Dẫu cho xa cách muôn trùng,
Thân tuy hai ngả nhưng lòng không chia.
Ân Ly hát khúc hát đó rồi, sau đó lại thêm một bài khác, lần này tiếng ca hết sức ngụy bí, không giống điệu hát Trung Thổ chút nào, nghe cho kỹ thấy từ ý cũng giống như khúc hát của Tiểu Siêu:
Đến như nước chảy xuôi khe,
Đi như gió cuốn biết về nơi nao.
Cuộc đời như thể chiêm bao,
Về đâu rồi sẽ ra sao bây chừ?
(Lai như lưu thủy hề, thệ như phong.
Bất tri hà xứ lai hề, hà sở chung)
Nàng cứ hát đi hát lại hai câu ấy mãi, càng lúc càng nhỏ dần, đến khi tiếng hát lẫn vào tiếng sóng, tiếng gió không còn nghe thấy gì nữa. Mọi người nghĩ đến sinh tử vô thường, cõi nhân sinh như nước sông chảy mãi không hiểu từ đâu mà đến, dẫu cho anh hùng hào kiệt cũng không ai qua khỏi được cái chết, có khác gì gió mát kia chẳng biết thổi về nơi nào. Trương Vô Kỵ thấy bàn tay nhỏ nhắn của Triệu Mẫn lạnh như băng nằm trong tay mình hơi run rẩy.
Tạ Tốn bỗng nói:
- Khúc hát Ba Tư này là do Hàn phu nhân dạy cho cô ta đó, một buổi chiều hơn hai mươi năm trước, ta ở trên Quang Minh Đính đã từng nghe rồi. Ôi, đâu có ngờ Hàn phu nhân lại tuyệt tình đến thế, ra tay hạ độc thủ với con bé đến thế này.
Triệu Mẫn hỏi lại:
- Lão gia tử, Hàn phu nhân làm sao biết hát khúc hát Ba Tư, hay vốn là bài ca của Minh giáo chăng?
Tạ Tốn đáp:
- Minh giáo truyền từ Ba Tư, khúc hát Ba Tư này có uyên nguyên với Minh giáo nhưng không phải là bài ca của Minh giáo. Bài hát này là do một vị thi nhân rất nổi tiếng của Ba Tư hơn hai trăm năm trước đây tên là Nga Mặc làm, nghe nói người Ba Tư ai ai cũng biết cả. Năm xưa khi ta nghe khúc hát này thấy hay quá nên có hỏi Hàn phu nhân về lai lịch của bài ca, bà ta có kể rõ ràng đầu đuôi cho ta nghe.
Ngày đó đại triết gia của Ba Tư là Dã Mang mở trường dạy học, môn hạ có ba đệ tử kiệt xuất: Nga Mặc giỏi về văn học, Ni Nhược Mâu giỏi về chính trị còn Thôi Sơn giỏi về võ công. Ba người hợp tính nhau nên cùng thề ước nếu giàu sang sẽ không quên nhau. Về sau Ni Nhược Mâu đường mây rong ruổi được làm Thủ tướng của Giáo Vương. Hai người bạn cũ cũng tới, Ni Nhược Mâu xin với Giáo Vương phong quan chức cho Thôi Sơn. Nga Mặc không muốn làm quan, chỉ xin một món tiền bổng hàng năm để có thì giờ nghiên cứu thiên văn lịch số, uống rượu ngâm thơ. Ni Nhược Mâu mọi việc đều ưng thuận, đối xử thật hậu hĩ.
Ngờ đâu Thôi Sơn vẫn mang hùng tâm không chịu ở dưới người khác, âm mưu phản loạn. Việc y làm thất bại bèn kết tụ đồng đảng vào trong núi thành một thủ lãnh tông phái uy chấn thiên hạ, gọi là phái Y Tư Mỹ Lương chuyên ám sát giết người. Thời Thập Tự Quân, người Tây Vực khi nói đến tên Sơn Trung lão nhân Thôi Sơn, không ai là không kinh sợ. Thời đó vua các nước Tây Vực bị chết về tay các thủ hạ của Thôi Sơn không biết bao nhiêu mà kể.
Hàn phu nhân nói rằng, bên phía cực tây ngoài biển khơi có một đại quốc, tên là Anh Cách Lan, vua nước đó là Ái Đức Hoa có lỗi với Sơn Trung lão nhân bị y sai người hành thích. Quốc vương bị trúng dao tẩm thuốc độc, may nhờ vương hậu xả thân cứu chồng, hút chất độc ở vết thương ra, nhờ thế nhà vua mới thoát chết. Thôi Sơn chẳng kể gì đến ân nghĩa ngày xưa, lại sai người giết chết Thủ tướng Ba Tư là Ni Nhược Mâu. Khi sắp chết, Thủ tướng ngâm bài thơ của Nga Mặc, chính là hai câu “Đến như nước chảy hề, đi như gió, Ai biết về đâu hề, rồi ra sao?”. Hàn phu nhân cũng có nói rằng về sau võ công của Sơn Trung Lão Nhân do Minh giáo học được. Ba sứ giả Ba Tư võ công quái dị lạ lùng, có lẽ học từ Sơn Trung lão nhân.[1]
Triệu Mẫn hỏi:
- Tạ lão gia, tính tình của Hàn phu nhân cũng chẳng khác gì Sơn Trung lão nhân. Ông đối xử với bà ta hết tình hết nghĩa vậy mà bà ta lại âm mưu hại ông.
Tạ Tốn thở dài:
- Ở trên đời này con người lấy oán báo đức là chuyện thật là bình thường, có gì lạ đâu?
Triệu Mẫn cúi đầu suy nghĩ một lát nói:
- Hàn phu nhân được đứng đầu tứ vương của Minh giáo, sao võ công không có gì là cao cường hơn lão gia cả. Đêm hôm qua bà ta động thủ với ba sứ giả Ba Tư, sao không thấy sử dụng Thiên Châu Vạn Độc Thủ là sao?
Tạ Tốn ngạc nhiên:
- Thiên Châu Vạn Độc Thủ? Hàn phu nhân đâu có biết sử dụng. Bà ta là một tuyệt sắc mỹ nhân, quí dung nhan còn hơn tính mạng của mình đời nào lại luyện công phu đó.
Trương Vô Kỵ, Triệu Mẫn, Chu Chỉ Nhược đều ngạc nhiên, nghĩ thầm tướng mạo Kim Hoa bà bà xấu xí, cứ như hiện nay mà nói, dù có trẻ lại ba bốn chục tuổi, cũng không thể nào gọi là “tuyệt sắc mỹ nhân”. Bà ta mũi thì thấp, môi thì dày, mặt vuông bành bành, tai xòe ra đón gió, khuôn mặt đó có cách nào mà thay đổi được. Triệu Mẫn cười nói:
- Lão gia tử, tiểu nữ chẳng thấy Kim Hoa bà bà đẹp ở chỗ nào cả.
Tạ Tốn nói:
- Sao thế? Tử Sam Long Vương đẹp như tiên trên trời, hơn hai mươi năm trước là đệ nhất mỹ nhân trong võ lâm, bây giờ dù tuổi có cao, nhưng dáng dấp năm xưa hẳn cũng vẫn còn ... ôi, tiếc thay ta lại không còn nhìn được nữa.
Triệu Mẫn thấy ông ta nói hết sức trịnh trọng, xem ra bên trong có điều gì bí ẩn, bà lão lưng còng bệnh hoạn xấu xí kia, không lẽ đã có thời là đệ nhất mỹ nhân trong võ lâm, nói gì cũng không thể nào tin được liền hỏi lại:
- Tạ lão gia danh chấn giang hồ, võ công cao cường, chẳng cần phải nói đến. Bạch Mi Ưng Vương tự mình sáng lập một ngành, cùng lục đại môn phái chống trả, tranh hùng võ lâm hơn hai chục năm, Thanh Dực Bức Vương thần xuất quỉ một, hôm trước nơi chùa Vạn An dọa sẽ hủy dung mạo tiểu nữ, bây giờ nghĩ lại vẫn còn kinh hãi. Kim Hoa bà bà võ công tuy cao, mưu trí tuy sâu nhưng được đứng trên ba vị xem ra có điều bất xứng, không hiểu vì duyên cớ gì?
Tạ Tốn nói:
- Đó là Ân nhị ca, Vi tứ đệ và ta ba người tình nguyện nhường bà ta đấy chứ.
Triệu Mẫn nói:
- Vì sao thế?
Đột nhiên nàng cười lên khanh khách nói:
- Hay là vì bà ta là thiên hạ đệ nhất mỹ nhân, người anh hùng không qua nổi cửa ải người đẹp, ba vị đại hào kiệt cam tâm đứng sau bóng quần hồng?
Nàng là gái phiên bang, không chấp nê lễ mạo tôn ti, trong lòng nghĩ sao liền chẳng ngại ngùng gì mở miệng nói đùa Tạ Tốn. Tạ Tốn không nổi giận, thở dài:
- Cam tâm bái phục dưới bóng quần hồng, đâu phải chỉ có ba người thôi đâu? Khi đó dù trong hay ngoài Minh giáo, mong được lọt vào mắt xanh của nàng Đại Ỷ Ti nói là hàng trăm người cũng còn là ít.
Triệu Mẫn nói:
- Đại Ỷ Ti? Có phải đó là Hàn phu nhân không? Cái tên sao kỳ lạ vậy?
Tạ Tốn nói:
- Bà ta từ Ba Tư đến, đó là tên Ba Tư.
Trương Vô Kỵ, Triệu Mẫn và Chu Chỉ Nhược đều giật mình cùng kêu lên:
- Bà ta là người Ba Tư ư?
Tạ Tốn lạ lùng:
- Không lẽ các ngươi không nhìn ra sao? Bà ta là con lai Trung Quốc – Ba Tư, tuy con ngươi và tóc đen nhưng mắt sâu, mũi cao, da trắng như tuyết khác xa gái Trung Nguyên, thoạt nhìn là nhận ra ngay.
Triệu Mẫn nói:
- Không đâu, không đâu! Mũi bà ta thì tẹt, mắt thì hí, khác xa với gì ông mô tả. Trương công tử, chàng nghĩ có phải không?
Trương Vô Kỵ đáp:
- Đúng thế! Không lẽ bà ta cũng như khổ đầu đà, cố ý hủy dung mạo mình chăng?
Tạ Tốn hỏi lại:
- Khổ đầu đà là ai thế?
Trương Vô Kỵ đáp:
- Đó là Quang Minh hữu sứ của Minh giáo Phạm Dao.
Chàng liền đem chuyện Phạm Dao tự hủy dung mạo để trà trộn vào phủ Nhữ Dương Vương thuật sơ qua cho Tạ Tốn nghe. Tạ Tốn thở dài:
- Việc đó Phạm huynh làm thật là đau lòng nhưng cũng thật đơn côi, có công to với bản giáo, người thường làm sao có được. Ôi, có lẽ phần lớn cũng vì Hàn phu nhân mà ra chăng?
Triệu Mẫn nói:
- Thôi Tạ lão gia đừng nói vòng vo nữa, kể cho chúng tôi nghe từ đầu chí cuối nào.
Tạ Tốn hừ một tiếng, ngửng đầu lên trời, xuất thần hồi lâu mới chậm rãi nói:
- Hơn hai mươi năm trước đây, lúc đó Minh giáo dưới quyền thống lãnh của Dương giáo chủ, thật là hưng vượng. Hôm đó đột nhiên có ba sứ giả người Hồ từ Ba Tư đến đỉnh Quang Minh, mang theo một lá thư từ giáo chủ tổng giáo bên Ba Tư yết kiến Dương giáo chủ. Trong thư có viết là tổng giáo Ba Tư có một vị Tịnh Thiện sứ giả vốn là người gốc Trung Hoa, đã đến ở bên Ba Tư từ lâu, gia nhập Minh giáo, lập được nhiều công lao, lấy một người đàn bà Ba Tư làm vợ, sinh được một đứa con gái. Vị Tịnh Thiện sứ giả kia mới chết cách đây một năm, khi lâm chung lòng nhớ về cố quốc nên để lại di ngôn muốn con gái được trở về Trung Thổ. Giáo chủ tổng giáo tôn trọng di chí ấy nên sai người đưa con gái ông ta về Quang Minh Đính, nhờ Minh giáo Trung Thổ chăm lo chiếu cố cho. Dương giáo chủ liền bằng lòng ngay, mời cô gái đó vào.Thiếu nữ kia vừa bước chân vào sảnh đường, lập tức căn phòng bừng sáng, thấy nàng xinh đẹp tuyệt trần không ai sánh kịp. Khi nàng uyển chuyển phục xuống vái chào Dương giáo chủ, trong sảnh đường tả hữu Quang Minh sứ giả, ba pháp vương, Ngũ Tản Nhân, Ngũ Hành Kỳ sứ không ai là không chấn động. Ba sứ giả Ba Tư hộ tống nàng ở lại Quang Minh Đính một đêm, qua hôm sau liền bái biệt, còn người con gái xinh đẹp Ba Tư Đại Ỷ Ti kia ở lại trên Quang Minh Đính.
Triệu Mẫn cười nói:
- Tạ lão gia, lúc ấy lão gia cũng mê cô gái xinh đẹp người Ba Tư kia, phải không? Đừng có xấu hổ, cứ thực thà nói cho chúng tôi nghe đi.
Tạ Tốn lắc đầu:
- Không đâu! Khi đó ta mới vừa lấy vợ, đang trong thời kỳ mặn nồng, vợ ta lại mới mang thai, ta làm gì có tình ý khác được?
Triệu Mẫn “A” lên một tiếng, cảm thấy mình hơi lỡ lời. Nàng biết vợ con Tạ Tốn đều bị Thành Côn giết hại, lúc này vô ý đề cập đến, không khỏi chạm đến vết thương lòng của ông ta, vội nói:
- Đúng thế, đúng thế! Thảo nào Hàn phu nhân có nói, năm xưa bà ta lấy Ngân Diệp tiên sinh, trên Quang Minh Đính ai ai cũng phản đối, chỉ có Dương giáo chủ và lão gia là tốt với bà ấy thôi. Chắc là phu nhân của Dương giáo chủ không những đã xinh đẹp mà cũng lại ghê gớm lắm nên đấng trượng phu mới nem nép một bề.
Tạ Tốn nói:
- Dương giáo chủ khẳng khái hào hiệp, Đại Ỷ Ti tuổi tác chỉ đáng con gái ông ta. Huống chi tổng giáo giáo chủ Ba Tư đã gửi gấm ông ta chiếu cố, Dương giáo chủ đối với cô ta hết lòng hết dạ, quyết không thể nào có ý khác được. Dương giáo chủ phu nhân là sư muội của sư phụ ta Thành Côn, là sư cô của ta. Dương giáo chủ đối với phu nhân cực kỳ yêu thương kính trọng.
Thành Côn giết toàn thể gia đình Tạ Tốn, tuy trong tâm khảm thù hận càng lúc càng sâu nhưng khi đề cập đến tên Thành Côn, ông chỉ nhắc qua đến thôi không khác gì nhắc tới một người bình thường. Triệu Mẫn nói:
- Khổ đầu đà Phạm Dao nghe nói khi còn trẻ là một thanh niên thật đẹp trai, chắc là mê nàng Đại Ỷ Ti lắm nhỉ?
Tạ Tốn gật đầu:
- Quả đúng là yêu một khắc mà tình đà muôn kiếp, gặp một lần mà suốt đời khắc sâu trong tâm khảm. Thực ra đâu phải chỉ một mình Phạm huynh, kẻ nhìn thấy nàng Đại Ỷ Ti xinh đẹp mà không động lòng chắc chẳng bao nhiêu. Thế nhưng giáo qui Minh giáo rất nghiêm nhặt, ai ai cũng lấy lễ mà đãi, những người muốn cầu thân với Đại Ỷ Ti đều là những thanh niên chưa vợ. Ngờ đâu Đại Ỷ Ti đối với ai cũng lạnh như tiền, hoàn toàn không giả vờ chút nào, dẫu là ai nếu lộ tình ý đều bị nàng ta mắng cho một trận, khiến cho người đó thẹn không còn đất đứng không còn dám tơ tưởng gì nữa. Sư cô ta Dương phu nhân có ý tác hợp, muốn ghép nàng với Phạm Dao thành vợ chồng. Đại Ỷ Ti nhất mực cự tuyệt, nói mãi nàng liền vung kiếm thề trước mặt mọi người quyết ý không lấy chồng, nếu bị ép uổng thà chết còn hơn. Từ đó trở đi ai ai cũng nản lòng chẳng còn dám nghĩ chuyện làm quen với nàng nữa.
Qua được nửa năm, một ngày kia có một người từ đảo Linh Xà ở ngoài khơi đến, tự xưng họ Hàn, tên là Thiên Diệp, là con trai của kẻ thù Dương giáo chủ khi trước, lên Quang Minh Đính để báo cừu cho cha. Mọi người thấy gã họ Hàn kia là một thanh niên tướng mạo không có gì đặc biệt khác thường, vậy mà dáng ngang nhiên một thân một mình lên Quang Minh Đính thách đấu với Dương giáo chủ không khỏi cười ồ lên. Tuy nhiên Dương giáo chủ lại rất trịnh trọng, tiếp như khách quí, mở đại tiệc thết đãi. Sau khi ăn uống rồi ông mới nói cho tất cả các anh em nguyên do vì đâu. Thì ra năm xưa Dương giáo chủ cùng cha y hai người nói năng không hợp sinh ra động thủ, đánh một chưởng Đại Cửu Thiên Thủ khiến đối phương bị trọng thương, ngã gục xuống không đứng lên nổi. Khi đó cha y có nói là ngày sau ắt sẽ báo mối thù đó, nhưng biết võ công mình không thể nào bì kịp, nếu không sai con trai ắt sẽ sai con gái đến tầm cừu. Dương giáo chủ nói: “Bất kể dù là con trai con gái gì chăng nữa, ta cũng nhường trước ba chiêu”. Người kia nói: “Không cần phải nhường chiêu, nhưng tỉ võ thế nào thì phải do con ta định đoạt”. Dương giáo chủ khi đó liền bằng lòng. Việc qua đã hơn mười năm, Dương giáo chủ không còn nghĩ gì đến nữa, nào ngờ người con trai của họ Hàn hôm nay lại đến đây.
