28/10/12

Lục mạch thần kiếm (H46)

Kiều Phong cùng A Tử đi sâu vào trong cánh đồng cỏ mấy ngày liền.

Nhằm gặp tiết thu, vòm trời quang đãng khí trời mát mẻ.

Mùi cỏ êm dịu thoảng đưa hương man mát, khiến du khách cảm thấy tinh thần khoan khoái.

Trong đồng cỏ rậm thiếu gì dã thú. Kiều Phong săn lấy nướng ăn, tâm hồn lâng lâng, chẳng bận một điều lo nghĩ chi hết.

Kiều Phong đi luôn mấy ngày nữa.

Hôm ấy vào khoảng giờ ngọ ông nhìn phía trước mặt, ở tận đằng xa thấy vô số doanh trại, không hiểu là nơi đồn trú quân binh hay là nhà ở một bộ lạc nào đó.

Kiều Phong bảo A Tử:

- Phía trước kia là chỗ đông người trú ngụ, chúng ta quay về thôi để tránh mọi sự phiền lụy có thể xảy ra.

A Tử nói:

- Ðừng! Ðừng quay về vội. Em muốn lại đó chơi. Tỉ phu ơi Em mới cất nhắc được hai tay, còn hai chân vẫn thuỗn ra. Em làm gì được mà tỉ phu e chuyện rắc rối?

Kiều Phong cười nói:

- Những chuyện rắc rối đâu có phải do một mình cô gây ra, có khi từ người khác đưa đến cho mình, muốn tránh cũng không được.

A Tử cười nói:

- Nếu vậy thì ta cứ lại xem, không hề gì đâu?

Kiều Phong biết nàng còn tánh trẻ con, thích coi những nơi náo nhiệt liền buông cương cho ngựa đi từ từ về phía doanh trại. Cánh đồng cỏ mặt bằng phẳng, tuy trông thấy doanh trại rồi mà hãy còn xa.

Kiều Phong cùng A Tử đi chừng được bảy tám dặm bỗng nghe tiếng hiệu tù và nổi lên inh ỏi, rồi thấy cát bụi mịt mù. Một đội kỵ mã chia làm hai cánh một toán chạy lên phía Bắc, một đội quay xuống phía Nam.

Kiều Phong kinh ngạc nói:

- Hỏng rồi! Lại bọn kỵ mã Khất Ðan.

A Tử nói:

- Họ là đồng hương với tỉ phu, thế là hay tuyệt. Sao tỉ phu còn kinh hãi?

Kiều Phong đáp:

- Nhưng mình đã quen biết họ đâu? Thôi ta về quách chẳng ở lại lôi thôi.

Dứt lời ông bắt ngựa quay về lối cũ.

Mới đi được mấy bước bỗng nghe trống thúc vang lên, tiếp theo lại thêm mấy đội kỵ mã Khất Ðan xông tới.

Kiều Phong tự hỏi:

- Sao bốn mặt không thấy địch quân? Chắc là họ tập trận hay săn dã thú chi đây?

Bỗng nghe tiếng reo hò vang dội:

- Bắn đi! Bắn hươu đi!

Cả ba mặt Tây, Nam, Bắc đều thấy tiếng hô bắn hươu.

Kiều Phong nói:

- Té ra họ săn hươu, binh sĩ Khất Ðan thanh thế lớn lắm.

Ông ôm A Tử ngồi trên lưng ngựa dừng lại ở mặt Ðông để coi.

Bọn kỵ mã Khất Ðan đều trong mặc thiết giáp, ngoài khoát cẩm bào.

Cách ăn mặc không khác gì lúc ra trận.

Cẩm bào có nhiều màu sắc: một đội hồng bào, một đội thanh bào, một đội hoàng bào và một đội tử bào.

Cờ hiệu đội nào cũng cùng màu sắc với cẩm bào đội ấy. Binh cường mã tráng, lui tới rong rủi, trông rất oai hùng.

Kiều Phong cùng A Tử trầm trồ khen ngợi.

Quân kỵ Khất Ðan tung hoành tiến thoái theo đúng quân lệnh.

Tên nào cũng cầm trường mâu đuổi hươu nai.

Họ thấy Tiều Phong cùng A Tử cũng chỉ ngó qua, chứ không hỏi han chi hết.

Ba cánh quân kỵ từ ba mặt dồn lại vây mấy chục con hươu vào giữa.

Ngẫu nhiên một con chạy lọt qua chỗ trống ra ngoài vòng vây.

