26/10/12

Lục mạch thần kiếm (H15)

Hách Liên Thiết Thụ đợi hai người vào ngồi, nâng trà mời:

- Xin mời hai vị anh hùng uống trà! Chưa hiểu hai vị tới đây có điều chi dạy bảo?

A Châu nói:

- Dưới trướng tại hạ có mấy người anh em không hiểu đã làm điều chi đắc tội với tướng quân. Rồi các hạ phái những bậc cao thủ đi dùng võ công thượng thừa bắt cả về đây. Tại hạ cả gan đến xin tướng quân tha họ về.

Nàng dùng những câu "phái những bậc cao thủ đi dùng võ công thượng thừa bắt cả về đây" cho ra vẻ trịnh trọng. Nhưng ngấm ngầm chê người Tây Hạ dùng thủ đoạn đê hèn phun thuốc chuột để bắt ngươi.

Hách Liên Thiết Thụ mỉm cười, đáp:

- Quả có như vậy. Vừa rồi Mộ Dung công tử đã phô rõ tài cao, thực đáng mặt anh hùng không phải chỉ có hư danh. Kiều Bang chúa cùng Mộ Dung công tử nổi tiếng ngang nhau, chúng tôi mong Bang chúa cùng trổ tài cho chúng tôi xem. Khi chúng tôi đã tâm phục, quyết sẽ tha ngay liệt vị anh hùng hảo hán trở về quý phủ.

A Châu chột dạ, nghĩ bụng: "Mình giả mạo hình dung cùng cử chỉ Kiều Bang chúa thì còn tạm được, nếu giả mạo bản lĩnh của ông thì thế nào cũng lòi đuôi".

Nàng đang tìm cách chối khéo, bỗng cảm thấy chân tay mềm nhũn, cử động khó khăn, chẳng khác gì lúc trúng độc hôm trước, bất giác cả sợ than thầm: "Nguy hiểm đến nơi rồi. Ta có ngờ đâu trong chốc lát ở đây bị bọn chúng thách đấu võ,bây giờ biết làm thế nào?"

Ðoàn Dự mắt vẫn không ngang trông ngửa nên chẳng biết gì, chợt nhìn lại thấy A Châu ngồi nhũn ra trên ghế thì biết là nàng lại trúng độc, chàng vội lấy bình thuốc trong bọc, mở nút ra đưa vào mũi nàng.

A Châu hít luôn vài hơi, nàng mới trúng độc nên hết ngay. Ðưa tay ra cầm lấy bình thuốc ngửi luôn một lúc mà lạ thay, sao không thấy địch nhân động thủ can thiệp. Khi nhìn lại thì ra bọn Tây Hạ chân tay đều nhũn ra hết, ngồi trên ghế không nhúc nhích được, chỉ còn đôi mắt nhớn nhác.

Ðoàn Dự nghĩ thầm: "Thật là quái lạ! Bọn người này sao đánh thuốc độc mình?"

A Châu đến lay Hách Liên Thiết Thụ một cái thì gã lăn kềnh ra ghế. Ðúng là trúng độc rồi. Gã vẫn còn nói được, quát hỏi:

- Ô hay! Kẻ nào dám tự tiện dùng hương vụ? Lấy thuốc giải độc ra đây cho mau!

Quát luôn mấy tiếng nhưng thủ hạ đều trúng độc lăn ra, lên tiếng đáp lại:

- Bẩm tướng quân! Chúng tôi không nhúc nhích được nữa rồi!

Nỗ Nhi Hải nói:

- Tất là có kẻ nội phản, không thì ai biết được cách dùng hương vụ rất phiền phức này?

Hách Liên Thiết Thụ cả giận, hỏi:

- Ai? Bắt lấy nó đem đây cho ta tra hỏi. Ta quyết phanh thây ra làm muôn đoạn.

Nỗ Nhi Hải nói:

- Vâng! Vâng!

Gã liếc mắt nhìn A Châu, thấy trong tay nàng cầm bình thuốc, liền nói:

- Kiều Bang chúa! Cảm phiền Bang chúa đem bình thuốc cho chúng tôi ngửi.

Tướng quân chúng tôi xin hậu tạ.

A Châu cười, nói:

- Tôi còn phải đi giải cứu cho anh em bản bang gấp hơn, ai mong các ông hậu tạ làm gì!

Nỗ Nhi Hải nói với Ðoàn Dự:

- Mộ Dung công tử, trong mình tôi cũng có bình thuốc đây, nhờ công tử lấy giùm cho chúng tôi ngửi.

Ðoàn Dự móc tay vào trong bọc gã lấy bình nhỏ ra, quả nhiên là bình thuốc giải,chàng cười, nói:

- Giải độc là cần gấp, nhưng không phải giải cho các người!

Nói rồi cùng A Châu chạy vào hậu điện, mở cửa phòng ra thì thấy bên trong lúc nhúc đầy người, đều là quần chúng Cái Bang bị bắt giam vào đó.

Ngô trưởng lão trông thấy A Châu gọi to lên:

- Kiều Bang chúa đấy ư? Tạ ơn trời đất!

A Châu đưa thuốc giải độc cho lão ngửi rồi nói:

- Ðây là thuốc giải, trưởng lão mau đem cho anh em ngửi để giải độc.

Ngô trưởng lão cả mừng, chờ cho tay chân cử động được liền cầm bình thuốc lại cho Tống trưởng lão ngửi. Ðoàn Dự thì dùng bình thuốc của Nỗ Nhi Hải đến giải cho Từ trưởng lão.

A Châu nói:

- Người cái bang nhiều thế này mà chỉ có hai bình, đến bao giờ mới giải độc xong? Xin Ngô trưởng lão đi lục trong người đám võ sỹ Tây Hạ xem còn bình nào nữa không để đem vào đây giải cho lẹ.

Ngô trưởng lão vội chạy ra đại điện tìm thuốc rồi thấy tiếng mắng chửi om sòm,thì ra lão vừa móc thuốc vừa đánh chửi người cho hả giận. Chẳng bao lâu, lão cầm được sáu bình nữa vào, cười nói:

- Tôi cứ nhè những tên mọi Hồ mặc áo bảnh mà lục soát. Quả nhiên những tên cấp bực cao bên mình đều có thuốc giải độc. Ha ha! Chúng chết là đáng lắm.