Mọi người ai cũng nghĩ rằng, kẻ hiền lành chẳng ai đến, đã đến chắc chẳng ra gì, người này dám một thân một mình lên Quang Minh Đính, ắt phải có tài nghệ kinh người. Thế nhưng võ công của Dương giáo chủ cực kỳ cao cường, có thể nói là vô địch trong thiên hạ, chỉ trừ Trương chân nhân của phái Võ Đương ra, khó mà có ai thắng được ông ta một chiêu nửa thức. Gã họ Hàn kia được bao nhiêu tuổi, dù ba người, năm người như y cùng xông lên, Dương giáo chủ cũng chẳng coi vào đâu. Chỉ đáng lo là không biết y ra đề mục khó khăn gì.
Ngày hôm sau, gã Hàn Thiên Diệp trước mặt mọi người nói rõ ước ngôn khi xưa, cốt chặn trước Dương giáo chủ, để ông không thể nuốt lời, sau đó mới đưa đề mục tỉ đấu ra. Y muốn cùng Dương giáo chủ cùng nhảy vào trong Bích Thủy Hàn Đàm trên Quang Minh Đính để so tài cao thấp.
Lời y vừa nói ra, mọi người ai nấy kinh hãi đến thất thần. Bích Thủy Hàn Đàm nước lạnh thấu xương, dẫu ngay nắng hạ cũng chẳng một ai dám xuống, huống chi lúc này lại chính giữa mùa đông? Dương giáo chủ võ công tuy cao nhưng lại không biết bơi, chỉ nhảy vào trong Bích Thủy Hàn Đàm, chẳng cần tỉ võ cũng đủ đông cóng, chết đuối ngay. Khi đó ở trong Thánh Hỏa Sảnh, quần hào ai cũng lên tiếng chửi rủa.
Trương Vô Kỵ nói:
- Chuyện đó thật là khó xử, đại trượng phu nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy. Dương giáo chủ năm xưa đã bằng lòng chấp thuận cho họ Hàn kia là phương cách tỉ võ do con y lựa chọn, vị Hàn Thiên Diệp tiền bối chọn thủy chiến, cứ theo lý thì Dương giáo chủ không thể nào từ chối được.
Triệu Mẫn đưa tay nắm lấy tay chàng, véo nhẹ một cái, mỉm cười nói:
- Đúng thế, đại trượng phu nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy. Giáo chủ Minh giáo thân phận cao quí dường nào, không lẽ nói rồi lại nuốt lời, thất tín với thiên hạ? Đã nhận lời rồi là phải làm cho xong.
Nàng nói đây là nói về Trương Vô Kỵ, nhắc lại lời thề ước giữa hai người. Tạ Tốn làm sao biết được chuyện đó, nói:
- Chính là như thế. Hôm đó Hàn Thiên Diệp lớn tiếng nói: “Tại hạ một mình lên trên đỉnh Quang Minh này, nguyên không mong sống sót mà xuống núi. Các vị anh hùng hào kiệt có thể đem tại hạ loạn đao phân thây, ngoại trừ người trong Minh giáo ra, trên giang hồ có ai biết đấy là đâu. Tại hạ chỉ là một gã vô danh tiểu tốt, có giết đi cũng chỉ một người, có gì đáng nói? Các vị muốn giết thì cứ tiến lên động thủ.
Mọi người nghe y nói thế, không ai còn dám nói thêm câu nào. Dương giáo chủ trầm ngâm một hồi rồi nói: “Hàn huynh đệ, tại hạ năm xưa quả có ước hẹn cùng lệnh tôn. Hảo hán tử phải cho quang minh lỗi lạc, vụ đấu võ này tại hạ nhận thua. Huynh đệ muốn xử trí thế nào, cũng nguyện tuân theo”. Hàn Thiên Diệp lật cổ tay một cái, trong tay y đã cầm một thanh chủy thủ sáng loáng, để ngay vào tim mình nói: “Con dao găm này là di vật của tiên phụ, tại hạ chỉ xin Dương giáo chủ cúi lạy con dao này ba lạy”.
Quần hùng nghe thế, không ai là không phẫn nộ, đường đường là giáo chủ Minh giáo sao lại chịu để cho người ta làm nhục đến thế? Thế nhưng Dương giáo chủ đã nhận thua rồi, cứ theo qui củ giang hồ, không thể không để cho đối phương xử trí. Tình thế trước mắt ai cũng rõ, Hàn Thiên Diệp phen này lên đây thí mạng, nhận ba lạy của Dương giáo chủ rồi, y sẽ lập tức đâm con dao vào tim để khỏi chết dưới tay quần hào Minh giáo.
Khi đó trong đại sảnh im phăng phắc không ai nói một lời. Quang Minh tả hữu sứ Tiêu Dao nhị tiên, Bạch Mi Ưng Vương Ân nhị ca, Bành Oánh Ngọc hòa thượng mọi người bình thời vốn là những kẻ túc trí đa mưu, nhưng trước nạn đề này, không có cách nào khác. Hành động đó của Hàn Thiên Diệp rõ ràng muốn bức tử Dương giáo chủ để trả mối thù năm xưa cha y bị trọng thương phải quì xuống, rồi sau sẽ tự sát.
Ngay trong lúc khẩn bách vạn phần đó, Đại Ỷ Ti đột nhiên lách khỏi đám đông tiến ra, nói với Dương giáo chủ: “Gia gia, người ta có được đứa con trai có hiếu, không lẽ cha lại không đứa con gái có lòng? Vị Hàn gia này vì cha mà báo thù, để con thay cha tiếp y vài chiêu. Chuyện đời trước để đời trước lo, chuyện đời sau để đời sau lo, không thể nào làm loạn vai vế được”.
Mọi người ai nấy ngạc nhiên: “Sao nàng ta lại gọi Dương giáo chủ là gia gia?”. Thế nhưng hiểu ngay nàng ta mạo xưng là con gái của giáo chủ cốt để giải tỏa cho ông khỏi cảnh nguy khốn, ai nấy nghĩ thầm: “Xem hình dáng cô ta yểu điệu thướt tha gió thổi cũng ngã thế kia, không hiểu có biết võ nghệ gì không? Nếu như có biết thì cũng không cao cường, nói gì đến chuyện nhảy vào Bích Thủy Hàn Đàm thủy chiến”.
Dương giáo chủ chưa kịp trả lời, Hàn Thiên Diệp đã cười khẩy nói: “Cô nương nếu như thay cha tiếp chiêu, không có gì là không được. Thế nhưng nếu cô nương thua, tại hạ vẫn yêu cầu Dương giáo chủ cúi lạy thanh chủy thủ của tiên phụ ba cái”. Y thấy nàng Đại Ỷ Ti xinh đẹp yếu đuối nên nào có coi ra gì? Đại Ỷ Ti đáp: “Nếu như tôn giá thua thì sao?”. Hàn Thiên Diệp nói: “Lúc đó muốn đâm chém, muốn lăng trì gì cũng xin chịu cả”. Đại Ỷ Ti nói: “Được, vậy thì mình đi ra Bích Thủy Hàn Đàm”. Nói xong nàng đi trước dẫn đầu. Dương giáo chủ vội vàng xua tay nói: “Không được, việc này không liên quan gì đến con”. Đại Ỷ Ti nói: “Thưa cha, cha đừng lo”. Nói xong nàng nhẹ nhàng quì xuống vái lạy. Cái lễ đó hẳn là nàng nhận Dương giáo chủ làm cha nuôi.
Dương giáo chủ biết nàng đã có chủ định, ngoài việc đó ra ông không còn cách nào khác, nên đành phải để nàng lo liệu. Tất cả mọi người cùng đi ra Bích Thủy Hàn Đàm nơi phía dưới chân núi. Lúc đó gió bấc đang thổi mạnh, mới đến bên hồ đã thấy lạnh buốt, những người nội lực hơi kém đều chịu không nổi. Nước trong hồ đã kết thành một lớp băng dầy, nhìn vào chỉ thấy xanh biếc, sâu không thấy đáy.
Dương giáo chủ nghĩ không nên để cho Đại Ỷ Ti vì mình mà phải bỏ mạng, ngang nhiên nói: “Con gái ngoan! Lòng tốt của con cha ghi nhớ trong lòng, để cha ra tiếp cao chiêu của Hàn huynh”. Nói xong ông cởi áo khoác ngoài, cầm một thanh đơn đao, quyết ý nhảy vào trong đầm nước, rồi sẽ không bao giờ ra nữa. Đại Ỷ Ti nở một nụ cười đáp: “Cha ơi! Con sinh trưởng lớn lên nơi bờ biển, bơi lội nào có kém ai”. Nói xong rút trường kiếm ra phi thân nhảy vào trong hồ đứng trên mặt băng, giơ mũi kiếm vẽ trên mặt hồ một vòng tròn ước chừng hai thước, chân trái đạp xuống, nghe soẹt một tiếng nhỏ, đã đạp mặt băng tụt xuống, cả người chìm luôn vào trong hồ.
Khi đó trên mặt biển gió bấc lạnh ngắt thổi tới lay động quần áo mọi người, Tạ Tốn nói tiếp:
- Đứng bên bờ Bích Thủy Hàn Đàm nhìn vào, hôm nay nghĩ lại tưởng chừng như việc chỉ mới hôm qua. Đại Ỷ Ti hôm đó mặc một chiếc áo màu tím nhạt, nàng đứng trên mặt băng quả thật chẳng khác gì lăng ba tiên nữ[2], đột nhiên không một tiếng động chui tuột xuống nước, quần hào đứng ngoài không ai là không kinh ngạc. Hàn Thiên Diệp thấy thân thủ của nàng nhảy vào trong hồ, nét cuồng ngạo trên mặt lập tức biến mất, tay cầm chủy thủ cũng nhảy luôn vào.
Bích Thủy Hàn Đàm nước màu xanh lục, đứng bên trên không ai nhìn thấy tình hình hai người giao đấu ra sao, chỉ thấy mặt nước dao động không ngớt, một lúc sau, mặt nước lặng dần nhưng chỉ một lát nước lại quấy lên lần nữa. Quần hào Minh giáo ai nấy âu lo, thấy hai người xuống nước đã lâu, dưới hồ làm sao chịu nổi lâu như thế? Lại một hồi nữa, đột nhiên một luồng máu đỏ từ dưới nước nổi lên, ai nấy càng thêm lo sợ, chẳng hiểu có phải Đại Ỷ Ti bị thương chăng?
Bỗng nghe cách một tiếng, Hàn Thiên Diệp từ dưới lỗ băng nhảy vọt lên, thở hổn hển. Mọi người thấy y ra trước, ai nấy kinh hãi, cùng hỏi dồn: “Đại Ỷ Ti đâu? Đại Ỷ Ti đâu?”. Chỉ thấy y hai tay không, thanh chủy thủ cắm trên ngực, hai bên má có hai đường cắt dài.
Mọi người còn đang kinh dị, Đại Ỷ Ti chẳng khác gì một con cá bay vọt lên khỏi nước, trường kiếm hộ thân, ở trên không nhẹ nhàng lượn một vòng rồi mới rơi xuống mặt băng. Quần hùng lớn tiếng reo hò, Dương giáo chủ tiến lên cầm tay nàng, cao hứng không để đâu cho hết. Có ai ngờ đâu, người con gái thiên kiều bách mị kia công phu dưới nước lại cao siêu đến thế. Đại Ỷ Ti liếc nhìn Hàn Thiên Diệp nói: “Gia gia, người này bơi lội giỏi lắm, thương cho lòng hiếu thảo vì cha báo thù của y, tội vô lễ với giáo chủ, gia gia tha cho y nhé?”. Dương giáo chủ dĩ nhiên nhận lời, ra lệnh cho thần y Hồ Thanh Ngưu chữa bệnh cho Hàn Thiên Diệp.
Tối hôm đó trên Quang Minh Đính mở đại tiệc ăn mừng, ai ai cũng bảo Đại Ỷ Ti là đại công thần của Minh giáo, nếu không có nàng đứng ra giải vây, tên tuổi một đời của Dương giáo chủ đành trôi theo dòng nước. Sau đó sắp xếp chức vụ, Dương phu nhân tặng cho nàng mỹ hiệu “Tử Sam Long Vương”, đứng ngang hàng cùng Ưng Vương, Sư Vương, Bức Vương. Ba người bọn ta tình nguyện nhường nàng đứng đầu tứ vương, vì quả thật công lao của Đại Ỷ Ti hôm đó, so với tam vương từ trước đến nay hơn hẳn. Từ đó ba người hộ giáo pháp vương chúng ta cùng nàng huynh muội kết nghĩa, nàng gọi ta là Tạ tam ca.
Ngờ đâu sau trận chiến ở Bích Thủy Hàn Đàm, kết cục lại không ai ngờ tới được. Hàn Thiên Diệp tuy thua nhưng không hiểu vì sao lại chiếm được trái tim của Đại Ỷ Ti. Có lẽ vì ngày ngày nàng đến xem tình hình y ra sao, nơi giường bệnh, từ thương hại mà thành thương yêu, thù hận biến sang cảm tình, đến khi Hàn Thiên Diệp khỏi hẳn, Đại Ỷ Ti đột nhiên thưa với giáo chủ cho nàng kết hôn với y.
Mọi người nghe được tin ấy, kẻ thì đau lòng thất vọng, người thì phẫn nộ bừng bừng. Gã Hàn Thiên Diệp kia trước đây bức bách giáo chủ khiến người trong Minh giáo hận y không để đâu cho hết, hộ giáo pháp vương của bản giáo sao lại lấy y được? Có người tính tình nóng nảy liền chỉ ngay mặt y mắng chửi. Đại Ỷ Ti tính tình cứng cỏi, cầm kiếm đứng ngay cửa sảnh, lớn tiếng nói: “Từ nay trở đi, Hàn Thiên Diệp là phu quân của ta. Người nào làm nhục Hàn lang thì hãy ra thử với trường kiếm của Tử Sam Long Vương”. Mọi người thấy việc ra như thế, chỉ đành hậm hực bỏ đi.
Khi Đại Ỷ Ti thành hôn với Hàn Thiên Diệp, có đến quá nửa anh em không đến uống rượu mừng. Chỉ có Dương giáo chủ và ta cảm kích việc nàng đứng ra giải vây nên ra sức giúp nàng sắp đặt và giải hòa để việc cưới xin xuông xẻ, không xảy ra chuyện gì rắc rối.
Thế nhưng khi Hàn Thiên Diệp muốn gia nhập Minh giáo, vì số người chống đối quá nhiều, Dương giáo chủ không tiện làm ngược với ý của số đông. Chẳng bao lâu sau, vợ chồng Dương giáo chủ đột nhiên mất tích, người trên Quang Minh Đính ai cũng hoang mang. Mọi người đổ ra tứ phía tìm kiếm, một đêm kia Quang Minh hữu sứ Phạm Dao bắt gặp Hàn phu nhân Đại Ỷ Ti từ trong đường hầm đi ra.
Trương Vô Kỵ giật mình hỏi lại:
- Bà ta từ trong bí đạo đi ra ư?
Tạ Tốn đáp:
- Đúng thế. Giáo qui của Minh giáo cực kỳ nghiêm nhặt, đường hầm này chỉ một mình giáo chủ được phép ra vào mà thôi. Phạm Dao vừa tức giận vừa kinh hãi liền tiến lên tra vấn. Hàn phu nhân nói: “Tôi đã phạm phải trọng tội của bản giáo, muốn đâm muốn chém gì cũng đành cam chịu”. Tối hôm đó đại hội quần hào, Hàn phu nhân cũng chỉ một câu đó nói ra mà thôi. Hỏi nàng đi vào trong bí đạo làm gì, nàng bảo không muốn nói láo nhưng cũng không muốn nói ra sự thực; hỏi đến Dương giáo chủ đi đâu, nàng bảo nàng không biết, còn chuyện lẻn vào đường hầm thì một mình làm, một mình chịu nói nhiều vô ích. Nếu theo lý, nếu nàng không tự vẫn thi cũng phải tự chặt một cánh tay, nhưng một là Phạm Dao tình cũ chưa quên, hết sức che chở cho nàng, hai là ta đứng bên cạnh trần tình nên quần hào nghị tội chỉ giam cấm mười năm để ăn năn sám hối. Ngờ đâu Đại Ỷ Ti cãi lại: “Dương giáo chủ không có ở đây, không ai quản thúc gì tôi được”.
Trương Vô Kỵ hỏi:
- Nghĩa phụ, Hàn phu nhân lẻn vào bí đạo làm gì thế?
Tạ Tốn nói:
- Chuyện này nói ra thật là dài, trong Minh giáo chỉ một mình ta biết mà thôi. Khi đó ai cũng nghi nàng có dính líu với việc vợ chồng Dương giáo chủ thất tung nhưng ta cực lực chống chế hai việc không có gì liên hệ. Nơi Thánh Hỏa Sảnh trên Quang Minh Đính quần hào nói mãi cũng không đến đâu, sau cùng Hàn phu nhân đành phải phá môn xuất giáo, nói là từ nay về sau, không còn liên quan gì đến Minh giáo Trung Thổ nữa. Nàng ta là người đầu tiên ra khỏi Minh giáo, ngay hôm đó cùng Hàn Thiên Diệp lặng lẽ xuống núi không biết đi đâu.
Về sau trong Minh giáo các anh em tìm Dương giáo chủ không ra, qua vài năm sau tranh nhau ngôi giáo chủ, sự việc mỗi lúc một thêm bi đát. Bạch Mi Ân nhị ca cũng rời Quang Minh Đính tự sáng lập ra Thiên Ưng giáo. Ta hết sức khuyên giải, ông ta khăng khăng không nghe hai bên lại còn hục hặc. Hai mươi năm trước nơi Vương Bàn Sơn đảo, Thiên Ưng giáo dương đao lập uy, Kim Mao Sư Vương đến đây phá cho tan nát, trước là cướp lấy thanh đao Đồ Long, sau là để cho hả mối hận năm trước, cốt để cho Ân nhị ca mất mặt, cho ông ta hiểu rằng ra khỏi Minh giáo rồi chưa chắc đã đi đến đâu. Ôi, hôm nay nghĩ lại, ta không khỏi thấy mình nhỏ nhen quá!
