13/10/12

Nghìn lẻ một đêm (C13)

- Thưa đấng Thống lĩnh các tín đồ - Nàng bắt đầu kể - Để không phải lặp lại những điều mà Người đã biết qua câu chuyện của bà chị tôi, tôi xin nói ngay là mẹ tôi sau khi đã mua một căn nhà để ở riêng trong cảnh goá bụa, thì gả tôi, cùng với của hồi môn cha tôi để lại, cho một trong những người thừa kế giàu có nhất thành phố này.
Thành hôn chưa được một năm thì chồng tôi qua đời để lại cho tôi thừa hưởng khoản tài sản, lên tới chín mươi nghìn equins. Riêng lợi tức của khoản tiền này cũng đủ cho tôi chi dùng suốt đời một cách lương thiện. Nhưng qua sáu tháng đầu chịu tang, tôi cho may mười bộ áo quần khác nhau và cùng vào loại sang trọng lộng lẫy, giá mỗi bộ tới một ngàn sequins. Tôi bắt đầu trưng diện các bộ quần áo ấy vào dịp đầu năm.
Một hôm, tôi ở nhà một mình lo các việc trong nhà thì được báo là có một bà nào đó muốn gặp. Tôi ra lệnh cho đưa vào. Đó là một bà rất già. Bà ta hôn đất chào tôi và nói với tôi ở tư thế quỳ:
- Thưa quý bà, xin bà thứ lỗi cho là đã dám mạo muội tới làm phiền bà. Niềm tin vào lòng nhân hậu của bà đã làm cho tôi mạnh dạn. Thưa bà đáng kính, tôi xin nói là tôi có một đứa con gái mồ côi cha phải lấy chồng ngày hôm nay, mà con gái tôi và tôi đều là người xa lạ không một chút quen biết với ai trong thành phố này. Điều đó làm chúng tôi bối rối vì chúng tôi muốn cho bên gia đình rất đông người sẽ là thông gia của mình thấy chúng tôi không phải là những người bần hàn mà cũng có vốn liếng. Vì vậy nên, thưa quý bà nhân hậu, nếu bà có thể tới tham dự lễ cưới của con gái tôi thì chúng tôi sẽ vô cùng đội ơn. Các bà quê tôi sẽ không còn coi chúng tôi là những kẻ cùng khổ khi thấy một con người cao sang như bà đã hạ cố cho chúng tôi một vinh hạnh lớn lao. Nhưng nếu bà khước từ lời cầu xin của tôi, thì than ôi! Chúng tôi sẽ vô cùng tủi khổ, vì chẳng còn biết nhờ cậy vào ai nữa.
Bà già tội nghiệp vừa nói vừa khóc làm tôi cầm long chẳng được, bảo bà:
- Bà má ơi, bà chớ nên quá buồn tủi. Tôi sẵn sàng vui lòng làm theo lời yêu cầu của bà. Bà hãy nói xem tôi phải đi đâu, tôi chỉ cần thời gian để ăn mặc cho gọn gàng một chút.
Bà già nghe vậy tỏ vẻ mừng rỡ, bất ngờ nhanh nhẹn ôm hôn bàn chân tôi làm tôi không kịp ngăn.
- Thưa quý bà nhân hậu - Bà già đứng lên nói - Thượng đế sẽ ban thưởng cho bà vì lòng tốt đối vớí các tôi tớ và sẽ làm cho tám lòng của bà được mãn nguyện cũng như bà đã làm mãn nguyện tấm lòng của chúng tôi. Bây giờ chưa phải phiền đến bà phải vất vả mà bà chỉ cần đến với tôi chiều hôm nay là đủ rồi, và vào giờ nào thì tôi sẽ xin đến rước bà sau. Xin tạm biệt bà, thưa bà - bà già nói them. Hân hạnh sẽ được gặp lại bà.
