9/11/12

Anh hùng Bắc Cương (H28)

Ngoài ngũ long Đại-Việt, đám Tôn Đản, còn lại không ai hiểu chủ đạo tộc Việt ra thế nào. Thuận-Tường hỏi sẽ Tự-Mai:
- Ông này là gia gia đại ca hả? Sao ông ác quá vậy? Ông vung tay mấy cái giết hơn ba trăm người, rồi ông lại bảo đó là chủ đạo tộc Việt!
Tuy Thuận-Tường nói nhỏ, mà mọi người đều nghe rõ. Tự-An đưa mắt nhìn. Ông thấy một thiếu nữ mười lăm, mười sáu tuổi phê phán mình. Ông mỉm cười vẫy tay:
- Tiểu cô nương! Tiểu cô nương phương danh Triệu phải không? Nghe giọng nói, dường như tiểu cô nương từ Biện-kinh tới, chứ không phải từ Lưỡng-Quảng hay vùng Hoa-sơn. Nào tiểu cô nương ra đây, ta sẽ vì tiểu cô nương mà nói về chủ đạo tộc Việt.
Thuận-Tường núp sau Bắc-Sơn lão nhân:
- Ông dữ quá, tôi không ra đâu. Lỡ tôi ra, ông vung tay một cái, thịt xương tôi nát hết.
Triệu Tiết đang nằm dưỡng thương, nó biết Tự-An là cha Tự-Mai, được dịp nó trả thù:
- Lão này thực ác độc hơn qủi sứ. Sư muội mà ra, lão xé xác sư muội rồi nướng ăn không chừng.
Bọn Hoa-sơn nghe Triệu Tiết nói, họ đều cảm thấy lạnh xương sống lo cho nó. Bắc-Sơn lão nhân quát lên:
- Im mồm. Mi không được vô lễ.
Triệu Tiết liều lĩnh:
- Y ác thực, đệ tử nói y ác. Dù y ăn tươi nuốt sống đệ tử cũng nói rồi chết cho cam tâm.
Tự-An nghe Triệu Tiết phê phán mình. Ông bật cười:
- Cháu nhỏ! Trên đời này chưa từng một ai xung chàng với ta mà yên thân. Được, cháu có đởm lược khí phách nam nhi đại trượng phu. Ta không giết cháu đâu. Cháu như vậy mới xứng đáng sĩ khí của Nho gia.
Sự thực Triệu Tiết khôn ngoan vô cùng. Nó biết Tự-An võ công cực cao, danh vọng cực lớn. Đời nào lão ra tay đánh bọn tiểu bối đã bị thương như gã. Vì vậy gã nói cho sướng miệng, lại tỏ ra can đảm trước người yêu.
Tự-Mai vẫy Thuận-Tường:
- Cô nương đừng sợ. Bố tại hạ chỉ giết bọn cướp nước, bọn ác bá mà thôi. Ngược lại người rất thương yêu bạn hữu của con, của đệ tử. Cô nương là bạn của tại hạ đời nào người hại cô nương!
Tự-An hướng Thuận-Tường vẫy tay hai cái. Nàng không tự chủ được, bay bổng lên. Bắc-Sơn lão nhân la lớn:
- Xin nhẹ tay cho!
Người Thuận-Tường còn lơ lửng trên không, Tự-An phất tay cái nữa, nàng rơi nhẹ nhàng trên lưng con hùm xám của Bảo-Hòa, giống như vọt lên cỡi vậy.
- Xin đừng sợ, ông kễnh của tôi không xơi thịt cô nương đâu.
Thiệu-Cực bật lên tiếng trấn an Thuận-Tường. Chàng nói với Bắc-Sơn lão nhân:
- Lão nhân yên tâm. Tịểu bối sợ Trần đại hiệp yêu thương Thuận-Tường hơn cả Tự-Mai. Người muốn kiếm cho cô nương cái nệm ngồi, hầu nghe nói về chủ đạo của tộc Việt, tộc Hoa.
Tự-An nhìn Thiệu-Cực mỉm cười:
- Ta đã nói gã chăn trâu Lý Công-Uẩn thực không uổng đời người khi sinh ra được vua Bà Bắc-biên với Khai-Quốc vương. Thế-tử, nếu ta là Khai-Quốc vương ta cử thế-tử làm tể tướng. Thế tử có con mắt tinh đời như vậy, mà làm tể tướng, ta e vua Hùng sống lại cũng phải hài lòng.
- Đa ta đại hiệp quá khen.