Ông ta thở dài một tiếng, trong tiếng thở dài bao hàm không biết bao nhiêu điều đau lòng của ký vãng, bao nhiêu chuyện sóng gió trên giang hồ. Mọi người lặng yên hồi lâu không ai nói gì. Triệu Mẫn nói:
- Lão gia tử, sau này Kim Hoa, Ngân Diệp hai người uy chấn giang hồ, sao người trong Minh giáo lại không nhận ra? Ngân Diệp tiên sinh hẳn là Hàn Thiên Diệp, về sau tại sao trúng độc mà chết?
Tạ Tốn nói:
- Những chuyện bên trong đó ta hoàn toàn không biết gì cả. Có lẽ vợ chồng đó hành tẩu giang hồ hết sức tránh mặt người trong Minh giáo.
Trương Vô Kỵ nói:
- Đúng vậy. Kim Hoa bà bà sau này không muốn gặp người trong Minh giáo. Khi lục đại môn phái vây đánh Minh giáo, bà ta tuy có đến Quang Minh Đính nhưng không lên núi tiếp tay.
Triệu Mẫn ngẫm nghĩ rồi tiếp:
- Lạ là Tử Sam Long Vương dung nhan xinh đẹp tuyệt trần sao lại biến đổi trở thành xấu xí như thế? Xem ra khuôn mặt không bị hủy hoại chút nào cả.
Tạ Tốn đáp:
- Ta đoán là bà ta dùng một phương pháp gì rất khéo léo thay đổi khuôn mặt. Hàn phu nhân trước nay hành sự rất kỳ quái, thực ra cũng vì có chuyện khổ tâm không nói cho ai được. Bà ta cứ phải trốn tránh tổng giáo Ba Tư truy tầm, nào ngờ rồi sau cũng không sao thoát được.
Trương Vô Kỵ và Triệu Mẫn cùng hỏi:
- Sao tổng giáo Ba Tư lại đi lùng kiếm bà ta làm gì?
Tạ Tốn nói:
- Đây là chuyện đại bí mật của Hàn phu nhân, đáng lẽ không nên nói ra. Nhưng ta mong các ngươi quay lại đảo Linh Xà cứu bà ta nên không thể không nói.
Triệu Mẫn kinh hãi kêu lên:
- Mình quay lại đảo Linh Xà ư? Làm sao đánh lại ba sứ giả Ba Tư?
Tạ Tốn không trả lời chỉ bắt đầu kể lại:
- - Mấy trăm năm nay, giáo chủ Minh giáo Trung Thổ đều do đàn ông đảm nhiệm, nhưng giáo chủ tổng giáo Ba Tư lại là đàn bà, mà phải là con gái chưa chồng còn là xử nữ. Trong kinh điển của tổng giáo có qui định một cách trịnh trọng rằng phải do thánh xử nữ đảm nhiệm giáo chủ thì mới duy trì được sự trinh khiết thần thánh của Minh giáo. Mỗi một giáo chủ khi tiếp nhiệm xong đều tuyển trong số con cái của các viên chức cao cấp trong tổng giáo ba người con gái, gọi là “thánh nữ”. Khi các thánh nữ này nhận chức có thề rằng sẽ du hành tứ phương, vì Minh giáo lập công tích đức. Sau khi giáo chủ từ trần các trưởng lão trong tổng giáo sẽ tập họp, suy xét công lao trong ba người thánh nữ ai cao ai thấp, rồi sẽ chọn người công đức cao nhất lên tiếp nhiệm giáo chủ. Nếu trong ba thánh nữ kia ai bị mất trinh thì sẽ bị tội thiêu sống, dẫu cho trốn đến chân trời góc bể họ cũng sai người đuổi theo bắt cho kỳ được để bảo tồn trinh thiện của thánh giáo ...
Ông vừa kể tới đây, Triệu Mẫn thất thanh kêu lên:
- Không lẽ Hàn phu nhân là một trong ba thánh nữ của tổng giáo chăng?
Tạ Tốn gật đầu:
- Chính thế! Trước khi Phạm Dao phát hiện bà ta lén vào bí đạo, thì ta đã bắt gặp rồi. Hàn phu nhân coi ta là tri kỷ nên đem tất cả mọi chuyện nói cho ta nghe. Khi nàng đấu với Hàn Thiên Diệp trong Bích Thủy Hàn Đàm, hai người thịt da đụng chạm, sau lại an ủi nhau trên giường bệnh để thành mối tình oan nghiệt. Nàng biết là sẽ có ngày tổng giáo sai người sang kiếm nên chỉ mong lập được đại công chuộc tội. Bà ta lén vào bí đạo, cốt là tìm kiếm “Càn Khôn Đại Na Di” võ công tâm pháp, tâm pháp này tổng giáo thất lạc đã lâu, nhưng Minh giáo bên Trung Thổ vẫn còn giữ được. Tổng giáo sai nàng lên Quang Minh Đính chính là vì lẽ đó.
Trương Vô Kỵ “A” lên một tiếng, dường như chàng thấy có điều gì mù mờ không ổn, nhưng là chuyện gì, ngay lúc này chưa nghĩ ra. Chỉ nghe Tạ Tốn nói tiếp:
- Hàn phu nhân mấy lần lẻn vào bí đạo, nhưng vẫn không tìm thấy võ công tâm pháp đó. Khi ta biết chuyện rồi liền nghiêm nghị răn đe là việc đó phạm phải đại qui của Minh giáo, khó có thể khoan dung ...
Triệu Mẫn xen vào:
- A, tôi hiểu rồi. Hàn phu nhân phá môn xuất giáo cốt để có thể tiếp tục lẻn vào đường hầm vì bà ta không còn là người trong Minh giáo Trung Thổ nữa, không bị ước thúc bởi qui luật vào ra bí đạo.
Tạ Tốn nói:
- Triệu cô nương thông minh thật. Thế nhưng Quang Minh Đính là cơ sở trọng địa của bản giáo, đâu thể để người ngoài ra vào tùy ý? Lúc đó ta đã đoán được dụng ý của bà ta rồi nên sau khi Hàn phu nhân hạ sơn, ta đích thân canh giữ cửa đường hầm, ba lần nàng lén lên núi lần nào cũng gặp ta nên không dám tiếp tục nữa.
Tạ Tốn suy nghĩ một hồi rồi hỏi:
- Phục sắc của ba sứ giả Ba Tư có khác gì với Minh giáo Trung Thổ chăng?
Trương Vô Kỵ đáp:
- Bọn họ đều mặc áo bào trắng, bên góc áo có thêu một ngọn lửa đang cháy ... Ồ, áo bào có riềm màu đen, cái đó là điểm khác biệt duy nhất.
Tạ Tốn vỗ vào mạn thuyền nói:
- Đúng rồi, tổng giáo giáo chủ qua đời. Người Tây Vực dùng màu đen là màu tang, áo bào trắng thêu viền đen là để tang đó. Bọn họ đang tuyển lập tân giáo chủ nên mới đường xa vạn dặm tới Trung Thổ, truy tìm Hàn phu nhân.
Trương Vô Kỵ nói:
- Hàn phu nhân nếu từ Ba Tư đến ắt phải biết võ công quái dị của ba sứ giả, sao lại chỉ mới một chiêu đã bị bọn họ bắt rồi?
Triệu Mẫn cười nói:
- Sao anh ngốc thế. Hàn phu nhân giả vờ đó, bà ta muốn che dấu thân phận mình nên không để lộ ra là mình biết võ công Ba Tư, theo như em nghĩ, nếu như Tạ lão gia tử nghe lệnh ba sứ giả giết bà ta, Hàn phu nhân thể nào cũng có cách thoát thân.
Tạ Tốn lắc đầu:
- Bà ta không chịu để lộ thân phận thì đúng rồi. Thế nhưng sau khi bị ba sứ giả Ba Tư đánh trúng huyệt đạo vẫn còn có thể thoát thân thì chưa chắc. Hàn phu nhân thà để ta một đao chém chết còn hơn chịu cái khổ hỏa thiêu.
Triệu Mẫn nói:
- Tiểu nữ tưởng Minh giáo Trung Thổ đã là tà giáo, ai ngờ Minh giáo Ba Tư lại còn tà hơn. Sao lại cứ phải gái còn trinh mới làm giáo chủ được? Sao lại đem thánh nữ thất trinh ra thiêu sống là sao?
Tạ Tốn gắt lên:
- Tiểu cô nương chỉ nói lăng nhăng. Giáo phái nào cũng có qui luật nghi điển truyền từ đời này sang đời khác. Hòa thượng ni cô không được lấy vợ lấy chồng, không được ăn mặn thì chẳng phải qui luật là gì? Thế cái đó tà hay không tà?
Đột nhiên nghe tiếng răng Ân Ly lách cách đập vào nhau, người run cầm cập. Trương Vô Kỵ vội vàng sờ đầu cô ta thấy nóng hầm hập, rõ ràng là đang bị hàn nhiệt giao công, bệnh tình cực kỳ nguy ngập. Chàng liền nói:
- Nghĩa phụ, hài nhi nghĩ mình chắc phải quay trở lại đảo Linh Xà. Ân cô nương thương thế không phải nhẹ, phải tìm thuốc cứu chữa ngay. Thôi mình cứ hết sức mà làm, nếu không cứu được Hàn phu nhân thì cũng cứu được Ân cô nương.
Tạ Tốn nói:
- Đúng vậy. Cô gái này đối với con tình sâu ý nặng lẽ nào lại không cứu? Chu cô nương, Triệu cô nương, hai cô ý ra sao?
Triệu Mẫn đáp:
- Thương thế của Ân cô nương quan trọng hơn, còn vết thương của tôi không lấy gì làm nặng. Nhưng nếu không trở lại Linh Xà đảo thì làm cách nào khác được?
Chu Chỉ Nhược chỉ thản nhiên nói:
- Lão gia tử bảo quay lại thì tất cả cùng quay lại.
Trương Vô Kỵ nói:
- Chờ cho sương mù tan hết, nhìn thấy trăng sao mới có thể biết phương hướng được. Nghĩa phụ, gã Lưu Vân Sứ kia lộn hai vòng trên không là có thể dùng thánh hỏa lệnh đả thương con, thế là duyên cớ vì đâu?
Sau đó hai người cùng nghiên cứu võ công gia số của ba sứ giả Ba Tư, sở học của Triệu Mẫn rất rộng rãi, thỉnh thoảng cũng góp ý vào nhưng bàn luận một hồi lâu vẫn không tìm ra được yếu chỉ của công phu ba người kia liên thủ ra sao.
Sương mù trên biển mãi đến khi mặt trời mọc mới tan dần. Trương Vô Kỵ nói:
- Mình từ phương bắc trôi xuống phương đông nam, bây giờ đi ngược lên tây bắc mà tìm.
Chàng cùng Tạ Tốn, Chu Chỉ Nhược, Tiểu Siêu bốn người luân lưu chèo thuyền. Điều khiển chiếc thuyền nhỏ xông pha các đợt sóng trên biển cả thực không phải dễ dàng, may nhờ Trương Vô Kỵ và Tạ Tốn nội lực thâm hâu, còn Chu Chỉ Nhược và Tiểu Siêu cũng ngang ngửa nhau, chèo thuyền cũng chẳng khác gì đang luyện võ công.
Chèo như thế mấy ngày liền, chiếc thuyền nhỏ cứ theo hướng tây bắc mà tiến. Cũng trong mấy ngày đó, Tạ Tốn nhíu mày suy nghĩ võ công quái dị của ba sứ giả Ba Tư, ngoài việc hỏi lại Trương Vô Kỵ vài câu, không nói thêm một lời nào. Đến chiều ngày thứ sáu, bỗng nhiên Tạ Tốn tra hỏi thật kỹ công phu phái Nga Mi mà Chu Chỉ Nhược học được, Chu Chỉ Nhược cứ sự thực trình bày. Hai người một hỏi một đáp, nói chuyện đến tận khuya. Tạ Tốn xem ra thất vọng nói:
- Võ công của cả ba phái Thiếu Lâm, Võ Đương, Nga Mi đều có quan hệ với Cửu Dương Chân Kinh, cùng một đường với Trương Vô Kỵ thuộc lộ dương cương. Nếu như có Trương Tam Phong chân nhân ở đây, với sở học vừa dương cương vừa âm nhu bao gồm của ông ta liên thủ với Trương Vô Kỵ, thì mới có thể âm dương phối hợp, đánh bại được Ba Tư tam sứ. Thế nhưng nước xa không cứu được lửa gần, Hàn phu nhân nếu như lọt vào tay của ba sứ giả Ba Tư thì thật không biết sao đây?
Chu Chỉ Nhược đột nhiên hỏi:
- Lão gia tử, nghe nói một trăm năm trước trong võ lâm có vị cao nhân tinh thông Cửu Âm Chân Kinh, có thực như thế chăng?
Khi còn ở trên núi Võ Đương, Trương Vô Kỵ đã từng nghe thái sư phụ nói tới tên Cửu Âm Chân Kinh, biết rằng cha của sáng phái tổ sư phái Nga Mi Quách Tương là đại hiệp Quách Tĩnh, Thần Điêu đại hiệp Dương Quá đều học được võ công trong Cửu Âm Chân Kinh nhưng công phu tập luyện quá ư gian nan, Quách Tương dẫu là con ruột của Quách Tĩnh mà cũng không học được. Nay nghe Chu Chỉ Nhược hỏi đến, chàng nghĩ thầm: “Không lẽ sáng phái tổ sư của phái Nga Mi có truyền lại công phu trong Cửu Âm Chân Kinh chăng?”.
Tạ Tốn nói:
- Các bậc cố lão có truyền lại như thế nhưng không một ai biết thật giả ra sao. Nếu như hiện nay có ai học được những tài nghệ thần kỳ của môn võ công đó, liên thủ với Trương Vô Kỵ đối phó với địch thì chỉ ra tay là trừ được Ba Tư tam sứ giả ngay.
Chu Chỉ Nhược “Ồ” lên một tiếng nhưng không hỏi thêm nữa. Triệu Mẫn hỏi:
- Chu cô nương, phái Nga Mi có ai biết những võ công ấy chăng?
Chu Chỉ Nhược đáp:
- Nếu phái Nga Mi có được thần công đó, tiên sư đã không táng mạng tại chùa Vạn An.
Diệt Tuyệt sư thái sở dĩ lìa trần, đầu dây mối nhợ cũng do Triệu Mẫn, Chu Chỉ Nhược hết sức căm ghét nàng, bao nhiêu ngày mưa gió ngồi chung trên một con thuyền nhưng không hề trao đổi với nhau một câu nào. Lúc này Triệu Mẫn hỏi ngay Chu Chỉ Nhược nên nàng liền nói móc lại một câu. Chu Chỉ Nhược tính tình dịu dàng, trước nay chưa từng nói với ai một câu đốp chát như thế bao giờ, Triệu Mẫn nghe nhưng không nổi giận, chỉ mỉm cười.
Trương Vô Kỵ vẫn không ngừng chèo thuyền đột nhiên nhìn về phía xa xa kêu lên:
- Xem kìa, xem kìa. Đằng kia có ánh lửa.
Mọi người nhìn theo hướng mắt chàng, quả nhiên tại hướng tây bắc nơi chân trời giáp biển có ánh lửa lấp lánh. Tạ Tốn tuy không nhìn thấy gì, nhưng tâm trạng cũng vừa mừng vừa lo như những người khác, vội cầm chiếc mái chèo cố sức bơi.
Ánh lửa kia trông thì không xa, thực ra trên biển khơi, phải cách đến mấy chục dặm. Hai người chèo một hồi lâu mới tới gần được một chút. Trương Vô Kỵ thấy nơi ánh lửa có những ngọn núi mờ mờ, chính là đảo Linh Xà liền nói:
- Mình về đến nơi rồi.
Tạ Tốn bỗng thảng thốt kêu lên “Ối chà” một tiếng, hỏi:
- Có phải ở đảo Linh Xà lửa bốc lên cao chăng? Không lẽ bọn họ đang định thiêu sống Hàn phu nhân?
Chỉ nghe lịch bịch mấy tiếng, Tiểu Siêu đã ngã lăn ra sàn thuyền. Trương Vô Kỵ giật mình kinh hãi vội nhảy tới đỡ nàng dậy, thấy cô gái hai mắt nhắm nghiền bất tỉnh, vội xoa bóp huyệt đạo nơi nhân trung để cứu nàng dậy, hỏi:
- Tiểu Siêu, cô sao thế?
Tiểu Siêu hai mắt rưng rưng, nói:
- Em nghe nói thiêu sống người, nên em ... em ... sợ quá.
Trương Vô Kỵ an ủi cô ta:
- Cái đó chỉ là Tạ lão gia đoán thế thôi, chưa chắc đã là sự thật. Nếu ví phỏng như Hàn phu nhân lạc vào tay bọn chúng, chúng mình bây giờ đến nơi, chắc cũng còn có thể cứu kịp.
Tiểu Siêu nắm lấy tay chàng, cầu khẩn:
- Công tử, em cầu xin công tử ra tay cứu mạng cho Hàn phu nhân.
Trương Vô Kỵ nói:
- Tất cả chúng mình sẽ hết sức để làm chuyện đó.
Nói rồi chàng quay lại đuôi thuyền, cầm mái giầm lên ra sức chèo, so với lúc trước nhanh hơn nhiều. Tiểu Siêu cũng cầm mái chèo tuy tay run run nhưng cũng cố gắng chèo tiếp. Triệu Mẫn đột nhiên hỏi:
- Trương công tử, có hai việc em nghĩ đã lâu nhưng vẫn chưa hiểu rõ, mong chàng chỉ giáo.
Trương Vô Kỵ tự nhiên thấy nàng ăn nói có vẻ khách sáo như thế, lạ lùng hỏi:
- Chuyện gì thế?
Triệu Mẫn nói:
- Hôm trước bên ngoài Lục Liễu Trang, tiểu muội sai người tấn công lệnh ngoại công, Dương tả sứ các vị, chính Tiểu Siêu cô nương này đã điều động nhân mã chống trả. Quả thật đúng là tướng đã mạnh ắt quân chẳng yếu, một tiểu a đầu của giáo chủ Minh giáo mà cũng đã tài ba đến thế, quả thật lạ kỳ ...
Tạ Tốn vội vàng xen vào:
- Cái gì mà giáo chủ Minh giáo?
Triệu Mẫn cười nói:
- Lão gia tử, bây giờ nói ra cho ông biết cũng vừa, công tử con nuôi của lão gia chính là đường đường giáo chủ Minh giáo, ông ngược lại là thuộc hạ của anh ta đó.
