12/10/12

Sống mòn (C8-9)

Chương 8:

Thứ và San cho việc ép Mô xếp chỗ ăn, chỗ ở cho họ chỉ là chuyện đùa. Không ngờ Mô lại để ý nhiều. Cố nhiên không phải chỉ vì muốn tận tâm với hai cậu mà thôi. Còn vì lợi ích riêng của nó. Nó hỏi họ rất kỹ càng về việc tiền nong...

- Thưa hai cậu, hai cậu định tìm người thổi cơm tháng cho hai cậu thế thì mỗi tháng hai cậu định cho như thế nào?

Thứ nhường việc tính toán ấy cho San. San đã chẳng làm nội trợ mãi rồi đấy ư? Y tất nhiên phải hiểu rõ hơn Thứ, mỗi tháng hai người sẽ tiêu thụ hết mấy đồng bạc gạo, mấy đồng bạc thức ăn, mấy đồng bạc mắm muối, nước non, củi lửa... Y cười bảo:

- Tính thì biết thế nào mà tính? Chúng mình có đi chợ đâu mà biết? Cái ấy thì cứ để thằng Mô nó hỏi bà cụ nhà nó cho.

- Không, hai cậu định cho như thế nào thì cứ bảo, để con còn phải tính...

Mô bảo thế. Và nó nói trắng ra như thế này:

- Chẳng giấu gì hai cậu... Bà con cũng già rồi. Đi xe cát thì kể cũng kiếm ăn được, nhưng vất vả. Giá nhận thổi cơm cho hai cậu được thì con bảo bà con ở nhà cho nhàn thân một chút. Rồi bà con cũng buôn vài thức quà bánh, hoa quả, ra cột đèn ngồi, để kiếm thêm mỗi tháng vài đồng. Miễn sao đủ cho một mình bà con ăn, không phải ăn tiền nhà con đi làm...

Thế nghĩa là bà cụ nhà nó sẽ làm một việc buôn bán đặc. Có lợi thì làm, không có lợi thì cụ đi xe cát. San biết thế thì sẽ xót ruột cho mình lắm, mà rút lại thì không tiện, nên hỏi Thứ:

- Anh nghĩ thế nào?

Thứ nhún vai

- Tùy anh... Tôi biết gì?

Y có vẻ bực mình. Hình như y muốn bảo: "Anh khỏe bới chuyện ta thì bây giờ anh liệu lấy!"... Liệu, tức là từ chối hay trả rẻ, để cho thằng Mô khinh và cười thầm mình trong bụng. Hay là trả thật đắt, cho vừa lòng nó, rồi có buốt ruột thì cố cắn răng lại mà chịu vậy, chẳng còn trách ai được nữa. San làm thì y chịu, Thứ không dự gì vào đấy! Không những thế, Thứ còn có quyền oán San...

San cười nhạt, bảo Mô:

- Tao tưởng bà cụ nhà mày có thể vẫn đi làm cũng chẳng phiền gì.

- Thưa cậu, thế thì ai thổi cơm cho?

- Lúc trưa về... Khi nào nghỉ làm, hãy thổi cơm.

- Nhưng thường thường trưa bà cụ nhà con lại không về, thổi cơm ăn ngay ở bờ sông. Xa thế mà những đi cùng về thì hết ngày chứ còn gì?

- Thế vợ mày?

- Nhà con thì nó về đấy, nhưng về muộn lắm. Vả lại, đi chợ vào lúc nào được? Mà không đi chợ thì lấy đâu ra thức ăn? Mà ngay có gửi được thức ăn cũng không có thì giờ mà nấu nướng.

- Thức ăn thì cần gì? Miễn là có cơm thì được. Chúng tao không đòi thức ăn đâu mà sợ.

- Thưa cậu, cậu thì cậu nghĩ thế, chứ chúng con thì lại phải nghĩ khác. Đã nhận cơm nước cho hai cậu thì phải dọn cho ra hồn một mâm cơm.

- Không ra hồn cũng được. Chúng tao bằng lòng chỉ ăn cơm không thôi kia mà!

- Thưa cậu, thế thì hai cậu cần gì phải đi đâu cho tốn tiền? Hai cậu cứ ở đây. Ở đây cũng có cơm rau chứ gì!

Mô cười, nhưng cái cười chẳng được tươi cho lắm. Khi nói câu vừa rồi, cái cổ nó gân lên. Nó có vẻ nhiếc thầm San: " Muốn ăn ngon nhưng lại không muốn mất tiền". San đỏ mặt, hất tay một cái, nói như người giận dỗi.

- Thôi, thế này này... Chẳng nói lôi thôi gì nữa... Lương tao mỗi tháng chỉ có mười hai đồng bạc đấy thôi. Tao đến tiêu hết cả mười hai đồng là cùng thôi, chứ gì?

Mô chẳng nói sao, San ngừng một lúc rồi lại bảo:

- Mỗi tháng mỗi người chúng tao đưa chục bạc. Hai người hai chục bạc.

Mô ngây mặt ra, như nhẩm tính:

- Hai mươi đồng thì tiền nhà đã mất độ bốn đồng rồi... San tiếp thật nhanh:

- Với vài đồng tiêu lặt vặt, nghĩa là còn độ mười bốn đồng tiền ăn cho hai người.

Mô ngẫm nghĩ một lát rồi chợt hỏi:

- Hai cậu định cho mười bốn đồng nguyên tiền ăn có phải không?

- Phải rồi.

- Vâng, biết vậy. Thế thì thế này này. Con nhận thổi cơm thôi, còn mọi thứ nhà cửa, giặt dịa, dầu đèn... mặc hai cậu cả.

- Được rồi, mày cứ lấy mỗi tháng mười bốn đồng còn mặc chúng tao. Nhưng phải tìm cho chúng tao cái nhà.

- Vâng, nhưng ấy là con mới nhận tạm thế thôi, chứ chưa dám nói chắc với hai cậu. Để con còn hỏi lại bà con đã...

Thứ, và có lẽ cả San thầm mong cho bà mẹ vợ nó không bằng lòng nhận. Nhưng hình như mẹ con nhà nó đã bàn đi bàn lại, trù liệu đâu vào đấy cả rồi. Nó chỉ còn đòi cho biết số tiền. Số tiền xét ra có thể nhận được rồi, lập tức nó đi hỏi nhà cho Thứ và San. Ngày hôm sau, nó bảo:

- Con thuê được nhà rồi đấy. Có ba đồng một tháng. Tối hôm nay, mời hai cậu xuống xem.