Con hùm từ từ nằm xuống. Nó liếm tay Thuận-Tường tỏ vẻ thân ái. Được Thiệu-Cực trấn an, Thuận-Tường bớt sợ. Nàng vuốt ve đầu con cọp, hướng Tự-An:
- Trần đại hiệp. Con cọp này dễ thương quá. Đại hiệp bán cho tiểu nữ đi. Trong vườn thượng...
Bắc-Sơn lão nhân tằng hắng một tiếng, Thuận-Tường im bặt. Nàng đưa mắt nhìn sư phụ, rồi tiếp:
- Trong vườn thượng, vườn hạ nhà tiểu nữ cũng nuôi nhiều thú như nai, hoẵng, công, trĩ, mà không có con cọp nào cả.
Tự-Mai nghĩ thầm:
- Lý ra, Thuận-Tường là đệ tử nhỏ bé của Bắc-Sơn lão nhân. Cho rằng nàng được sư phụ cưng chiều. Song có đâu họ lại để nàng ngồi trên Hoa-sơn thất hùng đều vai sư thúc của nàng. Vừa rồi nàng buột miệng nói ra câu vườn thượng. Bắc-Sơn lão nhân tằng hắng, làm nàng phải chữa. Vậy nàng là ai? Ta phải dò cho ra. Vườn thượng gì của nhà nàng mà phải dấu diếm? Thượng-kinh ? Thượng du ?
Tự-An chỉ Thiệu-Cực:
- Hùm này vốn của vua Bà Bắc-biên nuôi làm lính biên phòng. Cô nương muốn mua, xin hỏi Thân thế-tử đây.
Thiệu-Cực là người tinh minh, mẫn cán số một số hai thời Thuận-Thiên. Sử chép, chàng có đủ đức tính của một vị biên cương đại thần: Mưu, trí, dũng, nhân, tín. Tài chàng chỉ thua có hai người. Một là cậu ruột tức Khai-Quốc vương, hai là mẫu thân tức vua Bà Bắc-biên.
Từ lúc Thuận-Tường xuất hiện, nàng từ ác cảm với Tự-Mai, tiến tới chỗ thân mật. Thoáng một cái chàng đã hiểu:
- Hoa cũng thế, Việt cũng vậy, tình cảm trai gái không có biên giới nào ngăn cách được. Tự-Mai ghép cậu hai với Thanh-Mai. Cậu hai tìm cách tác thành cho anh Thiệu-Thái với Mỹ-Linh, Thanh-Trúc với mình. Mỹ-Linh lại mở đường cho Thuận-Tông, Thiện-Lãm với Kim-Thành, Trường-Ninh. Tại sao ta không tác thành cho Tự-Mai với Thuận-Tường? Tình Việt duyên Hoa. Lương duyên Lý-Tống càng thêm đẹp.
Hơn ai hết, hiểu về mối tương quan Hoa-Việt. Thiệu-Cực quản lĩnh Khu-mật-viện Bắc-biên, chàng thông suốt hết những tranh chấp, những tình cảm, những bất đồng, tương đồng của dân Việt-Hoa vùng Bắc biên. Mạ mạ chàng muốn giữ nguyên đất nước, không để bị mất một thước. Vì để Tống lấn một thước, họ sẽ quen đà lấn mãi, rồi mất nước lúc nào không hay. Tống lại ỷ thế lớn, biên cương đại thần hống hách với quan nha Việt. Hiện hai bên cùng cố tranh dành ảnh hưởng 207 khê động.
Tống dùng lối tằm ăn dâu, lấn dần bằng cách đe dọa, phủ dụ với mồi công danh, tiền bạc, lôi kéo các động chủ về với mình. Khi các khê động theo Tống hết, Đại-Việt chỉ còn đồng bằng miền Bắc, bấy giờ không đánh, họ cũng chiếm được.
Ngược lại chính sách Bắc biên triều Lý cũng tỏ ra cực kỳ cương quyết. Công chúa Lĩnh-Nam Bảo-Hòa khi ôn, khi nhu quyết không để một châu động nào mất về Tống.
Viêt hay Hoa. Tống hay Lý tranh dành nhau bằng tế tác, bằng võ công, bằng binh lực, khiến dân chúng bị ảnh hưởng lây. Có điều Lý lấy chủ đạo tộc Việt trị dân, được các khê động qui phục. Tống lấy hình pháp bắt dân theo, dân sợ mà nghe lệnh.
Dù Tống, dù Lý thế nào với nhau, dù biên giới có phân. Nhưng có mấy thứ, mà Lý, Tống không thể phân hai sắc dân ra được.
