Chương 12:
Cái nhà lá, một hôm có người đến hỏi thêu. Anh chàng còn trẻ, độ ba mươi hay chưa đến ba mươi, tóc gọng kính quần đen, áo cánh trắng may chùng, phủ áo tây vàng đã cũ. Thứ và San ở trường về đã thấy y đang mặc cả với ông Học, về đôi chiếu và cái giường tre ông bắt của lão cai thuê cái nhà lá trước, để trừ vào mấy tháng tiền nhà còn thiếu. Ông Học cao giọng bảo:
- Thôi được... Cái giường tôi cho mượn, nhưng đôi chiếu thì phải trả tiền tôi. Tôi để lại cho. Một đồng bạc, một đôi chiếu mới nguyên, rẻ chán!
Và anh kia năn nỉ
- Thôi! Ông cho cháu... Đôi chiếu người ta đã nằm rồi, chắc ông trả dùng, có để đấy cũng bằng để không thôi.
Ông Học toang toang:
- Sao lại để không. Đôi chiếu còn mới nguyên, lão ta mua để đắp chứ có trải giường đâu? Với lại có trải giường cũng chẳng sao. Lão ta có một mình, chứ có đàn bà đàn biếc gì đâu mà phải kiêng? Với lại có đàn bà cũng chẳng cần phải kiêng. Giặt là sạch hết.
- Vâng, đã đành rằng vậy, nhưng cũng mang tiếng là đôi chiếu cũ.
- Thì tùy anh đấy, tôi có ép đâu? Anh không lấy, cứ để đấy cho tôi. Có một đồng bạc, tôi chỉ giặt đi, rồi để trải sân cho trẻ con chơi chiều mát, hay ngồi ăn cơm, cũng đáng.
Xin không được, anh ta đành phải trả năm hào. Ông Học để anh ta nói mỏi mồm rồi mới chịu nghe. Ông lại còn làm ra tiếc rẻ, ngần ngừ một chút rồi tặc lưỡi:
- Ừ! Thì đây! Để rẻ cho anh. Thế là anh thuê nhà tháng đầu không mất tiền. Bao giờ anh dọn nhà đến?...
Hôm ấy là hăm bảy. Ông cho thuê lợi được ba hôm. Tính tiền từ mùng một tháng sau. Nhưng ông chủ cẩn thận bắt giam ngay một tháng tiền nhà để ông biết chừng, nay mai có ai đến hỏi thuê, khỏi nhận lời. Ông lại giao hẹn tiền nhà tháng nào cũng vậy, phải trả trước từ mùng năm. Mà khi không muốn ở nữa, muốn dọn đi, phải báo trước nửa tháng cho ông biết...
- Luật nhà nước người ta đã ra như vậy!...
Ông bảo thế, làm như ông thạo luật nhà nước lắm. Sao mà ông cặn kẽ, khắt khe đến thế! Bù với hôm Thứ và San đến thuê nhà: ông đã tỏ ra quá ư dễ dãi và nhã nhặn... Người thuê nhà nhận hết. Nhưng y chỉ giam trước có ba hào, vì hiện tiền trong túi chỉ có ba hào. Còn hai hào nữa, y hẹn khi nào dọn đến, sẽ xin đưa nốt ngay lập tức...
Y dọn đến hôm nào, Thứ không để ý. Trong cái nhà lá, vẫn trước thế nào, sau thế ấy: ban ngày vẫn bỏ không, đồ đạc chẳng thêm gì, vẫn trơ trọi một cái giường tre xộc xệch. Nhưng một buổi chiều, đang ngồi ăn trên bộ ngựa của ông chủ ở nhà ngoài, Thứ bỗng hơi ngạc nhiên thấy một chị vào trạc tuổi vợ Mô, đi từ cổng vào sân một cách rất ngang nhiên, như một người nhà. Nhìn kỹ, chỉ ta có vẻ nhiều tuổi hơn vợ thằng Mô. Độ hăm mốt hăm hai. Người thấp và đầy đặn. Da cũng đen nhưng còn nhẵn nhụi hơn. Quần áo thì cũng thế thôi: khăn vuông đen, yếm trắng, áo cánh nâu, quần chéo gio đen, nhưng có vẻ đỏng đảnh hơn. Cái yếm trắng hồ lơ, trắng trẻo hơn. Cái quần buông chùng hơn. Cái khăn vuông thì chắc đã phải soi gương mà thắt, mà sửa đi sửa lại, chứ chẳng phải bạ thế nào nên thế ấy. Ở chỗ này hiếm người đẹp đến nỗi trông chị cũng dễ coi. Thứ đưa mắt nhìn theo. San ranh mãnh mỉm cười.
- Vợ người thuê nhà lá đấy. Chị ta làm ở nhà rượu bia.
Y giới thiệu như vậy bằng tiếng Pháp...
- Sao anh biết?
- Thằng Mô bảo
San còn cho Thứ biết rằng cô ả là vợ hai của anh chàng, vợ hai theo, anh chàng đã có vợ cả ở nhà quê. Y là một thằng xe, kéo xe nhà, công mỗi tháng hai đồng, quần áo chủ may...
Thứ ngạc nhiên:
- Công có mỗi tháng hai đồng?
- Chứ còn gì nữa! Cơm nuôi, quần áo chủ may kia mà!...
- Nhưng làm được mỗi tháng có hai đồng mà dám lấy những hai vợ?
- Chứ sao! Hai đồng thì thuê nhà mất năm hào, diêm thuốc độ năm hào, cũng còn được một đồng tiêu vặt.
- Thế còn hai vợ?
- Vợ cả làm vợ cả ăn, vợ hai làm vợ hai ăn, chẳng cấp đỡ cho vợ nào, như vậy là công bình lắm!
San cười để thưởng thức câu nói mỉa của mình. Một lát rồi y lại gật đầu, lẩm nhẩm:
- Thế mới biết chúng mình xoàng thật. Tôi thì trừ số tiền cơm kia rồi cũng còn được mỗi tháng hai đồng, nghĩa là bằng công của hắn, anh thì lương cao hơn hắn những năm lần, chúng mình cũng xa vợ quanh năm, thế mà chẳng thằng nào dám lấy thêm một vợ nữa ở đây, cho tiện. Chúng mình không sướng bằng một thằng xe!
