ta lái xe tới.

Lan Anh tiếc rẻ nói:

- Phải biết vậy lúc nãy em chui vô cốp xe để theo dõi hắn!

Nguyệt Ánh xua tay:

- Một mình ba gặp nạn chưa đủ sao, em còn muốn nạp mạng cho họ nữa à!

Sáu Chi trấn an:

- Theo tui thì mình cứ chờ ở nhà. Mình cấm cửa không cho mụ kia trở về, như vậy nếu lỡ ông chủ có mệnh hệ nào thì mình cũng giữ được tài sản này.

Lan Anh hưởng ứng liền:

- Mụ ấy mà dám vác mặt về đây là em la làng liền, em hô cho thiên hạ biết chính mụ ta đã hại ba!

Cuộc tính toán và chờ đợi của chị em họ cho đến chiều hôm đó vẫn không thấy gì. Cả đêm hôm đó cũng nặng nề trôi qua.

Sáng hôm sau khi trời vừa rạng sáng thì cả nhà đã giật mình khi nghe tiếng huyên náo ngoài cửa.

Khi Sáu Chi ra nhìn thì hốt hoảng báo tin:

- Làm gì mà làng lính đông quá hai cô ơi!

Nguyệt Ánh nhìn kỹ và càng ngạc nhiên hơn khi thấy có cả tài xế Sĩ trong số người đông đảo kia.

- Anh ta bị bắt hay sao vậy?

Nguyệt Ánh chưa tự giải đáp được thắc mắc thì Sáu Chi đâ kêu lên:

- Ông Sĩ dẫn lính về nhà đó!

Họ chưa kịp có phản ứng gì thì đã nghe giọng oang oang ngoài cổng:

- Mở cửa ra mau, sở mật thám tới khám nhà đây!

Do có chìa khoá riêng để lái xe ra, đem xe vào hàng ngày, nên tài xế Sĩ đã tự động mở cửa mời người đàn ông ra vẻ là cầm đầu toán lính mặc thường phục vào. Khi họ bước vô tới bậc thềm thì tài xế Sĩ kề tai Nguyệt Ánh nói nhỏ:

- Hai đứa đừng sợ, người này là em rượt của bà Hường, làm ở sở mật thám Tây trên Sài Gòn, họ về đây là chỉ để bắt người âm mưu hại ông chủ thôi!

Lan Anh nghe lỏm được, cô hỏi liền:

- Ai hại ba tui!

Chỉ tay sang Sáu Chi, tài xế Sĩ nói khẽ:

- Con này đây!

Lan Anh la lớn:

- Làm gì có chuyện đó!

Nguyệt Ánh cũng không còn giữ được bình tĩnh:

- Chú nói bậy gì vậy? Chị Sáu là người ở gần bên tụi này từ mấy bữa nay, làm gì có...

Tên cầm đầu nhóm lính, được gọi là thầy Ba Sung, dõng dạc lên tiếng:

- Nhân danh chính quyền bảo hộ Pháp, chúng tôi có lệnh bắt đối với bị can Trần Thị Chi, tức Sáu Chi về tội âm mưu bắt cóc người. Lệnh bắt được thi hành!

Hai tên lính kín nhào tới khoá tay Sáu Chi ngay, trước sự phản ứng dữ dội của Lan Anh:

- Sao lại bắt chị ấy? Ba tui đâu phải do chị Sáu bắt cóc, mà chắc chắn là do bà Hường gây ra rồi! Có bắt thì kiếm bà ta mà bắt!

Tên Ba Sung hất hàm cho đám thuộc hạ:

- Giải đi ngay!

Họ áp giải Sáu Chi ra xe rất nhanh và sẵn sàng dùng biện pháp mạnh để ngăn sự phản đối của chị em Nguyệt Ánh. Một tên đã xô ngã cả hai người rồi đóng cổng lại lập tức. Khi họ đi xa Lan Anh mới gào lên:

- Quân dã man, lũ côn đồ!

Nguyệt Ánh giờ hoang mang tột độ, cô chưa biết phải làm sao thì chợt nghe bên tai mình có một giọng nói ấm áp, quen thuộc rất khẽ, hình như chỉ mình cô nghe:

- Lên phòng thờ mẹ trên lầu, đốt ba cây nhang và chờ ở đó. Hai chị em không được đi ra ngoài.

- Anh Hiếu!

Nhìn quanh không thấy ai, Nguyệt Ánh kéo tay em đi:

- Đừng ở đây nữa!

° ° °

Bọn thuộc hạ Ba Sung đưa Sáu Chi vào căn phòng tối, nằm biệt lập ở khuôn viên khá rộng.

Nơi đây chúng gọi là cát-sô Địa ngục. Một tên gọi là cai đội Ngô dằn mặt nạn nhân bằng hai cái tát thật mạnh, vừa đe doạ:

- Tao nói gì nghe nấy, cãi là coi như xong đời mày, nghe chưa!

