Người trung niên cổ cao là quản gia của sơn trang này. Y họ Vu, vốn là một tay cừ trên chốn giang hồ, rất tinh nhanh tháo vát. Thấy giỏ tre đã lên đến lưng chừng y thò đầu nhìn xem vị khách anh hùng nào lên giúp, song chỉ thấy mấy đám đen đen trong giỏ, không có vẻ gì là hình người. Khi giỏ tre được kéo gần đến nơi, chỉ thấy vài cái hòm, vài cái lồng đan, mấy chậu hoa và lư hương, tất cả xếp đầy ắp giỏ tre.
Vu quản gia không nén nổi ngạc nhiên: "Chẳng lẽ họ đưa quà biếu cho chủ nhân ư?".
Làn kéo giỏ thứ hai, có ba người đàn bà. Hai người khoảng gần bốn mươi tuổi,ăn mặc kiểu người hầu, còn người thứ ba chừng mười lăm mười sáu tuổi, hai mắt tròn mà to, bên má trái có lúm dồng tiền, nhìn dáng vẻ là một a hoàn. Cô này không đợi giỏ tre dừng hẳn đã vội bước ra, nhìn Vu quản gia nói:
- Vị này chắc là Vu đại ca rồi. Anh có cái cổ cao, tôi được người ta kể thế mà!
Cô ta nói giọng Bắc Kinh rất trong trẻo. Bình sinh, Vu quản gia không thích ai nói đến cái cổ của mình, song nhìn vẻ mặt tươi vui của cô gái, Vu không tức giận nổi đành phải gật đầu cười. Cô hầu gái nói:
- Tôi là Cầm Nhi. Còn bác này là vú Chu, tiểu thư tôi lớn lên nhờ sữa của vú ấy, còn đây là thím Hàn, tiểu thư tôi rất thích món ăn do thím ấy xào nấu. Ðại ca hãy thả giỏ xuống đón tiểu thư tôi lên đi!
Vu quản gia đang định hỏi xem đó là tiểu thư nhà ai, song Cầm Nhi cứ nói luôn miệng, đồng thời nhấc đủ các thứ linh lỉnh kỉnh từ trong giỏ tre ra ra: nào là lồng chim, mèo rừng, nào là giá cho vẹt đậu, bình hoa lan. Cô làm luôn tay mà cũng nói liên hồi:
- Ôi, đỉnh núi này cao khiếp quá, mà trên này lại chẳng có hoa cỏ gì cả. Tiểu thư tôi chắc sẽ không thích đâu. Vu đại ca! ở trên này suốt ngày mà đại ca không buồn chán ư?
Vu quản gia hơi cau mày nghĩ bụng: "Chủ nhân mình thì đang dốc sức đối phó với kẻ kình địch, thế mà bỗng dưng lại chui đâu ra cái đứa mồm cứ liến thoắng như thế này nhỉ?". Bèn hỏi lại:
- Chủ nhân của cô họ gì? Là thân thích của chủ nhân tôi chăng?
- Ðại ca thử đoán xem? - Cầm Nhi nói - Tại sao mới gặp, tôi đã biết ngay anh là Vu đại ca, còn đại ca lại chẳng biết đến cả họ tiểu thư tôi nữa! Nếu tôi không nói tên mình là Cầm Nhi, dám chắc đại ca có ngồi đoán đến hàng nghìn năm cũng đoán không ra tên tôi! ấy kìa, chớ chạy lung tung, cẩn thận kẻo tiểu thư bực mình đấy!
Vu quản gia ngớ người, nhìn cô ta cúi xuống ôm con mèo lên. Hóa ra mấy câu cuối cùng cô ta nói với con mèo!
Vu quản gia giúp cô ta lấy hết các thứ trong giỏ tre ra. Cầm Nhi nói:
- Ấy. . đại ca chớ làm lộn xộn, trong cái hòm này toàn là sách của tiểu thư cả.
Nếu để ngược đám sách sẽ tung lên mất! Kía! Kìa, không được rồi. Hoa lan này không ưa hơi đàn ông đâu! Tiểu thư bảo hoa lan là thứ hoa thanh nhã nhất, nếu đàn ông lại gần, thì đến tối nó sẽ tàn ngay!
Vu quản gia vội đặt ngay chậu hoa đang bưng xuống. Bỗng nghe thấp phía sau lưng có một giọng ngâm rất lạ lùng:
"Ðịnh nâng đàn lên gảy
Tiếc không bạn tri âm"
Vu quản gia giật mình, vội quay lại ngay, giơ tay ngang ngực để thủ thế sẵn sàng nghênh địch.
Hóa ra kẻ vừa ngâm thơ lại là con vẹt trắng đậu trên giá làm bằng chạc cây.
Vu quản gia vừa tức lại vừa buồn cười, sai người thả giỏ tre để đón tiểu thư lên.
Người vú già nói là hãy mở hòm để lấy tấm đệm lông câu lót vào giỏ đã, kẻo tiểu thư kêu là đáy giỏ cứng quá, ngồi sẽ khó chịu. Người ấy chậm rãi lấy chìa khóa mở hòm ra, lại còn bàn bạc với thím Hàn xem nên chọn tấm đệm lông hồ hay tấm đệm lông thủy điêu.
Vu quản gia không chờ được nữa, lại nghĩ đến cuộc chiến gay gắt ở trên đại sảnh, không rõ tính mạng Nguyễn Sĩ Trung ra sao, bèn dặn một bà giúp việc hãy tiếp đón hộ tiểu thư cho chu đáo, còn mình thì vội chạy trở lại đại sảnh.
Vu quản gia chạy ra đón khách mất một hồi lâu nhưng khi trở lại thì tình thế cuộc chiến vẫn không có gì thay đổi lớn. Nguyễn Sĩ Trung vẫn bị tiểu đồng bên phải ép dồn vào góc nhà, tình cảnh mỗi lúc một thêm nguy khốn.
Hắn đã bị văng chiếc giày chân trái, bím tóc tết trên đầu bị phạt mất một nửa nên tóc xoã loà xoà.
Tào Vân Kỳ, Ân Cát, Chu Vân Dương đã mượn được khí giới của bọn nô bộc trên trang trại nhiều lần xông lên cứu viện xong đều bị tiểu đồng bên trái đánh chặn,nên cả nhóm càng lùi xa ra chỗ Nguyễn Sĩ Trung.
Bọn Lưu Nguyên Hạc vốn lăm le chờ dịp cướp lại chiếc hộp sắt, song đã bị nếm mùi dao găm của tiểu đồng bên trái mấy lần, nên chỉ còn cách lui dần. Tuy thế,người nào cũng thấy ấm ức không phục bởi thấy hai tiểu đồng thực chất chiêu thức chẳng lấy gì là đặc sắc, nội lực tu luyện chỉ có hạn. Chẳng qua chúng cậy vào hai lưỡi dao găm, lại thêm kiếm pháp công thủ hô ứng với nhau, mà đã trói buộc tay được cả bọn giang hồ hảo hán!
Quan sát một lát, Vu quản gia nghĩ thầm "Khi chủ nhân ra đi, đã giao cho mình trông nom việc ở sơn trang. Giờ đây, các vị khách lại bị làm nhục đến nước này trên trang trại thì thể diện của chủ nhân còn ra gì nữa? Mình dẫu có chết, cũng phải cứu lấy Nguyễn Sĩ Trung mới được".
Nghĩ vậy, y chạy về phòng mình lấy ra thanh Tử Kim đao vẫn dùng ở chốn giang hồ năm xưa, và trở lại đại sảnh. Nhìn thêm một lát các đường gươm của tiểu đồng, rồi gọi:
- Nếu hai chú em không chịu dừng tay, thì người ở sơn trang Ngọc Bút chúng tôi đành phải thất lễ vậy!
- Chủ nhân chúng tôi sai chúng tôi đến đây đưa thư, không bảo chúng tôi giao chiến. Chỉ cần ông ta đền viên ngọc cho tôi, thì chúng tôi sẽ tha ngay thôi!
Nói rồi, tiểu đồng dấn lên bước một bước. Một đường gươm kêu "soạt", và lại rạch thêm một nhát lên vai trái của Sĩ Trung.
Vu quản gia đang định trả lời, lại nghe thấy một giọng nữ ở phía sau:
- Ôi! Ðừng đánh nhau nữa! Ðừng đánh nhau nữa! Tôi rất không thích mọi người đọ gươm như thế này!
Giọng nói này không vang dội, song êm ái vô cùng làm ai nghe cũng thấy nhẹ nhõm dễ chịu khó tả, bất ngờ đều ngoái lại nhìn.
Chỉ thấy một thiếu nữ mặc áo vàng, đang tươi cười đứng ở cửa. Nàng có làn da trắng mịn màng hơn tuyết, đôi mắt sáng như làn nước trong lần lượt nhìn mọi người.
Người thiếu nữ dung nhan kiều diễm tuyệt vời, như minh châu toả sáng, như ngọc quý long lanh, trên khắp mặt thấp thoáng vẻ tao nhã của của người có học.
Mọi người trong đại sảnh đều là các hảo hán võ lâm phiêu bạt giang hồ, bỗng dưng gặp được một thiếu nữ thanh tú xinh đẹp thì dường như thấy đi lạc vào một thế giới khác, bất giác đều bị cái cốt thanh nhã cao quý của nàng làm cho nể sợ,thấy thẹn thùng vì sự thô lỗ của mình, không dám có ý nghĩ coi thường cô gái.
Hai tiểu đồng lại không để ý dến người thiếu nữ ấy. Nhân lúc Ân Cát và cả bọn đang sững người lại, chúng chém "choang choang" một hồi và lại chặt gẫy binh khí của bọn họ.
Cô gái nói:
- Hai chú em đừng gây gổ nữa. Làm người ta bị thương như thế này có khó coi chưa kìa!
Tiểu đồng bên phải đáp:
- Ông ta không chịu đền viên ngọc cho em.
- Viên ngọc nào cơ? - Cô gái hỏi lại.
Tiêu đồng dí mũi kiếm nhằm vào ngực Sĩ Trung, cúi người xuống nhặt một nửa viên ngọc lên, mếu máo:
- Chị nhìn đây này, ông ta làm vỡ nó rồi, em bắt đền ông ta.
Cô gái tiến lại gần, cầm lấy xem:
- Ôi!. . Viên ngọc tuyệt vời thật! Chị cũng không có nổi mà đền. Thế này vậy:
Cầm Nhi ơi!
Cô gái nghoảnh lại gọi người đầy tớ gái:
- Hãy lấy đôi ngựa bằng ngọc của ta ra để tặng cho hai anh em chú này!
Cầm Nhi có vẻ không bằng lòng:
- Ơ kìa tiểu thư!
Cô gái nói:
- Sao ngươi lại hẹp hòi thế?
Nhìn xem, hai chú em xinh trai như vậy, lại đeo ngựa ngọc thì cả hai lại càng đẹp chứ sao!
