28/10/12

Lục mạch thần kiếm (H53)

Ba La Tinh điên tiết lên là đánh Du Thản Chi liền. Lão có nghĩ đâu rằng việc nhận chữ đọc sách có liên quan đến tính tình và khiếu thông minh thiên phó của con người, há phải cứ ép uổng mà làm được.

Ba La Tinh tuy dữ đòn đánh Du Thản Chi, song gã càng mê muội lại càng không nhớ những chữ cái Phạn văn mà lão đang dạy gã.

Việc đời hễ có chí là thành tựu, tuy Du Thản Chi dốt nát tối tăm, song gã cố gắng hơn nữa tháng liền cũng thuộc được hết những mẫu tự Phạn văn.

Ba La Tinh tiếp tục dạy Du Thản Chí đọc từng chữ từng câu.

Phạn văn là một thứ văn tự khó học vào bậc nhất trên thế gian. Văn tự Tây phương phần nhiều chia thành chữ đơn chữ kép. Về Phạn văn ngoài chữ đơn chữ kép ra lại còn song số. Cứ xem một điểm này, đại khái sẽ suy luận ra nhiều điểm khó khăn khác, bao nhiêu chỗ quanh co. biến hoá, cực kỳ phức tạp. Ðến ngay những bậc thông minh tài trí phi thường phải ít ra là một năm hay nữa năm mới phân biệt rành rẽ được cách đọc chữ Phạn.

Du Thản Chi tư chất đã tầm thường lại bị Ba La Tinh thôi thúc cho mau thành tựu. Ðúng là "Dục tốc bất đạt." Thầy không biết cách dạy trò, trò không biết cách học, thành ra việc học chỉ lờ mờ không thấu đáo.

Du Thản Chi suốt ngày bị thành sầu vây hãm, ngoài cái đau đớn về xác thịt, thêm vào tinh thần bị khủng bố. Gã khổ sở về việc học kinh sách Phạn văn.

Nữa đêm nhiều lúc gã tỉnh giấc, gã nghĩ lại thời kỳ còn ở nước Liêu, bất quá chỉ phải ăn đòn, chịu thảm hình về xác thịt mà thôi. Trong đầu óc còn được tự do hơn nhiều. Huống chi thỉnh thoảng lại được thấy mặt A Tử. Cái tươi cười hay cái cáu giận của nàng cũng khiến cho bao nhiêu cái khổ não cả thiên hạ đổ xuống sông xuống biển hết. Gã thấy hiện giờ đầu óc mình bị lão Ba La Tinh nhét đầy những ma kha bắt la nhược "rồi" ban nhược ba yết đề gì vào, so với thân thể bị khổ hình còn tệ hại hơn nhiều.

Lắm lúc gã toan xuống than thở với Duyên Căn, nhưng gã chưa nói câu gì, y thấy gã mình đầy thương tích dường như cũng ra chiều đắc ý.

Du Thản Chi có lần ấp úng kể lể sự tình, nhưng Duyên Căn chẳng thèm để ý hỏi rõ đầu đuôi đã mắng át đi:

- Thằng giặc non! Mi sợ đánh ư? Mi nên nhớ rằng người trên mi bảo mình làm gì thì dù khổ sở đến đâu cũng ráng mà chịu. Ðức Phật Tổ đã dạy rằng: "Ta không vào địa ngục thì còn ai chịu vào?" Ðức Phật vào địa ngục còn không lùi bước mi mới bị đánh một đập mà đã không chịu được ư? Ngày trước Ðức Phật Tổ xả thân để nuôi chim ưng, xả thân cho cọp cắn. Ngài có tinh thần đại nhân đại nghĩa như vậy, sao mi không học lấy?

Du Thản Chi mỗi lần mở miệng than phiền với Duyên Căn là lại được nghe lão thống mạ thêm một hồi.

Sau gã không dám nói gì với lão nữa. Gã đành để cho số phận mình phải học chữ Phạn. Người ta thường nói: "Phúc đáo tâm linh." Có lẽ gã đến thời vận khá!

Tối hôm đó gã cởi áo đi ngủ, sờ vào bọc thấy cuốn sách của mình bọc giấy dầu.

Ðột nhiên gã nghĩ bụng:

- Văn tự trong sách này dường như cũng giống thứ văn tự mà sư phụ đương dạy mình.

Nghĩ vậy gã liền giở sách ra coi, nhận được hai chữ nhất cũng đọc là nhất, và một chữ tam cũng đọc là tam. Thế rồi bắt đầu gả thấy hứng thú trong việc tìm hiểu sách của mình. Gã tự nhủ: Trong sách nói gì mình không hiểu, nhưng nếu mình biết Phạn văn thì sẽ đọc được hết. Dù sao cuốn sách này cũng là bậc cao nhân cứu mạng cho mình. Ngày nọ trong thành Nam Kinh, A Tử cô nương bắt mình đem huyết nuôi trùng độc, nhờ sách này mà biết phép hóa nạn. Như vậy thì phương pháp trong này rất hữu dụng.