Ðoàn Dự cười, hỏi:

- Cái gì?

Ngô trưởng lão cười, nói:

- Tôi tát cho mỗi đứa một cái. Tên nào có thuốc tôi càng tát mạnh.

Lão chợt nhìn thấy Ðoàn Dự liền hỏi:

- Vị huynh đài đây quý tính cao danh là chi? Xin đa tạ huynh đài đã cứu chúng tôi.

Ðoàn Dự nói:

- Tại hạ họ Mộ Dung đến cứu quá muộn, khiến liệt vị phải chịu phiền luỵ ít lâu,xin liệt vị tha lỗi cho.

Mọi người Cái bang nghe chàng tự xưng ra họ Mộ Dung thì biết ngay con người tiếng tăm lừng lẫy là Mộ Dung Cô Tô. Ai nấy kinh hãi khôn xiết.

Tống trưởng lão nói:

- Chúng tôi có mắt mà không khác kẻ đui mù, ngờ oan cho Mộ Dung công tử sát hại Mã Phó Bang chúa. Giả tỷ hôm nay không được Bang chúa cùng chàng giải cứu cho thì cả lũ mắc tay bọn ác cẩu Tây Hạ và kết quả sẽ đến thế nào?

Ngô trưởng lão cũng nói:

- Kiều Bang chúa! Ðại nhân không chấp nhặt lỗi lầm của bọn tiểu nhân. Xin Bang chúa lại trở về làm chúa tể chúng tôi.

Toàn Quang Thanh vẫn chưa được ngửi thuốc giải độc vẫn không nhúc nhích được, lạnh lùng nói:

- Kiều gia quả cùng Mộ Dung công tử có chỗ thâm giao (!)

Y gọi Kiều Phong là Kiều gia chứ không gọi là Kiều Bang chúa để tỏ ý không nhận ông là Bang chúa mình nữa, lại đeo thêm câu "...cùng Mộ Dung công tử quả là chỗ thâm giao" mới tệ hại nữa.

Nên nhớ rằng quần chúng Cái Bang nghi ngờ Kiều Phong mượn tay Mộ Dung Phục để trừ khử Mã Ðại Nguyên và Kiều Phong vẫn một mực phủ nhận Mộ Dung Phục quen biết mình. Hôm nay hai người cùng vào chùa Thiên Ninh cười cười nói nói ra chiều thân mật từ lâu chứ không phải bây giờ mới biết nhau.

A Châu nghĩ bụng: "Bọn này hàng ngày hợp tác với Kiều Phong sợ nún nán lại sẽ bị họ khám phá ra chỗ giả trá", liền nói:

- Việc lớn trong bang thong thả sẽ bàn tới, để tôi đi coi bọn ác cẩu Tây Hạ đã.

Nói xong rảo bước ra đại điện. Ðoàn Dự cũng bước ra theo. Hai người ra đến đại điện thấy Hách Liên Thiết Thụ đang cả tiếng chửi mắng om sòm:

- Các ngươi mau tra xét cho ra tên chó má nào người Tây Hạ, đi đốt nhà nó lên và bắt hết già trẻ gái trai giết cho kỳ hết, đừng để sót một mống. Mẹ nó! Ðã là người Tây Hạ sao còn phản chủ giúp người ngoài lấy trộm hương vụ tung ra?

Ðoàn Dự giựt mình tự hỏi: "Y mắng người Tây Hạ nào đây?"

Cứ Hách Liên Thiết Thụ chửi một câu thì Nỗ Nhi Hải lại đáp một lời.

Hách Liên Thiết Thụ lại hỏi:

- Nó viết mấy chữ trên tường kia, phải chăng rõ ràng để mạt sát chúng ta?

Ðoàn Dự cùng A Châu ngoảnh đầu lại xem thì thấy tường có mấy dòng chữ như rồng bay phượng múa, đề rằng:

Ác giả thời ác báo,

Gậy ông đập lưng ông,

Hại người bằng hương vụ,

Chớ trách kẻ phản công.

Ðoàn Dự trong thấy kinh ngạc, khẽ la lên:

- Ồ! Ðây chắc là Mộ Dung công tử viết rồi? Nét mực hãy còn ướt, đúng là vừa mới viết.

A Châu khẽ nhắc:

- Ðoàn công tử chớ quên mình đang đóng vai Mộ Dung công tử đó. Thiếu gia tôi viết rất nhiều, tôi không có cách nào nhận rõ đó có phải là bút tích của người không?

Ðoàn Dự quay lại hỏi Nỗ Nhi Hải:

- Ai viết những dòng chữ này?

Nỗ Nhi Hải không trả lời vào câu hỏi, gã nói:

- Gớm thật! Hôm nay mình mới biết cái thủ đoạn "gậy ông đập lưng ông" là thế nào.

Trong lòng gã phập phồng lo sợ, vì bọn gã bắt quần hào Cái Bang, đánh đập chửi mắng không thiếu thứ gì, không biết bây giờ bọn Cái bang sẽ đối phó ra sao? Chắc là cái trò "gậy ông đập lưng ông" còn ghê gớm hơn nữa?

Ðoàn Dự khẽ nói:

- Dùng độc vụ hại bọn Tây Hạ hình như do công tử nhà cô làm ra thì phải?

Không biết y đến lúc nào và hiện ở đâu? Thực là con thần long thấy đầu mà chẳng thấy đuôi.

Ðoàn Dự vốn đem lòng đố kỵ Mộ Dung công tử, nhưng lúc này chàng thấy cái thủ đoạn quăng một mẻ lưới mà chụp hết bao nhiêu cao thủ Tây Hạ thì chàng không khỏi thầm phục về cái hành vi này của Mộ Dung Phục.

A Châu thấy quần hào Cái Bang đã cử động được hết, tới tấp lên đại điện chuyện trò, liền khẽ bảo Ðoàn Dự:

- Ðại sự xong rồi. Chúng ta đi thôi!