Sáu Chi vốn ngang ngạnh, gan dạ, nên tuy bị hù doạ, cô vẫn hất hàm thách thức:

- Muốn giết thì cứ giết, chớ đừng hòng hù doạ. Tui không biết gì hết nên mấy người đừng tốn công vô ích!

Đội Ngô là một tên ác ôn, từng tra tấn dã man nhiều người dẫu họ không hề có tội, thành có tội, do sợ đòn roi nên khai đại. Hắn cười như ác quỷ:

- Mày cứng đầu, để coi sức chịu được tới đâu.

Hắn vừa định lấy dụng cụ tra tấn ra thì có lệnh của tên sếp, nên phải đi ngay. Không quên khoá cửa lại cẩn thận và dặn mấy tên cai ngục:

- Tụi bây không được cho con nhỏ trong này ăn uống, để tao về sẽ cho nó biết đá biết vàng!

Hắn gặp Ba Sung, tên này ra lệnh:

- Mày cùng với mấy tên nữa đi ngay xuống chợ Nhỏ rước bà chị tao. Đưa thẳng bà ta về nhà của lão Thiên Thời. Nếu có đứa nào chống đối thì bắt nhốt hết. Nếu cần thì có thể bắn hạ chúng tại chỗ, vu cho tội hoạt động chống đối!

- Dạ, em làm ngay!

Phải mất gần một đêm bọn Đội Ngô mới về tới Rạch Giá, từ đó chúng về vùng Chợ Nhỏ chỉ mất vài chục phút. Căn nhà tồi tàn mà mụ Hường đang cư ngụ đã được tài xế Sĩ chỉ dẫn cụ thể, nên bọn họ tìm ra không khó. Vốn đã có quen biết với mụ Hường trước đây, nên Đội Ngô tin chắc hắn sẽ rước bà này về không có gì trở ngại.

Vậy mà mọi việc lại ngoài dự tính của hắn. Khi mở khoá ngoài, đẩy cửa ngôi nhà vào thì Đội Ngô quá đỗi ngạc nhiên, bởi mụ đàn bà không có trong đó!

Bà ấy đi đâu được khi đúng như thằng cha Sĩ đã nói là cửa ngoài đã bị khoá, không ai bên ngoài vào được? Không lẽ bà ta tàng hình?

Đội Ngô tìm kiếm khắp nơi, cuối cùng phải tìm cách liên lạc về cho Ba Sung. Tên trùm lính kín này điên tiết lên, quát tháo om sòm trong ống nghe:

- Tụi bây về đây ngay!

Đợi Ngô lại phải ngồi xe quay về ngay, mặc dù đã đi suốt đêm không ngủ rồi. Hắn về tới nơi thì nghe Ba Sung ra lệnh:

- Mày xuống lôi con nhỏ Sáu Chi lên đây!

Nghe lệnh, Đội Ngô đích thân xuống phòng giam biệt lập, mở cửa ra và đinh ninh là con nhỏ bị giam đã một ngày một đêm không cho ăn uống, chắc là đang nằm liệt một góc. Nhưng...

- Ủa, kìa!

Trước mặt hắn ta không phải là Sáu Chi, mà là... mụ Hường!

- Sao lại như vầy?

Mụ Hường đang nằm thiêm thiếp, khi nghe có tiếng người đã bật dậy, mụ ngơ ngác:

- Ai đây?

Khi nhận ra Đội Ngô, mụ ta mừng rơn:

- Dữ hôn, tới bây giờ tụi bây mới xuống cứu tao!

Đội Ngô hỏi lại:

- Sao bà lại ở đây?

Chưa biết việc mình nằm trong khám, mụ Hường bù lu bù loa:

- Thằng cha Sĩ biểu tao cứ ở đây, đợi chả lo giải quyết xong công việc thì trở lại rước, khiến tao chờ đến mỏi mòn, ăn mấy khúc bánh mì khô khốc nuốt nghẹn bản họng luôn. Mau đưa tao về Sài Gòn gặp thằng Ba Sung đi!

Đội Ngô chỉ tay ra ngoài:

- Thì đây là chỗ của ông Sung, chớ bà tưởng mình đang ở đâu?

Lúc này mụ ta mới ngạc nhiên:

- Sao tao lại ở đây? Mà sao chỗ này...

Đội Ngô đành phải nói thật:

- Đây là phòng giam. Khi bà vô đây có gặp con Sáu Chi không?

Mụ ta há hốc mồm:

- Tao bị nhốt vì tội gì?

Đội Ngô phải dài dòng giải thích mụ ta mới hiểu và vô cùng kinh ngạc:

- Sao lại có chuyện này?

Đội Ngô báo cho Ba Sung biết chuyện, hắn gầm lên:

- Đứa nào gan trời dám thả con Sáu Chi? Phải tra cho ra coi đứa nào làm chuyện này!

Tội nghiệp cho mấy tên cai ngục, hết thảy bọn chúng đều ngơ ngác, kêu trời:

- Tụi này đâu có biết gì! Chìa khoá phòng giam thì ông Đội giữ, tụi tui đâu đứa nào có chìa khác để mở thì làm sao thả người được. Còn chuyện bà này vô nằm trong đó tụi tui cũng không hay, chẳng hiểu sao...