Hai tiểu đồng nhìn nhau. Cầm Nhi mở chiếc hòm dát vàng lấy ra một túi gấm đưa cho cô gái. Cô gái mở túi lấy ra con ngựa ngọc nhỏ xinh, hàm ngựa có thắt dây cương bằng những sợi tơ. Cô đeo con ngựa đó vào thắt lưng cho tiẻu đồng bên phải, và lấy con ngựa bằng ngọc trong túi gấm thứ hai cho tiểu đồng bên trái. Chú bé này nói lời cảm ơn và đỡ lấy ngắm nhìn. Chú thấy chú ngựa nhọc lấp lánh sáng trong được chạm trổ vô cùng tinh xảo, đang ở thế vươn mình cất vó. Kích thước tuy nhỏ, song trông có thần như thật, quả là vật phi phàm.
Ngắm nhìn rồi, chú vô cùng thích thú. Có điều chú vẫn chưa hiểu cô gái là người thế nào, nên trong lòng còn do dự, không biết có nên nhận món quà quý này chăng? Tiểu đồng bên phải lại đến chân tường nhặt nốt nửa viên ngọc lên và nói:
- Viên ngọc của em là viên Dạ Minh Châu, nó cùng với viên của anh em đeo thành một đôi. Dù đã được ngựa ngọc rồi, thì cũng vẫn không cân xứng nữa! Tiểu đồng vô cùng buồn bã nói.
Cô gái nhìn dáng vẻ và cách ăn mặc của hai, biết rằng hai anh em sinh đôi này rất yêu quý nhau. Vỡ mất một viên ngọc châu chỉ là chuyện nhỏ, mà chú tiểu đồng buồn là ở chỗ sẽ làm hai anh em ăn vận trở thành khác nhau, không thành đôi được nữa!
Nghĩ thế, cô gái bèn đỡ lấy ngựa ngọc, cầm hai nửa viên ngọc áp vào chỗ hai mắt ngựa:
- Chị có ý này: khảm hai nửa viên ngọc vào hai mắt ngựa ngọc. Thế là ban đêm viên ngọc vẫn phát sáng và mắt ngựa cũng loé sáng. Thế là chẳng đẹp à?
Tiểu dồng bên trái mừng lắm, bèn tháo viên ngọc đính rên bím tóc mình xuống,lấy dao găm bổ đôi ra rồi nói:
- Em ạ! Thế này là ngọc châu và ngựa ngọc của chúng mình đều giống nhau rồi!
Tiểu đồng kia bèn đổi giận làm vui, luôn miệng cảm tạ cô gái, lại còn tới hỏi thăm Nguyễn Sĩ Trung:
- Thôi nhé! Ông cũng đừng giận nhé!
Nguyễn Sĩ Trung khắp người đầy vết máu, tức giận ghê gớm, song cũng chẳng lên tiếng mắng mỏ gì.
Tiểu đồng bên phải kéo tay người anh, có ý định ra về. Tiểu đồng bên trái nói với cô gái:
- Xin đa tạ cô nương đã ban tặng ngựa quý. Xin hỏi quý tính của cô nương, để nếu như chủ nhân hỏi đến, chúng em còn biết đường trả lời ạ?
- Chủ nhân của các em là ai? - Cô gái hỏi.
- Chủ nhân của chúng em họ Hồ ạ! - Tiểu đồng bên trái trả lời.
Vừa nghe xong, mặt cô gái chợt biến sắc:
- Hóa ra hai em là tiểu đồng của Tuyết Sơn Phi Hồ ư?
Hai tiểu đồng cúi mình đáp:
- Ðúng thế ạ!
Cô gái chậm rãi:
- Chị họ Miêu. Nếu chủ nhân các em có hỏi về hai con ngựa ngọc này, thì nói là con gái của Kim Diện Phật họ Miêu tặng.
Nghe mấy lời này, hết thẩy mọi người đều kinh ngạc lộ rõ trên nét mặt.
Kim Diện Phật uy danh lừng lẫy là thế, không thể ngờ rằng ông ta lại có một cô con gái nhu mì lẽn bẽn như thế này! Cứ nhìn thần sắc mà doán, nếu không phải tiểu thư con nhà quyền quý thì cũng là khuê nữ con nhà dòng dõi thi thư nhiều đời, chứ đâu phải con gái một đại hiệp giang hồ!
Hai tiểu đồng nhìn nhau, rồi cùng đặt ngựa ngọc lên trên chiếc bàn nhỏ, lẳng lặng ra khỏi đại sảnh.
Cô gái chúm chím cười, và cũng im lặng. Cầm Nhi hớn hở thu lại đôi ngựa ngọc:
- Tiểu thư! Hai thằng bé này chẳng hiểu mô tê gì cả! Tiểu thư đã tặng cho vật quý như thế, lại không nhận! Nếu là em, thì...
- Thôi đừng nói nhiều, kẻo mọi người chê cười cho đấy!
Bảo Thụ đại sư bước lên trước mặt mọi người, nói to:
- Hoá ra cô nương là con gái cưng của Miêu đại hiệp đó ư? Lệnh tôn vẫn khoẻ chứ?
Cô gái trả lời:
- Xin đa tạ đại sư. Phụ thân chúng tôi nhờ được phúc tổ tiên nên vẫn mạnh khoẻ ạ. Xin hỏi pháp danh của ngài?
Bảo Thụ mỉm cười:
- Bần tăng là Bảo Thụ. Thế còn quý danh của cô nương?
Cô gái vốn tên là Miêu Nhược Lan. Nghe Bảo Thụ hỏi, cô chợt hơi đỏ mặt, thầm nghĩ: "Tên của mình, sao có thể tùy tiện nói ra cho mọi người biết được nhỉ?". Thế là cô không trả lời, chỉ nói:
- Xin các vị cứ ngồi đã, để kẻ hậu sinh này vào nhà trong chào bá mẫu đã - Nói rồi cô vái chào mọi người.
Mọi người nể uy danh cúa cha cô gái, không dám tỏ ý xem thường, đều cung kính đáp lễ, và nghĩ bụng: "Cô gái này không có chút kiêu căng cậy thế cha mình,cũng thật hiếm có!".
Chờ cho ai nấy đều yên vị, Miêu Nhược Lan mới xin lỗi tất cả để cáo lui vào nhà trong. Lại thấy bảy tám gia đinh và vú già tiến vào cửa chính, khiêng các hòm xiểng, lồng chim và các vật dụng khác, xem ra đều đi theo để hầu hạ Miêu tiểu thư.
Cha con Ðào Bách Tuế, Ðào Tử An nhìn nhau, thầm nghĩ: "Nếu cha con mình gặp cả bọn này trên đường, nhất định sẽ nghĩ rằng đây là bọn gia quyến quan lại,phú hào và chắc chắn sẽ ra tay cướp phá, hẳn là sẽ gây thành chuyện tày đình!".
Nguyễn Sĩ Trung đưa cánh tay áo quệt các vết máu trên tay mình. May mà tiểu đồng không cố tình sát thương ông ta, nên mỗi vết thương đều rất nông, chỉ làm rách da, thịt, không đáng lo ngại. Ðiền Thanh Văn lại gần, lấy thuốc rắc để cầm máu cho Sĩ Trung. Sĩ Trung xé vạc áo trái của mình để cho Thanh Văn băng các vết thương.
Bỗng nghe "xoảng"một tiếng. Chiếc hộp sắt rơi xuống đất. Mọi người không ai bảo ai đều đứng dậy xông tới để cướp lấy.
Nguyễn Sĩ Trung đứng gần hộp sắt nhất, vung tay trái lia một vòng gạt mọi người ra rồi cúi ngay xuống nhặt chiếc hộp sắt. Ngón tay vừa chạm hộp sắt, bỗng thấy một lực rất mạnh đập vào vai mình, loạng choạng ngã nhoài ra mấy bước chân. Khi dứng vững lại được, nhìn lên thì thấy hộp sắt đã được ôm gọn trong tay Bảo Thụ rồi.
Mọi người đều sợ bản lãnh cao cường của Bảo Thụ, đành trơ mắt nhìn, không dám nói năng gì.
Một lúc sau, Tào Vân Kỳ nói:
- Thưa đại sư, chiếc hộp sắt này là báu vật biẻu trưng quyền lực của phái Thiên Long Môn chúng tôi. Xin đại sư trả lại cho.
Bảo Thụ cười đáp:
- Ngươi nói là báu vật biểu trưng của môn phái, vậy xin hỏi hộp đựng báu vật gì?
Nguồn gốc ra sao? Là chưởng môn của Thiên Long Môn hẳn thí chủ phải biết. Chỉ cần nói rõ thì xin cứ việc cầm lấy!
Nói rồi, Bảo Thụ hai tay nâng chiếc hộp giơ ra trước mặt.
Tào Vân Kỳ mặt đỏ bừng, hai tay giơ ra nửa chừng, không dám đón lấy, song cũng ngượng không rút tay về, cứ để tay hờ như thế rồi từ từ buông xuống.
Thực ra, Tào Vân Kỳ chỉ biết sư phụ hắn rất nâng niu cái hộp sắt, cất giữ kỹ lưỡng song cũng chưa nhìn thấy sư phụ mở hộp ra bao giờ. Ngay trong hộp đựng báu vật gì, Vân Kỳ còn không biết nói gì đến nguồn gốc của báu vật? Nguyễn Sĩ Trung, Ân Cát tuy đều là những cao thủ tiền bối của Thiên Long Môn, nhưng cũng đành nhìn nhau, chịu không nói gì được! Chu Vân Dương bỗng lên tiếng:
- Tất nhiên là chúng tôi biết: trong đó có một thanh bảo đao!
Trong phái Thiên Long Môn, Chu Vân Dương chỉ được coi là cao thủ hạng nhì về mặt võ công, xưa nay chưa từng được sư phụ ưu ái, hắn cũng không phải loại tài ba. Thế mà bỗng dưng nói điều đó, khiến cả bọn Nguyễn Sĩ Trung lấy làm lạ, thầm nghĩ: "Mi thì biết gì? Liệu mà im đi cho sớm mới phải"
Chẳng ngờ, Bảo Thụ nói luôn:
- Ðúng! Ðúng đây là một thanh bảo đao. Vậy thí chủ có biết nó vốn là của ai không? Và tại sao lại rơi vào tay phái Thiên Long Môn?
Bọn Nguyễn Sĩ Trung không ngờ Chu Vân Dương lại nói trúng ngay, đều quá ngạc nhiên, cùng chăm chú chờ Vân Dương nói tiếp. Song chỉ thấy sắc mặt trắng xanh của Vân Dương hơi đỏ lên, rồi lại chuyển sang trắng xanh, hậm hực trả lời:
- Ðó là báu vật truyền đời của Thiên Long Môn. Ai có được bảo đao, thì người ấy được làm chưởng môn!