Cái nhà ở thụt vào mãi trong làng. Từ ngoài đường nhựa có một cái ngõ gạch đi vào. Ngõ vào đến nhà ấy vừa cùng. Nhưng vòng đến sau nhà, một cái ngõ khác trũng hơn, kề một đầu lên cái ngõ kia và chạy sang tận mặt kia làng, vắt hai sợi râu đỏ của nó lên cái sườn xanh rì của một con đê lớn. Cái lối đi bẩn thỉu và rác rưởi! Lẫn rác mục, lá khô phủ trên mặt, dầy đến nỗi người ta đi thấy lún chân. Thứ và San đã đi qua đấy một vài lần, nhưng chưa bao giờ trông thấy cái nhà, có lẽ chỉ vì đến đây họ còn mải chăm chú nhìn mặt đất để tránh những thứ dơ bẩn nhan nhản ở lối đi. Vả lại cái nhà liền sát một cái chuồng ngựa đua to, ở đầu trong. Cái chuồng ngựa với những con ngựa cao lớn, nở nang, chải chuốt và kiêu hãnh như bộ binh phục mới, những con ngựa thở phì phì và đập chân kêu bôm bốp, choán hết cả sự chú ý của người ta. Người ta chỉ trông thấy cái chuồng ngựa mà thôi. Nó nuốt hết cái nhà. Đứng bên ngoài mà trông, ai cũng tưởng cái nhà là một phần chuồng ngựa.

Dừng lại trước cái cổng thấp lè tè đục ngay vào một bức tường sau, Thứ hỏi San:

- Thế ra chỗ này cũng còn một cái nhà ư?

- Tôi cũng không ngờ đấy.

Mô đã vào trước để bảo người ta xích chó. Nó chậm ra. Hai nhà giáo nhìn quanh. Họ có vẻ hơi thất vọng. Nghe lời Mô tán tụng sự sạch sẽ của cái nhà sắp thuê, họ không đòi thấy những cái mà họ đang phải thấy. Đó là những đám cỏ rậm um ở sát chân tường, những vũng nước đen, những chỗ đất phủ rêu nhầy nhầy, những đống rác lù lù, bừa bãi. Một mùi khai khai, khăn khẳn bốc lên. Cả hai người cùng nhun mũi, nhưng chẳng người nào nỡ nói ra. Thứ trầm ngâm bằng cái vẻ quen thuộc của y. San khe khẽ cười vô cớ. Họ rất sợ tỏ ra mình là những người khó tính. Có mỗi tháng ba đồng bạc mà đòi sang trọng làm sao được?

Mãi San mới dám rụt rè nói nhỏ một ý nghĩ của mình:

- Chắc nhiều muỗi lắm?

Y dùng tiếng Pháp. Thứ cũng dùng tiếng Pháp, khẽ nhún vai, đáp lại:

- Có lẽ...

Vừa lúc ấy thì Mô ra:

- Mời hai cậu vào.

Một cái đầu trọc lốc cũng từ sau lưng nó nhô ra.

- Chào hai ông ạ! Mời hai ông vào trong này.

Mô khẽ giới thiệu với Thứ và San:

- Ông chủ.

Vừa kịp, Thứ và San đang lúng túng, không biết nên chào lại người ấy bằng gì cho phải. Y mặc độc mộc trọi một cái quần đùi đen, một cái áo cánh vải ròng rọc, mới cài có hai khuy. Có lẽ thấy khách đến, y mới mặc vội vàng cái áo vào. Y vừa xun xoe mời khách, vừa cài nốt mấy cái khuy trên. Quần áo thì thế mà người da đen thui, nặng nề, cục mịch. Da, có lẽ vì suốt đời cởi trần nên rất loãng, rất thô. Hai mắt kèm nhèm, trán chau chau. Chân đi bình bịch. Thứ và San phải hơi cúi xuống để chui qua cổng. Mới bước vào một cái nhà ngang, mặt trước trông hốc hác như quán chợ. Đó là nhà bếp. Bếp ở liền ngay cạnh cổng. Phía trong còn rộng, nhưng chẳng thấy kê đồ đạc gì, toàn thúng mủng.

Tạt chéo qua một cái sân nhỏ, lát gạch, có tường hoa, bể nước ở bên ngoài, họ tới cửa giữa ngôi nhà chính. Kiểu nhà xây ở quê nghĩa là thế nào cho xong chuyện thì thôi. Không có hàng hiên, ba khoang cửa ở tít mãi ngoài, thành thử một cái hè con cũng không có nữa. Đó là cái lỗi của chủ nhà tham muốn cho cái lòng nhà được rộng. Thứ để ý đến bốn con số "1935" ở trong lòng cái khung vữa hình chữ nhật, ở bên trên cửa giữa. Thì ra cái nhà này, làm cũng chưa lâu lắm. Được cái nền cao, cao hơn sân những hơn một thước tây. Không như cái bếp ở đằng đầu, chỉ cao hơn sân bằng hai hòn gạch đặt lên nhau. Đằng này phải có đến ba cái bậc để cho người ta lên...

Ông chủ cắm đầu, lút cút đi như chạy, huỳnh huỵch chạy vào nhà trước. Thứ và San, vừa đi vừa cố ý nhìn, khoan thai, đủng đỉnh theo sau. Mô bao giờ cũng rất lễ phép khi có người ngoài, rón rén và kính cẩn đi đằng sau hai cậu. Thành thử chủ đã vào nhà tám đời rồi, khách mới tới những bậc lên. Họ cũng chưa lên vội. Ông chủ lại lút cút chạy ra, nói như quát vào tai.

- Mời hai ông vào!... Mời hai ông cứ vào!... Chó xích rồi!...

- Vâng ạ!...

Thứ và San vào nhà. Gian giữa, trừ mấy cái giường thờ, án thư kê ở bên trong, phía ngoài chẳng có gì. Chủ mời khách lại bộ bàn ghế lim kê ở mạn ngoài một gian bên. Một người đàn bà, chắc bà chủ đang ngồi với ba đứa trẻ trên bộ ghế ở mạn trong, mải mốt ẵm đứa nhỏ nhất, đứng lên. San và Thứ cúi chào:

- Bà ạ.

- Cháu không dám ạ! Lạy hai ông!

Bà vội vàng đáp lại. Cái giọng mềm mỏng. Câu chào quá ư lễ phép đối với những người còn trẻ quá, khiến Thứ nhìn bà ta hơi kỹ, tuy vẫn nhanh chóng và kín đáo. Bà khác hẳn chồng. Chẳng đẹp đẽ gì hơn - kể chồng ấy, vợ ấy cũng xứng đôi! - nhưng lại cao ngồng và mảnh khảnh, chứ không trùng trục, vai u, thịt bắp như ông chồng. Nếu ông chồng là một con gấu thì bà chính là một con cò ruồi. Bà giục hai đứa con lớn - đứa năm, sáu tuổi, đứa lên mười, mười một vẫn ngồi yên, hếch mắt lên nhìn hai ông khách mới vào.

- Đứng lên, con!

Và vẫn cái giọng khoan thai ấy, bà bảo chồng:

- Thắp cái đèn lên! Cái đèn búp măng đâu rồi?

Ông chồng gần chúi hẳn người vào gầm bộ ngựa tìm và hỏi toang toang:

- Ơ hay! Cái đèn búp măng đâu rồi? U em!...

Bà tớn tác:

- U em đâu rồi?... Con! Chạy ra bảo u em thắp đèn!... Mau, con!...