Ba Sung cũng bứt đầu gãi tai, chẳng hiểu tại sao?

Tài xế Sĩ lo lắng:

- Tôi đã về nhà lão Thiên Thời rồi, con Sáu Chi không có ở đó. Chắc chắn là như vậy, bởi nhà đó tuy rộng lớn, nhưng không một nơi nào để con ấy trốn được. Vụ này ông Ba coi lại kỹ coi có ai trong đám lính của ông vì thấy con nhỏ có nhan sắc rồi đem giấu để... xài riêng không?

Ba Sung nuốt nước miếng một cách thèm thuồng.

- Con nhỏ ấy tui thấy cũng phải thèm, huống hồ là mấy thằng cốt đột kia. Tuy nhiên rõ ràng là không cách nào nó trốn khỏi trại giam được, ngoại trừ có cánh!

Mụ Hường còn lo lắng hơn:

- Con này tuy là đầy tớ trong nhà, nhưng nó khôn lanh nên tụi kia dựa vào nó. Nó bày vẽ mọi chuyện để hai con ranh con kia làm theo. Nó mất tích hay chết càng tốt, vì ta nhổ được cái gai độc.

- Nhưng tui lo là nó... còn sống và âm thầm giúp tụi kia!

Ba Sung gạt ngang:

- Chuyện ấy dứt khoát không có!

Anh ta quay sang hỏi Đội Ngô:

- Có tin tức gì của lão Thiên Thời không?

Đội Ngô lắc đầu:

- Dạ, tụi em đã cho dò la khắp nơi mà chẳng nghe tin tức gì. Lão ta tên đầy đủ có phải là Lý Thiên Thời không vậy!

Ba Sung bực mình gắt lên:

- Chưa cần phải biết rõ lý lịch lão ta đâu! Tìm được lão ta hay cái xác cũng được, tên họ tính sau!

Đội Ngô hạ thấp giọng:

- Nếu đúng lão ta tên ấy thì đã có mộ lão ta trong vườn nhà rồi. Tức lão ta đã chết!

Mụ Hường giật mình:

- Sao có chuyện đó được? Trong vườn nhà lão ta chỉ có ngôi mộ của con vợ lớn của hắn. Ở đó chỉ độc nhất có ngôi mộ đó thôi. Chính tôi với tài xế Sĩ đây đã tới đó...

Tài xế Sĩ cũng xác nhận:

- Đúng là như vậy. Chắc chắn không có ngôi mộ nào khác!

Đội Ngô quả quyết:

- Tối qua người của tui đã leo tường vào vườn và nhìn rõ ở đó có hai ngôi mộ. Một mộ cũ tên Lê Thị Kiểm, còn ngôi mộ mới là họ Lý như tui vừa nói.

Ba Sung cũng ngạc nhiên:

- Hay là lão ấy đã chết! Vậy thì ai chôn, không lẽ hai đứa con gái miệng còn hôi sữa đó?

Mụ Hường lẩm bẩm:

- Đúng là lão ta họ Lý, nhưng không lẽ...

Mụ quay sang tài xế Sĩ:

- Hay là... đạo bùa đã linh ứng? Như vậy... cả mấy đứa nhỏ cũng đã...

Tài xế Sĩ vỗ đùi đánh đét một cái:

- Đúng rồi! Vậy mà qua nay nghĩ không ra! Vong hồn mụ vợ hắn đã làm theo sự sai khiến của đạo bùa và cả nhà ấy đã bị mụ ta bắt theo hết rồi!

Anh ta mừng quá nên quay sang ôm chầm lấy mụ Hường mà không cần giữ gìn trước mặt tên ác ôn Ba Sung! Tên này có vẻ khó chịu, nhưng chỉ nhẹ lắc đầu rồi quay đi chỗ khác. Lát sau hắn ta ra lệnh:

- Thằng Đội Ngô, mày liên lạc với đám theo dõi dưới đó, hỏi kỹ lại coi tình hình ra sao rồi. Hai đứa con gái còn ở trong nhà hay không?

Vừa khi ấy có điện báo về từ Rạch Giá. Đội Ngô đích thân nghe và tái mặt báo lại với sếp mình:

- Thưa sếp, tụi nó báo về là trong vườn nhà đó bây giờ có tất cả... bốn ngôi mộ!

Mụ Hường kêu lên đầu tiên:

- Mộ của ai mà tới bốn cái?

- Dạ, tụi nó có ghi tên tuổi hẳn hoi, ngoài hai ngôi mộ như đã nói, hai ngôi mộ mới một là của Lý Nguyệt Ánh, một của Lý Lan Anh.

- Cái gì? Cả nhà chúng nó đã... chết hết rồi sao?

Lần này tới phiên mụ ta ôm cổ tài xế Sĩ hôn lấy hôn để khiến cho Ba Sung phải lên tiếng:

- Chị vừa vừa thôi. Bây giờ việc phải làm là về ngay dưới đó, coi tình hình có đúng như vậy không, rồi cho tiến hành làm thủ tục giấy tờ nguỵ tạo, để chiếm lấy tài sản của lão họ Lý kia. Mà chị nhớ, mọi việc đều phải tuân thủ theo ý của thằng này nghe chưa!