Ân Cát tiếp luôn:
- Ðúng thế! Ðây là bảo đao của môn phái chúng tôi, do Nam Tông và Bắc Tông luân phiên giữ gìn.
Bảo Thụ lắc đầu:
- Không đúng! Không đúng. Bần tăng cho rằng, các người cũng không biết rồi!
- Chẳng lẽ đại sư lại biết ư? - Chu Vân Dương hỏi
- Hai mươi năm trước ta đã biết! Cuộc tranh chấp giữa Tuyết Sơn Phi Hồ và chủ nhân của sơn trang này cũng từ cái này mà ra! Nếu không vì còn có nhiều vướng mắt trong câu chuyện này, hà tất phải mời các vị lên núi làm gì!- Bảo Thụ nói.
Các môn nhân của Thiên Long Môn, cha con họ Ðào, huynh đệ Lưu, Hùng đều quá ngạc nhiên, thầm nghĩ "Lão hòa thượng này đúng là không có ý tốt gì hết! Té ra lão cũng muốn cướp lấy thanh bảo đao! Bọn mình hôm nay là lâm vào thế cùng,cầm chắc cái chết rồi đây!".
Lúc này, bỗng "soạt" một tiếng. Mọi người đều rút binh khí ra, tiếp theo là một loạt tiếng động nữa.
Tất cả mọi người đều cầm binh khí vây lấy Bảo Thụ.
Bọn Nguyễn Sĩ Trung đã bị tiểu đồng chém gẫy binh khí, cùng cúi xuống nhặt lấy đao gãy, kiếm gãy cầm lên.
Lúc này, ai cũng sáp tới gần, nên đều quan sát được Bảo Thụ thật rõ. Tuy râu đã bạc, mặt nhiều nếp nhăn, song đôi mắt sáng quắc, xem ra Bảo Thụ cũng chưa được nhiều tuổi lắm.
Lưu Nguyên Hạc lùi lại một bước, hô lên:
- Anh em hãy cùng nhau xông vào giết lão hoà thượng trước đã. Còn việc riêng của chúng ta để xuống núi bàn lại sau.
Nguyên Hạc cảm thấy còn chần chừ ở đây thêm lúc nào càng nguy hiểm thêm lúc đó. Các người khác cũng đều không cảm thấy yên tâm nếu mình còn ở trên núi này, nên lời kêu gọi của Lưu Nguyên Hạc thật hợp ý với họ. Mọi người vừa định xông vào, thì thấy một tiếng nổ rền vang như tiếng pháo ở phía ngoài cửa.
Ai nấy ngạc nhiên nhìn nhau. Phút chốc, thấy Vu quản gia hấp tấp chạy vào, vẻ mặt có phần hốt hoảng kêu lên:
- Việc lớn nguy rồi, các vị ơi!
- Tuyết Sơn Phi Hồ đến à? - Tào Vân Kỳ hỏi.
Vu quản gia đáp:
- Không phải thế, mà đây là dây thừng và trục cuốn dùng để kéo giỏ lên xuống núi của sơn trang đã bị kẻ nào đó phá hỏng rồi.
Mọi người đều giật mình, dồn dập hỏi lại:
- Vậy thì làm sao đây? Không còn đường dây thứ hai nữa à? Có cách nào để xuống núi không?
Vu quản gia đáp:
- Trên núi chỉ có một sợi dây thừng thôi, . Tiểu nhân sơ ý không theo dõi, thế là hai tên tiểu đồng đệ tử của Tuyết Sơn Phi Hồ đã phá nát mất rồi.
- Bọn chúng phá ra sao? - Bảo Thụ mặt biến sắc hỏi.
- Anh em chúng tôi thả hai thằng quỷ con đó xuống, và về phòng nghỉ. Chợt nghe thấy tiếng nổ vội vàng chạy ra xem thì thấy dây thừng và trục cuốn bị đã bị phá nát cả. Rõ ràng là hai thằng nhóc trời đánh đó đã gài thuốc nổ ở chỗ trục quay,ngòi nổ ròng xuống chân núi và châm ngòi từ đó cháy lên.
Mọi người ngây người, ùa ra cổng xem, quả nhiên trục cuốn đã bị phá tan tành,các đoạn dây thừng vung vãi tứ tung trên mặt đất. Rất may, những người kéo trục cuốn đã rời vị trí, nên không ai bị thương.
Ân Cát hỏi Bảo Thụ:
- Ðại sư! Hành vi này của bọn thủ hạ Tuyết Sơn Phi Hồ có dụng ý gì?
Bảo Thụ đáp:
- Có gì đâu, bọn chúng mong chúng ta chết đói cả lũ trên đỉnh núi này - Nhưng mà chúng ta vốn chẳng có oán thù gì với hắn cả. ?
- Hắn có mối thù sâu như biển với chủ nhân ở sơn trại nay - Bảo Thụ nói - Vả lại cái hộp sắt có trong tay các vị, lại kết thêm một oán hờn với hắn ta đó!
Ân Cát hỏi lại:
- Tuyết Sơn Phi Hồ cũng thèm muốn chiếc hộp sắt này ư?
- Còn phải nói! - Bảo Thụ đáp.
Mọi người nhớ lại võ công quái dị của hai tiểu đồng, đều chung một ý nghĩ "Bọn nhóc mà đã ghê gớm thế, thì chủ nhân của chúng đương nhiên là khỏi phải bàn!".
Tất cả lặng lẽ đi sau Bảo Thụ trở vào đại sảnh.
Lúc này, Miêu Nhược Lan từ trong nhà đi ra nói:
- Ðại sư! Tuyết Sơn Phi Hồ định hãm hại chết chúng ta ở đây ư?
Bảo Thụ sa sầm nét mặt:
- Ðúng thế đấy! Mọi người cùng chung cảnh ngộ rồi. Hãy cùng nghĩ cách xuống núi đi thôi.
Miêu Nhược Lan nói:
- Không đáng lo đâu ạ. Cha tôi sẽ đến đây trong ngày hôm nay, chắc có thể cứu chúng ta xuống núi được!
Mọi người dều nghĩ rằng, có con gái Miêu Nhân Phượng ở đây, lẽ nào ông ta lại bó tay đứng nhìn? Nghĩ thế, thấy lòng vơi bớt nỗi lo âu. Chỉ có Lưu Nguyên Hạc một mình khẽ lắc đầu, song cũng không nói rõ tại sao.
Bảo Thụ nói:
- Miêu đại hiệp tuy võ công hơn đời, song đỉnh núi tuyết cao mấy trăm trượng thế này, làm sao lên nổi?
Miêu Nhược Lan đáp:
- Ðã có người lên được đây để lập trang trại, sao cha tôi lại không thể lên nổi?
- Nếu vào mùa hạ, băng tuyết đều tan, lên núi không khó. Song bây giờ đang rét đậm đợi lúc hết băng tuyết cũng phải mất đến ba tháng là ít. Này quản gia - Bảo Thụ nói tiếp - trên núi có lương thực dự trữ cho mấy tháng?
Vu quản gia đáp:
- Người quản gia đảm nhận việc xuống núi đi mua lương thực, dự kiến là ngày kia sẽ về đây. Lương thực dự trữ vốn có thể đủ dùng cho hai mươi ngày nữa nhưng giờ đây thêm các quý khách và nhóm các nô bộc của Miêu tiểu thư, tính ra chỉ còn đủ dùng cho mười ngày nữa thôi.
Mọi người mặt biến sắc, lặng im, thầm nguyền rủa Tuyết Sơn Phi Hồ ác độc!
Tào Vân Kỳ nói:
- Hay là chúng ta cứ từ từ trượt xuống...
Mới nói được nửa chừng, hắn hiểu ngay là không ổn nên ngừng bặt. Quả núi này dốc ngược như thế, e rằng trượt xuống chưa được đôi ba trượng thì người đã rơi xuống luôn!
Mọi người nhìn Vân Kỳ nghĩ bụng: "Tay này thiệt vô dụng quá!".
Thấy mọi người nhìn mình, Vân Kỳ bất giác thẹn đỏ bừng mặt.
Miêu Nhược Lan nói:
- Nếu mọi người không tránh khỏi chết đói đi nữa, thì cũng cần phải biết rõ nguyên do chứ!
Ðại sư, rốt cuộc là Tuyết Sơn Phi Hồ có mối thâm thù gì với chúng ta?
Mấy lời này đã hỏi thay cho tất cả mọi người. Mọi người vì sao mà phải liều mạng tranh giành cái hộp sắt, có người đã bỏ mình, nhưng ngoài điều "Trong hộp sắt có một bảo đao" ra, không có ai nói rõ được nguyên nhân sâu xa, tất cả đều hướng về Bảo Thụ, chờ ông ta giải thích.
Mọi người ồ lên tán thưởng, cũng ngồi cả xuống.
Lúc này, hơi lạnh trên núi mỗi lúc một dữ dội hơn.
Vu quản gia sai người bỏ thêm củi vào lò.
Ai nấy đều im lặng lắng nghe Bảo Thụ nói.
Bảo Thụ nhấc nắp bát, uống một ngụm trà, tặc lưỡi khen "trà ngon thật" rồi nói tiếp:
- Chuyện này nói ra thật rất dài! Chúng ta hãy thử xem thanh bảo đao trong hộp này đã, được chứ?
Tất cả đều tán thưởng. Bảo Thụ đưa hộp sắt cho Tào Vân Kỳ, nói:
- Các hạ là chưởng môn của phải Bắc Tông Thiên Long Môn, xin hãy mở cho mọi người xem đi!
Tào Vân Kỳ nhớ đến việc Ðào Tử An dã từng phóng các mũi tên ngắn từ trong hộp sắt này ra có thể làm chết người, nên e sợ rằng trong hộp chứa ám khí gì khác nữa. Tuy giơ hai tay đỡ hộp, song Vân Kỳ không dám mở nắp. Bảo Thụ cười hì hì nhìn Vân Kì không nói một lời nào.
Mọi người thấy vỏ hộp gỉ hoen, mẻ sứt nham nhở, sần sùi lồi lõm, thì nhận ra đó là cổ vật có đến trên trăm năm, song cũng không thấy gì khác thường.
Tào Vân Kỳ nghĩ bụng "Nếu mình không dám mở hộp, chẳng phải để cho thằng giặc Ðào Tử An nó coi khinh mình ư? bèn nghiến răng dùng tay phải mở nắp hộp ra. Chẳng ngờ cố đến mấy lần mà nắp hộp vẫn không hề nhúc nhích. Chú ý xem xét tỉ mỉ, mới thấy hộp này chẳng hề có khóa hay lẫy, chốt gì cả, không rõ vì sao mà mở vẫn không được. Vân Kỳ lại gắng sức thêm lần nữa, song cái hộp vẫn như một khối sắt đúc liền, không hề động đậy!