Thứ hơi lấy làm lạ về cái chỗ một thằng xe mà cũng có thể thuê một cái nhà riêng, để tối về ngủ với vợ hai. Thường thường, một thằng xe, ngoài việc kéo xe, còn phải lau đồ đạc, quét nhà, giặt quần áo... có khi cả gánh nước, chẻ củi, làm bếp, nếu có thì giờ rảnh. "Hết giờ rồi!" là những tiếng mà bọn gia nhân không được phép nói bao giờ. Chẳng bao giờ có thể gọi là hết giờ rồi! Họ làm việc không có định thì giờ. Chủ có thể sai họ bất cứ lúc nào. Họ cũng phải có mặt ở nhà, nếu chủ không sai họ đi đâu. Không một phút nào, họ có thể thở ra một tiếng sung sướng mà tự bảo cái câu mà khi được nói lên, bất cứ ai cũng thấy nhẹ bỗng người. "Bây giờ ta đã được chỉ còn là của mình thôi...". Thứ nhớ đến một điều y nhận thấy ở Sài Gòn:
- Ở Sài Gòn, thường thường tụi bồi bếp làm cũng có thì giờ. Nhiều khi, chúng có nhà riêng. Sáu giờ sáng, chúng đến nhà chủ mình, vào khoảng sáu, bảy giờ chiều khi bữa ăn tối đã xong, chúng rửa bát, đũa, nồi, sanh, xếp dọn đâu vào đấy rồi, là lại về nhà chúng. Không có nhà riêng, chúng có ở luôn nhà mình thì xong công việc rồi, chúng cũng đi chơi hay là muốn dùng thời giờ nghỉ của chúng làm gì thì cứ việc dùng. Thì giờ nghỉ, hoàn toàn là thì giờ nghỉ.
San bảo:
- Ở ngoài này thì không được thế. Một giờ đêm rét như cắt ruột, thằng nhỏ hay con sen đi nằm ấm chỗ rồi, đang ngáy khò khò, nếu chủ nhà chợt thấy hứng muốn uống một ấm trà thật nóng cho ấm dạ, thì cứ việc chạy vào lấy chân hắt tung chăn chiếu đắp của nó ra, rồi đá và đít mấy cái cho tỉnh lại, bắt dậy đun ấm nước, nếu rờ đến bao thuốc lá mà thuốc lại hết rồi, thì cứ việc đưa cho đồng hào chạy ra phố thật nhanh, đi tìm bất cứ hàng tạp hóa hay hiệu cao lâu nào còn ánh sáng, mà gọi cửa, mua một bao thuốc lá.
Y ngừng lại một chút như để ngẫm nghĩ. Rồi y tiếp:
- Anh xe này thì chắc lắm, cũng chẳng có giờ giấc gì đâu. Nhưng phỏng thì buổi tối, chủ cũng ít khi phải đi đâu khuya. Với lại chắc rằng nhà chủ cũng còn thằng nhỏ, con sen gì nữa. Đêm có gì sai, thì sai thằng nhỏ, con sen cũng được. Anh xe vào khoảng tám, chín giờ tối, thấy chẳng còn phải đi đâu, công việc cũng chẳng còn gì, lau cái xe thật sạch cất đi, rồi xin phép ông chủ cho về. Giữ anh ta ở lại cũng chẳng được lợi gì thêm. Nhưng giá phải người chủ cay nghiệt, họ không cho về thì làm gì họ tốt? Tôi đoán hẳn như thế. Không thế, sao anh ta hay về muộn lắm? Đêm hôm qua, cũng mãi đến mười một giờ hơn, tôi mới thấy chị vợ ra mở cổng. Sáng nay, lúc chúng mình dậy, thì có phải cả hai vợ chồng anh ta cũng đi rồi không?
Y tủm tỉm cười:
- Nghĩ thì cũng khổ. Mười giờ, mười một giờ đêm, cuốc bộ năm cây số từ Hà Nội về đây, ngủ với vợ bốn, năm giờ đồng hồ, sáng hôm sau, gà mới gáy độ vài lần đã mải mốt choàng dậy mắt nhắm mắt mở, cuốc bộ một mạch năm cây số về Hà Nội... Khi thằng đàn ông đã mê gái thì nó làm tội cái thân nó một cách thật là thảm hại!
Thứ cũng mỉm cười, nói kháy San:
- Cũng chưa thảm hại bằng cái thằng vượt một trăm cây số về thức với vợ một đêm, rồi hôm sau lại vượt một trăm cây số lên Hà Nội để nằm mà thở.
- Thì tôi đã bảo thằng đàn ông... nghĩa là nói chung tất cả những thằng đàn ông...
Thứ ngẫm nghĩ chính thân y. Y nhớ đến một câu Liên nói với y, qua một nụ cười chua chát và buồn. Ngồi bên y, quần áo sẵn sàng rồi, thỉnh thoảng lại nhìn ra sân xem bóng cái nhà đã ra đến chỗ cây đơn chưa để ôm gói ra đi. Liên đã bảo y vào buổi chiều cuối cùng của kì nghỉ Tết, nắng ráo vừa rồi: "Thật trăm tội chẳng tội gì bằng cái tội nghèo. Chỉ vì nghèo mà vợ chồng mình cứ kẻ một nơi, người một nẻo suốt đời. Có hơn gì vợ chồng ngâu. Chúng mình lấy nhau sáu năm rồi, mà tính gộp tất cả từ năm ngày, ba ngày, tất cả những ngày chúng mình được gần nhau, tôi chắc rằng chưa đầy ba tháng. Thế thì có khổ không? Người ta thì chỉ phải sẻn ăn, sẻn mặc, chứ tôi thì đến chồng cũng phải sẻn!... ". Liên lại rơm rớm nước mắt, thêm rằng: Nếu vợ chồng chỉ làm thế nào kiếm nổi mỗi ngày một bữa thôi, mà không phải xa nhau, thì Thứ cũng thích hơn cứ phải thế này mà được ăn một ngày ba bữa... Lần nào cũng vậy, lúc chia tay ngán ngẩm buồn. Hai vợ chồng cố hưởng cho hết phút cuối cùng còn có thể gần nhau. Sau bữa cơm trưa ăn sớm hơn mọi ngày, Thứ khép bớt cửa, đi nằm để ngủ trưa. Liên tuy không ngủ trưa bao giờ, cũng đến ngồi ở cạnh giường. Y nhổ cho chồng những sợi tóc sâu hay là mượn cớ thế, để được ngồi nói chuyện với chồng. Họ nói những chuyện rất vớ vẩn, chẳng nghĩa lý gì hay những chuyện họ nói với nhau mãi rồi. Câu chuyện không quan hệ. Miễn là Thứ được gục đầu vào lòng Liên và Liên được âu yếm vuốt ve mái tóc của chồng. Họ nhìn nhau, như chưa bao giờ được chán nhìn nhau. Những con mắt rất ảo não, rất ngậm ngùi như thương lẫn cho nhau, tất cả nỗi buồn mênh mông của đời mình. Ở bên ngoài, nắng nhạt dần dần. Nắng úa vàng, sức nắng giảm rất mau. Thứ tưởng như trông thấy thời gian trôi và ngày chết dần đi. Mấy cái tầu chuối hơi cụp xuống, gió chỉ khẽ lung lay và ngây ra trong một dáng điệu ngẩn ngơ. Thứ thấy nổi lên trong lòng một nỗi uất ức tối tăm, nó nâng một cục gì lên, lấp cổ họng y. Y nghiến răng, khẽ đâp tay xuống giường, rít lên một tiếng làu nhàu, như một người điên. Một chút nước mắt ứa ra trên đôi mắt căng thẳng của y. Y dằn dỗi nói từng lời, những ý nghĩ liều lĩnh ấy nảy ra trong óc: "Mẹ kiếp! Chẳng đi nữa! Mặc kệ trường! Mặc kệ học trò! Cứ nằm đây này, nhất định không đi đâu! Muốn ra sao cũng được... muốn ra sao cũng được". Y bình tĩnh một chút để suy nghĩ tất cả những cái gì có thể xảy ra. Gạo... thuốc của con... bà chết... và chính y ngồi nhìn, mắt đỏ ngầu, chẳng biết làm thế nào để ra tiền, ra gạo, ra thuốc, thay cho Liên đang phải nằm rên rầm... À! Không được! Y không thể nghĩ liều. Cơm, áo, vợ, con, gia đình... bó buộc y. Y cứ phải gò cúi mãi! Gò cúi mãi! Làm! Chỉ có làm! Chịu khổ! Mà chẳng bao giờ được hưởng, mà chẳng bao giờ cất đầu lên nổi! À! À! Sao tất cả những cái gì trên đời này không chết hết cả đi! Sao trái đất của loài người không vỡ toang ra! Cuộc sống... cuộc sống thật đã là một cái gì trói buộc và nặng nề quá sức!
