Tưởng đà chúa ở phân đà Ðại Nghĩa không tham dự vào âm mưu phản bội, thấy bạn Toàn Quang Thanh toan làm loạn thì phẫn nộ vô cùng.
Khi nghe Kiều Phong phái Trương Toàn Tường cùng mình đi bắt người, bấy giờ đà chúa mới hơi yên dạ, ngoảnh lại bảo hơn hai mươi người trong bang mình:
-Bản bang không may xảy ra biến loạn, đây là lúc toàn thể bọn ngươi phải nỗ lực liều chết để báo đáp ơn đức Bang chúa. Ai nấy đều phải triệt để tuân theo mệnh lệnh người, không được vi bội!
Tưởng đà chúa vẫn áy náy e rằng bốn trưởng lão lại gây sự thì Bang chúa sẽ bị cô lập. Tuy phân đà Ðại Nghĩa ít người, so với bọn phản loạn vẫn là thiểu số, nhưng thanh thế đã khá hơn nhiều.
Kiều Phong khước từ, nói:
-Không cần! Tưởng huynh đệ phải đem hết anh em đi, cứu người mới là việc lớn, chớ để sơ suất.
Tưởng đà chúa không dám trái lệnh, đáp:
-Xin vâng. Ðiều cần nhất là Bang chúa thận trọng giữ mình cho. Tôi đi mau rồi trở về ngay.
Kiều Phong mỉm cười, nói:
-Anh em đây phần nhiều đã cùng nhau sống chết, chẳng quan tâm trạng biến cải trong một lúc bồng bột mà thôi, chả có gì nghiêm trọng đâu, ngươi cứ vững tâm đi đi.
Tưởng đà chúa suất lĩnh thuộc hạ bản đà khởi hành ngay.
Kiều Phong tuy miệng nói ung dung nhưng trong lòng thực vẫn băn khoăn.
Bọn Ðại Nghĩa đi rồi, trừ Ðoàn Dự, Vương Ngọc Yến, A Châu, A Bích bốn người ra, còn hơn hai trăm tên đều
tham dự vào cuộc âm mưu. Giả tỷ có người hô lên một tiếng là bọn này xông vào ngay, bấy giờ thực khó mà ứng phó được.
Kiều Phong liếc mắt nhìn quần hào thấy ai nấy đều lộ vẻ nơm nớp: người thì miễn cưỡng trấn tĩnh, kẻ thì hốt hoảng không thù địch, người thì lăm le toan trỗi dậy, lại có người muốn chuồn đi.
Cả hơn hai trăm người không nói câu gì, nhưng giá có người xướng suất lên thì rõ ràng cuộc phiến loạn sẽ xảy ra lập tức.
Kiều Phong nghĩ thầm:
- Bầu không khí trầm lặng nặng nề này đang chờ một cơn bão táp. Hay hơn hết là ta chuyển hướng tâm sự họ đi, để vị trưởng lão phụ trách truyền công trở về thì đại sự mới ổn được.
Nghĩ vậy, Bang chúa chợt để mắt tới Ðoàn Dự, liền nói:
-Các vị huynh đệ! Bữa nay ta rất vui lòng vì mới kết giao được một người bạn tốt, hai ta ý hiệp tâm đầu. Người anh em kết nghĩa của ta là Ðoàn Dự công tử đây.
Lại quay sang nói với Ðoàn Dự:
-Ðoàn hiền đệ! Ta dẫn hiền đệ đi giới thiệu với các nhân vật chủ chốt ở Cái Bang.
Nói rồi cầm tay Ðoàn Dự dẫn đến lão râu bạc sử cây thiết giản, nói:
-Ðây là Tống trưởng lão, tuổi cao, danh vọng rất lớn, ông là một vị nguyên lão mà hết thảy mọi người trong bang đều kính cẩn. Cây thiết giản răng ngược của trưởng lão đã vùng vẫy giang hồ từ thuở hiền đệ chưa ra đời.
Ðoàn Dự nói:
-Tôi vẫn ngưỡng vọng từ lâu, bữa nay mới gặp vị cao hiền, thật là may mắn vô cùng!
Nói xong, chắp tay thi lễ. Tống trưởng lão phải miễn cưỡng đáp lại.
Kiều Phong lại dẫn Ðoàn Dự đến trước mặt lão lùn mập sử dụng cương trượng, nói:
-Ðây là Hồ trưởng lão, một tay cao thủ có tiếng về ngoại công của bản bang.
Mười năm trước đây, ca ca vẫn thường đến nhờ trưởng lão dạy võ công cho. Có thể nói Hồ trưởng lão vừa là thầy, vừa là bạn của ca ca, tình nghĩa rất là thâm trọng.
Ðoàn Dự nói:
-Tôi vừa được xem Hồ trưởng lão đấu với hai vị lúc nãy. Người thật là một bậc võ công phi thường, tôi rất khâm phục.
Hồ trưởng lão bản tính bộc trực, nghe Kiều Phong miệng luôn luôn nhắc nhở đến tình nghĩa sâu xưa, nhất là câu "năm trước đã được mình chỉ điểm võ công cho" thì vừa hết giận, vừa thẹn thùng, biết rằng Kiều Phong không truy cứu mình khắt khe về việc phản loạn, mà tự mình hồ đồ đi nghe Toàn Quang Thanh, bất giác trong lòng hối hận và tự trách mình.
Kiều Phong lại dẫn Ðoàn Dự yết kiến Trần trưởng lão, người đã sử dụng khí giới bằng bao gai. Sau cùng, toan đưa lại yết kiến Ngô trưởng lão, người mặt đỏ sử thanh quỷ đầu đao thì bất thình lình nghe có tiếng chân một đám đông người từ mé Ðông BBắc đi tới, đang nói xôn xao.
Có người hỏi luôn mấy câu:
-Bang chúa có việc gì không? Bọn phản loạn hiện giờ ra sao?
Có tiếng đáp lại:
-Bang chúa đã làm chủ tình thế, nhưng nghĩ đến quân phản loạn thật là đáng giận.
Kẻ hỏi người đáp thật là huyên náo.