Thấy họ rối rít cả lên, hò ổng om sòm mà vẫn không có được một cái đèn, Mô có vẻ ngượng lây. Nó làm như nó cũng về phe với chủ nhà, phe phải tiếp Thứ và San. Nó nháo nhác, nhìn chỗ nọ, chỗ kia. Thói quen nghề nghiệp, nó nóng nảy muốn trông thấy cái đèn ở một chỗ nào, để cầm vội lấy, đem lại bàn, bật diêm thắp hộ. Ông chủ thì vẫn lục sục dưới những gầm bàn, gầm ghế và thỉnh thoảng gọi u em như quát. Bà chủ đã phải hơi gắt tiếng. Thứ vội bảo:

- Thưa ông, thôi ạ!... Còn sáng chán!

Y nhã nhặn thì đúng hơn. Thật ra thì trong nhà đã nhá nhem rồi. Bên ngoài cái cửa sổ sau, màu xanh của bức giậu găng tây dâng lên đến lưng chừng cửa sổ, đã thẫm lại thành đen. Không gian xám tro. Và tít ngoài xa, đằng sau những đám mây loáng thoáng như những mạng nhện đen, trên một nền trời bằng lặng, mấy vết máu đỏ chết, cứ chết dần, đổi sang màu tím thẫm. Trong nhà tối hẳn, bà chủ bực mình, phải ẵm con đi mãi ra phía cửa, chực đi tìm u em, thì u em đã vào. Một vật lù lù, lặng lẽ như một đụn rạ biết đi. Bà chủ hỏi:

- U em đấy à? Đi đâu mà gọi mãi không lên thế? Đèn đâu?

- Đây ạ! Tôi đi mua dầu.

- Hèn nào!... Thắp lên!

Nhưng u em chậm quá. Mô nhanh nhẹn cất lấy và ông chủ lại cất lấy ở tay Mô...

- Cậu đưa tôi!

Ông bật diêm châm đèn. Thứ và San vẫn đứng. Mô nhận ra điều ấy trước nhất. Nó kéo hai cái ghế...

- Mời hai cậu ngồi chơi.

Bà chủ mời theo. Ông chủ cũng hấp tấp mời theo vợ, như quát vào tai khách. Thật tình thì Thứ và San muốn đứng. Bàn, ghế trông cục mịch và không được bóng. Chắc là ít khi dùng đến, ít khi lau chùi, và bụi bám khá nhiều. Đó là những điều mà người ta không thể nói toạc ra. Họ đành cảm ơn và ngồi vậy. Họ vẫn không quên lễ độ, họ xin phép trước. Còn Mô vẫn đứng. Ông chủ thì chỉ chiếc ghế còn bỏ không mời nó.

- Cậu Mô ngồi đây chơi.

Cố nhiên là Mô không dám...

- Ông chủ để mặc con...

Bà chủ hiểu tôn ti trật tự hơn. Bà mời Mô ngồi ghé bên chiếc ngựa. Thứ bảo Mô mới ngồi. Ông chủ nhà nhắc cái tích lên, do dự một thoáng, rồi lại đặt cái tích xuống bàn. Có lẽ ông lưỡng lự, không biết nên cứ mời khách uống nước ấy hay lại gọi đun nước khác. Bà chủ nhắc:

- Anh thằng Học rót nước ra, mời hai ông xơi nước.

Ông chồng rót nhưng vừa rót vừa phàn nàn:

- Nước nguội cả rồi...

Chiếc vòi không chịu chảy. Ông đặt tích xuống bàn, mở vung tích ra xem. Ông nhìn quanh như muốn tìm một cái gì. Chẳng thấy gì, ông lại nhắc tích lên ghé miệng vào vòi ầm ầm thổi. Rồi ông lại rót. Phen này thì vòi nước chảy. Nhưng cũng lịn rịn chậm chậm. Ông lại thổi rồi lại rót, rồi lại thổi. Hai ba lần như thế, chiếc chén nước mới đầy. Ông nhắc một chén đặt trước mặt Thứ và một chén đặt trước mặt San:

- Mời hai ông xơi tạm chén nước nguội.

Ông đưa cho Mô một chén:

- Cậu Mô xơi nước.

Không ai uống. Thứ và San kêu không khát. Mô nhìn hai cậu, tủm tỉm cười. Nó có ý tỏ cho hai cậu biết nó cũng nhận thấy lối rót nước ghê tởm của chủ nhà và những chiếc chén hạng rẻ tiền, trông như cáu bẩn. San và Thứ tảng lờ như không trông thấy nụ cười của nó. Họ nhìn đi, sợ chủ nhà để ý và sinh ngượng. Nhưng ông đã đang thông cái điếu thuốc lào rồi. Ông khẽ nhắc cái bóng đèn lên rồi dóm...

Thứ nói thẳng vào việc ngay:

- Thưa ông, thấy...

Y muốn giữ thể diện cho Mô (ông chủ gọi nó bằng cậu kia mà!... ) và gọi bằng anh nhưng thấy ngượng mồm. Y bèn gọi tên không.

- Thưa ông, thấy Mô nói chuyện ông còn thừa một căn nhà không ở đến, muốn cho thuê...

- Vâng, cậu Mô cũng đã nói chuyện với tôi...

Chủ và khách qua lại với nhau độ mười câu như vậy. Cuộc điều đình kết liễu. Chủ nhà định để lại cho người thuê nhà một gian cạnh của nhà ngoài...

- Nguyên chỗ nhà ngoài này những ba gian. Hai ông ở gian đằng kia. Nhà tôi ở gian đằng này với cái buồng ở đằng này. Còn gian giữa, tôi để giường thờ, nhất định phải để không rồi. Như vậy là đã có gian giữa ngăn đôi biệt tích hẳn ra. Tha hồ rộng rãi mà cũng tiện.

Đã đành! Nhưng San và Thứ vẫn thích ở buồng hơn. Họ viện lẽ rằng đêm phải học khuya, thắp đèn khuya, không muốn vì sáng đèn mà nhà chủ không ngủ được...

- Vâng, thế thì hai ông ở buồng cũng được. Để tôi khuân những đồ đạc của tôi ra.

Nhưng bà chủ chợt nói gì nho nhỏ với chồng. Ông ngần ngừ một chút rồi hỏi lại San và Thứ:

- Hay là hai ông ở nhà ngoài?...

Họ đưa mắt nhìn nhau như để hỏi ý kiến nhau, thì ông chủ đã vội cắt nghĩa thế này:

- Chẳng nói giấu gì hai ông... Nhà có nuôi con lợn, con gà, chuồng lợn ở đằng này, tôi phải ở buồng này để trông coi cho tiện.

- Thưa ông, thế buồng đằng kia.

- Vâng, hay hai ông ở buồng đằng kia?

- Vâng, nếu tiện thì hay lắm.

- Tiện thì tiện lắm. Buồng ấy tôi vẫn bỏ không.

- Thế thì còn gì bằng nữa.

Hai vợ chồng ông chủ nhìn nhau. Trong cái nhìn của họ, Thứ nhận thấy có một vẻ gì như lưỡng lự không đành.

Thứ sinh ngờ. Ông chủ cười cười, bảo:

- Nhưng giá hai ông ở nhà ngoài vẫn hơn cả. Chả gì bằng nói thật. Ở trong buồng thì đến mùa bức, chắc là không được mát.