Ðoạn, lên tiếng nói:

- Tôi còn có việc khác khẩn cấp hơn phải cùng Mộ Dung công tử đi lo liệu ngay,rồi đây sẽ có ngày tái hội.

Nó i xong, bước mau ra cửa điện. Bọn Ngô trưởng lão gọ to lên:

- Bang chúa hãy thong thả! Bang chúa hãy thong thả!

A Châu không dám trùng trình, càng đi mau hơn. Quần hào Cái Bang trước nay vẫn có lòng kính sợ Kiều Phong, không ai dám chạy ra ngăn trở. Hai người chạy chừng hơn một dặm, A Châu mới cười, nói:

- Ðoàn công tử! Nghĩ lại thật buồn cười. Cái trò "Lăng ba vi bộ" mà lão đồ đệ của công tử đòi biểu diễn, lại bảo là công tử diễn giỏi hơn sư phụ lão!

Ðoàn Dự ồ lên một tiếng, A Châu lại hỏi:

- Không biết ai đã ngầm tung hơi độc ra? Lão đại tướng Tây Hạ cứ mồm năm miệng mười là có kẻ nội phản. Tôi chắc chính người Tây Hạ phóng ra.

Ðoàn Dự chợt nghĩ đến một người, nói:

- Hay là Lý Diên Tông? Y là một tay cao thủ Tây Hạ mà chúng tôi đã được gặp trong trại giã gạo.

A Châu chưa biết Lý Diên Tông, nàng nói:

- Chúng ta về hỏi lại Vương cô nương xem có biết không.

Ðoàn Dự trước vẫn ngờ kẻ viết trên tường là Mộ Dung Phục và như vậy tất y đã ở gần đâu đây rồi đến hội họp với Vương Ngọc Yến. Lòng chàng phiền muộn vô cùng. Bây giờ chợt nghĩ tới Lý Diên Tông, chàng lại vui vẻ ngay, cười nói như thường. Trong lúc đang đi, chợt nghe tiếng vó ngựa dồn dập. Trên đường lớn một người phóng ngựa rất mau đi tới. Ðoàn Dự tinh mắt, trông tận đằng xa đã biết là Kiều Phong thì rất mừng, reo lên:

- A ha! Kiều đại ca!

Chàng toan cất tiếng gọi, A Châu vội kéo áo chàng, nói:

- Ðừng la! Vai chính đã đến đó!

Rồi nàng quay mình đi... Thoáng cái, Kiều Phong đã phóng ngựa đến nơi, đưa mắt nhìn Ðoàn Dự cùng A Châu một lượt. Ðoàn Dự thấy A Châu kéo áo mới tỉnh ngộ ra rằng hai người đã cải trang. A Châu giả làm Kiều đại ca, nếu để người nhìn thấy nàng thì có điều bất tiện.

Lúc đó Kiều Phong đã cưỡi ngựa đến trước mặt, Ðoàn Dự không dám nhìn thẳng phải quay đi. Chàng tự hỏi: "Lúc Kiều đại ca cùng quần hào Cái bang tương hội,chân tướng sẽ bị bại lộ, không hiểu đại ca có phiền trách A Châu này không?". Nguyên Kiều Phong cứu được A Châu, A Bích rồi mới biết tin anh em Cái Bang bị người Tây Hạ bắt hết thì trong lòng nóng nảy, chạy khắp nơi tìm kiếm.

Nhưng miệt Giang Nam ruộng lúa đồi dâu bát ngát, đường thuỷ bộ giao tiếp tứ tung, không phải như miền bắc phần nhiều là đường độc đạo nên khó bề tìm kiếm.

Kiều Phong tìm đến nửa ngày trời cũng gặp hai chú tiểu chùa Thiên Ninh, ông hỏi rõ đường lối vào chùa. Ðang đi thì gặp Ðoàn Dự, ông thấy dáng người thanh tú,trạng mạo khôi ngô, nghĩ thầm: "Vị công tử này hao hao giống Ðoàn Dự, người anh em kết nghĩa với ta."

A Châu đã trở gót quay đi, Kiều Phong không để ý tới hai người nữa vì trong lòng đương mải lo lắng về anh em Cái Bang. Ông không hỏi gì, ra roi cho ngựa lướt qua.

Kiều Phong đến ngoài chùa Thiên Ninh đã thấy mười mấy người đệ tử Cái Bang đang trói bọn võ sỹ Tây Hạ ép giải từ trong chùa đi ra. Kiều Phong cả mừng,nghĩ thầm: "Nhân vật Cái bang quả nhiên anh hùng, đã chuyển bại ra thắng." Quần chúng Cái Bang thấy Kiều Phong đi rồi quay lại, tới tấp chạy ra nghênh tiếp, nói:

- Bang chúa! Bọn giặc này bây giờ nên phát lạc ra sao? Xin Bang chúa chỉ cho.

Kiều Phong nói:

- Tôi đã không phải là người Cái Bang nữa, thôi xin miễn nói đến hai chữ "Bang chúa". Anh em có bị tổn thương không?

Bọn Từ trưởng lão ở trong chùa được tin báo Kiều Phong đến, đều chạy ra nghênh tiếp. Ngô trưởng lão bộp chộp nói ngay:

- Bang chúa! Khi nãy Bang chúa đi khỏi, chúng tôi vẫn bảo nhau, nếu không được Bang chúa cùng Mộ Dung công tử đến cứu kịp thời, thì toàn thể quân Cái Bang sẽ chết hết. Bang chúa không trở về nắm giữ đại cuộc cầm đầu cho chúng tôi là việc hỏng hết!

Kiều Phong lấy làm lạ, hỏi:

- Mộ Dung công tử nào?

Ngô trưởng lão đáp:

- Bọn Toàn Quang Thanh nói càn, Bang chúa chẳng nên để vào tai. Việc giao kết bạn bè phỏng có chi là khó? Tôi tin rằng Bang chúa cùng Mộ Dung công tử mới biết nhau bữa nay.