Kiều Phong đang đứng xem chợt có tiếng la to:

- Có phải Kiều đại gia đó không?

Kiều Phong tự hỏi:

- Không biết ai đã nhận ra mình?

Ông ngoảnh đầu nhìn ra thì thấy một người trong đội thanh bào chạy lại, chính là gã đội trưởng trước đây mấy tháng đã được Gia Luật Cơ phái mang đồ lễ đến Kiều Phong.

Gã còn cách Kiều Phong chừng mười trượng đã xuống ngựa lật đật đi bộ đến trước mặt ông, quỳ phục xuống đất, nói:

- Chủ nhân tiểu tốt hiện ổ phía trước kia, cách đây không xa mấy. Người thường nhắc đến Kiều đại gia luôn, dường như nhớ mong đại gia lắm. Bữa nay cơn gió nào thổi đại gia đến đây? Xin kính thỉnh đại gia qua hội diện với chủ nhân tiểu tốt.

Kiều Phong nghe tin Gia Luật Cơ cũng ở gần đây thì vui mừng khôn xiết nói:

- Ta cũng đi chơi phiếm thôi, chả có việc gì cả, không ngờ nghĩa huynh ta cũng ở gần đây, thế thì may mắn biết chừng nào! Ngươi dẫn ta đến hội ngộ.

Gã đội trưởng vừa chủm môi huýt lên một tiếng sáo, đã thấy hai tên quân kỵ cưỡi ngựa chạy lại.

Gã đội trưởng nói:

- Các ngươi lập tức về bẩm chủ nhân có Kiều đại gia bên núi Trường Bạch qua chơi nghe!

Hai tên kỵ binh nghiêng mình nhận lệnh rồi chạy như bay.

Các đội khác vẫn tiếp tục săn hươu, gã đội trưởng đốc xuất đội kỵ binh áo xanh hộ vệ phía sau Kiều Phong và A Tử đi về hướng Tây.

Kiều Phong nghĩ thầm:

- Nghĩa huynh ta không phải tướng chắc cũng là mõt vị đại thần tại triều đình Khất Ðan, nên mới có thanh thế lớn như vầy được. Bọn kỵ binh chạy lui chạy tới trong cánh đồng cỏ liên miên không ngớt. Tên nào bào giáp cũng mới tinh, đầy vẻ hùng tráng.

Gã đội trưởng nói:

- Bữa nay đại gia đến thật vừa khéo. Sáng mai ở đây có mở hội tưng bừng náo nhiệt.

Tiêu Phong đưa mắt nhìn A Tử Thấy nàng lộ vẻ vui mừng, liền hỏi:

- Có cuộc chi mà tưng bừng náo nhiệt?

Ðội trưởng đáp:

- Mai mở cuộc diễn võ. Số là có Khuyết Chân chỉ huy đội thị vệ trong cung Vĩnh Xương và cung Thái Hoà. Bọn quân Khất Ðan chúng tôi đều thi đua võ công, chưa hiểu ai là người tốt phước tranh đoạt được chân chỉ huy này.

Kiều Phong nghe đến cuộc tỉ võ, tự nhiên thấy trong lòng hứng khởi, nở mặt nở mày, cười nói:

- Thế thì hay thật! Ta đang muốn hiểu biết võ công người Khất Ðan.

A Tử cười nói:

- Anh đội trưởng ơi! Sáng mai anh trổ tài võ nghệ, tôi chúc cho anh được chức chỉ huy đội thị vệ.

Gã đội trưởng thè lưỡi ra rồi nói:

- Tiểu nhân đâu dám có gan dạ đó?

A Tử cười nói:

- Giành giựt chức chỉ huy có gì là khó. Anh đội trưởng ơi! Tên anh là gì?

Ðội trưởng đáp:

- Tiểu nhân tên gọi Thất Lý.

A Tử nói:

- Anh nhờ tỉ phu dậy mấy đường quyền thì lo gì không giành được chức chỉ huy?

Thất Lý mừng rỡ nói:

- Nếu được Tiêu đại gia chỉ giáo cho, tiểu nhân đã thấy làm tốt phước lắm rồi còn chức chỉ huy đó tiểu nhân không dám nghĩ đến.

Ðoàn người vừa đi vừa chuyện trò vui vẻ.

Ði chừng được một dặm bỗng có một đội kỵ binh chạy lại.

Thất Lý nói:

- Ðây là đội Phi Hùng trong "Bì Thất Ðại Trướng"

Ðội quân này quân trang bằng da gấu.