- Thưa ông, không có cửa sao ạ?

- Có... cũng có hai cửa sổ, nhưng...

Bà chủ như hơi gắt với chồng:

- Thì cứ mời ngay hai ông vào buồng xem. Nếu được thì hai ông ở... Thưa hai ông, cái gì nhà cháu cũng hay nói thật. Ở trong buồng thì không được thoáng như ở nhà ngoài. Nhưng nếu hai ông muốn ở buồng cho tĩnh mịch để xem sách thì xin tùy ý. Còn nhà cháu thì thế nào cũng được. Gian nhà ngoài cũng rồi, buồng cũng rồi. Hai ông ở đâu thì cũng thế thôi. Hai ông ở gian nhà ngoài thì căn buồng ấy bỏ không, chứ đâu có ai thuê, nhà cháu cũng không cho thuê nữa. Vậy mời hai ông vào xem cho cẩn thận. Rồi hai ông định thế nào cũng được. Còn như nhà cháu ép hai ông ở nhà ngoài cũng không dám ép mà bảo hai ông ở trong buồng cũng không dám bảo. Cái ấy thì xin cứ tùy hai ông cả.

Thứ hơi khó chịu. Cái giọng ngọt xớt này thế mà ghê gớm lắm đấy! Y nghĩ vậy. Người đàn bà không được thật thà như người chồng. Y cũng không tốt bụng như chồng. Y không muốn khuyên gì. Đó là một cách giữ kẽ về sau. San và Thứ muốn ở đâu thì ở, nhưng sau này đừng có kêu ca gì hết. Thứ lại càng sinh ngờ vực. San quay sang y, bảo:

- Hay là ta xin phép ông bà vào buồng xem qua xem thế nào?

Ông chủ đã nhanh nhảu đứng lên:

- Vâng, mời hai ông vào xem...

Ông cầm đèn đi trước. Ông đi còn nhanh hơn lúc nãy. Nhưng lần này là cố ý. Ông muốn vào buồng trước một chút để còn sửa soạn. Khi Thứ, San và thằng Mô vào đến buồng, thì ông đã mở tung hai cánh cửa ra rồi. Quả nhiên, cũng hai cái cánh cửa sổ hẳn hoi, một cái ở đằng trước, một cái ở đằng sau. Nhưng chỉ một cái mở được thôi. Cái đằng trước mở thì cũng mở được đấy, nhưng mở ra cũng chẳng ích gì. Nó nhòm thẳng vào bức vách đầu hồi cái nhà lá quay mặt về mặt bếp. Bức vách ấy gần sát cửa sổ trước căn buồng. Trông chướng phè phè. Thành thử mặt sau căn buồng lại có vẻ như là mặt trước... San chỉ cho Thứ mỗi cái lỗ đục mãi tít trên đầu hồi, khẽ bảo:

- Kể thì cũng đủ lối cho không khí ra vào.

Thứ mỉm cười:

- Thừa đủ. Chúng mình có hai người, và xưa nay sẻn không khí mãi, quen rồi.

Mô gõ tay vào bức tường hồi, bàn:

- Giá chỗ này đục một cái cửa sổ nữa thì phải.

- Vâng, kể ra giá đục thêm cái cửa sổ ở chỗ ấy thì đẹp lắm, nhưng tức một cái chỗ này lại liền chuồng ngựa quá.

Ông chủ trả lời như vậy. Rồi ông vội thêm ngay:

- Với lại thế này cũng đủ lắm rồi. Hai cái cửa sổ lại cái cửa ra vào mở ra nhà ngoài. Được cái cửa ra nhà ngoài cũng gần ngay với cái cửa nhà ngoài ra sân...

Tối hôm ấy, lúc Mô lên để mắc màn, nó và Thứ và San lại bàn tán về chuyện thuê nhà, San hỏi:

- Ông ta làm gì thế, hở Mô? Trông cái tướng thế mà giàu!

- Thưa cậu, vợ chồng ông ta chỉ chuyên môn làm đậu.

- Làm đậu phụ bán cho người ta ăn ấy à. Eo ôi! Thế mà người ta cũng dám mua ư?

- Thưa cậu, sao mà không mua ạ?

- Trông cái mắt ông ấy, tao đã đủ ghê chết cha rồi!

Thứ bật cười:

- Ồ, mà không hiểu sao mắt bà ta cũng vậy. Hai vợ chồng cùng toét.

- Thế thì anh trông còn sót đấy. Tôi còn thấy cả u em cũng toét nốt, mới chết người ta chứ! Sao mà họ khéo tìm người thế!

- Khéo rồi chúng mình ở đấy ít lâu cũng sinh toét nốt. Tôi sợ lắm.

Mô có vẻ không bằng lòng họ chế giễu như vậy. Nó cười ngượng nghịu. Và nó bảo:

- Thưa cậu, thế mà nhà cửa nhà ông ta sạch lắm, không mấy nhà được sạch bằng. Con đã xem kỹ lắm rồi. Đừng nói gì đến sân, nhà, ngay cái chuồng lợn nhà ông ta cũng sạch như lau. Mỗi ngày ông ấy đổ nước mấy lần. Cả đến cái chuồng tiêu. Hai cậu chưa biết cái chuồng tiêu nhà ông ấy đấy. Buồn cười lắm. Mỗi lần xong việc, có một cái vung bằng nắp gỗ để đậy lại, cho khỏi có mùi xông lên...

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chương 9:

Mọi người buông bát đũa cả rồi. Một mình San vẫn còn ăn. Y vừa ăn vừa nói nói, cười cười. Đó là ảnh hưởng của cốc rượu vang. Y uống rượu không quen. Bữa ăn hôm nay, bởi Oanh sửa soạn hơi lâu, muộn quá giờ thường đến một giờ. Cốc rượu nốc vào một lúc y đã đói mềm người. Chất men ngấm rất mau. Mặt y đỏ gay lên. Cổ y cũng đỏ rần rần từng vết lớn, như người gãi. Mắt y gà gà, díp lại. Y mở to chúng ra, lừ lừ nhìn vòng quanh tất cả mọi người một lượt rồi kêu lên:

- Ô này! Thôi thế cả à? Ăn đi chứ? Tôi còn ăn kia mà!

- Được, mời ngài cứ thật tình đi cho!

Oanh bảo đùa như vậy và cười. Mặc dầu y đã tít cả hai mắt lại để cười, trông chẳng có vẻ thực tình một tí nào. Y ăn xong trước tiên, đã xỉa răng, uống nước lâu rồi. Nhưng y cũng còn nhởn nha hơn mọi ngày, là chưa vội đứng lên. Y ngồi bó gối, nhìn mọi người ăn. Nghe San nói ba hoa, y chỉ mỉm cười. Nhưng nụ cười gượng gạo vẻ mệt mỏi, rõ rằng y đã sốt ruột lắm rồi, nhưng cố chịu đựng. Thứ ngượng hộ San. Y nói nửa đùa nửa thật:

- Anh định ăn hết cả phần thằng Mô đấy à?