Ðiền Thanh Văn thấy Tào Vân Kỳ mặt mũi đỏ gay, biết là trong cái hộp sắt này có lẫy máy gì đó, nếu cứ dùng sức mạnh cố mở thì không những vô ích mà trái lại còn có thể bị thương cũng thương cũng nên.
Nghĩ vậy bèn khẽ nói:
- Xin Chu sư huynh mở giúp vậy!
Chu Vân Dương vẻ mặt do dự, lắp bắp nói:
- Tôi... Tôi không biết...
Ðiền Thanh Văn đón lấy cái hộp từ tay Tào Vân Kì rồi đưa cho Chu Vân Dương,nói nhẹ nhàng:
- Muội biết là huynh sẽ mở được mà!
Chu Vân Dương nhìn thẳng vào mắt Ðiền Thanh Văn, bưng lấy hộp lên bàn,song không nhấc nắp lên, mà lần lượt nhấc bốn góc, mỗi góc ba lần, . Sau đó, giơ ngón tay cái đặt vào chính giữa đáy hộp và ấn ngược lên. Một tiếng "cách", nắp hộp đã bật ra.
Nguyễn Sĩ Trung và Tào Vân Kì cùng đưa mắt nhìn Chu Vân Dương thầm nghĩ :"sao mà hắn lại biết cách mở hộp nhỉ" rồi nhìn ngay vào họp, quả nhiên thấy một thanh đoản đao được tra trong vỏ.
Vân Kỳ "ồ" một tiếng. Thanh đoản đao này, năm xưa Vân Kỳ đã từng thấy sư phụ hắn dùng đến, nó đã từng chém gẫy khá nhiều binh khí của các hào kiệt.
Bảo Thụ cầm thanh đao lên, chỉ vào hàng chử khắc trên vỏ và nói:
- Mời các vị hãy nhìn xem.
Vỏ thanh đao đầy nhứng rỉ đồng xanh lục, ngoài viên hồng ngọc khảm trên vỏ ra, thì thấy cũng chỉ là một thanh đao cũ bình thường, trên đó khắc hai hàng chữ:
"Giết một người, như giết cha mình
Hiếp một người, như hiếp mẹ mình"
Mười bốn chữ nảy bình dị, dễ hiểu, song toát ra khí phách của trang hào kiệt.
- Các vị có biết nguồn gốc mười bốn chữ này không? - Bảo Thụ hỏi.
- Không biết! - Mọi người đều trả lời.
- Ðây là quan lệnh cúa Sấm Vương Lí Tự Thành để lại. Thanh đoản đao này là vũ khí năm xưa Lý Sấm Vương đeo bên mình, chỉ huy hàng trăm vạn quân chinh chiến khắp mọi miền - Bảo Thụ giải thích.
Mọi người nghe xong, đều đứng bật dậy, chăm chú nhìn thanh đoản đao Bảo Thụ cầm trong tay, lòng nửa tin nửa ngờ.
Lý Sấm Vương sống cách đây có đến hơn trăm năm, song uy danh của ông vẫn hiển hách vang dội trong lòng giới hào kiệt giang hồ.
Bảo Thụ nói thêm:
- Nếu các vị không tin, xin hãy xem mặt bên này.
Bảo Thụ lật mặt kia của vỏ đao lên, thấy khắc mấy chữ: "Phụng thiên xướng nghĩa" và giải thích:
- Tôn hiệu của Lý Sấm Vương ngày ấy là "Phụng Thiên Xướng Nghĩa đại nguyên soái".
Lúc này, mọi người mới thực sự tin. Bảo Thụ lại nói:
- Hồi ấy có chín mươi tám nhóm lục lâm và hai mươi bốn trại chủ kết nghĩa với nhau để khởi sự suy tôn Lý Tự Thành làm đại nguyên soái, chinh chiến khắp nơi hơn chục năm, tấn công thành Bắc Kinh, lập nên quốc hiệu là Ðại Thuận. Sùng Trinh hoàng đế buộc phải treo cổ chết ở Môi Sơn. Nếu không bị tên Hán gian Ngô Tam Quế bán nước, dẫn quân Mãn Thanh tiến vào Trung Nguyên, thiên hạ này đã thuộc về họ Lý rồi.
Bảo Thụ hổ dài nói tiếp:
- Ôi! Chỉ tiếc là việc lớn của Ngài vừa thành thì phút chốc đã tiêu tan. Tháng ba năm thứ mười bảy đời vua Sùng Trinh, Sấm Vương công phá Bắc Kinh thì đến tháng tư lại phải ra khỏi thành nghênh chiến với quân Mãn Thanh. Ðến cuối tháng thì thua trận, phải bỏ chạy về phía Tây. Thế là từ đó, giang sơn tươi đẹp này đã rơi vào tay người Mãn Thanh!
Lưu Nguyên Hạc nhìn Bảo Thụ, thầm nghĩ "Lão hoà thượng này to gan thật!
Dám nói ra toàn điều đại nghịch vô đạo!".
Bảo Thụ thong thả đặt thanh đao vào hộp:
- Trong cuộc chiến với Ngô Tam Quế, Sấm Vương đã trúng tên và bị thương nặng, phải rút quân khỏi Bắc Kinh, qua Sơn Tây, Thiểm Tây. Quân Thanh và Ngô Tam Quế truy kích suốt chặng đường. Sau đó, Sấm Vương lại lui về Hà Nam, Hồ Quảng. Các tướng sĩ giết hại lẫn nhau, bộ hạ tan tác khắp nơi. Cuối cùng, Sấm Vương rút về núi Cửu Cung, thuộc huyện Thông Sơn, tỉnh Vũ xương. Quân địch bao vây kín vòng trong vòng ngoài, mấy lần phá vòng vây không được, cuối cùng thì đời người anh hùng chấm dứt ở đó.
Miêu Nhược Lan lại nhìn thanh đao trong hộp, tưởng tượng đến thời oanh liệt năm xưa cúa Sấm Vương, lòng thấy bồi hồi. Rồi nghĩ đến cảnh Sấm Vương thua trận bỏ mình, nàng lại thấy buồn bã.
Bảo Thụ kể tiếp:
- Sấm Vương luôn có bốn vệ sĩ bên mình, ai nấy đều võ nghệ cao cường, trung thành rất mực. Một người họ Hồ, một người họ Miêu, một người họ Phạm, và một người họ Ðiền. Trong quân thường gọi tắt là Hồ, Miêu, Phạm, Ðiền...
Bọn Ân Cát, Ðiền Thanh Văn nghe đến bốn chữ "Hồ, Miêu, Phạm, Ðiền" thì biết ngay rằng bốn vệ sĩ này ắt hẳn có liên quan mật thiết tới câu chuyện ngày hôm nay.
Ðiền Thanh Văn liếc nhìn Miêu Nhược Lan thấy đang cầm thanh sắt cời lửa nhè nhẹ khơi những cục thanh cháy hồng trong lò , vẻ mặt thẫn thờ, đôi má mịn như ngọc trắng, ửng hồng trước anh lửa bật bùng.
Bảo Thụ ngẩng đầu nhìn lên nóc nhà, nói tiếp:
- Bốn vệ sĩ này theo Sấm Vương vào sinh ra tử, trải qua không biết bao nhiêu gian lao nguy hiểm, đã từng cứu Sấm Vương thoát chết bao nhiêu lần, Sấm Vương coi họ như ruột thịt của mình. Trong bốn người đó, vệ sĩ họ Hồ võ công cao cường,lại tài cán hơn cả. Trong quân, SấmVương gọi ông ta là "Phi Thiên Hồ Ly"!
Nghe đến đây, mọi người đều "ồ" lên một tiếng.
- Sấm Vương bị vây hãm núi Cửu Cung vô cùng nguy khốn - Bảo Thụ tiếp tục câu chuyện - Thấy sứ giả nào Sấm Vương cử đi cầu kiến hễ vừa tới chân núi là bị bên địch giết chết, chỉ còn cách cử ba vệ sĩ họ Miêu, họ Phạm, họ Ðiền nhân lúc đêm tối phá vây xông ra đi cầu kiến, vệ sĩ họ Hồ ở lại bảo vệ Sấm Vương. Không ngờ, khi ba vệ sĩ kia trở về cùng đoàn quân cứu viện, thì Sấm Vương bị sát hại rồi.
Ba vệ sĩ thanh khóc hồi lâu. Ngay bấy giờ, vệ sĩ họ Phạm định tự vẫn chết theo chủ soái, song hai người kia ngăn lại, nói rằng hãy nên báo mối thù sâu tựa biển này trước đã.
Ba người đi khắp các xóm dưới núi Cửu Cung để hỏi thăm tường tận về việc Sấm Vương tuẫn nạn ra sao, cảm thấy hình như vệ sĩ họ Hồ vẫn còn sống ở đâu đây.
Họ biết rằng, người ấy võ nghệ siêu quần, lại có nhiều mưu lược; nếu có người ấy đứng đầu, thì có thể trả thù cho Sấm Vương được. Thế là họ chia nhau đi các ngả dò la tin tức về vệ sĩ họ Hồ.
Các bậc trưởng lão trong giới võ lâm vẫn truyền nhau rằng, vì việc tìm kiếm đó mà gây ra việc động trời. Ba vị Miêu, Phạm, Ðiền sau này đều kể lại tường tận mọi việc ấy cho lớp con cháu nghe, và lập tức quy ước trong gia tộc rằng mỗi đời đều kể lại cho đời sau nghe để lớp con cháu của ba họ Miêu, Phạm, Ðiền không bao giờ quên.
Nói đến đây, Bảo Thụ nhìn Miêu Nhược Lan:
- Bần tăng chỉ là người ngoài, nên chỉ biết một cách đại khái thôi. Miêu cô nương bằng lòng nói thêm, hẳn là sẽ tỉ mỉ hơn nhiều.
Mọi người đều nghĩ: "Hoá ra cha con Miêu Nhân Phượng là lớp con cháu của vị vệ sĩ họ Miêu".
Miêu Nhược Lan đăm dăm nhìn vào lửa hồn kể:
- Năm tôi lên bảy, vào một buổi tối thấy cha tôi mài thanh trường kiếm. Tôi nói tôi sợ đao kiếm lắm, muốn cha tôi cất đi đừng đùa nữa. Cha tôi bảo, cần phải dùng kiếm này để giết một người đã, rồi mới có thể cất đi không bao giờ dùng đến nó nữa.
Tôi bá cổ cha tôi, xin ông không giết người, cha tôi bèn kể cho tôi nghe một câu chuyện.
Rất nhiều năm về trước, dân chúng khổ cực chẳng có cơm ăn áo mặc. đành ăn vỏ cây, rễ cỏ. Rồi ngay cả vỏ cây rễ cỏ cũng hết, đành ăn cả đất bùn, rất nhiều người phải chịu chết đói. Người mẹ không có cơm ăn nên không có sữa, nhiều trẻ sơ sinh chết ngay trong tay mẹ. Thế mà các quan phủ vẫn đòi dân chúng phải nộp lương thực, các nhà giàu vẫn thúc ép dân nghèo nộp tô trả nợ. Dân chúng không kiếm đâu ra được, nên rất nhiều người bị quan phủ giết, bị các chủ nợ bắt nhốt lại.
