Trời xanh se một chữ duyên,
Thiên Thai trước mặt, Đào Nguyên trong lòng.
Theo chàng phận gái chữ tòng,
Nguyện rằng sống chết sẽ cùng bên nhau.
Trương Thúy Sơn tay trái vung ngân câu ra, móc vào băng sơn, mượn sức nhảy về, nghĩ bụng Ân Tố Tố ắt đã bị rơi vào tay Tạ Tốn, không ngờ dưới ánh trăng lạnh, chỉ thấy Tạ Tốn hai tay ôm mắt, rên rỉ còn Ân Tố Tố đang nằm phục trên mặt băng.
Trương Thúy Sơn vội chạy tới đỡ nàng dậy, Ân Tố Tố nói nhỏ:
- Em? em bắn trúng mắt y?
Câu nói chưa dứt, Tạ Tốn rống lên một tiếng, xông lại. Trương Thúy Sơn ôm lấy Ân Tố Tố cùng lăn luôn mấy vòng, tránh ra chỗ khác, bỗng nghe thấy tiếng ầm ầm vang dội, Tạ Tốn đang giơ lang nha bổng đánh vào băng sơn. Y vứt lang nha bổng xuống, hai tay nâng một khối băng lớn ước chừng hơn trăm cân, nghiêng đầu nghe ngóng, rồi ném về phía Trương Ân hai người.
Ân Tố Tố muốn đứng lên chạy trốn, nhưng Trương Thúy Sơn đã đẩy lưng nàng, hai người cùng núp vào một cái hốc nước đá, không dám thở mạnh. Tạ Tốn ném khối băng xong, đứng yên không động đậy, cố tìm nơi hai người ẩn náu. Trương Thúy Sơn thấy mắt y chảy hai dòng máu tươi, biết rằng Ân Tố Tố trong khi nguy cấp đã bắn ngân châm, Tạ Tốn lúc đó thần trí hôn mê không kịp đề phòng, hai mắt trúng kim thành mù.
Thế nhưng thính giác y cực kỳ linh mẫn, chỉ cần một tiếng động nhỏ, cũng đủ khiến y chồm tới, hậu quả ra sao thật khó lường. Cũng may trên biển còn có sóng ỳ ầm, gió lại mạnh, thêm băng đá chạm nhau leng keng, nên hơi thở của hai người bị át hết, nếu không khó mà thoát khỏi độc thủ của y.
Tạ Tốn nghe ngóng một hồi, trong tiếng sóng, tiếng gió, tiếng băng chạm nhau không tìm được chỗ hai người đang trốn, nhưng hai mắt đau nhức, trước mắt chỉ một màu tối đen, vừa giận dữ vừa sợ hãi, dậm chân kêu hú một tiếng, tay đánh chân đá hỗn loạn vào băng sơn, rồi cầm các tảng băng ném ra tứ tán, nghe bình bình liên thanh, vang vọng bất tuyệt. Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố hai người nép vào với nhau, sợ mặt cắt không còn hột máu, trên đầu vô số cục băng bay vèo vèo, chỉ trúng một mảnh thôi cũng đủ táng mạng.
Trận ném đá của Tạ Tốn tuy chỉ chừng nửa giờ nhưng Trương Ân hai người tưởng chừng kéo dài một năm. Tạ Tốn ném băng không hiệu quả, bỗng dưng ngừng tay, ôn tồn nói:
- Trương tướng công, Ân cô nương, tôi nhất thời hồ đồ, bệnh điên phát tác, khiến cho mạo phạm, xin hai vị tha lỗi cho.
Câu đó thật là khiêm hòa, lễ độ trở lại thần thái bình thường của y. Y nói xong, ngồi trên phiến băng, chờ hai người lên tiếng.
Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố trong tình cảnh này, đâu dám trả lời. Tạ Tốn nói mấy lần, không thấy hai người đáp lại, liền đứng thẳng lên, thở dài một tiếng, nói:
- Hai vị nếu không tha thứ , tôi không còn cách nào khác.
Nói xong y hít mạnh một hơi. Trương Thúy Sơn bỗng giật mình, nhớ lại lúc y cất tiếng hú tại Vương Bàn Sơn đảo làm mọi người ngã gục, trước khi ra tay cũng thở mạnh một hơi như thế này. Hai mắt y tuy mù, tiếng hú chế ngự địch của y nào có gì khác. Lúc này nguy cơ đến ngay tức thì, muốn xé áo nhét kín hai tai, cũng đã muộn. Chàng không kịp nghĩ ngợi, vội ôm Ân Tố Tố nhảy ùm xuống bể.
Ân Tố Tố chưa rõ việc gì, tiếng hú của Tạ Tốn đã cất lên. Trương Thúy Sơn ôm nàng vội vàng lặn xuống, nước lạnh thấu xương ngập hết cả đầu, nên cũng che kín luôn tai. Tay trái Trương Thúy Sơn cầm ngân câu móc vào băng sơn, tay phải chàng ôm Ân Tố Tố, trừ bàn tay trái thò ra ngoài, toàn thân hai người đều chìm dưới nước. Tuy vậy hai người vẫn nghe văng vẳng tiếng hú của Tạ Tốn.
Băng sơn vẫn tiếp tục trôi về hướng bắc, mang theo cả hai người ở bên dưới. Trương Thúy Sơn thấy mình vẫn còn may, nếu như không mất bút thép mà lại mất ngân câu, dẫu hai người có chạy khỏi tiếng hú của Tạ Tốn, thì cũng chết đuối trong biển cả.
Lâu lâu một lần, hai người thò miệng ra ngoài mặt nước, hít một hơi, nhưng hai tai vẫn chìm trong nước, sáu bảy phen như thế, tiếng hú của Tạ Tốn mới ngừng. Mỗi lần hú nội lực tiêu hao rất nhiều, nên y thấy uể oải, không còn hơi sức đâu mà tìm xem Trương Ân chết hay sống, chỉ còn ngồi xuống dưới mặt băng ám điều nội tức. Trương Thúy Sơn giơ tay ra hiệu, hai người lặng lẽ trồi lên băng sơn, nhổ ít lông hải cẩu trên mảnh da thú, nhét chặt vào trong tai, cốt mong sao qua được cơn kiếp nạn.
Trương Ân biết rằng nếu còn ở chung với y trên cùng một băng sơn, chỉ cần một tiếng động nhỏ, lập tức đại họa đến ngay. Hai người mặt mày đăm chiêu, nhìn về hướng tây thấy mặt trời đỏ như máu vẫn chưa chìm xuống dưới mặt biển. Họ đâu biết vùng này gần kề Bắc Cực, thời tiết hoàn toàn thay đổi, nơi đây sáu tháng là ngày liên tiếp, còn sáu tháng kia là đêm tối vô cùng, chỉ thấy mọi sự đều quái dị, nghĩ mình đã đến nơi tận cùng của thế giới.
Ân Tố Tố toàn thân ướt đẫm, lạnh buốt thấu xương, chịu không nổi run lên cầm cập, hai hàm răng đánh vào nhau kêu lách cách. Tạ Tốn dĩ nhiên nghe thấy, y lập tức rống lên, cầm lang nha bổng đánh xuống. Trương Ân đã phòng bị, nhảy qua tránh né, nghe bình một tiếng, bổng đã đánh vào băng sơn. Lực đạo cú đánh đó phải ít nhất bảy tám trăm cân làm vỡ bảy tám miếng lớn, văng cả xuống biển.
Hai người nhìn nhau kinh hãi, thấy Tạ Tốn vũ động lang nha bổng thành hàng nghìn đạo ngân quang, từ từ ép tới. Cái lang nha bổng đó dài đã hơn một trượng, bây giờ múa lên, uy lực bao trùm phải bốn năm trượng chung quanh, hai người tuy nhảy nhót đã nhanh, nhưng cũng không thể nào chạy thoát, chỉ cón cách liên tiếp lùi về sau, lùi một hồi đã đến mép của băng sơn.
Ân Tố Tố kinh hãi kêu lên:
- Ối chà
Trương Thúy Sơn cầm lấy tay nàng, hai chân nhún một cái, nhảy vọt luôn xuống biển. Hai người còn đang ở trên không, nghe thấy tiếng bình bình thật lớn, những mảnh băng đã bắn tới sau lưng, một số mảnh văng trúng nên cảm thấy hơi đau. Trương Thúy Sơn khi nhảy đã nhắm một khối băng to bằng cái bàn, tay trái vung ngân câu ra, móc luôn vào đó. Tạ Tốn nghe thấy tiếng hai người rơi xuống biển, dùng lang nha bổng đánh vỡ băng, cầm ném theo. Nhưng hai mắt y đã mù, Trương Ân hai người trên biển liên tiếp bơi đi, miếng đầu không trúng, những miếng sau cũng đều ra ngoài cả.
Băng sơn trên biển phần trồi lên chỉ là một phần nhỏ của toàn khối, dưới nước là một băng thể thật lớn. Miếng băng Trương Ân hai người nằm phục trên đó là một mảnh băng do Tạ Tốn đánh vỡ ra, nhỏ chưa bằng một phần nghìn của băng sơn, vì thế theo dòng thủy lưu trôi thật nhanh, càng lúc càng xa núi băng nơi Tạ Tốn đang đứng. Đến chiều tối, quay đầu nhìn lại, thân hình Tạ Tốn chỉ còn là một cái chấm nhỏ, còn đại băng sơn vẫn lấp lánh phát quang.
Hai người bám được khối băng này chỉ cốt không bị chìm, nhưng thân mình ở dưới nước không thể nào chịu được lâu. May thay trên đường trôi về phương bắc, họ lại thấy một khối băng sơn nho nhỏ xuất hiện, hai người vội vàng bơi đến gần bám vào leo lên.
Trương Thúy Sơn nói:
- Cứ nói là trời không đưa mình vào tuyệt lộ, nhưng sao mình phải chịu biết bao nhiêu khổ sở, em cảm thấy thế nào?
Ân Tố Tố nói:
- Tiếc là mình không mang theo được chút thịt hải cẩu nào, anh không bị thương chứ?
Hai người nói mà như cho mình nghe, chẳng hiểu bên kia nói gì, chợt hiểu ra vội móc lông hải cẩu trong tai. Thì ra họ ra sức đào thoát, quên cả hai tai vẫn còn bịt chặt.
Hai người thoát được đại nạn, nhu tình trong lòng lại càng tăng lên mãnh liệt. Trương Thúy Sơn nói:
- Tố Tố, hai đứa mình có chết trên núi băng đó, cũng là vĩnh bất phân ly rồi.
Ân Tố Tố đáp:
- Ngũ ca, em có câu muốn hỏi, anh nói thật với em nhé. Ví như hai đứa mình còn ở trên đất liền, không trải qua những nguy nan như bây giờ, nếu em vẫn nhất tâm nhất ý muốn lấy anh, anh có bằng lòng lấy em không?
Trương Thúy Sơn ngẩn người, giơ tay gãi đầu, nói:
- Anh nghĩ rằng mình có lẽ không thân nhau sớm đến thế đâu, lại thêm? lại thêm? nhất định sẽ có rất nhiều trở ngại, gian lao, hai đứa môn phái không đồng?
Ân Tố Tố thở dài, nói:
- Em cũng đã nghĩ như thế. Cho nên hôm anh cùng Tạ Tốn đấu chưởng, mấy lần em định phát xạ ngân trâm trợ lực, nhưng ngần ngừ mãi vẫn không xuất thủ.
Trương Thúy Sơn lạ lùng nói:
- Thế ư, thế là tại sao? Anh lại tưởng em trong đêm tối nhìn không rõ, sợ lỡ trúng anh.
Ân Tố Tố hạ giọng:
- Không phải đâu. Nếu lúc đó đả thương được y, hai đứa mình trở về lục địa, em sợ anh sẽ không ở bên em nữa.
Trương Thúy Sơn trong lòng bồi hồi, kêu lên:
- Tố Tố.
Ân Tố Tố nói tiếp:
- Có thể anh sẽ giận em nhưng lúc đó em chỉ mong được mãi mãi bên anh, hai đứa đến một cái hoang đảo, sống với nhau. Tạ Tốn ép bọn mình đi theo y, chính hợp với tâm nguyện của em.
Trương Thúy Sơn không ngờ nàng lại yêu thương mình sâu đậm đến thế, cảm kích vô hạn, dịu giọng nói:
- Anh không giận em đâu, trái lại còn thương em hơn vì em đối với anh chân tình như thế.