Bà già vừa đi khỏi, tôi chọn mặc bộ trang phục mình ưng nhất với một chuỗi hạt ngọc trai làm vòng cổ, với nhẫn và hoa tai kim cương đẹp nhất bóng nhất. Tôi có linh cảm cái gì đó sẽ xảy ra với tôi.
Chập tối, bà già trở lại với vẻ hớn hở vui mừng khôn tả. Bà hôn tay tôi và bảo:
- Thưa bà kính yêu, họ hàng con rể tôi là những quý bà tai to mặt lớn ở thành phố này đã tề tựu đông đủ. Bà tới lúc nào cũng được, tôi lúc nào cũng sẵn sàng làm người hướng đạo hầu bà.
Chúng tôi lên đường ngay. Bà ta đi trước, tôi theo sau, cùng với một số đông những nô tì ăn vận sạch sẽ tháp tùng. Chúng tôi dừng lại trong một đường phố rộng rãi, vừa được quét tước và phun nước tưới, trước một cổng lớn có một chiếc đèn lồng chiếu sáng. Trên cổng, tôi đọc được một dòng chữ vàng sau: Đây là nơi trú ngụ vĩnh viễn của nhữug lạc thú và sự hân hoan bất tận. Bà già giơ tay gõ cửa và cửa mở tức thì.
Tôi được dẫn tới cuối sân vào một gian phòng lớn và được một thiếu phụ trẻ đẹp chưa từng thấy ra đón mời. Nàng ta tiến đến trước mặt tôi và sau khi ôm hôn và mời tôi ngồi cạnh nàng trên một chiếc sập có đặt chiếc ngai bằng gỗ quý khảm kim cương, nàng bèn nói với tôi:
- Thưa bà, bà được mời tới đây để dự lễ cưới, nhưng tôi mong bà sẽ thấy đám cưới nay khác hẳn những đám cưới mà bà hình dung. Tôi có một ông anh khôi ngô tuấn tú và hoàn hảo về các mặt hơn tất cả mọi đấng nam nhi. Anh ấy quá say mê cái chân dung được nghe người ta tả về sắc đẹp của bà đến mức thấy số phận của mình hoàn toàn bị phụ thuộc vào bà. Anh ấy sẽ vô cùng đau khổ nếu không được bà đoái thương. Anh ấy biết địa vị của bà trong xã hội và tôi có thể đoan chắc với bà là địa vị của anh ấy cũng chẳng đến nỗi không xứng trong sự kết hợp này. Thưa bà, nếu những lời cầu xln của tôi có một chút nào tác dụng thì tôi xin góp thêm vào lời của anh tôi và mong bà chẳng nỡ khước từ mà chấp nhận lời cầu hôn của anh ấy được đón rước bà làm vợ.
Từ ngày chồng mất, tôi chưa từng có ý nghĩ tái giá, nhưng không đủ sức để khước từ một chuyện tốt đẹp như vậy. Tôi chỉ biết ngầm tỏ vẻ ưng thuận bằng sự im lặng kèm theo sắc ửng hồng hiện trên mặt. Thiếu phụ trẻ vỗ tay: cánh cửa một căn phòng bật mở và từ đó bước ra một thanh niên phong thái chững chạc và thật duyên dáng làm cho tôi thấy mình thực là may mắn đã chinh phục được một chàng traỉ quá điều mong ước. Chàng ngồi xuống cạnh tôi và qua câu chuyện trao đổi tôi càng thấy giá trị của chàng còn vượt hơn cả những lời giới thiệu của thiếu phụ với tôi.
Khi nhận thấy là chúng tôi đã cùng ưng nhau, nàng vỗ tay lần nữa. Một pháp quan bước vào, lập tờ hôn thú, ký vào đó và bắt cả bốn người làm chứng mà ông ta đem theo cùng ký vào. Điều cam kết duy nhất mà chú rể đòi hỏi ở tôi là ngoài anh ta ra thì tôi không được gặp gỡ, chuyện trò với bất cứ một người đàn ông nào. Anh ta hứa với tôi lả ngoài điều kiện đó ra thì tôi hoàn toàn có thể hài lòng anh tạ về mọi mặt. Cuộc hôn nhân của chúng tôi được ký kết và kết thúc theo cách đó. Như vậy tôi hoá ra là vai trò chính trong lễ cưới mà tôi lại là người khách duy nhất được mời.