Từ lúc Du Thản Chi phát giác ra chuyện này gã không lấy việc học tập Phạn văn là một cực hình nữa, gã cố ghi câu sách cùng những lời thầy dạy, bởi gã cũng hy vọng một ngày kia sẽ đọc được cuốn sách trong bọc mình. Gã có linh cảm rằng cuốn sách đó ghi chép những đặc biệt, không thể cho Ba La Tinh hay biết được. Chỉ những lúc gã đi ngủ mới trùm chăn rồi hé ra xem lén một chút.

Những lúc gã coi văn tự trong sách, đồng thời gã coi cả hình người vẽ bên cạnh và dĩ nhiên gã không quên soi kỹ những đường chỉ vàng trong đồ hình, rồi gã dùng ý tưởng bắt đầu luyện công.

Du Thản Chi có ngờ đâu cuốn sách kinh này là Dịch Cân Kinh của Ðạt Ma Lão Tổ, vị thủy tổ chùa Thiếu Lâm viết ra. Cuốn kinh này là một bảo điển tối cao về võ học. Gã vô tình gã theo kinh sách mà tu luyện.

Kể ra thì tại chùa Thiếu Lâm từ mấy trăm năm nay không thiếu gì các vị cao tăng tu luyện Dịch Cân Linh, song tổn phí bao nhiêu ngày hằng mệt nhọc mà vẫn không được việc gì đặc sắc, nên các nhà sư cho là kinh này không linh nghiệm. Ðến ngày bị A châu lấy cắp đi, các vị cao tăng chùa Thiếu Lâm tuy có đem lòng căm giận, nhưng vẫn không cho là môt việc quan hệ. Họ có biết đâu rằng sở dĩ những bậc cao tăng tu luyện không thành hiệu quả là vì chưa khám phá ra được hai chữ trước ý. Nếu càng để ý mong mỏi cho công lực chóng tiến bộ thì lại càng không thu lượm được kết quả cao.

Các vị cao tăng chùa Thiếu Lâm cố tình luyện Dịch Cân Kinh mà chẳng ăn thua gì, còn Du Thản Chi thì trong lúc vô tình gặp nạn mà tu luyện thành hiệu quả.

Thật là:

Cố ý hoa hoa ủ rũ,

Vô tình tiếp liễu, liễu xanh om.

Trong đám tăng lữ chùa Thiếu Lâm hơn một trăm năm trước đây có vị thần tăng. Vị này xuất gia từ thuở nhỏ. Người có tính điên khùng. sư phụ nhà sư này cố tâm luyện Dịch Cân Kinh mà không thành giận quá ngồi viên tịch. Nhà sư vô tình lượm được cuốn kinh ở bên mình sư phụ mình, cười ha hả rồi bắt đầu luyện và sau thành một tay cao thủ phi thường. Nhưng cũng chỉ được một đời, võ công nhà sư đến cao cường thế mà đến lúc ngưồi viên tịch, thủy chung vẫn không nói ra được vì lẽ gì mà thành công. Mọi người chẳng ai hiểu đó là hiệu quả "Dịch Cân Kinh."

Du Thản chi vô tình luyện, gã không biết công lực mình mỗi ngày một tiến bộ, thì ra gã đi đúng con đường của nhà sư điên ngày trước.

Phạn văn rất khó học vì cách biến hóa phức tạp vô cùng.

Một hôm Ba La Tinh dạy Du Thản Chi đọc câu: Na la phạt đại đề" rồi lão cắt nghĩa:

- Có một cô gái tên là Na Phạt. Còn chữ "phạt đại đề" nghĩa là đang nói. Thế là chữ "Lạp" biến thành chữ "La"

Du Thản Chi nhớ kỹ rồi, một lúc sau, Ba La Tinh lại dạy câu: "Na Lạp Hách ba da đề" nghĩa là cô Na Lạp đang nấu cơm. Trong từ ngữ "ba da đề"có thanh âm Ba đứng trước nên chữ na Lạp đổi thành Na Lạp Hách.

Tiếp theo lão dạy đến câu: "Na Lạp Tự đế tư đặc cáp đề" nghĩa là cô Na Lạp đứng đó. Từ ngữ" Ðế tư đặc cáp đề", đứng đầu có âm "đế" nên chữ "Na Lạp" biến thành "Na Lạp Tư."

Du Thản Chi dương đôi mắt thao láo ra mà nghe đến co gân đút thịt vẫn ù ù cạc cạc.

