Chương 33:
Phi đến nhà Tố Tố, rồi bảo lão Trương quay xe về, chàng vội vã đi vào nhà. Bà Hùng đang đứng tại cửa chờ chàng. Phi xem thấy thần sắc của bà Hùng rất lo lắng. Chàng hỏi:
- Thưa bác, Tố Tố có sao đó?
- Nó đã ngủ rồi, bác đang ngồi đây chờ đợi cháu.
- Tố Tố không sao hả bác?
- Không ai ngờ trước được hôm nay báo chí lại đăng tải những sự kiện này, lúc đầu không ai chú ý, khi nó xem thấy báo khóc gần ngất xỉu.
- Thưa bác, cháu có lỗi với bác, vì chiều hôm qua có việc cần phải đi Đài Bắc, nên không hay biết gì, nếu cháu biết trước sẽ đề phòng mọi việc xẩy ra.
- Khưu viện trưởng cũng nói, ông ta không hề hay biết cuộc họp báo này, nếu Phi biết trước thì thế nào cũng cho ông ta hay.
- Trước khi đến đây, cháu đã cho Khưu viện trưởng biết rồi.
- Bác vừa gọi điện thoại, viện trưởng nói cháu đã đi rồi bác mới yên lòng đôi chút, vì Tố Tố nó muốn tìm cho được cháu, đại khái nó có chuyện gì muốn nói cùng cháu đó.
- Để cháu chờ Tố Tố thức dậy hỏi xem có chuyện gì.
- Bác tin rằng cháu sẽ có cách gây cho Tố Tố yên lòng, việc gì nó cũng nghe lời cháu.
- Thưa bác, bây giờ cháu xin lên lầu thăm Tố Tố.
Bà Hùng gật đầu đứng dậy đi trước, Phi bước theo sau.
Tố Tố nằm ngay trên giường, đôi mắt nàng tuy nhắm, nhưng thật ra nàng không hề ngủ, nhìn đôi mi của nàng vẫn còn lay động. Chắc nàng khóc rất lâu, nên trên giường có chiếc khăn tay đẫm nước mắt và một bên tờ báo ước nhòe nhầu nát. Đầu tóc nàng rối bời.
Da mặt xanh xao còn lem luốc dấu nước mắt. Phi bước đến đứng một bên nàng, không dám thở mạnh. Bà Hùng bước đến gọi nhỏ:
- Tố Tố!
Tố Tố mở to đôi mắt, thân thể nàng yếu ớt như người đã kiệt lực, khi nàng thấy Phi, cố gắng gọi lên:
- Anh Phi!
Phi bước đến bên nàng khẽ gọi:
- Tố Tố, cơ thể cô không đặng khỏe à?
Nàng không đáp lời chàng, hướng vào bà Hùng nói:
- Má à, con muốn nói với anh Phi một vài chuyện cần thiết.
Bà Hùng gật đầu, nhưng trông vào nét mặt con bà không được yên lòng. Phi hiểu tâm trạng của bà Hùng, chàng dùng tay sờ lên trán nàng để thăm dò nhiệt độ, sau đó, chàng thử chẩn mạch nàng. Phi hướng nhìn bà Hùng như ngầm cho bà biết nàng vẫn được khỏe. Bà Hùng đáp:
- Cháu Phi hãy ở lại đây dùng cơm trưa, bác đi chợ mua thức ăn để về làm cơm.
Phi cũng tỏ thái độ khiêm nhường vài lời. Bà Hùng như yên tâm đi xuống lầu. Trong phòng chỉ còn lại hai người nên rất yên tĩnh. Tim Phi đập mạnh, bởi Tố Tố nhìn thẳng vào chàng nói:
- Chắc má em đã gọi điện thoại cho anh hả?
Phi gật đầu, và đang tìm lời giải đáp, nhưng nàng nói tiếp:
- Hôm nay em đã đọc qua báo chí.
Phi hơi rối loạn:
- Tôi không biết trước vấn đề này xẩy ra, hồi chiều hôm qua anh Phú chủ trương cho Trương Lập Dân xuất viện, tôi cũng đọc được bài báo hồi chiều hôm qua thôi.
- Theo ý bài báo có nói, Trương Lập Dân nhờ anh trị lành bịnh. Tại sao trong những ngày trước đây anh chẳng cho em biết tin này?
- Tôi không hề dối cô làm gì, chỉ tìm cơ hội để cho cô biết.
- Anh cũng như các người khác, cho rằng em không nhận ra được sự thật, em không hiểu sự thật.
- Lúc đầu thì tôi nghĩ thế, vì tôi chưa hiểu rõ cộ Đến sau tôi phản đối biện pháp trị bịnh cho cô, nhưng phải tôn trọng ý kiến phần đông thân nhân của cô.
- Anh nói phần đông là ám chỉ vào ba má và bác Khưu của em?
- Đúng rồi, nếu là tôi mạo hiểm, thì phải suy xét kỹ và khó lường được hậu quả. Tôi biết hai bác rất yêu thương cô, nếu cô chịu không nổi sự thật thì hai bác sẽ ân hận suốt đời.