Một tháng sau kể từ ngày hôn lễ, cần một thứ vải may mặc, tôi xin phép chồng tôi ra phố để mua sắm. Chàng đồng ý, tôi đem theo bà già mà tôi đã nói đến ở trên là người trong nhà cùng với hai nô tì của tôi nữa.
Khi chúng tôi đến phố của những người buôn bán, bà già bảo tôi: “Bà chủ tốt bụng của tôi ơi! Vì bà muốn mua một mảnh vải lụa, tôi sẽ dẫn bà tới một ngưởi bán hàng trẻ tuổi mà tôi quen biết. Anh ta có đủ các mặt hàng, bà sẽ thấy ở đó thứ bà cần mà chẳng ở đâu có cả. Chẳng phải đi hết cửa hàng nọ đến cửa hàng kia cho mệt”. Tôi để cho bà già dẫn đi và vào một cửa hàng của một người trẻ tuổi khá điển trai. Tôi ngồi xuống và bảo bà gìa nói với anh ta cho xem những tấm lụa đẹp nhất trong cửa hàng. Bà già cứ muốn tôi tự đặt ra yêu cầu đó nhưng tôi bảo bà là một trong những điều cam kết trong hôn nhân của tôi là ngoài chồng tôi ra thì không được nói năng gì với bất cứ người đàn ông nào. Vì vậy nên tôi không được làm trái điều đó.
Người chủ cửa hàng đưa ra cho tôi xem nhiều tấm vải có một tấm tôi thích hơn tất cả và cho hỏi giá tiền bao nhiêu. Hắn nói với bà già: “Dù bằng vàng bằng bạc tôi cũng không bán nhưng tôi sẽ biếu không nếu nàng ấy cho tôi hôn mọt cái vào má”. Tôi bảo bà già trả lời hắn thật là quá táo bạo mà dám đề nghị như vậy. Nhưng đáng lẽ phải tuân lệnh tôi thì bà già lại bảo là đề xuất của người bán hàng cũng có gì là to tát và quan trọng lắm đâu: không phải nói năng gì mà chỉ có việc giơ má ra thôi, thế là xong. Tôi rất muốn có mảnh lụa đó mà đã nhẹ dạ nghe theo lời khuyên của bà già. Bà ta cùng những nô tì của tôi đứng che phía trước để không ai nhìn thấy và tôi lật mạng che mặt lên nhưng thay cho cái hôn thì tên bán hàng lại cắn má tôi tới chảy máu.
Bị đau và quá kinh ngạc, tôi ngã lăn xuống bất tỉnh. Khá lâu ở trong tình trạng bất tỉnh đủ thời gian để cho tên chủ đóng cửa hàng và chạy trốn. Khi tỉnh lại, tôi thấy má mình đẫm máu. Bà già và các nô tì của tôi đã cẩn thận che mạng kín cả khuôn mặt cho tôi để mọi người chạy tới không nhận biết được gì và cho là tôi chỉ bị một cơn suy nhược thôi.”
Scheherazade kể đến đây, thấy trời hửng sáng nên ngừng lại. Hoàng đế thấy chuyện vừa nghe quả là kỳ lạ, đứng lên và tự hứa sẽ phải nghe tiếp cho thoả trí tò mò.

***

Tàn đêm hôm sau, Dinarzade thức giấc, gọi hoàng hậu:
- Chị ơi? Nếu chị không còn ngủ nữa thì xin chị kể nốt cho em nghe chuyện nàng Amine đi!