Kiều Phong đáp:

- Có phải là Mộ Dung Phục không? Tôi chưa từng gặp mặt y.

Từ trưởng lão cùng bốn vị Tống, Hồ, Trần, Ngô ngơ ngác nhìn nhau đều lấy làm kinh dị, tự hỏi: "Vừa mới đây y cùng Mộ Dung công tử dắt tay nhau vào giải độc cho mọi người, sao bây giờ bảo chưa biết Mộ Dung công tử?"

Ngô trưởng lão nghĩ một lát, tỉnh ngộ ra, nói:

- À phải rồi! Chàng thanh niên công tử vừa rồi tự xưng ở họ Mộ Dung chứ y có bảo là Mộ Dung Phục đâu! Trong thiên hạ, người họ Mộ Dung biết bao nhiêu mà kể, cái đó chả có chi là lạ.

Trần trưởng lão nói:

- Nhưng mấy hàng chữ đề trên tường kia có câu: "gậy ông đập lưng ông", không phải Mộ Dung Phục thì còn ai vào đây?

Bỗng có tiếng quái gở xen vào:

- Gã công tử lỏi con đó môn võ nào cũng giỏi, giỏi hơn cả chủ môn đó nữa, mà còn không phải Mộ Dung Phục ư? Ðúng hắn rồi! Nhất định là hắn không sai!

Mọi người nhìn xem ai nói, thì ra lão mắt chuột râu ngắn Nam Ngạc Hải Thần.

Lão trúng độc bị trói, không nhịn được nữa nên xen vào.

Kiều Phong lấy làm lạ, hỏi:

- Mộ Dung Phục đến đây ư?

Nam Ngạc Hải Thần tức mình nói:

- Ðồ khỉ! Mẹ kiếp! Mi vừa cùng Mộ Dung Phục dắt tay nhau đến đây, không biết dùng tà thuật gì trói lão gia lại. Mau buông tha lão gia ra thì thôi, không thì...

Lão ấp úng không biết nói sao, đằng hắng lên mấy tiếng.

Kiều Phong nói:

- Trông ngươi có vẻ là một tay cao thủ trong võ lâm mà sao lại ăn nói lăng nhăng như thế? Ta đến đây bao giờ? Ai cùng Mộ Dung Phục dắt tay đi vào? Cái đó lại càng hoang đường nữa!

Nam Ngạc Hải Thần bi bô nói to:

- Kiều Phong giỏi thật! Ngươi làm Bang chúa Cái Bang thật là uổng! Sao dám gian dối quá trời thế? Các bạn! Có phải Kiều Phong vừa đến đây không? Tướng quân ta chả mời y ngồi trên rồi cùng uống trà là gì?

Bọn Tây Hạ đồng thanh đáp:

- Ðúng rồi! Mộ Dung Phục còn biểu diễn "Lăng ba vi bộ", Kiều Phong đứng bên khen ngợi, tướng quân ta còn nói: "Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung" gì gì... nữa kia mà? Không thật thì ai bịa đặt ra được?

Ngô trưởng lão kéo tay áo Kiều Phong, khẽ nói:

- Bang chúa! Người quang minh lỗi lạc không làm việc mờ ám! Chuyện Bang chúa vừa đến đây sao bây giờ lại cãi?

Kiều Phong bực quá, nhăn nhó cười, nói:

- Ngô tứ ca! Chẳng lẽ chính mắt tứ ca cũng vừa trông thấy tôi ư?

Ngô trưởng lão liền cầm bình thuốc giải đưa ra, nói:

- Bang chúa! Tôi xin trả lại Bang chúa bình thuốc này chừng sau này còn có lúc dùng đến.

Kiều Phong nói:

- Trả lại tôi? Cái gì mà trả lại tôi?

Ngô trưởng lão đáp:

- Vừa nãy Bang chúa lấy thuốc này đưa cho tôi, Bang chúa quên rồi ư?

Kiều Phong hỏi lại:

- Ngô tứ ca! Chính tứ ca cũng vừa thấy tôi đưa bình thuốc?

Ngô trưởng lão thấy Kiều Phong cãi hoài, trong lòng không vui và rất băn khoăn.

Kiều Phong dù là người tinh thông mẫn cán, nhưng ngờ đâu đến lũ giả trang mình vừa đến đây trước để giải cứu cho mọi người? Ông trầm ngâm nghĩ lại thì trong vụ này tất có kẻ âm mưu thâm độc.

Ngô trưởng lão và Hồ trưởng lão đều là những người tính tình ngay thẳng, quyết không làm điều ngoắt ngoéo đê hèn. Kẻ bầy trò này tất phải là tay quyền biến mưu lược ghê gớm mới có thể giả tạo một cách tài tình trước mặt mọi người được. Kể ra thì quần hào Cái Bang được giải cứu, ai cũng cảm kích, nhưng thấy Kiều Phong phủ nhận công việc mình làm thì không khỏi kinh dị.

Có người cho là cuộc biến cố xảy ra liền liền mấy hôm nay đã làm cho thần trí ông hoang mang. Có người cho là chính ông đã mượn tay Mộ Dung Phục để giết Mã Ðại Nguyên, ông sợ gian mưu bại lộ nên cố chối là không biết Mộ Dung Phục.

Có người đoán ông đồ mưu trở lại ngôi Bang chúa Cái bang nên bày ra mưu nọ chước kia... Còn có người tin là ông vì trung thành với Khất Ðan mà phản cả Tây Hạ, hại cả Ðại Tống. Tóm lại, mỗi người đoán một cách, nét mặt lộ ra vẻ luyến tiếc ông có; khó chịu, căm hờn ông cũng có; khinh bỉ, thù hằn với ông cũng có.

Kiều Phong thở dài, nói:

- Các vị đã bình yên vô sự, vậy Kiều mỗ xin cáo biệt từ đây.

Nói xong, chắp tay từ giã mọi người, nhảy lên mình ngựa ra roi cho ngựa chạy mau. Bỗng nghe thấy Từ trưởng lão gọi to:

- Kiều Phong! Hãy để cây "Ðả cẩu bổng" lại đã!