Áo bào khoác ngoài bằng da gấu đen, mũ cao bằng da gấu trắng, trông khí thế thật hùng dũng.

Ðội quân lại gần đến nơi.

Tiếng hô dõng dạt vừa dứt, cả đội đều xuống ngựa, đứng sau hai bên đường đồng thanh nói:

- Xin kính cẩn nghênh tiếp Kiều đại gia!

Kiều Phong giơ tay đáp lễ:

- Không dám!

Rồi phóng ngựa đi trước, đội phi hùng phóng ngựa theo sau.

Ði được vài dặm lại thấy đội Phi Hổ, mũ áo đều bằng da hổ đến đón tiếp.

Kiều Phong tự hỏi:

- Không hiểu Gia Luật Cơ ca làm quan đến chức gì mà dưới trướng có những đội quân oai phong như vậy?

Gã Thất Lý không nói ra, mà lúc Kiều Phong gặp Gia Luật Cơ cũng kiên quyết không chịu thố lộ địa vị của mình, nên ông cũng không muốn hỏi.

Ði đến lúc xế chiều thì gặp một trướng lớn.

Tại đây, một đội Phi Báo đội mũ mặc áo da báo ra nghinh tiếp Kiều Phong cùng A Tử vào trong trướng.

Kiều Phong chắc mẫm vào đây là gặp Gia Luật Cơ ngay.

Nào ngờ trong trướng chỉ thấy trên kỷ bày sẵn vô số món ăn và trái cây mà chẳng thấy chủ nhân đâu.

Gã đội trưởng Phi Báo vào nói:

- Chủ nhân tiểu tử xin Kiều đại gia hãy nghĩ tạm ở đây một đêm sáng mai hãy ra mắt chủ nhân tiểu tử.

Kiều Phong đã vào rồi cũng không hỏi gì nữa, ngồi xuống bên kỷ tự do ăn uống.

Bốn tên tiểu đồng đứng rót rượu, thái thịt, hầu hạ một cách rất chu đáo.

Sáng hôm sau thức dậy lại đi một ngày nữa.

Ðội kỵ mã dẫn đường trông thẳng về phía Tây mà đi một mạch chừng hai trăm dặm.

Xế chiều lại đến một trướng lớn vào ngủ tại đó thêm đêm nữa.

Vào khoảng giữa giờ Ngọ ngày thứ ba, đoàn người ngựa đang đi bỗng thấy Thất Lý nói:

- Ði quanh hết sườn núi này nữa là tới nơi.

Kiều Phong ngẩn đầu nhìn hình thế trái núi rất là hùng vĩ.

Dưới chân núi một con sông lớn nước chảy cuồn cuộn xuốmg phía nam.

Ðoàn người đi quanh hết sườn núi quả thất cờ xí rợp trời tung bay phất phới.

Cả bốn mặt Ðông, Tây, Nam, Bắc đều có doanh trướng dày như bát úp. Hàng ngàn, hàng vạn kỵ binh, bộ binh đứng vây quanh một khu đất trống.

Các đội kỵ mã Phi Hùng, Phi Hổ, Phi Báo đi hộ vệ Kiều Phong, tù và thổi lên inh ỏi.

Ðột nhiên hiệu trống thùng thùng lẫn tiếng pháo nổ rầm trời vang động cả khe núi.

Quan binh giàn hàng tại khu đất trống rẽ ra hai bên.

Một Ðại Hán râu quăn quắt ngất ngưởng ngồi trên lưng con tuấn mã cao lớn sắc vàng đi ra.

Chính là Gia Luật Cơ.

Gia Luật Cơ cho ngựa chạy về phía Kiều Phong cất tiềng gọi:

- Kiều hiền đệ! Ca ca mong hiền đệ đi được!

Kiều Phong phóng ngựa lên đón.

Hai người đồng thời xuống ngựa, tay cầm tay, mặt mày hớn hở, trong tâm xiết đỗi vui mừng!

Bốn mặt tướng sĩ hoan hô vang dội:

- Vạn tuế! Vạn vạn tuế!

Kiều Phong giật mình nghĩ thầm tự hỏi:

- Tại sao nơi đây lại nhiều tướng lãnh quan binh thế này.

Người nào cũng khom lưng hoan hô "vạn tuế" là nghĩa làm sao?

Gia Luật Cơ dắt tay Kiều Phong đứng giữa trung quân, nhìn Ðông ngó Tây ra chiều đắc ý.