Cha tôi có dạy tôi một bài hát, bảo là bài ấy do một công tử văn võ song toàn làm ra. Các vị có muốn nghe tôi đọc lại không?
- Xin cô nương cứ đọc đi - Mọi người đồng thanh.
Riêng Bảo Thụ nghe nói đến "vị công tử văn võ song toàn" thì biết ngay đó chính là Lý Nham, viên đại tướng dưới trướng Lý Tự Thành.
Miêu Nhược Lan đọc:
Sâu hạn năm qua khổ thật tình
Mất mùa, lúa má phá tan tành
Gạo cao thóc kém bao lần gấp
Chốn chốn dân lành sống bấp bênh
Lá cây rễ cỏ cho no bụng
Con trẻ oa oa khóc thất thanh
Bụi bám nồi niêu bếp tắt ngấm
Mấy ngày cháo loãng húp sao đành
Quan trên thu thóc sai hổ dữ
Hào phú đòi tô thả sói "lành"
Thương bấy, chỉ còn hơi thở dốc.
Hồn đã lìa xác xuống mồ xanh
Khôn qua ải đói bao oan nghiệt
Khắp chốn xương khô chất tựa thành
Rơi lệ ai là người tránh khỏi?
Lệ rơi hoá máu thấm hoen mình!
Mọi người đều nhớ là vào khoảng giữa đời vua Càn Long. tuy nói là thời thái bình thịnh trị, song hàng năm việc hạn hán và lũ lụt sảy ra vẫn khiến trăm họ khốn khổ.
Nghe cô gái đọc rõ ràng từng câu từng chữ, giọng đọc đượm nỗi đau thương da diết, ai cũng liên tưởng đến những cảnh ngộ mắt thấy tai nghe trong cuộc đời giang hồ của mình và đều thấy mủi lòng thương cảm.
Miêu Nhược Lan nói tiếp:
- Cha tôi còn kể rằng, sau đấy quả tình là dân chúng không sao chịu đựng nổi được nữa. Rồi thì có một vị đại anh hùng đứng lên cầm đầu mọi người đánh vào Bắc Kinh. Tiếc rằng, từ sau khi lên ngôi hoàng đế, vị anh hùng ấy đã xử sự không thoả đáng, đã không đối đãi dân chúng tử tế mà trái lại, các tướng lĩnh dưới quyền còn đi tàn hại dân chúng, cướp bóc của cải của họ. Dân chúng bèn không theo người ấy nữa. Vị anh hùng đó cho rằng lòng dân đều hướng về chàng công tử làm bài hát kia bèn sát hại luôn công tử. Thế là đám thuộc hạ của ông nhốn nháo cả lên. Chẳng bao lâu vị anh hùng đó bị kẻ gian sát hại.
Nói đến đây, Miêu Nhược Lan thở dài, ngừng một lát rồi nói tiếp:
- Còn ba người vệ sĩ của vị anh hùng thì bàn nhau đi tìm người vệ sĩ họ Hồ, hi vọng người ấy sẽ bày kế hoạch báo thù cho chủ soái.
Lúc ấy, người dị tộc đã lên ngôi hoàng đế, truy nã các bạn hữu của vị anh hùng đó ở khắp mọi nơi. Ba người vệ sĩ nọ khó bề yên thân, đành cải trang ẩn trốn. Một người cải trang thành ông lang bán thuốc, một người cải trang thành kẻ ăn mày,còn người thứ ba có sức vóc hơn cả cải trang thành làm người phu khuân vác.
Ba người bọn họ và người vệ sĩ thứ tư kia là bốn anh em két nghĩa, đã đồng cam cộng khổ mấy chục năm trời, còn thân thiết hơn cả anh em ruột. Cả ba đều khắc khoải, chờ mong người thứ tư kia, song suốt bảy tám năm trưòi tìm kiếm mà vẫn bặt tin. Họ nghĩ có lẽ người ấy đã tử trận trong khi bảo vệ chủ soái rồi, và thấy vô cùng đau xót.
Mọi người nghe giọng nói trầm bổng của cô gái, tựa như cách kể chuyện cho trẻ con, đều đoán rằng có lẽ cô gái bắt chước cách kể chuyện của cha mình năm xưa,và thầm nghĩ "xưa nay tuy nghe trong danh hiệu Kim Diện Phật có chữ "Phật",song ông ta luôn căm ghét điều xấu như kẻ thù, đã ra tay là rất dữ dằn... thế mà đối xử với con gái lại ôn hoà, nhân ái đến thế".
Miêu Nhược Lan kể tiếp:
- Sau đó mấy năm, cả ba quyết định thôi không tìm người anh em kết nghĩa kia nữa. Họ gặp nhau bàn bạc, biết rằng kẻ gian năm xưa sát hại vị anh hùng, nay đã được phong tước Vương, đang sống sung sướng ở Vân Nam. Họ bèn quyết định đi Vân Nam để giết hắn, báo thù cho thủ lĩnh và người anh em kết nghĩa kia. Thế là cả ba người lên đường đi Vân Nam.
Lưu Nguyên Hạc, Hùng Nguyên Hiến đưa mắt nhìn nhau, cùng hiểu rằng, kẻ gian mà cô gái nói đến chính là Ngô Tam Quế, người được phong làm Bình Tây Thân Vương.
Ba người đi đến Côn Minh - Miêu Nhược Lan kể tiếp - và dò la kỹ lưỡng quanh nơi ở của tên Hán gian đó. Vào tối mồng năm tháng ba năm ấy, cả ba đem gươm đao và ám khí trèo tường nhảy vào.
Hắn phòng bị vô cùng cẩn mật, nên cả ba vừa vào là bị các vệ sĩ phát hiện ngay. Ba người tuy võ nghệ cao cường, nên mới ra tay đã sát hại và đánh bị thương hơn hai chục tên vệ sĩ. Cả bọn vệ sĩ không chặn nổi ba người, và họ đã xông vào tận phòng ngủ của tên Hán gian. Những tưởng hắn không sao trốn thoát, nào ngờ có một người nhảy xổ ra che chắn cho hắn. Ba người nhìn mặt thì kinh ngạc vô cùng, vì chính đây là người anh em kết nghĩa họ vẫn tìm kiếm bấy lâu nay. Người ấy võ công cao cường hơn họ, bảo vệ tên Hán gian không cho họ giết hắn. Cả ba vừa ngạc nhiên, vừa giận dữ, xông vào đấu ngay. Lát sau,từ phía ngoài tràn vào thêm mấy chục vệ sĩ nữa nên biết không sao địch nổi đành tháo chạy. Riêng người cải trang thành ohu khuân vác vì sểnh tay bị bắt giữ.
Chính tên Hán gian Ngô Tam Quế xét hỏi ông ta. Ông ta lớn tiếng mắng chửi hắn đã bán cả giang sơn của người Hán cho người dị tộc. Tên Hán gian đã cho đánh gẫy hai chân ông ta rồi giam vào ngục. Người anh em kết nghĩa nghĩ thấy xấu hổ, đã lẻn vào nhà giam thả ông ta ra.
Sau đấy, khi cả ba người gồm ông thầy thuốc, kẻ ăn mày và người phu khuân vác gặp lại nhau, họ ôm nhau khóc lóc thảm thiết, không ngờ người huynh trưởng kết nghĩa năm xưa lại tha y lòng đổi dạ chạy theo kẻ thù. Cả ba lại ngầm nghe ngóng, và phát hiện ra một câu chuyện đáng căm phẫn: thì ra năm xưa khi cả bọn xuống núi đi cầu viện binh, người huynh trưởng chờ mấy hôm không thấy viện binh, chính huynh trưởng đã ra tay hạ sát chủ soái rồi đầu hàng kẻ địch. Hoàng đế Mãn Thanh phong cho ông ta một chức quan to, hiện giờ được thăng đến chức đề đốc dưới quyền của tên Hán gian.
Nghe đến đây, mặt mọi người đều biến sắc. Họ từng nghe nói Sấm Vương bị sát hại núi Cửu Cung. Có kẻ đồn là bị dân chúng giết, có kẻ bảo là bị quan binh giết nhưng không ngờ hung thủ lại chính là vệ sĩ tâm phúc của Sấm Vương.
Miêu Nhược Lan thở dài:
- Ba người nghe ngóng xác định đúng là như vậy, bèn quyết chí tính sổ với kẻ ấy.
Có điều cả ba vốn khó lòng thắng nổi, giờ đây người đóng vai phu khuân vác lại bị thương nặng thì càng yếu thế. Ðang trù trừ chưa biết tính sao, bỗng người anh kết nghĩa sai người mang thư tới, hẹn cùng đến uống rượu ở Ðiền Trì vào tối ngày rằm tháng ba.
Cả ba hiểu ắt có quỷ kế chi đây, song lại nghĩ người ấy đã biết rõ nơi ở cùng với động tĩnh của mình, lại có quyền lực lớn ở vùng này, dẫu muốn tránh cũng khó. Cơ sự đến nước này, dẫu có là hang hùm miệng sói cũng đành liều mà đi vậy! Thế là đến ngày hẹn, cả ba ngầm giắt binh khí trong mình cùng đến Ðiền Trì. Người huynh trưởng kết nghĩa năm xưa đã đợi từ sớm và chỉ có một mình, ăn vận quần màu xanh bằng vải thô, giống như năm xưa khi cả bốn ngưòi cùng ở quân doanh.
Bốn người vào một quán rượu nhỏ ven hồ, gọi ít thịt luộc, à nướng, bánh bao và mười mấy cân rượu trắng, rồi lên thuyền cùng ra giữa hồ uống rượu ngắm trăng.
Bốn người vừa uống rượu vừa ôn lại những chuyện oanh liệt khi cùng trong quân ngũ năm nào. Ba người để ý thấy người huynh trưởng cũ không hề nhắc đến tên của vị anh hùng, nên cũng kìm nén không đả động tới.
Rồi thấy người ấy liên tiếp cứ uống rượu thừng bát lớn, mãi khi trăng đã lên lưng trời mới ngửa mặt kêu lên: "Các nghĩa đệ! Chúng ta lâu ngày mới có dịp gặp lại nhau, nên hôm nay ta vui sướng lắm!". Câu nói chứa đầy hào khí sảng khoái lại được phát ra bởi miệng một cô gái hiền lành tao nhã là mnl, kể ra có lẽ không được hợp lắm, song mọi người đang bị lôi cuốn bởi các tình tiết hấp dẫn của câu chuyện nên không ai bận tâm để ý.