- Thiếu phụ đó kể tiếp như thế này – Scheherazade nói:
“Bà già đi theo tôi - Nàng kể tiếp - hết sức lo lắng về chuyện vừa xảy ra, cố gắng trấn an tôi:
- Thưa bà chủ tốt bụng, già này xin bà tha lỗi cho vì đã gây nên tai hoạ này. Già đưa bà chủ tới cửa hàng này vì người bán hàng là người đồng hương và không ngờ hắn ta lại làm nên chuyện động trời như thế. Xin bà chớ nên quá lo buồn, không nên để mất thời gian nữa, hãy cùng nhau về nhà, già sẽ đưa cho bà chủ thuốc sẽ chữa bà khỏi trong vòng ba ngày không còn để lại dấu vết gì.
Đợt ngất đi đã làm tôi yếu sức đến mức không đi được. Tuy vẫn về được tới nhà, nhưng tôi lại ngất đi vì quá suy nhược khi bước vào buồng ngủ. Nhưng bà già đã mang thuốc đến cho tôi, tôi tỉnh lại và lên giường nằm.
Đêm xuống, chồng tôi về. Chàng nhận thấy đầu tô; trùm kín, hỏi tôi làm sao. Tôi trả lời chàng là bị đau đầu và hy vọng là chàng chỉ hỏi thế thôi. Nhưng chàng đã đưa ngọn nến đến gần xem và nhìn thấy vết thương ở má tôi.
- Vì sao có vết thương này?- Chàng hỏi tôi.
Mặc dù tội của tôi chẳng lấy gì làm nặng nề cho lắm, tôi cũng không dám nói lên sự thật. Tôi cho là thú nhận sự việc đó với một người chồng có vẻ như là một cái gì đó thiếu phần tế nhị. Tôi bảo chàng là lúc đi mua mảnh lụa để dùng và đã được chàng cho phép, một người gánh củi đi quá gần trong một đường phố hẹp, đã vô ý để một cành củi chạm vào làm sầy da mặt, có việc nhỏ thế thôi
Chồng tôi đùng đùng nổi giận:
- Hành động đó - Chàng nói - cần phải bị trừng phạt. Ta sẽ ra lệnh pháp quan ngày mai bắt giữ lại tất cả bọn kiếm củi đem xử giảo hết. Lo sợ mình là nguyên nhân cái chết của bao nhiêu người vô tội, tôi bảo chàng:
- Chàng ạ, em sẽ rất chạnh lòng khi để sự bất công to lớn đó xảy ra. Em xin chàng đừng phạm phải. Em sẽ không bao gịờ đáng được tha thứ nếu gây ra sự bất hạnh này.
- Vậy thì nàng hãy thành thật nói cho ta rõ – Chàng bảo - Ta phải nghĩ như thế nào về vết thương của nàng?
Tôi lại bảo chàng là do sự vô ý của một anh bán chổi cưỡi trên lưng lừa đi phía sau tôi. Anh này ngoảnh mặt sang phía khác nên con lừa không được điều khiển đã hích vào tôi làm tôi ngã, má đập vào mảnh kính.
- Nếu đúng như vậy - Chồng tôi nói ngay - thì ngày mai ngay lúc mặt trời chưa mọc thì tể tướng Glafar sẽ được biết sự hỗn xược này. Ông ta sẽ cho tất cả những người bán chổi xuống suối vàng...
- Ôi, nhân danh Thượng đế - Tôi ngắt lời chàng – Em xin chàng hãy khoan thứ cho họ. Họ không phải là thủ phạm.
- Thế là thế nào, thưa bà - Chàng nói - Ta phải tin sao đây? Bà hãy nói đi. Ta muốn chính miệng bà phải nói ra sự thật.
- Chàng ạ - Tôi đáp - Em bị chóng mặt quay cuồng và bị ngã. Có thế thôi mà.
Nghe đến đây, chồng tôi không còn kiên nhẫn được nữa, chàng thét lên:
- A, mất bao nhiêu là thời gian để nghe những lời quanh co dối trá!