Kiều Phong ngơ ngác hỏi:

- Ca ca ơi! Phải chăng ca ca... ca ca là...

Gia Luật Cơ cười ha hả nói:

- Giả tỉ hiền đệ biết ta là đương kim Hoàng đế nước Ðại Liêu thì ta e rằng hiền đệ không chịu kết nghĩa anh em với ta. Chính tên ta là Gia Luật Hồng Cơ. Hiền đệ đã có ơn cứu mạng ta, vĩnh viễn ta không quên được.

Kiều Phong tuy là người hiên ngang khí khái, nhưng trước nay chưa biết Hoàng đế bao giờ.

Bữa nay ông thấy nghi thức phô trương cực kỳ long trọng thì không khỏi luống cuống.

Ông hoang mang nói:

- Tiểu nhân chưa được biết bệ hạ nên mới mạo phạm rất nhiều tội đáng muôn thác!

Nói xong toan quỳ xuống.

Nguyên ông là thần dân Khất Ðan gặp Hoàng đế trong nước đương nhiên phải quỳ lạy.

Gia Luật Hồng Cơ vội nâng dạy cười nói:

- Không biết là không có lỗi. Hiền đệ đã cùng ta kết nghĩa Kim bằng. Bữa nay hai ta chỉ nói đến chuyện nghĩa khí mà thôi. Sáng mai hãy dùng nghi lễ của chúa tôi cũng chưa muộn.

Ðoạn nhà vua vẫy tay một cái, ban cổ nhạc nổi chiêng trống hoan nghinh tân khách.

Gia Luật Hồng Cơ dắt tay Kiều Phong đi vào trướng lớn.

Doanh trướng của hoàng đế nước Liêu mấy tầng lợp da trâu vẽ rồng vẽ phượng đủ màu sắc trông trông huy hoàng rực rỡ. Doanh trướng này gọi là "Bì thất đại trướng."

Gia Luật Hồng Cơ ngồi chính giữa mời Kiều Phong ngồi ghế bên. Văn võ bá quan nhất nhất tiến lên lạy mừng.

Những tước phẩm triều đình Khất Ðan chia làm:

Bắc Viện Ðại Vương, Bắc Viện Khu Mật Sứ, Nam Viện Ðại Vương, Nam Viện Khu Mật Sứ rồi đến đại soái, Thái Phó, Thái Bảo, bì Thất Ðại Tướng Quân, Tiểu Tướng Quân, Mã Quân chỉ huy sứ vân vân...

Kiều Phong được nghe giới thiệu các quan tướng nhưng nhiều quá không nhớ xiết được.

Ðêm hôm ấy trong trướng mở tiệc lớn, người Khất Ðan rất tôn trọng nữ giới, A Tử cũng được mời vào dự yến trong "Bì thất đại trướng."

Thật là một tiệc yến, rượu như ao, thịt như núi không thiếu thứ gì, bất tất phải tường thuật.

Tiệc rượu đã nửa vời, hơn mười tên võ sĩ Khất Ðan ra trổ tài trước mắt vua để giúp vui, người nào chân tay mau lẹ, khí lực hùng hậu, mỗi khi cử động đều theo một lối võ công siêu việt. cách biến hóa tuy không xảo diệu bằng võ sĩ ở Trung Nguyên, song lối tiến ngay đánh thẳng của bọn này lúc lâm địch rất công hiệu.

Các quan chức văn ban võ phái người nào cũng đều mừng rượu Kiều Phong.

Ông không cự tuyệt với một ai, có rượu đưa đến mừng là cạn chén.

Ông uống có đến ngoài ba trăm chén rượu mà sắc mặt vẫn không thay đổi khiến cử tọa đều kinh hãi.

Gia Luật Hồng Cơ trước nay vẫn tự phụ mình võ công quán thế mà phen này bị Kiều Phong bắt cả nước đều biết tiếng. Y có ý muốn Kiêu Phong trổ tài võ nghệ siêu quần để che lấp cái nhục ông bị bắt.

Nhà vua không ngờ nguyên về tửu lượng Kiều Phong đã ghê gớm hơn người.

Gia Luật Hồng Cơ đã có ý định ngày hôm sau nhân cuộc hội tỉ võ, yêu cầu Kiều Phong thi triển tuyệt kỹ cho quốc dân lác mắt. Nhưng bây giờ tửu lượng của ông đủ áp đảo quần hùng, người nguời đều đem lòng kính phục.