Anh xe đã có vẻ bằng lòng đời mình lắm. Một buổi tối, Thứ và San đã ăn cơm xong, đã thấy về. Theo sau anh là một bà cụ đặc nhà quê, tay cắp thúng, tay khoác nón giang. Anh nắm lấy Mô vừa đem quần áo ở thợ giặt về cho Thứ và San. Anh nhất định kéo Mô vào nhà chơi. Mô hỏi anh sao hôm nay anh được về sớm thế?
- À, tôi xin nghỉ. Có bà tôi ở nhà quê ra...
Anh bảo vậy. Mô chào bà cụ. Họ vào cả trong nhà. Cái nhà lá thấp lụp sụp. Trong nhà đã bắt đầu tối om om. Mô nhanh nhảu chạy lên buồng hai cậu mượn giúp cái đèn con không dùng đến lại xin giùm cả một ít dầu. Anh xe mời bà Hà hãy ngồi chơi với mẹ anh, khoan ăn cơm, để lát nữa ăn một thể, cho vui... Thấy nói đến cơm, Mô đứng dậy, ra về. Anh xe nắm lấy ta, kéo lại:
- Về làm gì vội? Ở đây, uống với tôi chén rượu.
- Tôi vô phép... Tôi ăn cơm rồi.
- Cơm rồi, mặc! Chỗ anh em với nhau, thế nào cũng phải ở lại, uống mấy chén rượu với tôi. Mẹ cha thằng tôi có chịu để anh về!
- Ừ, thì uống!... Nhưng cũng phải để tôi về đã. Tôi còn dở một tí, xong tôi xuống.
Mô phải viện bố ra, thề thật độc rằng sẽ xuống, anh mới chịu cho về. Anh vào bếp, làm cơm. Lấy gì làm? Anh chỉ có độc miếng thịt bò, mua ở phố, đem về. Bà Hà phải cho mượn dao, thớt, sanh nồi. Anh cố nài bà để lại cho hai hào gạo, nhưng bà nhất định không nghe. Bà chỉ cho vay, bà bảo:
- Tôi biết giá chợ thế nào mà để lại? Muốn vay mấy bát thì vay. Mai đong mà giả tôi.
Giọng là lạnh nhạt, gần như tức tối. Bà không thích lôi thôi. Anh xe cười nhạt:
- Cụ cẩn thận quá!... Vâng, thì cụ cho cháu vay ba bát vậy... Mợ đem vo đi mà thổi.
Chị vợ ngần ngừ:
- Nước đâu, củi đâu mà thổi?
Chồng nhìn bà Hà, cười ngượng nghịu:
- Thế mới rầy! Mới dọn đến, thành thử chưa kịp sắm sanh được tí gì... Thôi thì đành lại nhờ cụ cả. Mai mợ nhớ mua mà giả cụ.
Người vợ ngoẹo đầu đi, cười hi hí. Bà Hà chẳng nói chẳng cười, lặng lẽ đi lấy củi ra cho họ. Lúc đưa củi cho chị, bà chẳng buồn nhìn cô ả, bà nhìn xuống đất, bà không ưa ra mặt. Lúc được ăn, bà không chịu cùng ngồi. Mà con anh xe phải nài ép, lôi kéo mãi bà mới chịu ngồi. Nhưng bà nhất định chỉ ăn những thức ăn của bà, cơm và đồ ăn lúc nãy Thứ và San ăn thừa. Anh xe giằng lấy bát của bà, để xới cơm sốt cho bà. Bà giằng lại. Hai người giằng co. Bà kêu lên the thé như bị kẻ cắp giật đồ. Bà mẹ anh xe cũng hét lên, giằng tay bà lại, để giúp con. Họ làm như bóp cổ nhau. Mô quát thật to, át cả tiếng mọi người đi:
- Mặc kệ bà tôi! Tính bà tôi như vậy! Cứ để cho bà tôi ăn cơm nguội!... Các bà lão cổ sơ có khác! Chúng mình thì... tự nhiên! Nào! Anh có uống đi hay không nào?
- Uống chứ!... Nào!... Mời anh!...
- Chẳng mời cũng uống. Tôi ấy à? Chỗ anh em với nhau, không ăn thì bảo không ăn, mà đã ăn thì cứ việc tự nhiên. Anh cứ việc uống thả cửa, nhắm bừa đi. Còn tôi thì mặc tôi! Ai uống chậm, hết phần mặc kệ! Nào! Mời anh!...
Nó uống. Nó uống tự nhiên lắm thật. Anh kia cũng bắt chước được nó ngay. Mới đầu, thỉnh thoảng chúng còn sực nhớ ra, mời hai bà cụ một câu. Nhưng khi mỗi thằng nhấm nháp chừng ba, bốn chén, mặt đỏ gay rồi chúng mặc thây hai bà mời mọc lẫn nhau. Chúng bất cần tất cả...
- Có bà tôi biết kia kìa... - anh xe gườm gườm đôi mắt và lè nhè bảo - Có bà tôi biết kia kìa! Hôm nay nhà chủ tôi có giỗ, đang bận rối tít mù. Đáng lẽ tôi không được về kia đấy. Nhưng tôi cứ về, làm cóc gì nhau!
Mô cũng hùng hổ họa theo:
- Ờ! Làm cóc gì nhau! Cánh mình mo phú tất. Chẳng làm chỗ ấy thì làm chỗ khác. Anh bảo cần quái gì!