Kiều Phong vừa nghe thấy cả mừng nhưng vẫn không chịu khiếm khuyết lễ nghi để Ngô trưởng lão khỏi ấm ức. Ông dẫn Ðoàn Dự đến yết kiến Ngô trưởng lão và nói cho chàng biết thân thế và danh vọng của lão rồi mới trở gót quay đi thì vừa lúc hai vị trưởng lão phụ trách truyền công, chấp pháp cùng đà chúa phân đà Ðại Nhân nhất tề đến cả.
Mọi người đều có nhiều điều muốn nói, song trước mặt Bang chúa ai cũng không dám tự ý lên tiếng. Nguyên Cái Bang là một bang lớn nhất trong võ lâm, đã nhiều nhân tài lại kỷ luật nghiêm minh.
Kiều Phong lên tiếng:
-Xin mời các vị chia thứ bậc ngồi xuống, tôi có lời muốn trình bày.
Mọi người vâng lệnh, kẻ bên Ðông, người bên Tây, kẻ đằng trước, người đằng sau, tuỳ theo chức phận, ngồi xuống. Ðoàn Dự trông bọn dân chúng Cái Bang tựa như lũ khất cái ngồi hỗn độn. Nhưng thật ra kẻ ngồi trước hay ngồi sau đều phải đúng với địa vị mình chứ không hỗn loạn chút nào.
Kiều Phong thấy mọi người để theo đúng quy củ đã hơi yên lòng. Ông mỉm cười, nói:
-Bọn Cái Bang ta được bạn hữu giang hồ nể mặt. Dư trăm năm nay đã đứng vào hạng bang lớn đệ nhất. Ðã là bang lớn nhất tất phải người nhiều thế lớn. Ðã nhiều người, ý kiến tất có chỗ khác nhau, đó là một điều không thể tránh được. Thực ra thì mối tương thân tương ái cả bang không khác gì tình anh em. Vậy chúng ta không nên vì một lúc có ý kiến chia rẽ mà coi là một việc trọng đại.
Ông nói câu này vẻ mặt cực kỳ hoà ái hiền từ, tỏ ra rất muốn tránh cuộc tàn sát giữa các người trong bang. Ông đã tính toán kỹ càng, quyết ý xử sự một cách bình tĩnh, khiến cho nỗi đại hoạ tiêu tan đi một cách êm thấm.
Quả nhiên dân chúng trong bang nghe lời Kiều Phong mà bầu không khí đang căng thẳng tự nhiên xẹp dần.
Một ông già mặt vàng ngồi mé hữu Kiều Phong đứng lên nói:
-Xin hỏi bốn vị trưởng lão Tống, Hồ, Trần, Ngô. Các ông sai người đưa chúng tôi giam trong chiếc thuyền con ở giữa Thái Hồ là có ý gì?
Vị này chính là người chấp pháp họ Bạch tên Thế Kính, một tay thiết diện vô tư.
Hết thảy mọi người lớn nhỏ trong bang, cả người không phạm tội gì, thấy mặt ông cũng nơm nớp. Sở dĩ luật lệ ở Cái Bang được thi hành nghiêm chỉnh, bản bang giữ được địa vị tôn trọng trong võ lâm là nhờ công lao rất lớn của Bạch Thế Kính.
Trong tứ lão thì Tống trưởng lão nhiều tuổi hơn, nên là đầu não của bốn vị. Lão nghe Bạch Thế Kính hỏi, thẹn đỏ mặt lên, đằng hắng rồi đáp:
-Chúng... chúng ta là anh em, hoạn nạn có nhau đã lâu năm, dĩ nhiên là không ai có ác ý gì cả. Bạch... Bạch chấp pháp! Nên nể mặt lão huynh mà bỏ qua đi.
Mọi người nghe đều biết Tống trưởng lão ăn nói hồ đồ. Trong bang xảy ra việc biến loạn mạo thượng động trời, thế mà lão chỉ nói "xin nể mặt lão huynh mà bỏ qua đi", vỏn vẹn có thế thôi.
Bạch Thế Kính nói:
-Tống trưởng lão bảo là không có ác ý, song sự thật đâu phải thế. Tôi và cả bọn Phương đà chúa đều bị cầm tù trên một con thuyền nhỏ cắm ở giữa hồ. Trong thuyền xếp đầy củi nỏ, cỏ khô cùng đồ dẫn hoả, họ bảo: "hễ chúng tôi cử động để trốn ra thì lập tức phóng hoả đốt thuyền". Thế mà Tống trưởng lão bảo là không có ác ý ư?
Tống trưởng lão đáp:
-Cái đó... cái đó thật là quá tệ. Người cùng một nhà sao lại dã man đến thế, thì còn mặt mũi nào trông thấy nhau?
Câu sau này có ám chỉ Trần trưởng lão.
Bạch Thế Kính lại trỏ một hán tử, hỏi:
-Mi đánh lừa ta lên chiếc thuyền nhỏ đó, bảo là Bang chúa có lệnh triệu. Mi giả hiệu lệnh Bang chúa nên chịu tội gì?
Gã hán tử sợ quá run bắn lên, ấp úng đáp:
-Ðệ tử... thân phận hèn mọn, đâu dám làm việ khi Chúa! Ðó là... đó là...
Y vừa nói vừa đưa mắt nhìn Toàn Quang Thanh, tỏ ra là Toàn đà chúa sai y lừa lão lên thuyền, nhưng y là thuộc hạ nên không dám nói toạc ra.
Bạch Thế Kính lại hỏi:
-Có phải mi vâng lệnh Toàn đà chúa không?
Gã hán tử cúi đầu im lặng, không nói rằng phải cũng chẳng bảo là không.
Bạch Thế Kính lại hỏi:
-Toàn đà chúa sai mi đem hiệu lệnh của Bang chúa để đánh lừa ta lên thuyền, mi có biết hiệu lệnh đó là giả không?
Hán tử mặt cắt không còn hột máu, đứng đờ người ra. Bạch Thế Kính cười lạt, hỏi:
-Lý Tam Xuân! Mi vẫn là một gã cứng đầu, dám ăn dám làm phải không? Kẻ đại trượng phu đã có gan dám làm sao lại không có gan dám nhận?