Gia Luật Hồng Cơ cả mừng nói:

- Kiều hiền đệ. Hiền đệ là một vị anh hùng hảo hán đệ nhất trong nước Ðại Liêu ta.

Thốt nhiên một giọng nói trong trẻo vang lên:

- Không phải! Y mới là đệ nhị anh hùng!

Mọi người nge tiếng quay lại nhìn xem ai thì té ra là A Tử.

Gia Luật Hồng Cơ hớn hở tươi cười hỏi:

- Tiểu cô nương! Y mới là đệ nhị vậy chớ đệ nhất anh hùng là ai?

A Tử đáp:

- Ðệ nhất anh hùng hảo hán chính là bệ hạ. Tỉ phu tôi tuy bản lãnh nghiêng trời nhưng vẫn phải tuân theo bệ hạ không dám trái lệnh. Vậy bệ hạ là đệ nhất anh hùng chớ còn ai?

Gia Luật Hồng Cơ cười ha hả nói:

- Cô nương nói phải! Cô nương nói phải!

Rồi Gia Luật quay lại nói với Kiều Phong:

- Kiều hiền đệ! Ta muốn phong cho hiền đệ một tước vị xứng đáng. Ðể ta nghĩ xem phong chức gì cho phải?

Lúc này nhà vua tửu lượng mười phần đã uống hết tám chín, đưa ngón tay lên gõ trán mấy cái ra chiều suy nghĩ.

Kiều Phong nói:

- Bệ hạ bất tất phải nhọc lòng, tiểu nhân tính tình thô lỗ, khó lòng hưởng thụ giàu sang. Trước nay quen thói hạc nội mây ngàn, tấm thân vô định, thực tâm không muốn làm quan.

Gia Luật Hồng Cơ nói:

- Không được! Ðể ta phong cho hiền đệ một chức quan lớn chỉ cần uống rượu mà không cần làm việc.

Chưa dứt lời bất thình lình có hiệu tù và inh ỏi từ xa đưa đến, tiếng tù và gay gắt dường như có việc gì khẩn cấp.

Người nước Liêu đều ngồi trên chiếc chiếu trải dưới đất để dự tiệc vừa nghe tiếng tù và ai nấy đứng phắt dậy lộ vẻ kinh hoàng.

Tiếng tù và đi rất mau.

Hồi đầu tiên còn xa ngoài mười dặm, hồi thứ hai đã lại gần thêm mấy dặm.

Ðến hồi thứ ba chỉ còn mấy dặm mà thôi.

Kiều Phong nghĩ thầm:

- Con tuấn mã lẹ nhất đời hay khinh công tuyệt đỉnh của một nhân vật nào thì dù tìm khắp thiên hạ cũng không ai nhanh được như thế. Ðây chắc là người Liêu đã dự bị cách truyền tin nhanh chóng để cáo cấp quân tình. Hiệu tù và ở trạm đầu nổi lên truyền đến trạm hai rồi cứ thế truyền đi.

Hiệu tù và mỗi lúc gần lại, đến phía ngoài ngoài "bì thất đại trướng" thì đột nhiên im bặt.

Mấy trăm doanh trại đang mừng tiệc, hoan hô rầm rĩ rất là huyên náo, đột nhiên trở lại yên tĩnh không một tiếng động.

Gia Luật Hồng Cơ vẫn hớn hở tươi cười, từ từ nâng chén ngọc lên uống cạn rồi nói:

- Thượng kinh có kẻ phản loạn. Bây giờ chúng ta phải nhổ trại.

Hai tiếng "nhổ trại" nhà vua vừa nói ra, Quan Hành Quân Ðại tướng quân lập tức chuyển mình ra khỏi doanh trại phát lệnh.

Hiệu lệnh ban ra đến mười người rồi từ mười truyền đến trăm người từ trăm người ra đến ngàn người.

Lát sau khẩu hiệu vang động cả một góc trời nhưng quân sĩ vốn rất nghiêm chỉnh và có thứ tự, tuyệt không nhốn nháo chút nào.

Kiều Phong nghĩ thầm:

- Nước Ðại Liêu ta từ ngày lập quôác đến giờ đã hai trăm năm, oai phong lẫy lừng thiên hạ. Tuy có nội loạn mà quân tình vẫn nghiêm minh. Thế nên mấy triều Liêu chúa thống suất quân cơ rất có phương pháp.

Bỗng lại nghe tiếng vó ngựa dồn dập. Ðội quân tiên phong đi trước.