- Thì tôi có cần đâu? Nhất là ngày mai đuổi tôi ngay!
- Ấy thế! Máu tôi cũng vậy. Cơm thầy cơm cô thật nhưng ăn hiếp tôi thì không được. Nội cái máy nước này, tôi cóc sợ thằng nào. Con sen nhà Trịnh Đức, nó quen thói chó cậy gần nhà bặng nhặng với an hem. Tôi cáu sườn, bẹp bố đôi thùng của nó ra, hò anh em trần cho một mẻ nên thân, rồi còn bị tóm lên đồn, nằm một đêm cho rệp đốt.
- Rệp đốt cũng cóc cần! Lên đồn cũng cóc cần!
- Tôi cũng vậy. Thế anh em mình mới chơi được với nhau. Đứa nào hơi bí xí với anh, anh cứ bảo tôi. Mẹ cóc! Tôi cứ trần cho không còn một cái xương nào lành.
- Thật nhé! Anh em mình nối khố với nhau. Đứa nào động đến anh, tôi cũng đánh cho sặc tiết.
- Thế mới gọi là anh em bất nghĩa chi tồn... A ha!
Chúng cười phá lên. Hai thằng gật gù, nghiêng ngả, bá vai, bế nhau thân thiết lắm. Bà cụ Hà, mấy lần chực bảo con rể đừng uống nữa mà say quá, nhưng đều bị Mô với anh xe, không để ý, nói át đi. Sau cùng bà chép miệng lắc đầu, đành chịu vậy. Cô vợ của anh xe cười hi hí. Hai cậu như được khuyến khích, càng tự đắc, càng tranh nhau nói. Trên nhà gạch, vợ chồng ông Học không ngủ được, phàn nàn:
- Khiếp! Có hai người mà làm ngậu cả xóm lên!
- Rượu vào mà lại!...
Ở trong buồng, Thứ cười tủm tỉm, bảo San.
- Nếu không có đàn bà thì có lẽ thiên hạ vẫn còn những thằng nói khoác, nhưng chúng sẽ nói khoác ít đi được nhiều.
San mỉm cười, ngẫm nghĩ một chút, rồi nhai lại câu của bạn:
- Mà nếu không có đàn ông, thì có lẽ thiên hạ vẫn còn những cô gái cười hi hí, nhưng họ sẽ cười hi hí ít đi được nhiều.
Vừa nói dứt, thì vợ anh xe lại cười rú lên, như bị người cù nách, San và Thứ phải lấy tay bịt chặt miệng, để khỏi cười to lên...
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 13:
Cặp vợ chồng mới, ảnh hưởng đến cái xã hội con con trong nhà ông Học, mỗi ngày một khác. Từ ngày có họ, vợ chồng ông Học có vẻ chiều chuộng nhau hơn. Mỗi lần bà vợ về chẳng hạn, ông không vẫn cứ dửng dưng xay bột như trước nữa. Ông ngẩng mặt lên, tươi tỉnh:
- Mợ đã về!
Rồi ông gọi toáng lên:
- Thằng Học, thằng Hành đi đâu cả rồi? Học ơi! Ứ! Ứ! Mợ đã về kìa! Mau lên! Ra xin quà!
Ông mừng rỡ om sòm, quá trẻ con. Bà vợ tủm tỉm cười. Ông Học vẫn xấu như thường, nhưng trẻ ra nhiều. Đến nỗi Thứ nghĩ rằng mình đã đoán lầm: có lẽ họ ít tuổi hơn y tưởng... Có lúc chồng nghỉ tay, đứng lên theo vợ vào nhà:
- Mồ hôi mồ kê thế kia à! Quạt đây này! Quạt đi!... Ngoài đường nắng lắm phải không, xem thúng nào!...
Ông lục thúng, hỏi vợ về giá từng thức vợ mua về, khen rẻ, khen ngon, bàn làm món này, nấu món kia. Bà vợ vui vẻ, ngọt ngào trả lời chồng. Bà có vẻ kính nể chồng hơn. Một vài lần, Thứ đã bắt gặp bà xua cho chồng con ruồi, rồi tiện tay quạt cho chồng mấy cái, trong khi chồng ngủ. Sự trẻ trung cũng lây chăng? Hay là đôi vợ chồng mới âu yếm nhau, cười cợt với nhau, đã nhắc đôi vợ chồng đứng tuổi nhớ đến những ngày âu yếm cũ...
Tuy vậy, ông Học vẫn không ưa cái lối sống ăn xổi ở thì của họ. Họ chẳng có một tí gì. Đồ đạc không. Hòm xiểng không. Đồ ăn thức đựng không. Một cái bát nhỏ để ăn cơm cũng không nốt. Mà từ hôm có bà mẹ chồng ở quê ra, thì cũng chẳng ăn bữa cơm nào ở nhà nữa. Họ ăn ở đâu?
- Anh chồng ăn cơm chủ đã đành. Nhưng còn chị vợ làm nhà ở Mền, thì chủ nào nuôi? Hay là chị ta đi ăn cơm hàng?
Ông bảo vậy. Ngừng một chút để ngẫm xem điều mình đoán có lý không, ông lại tiếp:
- Như người ta, thuê cái nhà cửa hẳn hoi, thì cũng phải sắm cái nồi, chẳng mua được nồi đồng thì nồi đất có bao nhiêu, mua vài cái bát, vài đôi đũa, đong gạo thổi cơm lấy mà ăn. Thế này thì ra chỉ thuê để ngủ với nhau thôi à?