- Em biết má em mắc bịnh tim, khó mà chịu nổi sự kích động mạnh.
- Cô được khỏe mạnh thì tôi mới yên tâm. Tôi tin rằng cô đã thông cảm điều đó, tôi lưu tâm đến cô còn hơn bản thân tôi.
- Em cũng hiểu như vậy. Rồi nàng cúi đầu như suy nghĩ.
Phi cảm thấy không an, tiếp theo là một sự yên lặng gần như không còn nghe tiếng hơi thở, chàng không biết nói thêm điều gì. Phi nhớ đây là lần thứ hai chàng nói: "lo liệu cho nàng như lo cho bản thân mình". Chàng cũng thấy có một điều gì nhung nhớ khó yên khi vắng Tố Tố. Chưa một người nào chàng đối xử đặc biệt như nàng, chính chàng cũng tự dối mình. Kể từ hôm chàng gặp Tố Tố tại Bích Đàm, chàng không muốn rời xa Tố Tố một giây phút nào, chàng yêu nàng hay vì lương tâm nghề nghiệp?
Chàng có ý định mang nỗi nhớ nhung ấy mà chôn chặt tận đáy lòng. Trước khi Bân Bân về nước, chàng đối với Bân Bân là chỉ làm tròn tình nghĩa thầy trò đối với Khưu viện trưởng, Bân Bân không có chỗ ngồi trong quả tim chàng. Ngày Bân Bân về nước, chàng mới có dịp trao đổi trò chuyện và cảm tình từ đó nẩy nở.
Và cùng lúc đó tình cảm trong lòng chàng đối với Tố Tố càng ngày càng lớn dần. Nhưng chàng vẫn biết tình cảm đó nó không ở trong chàng lâu dài. Sau khi Tố Tố lành bịnh chàng sẽ xa nàng, sau nầy có gặp nhau thì cũng như trăm ngàn người khác, hoặc gặp nhau ở nhà khách, hoặc những nơi đông người, trao nhau những lời khách sáo. Với chàng, Tố Tố cũng như một chiếc móng xuất hiện sau cơn mưa giữa mùa hè, đến cũng mau mà tan cũng nhanh. Chỉ còn lưu lại những màu sắc tươi đẹp trong tâm khảm.
Bỗng nhiên Tố Tố phá tan bầu không khí yên lặng:
- Anh Phi!
Chàng chỉ lên tiếng và chú ý nhìn trân vào nàng. Nàng không hề lưu ý đến điều khó khăn của chàng, nàng nhè nhẹ vén mái tóc phất phơ trước trán, nói:
- Em hy vọng được biết một ít vấn đề có liên quan đến Trương Lập Dân, ngoài nội dung bài báo đã đăng tải hôm nay.
- Tôi sẵn sàng trả lời tất cả những gì tôi biết, nhưng tôi tin rằng những điều tôi biết không được bao nhiêu, bởi vì sau khi Trương Lập Dân đến y viện tôi mới biết anh ta.
- Anh cho em biết những chuyện về việc điều trị cho anh ấy.
Chàng gật đầu, lần lượt nói qua cho nàng nghe những gì chàng đã biết. Có điều chàng không tự đề cao, mà qui tất cả những công lao đã làm cho bọn Cao Gia Toàn.
Sau khi Tố Tố nghe qua, nàng gật đầu nói:
- Có lẽ Trương tiên sinh đã thấy rõ công lao của anh nên đề cao trước mặt ký giả. Tuy bạn của anh ấy giúp sức, nhưng phần anh là chánh.
- Tố Tố, tôi nghĩ mọi người nên cám ơn cô là phải hơn, bởi lúc đầu tôi vì cô mà trị bịnh cho anh Dân. Đến sau tôi biết anh ấy là bạn với anh Lục Cơ Thực, và tôi được biết vấn đề này làm oan uổng cho người chết. Tôi hy vọng trị lành cho anh ấy để anh ta minh oan cho anh Lục Cơ Thực mà thôi.
- Tôi xin cảm tạ anh. Nếu nơi chín suối anh Cơ Thực biết được, chắc chắn sẽ còn cảm tạ Ơn anh nhiều lắm!
Phi cười cười với cái cười lạnh lùng, trong lòng chàng thấy có phần kém may mắn hơn Cơ Thực. Tuy Cơ Thực đã chết, nhưng Tố Tố vẫn còn yêu chàng. Dầu Phi biết sự ghen hờn của mình rất vô lý, mình sao lại hờn ghen với người đã chết? Nghĩ thế, chàng trả lời:
- Tố Tố, nếu anh Cơ Thực có linh thiêng, chắc anh ấy rất vui lòng thấy cô được khỏe mạnh, cũng như hy vọng cô tự bảo trọng bản thân cộ Có lẽ hôm ấy nơi cõi u minh, linh hồn của Cơ Thực hướng dẫn tôi đến Bích Đàm để tìm cô.