- Thằng Mô có rồi, anh ạ! Tôi trông thấy để phần nó lúc nãy rồi. Tôi say nhưng chưa mê đâu! Anh đừng sinh sự với tôi! Ái chà!...

San lè nhè giục thật to, như một bác xã, bác nhiêu đi uống rượu việc làng. Tuy nhiên San đùa, Thứ cũng ớ mặt ra như bẽ với mọi người. Y cười nhạt, bảo San:

- Thì đấy! Mời anh cứ xơi cho đủ đi! Chỉ sợ nứt bụng thôi!

- Nứt bụng tôi chứ nứt bụng anh à?

- Vâng, không nứt bụng tôi thì anh cứ việc ăn mà!...

- Tôi ăn chứ tôi sợ à? Tôi còn ăn nữa! Tôi ăn cho anh biết tay tôi đây này!

Y gắp một con bún cho vào bát, gắp thêm hai miếng thịt quay, một ít rau, rưới một chút nước mắm lên trên rồi và cả vào mồm. Y cố làm ra vẻ thô tục, ngồm ngoàm: phùng má, trợn mắt nhai, rồi duỗi cổ ra để nuốt đi, nuốt xong, rụt cổ lại, phình bụng ra như bụng cóc. Lũ trẻ cười. Cười xong, một đứa hô:

- Anh xơi nữa ạ!

- Ăn nữa!

San gân cổ đáp, rồi chống đũa xuống lòng cái bát không, ngồi dòm đĩa thịt. Y có vẻ muốn ăn nữa thật. Thứ ngồi bó củi, hai má tì trên đầu gối, mặt cúi gầm như xấu hổ. San cười khì một cái ra đằng mũi, buông đũa xuống:

- Nhưng mà thôi, không ăn nữa. No rồi!

Thứ ngẩng mặt lên:

- Ấy! Mời ngài xơi miếng nữa... Làm khách thế!

Y lại cười tít mắt. San chừng hiểu câu nói mỉa, cười nhạt bảo:

- Thôi, no rồi...

Y quay ra, bảo thằng Mô đang đứng đợi.

- Cất mâm đi, Mô này!

- Cậu xơi nữa ạ!

- Thôi! Xơi mãi thì lại... Anh Thứ bảo... đến nứt bụng ra thật mất...

Mô lúi húi dẹp mâm. Oanh nhìn đĩa thịt quay còn đến vài chục miếng:

- Cất đi để đến chiều ăn Mô nhé! Còn bún thì mày ăn cố hết đi kẻo hoài.

Mô chẳng nói gì, nó đến nửa thang gác rồi. Oanh lại gọi với.

- À, chuối đâu, Mô nhỉ? Đem chuối lên đây nhé!

San tán tụng:

- Lại chuối nữa kia à? Sang nhỉ? Giá hôm nào cũng như hôm nay thì thích nhỉ?

Câu nói, chẳng biết vô tình hay cố ý, nhưng đối với mọi người thì tự nhiên lại có một cái nghĩa hơi xoi mói. Oanh hơi sầm mặt. Nhưng chỉ một thoáng thôi. Rồi y cố tảng lờ như không nhận thấy. Y ôn tồn bảo:

- Cũng chẳng thích đâu. Ăn mãi cũng chán. Cứ ăn rau quanh năm, thỉnh thoảng làm một bữa thịt như thế này mới ngon.

Y vội chữa lại ngay:

- Mà nói thật, cũng chẳng ngon gì kia! Hai chú thế nào không biết, chứ tôi thì chỉ vài miếng là chán ứa. Nói thật, bố mẹ chúng mình sinh chúng mình ra, không phải để mà ăn thịt.

San chống nạng tay, ngửa mặt lên trần nhà, cười mũi, bảo:

- Phải nói rằng: bố mẹ chúng mình sinh mình ra không cho chúng mình ăn thịt, nên chúng mình không biết ăn thịt thì đúng hơn!

Thứ bật cười, San thích chí, cười hô hố. Oanh cũng cười, nhưng vẻ ngượng nghịu đã hiện ra ngoài mặt. Y vẫn làm như chẳng hiểu gì đến cái châm chọc của San. Vẫn đem sự kinh nghiệm của mình và lý thuyết của các nhà bác sĩ ra để bênh vực thuyết ăn chay...

- Người ta nghiệm ra rằng những giống vật, những giống người ăn thịt thường hung ác, còn những giống ăn cỏ, ăn lá thì hiền lành hơn. Cứ lấy một anh cọp với một anh trâu mà xét là đủ biết.

- Bởi vậy cho nên anh cọp mới cấu cổ được anh trâu, còn anh trâu thì chỉ suốt đời è cổ kéo cày cho thằng người. Ai đặt ra cái chữ quốc ngữ cũng đã tài tình lắm, chữ hiền chỉ hơn chữ hèn có một chữ i với một cái dấu mũ đó thôi...

San mà hôm nay cũng thâm thúy thế ư? Thứ mỉm cười. Y kết luận hộ San:

- À thế ra tại anh chỉ ăn rau nên suốt đời è cổ làm cho kẻ khác phải không?

- Phải rồi, cả anh thì cũng thế.

- Vậy chúng mình hiền hay hèn?

- Tùy anh.

Mô đem đĩa chuối lên. Oanh nói lấp:

- Thôi nào! Các ông! Các ông có ăn chuối hay không? Chỉ suốt đời cãi nhau, làm như hai gái lấy một chồng!

Y lần lượt nhìn Thứ rồi San, tiếp:

- Đây là bà cả, đây là bà hai.

Y đỏ mặt lên ngặt nghẽo cười. Cả Thứ và San cũng hơi ngượng nghịu. Thứ tự nhiên nghĩ đến Đích, đến một đêm Đích tâm sự với mình, trước khi đi: "Có lẽ tôi sẽ cưới Oanh, có lẽ không... ý người ta rất có thể đổi thay... Tôi thấy y không đẹp, hơi xấu nữa, hơi già, nhưng tốt bụng... ". Đích đã ngỏ lời với y như vậy...

San ăn những hai quả. Ăn xong, y lăn kềnh ngay ra chiếu, hai tay xoa bụng, kêu no quá. Rồi bỗng y lại cười sằng sặc, gọi Oanh...

- Cô ạ,

- Sao kia?

- Chúng tôi đánh lừa cô đấy! Chúng tôi chưa đi đâu!

Y đập tay xuống chiếu, giãy lên đành đạch để cười. Oanh có vẻ không hiểu tất cả cái ý nghĩa khôi hài trong câu nói ấy. San cắt nghĩa thêm:

- Mất một bữa cỗ để tống tiễn quan ôn, mà quan ôn lại giở mặt, không chịu đi cho, thì có chết người không!

Y cười rú lên, gục mặt vào đùi Thứ.

- Nhỉ? Anh Thứ nhỉ?...

Thứ cau mày, đẩy y ra:

- Anh điên đấy à?