Anh ta nói như ngầm cho hiểu rằng tài xế Sĩ chỉ đóng vai trò phụ mà thôi. Tài xế Sĩ hiểu điều đó, nhưng hình như anh ta cũng biết vị thế của mình, nên nhất thời cam chịu...

Ba Sung ra lệnh:

- Đội Ngô dẫn theo hai đứa nữa, hộ tống bà chị tao về đó lo cho xong mọi việc. Ngày mai tao sẽ về sau.

Hắn đứng lên đi về căn phòng riêng dành cho sếp ở trụ sở, vừa dặn kỹ lần nữa:

- Nhất định phải xác minh cho chắc chắn về cái chết của nhà đó. Sau đó phải bằng mọi cách ém nhẹm mọi tin tức, không để cho thiên hạ bàn tán. Còn chị Hường nữa, cũng phải làm bộ thương xót, khóc lóc cho thiệt một chút, chớ đừng chưa gì đã mừng vui, hí hửng ra mặt, thiên hạ sẽ nghi ngờ, nghe chưa!

Tuy là chị, nhưng nhất nhất mọi việc mụ Hường đều phải nghe theo thằng em ác ôn, đầy quyền lực này. Bởi vậy mụ nói xuôi theo:

- Chị biết mà...

Cả bọn lên xe đi ngay.

Ba Sung một mình trở về phòng riêng. Vừa mở cửa bước vào hắn đã suýt kêu lên, bởi trước mắt hắn là một cô gái đang trong tư thế gợi tình, nằm trên giường mà... không có gì che chắn! Người đó lại là.. Sáu Chi mới lạ!

- Cô... cô là?

- Là Sáu Chi, tội phạm mà anh Ba đang cho truy tìm đây!

- Nhưng... nhưng sao cô lại...

Thì trốn từ phòng giam tối tăm, chật chội sang đây để... hầu ông anh không được sao? Em đâu có bỏ trốn luôn!

Đã bị cô người làm này hớp hồn ngay khi vừa bắt về đây, giờ lại đứng trước cô ta trong tư thế...chết người như thế này, bảo sao Ba Sung còn giữ được vẻ hùng hổ, dữ dằn nữa! Hắn cười hềnh hệch:

- Em làm anh hết hồn. Còn bây giờ...

Sáu Chi nũng nịu:

- Hồi nãy anh bước vô cũng làm cho em hết hồn! Em cứ bị ám ảnh cái bộ mặt hung dữ, cô hồn của tên đội gì đó...

- Đội Ngô. Hắn tuy vậy chớ không dám làm gì em đâu. Chẳng qua...

- Nhưng hôm qua hắn ra lệnh giam em trong đó, không cho ăn uống và con hăm bóp cổ em chết nữa!

Ba Sung nheo mắt:

- Doạ em thôi, chớ ai nở hành hạ một người đẹp như vầy!

Vừa nói hắn vừa sà xuống định dang tay ôm lấy tấm thân trần đó, nhưng Sáu Chi đã nhanh hơn, cô lăn vào sát vách, vừa đẩy đưa:

- Làm gì gấp dữ vậy! Người ta nói mấy người thấy gái như mèo thấy mỡ là người chỉ muốn hưởng thụ nhục dục thôi chớ không hề có tình cảm gì! Mà em thì... em muốn được anh Ba thương yêu, chiều chuộng thật tình kia.

Ba Sung vốn là tên háo sắc, già không bỏ, nhỏ không tha, nên hắn làm sao không hưởng thụ cho bằng được cái miếng mỡ ngay trước miệng mèo như thế này. Do đó hắn cũng đẩy đưa:

- Ừ, thì chỉ vì... anh thương em mà!

Hắn bất thần chụp được Sáu Chi và ghì cứng. Cô gái chỉ chống cự lấy lệ, sau đó nằm im, khiến cho Ba Sung khoái chí:

- Như vầy có phải là ngoan không. Chiều anh đi rồi anh cất nhắc cho làm... bà này bà nọ, chớ ai lại cứ đi ở đợ hoài. Nhan sắc của em còn hơn cả con ông chủ em nữa!

- Nhưng...

Bỗng dưng cô nàng oà lên khóc, khiến Ba Sung hốt hoảng:

- Em sao vậy?

Cố dằn cơn xúc động, Sáu Chi nghẹn ngào nói:

- Tuy muốn thoát kiếp tôi đòi, nhưng em vốn trọng tình nghĩa, nên em lo cho những đứa con ông Thiên Thời...

Ba Sung cười hô hố:

- Em còn bận tâm làm gì những đứa đó cho mất công! Họ đã...

Hắn chưa kịp nói ra thì Sáu Chi đã chận lời:

- Trước khi hiến dâng cho anh, em muốn xin anh một điều. Nếu anh đồng ý thì từ nay em sẽ thuộc về anh mãi mãi... còn bằng không thì em thà cắn lưỡi chết tại đây, chớ quyết không để anh làm nhục!