Miêu Nhược Lan kể tiếp:
- Người cải trang làm thầy lang không nén nhịn được nữa, cười nhạt: "Anh làm quan to, có đủ vinh hoa phú quý cả rồi, cố nhiên là thấy vui! Có điều là không rõ Nguyên soái giờ này nghĩ gì nhỉ?".
Tuy vị đại anh hùng sau này đã từng làm hoàng đế, song cả bốn vệ sĩ thân tín vẫn gọi ông ta là "Nguyên soái".
Huynh trưởng thở dài nói: "Ôi! Hẳn là Nguyên soái cô đơn lạnh lẽo lắm. Giờ thì đại sự đã xong rồi, ta muốn bảo các nghĩa đệ đi gặp Nguyên soái đấy".
Nghe thấy thế, cả ba nổi giận đùng đùng, thầm nghĩ: "Gớm thật! Mi lại còn muốn giết luôn cả ba chúng ta nữa, để cho chúng ta xuống âm tào địa phủ gặp Nguyên soái ư?".
Người đóng vai phu khuân vác rờ tay vào trong người định rút dao. Người đóng giả thầy lang bèn đưa mắt ra hiệu, rồi nâng vò rượu rót cho huynh trưởng kết nghĩa, và nói: "Từ sau ngày ba chúng tôi từ biệt núi Cửu Cung, thì rốt cuộc Nguyên soái ra sao?".
Huynh trưởng nhướng lông mày lên: "Hôm nay ta hẹn các nghĩa đệ đến đây, là nhằm nói chuyện đó". Người đóng vai ăn mày bỗng chỉ tay về phía sau lưng huynh trưởng, hỏi to: "Kìa, có ai đến thế nhỉ?".
Huynh trưởng quay người lại nhìn, thì người đóng vai ăn mày và thầy lang đều vung đao chém luôn. Một nhát đã chặt đứt cánh tay phải của huynh trưởng và một mũi dao găm đâm vào giữa lưng sâu đến mấy tấc.
Huynh trưởng kêu to một tiếng, quay phắt lại dùng tay trái đoạt cả hai con dao và ném luôn xuống hồ lại trở bàn tay bóp chặt huyệt đạo ở cổ của người đóng vai thầy lang.
Huynh trưởng sắc mặt tái xanh, hét lên: "Bốn chúng ta kết nghĩa sâu nặng với nhau, vậy sao... vậy sao lại ngầm giở trò hại ta thế?". Người đóng vai thầy lang bị bóp trúng huyệt đạo, người cứng đơ không cựa quậy được. Người đóng
vai phu khuân vác giơ đao quát: "Mi đã sát hại Nguyên soái, đã bán chúa cầu vinh,còn mặt mũi nào nói đến hai chữ "Nghĩa khí" nữa?".
Huynh trưởng tung chân đá văng con dao, cười lớn "Ðược! Ðược! Có nghĩa khí đấy! Có nghĩa khí đấy!". Cả ba thấy huynh trưởng đã mất một cánh tay, lưng bị trọng thương mà vẫn dũng mãnh như vậy, đều kinh ngạc ngây người. Huynh trưởng dứt tiếng cười, thì bỗng lệ trào đôi mắt: "Thật đáng tiếc! Tiếc rằng việc lớn của ta không thành". Nói rồi lỏng tay, thả người đóng vai thầy lang ra. Người đóng vai ăn mày sợ rằng huynh trưởng còn giở trò gì hiểm độc, bèn đấm một quyền mạnh trúng giữa ngực huynh trưởng. Trái đấm này nặng kinh hồn, làm huynh trưởng "hự" một
tiếng, mồm hộc máu tươi. Bỗng huynh trưởng giơ bàn tay trái đập mạnh vào mạn thuyền, làm mạn thuyền bị thủng một lỗ, các mảnh gỗ văng ra tứ tung. Huynh trưởng cười cay đắng: "Tuy bị thương nặng, song nếu ta muốn giết các nghĩa đệ thì vẫn cứ dễ như trở bàn tay!. Nhưng các nghĩa đệ là anh em tốt của ta, ta đâu nỡ làm thế!.
Cả ba người cùng lùi về phía mũi thuyền. Ðứng kề sát nhau đề phòng. Song huynh trưởng than rằng: "Ngàn vạn lần không được tiết lộ câu chuyện xảy ra hôm nay! Nếu để con trai ta biết chuyện, thì các nghĩa đệ không đáng là đối thủ của nó đâu. Ta cố nhiên sẽ tự vẫn mà chết để tránh cho các chú mang tội sát hại nghĩa huynh."
Dứt lời, huynh trưởng rút thanh đao cứa vào cổ rồi ngã gục xuống. Người đóng vai phu khuân vác cảm thấy không nhẫn tâm đứng nhìn bèn chạy lại đỡ, miệng kêu lên: "Ðại huynh!".
Huynh trưởng nói: "Các nghĩa đệ thân yêu! Ta phải đi đây!!. .
Thanh đao mà Nguyên soái vẫn dùng trong quân doanh... có can hệ lớn lắm...
Nguyên soái ở hẻm Thạch Môn...". Chưa nói hết lời, cổ họng đã tràn đầy máu,huynh trưởng gục chết bên thuyền.
Cả ba nhìn xác huynh trưởng vừa đâu khổ vừa mừng rỡ thấy thanh đao mà huynh trưởng dùng để tự vẫn có khắc mười bốn chữ, họ biết đó là thanh đao Nguyên soái vẫn dùng năm xưa.
Nghe đến đây, mọi người đều dồn ánh mắt nhìn vào thanh đoản đao mà Bảo Thụ đang cầm. Lưu Nguyên Hạc bỗng lắc đầu:
- Tôi không tin!
Ðào Bách Tuế tức giận gắt lên:
- Người thì biết gì!
Nguyên Hạc vặn lại:
- Lý Tự Thành giết người như ngóe, gây đổ máu ở muôn nơi, sao lại có thể khắc mấy chữ đó để coi là quân lệnh được?
Mọi người đều ngớ người, không biết trả lời ra sao. Bỗng Vu quản gia nói xen vào:
- Bảo Sấm Vương giết người như ngóe, có ai chứng kiến chuyện đó không?
Lưu Nguyên Hạc đáp:
- Thiên hạ đều nói thế cả, chẳng lẽ lại sai hết ư?
- Các vị là người làm quan với triều đình, cố nhiên là bảo Sấm Vương giết người bừa bãi - Vu quản gia nói - Thực ra, Sấm Vương chỉ giết bọn quan lại tham nhũng,bọn thổ hào ác bá mà thôi. Bọn ấy vốn không đáng gọi là người. Cái lệnh "Giết một người như giết cha mình", có ý cấm các thuộc hạ giết những người lương thiện.
Ðiều này là quá đúng rồi.
Lưu Nguyên Hạc còn định nói gì đó nữa, song nhìn khí thế uy nghi của Vu quản gia, bỗng ngừng lại ngay.
Hùng Nguyên Hiến có ý muốn làm dịu tình hình, bèn nói:
- Miêu cô nương! Cô nương kể tiếp, câu chuyện sau đó ra sao.
Miêu Nhược Lan nói:
- Người đóng vai phu khuân vác lại nói: "Huynh trưởng bảo là... Nguyên soái... ở chỗ hẻm núi Thạch Môn... nghĩa làm sao?". Người đóng vai thầy lang nói: "Chẳng lẽ có ý muốn nói chôn Nguyên soái ở Thạch Môn ư?". Người đóng vai ăn mày lắc đầu: "Tên này gian trá thật. Sắp chết mà vẫn còn lừa bịp người khác".
Thì ra vốn thế này: Hán gian Ngô Tan Quế về Bắc Kinh để lĩnh thưởng. Hoàng đế cho bêu đầu Nguyên soái ở cổng thành để thị uy với dân chúng. Ba vệ sĩ đã mạo hiểm lấy trộm thủ cấp đem về chôn ở một nơi hiểm yếu cheo leo không có dấu chân người. Bởi vậy, khi huynh trưởng kết nghĩa kia nói"...ở khe núi Thạch Môn" thì đương nhiên cả ba đều không tin.
Sau khi đã giết huynh trưởng, cả ba tìm cách hành thích tên Hán gian, song vì hắn phòng bị cẩn mật nên nhiều lần đột nhập đều thất bại. Rồi câu chuyện họ vì đại nghĩa mà giết huynh trưởng lan truyền dần trong giới giang hồ. Các anh hùng hảo hán trong võ lâm nghe chuyện đều giơ ngón tay cái tán thưởng: "Giết đi là phải!".
Chuyện ấy dần dần đồn đại tới quê hương của huynh trưởng. Con trai huynh trưởng vô cùng đau buồn, bèn tìm đến Côn Minh nhằm báo thù cho cha...
Ðào Bách Tuế tiếp luôn:
- Người con ấy... đã sai rồi. Tuy mối thù giết cha lớn thật đấy, nhưng cha mình đã làm điều gian ác, ai cũng có quyền trừ khử. Không nên báo thù mới phải chứ.
Miêu Nhược Lan nói:
- Hồi trước, cha tôi cũng bảo thế. Song ý nghĩ của người con thì vẫn vậy. Người con tìm đến Côn Minh, ít lâu sau thấy ba người kia trong một cái miếu hoang bèn xuất thủ luôn. Võ công của người con được người cha truyền bảo chu đáo, nên quả nhiên cả ba vệ sĩ của Nguyên soái năm xưa đều không đáng là đối thủ. Chưa đầy nửa canh giờ, họ đều lần lượt bị đánh ngục. Người con của huynh trưởng nói: "Ba vị thúc thúc! Cha tôi đã nhẫn nhục, cam chịu mang tiếng là kẻ bán chúa cầu vinh,ba vị sao hiểu được ý nghĩa sâu xa trong đó?
Vì tình kết nghĩa với cha tôi năm xưa,hôm nay tôi tha mạng ba vị! Hãy mau về nhà mà sửa soạn trước "hậu sự" đi. Ngày rằm tháng ba sang năm là ngày giỗ cha tôi, tôi sẽ đến thăm ba vị đó". Nói rồi,người ấy đoạt lấy thanh đao của Nguyên soái nghênh ngang bỏ đi.
Dịp ấy là khoảng giữa đông rét đậm. Ba người lập tức ngược về bắc, kéo tất cả gia quyến ba nhà cụm vào một nơi và kể tường tận cuộc đổ máu trên thuyền cho mọi ngươì nghe.
Ai nấy đều bảo: "Hắn đã sát hại vị đại anh ùng, lại làm vệ sĩ cho tên Hán gian, làm quan to dưới trướng người dị tộc... liệu còn có thâm ý gì nữa?
Thằng con hắn xảo trá nói cứng thế thôi, ai mà tin được". Các bạn giang hồ nghe tin, đều kéo đến rất đông để hỗ trợ.
Quả nhiên, vào tối ngày rằm tháng ba năm sau, gã con trai đó đến thật. Gã đến có một mình.