Thì đúng vậy rồi. Thứ nhìn vào tận ruột anh xe. Công mỗi tháng có hai đồng thì đa mang một vợ cả cũng đã đủ nhược người rồi, làm gì còn dám đèo bòng thêm một vợ hai. Vợ hai gì! Lạ gì thói đàn ông! Chẳng qua nhờ môi miệng, chim được cô ả tầm phơ thì cũng gỡ gạc chơi. Tội gì không! Phải xa vợ quanh nào thì anh nào chẳng giống anh nào? Vả lại có thiệt gì! Mỗi tháng mất năm hào để thuê nhà, đi giải phiền một lần cũng mất đến thế rồi. Mà lại lắm thứ lo. Đằng này vừa rẻ, vừa chắc chắn. Còn chị vợ?... Thì cô ả dại đứt đi rồi, nhưng bụng dạ đàn bà thì ai cũng thế thôi. Ai cũng nhẹ dạ, cả tin. Ai cũng dễ xiêu lòng vì những lời đường mật. Vả lại cô ả cũng thèm yêu, thèm nhục dục như ai. Đó là người. Cô ả đã hăm mốt, hăm hai, mà lại tự do, chẳng bố mẹ nào coi giữ, chẳng anh em nào ngăn đón, thì phải lòng trai cũng không phải là sự lạ. Thứ chẳng trách gì. Nhưng đôi lúc, y vẫn vờ tự hỏi mình:
"Nếu họ có con?...". Y tưởng tượng ra một cảnh đáng thương tâm: người vợ xanh xao, không còn mang nổi cái bụng to, phải nghỉ làm... tiền để dành ít ỏi, hết rất mau... những ngày tháng sắp đẻ không cơm... anh chồng không đủ sức chu toàn, đành thở dài, rẽ dây cương... Và chị vợ, chị vợ bụng mang dạ chửa, bị bỏ bơ vơ vào giữa lúc cần có người đỡ đần, săn sóc nhất... Thứ biết chắc rằng chỉ qua cầu ấy một lần người đàn bà đã đủ già đi, đủ khôn lên. Không theo cái nghĩa thảm hại của người đời, thị sẽ chua chát, sẽ hoài nghi, sẽ ngờ vực mọi người, thị sẽ tính toán, sẽ dặt dè, sẽ bán và mua, mất hẳn cái thú cho, thị sẽ chua chát và nguyền rủa, thích gây đau khổ. Nhưng đã chắc gì thị sẽ qua khỏi cái cầu ấy, để thành người khôn?... Thứ thầm mong cho anh xe sẽ chung tình để lo liệu cho vợ mình sinh nở được vẹn toàn. Nhưng cho rằng như thế nữa thì cuộc tình duyên cũng chỉ đến đấy là cùng. Sự tận tâm cũng như sự cố gắng của con người chỉ có hạn thôi. Khi người ta nuôi thân mình đã lấy làm khó nhọc lắm rồi, mà lại còn phải xét xem đời nó có muốn cho người tử tế không?... Lúc bấy giờ, chị vợ sẽ ra sao? Cảnh ấy cũng thường, thị cũng lại đến cho con đi, rồi sẵn đôi vú đầy sữa đấy, đi ở vú, để người nuôi mình và mình nuôi con người.
Vợ chồng anh xe thường đi vắng suốt ngày, nhưng cũng chẳng đóng cửa bao giờ. Ông Học tự cho ông cái quyền vào nhà họ mất tiền thuê, để soi mói đến cả những việc riêng của họ. Ông tìm thấy một cục nến còn dính ở cạnh giường.
- Quái! Họ đốt nến à? Nến tốn hơn dầu nhiều chứ! Mà thôi... Chắc là nến đèn xe, anh ta lấy cắp của chủ đây. Nhưng vợ chồng ngủ với nhau mà đốt nến thì độc đấy chứ chẳng không đâu... Nến để thờ hay thắp đám ma. Vợ chồng mới lấy nhau mà thắp nến làm gì? Người đàn bà thế cũng là hư. Cho hay người đàn ông người ta có muốn để đèn, mình là vợ mình cứ thổi tắt mẹ nó đi rồi lấy tay che mặt, như thế mới là người đàn bà đứng đắn...
Ông ra sân, toang toang nói một mình như vậy. Ông đến cái cối xay đậu rồi, ông vẫn chưa thôi. Vẻ tự đắc trên mặt ông, hiện ra đến tận mang tai. Có lẽ ông đang so sánh người vợ đoan trang của ông với chị vợ lẳng lơ của anh xe, và lấy làm bằng lòng lắm. Thứ mỉm cười. Bà Hà chẳng hiểu Thứ cười gì, nhưng cũng đưa cái bàn tay răn rúm lên, che cái miệng móm mém, ngoẹo cái đầu xuống một bên vai, cười he hé...
Bà Hà ghét vợ chồng anh xe ra mặt. Nhất là chị vợ. Đối với con mắt bà, thì cô ả thưỡn thẹo như con đĩ. Về đến nhà, chỉ nằm ngả nằm nghiêng, hay phọng phạnh đi ra lại đi vào. Chẳng chịu làm cái gì. Có một tí sân ở trước cửa nhà lá, cũng chẳng quét bao giờ. Ngày nào, bà cũng phải quét hầu. Nước không chịu gánh bao giờ. Ấy thế mà chum nước của bà, cô ả cứ tự do múc, rửa mặt, rửa chân. Làm như đó là của tự nhiên ở trên trời rơi xuống, chứ chẳng phải của ai. Thế thì ai mà không phải tức?...
Mới đầu tuy cũng tức nhưng bà chỉ lườm nguýt thôi. Nhưng lườm nguýt mãi cũng chẳng ăn thua, bà đành phải bảo thẳng vào mặt chị ta:
- Chị mua lấy cái chum, thuê gánh một ít nước, để mà rửa ráy. Tôi già lão, gánh đau xương lắm. Chị đừng rửa bằng nước của tôi mãi thế.
Bấy giờ cô ả mới đỏ bừng cái mặt lên. Từ hôm ấy, mới chừa. Mà cũng từ hôm ấy, hơi trông thấy bà đâu, cô cả buông ngay mặt xuống... Bà nói chuyện với u em như vậy. Và bà bảo:
- Tôi đã tức thì tôi không nể. Nể ai, chứ hạng ấy thì việc gì phải nể. Muốn sạch sẽ nhưng lại không muốn đau vai, cũng không muốn mất tiền, thì hẵng khoan sạch sẽ có phải không u em?
U em cũng ghét cô ả lắm. Động thấy cô ả đi qua sân là u em trừng trừng mắt lên nhìn. Cũng vì cái tội là hay đem guốc ra bể nước rửa chân. Nhưng còn vì cái tội hay cười nữa. Bạ lúc nào cũng cười, nhất là những khi có chồng về, cô ả cười thật không biết chán mồm. Cô cười được suốt đêm. Lúc nào chợt thức giấc, u em cũng nghe tiếng vợ chồng họ nói chuyện rì rầm và cô ả cười khúc khích. Nghe ghét lắm. U em ghét đến nỗi chỉ rình những đêm anh chồng về muộn, đợi San về xong là khóa cổng, giấu biệt chìa khóa đi một chỗ. Chị vợ biết ý, nên tối nào thấy San đi học về rồi mà chồng chị chưa về, lại phải ra đứng cổng, để u em không khóa được.
San không hiểu cái mục đích của chị ta là thế. Một buổi tối, y bảo Thứ với một vẻ kiêu ngạo che đậy chưa được kín.
- Lạ quá! Tối nào mình ở cổng vào cũng gặp cô ả đi ra. Thế nghĩa là làm sao?
Thứ mỉm cười:
- Cô ấy cảm anh.
- Nói bậy!
San làm ra vẻ thẹn, nhưng sự sung sướng hiện ra trên mặt. Và có lẽ vì muốn kéo dài câu chuyện về cô ả, một thoáng sau không thấy Thứ nói gì thêm, y lại bảo:
- Cảm tôi thì không phải nhưng cảm thằng Mô thì đích. Anh có nhận thấy không? Mỗi lần gặp thằng Mô, cô ả mừng rỡ lắm, xoắn xít lấy nó, nói nói, cười cười, mắt tít đi.