Kiều Phong dừng ngựa, hỏi:

- Cây "Ðả cẩu bổng" ư? Tôi đã trao trả từ lúc còn ở rừng hạnh kia mà?

Từ trưởng lão nói:

- Chúng tôi lỡ bị bắt, cây "Ðả cẩu bổng" lạc vào tay ác cẩu Tây Hạ. Bây giờ tìm khắp cả mà chẳng thấy đâu. Chắc là ngươi lấy đi?

Kiều Phong ngửa mặt lên trời cườ một trang dài, tiếng cười lạnh lùng bi ai, rồi lớn tiếng nói:

- Từ đây Kiều Phong này với Cái bang không còn dây mơ rễ má gì nữa thì lấy "Ðả cẩu bổng" làm gì? Từ trưởng lão! Thế ra trưởng lão coi thường tôi quá!

Ông thúc hai vế vào bụng ngựa, phóng chạy như bay đi về phía bắc. Từ thuở nhỏ Kiều Phong đã được cha mẹ nuôi nấng cưng chiều, sau đi học võ nghệ phái Thiếu Lâm, còn thờ Uông Bang chúa làm thầy. Tuy ông bôn tẩu giang hồ, gặp nhiều bước gian nan, nhưng vẫn được thầy bạn hết lòng thương mến một cách nhiệt thành. Hai bữa nay đất bằng nổi sóng, bao nhiêu oai danh lừng lẫy từ trước, cả đến tiếng thơm của một vị Bang chúa đại nhân đại nghĩa, bỗng phút chốc tiêu tan trở nên một kẻ bán nước hại dân, một kẻ đốn hèn vô liêm sỉ.

Ông bâng khuâng nhìn ra phương trời để ngựa muốn đi đâu thì đi, trong lòng ngổn ngang trăm mối: "Giả tỷ mình là người Khất Ðan mà mười năm trước đây mình đã hạ sát bao nhiêu tay cao thủ Khất Ðan lại phá hoại bao nhiêu mưu đồ của Khất Ðan thì chẳng hoá ra mình đã đại bất trung? Giả tỷ mà cha mẹ mình bị người Hán sát hại ở ngoài ải Nhạn Môn quan, mình lại đi lại kẻ cựu thù giết cha mẹ làm thầy và nhận người khác làm cha mẹ hơn ba mươi năm nay há chẳng là đại bất hiếu? Kiều Phong hỡi Kiều Phong! Mi đã là người bất trung, bất hiếu như vậy thì còn mặt mũi nào sống ở trên thế gian này nữa? Giả tỷ Tam Hoè Công không phải là phụ thân mình thì mình nguyên họ gì chứ đâu phải họ Kiều? Phụ thân sinh ra đã đặt tên cho mình là gì mình cũng không hay? Trời ơi! Ta chẳng những bất trung,bất hiếu mà lại là kẻ vô danh, vô tính!"

Kiều Phong lại nghĩ tiếp: "Hay là mọi việc này đều do một tên đại gian đại ác vu hãm mình? Kiều Phong này đường đường là bậc đại trượng phu mà để kẻ khác làm cho thân danh tan nát, tiếng xấu ngàn đời không rửa sạch, thì ra mình chịu thua gian nhân hay sao? Không được! Thế nào mình cũng tra xét cho ra thực hư."

Ông nghĩ ngợi quanh quẩn mãi, rồi quyết định công việc đầu tiên là hãy trở về núi Thiếu Thất tỉnh Hà Nam để hỏi lại Hoè Tam Công về lai lịch thân thế mình. Công việc thứ hai là vào chùa Thiếu Lâm cầu kiến ân sư Huyền Khổ đại sư, xin người trỏ bảo chân tướng. Hai vị này đều tha thiết thương yêu mình, chắc chẳng nỡ giấu giếm.

Kiều Phong nguyên là người hào sảng, muốn sao làm vậy, đủ tài đảm đương việc lớn. Sau khi tính toán và quyết định chủ ý, ông không buồn phiền nữa. Có điều, trước ông làm chủ Cái bang thì khắp chốn giang hồ đâu cũng là nhà. Bây giờ ông bị trục xuất ra khỏi Cái Bang, đến ăn ngủ ở các phân đà không tiện, mà có khi sinh ra phiền não nữa.

Nên ông tìm những đường hẻo lánh mà đi để khỏi phải gặp những kẻ thuộc hạ cũ. Ði được hai ngày, trong mình hết sạch tiền chi dụng, đành đem bán con ngựa cướp được của người Tây Hạ để làm lộ phí. Một hôm, Kiều Phong đến chân núi Tung Sơn, nhắm thẳng núi Thiếu Thất mà đi. Nơi đây là chỗ ông ở khi còn nhỏ tuổi, cảnh vật đâu đấy vẫn y nguyên như cũ.

Cái Bang là một bang lớn thứ nhất trong đám giang hồ, Thiếu Lâm cũng là phái lớn nhất tong các phái võ. Một khi Bang chúa Cái Bang lên chùa Thiếu Lâm là một cuộc náo nhiệt chấn động trong võ lâm, bao nhiêu nghi tiết này được bầy đặt ra làm kinh động đến nhiều người. Vì vậy mà từ khi lên làm Bang chúa Cái Bang,Kiều Phong chưa trở về chùa Thiếu Lâm bao giờ.

Chỉ hàng năm phái người dâng quần áo hoặc thực phẩm về cho ân sư cùng cha mẹ mà thôi. Bây giờ ông quay về đất cũ, nghĩ lại thân mình, bất giác cảm thấy nao nao trong dạ mặc dầu ông là người trấn tĩnh, trầm mặc. Nhà ông ở về phía nam sườn núi Thiếu Thất. Ông bước lẹ đi trên sườn núi đến một khu vườn hoa có cây táo lớn. Dưới gốc táo còn để một cái nón cỏ và bình trà gẫy tay cầm.