Một là họ cùng thờ Phục-Hy, Thần-Nông. Họ cùng hành xử với giáo lý Nho. Họ cùng theo đạo Phật, cho nên họ cùng đến một ngôi chùa, cùng quỳ gối sám hối tội lỗi trước đấng từ phụ. Họ theo Phật, kính tăng. Khi họ kính lạy một vị tăng hay ni, họ không hề phân biệt tăng-ni ấy là Hoa hay Việt.
Tống sử kể, niên hiệu Thuận-Thiên thứ mười ba (1022) nhân quân Tống tràn sang cướp phá. Dực-Thánh vương đem quân đánh tràn qua trại Như-hồng bên Tống, đốt phá. Hai tướng Tống, Việt đánh nhau đến trời long đất lở. Khi chiều xuống, nghe tiếng chuông thu không chùa Như-hồng đổ. Hai người cùng ngừng lại, vào chùa lễ Phật. Vị hoà thượng người Tống thuyết pháp. Cả hai cùng kính cẩn nghe, rồi đêm xuống, ai về trại đó.
Hai là họ thương yêu, thông cảm với nhau trong cùng một khí hậu, cùng một thứ sản vật. Họ buôn bán, trao đổi hàng hóa, kết bạn với nhau. Nhất là họ kết thông gia. Người Hoa, người Việt ở nơi khác, khi dựng vợ, gả chồng cho con cái họ phân biệt nòi giống, chủng tộc. Dân Việt-Hoa ở biên giới không hề phân biệt điều đó.
Vua Bà Bắc-biên rất cứng rắn. Nhưng bà chỉ cứng rắn với biên cương đại thần Tống muốn gây hấn với Đại-Việt. Trái lại, hai sắc dân hoà đồng với nhau, bà tỏ ra thích thú.
Cho nên Thiệu-Cực thấy mối tình Tự-Mai, Thuận-Tường chớm nở, chàng nghĩ thầm:
- Nếu Tự-Mai kết hôn với Thuận-Tường có nghĩa Đông-a kết hôn với Hoa-sơn. Khi hai đại môn phái Việt-Hoa kết thân với nhau, Lý-Tống càng dễ hoà hoãn. Bọn biên thần Tống cũng khó mà sinh sự với Đại-Việt.
Chàng phe phẩy quạt lông, cười với Thuận-Tường:
- Cô nương muốn nuôi ông ba mươi cũng dễ thôi. Tôi nói cho cô nương biết ông kễnh của tôi ngoan ngoãn dễ bảo lắm. Cô nương nuôi trong nhà như chó. Sai vặt được đủ truyện. Ông giữ trộm hay hơn chó, lại dùng làm ngựa cỡi được nữa.
Thuận-Tường tươi nét mặt:
- Thế tử bán bao nhiêu tiền?
Thiệu-Cực chỉ Tự-Mai:
- Cọp này mạ mạ tôi nuôi từ nhỏ, khôn ngoan như người. Trung thành hơn chó. Có loại người mua đắt mấy cũng không bán. Ngược lại có loại người muốn lại tặng không!
Thuận-Tường mở to mắt nhìn Thiệu-Cực. Mắt nàng ướt như giọt sương thu buổi sáng. Ánh nắng chiếu vào khuôn mặt trái soan, làn da trắng hồng, mái tóc óng mượt. Nàng cất tiếng trong như gió Xuân:
- Thân thế tử. Loại người nào được tặng không?
Thiệu-Cực nhìn Tự-Mai:
- Muốn được tặng ông kễnh này, phải có ba điều không và ba điều có.
Thuận-Tường càng tò mò:
- Những điều ấy ra sao?
- Ba không như sau. Một là không phải loại bất trung bất hiếu, bất nghĩa. Hai là không phải loại trộm cướp, lưu manh, gian xảo. Ba là không phải loại có ác tâm với tộc Việt.
Thuận-Tường vui vẻ:
- Tất cả ba không tôi đều không hết. Thế còn ba điều có?
- Ba điều này giản dị thôi. Một, phải hiểu chủ đạo tộc Việt. Hai, phải có công trong việc bảo vệ tộc Việt. Ba, phải là người Việt.
Thuận-Tường xịu mặt xuống:
- Hà! Tôi chưa hiểu chủ đạo tộc Việt ra sao. Đã không hiểu, đâu có thể lập công bảo vệ? Còn điều thứ ba, tôi sinh ra làm người Hoa. Tự... Diêm-vương cho tôi đầu thai làm người Hoa, chứ tôi nào có làm chủ được.
Tôn Đản vốn cực kỳ thông minh. Nó hiểu ý Thiệu-Cực, xen vào:
- Tại hạ nghĩ, cô nương muốn được hùm cũng dễ thôi.