Thứ không đùa. Y cố giữ vẻ mặt lạnh lùng, cố chống lại với cái rất vui không đâu, hoàn toàn về thể chất, do cốc rượu gây nên. Y không muốn để Oanh có thể khinh bỉ, nghĩ thầm: "Được ăn có khác! Hôm nay sao mà vui vẻ thế, sao mà tử tế thế! Chẳng bù với mọi hôm một tí!... ". Có thể nói y thèn thẹn mà ăn qua bữa lệ thường của Oanh đãi y và San trước khi hai người đi ở nhà riêng. Hình như thế là Oanh tử tế với y. Ít ra Oanh cũng có thể bằng vào đấy mà tưởng rằng mình đã tử tế với y. Mà y, y không muốn chịu của Oanh một tí gì có thể gọi là tử tế. Một hôm, Oanh phàn nàn về cái cách học trò và cha mẹ học trò cư xử với thầy, trách chúng bạc bẽo, vô ơn và kết luận rằng: từ nay có lẽ mình cũng chẳng vội gì mà tử tế với ai. Thứ đã mỉm cười chế nhạo Oanh:

- Cô tưởng chúng mình vẫn tử tế với chúng nó đó ư? Nhầm! Ở đời này chẳng thằng nào tử tế với thằng nào! Sao cô lại kể ơn. Thật ra chúng mình dạy học, có phải để làm ơn cho chúng nó đâu? Trước hết chính là để kiếm ăn. Mình dạy chúng nó, chẳng phải là để mở mắt ra cho những kẻ mù đâu. Chính là để thủ của chúng mỗi tháng một vài đồng bạc. Chứng cớ là nếu chúng không trả tiền thì mình không cho chúng học. Thế thì còn muốn chúng nó ơn nỗi gì? Đáng lẽ chúng mình phải ơn chúng nó: chúng nó nuôi chúng mình!...

Thứ phân tách đến những hành động, những tình cảm siêu nhất của loài người và nhận ra cùng với La Rochefoucauld rằng đó chỉ là ích kỷ và vì lợi mà thôi, ích kỷ trá hình, vì lợi che đậy và tô son điểm phấn...

Loanh quanh thế một lúc, rồi y đã trắng trợn nói bốp vào mặt Oanh:

- Xét cho kỹ thì ai chẳng vì mình. Nói chuyện nhân nghĩa, tử tế chỉ là nói chuyện thừa. Thí dụ tôi dạy học cho cô, có phải vì tử tế đâu? Vì hai mươi đồng mỗi tháng đó thôi. Mà cô thuê tôi dạy học có lẽ cũng chẳng phải vì tử tế với tôi, muốn giúp tôi có việc làm, có lương ăn. Nói cho đúng thì có lẽ vì cô không có bằng thành chung, không thể đứng làm hiệu trưởng trường, không thể dạy lớp nhì lớp nhất.

Oanh đã vênh cái mặt đỏ bừng lên:

- Chưa hẳn đúng. Ừ, thì chú bảo chú vì tiền mà dạy cho tôi, tôi chỉ vì mảnh bằng của chú mà tôi thuê chú, nhưng cả một xứ Đông Dương này chỉ có một cái trường của tôi cho chú dạy thôi ư? Mà cả xứ Đông Dương này chỉ có một chú có bằng thành chung ư? Tại sao chúng tôi không nhờ ai mà lại nhờ chú? Tại sao chú không dạy ở trường khác mà lại dạy ở trường chúng tôi?

Thứ đã cười gằn

- Tại sao? Tại thế này: chưa có trường nào khác thuê tôi.

- Đó là về phần chú. Nhưng chúng tôi, chúng tôi rất có thể tìm được một người khác một cách dễ dàng...

- Đã đành! Nhưng ai thì cũng tiền. Với một số lương như lương của tôi ở trường này, thì chẳng có nhiều người ham làm đâu. Vả lại...

Cũng may mà Thứ chưa kịp nói cả ra. Y định nói rằng sở dĩ Đích đã nhờ y, chẳng phải vì tình nghĩa gì đâu, nhưng chính vì tính toán: Đích không muốn để cho một người không thân thuộc ở cạnh vị hôn thê của mình... Cũng may mà y đã giữ lại được, không nỡ nói cái ý ngấm ngầm ấy của Đích ra. Nhưng chưa nói điều ấy ra, thì cũng đã đủ lắm rồi. Y đã phá tan sự mập mờ giữa hai đằng. Y đã bạo phát nói cho Oanh biết tình nghĩa là tình nghĩa, công việc là công việc, đừng bao giờ nên kéo giằng cái nọ với cái kia. Y đã nói trắng ra rằng y chẳng phải chịu ơn gì Oanh và Đích, Oanh và Đích chẳng tử tế gì với y...

Nói trắng ra như vậy để làm gì? Để đôi bên chẳng còn có gì phải nể nang nhau, e tiếng với nhau. Nhất là để Thứ không phải nghĩ ngợi đến tình nghĩa an hem, mà có thể đòi tất cả những cái gì là quyền lợi của y, tất cả những cái gì y có thể đòi. Khi người ta đã chỉ còn là chủ với người làm, kẻ buôn sức người với kẻ bán sức làm việc của mình, khi người ta đã là hai hạng người quyền lợi ngược nhau, thì còn có gì phải nể nang nhau nữa. Cứ việc mà tranh đấu! Y cứ việc đòi công, còn Oanh cứ việc mà trục lợi! Oanh cứ việc mà trục lợi cho nhiều, cho nặng túi đi! Nhưng hãy coi chừng, có một ngày kia, Thứ sẽ ung dung bảo với Oanh rằng: "Ông bà lợi về cái trường này đã nhiều rồi, anh San và tôi khó nhọc về cái trường này cũng nhiều rồi, khó nhọc mà chẳng ăn gì, bây giờ một là cái trường phải là của chung của ba người, công việc chia đều và lợi lộc chia đều, hai là ông bà tìm người khác thay tôi và anh San, hai chúng tôi phải mở một trường khác dạy... ". Ấy là nói thế, thật ra thì lúc bấy giờ Oanh chỉ có quyền nhận điều thứ nhất thôi. Thay? Thì hiệu trưởng là y, y rất có thể từ chối, không kí giấy sang tên. Vả lại hai phần học trò, mà lại toàn những học trò các lớp trên, trả nhiều tiền, ở trong tay y, với tay San. Nghĩa là trong cuộc giành giựt lại cái trường, cái khí giới làm việc của mình, y biết chắc rằng thế nào cũng thắng. Y lại biết chắc rằng y thắng như vậy, cũng là hợp lẽ công bằng, và y làm thế cũng chẳng có gì đáng ân hận, bởi thật ra thì bao giờ Oanh cũng chỉ nghĩ đến lợi riêng mà chẳng tử tế gì với y và San cả. Thế mà y vẫn do dự mãi. Y vẫn nể...

Lúc này đây, y lại nghĩ đến cái dự định đã nghiền ngẫm mãi với sự e ngại, sự nể nang rất vô lý của y.

"Như vậy có phải là tử tế đâu? Chẳng phải là mình muốn nhịn đi để người khác ăn. Đó chỉ là nhu nhược... ". Y tự bảo thầm như vậy...