Ân Tố Tố ngả đầu vào ngực Trương Thúy Sơn, ngước lên nhìn vào mắt chàng, nói:
- Ông trời đưa mình đến nơi địa ngục băng giá này, em không những không oán giận, lại càng vui sướng. Em chỉ mong băng sơn này không quay về nam, ồ, nếu có ngày hai đứa mình về lại trung nguyên, sư phụ anh chắc ghét em lắm, còn cha em không chừng lại muốn giết anh?
Trương Thúy Sơn ngạc nhiên:
- Cha em?
Ân Tố Tố đáp:
- Cha em là Bạch Mi Ưng Vương Ân Thiên Chính, tức là giáo chủ sáng lập ra Thiên Ưng giáo.
Trương Thúy Sơn nói:
- Ồ, thì ra là thế. Nhưng không lo, anh và em sẽ đi với nhau, cha em có hung dữ cách mấy, cũng không đến nỗi giết chàng rể của mình.
Ân Tố Tố đôi mắt sáng lên, hai má đỏ bừng, nói:
- Anh nói thế có thật lòng không?
Trương Thúy Sơn nói:
- Hai đứa mình kết thành vợ chồng nhé.
Hai người lập tức cùng quì xuống ngay trên băng sơn. Trương Thúy Sơn cao giọng nói:
- Hoàng thiên ở trên, đệ tử là Trương Thúy Sơn hôm nay cùng Ân Tố Tố kết thành vợ chồng, họa phúc cùng chung, trước sau thề không bao giờ phụ bạc nhau.
Ân Tố Tố cũng kính cẩn khấn nguyện:
- Xin trời phù hộ, cho hai đứa con được sống mãi mãi bên nhau là vợ chồng.
Ngừng lại một chút, nàng tiếp:
- Nếu sau này được về lại trung nguyên, tiểu nữ sẽ cải tà qui chánh, sám hối tội đã qua, theo phu quân làm điều thiện, quyết không giết ai nữa. Nếu vi lời thề, xin trời lẫn người cùng tru diệt.
Trương Thúy Sơn mừng lắm, không ngờ nàng lại thề nguyền như thế, nên vòng tay qua ôm lấy Ân Tố Tố. Hai người tuy bị nước biển làm ướt đẫm, nhưng trong lòng ấm áp phơi phới như gió xuân.
Một lúc lâu sau, cả hai mới nhớ ra là ngày hôm nay chưa ăn gì. Trương Thúy Sơn cầm ngân câu đứng rình tại mép băng sơn, đợi cá bơi gần mặt nước thì móc lên. Cá ở nơi đây vì phải chống lạnh nên thịt dày, nhiều mỡ, tuy ăn sống hơi tanh, nhưng ăn vào tăng khí lực rất nhiều.
Hai người ở trên băng sơn, không có hi vọng gì quay về Trung Thổ, nhưng cũng không lo không buồn. Bây giờ ngày rất dài mà đêm rất ngắn, thực không bình thường, nên không có cách gì tính toàn thời khắc, cũng chẳng biết mặt trời mọc hay lặn bao nhiêu lần.
Một hôm, Ân Tố Tố trông thấy ngay chính hướng bắc có một cột khói bốc lên, sợ hãi mất vía, kêu lên:
- Ngũ ca.
Giơ tay chỉ cột khói đen. Trương Thúy Sơn nửa mừng nửa lo, nói:
- Không lẽ nơi đây cũng có người?
Tuy hai người nhìn thấy khói bay lên, nhưng thực ra còn cách xa lắm. Băng sơn tiếp tục trôi thêm một ngày nữa, vẫn chưa đến gần, nhưng khói đen bốc lên càng lúc càng cao, đến sau trông thấy trong đám khói có thấp thoáng ánh lửa.
Ân Tố Tố hỏi:
- Cái gì đây thế?
Trương Thúy Sơn lắc đầu không trả lời. Ân Tố Tố run run nói:
- Thôi hai đứa mình chắc sắp hết kiếp rồi. Đây là? là cửa địa ngục đó.
Trương Thúy Sơn trong lòng cũng sợ hãi, nhưng cố trấn an nàng:
- Rất có thể nơi đây có người ở, chắc đang đốt lửa trên núi.
Ân Tố Tố nói:
- Đốt củi sao ngọn lửa bốc lên cao thế?
Trương Thúy Sơn thở dài, nói:
- Thôi mình đã đến đây, mọi sự run rủi do trời sắp định. Trời không muốn mình chết rét, lại muốn mình chết thiêu, thì cũng vui vẻ mà chịu.
Nói ra thật lạ, băng sơn hai người đang ở, lại cứ thẳng ngọn lửa mà trôi tới. Trương Ân hai người không hiểu rõ nguyên do, chỉ tin là do trời sắp xếp, dù họa hay phúc, thôi đành chiều theo số mệnh. Họ có biết đâu cột lửa kia là một ngọn hỏa sơn gần Bắc Cực đang hoạt động, lửa phun ra, làm cho nước biển chung quanh nóng lên. Nước nóng chảy về phía nam, dĩ nhiên cuốn các băng sơn từ phương nam lại thế chỗ, vì thế núi băng trôi đến càng lúc càng gần.
Băng sơn trôi thêm một ngày một đêm nữa thì đến dưới chân núi lửa, chung quanh là một vùng cây cối xanh tươi rộng mênh mông, thì ra là một hòn đảo thật lớn. Phía tây hòn đảo là vách đá và những ngọn núi, hình thù quái dị, Trương Thúy Sơn đã đi gần khắp một nửa trung nguyên mà cũng chưa thấy bao giờ. Hai người có biết đâu đây là hỏa sơn, những ngọn núi này đều là phún xuất thạch muôn vạn năm tích lại kết thành. Phía đông là một bình nguyên rộng không biết đâu là bờ là bến, do bụi núi lửa rơi xuống, lấp biển mà nên. Vùng này tuy gần ngay Bắc Cực, nhưng nhò có hỏa sơn hoạt động từ xưa không tắt, trên đảo khí hậu vì thế cũng giống như dẫy núi Trường Bạch hay Hắc Long giang. Trên núi cao có băng tuyết nhưng dưới đồng bằng thì cây cối xanh tươi, tùng xanh bách biếc, cao lớn dị thường, lại có đủ loại kỳ hoa dị thảo mà Trung Quốc không có.
Ân Tố Tố đứng ngắm một hồi lâu, đột nhiên nhảy lên, hai tay ôm cổ Trương Thúy Sơn nói:
- Ngũ ca, hai đứa mình đến núi tiên rồi.
Trương Thúy Sơn trong lòng cũng hết sức vui sướng, ngơ ngơ ngẩn ngẩn không nói nên lời. Lại thấy trên cánh đồng, một bầy mai hoa lộc cúi đầu ăn cỏ. Chàng nhìn bốn bề, ngoài ngọn núi lửa kia ra, tất cả đều yên tĩnh không có gì đáng sợ.
Thế nhưng băng sơn trôi đến gần đảo, bị nước ấm đẩy ra nên lại trôi ra ngoài. Ân Tố Tố vội kêu:
- Chao ôi, chao ôi, đảo tiên lại đi xa rồi.
Trương Thúy Sơn thấy tình hình không xong, nếu không lên đảo, băng sơn sẽ tiếp tục trôi ra ngoài, biết bao giờ mới ngừng. Trong tình hình nguy cấp, chàng vừa chưởng, vừa câu đánh ra, nghe ầm một tiếng đánh vỡ ngay một mảnh băng lớn. Hai người ôm lấy tảng băng, nhảy tòm ngay xuống biển, tay chân quạt mạnh, một hồi sau đã lên được đất liền.
Bầy mai hoa lộc thấy có người đến, giương mắt nhìn, có vẻ hiếu kỳ, nhưng không sợ hãi. Ân Tố Tố rón rén đến gần một con, giơ tay vuốt lưng nó mấy cái, nói:
- Giá có thêm vài con hạc, em nghĩ đây hẳn là Nam Cực tiên cảnh rồi.
Bỗng mặt đất rung rinh, nàng ngã lăn ra. Trương Thúy Sơn kinh hoảng kêu lên:
- Tố Tố.
Chàng vội chạy lại đỡ nàng lên, nhưng mặt đất vẫn lay động, đứng không vững. Chỉ nghe thấy những tiếng ầm ầm, mặt đất rung chuyển, thì ra hỏa sơn lại phun lửa. Hai người ở trên mặt biển trôi nổi mấy mươi ngày, sóng nhồi lên nhồi xuống suốt ngày đêm, nay vừa lên bờ, dưới chân vẫn còn bồng bềnh, mặt đất vừa rung động đã ngã nhào xuống.
Hai người kinh hoảng nhưng không thấy gì xảy ra, mới cùng cười hì hì đứng dậy. Hôm đó hai người mệt lả, nên nằm ngay trên bãi cỏ, ngủ một giấc đến hơn bốn giờ mới dậy.
Khi tỉnh dậy, mặt trời vẫn chưa qua khỏi núi, Trương Thúy Sơn nói:
- Hai đứa mình đi vòng quanh xem thế nào. Tuy không thấy người ở nhưng biết đâu chẳng có độc trùng mãnh thú gì chăng.
Ân Tố Tố nói:
- Chỉ cần xem đàn mai hoa lộc này hiền từ như thế, đủ biết trên đảo tiên này thật là thái bình.
Trương Thúy Sơn cười:
- Cũng mong được như thế. Vậy hai đứa mình đi bái yết những vị tiên ở đây vậy.
Dù ở trên băng sơn, Ân Tố Tố vẫn để ý đến dung nhan phục sức, quần áo vẫn chỉnh tề, bây giờ lên đảo lại càng kỹ lưỡng săm soi bề ngoài. Nàng sửa lại y trang, chải đầu cho Trương Thúy Sơn, sau đó mới đi ra ngoài xem xét phong cảnh.
Ân Tố Tố tay cầm trường kiếm, còn Trương Thúy Sơn đã mất thiết bút nên chặt tạm một cành cây chắc chắn thay vào. Hai người thi triển khinh công, chạy từ nam lên bắc đến mười dặm. Mãi đến bây giờ mới có được một khoảng đất rộng để vùng vẫy, họ sung sướng không sao kể xiết. Khắp nơi, ngoài những gò thấp và cây cao, tất cả đều là bình nguyên, kỳ hoa dị thảo. Thỉnh thoảng có những loài chim đẹp đẽ, những con thú nhỏ, xem ra không làm hại đến người.
Hai người đi qua một khu rừng lớn, thấy ở phía tây bắc có một ngọn núi đá, dưới chân có một cái hang. Ân Tố Tố kêu lên:
- Chỗ này thật là tuyệt.
Vội vàng vượt lên trước chạy ngay tới. Trương Thúy Sơn kêu lên:
- Coi chừng.
Nói chưa dứt câu, nghe thấy ừm một tiếng, trước mắt đã có bóng thấp thoáng, một con gấu trắng từ trong động nhào ra. Con gấu đó lông dài, to lớn như một con bò mộng. Ân Tố Tố sợ hãi, vội lùi lại phía sau. Con gấu chồm tới, giơ chân trước, vồ vào đầu Ân Tố Tố, nàng vội vung kiếm lên đâm vào vai con thú. Nào ngờ ở trên biển lâu ngày, sức lực suy kiệt, tay không còn sức, kiếm đó tuy đâm trúng vai con gấu, nhưng chỉ làm nó bị thương sơ sài, chiêu thứ hai vừa tới, con gấu nhào lên gạt ra, nghe cách một tiếng, thanh kiếm đã rơi xuống đất.
Trương Thúy Sơn vội kêu:
- Tố Tố lùi ra đi.
Chàng nhảy tới vung cành cây quật ngang, đánh trúng ngay khuỷu chân trước con vật. Chỉ nghe lách cách mấy tiếng, cành cây đã gãy thành hai khúc, nhưng con gấu cũng bị què chân. Con vật bị thương nặng, đau quá rống lên, vang động cả sơn cốc, hung hăng chồm tới tấn công Trương Thúy Sơn.
Trương Thúy Sơn hai chân điểm một cái, sử dụng khinh công?Thê Vân Túng?, nhảy vọt lên cao cả trượng, sử dụng cái móc trong tự quyết chữ?tranh?, dùng ngân câu từ trên cao đánh xuống, trúng ngay mang tai con gấu. Chiêu đó kình lực thật mạnh, ngân câu móc vào cả tấc. Con gấu rống lên một tiếng kinh thiên động địa, hất văng ngân câu trong tay Trương Thúy Sơn, lăn ra dãy dụa mấy cái, chổng bốn vó lên trời chết tươi.