Mắt Thuận-Tường sáng rực lên:
- Người... người nói sao? Làm cách nào? Ta... ta sẽ trọng thưởng, à quên, hậu tạ nhà ngươi. Ta quyết quên vụ người làm hai sư thúc ta bị trọng thương.
Tôn Đản cười khì:
- Tuy cô nương chưa hiểu chủ đạo tộc Việt, thế nhưng ở đây thiếu gì người biết, ai cũng có thể vì cô nương mà nói.
- Được rồi, ta sẽ lắng tai nghe. Nhưng ta chưa hề có công trong việc bảo vệ tộc Việt bao giờ.
- Thân thế tử có bắt cô nương phải bảo vệ chủ đạo tộc Việt đâu? Hiện trường có không biết bao nhiêu người, từ đời ông, đời cha, đã mang xương máu bảo vệ chủ đạo tộc Việt. Người đó có quyền xin ông kễnh, rồi tặng cô nương. Như vậy cô nương vẫn được cọp mà.
Thuận-Tường thở phào một cái. Nàng liếc mắt trong như hồ thu nhìn Tự-Mai:
- Này Trần đại ca!
- Cô nương muốn sai bảo điều gì?
- Tôi nghe đại ca thuộc giòng dõi ngài Trần Tự-Viễn. Đại ca hiểu thấu chủ đạo tộc Việt. Nhiều đời giòng họ Trần đem xương máu bảo vệ đất nước, mà không nhận tước phong triều đình. Như vậy đại ca có công bảo vệ chủ đạo. Điều thứ ba... phải là người Việt. Đương nhiên đại ca là người Việt. Đại ca xin con cọp này, rồi cho tiểu muội được không?
Nhìn khuôn mặt thanh tú, đôi mắt cầu khẩn của Thuận-Tường. Hồn Tự-Mai bay bổng lên mây. Nhưng lời bố dạy trước đây vang lên bên tai nó:
- Con phải nhớ. Bố làm chưởng môn phái Đông-a, nhưng con không phải ông chưởng môn con. Võ công phải luyện mới có. Danh dự phải do mình tạo ra. Bố không thể cho con được. Sau này, con ban ơn cho ai điều gì, phải nghĩ xem họ có xứng đáng không đã, chứ đừng nhắm mắt cho bừa, đôi khi thành ra hại họ.
Nó khoan thai nói với Thuận-Tường:
- Cô nương muốn nuôi ông kễnh này, mà lại yêu cầu tại hạ xin, rồi biếu cô nương. Như vậy không ổn. Nhưng tại hạ sẽ vì cô nương mà tạo cho cô nương có đủ điều kiện được tặng cọp.
- Điều kiện ư? Tiểu muội không đủ.
Thuận-Tường buột miệng nói: Đại ca tạo cho tiểu muội thế nào. Xin nói rõ hơn.
- Điều thứ nhất, tại hạ sẽ vì cô nương mà nói về chủ đạo tộc Việt. Điều thứ nhì, từ nay cô nương nhất tâm, nhất chí giúp người Việt bảo vệ chủ đạo. Như thế cũng coi như có công. Còn điều thứ ba...
Nó suy nghĩ rồi tiếp:
- Cô nương sinh tại đâu?
- Tiểu muội sinh tại Trường-sa.
Thiệu-Cực, Tôn Đản, Tự-Mai cùng reo lên:
- Hay quá!
- ???
- Theo luật Đại-Việt. Ai sinh đẻ trên đất Việt, sẽ thành người Việt. Cô nương sinh tại Trường-sa. Trường-sa nằm phía Nam hồ Động-đình. Mà hồ Động-đình vốn thuộc lãnh thổ tộc Việt. Chính nơi này sản xuất ra hai vị Quốc-mẫu Đại-Việt. Nơi mà Quốc-tổ Lạc-Long cùng Quốc-mẫu phân chia các con đi bốn phương. Hẹn mỗi năm họp tại cánh đồng Tương một lần. Như vậy cô nương là người Việt.
Nam-Sơn lão nhân ít đọc sách, lão ngạc nhiên hỏi lại:
- Công tử nói sao? Trường-sa cách Đại-Việt đến mấy ngàn dặm, có đâu thuộc lãnh địa tộc Việt?