Nàng cúi đầu xuống, đôi mắt chớp lia và đôi dòng lệ ướt theo khóe mắt. Phi rất ăn năn lời của mình vừa nói, nhưng lúc này chàng khó mà tự chế lấy mình, nếu nàng mãi nhớ đến cái tên Cơ Thực, chắc chàng sẽ nói thẳng là mình đã yêu nàng.
Tố Tố phá tan cơn mộng ảo của Phi, nàng nói:
- Anh Phi, em muốn gặp anh Trương Lập Dân. Anh nhận thấy có tiện không?
- Không.
- Có lẽ anh ngại ba má em không đồng ý? E rằng em sẽ bị kích thích mạnh chớ gì?
Phi lắc đầu nói:
- Không phải thế. Tôi chỉ lo cô sẽ sợ hãi, vì một nửa mặt của anh ấy bị cháy đen rất đáng sợ.
Nghe chàng nói, ngoài dự liệu của nàng:
- Theo em nghĩ, trên báo chí đã giới thiệu về anh ta, anh ấy rất cần tình bạn an ủi. Em thấy thì anh ấy không có gì đáng sợ cả.
Phi gật đầu tỏ vẻ cảm động, nhìn nàng nói:
- Tôi vẫn biết trước, cô sẽ trả lời như vậy.
- Thế là anh hứa sắp xếp cho cuộc gặp gỡ này hả?
- Đương nhiên, tôi sẽ đứng ra lo liệu việc này, hôm nay đã trễ rồi, sáng mai tôi sẽ dắt anh ấy đến thăm cô.
- Em rất cám ơn anh, đó là nguyên nhân chánh của sự gặp gỡ anh hôm nay, em muốn trực tiếp bàn thẳng với những bạn của anh Cơ Thực. Từ trước xuyên qua báo chí em đã biết anh Dân là bạn thân của Cơ Thực, chắc biết về Cơ Thực rất nhiều.
- Phải rồi, Trương Lập Dân có cho tôi biết, anh Cơ Thực còn lại một chiếc rương tại đó, cũng là di vật cuối cùng của anh ấy. Tôi nghĩ cũng nên mang về đây cho cô, để cô giữ gìn làm kỷ vật.
Tố Tố thở ra nói:
- Em không muốn giữ nó, cũng như không muốn nhìn thấy nó.
- Nếu thế thì tôi không bảo họ mang lại cho cô.
Tô Tố dường như suy nghĩ lung lắm, rồi nàng quyết định:
- Không, đến bây giờ tôi đã nhìn nhận sự thật rồi. Xin anh nói với anh Lập Dân, nhờ anh ấy mang lại cho tôi đi. Tôi chờ anh ấy.
Phi gật đầu đồng ý, chàng thấy việc đến đây không còn gì phải nói nữa, chàng ngỏ ý cáo từ:
- Tố Tố, cô hãy nghỉ đi, tôi xuống nhà khách tiếp chuyện với bác gái. Hy vọng giây lát đây cô sẽ xuống dùng cơm với tôi, để cho bác gái được yên lòng.
Tố Tố gắng gượng nở nụ cười gật đầu. Sau đó nàng nhắm nghiền đôi mắt lại. Phi đứng dậy, đôi mắt chàng nhìn sững nàng với vẻ yêu thương vô hạn. Chàng nhẹ gót bước ra khỏi phòng và đóng cửa lại. Chàng thở dài một tiếng, tự hỏi không biết tại sao mình lại thở dài?
Bà Hùng chờ Phi dưới lầu. Khi bà phát giác ra nét mặt của Phi rất buồn, lần từng bước một từ trên thang lầu đi xuống, bà tỏ vẻ lo lắng hỏi nhanh:
- Tố Tố sao đó cháu?
- Thưa bác, đâu có chuyện chi, cháu chỉ để cho cô ngủ giây lát thôi, bịnh của cô Tố Tố cần nghỉ ngơi nhiều càng tốt.
- Nó nói chuyện gì với cháu vậy?
Phi kể sơ qua những việc nàng đã nói với chàng. Nhưng có điểm đặc biệt là Tố Tố muốn gặp Trương Lập Dân điều này Phi thuật lại rất kỹ.
- Cháu cũng đồng ý cho cậu Dân đến gặp nó hả?
- Theo cháu nghĩ, điều đó xét thấy không hại gì.
- Bác sợ nó sẽ bị xúc động mạnh, theo ý cháu thấy có sao không?
- Thưa bác, cháu thấy Tố Tố đã thấy dễ chịu trước sự thật, đó là hiện tượng tốt. Cháu chỉ rất lo cho gương mặt cháy nám phân nửa của Trương Lập Dân làm cho cô Tố Tố kinh sợ, nhưng cô đã hứa không sợ điều này.
- Bác hết lòng tin cháu cũng như Tố Tố đã tin cháu, bởi những sự phán đoán của cháu ít khi sai lầm, hơn nữa cháu là y sĩ đang chữa trị cho Tố Tố.