Tạ Tốn bán tín bán nghi, không biết nói sao cho phải. Triệu Mẫn liền đem việc Trương Vô Kỵ làm sao đảm nhận chức vụ giáo chủ Minh giáo thuật sơ qua, nhưng nhiều chi tiết nàng không biết. Trương Vô Kỵ bị Tạ Tốn hỏi gặng, không cách gì dấu diếm được nữa, đành phải kể lại lục đại phái vây đánh Quang Minh Đính ra sao, mình làm sao ở trong bí đạo học được Càn Khôn Đại Na Di tâm pháp thế nào. Tạ Tốn mừng quá, đứng phắt dậy, phục xuống lạy ngay trên thuyền nói:
- Thuộc hạ Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn, tham kiến giáo chủ.
Trương Vô Kỵ vội vàng quì xuống hoàn lễ nói:
- Nghĩa phụ bất tất đa lễ. Dương giáo chủ có di mệnh để nghĩa phụ tạm nhiếp chức vụ giáo chủ, hài nhi đang lo không đảm trách nổi việc lớn, may sao nghĩa phụ yên lành trở về, đúng là phúc của bản giáo. Sau khi mình về đến Trung Thổ rồi, chức vị giáo chủ xin nghĩa phụ tiếp nhiệm cho.
Tạ Tốn thản nhiên nói:
- Cha nuôi con tuy đã trở về nhưng hai mắt đã mù, hai chữ “yên lành” không còn đúng nữa. Thủ lãnh của Minh giáo làm sao có thể do người mắt kém đảm nhiệm? Triệu cô nương, trong lòng cô có hai chuyện gì chưa rõ ràng?
Triệu Mẫn nói:
- Tiểu nữ định hỏi Tiểu Siêu cô nương, kỳ môn bát quái, âm dương ngũ hành do ai dạy cô đó? Cô còn nhỏ như thế làm sao lại học được những công phu lạ lùng vậy?
Tiểu Siêu đáp:
- Đó là võ công gia truyền của tôi, không bõ quận chúa nương nương cười cho.
Triệu Mẫn lại hỏi:
- Lệnh tôn là ai? Con gái đã thế, cha mẹ ắt phải là cao thủ tiếng tăm vang dậy thiên hạ.
Tiểu Siêu đáp:
- Gia phụ mai danh ẩn tính, đâu đáng để quận chúa phải hỏi? Không lẽ quận chúa lại định chặt hai ngón tay tôi để ép cho tôi phải lộ võ công ra hay sao?
Nàng tuổi còn nhỏ thế nhưng đối với Triệu Mẫn không chịu kém câu nào, nói đến chuyện chặt ngón tay, ý muốn khơi dậy mối thù của Chu Chỉ Nhược. Triệu Mẫn mỉm cười, quay sang hỏi với Trương Vô Kỵ:
- Trương công tử, tối hôm đó tại quán rượu nơi Đại Đô lần thứ hai mình gặp nhau, khổ đầu đà Phạm Dao đến chào từ biệt tiểu muội, khi y gặp Tiểu Siêu cô nương, có nói hai câu gì?
Trương Vô Kỵ vốn đã quên chuyện đó rồi, nghe nàng hỏi tới, nghĩ lại bèn nói:
- Khổ đại sư hình như nói là tướng mạo Tiểu Siêu giống một người nào mà ông ta quen.
Triệu Mẫn nói:
- Đúng thế. Anh thử đoán xem khổ đại sư nói Tiểu Siêu giống ai?
Trương Vô Kỵ đáp:
- Tôi làm sao đoán được?
Hai người còn đang nói chuyện, chiếc thuyền đã đến gần đảo Linh Xà, thấy bên phía tây hòn đảo một dãy thuyền lớn, trên mỗi chiếc buồm trắng đều có thêu một ngọn lửa đỏ lớn, trên các cột buồm treo những giải vải màu đen. Trương Vô Kỵ nhíu mày nói:
- Tổng giáo Ba Tư quả thực mất công, đưa người sang đây không phải là ít.
Triệu Mẫn nói:
- Mình chèo thuyền ra phía sau đảo, kiếm một nơi kín đáo nào lên đảo để khỏi bị bọn họ phát giác.
Trương Vô Kỵ gật đầu:
- Đúng thế.
Thế nhưng chỉ mới bơi được ba bốn trượng, đột nhiên trên đại thuyền có tiếng tù và u u, tiếp theo là bình bình hai tiếng, hai quả đạn đại bác bắn ra, một viên rơi ở bên trái chiếc thuyền con, còn viên kia rơi ở bên phải làm tung lên hai cột nước khiến cho chiếc thuyền chòng chành dường như muốn lật. Trên thuyền lớn có người kêu to:
- Thuyền kia mau chèo lại đây, nếu không nghe lệnh sẽ bị bắn chìm ngay.
Trương Vô Kỵ trong bụng kêu khổ thầm, biết rằng hai phát đạn kia địch chỉ mới thị uy, cố ý bắn sang hai bên, bây giờ hai bên gần nhau như thế, địch nhân điều chỉnh thật dễ dàng, chỉ cần một viên đạn trúng thuyền thì cả sáu người không ai có thể sống sót. Thành thử chàng đành chầm chậm bơi thuyền tới. Ba khẩu đại pháo trên thuyền lớn cũng chầm chậm quay đầu nhắm đúng vào thuyền nhỏ. Đợi đến khi thuyền nhỏ đã tới sát, người trên thuyền lớn liền thả thang dây. Trương Vô Kỵ nói:
- Bọn mình lên trên tùy cơ đoạt thuyền.
Tạ Tốn mò thấy thang dây leo lên trước nhất. Chu Chỉ Nhược không nói lời nào, cúi xuống ôm Ân Ly, leo lên, kế đó là Tiểu Siêu. Trương Vô Kỵ ôm Triệu Mẫn, leo lên sau cùng. Chỉ thấy trên thuyền rất đông người người nào cũng tóc vàng mắt biếc, thân thể cao lớn đều là người Hồ xứ Ba Tư nhưng bọn sứ giả Vân Phong Nguyệt ba người không có trong số đó.
Một người Ba Tư biết nói tiếng Trung Quốc liền hỏi:
- Các người là ai? Đến đây làm gì?
Triệu Mẫn nói:
- Chúng tôi đi thuyền bị bão, thuyền chìm nhờ các vị cứu cho.
Gã Ba Tư nửa tin nửa ngờ, quay lại nói với một người thủ lãnh ngồi trên ghế ngay chính giữa sàn thuyền vài câu tiếng Ba Tư. Người thũ lãnh đó liền nói xí xố mấy câu với đám thủ hạ.
Tiểu Siêu đột nhiên nhảy tới, giơ chưởng đánh luôn vào tên thủ lãnh. Người đó kinh hãi vội vàng tránh qua, chộp luôn cái ghế đang ngồi đập luôn vào Tiểu Siêu. Trương Vô Kỵ không ngờ Tiểu Siêu chẳng nói chẳng rằng ra tay động thủ ngay, lạng người một cái đã vọt lên ba trượng giơ tay điểm luôn huyệt đạo gã thủ lãnh, mấy chục người Ba Tư trên thuyền liền loạn cả lên, hò hét rút binh khí ra vây cả bọn lại. Những người này ai cũng biết võ công nhưng so với ba sứ giả Phong Vân Nguyệt thì kém xa. Trương Vô Kỵ tay trái đỡ Ân Ly, tay phải đông điểm một cái tây đánh một chưởng. Tạ Tốn cũng múa thanh đao Đồ Long, Chu Chỉ Nhược huy động trường kiếm, thêm vào Tiểu Siêu thân hình linh động, chỉ trong giây lát, đã thanh toán hết mấy chục người Ba Tư trên thuyền. Hơn một chục người bị chém nằm lăn trên sàn thuyền, bảy tám người rớt xuống biển, còn lại bao nhiêu đều bị điểm huyệt cả.
Ngay lúc đó trên biển có tiếng kêu la rầm rĩ, tiếng tù và vang động khắp nơi, các thuyền còn lại của người Ba Tư đều tiến tới, những người trên thuyền toan nhảy qua đấu với bọn Trương Vô Kỵ. Trương Vô Kỵ xách gã thủ lãnh Ba Tư nhảy lên đà treo buồm, lớn tiếng nói:
- Kẻ nào lên thuyền là ta đánh chết gã này ngay.
Chỉ thấy thuyền chung quanh tiếng người bàn tán xôn xao, tuy câu nói của Trương Vô Kỵ họ nghe không hiểu gì cả nhưng không một ai dám nhảy lên thuyền, hẳn là người bị bắt kia hẳn có địa vị khá cao, đối phương e ngại nên chưa dám tấn công sang.
Trương Vô Kỵ nhảy trở xuống, đang định thả gã thủ lãnh ra bỗng nghe đằng sau keng một tiếng, vội vàng tránh qua, đá ngược trở lại, thấy trước mặt một thanh thánh hỏa lệnh đánh tới, bên trái lại một thanh khác quét ngang. Trương Vô Kỵ kêu khổ thầm, không ngờ Phong Vân tam sứ lại nhanh như thế, kêu lên:
- Tất cả lui vào trong khoang thuyền.
Chàng liền giơ gã thủ lãnh lên đỡ một thanh lệnh bài, Huy Nguyệt Sứ vội vàng rút về nhưng vì quá vội vã nên hạ bàn để hở, Trương Vô Kỵ chân liền quét qua, đá trúng ngay đùi cô ta. Lưu Vân, Diệu Phong hai sứ giả ở hai bên liền xông vào khiến cho cú đá của Trương Vô Kỵ chưa hết chân đã phải thu lại. Hai bên đánh được tám chín chiêu, thánh hỏa lệnh của Diệu Phong Sứ đánh xéo từ dưới lên, chiêu số hết sức quái dị, suýt nữa đánh trúng bụng Trương Vô Kỵ. Trương Vô Kỵ vội hạ gã thủ lãnh Ba Tư xuống, chiêu của Diệu Phong Sứ thật là cổ quái, nhưng bàn tay Trương Vô Kỵ hạ xuống thật khéo léo, nghe bạch một tiếng, thánh hỏa lệnh liền đập ngay mặt viên thủ lãnh Ba Tư. Phong Vân tam sứ kinh hoàng kêu lên, mặt mày biến sắc, cùng nhảy vọt về sau, trao đổi mấy câu tiếng Ba Tư, đột nhiên cúi chào viên thủ lãnh trong tay Trương Vô Kỵ, thần sắc hết sức cung kính rồi quay trở về thuyền.
Chỉ thấy tiếng loa chỗ này kêu lên u u, chỗ kia kêu lên u u, một chiếc thuyền lớn từ từ tiến đến, trên mũi thuyền cắm mười hai lá cờ lớn thêu bằng chỉ vàng. Đầu thuyền có để mười hai chiếc ghế bành lót da hổ, trong đó một chiếc để trống, còn mười một chiếc kia có người ngồi. Chiếc thuyền đó đến gần lập tức ngừng lại. Triệu Mẫn thấy chiếc ghế bành da hổ bỏ trống kia đứng hàng thứ sáu, trong bụng nghĩ ngay ra liền nói:
- Người mà mình bắt được ăn mặc giống như những người đang ngồi trên thuyền kia, xem ra là một trong mười hai đại thủ lãnh của họ, vị trí đứng hàng thứ sáu.
Tạ Tốn nói:
- Mười hai đại thủ lãnh? Ồ, thì ra mười hai Bảo Thụ Vương của tổng giáo đều đến Trung Thổ quả thật vô cùng quan trọng.
Triệu Mẫn hỏi lại:
- Mười hai Bảo Thụ Vương là gì thế?
Tạ Tốn đáp:
- Trong tổng giáo Ba Tư, dưới giáo chủ có mười hai đại kinh sư [3] gọi là Thập Nhị Bảo Thụ Vương, thân phận địa vị tương đương với tứ đại pháp vương của Minh giáo Trung Thổ. Mười hai Bảo Thụ Vương này thứ nhất Đại Thánh, thứ hai Trí Tuệ, thứ ba Thường Thắng, thứ tư Chưởng Hỏa, thứ năm Cần Tu, thứ sáu Bình Đẳng, thứ bảy Tín Tâm, thứ tám Trấn Ác, thứ chín Chính Trực, thứ mười Công Đức, mười một Tề Tâm, mười hai Câu Minh. Mười hai Bảo Thụ Vương này lấy việc tinh thông giáo nghĩa, kinh điển làm chính nhưng không hẳn võ công đã cao cường. Người này đứng hàng thứ sáu vậy là Bình Đẳng Bảo Thụ Vương.
Trương Vô Kỵ ngồi xuống bên cột buồm, để Bình Đẳng Vương nằm ngang trên đầu gối, người này vị trí trong tổng giáo Ba Tư cực cao, cả bọn sống chết thoát hiểm hay không đều do ở ông ta. Chàng cúi xuống thấy má bên trái ông ta sưng vù, cũng may vết thương không phải là chí mệnh. Có lẽ Diệu Phong Sứ một lệnh bài đánh ra, thấy không xong nên vội thu lực về, hoặc giả nội công người này cũng tương đương nên có kình lực đề ngự.
Chu Chỉ Nhược và Tiểu Siêu gom những người Ba Tư trên sàn lại, những người nào chết rồi thì kéo vào khoang sau, còn ai chưa chết thì để thành một hàng. Chỉ thấy khoảng hơn một chục thuyền Ba Tư vây chung quanh, các khẩu đại pháo đều chĩa vào thuyền Trương Vô Kỵ đang ngồi, trên các mạn thuyền đều đầy người Ba Tư, dưới ánh lửa đao kiếm lấp loáng, đông nghẹt không biết là bao nhiêu. Trương Vô Kỵ kinh hãi thầm, không nói gì các khẩu đại pháo bắn tới, chỉ cần những người này cùng xông vào, dẫu chàng có ba đầu sáu tay cũng không cách gì chống trả, dù có tuyệt đính võ công thoát thân được thì cũng không thể nào bảo vệ chu toàn những người còn lại. Ân Ly và Triệu Mẫn hai người bị thương nguy hiểm hơn hết.
Chỉ nghe một người Ba Tư cao giọng nói bằng tiếng Trung Quốc:
- Kim Mao Sư Vương nghe đây: Tất cả mười hai Bảo Thụ Vương của tổng giáo đều có mặt ở đây cả. Ngươi đắc tội với tổng giáo, các Bảo Thụ Vương đều đồng ý tha cho, mau mau thả các giáo hữu tổng giáo về rồi dong thuyền đi ngay.
Tạ Tốn cười đáp:
- Tạ mỗ đâu phải là đứa trẻ lên ba, bọn ta vừa thả những tù binh này về, đại pháo trên thuyền các ngươi liền bắn vào thì sao?
Người kia giận dữ nói:
- Nếu các ngươi không thả liệu đại pháo chúng ta không bắn được ư?
Tạ Tốn trầm ngâm một hồi nói:
- Ta có ba điều kiện, nếu bên quí vị bằng lòng, chúng ta sẽ cung kính giao trả các giáo hữu tổng giáo lên bờ.
Người kia hỏi:
- Điều kiện gì?
Tạ Tốn đáp:
- Từ nay tổng giáo và Minh giáo Trung Thổ phải tương thân tương kính, không bên nào xâm phạm bên nào.
Người kia nói:
- Hừ, còn điều thứ hai?
Tạ Tốn nói tiếp:
- Các ngươi giao Đại Ỷ Ti qua đây, tha cho tội bà ta thất trinh, từ nay không được truy cứu nữa.
Người kia giận dữ nói:
- Việc này không thể được. Đại Ỷ Ti phạm vào đại qui của tổng giáo, phải chịu tội thiêu sống, có liên quan gì đến Minh giáo Trung Thổ các ngươi đâu? Còn điều kiện thứ ba?
Tạ Tốn nói:
- Điều kiện thứ hai nếu không bằng lòng, việc gì phải hỏi đến điều thứ ba?
Người kia nói:
- Được rồi, ví thử như bằng lòng điều kiện thứ hai, điều kiện thứ ba nói ta nghe thử nào.
Tạ Tốn nói:
- Điều kiện thứ ba ư? Chuyện này rất dễ dàng. Các ngươi đem một chiếc thuyền nhỏ đi theo thuyền của chúng ta. Đi khoảng năm mươi dặm, nếu như bọn ta không thấy thuyền lớn các ngươi đuổi theo, sẽ đem những người bị bắt thả xuống thuyền nhỏ, muốn đi đâu thì đi.
Người kia giận dữ nói:
- Nói quấy nói quả, nói quấy nói quả.
Bọn Tạ Tốn nghe rồi ai nấy ngạc nhiên, không hiểu y định nói gì. Triệu Mẫn cười nói:
- Gã này học nói tiếng Trung Quốc nhưng học chưa đi đến đâu. Y định bảo mình “nói quấy nói quá” lại nói thành “nói quấy nói quả”.
Tạ Tốn và Trương Vô Kỵ nghĩ nàng nói không sai, tuy cục thế đang lúc gay go nhưng cũng nhịn không nổi cười sằng sặc. Người nói câu "nói quấy nói quả" kia là người đứng cuối cùng trong mười hai Bảo Thụ Vương là Câu Minh Vương, thấy bọn Tạ Tốn cười càng giận thêm, huýt một tiếng còi, cùng người thứ mười một là Tề Tâm Vương nhảy qua bên thuyền.
Trương Vô Kỵ liền tiến lên, tả chưởng đánh vào ngực Tề Tâm Vương nhưng Tề Tâm Vương không né tránh, giơ tay trái chộp lên đầu chàng. Trương Vô Kỵ thấy chưởng của mình sẽ đánh tới ngực y trước, nào ngờ Câu Minh Vương ở bên cạnh song chưởng cùng đánh ra đỡ ngay chưởng của chàng, còn năm ngón tay của Tề Tâm Vương vẫn vồ lên đầu Vô Kỵ. Trương Vô Kỵ tiến lên một bước, tránh được, nào ngờ hai người công thủ liền lạc, chẳng khác gì một người bốn tay bốn chân. Ba người nhanh như chớp đã trao đổi liền bảy tám chiêu.