Tự-Mai đưa mắt nhìn Nam-Sơn, trong lòng nó nảy niềm kiêu hãnh:
- Lão nhân quên rồi thì phải. Xưa vua Đế-Minh cháu ba đời vua Thần-Nông sinh con trưởng. Sau qua núi Ngũ-lĩnh kết hôn với tiên nữ, sinh ra thái tử Lộc-Tục. Ngài lập đàn tế cao trời đất lấy núi Ngũ-lĩnh về Bắc phong cho con trưởng làm vua tức vua Đế-Nghi. Từ Ngũ-lĩnh về Nam phong cho Lộc-Tục, tức vua Kinh-Dương. Bắc sau thành Trung-nguyên. Nam sau thành Văn-lang.
Rồi nó thuật tiếp về Lạc-Long quân lấy Âu-Cơ đẻ trăm con. Phong cho các con đi bốn phương quy dân lập ấp, lãnh địa gồm Quảng-Đông, Quảng-Tây, Hồ-Nam, Vân-Nam của Tống. Phía Tây bao gồm Đại-lý, Lão-qua, Xiêm-la. Phía Nam gồm Chiêm-thành, Chân-lạp. Ngài hẹn các con mỗi năm về cánh đồng Tương phía Nam hồ Động-đình họp nhau một lần.
Triệu Tiết thấy mỗi lúc Thuận-Tường lại khâm phục, hướng tình cảm vào Tự-Mai hơn, nó cãi:
- Láo hết! Chúng ta gốc tộc Hán. Trời sinh ra tộc Hán ở Trung-nguyên. Chúng ta vốn con trời, cai trị Thiên-hạ. Bọn phía Đông gọi là Di. Bọn phía Tây gọi là Nhung. Bọn phía Bắc gọi là Địch. Bọn phía Nam gọi là Man. Làm gì có Bắc anh, Nam em như mi nói!
Thuận-Tường vẫy tay cho Triệu Tiết:
- Sư huynh không được vô lễ với hào kiệt Nam phương.
Nàng nói với Tự-An:
- Xin đại hiệp đừng chấp. Sư huynh tiểu nữ bị thương, tâm thần thiếu bình tĩnh.
- Sư muội đừng nói xàm. Ta vẫn minh mẫn như thường. Ta... ta phải giáo hoá bọn Nam man.
Thiệu-Cực biết Triệu-Tiết lợi dụng bị thương, Tự-An, Tự-Mai không thể ra tay. Chàng quát lên:
- Tên Triệu Tiết kia! Mi lợi dụng bị thương, bọn ta không dám giết mi. Mi mở miệng nhục mạ tộc Việt một câu nữa, lập tức ta cho hùm ăn thịt mi liền.
Chàng hú lên ra lệnh. Con hùm xám nhảy bổ tới vồ Triệu Tiết. Nó ghé mõm, há miệng đỏ lòm sát mặt y. Y bở vía, ngậm miệng liền.
Tuy Thiệu-Cực dùng cọp bịt được miệng Triệu Tiết. Chàng đâu ngờ cái nhân hôm nay, rồi thành quả lớn. Mấy chục năm sau, Triệu Tiết được lệnh thống lĩnh quân Tống đánh Đại-Việt. Y cùng Quách Quỳ, Yên Đạt, Tu Kỷ tàn sát động Giáp nhà chàng, ngôi vua Bắc-biên hết vận số từ đó. Việc này sẽ thuật trong bộ Nam-quốc sơn hà.
Bắc-Sơn lão nhân tỏ vẻ không chịu:
- Như công tử nói, sau này Đại-Việt sẽ đòi lại vùng đất thuộc Tống ư? Dân các nơi đó đâu còn biết gì đến Đại-Việt.
Tự-Mai thấy vấn đề tranh luận trở nên phức tạp, nó thu tóm lại:
- Dù người Hoa nói tiếng gì, học văn học gì, huyết thống vẫn thuộc Hoa. Khi người Việt ở những nơi thuộc Tống không thể chối bỏ nguốn gốc mình. Tôi cứ coi như họ người Hoa, gốc Việt. Cũng như người Hoa kiều ngụ tại Đại-Việt, chúng tôi gọi họ là người Việt gốc Hoa.
Nó nhìn Thuận-Tường:
- Chủ đạo của người Hoa ra sao? Người Hoa tự coi mình là con trời, biểu hiệu của vua là con rồng. Bất cứ người Hoa nào, cũng tin mình vốn con trời, sinh ra để cai trị Thiên-hạ. Có đúng thế không?
- Quả vậy.
Triệu Tiết vừa nói câu đó, con hùm nhỏm dậy, nó hầm hừ cà cà bộ răng vào dùi y. Y lạnh gáy, ngậm miệng lại.