Tiếp theo là hai đội tả, hữu tiên phong. Tiền quân, tả quan, hữu quân, đã nhổ trại khởi hành.

Gia Luật Hồng Cơ dắt tay Kiều Phong nói:

- Chúng ta cùng đi xem.

Hai người ra khỏi đại trướng.

Tuy đêm tối nhưng mỗi mắt cờ hiệu đều có thắp đèn lồng xanh, đỏ, vàng, trắng, đủ màu sắc soi sáng.

Mười mấy vạn đại quân nhằm phía đông nam tiến phát.

Chỉ nghe tiếng vó ngựa hí và tiếng vó ngựa lộp cộp, không một tiếng người.

Kiều Phong tự nghĩ:

- Phép trị quân nghiêm minh thế này có thể bách chiến bách thắng. Bữa trước, hoàng thượng cậy tài một mình đi săn mới bị ta bắt. Giả tỉ đại quân kéo đến thì Nữ Chân tuy kiêu dũng cũng không tài nào địch nổi với quân quá chênh lệch.

- Ta cũng mong thế...

Mọi người ăn cơm xong thì có thám tử thứ hai về bẩm báo:

- Nam Viện đại vương lập hoàng thái thúc lên kế vị và đã ban chiếu xuống nhân dân.

Gã không dám nói thêm nữa, hai tay nâng chiếu chỉ của hoàng đế dâng lên.

Gia Luật Hồng Cơ đón lấy chiếu coi.

Tờ chiếu đại khái tố cáo Gia Luật Hồng Cơ hoán đoạt ngôi vua. Trong chiếu nói rõ cả đến việc đức tiên đế đã lập Gia Luật Hồng Cơ Trọng Nguyên làm hoàng thái đệ hai mươi bốn năm trời, nhân dân điều biết. Tiên đế băng hà, Gia Luật Hồng Cơ cướp ngôi đoạt bảo, khiến cho trong triều ngoài nội đều nổi lòng căm phẫn. Hiện nay Hoàng thái đệ lên ngôi chính thống, đốc xuất binh mã trong nước đi dẹp kẻ hoán đoạt v. v... Tờ chiếu này có nhiều lời xách động quần chúng. Quân dân nước Liêu xem tất phải hoang mang.

Gia Luật Hồng Cơ cả giận, cầm chiếu thư ném vào đống lửa cho cháy thành tro bụi.

Nhà vua trong lòng nóng nảy lo phiền nghĩ bụng:

- Hoàng thái thúc giữ chức vụ thiên hạ binh mã đại nguyên soái, có thể điều động hơn tám mươi vạn binh mã. Huống chi con y là Sở Vương lại điều động thêm binh mã dưới trướng nữa, thì khí thế lợi hại vô cùng. Ðây mình chỉ đem theo hơn mười vạn nhân mã đi hộ giá. Số quân quá chênh lệch quyết không địch nổi. biết làm thế nào?

Suốt đêm nhà vua trằn trọc ngủ không được.

Kiều Phong nghe Liêu đế muốn phong quan tước cho mình, ông toan dẫn A Tử đang đêm bỏ đi ngay không từ biệt nữa. Nhưng lúc này ông thấy nghĩa huynh gặp bước hoạn nạn không tiện đi ngay.

Ông nghĩ rằng:

- Dù sao mình cũng phải ra sức giúp y một phen mới khỏi uổng tấm lòng tri ngộ .

Ðêm hôm đó ông rảo bước đi chơi ngoài doanh trại, vẳng nghe có tiếng binh bàn tán, đều lo lắng cha mẹ vợ con đang ở Thượng Kinh nhất luật đều bị Hoàng thái thúc câu lựu hết e rằng tính mệnh không toàn.

Có lẽ nhớ đến người nhà đột nhiên buông tiếng khóc.

Tiếng khóc này dường như tính cách truyền nhiễm.

Một người vừa khóc lên hết thảy quan binh trong trại cũng khóc theo.

Chỉ trong khoảnh khắc tiếng khóc vang trời náo động cả một vùng hoang dã.

Tướng lãnh thống lĩnh ba quân bù cực lực cản trở hò hét khan cổ, mà cũng không ngăn nổi.

Gia Luật Hồng Cơ nghe tiếng than khóc biết là điềm quân tâm tan vỡ thì trong lòng phiền não vô cùng.

Sáng hôm sau, laị có thám tử đến báo hoàng thái thúc cùng Sở vương thống lĩnh hơn ba mươi vạn binh mã đến đây phạm giá.