Trương Vô Kỵ trong bụng kinh hãi thầm, hai người này tuy so với Phong Vân tam sứ không bằng nhưng võ công mười phần quái dị, rất giống Càn Khôn Đại Na Di tâm pháp, nhưng khi sử dụng lại biến đổi khác hẳn, không thể mò ra được chút đầu mối nào, mặc dầu chiêu số ác liệt khéo léo không bằng được Càn Khôn Đại Na Di. Hai người đánh chẳng khác gì người điên ngẫu nhiên học được Càn Khôn Đại Na Di nhưng học chưa đến đâu, thần trí hỗn loạn, đánh đấm lung tung thành ra không biết cách nào mà chống đỡ.
Thế nhưng hai người liên thủ hết sức khít khao, cũng không khác gì Phong Vân tam sứ. Trương Vô Kỵ hết sức đề ngự nhưng chỉ ngang tay, hi vọng đánh thêm hai ba chục chiêu nữa sẽ chiếm được thượng phong. Ngay khi đó, Phong Vân tam sứ cùng hú lên, nhảy vọt lên thuyền, xông cả vào định cướp lại Bình Đẳng Vương để chuộc cái tội lỡ tay đánh trúng y.
Tạ Tốn liền cầm Bình Đẳng Vương lên quay ngang, làm thành một vòng tròn thật lớn. Phong Vân tam sứ lần này làm sao dám tấn công một cách khinh suất, chỉ né qua né lại tìm sơ hở để xông vào.
Bỗng nghe Câu Minh Vương hự lên một tiếng, trúng một ngọn cước ngã lăn xuống. Trương Vô Kỵ cúi xuống định bắt sống y, Lưu Vân Sứ và Huy Nguyệt Sứ hai người cầm lệnh bài nhảy tới, còn Diệu Phong Sứ ôm được Câu Minh Vương nhảy trở về thuyền. Lần này Tề Tâm Vương và Vân Nguyệt hai sứ liên thủ, phối hợp không được chặt chẽ như ba người Phong Vân Nguyệt, chỉ đánh vài hiệp, xem chừng khó mà thủ thắng nên cùng hú lên một tiếng nhảy ngược trở về thuyền.
Trương Vô Kỵ định thần rồi nói:
- Những người này giống như từng học Càn Khôn Đại Na Di nhưng lại học không đúng, quả thực rất khó đối phó.
Tạ Tốn nói:
- Càn Khôn Đại Na Di tâm pháp của bản giáo vốn gốc ở Ba Tư. Mấy trăm năm trước truyền vào Trung Thổ rồi, ngay tại bản quốc Ba Tư lại bị thất truyền, cứ như Đại Ỷ Ti nói thì chỉ còn sót lại những phần thô thiển chẳng đâu vào đâu, nên họ sai nàng trở lại Quang Minh Đính để lén lấy lại tâm pháp.
Trương Vô Kỵ nói:
- Bọn họ căn cơ võ công thật là nông cạn, quả đúng là chỉ mới học được chút ít bên ngoài, nhưng vận dụng lại hết sức khéo léo. Hiển nhiên bên trong có điều gì hết sức quan trọng mà mình chưa tìm ra. Ôi, trong Càn Khôn Đại Na Di tâm pháp cấp thứ bảy có một số con chưa luyện tới, không lẽ lại là ở trong chỗ này?
Nói xong chàng ngồi xuống sàn thuyền, ôm đầu suy nghĩ. Bọn Tạ Tốn không ai dám nói năng gì sợ chàng không tập trung được tinh thần. Đột nhiên Tiểu Siêu hoảng hốt kêu lên “Ối chà” một tiếng, Trương Vô Kỵ ngẩng đầu lên nhìn thấy Phong Vân tam sứ áp giải một người ra trước mặt mười một Bảo Thụ Vương. Người đó lưng còng, tay chống gậy chính là Kim Hoa bà bà. Người ngồi ở ghế thứ hai là Trí Tuệ Bảo Thụ Vương lên tiếng hỏi mấy câu, Kim Hoa bà bà nghiêng đầu la lớn:
- Ngươi nói gì ta không hiểu?
Trí Tuệ Vương cười khẩy một tiếng, đứng phắt dậy, giơ tay trái ra, đã lột ngay nắm tóc bạc trên đầu Kim Hoa bà bà xuống, lộ ra mái tóc đen nhánh. Kim Hoa bà bà vừa nghiêng qua bên phải tránh, tay phải của Trí Tuệ Vương đã thò ra lột một lớp da trên mặt bà ta. Bọn Trương Vô Kỵ ai nấy đều nhìn rõ, lớp da Trí Tuệ Vương lột kia chỉ là một mặt nạ, trong nháy mắt Kim Hoa bà bà đã biến thành một người đàn bà da trắng như mỡ đông, mắt to má hồng, xinh đẹp không đâu kể xiết.
Đại Ỷ Ti bị y vạch lộ bộ mặt thật, đành vứt quài trượng xuống, chỉ cười nhạt không nói gì. Trí Tuệ Vương nói mấy câu, bà ta liền dùng tiếng Ba Tư đáp lại. Hai người một hỏi một trả lời, nhưng xem thần sắc những Bảo Thụ Vương mỗi lúc một thêm trịnh trọng. Triệu Mẫn đột nhiên hỏi:
- Tiểu Siêu cô nương, họ nói gì thế?
Tiểu Siêu khóc nói:
- Quận chúa thật thông minh, chuyện gì cũng biết hết nhưng sao không ngăn đừng để Tạ lão gia nói ra?
Triệu Mẫn lạ lùng hỏi:
- Ngăn đừng nói cái gì?
Tiểu Siêu nói:
- Bọn họ vốn không biết Kim Hoa bà bà là ai cả, về sau biết được bà ta là Tử Sam Long Vương nhưng đâu có biết Tử Sam Long Vương lại là thánh nữ Đại Ỷ Ti. Bà bà khổ tâm cũng chỉ mong đánh lừa được bọn họ. Tạ lão gia đề cập đến điều kiện thứ hai là yêu cầu họ thả thánh nữ Đại Ỷ Ti ra, tuy có lòng tốt nhưng không lừa được Trí Tuệ Bảo Thụ Vương. Tạ lão gia mắt không nhìn thấy nên không biết Kim Hoa bà bà hóa trang thật hay, che dấu được mọi người. Triệu cô nương, cô nhìn thấy rõ như thế không lẽ không nghĩ ra sao?
Kỳ thực khi Triệu Mẫn nghe Tạ Tốn kể chuyện biết được Kim Hoa bà bà chính là thánh nữ Đại Ỷ Ti của tổng giáo Ba Tư nhưng lại không nghĩ ra là dưới mắt người Ba Tư thì chưa biết chân diện mục của bà ta thế nào. Nàng định lên tiếng cãi lại nhưng thấy giọng nói của Tiểu Siêu thật là bi thương, xem ra giữa nàng và Kim Hoa bà bà có một liên quan thật mật thiết nên chỉ nói:
- Tiểu Siêu muội tử, tôi quả thực không nghĩ đến. Nếu như có ý gia hại Kim Hoa bà bà thì trời không cho tôi được chết yên chết lành.
Tạ Tốn lại càng ăn năn, không nói lên một lời nào nhưng trong bụng đã định thầm dù cho tính mạng mình không còn cũng nhất quyết cứu cho được Đại Ỷ Ti thoát hiểm. Tiểu Siêu khóc nói:
- Bọn họ trách cứ Kim Hoa bà bà nói sao dám lấy chồng, lại phản giáo, muốn ... muốn đem ra thiêu sống.
Trương Vô Kỵ nói:
- Tiểu Siêu, cô đừng quá hốt hoảng, một khi có cơ hội, tôi sẽ nhảy qua cứu bà bà ngay.
Chàng gọi là “bà bà” kỳ thực lúc này đã nhìn thấy bản lai diện mục của Tử Sam Long Vương rồi, tuy đã trung niên, nhưng phong tư yểu điệu chẳng khác gì Triệu Mẫn, Chu Chỉ Nhược xem chỉ đáng chị của Tiểu Siêu thôi. Tiểu Siêu nói:
- Không được, không được đâu. Mười một Bảo Thụ Vương lại thêm Phong Vân tam sứ giả, công tử đấu không lại, có qua chỉ thêm uổng mạng, lúc này họ đang bàn tính làm sao cướp lại Bình Đẳng Vương đó.
Triệu Mẫn hậm hực nói:
- Hừ, dẫu Bình Đẳng Vương có sống sót mà về trên mặt có in mấy hàng chữ cũng xấu hổ đến chết được.
Trương Vô Kỵ hỏi:
- Trên mặt có in hàng chữ ư?
Triệu Mẫn nói:
- Gã sứ giả râu vàng kia dùng thánh hỏa lệnh đánh trúng má y ... A! Tiểu Siêu!
Đột nhiên nàng nghĩ ra một chuyện vội hỏi:
- Tiểu Siêu muội tử, cô có biết chữ Ba Tư không?
Tiểu Siêu đáp:
- Có biết.
Triệu Mẫn nói:
- Cô xem đây, trên mặt Bình Đẳng Vương có in những chữ gì?
Tiểu Siêu nâng đầu Bình Đẳng Vương lên nhìn trên má y, thấy má y sưng vù, trên có in ba hàng chữ Ba Tư. Thì ra trên những thánh hỏa lệnh đều có khắc chữ, Diệu Phong Sứ đánh nhầm Bình Đẳng Vương nên chữ trên thánh hỏa lệnh in lên mặt y. Có điều chỗ thánh hỏa lệnh chạm vào mặt chỉ chừng ngang hai tấc, dài ba tấc nên những hàng đó chữ có chữ không.
Khi Tiểu Siêu đi cùng với Trương Vô Kỵ vào trong bí đạo nơi Quang Minh Đính, nàng đã từng đọc Càn Khôn Đại Na Di tâm pháp mấy lần, tuy chưa được Trương Vô Kỵ chỉ bảo, tự mình cũng chưa tập luyện nhưng môn võ công tâm pháp đó nàng nhớ rất kỹ. Khi Trương Vô Kỵ trong đường hầm học tới cấp thứ bảy gặp chỗ nghi nan bỏ qua không luyện, Tiểu Siêu từng ghi nhớ hết, bây giờ đọc những hàng chữ trên mặt Bình Đẳng Vương nàng chợt kêu lên:
- Cái này là Càn Khôn Đại Na Di tâm pháp.
Trương Vô Kỵ lạ lùng:
- Cô bảo đây là Càn Khôn Đại Na Di tâm pháp ư?
Tiểu Siêu nói:
- Không, không phải. Em vừa thoạt nhìn tưởng là thế nhưng hóa ra không phải. Dịch thành tiếng Trung Quốc ý tứ như sau: “muốn phải thì trước, muốn trái thì sau, ba giả bảy thật, trong không sinh có” ... rồi cái gì “trời vuông đất tròn ...” bên dưới không đọc rõ nữa.
Mấy hàng chữ đó chẳng qua chỉ độ mươi chữ nhưng Trương Vô Kỵ nghe rồi chẳng khác nào đầy trời mây đen, nay có một làn chớp lóe lên, tuy rằng ánh sáng qua rồi bốn bề lại tối đen như mục, nhưng mấy ánh chớp đó cũng khiến chàng nhìn được phương hướng mà đi nên lẩm bẩm đọc:
- Ứng tả tắc hậu, tu hữu nãi tiền...
Cố hết sức nghĩ cho ra mấy câu khẩu quyết đó làm sao phối hợp được với võ công Càn Khôn Đại Na Di, có lúc tưởng như đã nghĩ ra, nhưng rồi lại không phải, xem ra hai bên không ăn khớp với nhau. Đột nhiên Tiểu Siêu kêu lên:
- Công tử, để ý! Bọn họ truyền lệnh, Phong Vân tam sứ tới tấn công công tử, còn Cần Tu Vương, Trấn Ác Vương, Công Đức Vương qua đoạt lại Bình Đẳng Vương.
Tạ Tốn liền cầm Bình Đẳng Vương giơ lên ngang ngực, vứt thanh đao Đồ Long cho Vô Kỵ nói:
- Con dùng đao chém thật hăng.
Triệu Mẫn cũng giao thanh Ỷ Thiên kiếm cho Chu Chỉ Nhược. Hai nàng bây giờ cùng hội cùng thuyền, sát cánh nghinh địch là trên hết. Trương Vô Kỵ nhận lấy thanh đao Đồ Long, đầu óc đâu đâu cắm luôn vào lưng, miệng vẫn lẩm bẩm:
- Tam hư thất thực, vô trung sinh hữu ...
Triệu Mẫn nóng ruột kêu lên:
- Chàng ngốc ơi, bây giờ đâu còn là lúc nghiền ngẫm võ công, mau mau chuẩn bị nghinh địch đi thôi.
Nói chưa dứt lời, Cần Tu, Trấn Ác, Công Đức tam vương đã tung mình nhảy qua, giơ chưởng tấn công Tạ Tốn. Ba người đó sợ làm Bình Đẳng Vương bị thương cho nên không dùng binh khí, chỉ sử dụng quyền chưởng, nếu một người nào nắm được Bình Đẳng Vương là ra sức kéo về. Chu Chỉ Nhược thủ tại bên cạnh Tạ Tốn, mỗi khi nguy cấp thì lại giơ kiếm đâm vào Bình Đẳng Vương. Như thế Cần Tu Vương, Trấn Ác Vương không thể không xuất chưởng tấn công Chu Chỉ Nhược để kiếm của nàng khỏi đâm vào người đồng bọn.
Ở mé bên kia, Trương Vô Kỵ cùng ba sứ giả tụ lại một chỗ. Bốn người mấy lần đụng tay, ai nấy đều nếm mùi kình lực của Trương Vô Kỵ nên không còn ai dám thờ ơ nữa. Chỉ qua mấy hiệp, Huy Nguyệt Sứ đánh ra một lệnh bài, cứ theo đúng đạo lý võ học, chiêu đó phải đánh vào vai trái Trương Vô Kỵ, nào ngờ thánh hỏa lệnh ở trên không lại quay vòng lại một cách kỳ lạ, nghe bạch một tiếng trúng ngay sau cổ chàng.
Trương Vô Kỵ bị đau nhói nhưng trong đầu lập tức hiểu ra, kêu lên:
- Muốn trái thì sau, muốn trái thì sau! Đúng rồi! Đúng rồi!
Chỉ trong khoảnh khắc chàng vỡ lẽ ngay, những gì Phong Vân tam sứ sử dụng đây chẳng qua chỉ là công phu nhập môn của Càn Khôn Đại Na Di cấp thứ nhất, nhưng trên thánh hỏa lệnh có khắc những biến hóa lạ lùng, khiến cho càng thêm rắc rối. Chàng vừa nghĩ ra, bốn câu khẩu quyết Tiểu Siêu đọc lên lập tức minh bạch, nhưng cái gì “thiên phương địa viên” thì chàng chưa hiểu được định bụng phải tìm cách đọc được những chữ khắc trên thánh hỏa lệnh để thông hiểu tinh yếu võ công của Ba Tư.
Chàng liền rú lên một tiếng dài, hai tay thi triển cầm nã, “tam hư thất thực” đoạt luôn hai thanh thánh hỏa lệnh trên tay Huy Nguyệt Sứ, rồi tiếp theo “vô trung sinh hữu” lại cướp được hai thánh hỏa lệnh của Lưu Vân Sứ. Hai người còn đang ngơ ngẩn, Trương Vô Kỵ đã bỏ luôn bốn chiếc thánh hỏa lệnh vào trong túi, hai tay nắm cổ hai người, ném ra ngoài.
Tất cả những người Ba Tư liền xí xố ầm cả lên, Diệu Phong Sứ cũng vội vàng nhảy trở về thuyền. Lúc này Trương Vô Kỵ đã rõ được yếu quyết của họ, tuy rất hữu hạn, nhưng võ công của Diệu Phong Sứ đối với chàng không còn gì là kỳ bí nữa, tay phải thò ra đã nắm ngay được chân trái y, lôi y từ trên không về, giơ tay cướp luôn hai thanh thánh hỏa lệnh còn lại, cầm luôn người y đập xuống đầu Trấn Ác Vương. Tam vương kinh hãi, vung tay một cái nhảy luôn trở về. Trương Vô Kỵ điểm huyệt Diệu Phong Sứ, ném xuống dưới chân.
Chàng đắc thắng phen này thật là đột ngột nên chỉ khoảnh khắc đang từ thế yếu chuyển sang thế mạnh, cả bọn vô cùng mừng rỡ, hỏi nguyên do. Trương Vô Kỵ cười nói:
- Nếu không vì trời xui đất khiến trên má Bình Đẳng Vương bị trúng một đòn thì mình thật là khốn khổ. Tiểu Siêu, cô hãy dịch những chữ trên thánh hỏa lệnh này cho tôi nghe, mau đi, mau đi.
Mọi người nhìn vào những thánh hỏa lệnh, thấy không phải kim loại mà cũng không phải ngọc đá, cứng rắn vô cùng, sáu lệnh bài cái dài cái ngắn không đều nhau, trông như trong mà không trong, ở giữa mờ mờ hình ngọn lửa bốc lên, sắc lấp lánh thật là đẹp đẽ. Trên mỗi thanh lệnh bài khắc rất nhiều chữ Ba Tư, không nói đến tìm hiểu cho kỹ, chỉ dịch qua một lần cũng đã mất rất nhiều thời giờ.
Thế nhưng Trương Vô Kỵ biết rằng muốn thoát ra khỏi được cái khốn cảnh hiện thời, không thể nào không tìm hiểu cho ra nguyên ủy của võ công Ba Tư nên quay sang nói với Chu Chỉ Nhược:
- Chu cô nương, nhờ cô cầm Ỷ Thiên kiếm ghìm vào cổ Bình Đẳng Vương. Nghĩa phụ, nhờ cha nhứ đao Đồ Long vào cổ Diệu Phong Sứ để kéo dài thời giờ.
Tạ Tốn và Chu Chỉ Nhược gật đầu đáp ứng. Tiểu Siêu cầm sáu thanh thánh hỏa lệnh lên, thấy thanh lệnh bài ngắn nhất trên khắc ít chữ nhất, lại đen sì trông không đẹp mắt chút nào, dịch từng câu cho Vô Kỵ nghe. Trương Vô Kỵ nghe xong không hiểu gì cả, cố gắng suy nghĩ nhưng không rõ nghĩa càng thêm hoảng hốt. Triệu Mẫn nói:
- Tiểu Siêu muội tử, cô giải thích thanh thánh hỏa lệnh đánh vào Bình Đẳng Vương trước.