Ân Tố Tố vỗ tay reo lên:
- Khinh công đẹp quá, câu pháp thật tuyệt.
- Nói chưa dứt câu, bỗng nghe Trương Thúy Sơn kêu lên:
- Mau nhảy lại đây.
Ân Tố Tố nghe thấy Trương Thúy Sơn có vẻ kinh hoảng, không kịp hỏi thêm, vội vàng vọt về phía trước, nhảy ngay vào lòng chàng, quay đầu lại, không khỏi kêu lên "Ôi chao" một tiếng. Thì ra ngay đằng sau nàng lại có một con gấu trắng khác, nhe răng giơ vuốt, trông thật ghê rợn.
Trương Thúy Sơn trong tay không có món binh khí nào, vội ôm Ân Tố Tố nhảy lên trên một cây tùng lớn, con gấu cứ đi lòng vòng dưới gốc, thỉnh thoảng lại ngửng đầu gầm lên một tiếng. Trương Thúy Sơn bẻ một cành tùng, nhắm ngay mắt phải con vật phóng xuống, nghe vút một tiếng, cành cây đâm ngay vào mắt nó. Con gấu đau quá kêu ầm lên, toan trèo lên cây. Trương Thúy Sơn tiếp lấy thanh trường kiếm trong tay Ân Tố Tố, vận kình phóng xuống đầu dã thú, nghe soẹt một tiếng, thanh kiếm ngập vào đến quá nửa, con vật từ từ ngã ra, chết ngay dưới gốc cây.
Trương Thúy Sơn nói:
- Không biết trong động có còn con gấu nào nữa không.
Chàng kiếm mấy hòn đá ném vào trong hang, chờ một lát sau không thấy động tĩnh gì, mới tiến vào trước, Ân Tố Tố theo sát phía sau. Hai người thấy cái hang đó thật rộng rãi, sâu đến bảy, tám trượng, bên trên nóc lại có một cái lỗ hổng ánh sáng chiếu vào, chẳng khác gì một cái cửa sổ thiên nhiên.
Trong động đầy những đồ ăn còn lại của hai con gấu, xương cá, đầu cá, tanh thối vô kể. Ân Tố Tố bịt mũi nói:
- Nơi này tốt thì có tốt, nhưng hôi quá.
Trương Thúy Sơn nói:
- Chỉ cần mỗi ngày mình quét dọn, chùi rửa, mười ngày nửa tháng, thì sẽ hết hôi.
Ân Tố Tố nghĩ đến từ nay sẽ cùng chàng ở trên hòn đảo này, tháng năm vô tận, cho đến khi già chết mới thôi, trong lòng hết sức vui sướng, nhưng cũng thật thê lương. Trương Thúy Sơn ra ngoài bẻ cành cây, làm thành một cái chổi lớn, bắt đầu quét dọn những uế vật trong động. Ân Tố Tố cũng giúp chàng tẩy rửa, nhưng mùi hôi vẫn không hết. Ân Tố Tố nói:
- Giá gần đây có chỗ nào lấy nước về rửa một phen thì tốt biết mấy. Nước biển thì nhiều nhưng mình lại không có thùng để xách.
Trương Thúy Sơn nói:
- Anh có cách làm.
Chàng đến những vùng lạnh lẽo trên núi, ôm về mấy tảng băng lớn, để lên trên những chỗ cao trong hang. Ân Tố Tố vỗ tay cười:
- Hay lắm.
Khối băng dần dần tan ra thành nước, chảy xuống nhưng có điều rất chậm.
Trong khi Trương Thúy Sơn ở trong động chùi rửa, Ân Tố Tố ra ngoài dùng trường kiếm xẻ thịt hai con gấu trắng, cắt ra thành từng miếng. Vùng này tuy có núi lửa, nhưng dẫu sao cũng là cực bắc, thời tiết vẫn rất lạnh, thịt gấu để đó xem ra mấy tháng cũng không hư. Ân Tố Tố thở dài:
- Con người lòng không biết đến đâu mới vừa, được voi đòi tiên, giá như mình có lửa, nướng mấy cái bàn chân gấu mà ăn thì ngon biết mấy.
Lại nói tiếp:
- Chỉ sợ nước đá để trong động mãi không tan thì không hết được mùi hôi.
Trương Thúy Sơn ngước lên nhìn lửa trên ngọn hỏa sơn phun ra, nói:
- Lửa thì có kia, nhưng lửa lại quá lớn, để thư thả mình nghĩ cách nào lấy lửa đem về.
Đêm hôm đó, hai người ăn no thịt gấu rồi trèo lên cây nằm ngủ. Họ tưởng như mình vẫn còn trên băng sơn rôi dạt trên biển cả, nghe tiếng sóng ỳ ầm, nhấp nhô lên xuống, thực ra chỉ là gió thổi vào lay động cành cây.
Hôm sau, Ân Tố Tố chưa mở mắt đã kêu lên:
- Thơm quá, thơm quá.
Nàng xoay người nhảy xuống, thấy mùi thơm ngát từ một vùng đầy những loại hoa không biết tên bên dưới xông lên, vui mừng nói:
- Trước cửa động có nhiều hương hoa như thế này, thật là thú vị.
Trương Thúy Sơn nói:
- Tố Tố, việc mừng để sau, có một việc anh muốn nói với em trước đã.
Ân Tố Tố thấy chồng sắc mặt trịnh trọng, không khỏi lo âu, hỏi:
- Cái gì vậy?
Trương Thúy Sơn nói:
- Anh đã tìm được cách có lửa rồi.
Ân Tố Tố mừng nói:
- Ồ, cái anh chàng này, vậy mà làm cho em tưởng có chuyện gì không hay cơ chứ. Cách nào đâu? Nói em nghe, nói cho em nghe nào.
Trương Thúy Sơn nói:
- Lủa trên miệng hỏa sơn lớn quá, không cách gì đến gần được, e rằng mình còn cách đến mấy chục trượng cũng đã chết thiêu rồi. Mình dùng vỏ cây tết thành một sợi thừng dài, phơi cho khô, sau đó?
Ân Tố Tố vỗ tay:
- Cách đó hay lắm, hay lắm. Sau đó mình buộc một cục đá vào đầu dây, ném vào miệng núi lửa, lửa cháy vào dây, mình lấy đem về.
Hai người ăn thịt sống đã lâu, muốn có lửa ngay, nói là lập tức làm liền. Phải mất đến hai ngày, họ mới bện được một sợi dây thừng dài hơn trăm trượng, lại phơi thêm một ngày nữa, ngày thứ tư mới nhắm hướng núi lửa mà đi.
Ngọn hỏa sơn nhìn thì không xa, nhưng đi phải đến hơn bốn chục dặm. Hai người càng tới gần càng nóng, đầu tiên phải cởi áo da hải cẩu, lúc sau chỉ một manh áo ngoài mà cũng vẫn còn nóng. Đi thêm một dặm nữa, hai người miệng khô lưỡi bức, mồ hôi đầm đìa, chung quanh không còn cây cối hoa cỏ gì, chỉ toàn là đá vàng xém trơ trụi.
Trương Thúy Sơn trên vai vác cuộn dây, thấy mấy sợi tóc dài của Ân Tố Tố bị nóng quá đã quăn cả lại, trong bụng thương xót, nói:
- Em ở đây chờ anh, một mình anh đi cũng được rồi.
Ân Tố Tố giận nói:
- Anh mà còn nói nữa, em sẽ không bao giờ ngó đến anh đâu. Cùng lắm mình không có lửa, suốt đời ăn thịt sống, chứ có gì quan trọng đâu mà không được?
Trương Thúy Sơn chỉ mỉm cười.
Lại đi thêm một dặm nữa, hai người đều thở phì phò như trâu. Trương Thúy Sơn tuy nội công tinh thâm, nhưng cũng bị nóng đến mắt nổ đom đóm, trong đầu kêu lùng bùng, nói:
- Được rồi, mình đứng đây quăng sợi dây lên, nếu không bắt lửa, thì đành? đành?
Ân Tố Tố cười:
- Thì đành là trời bắt mình làm một đôi vợ chồng đời thượng cổ ăn lông ở lỗ vậy?
Nói đến đây, thân hình lảo đảo, mắt hoa lên phải vội bám vào vai chồng mới đứng được. Trương Thúy Sơn nhặt dưới đất một cục đá, buộc vào đầu dây, đề khí chạy lên trước vài trượng, quát lên một tiếng?Đi? hết sức ném tới.
Chỉ thấy cục đá phóng tới như tên bắn, mang theo sợi dây thẳng băng, rơi xuống tận đằng xa. Thế nhưng vài chục trượng so vơi chỗ Trương Ân hai người đứng có nóng hơn thật, nhưng vẫn còn cách miệng núi lửa thật xa, không sao đốt cháy được sợi dây. Hai người đợi một hồi lâu, người nóng ran, mắt như muốn đổ lửa, nhưng sợi dây vẫn y nguyên, không thấy chút khói nào bốc lên cả. Trương Thúy Sơn thở dài:
- Người xưa khoan gỗ, đánh đá lấy lửa, cũng đều được, thôi hai đứa mình về rồi từ từ tìm cách khác. Cái cách ném dây lấy lửa này coi bộ không xong.
Ân Tố Tố nói:
- Cái cách này tuy không xong nhưng sợi dây đã khô lắm rồi. Mình đi kiếm vài cục đá lửa, dùng kiếm đánh vào xem sao.
Trương Thúy Sơn nói:
- Em nói đúng lắm.
Chàng cuộn sợi dây lại, xé tưa đầu thành những sợi nhỏ như tơ. Chung quanh hỏa sơn rất nhiều đá lửa, chàng lấy một cục, dùng kiếm đập vào, tóe ra mấy đốm lửa, bắn vào bùi nhùi, làm khoảng chục lần thì được lửa.
Hai người mừng rỡ ôm nhau mà reo hò. Cái thừng đó giữ lửa rất tốt, hai người mặt mày rạng rỡ cầm sợi dây đem về hang. Ân Tố Tố gom củi lại gầy một đống lửa lên.
Có lửa rồi, mọi việc đều xong, từ nấu băng thành nước, đến sấy thịt cho khô. Từ khi thuyền đắm đến nay, họ chưa được ăn đồ nóng sốt, bây giờ lần đầu có một miếng thịt gấu thơm tho, họ nhai vội vàng tưởng như muốn nuốt luôn cả lưỡi xuống bụng.
Đêm hôm đó, nơi hang gấu, hoa hương ngào ngạt, ánh lửa bập bùng. Từ khi thành vợ chồng đến nay, đến lúc này họ mới hưởng cái thú động phòng đêm xuân ấm áp.
Sáng sớm hôm sau, Trương Thúy Sơn đi ra ngoài động, đưa mắt nhìn bốn bề, trong lòng khoan khoái. Bỗng thấy từ đằng xa trên một khối đá ngay cạnh bờ biển, một bóng người cao lớn đứng ở đó, chẳng phải Tạ Tốn thì ai?
?Trương Thúy Sơn sợ hãi không để đâu cho hết, những tưởng cùng Ân Tố Tố qua cơn đại nạn, từ nay hai người sẽ bình yên sống với nhau trên hòn đảo hoang này, nào ngờ gã ma đầu cũng đến được. Trong nhất thời, chàng tưởng như biến thành tượng đá, đứng thất thần không dám cử động. Chàng thấy Tạ Tốn bước đi lảo đảo, loạng choạng tiến vào đất liền. Hẳn là từ khi mắt bị mù, y không cách gì có thể bắt cá hay săn hải cẩu, nên chịu nhịn đói tới nay. Y đi được vài trượng, vấp một cái thân hình bổ nhào về phía trước, nằm phục dưới đất.
Trương Thúy Sơn quay về hang, Ân Tố Tố thấy chàng nũng nịu nói:
- Ngũ ca, chàng?
Thấy sắc mặt chàng trịnh trọng, nàng nói chưa thành câu đã ngừng lại. Trương Thúy Sơn nói:
- Gã họ Tạ đã đến đây rồi.
Ân Tố Tố giật mình nhảy dựng lên, hỏi nhỏ:
- Y có nhìn thấy anh không?
Nàng chợt nghĩ ra Tạ Tốn đã mù cả hai mắt, nên nỗi kinh hoàng lập tức biến mất, nói:
- Mình hai người mắt sáng, không lẽ lại thua một người mù?
Trương Thúy Sơn gật đầu, nói:
- Y đói quá nằm ngất xỉu rồi.
Ân Tố Tố nói:
- Để ra xem.