- Cháu thấy tình hình của Tố Tố cũng sắp bình phục rồi.
- Cậu Trương Lập Dân chừng nào đến?
- Hôm nay cháu đi tìm Dân. Trễ lắm là sáng mai anh ta sẽ đến.
Bà Hùng tỏ vẻ yên lòng, thấy vấn đề lo lắng buổi sớm mai đã tiêu tan. Bà để Phi ngồi một mình, tự bà đi xuống bếp làm cơm đãi khách.
Phi gọi điện thoại về nhà Bân Bân, người tiếp chuyện là Mỹ Tử, cô ta nói: cô Bân Bân vẫn chưa về nhà, cũng không hề gọi điện thoại. Phi cho biết, mình sẽ dùng cơm tại nhà Tố Tố, khuyên ở nhà đừng chờ.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 34:
Sau buổi trưa hôm ấy, Vương Cách đến cảnh sát cuộc. Không phải hắn bị cảnh sát bắt, mà một người bạn của hắn dắt đến trình cảnh sát. Người bạn của Vương Cách họ Phương, cũng là người đã nói thêm thắt cho Vương Cách đánh Hùng xưởng trưởng để trả thù giùm anh ta vì bị lão khai trừ.
Hai người ung dung ngồi trên xe taxi đến cuộc cảnh sát Đài Bắc trình cho viên cảnh sát trực. Viên cảnh sát trợn mắt nhìn Vương Cách nói:
- Có điện thoại từ Đạm Thủy gọi xin cho anh về y viện.
- Tôi không phải về y viện, mà đến đây tố cáo ông Khưu viện trưởng y viện thần kinh là một hung thủ, là kẻ điếm đàng, bọn họ cho người mạnh thành người bịnh, tôi có sẵn giấy chứng vẫn mạnh lành như thường do y sĩ chánh thức ký tên đây.
Viên cảnh sát sững sờ tưởng mình nghe lầm, nên hỏi kỹ lại:
- Anh đến đây với dụng ý gì?
Vương Cách với lời lẽ rất mạch lạc:
- Tôi đúng là người đã trốn ra khỏi y viện, lúc trốn ra có một y sĩ cản trở, bất đắc dĩ phải đả thương anh tạ Tôi đồng ý đến nạp mình, mặc tình pháp luật xét sử.
Người họ Phương bạn của Vương Cách nói tiếp:
- Vương Cách quả là người vô cớ lại bị đưa vào bịnh viện thần kinh, cũng vì anh này biết được việc tư tình của lão xưởng trưởng Kiến Thành hóa công xưởng, lão này lại thông đồng với bịnh viện thần kinh, nên bắt Vương Cách để đưa vào nhốt mà điều tri...
- Anh là gì với ông này?
- Tôi họ Phương, là bạn của Vương Cách.
Vương Cách nhìn viên cảnh sát, nói tiếp:
- Anh nầy chỉ giúp đưa tôi đến cảnh sát để tự thú, riêng anh Phương đây thì không dính dánh gì đến việc của tôi. Ước mong sau khi quí ông chấp nhận những vấn đề tôi tự thú, xin cho tôi một cơ hội, để tôi trình bày với các ký giả báo chí những vấn đề bỉ ổi của lão chủ xưởng Kiến Thành và của giám đốc bịnh viện thần kinh, tôi có đầy đủ tài liệu, hình ảnh để làm chứng cớ.
Qua ngày hôm sau, trên mặt báo chí xuất hiện hình ảnh của Vương Cách trước cảnh sát cuộc. Chắc chắn có cuộc sắp đặt trước, cũng có lẽ một vài tờ báo đã có thành kiến với Hùng Kiến Phương. Trên những tờ báo ấy có mấy hàng tiêu đề rất nổi, trong đó còn có hình của Hùng Kiến Phương uống rượu với Mỹ Mỹ, và địa chỉ của nàng.
Sau khi Khưu viện trưởng đọc xong tin đó trên báo, ông gọi điện thoại cho Hùng xưởng trưởng:
- Anh Kiến Phương, có đọc báo chí hôm nay không?
- Xem rồi, tôi đã biết việc này hồi chiều qua.
- Sao anh không cho tôi hay, và tìm cách ngăn trở?
- Vấn đề này không phải giản dị, anh chỉ là phụ thuộc, mục đích chánh mà họ nhắm là tôi.
- Thật tôi có lỗi với anh, bởi vì không thận trọng trong vấn đề Vương Cách mà xẩy ra việc to lớn này.
Hùng xưởng trưởng gượng cười nói:
- Đông Vượng, anh đừng qui trách nhiệm cho anh, đối với vấn đề này tôi đã có cách giải quyết, tất cả đều do họ chủ mưu có kế hoạch. Vương Cách chỉ là một hình nộm, hắn ra mặt la hét lớn lối, chớ mọi việc đều do người giựt dây đằng sau lưng mới là quan trọng.