Câu nói đó khiến Tiểu Siêu bừng tỉnh, vội vàng coi các chữ khắc thấy thanh dài thứ hai hợp nghĩa vội vàng giải thích cho Vô Kỵ nghe, lần này chàng mười phần hiểu đến bảy tám. Đợi đến khi giải nghĩa xong, giải thích tiếp thanh dài nhất, Trương Vô Kỵ nghe qua vài câu mừng rỡ nói:
- Tiểu Siêu, văn tự trong sáu thanh thánh hỏa lệnh này, càng dài thì càng dễ. Những thanh này đều là công phu nhập môn cả.
Thì ra những thánh hỏa lệnh này là do Sơn Trung Lão Nhân Thôi Sơn ngày xưa đúc thành, trên khắc võ công tinh yếu một đời của y. Cả sáu thánh hỏa lệnh lẫn Minh giáo cùng truyền vào Trung Thổ một lúc, trước đây vẫn dùng làm lệnh phù của giáo chủ nhưng về sau, Minh giáo Trung Thổ không còn ai biết tiếng Ba Tư nữa. Mấy chục năm trước, thánh hỏa lệnh bị người của Cái Bang đoạt mất, lại do thương nhân Ba Tư mua được, nên quay trở về Minh giáo Ba Tư. Tổng giáo Ba Tư nghiên cứu văn tự trên đó mấy chục năm qua nên những người có võ công kha khá trong tổng giáo tiến bộ rất nhiều. Thế nhưng võ công khắc trên đó bác đại tinh thâm nên ngay cả người giỏi nhất là Đại Thánh Bảo Thụ Vương cũng chỉ học được ba bốn thành.
Còn như Càn Khôn Đại Na Di tâm pháp, trước đây vốn là hộ giáo thần công của Minh giáo Ba Tư nhưng môn đó người thường không thể tu tập được. Giáo chủ Minh giáo Ba Tư lại qui định chỉ do xử nữ đảm nhiệm, trước nay vốn chỉ là những cô gái võ công tầm thường nên tâm pháp truyền xuống rất là hữu hạn, ngược lại Minh giáo bên Trung Quốc lại còn giữ được toàn phần. Minh giáo Ba Tư kết hợp chưa tới một thành còn lại của Càn Khôn Đại Na Di với hai ba thành của võ công thánh hỏa lệnh thành một môn võ công kỳ dị cổ quái.
Trương Vô Kỵ ngồi xếp bằng nơi đầu thuyền, còn Tiểu Siêu đem thánh hỏa lệnh từng câu từng chữ dịch lại cho chàng nghe. Võ học trong thánh hỏa lệnh này vốn dĩ thật là kỳ diệu, thế nhưng nhất pháp thông, vạn pháp thông, những học vấn thâm áo đến chỗ cùng cực thì cũng đều qui về một mối. Trương Vô Kỵ thông hiểu Cửu Dương thần công, Càn Khôn Đại Na Di, lại thêm đạo lý Thái Cực Quyền, Thái Cực Kiếm của phái Võ Đương. Võ công thánh hỏa lệnh tuy có kỳ lạ thật, nhưng cũng chỉ là đỉnh cao của sở học bàng môn tả đạo, nói đến tinh thâm rộng rãi so ra kém xa ba môn võ học kia. Trương Vô Kỵ nghe Tiểu Siêu dịch xong cả sáu thanh thánh hỏa lệnh trong nhất thời chỉ nhớ được sáu bảy phần, biết rõ ràng thì lại chỉ được năm sáu phần, nhưng như thế thôi võ công của các Bảo Thụ Vương và Phong Vân tam sứ, dưới mắt chàng nay đã rõ như ban ngày không còn gì mù mờ nữa.
Chàng hết tâm hết ý để vào việc nghiên cứu võ học hết giờ này sang khắc khác, không còn biết đến chuyện gì chung quanh nhưng Triệu Mẫn và Chu Chỉ Nhược thì nóng ruột vô cùng. Bọn họ thấy Đại Ỷ Ti chân tay đã bị xích chặt, mười một Bảo Thụ Vương cùng họp bàn, Bảo Thụ Vương thứ mười một cởi trường bào ra, thay bằng nhuyễn giáp, những người chung quanh đưa ra mười một món binh khí hình dáng quái dị. Kế đến những người Ba Tư dàn ra trước sau trái phải đầy tay cầm cung tên, nhắm thẳng vào mình, lại đến mười tên Ba Tư tay cầm búa dùi nhảy xuống nước, chỉ cần thủ lãnh hạ lệnh là bơi đến đục chìm thuyền.
Bỗng Đại Thánh Bảo Thụ Vương ngồi chính giữa quát lớn một tiếng, chung quanh bốn bên trống đánh liên hồi, tù và thổi lên rầm rĩ. Trương Vô Kỵ kinh hoảng ngửng đầu nhìn lên thấy mười một Bảo Thụ Vương đều mặc áo giáp vàng sáng chói, tay cầm binh khí, nhảy lên trên thuyền. Tạ Tốn và Chu Chỉ Nhược tay cầm đao kiếm để vào cổ Bình Đẳng Vương và Diệu Phong Sứ. Mười một vương kia nhìn thấy thế, tuy đã nhảy lên đầu thuyền rồi nhưng không dám đến gần mà tản ra thành hình bán nguyệt, mắt lăm lăm tìm cơ hội xông vào. Chu Chỉ Nhược, Triệu Mẫn thấy mười một người đó hình dáng hung hăng, thân thể to lớn đều không khỏi khiếp sợ.
Trí Tuệ Vương nói bằng tiếng Trung Quốc:
- Chúng mày mau mau thả giáo hữu chúng tao ra thì ta tha cho chúng mày khỏi chết. Những giáo hữu này bọn tao có khác gì con heo con chó, chúng bay kề đao vào cổ họ đâu có ích gì? Chúng bay có giỏi thì đem bọn họ giết đi. Trong thánh giáo Ba Tư những người như thế có cả nghìn cả vạn, giết một hai người đâu có sao.
Triệu Mẫn nói:
- Chúng mày đừng có lớn lối, định đánh lừa chúng tao. Chúng tao biết rồi, hai người này một người là Bình Đẳng Bảo Thụ Vương, một người là Diệu Phong Sứ trong Minh giáo địa vị rất cao. Mày bảo y là heo là chó là nói sai rồi, sai thật là sai.
Gã Trí Tuệ Vương học tiếng Trung Hoa toàn ở trong sách vở nên những tiếng “chúng mày” “bọn tao” đều là dùng những tiếng của bọn hạ lưu. Triệu Mẫn bắt chước giọng điệu của y khiến cho Tạ Tốn các người nghe thấy, dẫu đang trong cảnh nguy hiểm nhưng cũng nhịn không nổi phải mỉm cười.
Trí Tuệ Vương nhíu mày rồi nói:
- Trong thánh giáo có cả thảy ba trăm sáu mươi Bảo Thụ Vương, Bình Đẳng Vương đứng thứ ba trăm năm mươi chín. Bọn tao có một nghìn hai trăm sứ giả, gã Diệu Phong Sứ này võ công tầm thường, chẳng ra quái gì, chúng bay mau mau đem nó giết đi.
Triệu Mẫn đáp:
- Hay lắm, hay lắm. Các bạn cầm đao kiếm, mau đem hai gã vô dụng này giết đi.
Tạ Tốn đáp:
- Tuân lệnh.
Ông giơ thanh đao Đồ Long lên, nghe vù một tiếng chém hớt ngang đầu Bình Đẳng Vương, chỉ cách không quá nửa tấc, một mảng lớn tóc bị cắt đứt gió biển thổi vào bay tứ tán. Tạ Tốn lại giơ đao lên chém bên trái một nhát, bên phải một nhát xuống hai bên vai Bình Đẳng Vương.
Hai nhát dao đó ai cũng tưởng sẽ chặt đứt hai cánh tay y nhưng khi đao vừa chạm vào người thì cổ tay hơi nghiêng đi, cắt đứt mỗi bên tay áo một mảnh. Ba nhát dao đó bộ vị chuẩn xác, chẳng nói gì người mù, đến như người mắt sáng cũng thật là khó mà làm được.
Bình Đẳng Vương chết đi sống lại, sợ tưởng như muốn ngất xỉu. Mười một Bảo Thụ Vương lẫn Phong vân tam sứ giả ai ai cũng há hốc mồm le lưỡi. Triệu Mẫn lại nói:
- Chúng bay đã thấy võ công Minh giáo Trung Thổ rồi. Đây là Kim Mao Sư Vương, ở Minh giáo đứng hàng thứ ba nghìn năm trăm lẻ chín, chúng bay nếu ỷ đông, sau này Minh giáo Trung Thổ sẽ đến Ba Tư trả thù, đánh cho tan tành tổng đàn chúng bay, chúng bay không đánh lại đâu, mau mau chịu thua đi là vừa.
Trí Tuệ Vương biết là Triệu Mẫn không nói thực nhưng nhất thời không biết làm sao. Gã Đại Thánh Bảo Thụ Vương bỗng nói vài câu, Tiểu Siêu kêu lên:
- Trương công tử, bọn họ định đục thuyền.
Trương Vô Kỵ hơi kinh hoảng, nếu như thuyền chìm, mọi người không ai biết bơi ắt sẽ bị bắt cả, vội nhún một cái đã vọt tới trước mặt Đại Thánh Vương. Trí Tuệ Vương quát lên:
- Mày làm gì đó?
Hai bên Công Đức Vương và Chưởng Hỏa Vương một người cầm roi, một người cầm chùy cùng xông lại. Lúc này Trương Vô Kỵ đã hiểu được võ công của Ba Tư rồi, không tránh né cũng không lách qua, chỉ vươn hai tay ra, nắm đúng ngay yết hầu của hai vương. Chỉ nghe keng một tiếng, thiết tiên của Công Đức Vương đã đụng phải bát giác chùy của Chưởng Hỏa Vương, lửa bắn tung tóe còn hai người thì bị chàng nắm trúng yếu huyệt, lôi sềnh sệch về. Trong lúc nhốn nháo, Trương Vô Kỵ lại liên tiếp đá ra bốn cái, hai ngọn cước đá văng hai thanh đao trong tay Tề Tâm Vương và Trấn Ác Vương, còn hai cú đá văng Cần Tu Vương và Câu Minh Vương xuống biển.
Một Bảo Thụ Vương thân hình cao gầy liền xông tới, hai tay cầm hai đoản kiếm, đâm vào ngực Trương Vô Kỵ. Trương Vô Kỵ lại tung chân lên, đá vào cổ tay y. Người đó đột nhiên chập tay lại đâm vào bụng Trương Vô Kỵ. Chiêu đó biến hóa thật là linh động, Trương Vô Kỵ vội nhảy về sau mới tránh được. Thì ra y là Thường Thắng Bảo Thụ Vương, là người võ công cao cường nhất trong mười hai người của tổng giáo Ba Tư. Trương Vô Kỵ liền khóa huyệt đạo của Công Đức và Chưởng Hỏa ném hai người vào khoang thuyền rồi lại tiến lên đấu tiếp với song kiếm của Thường Thắng Vương. Người này tuy cũng là một trong mười hai vương nhưng võ công cao siêu những người khác không sao bì kịp. Trương Vô Kỵ công ba chiêu, thủ ba chiêu, ba lần tiến, ba lần thoái, trong bụng khen thầm: “Gã Ba Tư Hồ nhân này giỏi thật”.
Chàng hiểu được võ công trên thánh hỏa lệnh nhưng chưa từng luyện tập lại gặp ngay cường địch, một mặt nhớ lại những gì mới biết, một mặt giao đấu với Thường Thắng Vương. Trong khoảng mười chiêu đầu, chàng chỉ nhờ vào nội lực thâm hậu, chiêu số xảo diệu để giữ sao cho được ngang tay không thắng không bại, đến hai mươi chiêu sau, bí quyết trên thánh hỏa lệnh phối hợp với Càn Khôn Đại Na Di càng lúc càng thuần thục, Thường Thắng Vương được tiếng là ‘thường thắng” xưa nay chưa gặp đối thủ, lúc này bị đối phương ép cho bó chân bó tay, y chưa từng bị như thế bao giờ khiến cho vừa kinh dị, vừa sợ hãi. Đấu đến hơn ba chục chiêu, Trương Vô Kỵ tiến lên một bước, đột nhiên ngồi phịch xuống sàn, ôm chặt lấy đùi Thường Thắng Vương. Chiêu quái dị này vốn ghi trong thánh hỏa lệnh là công phu hết sức cao thâm, Thường Thắng Vương tuy biết nhưng chưa dám sử dụng bao giờ. Trương Vô Kỵ vừa ôm được mười ngón tay liền bấm ngay hai huyệt Trung Đô, Trúc Tân là phương pháp điểm huyệt của Trung Thổ. Nửa người bên dưới của Thường Thắng Vương liền tê dại, đành thở dài để cho bị bắt.
Trương Vô Kỵ bỗng nổi lòng yêu tài của y bèn nói:
- Ngươi võ công giỏi lắm. Ta không muốn ngươi bị mất tiếng, mau mau đi về.
Nói xong chàng buông tay ra, Thường Thắng Vương vừa cảm kích vừa xấu hổ, nhảy trở về thuyền. Đại Thánh Vương thấy Thường Thắng Vương hết sức chiến đấu mà vẫn thua, Công Đức Vương và Chưởng Hỏa Vương lại rơi vào tay địch, dẫu có đục chìm thuyền thì ném chuột cũng vỡ đồ, bốn người bọn Bình Đẳng Vương cũng chết hết, liền ra lệnh gọi tất cả trở về thuyền mình.
Triệu Mẫn lớn tiếng nói:
- Chúng bay mau mau chấp thuận ba điều kiện của Kim Mao Sư Vương đem Đại Ỷ Ti đưa qua bên này.
Chín người Bảo Thụ Vương còn lại liền chụm đầu thương nghị một hồi, Trí Tuệ Vương nói:
- Ba điều kiện đó bọn ta có thể chấp thuận được, thế nhưng thanh niên kia võ công đúng là cùng phái với Ba Tư chúng ta, y học ở đâu thế bọn ta không hiểu rõ.
Triệu Mẫn cố nhịn cười, giả vờ nghiêm trang đáp:
- Chúng bay không hiểu rõ, không thông suốt, không biết tí gì, không đâu vào đâu. Vị công tử thanh niên này là đệ tử thứ tám của Quang Minh sứ giả bản giáo. Y còn bảy sư huynh, bảy sư đệ sắp đến rồi, khi đó thì tan tành loạn xạ, chúng bay chẳng sướng lắm sao, ô hô ai tai.
Trí Tuệ Vương vốn rất thông minh nhưng Hoa ngữ chưa được giỏi, Triệu Mẫn nói y chỉ hiểu bảy tám phần, cũng đoán được nàng khoác lác, suy nghĩ một chút rồi nói:
- Được, để cho đem Đại Ỷ Ti qua thuyền.
Hai tên giáo đồ Ba Tư liền dẫn Đại Ỷ Ti đưa qua bên thuyền Trương Vô Kỵ. Chu Chỉ Nhược rung trường kiếm một cái, leng keng hai tiếng chặt đứt ngay các khóa ở chân tay bà ta. Hai tên giáo đồ Ba Tư thấy kiếm sắc bén đến thế, sợ đến mất mật, vội vàng nhảy trở về thuyền.
Trí Tuệ Vương nói:
- Chúng mày mau mau khai thuyền, đi về Trung Thổ. Bọn tao sẽ cho thuyền nhỏ đi theo chúng mày.
Trương Vô Kỵ vòng tay nói:
- Minh giáo Trung Thổ vốn xuất phát từ Ba Tư, quí vị và chúng tôi tình như anh em, hôm nay hiểu lầm nhau, mong các vị đừng để bụng. Mai này có dịp mời lên Quang Minh Đính, hai bên uống chén rượu chung vui. Những điều sai sót, xin tạ lỗi cùng quí vị.
Trí Tuệ Vương cười ha hả nói:
- Mày võ giỏi lắm, bọn tao thật là kính phục. Học mà được luyện tập, chẳng sướng lắm sao? Có bạn từ xa đến chơi, chẳng sướng lắm sao? Tan tành loạn xạ, chẳng sướng lắm sao?[4]
Trương Vô Kỵ khi mới nghe y dẫn chứng hai câu trong sách, nghĩ thầm người này đã biết được lời Khổng Tử, quả không phải dễ không ngờ y liền nối theo hai câu học của Triệu Mẫn, nhịn không nổi phải phì cười. Triệu Mẫn nói:
- Câu mày nói hay lắm. Kẻ man di như Ba Tư mà biết thế thật là hiếm có. Chúc chúng mày đa phúc đa thọ, sống lâu thêm nhục, họa đến tổ tiên, không bệnh cũng chết.
Trí Tuệ Vương chỉ hiểu được “đa phúc đa thọ”, nghĩ chắc những chữ sau cũng đều là những câu chúc tụng, cười hì hì, luôn mồm “đa tạ, đa tạ”.
Trương Vô Kỵ sợ Triệu Mẫn cao hứng quá không biết sẽ giở thêm những trò điêu ngoa cổ quái gì khác, mình đang ở nơi giữa bầy lang hổ, đêm dài lắm mộng, chạy thoát sớm lúc nào hay lúc nấy nên vội vàng kéo neo, chuyển bánh lái, giương buồm cho thuyền từ từ dong ra. Những người Ba Tư ở chung quanh thấy chàng kéo neo dương buồm, một mình làm bằng cả chục người khác, thần lực kinh người đều lớn tiếng reo hò. Chỉ thấy dây buộc theo một chiếc thuyền nhỏ ném qua, Trương Vô Kỵ liền bắt lấy buộc nơi đuôi tàu kéo theo từ từ đi ra mỗi lúc một xa. Trong chiếc thuyền nhỏ chỉ có hai người, một nam một nữ, chính là Lưu Vân Sứ và Huy Nguyệt Sứ.
Trương Vô Kỵ cầm tay lái, cho thuyền đi về hướng tây, thấy các thuyền lớn của Ba Tư không đuổi theo, đi được mấy dặm, nhìn lại hướng Linh Xà đảo thấy thuyền địch chỉ còn nhỏ tí vẫn ở yên đó nên cũng an tâm.