Kiều Phong nhận ra đó là những đồ vật của phụ thân (Kiều Tam Hoè) mình,trong tâm ông cảm thấy ấm cúng, miệng lẩm bẩm: "Gia gia ta thật là cần mẫn trung hậu, bình trà gẫy chuôi này đã dùng đến mấy chục năm mà chưa bỏ đi". Xem đến cây táo lớn, ông nhớ lại thuở nhỏ, mỗi mùa táo chín, Kiều Tam Hoè thường dắt ông ra để đập lấy trái.

Những trái táo đỏ chín mọng ngon ngọt vô cùng. Từ lúc lìa bỏ cố hương ông chưa được ăn thứ táo nào ngon như thế... Kiều Phong nghĩ thầm: "Dù gia nương đây không phải là cha mẹ ruột ta, nhưng ơn dưỡng dục từ thuở tấm bé suốt đời ta không chắc báo đáp được. Bất luận chân tướng ta thế nào, ta quyết không thay đổi cách xưng hô".

Kiều Phong chạy đến căn nhà ba gian tường đất, thấy ngoài sân có mảnh phên tre để phơi rau dưa. Một con gà mái dẫn đàn gà con đang lúc cúc bới cỏ tìm ăn. Bất giác ông tủm tỉm cười, nghĩ thầm: "Không chừng tối nay má má lại giết gà làm cơm để khoản đãi cậu con lâu ngày chưa thấy mặt". Ông cất tiếng gọi to:

- Gia gia, má má ơi! Con đã về đây!

Ông gọi hai câu chẳng thấy ai thưa thì nghĩ bụng: "Thôi phải rồi! Hai cụ ngày nay tuổi già, tai điếc không nghe rõ". Ông đẩy cửa đi vào... Trong nhà nào bàn gỗ,ghế tre, nào cày, cuốc bỏ đó, chẳng khác ngày ông rời khỏi căn nhà này ra đi, nhưng sao không thấy bóng người.

Kiều Phong lại gọi luôn mấy tiếng nữa, vẫn không thấy tiếng người đáp lại đã hơi cảm thấy mối nghi ngờ, tự hỏi: "Không biết gia nương mình đi đâu?" Ông cúi đầu nhìn vào trong phòng, bất giác giật nảy mình lên. Hai vợ chồng Kiều Tam Hoè nằm lăn dưới đất không nhúc nhích.

Kiều Phong vội nhảy xổ vào nâng mẫu thân dậy thì thấy người đã tắt thở nhưng mình còn hơi nóng, rõ ràng là mới chết chưa đầy một giờ. Ông lại đến ôm phụ thân thì tình trạng cũng như vậy.

Kiều Phong vừa bàng hoàng vừa xót thương, ôm thi thể phụ thân ra ngoài cửa dưới ánh nắng mặt trời để xem xét kỹ lại, thì thấy những xương sườn lồng ngực đều bị gãy hết, đúng là một tay cao thủ võ lâm dùng chưởng lực cực kỳ lợi hại đánh chết. Ông xem đến thi thể mẫu thân cũng vậy. Kiều Phong trong lòng cực kỳ bối rối, nghĩ thầm: "Gia nương ta là nông phu, nông phụ thật thà, sao lại có chuyện những tay cao thủ võ lâm đến đây hạ độc thủ? Chuyện này chẳng qua vì ta mà ra."

Ông liền xem xét kỹ càng từ trong ba gian nhà cho đến phía trước, phía sau cùng trên nóc xem hung thủ có vết tích gì không. Xong kẻ hạ thủ là một gã vô cùng cẩn thận, không để một chút di tích gì, dù là một vết chân.

Kiều Phong khóc sướt mướt,càng nghĩ càng thêm đau xót, rồi bất giác khóc rống lên. Vừa khóc mấy tiếng thì sau lưng có tiếng người nói:

- Ðáng tiếc! Ðáng tiếc! Chúng ta đến chậm mất rồi.

Kiều Phong vội quay đầu nhìn lại, thấy bốn nhà sư đứng tuổi, xem cách phục sức đều là hoà thượng tại chùa Thiếu Lâm. Kiều Phong từng học võ ở phái Thiếu lâm,nhưng sư phụ ông là Huyền Khổ đại sư hằng ngày cứ nửa đêm mới đến nhà rèn luyện, ngay cha mẹ ông cũng không hay, nên không biết một vị sư nào tại chùa Thiếu Lâm cả. Lúc này trong lòng ông đau khổ, dù thấy người ngoài đến cũng không cầm được nước mắt.

Một vị sư người cao đầy vẻ giận dữ, lớn tiếng quát mắng:

- Kiều Phong! Con người như mi không bằng tuồng chó lợn. Vợ chồng Kiều Tam Hoè dù không phải là cha mẹ ruột mi, song ơn đức dưỡng dục trong mười mấy năm trời đâu phải ít công lao, sao ngươi dám độc ác đến ra tay hạ sát?

Kiều Phong khóc, nói:

- Tại hạ vừa về đến nhà thì song thân bị hại, hiện đang điều tra hung thủ để báo thù cho người, sao nói như vậy?

Nhà sư tức giận nói:

- Dòng giống Khất Ðan tâm địa độc dữ như loài lang sói, hành động chẳng khác gì cầm thú. Mi đang tay hạ sát nghĩa phụ, nghĩa mẫu, tiếc rằng bọn ta đến đây chậm mất một chút. Gã họ Kiều kia! Mi đã trở lại núi Thiếu Thất để làm một việc đại ác, lại còn giở giọng loè bịp chúng ta à?

Nói xong vung chưởng đánh vào ngực Kiều Phong. Kiều Phong đang định né tránh bỗng nghe sau lưng có luồng gió nhè nhẹ, biết rằng có người đánh lén mặt sau. Ông không muốn động thủ cùng các nhà sư Thiếu Lâm một cách hồ đồ nên lạng người xa hơn trượng, quả thấy một nhà sư Thiếu Lâm giơ chân đá vào quãng không.