Lý Tam Xuân vỗ ngực một cái, gác bỏ vấn đề sống chết ra ngoài, lớn tiếng hỏi:
-Bạch trưởng lão nói phải lắm. Lý Tam Xuân này đã làm nên tội, trưởng lão muốn chém giết, mổ xẻ thế nào cũng đành chịu. Nếu Lý mỗ nhăn mặt kêu ca thì không phải là hảo hán. Lúc Lý mỗ tống đạt mệnh lệnh Bang chúa, đã biết rõ đó là lệnh giả.
Bạch Thế Kính hỏi:
-Thế thì tại Bang chúa đối với mi có điều bất công hay tại ta đối với mi có điều gì lầm lỗi?
Lý Tam Xuân đáp:
-Không phải thế. Bang chúa đối với thuộc hạ nghĩa trọng như non, Bạch trưởng lão công minh chính trực, ai còn dám dị nghị.
Bạch Thế Kính lớn tiếng hỏi:
-Thế thì vì cớ gì mà mi làm vậy?
Lý Tam Xuân nhìn Toàn Quang Thanh đang quỳ dưới đất rồi lại nhìn Kiều Phong, lớn tiếng đáp:
-Thuộc hạ vi phạm luật lệ trong bang chết đã đành rồi, còn người trung gian thì thuộc hạ không dám nói.
Nói xong hắn trở tay một cái, ánh sáng loé lên, hắn cầm lưỡi tiêm đao tự đâm vào trước ngực. Cử động đã mau lẹ lại trúng giữa trái tim. Lưỡi đao cắm ngập tận chuôi. Lý Tam Xuân chết ngay lập tức.
Mọi người rú lên một tiếng nhưng đâu vẫn ngồi đấy, không ai nhúc nhích.
Bạch Thế Kính vẫn mặt lạnh như tiền, nói:
-Mi đã biết rõ là hiệu lệnh giả mà không lên báo Bang chúa, lại đi lừa ta, chết là phải lắm!
Ðoạn, quay lại nói với Trưởng lão truyền công:
-Hạng huynh! Ai đã đánh lừa Hạng huynh lên thuyền để cầm tù?
Ðột nhiên giữa trong đám đông có một người bỏ chạy trốn, người này trên lưng đeo năm chiếc bao bố, dân Cái Bang gọi là Ngũ đại đệ tử. Gã chạy trốn lộ vẻ rất hoảng hốt, đủ tỏ chính gã đã đem hiệu lệnh giả để đánh lừa Hạng trưởng lão lên thuyền.
Hai vị trưởng lão truyền công, chấp pháp thở dài, không ai nói câu gì. Bỗng thấy một bóng người loáng qua, thân pháp rất mau lẹ ra chắn đường Ngũ đại đệ tử.
Người này mặt đỏ, tay cầm quỷ đầu đao. Ðó chính là Ngô trưởng lão.
Ngô quát lớn:
-Lưu Trúc Trang! Sao mi lại chạy trốn?
Ngũ đại đệ tử thấy Ngô trưởng lão ra chắn mình lại, sợ quá, hai chân bủn rủn, nói:
-Tôi... tôi...
Gã ấp úng nhắc lại tiếng "tôi" đến năm bẩy lượt rồi không nói thêm được tiếng gì nữa.
Ngô trưởng lão nói:
-Bọn ta là đệ tử Cái bang, phải chăm lo phép tắc của tổ tiên để lại. Kẻ đại trượng phu đã làm việc gì, dù phải dù quấy cũng phải tự nhận mới là người đởm lược.
Dứt lời, quay lại nói với Kiều Phong:
-Thưa Bang chúa! Chúng tôi có âm mưu muốn phế bỏ Bang chúa. Cả bốn chúng tôi Tống, Hồ, Trần, Ngô đều có tham dự vào cuộc âm mưu này, nhưng sợ hai vị trưởng lão truyền công và chấp pháp không chịu theo hùa, nên nghĩ cách cầm tù hai vị này. Cuộc mưu đồ của chúng tôi là lo cho tiền đồ của bản bang nên phải hành động mạo hiểm. Nhưng công việc chưa thành đã bị Bang chúa chiếm được ưu thế đành để tuỳ ý Bang chúa xử trí. Ngô Trưởng Phong này đã ở Cái Bang hơn ba mươi năm nay, ai cũng biết không phải là kẻ tiểu nhân tham sống sợ chết.
Nói xong, cầm quỷ đầu đao quăng đi, hai tay khoanh để trước ngực, nét mặt vẫn không hề tỏ vẻ sợ sệt. Lão thẳng thắn đem việc âm mưu phế trừ bang chúa ra trần thuật, cả nhân dân trong bang đều chấn động. Kể ra thì việc đó ai cũng biết rồi nhưng không ai dám thốt ra, giờ thấy Ngô Trưởng Phong gan dạ dám nói toạc ra khiến cho mọi người đều bội phục.
Trưởng lão chấp pháp là Bạch Thế Kính nói:
-Tống, Hồ, Trần, Ngô âm mưu phản bội Bang chúa, đã phạm điều luật thứ nhất của bản bang. Vậy bọn đệ tử chấp pháp phải trói bốn vị lại.
Bọn thủ hạ chấp pháp vâng lời, lấy gân bò trói Ngô Trưởng Phong trước tiên.
Ngô Trưởng Phong đứng im mỉm cười, tuyệt không phản kháng. Kế đến hai vị Tống, Hồ cũng vứt binh khí đi, giơ hai tay chịu trói, Trần trưởng lão vẻ mặt khó chịu, càu nhàu luôn miệng:
-Hèn nhát! Thật là hèn nhát! Giả tỷ hợp sức lại đánh một trận vị tất đã thua.
Nhưng hết thảy đều sợ Kiều Phong.
Lão Trần nói vậy kể ra cũng đúng. Lúc Toàn Quang Thanh bị chế phục, bao nhiêu người tham dự vào cuộc âm mưu tạo phản cùng nhau hợp sức chống đối ngay thì Kiều Phong khó lòng đứng nổi.
Các vị truyền công chấp pháp cùng bốn đà chúa các phân đà Ðại Nhân, Ðại Nghĩa, Ðại Tín, Ðại Dũng có về đến nơi, nhưng phe phản loạn vẫn đông người hơn.