- Chuyện gì?

- Em muốn anh ký lệnh tha cho tất cả người trong nhà họ Lý.

Ba Sung trợn mắt:

- Anh chưa bắt họ thì tha cái gì?

- Em biết tuy chưa bắt họ, nhưng anh đã có lệnh cho câu lưu họ về tội gì đó do bộ hạ anh chụp cho họ một khi bà chị anh chiếm được tài sản của ông Thiên Thời. Em còn chút tình cảm với họ, cũng muốn trả ơn họ đã nuôi nấng em từ lâu nay. Anh đồng ý đi thì em sẽ chấp nhận để cho anh muốn làm gì thì làm và em cũng chẳng bao giờ xen vô chuyện của bà Hường với ông Thiên Thời nữa.

Bình thường ai mà nói câu này thì lập tức bị hắn trừng trị ngay, nhưng bây giờ thì hắn thoải mái, gật đầu ngay:

- Được, anh hứa.

Hắn nghĩ là Sáu Chi chưa hay chuyện cả nhà họ Lý đã chết hết, nên mới xin như vậy. Còn bây giờ hắn có ký một chục cái lệnh thì cũng chẳng ăn thua gì, lại được lòng người đẹp! Hắn bảo:

- Để xong việc này anh sẽ làm theo lời em!

Sáu Chi chìa ra một tờ giấy đã đánh máy sẵn:

- Em biết thế nào anh cũng đồng ý nên đã thảo sẵn tờ giấy này, anh coi lại rối ký tên và đóng dấu cho em, trước khi chúng ta... mây mưa một trận tơi bời!

Ba Sung lấy viết trong túi áo ra ký liền cái rẹt, chưa kịp nói gì thêm thì Sáu Chi đã chỉ vào hộc tủ bàn viết:

- Con dấu của anh lúc nào cũng để trong đó, đóng luôn đi!

Hơi ngạc nhiên về sự rành rẽ của cô nàng, nhưng vì ham muốn nhục dục nên Ba Sung làm theo mà không suy nghĩ. Xong đâu đó hắn nheo mắt:

- Còn gì nữa không!

Sáu Chi nhắm mắt lại, đáp rất ngọt ngào:

- Tuỳ anh thôi...

Ba Sung như con hổ đói vồ mồi. Hắn chiếm đoạt, hưởng thụ như chưa bao giờ được hưởng. Hắn hoàn toàn bất ngờ trước sự hấp dẫn, quyến rũ cực kỳ của bông hoa đồng nội, điều này càng làm cho hắn tiếc sao mình không chiếm đoạt sớm hơn!

Và cũng chính vì quá say đắm cuộc mây mưa nên Ba Sung quên không hỏi lý do nào Sáu Chi đã thoát ra khỏi phòng giam? Và đó là hậu quả mà sau đó chỉ chưa đầy nửa giờ, hắn đã phải nhận lãnh...

Lúc ấy là vào giữa trưa...

Theo quy định lâu nay, mỗi khi tên sếp ác ôn này vào phòng riêng đóng cửa lại thì mọi người muốn vào phải gõ cửa, nhưng chỉ được gõ khi không thấy bóng đèn đỏ bên ngoài đang sáng lên.

Còn khi đã có đèn đỏ thì dẫu có chuyện gì gấp cũng không được gõ hay gọi. Do đó suốt hơn hai giờ liền Ba Sung ở trong đó thì hầu như mọi công việc liên quan tới hắn ta đều ngừng trệ. Một vài nhân viên có hồ sơ trình ký hoặc trực tiếp xin chỉ thị đều phải sốt ruột chờ. Một thư ký riêng của Ba Sung đã lầm bầm:

- Chơi bời gì mà giữa giờ làm việc chẳng biết! Điệu này mấy cái lệnh giam người lấy ai đâu ký quyết định?

Tài xế riêng của hắn ta thì lo lắng điều khác:

- Không khéo thì khi bà nhà tới đây sẽ nổ ra chiến tranh cho coi!

Vài người nghe điều đó đều thích thú:

- Chà, cuộc đụng độ sẽ gay cấn, nảy lửa đây.

Và họ chờ để xem...

Đúng bốn giờ thì bà vợ của Ba Sung xuất hiện. Chẳng biết do có việc cần đột xuất hay do ai đó báo tin... mà khi vừa xuống xe ngoài cổng, mụ Anna đã xộc thẳng vào phòng riêng của chồng.

Tên tài xế tuy làu bàu chuyện sếp mình mê đắm tửu sắc, nhưng khi thấy ông ta sắp nguy thì đã vội phá lệ, vừa gõ cửa phòng vừa la lớn:

- Bà Anna tới sếp ơi!

Vẫn không nghe động tĩnh bên trong, khiến anh này phải la lên lớn hơn:

- Bà sếp tới ông sếp ơi!

Không nghe trả lời, tên tài xế nghĩ ông sếp mình đang mê trận quên đời nên đập cửa ầm ầm với lời báo động dồn dập:

- Bà tới ông ơi! Bà tới!