Bốn nhà sư Thiếu Lâm thấy Kiều Phong né tránh một cách dễ dàng như vậy đều lộ vẻ kinh dị. Nhà sư cao lớn lại quát mắng:

- Võ công ngươi giỏi thì có làm gì? Ngươi tưởng giết nghĩa phụ, nghĩa mẫu đi để bịt miệng, hòng giấu kín gốc gác mi. Có điều đáng tiếc là mi dòng giống Khất Ðan ác nghiệt đã đồn rầm khắp võ lâm, trên chốn giang hồ còn ai không biết? Nay mi làm việc đại nghịch này chỉ tổ gia tăng thêm tội ác của mi mà thôi.

Một nhà sư khác cũng mắng:

- Mi đã hạ sát Mã Ðại Nguyên, nay lại hạ sát vợ chồng Kiều Tam Hoè. Hừ! Mi tưởng việc xấu xa này còn che đậy được nữa ư?

Kiều Phong đang cơn phiền não, tuy nghe hai nhà sư mắng nhiếc là thế mà vẫn không tỏ thái độ căm tức. Bình sinh ông gặp việc khó khăn đã nhiều, quen tính nhẫn nại, dằn lòng căm phẫn, ông chắp tay thi lễ, nói:

- Xin hỏi bốn vị đại sư pháp hiệu là gì? Phải chăng là những bậc cao tăng tai chùa Thiếu Lâm?

Một vị hoà thượng tầm vóc vừa phải, tính khí êm đềm hơn, nói:

- Bọn ta đều là đệ tử phái Thiếu Lâm. Hỡi ôi! Vợ chồng Kiều Tam Hoè một đời trung hậu, ngờ đâu được báo đáp một cách thảm hại thế này? Kiều Phong! Bọn Khất Ðan các người thật là tàn nhẫn!

Kiều Phong nghĩ thầm: "Mấy nhà sư này đã không thổ lộ pháp danh, hỏi nữa cũng vô ích. Mình cũng vừa nghe nhà sư cao kia bảo là họ đến cứu chậm một chút,tựa hồ như có được người đưa tin đến xin cứu viện. Vậy thì ai đến đưa tin? Ai biết trước gia nương ta gặp nạn nguy hiểm?" Ông liền nói:

- Bốn vị đại sư rộng lòng từ bi định đến cứu gia nương tại hạ. Có điều đáng tiếc là chậm một chút...

Nhà sư người cao, tính nóng như lửa vung quyền lên nhằm Kiều Phong đánh liều và quát lên:

- Bọn ta chậm một chút nên mi mới ra tay ngỗ nghịch được. Sao mi còn dám nhơn nhơn tự đắc, buông lời khiêu khích bọn ta.

Kiều Phong biết rõ bốn vị này khi được tin báo vì lòng hảo tâm mà đến cứu nạn cho gia nương mình, thực tâm ông không muốn động thủ ra chiêu. Nhưng chợt nghĩ rằng: "Muống biết rõ chân giả, nếu mình không thi thố thủ đoạn đối đáp với bọn họ thì vĩnh viễn không hiểu rõ trắng đen". Nghĩ vậy, ông liền nói:

- Tại hạ rất cảm kích lòng tốt của bốn vị, Chuyện hôm nay vì bất đắc dĩ mà phải đắc tội cùng quý vị!

Nói xong, ông chuyển mình như gió, đưa tay ra vỗ vào vai nhà sư thứ ba. Nhà sư này quát hỏi:

- Mi động thủ thật ư?

Câu hỏi vừa dứt, nhà sư đã bị vỗ trúng vai, người nhũn ra ngồi phịch xuống đất. Kiều Phong đã luyện võ Thiếu Lâm, tuy không quen biết bốn nhà sư nhưng đã thuộc lòng những căn bản võ công của bổn phái. Ông phóng luôn bốn chưởng đánh bốn nhà sư ngã liền rồi nói:

- Tại hạ thật là đắc tội! Xin hỏi vị đại sư, Người vừa bảo đến cứu chậm một chút thì tại sao biết được gia nương tôi bị nạn? Ai đã báo tin cho sư phụ biết?

Nhà sư đó cả giận, nói:

- À ra mi muốn tra hỏi cho biết người nào đã đưa tin để lại hạ độc thủ giết họ chứ gì? Ta là đệ tử phái Thiếu Lâm, há chịu cung khai cho loài chó má Khất Ðan các ngươi biết hay sao? Dù ngươi có dùng thủ đoạn thảm khốc đến mức nào cũng đừng hòng ta nói hở lấy một tiếng.

Kiều Phong than thầm trong bụng: "Sự hiểu lầm mỗi lúc một sâu cay, mình muốn trình bầy thế nào mặc lòng, các vị này đều cho là mình lấy khẩu cung họ".

Ông lại giơ tay ra nắn vào lưng mỗi vị mấy cái để giải huyệt đạo cho các nhà sư rồi nói:

- Nếu tại hạ muốn giết người bịt miệng lúc này đã hại tính mạng của bốn vị,nhưng thế không phải là chân tướng của tại hạ. Tại hạ mong rằng có ngày tra ra được rõ trắng đen!

Bỗng nghe sườn núi có tiếng người cười lạt, nói:

- Giết người bịt miệng vị tất dễ dàng như ngươi tưởng đâu.

Kiều Phong ngoảnh đầu lại xem thì thây có đến hơn mười vị sư chùa Thiếu Lâm,người cao, người lùn, mà vị nào cũng tay cầm thiền trượng hoặc giới đao. Chẳng ai là tay không khí giới. Hai nhà sư chừng năm chục tuổi trong tay cầm cây phương tiên sạn. Những răng đầu cây sạn có ánh sáng xanh lè. Bốn luồng nhỡn quan hai nhà sư sáng như điện loang loáng phóng ra, mới trông đã biết ngay là nội công thâm hậu. Kiều Phong tuy không sợ hãi những cũng biết võ công mười hai vị này cao hơn bốn vị trước nhiều. Nếu đã giao thủ mà không giết được mấy người thì khó lòng trốn thoát một cách yên lành. Nhưng ông ứng biến rất mau lẹ, ông chắp tay nói:

- Kiều Phong này thật vô lễ, xin có lời từ tạ các vị đại sư.