Hồng Cơ nghĩ bụng:

- Hôm nay, chỉ tiến chứ không thoái, dù sao cũng quyết một trận tử chiến.

Nghĩ vậy nhà vua liền triệu tập bá quan thương nghị.

Quần thần đối với Hồng Cơ đều một dạ trung thành, nguyện hết sức quyết một trận tử chiến, nhưng ai cũng lo quân tâm nghiêng ngã.

Hồng Cơ truyền lệnh:

- Các quan binh phải ra sức dẹp kẻ phản loạn. Sau khi bình xong ngoài việc thăng quân còn được trọng thưởng.

Ðoạn nhà vua mặc áo giáp vàng, đầu đội mũ trĩ thân hành thống lĩnh ba quân tiến về phía Hoàng thái thúc.

Các quan quân thấy hoàng thượng thân hành cự địch đều phấn chấn hô vang:

- Vạn tuế!

Và thề liều chết cho vẹn lòng trung.

Kiều Phong đeo cung cầm mâu theo sau Hồng Cơ để hộ vệ nhà vua.

Hơn mươi vạn binh mã nhằm phía đông nam ào ào thẳng tiến.

Thất Lý cầm đầu một đội Phi Hùng để hộ vệ A Tử đi theo toán hậu quân.

Kiều Phong cưỡi ngựa theo sát Hồng Cơ, thấy ông tay phải cầm cương ngựa hơi run thì biết rằng nhà vua không nắm vững phần nào trong cuộc chiến tranh này.

Trong cánh đồng cỏ trừ tiếng vó ngựa dồn dập, không còn một thứ âm thanh nào khác.

Ði đến giữa giờ ngọ, thốt nhiên nghe thấy tiếng tù và nổi lên inh ỏi, ai cũng hiểu là quân địch sắp đến nơi.

Tướng lệnh trung quân truyền ra:

- Xuống ngựa!

Bao nhiêu quân sĩ đều xuống ngựa hết, cầm cương dắt ngựa đi chỉ có Gia Luật Hồng Cơ cùng các đại thần là được ngồi nguyên trên lưng ngựa.

Kiều Phong không hiểu sao kỵ binh phải xuống ngựa, ông lộ vẻ nghi ngờ.

Gia Luật Hồng Cơ thấy vậy cười hỏi:

- Hiền đệ ở Trung Nguyên đã lâu, chưa hiểu cách hành quân của người Khất Ðan phải không?

Kiều Phong đáp:

- Tiểu nhân đang định xin bệ hạ chỉ giáo cho.

Gia Luật Hồng Cơ cười đáp:

- Các tiếng xưng hô: "bệ hạ"đó không biết có còn được hết ngày nay nữa không? Hiền đệ cùng ta nên kêu nhau bằng anh em. Song hiền đệ cứ gọi ta là bệ hạ hoài?

Kiều Phong nghe tiếng cười của nghĩa huynh có đượm vẻ chua cay liền nói:

- Vâng, vâng xin đại ca chỉ giáo cho.

Hồng Cơ nói:

- Cuộc giao phong ngoài bình nguyên điều cần nhất là phải dè dụm mã lực, thứ hai mới đến nhân lực.

Kiều Phong bấy giờ phải tỉnh ngộ nói:

- À, phải rồi! Sở dĩ kỵ binh phải xuống ngựa là để dưỡng sức cho ngựa đỡ mệt.

Hồng Cơ gật gầu nói:

- Dành sức ngựa để đến lúc lâm trận xung phong cho mạnh không sức nào ngăn trở được. Người Khất Ðan đánh Ðông dẹp Bắc bách chiến bách thắng phần lớn là nhờ ở bí quyết này.

Nhà vua nói đến đây, thanh âm trầm xuống vì thấy trước mặt cát bụi tung trời, chưa thấy người mà bụi đã bốc lên cao đến hơn mười trượng.

Hồng Cơ cầm roi ngựa trỏ về phía trước hỏi:

- Hoàng thái Thúc cùng Sở Vương đã lâu ngày từng trải chiến trận, đều là những kiện tướng của nước ta. Họ vẫn cho binh sĩ cưỡi ngựa phóng tới rất gấp sao không dè dặt mã lực? Chắc là họ nắm vững phần thắng, không còn e dè chi nữa.

Chưa dứt lời bỗng thấy tả quân và hữu quân đồng thời hiệu tù và.