Mụ Anna trừng mắt và quát:

- Mày báo động hả, mở cửa ra!

Nhưng cửa đã khoá bên trong. Mụ Anna quát:

- Lấy búa đập cửa ra!

Ai dám làm chuyện đó, cho nên mọi người đều lần lượt tản đi chỗ khác và biến luôn, bởi họ biết cuộc đại chiến giữa hai người sẽ biến họ thành nạn nhân bất đắc dĩ!

Điên tiết vì chẳng có ai giúp sức, mụ Anna tự tay cầm một cục đá to đập vào cánh cửa gỗ và sau ba bốn cú đập mạnh, cánh cửa đã bung ra mà vẫn chẳng nghe bên trong có phản ứng gì.

Khi cửa mở toang ra, mụ Anna không tin vào mắt mình khi nhìn thấy trên chiếc giường nhỏ phía sau bàn làm việc của chồng là một... bộ xương người!

- Trời ơi! Bớ người ta...

Lúc này nhiều nhân viên mới dám chạy trở lại và đến phiên họ kinh hãi! Tên tài xế riêng của Ba Sung run run giọng nói:

- Rõ... rõ ràng hồi nãy... ông sếp vô trong đó mà... ổng vô... và đâu thấy trở ra...

Khi thấy có đông người tới mụ Anna mới dám bước tới gần chỗ bộ xương, nhìn kỹ và thét lên:

- Trời ơi, ông Sung!

Trên cổ tay của bộ xương vẫn con mang chiếc đống hồ Oméga bằng vàng, vật quen thuộc của chồng, mà mụ Anna vừa nhìn thấy đã nhận ra ngay! Mụ ta lại nhìn lên cổ, sợi dây chuyền vàng hình mỏ neo có khắc tên mụ và ba Sung lại càng khẳng định bộ xương này là của Ba Sung!

- Trời ơi!

Mụ ta ngã lăn ra và nằm bất động...

° ° °

Bọn Đội Ngô phải phá cổng rào mới vào được nhà ông chủ Thiên Thời. Họ không gặp ai trong nhà, sau một hồi tìm kiếm, tài xế Sĩ nhắc:

- Mình ra sau vườn coi mấy ngôi mộ xem. Tại sao mấy đứa con lão ta cũng chết?

Khi họ ra ngoài chỗ khu mả thì vô cùng sửng sốt khi có bốn ngôi mộ nằm song song nhau. Một cái của bà Kiểm, một của ông Thiên Thời, còn hai cái kia thì của Nguyệt Ánh và Lan Anh.

Tài xế Sĩ thắc mắc:

- Họ chết thì có thể do bị vong hồn của vợ ông Thiên Thời, nhưng ai đã chôn họ mới là việc lạ.

- Ai đã vào đây?

Một tên nói:

- Nhà này chỉ còn duy nhất con Sáu Chi là còn sống, chẳng lẽ là nó làm việc này?

Đội Ngô phản bác:

- Không thể là nó, bởi thời gian xảy ra ở đây thì con nhỏ đó còn bị giam ở trên kia.

Tài xế Sĩ nhắc:

- Nhưng anh quên là nó đã thoát ra mà mình vẫn chưa biết là đi đâu hay sao?

Đội Ngô bực dọc:

- Không nói lôi thôi nữa, hay đào mồ tụi nó lên coi, biết đâu đây là một âm mưu thì sao?

Nghe cũng có lý, nên bọn ba bốn tên hè nhau đào lần lượt bốn ngôi mộ. Tuy vậy cả bọn vừa đào mà vừa run, bởi việc đào mộ đối với chúng là một chuyện xưa nay chưa từng làm!

Ngôi mộ đầu tiên bọn chúng đào là mộ có bia đề tên Lan Anh. Đội Ngô nói giọng mất dạy:

- Nghe nói con nhỏ này đanh đá lắm, đào lên xem thử khi chết mặt mày có còn dữ dằn hay không?

Nhát cuốc của tên lính vừa chạm vào nắp quan tài, bỗng hắn bật bắn ra xa đến gần hai thước!

Tên thứ hai la lên:

- Coi chừng rắn!

Hắn nói và chưa kịp nhảy lên thì đã bị một con rắn cắn vào chân, rồi một con nữa cắn vào cổ tay hắn một nhát nữa! Tài xế Sĩ nhìn thấy từ trong quan tài bò ra toàn là rắn, hắn nhảy lùi ra và la lên:

- Chạy đi, rắn đầy kia kìa!

Cả hai tên thuộc hạ của Đội Ngô đều bị rắn cắn nằm tại chỗ. Riêng Đội Ngô thì nhờ lẹ chân chạy theo tài xế Sĩ nên không bị gì. Tuy nhiên hắn run như cầy sấy, vừa lắp bắp:

- Những con rắn này... phải chăng là... quỷ ma!

Tài xế Sĩ đột nhiên nói trong hốt hoảng:

- Không lẽ... điều ấy xảy ra?