Mô lên hỏi:

- Thưa hai cậu, bây giờ thuê xe bò hay sao ạ?

Và khi San trả lời chẳng có gì đủ chất lên một cái xe bò, chỉ cần gọi một người phu khuân vác nào họ khuân đi cho một cái giường với một cái hòm, nó nhất định bảo rằng cái giường cũng như cái hòm, phải có hai người khiêng chứ không thể một người...

- Thì mày thuê hai người! Nhất ngay là bốn người cũng được kia mà!... Cậu Thứ với tao có nói sao đâu. Miễn là được việc thì thôi...

San bảo vậy, Mô cười, bảo:

- Vâng, đã đành như vậy, nhưng hai người thì có lẽ một đồng họ cũng chưa nghe.

- Thì trả hơn lên!

- Trả hơn thì lại đắt!

- Đắt thì cũng phải chịu, chứ còn biết làm sao? Mày định để chúng tao xoay trần ra, khiêng lấy à?

Lũ trẻ nhao nhao bàn để chúng khiêng cho, nhưng San và Thứ gạt đi. Ai biết, họ cười. Vả lại Thứ có ý... trọng học trò. Y cho rằng không có quyền sai chúng làm một việc gì cho y cả. Y bảo Mô cứ thuê người cho gọn việc...

- Thế hai cậu định cho bao nhiêu, để con bảo người ta!

Mô hỏi...

- Mày liệu đấy. Mặc cả với người ta xem.

- Vâng, nhưng hai cậu định cho bao nhiêu trở lại? Độ đồng rưỡi, có thuê không ạ?

- Bao nhiêu cũng được.

- Thế hai cậu cho đồng rưỡi nhé? Con làm thế nào dọn được đồ đạc đi cho hai cậu, đến nhà mới kê kiếc đâu vào đấy cho hai cậu thì thôi.

Nó cười hì hì, gật gật đầu. Ra vẻ ta đây ranh mãnh lắm. Nó bình bịch chạy xuống cầu thang như lăn từ trên gác xuống. Một thoáng sau, đã thấy tiếng. Nó cũng đi mua mấy xu rượu ta về uống. Nó li lô nói tiếng Tây lô lô - toàn tiếng Tây ba láp - bắt chước ông Tây nhà bò mắng bồi bếp. Rồi nó toang toang gọi tên đứa này, đứa kia, rủ lũ trẻ đi với nó lên Quần Ngựa xem. Nghe tiếng nó oang oang như ngỗng đực, tưởng tượng ra cái điệu bộ lốc ngốc của nó đi giữa lũ trẻ như một anh gà trụi cao lớn đi giữa lũ gà líp nhíp, Thứ cười mủm mỉm. Y bảo với San. San cũng hô hố cười.

Tối mịt mới dọn nhà. Đây là do ý Thứ và San. Họ muốn làm việc ấy lén lút, như một cô gái chửa hoang đi đẻ. Trong khi Mô sửa soạn dưới nhà, họ chỉ ngồi ru rú trên gác, cố nói chuyện thật náo nhiệt với Oanh, để khỏi phải trông thấy dọn. Nhưng tiếng Mô đập chan chát để tháo cái giường ra từng mảnh, vang động quá, khiến họ hơi đỏ mặt. Họ sợ những người chung quanh biết... Mô chẳng thuê ai. Nó đi gọi vợ nó lên. Những cái gì nhẹ, nó nhờ lũ trẻ con. Cái gì nặng thì nó với vợ nó khiêng. Chúng vừa khiêng vừa giỡn nhau. Chồng giả vờ lên mặt kẻ cả, quát tháo om sòm. Vợ cười hì hì. Ra đến đường, Mô cũng còn lúc thì đùn đi, lúc thì kéo lại, giằng co trêu vợ chán rồi lại còn nổi chiêng trống bằng mồm, thét loa, làm kiệu bay... đùa với nhau rinh rích. Càng khổ San và Thứ! Họ muốn bịt chặt hai tai lại để không nghe thấy. Đồ đạc đã khuân đi cả lâu rồi, họ cũng chưa buồn đi. Họ sợ ngượng với chủ nhà. Cứ để Mô xếp đặt đâu vào đấy cả rồi, họ sẽ đến, chui tọt vào buồng, đóng cửa lại, là xong chuyện...

Lũ trẻ về. Một đứa bảo cho San và Thứ biết mọi sự đã xong rồi. Bây giờ họ mới tay không lững thững đi. Làm như họ đi chơi phố vậy. Họ không chạy tọt vào buồng ngay được. Một bà lão thấp bé, đứng đón họ ngay từ cửa, vòng tay lại, kính cẩn chào. Mẹ vợ thằng Mô. Thứ nhận ra cái thứ tiếng yếu ớt, bải hoải, run run đã nghe thấy đêm nào. Bà cụ vào khoảng bảy, tám mươi. Tóc hai phần trắng còn mỗi một phần đen. Mắt lờ lờ. Miệng móm mém. Mặt và hai bàn tay nhăn nhúm. Người thế mà còn đi xe cát được ư? Thứ nghĩ rằng: để một người già nua tuổi tác như thế thổi cơm, nấu nước, bưng mâm, rửa bát cho mình, cũng ái ngại và như không đành lòng. Nhưng dù sao thì những việc ấy cũng còn là những việc nhẹ nhàng. Nếu bà có thể trông vào đấy để kiếm ăn, thì âu cũng là một cách dưỡng già. Còn hơn suốt ngày phải nhoài người ra, đẩy những cái xe bò nặng cát. Muốn tỏ ý trọng bà, coi bà như một người chủ trọ chứ không phải là một u già, Thứ lễ phép bảo bà:

- Thưa cụ, chắc Mô đã thưa chuyện với cụ rồi, chúng cháu muốn nhờ cụ giúp cho việc cơm nước.

- Vâng.

Bà vòng tay buông thõng, nhìn xuống đất, như một cô gái thẹn thò đứng nói chuyện với đàn ông. Nhưng chợt lại nhút nhát nhìn lên:

- Thưa... cậu dạy gì kia ạ? Thổi một ít cơm nếp để uống nước sáng ấy kia? Thưa cậu, anh Mô không dặn thành thử tôi không đong gạo nếp. Hay để mua xôi, có được không ạ.

Thứ đỏ mặt. San cười ngượng nghịu. Họ ấp úng, chực cải chính cái lầm của bà cụ, nhưng chưa kịp. Ông chủ nhà đã quát vào tai bà hộ.

- Bà nghe không ra. Có phải ông giáo bảo phải thổi cơm nếp đâu. Ông giáo muốn nhờ cụ cơm nước cho hai ông giáo. Thế đấy chứ! Thưa hai ông, có phải thế không ạ?

Thứ cười nhũn nhặn, khẽ cúi đầu, như đáp chuyện một phu nhân:

- Dạ... Thưa... Vâng! Giá tiện ở đây, ông bà giúp cho được thì tiện quá, khỏi phải phiền bà cụ. Nhưng ông bà bận...

Ông chủ nhà vẫn toang toang, như nói cho mọi người ở mãi đâu nghe.