Kiều Phong dùng hết nhãn lực để nhìn ra xa thì thấy về phía Ðông có hai cánh quân mã, phía tây có hai cánh, kể cả toán chính diện nữa là năm toán đánh ập vào một toán.

Gia Luật Hồng Cơ biến sắc, ra lệnh cho tướng chỉ huy trung quân:

- Ngươi cho hạ trại đi!

Tướng chỉ huy trung quân dạ một tiếng rồi phóng ngựa chạy ra truyền lệnh cho ba quân hạ trại.

Lập tức các đội tiền quân và hữu quân đều quay lại.

Bao nhiêu quân sĩ trồng cột dựng nên một tòa doanh trại rất lớn.

Cả bốn mặt trước sau, tả hữu đều có kỵ binh đóng giữ.

Mấy vạn quân cung nỏ nấp vào phía sau những cột lớn và dương cung sẵn sàng chỉ còn chờ lệnh là bắn ra.

Kiều Phong nhíu cặp lông mày nghĩ thầm!

- Cuộc đại chiến này chưa biết ai thắng ai bại, thì người cùng dòng giống Khất Ðan cũng lâm vào thảm cảnh thây phơi đầy nội máu chảy thành sông. Nếu may mà nghĩa huynh thắng trận chẳng nói làm chi. Giả tỷ mà người bị hại, thì ta phải nghĩ kế cứu người cùng A Tử được an toàn và đưa đi ẩn lánh một nơi, còn cái ngôi hoàng đế chẳng làm thí thôi cũng chẳng cần gì.

Doanh trại của Liêu vùa mới dựng xong thì đội tiền phong bên phản loạn đã đến nơi.

Ðội tiền phong này không xông vào khiêu chiến, dừng ngựa ở đằng xa vừa tầm cung cứng tên mạnh bắn tới.

Ðồng thời hiệu trống và hiệu tù và liên thanh bất tuyệt.

Các đội ngũ bên địch bao vây khắp bốn mặt, trận thế rất chỉnh tề không hỗn độn chút nào.

Kiều Phong đưa mắt nhìn ra thấy quân địch không biết cơ man nào mà kể, ông trông không rõ hết được, nghĩ bụng:

- Trận đánh này e rằng nghĩa huynh mình tất bị thất bại. Ban ngày khó lòng phá vòng vây để trốn thoát phải cân chống đỡ cho được đến đêm, trời tối mình sẽ tìm cách cứu nguy rồi chạy trốn.

Ông nhìn bóng nắng chiếu xuống những cây cột bóng hãy còn ngắn chủn, mặt trời mới qua ngọ chưa được mấy tý.

Thốt nhiên không gian nổi lên mấy tiếng le te.

Mọi người ngẩn nhìn lên thì ra một đàn nhạn đang bay lưng trời.

Gia Luật Hồng Cơ cũng ngẩng đầu lên nhìn đàn nhạn giây lát rồi gượng cười nói:

- Giả tỷ lúc này ta có hóa làm giống chim nhạn kia cũng khó lòng bay ra thoát khỏi vòng vây này.

Bắc Viện Ðại Vương cùng viên tướng chỉ huy trung quân nhìn nhau thất sắc vì biết nhà vua thấy quân tình chênh lệch quá nhiều đâm ra khiếp sợ.

Ðột nhiên quân địch nổi trống trận vang trời.

Tướng chỉ huy trung quân bên Liêu chúa cũng lớn tiếng ra lệnh:

- Thúc trống!

Mấy trăm cái trống khua lên ầm ầm.

Tiếng trống bên địch vừa dứt, mấy vạn kỵ binh reo hò vang động ca góc trời, cầm trường mâu xông lại.

Ðội tiền phong bên địch đa lại tới vừa tầm tên bắn.

Tướng chỉ huy trung quân phất cờ một cái, tiếng trống im bật.

Mấy vạn mũi tên đuôi có tra lộng bắn ra vun vút.

Ðội tiền phong bên địch tới tấp ngã ngựa.

Song hàng trước ngã thì hàng sau lại xô lên ào ạt. những người ngựa phía trước ngã ra biến thành những ụ thịt đỡ tên cho những đội sau tiến lên.

Quân cung nỏ bên địch dùng mộc che mình để tiến lên nhằm ngự doanh bắn vào.

Gia Luật Hồng Cơ lúc ban đầu rất là khiếp sợ, nhưng đã đến lúc tiếp chiến thì nhà vua lại hăng hái bội phần, tay phải cầm một thanh trường đao ra hiệu lệnh chỉ huy ba quân.