Nàng xé tay áo ra bốn mảnh vải, lấy hai mảnh nhét vào tai Trương Thúy Sơn, còn mình cũng dùng hai mảnh nút chặt tai lại. Tay phải nàng cầm trường kiếm, tay trái thủ sẵn mấy cái ngân châm, hai người cùng ra ngoài động.
Hai người đi đến còn cách Tạ Tốn chừng bảy tám trượng, Trương Thúy Sơn lớn tiếng nói:
- Tạ tiền bối, có muốn ăn không?
Tạ Tốn bất ngờ nghe thấy tiếng người, vừa vui mừng, vừa sợ hãi, nhưng lập tức nhận ra tiếng của Trương Thúy Sơn, mặt liền sầm xuống, một lúc sau mới gật đầu. Trương Thúy Sơn quay về động lấy một miếng thịt gấu đã nướng chín còn lại từ đêm qua, đứng xa xa ném tới, nói:
- Xin đón lấy.
Tạ Tốn nhỏm dậy, nghe hơi gió định hướng, giơ tay bắt, chậm rãi đưa lên ăn một miếng.
Trương Thúy Sơn thấy y là một đại hán tựa như rồng cọp, nay vì đói nên suy nhược như thế, không khỏi nhủ lòng thương cảm. Ân Tố Tố trái lại trong lòng lại nổi lên một ý nghĩ:?Ngũ ca quả thật là nhân từ, sao không để cho y chết đói luôn, sau này đỡ rắc rối? Lần này cứu sống y, e rằng về sau sẽ phiền não vô cùng, không chừng hai người mình sẽ mất mạng vào tay y?. Thế nhưng nàng chợt nghĩ mình đã lập trọng thệ, quyết ý đi theo Trương Thúy Sơn để thành người tốt, tuy trong lòng có ý không muốn cứu người, nhưng đâu dám nói ra.
Tạ Tốn ăn hết nửa miếng thịt rồi, nằm phục xuống ngủ khò khò, Trương Thúy Sơn đốt cho y một đống lửa ở bên cạnh. Tạ Tốn ngủ hơn một tiếng đồng hồ mới dậy, hỏi:
- Đây là đâu thế?
Trương Ân hai người đứng canh bên cạnh, thấy y nhỏm dậy mở miệng hỏi, liền lấy mảnh giẻ ở bên tai phải ra, để có thể nghe y nói, nhưng tay phải vẫn chỉ để cách tay một vài tấc, nếu tình hình không xong, lập tức bịt tai lại, còn mảnh vải bên tai trái vẫn để nguyên. Trương Thúy Sơn nói:
- Đây là một hòn đảo hoang không người ở nơi cực bắc.
Tạ Tốn?Ồ? một tiếng, ngay lúc đó trong đầu nổi lên vô số ý niệm, thừ người hồi lâu mới nói:
- Nếu như thế thì mình không sao về lại được nữa.
Trương Thúy Sơn nói:
- Cái đó cũng còn tùy ở ông trời.
Tạ Tốn chửi:
- Cái gì mà ông trời, đồ chó trời, đồ giặc trời, đồ ăn cướp trời thì có.
Rồi y lần mò đến ngồi trên một phiến đá, tiếp tục ăn nốt miếng thịt, hỏi:
- Các ngươi định đối xử với ta ra sao?
Trương Thúy Sơn đưa mắt nhìn Ân Tố Tố, đợi nàng lên tiếng. Ân Tố Tố đưa tay ra hiệu, ý muốn nói là mọi sự tùy chồng quyết định. Trương Thúy Sơn hơi trầm ngâm, rồi lớn tiếng đáp:
- Tạ tiền bối, vợ chồng chúng tôi?
Tạ Tốn gật đầu:
- Ồ, thành vợ chồng rồi đấy.
Ân Tố Tố mặt đỏ lên, nhưng không khỏi có chút đắc ý, nói:
- Thì có thể nói chính là do tiền bối làm mai, nên cũng xin đa tạ đã tác thành cho chúng tôi.
Tạ Tốn hừ một tiếng, nói:
- Thế hai vợ chồng định đối với ta như thế nào?
Trương Thúy Sơn nói:
- Chúng tôi bắn mù mắt tiền bối, quả thật muôn phần bất đắc dĩ, nhưng sự đã như thế, muôn ngàn lời cũng không có ích gì. Bây giờ ý trời đã cho mình sống chung với nhau trên đảo hoang này, xem ra cũng không chắc có dịp quay về Trung Thổ, vậy hai chúng tôi sẽ liệu điều phụng dưỡng tiền bối tử tế.
Tạ Tốn gật đầu, thở dài:
- Thì cũng đành như vậy thôi.
Trương Thúy Sơn nói:
- Vợ chồng chúng tôi tình sâu nghĩa nặng, quyết sống chết với nhau, tiền bối nếu như bệnh điên tái phát, hại một người nào trong hai vợ chồng tôi, người kia quyết không sống một mình.
Tạ Tốn đáp:
- Có phải ngươi muốn nói với ta rằng, nếu các ngươi chết đi, ta mù mắt, ở trên hòn đảo hoang này cũng không sống được chứ gì.
Trương Thúy Sơn đáp:
- Đúng thế.
Tạ Tốn đáp:
- Nếu đã như thế, sao tai bên trái các ngươi còn nhét giẻ làm chi?
Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố nhìn nhau cười, lấy giẻ trong tai ra, trong lòng đều sợ thầm:?Người này mắt tuy mù, tai lại rất thính, ắt có thể dùng tai thay mắt không chừng. Y lại thật thông minh cơ trí, liệu sự như thần, nếu không phải ở trên hòn đảo nơi cực bắc, chưa chắc đã cần đến mình nuôi dưỡng?.
Trương Thúy Sơn xin Tạ Tốn đặt tên cho hòn đảo này. Tạ Tốn nói:
- Nếu đảo này có băng khối vạn năm, lại có ngọn núi lửa muôn đời không tắt, thì gọi nó là Băng Hỏa đảo.
Từ đó ba người sống trên Băng Hỏa đảo, mọi sự không có gì xảy ra. Cách hang gấu chừng nửa dặm cũng có một cái sơn động nho nhỏ. Trương Ân hai người sắp xếp thành một nơi ở, đưa Tạ Tốn đến đó. Hai vợ chồng bắt cá săn thú xong còn dư thì giờ, nung đồ sứ thành chén bát, đắp đất thành lò, các loại đồ dùng tuy thô sơ nhưng cũng đầy đủ.
Tạ Tốn cũng không nói chuyện với hai người, chỉ ngồi ôm thanh đao Đồ Long, cúi đầu suy nghĩ. Trương Ân thấy y đáng thương, khuyên đừng suy nghĩ bí mật trong thanh đao nữa làm gì, Tạ Tốn đáp:
- Sao ta lại không biết là dù có tìm ra bí mật trong thanh đao này, thì ở trên hoang đảo cũng có làm được gì? Thế nhưng không có việc gì làm, sao cho hết ngày giờ đây?
Hai người thấy y nói có lý, nên không khuyên can nữa.
Thấm thoát đã được vài tháng, một hôm hai vợ chồng dắt tay nhau du ngoạn lên mạn bắc của hòn đảo. Hóa ra hòn đảo này chu vi cực lớn, trải dài ra tận phía bắc không biết đến đâu, đi đến hơn hai mươi dặm, thấy một khu rừng rậm, cây cao vút, che phủ hết mặt trời. Trương Thúy Sơn định đi vào rừng thám hiểm, nhưng Ân Tố Tố lại sợ, nói:
- Thôi lỡ trong rừng có cái gì cổ quái, mình đi về là hơn.
Trương Thúy Sơn hơi lấy làm lạ, nghĩ thầm:?Tố Tố trước nay hiếu sự, sao độ này có vẻ uể oải, nói chuyện gì cũng cứ gạt đi là sao??
Nghĩ như thế, chàng hơi lo, hỏi lại:
- Em có sao không? Có gì không được khỏe thì phải?
Ân Tố Tố đột nhiên mặt đỏ bừng, nói nhỏ:
- Đâu có sao.
Trương Thúy Sơn thấy nàng có điều khác lạ, gặng hỏi mãi. Ân Tố Tố cười nửa miệng đáp:
- Ông trời thấy mình tịch mịch quá, nên sai một người xuống, để cho mình được vui đấy mà.
Trương Thúy Sơn sững người, vui mừng quá, kêu lên:
- Em có con phải không?
Ân Tố Tố chặn lại:
- Nói khẽ thôi. Người ta nghe thấy bây giờ.
Nói đến đây, nàng bỗng bật cười khanh khách. Chốn hoang sơn này làm gì còn người thứ ba nào.
Thời tiết biến đổi, ngày một ngắn lại, đêm dài dần ra. Đến sau, mỗi ngày chỉ còn độ hai tiếng, khí hậu cũng ngày thêm lạnh lẽo. Ân Tố Tố từ khi có mang cũng lười biếng hơn, nhưng vẫn cố gắng nấu nướng, may vá và làm các việc nhà.
Hôm đó, mười tháng mang thai đã gần mãn, trong hang gấu đốt lửa lên, hai vợ chồng tựa vào nhau nói chuyện. Ân Tố Tố nói:
- Chàng nghĩ xem mình sẽ sinh con trai hay con gái?
Trương Thúy Sơn đáp:
- Con gái thì giống em, con trai thì giống anh, trai gái gì cũng tốt cả.
Ân Tố Tố đáp:
- Không, em thích mình có đứa con trai. Anh lựa cho con mình một cái tên đi.
Trương Thúy Sơn nói:
- Ừ.
Một hồi lâu, không nói năng gì. Ân Tố Tố nói:
- Mấy hôm nay anh có điều gì lo lắng? Em thấy anh dường như cứ nghĩ đâu đâu ấy.
Trương Thúy Sơn đáp:
- Có gì đâu. Có lẽ sắp lên làm bố, sung sướng quá nên đâm ra hồ đồ đấy mà.
Câu nói đó không phải chàng nói đùa mà đầu mày khóe mắt, ẩn ẩn nét ưu tư. Ân Tố Tố dịu dàng nói:
- Ngũ ca, anh nói dối em, chỉ làm cho em thêm lo. Anh thấy có cái gì không ổn phải không?
Trương Thúy Sơn thở dài, nói:
- Chỉ mong là anh quá đa nghi thôi. Anh xem Tạ tiền bối mấy hôm nay thần sắc có vẻ không được bình thường.
Ân Tố Tố?A? lên một tiếng, nói:
- Em cũng đã thấy rồi. Mặt mày ông ta càng ngày càng hung dữ, dường như lại muốn phát điên.
Trương Thúy Sơn gật đầu nói:
- Có lẽ vì ông ta suy nghĩ về bí mật trong thanh đao Đồ Long không ra, do đó trong lòng buồn bực mà nên.
Ân Tố Tố nước mắt rưng rưng, nói:
- Hai đứa mình vốn dĩ muốn cùng với y chết một lượt, cái đó cũng không sao. Có điều? có điều?
Trương Thúy Sơn cầm vai nàng, an ủi:
- Em nói không sai, bây giờ mình có con, không thể cùng chết chung với y được. Y tử tế thì thôi, nếu hành hung tác ác, mình chỉ còn cách giết y đi. Y dẫu sao cũng đã mù hai mắt, không làm gì mình được đâu.
Ân Tố Tố từ khi mang thai, không hiểu sao, đột nhiên trở nên nhân từ. Trước đây khi còn con gái, một lần giết cả chục người nàng cũng không coi vào đâu, giờ đây giết một con thú nàng cũng cảm thấy không nỡ. Có lần Trương Thúy Sơn bắt được một con hươu mẹ, con hươu con đi theo đến tận động, Ân Tố Tố liền đem con mẹ thả ra, khiến mọi người phải ăn trái cây dại hết hai ngày. Bây giờ nghe Trương Thúy Sơn định giết Tạ Tốn, nàng không khỏi run lên.
Nàng đang tựa vào lòng Trương Thúy Sơn, nên khi run, chàng nhận thấy ngay. Trương Thúy Sơn nhìn thần sắc ôn nhu của nàng, nói:
- Chỉ mong y đừng phát điên. Mình tuy không có bụng hại người, nhưng phải có bụng phòng người.
Ân Tố Tố nói:
- Đúng thế, nếu như y lại phát điên, thì mình có cách nào chế ngự không? Hay là khi mình cho y ăn, mình bỏ thuốc độc vào? không, không chưa chắc y đã phát điên đâu, có thể chỉ vì mình quá đa nghi đấy thôi.