Gã lẩm bẩm:

- Người Trung quốc nói vắn tắt và rõ ràng bằng một chữ "tram" (nghĩa là đúng) là đủ mà người Hồ bên Tâu Vực lại đọc thôi một tràng dài: "Ðề tư mạc cáp đề" gì gì không biết. Thế rồi một cô gái tên là "Na Lạp." Lúc cổ nói ra lại phải đổi thành "Na La", lúc cổ nấu cơm lại thành "Na Lạp Tư." Chà chà! Có cát tên cổ mà lúc nói lúc thổi cơm, lúc đứng lên đều biến đi. Không biết lúc cô ăn, đi ngủ, cô đi đường, cô mắng người, thì danh tự của cô còn biến ra gì gì nữa? ... Phạn văn đã khó nhọc như vậy thì tài trí Du Thản Chi không có cách nào hiểu được văn tự Dịch Cân Kinh?

Gã đành cứ đến tối luyện công theo sợi chỉ vàng xây trên hình người trong bản đồ.

Ban đầu gã chỉ là chơi, nhưng gã luyện được hơn nửa tháng, bất giác gã thấy luồng hơi mát mẽ theo lõi sợi chỉ vàng trong đồ hình mà đi vào thân thể gã. Luồng hơi này đi đến đâu thì các cơ thể trong người gã cực kỳ khoan khoái dễ chịu. Gã chẳng cần hiểu luồng hơi mát chu du lưu trong thân thể có lợi hại gì cho mình? Gã chỉ thấy khoan khoái dễ chịu là gã cứ luyện đều. Luồng hơi mát mẻ về sau đi quen đường, gã không cần xem sách, có cũng tự nhiên đi đúng đường không lầm lỡ.

Từ đó cả những lúc ăn cơm, lúc đi đường, lúc làm công việc hay đọc sách gã cũng vận động luồng hơi không ngớt.

Giả tỉ Du Thản Chi có tài thông minh để đọc sách như Ðoàn Dự, như Vương Ngọc Yến thì pho Dịch Cân Kinh này gã lại không luyện được đến chỗ thành tựu. Vì khi hiểu được ý nghĩa Phạn văn biết cách tu luyện tâm pháp vào hạng võ công cùng thượng thặng, điểm nào cũng để ý cũng cố gắng học đến chỗ tinh vi thì không khỏi phạm vào hai chữ trước ý. Môn này tuy làm cho thân thể người thêm phần cường kiện đẩy lùi được bệnh hoạn, song đối với những người đã có cõ công hạng thượng thặng thì không bổ ích gì.

Cuốn Dịch Cân Kinh này Kiều Phong đánh rớt. Du Thản Chi lượm được. Nhưng nếu Kiều Phong không để thất lạc, rồi ông học thêm chữ Phạn, luyện tập theo đúng phương pháp thì ông có là người khoáng đạt sáng suốt đến đâu, cũng không khỏi đem lòng mong mỏi cho công lực mình một ngày tinh tiến. Nếu luyện Dịch Cân Kinh theo lối đó thì chỉ tốn công vô ích mà thôi. Xem thế đủ biết lẽ cùng thông, họa, phúc, đều do cơ duyên quyết định, chớ không phải cưỡng cầu mà được.

Có luồng hơi mát không vận hành trong người Du Thản Chi theo đường lối trong đồ hình, thế là gã bỏ không luyện nữa.

Mà thật là kỳ quái! Có khi gã để cách mươi ngày hay nửa tháng mới luyện lại luồng hơi vẫn chạy thông đông không vấp váp.

Trong các môn võ học, bất luận môn gì cũng theo đà luyện tập mà tiến bộ thêm. Dù người cần mẩn đến đâu cũng khó có thể luyện qua sáu giờ trong một ngày, chỉ có môn "Dịch Cân Kinh" là không phải vận nội công, cũng không cần chú ý mà có thể vận hành không ngớt được. Nên dù lúc đang ngủ, công lực cũng tăng tiến.

Ðông tàn, Xuân lại Hạ qua, Thu tới, được hơn một năm.

Du Thản Chi ban đầu môn học Phạn văn cho hiểu nghĩa sách, nhưng càng học càng thấy khó. Gã muốn xem chừng muốn học cho thông nghĩa sách thì dù cặm cụi suốt đời cũng không thành công, nên gã bỏ ý niệm đó.

Ba La Tinh, cũng đâm ra chán nản, sau tức mình quá lão đánh đập Du Thản Chi luôn mấy ngày chứ không dạy chữ.

Du Thản Chi lặng lẽ chịu đòn, nhưng gã cảm thấy lão càng đánh nhiều cũng chẳng thấy gì, chỉ thấy hơi ngứa mà không đau đớn. Gã cho là Ba La Tinh đánh chịu đòn, chứ có hiểu đâu rằng công lực mình mỗi ngày mỗi tiến bộ và đã đến lúc tự bảo vệ được cho mình.