Tự-Mai tiếp:
- Rồng làm sao đẻ ra người được? Thế nhưng bất cứ người Việt nào, cũng tự coi mình con rồng, cháu tiên. Một trăm con của Lạc-Long quân, phân tán đi khắp nơi, qui dân lập ấp. Như vậy gốc chỉ có trăm hoàng tử, cai trị hàng mấy triệu người, dân chúng đâu có ít? Sau sinh nở ra chúng tôi ngày nay. Chưa chắc họ Trần, họ Lê, họ Lý gốc từ vua Hùng. Thế nhưng chúng tôi vẫn tự coi như mình thuộc giòng dõi vua Hùng. Sau tới vua An-Dương, vua Trưng. Vua Trưng đâu có con? Thế nhưng phụ nữ Việt đều coi như con cháu vua Trưng. Tinh thần đó, chính là chủ đạo tộc Việt vậy.
Nó nhìn đám thây ma Hồng-thiết Tây-vực:
- Vừa rồi, Nhật-Hồ lão nhân sang Tây-vực, đem Hồng-thiết giáo về, chối bỏ chủ đạo tộc Việt, gây cảnh núi xương, sông máu. Cuối cùng vẫn bị chủ đạo tộc Việt đánh tan. Lão giác ngộ theo Phật. Hồng-thiềt giáo trở về nguồn, thành Lạc-long giáo. Nó nói với Thuận-Tường:
- Anh em tại hạ xin gửi ông ba mươi này theo hầu Triệu cô nương. Mong rằng cô nương luôn nghĩ tới bảo vệ tinh thần tộc Việt.
Nó nói với Thiệu-Cực:
- Đại ca! Đại ca tặng rồi dạy cô nương đây phương thức điều khiển ông kễnh này đi!
Thuận-Tường đứng dậy hướng Thiệu-Cực, Tự-Mai chắp tay:
- Đa tạ hai công tử tặng ông ba mươi.
Nàng nói tiếng Hoa với Tự-Mai, Thiệu-Cực. Phải uốn lưỡi lắm, mới nói được tiếng ông ba mươi.
Thiệu-Cực chỉ con hùm bên cạnh:
- Hai con hùm này, một đực, một cái. Chúng sống với nhau từ nhỏ. Ta chẳng nên bắt chúng xa nhau. Tự-Mai tặng cô nương ông kễnh. Còn bà kễnh tại hạ xin tặng cô nương luôn.
Thuận-Tường vội xua tay:
- Tiểu muội không có công gì mà được trọng thưởng thế này, e quá đáng chăng?
Thiệu-Cực mỉm cười:
- Vậy coi như tại hạ bán cho cô nương. Nhưng cô nương không thể trả bằng tiền. Sau này có dịp, tại hạ nhờ vả cô nương điều gì, cũng như cô nương trả tiền vậy.
Chàng hướng lên trời hú một tiếng dài. Đôi chim ưng đang lượn trên cao, từ đáp xuống. Chúng đậu trên vai chàng. Thiệu-Cực nói:
- Sau khi việc ở đây xong, cô nương về Tống. Chúng ta Nam, Bắc cách trở khó có dịp gặp nhau. Tại hạ kính biếu cô nương cặp chim này. Cô nương muốn liên lạc với anh em tại hạ, xin cứ viết thư bỏ vào ống trên dưới chân chúng, sai chúng mang đi.
Thiệu-Cực lại bên Thuận-Tường giảng giải cho nàng cách điều khiển, sai khiến cùng nuôi dưỡng cặp hùm xám cùng cặp ưng.
Trong khi Tự-Mai nói về chủ đạo tộc Việt. Đặng Đại-Khê coi như chủ nhà. Ông giới thiệu mọi người với nhau.
Minh-Không hướng Hoa-Sơn tam lão hành lễ rồi nói:
- Chúng tôi hẹn nhau họp trên này có truyện riêng. Không thể thù tiếp tam lão. Mong tam lão miễn trách. Khi nào có dịp, kính mời tam lão tới chùa Tiêu-sơn, chúng ta có nhiều thời giờ đàm luận hơn. Mong tam lão cứ tự nhiên lo giải quyết mọi truyện.
Thấp thoáng một cái, Đại-Việt ngũ long đã biến vào tuyệt đỉnh mây mờ của Tản-lĩnh.
Từ lúc lên đỉnh Tản-viên, thấy mụ Anh-Tần, cùng tên đệ tử Nguyễn Qúy-Toàn, trong lòng Tự-Mai cảm thấy bực bội. Nó hướng vào Tây-Sơn lão nhân, tay chỉ hai người:
- Thưa tiền bối! Xin tiền bối cho biết liên hệ giữa hai người này với quý phái?