Thế mà Kiều Phong đứng trước mọi người, oai hùng lẫm liệt, không ai dám động thủ để cho cơ hội qua mất, đến nỗi đều phải bó tay. Sau khi Tống, Hồ, Ngô ba vị trưởng lão đã bị trói, thì dù Trần trưởng lão có quyết tâm chiến đấu cũng bị lâm vào thế cô, nên lão thở dài quăng bao gai đi để cho hai tên đệ tử chấp pháp dùng gân bò trói gô lại. Trưởng lão chấp pháp nói:
-Lưu Trúc Trang! Mi thử nghĩ xem hành động của mi có xứng còn xứng đáng là một đệ tử Cái Bang nữa không? Mi có tự xử được không, hay phải người ngoài động thủ?
Lưu Trúc Trang lắp bắp:
-Tôi... tôi... tôi...
Gã vẫn không nói được ra lời. Rồi thấy gã rút đơn đao bên mình ra. Nhưng khi gã đơn đao lên toan tự vẫn thì tay lại run bần bật, không sao đâm vào cổ được. Một tên đệ tử chấp pháp kêu lên:
-Ðồ vô dụng này! Thế mà mi cũng làm đệ tử Cái Bang bấy lâu.
Nói xong, nắm lấy tay gã, giơ đao lên đâm cổ giùm. Lưu Trúc Trang còn nói được một câu:
-Tôi... cám ơn anh!
Rồi tắt thở. Nguyên theo lề luật Cái bang, người nào phạm tội tử hình đã biết tự xử lấy thì trong bang vẫn coi là tình anh em, chỉ một cái chết là đủ rửa sạch tội lỗi.
Nếu để đệ tử chấp pháp ra tay thì tội nghiệp vĩnh viễn, không được thanh thoát.
Vừa rồi gã Lưu Trúc Trang quả có ý định tự vẫn, nhưng vì tự mình không đủ sức nên gã đệ tử chấp pháp kia ra tay giúp cho.
Ðoàn Dự cùng Vương Ngọc Yến, A Châu, A Bích bốn người đã vô tình gặp phải cuộc đại biến nội bộ Cái Bang, đều biết mình là người ngoài cuộc, dòm ngó vào việc tư của người ta rất là không nên. Nhưng giả tỷ lúc ấy mà bỏ đi thì e gây ra một mối nghi kỵ cùng người Cái Bang nên họ đành ngồi đằng xa để tỏ ra không quan tâm vào việc người.
Khi thấy Lý Tam Xuân cùng Lưu Trúc Trang liên tiếp máu đổ thây phơi, đồng thời bốn vị trưởng lão Tống, Hồ, Trần, Ngô vừa mới oai phong lẫm liệt mà giờ nhất nhất đều chịu trói, cả bốn người đều nhìn nhau nơm nớp kinh hãi trước những cuộc diễn biến kinh hồn bở vía liên tiếp phát sinh.
Ðoàn Dự đã thành anh em kết nghĩa với Kiều Phong rồi Phong Ba Ác trúng độc, Kiều Phong lại đòi lấy thuốc giải cho, nên Ngọc Yến và A Châu, A Bích đem lòng cảm kích.
Giờ thấy Bang chúa bình định được nội loạn thì ai cũng mừng thay cho ông.
Chính Kiều Phong lúc này cũng run lên, ông thấy bọn phản loạn đều bị trói hết mà chẳng vui sướng gì. Ông hồi tưởng lại từ lúc chịu ơn sâu của Uông Bang chúa đời trước truyền lại cho mình.
Trong tám năm chấp trưởng quyền hành, trải qua không biết bao nhiêu trận phong ba trong hoà giải những cuộc phân tranh, ngoài chống chọi với cường địch thuỷ chung lúc nào cũng hết lòng hết sức, không một chút tư tâm, lo chỉnh đốn Cái Bang trở nên thịnh vượng, tiếng tăm lừng lẫy trong chốn giang hồ.
Ông thật là người có công không tội, vậy mà sao trong bang có bao nhiêu người âm mưu nổi loạn. Nếu bảo là Toàn Quang Thanh có dã tâm khuynh phúc phản bang thì sao cả tứ lão cũng vào hùa? Nhất là bốn vị Tống, Hồ, Trần, Ngô đều là những người ngay thẳng cũng tham dự cuộc âm mưu là nghĩa làm sao?
Trưởng lão chấp pháp là Bạch Thế Kính nói:
-Các vị huynh đệ! Kiều Bang chúa của chúng ta kế chân thay Uông Bang chúa làm thủ lĩnh bản bang chứ có phải dùng thủ đoạn không chính đáng để đoạt lấy ngôi này đâu. Hồi đó Uông Bang chúa có đưa ra ba vấn đề nan giải, Kiều Bang chúa đã lập được công lớn cho bản bang nên được Uông Bang chúa truyền thụ phép "Ðả cẩu bổng" cho. Thế rồi đến năm đại hội ở Thái Sơn, Kiều Bang chúa đã đem bản lãnh ra giết được tám người bên địch, khiến ai ai cũng kính phục. Trong tám năm Kiều Bang chúa chấp chính, bản bang ngày thêm hưng thịnh, ai cũng đều biết là công của người. Sau nữa, Bang chúa là người nhân nghĩa, xử sự công bằng.
Thiết tưởng bọn ta hết lòng yêu kính Người cũng chưa đủ đền ơn, vậy mà sao lại có kẻ đem lòng phản loạn? Toàn Quang Thanh! Bây giờ ngươi hãy nói cho toàn thể bang chúng ta nghe đi!
Toàn Quang Thanh bị Kiều Phong điểm á huyệt, nên tuy lão nghe rõ lời Bạch Thế Kính mà không sao mở miệng đáp lại được.
Kiều Phong chạy đến bên, vỗ nhẹ vào lưng gã hai cái để giải huyệt đạo cho gã rồi bảo:
-Toàn đà chúa! Kiều Phong này có điều chi không phải với anh em, đà chúa cứ thẳng thắn nói ra, không việc gì phải sợ hãi e dè.