Y nói ngon lành, như hưởng được chút khoái lạc gì trong khi nói. Ngừng lại một chút, mặt gờn gợn đỏ, mắt nhìn một hình ảnh gì ở trên không, y làm như thể rít lên:
- Nói của đáng tội thì con bé cũng mũm mĩm, hay hay mà lẳng lắm. Nghe nó cười thì phải biết!...
Và y nhắc đến một câu mà từ hôm có vợ chồng anh xe, y bảo Thứ đến chục lần rồi:
- Này, anh ạ! Chúng mình chịu khó tìm mỗi đứa một con vợ hai đi!
Thứ thấy ghét San:
- Anh thèm cái địa vị thằng xe đến thế ư?
Y làm như mình rất dửng dưng, chẳng để ý gì đến cặp vợ chồng kia. Thật ra thì tâm hồn y cũng bị xáo động không phải ít. Nhất là những buổi tối anh chồng về sớm. San đi học. Nhà ngoài ngủ cả rồi. Còn một mình u em, lặng lẽ như một con ma, ngồi vá bên một ngọn đèn con - thị lấy đâu ra nhiều quần áo rách để vá quanh năm thế? - Cái bóng rất to của thị, sừng sững ở trên tường, như một kẻ ranh mãnh, đứng nín hơi, nhìn thị. Im ắng quá, Thứ nằm đọc sách ở trong buồng. Căn buồng của y với cái nhà lá giáp nhau. Nhờ có cái cửa sổ, những tiếng động hai nơi còn dễ truyền sang nhau hơn trong buồng với nhà ngoài. Dù muốn, dù không, y vẫn nghe thấy những tiếng nói, tiếng cười và cả những tiếng cựa mình, động đậy của cặp vợ chồng thuê căn nhà lá. Lòng y rối loạn, mắt y hoa lên, những dòng chữ như lung linh, chập chờn, xóa nhòa đi rồi lại hiện ra, rồi lại xóa nhòa đi. Đầu y nóng rực lên. Y vùng dậy, mặc quần áo, xỏ giầy, mở cửa ra đi. Y đi thẫn thờ, không mục đích, hết đường nọ đến đường kia. Người y mệt mỏi, một thứ mệt mỏi ê chề. Đầu y nặng trình trịch những ý buồn, óc y mụ mị, tư tưởng chậm chạp, u ám, mịt mù. Y nghĩ đến Liên. Y nghĩ đến Tư. Y nghĩ đến lũ con gái nhà Hải Nam. Y nghĩ đến đôi mắt đẹp và hiền của người thiếu phụ ngồi khâu, đã vô tình ngước lên và bắt gặp đôi mắt buồn của y ngắm trộm người. Y nghĩ đến tất cả những người đàn bà mà y đã gặp ở nơi này hoặc nơi kia mà hình ảnh đã nhiều lần vẩn lên trong trí óc y, những buổi tối ẩm sẫm hay là gió thổi nhiều. Y rẽ vào những con đường tối và ít ánh đèn. Để làm gì? Hình như y thầm mong một cuộc gặp gỡ tình cờ: một thiếu nữ đi làm về khuya có một mình... Một cô gái quê tìm không thấy người nhà, đứng ngẩn ngơ ở một đầu đường. Một cô gái nào cũng như y bây giờ, cô độc, lẻ loi, khao khát tình yêu... Nhưng mà chẳng có gì! Con đường vắng, chạy dài, phẳng lì dưới ánh sáng úa vàng của những bóng đèn buồn ngủ, cũng quạnh hiu như cõi lòng y. Hàng cây cối ở bên đường ủ rũ, bơ phờ như những người ốm tương tư. Lâu lâu một tiếng guốc lộc cộc hay một tiếng giầy tây cồm cộp mới vang lên từ đằng xa, gần lại dần dần và một bóng người lủi thủi hay lực lưỡng rõ dần ra: một dân bồi bếp, xong việc, đi tìm đám bạc trong một xóm ngoại ô nào hay một người lính mải mốt đi về trại... Nhiều khi Thứ đi sâu cả vào những con đường tối và kín đáo trong vườn bách thảo, như những người có hẹn hò. Y mong gặp bất cứ người nào: một kẻ tuyệt vọng vì yêu, một người nhận lầm y, một gái ăn sương suồng sã. Y ước được một gái giang hồ ngăn lại, khoác lên vai như San tối hôm nào. Nhưng vẫn chẳng có gì! Cây rậm um tùm. Nước đen ngòm, bóng tối u uất, âm thầm. Một cái cành khô gãy kêu răng rắc, sượt qua đám lá, thành một tiếng soạt ngắn. Một con tắc kè kêu... Thoảng hoặc cũng có một đôi khi, một bóng đàn bà thưỡn thẹo tạt qua trước mặt y. Nhưng chỉ tạt qua thôi. Hình như tự người y, tiết ra một cái vẻ gì nghiêm nghị, khô khan, nó khiến người ta phải dè dặt với y. Người đàn bà không dám suồng sã nắm tay, bá cổ y. Thị chỉ lấy dáng khêu gợi để nhử y. Y bủn rủn người, thở khó khăn, nặng nề hơn. Mặt y nóng bừng bừng. Tự nhiên y nhìn thẳng, vẻ mặt rất nghiêm trang và rảo bước. Đi một quãng thật xa rồi, y mới lại thấy như tiếc dịp, bước ngập ngừng và quay đầu nhìn lại. Nhưng người đàn bà đã đi khỏi chỗ ấy rồi. Y thở dài, và lại cúi đầu, lủi thủi đi, vừa đi vừa ngẫm nghĩ đến tất cả những cái khổ của đời y. Cứ như vậy, y về nhà...
Một lần mải nghĩ quá, y đã qua lối rẽ về nhà một quãng mới nhận ra. Ngẩng đầu lên, y trông thấy đằng trước mặt, cái cửa sổ gác nhà trường, sáng ánh đèn. Y nảy ra cái ý lên trường chơi, nói chuyện với Oanh... Từ ngày San với Thứ ở riêng ra, đối với Oanh, họ vẫn ác cảm ngầm. Thỉnh thoảng, họ vẫn giở những cái tồi, cái xấu của Oanh ra mà nói với nhau. Nhưng ngoài mặt thì đôi bên đã tử tế với nhau hơn. Sự động chạm luôn luôn kích thích lòng yêu cũng như lòng ghét của người ta. Không còn phải luôn trông thấy Oanh trước mặt mình bận mắt, bận tai vì những cử chỉ, ngôn ngữ rất chướng của Oanh, họ dễ bình tĩnh với Oanh hơn. Đôi bên không còn động mở miệng là khiêu khích nhau, chọc họng nhau. Họ đã biết nói với nhau ôn tồn và nhã nhặn...