Lão Khưu rất ngạc nhiên sau khi nghe lão Hùng trình bày, bỗng nhiên lão tỉnh ngộ. Sau khi Vương Cách trốn khỏi hai hôm, nếu một mình hắn thì đã bị bắt trở lại rồi. Bởi vì hắn không tiền, không nhà, không nơi nương tựa, làm thế nào bỗng dưng anh ta họp báo một cách đàng hoàng? Chẳng những bài báo tường thuật rất rành rẽ lại có hình ảnh đầy đủ, hắn đâu có đủ sức làm việc đó. Nghĩ thế, lão rất lo lắng hỏi:
- Nói thế có nghĩa là anh đã biết rõ kẻ nào ở sau lưng giựt dây Vương Cách?
- Tôi không dám quả quyết trăm phần trăm, nhưng tôi biết kẻ đang đối đầu với tôi.
- Phải rồi, trên mặt báo còn có người họ Phương đi theo Vương Cách, là một công nhân đã bị anh khai trừ từ trước.
- Hắn cũng chỉ là một hình nộm, bất quá hơn Vương Cách một ít thôi, tôi ngờ phía sau lưng hai hình nộm này là một đồng nghiệp. Đã một lần tranh giành vấn đề đầu tư với Tạ Đổng sự trưởng từ Hương Cảng qua, anh ta bị tôi đánh bại, nên dùng đến thủ đoạn bỉ ổi để đối phó tôi. Vì làm ăn mình phải chấp nhận, vấn đề này là một đòn tấn công tôi rất nặng.
- Anh Kiến Phương, anh phải họp báo để nói rõ sự thật, chúng ta có nắm đủ tài liệu trong tay để minh chứng.
- Đưong nhiên rồi, nhưng tôi còn đang hoài nghi chưa biết họ thật tâm giúp đỡ mình không?
- Theo lời anh là vấn đề đầu tư hả?
- Đó là điều tôi đang lo ngại nhất. Tôi phải đến cơ xưởng lập tức, tìm Hồ xưởng trưởng để nghiên cứu kế hoạch đối phó, đồng thời trấn an người trong xưởng, mặt khác nói rõ người phía sau vụ âm mưu này cho Tạ Đổng sự trưởng biết. Sau đó mới mở cuộc họp báo.
- Theo ý tôi, tốt nhất cuộc họp báo này do tôi và anh đứng ra mời ký giả, anh nên chuẩn bị tài liệu đi, tôi sẽ đến cùng anh, tiện không?
Hùng xưởng trưởng chần chờ giây lát nói:
- Được rồi, điều đó rất thích hợp.
- Tạm quyết định như vậy đi, ba giờ chiều nay mình cử hành, cuộc họp báo do tôi và anh đứng ra, họ đứng sau bức màn mà giựt dây, mình cũng nói rõ những việc sau bức màn cho các ký giả biết.
- Quyết định như vậy, trưa nay tôi sẽ gọi điện thoại để cùng anh chọn địa điểm, và bàn chi tiết, những vấn đề khó khăn cần phải đối phó.
Phú và Phi sau khi đọc báo xong, họ lấy làm khó chịu, vì họ không biết bề trái của việc khó khăn mà Hùng xưởng trưởng phải đối phó, nhưng bề mặt của sự việc cũng đủ thấy vô cùng quan trọng, tinh thần Phú và Phi rất lo âu, họ tin rằng cái họa Vương Cách là do chính họ gây ra, nếu Vương Cách còn ở lại y viện mà điều trị thì đâu ra nông nỗi?
Đồng thời, trên mặt báo cũng đề cập đến tên của hai chàng, có lẽ đối phương cố ý bới móc để gây chia rẽ, cũng có lẽ Vương Cách nói thật. Bởi Vương Cách tuyên bố trước mặt ký giả: hắn vô cùng biết ơn hai chàng, may có hai chàng trọng nghĩa mà hành sự, đem hắn rời khỏi phòng cách vách trong bịnh viện, bằng không thì hắn không biết bao giờ thấy lại mặt trời. Những lời này cố ý đề cao hai chàng, nhưng sau khi đọc xong bài báo, hai chàng không thấy ảnh hưởng tốt đẹp nào cho mình.
Hai chàng sau khi bàn định xong, quyết đến ra mắt Khưu viện trưởng để thỉnh thị ý kiến, đồng thời cũng nhận tội trước viện trưởng.
Khi hai chàng đến ra mắt Khưu viện trưởng, ông không một lời nào trách cứ, ông ta chỉ nói:
- Tôi với Hùng xưởng trưởng đã nói chuyện qua rồi, việc nầy hai người không có lỗi chi, không trách nhiệm gì cả.
Phú trả lời:
- Lẽ ra chúng tôi phải chịu trách nhiệm phần lớn trong sự việc này, nhưng được viện trưởng và xưởng trưởng tha thứ, khiến cho lòng chúng tôi cảm thấy không yên. Vả lại, việc nầy đến đây chưa phải chấm dứt, Phi vừa tính với tôi đến nhờ viện trưởng dạy cho biết ý kiến phải đối phó thế nào?