Một hôm xế chiều, Ba La Tinh dạy kinh sách một lúc, nhưng Du Thản Chi chẳng hiểu gì ráo. Lão tức quá phóng cả quyền cước hầm hầm đánh gã một hồi.

Nhưng lúc gã chạy rồi thì lão lại tự thương thân mình nét mặt buồn rầu vô hạn. Lão nghĩ mình bị quần tăng chùa Thiếu Lâm giam cầm không cho về cố hương. Lão toan dạy Phạn văn, Du Thản Chi để gã học thuộc kinh sách rồi cho gã về Thiên Trúc đọc lại thế thì mình dù có phải vì theo mệnh lệnh sư phụ mà xương táng quê người cũng đã góp được phần công đức với bản phái, là làm cho những kinh sách bị thất lạc trở về đất cu. Song gã mặt sắt ngu như trâu dốt như bò, cố dạy hơn một năm mà chưa thuộc nổi mười trang. Thế thì đến đời kiếp nào thì gã mới thuộc hết được ba mươi mấy pho kinh, chắc là đến lúc mình chết cũng chưa xong.

Lão bị thương rồi khóc rống lên một hồi thì đột nhiên tự đằng xa có khúc tiêu vọng lại thoang thoảng lọt vào tai lão.

Hiện nay nội công Du Thản Chi đã tiến đến mực mắt tinh, tai thính nên gã thoáng nghe tiếng sáo lọt vào tai. Chùa Thiếu Lâm phòng viện rộng lớn, sư sãi tu hành thanh tĩnh, cấm tiệt tiếng tơ tiếng trúc. Trong vòng mấy dặm, trước nay không nghe thấy tiếng âm nhạc bao giờ, vậy thì tiếng sáo này ở đâu mà ra?

Du Thản Chi không hiểu nhạc luật, song gã nghe rõ tiếng sáo lúc nhát gừng, lúc liên tục khi lên bổng khi xuống trầm, thanh âm cực kì quái dị.

Gã còn đang ngơ ngẩn kinh ngạc, bỗng nghe bên kia vách ngăn trong phòng Ba La Tinh, cũng nổi lên ba hồi sáo lanh lảnh. Gã liền ghé mắt vào kẽ vách để nhìn sang thì thấy Ba La Tinh tay cầm ống sáo ngắn để lên môi đang thổi. Nhưng lão chỉ thổi ba hồi rồi hạ xuống đút vào bọc vẻ mặt tươi cười hớn hở, vùi đầu vào xuống ngủ.

Từ ngày Du Thản Chi đến ở với Ba La Tinh, chưa bao giờ lão thấy gã hí hửng như bữa nay thì tự hỏi:

- Mấy tiếng sáo vừa rồi hẳn là điều gì quan trọng? Phải chăng lão có đồng bạn ở bên Thiên Trúc qua đây đã tiếp ứng cho lão? Mấy tiếng sáo này Ba La Tinh và Du Thản Chi dĩ nhiên đã nghe thấy rồi, vậy chắc trong chùa Thiếu Lâm cũng có mấy vị cao tăng nghe rõ. Quả nhiên chưởng môn phương trượng truyền pháp dụ ra cho các nơi phải gia tâm phòng bị để cản trở địch nhân xông vào chùa Thiếu Lâm đồng thời phải coi chừng Ba La Tinh, đừng để cho lão trốn thoát.

Ngờ đâu nửa tháng trời, tuyệt không có sự gì xảy ra, mà cũng không có động tĩnh nào khác lạ.

Việc đề phòng tại chùa Thiếu Lâm dần dần trở lại sơ thoáng trễ tràng.

Một đêm kia, giữa lúc canh khuya Du Thản Chi đang ngủ say bất thình lình bỗng nghe có tiếng"chí chí"rất khẽ. Một là hiện nay nội công gã tinh tiến, hai là gã thích chơi rắn rết từ thuở nhỏ, nên vừa nge tiếng rắn độc phì phì là gã biết ngay.

Gã ngồi nhỏm dậy lắng tai nghe thì phát giác ra rằng"chí chí"đó ngay ở phòng bên.

Du Thản Chi toan lên tiếng đánh thức Ba La Tinh phải đề phòng có rắn độc bò đến.

Gã chưa kịp mở miệng thì lại nghe mấy tiếng sáo vu vi giống hệt những tiếng mà Ba La Tinh đã thổi trước đây trên nửa tháng.

Du Thản Chi động tánh hiếu kì, lại ghé mắt qua khe vách ván. Thì eo ôi! Ðầy phòng Ba La Tinh toàn là rắn độc cỡ có đến mấy ngàn con. Con nào cũng cất đầu lên ngất ngưỡng nhìn Ba La Tinh, dường như muốn nhảy xổ vào.

Du Thản Chi lẩm bẩm:

- Chí nguy! Thật là chí nguy! Tìm cách nào mà cứu được lão bây giờ?