Toàn Quang Thanh đứng ngay dậy, lớn tiếng đáp:
-Hiện nay thì Bang chúa chưa làm điều gì càn rỡ đối với anh em nhưng chẳng bao lâu nữa sẽ làm.
Trưởng lão chấp pháp lớn tiếng mắng:
-Ngươi không được nói càn! Kiều Bang chúa xử sự rất là quang minh lỗi lạc. Từ trước tới giờ chưa có một điều gì lầm lẫn thì sau này chắc cũng không có sự gì đáng trách.
Kiều Phong vẫn ôn hoà nói:
-Bạch trưởng lão không nên nóng tính, cứ để Toàn đà chúa nói đầu đuôi, từng chi tiết cho rõ ràng. Luôn cả mấy vị trưởng lão Tống, Hồ cũng phản đối ta thì nhất định Kiều Phong này phải có chỗ lầm lỗi.
Hồ trưởng lão kêu lên:
-Ta phản Bang chúa là lỗi tại ta. Bang chúa bất tất phải nêu lên nữa. Sau khi định án, ta sẽ tự cắt đi cái đầu lùn tịt này đưa cho các người là xong.
Lời lão nói tuy có vẻ hoạt kê nhưng mọi người đều cảm thấy nỗi thương tâm nên không ai bật cười.
Bạch Thế Kính giục Toàn Quang Thanh:
-Lời Bang chúa dạy rất phải. Ngươi nói đi!
Toàn Quang Thanh thấy bốn trưởng lão âm mưu với mình đều chịu trói hết, nhất định là cơ sự hỏng rồi, nhưng cũng cãi cối một lần tối hậu:
-Mã Phó Bang chúa bị người sát hại, ta tin là do bàn tay Kiều Phong mà ra.
Nói vừa dứt câu, Kiều Phong run lên, cả kinh hỏi:
-Sao vậy?
Bị xúc động quá mạnh, Kiều Phong run rẩy, giọng nói rất khó nghe.
Toàn Quang Thanh nói:
-Trong lòng ngươi chán ghét Mã Phó Bang chúa, chỉ muốn nhổ cho mau chiếc đinh trước mắt đó để cái ngôi Bang chúa của ngươi được vững vàng.
Kiều Phong từ từ lắc đầu, nói:
-Không phải đâu! Ta cùng Mã Phó Bang chúa tuy không thân tình cho lắm nhưng rất hợp tính nhau. Nếu ta có lòng ám hại Phó Bang chúa thì trời đất sẽ chẳng dung ta.
Ông nói mấy câu này rất là thành khẩn, tất cả mọi người anh hùng khí khái không còn ai nghi ngờ gì nữa.
Toàn Quang Thanh lại nói:
-Thế thì sao bọn ta đến Cô Tô tìm Mộ Dung công tử để báo thù, ngươi lại đi cấu kết với địch?
Ðoạn, gã trỏ bọn Vương Ngọc Yến, nói:
-Ba thị này là quyến thuộc Mộ Dung Phục, ngươi đã hết lòng che chở. Tên này là bạn với Mộ Dung Phục, ngươi cũng cùng y kết nghĩa chi lan.
Ðoàn Dự xua tay, nói:
-Không phải đâu là không phải đâu! Tại hạ không có bạn bè gì với Mộ Dung Phục. Mặt mũi hắn thế nào tại hạ cũng không biết nữa.
Chàng quen nghe câu Bao Bất Ðồng vẫn lè nhè "không phải đâu là không phải đâu" rồi cũng buột miệng nói thế. Toàn Quang Thanh vịn vào đó, nhái lại:
-"Không phải đâu là không phải đâu". Bao Bất Ðồng là thuộc hạ Mộ Dung Phục và là Trang chúa Bạch Vân trang. Nhất trận Phong Ba Ác cũng là thủ hạ Mộ Dung Phục và là Trang chúa Xích Hà trang. Cả hai gã đó nếu không được Kiều Phong giải vây thì một gã trúng độc tán mạng, một gã bị loạn đao phân thây. Việc này ai cũng đều chính mắt trông thấy, ngươi còn cãi được nữa chăng?
Kiều Phong thủng thỉnh đáp:
-Cái Bang ta mở bang dư trăm năm nay. Ngoài giang hồ được người tôn kính, không phải vì cậy nhiều thế lớn, võ công cao cường mà do ở chỗ hành động nghĩa hiệp, giữ gìn công đạo. Toàn đà chúa! Ngươi trách ta bảo vệ cho ba vị cô nương nhỏ tuổi này. Ðúng vậy! Ta xác nhận có bảo vệ cho bọn họ, nhưng đó chính là bảo vệ cho thanh danh của bản bang để lại từ hơn trăm năm nay. Ta không chịu để anh hùng trong thiên hạ bảo các vị trưởng lão Cái Bang hợp lực nhau lại để ức hiếp ba cô gái yếu ớt. Thử hỏi bốn vị trưởng lão Tống, Hồ, Trần, Ngô ai không phải là một
bậc tiền bối nổi tiếng trong võ lâm? Thanh danh của Cái Bang cùng bốn vị trưởng lão tuy ngươi không thương tiếc, người ngoài đều thương tiếc.
Mọi người nghe mấy câu đó đều cho là cực kỳ hữu lý. Giả tỷ mà cả bọn làm khó dễ cho ba cô, để tiếng lọt ra ngoài thì còn chi thanh danh của Cái Bang.
Bạch Thế Kính hỏi:
-Toàn Quang Thanh! Ngươi còn muốn nói gì nữa không?
Rồi quay sang nói với Kiều Phong:
-Thưa Bang chúa! Ðối với hạng không biết gì đại thể, Bang chúa bất tất phải phí lời. Tôi xin chiếu luật phản nghịch, phạm thượng của bản bang bắt gã phải thụ hình.
Kiều Phong nói:
-Toàn đà chúa đã nói ra âm mưu làm loạn của bao người, tức là nguyên nhân rất trọng đại. Bậc đại trượng phu phải cho quang minh lỗi lạc, phải ý thức được thế nào là phải, thế nào là trái. Bất luận Kiều mỗ có việc gì lầm lỗi, xin nói rõ ra.