Nói đoạn, chàng vỗ tay, ba tên nô lệ đi vào.
- Hãy lôi nó ra khỏi giường - Chàng bảo chúng - Nọc nó ra giữa phòng cho ta.
Lũ nô lệ tuân lệnh chàng, một đứa giữ đầu, một đứa giữ hai chân tôi. Chàng ra lệnh cho tên thứ ba đi lấy kiếm. Và khi tên này mang kiếm tới, chàng bảo nó: “Mày chém đi. Chặt nó ra làm hai và ném xuống sông Tigre để làm mồi cho cá rỉa. Đó là hình phạt ta dành cho những người mà ta đã hết lòng thương yêu nhưng lại phản bội ta.
Thấy tên nô lệ còn lưỡng lự, chàng bảo:
- Chém đi, cái gì làm cho mày do dự, mày còn chờ cái gì nữa?
- Thưa bà - Tên nô lệ lúc bấy giờ bảo tôi - Bà đang chạm vào giây phút cuối cùng của- cuộc sống, bà thử xem xem còn muốn trối trăng điều gì trước khi chết không.
Tôi xin được nói một điều. Được chấp nhận, tôi ngửng đầu lên, nhìn chồng tôi âu yếm:
- Than ôi? - Tôi bảo chàng - Sao em lại phải đến nỗi này! Sao em lại phải chết giữa những ngày hạnh phúc nhất đời này...
Tôi muốn nói tiếp nhưng nghẹn lời, nước mắt rơi tầm tã. Chồng tôi chẳng chút mủi lòng, ngược lại còn cất lời trách mắng thậm tệ. Biết nói thêm cũng chỉ là vô ích, tôi chuyển sang cầu khẩn nhưng chàng vẫn khăng khăng một mực và lệnh cho tên nô lệ thi hành nhiệm vụ. Giữa lúc đó, bà già vốn là bà vú nuôi chồng tôi đi vào, gieo thình cạnh chân chàng và cố làm cho chàng nguôi cơn giận dữ:
- Con trai ơi - Bà nói - Để trả công ơn ta nuôi dưỡng, ta xin con hãy tha thứ cho nàng. Con hãy nhớ câu “sát nhân giả tử”, kẻ giết người sẽ bị người giết lại còn sẽ làm bại hoại danh tiếng của mình và sự mến mộ của mọi người đối với mình. Trách sao mà người ta chẳng sẽ đồn đại về một cơn gíận dữ tới mức đổ máu này.
Bà nói những câu trên đầy vẻ xúc động kèm theo những giọt nước mắt nóng hổi gây nên một ấn tượng mạnh mẽ đối với chồng tôi.
Vậy thì - Chàng nói với bà vú nuôi mình - Vì nể vú, ta cho nó sống nhưng ta muốn nó phải mang theo dấu tích trên người làm nó luôn nhớ lại tội lỗi của mình.
Nói xong, một tên nô lệ, theo lệnh chàng, dang thẳng cánh quất vào hai bên sườn và trên ngực tôi bằng một cái roi có nhiều đoạn gấp khúc làm tôi nứt da toác thịt. Tôi ngất lịm không còn biết gì nữa. Sau đấy, chàng bắt bọn nô lệ, tay sai cho sự điên giận của chàng, quẳng tôi vào một ngôi nhà, ở đó bà già vú nuôi chàng đã chăm sóc tôi thật chu đáo. Tôi nằm liệt giường suốt bốn tháng trời. Cuối cùng tôi khỏi, nhưng những vết sẹo mà bệ hạ nhìn thấy hôm qua do sự sơ ý của tôi, thì vẫn còn lại tới giờ. Khi tôi đã bước đi được và ra bên ngoài được, tôi muốn trở lại nhà chồng trước, nhưng thấy chỉ còn một bãi đất trống không. Người chồng thứ hai của tôi, trong cơn thịnh nộ quá đáng không những đã phá đổ mà còn san bằng cả dãy phố mà trên đó có ngôi nhà của tôi. Bạo lực đó quả thật là chưa từng có, nhưng tôi biết thưa kiện ai? Kẻ gây ra chuyện này đã tìm cách giấu mặt giấu tên, tôi làm sáo biết được rõ. Mà cho dù tôi có biết hắn là ai chăng nữa thì há tôi cũng đã chẳng thừa biết là cách xử sự với tôi như vậy được bắt nguồn từ một quyền uy tuyệt đối đó hay sao? Vậy thì tôi còn có dám thưa kiện nữa không?