Trương Thúy Sơn nói:
- Anh có một cách. Từ ngày mai trở đi, mình dời vào sâu trong động, bên ngoài đào một cái rãnh sâu, trên mặt trải da và đất mềm.
Ân Tố Tố đáp:
- Kế đó hay tuyệt, nhưng ngày ngày anh phải đi ra ngoài săn bắt, nếu y hành hung?
Trương Thúy Sơn nói:
- Anh một mình dễ dàng chạy trốn, chỉ thấy tình hình không ổn, là chạy lên trên những bờ vách đá. Y mù hai mắt, làm sao đuổi kịp anh được?
Hôm sau sáng sớm, Trương Thúy Sơn đã ra đào trước hang một cái rãnh sâu. Có điều vì không có cuốc xẻng, chỉ có cách đi tìm cây gỗ nào dùng tạm như cái mai, thực là làm nhiều mà chẳng được bao nhiêu. Cũng may chàng nội lực thâm hậu, cực nhọc bảy ngày liền, cũng đào được cái hố sâu ba trượng.
Trước mắt thấy Tạ Tốn ngày càng có vẻ bất thường, thỉnh thoảng lại lấy đao Đồ Long múa may như điên. Trương Thúy Sơn càng ra sức đào hố, định sẽ đào sâu khoảng năm trượng, dưới đáy cắm chông gỗ. Hố đó dưới nhỏ trên rộng, nếu y không tiến vào thì thôi, nếu bước vào hang, không thể không rơi xuống. Bên cạnh hố chàng cũng chất nhiều đá lớn, để khi y sa bẫy chàng sẽ dùng đá đó ném xuống.
Xế trưa hôm đó, Tạ Tốn ở bên ngoài động chừng vài trượng đi qua đi lại. Trương Thúy Sơn không dám tiếp tục đào, e y nghe thấy tiếng, đâm ra nghi ngờ. Chàng cũng không dám ra ngoài săn thú, chỉ thủ bên cạnh động, xem động tĩnh thế nào. Chỉ nghe Tạ Tốn luôn mồm chửi bới, từ Trời đổ xuống, kế đến Tây Phương Phật tổ, Đông Hải Quan Âm, Ngọc Hoàng trên trời, Diêm Vương dưới đất. Sau đó y lại chửi đến Tam Hoàng, Ngũ Đế, Nghiêu Thuấn Vũ Thang, Tần Hoàng, Đường Tông, văn thì cả Khổng Mạnh, võ thì đến Quan Nhạc[1] bất kể thánh hiền anh hùng nào cũng đều bị y chửi không còn sót một ai. Tạ Tốn cũng là một người tương đối có học, cho nên khi y chửi bới, Trương Thúy Sơn nghe cũng có chiều văn vẻ.
Đột nhiên, Tạ Tốn chửi tới các nhân vật võ lâm, bắt đầu từ Hoa Đà sáng tạo Ngũ Cầm Hí, tới Đạt Ma tổ sư của phái Thiếu Lâm, Nhạc Võ Mục thần quyền tán thủ, đều bị y coi không ra gì. Có điều không phải y chỉ chửi xuông, mà mỗi nhà mỗi phái y đều vạch những khuyết điểm, chỗ nào sai sót, đâu ra đấy. Y đi từ đời Đường xuống đời Tống rồi chửi tới những người đời cuối Nam Tống như Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái, Trung Thần Thông[2], rồi tới Quách Tĩnh, Dương Quá, rồi sau cùng tới tổ sư phái Võ Đương Trương Tam Phong.
Y nhục mạ người khác thì không sao, bây giờ lại chửi đến cả ân sư, Trương Thúy Sơn nhịn làm sao nổi? Chàng đang toan mở miệng đáp lại, đột nhiên Tạ Tốn rống lên:
- Trương Tam Phong đã chẳng ra quái gì, thì đệ tử của y là Trương Thúy Sơn cũng đâu có vào đâu, để ta bóp cổ vợ nó xem nó làm gì ta.
Y tung mình nhảy tới, vượt qua bên cạnh Trương Thúy Sơn, chạy vào trong động. Trương Thúy Sơn đuổi theo, nghe ầm một tiếng, Tạ Tốn đã rơi xuống hố. Thế nhưng đáy hố chưa để chông, y tuy ngã xuống nhưng không bị thương, chỉ vì bất ngờ nên cũng kinh hoảng. Trương Thúy Sơn thuận tay cầm ngay cành cây chàng dùng để đào hố, thấy Tạ Tốn từ dưới hố toan nhảy lên, nên cúi xuống đánh mạnh xuống đầu y. Tạ Tốn nghe được hơi gió, tay trái quơ lên, đã chộp được cành cây, dùng sức giựt mạnh một cái. Trương Thúy Sơn cầm không chắc, cành cây tuột khỏi tay. Cái giựt đó kình lực thật mạnh khiến hổ khẩu Trương Thúy Sơn rách ra, lòng bàn tay cũng bị sước, máu chảy ròng ròng. Tạ Tốn bị sức lôi cũng ngã phịch trở xuống đáy hố.
Lúc đó Ân Tố Tố đang trở dạ, đau bụng đã nửa ngày rồi. Lúc đầu nàng thấy Tạ Tốn đi lại trước động không rời, không dám nói cho chồng biết, e ngại Tạ Tốn nghe thấy sẽ bớt đi một phần úy kỵ, làm khó vợ chồng nàng sớm hơn. Bây giờ thấy tình thế nguy cấp, mặc dù bụng đau như xé, nàng vẫn gượng cầm thanh trường kiếm bên cạnh ném cho Trương Thúy Sơn.
Trương Thúy Sơn chụp được thanh kiếm, nghĩ thầm:?Người này võ công cao hơn ta nhiều quá, nếu y nhảy lên, ta dùng kiếm chém xuống, thể nào kiếm cũng bị y đoạt mất?. Trong cơn nguy cấp, đột nhiên nghĩ ra:?Hai mắt y đã mù, sở dĩ y đoạt được binh khí toàn là do tiếng gió từ binh khí mà nhận ra hướng của chiêu thế?.
Chàng nghĩ ra lẽ đó, nghe Tạ Tốn cười ha hả, lại tung mình nhảy lên. Trương Thúy Sơn nhắm chính xác đường đi của y, để mũi kiếm đúng ngay nơi đầu não, giữ nguyên không động đậy. Tạ Tốn vừa phóng mình lên, thế nhảy thật mạnh, lao đầu vào đúng ngay mũi kiếm ở trên. Vì trường kiếm không di chuyển nên võ công y dù cao cũng không sao biết được. Chỉ nghe soẹt một tiếng, Tạ Tốn kêu rống lên thật to, trường kiếm đã đâm vào trán y, vào sâu cả tấc. Tuy nhiên y ứng biến thật nhanh, kiếm vừa đâm vào đầu, lập tức ngả đầu ra phía sau, đồng thời sử dụng công phu Thiên Cân Trụy rơi trở lại xuống hố. Nếu y biến chiêu chậm một tí, mũi kiếm sẽ đâm thẳng vào óc, chết ngay lập tức. Tuy thế, đầu y cũng bị thương nặng, máu chảy ra đầy mặt, trường kiếm cắm trên trán, không ngừng lay động.
Tạ Tốn giựt thanh kiếm ra, xé vạt áo để buộc vết thương, y thấy đầu váng mắt hoa, biết mình bị thương không nhẹ, bệnh điên nổi lên, rút từ lưng ra thanh đao Đồ Long múa lên vù vù, bảo vệ đỉnh đầu, lại nhảy lên lần thứ ba. Trương Thúy Sơn vác những tảng đá, liên tiếp nhắm y ném xuống, nhưng đều bị thanh đao gạt ra. Chỉ thấy thanh đao quay tròn như tuyết rơi, hàn quang lấp lánh, Tạ Tốn đã nhảy được lên bờ, tiến thẳng vào động. Trương Thúy Sơn từng bước, từng bước lùi lại, lòng đau như cắt, nghĩ đến hôm nay cùng Ân Tố Tố hai người táng mạng, không được nhìn thấy đứa con chưa kịp chào đời.
Tạ Tốn sợ Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố có thể len lén đi ngang mình chui ra khỏi hang, ra đến ngoài thì không sao đuổi kịp, nên tay phải cầm đao, tay trái cầm kiếm, sử động những chiêu số bao trùm một vùng thật rộng, bao quát đến hơn hai trượng vuông, tin chắc hai người không thể nào đào tẩu được.
Bỗng nhiên từ trong động một tiếng?Oa? truyền ra tiếng khóc của hài nhi. Tạ Tốn giật mình kinh hãi, lập tức dừng lại, chỉ nghe đứa bé khóc vang không dứt.
Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố biết đây là lúc đại nạn lâm đầu, nhưng không nhìn Tạ Tốn làm gì, hai người chỉ chú mục vào đứa con mới sinh. Đó là một đứa bé trai, tay chân vùng vẫy, kêu khóc inh ỏi. Trương Ân biết rằng Tạ Tốn chỉ cần một đao chém xuống, cả hai vợ chồng lẫn đứa con sơ sinh đều chết tươi. Hai người không nói một câu, mắt cũng không không liếc sang, trong lòng thầm cảm ơn trời đất, đã cho mình được có dịp nhìn thấy đứa con, nên nhìn được thêm giây phút nào, hưởng thêm hạnh phúc giây phút ấy.
Hai vợ chồng lúc này đã thỏa nguyện, không còn nghĩ đến số mệnh của mình, nếu giữ được cho con khỏi chết thì tốt nhất, nhưng biết không có khả năng, nên vì thế ngay cả một ý nghĩ cũng không màng đến.
Đứa trẻ vẫn tiếp tục khóc oa oa. Đột nhiên Tạ Tốn lương tri nổi dậy, bệnh điên biến mất, đầu óc trở lại sáng suốt bình thường. Y nghĩ đến khi toàn gia bị người ta giết hại, vợ y cũng mới sinh con chưa lâu, ngay cả đứa hài nhi cũng không thoát khỏi độc thủ của địch. Mấy tiếng khóc oa oa đã đưa y trở lại biết bao chuyện cũ: từ tình nồng mặn của vợ chồng, sự hung tàn của kẻ địch, đứa trẻ thơ vô tội bị quật chết thành một đống máu thịt bầy nhầy, bản thân mình cô khổ lênh đênh, kiệt tận toàn lực nhưng không tìm ra cách báo thù, nay tuy đã được thanh đao Đồ Long, nhưng bí mật trong thanh đao vẫn chưa tìm thấy?
Y đứng ngẩn ngơ xuất thần, trên mặt lúc thì ôn hòa cười nụ, khi lại nghiến răng trợn mắt. Chỉ trong chớp mắt, ba người đang trong cảnh sống chết, nhưng từ tiếng khóc đầu tiên của hài nhi, cả ba người cùng toàn thần chú tâm vào đứa trẻ.
Tạ Tốn đột nhiên hỏi:
- Con trai hay con gái?
Trương Thúy Sơn đáp:
- Con trai.
Tạ Tốn nói:
- Tốt lắm. Thế đã cắt rốn chưa?
Trương Thúy Sơn nói:
- Phải cắt rốn ư? A, đúng rồi, đúng rồi, tôi quên khuấy đi mất.
Tạ Tốn quay ngược trường kiếm, đưa cán kiếm tới. Trương Thúy Sơn cầm lấy, cắt đứt cuống rốn đứa trẻ, bấy giờ mới nghĩ ra, Tạ Tốn đang ở ngay bên cạnh, nhưng y tuyệt nhiên không động thủ, trong lòng thấy lạ lùng, quay lại nhìn y, thấy trên mặt Tạ Tốn đầy vẻ quan hoài, tưởng như muốn giúp một tay không chừng.
Ân Tố Tố nói giọng yếu ớt:
- Cho em bế một tí.
Trương Thúy Sơn bế con lên, để vào lòng vợ. Tạ Tốn lại nói:
- Ngươi đã nấu nước để tắm cho nó chưa?
Trương Thúy Sơn bật cười, nói:
- Tôi thật là hồ đồ, chẳng chuẩn bị gì cả, thằng bố này thật là vô dụng.
Nói xong chàng định đi ra ngoài đun nước, nhưng chỉ mới dợm bước, thấy thân hình to lớn của Tạ Tốn chắn trước mặt đứa bé, trong lòng lại sợ run. Tạ Tốn nói:
- Thôi ngươi ở lại giúp cho phu nhân và cháu bé, ta đi nấu nước cho.
Y cắm thanh đao Đồ Long vào thắt lưng, rồi hối hả đi ra ngoài, đến chỗ cái hố nhẹ nhàng nhảy vọt qua.