Rồi đột nhiên xoay người đi một cái, lấy lưng xô gẫy cánh cửa, lùi vào trong nhà. Biến cố này cực kỳ mau lẹ. Các nhà sư đều la lên những tiếng kinh dị. Năm sau vị giơ tay lên vận nội lực để ngăn trở. Một tiếng "binh" vang lên, cát bụi tung bay. Năm sáu nhà sư này bị một chưởng lực từ trong phóng ra, lùi lại bốn năm bước, khi đứng lại được thì đều cảm thấy tức ngực như huyết ứ lên.

Mấy vị sắc mặt lợt lạt, ngơ ngác nhìn nhau. Ai cũng biết rõ ràng những chưởng lực của Kiều Phong tuy đã mạnh nhưng vẫn còn dư lực. Chưởng thứ hai phóng ra vị tất đã chống nổi. Mọi người tưởng Kiều Phong là hạng cùng hung cực ác và cho là ông còn dành sức để đánh nữa, chứ biết đâu rằng ông muốn lưu tình, không có ý giết người.

Một lát sau, vị sư cầm phương tiên sạn ra chiêu "song long nhập động", thế mạnh vô cùng. Rồi ba nhà sư sử hai cây sạn đi ngang vai thẳng vào trong nhà. Hai cây sạn giao nhau bật lên những tiếng leng keng thành ra một thư lá chắn sáng loè để hộ thân.

Nhưng trong nhà vắng tanh nào thấy bóng Kiều Phong đâu. Lạ hơn nữa là thi thể vợ chồng Kiều Tam Hoè cũng mất tích. Hai nhà sư sử phương tiên sạn là những vị ở Giới Luật Viện trong chùa Thiếu Lâm, chuyên việc giám sát hành vi các đệ tử bổn phái thuộc ngành trì giới tăng và thủ luật tăng.

Nhiệm vụ thường xuyên của các vị này là bôn tẩu trong đám giang hồ để tra xét công, tội của các thuộc hạ. Bản lĩnh đã cao cường, kiến văn lại quảng bác hơn người, hai vị thấy Kiều Phong trong chớp mắt đã biến đâu mất, lấy làm khó nghĩ. Hơn nữa, ông lại đem theo cả thi thể vợ chồng Kiều Tam Hoè, càng làm cho hai vị ngạc nhiên.

Các nhà sư không thể tin rằng mới một phút mà Kiều Phong đã chạy xa được,chắc còn ẩn úp đâu đây. Các vị tìm hết phía trước, phía sau nhà cùng bụi cây, xó bếp không sót một chỗ nào. Hai nhà sư trong Giới luật viện đề khí chạy xuống núi truy tầm đến hai mươi dặm vẫn không thấy tông tích Kiều Phong đâu cả.

Số là Kiều Phong đã cắp thi thể gia nương chạy ngược lên núi Thiếu Thất. Ông len lỏi vào những nẻo không người đi lại, những chỗ rừng rậm um tùm mà trèo.

Ðến chỗ một đám cây rậm rạp, cành lá chi chít, ông táng thi thể cha mẹ xuống đó.

Ðoạn, cung kính đập đầu lạy tám lạy, lâm râm khấn vái:

- Gia nương ơi! Gia nương bị kẻ nào hạ độc thủ sát hại. Con nhất định tìm ra hung phạm về moi gan, móc ruột để tế trước phần mộ gia nương.

Kiều Phong tưởng đến chuyến này về nhà chỉ chậm một phút mà không thấy được mặt mẹ cha. Ông nghĩ thầm: "Nếu gia nương trông thấy mình đã trưởng thành với thân hình vạm vỡ, khôi ngô chắc là mừng lắm! Ví phỏng ba người được thấy nhau trong chốc lát thì cũng được hưởng mấy phút khoái lạc."

Nghĩ đến đây, không cầm lòng được, Kiều Phong khóc ngất lên thổn thức không ra tiếng. Nguyên từ thuở nhỏ, Kiều Phong vốn tính cương ngạnh, không mấy khi khóc lóc. Từ lúc thành nhân đến giờ, ông chưa từng nhỏ một giọt nước mắt nào.

Bữa nay vì trong lòng đau thương đến cùng cực, căm phẫn đến tột độ, nên nước mắt chảy xuống như mưa, không tài nào ngăn lại được. Ðôt nhiên như nghĩ ra điều gì quan trọng, Kiều Phong khẽ la lên:

- Thôi nguy rồi! Ân sư ta là Huyền Khổ đại sư không khéo cũng gặp nguy hiểm mất!

Ðang lúc ông khóc lạy trước phần mộ gia nương, chợt nhớ ra mấy điều: "Tên hung thủ hạ sát gia nương mình... không phải ngẫu nhiên trong chốc lát vào lúc trước khi mình vào nhà, mà việc này đúng có dự mưu từ trước. Y hạ thủ xong, lập tức đi thông báo vào chùa Thiếu Lâm đổ tội cho mình về núi Thiếu Thất giết gia nương để bịt miệng.

Phải rồi! Các nhà sư chùa Thiếu Lâm hoài bão tấm lòng nghĩa hiệp, nhất tâm đến giải cứu cho gia nương mình thì lại gặp mình ở nhà. Hiện nay chỉ còn một người biết rõ thân thế của mình là Huyền Khổ sư phụ. Mình phải gia tâm đề phòng tên hung thủ này tìm cách hạ sát sư phụ để bao nhiêu tội lỗi trút lên đầu mình.

Vừa nghĩ đến Huyền Khổ đại sư không chừng sẽ vì mình mắc nạn, Kiều Phong bất giác ruột nóng như lửa, đứng lên cất bước chạy như bay về phía chùa Thiếu Lâm. Ông biết rõ những tay cao thủ trong chùa rất đông, nhất là mấy vị sư già đều có tuyệt kỹ riêng không phải tầm thường. Nếu mình thò mặt ra tất nhiên bị chư tăng vây đánh thì khó lòng thoát thân được."

Tuy ông chạy rất mau nhưng phải tìm những nẻo đường hoang vắng, chông gai,cỏ rậm mà đi. Quần áo bị móc rách bươm, cảng chân máu chảy đầm đìa mà ông vẫn không hay.