Khưu viện trưởng gật đầu, lão lấy thuốc nhét vào ống bíp nói:
- Vấn đề nầy, tôi tính tìm Phú với Phi để cho biết. Bởi vì tôi với Hùng xưởng trưởng đã tính ba giờ chiều nay sẽ cử hành một cuộc họp báo để thanh minh những lời vu khống trong bài báo hôm nay, đồng thời cũng cho mọi giới trong nước biết đường lối của y viện chúng tạ Lúc đó cũng rất cần có mặt hai người, nếu ký giả có phỏng vấn, cũng nên nói rõ các sự kiện của Vương Cách cho họ biết.
Cả hai cùng vâng lời, Phi lại tiếp:
- Theo ý chúng tôi, Vương Cách đề cập đến tên của chúng tôi là cố ý bới móc để gây chia rẽ nội bộ, chớ không có dụng ý tốt.
- Vương Cách bị người lợi dụng, mượn y viện để công kích, nhưng mục tiêu chánh của họ là Hùng xưởng trưởng.
Phi có phần lo lắng nói:
- Thế là vấn đề này có ảnh hưởng tới bác Hùng rất lớn.
- Hiện giờ khó mà giải quyết, có lúc thấy việc nhỏ không đáng kể, nhưng tầm quan trọng của nó rất lớn. Hùng xưởng trưởng đã cùng tôi dự định việc đối phó rồi.
Phi và Phú nhìn nhau không nói gì, nhất là Phi khó mà yên lòng cho được. Chàng đã từng ở tại nhà Hùng xưởng trưởng, nên chàng biết rõ hoạt động của Kiến Thành hóa cơ xưởng, nhất là lão Hùng đã lao phí không biết bao nhiêu tâm huyết, lắm khi cả gia sản của lão hầu như đầu tư tất cả vào cơ xưởng này. Gần đây có nhiều mối cạnh tranh, khiến cho tình trạng của cơ xưởng sa sút. Chàng có nghe các xưởng từ Hương Cảng bỏ vốn đầu tư, nhưng chàng không được hiểu rành vấn đề này lắm. Nếu rủi thất bại thì, Hùng xưởng trưởng phải mất cả danh dự lẫn tài sản. Biết rằng đối phương bố trí để hạ Hùng xưởng trưởng, nhưng sức chàng không thể giúp được gì.
Trong lúc Phi chưa biết tìm cách nào để giúp vào việc này, bỗng nhiên có điện thoại của Hùng xưởng trưởng gọi đến. Khưu viện trưởng sau khi nghe rõ tiếng của Hùng xưởng trưởng, bèn bịt ống điện thoại lại, hướng vào Phú và Phi nói:
- Phú và Phi đừng lo lắm, hãy đi ra ngoài giây lát, việc giữa tôi và hai cậu đã xong.
Phú và Phi không biết làm sao hơn, phải lẳng lặng đi ra ngoài. Căn cứ theo lời đối thoại giữa hai lão, thì sự tình không mấy gì thuận lợi. Vì thế, nên lão bảo hai người ra ngoài để tiện việc bàn luận:
- Anh Kiến Phương đó à? Chuyện đã đến đâu rồi?
- Rối rắm ghê lắm!
Nghe đến đây, lão Khưu cảm thấy có gì rất quan trọng, nên lão không muốn cho ai nghe biết:
- Chúng ta nên tìm một nơi nào để thảo luận thì tốt hơn.
Lão Hùng chần chờ giây lát nói:
- Được rồi, hiện giờ tôi đang ở tại Đài Bắc, anh muốn gặp nhau tại đâu đây?
- Anh không về dùng cơm trưa hay sao?
- Sợ về chẳng kịp, hiện giờ còn hai người đang chờ. Nếu anh có thể đến...
- Được, tôi sẽ đến.
- Tôi đợi anh tại văn phòng cơ xưởng.
Buông điện thoại xuống, Khưu viện trưởng gọi mấy người rồi ông dặn họ tìm những tài liệu đầy đủ cho cuộc họp báo, sau đó lão giải quyết và sắp xếp những chuyện cần thiết, đồng thời chỉ thị cho nhân viên chiều nay nghỉ sớm lúc hai giờ rưỡi. Căn dặn xong, lão vội vã đi Đài Bắc.
Lão cũng biết rõ tâm tính của lão Hùng, nếu công việc chưa đến nỗi nào thì lão không hề van cầu người khác giúp đỡ. Cũng như lão biết tình hình kinh tế cơ xưởng của bạn, nếu lo không xong cuộc đầu tư này có thể cơ xưởng sẽ bị phá sản. Lão Khưu quyết hết lòng lo giúp cho người bạn già, nhưng sức của lão có hạn, không thể đỡ nâng nổi đại cuộc cho lão Hùng, nên được tin này lão lập tức đi ngaỵ Khi đến văn phòng cơ xưởng, nhìn thấy Hùng xưởng trưởng và Hồ Kinh Lý đang lặng lẽ nhìn nhau. Lão Khưu biết tình hình không mấy ổn, nên lão lập tức mở lời:
- Tôi tin rằng anh muốn nói những chuyện anh không thích nói, cũng như có nói ra tôi cũng chẳng mấy thích nghe. Nhưng cho tôi nghe thử nào, nếu có quá khó khăn thì cho tôi chia sự khó khăn ấy với.