Một lát sau, quả nhiên Tạ Tốn đã đem một chậu nước nóng vào, Trương Thúy Sơn liền tắm cho đứa trẻ. Tạ Tốn thấy hài nhi tiếng khóc vang vọng, hỏi:
- Thằng bé giống bố hay giống mẹ?
Trương Thúy Sơn mỉm cười:
- Xem chừng giống mẹ nhiều hơn, không lớn lắm, mặt trái xoan.
Tạ Tốn thở dài, hạ giọng nói:
- Cũng mong sau này y lớn khôn, đa phúc đa thọ, đừng phải chịu khổ nhiều.
Ân Tố Tố nói:
- Tạ tiền bối, ông xem tướng thằng bé không được tốt hay sao?
Tạ Tốn đáp:
- Chẳng phải vậy. Có điều nếu nó giống phu nhân, thì sẽ đẹp lắm, e rằng phúc trạch sẽ không nhiều, sau này ra đời, gặp nhiều tai nạn.
Trương Thúy Sơn cười đáp:
- Tiền bối nghĩ xa quá, bốn người mình ở trên hòn đảo hoang nơi cực bắc, thằng bé này ắt là chết già nơi đây, làm gì còn có dịp trùng nhập nhân thế mà phải lo.
Ân Tố Tố hấp tấp nói:
- Không đâu, không đâu. Bọn mình không về cũng được, nhưng thằng bé này không lẽ để nó một thân một mình nơi hòn đảo hoang này? Vài mươi năm nữa, ba người mình chết hết rồi, ai làm bạn với nó? Khi nó lớn lên, làm sao lấy vợ sinh con?
Nàng từ bé nhiễm tính cha, lại ở trong Thiên Ưng giáo, tai nghe mắt thấy toàn những điều độc ác, tàn nhẫn, nên ra đời hành sự cũng theo như thế, coi là chuyện bình thường. Từ khi làm vợ Trương Thúy Sơn, nàng bắt đầu hướng thiện, hôm nay lại được làm mẹ, trong lòng từ ái nảy sinh, nên đã hết sức hết lòng nghĩ cho con.
Trương Thúy Sơn nhìn nàng buồn bã, giơ tay vuốt tóc vợ, nghĩ thầm:?Hoang đảo này cách xa Trung Thổ hàng vạn dặm, làm cách nào mà về được bây giờ??. Tuy nhiên chàng không nỡ làm vợ đau lòng, nên nhịn không nói ra.
Tạ Tốn bỗng nói:
- Trương phu nhân nói không sai. Bọn mình thì coi như xong rồi, nhưng đâu có thể để cho đứa trẻ chết già nơi hoang đảo, không được hưởng một giây phút nào cái hoan lạc của cuộc đời? Trương phu nhân, ba người mình phải cùng tâm kiệt lực, đưa được thằng bé về Trung Thổ.
Ân Tố Tố mừng quá, run rẩy đứng lên. Trương Thúy Sơn giơ tay đỡ nàng, kinh hoảng:
- Tố Tố, em sao thế? Mau nằm xuống đi.
Ân Tố Tố đáp:
- Không đâu, ngũ ca, hai đứa mình phải khấu đầu vài cái trước Tạ tiền bối, cảm tạ đại ân đại đức của ông ấy.
Tạ Tốn xua tay nói:
- Không cần, không cần. Thằng bé này đã đặt tên chưa nhỉ?
Trương Thúy Sơn đáp:
- Chưa. Tiền bối học vấn uyên bác, xin đặt cho cháu một cái tên.
Tạ Tốn trầm ngâm:
- Hừ, phải đặt cái tên nào đẹp một tí, để ta nghĩ xem đã.
Ân Tố Tố bỗng nhiên nghĩ thầm:?Không lẽ quái nhân này lại thích trẻ con đến thế, nếu y coi đứa bé như con mình, thì thằng bé sống trên đảo này không còn sợ y làm hại, dẫu bệnh điên có phát ra, chắc cũng không hạ độc thủ?. Nàng nói:
- Tạ tiền bối, chúng tôi vì đứa bé này mà khẩn khoản xin tiền bối một điều, xin đừng từ chối.
Tạ Tốn hỏi:
- Điều gì thế?
Ân Tố Tố đáp:
- Xin ông nhận thằng bé này làm con nuôi. Khi nó lớn lên, đối với ông phụng dưỡng chẳng khác gì cha ruột. Được ông chiếu liệu, một đời nó không còn sợ gì nữa. Ngũ ca, anh nghĩ thế có phải không?
Trương Thúy Sơn hiểu ngay cái mối lo của vợ, nói:
- Hay lắm, hay lắm. Tạ tiền bối, xin ông đừng từ chối, xin nhận lời cầu xin của vợ chồng chúng tôi.
Tạ Tốn buồn bã nói:
- Con ruột của ta bị người ta quật chết, thành một đống máu thịt bầy nhầy, các ngươi đã thấy chưa?
Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố nhìn nhau, thấy điều y nói vẫn có vẻ điên khùng, nhưng nghĩ lại cái cảnh thảm khốc y phải chịu, trong lòng không khỏi se lại. Tạ Tốn lại nói tiếp:
- Nếu con ta không chết, năm nay cũng đã mười tám tuổi rồi. Ta đem một đời công phu truyền cho nó, hà hà, chưa chắc nó đã kém gì Võ Đương thất hiệp đâu.
Câu nói đó trong vẻ thê lương cũng có đôi phần cuồng ngạo, trong cái tự phụ lại chứa chất nỗi tịch mịch thương tâm vô cùng, khiến Ân Tố Tố và Trương Thúy Sơn không khỏi hối hận:?Giá như hôm đó trên khối băng sơn mình không hủy đôi mắt của y, bốn người sống với nhau trên hòn đảo hoang này, không lo không phiền, chẳng hay lắm ư??.
Ba người lặng yên giây lát. Trương Thúy Sơn nói:
- Tạ tiền bối, nếu tiền bối thu thằng bé này làm con nuôi, chúng tôi sẽ để nói đổi qua họ Tạ.
Tạ Tốn trên mặt lộ vẻ vui mừng, nói:
- Ngươi bằng lòng cho nó họ Tạ ư? Đứa con của ta bị chết, tên là Tạ Vô Kỵ.
Trương Thúy Sơn nói:
- Nếu ông thích, thế thì, thằng bé này cũng đặt tên là Tạ Vô Kỵ.
Tạ Tốn mừng không để đâu cho hết, chỉ sợ Trương Thúy Sơn nói rồi sau lại hối hận, nói:
- Các ngươi đem con cho ta, còn chính mình thì sao?
Trương Thúy Sơn nói:
- Hài nhi dù là họ Tạ hay họ Trương, chúng tôi cũng đều yêu thương nó. Sau này y hiếu thuận với song thân, kính yêu nghĩa phụ, không coi đâu nặng nhẹ dày mỏng cả, không phải hay lắm sao? Tố Tố, em nghĩ có đúng không?
Ân Tố Tố hơi ngần ngại, nói:
- Phu quân nói sao thì làm vậy. Con mình càng được nhiều người yêu thương, càng lợi cho nó chứ sao.
Tạ Tốn vái hai người một cái thật sâu, nói:
- Vậy thì tôi cám ơn hai vị, cái hận làm hư mắt, chúng mình từ nay bỏ qua. Tạ Tốn tuy mất con mà lại có con, sau này Tạ Vô Kỵ dương danh thiên hạ, lúc đó ai nấy đều biết, cha mẹ nó là Trương Thúy Sơn, Ân Tố Tố, còn nghĩa phụ của nó là Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn.
Ân Tố Tố lúc đầu hơi do dự, vì nàng nghĩ đến Tạ Vô Kỵ đã chết, bị người ta quật nát như tương, con mình nếu lấy cái tên đó, e rằng không tốt, nhưng khi nàng thấy Tạ Tốn sung sướng như điên như cuồng, liệu tưởng y đối với thằng bé ắt sẽ cưng chiều lắm, sau này nó sẽ được rất nhiều điều hay. Tình mẹ thương con cái gì dù nhỏ nhặt đến đâu cũng nghĩ đến, miễn là có lợi cho con, thì đều hi sinh cả. Nàng ôm đứa con nói:
- Tiền bối có muốn bế nó một chút không?
Tạ Tốn giơ tay ra, bồng đứa trẻ trên tay, trong lòng vui sướng quá chẩy cả nước mắt, hai tay run run, nói:
- Bà? bà bồng nó lại đi. Hình dạng tôi thế này làm nó chết khiếp mất.
Kỳ thực trẻ sơ sinh mới một ngày làm gì đã biết, nhưng y nói như thế, quả thực yêu thằng bé biết bao. Ân Tố Tố mỉm cười đáp:
- Nếu ông thích nó, cứ bế nó một lát. Sau này nó lớn lên, ông đưa nó đi chơi.
Tạ Tốn nói:
- Tốt lắm? tốt lắm.
Nghe thằng bé khóc to, y liền nói:
- Hài nhi đói rồi, bà cho nó bú sữa đi. Tôi ra bên ngoài.
Thực ra hai mắt y đã mù, dù Ân Tố Tố có cho con bú trước mặt y cũng không sao, nhưng khi y phát điên thô bạo bao nhiêu, bây giờ trở lại bình thường vẫn là một người văn chất, nho nhã quân tử.
Trương Thúy Sơn nói:
- Tạ tiền bối?
Tạ Tốn nói:
- Không, chúng mình đã thành người một nhà, cái gì mà còn tiền bối hậu bối, vai vế trên dưới? Để ta nói cho nghe, ba người chúng ta kết thành kim lan huynh đệ, sau này lợi cho thằng bé con.
Trương Thúy Sơn nói:
- Ông là tiền bối cao nhân, vợ chồng tôi so với ông thân phận cách xa quá, đâu dám vói cao.
Tạ Tốn đáp:
- Hừ, ngươi là con nhà võ, sao lại còn hủ lậu thế? Ngũ đệ, ngũ muội, các ngươi có gọi ta là đại ca hay không thì bảo?
Ân Tố Tố cười đáp:
- Để em gọi đại ca trước, hai người mình kết bái thành anh em. Nếu anh ấy còn gọi là tiền bối, em cũng thành tiền bối của anh ấy luôn.
Trương Thúy Sơn nói:
- Nếu đã như thế, tiểu đệ đành phải nghe theo đại ca thôi.
Ân Tố Tố nói:
- Ba người mình cứ định như thế đã, vài ngày nữa khi em khỏe lại, mình sẽ tế cáo trời đất, bái kết nghĩa phụ, nghĩa huynh.
Tạ Tốn ha hả cười, nói:
- Đại trượng phu một lời nói ra, cả đời không đổi, việc gì phải bái trời bái đất. Giặc trời già tự mình không lo nổi cho mình, Tạ Tốn này hận y lắm lắm.
Nói xong hiên ngang đi ra khỏi động, từ ngoài cánh đồng không tiếng cười hả hê của y vang lại, hiển nhiên cực kỳ đắc ý. Trương Ân từ khi biết y đến nay, chưa bao giờ thấy Tạ Tốn hoan hỉ như thế.
Từ đó ba người toàn tâm toàn ý nuôi dưỡng thằng bé. Tạ Tốn khi còn trẻ làm nghề săn bắn, lại có hiệu là Kim Mao Sư Vương, dạy thú bắt muông không ai sánh kịp. Trương Thúy Sơn nói cặn kẽ từng nơi từng chốn trên đảo, y đi qua một lượt là nhớ hết. Từ đó việc bắt hươu, giết gấu một mình Tạ Tốn lo liệu.
Chẳng mấy chốc đã qua mấy năm, ba người sống trên đảo bình yên vô sự. Thằng bé con không bệnh tật gì, càng lớn càng khỏe mạnh. Trong ba người hóa ra Tạ Tốn lại cưng chiều y nhất, khi nào nó quá ương ngạnh, Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố muốn trách phạt, thì Tạ Tốn lại can. Mấy lần như thế, đứa trẻ biết được nghĩa phụ che chở, mỗi khi cha mẹ nổi cáu, liền chạy sang Tạ Tốn cầu cứu. Trương Ân chỉ còn nước lắc đầu cười nụ, nói đại ca nuông quá hóa hư.
Năm Vô Kỵ được bốn tuổi, Ân Tố Tố dậy y học chữ. Sinh nhật năm tuổi, Trương Thúy Sơn nói:
- Đại ca, thằng bé học võ được rồi. Từ nay đại ca dạy cho cháu có được không?
Tạ Tốn lắc đầu:
- Không được, võ công của ta quá sâu xa, trẻ con không thể nào lãnh ngộ được. Sao hiền đệ không truyền cho nó Võ Đương tâm pháp, đợi khi nào nó được tám tuổi, lúc đó ta mới dạy cho nó, chỉ dạy hai năm thì các ngươi trở về được rồi.
Ân Tố Tố lạ lùng hỏi:
- Đại ca nói về là về đâu? Về Trung Thổ ư?
Tạ Tốn đáp:
- Mấy năm nay ta ngày ngày nghe ngóng hướng gió, chiều nước. Mỗi năm đến kỳ đêm dài nhất, thì có gió bắc, thổi liên tiếp mấy chục ngày không ngừng. Mình có thể đóng một cái bè gỗ lớn, dương buồm lên, theo gió bắc mà xuôi nam. Nếu giặc trời già không làm gì trái khoáy, không chừng các ngươi có thể về Trung Thổ được.
Ân Tố Tố nói:
- Các ngươi? Không lẽ đại ca không về cùng sao?
Tạ Tốn đáp:
- Ta hai mắt mù rồi, trở về Trung Thổ làm cái gì?
Ân Tố Tố nói:
- Nếu đại ca không về, chúng em cũng không thể nào để đại ca ở đây một mình. Thằng bé chắc cũng không chịu, không có nghĩa phụ, ai cưng chiều nó đây?
Tạ Tốn thở dài:
- Ta cưng chiều nó mười năm cũng đủ rồi. Trời già vốn ghét ta hay phá phách, thằng bé nếu ở bên ta quá lâu, e rằng tặc lão thiên cũng ghét lây qua nó, khiến nó chịu nhiều tai họa.
Ân Tố Tố cảm thấy lạnh người, nghĩ lại chắc y chỉ thuận miệng nói thôi, nên cũng không để tâm. Trương Thúy Sơn truyền thụ cho thằng bé căn cơ nội công, nghĩ rằng nó còn bé, chỉ cốt sao cho khỏe mạnh là đủ, ở trên hòn đảo hoang này có đánh nhau với ai. Tạ Tốn tuy có nói chuyện về Trung Thổ, nhưng sau đó không bao giờ đề cập đến nữa, xem ra chỉ là hứng nhất thời, không lấy đó mà theo được.
Khi đã được tám năm, quả nhiên Tạ Tốn bảo Vô Kỵ theo y học võ, khi truyền thụ không gọi Trương Ân đứng bên cạnh để xem. Hai vợ chồng cũng tôn trọng qui củ võ lâm, đi thật xa, đối với tiến cảnh của Vô Kỵ cũng không tra hỏi, tin rằng Tạ Tốn dạy cho, đều phải là tuyệt học cao minh dị thường.
Trên đảo không có gì để ghi lại, ngày tháng trôi như nước chảy, thấm thoát đã hơn một năm. Từ khi Vô Kỵ sinh ra, Tạ Tốn trong lòng đã có nơi nghĩ đến nên không còn để ý gì đến bảo đao Đồ Long. Một đêm Trương Thúy Sơn bất ngờ mất ngủ, nửa đêm ra ngoài tản bộ, dưới ánh trăng chàng nhìn thấy Tạ Tốn ngồi xếp bằng trên một phiến đá, hai tay bưng thanh đao, đang cúi đầu suy nghĩ. Trương Thúy Sơn giật mình, muốn tránh ra, nhưng Tạ Tốn đã nghe thấy tiếng chân của chàng, nói:
- Ngũ đệ, tám chữ?võ lâm chí tôn, bảo đao Đồ Long? xem ra chỉ là hư ngôn.
Trương Thúy Sơn đến gần nói:
- Trong võ lâm những điều hoang đường thật biết bao nhiêu mà kể. Người tài trí thông minh như đại ca, đối với lời nói về thanh đao này lại cứ canh cánh không quên là sao?
Tạ Tốn đáp:
- Có điều ngươi chưa biết, ta từng nghe một vị hữu đạo cao tăng của phái Thiếu Lâm là Không Kiến đại sư nói về việc này rồi.
Trương Thúy Sơn nói:
- A, Không Kiến đại sư ư? Nghe nói ông ta là sư huynh của chưởng môn phái Thiếu Lâm Không Văn đại sư, nhưng tạ thế đã lâu rồi.
Tạ Tốn gật đầu:
- Đúng rồi, Không Kiến đã từ trần, chính ta đánh chết ông ta đấy.
Trương Thúy Sơn giật mình kinh hãi, nghĩ thầm trong giang hồ có hai câu truyền ngôn:?Thiếu Lâm thần tăng, Kiến Văn Trí Tính? là để chỉ đương thời bốn vị hòa thượng võ công tối cao của chùa Thiếu Lâm là Không Kiến, Không Văn, Không Trí, Không Tính. Về sau nghe nói Không Kiến đại sư bị bạo bệnh qua đời, không ngờ lại do Tạ Tốn đánh chết.
Tạ Tốn thở dài, nói:
- Vị Không Kiến đại sư đó thật là cố chấp, ông ta chỉ chịu cho ta đánh, trước sau không đánh trả, ta đánh ông ta mười ba quyền, sau cùng đánh chết ông ấy.
Trương Thúy Sơn trong bụng sợ hãi, nghĩ thầm:?Người nào chịu được đại ca đánh một quyền, một cước mà không chết đã là võ lâm bậc nhất cao thủ, vị thần tăng của phái Thiếu Lâm này chịu được mười ba quyền, thân thể như vậy còn cứng hơn sắt đá?. Thế nhưng chàng thấy Tạ Tốn thần sắc thê lương, trên mặt có dáng hối hận, hẳn rằng trong vụ này có cái gì hết sức ghê gớm. Từ khi chàng cùng Tạ Tốn kết nghĩa đến nay đã tám năm, cùng sống trên một hoang đảo, tình như ruột thịt, thế nhưng đối với vị nghĩa huynh này, trong kính trọng có ba phần sợ hãi, ngại rằng y có thể nhớ lại hận cũ ngày xưa, thành thử không bao giờ hỏi đến.
Nào ngờ Tạ Tốn nói tiếp:
- Ta bình sinh khâm phục chỉ có vài người. Tôn sư Trương chân nhân ta nghe danh đã lâu, nhưng vô duyên chưa gặp. Còn vị Không Kiến đại sư này, quả là một cao tăng. Tuy về mặt võ công ông ta không nổi danh như các sư đệ Không Trí, Không Tính, nhưng dưới mắt ta, hai vị Không Trí, Không Tính không sao bì kịp lão nhân gia.
Trương Thúy Sơn trước kia cũng đã nghe y bình luận các nhân vật đương thời, phần lớn người nào cũng bị y cười khẩy khinh thị. Dù người nào bị mắng chửi vài câu, đã được coi là nhân vật hạng nhất rồi, còn được y ca ngợi một câu lại càng khó hơn. Nào ngờ khi y đề cập đến Không Kiến đại sư lại ra chiều khâm phục đến vậy, quả là không ngờ đến, nên nói:
- Có lẽ vì người ẩn cư thanh tu, ít đi lại trên giang hồ, nên võ học cao siêu nhưng ít ai biết đến.
Tạ Tốn ngửng đầu lên trời, ngơ ngẩn, nói một mình:
- Thật là đáng tiếc thay, một vị cái thế kỳ sĩ trong võ lâm như thế, vậy mà để ta đánh mười ba quyền chết tại chỗ. Ông ta võ công tuy cao, nhưng lại cũng không thực tế, nếu khi đó ra tay đánh lại ta thì Tạ Tốn làm sao còn sống được đến hôm nay?
Trương Thúy Sơn nói:
- Không lẽ võ công của vị cao tăng đó, so với đại ca lại còn cao hơn ư?
Tạ Tốn nói:
- Ta làm sao so sánh được với ông ấy. Ta kém xa, kém xa lắm. Nói đúng ra là cách xa một trời một vực.
Khi y nói câu đó, trên mặt, giọng nói đầy vẻ kính ngưỡng khâm phục. Trương Thúy Sơn lấy làm lạ, trong lòng không thể tin nổi, tự biết ân sư Trương Tam Phong là một võ học gia trước nay ít có, nhưng so với Tạ Tốn, e rằng cũng chỉ thắng y một ít, nếu như Không Kiến đại sư so với Tạ Tốn cách xa như thế, nói đến?một trời một vực?, thì không lẽ còn giỏi hơn ân sư hay sao? Thế nhưng cũng biết rằng tuy tên của Tạ Tốn có một chữ?tốn?, tính tình y lại cực kỳ kiêu ngạo, nếu ông ấy không hơn y thực sự, thì y nhất định không thể nào nhận không bằng.
Tạ Tốn xem chừng đoán được tâm ý của chàng, nói:
- Ngươi không tin phải không? Được rồi, đi gọi Vô Kỵ ra đây, để ta kể câu chuyện cũ cho y nghe.
Trương Thúy Sơn thầm nghĩ trong giờ phút canh khuya này, Vô Kỵ chắc đã ngủ say, lay nó dậy để nghe kể chuyện xưa thật chẳng có ích gì, nhưng đại ca đã ra lệnh, không tiện từ khước, nên đành quay về hang gấu, gọi con dậy. Vô Kỵ nghe nói nghĩa phụ kể chuyện cho nghe, kêu lên mừng rỡ khiến cho Ân Tố Tố cũng thức dậy theo. Ba người ra ngoài ngồi bên cạnh Tạ Tốn.
Tạ Tốn nói:
- Con ơi, không bao lâu nữa con sẽ quay về Trung Thổ?
Vô Kỵ lạ lùng hỏi:
- Quay về Trung Thổ là sao?
Tạ Tốn xua tay, ý muốn y đừng cắt ngang câu chuyện, nói tiếp:
- Hoặc giả chiếc bè sẽ bị chìm dưới biển khơi, hay bị gió thổi đi mất tăm mất tích, thì coi như xong, không cần nói tới. Còn như về được Trung Thổ, ta nói cho con nghe, trên đời lòng người hiểm ác, không có thể tin vào ai được. Trừ cha mẹ thôi, ai ai cũng có bụng muốn hại con. Tiếc thay hồi ta còn nhỏ, không ai nói với ta như thế, ôi, mà nếu có nói, lúc ấy chắc ta cũng không tin.
Năm ta mười tuổi, vì một cơ duyên ngoài ý muốn, được một vị võ học cực cao cho làm môn đệ. Sư phụ của ta thấy ta tư chất không kém, nên có bụng thương yêu, dốc túi đem hết sở học truyền thụ. Thầy trò ta tình như cha con, ngũ đệ, đương thời ta đối với sư phụ kính yêu ngưỡng mộ, có lẽ so với ngươi đối với ân sư chẳng khác chút nào.
Năm ta hai mươi ba tuổi thì rời sư môn, đi đến tận Tây Vực, kết giao cùng một số bằng hữu lai lịch rất lớn, được họ quí trọng, coi như anh em. Ngũ muội, lệnh tôn Bạch Mi Ưng Vương thời đó cũng là người cùng ta kết giao đó. Sau đó ta lấy vợ sinh con, một nhà sum họp vui vầy, quả thực sung sướng.
Năm ta hai mươi tám tuổi, sư phụ ta đến thăm gia đình ta mấy ngày, trong lòng ta thật cao hứng, cả nhà hết lòng tiếp đãi, lúc rảnh rỗi, sư phụ ta lại chỉ điểm thêm công phu cho ta. Nào ngờ vị cao thủ thành danh trong võ lâm đó, lại mặt người dạ thú, rằm tháng bảy năm đó uống rượu xong, bỗng đối với vợ ta thi hành cường bạo...
Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố cùng?A? lên một tiếng. Việc thầy cưỡng gian vợ học trò, trong võ lâm chưa từng nghe đến, là một chuyện đại ác mà trời lẫn người đều căm phẫn. Tạ Tốn nói tiếp:
- Vợ ta kêu la cầu cứu, cha ta nghe tiếng chạy vào, sư phụ ta thấy chuyện đổ bể, một quyền đánh chết phụ thân ta, sau đó đánh chết luôn mẹ ta, đem đứa con ta vừa mới đầy năm Tạ Vô Kỵ?
Vô Kỵ nghe y nói đến tên mình, lạ lùng hỏi lại:
- Tạ Vô Kỵ?
Trương Thúy Sơn mắng nó:
- Không được lắm lời. Nghe nghĩa phụ nói chuyện.
Tạ Tốn nói:
- Đúng thế, đứa con thân sinh của ta cũng trùng tên với con, gọi là Tạ Vô Kỵ. Sư phụ ta cầm thằng bé, quật xuống thành một đống máu thịt nát nhừ.
Vô Kỵ không nhịn nổi, hỏi lại:
- Nghĩa phụ, y? y có sống được không?
Tạ Tốn buồn bã lắc đầu, nói:
- Không sống được, không sống được.
Ân Tố Tố quay qua con xua tay, để y đừng hỏi nữa.
Tạ Tốn lặng người đi hồi lâu rồi mới nói:
- Lúc đó ta thấy tình cảnh như thế, sợ đến mất vía, trong lòng hoang mang, không biết phải đối phó cách nào với vị ân sư mà bình sinh ta kính yêu bậc nhất. Đột nhiên y đấm vào ngực ta, ta bàng hoàng đến mức không tránh đỡ, trúng một quyền lăn ra bất tỉnh. Khi tỉnh lại, sư phụ ta không biết đã đi đâu, chỉ thấy người chết đầy nhà, cha mẹ vợ con, em trai em gái, bộc dịch, toàn gia mười ba người, đều chết dưới quyền của ông ta. Có lẽ ông ta tưởng rằng một quyền đã đánh chết ta rồi nên không hạ độc thủ nữa.
Ta bị một cơn bệnh nặng, khi khỏi rồi bắt đầu khổ luyện võ công, ba năm sau đi kiếm sư phụ của ta báo thù. Thế nhưng công phu của ta so với ông ta còn thua xa, tưởng là báo thù nào ngờ chỉ thêm nhục, nhưng cái huyết cừu mười ba mạng người, đâu phải vì thế mà bỏ qua. Ta đi tìm hết mọi danh sư, không ăn không ngủ luyện tập, cái khổ công đó cũng thành tựu phần nào. Năm năm sau, ta tự thấy công phu đại tiến, lại đi tìm sư phụ ta lần nữa. Nào ngờ công phu của ta tuy cao, tài nghệ của ông ta lại càng cao hơn, lần thứ hai báo thù lại bị đánh trọng thương.
Sau khi ta hồi phục không lâu, có được một bộ quyền phổ?Thất Thương Quyền?, đường quyền này uy lực quả không phải tầm thường. Ta chuyên luyện nội kình Thất Thương Quyền, hai năm sau quyền kỹ đại thành, tự cho rằng mình đã ngang ngửa với những cao thủ đệ nhất trong võ lâm. Sư phụ ta nếu không có duyên gặp được cái gì khác thường, ắt không thể nào là địch thủ của ta được. Thế nhưng đâu ngờ được lần thứ ba đi kiếm ông ta, thì không tìm được nơi ông ta cư trú nữa. Ta nghe ngóng khắp nơi, vẫn không sao điều tra được, có lẽ ông ta lẩn trốn nơi thâm sơn cùng cốc nào, nhưng đất trời mênh mông biết đi tìm đâu bây giờ?
Ta giận dữ quá bèn gây ra rất nhiều vụ án, giết người đốt nhà, không việc gì không làm. Tại mỗi vụ án ta đều để lại tên của sư phụ ta trên tường.
Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố cùng kêu lên?A? một tiếng. Tạ Tốn hỏi:
- Các ngươi đã biết sư phụ của ta là ai chưa?
Ân Tố Tố gật đầu đáp:
- Ồ, hóa ra đại ca là đệ tử của Hỗn Nguyên Tích Lịch[3] Thủ Thành Côn.
Thì ra hai năm trước đây, trong võ lâm đột nhiên sinh ra rất nhiều sóng gió, từ Liêu Đông cho chí Lĩnh Nam, chỉ trong nửa năm có đến hơn ba mươi vụ đại án, nhiều hào kiệt nổi danh bỗng dưng bị giết một cách bất minh, bất bạch, nhưng hung thủ đều để lại cái tên Hỗn Nguyên Tích Lịch Thủ Thành Côn. Người bị hại nếu không phải là chưởng môn một phái, cũng là một lão anh hùng giao du thật rộng, mỗi vụ lại liên quan đến rất nhiều người. Chỉ cần một vụ thôi cũng đã loan truyền vang dội khắp võ lâm, huống chi lại đến hơn ba mươi vụ. Lúc đó Võ Đương thất hiệp cũng đã vâng lời sư phụ xuống núi tra tìm, nhưng không kiếm ra manh mối gì. Ai cũng biết là người nào đó đã cố tình giá họa cho Thành Côn.
Hỗn Nguyên Tích Lịch Thủ Thành Côn võ công rất cao, trước nay thanh danh rất tốt, trong số người bị hại có cả một số bằng hữu thâm giao của ông ta, nên những vụ án đó nhất định không phải ông ta làm. Thế nhưng muốn biết hung thủ thì phải tìm được ông ta trước đã, nhưng đột nhiên ông ta biến mất không thấy tăm hơi, không còn tin tức gì cả. Sau một thời náo loạn, ba mươi vụ án rồi cũng chìm xuống. Tuy số người muốn báo thù rửa hận có hàng trăm hàng nghìn, nhưng vì không biết hung thủ là ai, ai nấy cũng chỉ còn để trong lòng mà thôi. Nếu không phải hôm nay Tạ Tốn thổ lộ chân tướng, Trương Thúy Sơn làm sao biết được nguyên ủy vụ này.
Tạ Tốn nói:
- Ta mạo danh Thành Côn gây ra những vụ án, chỉ mong bức bách được y phải ra mặt, dù ông ta cứ rụt đầu rụt cổ trốn tránh thì hàng trăm hàng ngàn người cùng đi tìm, chẳng hơn chỉ một mình ta đi kiếm hay sao.
Ân Tố Tố nói:
- Kế đó hay lắm, có điều biết bao người vô tội phải chết vì tay đại ca, ở dưới âm thành quỉ hồ đồ, chẳng đáng thương lắm ư?
Tạ Tốn nói:
- Thế thì cha mẹ vợ con ta bị Thành Côn giết chết không phải là người vô tội sao? Không đáng thương ư? Ta xem trước đây cô tính tình sảng khoái, lấy ngũ đệ chín năm qua, học được cái tính ủy mị rồi.
Ân Tố Tố nhìn chồng mỉm cười:
- Đại ca, những vụ án đó bất ngờ nổi lên, rồi cũng tự nhiên biến mất, sau đó đại ca có tìm thấy Thành Côn không?
Tạ Tốn đáp:
- - Không, không thấy. Về sau ta ở Lạc Dương trông thấy Tống Viễn Kiều à
Trương Thúy Sơn giật mình kinh hãi, nói:
- Sư ca của đệ Tống Viễn Kiều ư?
Tạ Tốn đáp:
- Đúng rồi. Chính là người đứng đầu Võ Đương thất hiệp Tống Viễn Kiều. Ta đã gây ra rất nhiều đại án, trên giang hồ đã náo loạn trời quay đất chuyển rồi, nhưng sư phụ ta Hỗn Nguyên Tích Lịch Thủ Thành Côn?
Vô Kỵ hỏi:
- Nghĩa phụ, ông ta xấu xa như thế, sao cha còn gọi là sư phụ?
Tạ Tốn cười buồn đáp:
- Ta từ nhỏ gọi thế quen rồi. Dẫu gì, hơn một nửa võ công của ta là do ông ta truyền thụ, ông ta có tệ hại, thì ta cũng chẳng phải người tốt, biết đâu chừng cái xấu xa của ta cũng do ông ta dạy. Cái hay cũng do ông ta dạy, cái dở cũng do ông ta dạy, nên ta vẫn gọi là sư phụ.
Trương Thúy Sơn nghĩ thầm:?Đại ca một đời gặp nhiều thảm họa, vì quá phẫn khích, hành sự không phân đâu là phải, đâu là trái. Vô Kỵ nghe những lời đó nhớ ở trong lòng, sau này lập thân ắt sẽ có hại, vài ngày nữa ta sẽ từ từ giải thích cho y nghe?.
Tạ Tốn nói tiếp:
- Ta thấy sư phụ ẩn nhẫn, nhất định không lộ diện, nghĩ thầm nếu không có một vụ đại án kinh thiên động địa, thì không thể nào ép ông ta ló đầu ra. Hiện nay trên võ lâm chỉ có hai phái Thiếu Lâm, Võ Đương là cao hơn cả, xem ra phải giết một người thuộc loại nhất lưu cao thủ trong phái Thiếu Lâm hay phái Võ Đương thì mới có hiệu quả. Hôm đó ta ở trong vườn mẫu đơn ngoài Thanh Hư quan, nơi thành Lạc Dương, trông thấy Tống Viễn Kiều ra tay trừng trị một tên ác bá, võ công thật cao cường, nên dự tính đêm đó sẽ tới giết y.
Trương Thúy Sơn nghe tới đây, bỗng nhiên khiếp đảm, mặc dù biết rằng đại sư ca không bị Tạ Tốn giết, nhưng nghĩ lại tình hình hung hiểm lúc đó, không khỏi ghê sợ. Tạ Tốn võ công cao hơn đại sư ca nhiều, huống chi một người ngoài sáng, một người trong tối, nếu như quả thực ra tay, đại sư ca chắc không thoát khỏi. Ân Tố Tố cũng biết Tống Viễn Kiều chưa chết, nói:
- Đại ca, chắc đột nhiên đại ca không nỡ giết người vô tội, chứ nếu đã giết Tống đại hiệp rồi thì vị Trương ngũ hiệp này nhất định sẽ thí mạng với đại ca, chứ đâu có thành anh em kết nghĩa được.
Tạ Tốn hừ một tiếng đáp:
- Làm gì có chuyện nỡ hay không nỡ? Nếu là ngày hôm nay, ta ắt nghĩ đến tình với ngũ đệ, không đến gây sự với phái Võ Đương. Có điều hồi đó ta chưa biết ngũ đệ, không nói gì là Tống Viễn Kiều mà có chính là ngũ đệ chăng nữa, e rằng nếu ta bắt gặp, cũng sẽ giết trước rồi tính sau.
Vô Kỵ lạ lùng hỏi:
- Nghĩa phụ, tại sao nghĩa phụ lại muốn giết cha con?
Tạ Tốn mỉm cười đáp:
- Đó là ta nói giả tỉ, chứ không phải muốn giết cha con thật.
Vô Kỵ nói:
- Ồ, thì ra là thế.
Y mới yên tâm. Tạ Tốn vuốt ve tóc thằng bé, nói tiếp:
- Giặc trời già tuy có nhiều chuyện không ra gì, nhưng không để ta giết Tống Viễn Kiều, nếu không ta và cha con thù ghét nhau, thì sẽ không thể nào cùng cha con kết nghĩa anh em được.
Ngừng lại một chút, nói tiếp:
- Tối hôm đó, ta ăn cơm chiều xong, ngồi trong khách điếm đả tọa dưỡng thần. Ta biết rằng Tống Viễn Kiều là người đứng đầu trong Võ Đương thất hiệp, võ công ắt phải có chỗ hơn người. Nếu như đánh một lần mà không trúng, để y chạy thoát, hoặc chỉ đánh y trọng thương mà không chết, hành tàng của ta ắt bị tiết lộ, mưu kế ép cho sư phụ ta phải lộ diện kia coi như xôi hỏng bỏng không. Hào kiệt trong khắp cả thiên hạ sẽ kiếm ta vây đánh, thì dù Tạ Tốn này có ba đầu sáu tay, cũng không thể nào đối địch. Ta có chết cũng không có gì đáng tiếc, nhưng cái mối huyết hải oan cừu này, không còn cách gì báo phục được nữa.
Trương Thúy Sơn hỏi lại:
- Thế đại ca tỉ võ với đại sư ca của tiểu đệ rồi sau ra sao? Đại sư ca chưa bao giờ nói với tiểu đệ về chuyện ấy, thật là lạ.
Tạ Tốn nói:
- Tống Viễn Kiều trước sau nào có hay biết, e rằng đến cả sáu chữ Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn cũng chưa nghe đến bao giờ, vì sau đó ta đâu có đi kiếm y.
Trương Thúy Sơn thở phào, nói:
- Tạ trời tạ đất.
Ân Tố Tố cười:
- Tại sao lại tạ giặc trời già, giặc đất già làm chi, tạ là tạ Tạ đại ca ngay trước mặt này chứ?
Trương Thúy Sơn và Vô Kỵ cùng cười.
[1] Quan Vũ, Nhạc Phi
[2] Những nhân vật kiệt xuất trong bộ Anh Hùng Xạ Điêu
[3] Tích lịch hay phích lịch là sét đánh ý nói quyền pháp mạnh mẽ như sấm sét