Ngô Trưởng Phong thở dài, nói:
-Bất luận ngươi là kẻ đại gian hùng bề ngoài thơn thớt hay ngươi là gã hán tử lòng dạ thẳng ngay thì Ngô Trưởng Phong đây không đủ tài để xét đoán. Thôi, ngươi cứ hạ sát ta đi!
Kiều Phong trong lòng rất là nghi hoặc, hỏi lại:
-Ngô trưởng lão! Sao trưởng lão bảo ta là người lừa bịp? Vậy trưởng lão... trưởng lão nghi ta ở chỗ nào?
Ngô Trưởng Phong lắc đầu, đáp:
-Việc này nói ra liên quan đến nhiều người. Vậy ngươi chém phứt bọn ta đi cho rồi!
Kiều Phong tựa hồ như người rơi vào bể sương mù, không sao tìm ra đầu mối, lắp bắp hỏi:
-Ta... ta có điều chi?
Ông lại ngửng đầu lên, hỏi:
-Phải chăng các vị thấy ta cứu hai viên đại tướng của Mộ Dung Phục mà đem lòng nghi ngờ ta có ý cấu kết với họ? Việc đó phải hay quấy, lúc này chưa thể phán đoán được. Nhưng ta có cảm tưởng rằng Mã Phó Bang chúa không phải bị Mộ Dung Phục sát hại.
Toàn Quang Thanh hỏi:
-Có gì chứng cớ không?
Câu này Toàn Quang Thanh trước đã hỏi rồi, nhưng trung gian lại phát sinh biến cố nên vấn đề này còn bị bỏ lửng. Bây giờ được dịp, gã lại nêu ra. Kiều Phong nói:
-Ta nghĩ rằng Mộ Dung Phục là đại anh hùng, đại hảo hán, có lý đâu lại hạ thủ giết Mã nhị ca.
Vương Ngọc Yến nghe Kiều Phong ca tụng Mộ Dung Phục là "đại anh hùng, đại hảo hán" thì khoan khoái vô cùng. Nàng nghĩ thầm: "Kiều Phong Bang chúa quả là người tốt". Trái lại, Ðoàn Dự nghe Kiều Phong nói, bất giác chau mày, nghĩ bụng:
"Ðã chắc đâu Mộ Dung Phục là bậc anh hùng".
Bỗng Toàn Quang Thanh lại lên tiếng:
-Trong vòng hai tháng nay, các bậc cao thủ trong đám giang hồ bị hại quá nhiều, ai cũng chết về môn tuyệt kỹ của chính mình. Nếu không phải là hành động của Cô Tô Mộ Dung thì còn ai vào đây?
Kiều Phong thủng thẳng đi đi lại lại, nói:
-Chiều hôm qua, ta đang ngồi uống rượu trên Vọng giang lầu ở đất Giang Âm, thượng lưu sông Trường Giang, có gặp một vị nho sinh đứng tuổi, uống một lúc luôn mười bát rượu lớn mà không thay đổi sắc mặt. Tửu lượng gớm thế, thật là một hảo hán.
Ðoàn Dự nghe nói, cười thầm, nghĩ bụng: "Chiều hôm qua đại ca cùng người uống rượu thì thấy người uống nhiều mà trong lòng hoan hỉ bảo người ta là hảo hán, chỉ sợ lầm thôi".
Kiều Phong lại nói:
-Ta cùng người đó uống ba bát, có đề cập đến nhân vật võ lâm ở Giang Nam. Gã tự khoe mình là tay chưởng lực cao nhất ở miền này. Ta cùng gã đấu ba chưởng: hai chưởng đầu gã đón đỡ ngay được, nhưng đến chưởng thứ ba thì tay gã cầm bát rượu bị rung động rơi xuống vỡ tan, mảnh bát đập vào mặt, máu chảy đầm đìa mà thần sắc vẫn như không.
Gã luôn miệng nói: "Tiếc quá! Thực là đáng tiếc một bát rượu ngon". Thấy gã hào sảng như vậy, ta sinh lòng yêu mến, không đánh chưởng thứ tư nữa và bảo gã: "Chưởng lực các hạ thật là hùng hậu, xứng đáng với bốn chữ
Giang Nam Ðệ Nhất".
Gã lại nói: "Thứ nhất, ở Giang Nam nhưng ra ngoài bị giáng xuống thứ mười".
Ta bảo: "Huynh đài bất tất phải quá khiêm, chỉ đứng vào hàng thứ năm, thứ sáu trong thiên hạ là cùng".
Gã nói: "Té ra các hạ là Cái Bang Kiều Bang chúa giá lâm. Phép "Hàng long Thập bát chưởng" quả nhiên danh bất hư truyền, tôi xin mừng các hạ một bát rượu nữa". Thế rồi hai chúng ta mỗi người uống luôn ba bát nữa. Ðến khi chia tay, ta hỏi họ tên thì gã họ Công Dã, tên Càn.
Gã là thuộc hạ của Mộ Dung công tử và là Trang chúa Huyền Sương trang. Gã còn mời ta về trang để uống rượu luôn ba ngày. Theo ý anh em đây, nhân vật này thuộc hạng người thế nào? Có xứng đáng là bạn tốt không?
Ngô Trưởng Phong vốn tính sảng khoái, giơ ngón tay cái lên, nói:
-Công Dã Càn thật là bậc hảo hán đồng thời là người bạn tốt! Khi nào Bang chúa đến chơi gã cho tôi đi cùng.
Ngô quên mình là kẻ phản nghịch phạm thượng, đang bị tù tội, lát nữa sẽ đưa ra xử tử, thế mà vừa nghe đến anh hùng hảo hán, bất giác sinh lòng yêu mến muốn kết bạn ngay.
Kiều Phong mỉm cười, than thầm trong bụng: "Ngô trưởng lão thật là người hào sảng, không ngờ lại liên can vào trường phản nghịch. Bạch trưởng lão là người mặt sắt vô tư, chắc lão không chịu dung tha". Kiều Phong nghĩ đến một trang hảo hán không được chết vào tay kẻ địch trong lúc đấu tranh mà lại chết dưới luật pháp của bản bang, bất giác cảm thấy đau lòng.
Tống trưởng lão hỏi:
-Thưa Bang chúa, thế rồi sao nữa?