- Vâng, nhà tôi thì bận đi bán hàng. Tôi thì bận làm hàng, các cháu còn nhỏ, ăn uống thì thất thường, bạ lúc nào ăn lúc ấy, chẳng có giờ giấc gì, nên không dám nhận. Vả lại để bà cụ thổi nấu cho hai ông thì cũng tiện. Nhà bà cụ cũng gần đây. Muốn đi về cũng được. Mà nếu bà cụ muốn ở ngay đây cũng được. Nhà tôi còn rộng.

Trong khi nói, bà cụ giơ cánh tay, che cái mồm móm mém ngửa cổ ra cười: bà cười đôi tai nghễng ngãng của của. Rồi bà sửa soạn một câu, ngoẹo đầu ngoẹo cổ, thưa với hai ông giáo.

- Vâng thôi thì... thưa... trước là thưa hai cậu, sau lại có ông hai đây cũng như là chỗ người nhà... Vì cây dây leo, vì có anh Mô cháu hầu hạ bà giáo với hai cậu ở trên trường, thế rồi anh Mô lại làm bạn với con bé Hà nhà tôi...

Bà nói lôi thôi, dài dòng như họ nhà trai, nhà gái thi tài ăn nói với nhau, hôm dẫn cưới. Thứ làm bộ lắng tai nghe, thỉnh thoảng vâng chiếu lệ. Thật ra thì y chẳng nghe gì. Y đang nghĩ xem nên làm thế nào để vào phắt được trong buồng. Vừa thấy bà ngừng lại, y vội vàng xin lỗi:

- Thôi, xin phép cụ, xin phép ông cho chúng tôi vào trong này xem đã xong chưa...

San cũng bắt chước y:

- Xin phép cụ, xin phép ông...

Nhưng bà cụ Hà lại tưởng sự lễ phép bắt bà phải theo họ vào buồng. Bà vẫn vòng tay, rón rén đi theo. Ông chủ thấy vậy, cũng theo vào. Ông cho là còn nhiều khoảng trống quá, và bàn nên kê thêm thức nọ, thức kia. San và Thứ chỉ cười và vâng, dạ để đưa đà. Họ thưa thích thoáng và rộng rãi. Suốt ngày, họ dạy học ở trên trường. Khách khứa cũng tiếp ở trên trường. Dầu chỉ một bộ bàn ghế nữa cũng là thừa... Nghe họ nói, ông chủ cũng gật đầu vâng, và đổi giọng, tán thành ý kiến của họ ngay. Có lẽ trong bụng ông thì nghĩ khác. Nhưng mặc họ. Ông mất gì!

Tận lúc thấy Mô xách kìm búa ra về, ông và bà cụ Hà mới chịu ra cho. Thứ vội vàng đóng cửa ngay. Y và San cởi quần áo ngoài, tháo giầy, ngả lưng xuống giường dang chân tay, ngáp dài và thở ra khoan khoái. Bỗng San xoay nghiêng người, vòng tay ôm ngực Thứ. Thứ chực hắt ra, nhưng San cưỡng lại:

- Im! Tôi bảo... Nằm trong cái buồng kín đáo này, anh có cảm tưởng gì không?

Thứ tặc lưỡi:

- Cũng hơi dễ chịu.

- Đã đành. Nhưng tôi thì hơi tức: tức một cái là hai thằng đực cả. Giá một thằng là trai, một thằng là gái thì có phải là tuyệt không. Cái phòng này vừa cho một cặp.

San áp má sát tai Thứ, xô người lại, khe khẽ rên những tiếng rên "hu... hu... u... u... ". Thứ không thích thế, nhưng cũng không cự lại. Y còn đang nghĩ lan man. Câu nói của San khiến y nhớ tới Liên. Giá y có thể cho vợ con đi... Có lẽ ở vào giữa làng, trong một cái nhà như nhà này Liên sẽ thích hơn. Liên quê mùa, ăn mặc nâu sồng. Những người trong nhà này gần gũi với Liên, Liên sẽ không bỡ ngỡ, không phải xấu hổ, không phải tủi thân... Hai vợ chồng... Một đứa con... Một đứa ở... Rất có thể móc một cái võng bắt chéo từ góc phòng đến góc ngoài... Y sẽ thuê thêm cái nhà lá ở trước cửa phòng đây... Tính Liên ưa rộng rãi... Chỗ này sẽ là chỗ nhà riêng đi về để vui thú với vợ con. Y sẽ có một chỗ ở nữa - bàn giấy... phòng tiếp khách... chỗ làm việc... và một cái đi văng để lâm sự có thể đổi thành phòng ngủ tạm - ở ngay trên gác nhà trường, cái gác hiên, Oanh dùng. Y sẽ để San ở đấy. Tùy theo khi việc nhiều hay ít, khi muốn đọc sách hay là chơi với con, với vợ... Y sẽ ngủ lại đấy với San hay về nhà riêng...

Thấy Thứ nằm ngây ra, mặc kệ cho mình vuốt ve nũng nịu, San bạo dạn hơn, Thứ sực tỉnh, đẩy mạnh y ra...

- Anh làm trò gì thế?

San nũng nịu:

- Lắng im, nào!... Im, em bảo...

- Thôi đi!

Thứ hắt mạnh tay San lại đang ôm lấy người y. San cười:

- Anh có biết tôi "hu... hu..." thế là bắt chước ai không?

- Anh vẫn làm với vợ thế à?

- Không phải. Đây là tôi bắt chước Đích. Hồi chưa có anh ở trường kia. Tôi cũng mới lên. Thì ra trước Đích thấy mình mới ở quê lên tướng ấy bắt nạt mình tợn. Lương tháng có tám đồng. Ngoài giờ dạy học ở trường, tôi lại còn phải vẽ địa đồ cho tướng ấy học thi. Anh tính trời bức như trời bức tháng năm, tôi ăn cơm trưa xong, nghỉ không được nghỉ, phải xoay trần ra, nằm bò trên sàn gác, vẽ địa đồ cho Đích học thi (nếu vẽ cho nhà trường thì còn đỡ ức mình... ) mình đau cả lưng, mỏi cả mắt, toát cả mồ hôi, họ đã chẳng thương thì chớ, còn cứ trêu mình: Đích nằm trên đi văng với Oanh, mồm thì rên: "hu... hu... hu... u... u...". Mình, vợ con hẳn hoi, bỏ ở nhà để lên đây. Xa vợ luôn mấy tháng rồi. Họ làm thế thì có chết mình không. Những lúc ấy nghĩ đến vợ, đến con đứt đi từng khúc ruột...

Giọng y nửa đứng đắn, nửa đùa. Nói xong, y cười ằng ặc. Tiếng cười thái quá ấy, nghe còn đau đớn hơn tiếng khóc. Tiếng cười im, mặt y giãn ran gay, trở nên buồn rười rượi. Y giấu nó vào cánh tay Thứ, một tay y lại ôm lấy vai bên kia của Thứ. Lần này, Thứ để mặc y. Đôi bạn im lặng, mỗi người theo đuổi những ý nghĩ riêng. Thứ tưởng như nước mắt San thấm sang tay áo mình.