Oanh có một mình. Y đang mải viết gì. Thấy Thứ lên, y thấm và cất cả vào ngăn kéo.
- Thế là tôi lại quấy rầy cô! Cô viết gì, cứ viết đi!
Thứ chực ra sân gác, nhưng Oanh bảo:
- Xong cả rồi. Mời chú cứ ngồi chơi.
Thứ mỉm cười:
- Cô lại viết thư cho ông Đích chứ gì?
- Không, lớp này cũng ít thư rồi, không còn khiếp quá như hồi mới đi đâu!
Hồi ấy, mỗi ngày một lá thư. Có ngày hai lá thư. San và Thứ đã phải bảo nhau: làm giàu cho nhà dây thép!... Oanh tít mắt đi, cười.
- Còn chú, từ ngày lên đây đến giờ, tôi cũng không thấy chú viết thư. Có lẽ chú chẳng viết thư cho thím ấy bao giờ đấy nhỉ?
- Cô tính: tôi viết thư cho vợ tôi thì còn lý thú gì. Nhà tôi đánh vần xong một bức thư thì phải một giờ. Mà lại phải tránh, không được viết ngoáy, không được viết chữ hoa. Phải nắn nót như khi viết bài tập viết.
- Thím ấy học ít thế à?
- Lấy tôi rồi mới bắt đầu học. Mới đọc được qua loa, viết thì nửa ngày mới xong một bức thư độ mười dòng: "Tôi có mấy lời lên hỏi thăm... vân vân... thì tôi mừng lắm lắm!". Chữ hoa thì lại chưa tập được.
- Thế thôi à?... Thế còn thím San?...
Thì cũng chẳng hơn gì! Con gái nhà quê, dù là nhà đàn anh, khá giả mặc lòng, có mấy người học? Sáu bảy tuổi đầu, họ đã phải giữ em. Chín, mười tuổi đã học làm, mười hai, mười ba tuổi đã lấy chồng. Vợ San cũng như vợ Thứ thì cũng vô học như nhau cả... Thứ toan trả lời như vậy. Nhưng Oanh như đã sực nhớ ra một điều gì?
- À, tôi hỏi nhỏ chú cái này nhé!...
Oanh ngơ ngác nhìn quanh, như sợ còn có người nào. Y ngạc nhiên. Y chòng chọc nhìn Oanh, lắng đợi. Oanh hạ thấp giọng:
- Chú San đi học chưa về, phải không?
Thứ khẽ lắc đầu...
- Chú có biết hôm nọ chú San về nhà quê làm gì mà mải mốt thế không?
Thứ dán to đôi mắt nhìn Oanh, rất tò mò. Y gần như hồi hộp. Đầu y lại hơi lắc...
- Chú không biết à?
Lại lắc. Oanh ngập ngừng một chút, rồi khẽ bảo:
- Tôi thấy thằng Đại bảo tôi thì tôi nói vụng với chú thôi, chứ thật ra thì tôi cũng không tin. Không có lẽ thím San mà lại thế...
Tim Thứ đập. Đôi mắt y dán vào cặp môi nhợt của Oanh. Oanh vừa đảo mắt nhìn lên trần nhà vừa thì thầm nói tiếp:
- Này! Chú ạ!... Thằng Đại nó bảo: thím San phải lòng thằng nào ở nhà quê đó, người nhà viết thư lên nói chú ấy, nên chú ấy mới lật đật về ngay đó.
Thứ gần như thể hét lên:
- Không có lý!
Máu dồn tất cả lên trên mặt. Nỗi cảm xúc quá mạnh mẽ và đột ngột. Y như bị một luồng điện giật. Y mưng? Y khoái trá? Y đau đớn? Y tức tối? Y khinh bỉ?... Tất cả bao nhiêu thứ ấy! Cảm giác của y lúc ấy thật là rối rắm, thật là pha trộn, thật là mau biến đổi. Thoạt tiên y thấy cái sướng được báo thù: San chẳng nói những điều không thật về Liên để Thứ ngấm ngầm đau khổ mãi đó ư? Bây giờ đến lượt San... Nhưng liền ngay đó, y lại bị một ý nghĩ phũ phàng bóp chặt trái tim: nếu vợ San có thể có ngoại tình thì vợ y cũng có thể có ngoại tình lắm chứ?... Cùng một tuổi, cùng một hoàn cảnh, cùng bị chồng đi vắng... Thứ cãi như nghe thấy Oanh buộc tội chính vợ mình:
- Không có lý!... Không có lẽ nào lại như thế được!...
- Tôi cũng nghĩ như chú vậy. Không đời nào một người đàn bà nhà quê, con một nhà danh giá, làm như thế. Họ sợ tai tiếng nhiều lắm chứ! Bởi vì ở nhà quê, một người đàn bà có ngoại tình không những mang tiếng một mình, mà còn mang tiếng lây đến cả bố mẹ, anh em... bên nhà mình, bên nhà chồng. Ấy là một lẽ. Lẽ thứ hai là ở nhà quê, người ta chỉ làm quần quật suốt ngày, đêm đến lại còn con bú, con khóc. Còn rỗi lúc nào mà nghĩ đến chuyện bậy bạ. Với lại, nói cho đến cùng, thì các thím ấy lấy được người chồng như chú với chú San là nhất làng rồi. Còn ai hơn nữa mà phải đứng núi này trông núi nọ.
- Vâng, đúng thế!
Thứ đồng ý ngoài miệng với Oanh ngay. Thật ra trong bụng y đang nghĩ đến cái thối nát bên trong của bọn đàn anh ở làng y, nhất là gia đình ông bố vợ San. Nhà ấy còn thiếu một thứ tiếng xấu gì mà bảo vợ San phải giữ gìn. Ông bá Kiến đã bao nhiêu lần bị người ta bắt quả tang ngủ với vợ người ta, phải bỏ tiền ra để điều đình. Ông ngủ cả với vợ mõ, ngủ cả với con dâu. Bà ba nhà ông ngủ cả với anh canh điền. Con gái lớn, hai đứa con rồi, còn phải lòng một cung văn. Cả bà con dâu, vợ lý Cường, rõ ràng là bà lý hẳn hoi mà có lẽ chỉ còn có con chó là bà chưa ngủ với nó. Cái gia đình ấy thật là mục nát, thật là đốn mạt. Không! Người ta chẳng còn tin vào cái danh giá lại càng tồi tệ... Y nghĩ đến Liên. Liên cũng chẳng là con nhà giàu, nhà danh giá đó ư?... Y có cảm giác như bao nhiêu khí nóng trong người đã rút lên đầu y hết. Đầu y nóng rực...