Chàng bèn nhờ Tiểu Siêu giữ tay lái, vào trong khoang xem xét bệnh tình Ân Ly, thấy nàng nửa tỉnh nửa mê nằm thiêm thiếp, tuy không thấy bớt chút nào nhưng cũng không nặng thêm, nghĩ thầm trong chiếc thuyền lớn của Ba Tư có khi kiếm được thuốc men không chừng.
Đại Ỷ Ti đứng nơi đầu thuyền nhìn ra biển, nghe tiếng bước chân Trương Vô Kỵ đi lên trên sàn nhưng cũng không quay lại. Trương Vô Kỵ nhìn từ sau lưng thấy bà ta thật xinh đẹp, mái tóc dài bay phất phơ để lộ chiếc cổ trắng như ngọc, Tạ Tốn bảo là năm xưa được xưng đệ nhất mỹ nhân trong võ lâm quả thật không sai, nghĩ đến khi ở trên Quang Minh Đính nơi Bích Thủy Hàn Đàm, tà áo tím phất phới như hoa, cầm thanh kiếm sáng loáng như tuyết thật quả điên đảo bao nhiêu anh hùng hào kiệt.
Thuyền đi đến chiều, tính ra phải cách đảo Linh Xà đến một trăm dặm, nhìn về phương đông, trên biển không thấy một cánh buồm nào, quả thực tổng giáo Ba Tư bị ép buộc không dám đuổi theo. Trương Vô Kỵ nói:
- Nghĩa phụ, mình đã tha bọn họ ra được chưa?
Tạ Tốn đáp:
- Được rồi, bọn họ dẫu muốn đuổi theo cũng đuổi không kịp nữa.
Trương Vô Kỵ liền giải huyệt cho Bình Đẳng, Công Đức, Chưởng Hỏa tam vương luôn cả Diệu Phong Sứ, luôn mồm xin lỗi, thả cho họ về chiếc thuyền nhỏ kéo theo sau đuôi. Diệu Phong Sứ nói:
- Những thánh hỏa lệnh đó do bọn ta trông coi, đánh mất tội nặng lắm, xin giao lại cho.
Tạ Tốn nói:
- Thánh hỏa lệnh là lệnh phù của giáo chủ Minh giáo Trung Thổ, hôm nay vật về chủ cũ, làm sao lại có thể giao cho ngươi được.
Diệu Phong Sứ cứ nằng nặc đòi lại nhất định không chịu thôi. Trương Vô Kỵ nghĩ thầm hôm nay mình phải làm cho y tâm phục, khỏi dây dưa rắc rối về sau liền nói:
- Nếu bọn ta giao lại cho ngươi, các ngươi bản lãnh thấp kém làm sao giữ được. Nếu như bị người ta cướp mất với ở trong tay Minh giáo thì cái nào hơn?
Diệu Phong Sứ nói:
- Người ngoài làm sao có thể cướp được?
Trương Vô Kỵ đáp:
- Nếu ngươi không tin, để thử thì biết.
Chàng giao lại sáu thanh thánh hỏa lệnh cho Diệu Phong Sứ. Y mừng quá chỉ nói được một câu: “Đa tạ”. Trương Vô Kỵ tay trái móc nhẹ một cái, tay phải kéo về, lại lấy lại cả sáu chiếc lệnh bài.
Diệu Phong Sứ kinh hãi, giận dữ nói:
- Ta cầm chưa chặt, cái đó không tính.
Trương Vô Kỵ cười:
- Thế thử thêm lần nữa cũng có sao.
Chàng lại giao thánh hỏa lệnh lại cho y. Diệu Phong Sứ để bốn chiếc lệnh bài vào túi, trong tay cầm hai chiếc, thấy Trương Vô Kỵ giơ tay ra cướp, thánh hỏa lệnh bên trái liều đánh vào cổ tay chàng. Trương Vô Kỵ lật tay một cái, đã bắt được cánh tay y, cầm luôn hất lên, hai chiếc lệnh bài đụng nhau, nghe keng một tiếng chấn động cả người. Nội lực hùng hậu của Trương Vô Kỵ theo tay y mà truyền ra, Diệu Phong Sứ hai tay tê chồn, toàn thân mất hết hơi sức chẳng khác gì bị bại liệt vội rụt tay về để thánh hỏa lệnh rơi xuống sàn.
Trương Vô Kỵ bèn thò tay vào bọc y lấy bốn chiếc thánh hỏa lệnh trước sau đó mới nhặt hai lệnh bài trên sàn thuyền nói:
- Thế nào? Ngươi có muốn thử thêm lần nữa hay không?
Diệu Phong Sứ mặt tái ngắt, chỉ lẩm bẩm:
- Ngươi không phải là người, ngươi là ma quỉ, ngươi là ma quỉ.
Y định nhảy trở về thuyền nhỏ, nhưng trượt chân lảo đảo muốn ngã. Lưu Vân Sứ liều nhảy tới bồng y trở về. Chiếc thuyền nhỏ liền dựng buồm lên, Công Đức Vương cầm dây buộc, hai tay kéo một cái, nghe soẹt một tiếng đứt ngay, hai chiếc thuyền liền tách ra. Trương Vô Kỵ vòng tay nói:
- Đắc tội thật nhiều xin các vị lượng thứ cho.
Bọn Công Đức Vương mắt người nào cũng hầm hầm đầy thù hận không ai đáp lại lời nào. Chiếc thuyền lớn thuận gió trôi về hướng tây, hai chiếc thuyền xa nhau dần. Đột nhiên Đại Ỷ Ti kêu lên:
- Bọn giặc này giỏi thật.
Bà ta nhảy vụt xuống biển, Trương Vô Kỵ kinh hoảng vội vàng chuyển tay lái. Chỉ thấy một dòng máu từ dưới biển nổi lên, rồi ở cách một quãng lại có một dòng máu khác, trong giây lát tất cả đếm được sáu đốm máu. Nghe sạch một tiếng, Đại Ỷ Ti từ dưới biển vọt lên, trên miệng ngậm một thanh đoản đao, tay phải cầm tóc một người Ba Tư. Trương Vô Kỵ vội vàng quay thuyền lại đón nhưng vì chiếc thuyền quá lớn, muốn quay đầu lại mà không phải hạ buồm đành phải đánh một vòng thật lớn mới từ từ đến gần. Tử Sam Long Vương bơi lội ở dưới biển không khác gì cá, chẳng mấy chốc đã đến bên thuyền, tay nắm vào dây neo nhún một cái, thân hình bay vọt lên, luôn cả gã Ba Tư kia cũng cùng vọt lên trên sàn thuyền.
Cả bọn ai nấy lạnh người biết người Ba Tư có bụng chơi ác, đợi bọn Công Đức Vương qua được thuyền nhỏ rồi liền lấy chiếc buồm che đi cho người bơi lội giỏi lặn xuống bên cạnh thuyền, định đục cho chìm thuyền của Trương Vô Kỵ. May là Tử Sam Long Vương nhìn thấy những bọt hơi của bọn người lặn dưới nước nhảy xuống biển giết được sáu tên, lại còn bắt sống một đứa.
Bà ta đang định tra hỏi gã Ba Tư bỗng nghe một tiếng nổ lớn nơi đuôi thuyền, khói đen bốc lên. Chiếc thuyền chòng chành như trúng phải đạn đại bác, đuôi thuyền gỗ bay tứ tán. Bọn Trương Vô Kỵ thấy một làn hơi nóng phả vào mặt, vội vàng nằm phục xuống.
Đại Ỷ Ti kêu lên:
- Bọn này gian ác thật.
Bà ta chạy ra khoang sau thấy đuôi thuyền bị thủng một lỗ lớn, chiếc bánh lái đã bay mất không biết nơi đâu, nước biển theo lỗ thủng đổ vào ào ào. Đại Ỷ Ti dùng tiếng Ba Tư hỏi gã bị bắt mấy câu rồi giơ tay lên đập xuống, đầu gã nát bấy, giơ chân đá luôn xuống biển nói:
- Tôi chỉ tưởng họ toan đục thuyền, đâu có ngờ họ lại buộc thuốc nổ vào bánh lái.
Bấy giờ chiếc thuyền của bọn Công Đức Vương đi đã xa, Đại Ỷ Ti dù bơi có giỏi thế nào chăng nữa cũng không thể nào đuổi kịp. Cả bọn yên lặng nhìn nhau, đành bó tay không làm gì khác được. Triệu Mẫn buồn bã đưa mắt nhìn Trương Vô Kỵ, nghĩ thầm: “Thuyền địch chẳng mấy chốc sẽ đuổi đến nơi, mình thật chết không có đất mà chôn”.
Chiếc thuyền đó thân thật lớn, trong một giờ một khắc chưa thể nào chìm hết được. Ngay lúc đó, Đại Ỷ Ti bỗng quay sang xí xố nói với Tiểu Siêu mấy câu tiếng Ba Tư, Tiểu Siêu cũng dùng tiếng Ba Tư đáp lại, hai người một hỏi một trả lời, thần sắc biến đổi bất định. Chỉ thấy Tiểu Siêu đưa mắt nhìn Trương Vô Kỵ, đôi má ửng hồng cực kỳ e thẹn. Đại Ỷ Ti lại gay gắt hỏi dồn. Hai người nói chuyện thật lâu, dường như tranh biện chuyện gì, về sau Đại Ỷ Ti lại như khuyên nhủ Tiểu Siêu nhận lời làm việc gì đó, nhưng nàng chỉ nhất quyết lắc đầu không chịu. Sau cùng nàng đưa mắt nhìn Trương Vô Kỵ, thở dài một tiếng, nói vài ba câu. Đại Ỷ Ti giang tay ôm nàng vào lòng không ngừng hôn hít cô gái, hai người nước mắt cùng chảy xuống như mưa. Tiểu Siêu thút thít khóc mãi không thôi, còn Đại Ỷ Ti thì ngọt ngào an ủi nàng.
Trương Vô Kỵ, Triệu Mẫn, Chu Chỉ Nhược ba người ngơ ngác, không hiểu chuyện gì. Triệu Mẫn ghé tai Trương Vô Kỵ nói nhỏ:
- Anh xem, hai người trông giống nhau quá.
Trương Vô Kỵ bàng hoàng, thấy Đại Ỷ Ti và Tiểu Siêu cùng có bộ mặt trái soan cực kỳ thanh tú, mũi cao da trắng, ánh mắt long lanh, khuôn mặt phải giống nhau đến sáu bảy phần. Có điều khuôn mặt Tiểu Siêu, nét người Hồ Ba Tư chỉ còn còn loáng thoáng, còn Đại Ỷ Ti thoạt nhìn là biết ngay không phải người Trung Thổ. Chàng nhớ lại khổ đầu đà Phạm Dao khi ở tiểu điếm nơi Đại Đô khi thấy Tiểu Siêu đã nói mấy câu: “Giống quá, giống quá”, thì ra giống đây là nói Tiểu Siêu giống Tử Sam Long Vương. Vậy Tiểu Siêu là em gái bà ta chăng? Hay là con ruột?
Trương Vô Kỵ lại nghĩ ngay đến cha con Dương Tiêu, Dương Bất Hối lúc nào cũng đề phòng Tiểu Siêu, mỗi khi chàng hỏi tại sao lại đối với một cô bé con mà có phần ngại ngùng như đối phó với đại địch, Dương Tiêu chỉ trả lời rất mù mờ. Bây giờ chàng mới rõ ràng, Dương Tiêu cũng nhìn thấy dung mạo Tiểu Siêu giống Tử Sam Long Vương, có điều không có chứng cớ, lại thấy Trương Vô Kỵ có ý bênh vực cô ta thành thử không tiện nói thẳng. Đến như Tiểu Siêu cố ý méo mồm, nhăn mũi cố ý giả làm một cô gái xấu xí, cũng là cốt để che đậy đấy thôi.
Đột nhiên chàng nghĩ ra một việc: “Tiểu Siêu trà trộn lên Quang Minh Đính để làm gì? Sao nàng lại biết được cửa ra vào bí đạo, hẳn là do Tử Sam Long Vương sai nàng đến, cốt để đánh cắp Càn Khôn Đại Na Di tâm pháp. Nàng chịu làm một tì nữ hầu hạ ta, chung sống với nhau đến cả hai năm qua, ta có bao giờ đề phòng đâu, pho tâm pháp này chính nàng đã đọc qua rồi, sau này nếu như có sao lại, thật dễ dàng như lấy đồ trong túi. Chao ôi! Ta vẫn tưởng nàng là một cô bé ngây thơ, ngờ đâu nàng cũng đầu những mưu mô tâm kế. Hai năm qua ta khác gì người trong mộng, sa vào bẫy của nàng mà có biết gì đâu! Trương Vô Kỵ ơi là Trương Vô Kỵ, ngươi vốn cả tin người, đâu đâu cũng bị người ta lừa dối, đến ngay một con tiểu a đầu cũng đem ngươi ra đùa trên tay được”. Chàng nghĩ đến đây, không khỏi trào lên một nỗi căm ghét.
Ngay lúc đó, Tiểu Siêu lại đưa mắt nhìn chàng. Trương Vô Kỵ thấy trong ánh mắt nàng nhu tình vô hạn, không thể nào bảo là giả dối được, trong lòng bỗng nổi lên một nỗi dạt dào, nghĩ đến khi chiến đấu với lục đại môn phái trên Quang Minh Đính, nàng đã xả thân bảo vệ cho mình, hai năm qua chăm chút hầu hạ, mình nghi ngờ nàng như thế không oan uổng lắm sao? Chàng còn đang ngần ngừ, chiếc thuyền lắc mạnh một cái, chìm xuống thêm một khoảng lớn.
Đại Ỷ Ti nói:
- Trương giáo chủ, các vị không việc gì phải kinh hoàng. Đợi thuyền của người Ba Tư tới đây, tôi và Tiểu Siêu ắt có biện pháp đối phó. Tử Sam Long Vương tuy là phận nữ nhi nhưng cũng biết ai làm người ấy chịu, không dám để cho quí vị bị liên lụy đâu. Trương giáo chủ và Tạ tam ca đãi tôi ơn nặng tày non, Đại Ỷ Ti lúc này xin được cảm tạ.
Nói xong bà ta phục xuống lạy, Trương Vô Kỵ và Tạ Tốn vội vàng hoàn lễ, nghĩ thầm: “Bọn người Ba Tư hành sự độc ác, thể nào cũng đem bà ta ra thiêu sống, chắc cũng không tha gì bọn mình”.
Chiếc thuyền vẫn từ từ chìm xuống, nước đã vào đến trong khoang. Trương Vô Kỵ ôm Ân Ly, Chu Chỉ Nhược ôm Triệu Mẫn, cùng trèo lên đà cột buồm. Tiểu Siêu bỗng chỉ tay về hướng đông, khóc òa lên. Mọi người nhìn theo hướng tay nàng, thấy tận tít mù khơi những cánh buồm lấm chấm. Một hồi lâu sau, bóng những chiếc buồm đó lớn dần, chính là hơn một chục chiếc thuyền lớn của Ba Tư đã đuổi tới.
Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: “Nếu như ta là Đại Ỷ Ti, thà rằng nhảy xuống biển chết còn hơn là chịu bị bắt đem hỏa thiêu”. Tuy nhiên thần sắc bà ta vẫn bình tĩnh thản nhiên, không có vẻ gì kinh hãi chàng không khỏi bội phục: “Bà ta đứng đầu trong tứ đại pháp vương, quả không phải tầm thường. Nghĩ lại năm xưa Ưng Vương, Sư Vương, Bức Vương là những hào kiệt lớn tuổi đã thành danh, còn bà ta chỉ là một cô gái trẻ măng, vậy mà lại đứng trên cả ba người, đâu phải chỉ vì công lao một ngày mà được, cũng phải có chỗ hơn người”.
Khi thấy đoàn thuyền Ba Tư mỗi lúc một gần, chàng nghĩ thầm: “Ta đắc tội với các Bảo Thụ Vương không phải nhỏ, nếu rơi vào tay họ thì khó mà mong sống được. Chỉ có điều phải nghĩ cách làm sao để nghĩa phụ, Triệu cô nương, Chu Chỉ Nhược, biểu muội được an toàn. Tiểu Siêu hỡi Tiểu Siêu, ôi! Thà rằng để em đối với ta bất nghĩa chứ không thể nào ta đối với em bất nhân”.
Đoàn thuyền Ba Tư tới gần, các khẩu đại pháo trên thuyền đều chĩa thẳng vào cột buồm chiếc thuyền đang chìm, khi còn cách chừng hai chục trượng thì lập tức hạ buồm thả neo. Trí Tuệ Vương cười ha hả cực kỳ đắc ý, kêu lên:
- Chúng mày có chịu hàng chưa?
Trương Vô Kỵ lớn tiếng nói:
- Nghĩa sĩ Trung Thổ, thà chết không khuất phục, sao lại đầu hàng? Ngươi có giỏi thì dùng võ công xem ai hơn ai thua nào.
Trí Tuệ Vương cười nói:
- Đại trượng phu đấu trí không đấu sức, mau mau đưa tay chịu trói đi.
Đại Ỷ Ti bỗng nhiên lớn tiếng nói mấy câu tiếng Ba Tư, giọng nói hết sức nghiêm chính. Trí Tuệ Vương ngạc nhiên, cũng đáp lại bằng tiếng Ba Tư. Hai người nói qua nói lại đến hơn chục câu, rồi gã Đại Thánh Vương cũng chen vào hỏi thêm. Nói thêm mấy câu nữa, thuyền lớn liền thả xuống một chiếc thuyền nhỏ, có tám tên thủy thủy chèo thuyền, bơi qua. Đại Ỷ Ti nói:
- Trương giáo chủ, tôi và Tiểu Siêu qua bên kia trước, xin quí vị chờ đây giây lát.
Tạ Tốn gằn giọng nói:
- Hàn phu nhân, Minh giáo Trung Thổ đãi bà không bạc. Hưng suy an nguy của bản giáo đều ở một mình Vô Kỵ mà thôi, nếu bà bán rẻ chúng tôi, cái mạng Tạ Tốn này không đáng nói, thế nhưng nếu như hại đến một cái lông, sợi tóc của Vô Kỵ, Tạ Tốn dẫu thành ma cũng không tha cho bà đâu.