Tây-Sơn lão nhân đưa mắt hỏi Chu Chiếu-Anh. Chiếu-Anh chỉ vào Hoa-Trung:
- Hai người này là tùy tòng của Hoa đại nhân.
Tự-Mai bước ra giữa sảnh đường chắp tay hành lễ với mọi người:
- Về con mụ điếm già Anh-Tần, cùng đệ tử của thị tên Nguyễn Qúy-Toàn. Chúng vốn người Thiên-trường, tức thuộc con dân Đại-Việt. Vì chúng có tham dự vào tội ác trên núi Tản, nên phải trao trả Đại-Việt xử trị. Ở đây có Thân huynh, lĩnh Khu-mật-viện Bắc-biên. Xin quý vị vui lòng để Thân huynh xử lý chúng.
Mụ Anh-Tần, cùng tên Nguyễn Qúy-Toàn phóng mình ra khỏi từ đường. Thiệu-Cực mỉm cười, chàng đưa mắt cho Thuận-Tường. Nàng hú lên một tiếng. Hai con hùm đang nằm dưới gốc cây vươn mình đứng dậy. Chúng nhảy xổ đến vồ tên Qúy-Toàn. Y sợ qúa, lùi lại phía sau sư mẫu.
Lần đầu tiên Thuận-Tường ra lệnh cho đôi cọp có kết quả. Nàng mỉm cười:
- Đôi cọp này dễ dạy thực.
Đôi hổ gầm gừ, chúng nhe hàm răng trắng ởn, từ từ tiến tới trước mặt mụ Anh-Tần. Mụ kinh hoảng lùi dần, lùi dần về sau. Sau chín bước, lưng mụ chạm vào vách núi.
Tên Quý-Toàn trước núp sau lưng mụ, bây giờ hóa ra đứng trước mụ. Y nhìn cặp hổ gầm gừ. Sợ qúa y té đái, vãi phân ra. Không biết nghĩ thế nào, y ngồi bệt xuống đất, tay tốc váy mụ Anh-Tần, rồi dấu đầu vào trong. Hai tay y ôm lấy chân mụ, người run bần bật.
Thiệu-Cực dẫn Tôn Đản, Tự-Mai, Lê Văn ra sân. Chàng nói với ba trẻ:
- Chúng ta lấy khẩu cung hai đứa này trước. Đúng ra anh để Tự-Mai hành sự. Ngặt vì Tự-Mai ghét hai đứa này, sợ em quá tay, chúng chết mất. Lê Văn hỏi cung bọn chúng đi.
Thiệu-Cực đưa mắt nhìn Thuận-Tường. Nàng ra lệnh. Đôi cọp lùi lại. Hai con hùm ngồi hai bên mụ Anh-Tần. Chúng há miệng đỏ lòm ra táp mấy cái, tỏ ra thèm thuồng.
Lê Văn không hổ đệ tử danh gia. Nó tiến lên chắp tay xá mụ Anh-Tần một cái:
- Phu nhân! Năm nay phu nhân sáu mươi sáu. Thấm thoát quay đi, quay lại thành bẩy mươi. Ông Đỗ Phủ đời Đường làm thơ có câu: Nhân sinh thất thập cổ lai hy. Nghĩa rằng người ta sinh ra, sống tới bẩy mươi thực hiếm hoi. Phu nhân sắp đi vào tuổi quý đó rồi. Hôm nay sự đã ra thế này, phu nhân phải khai thực hết mọi sự. Bằng không Thân thế-tử cho ông kễnh xơi thịt phu nhân thì đau đớn lắm.
Không hổ câu gái đĩ già mồm. Tuy ngồi trước miệng cọp, mụ vẫn cong cớn:
- Lê công tử. Công tử bảo tôi phạm tội, vậy tôi phạm tội gì? Tôi đã làm gì nên tội? Tôi được Tống triều cử đi theo thiên sứ tới Hoa-sơn, rồi Tản-viên. Tôi đâu có phạm tội?
- Phu nhân không phạm tội ư? Thôi thì cứ coi như vậy đi. Thế phu nhân đang ở Thiên-trường, tại sao lại sang Trung-nguyên?
- Tôi đi chơi.
Biết gặp phải thứ xảo trá bậc nhất thế gian, không thể nhẹ tay được. Lê Văn nói với Tôn Đản:
- Phiền sư huynh đem tên Qúy-Toàn lại hốc đá đằng kia thẩm cung dùm. Ở đây đệ hỏi Tần phu nhân. Hễ hai người khai giống nhau, chúng ta thả ra. Bằng khác một câu, ta cho ông ba mươi xơi một miếng thịt. Sai hai câu, cho ông kễnh xơi hai miếng.