Kiều Phong nói:
-Ta từ biệt Công Dã Càn, thẳng đường tới Vô Tích. Ði đến canh hai, chợt gặp hai người đứng ở hai đầu cầu đang đấu khẩu. Lúc đó trời tối đen như mực mà đã hơi khuya. Sao còn có người cãi lẫy nhau hoài? Thấy việc kỳ quái, ta lại gần xem thì ra đó là một cái cầu nhỏ, bắc bằng một cây gỗ, đầu cầu cây bên này là một gã hán tử áo đen, đầu bên kia là một bác nhà quê gánh phân. Nguyên hai gã này tranh nhau sang trước. Gã hán tử áo đen bảo bác nhà quê lui trở lại vì gã tới đầu cầu trước, phải được quyền ưu tiên. Bác nhà quê thì lấy lẽ mình gánh nặng, không trở gót được, bảo gã hán tử lùi lại để nhường mình sang trước.
Gã hán tử áo đen nói:
-Ðã thi gan hai trống canh rồi, đứng đến sáng thì đứng, chứ không chịu nhượng bộ.
Bác nhà quê đáp:
-Ngươi thi gan mãi không chịu hôi thối ư?
Gã hán tử áo đen nói:
-Ngươi bị đòn gánh đè vai, chỉ sợ nhọc không chịu nổi, còn ta đứng đến bao giờ cũng được.
Ta thấy hai người thi gan một cách rất tức cười, nghĩ bụng:
-Anh chàng áo đen này tính tình thật cổ quái, lùi lại nhường bước cho người thì đã sao, đứng đối diện với người gánh phân thì có gì là thú?
Ta nghe biết chuyện hai người thi gan đã lâu rồi nên động tính hiếu kỳ, muốn xem kết quả ra sao.
Gã áo đen hay bác nhà quê không chị nổi mệt mỏi phải đầu hàng. Nhưng đứng gần đó không chịu nổi mùi hôi thối nên ta phải đứng xa ra, vẫn nghe hai người tiếp tục nói tiếng Giang Nam cãi lẫy nhau. Vì không quen tiếng địa phương nên họ nói gì ta cũng không hiểu, đại khái là họ bênh vực lẽ phải về mình.
Bác nhà quê cũng gan dạ không vừa, gánh phân nặng lâu lâu thấy mỏi lại đổi vai chứ nhất định không chịu thối bộ.
Ðoàn Dự hết trông Vương Ngọc Yến, lại trông A Châu, A Bích, thấy ba nàng vừa nghe chuyện vừa cười như nắc nẻ. Chàng thấy làm thú vị, nghĩ thầm: "Ðại ca mình kể ra cũng có điểm đặc biệt hơn người. Giữa lúc trong bang xảy ra cuộc đại biến còn được giải quyết, tình thế rất là khẩn cấp, vậy mà đại ca mình vẫn bình tĩnh kể câu chuyện tầm thường. Như bọn Vương cô nương lấy câu chuyện này làm thú vị đã đành, còn Kiều đại ca anh hùng tột bực mà sao còn tính trẻ. Không những thế, cả hàng trăm hảo hán ở Cái Bang người nào cũng chăm chú nghe, không một ai cho câu chuyện Kiều Phong là vô thú vị".
Kiều Phong lại kể tiếp:
-Ta xem một lúc nữa lại càng lấy làm kinh dị, vì ta phát giác ra rằng gã hán tử áo đen đứng phía bên này không nhúc nhích là một tráng sĩ bản lãnh tuyệt luân, còn bác nhà quê gánh phân chỉ là người thường, không có chút võ công nào. Ta nghĩ thầm:
-Lấy võ công mà nói thì gã hán tử kia chỉ giơ ngón tay ra một cái cũng đủ hất cả người lẫn gánh bác nhà quê xuống sông. Nhưng hảo hán tuyệt nhiên không dụng võ mà không cần dùng đến võ lực cũng được. Với bản lĩnh ấy, gã
không muốn nhượng bộ thì chỉ nhảy vọt một cái là qua đầu bác nhà quê một cách dễ dàng. Thế mà gã cứ đứng nhõng nhẽo với bác nhà quê mới thật tức cười.
Rồi lại thấy hán tử áo đen nói thật to:
-Nếu ngươi không nhường bước, ta mắng cho bây giờ".
Bác nhà quê cũng không vừa:
-Mắng thì mắng! Ngươi mắng ta dễ thường ta không biết mắng lại ngươi sao?
Rồi bác cất lời mắng trước. Hán tử áo đen mắng trả. Hai bên điều qua tiếng lại, văng tục văng tĩu nói bẩn nói thỉu, không thiếu câu gì, thế có lạ không?
Chửi mắng nhau một lúc, bác nhà quê nói mệt quá còn gã hán tử thì chưa vần gì. Bác nhà quê dường như không chịu nổi nữa, sắp té xỉu xuống sông. Ðột nhiên, bác điên tiết thò tay vào thùng phân bốc một nắm ném vào mặt hán tử. Hán tử áo đen trong lúc bất ngờ, chỉ kịp kêu lên một tiếng thì mồm miệng mặt mũi đã dính đầy phân.
Gã kêu lên:
-Thằng cha này muốn chết đây, đừng trách ai nữa nhé!
Hán tử nổi giận hầm hầm, vung tay lên đánh một chưởng vào đầu bác nhà quê.
Vương Ngọc Yến nghe Kiều Phong nói, há miệng chăm chú nghe, còn A Châu, A Bích thì trông nhau mà cười rũ rượi.
Kiều Phong lại kể tiếp:
-Biến cố xảy ra rất mau lẹ, ta lại sợ mùi hôi thối, đứng đằng xa đến ngoài hai mươi trượng, muốn cứu bác nhà quê cũng không tài nào kịp được. Dè đâu gã áo đen đương phát chưởng nhắm đầu bác nhà quê đánh xuống, nhưng mới đến nửa chừng đột nhiên dừng tay lại, cười khanh khách, hỏi:
-"Lão huynh! Ngươi thi gan với ta đã chịu thua chưa?