Hoang mang, khốn đốn, mất trắng tay tất cả, tôi tới xin nương nhờ chị Zobéide thân yêu của tôi mà bệ hạ vừa nghe chị ấy kể về mình hầu Người đó.
Và tôi đã kể hết cho chị nghe về hoạn nạn của tôi. Chị vui vẻ đón nhận tôi với tấm lòng nhân hậu vơn có của mình và động viên tôi hãy kiên nhẫn chịu đựng
- Đời là thế đó - Chị Zobéide bảo - Thông thường nó tước đoạt của ta của cải hoặc bạn bè hoặc những người ta yêu quý và luôn luôn là tất cả cùng một lúc, và để chứng minh cho điều chị vừa nói, chị kể cho tôi nghe cái chết của vị hoàng tử trẻ do sự ghen tuông của hai người chị ruột của chị. Chị còn cho tôi biết vì sao mà hai người chị này lại hoá thành chó. Cuối cùng, sau khi tỏ rõ tình thân mật đậm đà với tôi, chị giới thiệu cô em út cũng đã đến với chị sau khi mẹ chúng tôi tạ thế.
Thế là, tạ ơn Thượng đế, cả ba chị em chúng tôi được đoàn tụ, cùng nhau quyết định là sẽ chẳng bao giờ sống xa nhau nữa. Chúng tôi cùng sống với nhau một cuộc sống êm đềm từ rất lâu rồi. Và vì là người chịu trách nhiệm việc chi tiêu trong nhà, nên tôi thường lấy làm thích thú được tự mình đi mua sắm các thứ. Hôm qua đi mua hàng, tôi đã thuê một người khuân vác để vận chuyển các thứ mua. Thấy anh là một người thông minh, vui tính nên chúng tôi đã đồng ý giữ lại để cùng nhau vui chơi giải trí. Ba tu sĩ khổ hạnh cũng bất ngờ tới vào lúc màn đêm vừa buông và xin chúng tôi cho trọ tới sáng. Chúng tôi tiếp nhận họ với một điều kiện mà họ chấp nhận và sau khi mời họ ngồi vào bàn ăn, họ vui vẻ hiến cho chúng tôi một bản hoà ca theo kiểu của họ thì giữa lúc đó lại có tlếng gõ cửa. Đó là ba thương nhân ở Mossoul vớl dáng vẻ thật hiền lành cũng xin chúng tôi được tạm tá túc như ba chàng tu sĩ. Chúng tôi cũng đồng ý tiếp nhận họ với cùng một điều kiện. Nhưng rồi họ đều như nhau, chẳng ai muốn tôn trọng điều kiện đó cả. Tuy nhiên mặc đù chúng tôi có đủ tư cách và có toàn quyền để trừng trị họ, nhưng chỉ giới hạn ở việc bắt họ lần lượt kể chuyện của mình, và chỉ trả thù họ một cách nhẹ nhàng là mời họ ra khỏi nhà, không cho trọ lại qua đêm như họ đã yêu cầu.
Hoàng đế Haroun Alraschid rất hài lòng được hiểu rõ những gì muốn biết và công khai tỏ lòng khâm phục thích thú đối với những chuyện vừa được nghe kể...”