Gã định thần nhìn thì thây đàn rắn dừng lại xung quanh Ba La Tinh còn cách ngoài ba thước, mặc dầu những con bên ngoài bò đẩy những con trong cũng chỉ đứng lại trước cái vòng tròn vô hình không xê xịch tiến thêm một tấc nào nữa.

Du Thản Chi nhớ lại bữa trước nhà sư Tam Tĩnh dùng thuốc kỵ vạch vòng tròn để ngăn ngừa con tằm kỳ dị không dám tiến qua, gã chắc rằng Ba La Tinh cũng dùng được vật gì khắc chế các loài rắn độc như Tam Tĩnh đã kiềm chế con tằm kỳ dị kia.

Nghĩ vậy, Du Thản Chi cảm thấy trong lòng ổn định được một chút. Gã chỉ còn chưa hiểu rõ một vấn đề:

- Tại sao bao nhiêu rắn độc ùn ùn kéo về đây?

Bỗng thấy Ba La Tinh cầm ống sáo đưa lên miệng thổi.

Nhưng lần này lão thổi một khúc nhạc rất du dương rất êm ái lọt tai.

Trong mấy ngàn con rắn độc này, bỗng có hai con sắc vàng lắc lư theo nhịp của tiếng sáo. Còn ngoài ra cả đàn rắn: xanh có, đen có, sặc sở có, thì chỉ ngếch đầu lên mà nhìn, chứ không nhúc nhích, nên hai con sắc vàng lắc lư cái đầu theo nhịp nhạc trông càng rõ rệt.

Tiếng sáo của Ba La Tinh mỗi lúc một lên cao, mấy con rắn đi lượn vòng vèo ra ngoài nhá chơi, rồi hơn chục con khác cũng theo ra.

Bất thình lình ngoài cửa có tiếng người kinh hải, la lên:

- Rắn độc! Trời ơi! Rắn độc kéo đến đông quá!

Lại có tiếng người khác nói tiếp:

- Vị Hồ tăng bên Thiên Trúc không chừng bị rắn độc cắn chết rồi? Không hiểu tại sao rắn về nhiều thế?

Một người nữa lại nói:

- Hãy khoan đừng nhhốn nháo! Ðể coi cho rõ rồi sẽ báo.

Du Thản Chi biết ngay đây là những nhà sư chùa Thiếu Lâm đến để canh chừng Ba La Tinh.

Ba la Tinh thổi sáo mỗi lúc một lên cao.

Ðàn rắn độc trong phòng mổi lúc ra ngoài một đông, dường như lũ rắn không chịu nổi tiếng sáo bổng và réo rắt, chúng tới tấp chạy đi. Số đông cất đầu lên rất cao, chỉ còn khúc đuôi ở dưới đất chống lấy cái mình ngất ngểu múa lên.

Ba La Tinh thổi sáo một hồi nữa thì dường như hết hơi.

Ðàn rắn độc trong nhà tranh nhau chạy ra.

Bốn nhà sư đứng ngoài cửa la lối om sòm.

- Lạ quá! Suốt đời tôi chưa bao giờ thấy nhiều rắn như bữa nay!

Có vị nói:

- Phải chăng vị hòa thượng Thiên Trúc này nguyên là xà linh xuất thế?

Có vị nói:

- Ta phải mau mau về bảo với Huyền Nạn sư bá!

Hai con rắn vàng sau bò lại rất nhanh khiến cho Du Thản Chi trông thấy phải hoa mắt.

Ðột nhiên đánh"bịch"một tiếng, một con rắn vàng không chống nỗi nữa, ngã lăn ra nằm dãy. Tiếp theo con rắn vàng kia cũng ngã xuống.

Ba La Tinh vương tay ra nắm lấy một con. Lão lấy một miếng vải dày phủ lên đầu nó lật ngửa con rắn lên sờ soạn một lúc rồi lấy lưỡi dao con rạch vào dụng rắn một đường dài chừng nữa tấc. Ðoạn lão nắn đi nắn lại mấy cái rút ra một cái ống dài chừng ba tấc tựa hồ như một khúc ruột non.

Ba La Tinh người run run bốc ra. bên ngoài có một cuộn tròn nhỏ xíu.

Lão mở ra thì là một mảnh giấy rất mỏng có viết chữ nhỏ dày chi chít.

Du Thản Chi rất lấy làm kỳ, tự hỏi:

- Tại sao trong bụng rắn lại có chữ?

Gã ngưng thần coi kỹ lại thì thấy trên chữ trên mãnh giấy này ngoằn ngoèo theo lối chữ Phạn nước Thiên Trúc. Bấy giờ gã mới tỉnh ngộ, lẩm bẩm một mình:

- Phải rồi! Con rắn này là của đồng bọn lão ta cho đến để đưa tin.