Đội Ngô vừa chạy vừa hỏi:

- Chuyện ấy là chuyện gì!

Tài xế Sĩ nhớ lại khi thỉnh đạo bùa Miên, ông thầy đã có nói rõ: "Lá bùa này linh nghiệm thì vong hồn người chết sẽ bị sai khiến, còn ngược lại thì sẽ có hậu quả khôn lường.... Hậu quả khôn lường đó phải chăng là... những con rắn này!

Ý nghĩ của hắn chưa dứt thì đã nghe Đội Ngô thét lên một tiếng rồi ngã lăn ra đất. Một con rắn rất to đang quấn chặt lấy cổ hắn!

Trong phút chốc đã có ba người trong nhóm đào mộ đã bị rắn cắn chết, bảo sao tài xế Sĩ không sợ điếng hồn! Hắn gần như chạy không nổi, phải lết đi từng bước...

Phải đến khi lết được vô tớ thềm nhà thì hắn đã kiệt sức, gục xuống.

Trong mơ hồ hắn cảm giác như có người đứng trước mặt mình. Người đó cất tiếng gọi khe khẽ:

- Thằng phản bội, hãy đền mạng!

Cố nhướng mắt lên, tài xế Sĩ càng hốt hoảng, bởi người đang đứng kia chính là... bà chủ đã quá cố của hắn, vợ ông Thiên Thời!

- Bà... bà...

- Nuôi mày là nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà. Mày đã bán đứng chủ mày, cũng như trước kia mày bỏ thuốc độc trong thức ăn cho tao ăn, để dọn đường cho con quỷ cái Hai Hường xâm nhập nhà này! Mày còn độc hơn những con rắn độc ngoài kia nữa!

Tài xế Sĩ vẫn cố nói:

- Tha cho con bà ơi... con xin làm bất cứ gì bà sai biểu... Con phải làm như vậy chẳng qua là do hoàn cảnh gia đình con quá túng bấn, nên con mới tán tận lương tâm...

Hắn nói tới đó thì bỗng nhiên kêu thét lên một tiếng và cả thân người run lên bần bật rồi nằm im như xác chết...

° ° °

Buổi sáng trời thật trong. Mặt trời vừa lên khỏi ngọn tre phía sau vườn thì cũng là lúc có một người xuất hiện trước bốn ngôi mộ. Quỳ xuống trước mộ bà chủ Thiên Thời, người đó giật mình khi thấy đã có một bó hoa cẩm chướng đặt ở đó tự lúc nào rồi.

- Cậu Hiếu còn nhanh hơn tôi nữa!

Người đó từ từ giở chiếc nón đội che gần kín mặt xuống, để lộ ra khuôn mặt hiền hoà, xinh xắn.

Đó là sáu chi!

Cô quay lại phía sau nói lớn:

- Mời hai cô ra đây!

Có hai người xuất hiện tiếp theo. Đó là Nguyệt Ánh và Lan Anh!

Cả hai ôm chầm lấy Sáu Chi mừng mừng tủi tủi:

- Chị Sáu! Tụi này cứ ngỡ là sẽ không bao giờ còn gặp lại chị nữa!

Sáu Chi vuốt tóc hai cô gái:

- Tội nghiệp hai cô chủ nhỏ của tôi! Phải để hai cô phải chịu khổ sở, sống chui rúc trong căn phòng thờ tối tăm trên lầu là việc bất đắc dĩ... Chẳng qua cũng là để tránh tai hoạ mà thôi. Giờ thì xong hết cả rồi....

Sáu Chi móc trong túi ra một tờ giấy rồi đặt ngay mộ của bà Thiên Thời, vừa bảo hai cô gái:

- Các cô lạy bà đi. Chính bà đã giúp cho việc này đấy.

Nguyệt Ánh và Lan Anh cùng lạy theo Sáu Chi. Bỗng tờ giấy mà Sáu Chi vừa lấy ra đó bốc cháy như được ai đó đốt lên! Sáu Chi nói:

- Đó là tờ giấy mà tên Ba Sung đã viết theo lệnh của bà, ra lệnh bãi bỏ sự truy cứu ông chủ và hai cô!

Nguyệt Ánh ngơ ngác:

- Truy cứu gì?

Theo xúi biểu của thằng tài xế Sĩ, tên Ba Sung ra lệnh cho thuộc hạ truy nã các cô và ông chủ về tội danh mà hắn tự đặt ra, nhằm có cớ bắt giam và thủ tiêu. Vong hồn của bà đã hiện ra cứu tôi khỏi trại giam, rồi bà còn giả làm tôi, gạt cho tên Ba Sung giở thói dê xồm ra nữa... Lúc đầu bà chỉ muốn gạt hắn, để hắn ký giấy tha cho ông và cô thôi, chớ không có ý hại hắn, chẳng ngờ hắn say máu

làm tới, xúc phạm tới bà, cho nên bà đã hoá kiếp cho hắn và sau đó trừ diệt luôn mấy tên ác ôn, côn đồ, cả thằng phản bội Sĩ nữa. Bởì vậy giờ đây tờ giấy này không còn cần nữa.