Nhưng bác này thật chướng, mình thua rành rành rồi mà không chịu thừa nhận, vẫn cãi cối:
-Vì ta gánh phân nặng còn ngươi chỉ trần có người không mới chiếm được tiện nghi, không tin thì đổi đi. Ngươi gánh phân để ta đứng không, xem ngươi có phải chịu thua ta không nào?
Chàng hán tử áo đen nói:
-Ngươi nói phải lắm!
Rồi thò tay qua bả vai bác nhà quê cầm lấy giữa đòn gánhnhấc lên.
Bác nhà quê tuy không biết võ, nhưng thấy hán tử một tay cầm gánh phân mà không trĩu xuống, bấy giờ mới ngẩn người ra, miệng ấp úng:
-Ngươi...ngươi!...
Hán tử áo đen nói:
-Ta cứ cầm thế này thôi, nhất định không đổi tay, rồi lại thi gan nữa xem ai thua. Người thua phải húp hết gánh phân này.
Bác nhà quê thấy hảo hán sức khoẻ như thần, khi nào còn dám đấu nữa, vội vàng lui trở lại.
Không ngờ vì quá hoang mang, bác bước sểnh đưa cả người xuống sông.
Hán tử áo đen đưa tay phải ra nắm cổ áo kéo lên, thế là tay trái cầm gánh phân, tay phải nhấc một người, cười ha hả, nói:
-Hay quá! Hay quá! Ðoạn, gã nhẹ nhàng xách cả người, cầm cả gánh phân đưa sang bờ bên kia, đặt xuống đất rồi vận khinh công biến vào trong rừng lau mất hút.
Các anh em thử nghĩ xem, hán tử áo đen chịu để người nhà quê khinh nhờn, ném cả phân vào mồm vào miệng. Nếu muốn giết người đó thì chỉ cất tay một cái là xong. Hay hán tử không muốn vô cớ giết người, đánh cho mấy quyền thì đã sao. Thế mà hán tử không nổi nóng, đó mới là điều đặc biệt. Ta tưởng trong võ lâm ít người được như thế. Các anh em nên biết rằng vụ này chính mắt ta trông thấy và ta đứng tận đằng xa, hán tử không biết tông tích ta mà bảo có ý giả trá ra như thế. Vậy anh em thử nghĩ xem người đó có đáng là một trang hảo hán, một người bạn tốt không?
Ba vị Ngô, Trần, Bạch đồng thanh đáp:
-Ðúng lắm! Người đó đúng là một vị hảo hán chân chính.
Trần trưởng lão lại nói:
-Tiếc rằng Bang chúa chưa hỏi rõ được họ tên để cho bọn ta đây đều biết trong phái võ ở Giang Nam có nhân vật như vậy.
Kiều Phong thủng thỉnh đáp:
-Người đó có phải ai đâu xa lạ, mới cùng Trần tam huynh giao đấu vừa xong, lưng bàn tay gã bị rết độc của Trần tam huynh cắn cho bị thương.
Trần trưởng lão cả kinh, hỏi:
-Chính là Nhất trận Phong Ba Ác đó ư?
Kiều Phong gật đầu, đáp:
-Ðúng rồi!
Bấy giờ Ðoàn Dự mới hiểu Kiều Phong kể tỉ mỉ câu chuyện vừa rồi chủ ý để trần thuật tính cách Phong Ba Ác. Chàng lại nghĩ thầm:
-con người Phong Ba Ác mặt mũi xấu xa là thế, ưa đánh nhau là thế, mà ra thiên tính cực kỳ lương thiện.
Thế thì người ta không thể coi tướng mạo mà biết tâm địa được.
Vương Ngọc Yến tỏ vẻ quan tâm đến câu chuyện, còn A Châu, A Bích chỉ nhìn nhau mà cười vì hai nàng đã biết rõ tính tình Phong Ba Ác. Tuyệt ở chỗ là y thích đánh nhau mà tuyệt không thích giết những người vô tội.
Kiều Phong lại nói:
-Trần tam huynh! Cái Bang ta là một bang lớn nhất trong đám giang hồ. Trưởng lão lại là một nhân vật trọng yếu của bản bang. Thử tưởng tượng xem, tuy không thể lấy Phong Ba Ác làm tiêu biểu cho nhân vật Giang Nam, nhưng gã đã kiên nhẫn chịu nhục có thừa, lại không giết hại kẻ vô cớ, thế thì bậc cao thủ ở Cái Bang ta đâu có thể để cho y tự ví với mình được.
Trần trưởng lão thẹn, mặt đỏ bừng, nói:
-Lời giáo huấn của Bang chúa rất đúng. Bây giờ tôi mới biết Bang chúa bảo tôi lấy thuốc giải cho y là muốn duy trì thanh danh và thân phận của chính tôi. Trần Bất Bình này không biết ý của Trang Chúa lại còn có ý oán giận, thật ngu như trâu!
Kiều Phong lại nói:
-Việc duy trì thanh danh cho bản bang cùng địa vị cho Trần trưởng lão còn ở hàng thứ hai. Những người học võ như chúng ta, thứ nhất là phải kiêng giết kẻ vô cớ. Ðừng nói Trần tam huynh là một nhân vật đầu não bản bang hay tiếng tăm lẫy lừng trong võ lâm, mà bất cứ ai cũng không thể chưa điều tra cho rõ đen trắng đã đi giết người!
Trần trưởng lão cúi đầu, nói:
-Trần Bất Bình này cam nhận tội.
Kiều Phong thấy mình dồn cho một mẻ khiến bốn đại trưởng lão, bướng bỉnh nhất là Trần Bất Bình, phải chịu hàng phục, trong lòng rất mừng, ông thủng thẳng nói tiếp:
-Công Dã Càn hào sảng hơn người, Phong Ba Ác biết phải trái phân minh, Bao Bất Ðồng là người hồn nhiên, rồi cả ba vị cô nương đây cũng đều ôn nhu, lương thiện. Bọn này nếu không là thuộc hạ Mộ Dung công tử thì cũng là bạn chàng.
Người ta thường nói rằng:
-"Vật có đồng loại, người có đồng chí.
Xin các vị bình tâm nghĩ lại coi, Mộ Dung công tử giao kết cùng bọn này thì liệu chính chàng có phải là người đại gian đại ác, là hạng hèn hạ vô liêm sỉ được không?