Du Thản Chi còn đang ngẫm nghĩ thì thấy Ba La Tinh lại theo cách trước mổ bụng con rắn vàng thứ hai và lấy ra khúc nữa trong cũng có một mảnh giấy.

Lão mở mảnh giấy ra xem.

Du Thản Chi chú ý nhìn trộm thì văn tự trong mảnh giấy này giống hệt mảnh giấy trước.

Ba La Tinh đưa mắt đọc chữ trên mảnh giấy một lượt rồi để sang một bên.

Du Thản Chi lẩm bẩm:

- Ðối phương hành động cực kỳ chu đáo, họ sợ một con rắn đọc dọc đường có thể xảy ra chuyện bất ngờ nên dùng hai con rắn đem tin. Thư tín trong bụng hai con rắn cũng chỉ coi là một.

Bỗng thấy Ba La Tinh lật dưới chiếu lên lấy ra một mảnh giấy mỏng dùng hòn than nhỏ viết mấy hàng chữ rất nhanh rồi cũng cuốn lại cho vào khúc ruột giả ấy nhét vào bụng rắn.

Lão lại xé một mảnh áo buộc vết thương lại cho hai con rắn.

Ðoạn lão mở cửa liệng một con vào đống cỏ rậm. lão toan thả nốt con rắn thứ hai thì đột nhiên đánh"binh"một tiếng ván cửa bị chưởng phong đánh bật ra.

Ðèn lửa trong nhà bị luồng gió tạt đi.

Giữa lúc này trong phòng xuất hiện thêm bốn vị lão tăng.

Nhà sư đứng đầu bên tã phóng chưởng ra trên không vù vù mấy tiếng nhằm đánh vào tay phải Ba La Tinh.

Ba La Tinh cảm thấy tay phải bị tê nhức. Con rắn cầm trong tay này đánh rơi xuống đất.

Nhà sư đầu mé hữu đưa ngón tay ra lách cách mấy tiếng con rắn nhảy lên một cái.

Sau mấy tiếng bật ngón tay, đầu rắn sưng húp lên huyết nhục nhão ra, liền chết tại chỗ.

Du Thản Chi cả kinh nghĩ thầm:

- Thần công vị lão hòa thượng này đến thế là cùng! Bật tay trên không mà đánh chết được con rắn.

Bỗng thấy nhà sư vừa đánh chết con rắn lên tiếng:

- Vị thần phải nể cây da. Tệ tự kính ngưỡng Ðức Phật Tổ nên sư huynh phạm lỗi lớn là lén vào Tàng Kinh Lâu lấy trộm sách cũng bỏ đi không cứu xét. Tệ tự chỉ lưu sư huynh lại để trọn kiếp tu hành. Thế mà sư huynh gọi rắn rết về nơi cửa Phật là chỗ thanh tịnh làm gì? Như vậy há phải hành động của bậc chân tu!

Ba La Tinh chỉ nhắm mắt chắp tay nhưng không nói gì.

Một vị lão tăng khác nói:

- Con rắn này tất có điều chi kỳ lạ. Tam Thông! Ngươi lượm con rắn đó đem ra ngoài xem xét lại coi. Tại sao mình nó lại quấn băng vải.

Ba La Tinh nghe nói vậy biết rằng cơ mưu của mình đã bị bại lộ, liền phóng chưởng ra nhằm đánh vào con rắn.

Một vị lão tăng đứng ngoài cửa, phất tay áo thầy tu một cái, một luồng kình phong phát ra vù vù cản luồng chưởng phong của Ba La Tinh lại.

Ðồng thời đèn lửa trong phòng tắt phụt. Bụi bặm cùng vôi vữa trên nóc nhà rơi xuống lả tả.

Một nhà sư đứng tuổi ở ngoài cửa chính là Tam Thông cúi xuống lượm con rắn chết lên rồi lui ra ngoài.

Bốn vị lão tăng đồng thời cất tiếng niện:

- Nam mô Phật tổ cứu độ chúng sinh!

Ðồng thời phất tay áo một cái, luồng chưởng phong nổi lên cực mạnh, tấm ván cửa bật ra rồi bay đi rất xa lâu lắm mới rớt xuống.

Bốn nhà sư cũng băng mình ra cửa cùng môt lúc, không có kẻ trước người sau.

Kể ra khuôn cửa này chỉ rộng đủ chỗ cho hai nhà sư sóng vai ấy ra.

Ấy thế mà cả bốn vị vừa né lách coi như một phiến liền bay ra lọt mới kỳ.

Du Thản Chi đứng ở phòng bên thấy thế không khỏi sinh hồn động phách, lẩm bẩm:

- Trên thế gian sao lại có hạng võ công ghê gớm đến thế? Kẻ đại cừu của ta là Kiều Phong tự xưng "Thiên hạ vô địch" nhưng đem so với mấy vị cao tăng này chưa chắc thấm vào đâu?