- Nhưng, tâu bệ hạ - đến đây Scheherazade nói - Mặt trời đã bắt đầu nhô lên không còn cho phép thiếp được kể tiếp vì sao mà giải phép được cho hai con chó mực cái để trở lại thành người.
schahriar, đoán là tối hôm sau hoàng hậu sẽ kết thúc chuyện năm thiếu phụ với ba tu sĩ khổ hạnh. Ông đứng lên và lại để cho Scheherazade sống đến ngày mai.

***

Trước trời sáng, Dinarzade gọi chị:
- Chị ơi! Nhân danh Thượng đế, nếu chị không còn ngủ nữa thì xin hãy kể cho em nghe làm thế nào mà hai con chó mực lại có thể trở về hình hài cũ và còn ba người tu sĩ khổ hạnh thì ra sao.
- Cứ yên tâm - Scheherazade nói- ,Chị sẽ thoả mãn trí tò mò của em ngay bây giờ đây.
Rồi ngoảnh về Schahriar, nàng kể tiếp như sau:
“ Tâu bệ hạ, sau khi đã được thoả mãn óc hiếu kỳ, hoàng đế muốn tỏ rõ quyền uy và lòng độ lượng đối với các hoàng tử tu sĩ và sự hào hiệp đối với ba thiếu phụ. Không cần qua sự trung gian của tể tướng, ông tự mình nói với Zobéide:
- Thưa bà, vị tiên nữ lúc đầu dưới dạng con rắn và áp đặt cho bà một luật lệ rất hà khắc, có cho bà biết chỗ ở của mình không và có hứa sẽ gặp lại bà và giải phép cho hai con chớ để trở lại làm người không?
- Thưa đáng Thơng lĩnh các tín đồ - Zobéide đáp – Tôi đã quên không nói lại vớì hoàng thượng là tiên nữ có đặt vào tay tôi một bọc tóc nhỏ, nói là sẽ có ngày tôi phải cần tới lúc ấy, chỉ cần lấy ra hai sợi tóc, dùng lửa đất cháy thì bà ấy sẽ lập tức có mặt dù đang ở phía bên kia rặng núi Caucase.
- Thế cái bọc tóc đó - Hoàng đế hỏi - Hiện giờ ở đâu?
Zobéide bèn móc từ chiếc túi luôn đeo bên người, lấy cái bọc có mớ tóc ra, khẽ hé rèm che đưa Người xem.
- Vậy thì - Hoàng đế bảo - Chúng ta hãy triệu bà tiên tới đây. Không lúc nào hợp hơn lúc này vì ta muốn thế.
Zobéide nhất trí, lửa được mang tới và Zobéide đặt lên trên cả bọc tóc. Tức thì cả cung điện rung chuyển, bà tiên hiện lên trước mặt Hoàng đế dướI dạng một người đàn bà ăn vận rất đẹp.
- Thưa đấng Thống lĩnh các tín đố - Bà nói với nhà vua - Người thấy đó, tôi đang sẵn sàng nhận lệnh của Người. Người thiếu phụ vừa gọi tôi theo lệnh của bệ hạ đã từng cứu mạng tôi. Để trả ơn đó tôi đã trả thù hộ nàng về tội bất nhân bất nghĩa của hai người chị nàng và biến họ thành chó. Nhưng nếu hoàng thượng muốn thì tôi sẽ trả lại cho chúng cái hình dạng tự nhiên như trước đây.
- Hỡi tiên nữ xinh đẹp - Hoàng đế nói - Ta thật không có gì vui hơn, hãy cho chúng cái ơn đó đi, sau đó ta sẽ tìm cách an ủi chúng là đã phải chịu đựng một cuộc sống thật khổ nhục. Nhưng trước hết ta cũng xin bà hãy ra tay cứu giúp người thiếu phụ đã bị người chồng hành hạ một cách thật dũ dằn. Vì bà không hiểu mọi sự nên chắc bà không thể không biết việc này: bà hãy vui lòng cho biết rõ cái tên man rợ không những đã đối xử với vợ tàn bạo như vậy mà lại còn tước đoạt một cách hết sức bất công tất cả tài sản của nàng. Ta lấy làm ngạc nhiên là một hành động tối vô nhân đạo, tối bất công như vậy nó xúc phạm tới uy danh ta mà ta lại không hề hay biết.