Mọi người chăm chăm nhìn Miêu Nhược Lan, chờ cô gái tiếp tục kể. Cô hầu gái bước tới gần Miêu Nhược Lan, tay bưng một lò than hồng bằng đồng bạch được ủ trong giỏ bằng gấm, đặt vào lòng chủ nhân.
Miêu Nhược Lan nói nhỏ nhẹ:
- Hãy châm lư hương đi!
Cầm Nhi vâng lời, lát sau lại bưng ra một lư hương bằng bạch ngọc, đặt bên cạnh chủ nhân. Một làn khói xanh nhè nhẹ uốn lượn toả ra từ mỏ chim phượng hoàng chạm trổ trên nắp lư hương.
Mọi người gửi thấy một mùi hương thơm dìu dịu, từa tựa mùi hoa lan, lại thoảng như mùi xạ hương... dẽ chịu khoan khoái vô cùng.
Miêu Nhược Lan nói:
- Lúc nào ta ở một mình trong phòng, thì mới châm thứ tố hương này... chứ ở đây có đông người, sao lại châm loại ấy?
Cầm Nhi cười, thưa lại:
- Ôi, em thật hồ đồ quá.
Rồi bưng lư hương vào để đổi thứ hương khác.
Miêu Nhược Lan lại bảo:
- Chỗ này gió Bắc thổi tới, tuy phía Bắc gian nhà không trổ cửa sổ, nhưng gió trên đỉnh núi vẫn thổi rất mạnh, thế nào cũng lọt vào. Em thử nhìn xem, lư hương đã đặt đúng chỗ chưa nào?
Cầm Nhi lại cười, bưng cả cái kỉ nhỏ cùng lư hương đặt vào góc phía Tây Bắc gian nhà, pha cho chủ mình một bát trà nóng rồi mới lui ra.
Mọi người đều nghĩ: "Kim Diện Phật Miêu Nhân Phượng là một đại hiệp lừng danh, thế mà lại cưng chiều cô con gái đến mức này cơ à?".
Miêu Nhược Lan chậm rãi bưng lên và mở nắp bát, ngắm nhìn những lá chè và cánh hoa hồng trong bát trà, nhấp một ngụm nhỏ rồi từ từ đặt xuống.
Mọi người chỉ muốn nghe cô gái kể chuyện tiếp, song chẳng ngờ cô lại bảo:
- Tôi hơi bị nhức đầu, muốn vào trong nghỉ ngơi một lát. Mong chư vị bá bá, thúc thúc hãy thư thả ngồi.
Nói rồi, cô gái đứng lên đi vào nhà trong. Mọ người ngớ ra nhìn nhau. Tào Vân Kỳ là người đầu tiên không nén nổi, định tỏ thái độ phật ý thì Ðiền Thanh Văn đưa mắt ra hiệu. Vân Kỳ toan nói câu gì đó song đành kìm lại. Chỉ một lát sau, Miêu Nhược Lan lại ra nmbgay. Cô gái thay một chiếc áo da màu lục sáng, một váy gấp nhiều nếp vàng nhạt, và đã rửa sạch các lớp phấn kem xoa trên mặt từ lúc mới lên núi, Trông cô càng thêm trang nhã hồn nhiên. Hóa ra cô gái chẳng nhức đầu gì cả,mà chỉ vào để thay y phục và rửa mặt thôi.
Cầm Nhi đi theo sau, tay cầm một đệm bằng da chồn màu ánh bạc đặt lên ghế.
Miêu Nhược Lan hẹ nhàng ngồi xuống, lúc này mới hé môi hồng thấp thoáng hàm răng ngà, chậm rãi nói tiếp:
- Tối hôm đó, nhà người vệ sĩ đóng vai thầy lang đang mở tiệc lớn, mời hơn một trăm anh hùng hào kiệt trên giang hồ đến dự, cùng đợi người con của huynh trưởng kết nghĩa năm xưa đến thăm. Ðợi đến giữa canh một, chỉ nghe một tiếng "xịch", và bàn tiệc bỗng có thêm một người khách.
Có biết bao cao thủ đang ngồi trước bàn tiệc, thế mà không một ai nhìn rõ người ấy vào đây như thế nào.
Người ấy chừng hai mươi tuổi, mặc áo vải gai thô, đội mũ trắng, tay cầm một cái gậy đưa tang, lưng cài chéo một thanh đao. Gã không hỏi han ai khác, chỉ chăm chú nhìn ông thầy lang, người ăn mày, người phu khuân vác - ba vệ sĩ của Nguyên soái năm xưa - và nói: "Xin ba vị thúc thúc tìm một chỗ vắng vẻ, chúng ta nói chuyện!".
Ba người chưa trả lời, thì một vị thuộc tiền bối phái Nga Mi đã nói luôn:
"Ðấng nam nhi đại trượng phu có gì cần thì cứ nói luôn, hà tất phải thậm thà thậm thụt thế? Cha mi đã bán chúa cầu vinh, thì chắc mi cũng chẳng tử tế gì, hẳn là định giở trò khỉ gì đây. Ba vị đại ca chớ có mắc lừa hắn".
Bỗng sáu tiếng "Bốp bốp..." liên tiếp, mọi người này bị tát liền sáu cái tát, hộc máu tươi, có tới chục cái răng rơi xuống đất.
Tất cả mọi hào kiệt dự tiệc đều đứng phắt dậy. Hơn một trăm con người đều im phăng phắc, thầm nghĩ: "Hành động của gã trẻ tuổi này sao mà nhanh kỳ lạ?". Vị trưởng lão phái Nga Mi bị đánh đòn nặng, sợ quá không nói được nửa lời nào. Lúc chàng trai tát ông ta, không một ai quan sát rõ được, khi trở về chỗ ngồi cũng quá mau lẹ, chỉ một chớp mắt. Trong toàn bộ khoảnh khắc đi về ấy, đường như toàn thân gã không hề di chuyển.
Ba vị chủ trì bữa tiệc - tức ba vệ sĩ năm xưa - đã trải mấy chục năm ăn ở cùng một nơi với cha gã, biết ngay đó là tuyệt chiêu khinh công gia truyền, gọi là "Phi Thiên Thần Hành" rồi. Có điều gã là kẻ "con hơn cha" nên dường như siêu phàm hơn cha.
Chàng trẻ tuổi nói: "Thưa ba vị thúc thúc! Nếu như tôi định hãm hại, thì sao tôi không ra tay ngay hôm ở miếu hoang hồi nọ? Giờ thì tôi có mấy lời quan trọng muốn nói, không tiện để cho người khác nghe".
Ba người thấy có lý. Người đóng vai thầy lang bèn dẫn chàng vào một gian phòng nhỏ ở nhà trong. Còn hơn trăm hào kiệt là khách dự tiệc ở ngoài đại sảnh đều ngừng bữa rượu, nhìn nhau, và lắng tai nghe ngóng động tĩnh.
Sau thời gian chừng ăn xong bữa cơn, cả bốn người cùng ra.
Ông thầy lang vái chào khắp lượt các anh hào dự tiệc, và nói: "Xin đa tạ các vị đã tới dự và đã tỏ rõ nghĩa khí hảo hán giang hồ". Mọi người chưa kịp đáp lễ, đã thấy ông ta giơ thanh đao cứa cổ tự vẫn làm ai nấy đều sửng sốt. Tiếp đó hai vị đóng giả ăn mày và phu khuân vác kia cũng lần lượt tự vẫn. Sự việc diễn ra quá nhanh, tuy trong đám khách khứa có rất nhiều cao thủ song không ai kịp ra tay ngăn cản.
Chàng trai quỳ lạy ba thi thể mấy lạy, nhặt ba đoản đao mà ba người dùng để tự vẫn rồi nhảy vọt lên nóc nhà. Mọi người hét lớn: "Thằng gian tặc chớ chạy trốn" và cùng nhảy lên đuổi theo. Chàng trai đã biến mất tăm. các con của ba người ôm lấy xác cha kêu khóc ầm ĩ. Các hào kiệt thăm hỏi an ủi người nhà và bọn tôi tớ, không một ai biết rằng bốn người đã nói những chuyện kín gì trong căn phòng. Lại càng không hiểu gã con trai kia đã dùng gian kế gì để đến nỗi cả ba người đều phải tự vẫn. Các hào kiệt nhìn thi thể ba người nằm vật trên đất đều trào dâng căm giận,
thề sẽ báo thù cho ba người. Có điều là... từ đó, chàng trai nọ mai danh ẩn tích,không biết ở nơi nào. Các con của ba vị đều được các anh hào nuôi dạy khôn lớn vì họ đều xót xa thương cảm cho cha họ đã vì chủ mà báo thù, để đến nỗi rơi vào thảm cảnh đau lòng. Bởi thế ai cũng tận tình dậy dỗ các con của họ.
Những người này vốn cũng đã được học võ công gia truyền do người cha truyền dạy, cũng đều có sẵn căn bản võ công, lại được các minh sư chỉ bảo nên sau này đều đúc kết được những cái hay của mọi môn phái rồi lập nên từng môn phái nổi tiếng riêng.
Kể đến đây, Miêu Nhược Lan nhè nhẹ thở dài than rằng:
- Võ công của họ càng cao bao nhiêu, thì ý chí báo thù càng mãnh liệt bấy nhiêu.
Luyện võ công rút cuộc là phúc hay họa quả thực tôi không biết nữa.
Bảo Thụ thấy Miêu Nhược Lan đăm đăm nhìn ngọn lửa, còn mọi người thì sốt ruột muốn nghe nốt đoạn sau.
Bảo Thụ bèn nói:
- Miêu cô nương kể câu chuyện này thật là hay. Tôi không rõ họ tên, song các vị cũng đều biết: người huynh trưởng kết nghĩa đó - chính là vệ sĩ số một của Sấm Vương, họ Hồ, tức là Phi Thiên Hồ Ly. Còn vị đóng vai phu khuân vác, họ Miêu; vị giả dạng ăn mày, họ Phạm; vị đóng vai thầy lang, họ Ðiền. Lớp người kế tục họ đều đã học được các tuyệt kỹ, mỗi nhà dựng riêng một ngọn cờ. Võ công nhà họ Miêu, gọi là Miêu gia kiếm; họ Phạm sau trở thành thủ lĩnh của Hưng Hán Cái Bang; nhà họ Ðiền sau này lập ra phái Thiên Long Môn.
Nguyễn Sĩ Trung và Ân Cát tuy là bậc tiền bối của Thiên Long Môn, song mãi tới lúc này mới biết rõ về lai lịch của sư môn, hai người bất giác cảm thấy xấu hổ .
Bảo Thụ nói tiếp:
- Lớp con cháu nỗi dõi của ba nhà họ Miêu, Phạm, Ðiền thì hai mươi năm sau đã tìm được gã con trai của huynh trưởng họ Hồ kia. Lúc ấy, gã đang ốm nặng, bị bộ ba này dồn ép đành phải tự vẫn. Từ đó, lớp con cháu của bốn họ này cứ truyền đời báo thù. Hơn trăm năm nay, không một người con hay cháu chắt nào của bốn họ này được sống trọn đến già cả. Bần tăng cũng đã từng chứng kiến một cuộc đấu khủng khiếp của đám hậu thế bốn nhà đó.