Hùng xưởng trưởng và Kinh Lý ý sắc mặt cả hai lộ vẻ vô cùng lo âu, khi nghe ông bạn già nói rõ, lão Hùng gật đầu nói:
- Không dối gì anh, tôi cần anh giúp chống đỡ cho một việc rất khó xử, bằng không thì...
- Anh hãy cho biết tình hình giữa Tạ Đổng sự trưởng với anh cho tôi nghe thử đi.
Lão Hùng gượng cười nói:
- Theo tôi thấy hy vọng quá mỏng manh.
- Ông ấy không chịu bỏ vốn đầu tư à?
- Ngày hôm qua chúng tôi thảo luận đã xong, ông ấy hẹn hôm nay sẽ ký giao kèo, nhưng hôm nay ông ta lại thoái thoát, cho rằng bên Hương Cảng chưa điện thoại qua, để chờ vài ngày nữa sẽ hay.
Lão Khưu tìm lời an ủi:
- Có lẽ lời ông là thật tình chớ.
Lão Hùng lắc đầu nói:
- Trong đó có lão cáo già đối thủ của tôi rất độc, đêm qua tôi có đến văn phòng đại lý, được biết bên Hương Cảng đã đồng ý về vấn đề lão bỏ vốn đầu tư vào cơ xưởng của mình rồi.
Hồ Kinh Lý tiếp lời:
- Nhưng chưa đến nỗi tuyệt vọng. Với đối phương cung cấp tài liệu tình báo cho Tạ Đổng sự trưởng, cho rằng chúng ta duy trì không qua một tuần nữa thì sụp đổ, nên ông ta chờ xem.
- Điều đó rất tai hại, họ biết rõ chúng ta duy trì không qua một tuần lễ nữa, nhiều lắm là bốn ngày, họ sẽ đem tàu đến mà thu dọn chiến trường.
Lão Khưu nhìn sang Hồ Kinh Lý hỏi:
- Tình trạng tài chánh trong xưởng hiện giờ ra sao? Tôi có thể giúp cho phần nào, anh Kiến Phương mà lâm vào cảnh khốn khó thì cũng như tôi khốn khó, bất cứ giá nào, chúng ta cũng phải duy trì cơ xưởng lại.
Hồ Kinh Lý nhìn lão Khưu vô cùng cảm kích:
- Tình trạng của xưởng mấy tháng nay không khá, sản phẩm tiêu thụ thất thường, kinh tế bị bế tắt. Do đó mới tranh thủ vấn đề nhờ vốn đầu tư để khuếch trương thêm. Hiện giờ chỉ trông cậy vào số vốn đầu tư từ Hương Cảng đến, để trang trải nợ nần và mở mang thị trường nơi hải ngoại...
Khưu viện trưởng ngắt lời:
- Xin lỗi, cho tôi ngăn lại đây, nếu Tạ Đổng sự trưởng ký giao kèo thì số tiền đó chừng bao lâu có thể đến.
- Điều quan trọng đó chưa rõ, nên chúng tôi đã tính với một ngân hàng tư xong xuôi, nếu ký giao kèo này, chúng tôi sẽ đem cầm thế đỡ ở ngân hàng thì mọi công việc khó khăn sẽ giải quyết xong.
- Trong tuần lễ này đại khái nhu cầu chừng bao nhiêu?
Hồ Kinh Lý nhìn Hùng xưởng trưởng, nhưng lão Hùng không chịu nói, buộc lòng ông ta phải nói rõ.
- Ngày nay có hai ngân phiếu đã đến kỳ hạn, ngày mai phải phát lương nửa tháng cho nhân viên, chúng tôi cố gắng chống đỡ nổi, nhưng liền theo đó các món tiền lặt vặt vẫn đến liền liền. Khổ nhất là hai ngày sau có mấy chi phiếu đến kỳ hạn, tính đại khái, trong tuần này phải có năm trăm vạn đồng mới xoay trở nổi. Những việc đã qua thì không lo cho lắm, khó nhất là những chi phiếu sắp đến đều bị đối phương thâu hồi không cho ra nữa, xưởng trưởng không thể cúi đầu mà năn nỉ họ.
Khưu viện trưởng nghe qua, ông đã hiểu rõ đại khái, ông vẫn biết đây là vấn đề sinh tử cho Hùng xưởng trưởng, đối phương đã lập tâm gây cho sự nghiệp của ông ta phải sụp đổ. Trừ ông ta ra, không còn ai có thể giúp cho Hùng xưởng trưởng. Do đó, ông không do dự nói:
- Năm trăm vạn là một số mục quá lớn, tôi không thể có tiền mặt. Nhưng trong thời gian ba ngày tôi có thể xoay sở được. Hiện giờ tôi trao trước cho một chi phiếu một trăm vạn, sau đó chúng ta sẽ đến vay trong một ngân hàng, tôi có thể đem tài sản y viện của tôi mà thế đỡ, chắc không thua gì vấn đề giao kèo đầu tư của họ đâu.