Thật ra bốn vị lão tăng này tuy công lực thâm hậu nhưng so với Kiều Phong một tay thần võ, hãy còn kém xa.

Kể về võ công thì hiện giờ Du Thản Chi cũng đã hơn bốn vị lão tăng nầy rồi. Có điều gã không tự biết mà thôi.

Ba La Tinh thấy bốn nhà sư ra khỏi rồi, ván cửa cũng rời ra.

Những trận gió thu thổi ào ào vào phòng càng tăng thêm vẻ tiêu điều.

Lão nghĩ tới con hoàng xà đã vào tay đối phương, lại chùa Thiếu Lâm thế nào chả có người hiểu Phạn văn và những điều bí mật của mình tất bị họ khám phá. Thế là giấc mộng trở về Thiên Trúc lại tan ra bọt nước.

Lão càng nghĩ càng buồn rầu, rồi đột nhiên nằm phục xuống khóc rống lên.

Du Thản Chi thấy Ba La Tinh khóc lóc cực kỳ thống thiết, trong lòng bất nhẫn lên tiếng an ủi lão:

- Sư phụ! Mới có một con rắn bị họ đánh chết, còn con kia trốn thoát rồi cũng đủ đưa tin đi, hà tất sư phụ phải đau lòng như vậy?

Ba La Tinh nghe lão nói thế, ngừng bật tiếng khóc, bảo:

- Ngươi... Ngươi ra đây!

Du Thản Chi đứng dậy chạy ra phòng lão nói:

- Tiểu nhân đi tìm những tấm ván cửa lấp lại đã!

Ba La Tinh nói:

- Khoan đã! Sao ngươi biết ta còn một con rắn nữa trốn thoát?

Du Thản Chi đáp:

- Tiểu nhân nhìn rõ cả sư phụ nhét một miếng giấy vào bụng nó.

Ba La Tinh đáp:

- Hừ! Không phải tâm ta độc ác với ngươi, nhưng ngươi đã phát giác ra điều bí mật của ta. Vậy ta dung ngươi thế nào được?

Nói xong đột nhiên lão đứng phắt dậy nhảy xổ tới sau lưng Du Thản Chi, giơ hai tay ra bóp chặt cổ gã.

Du Thản Chi bị Ba La Tinh nghẹn cổ muốn hô hoán lên, nhưng không kêu ra tiếng được.

Gã thấy bốn ngón tay lão cứng như sắt mội lúc một ghịt chặt thêm.

Gã bị người đè nén ngược đãi quen rồi, không nghĩ gì đến ra tay kháng cự.

Trong lòng gã những muốn năn nỉ:

- Sư phụ ơi! Xin sư phụ nới tay! Tiểu nhân không dám đưa việc hoàng xà đó nói với ai đâu?

Mà không sao nói ra được.

Ba La Tinh không sao nghe tiếng gã lầm bầm mà dù cho lão có nghe thấy chăng nữa, cũng không chịu dung tha.

Du Thản Chi vừa đau đớn vừa sợ hải quá, quỳ mọp ngay xuống nhưng Ba La Tinh chỉ mỗi lúc một rít chặt tay thêm.

Du Thản Chi thấy tối tăm mặt mũi, nghĩ thầm:

- Phen này ta đành chịu chết rồi!

Bỗng nghe phía sau có người hắng giọng rồi lên tiếng nói:

- Ba La Tinh thấy có hai nhà sư Thiếu lâm đến nơi, đành phải buông Du Thản Chi, giọng xẳng hỏi:

- Các ngươi đến đây có việc chi?

Một nhà sư Thiếu Lâm lùi lại một bước, nấp vào sau nhà sư kia rồi mở mảnh giấy đọc mấy câu li la li lô, đoạn nói tiếp:

- Bức thư gởi cho đại sư đại ý nói: đến đêm trăng tròn sau người sẽ đến chùa để đón đại sư. Ha ha! Ðáng tiếc, thật là đáng tiếc.

Ba La Tinh hỏi:

- Tiếc cái gì?

Nhà sư kia nói:

- Ðáng tiếc không giữ được kín đáo. Phong bì này bị bần tăng khám phá ra được.

Ba La Tinh cáu tiết nói:

- Bọn Hòa Thượng Trung Nguyên các ngươi đều là phường vong ân bội nghĩa. Các ngươi đã qua bên Thiên Trúc lấy kinh về rồi giữ làm của mình. Ta đây bất quá mượn xem lại chỉ vì các kinh này cũng chỉ của Thiên Trúc mà ra. Các ngươi uống nước mà không biết nhớ nguồn. Sao không nghĩ đến chỗ những king sách vì đâu mà có?