- Để bệ hạ được mãn ý - Tiên nữ nói - Tôi sẽ cho hai con chó này trở lại nguyên hình, sẽ chữa cho người thiếu phụ này khỏi hẳn các vết sẹo coi như nàng chưa bao giờ bị đánh đập và cuối cùng tôi sẽ cho bệ hạ rõ kẻ nào đã hành hạ nàng như vậy.
Hoàng đế sai người đi dắt hai con chó ở nhà Zobéide tới Tiên nữ bảo lấy cho bà một chén nước đầy. Bà lầm bầm khấn khứa trên chén nước những câu gì đó chẳng ai nghe được rồi rẩy nước trong chén lên người Amine và hai con chó. Tất cả các vết sẹo trên người Amine mất hết, và hai con chó cái biến thành hai thiếu phụ đẹp lộng lẫy. Rồi bà tiên nói với hoàng đế.
- Thưa đấng Thống lĩnh các tín đồ, bây giờ xin tiết lộ với bệ hạ cái người chồng đã man giấu tên kia mà bệ hạ muốn biết: người đó rất thân cận với bệ hạ vì đó là hoàng tử Amin, con trai cả của Người, anh ruột của hoàng tử Mamoun, con trai thứ của Người. Nghe tiếng đồn về sắc đẹp hiếm có của người thiếu phụ, hoàng tử Amin phải lòng mê mệt đã tìm mọi cách lôi kéo nàng về nhà và cưới nàng. Về trận đòn chàng ta sai đánh nàng, về phương diện nào đó, có thể được phần nào tha thứ. Người đàn bà vợ chàng có phần quá đễ đãi và những lời đưa ra biện bạch có thể làm người ta cho là nàng đã phạm tội nặng hơn là thực tế. Đó là tất cả những gì tôi có thể tâu trình để bệ hạ được giải toả mọi thắc mắc.
Nói xong, tiên nữ cúi chào hoàng đế và biến mất:
Hoàng đế vô cùng khâm phục và hài lòng về tất cả những biến đổi vừa qua nhờ có sự can thiệp của mình, liền có những hành động mà người ta còn nhắc đến mãi. Đầu tiên, ông cho gọi hoàng tử Amin, con trai cả của ông tới, bảo cho chàng rõ là ông đã biết cuộc hôn nhân bí mật của chàng và nói cho con trai biết nguyên nhân thực về vết thương ở má nàng. Hoàng tử không đợi vua cha phán bảo, chàng đón nhận nàng ngay.
Hoàng đế tuyên bố tiếp là sẽ cưới Zobéide làm vợ và gợi ý cho ba chị em kia của nàng lấy ba chàng tu sĩ làm chồng, được các chàng ưng thuận ngay với sự biết ơn sâu sắc. Hoàng đế ban cho mỗi người một lâu đài tráng lệ ở thành phố Bagdad, cất nhắc họ lên các chức vị cao sang trong nước và cho họ được tham dự vào các công việc triều chính. Đệ nhất pháp quan thành Bagdad được triệu tới cùng với những người làm chứng lập các giấy giá thú, và vị hoàng đế danh tiếng Haroun Alraschid mang lại hạnh phúc cho bao nhiêu người từng trải qua nhiều khổ ải, được mọi người ca ngợi và chúc tụng.
Trời chưa sáng thì Scheherazade kết thúc câu chuyện đã biết bao lần phải bỏ đở giữa chừng. Vậy là lúc này có thể bắt đầu một chuyện khác. Nàng hướng về hoàng đế và nói: