2/11/12

Ái tình quả hoa (C11-12)

Chương 11:

Lúc mười giờ ngày hôm sau, lão Vương chạy xe đến rước Phi tại y viện, Phi đem tất cả hành lý giao cho lão Vương, chàng nghĩ lại càng tức cười cho mình. Trông cho mau mãn hạn huấn luyện để trở về tiếp tục làm việc trong y viện, giờ lại bị đưa đi một nơi khác, ngoài ý nghĩ của mình.
Lúc chàng còn đi học, có lần cũng làm giáo sư dạy kèm cho một gia đình để kiếm thêm học phí. Nhưng đối với lần này thì khác. Lúc đó mỗi tuần chỉ dạy ba buổi, mỗi lần chỉ dạy hai tiếng đồng hồ, khi xong là rút lui. Không như lần này đến hẳn nhà người mà làm khách. Chàng chưa biết sự sinh hoạt có mới lạ gì không. Hay nó chẳng có một thích thú nào. Thôi thì sinh hoạt thế nào, cũng phải đến tận nơi nếm thử mới biết.
Trên đường đi, lão Vương bỗng nhiên hỏi:
- Cậu Lê, tại sao cậu lại ở tại y viện vậy?
Phi ngần ngại giây lát, chàng không ngờ lão Vương lại hỏi một câu đột ngột không biết ý nghĩa ra sao mà trả lời, chàng hỏi lại:
- Tại sao lại không ở y viện được?
- Không dối gì cậu, mỗi lần tôi đến y viện, là tôi sợ run mình. Sợ bất ngờ từ trong đó xông ra một tên điên, họ đánh mình không biết đường đâu mà tránh.
Phi cười cười biết đây là lời nói thật của lão. Nếu chàng không nói rõ thì ông ta sẽ hiểu lầm mãi. Chàng hỏi:
- Hiện giờ chú còn nghĩ như thế không?
Lão Vương lắc đầu nói:
- Hiện giờ thì tôi hơi nhẹ lo, biết rằng người điên họ chỉ ở trong phòng bịnh, nhưng cũng lo sợ phập phồng, e cho họ sẽ phá cửa mà ra.
Phi giải thích:
- Không phải mỗi người mắc chứng bịnh thần kinh đều là nguy hiểm hết. Họ có đánh người chăng nữa, chẳng qua là hành vi tự vệ. Họ không thích kẻ khác cho họ là người điên.
- Người điên là điên chớ gì. Sao lại không nguy hiểm? Có điều rất đáng thương là mọi người rất thích trông thấy họ, có lúc một số đông người bu quanh họ dùng đá và đất mà chọi họ.
Phi vẫn lắc đầu cho rằng không phải như lão nghĩ, chàng cũng đồng tình với lão đôi chút, vì lão không biết rõ. Chàng giải thích:
- Người mắc bịnh thần kinh họ không thích ai cho họ là người mắc bịnh, thật ra cũng là bịnh như những chứng bịnh khác. Có những chứng bịnh thật đáng thương, chúng ta cũng nên cảm thông cho họ.
Lão Vương gật đầu nói:
- Tôi đã hiểu. Chẳng qua mình chỉ sợ vu vơ đó thôi, có lúc cũng giựt mình, từ nay khi nghe nói đến người điên hay mang bịnh thần kinh thì phải sợ rồi.
Ph ithấy không thể giải thích cho lão Vương hiểu biết theo ý mình, chàng bèn thí dụ một cách khác:
- Theo ý chú, một người bị rắn cắn một lần, từ đó khi thấy sợi dây cũng cho là rắn. Vấn đề đó từ từ tập nó sẽ quen, đừng sợ hãi vô lý.
- Cậu Lê, cậu nói rất phải, nhưng không thể nào tôi tập cho quen được. Nếu tôi là cậu thì chẳng bao giờ tôi ở tại y viện đâu. Sao cậu không ở nhà viện trưởng? Nhà ông ta vừa rộng vừa sạch sẽ.
Phi thấy lão Vương chưa biết mình đang theo ngành y khoa, chàng cười cười nói:
- Chú Vương, chú không biết tôi đang mắc bịnh thần kinh hay sao?
Nghe chàng nói, lão Vương kinh sợ thất thần, dường như lão muốn đụng xe vào một căn phố. Lão mới trấn tĩnh lại, vừa thở vừa nói:
- Cậu Lê, đừng nói giỡn với tôi cậu, tôi sợ thật mà.
Phi thấy dáng điệu của lão, chàng cảm thấy ăn năn lời nói của mình, thiếu chút nữa lão đã gây nên họa, chàng tiếp:
- Ở tại y viện tuy khó chịu, nhưng gần biển nên được hưởng không khí rất tốt...
Lão Vương dường như đã hiểu biết đôi phần:
- À, phải rồi. Bởi cậu là một nhà văn, nên ở tại đây có nhiều tài liệu để viết văn chứ gì.
Phi cảm thấy hứng thú hỏi:
- Chú nghe ai nói tôi là nhà văn?
- Cô Tố Tố, sáng hôm nay cô ấy đã nói cho tôi biết. Lúc sáu giờ sáng là cô thức dậy sớm bảo tôi đi rước cậu. Hơn mấy tháng nay chưa một ngày nào tôi thấy cô ấy vui vẻ như hôm nay.
- Cô Tố Tố còn nói gì với chú nữa không?
- Cô nói, cậu đến để dạy Anh văn cho cô.
- Chắc cô ấy thích Anh văn?
- Cô ấy thích đi ngoại quốc. Bà chủ nói: Cậu Lục Cơ Thực đã đi Mỹ rồi. À, cậu Lê, chắc cậu đã biết, không thể cho cô ấy biết là cậu Cơ Thực đã chết.
- Hùng xưởng trưởng đã nói cho tôi biết điều đó.
Phi nghĩ thầm, vấn đề đó không biết sau nầy nó sẽ biến chuyển ra sao? Có một ngày nào đó nó sẽ lột trần sự thật, chưa biết Tố Tố sẽ ra sao? Nhưng tư tưởng của chàng không giống với những người khác, chàng có ý nghĩ nên cho Tố Tố biết rõ sự thật để nàng không còn tưởng đến những chuyện siêu thực ấy nữa. Có thể nàng bị kích thích rất nặng, nhưng tâm bịnh của nàng nhờ đó mới có thể trừ tuyệt được căn.
Tuy nghĩ vậy, nhưng tạm thời chàng vẫn giữ bí mật, chờ có cơ hội tốt, chàng nhất định sẽ tiến hành giải pháp đó. Chàng không cam chịu thúc thủ để làm một giáo sư gia đình, mà phải quyết tâm trị bịnh thần kinh của nàng cho dứt tuyệt.
Xe vừa đến gần nhà họ Hùng, chưa rẽ vào nhà hai người đã nhìn thấy Tố Tố đang đứng trông. Chàng thấy nàng ăn mặc tuy bình thường, nhưng phong thái của nàng rất quý phái, trông nàng như một bức họa tuyệt mỹ.
Lão Vương ngừng xe lại, Hùng Tố Tố nhìn Phi dùng Anh văn nói:
- A, ông thầy, được mạnh giỏi.
Phi đưa tay bắt tay Tố Tố:
- Cám ơn cô đến tiếp rước tôi.
Lão Vương mở cửa cho Phi xuống, nàng nói:
- Chúng ta xuống đi một vòng chơi được không?
- Được chớ.
Phi vừa lên tiếng vừa bước xuống xe. Lão Vương lui xe lại chạy vào nhà xe. Phi vừa đi bên nàng vừa hỏi:
- Sao cô biết bữa nay tôi đến mà đón rước?
Tố Tố nhìn chàng tỏ vẻ hờn dỗi:
- Ba tôi cho biết. Tôi đón anh trọn buổi sớm mai vậy đó.
- Xin lỗi, tôi không biết cô đón tôi.
- Lão Vương hư quá đi, tôi tính tự mình lái xe đi rước anh, lão không chịu, nói xe đã hư rồi, phải đi sửa lại.
Phi hơi lấy làm lạ, chàng nghĩ: có lẽ Hùng xưởng trưởng đã giới thiệu mình cho nàng biết rồi. Bằng không, sao nàng biết mình ở tại đó mà đi rước? Tuy nhiên chàng giả vờ hỏi:
- Cô biết tôi ở đâu mà rước?
- Tôi hổng biết, mà lão Vương cũng không cho tôi biết.
Phi cảm thấy an lòng, chàng tính đến đây gạt nàng, bây giờ thì khỏi cần nữa. Nhưng chàng không dám nói thật với nàng.
- Tôi ở đậu với một người bạn, cô có đi đến thì cũng hơi khó, do đó mà lão Vương chẳng muốn cho cô đi đến đó chớ.
- Anh ở chung với anh Hoàng Thiên Phú phải không?
Phi cố ý cười cười hỏi:
- Cô nghĩ như vậy?
Nàng ngừng lại giây lát nói:
- Theo tôi nghĩ, nếu anh cùng ở chung với anh Phú, thì tôi không tiện rước.
Phi nghi rằng, nàng cho Hoàng Thiên Phú là y sĩ, nên nàng không muốn gặp:
- Tại sao vậy cô?
Tố Tố nói thẳng:
- Tôi không thích anh ấy.
- Lý do nào mà cô không thích, xin cho tôi biết với?
Tố Tố lắc đầu, nàng ngừng lại giây lát nói:
- Tôi cũng không biết tại sao? Có lẽ tại trực giác của mình không thuận mắt vậy thôi.
Phi cười lớn nói:
- Lý do đó cũng khá hay chớ?
- Anh cho là sai lầm chớ gì?
- Không đúng như cô tưởng. Thực ra tánh ý anh ta rất ngang tàng, rất nhiệt tâm, rất vui tánh có mặt anh không bao giờ buồn chán.
- Tôi tin lời nói của anh. Nhưng tâm tánh tôi lắm khi trái ngược lại, khi có ấn tượng về một người nào đó, tôi vẫn căn cứ theo trực giác.
- Lần đầu tiên cô gặp anh Phú, cô có ấn tượng thế nào?
- Ấn tượng thứ nhất của tôi chắc anh tức cười lắm.
- Vì lẽ gì mà đáng tức cười chớ? Tôi cũng có nhiều lúc có ấn tượng như cô vậy.
- Anh nói thật đó chớ?
- Tôi gạt cô để làm gì? Nếu mình muốn hiểu người đó thế nào, phải tiếp xúc và xem xét họ cho kỹ lưỡng, mới phán đoán họ được. Tôi với anh Phú sống gần nhau nhiều năm, tôi hiểu rõ anh ấy hơn ai hết.
Tố Tố suy nghĩ giây lát nói:
- Căn cứ theo lời anh, tôi có đôi chút cảm tình với anh Phú. Ngày hôm đó nếu chỉ một mình anh ấy, tôi sẽ không đồng ý ảnh đưa tôi về nhà.
- Thế là tôi phải cám ơn cô đã vui lòng để tôi đưa cô về nhà.
- Tôi cám ơn anh mới phải chớ, tại sao anh lại cám ơn tôi? Tôi rất vui vẻ hôm ấy được gặp lại anh. Thứ nhất là anh gây cho tôi yên tâm đi về nhà, thứ nhì là, khi biết được anh, sau này sẽ nhờ anh dạy thêm Anh văn cho tôi.
- Khuyên cô khoan cám ơn tôi. Hôm qua tôi đã nói với Hùng xưởng trưởng, cô là một sinh viên tài cao về phân khoa văn học, có thể về sinh ngữ tôi còn phải học với cô là khác.
Nàng nguýt chàng và nũng nịu:
- Cái gì mà cao tài thấp tài, khó nghe chết đi được.
Hai người vừa đi vừa nói chuyện, họ đến nhà rất mau. Tố Tố về đến nhà trước, dắt chàng vào nhà khách, một người đàn bà khoảng năm, sáu mươi tuổi đứng đón họ trước cửa.
Phi nhìn thấy thì đoán người đàn bà ấy là má của Tố Tố, tuổi của bà đã già, nhưng nét đẹp của thời son trẻ vẫn còn phảng phất trong tư thái của bà. Tố Tố bước đến trước, ôm bà và giới thiệu cho Phi biết.
Phi khép nép cúi thân hình xuống thưa bác. Bà Hùng lộ vẻ vui cười nói:
- Chào mừng cậu Lê.
Tố Tố chau mày nói:
- Má, anh này tên Lê Dịch Phi, má nên gọi ảnh bằng tên nghe nó có vẻ thân thiện hơn.
Bà Hùng tỏ vẻ hiền dịu ôm con gái vào lòng nói:
- Này, cậu Phi xem, có phải Tố Tố nó kêu hỗn không? Ai đời dám gọi thầy bằng tên tộc.
- Thưa bác, chúng cháu là bạn học với nhau, cháu chỉ lớn hơn Tố Tố chừng một tuổi thôi, làm thế nào làm thầy cô Tố Tố được? Chỉ tuân theo lời bác trai muốn cháu đến giúp đỡ cho Tố Tố, có thể trong vài ba hôm trong gia đình không vừa ý cháu cũng chưa biết chừng.
Bà Hùng mời Phi ngồi xuống và nói:
- Cậu đừng quá ngại ngùng, chúng ta đều là người trong gia đình với nhau, ông nhà tôi xét và chọn rất kỹ, mới mời cậu đến giúp đỡ, gia đình tôi cám ơn cậu vô cùng.
Phi vẫn biết lời của bà Hùng là lời xã giao bên ngoài, nhưng chàng gật đầu nói:
- Bác yên lòng, cháu sẽ nguyện tận lực với sức mình.
Lão Vương mang hành lý của chàng vào, Phi đứng dậy để nhận những vật dụng của chàng, Tố Tố bước đến trước cản trở:
- Anh để tôi đi sắp đặt chỗ ở cho.
Nàng nói xong, bèn hướng dẫn lão Vương đi vào phía sau. Bà Hùng nhìn theo bóng con gái, trên môi bà nở nụ cười thỏa mãn. Bà khẽ nói:
- Nhờ hôm nay cậu đến, nên con Tố Tố nó vui vẻ đáo để.
- Tố Tố sống rất lạnh lùng, bác cũng nên tìm người bầu bạn với cô.
- Trước đây có con chị em bạn dì với nó đến bầu bạn ít hôm, nhưng tối ngày chị em nó không nói chuyện với nhau một tiếng nào, Tố Tố không mấy thích cô em bạn dì, nên con nhỏ lặng lẽ ra về. Ngày hôm kia tôi có viết thư mời đến, cũng không được tin trả lời. Theo tôi thấy Tố Tố nó rất mến cậu, cậu mới đến mà tinh thần của nó vui hơn trước nhiều.
- Cô Tố Tố không thích y sinh, tôi chỉ sợ e...
Bà Hùng đoán biết Phi sắp nói gì, bà nói trước:
- Tạm thời đừng cho nó biết, sau này thân thiện nhau, chừng đó nó có biết cũng không sao.
Phi gật đầu tỏ vẻ đồng ý. Bà Hùng thở dài và lắc đầu nói tiếp:
- Tôi chỉ có mình nó là gái, năm qua dự tính sau khi nó tốt nghiệp sẽ cho nó xuất ngoại du học. Cũng không yên lòng cho một mình nó sống ở nước ngoài, vì từ nhỏ đến lớn nó chưa hề rời khỏi gia đình. Sau đó nó gặp Cơ Thực. Tôi không hề biết chúng nó bàn chuyện yêu đương những gì, nó cũng chưa từng dắt bạn trai nó về nhà cho cha mẹ biết, cũng không nói với tôi là chúng đã yêu nhau. Sau nầy tôi biết được thì không đồng ý, có nhiều lần rầy la nó, thành ra tình mẹ con bớt đi trìu mến. Ông nhà tôi thì khuyên đừng ràng buộc việc hôn nhân của con cái, bởi nó đã thành niên rồi, thì để tự nó chọn lấy bạn trăm năm. Kế đến, thằng Cơ Thực, xẩy ra chuyện không may đó.
Nghe đến đây Phi hỏi:
- Anh Lục Cơ Thục chưa đến nhà bác lần nào?
Bà Hùng lắc đầu nói:
- Theo lời Tố Tố thì Cơ Thực rất bận nên không thể đến được, thường lái phi cơ bay đi các nước ngoài. Chỉ có một lần Cơ Thực mời vợ chồng tôi đến Đài Bắc đãi một bữa cơm, đối với Cơ Thực tôi cũng hài lòng, bởi Cơ Thực rất chững chạc và hiên ngang, xứng đáng một người thanh niên kiểu mẫu, Cơ Thực với Tố Tố rất khắng khít, tôi cũng được chút yên tâm nhưng lần gặp gỡ đó không quá một tháng sau...
Bà Hùng nói đến đây, đôi mắt của bà đỏ hoe lên. Trong lúc đó, lão Vương mang bao hành lý thứ hai của Phi vào. Tố Tố nhẩy nhót đến trước mặt Phi nói:
- Hoan nghinh cái phòng của anh, vào mà xem.
Phi vừa đứng lên, muốn nói những gì với bà Hùng, nhưng bà hướng sang Tố Tố nói:
- Con dắt anh Phi vào xem phòng đi, má xuống nhà bếp coi đầu bếp họ cho ăn gì đây.
- Thưa bác, xin bác chớ xem cháu như khách.
- Được rồi, cậu cũng đừng câu nệ lắm, xem nhà nầy như nhà cậu vậy. Bởi chúng ta không phải là người ngoài. Tố Tố với Bân Bân tụi nó cùng học chung lớp trung học, sau này mới chia tay nhau.
Tố Tố dắt Phi đến một gian phòng chót bên mặt. Nàng nói:
- Anh đừng lưu tâm đến má tôi cho lắm, ba mong cho khách đến nhà để bàn chuyện suốt ngày, việc của bà nói tối ngày cũng chưa hết nữa.
- Tôi rất vừa ý bác gái, căn cứ theo lời cô nói, có ấn tượng tốt hay không là gặp nhau trong lần thứ nhất. Bà thật là một bà mẹ tốt.
Tố Tố cười lớn lên, nàng rất thích nghe Phi khen mẹ. Hai người cùng đi đến cuối dẫy hành lang, nàng đưa tay đẩy cửa phòng, quay lại nói với Phi:
- Gian phòng này của anh đó.
Phi bước vào phòng, chàng có cảm giác rất thích hoàn cảnh này. Trong gian phòng có bẩy, tám vị trí, trừ chiếc giường một người nằm, còn có một bàn viết, một tủ sách lớn kê sát bên tường, phía sau là cánh cửa sổ lớn bằng kiếng, nhìn ra phía xa xa, khỏi vườn hoa là đến chân rặng núi xanh. Phía dưới cửa sổ có bộ ghế sofa và ghế mây.
Phi ngỏ lời khen ngợi:
- Cảnh này đẹp quá, chắc thư phòng của bác trai hả cô?
- Hổng phải đâu, phòng của anh cả tôi, khi ảnh xuất ngoại, lắm lúc ba tôi đến đây ngồi một mình nghĩ ngợi, ông không đọc sách cũng không viết lách gì cả.
Phi tỏ ra hiếu kỳ hỏi:
- Vậy bác làm gì ở đây?
- Ba tôi cũng như tôi vậy, lại đây ngồi trên ghế xoay tới xoay lui chơi, ông nói nơi đây an nghỉ rất lý tưởng, nhưng tôi thì nghĩ khác, có lẽ ông đến đây để tránh nghe má tôi tụng kinh.
Phi cười cười nói:
- Cô quá võ đoán rồi đa, làm một vị xưởng trưởng đâu phải dễ, hằng ngày biết bao sự tình, tiếp xúc biết bao người để giải quyết chuyện khó khăn.
- Phải rồi, anh làm nam giới nên luôn luôn binh thuyết của phái nam.
- Chỉ nói chuyện công bình mà nghe vậy. Nhưng tôi tới đây chiếm căn phòng của bác trai, rồi phải làm sao đây?
- Tôi chẳng đã nói với anh, lắm khi ngẫu nhiên ba tôi đến đây ngồi chơi vậy thôi. Bình thường thì công việc của ông rất nhiều, lắm lúc đến nửa đêm mới về nhà.
Phi nhìn vào chiếc giường ngủ sửa soạn tươm tất, chàng tỏ ra không được yên lòng:
- Cám ơn cô lo lắng chỗ nghỉ ngơi của tôi rất chu đáo.
- Chỉ là lần đầu thôi, từ nay anh tự lo liệu lấy.
- Sợ một mình tôi không bao giờ lo được chu toàn như vầy chớ.
Tố Tố đứng dậy đến bàn viết:
- Tôi cũng chỉ làm siêng được một lần này, lọ hoa trên bàn viết cũng do tôi cắm vào đấy.
Trong lọ hoa có một bó hoa Mai Quế, gồm đủ màu sắc, Phi nhìn vào vườn hoa thấy hoa Mai Quế đang rộ nở màu sắc rực rỡ:
- Cám ơn cô, tôi nhìn vườn hoa đủ màu sắc tươi đẹp này cùng đủ rửa mắt rồi, từ nay cô khỏi bẻ nó mà cắm vào lọ.
Tố Tố cười cười nói:
- Thưa thầy, được rồi. Thầy hãy nghỉ đi. Có lẽ thầy còn lo sửa soạn thêm cho gian phòng được vừa ý. Nếu cần cứ gọi lão Vương đến để sai bảo lão làm giúp cho.
Phi liếc nàng và nói:
- Thôi, như vầy cũng quá tươm tất rồi. Cô sắp xếp rất vừa ý tôi.
Tố Tố bỗng nhiên mặt đỏ bừng, nàng muốn nói gì, nhưng không nói ra lời, nàng chỉ cười cười và đi thẳng ra cửa phòng, thuận tay khép cửa lại.
Phi bước lại cửa sổ nhìn màu sắc của vườn hoa, nhưng trong đầu chàng chỉ nghĩ đến tiếng nói giọng cười của Tố Tố. Nếu chàng không biết nàng có bịnh, chàng không bao giờ đoán được tinh thần nàng mất bình thường. Nàng đối xử với chàng rất đẹp, có lẽ từ nay căn bịnh của nàng sẽ dễ trị hơn.
Chàng cảm thấy vừa ý với hoàn cảnh mới này, cũng như ưa thích nơi trú ngụ này. Nhất là nơi đây tự học rất thích hợp, chàng có thể lợi dụng hoàn cảnh này để tự mình học thêm. Từ ngày nghe Khưu viện trưởng ngỏ lời, sẽ cho chàng học phí để xuất ngoại, trong lòng chàng luôn luôn nghĩ đến chuyện ngoại quốc xa xăm. Nếu chẳng phải vì hoàn cảnh thì mộng xuất ngoại của chàng đã thành tựu rồi. Nhưng chàng rất dè dặt, khi mình chưa thành công thì không bao giờ cho người ngoài biết. Sau khi chàng đến nhà họ Hùng, chàng rất cám ơn Khưu viện trưởng, trừ vấn đề trị bịnh cho Hùng Tố Tố ra, chàng cảm thấy là nơi thuận tiện cho việc học thêm.


---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chương 12:

Tố Tố có hai anh trai và một em trai. Anh cả của nàng sau khi tốt nghiệp đại học đã xuất ngoại du học rồi, người anh ba còn đang nghiên cứu tại một phân khoa đại học ở quê nhà, em trai của nàng cũng vừa thi đậu vào đại học một năm, đang ở nội trú tại trường.
Riêng Tố Tố bầu bạn mẹ nàng tại nhà. Trong nhà còn có lão tài xế họ Vương và cô tớ tên A Kim. Thường ngày Hùng xưởng trưởng ra đi từ sáng sớm, có lúc về ăn cơm trưa, ít khi về ăn cơm tối tại nhà. Do đó trong nhà rất đơn giản và yên lặng.
Ngày Phi đến, ông ta về ăn cơm tối tại nhà với Phị Nhưng hôm sau ông ta ra đi từ sáng sớm. Hùng xưởng trưởng không hề bàn đến bịnh tình của Tố Tố với Phi, bởi trên nguyên tắc, ba người đã bàn tại xưởng hôm nọ rồi.
Sáng hôm sau Phi dùng xong điểm tâm, chàng đang suy nghĩ bài để dạy Tố Tố. Nàng cũng thức sớm đến chào hỏi chàng:
- Ông thầy thức sớm ghê, tôi tưởng thầy còn ngủ chớ.
- Tôi thức sớm để tản bộ một vòng ngoài hoa viên.
- Nghe A Kim nói, anh ăn điểm tâm sớm, phải làm thức ăn sớm anh dùng.
- Hay lắm, trong quân đội lúc nào cũng dậy sớm và dùng điểm tâm sớm nên đã thành thói quen.
- Nhà chúng tôi vào buổi sáng không ai làm rộn ai, ba đi làm việc, má niệm kinh, A Kim quét dọn nhà cửa, lo bữa ăn sáng.
- Còn cô, bình thường thì làm gì?
Tố Tố nhoẻn miệng cười:
- Tôi thì chuyên môn ngủ nướng, bình thường đến chín giờ mới dậy.
- Thật cô có phước ghê! Xin lỗi có lẽ tại tôi mà hôm nay cô phải dậy sớm.
- Không phải đâu, tại gần đây tôi thức rất sớm để viết thư cho Cơ Thực chớ.
Phi nhìn nàng tỏ vẻ thương hại, chàng cảm thấy nàng là một cô gái si tình. Nhưng chàng chưa biết phương thế nào giúp cho nàng thoát khỏi trạng thái đó. Thượng Đế cũng khó mà giúp cho nàng được, vì Thượng Đế cũng khó mà giúp cho Cơ Thực sống lại.
Chàng hỏi:
- Anh Cơ Thực không có gởi thư cho cô sao?
- Không anh ấy không hề viết thư, ảnh nói viết thư còn khó hơn lái phi cơ nữa.
- Làm sao cô biết Cơ Thực đã nhận được tin của cô?
- Khi chàng về thì gọi điện thoại cho tôi biết. Khi chúng tôi gặp nhau thì ảnh cho biết đã nhận được thư của tôi tại đâu. Chàng rất thật tình cho tôi biết mọi việc, thậm chí chàng còn nói thường cùng các cô chiêu đãi hàng không đi khiêu vũ. Bất cứ việc gì, anh ấy cũng thú thật với tôi cả.
Phi tỏ vẻ cảm kích nói:
- Tôi cũng ước mong sao được gặp mặt ảnh một lần.
Tố Tố mở to đôi tròng mắt vẻ tin tưởng nói:
- Lần sau anh ấy về thì nhất định sẽ gặp anh. Anh ấy rất tốt, mỗi lần về đều mua những đồ chơi lạ của các nước ngoài tặng tôi.
Phi xét thấy cô ta vừa thật tình vừa nuôi dưỡng mối thâm tình, chàng than thầm, tại sao thượng đế lại nỡ đối xử với nàng quá khắc nghiệt. Có người nói thượng đế không hề nghĩ đến những tình nhân phản bội nhau, nhưng tại sao ông lại nỡ cướp đi tình nhân của người? Chàng nghĩ tội nghiệp cho nàng, nhưng không biểu lộ ra sắc mặt.
Nàng vẫn tin tưởng hỏi:
- Tiếc gì gần đây anh không thể gặp được Cơ Thực.
- Tại sao vậy cô?
- Bởi gần đây anh ấy thường bay các đường bay ngoại quốc. Nhân đó má tôi bảo phải học thêm Anh văn để xuất ngoại, chắc chắn ra nước ngoài sẽ gặp ảnh.
Phi không biết nói gì hơn, chỉ gật đầu thuận theo ý kiến của nàng. Tố Tố lại nói tiếp:
- Tôi muốn học Pháp văn và Tây Ban Nhạ Nghe ba tôi nói, anh rất giỏi Pháp và Đức văn.
- Tôi không biết chữ Tây Ban Nha, chỉ biết Pháp và Đức văn sơ xài thôi, nếu cô thích hai loại chữ này, chúng ta cùng nghiên cứu.
- Được rồi, học Pháp văn đi, lúc tôi học cấp ba tôi có học Pháp văn, nhưng sau này lại bỏ trôi đi.
- Cô muốn học về Anh văn hội thoại không?
Nàng gật đầu tỏ vẻ đồng ý rồi nói:
- Sự sắp xếp bài học là do giáo sư lo liệu, ngày nay tôi đi chợ mua gì đãi thầy, ngày mai sẽ khởi đầu học.
- Dùng được một bữa cơm do chính tay cô nấu nướng cũng là một diễm phúc rồi. Cần tôi theo bầu bạn cùng cô để mua đồ không?
Nàng nheo mi mắt tỏ vẻ cao hứng:
- Tôi tính bảo A Kim cùng đi, bây giờ anh đi thì càng hay.
- Tôi chỉ đi cho có bạn cùng cô thôi, chớ không mua gì cả, cũng như tôi chưa bao giờ đi đến chợ bán thức ăn.
- Nói thật, tôi không biết nấu ăn, chỉ vì mình chuẩn bị xuất ngoại, nên phải tập nấu nướng một vài món. Nếu không biết gì, khi bạn bè ngoại quốc họ bảo mình biểu diễn một vài món ăn Trung Quốc rồi biết làm sao đây?
Tố Tố nói xong bèn đi lên lầu thay y phục, Phi nhân cơ hội đó gọi điện thoại cho Phú. Bởi sáng nay chàng sẽ nói chuyện với Phú về vấn đề ước hẹn vũ hội, nhưng thời gian đã qua rồi, Phú vẫn lặng lẽ không cho biết, vì cuộc hẹn ước đi vũ hội với Phú, Phi lại quên phứt, mới đến nhà Tố Tố nên đi chơi suốt đêm, khi về đến nhà Phi mới nhớ. Chàng phải gọi điện thoại để giải thích lý do, bằng không anh em sẽ hiểu lầm nhau. Nhưng, điện thoại gọi không được, chàng đứng chờ giây lát, thì Tố Tố đã thay đồ xong, nàng vừa đi xuống lầu.
Xe lão Vương vừa về đến, Phi lên lái xe cùng đi với nàng. Đến nơi bán rau cải của chợ Đạm Thủy, chàng để cho Tố Tố xuống mua rất lâu, nhưng không mua được món nào cả. Chàng không ngại phải xách giỏ cho nàng, Phi bước xuống xe, vào chợ mua rau cải giây lát thì vật thực đầy giỏ.
Phi đi chơi suốt ngày cùng Tố Tố nhưng chàng không hề đá động đến căn bịnh của nàng, nàng cũng không đề cập đến. Chàng xét thấy Tố Tố là cô gái đáng yêu về mọi mặt, nàng rất dịu hiền, không như những con nhà giàu khác, có tánh tự kiêu tự đại. Khi về đến nhà Tố Tố hợp cùng A Kim xuống nhà bếp làm cơm.
Phi trở về phòng mình, chàng lục lạo trong tủ sách xem đựng những sách gì, phân nửa thuộc loại số và lý học, phần văn học không có bao nhiêu. Loại sách này có lẽ do Hùng xưởng trưởng và anh cả của Tố Tố muạ Nhưng loại sách này, đối với Tố Tố không mấy công dụng. Chàng quyết định phí một thời gian để dọn những sách của chàng đến đây, ngoài ra còn đến thư viện mượn một số sách để khảo cứu về vấn đề du học ngoại quốc.
Đối với việc bài vở để dạy thêm cho Tố Tố, chàng nhận thấy Pháp văn của mình rất yếu, thời gian không cho phép mình hy vọng học hỏi thêm được gì. Gia đình nàng yêu cầu chàng đến cũng không phải cần để dạy dỗ cho nàng, nên chàng miễn cưỡng mà đáp ứng đó thôi. Phần Anh văn tuy chàng không mấy thích, nhưng được ở trong quân đội một thời gian, có nhiều dịp tiếp xúc với người Mỹ, nên về phương diện đối thoại chàng có thể giúp nàng được.
Chàng ngồi xuống bàn viết, tìm ra một sáng kiến để khởi dạy cho Tố Tố. Nhưng khi chàng vừa cầm viết thì bà Hùng vào phòng chàng. Phi đứng dậy chào bà, bà Hùng ra dấu cho chàng ngồi xuống, bà cũng ngồi xuống ghế sofa nói:
- Tệ quá, sáng nay tôi không xuống lầu để thăm hỏi cậu, bởi mỗi buổi sáng nào tôi cũng niệm kinh trước bàn Phật.
- Thưa bác cháu ở đây cũng tốt lắm rồi.
- Bộ cậu cùng Tố tố đi chợ mua đồ à?
- Dạ phải, cháu hỏi cô đi theo, cô đồng ý cho đi.
- Có cậu đón đưa nó tôi rất vui. Tuy nó đã lớn rồi, nhưng nó chưa đi chợ mua thực phẩm lần nào.
- Cháu cũng không biết mua thức ăn, bất quá lái xe cho cô đi mà thôi.
- Đi đường cậu với nó nói những chuyện gì?
Phi dừng lại giây lát, bèn đem tất cả câu chuyện nói với nàng mà thuật lại cho bà Hùng nghe.
Bà Hùng gật đầu, rất vui vẻ nói:
- Hai ngày nay cậu đến đây, cũng là hai ngày nó vui vẻ nhất.
- Thưa bác, trong mấy tháng nay tâm tình của Tố Tố vẫn phiền muộn lắm sao bác?
Bà Hùng nghĩ ngợi giây lát nói:
- Cũng có lúc tinh thần nó vui vẻ, nhưng buồn bực thì nhiều hơn. Trong lúc nó buồn bực thì suốt ngày nó chẳng xuống lầu, chỉ nằm tại phòng mà viết thư.
Dịch Phi muốn nói cho bà biết, không phải hai ngày nay có mặt chàng mà nàng vui, nhưng cũng vì chàng đến để giúp cho nàng biết thêm ngoại ngữ để sớm xuất ngoại mà gặp Cơ Thực. Nhưng chàng xét kỹ không nói rõ ra thì càng tốt hơn. Chàng chuyển sang chuyện Tố tố chọn Pháp văn và chàng cũng đang soạn bài dạy nàng.
Trái lại, bà Hùng không tán thành ý chàng:
- Chắc cậu biết ý gia đình chúng tôi, không phải muốn Tố tố nó học nhiều hay ít, mà hy vọng căn bịnh của nó được sớm lành.
Phi gật đầu nói:
- Cháu đã hiểu, nhưng theo ý của Tố Tố lại cho đây là đúng. Theo cháu xét thấy như vậy cũng hay, cô chỉ để tâm vào vấn đề học vấn, để tinh thần không giao động bởi những vấn đề khác.
Bà Hùng vẫn lắc đầu không tán thành:
- Theo ý tôi, cần cho nó có được nhiệt tâm vui vẻ. Không cần phải làm gì khác nữa. Tánh nó không nhớ mãi chuyện đó, trong ba bốn ngày nó sẽ quên đi.
- Thưa bác, theo cháu nghĩ, cô nên làm những công việc khác. Nhờ nhiệt tâm của cô mà chóng quên những điều suy nghĩ trong lòng. Bác nên yên lòng cháu không hề thảo luận những chuyện tình cảm khác với cô, chỉ chú ý việc cho cô quên đi vấn đề tình yêu cũ.
Bà Hùng lặng lẽ giây lát, nói:
- Tố Tố nó gặp thằng Cơ Thực, chắc kiếp trước nó có dây oan nghiệt! Từ ngày nó mang bịnh đến nay, tâm tánh nó thay đổi rất nhiều. Lúc trước tâm tánh rất dịu hiền hòa thuận. Hiện giờ có lúc nói năng càng không sợ tội lỗi, có lúc không kể đến ai cả, tự mình đóng chặt cửa lại, tự giận lấy mình. Có lúc sẽ lén một mình ra đi cả ngày mới về nhà. Trước đây mấy hôm, bỗng tự lái xe ra đi, khiến tôi ở nhà lo lắng muốn đứng tim.
Phi an ủi:
- Xin bác đừng bận tâm lắm, theo cháu nhận xét, cô Tố Tố sẽ bình phục ngày gần đây. Tôi cố gắng chiếu cố đến cô, chắc chắn không phát sanh những việc như lúc trước nữa.
Bà Hùng thở dài, gật đầu nói:
- Tôi cũng nghĩ như vậy mới giao nó cho cậu. Lúc rảnh, cậu nên dắt nó đi du ngoạn, lúc nào xe cũng dành sẵn tại nhà, bảo lão Vương lái đưa đi, hoặc cậu tự lái mà đi, chỉ một điều là đừng để cho Tố Tố lái, không may nó gây ra tai nạn thì khó lòng lắm.
- Xin bác yên lòng, cháu biết điều đó. Cháu sẽ thường xuyên báo cáo tình hình của cô Tố Tố cho bác biết.
- Cậu đừng quá dè dặt, chúng ta cùng là người nhà cả, Tố Tố hiện giờ nó là học trò cậu, vậy cậu nên gọi nó bằng tên nghe đẹp hơn. Lúc tôi còn nhỏ, thường lấy giấy viết tên của bọn trẻ nhỏ dán lên vách, khi nghe gọi tên của đứa nào thì dễ nhận ra đứa đó. Cậu là người biết chuyện đừng cho lời tôi nói đó là cũ kỹ nhé?
- Cháu đâu dám, lúc cháu còn nhỏ thì gia đình cháu cũng làm như vậy chớ.
Bà Hùng chuyển sang vấn đề khác:
- À, Bân Bân chừng nào về Đài Loan? Có tin gì chưa?
Phi lộ vẻ không được vui, chàng gật đầu:
- Thưa có, cháu nghe nói sẽ về ngày gần đây.
- Không xác định ngày nào về sao?
Phi lắc đầu nói:
- Cháu không được biết, điều đó dường như do Khưu bá mẫu quyết định. Chắc là trước ngày nghỉ hè.
- Có phải Bân Bân về lần này, cháu với nó sẽ tuyên bố kết hôn với nhau không?
Phi không muốn bàn đến vấn đề đó, dường như mọi người thẩy đều xem như vậy, họ cho rằng chuyện ấy đã quyết định rồi. Nhưng chính chàng là người trong cuộc không biết phải nói thế nào, chàng chỉ trả lời theo sở thích của chàng:
- Bác Khưu viện trưởng chỉ hy vọng cháu xuất ngoại trước kỳ nghỉ hè, thì chuyện hôn nhân của cháu chưa tính đến.
- Tố Tố với Bân Bân bọn nó rất thích nhau lúc bé, mong cho cuộc hôn nhân của cậu với nó sớm thành tựu để uống rượu mừng, tôi tin rằng, Bân Bân nó rất vui vẻ.
Phi cũng thuận theo bà Hùng:
- Đương nhiên rồi, nhưng điều đó cháu thấy còn thiếu.
Tố Tố từ bên ngoài đi vào hỏi:
- Thiếu phần việc gì của ai?
Bà Hùng nhìn con gái cười cười nói:
- Thiếu con chớ ai!
Tố Tố vào phòng và hỏi bà Hùng:
- Má nói gì con không hiểu?
- Má hỏi anh Lê của con chừng nào kết hôn với Bân Bân, để khuấy rối đôi tân lang và giai nhân một ly rượu mừng.
Phi lấy làm khó chịu. Tố Tố nhìn Phi nói:
- Nhất định phải mời tôi làm dâu phụ mới được à?
- Tôi rất mong muốn được cô đồng ý chớ.
Tố Tố hướng sang bà Hùng:
- Má à, con có một việc khó, muốn nói lại với mà lo giúp.
- Con có việc gì mà gọi là khó khăn?
- Con nướng thịt sao nó khét hết, má có cách gì giúp cho không?
Bà Hùng nghe nàng nói bà tức cười, bèn đứng lên đi xuống nhà bếp. Nàng đợi cho mẹ đi khỏi rồi, bèn nhỏ giọng:
- Anh đừng có cười, anh có biết tại sao thịt nướng lại khét lẹt hết không?
- Có lẽ tại cô nướng quá lâu, hoặc quá nhiều lửa.
- Tại tôi gọi điện thoại cho ba, mời ba về ăn thịt nướng, không ngờ hư tất cả rồi.
- Có lẽ tại cô đi gọi điện thoại, khi trở về nhà bếp thì thịt đã cháy hết phải không?
- Khi gọi điện thoại, tôi nghe mùi khét, mới buông điện thoại xuống, không kịp nói gì hết, chắc ba tôi không hiểu chuyện gì.
- Còn A Kim đâu? Chắc cô ấy không có ở nhà bếp?
Tố Tố cúi mình xuống nói nhỏ:
- Đừng nói cho má tôi biết. Khi về đến nhà, mới phát hiện ra mình không mua hành, tỏi và gừng, nên sai A Kim đi mua đó chớ.
Phi vừa cười vừa gãi đầu nói:
- Chẳng những là cô, mà tôi cũng quên mua luôn, vậy mà cứ nhớ mãi xem có quên gì không, ai ngờ quên mua đồ gia vị.
- Tôi còn tính gọi điện thoại mời bạn anh nữa chớ.
- Hoàng Thiên Phú hả?
- Phải, nhưng tôi không can đảm gọi điện thoại.
- Cô không muốn anh ấy biết cô nướng thịt khét à?
- Không muốn. Cũng không muốn ngửi cái mùi trên cơ thể của anh ta.
Phi cười cười hỏi:
- Mùi vị gì trên người anh ta?
Tố Tố nói thẳng:
- Mùi thuốc chớ gì, anh biết tôi không thích y sĩ mà.
Nghe Tố Tố nói Phi hơi kinh ngạc, không hiểu do đâu nàng biết Phú là y sĩ? Chàng hỏi lại:
- Người ta cho cô biết anh ấy là y sĩ, hay là cô ngửi trên mình anh ta mà biết được?
Nàng vẫn thản nhiên nói thẳng:
- Đương nhiên là mùi thuốc nó bay ra, nếu anh không phải là bạn tốt, tôi cũng không nghĩ đến việc mời anh nữa.
Phi bước tới trước mặt nàng cười cười nói:
- Đâu cô nghe tôi coi có mùi thuốc không?
Tố Tố vẫn giữ nụ cười tự nhiên nói:
- Cũng có mùi thuốc chút chút thôi.
- Đúng vậy thì tôi không được cô hoan nghinh rồi?
- Sao? Tôi chỉ không thích y sĩ, chớ không phản đối người học về y khoa. Anh cũng không phải đến trị bịnh cho tôi, anh là giáo sư của tôi mà.
Phi không ngờ mới qua ngày thứ hai mà đã bị lộ, thái độ của Tố Tố không hề ghét chàng. Chàng bạo dạn hỏi thêm:
- Trong trường hợp nào cô biết tôi học y khoa?
Tố Tố lại tỏ vẻ trào lộng:
- Điều đó rất bí mật, ai muốn hiểu điều bí mật đó thì phải trả giá hẳn hòi.
- Cô cho tôi biết đi, tôi sẽ lãnh mời khách.
- Hay lắm, tôi cho anh biết, anh phải giữ bí mật nhé.
- Đương nhiên, tôi xin thề không nói lại với ai.
- Đó là chuyện trước đây. Có một ngày bác Khưu đến nhà uống rượu với ba tôi. Bác Khưu nói, ông chỉ có một đứa con gái, hy vọng tìm được một chàng rể xứng đáng để nối nghiệp ông. Tiếp theo đó, ông cho biết hôm nay ông đã tìm ra rồi. Ba tôi hỏi người ấy là ai? Ông nói là anh, nhưng tôi không hề chú ý đến tên tuổi. Khi anh đưa tôi về nhà thấy thái độ của ông và ba tôi đối với anh, tôi mới quả quyết người đó là anh.
Phi nghe nàng nói, chàng cảm thấy rất khó xử cho mình. Chàng đã có ý định không hề giải thích chuyện đó, bởi ai ai cũng xem chàng là người thừa kế cho Khưu viện trưởng, chàng càng giải thích, trái lại càng chọc cười cho người khác nữa. Nhưng Khưu viện trưởng đã thân mật mà đề cập về chàng với Hùng xưởng trưởng, Tố Tố đã nghe, nên chàng không thể nói khác được. Do đó, chàng trịnh trọng nói:
- Tố Tố, điểm chính trong việc này Tố Tố chịu nghe ý kiến tôi trình bày không?
Thái độ nghiêm chỉnh của chàng, Tố Tố cũng muốn nghe chàng nói rõ. Nàng gật đầu, ngồi xuống ghế sofa, chàng nói tiếp:
- Đối với việc này tôi rất cảm kích Khưu viện trưởng. Tôi vốn là một học sinh nghèo, được viện trưởng muốn giúp cho tương lai của tôi, điều đó thật muốn cũng không được. Nhưng, tôi e mình không thể tiếp nhận được.
Tố Tố lấy làm lạ hỏi:
- Tại sao vậy? Anh không yêu Bân Bân sao?
- Chẳng dấu gì cô, tôi tuy nghèo nhưng cũng có lòng tự tôn, tôi cũng không biết mình có yêu Bân Bân hay không, nhưng tình yêu với lòng tự tôn nó đang xung đột nhau, tôi phải tự chọn lấy đường đi cho mình. Tôi thấy con đường trong tương lai rộng thênh thang, muốn thành công là một vấn đề khó khăn, nhưng mình phải tự phấn đấu, tôi không muốn nhận sự thành công không nhọc mệt do người khác ban cho.
- Tôi đồng ý với anh điều đó, thái độ của anh rất đúng. Nhưng, nếu Bân Bân thật dạ yêu anh, anh lại không lưu ý đến nàng, thành ra anh phụ nàng sao?
- Đương nhiên tôi không thể phụ nàng một cách vô cớ. Tôi suy nghĩ rất kỹ, khi nàng về nước, tôi với nàng cùng tiếp xúc mất nhiều thời gian, sau đó, tôi sẽ yêu cầu Khưu viện trưởng, xin cho phép tôi được tự tạo lấy sự nghiệp riêng mình. Nếu tôi với Bân Bân không hợp nhau thì có nói thêm gì cũng thừa.
- Anh chưa đề cập ý kiến đó với bác Khưu sao?
Phi lắc đầu nói:
- Chưa, tôi không muốn cho ông cảm thấy khó chịu, theo tôi nghĩ, vấn đề này do nơi Bân Bân quyết định, nếu cô thấy chẳng yêu tôi, thì ý kiến của tôi đối với Khưu viện trưởng có ích gì.
Nàng tỏ vẻ đồng ý:
- Ý anh rất đúng, nếu tôi là anh thì vẫn nghĩ như vậy. Nhưng anh có thể đứng về phía bên kia mà nghĩ xem sao.
- Cô nói nghĩ cho ai?
- Tôi muốn nói bác Khưu, nếu đứng về phía bác Khưu, anh nghĩ thử, Khưu bá bá sẽ buồn phiền đến mức nào.
- Tôi đã nói, không bao giờ tôi chủ quan để người khác vì tôi mà phải thất vọng.
Nàng đứng dậy, nở nụ cười nói:
- Anh cũng đừng để cho tôi phải thất vọng, tôi đang hy vọng làm cô dâu phụ đây.
Nàng nói xong, vội vàng bước đi, Phi nhìn theo bóng nàng, Phi thầm nghĩ, những chuyện vừa nói với nàng, chàng đã dấu trong đáy tim từ lâu, không hề nói cho ai nghe, tại sao hôm nay tình cờ lại nói cho Tố Tố nghe?