Nhà sư kia đáp:

- Nếu sư huynh chỉ coi kinh cũ của Thiên Trúc thì chúng tôi quyết không ngăn trở làm gì. Ðừng nói sư huynh lấy ra đọc, mà có bản sao lại thì chùa Thiếu Lâm chúng tôi cũng xin làm giúp để hoàn thành công đức là đã giữ được những pho kinh cũ quy hoàn bên Thiên Trúc. Nhưng sư huynh lại xem trộm những bí lục về võ học của các vị cao tăng bao nhiêu đời của chùa Thiếu Lâm soạn ra. Như thế thì không thể được.

Ba La Tinh tức giận nói:

- Ta đọc là đọc những kinh sách bằng chữ Phạn của nước Thiên Trúc bọn sư sãi Trung Nguyên các ngươi làm gì có kinh sách bằng chữ Phạn?

Nhà sư kia đáp:

- Ấy chính chỗ đó mới là kỳ dị...

Du Thản Chi nghe hai bên tranh biện, cũng đem lòng suy luận xem ai phải ai trái.

Gã lẩm bẩm:

- Kể ra thì chùa Thiếu Lâm đối xử với nhà sư Thiên Trúc không có gì quá đáng, chỉ giữ lão không cho rời khỏi chùa này mà thôi. Nhưng biết đâu canh khuya tịch mịch, lão không giết mình. Nếu bây giờ không trốn đi, e rằng khó lòng toàn mạng.

Nghĩ vậy gã rảo bước ra khỏi rừng trúc, quanh qua vườn rau, gã nhìn không thấy ai liền co giò chạy tuốt. Gã chạy mỗi lúc một mau thoáng cái đã qua hai ngọn núi. Gã cảm thấy nhẹ nhàng gặp những tảng đá lớn, gã chỉ khoa chân một cái nhảy qua, hay gặp khe lạch, gã chỉ đề thí là nhảy sang bờ bên kia như không?

Du Thản Chi cắm cổ chạy một lèo. Khi ngoảng đầu lại coi thấy chùa Thiếu Lâm ẩn hiện trong đám rừng cây và cách đã xa rồi.

Gã dừng bước lại, trong lòng rất lấy làm quái dị tự hỏi:

- Sao mình chạy được nhiều đường đất đến thế mà không chút mệt nhọc? Sao mình chạy bước lại mau lẹ khác thường? Hay là... có ma đưa lối quỷ đem đường?

Du Thản Chi đang ngẫm nghĩ, bỗng thấy những ngọn khói cuồn cuộn bốc lên trên không ở phía sau chùa, thì khinh sợ lẩm bẩm:

- Chà chà! Trong chùa đang nấu cơm. Lát nữa Ba La Tinh bảo mình đi lấy cơm, lão không thấy tất lên tiếng gọi và bọn thầy chùa tất đuổi theo mình.

Nghĩ tình cảnh bị bắt về chùa, chắc chết mất mạng, gã lại co dò chạy tuốt.

Lần này gã hoang mang quá không phân biệt đường lối cứ nhằm vào đám rừng hoang rậm rạp mà chạy dài, với ý nghĩ xa chùa Thiếu Lâm được chừng nào hay chừng nấy.

Du Thản Chi chạy hồi lâu, quay đầu nhìn lại phía chùa Thiếu Lâm thì thấy rừng núi trùng điệp, không còn thấy mái chùa đâu nữa, gã đã hơi yên dạ. Nhưng gã vẫn chưa hết băn khoăn, lủi vào trong bụi cỏ rậm để nghe ngóng bốn mặt xem có động tịnh gì không.

Trong hang động chim hót líu lo, trùng kêu rộn rã. Giữa cảnh hoang vu u tịch, về góc Tây bắc, đột nhiên có hồi sáo thổi vọng lại.

Du Thản Chi giật mình đánh thót một cái, vì tiếng sáo này giống hệt tiếng sáo Ba La Tinh thổi hôm trước để gọi rắn độc về.

Gã toan đứng dậy chạy trốn mà không hiểu tại sao chân mình tựa hồ đóng đinh xuống đất không sao nhúc nhích được.

Gã lại càng hoảng hốt la thêm "Có ma! Có ma!."

Thực ra chỉ vì gã khiếp sợ quá và cặp giò nhủn ra.

Tiếng sáo mỗi lúc một gần, Du Thản Chi ngồi trong cỏ rậm dương mắt lên nhìn thì thấy trên sườn núi mé Tây Bắc có hơn mười nhà sư người Hồ, mình mặc áo vàng để lộ tay trái ra ngoài.

Người nào mặt cũng đen thui, rõ ràng cùng một chủng tộc với Ba La Tinh.

Bọn Hồ tăng này chạy đến đầu mé núi tả thì xếp bằng ngồi xuống, cứ bốn người một chỗ, cả thảy mười sáu người.