Đại Ỷ Ti cười khẩy nói:
- Con nuôi ông là vàng là ngọc, còn con gái tôi thì là đất là bùn hay sao?
Nói xong cầm tay Tiểu Siêu, nhẹ nhàng nhẩy một cái rơi ngay xuống chiếc thuyền con. Tám tên thủy thủ chèo nhanh như bay, quay về thuyền của người Ba Tư. Mọi người nghe bà ta nói câu đó, đều ngạc nhiên. Triệu Mẫn nói:
- Tiểu Siêu quả đúng là con gái bà ta.
Nhìn theo xa xa thấy Đại Ỷ Ti và Tiểu Siêu lên chiếc thuyền lớn, đứng ở đầu thuyền, cùng các Bảo Thụ Vương nói chuyện, còn chiếc thuyền của mình vẫn chìm dần, chiếc cột buồm từng tấc, từng tấc từ từ hạ xuống.
Tạ Tốn thở dài:
- Không phải người cùng chủng tộc với mình, tâm hồn cũng khác xa. Vô Kỵ con ơi, ta quen nhầm Hàn phu nhân, còn con thì quen nhầm Tiểu Siêu. Vô Kỵ, đại trượng phu lúc co lúc duỗi, mình cố gắng chịu đựng cái nhục nhất thời, để tìm cách chạy trốn. Trên vai con đảm đương gánh nặng, nghìn vạn dân trăm họ Trung Nguyên, ai ai cũng mong Minh giáo phất ngọn nghĩa kỳ, khu trừ Thát tử. Khi nào thời cơ đến, con cứ một mình thoát thân, đừng phải lo gì cho ai cả. Con đứng đầu của một giáo phái, nặng nhẹ lớn bé phải biết phân biện cho rõ ràng.
Trương Vô Kỵ còn trầm ngâm chưa trả lời, Triệu Mẫn đã hứ một tiếng nói:
- Cái mạng mình còn lo chưa xong, nói gì Thát tử với không Thát tử. Ông bảo người Mông Cổ tốt hay người Ba Tư tốt?
Chu Chỉ Nhược từ nãy vẫn không nói năng gì đột nhiên chen vào:
- Tiểu Siêu đối với Trương công tử tình ý thâm trọng, quyết không thể nào phản bội mình đâu.
Triệu Mẫn nói:
- Thế cô không thấy Tử Sam Long Vương nằng nặc bức bách cô ta hay sao? Tiểu Siêu lúc đầu không chịu, nhưng sau bị ép quá, rồi cũng phải chịu, còn giả vờ khóc lóc một hồi nữa.
Lúc này cột buồm chỉ còn cách mặt biển chừng hơn một trượng, mỗi lần sóng biển tạt vào, nước bắn lên khiến ai nấy mặt mày ướt đẫm. Triệu Mẫn đột nhiên cười nói:
- Trương công tử, cả bọn cùng chàng chết chung một chỗ càng tốt. Tiểu Siêu gian trá âm hiểm nên không được chết chung với chúng mình.
Câu nói đó vốn là một câu nói đùa, nhưng bên trong tình nghĩa thật triền miên. Trương Vô Kỵ nghe thật cảm động, nghĩ thầm: “Ta không lấy được tất cả một lượt, nhưng cùng ba cô chết chung một chỗ, cũng không uổng chút nào”. Chàng quay lại nhìn Triệu Mẫn, rồi lại nhìn Chu Chỉ Nhược, rồi nhìn xuống Ân Ly trong lòng mình. Ân Ly lúc này vẫn hôn mê chưa tỉnh, còn Triệu Chu hai nàng má đỏ hồng, thêm những giọt nước lấm tấm trên mặt chẳng khác gì những giọt sương trên bông hoa buổi sớm, nàng họ Triệu tươi tắn như nụ hồng, còn nàng họ Chu tú lệ như chi lan, khiến đột nhiên chàng thấy trong lòng thật bình an vui sướng.
Bỗng thấy trên hơn một chục chiếc thuyền Ba Tư tiếng hoan hô vang dậy. Cả bọn Trương Vô Kỵ giật mình, cùng chăm chú nhìn qua thấy trên tất cả mọi chiếc thuyền người Ba Tư đều quì phục xuống sàn, hướng về chiếc thuyền lớn hành lễ. Trên chiếc thuyền lớn các Bảo Thụ Vương cũng quì xuống tại đầu thuyền, chính giữa một người ngồi trên ghế, trông hình như là Tiểu Siêu nhưng vì quá xa nên nhìn không rõ. Cả bọn kinh nghi bất định, không biết bọn người Ba Tư đang làm trò quái quỉ gì. Bọn người Hồ hoan hô một chặp rồi đứng cả lên nhưng vẫn không ngừng xí xố, giọng điệu cực kỳ sung sướng, dường như có chuyện gì thật vui mừng.
Một lúc sau, chiếc thuyền nhỏ lại quay lại, trong thuyền ngồi chính là Tiểu Siêu. Nàng vẫy tay nói:
- Trương công tử, xin tất cả các vị cùng lên chiếc thuyền lớn. Minh giáo Ba Tư quyết không làm hại các vị đâu.
Triệu Mẫn hỏi lại:
- Sao vậy?
Tiểu Siêu đáp:
- Các vị qua rồi sẽ biết. Nếu như có ý làm hại thì Tiểu Siêu ăn nói làm sao với Trương công tử?
Tạ Tốn đột nhiên hỏi:
- Tiểu Siêu, cô lên làm giáo chủ của Minh giáo Ba Tư, phải không?
Tiểu Siêu cúi đầu không trả lời. Một lúc sau, đôi mắt to ứa ra hai hàng lệ trong như ngọc. Ngay khi đó, tai Vô Kỵ bỗng ù đi, mọi việc tiền nhân hậu quả chàng cũng đoán được bảy tám phần, trong lòng cực kỳ đau đớn, lại vô cùng cảm kích, nói:
- Tiểu Siêu, mọi sự em gánh chịu chẳng qua cũng chỉ vì tôi.
Tiểu Siêu nghiêng đầu qua, không dám nhìn thẳng vào mặt chàng. Tạ Tốn thở dài:
- Đại Ỷ Ti có đứa con như thế, không hổ cho anh danh một đời của Tử Sam Long Vương. Vô Kỵ, thôi mình qua đi.
Nói xong ông nhảy xuống thuyền trước. Kế đến Chu Chỉ Nhược bồng Ân Ly nhảy xuống theo, Trương Vô Kỵ cũng ôm Triệu Mẫn xuống thuyền.
Tám tên thủy thủ quay thuyền lại, bơi về hướng chiếc thuyền lớn. Khi còn cách chiếc thuyền chừng mươi trượng, các Bảo Thụ Vương đã cùng khom mình nghinh tiếp giáo chủ. Tất cả lên trên đại hạm rồi, Tiểu Siêu dặn dò mấy câu, lập tức có người cung kính dâng lên khăn lau mặt, đồ ăn rồi dẫn mọi người vào phòng thay quần áo ướt.
Trương Vô Kỵ thấy căn phòng chàng vào cực kỳ rộng rãi, trong phòng đầy ngọc ngà châu báu, bày biện thật nhiều đồ quí giá, còn đang lau người nghe kẹt một tiếng cửa phòng mở ra, một người tiến vào chính là Tiểu Siêu. Nàng cầm trên tay một chiếc quần lót, một trường bào nói:
- Công tử, để em hầu chàng thay quần áo.
Trương Vô Kỵ trong lòng chua xót, nói:
- Tiểu Siêu, em bây giờ giáo chủ của tổng giáo rồi, nói đúng ra tôi còn ở dưới quyền em nữa, việc gì phải làm những việc này?
Tiểu Siêu năn nỉ:
- Công tử, đây là lần cuối cùng. Từ nay hai đứa mình đông tây xa xôi vạn dặm, không biết có còn bao giờ gặp lại nhau không, dẫu em có muốn hầu hạ chàng một lần nữa, cũng không còn được.
Trương Vô Kỵ đau lòng không nói nên lời, chỉ đành để nàng như vẫn thường làm, thay áo, cài khuy, thắt dây lưng, rồi lấy chiếc lược ra chải đầu cho chàng.
Trương Vô Kỵ thấy nàng nước mắt rưng rưng, đột nhiên trong lòng khích động, giơ tay ôm tấm thân thon nhỏ của cô gái vào lòng. Tiểu Siêu “A” lên một tiếng, thân thể run rẩy, Trương Vô Kỵ hôn lên trên đôi môi nàng một cái, nói:
- Tiểu Siêu, lúc đầu tôi lại tưởng em lừa dối tôi, đâu có ngờ em đối với tôi sâu đậm đến thế.
Tiểu Siêu nép đầu vào bộ ngực nở nang của Vô Kỵ, nói nhỏ:
- Công tử, lúc đầu em quả có lừa dối chàng thật. Mẹ em vốn là một trong ba thánh nữ của tổng giáo, được phái sang Trung Thổ tích lập công đức để rồi trở về Ba Tư, tiếp nhiệm chức vụ giáo chủ. Ngờ đâu mẹ em gặp cha em rồi, tình ý không dứt ra được nữa, đành phải phản giáo để cùng cha em thành hôn. Mẹ em biết tội mình rất nặng, nên đem chiếc nhẫn thánh xử nữ bằng bảo thạch bảy màu truyền lại cho em, sai em trà trộn lên Quang Minh Đính ăn trộm Càn Khôn Đại Na Di tâm pháp. Công tử, chuyện đó em đã dấu chàng nhưng trong lòng em, em chưa bao giờ làm điều gì không phải với anh. Em đã nguyện rằng em chẳng màng chức vụ giáo chủ Minh giáo Ba Tư, chỉ mong được làm một đứa tôi đòi, cả đời hầu hạ anh, vĩnh viễn không bao giờ xa anh thôi. Em cũng đã từng nói cho chàng hay rồi, có phải không? Chàng cũng đã bằng lòng như thế, có phải không?
Trương Vô Kỵ gật đầu, ôm tấm thân nhỏ nhắn của Tiểu Siêu để lên lòng, lại cúi xuống hôn nàng lần nữa. Đôi môi mềm mại của cô gái ướt đẫm nước mắt, vừa ngọt ngào, vừa cay đắng. Tiểu Siêu lại nói:
- Em đã nhớ hết Càn Khôn Đại Na Di tâm pháp nhưng quyết không vì có lòng phản bội anh. Nếu không phải vì ngày hôm nay ở vào đường cùng, em chẳng bao giờ nói ra cả ...
Trương Vô Kỵ nhẹ nhàng nói:
- Bây giờ thì anh biết rồi.
Tiểu Siêu ngậm ngùi nói tiếp:
- Khi em còn bé, thấy mẹ em ngày đêm không an, lúc nào cũng sợ hãi, cố gắng che dấu dung nhan của mình, hóa tang thành một bà già xấu xí. Mẹ em lại không cho em được ở gần, đem gửi một người khác nuôi, hai ba năm mới đến gặp em một lần. Lúc đó em cũng đã hiểu rồi, mẹ em cực kỳ mạo hiểm để cùng cha em thành hôn. Công tử, nếu như hôm nay không gặp chuyện thế này, chẳng nói chức vụ giáo chủ, ngay cả làm nữ hoàng toàn thế giới em cũng chẳng màng.
Nói đến đây hai má nàng đỏ hồng lên như bốc lửa. Trương Vô Kỵ thấy người con gái chàng đang ôm trong tay người nóng rực lên, trong lòng xúc động, bỗng nghe tiếng của Đại Ỷ Ti từ ngoài vọng vào:
- Tiểu Siêu, nếu con không khắc chế được tình dục, ấy là làm hại tính mệnh của Trương công tử đó.
Thân hình Tiểu Siêu run lên, nàng vội trườn ra ngoài nói:
- Công tử, từ nay trở đi chàng đừng nhớ tới em làm gì. Ân cô nương theo mẹ em lâu ngày, đối với chàng tình thật sâu đậm, quả xứng đôi vừa lứa với anh.
Trương Vô Kỵ nói nhỏ:
- Bọn mình tấn công ra, bắt giữ một hai Bảo Thụ Vương, ép họ phải thả mình về đảo Linh Xà.
Tiểu Siêu buồn bã lắc đầu nói:
- Lần này họ có kinh nghiệm rồi, Tạ đại hiệp, Ân cô nương tất cả mọi người đều có người Ba Tư kề dao vào cổ, mình chỉ động đậy, là họ lập tức giết ngay.
Nói xong nàng mở cửa khoang ra, thấy Đại Ỷ Ti đứng tại bên ngoài, hai người Ba Tư cầm trường kiếm đứng ngay sau lưng. Hai người đó khom lưng chào Tiểu Siêu, nhưng mũi kiếm vẫn để ngay lưng Đại Ỷ Ti không rời.
Tiểu Siêu ngang nhiên đi tới trên sàn, Trương Vô Kỵ đi theo phía sau, quả nhiên thấy Tạ Tốn cả bọn đều có võ sĩ Ba Tư đứng sau lưng cầm kiếm uy hiếp. Tiểu Siêu nói:
- Công tử, ở đây có linh dược trị thương của Ba Tư, chàng lấy mà chữa cho Ân cô nương.
Nói xong dùng tiếng Ba Tư dặn dò mấy câu, Công Đức Vương liền lấy ra một bình thuốc cao đưa cho Trương Vô Kỵ. Tiểu Siêu lại nói:
- Em ra lệnh cho người đưa các vị về Trung Thổ, thôi mình từ biệt nhau nơi đây. Tiểu Siêu thân ở Ba Tư nhưng ngày ngày cầu cho công tử được phúc thể khang ninh, mọi việc như ý.
Nàng nói nhưng giọng nghẹn ngào, Trương Vô Kỵ nói:
- Em ở nơi hang hùm miệng sói, mọi việc nên cẩn thận.
Tiểu Siêu gật đầu ra lệnh cho thuộc hạ chuẩn bị thuyền bè. Tạ Tốn, Ân Ly, Triệu Mẫn, Chu Chỉ Nhược từng người đi qua. Tiểu Siêu đem đao Đồ Long và kiếm Ỷ Thiên giao lại cho Trương Vô Kỵ, nở một nụ cười tê tái, giơ tay vẫy chào.
Trương Vô Kỵ không biết phải nói sao, chỉ đứng xuất thần giây lát rồi nhảy lên thuyền. Chiếc thuyền lớn của Tiểu Siêu đang đứng có tiếng tù và u u vang động, hai bên cùng giương buồm lên, mỗi lúc một xa dần. Thế nhưng vẫn thấy Tiểu Siêu đứng ở đầu thuyền, đăm đăm nhìn về hướng Trương Vô Kỵ. Khoảng biển giữa hai người càng lúc càng xa, chiếc thuyền của nàng chỉ còn là một cái chấm nhỏ, sau cùng biển cả mênh mông, tiếng gió thổi vào buồm tưởng như mang theo cả tiếng ai nức nở, nghẹn ngào.
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Nga Mặc đây là Omar Khayyam, một thi sĩ, toán học gia, thiên văn gia, triết gia rất nổi tiếng của Ba Tư (1048-1131 - trong Encyclopeadia Britannica viết là 1122). Có thể nói ông là một nhà bác học lỗi lạc và nhiều công trình thiên văn chính xác đến mức chúng ta ngày nay phải kinh ngạc. Ông được Ni Nhược Mâu (Nizam al-Mulk) là quốc sư của vua Malik-Shah, mời về triều, được nhà vua đặt trông coi và thiết lập một đài thiên văn để tính toán lịch số. Sau khi Nizam al-Mulk bị ám sát chết trên đường đi từ kinh đô Esfahan đến Baghdad năm 1092, Omar Khayyam bị thất sủng. Tác phẩm của Omar Khayyam được dịch ra nhiều thứ tiếng và bản tiếng Anh do Edward FitzGerald (1859) rất nổi tiếng. Thơ của ông làm theo thể tứ tuyệt (bốn câu hay quatrain) nay còn lưu truyền khoảng 250 bài.
Về cái chết của Nizam al-Mulk, sách vở chép là do nhóm khủng bố Ismailiyah (Y Tư Mỹ Lương) nhưng cũng có nơi cho là do âm mưu của vợ ông vì con trai bà không được chỉ định làm người thừa kế. Nhóm khủng bố Ismailiyah này có nhiều chi phái, trong đó một nhóm Hồi giáo ly khai cực đoan từ Ai Cập truyền tới Ba Tư do Hasan-e Sabbah (Thôi Sơn 1034-1124) lãnh đạo đã có thời đã kiểm soát một khu vực rộng lớn trong dãy núi Elburz giữa Iran và Syria, có ảnh hưởng mạnh trong tầng lớp thợ thuyền và dân lao động. Hasan có biệt danh là Old Man of the Mountains mà Kim Dung dịch là Sơn Trung Lão Nhân được sử sách kể là dùng môt loại cây có chất ma túy tên là hashish khiến người dùng nó có ảo giác để mê hoặc những đồng đảng. Người được lệnh đi thi hành việc ám sát được gọi là Hashshashin (người hút hashish) và chữ này đã biến thành chữ assassin trong tiếng Anh. Nhóm này đóng một vai trò quan trọng cho tới tận thế kỷ thứ 13 thì bị người Mông Cổ tiêu diệt. Hiện nay vẫn còn một số ít người thuộc nhóm khủng bố này sống ở Trung Á.
Về việc nhóm này ám sát vua Edward nước Anh, người dịch chưa tìm ra tài liệu vì trong suốt lịch sử Anh quốc có rất nhiều vua tên Edward và không có vua nào cùng thời với Hasan cả.
[2] Lăng ba tiên tử mô tả một nàng tiên trên mặt sóng nhưng nghĩa bóng cũng ám chỉ môt đóa sen lay động trên mặt nước
[3] học giả chuyên nghiên cứu kinh điển
[4] Đoạn này tác giả cố ý để Trí Tuệ Vương dẫn một số câu trong Luận Ngữ lại bắt chước Triệu Mẫn nhầm chữ nọ qua chữ kia. Nguyên câu của Khổng Tử là: Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ. Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ có nghĩa là: Có bạn từ xa đến chơi, chẳng sướng lắm sao. Học mà được làm những điều mình đã học, chẳng sướng lắm sao. Tác giả viết rất hoạt kê để cho một người ngoại quốc nói tiếng Hán có nhiều điều nhầm lẫn, lời lẽ thô lỗ.