Rồi Sáu Chi vái riêng với bà chủ mình:

- Thưa bà, theo lệnh bà con đã giấu những người thân của bà được an toàn. Nay họ đứng trước mặt bà đây, xin bà tiếp tục phù hộ cho họ...

Nguyệt Ánh oà lên khóc:

- Má ơi, sao má không về giúp tụi con sớm hơn, suýt nữa tụi con đã chết dưới bàn tay của bọn quỷ sứ kia rồi!

Lan Anh cũng khóc theo:

- Mấy bữa nằm chui trong phòng, nghe bên ngoài tụi lính kín đi rầm rập, con sợ muốn chết, tưởng tiêu đời rồi. Còn ba nữa, ổng chưa đi nổi ra đây vì ba bốn ngày không ăn...

Sáu Chi lại nói:

- Tất cả là nhờ bà che chở cho đó. Sở dĩ lâu nay bà không về giúp các cô được là cũng bởi khi chôn bà, thằng tài xế Sĩ đã lén bỏ một lá bùa dưới gối bà nằm, do vậy hồn phách của bà không thể nào liên lạc được với người thân. Khi thằng Sĩ và mụ Hường kia chôn lá bùa tiếp theo để sai khiến bà về hại chồng con thì bị mình phát hiện kịp thời và đem quăng xuống vũng nước dơ, vô tình hoá giải tác dụng của chúng và nhờ vậy cũng giải thoát luôn cho hồn phách của bà bị giam cầm từ lâu. Bà thoát được nên mới cứu được cả nhà. Trong chuyện này còn phải kể luôn công của cậu Hiếu nữa...

Nghe nhắc tới Hiếu, Nguyệt Ánh kêu lên:

- Mấy hôm rày sao em không còn nghe Hiếu về nữa?

Chỉ sang mấy ngôi mộ bên cạnh, Sáu Chi nói:

- Chính vong hồn của cậu ấy đã thực hiện những ngôi mộ này, nhằm che mắt bọn ác ôn kia. Trong mộ không hề có xác ai hết, chỉ có lũ rắn độc. Lan Anh le lưỡi sợ hãi:

- Mộ không chôn người thì để làm gì, sao không cho đào lên đi, san phẳng để đỡ phải sợ!

Sáu Chi nghiêm giọng:

- Lúc trước thì không có ai, chỉ có rắn độc nhưng nay thì có chôn người rồi.

Nguyệt Ánh ngạc nhiên:

- Ai trong đó?

- Chính là ba tên thộc hạ của Ba Sung! Chúng bị rắn độc cắn chết và cậu Hiếu đã chôn chúng luôn trong đó!

Nguyệt Ánh trầm ngâm:

- Đâu có thể để xác bọn chúng trong vườn nhà mình được. Phải làm cách nào đó.

Sáu Chi cười nói:

- Đợi qua bốn mươi chín ngày thì cậu Hiếu của cô sẽ đưa chúng nó đi xa. Cậu ấy chu toàn lắm...

Nguyệt Ánh nói thật khẽ:

- Anh ấy vốn là người như vậy...

Cô quay sang hướng khác, nói vọng vào:

- Em sẽ ở vậy mãi để dành cho anh...

Sáu Chi nắm tay hai cô, hối:

- Phải vô để mừng ông thoát nạn đi chớ!

Họ vừa bước vô nhà thì đã thấy ông Thiên Thời ngồi ở ghế trưởng kỷ. Mặt ông tuy có xanh xao, nhưng vẫn có nụ cười thật tươi. Ông ôm cả hai cô con gái mình vào lòng:

- Ba xin lỗi hai con...

Lan Anh lại oà lên khóc! Nguyệt Ánh phải lên tiếng:

- Như vầy là mừng rồi, con khóc nỗi gì nữa!

Vừa khi ấy có tiếng của một người ăn xin từ ngoài cổng vọng vào: Xin quý bà quý cô rủ lòng thương, bố thí cho kẻ hèn này vài đồng xu lẻ, ít hột cơm thừa để sống qua ngày...

Sáu Chi vội nói:

- Đó là mụ Hai Hường! Từ khi Ba Sung bị hoá kiếp thì mụ ta trở thành điên dại, đi lang thang xin ăn. Vong hồn bà chủ cho tui biết, đó là cái quả mà bà ta phải nhận lãnh, để trả cho những ác nghiệp mà mình đã gây ra.

Ông Thiên Thời nhìn ra, chợt thở dài. Rồi bảo:

- Ba mê muội, suýt nữa nghe bà ta mà hại các con rồi...

Nguyệt Ánh lên tiếng liền:

- Chẳng qua ba bị họ bỏ bùa, sai khiến thôi. Nay má đã giúp ba gỡ được rồi, còn lo gì nữa!

Ông Thiên Thời đứng lên, tuy yếu, nhưng vẫn đi được:

- Dẫn ba ra thăm mộ má các con.

Trong lúc đó thì giọng xin ăn của mụ Hai Hường xa dần và có lẽ đó là lần cuối mụ ta tới chốn này...