Oanh tỉ mỉ kể lại những lời Đại nói:
- ... Thím San đánh bạc, thằng kia là một tay cờ bạc. Thằng Đại bảo: "Nó có ý làm tiền, thím San mất với nó nhiều tiền lắm, nó cứ thua hết thím San lại luồn tiền cho nó đánh...". Thằng Đại vẫn chơi với nó. Thằng Đại bắt được cả một cái thư của nó...
Thứ muốn thét lên. Y tưởng như Oanh đã kể chuyện vợ y. San đã chẳng kể với y về Liên giống giống như thế ư? Cũng đánh bạc với trai! Cũng cho trai tiền đánh bạc! Cũng một hạng lêu lổng, chơi bời, đàng điếm... thì ra ở làng y, đàn bà, con gái hư hỏng về cờ bạc rất nhiều. Hỡi ôi! Nếu câu chuyện về vợ San quả thật đã xảy ra, thì câu chuyện về Liên chưa chắc đã hoàn toàn sai cả. Hồi chưa về nhà chồng, Liên chẳng phải vẫn đánh bạc là gì? Bấy giờ thì Thứ ngỏ ý muốn Liên chừa, Liên đã chừa rồi. Năm, sáu năm nay, không ai bắt được Liên ngồi vào đám bạc nào. Nhưng những lúc vắng chồng, những khi chị em, các bạn rủ rê... Liên có thể lại ngồi vào đám bạc. Ồ! Chơi một vài lần cũng chẳng sao! Thứ biết đâu?... Liên nghĩ vậy. Và thế là Liên đã bắt đầu đi ra ngoài bổn phận...
Oanh hỏi Thứ:
- Thím ấy nhà chú có đánh bạc không?
Thứ hơi chột dạ. Biết đâu Đại đã chẳng kể bép xép, kể đủ thứ chuyện về Liên?... Đại là em ruột Đích, về nhà quê nghỉ mấy tháng, vừa lên. Thứ nóng nảy muốn gặp y. "Để hỏi thăm tin nhà quê". Thứ bảo Oanh như vậy. Thật ra thì y chỉ muốn biết rõ ràng hơn nữa về việc vợ San. Biết đâu, khéo léo một chút, y lại chẳng khiến cho Đại buột miệng nói ra rằng trong lúc vắng y, Liên cũng có đi đánh bạc?...
Vừa trông thấy Thứ, Đại bảo ngay.
- Suýt nữa quên! Bà Thứ ốm từ tháng giêng đến giờ rồi. Ông đi được mấy ngày, bà ấy ốm ngay. Ho ra máu. Trước khi đi, tôi vội quá, không lên. Không biết bây giờ đã khỏi chưa.
Thứ nhẹ hẳn người. Chỉ một lúc sau, cái lo về bệnh của vợ mới đến với y. Nhưng y cũng không để lộ ra ngoài. Đối với Liên, trước mặt mọi người y đã quen đóng bộ lạnh nhạt rồi. Y tỏ ý ái ngại cho San:
- Tội nghiệp cho thằng bé! Đã chắc gì câu chuyện kia là thật. Thế mà chưa chi thằng bé đã lác người đi.
Đại cười. Y nghiêng về đằng có nhiều hơn. Y bảo:
- Không biết có thật không. Nhưng người ta đồn rực cả làng. Còn cái sự hai người đánh bạc với nhau, thì chính tôi cũng trông thấy luôn luôn. Với lại thằng ấy lấy đâu tiền mà lớp này nó diện ghê, lúc nào cũng đầu chải mượt, quần áo trắng xát xi ruôn ruốt. Mà có rủng rỉnh nhiều xu lắm. Anh em nhà chú San đã chực đánh nó kia mà! Với lại cũng chính anh em nhà chú San viết thư cho chú ấy.
Trái tim Thứ lại như bị sợi dây vô tình thắt chặt. Y chua chát bảo:
- Thì cho ngay rằng có thật cũng không sao. Nếu chỉ có thế mà đã coi là khổ, thì chỉ khổ suốt đời. Tốt hơn là đừng lấy vợ, hay đã trót lấy vợ rồi, thì cứ ở nhà mà ôm lấy vợ suốt ngày đêm. Đã dám bỏ vợ ở nhà mà đi hàng năm, sáu tháng mới về được một lần, thì phải tự mình bảo mình trước ngay rằng: những chuyện ấy xảy ra là thường lắm! Phải coi đó là sự tự nhiên. Đừng trách người ta, hãy trách mình, lấy người ta mà để người ta phải quạnh hiu. Hay là trách ông giời: sao ông ấy sinh ra loài người lại bắt loài người có đủ mọi thứ cần. Tôi chẳng hạn, nếu sờ tay lên đầu, tôi có thấy mọc ra được mấy cái sừng, tôi chẳng ngạc nhiên chút nào. Tôi sẽ ngạc nhiên, nếu đầu tôi nguyên vẹn!
- Chú bi quan quá! Các ông đi thế này, chính các bà ấy mới lo, mới có quyền ngờ còn các ông không nên ngờ. Các bà ấy không nghi ngờ gì các ông là tử tế lắm rồi!
- Nhà tôi thì quả nhiên chẳng bao giờ để bụng ngờ tôi. Có anh Đại biết kia. Anh Đại mách với nhà tôi rằng tôi phải lòng cô áo tím, áo xanh nào đó, nhà tôi chỉ bảo: "Tính nhà tôi đứng đắn lắm, chẳng bao giờ thế. Nếu có thì cũng chỉ là đùa bỡn đó thôi. Bao giờ nhà tôi cũng coi mẹ con tôi hơn tất cả những cô áo xanh, áo tím... ".
- Thím ấy nói thế là phải lắm. Không nên ngờ vực. Ngờ vực thì khổ lắm... Tôi cũng thế. Ông Đích với tôi chưa cưới xin gì cả, mới chỉ yêu nhau. Ấy mới chỉ nghe ông ấy nói là yêu, chứ tôi đã biết lòng dạ ông ấy thế nào. Thế mà bây giờ ông ấy đi xa thế. Người khác thì khỏi sao nghi ngờ, lo lắng. Tôi không nhé! Tha hồ cho ông ấy chơi ông ấy diện! Tôi còn gửi thêm tiền với quần áo thật kẻng cho ông ấy diện cho nhiều cô thích... Này chú ạ, ông ấy đi làm, lương tháng năm, sáu chục bạc thế mà không đủ tiêu đâu nhé! Tôi vẫn phải gửi tiền thêm. Bao nhiêu tiền thừa của cái trường phải gửi cho ông ấy cả. Tháng nào tôi cũng phải tính toán phân minh. Tôi chẳng có quyền gì về cái trường này. Ông ấy cũng trả lương tôi như trả lương các chú. Lỗ lãi về phần ông ấy cả.
- "Nếu vậy thì được lắm!...". Thứ nghĩ thầm như vậy. Y cười khinh bỉ. Y chẳng nói thêm nửa tiếng. Y lẳng lặng một lúc, rồi chào Oanh, ra về.