Miêu Nhược Lan ngẩng đầu nhìn Bảo Thụ:
- Thưa đại sư, tôi đã được biết chuyện đó... mong đại sư đừng kể làm gì...
- Nhưng các vị ngồi đây thì chưa biết. Cô nương hãy kể cho họ nghe đi.
Miêu Nhược Lan lắc đầu:
- Năm ấy... cha tôi kể chuyện về bốn vị võ sĩ của Sấm Vương xong, lại kể một câu chuyện nữa. Cha tôi bảo rằng vì câu chuyện đó mà cha tôi buộc phải giết chết một người, phải đem kiếm ra mài cho sắc. Có điều là câu chuyện này bi thảm quá.
Hễ cứ nghĩ đến là tôi đã thấy khiếp rồi. Tôi vẫn mong rằng, giá mà cha tôi đừng kể cho tôi nghe thì hơn.
Trầm ngâm một lát, Miêu Nhược Lan nói tiếp:
- Chuyện ấy xảy từ mười năm trước khi tôi ra đời. Tôi không rõ đứa trẻ đáng thương ấy ra sao, tôi thực lòng mong cho nó được sống yên ổn...
Mọi người nhìn nhau, đều không hiểu "đứa bé đáng thương" là người thế nào, có liên qua ntới câu chuyện sắp kể?
Tất cả đều ngóng nhìn Miêu Nhược Lan, lại nhìn Bảo Thụ, chờ xem ai trong hai người sẽ giải tỏa cho họ nỗi thắc mắc.
Bỗng một người đầy tớ đứng bên hầu trả lời:
- Tiểu thư có lòng tốt như thế, hẳn sẽ được báo đáp. Chắc "đứa trẻ đáng thương" ấy vẫn sống bình an ạ.
Giọng nói của người ấy nghẹn ngào. Mọi người cùng ngoái đầu nhìn. Người ấy tóc bạc lòa xòa, tuổi đã cao, mất một tay phải, dùng tay trái bưng khay trà. Một vết sẹo to do bị đao chém chạy từ lông mày bên phải qua mũi xuống tới mép trái.
Mọi người nghĩ thầm: "Người này đã từng bị thương nặng thế mà vẫn trụ lại được, quả là không dễ gì".
Miêu Nhược Lan nói:
- Sau khi nghe cha tôi kể câu chuyện ấy, tôi vẫn thường thầm cầu xin ông Trời hãy phù hộ đứa trẻ ấy được trưởng thành bình an. Song tôi mong cho người ấy đừng học võ giống như tôi bây giờ, không hề biết một chút võ nghệ gì cả, mới hay.
Tất cả đều ngớ ra, đều lấy làm lạ: "Cô gái này dáng vẻ cao nhã thanh tú, tự nói ra là không biết võ nghệ gì. Song cô ta là ái nữ của Kim Diện Phật Miêu đại hiệp có biệt hiệu là "Ði khắp thiên hạ không địch thủ" kia mà, lẽ nào cha cô ta lại không truyền cho một vài tuyệt kỹ nhỉ?"
Nhìn vẻ mặt mọi người, Miêu Nhược Lan hiểu được họ đang nghĩ gì, bèn nói:
- Cha yôi bảo rằng, hơn một trăm năm nay, con cháu bốn họ Hồ, Miêu, Phạm,Ðiền báo thù lẫn nhau, không có thế hệ nào được sống yên ổn đến gìa cả. Ai dù có võ công cao cường đến đâu đi nữa, suốt đời chỉ hoặc mải đi giết người để báo thù,hoặc đề phòng đối phương đến báo thù. Trong một năm, khó mà có được vài tháng ăn no ngủ yên. Mà dù có sống được bảy tám mươi tuổi đi nữa, cũng vẫn còn bị đối phương chém chết để báo thù. Vậy là, luyện võ công không những vẫn không thể phòng thân mà trái lại, càng mang thêm họa. Cho nên, cha tôi nêu lên một điều gia
huấn là, kể từ cha tôi trở đi, sẽ không cho các con cháu học võ công nữa. Cha tôi cũng quyết không thu nhận một đồ đệ nào.
Cha tôi còn nói rằng, nếu như cha tôi bị kẻ thù giết hại, con cháu họ Miêu không biết võ nghệ gì, thì đương nhiên là chịu không có cách gì báo thù cho ông. Và thế là các khoản nợ máu chồng chất ngày một cao từ hơn trăm năm nay, các mối oan nghiệt chồng chéo ngày càng rối ren cũng theo đó mà được xoá sạch.
Bảo Thụ chắp hai tay:
- Thiện tai! Thiện tai! Miêu đại hiệp đã có sự giác ngộ thấu đáo đến như vậy,cầu mong kiếm pháp tuyệt thế vô song của nhà họ Miêu sẽ chấm dứt ở đời của Miêu đại hiệp thôi. Tuy sẽ là một tổn thất cho giới võ lâm, nhưng vẫn là một việc thiện to lớn.
Nhìn ánh mắt khác thường của người đầy tớ mặt sẹo, Miêu Nhược Lan thấy hơi lạ lùng, bèn nói với Bảo Thụ:
- Tôi xin phép vào nghỉ một lát. Xin lỗi đại sư và chư vị bá bá, thúc thúc. Nói rồi cô vái chào, lui vào nhà trong.
Bảo Thụ nói:
- Miêu cô nương có tấm lòng nhân ái, không nỡ nào ngồi nghe câu chuyện này,nên có ý lánh đi.
Bần tăng sẽ kể hầu tiếp chuyện các vị.
Hôm nay, từ sáng ớm tới giờ chỉ là vài canh giờ, chưa quá giờ ngọ, thế mà mọi người đã trải qua bao sự việc li kỳ, trong lòng còn biết bao điều thắc mắc muốn được làm sáng tỏ.
Thế rồi, Bảo Thụ bèn kể:
- Sau thời kỳ bốn vệ sĩ của Sấm Vương tàn sát lẫn nhau thì con cháu bốn nhà không ngừng xung đột suốt hơn một trăm năm. Có điều là vì nhà họ Hồ bán chúa cầu vinh nên bị các đạo hữu võ lâm tẩy chay; mỗi lần giao chiến, đều bị ở thế cô lập, phần nhiều bị lép vế. Tuy nhiên, võ công gia truyền của nhà họ Hồ vẫn tỏ ra lợi hại vô cùng. Cứ cách chừng ba bốn chục năm, nhà họ Hồ thế nào cũng trội lên một hai người con cháu kiệt xuất để báo thù cho ông cha. Dù thắng hay thua, các cuộc đọ sức đều làm đầu rơi máu chảy rất hãi hùng. Còn ba nhà họ Miêu, Phạm,Ðiền tuy lực lượng đông và mạnh, lại được các đạo hữu trợ giúp, nhưng vẫn không sao phòng bị được, bởi con cháu họ Hồ thường bí mật tập kíck bất ngờ.
Năm đầu đời vua Ung Chính, ba nhà họ Miêu, Phạm, Ðiền lại xảy ra cuộc tranh chấp quyền nắm giữ thanh bảo đao của Sấm Vương. Và vừa khéo nhà họ Hồ nảy ra hai anh em có võ công siêu việt. Loáng một cái, họ đã hạ thủ hơn ba mươi người của ba nhà. Ba nhà đâm hoảng, cử nhà họ Ðiền đứng đầu và mời thêm các cao thủ giang hồ nữa, cùng hợp sức đánh giết hai anh em họ Hồ. Năm ấy, các anh hùng hào kiệt khắp mọi miền núi sông Nam Bắc hội tụ ở Lạc Dương, ăn thề liên minh với nhau. Từ đó, thanh bảo đao của Sấm Vương do họ Ðiền thuộc phái Thiên Long
Môn nắm giữ, nếu sau này con cháu họ Hồ còn đến khiêu chiến gây sự, thì họ Ðiền ở Thiên Long Môn sẽ dùng bảo đao này hiệu triệu các hảo hán giang hồ cùng chung sức đối phó. Các anh hùng ở mọi miền hễ nhìn thấy thanh bảo đao này, thì dẫu là việc tày đình cũng phải gác lại để ứng nghĩa theo lời hiệu triệu.
Việc này xảy ra đã lâu, và người đời sau đã dần quên lãng. Chỉ riêng chưởng môn Thiên Long Môn vẫn rất coi trọng thanh bảo đao này. Nghe nói về sau Thiên Long Môn chia làm hai phái Nam Tông và Bắc Tông, thì mỗi phái sẽ lần lượt thay nhau giữ mười năm. Nguyễn sư huynh và Ân sư huynh thấy bần tăng này kể có đúng không?
Cả hai đồng thanh:
- Ðại sư kể đúng đấy!
Bảo Thụ cười:
- Chuyện xảy ra đã lâu năm. Các môn đệ của Thiên Long Môn tuy đều biết thanh đao này là báu vật biểu trưng của môn phái mình, song lai lịch của nó ra sao thì rất hiếm ai khảo cứu. Chuyện đã quá xưa rồi, kể ra cũng không có gì đáng trách cả. Riêng bần tăng có chỗ chưa thật tỏ tường, mong Tào sư huynh chỉ giáo.
Tào Vân Kỳ lớn tiếng:
- Chuyện gì vậy?
- Bần tăng nghe nói mỗi khi chưởng môn cũ, mới bàn giao chức cho nhau,chưởng môn cũ nói rõ lai lịch của thanh đao cho người kế tục được biết. Vậy sao Tào sư huynh được vinh hạnh làm chưởng môn rồi mà vẫn không được biết? Chẳng lẽ Ðiền Quy Nông lã chưởng môn đã quên mất điều quy ước này ư?
Tào Vân Kỳ đỏ bừng mặt, định nói điều gì đó, song Ðiền Thanh Văn đã đỡ lời:
- Môn phái chúng tôi thật là bất hạnh, tiên phụ qua đời đột ngột nên không kịp dặn dò kỹ cho Tào sư huynh được biết.
- Thế là rõ rồi - Bảo Thụ nói - Ôi! Thế là bần tăng đã hai lần được nhìn thấy thanh bảo đao này. Lần đầu tính ra cũng là hai bẩy năm về trước còn gì!
Ðiền Thanh Văn nhẩm tính: "Miêu cô nương chừng mười bảy mười tám tuổi. Cô ta nói câu chuyện bi thảm xảy ra trước khi cô ta ra đời mười năm, thế thì đúng là hai mươi bảy năm về trước. Vậy việc hòa thượng này nhìn thấy thanh đao lần đầu, hẳn là có liên quan tới câu chuyện mà Miêu cô nương nói".