Nói xong, Khưu viện trưởng lấy ra một tập ngân phiếu, lấy viết ký vào, lão Hùng bèn cản lại:
- Anh Đông Vượng, tôi rất cảm kích lòng tốt của anh, nếu trong thời gian đã định mà tôi không có số tiền đó, thà là để cho họ đến tịch biên cơ xưởng của tôi. Nhưng tôi không thể kéo anh vào dầu sôi lửa bỏng mà liên lụy giữa nhau.
Khưu viện trưởng cười hì hì nói:
- Kiến Phương, anh nói thế nghĩa là sao? Căn cứ theo sự thân tình của chúng ta tôi có thể lặng nhìn anh vấp ngã mà không đỡ được hay sao? Anh đã từng nói nhờ tôi giúp cho một vấn đề khó xử kia mà?
Hồ Kinh Lý đáp:
- Đúng thế, điều này thật là khó xử, nếu chúng ta yên ổn mà vượt qua, chờ cho sản phẩm mới ra đời, chừng đó đối phương sẽ biết mặt.
Khưu viện trưởng đưa ngân phiếu cho Hồ Kinh Lý nói:
- Dĩ nhiên chúng ta vẫn hy vọng vào Tạ Đổng sự trưởng, chúng ta cũng không đối đãi lạnh nhạt với ông tạ Nhưng tạm thời không đeo đuổi theo ông ta mà bàn luận điều gì khác nữa. Đồng thời chúng ta nên bàn đến vấn đề họp báo ngày mai, hiện giờ trên mặt báo chí đã nổi sóng gió rất nhiều, chúng ta nên lột trần chân tướng của nó ra đi.
Tiếp chi phiếu, Hồ Kinh Lý có cảm giác nhẹ nhàng. Bởi tình hình kinh tế trong xưởng ông ta biết còn rõ hơn Hùng xưởng trưởng nữa. Có được số tiền này, sẽ giải quyết được những vấn đề cần thiết. Ông ta đứng dậy nói:
- Tôi sẽ đến ngân hàng mà giải quyết số tiền này, tạm thời xoay sở những món tiền ngặt, ngày mai sẽ phát lương sớm.
Khưu viện trưởng nói:
- Hay lắm. Nhưng sau khi ông giải quyết xong, mau trở về đây, chúng ta sẽ cùng nhau đến ngân hàng để thảo luận việc vay mượn.
Hồ Kinh Lý gật đầu và ra đi. Hùng xưởng trưởng thở dài, ông ta cảm thấy đến đây đã xác nhận ông là "anh hùng khí đoản" rồi. Ông ta là một nhà hóa học, mở mang ra một cơ xưởng, lúc đầu chỉ riêng ông gánh trách nhiệm, không ngờ trên thương trường đã xẩy ra rất nhiều cơn bão tố. Trong mấy năm qua, ông ta lăn lóc quá nhiều, nhưng sóng gió càng ngày càng tọ Nếu Khưu viện trưởng không gánh vác tiếp với người bạn già thì chưa biết cơ xưởng của ông sẽ ra sao?
Khưu viện trưởng cũng hiểu rõ tâm trạng của bạn, nên ông bước đến vỗ nhẹ vào vai lão Hùng nói:
- Chúng ta hãy bàn đến cuộc họp báo ngày mai đi.
Lão Khưu cũng biết lão Hùng đang gom hết tim óc vào cơ xưởng, không hề nghĩ đến cuộc họp báo, nên ông phát họa những nét chánh và bàn qua một vài chi tiết cho lão Hùng biết.
Tạm thời lão Hùng cũng yên lòng, nhưng ông biết rõ hơn ai hết, vấn đề cơ xưởng của ông không thể nào giải quyết được. Hiện giờ tuy lão Khưu đã tạm thời giải quyết những vấn đề khó khăn của ngày nay, nếu ngày mai có xẩy ra nữa thì lão Khưu cũng phải bó taỵ Do đó, lão biết, không để cho lão Khưu giải quyết thì không thể được, nhưng trong lòng của ông rất do dự. Lão biết rằng từ nay trên vai của lão càng ngày càng gánh nặng thêm lên, chẳng những điều sinh tử cho cơ xưởng của lão mà thôi, có thể liên lụy đến y viện của lão Khưu nữa, nếu trong một thời gian ngắn thì chẳng thành vấn đề gì. Lão không thể lãng phí thời gian quý báu, lão đã quá mệt mỏi nên rất cần sự yên tĩnh để nghĩ cách cải tiến phẩm chất. Điều đó chẳng những đứng vững mà thôi, nó lại còn phát triển mạnh trên thị trường nữa.