Tôn Đản vung tay một cái, sợi dây bay ra cuốn chân tên Qúy-Toàn. Nó giật mạnh, người y bay bổng lên cao. Ở trên cao, sợ quá y hét lên be be.
Tôn Đản hỏi:
- Mi đang ở Yến-vĩ sương-sen với con điếm già Anh-Tần. Tại sao lại có mặt trong phái đoàn Hoa-sơn?
- Tiểu nhân không có chủ trương gì hết. Sư mẫu bảo sao, tiểu nhân nghe vậy.
- Tại sao mi có vợ đẹp, con ngoan, lại bỏ nhà theo con điếm già Anh-Tần?
- Tại vì tiểu nhân mắc bệnh. Mỗi ngày phải mớm cá diếc ít nhất hai người. Bằng không, tiểu nhân hoá điên không chịu được.
- Con bà mi. Vợ mi cũng có cá diếc. Sao mi không mớm cá diếc vợ mi, mà đi mớm các diếc mấy con điếm già?
- Công tử không rõ đấy thôi. Ví như công tử ăn mắm. Mắm càng nặng mùi, càng thấy ngon. Mớm cá diếc cũng vậy. Con vợ tiểu nhân chỉ biết có chồng. Nó lại sạch sẽ quá, cá diếc không mùi vị. Trong khi bạn hữu sư mẫu toàn những người trên sáu mươi, lại ăn nằm với hàng trăm người khác nhau, cá diếc chạ người, mùi vị mới thơm.
Tôn Đản cảm thấy lợm giọng. Nó hỏi tiếp:
- Mụ điếm già Anh-Tần sang Trung-quốc với mục đích gì?
- Nguyên tân giáo chủ Hồng-thiết Trần Đông-Thiên đến trang Yến-vĩ sương sen đúng lúc sư mẫu mở hội Vu-sơn. Giáo chủ có tham đự. Đi theo giáo chủ có mười tân trưởng lão tuổi trên bẩy mươi. Các vị trưởng lão theo truyền thống bên Tây-vực cho mở cuộc thi thổi ống đu đủ. Sư mẫu tiểu nhân được chấm nhất, vì ngươi thổi đến hơn ba mươi người một lúc, cũng chưa mỏi mồm. Vì vậy giáo chủ dẫn sang Tây-vực chầu Hồng-thiết tổng giáo chủ. Tại đây, sư mẫu chiếm vô địch về mây mưa.
- Thế nào thì biết vô địch?
- Trong khi nói truyện với trưởng lão Cút-Độp. Cút-Độp khoe phụ nữ Tây-vực có thể mây mưa với hàng chục người, mà không biết mệt. Sư mẫu tỏ vẻ coi thường. Người khoe rằng mình có thể mây mưa với hai chục đàn ông. Cút-Độp không tin, cho thử...
- Thế mụ chịu được bao nhiêu người?
- Công tử thử đoán xem!
- Ít nhất mười lăm người.
- Sai! Hai mươi lăm người. Trưởng lão Cút-Độp thấy sư mẫu có bản lĩnh thổi ống đu đủ nhất thế gian. Vì vậy người xin tổng giáo chủ mang sư mẫu sang phương Đông.
Thấy việc mụ điếm già với thằng khùng Qúy-Toàn trong phái đoàn Hoa-sơn, không liên quan gì tới quốc sự. Tôn Đản yên tâm. Nó trở lại gặp Lê Văn, được biết mụ Anh-Tần cũng khai giống hệt.
Lê Văn nói với Thiệu-Cực:
- Anh em mình nghi thầy trò mụ điếm già Anh-Tần dẫn đường cho giặc. Nhưng thực sự không phải. Chúng ta tha quách.
Thiệu-Cực lắc đầu:
- Tuy chúng không phạm trọng tội, nhưng cũng phạm tội gian nhân hiệp đảng cùng tội làm bại hoại thuần phong tộc Việt. Để anh giải giao chúng về Thăng-long cho quan Hình-bộ thượng thư tùy nghi xét xử.
Tuy trải qua trận đấu giữa Hoa-sơn với Tản-viên, cuối cùng Thiệu-Cực khám phá ra manh mối do bọn Hồng-thiết Tây-vực. Hoa-Sơn tam lão không ngớt xin lỗi phái Tản-viên.
Nhị-Bách sai làm tiệc khoản đãi phái Hoa-sơn. Nhưng Hoa-sơn tam lão quá xấu hổ, nhất mực chối từ. Thiệu-Cực sai một đoàn voi hộ tống phái Hoa-sơn về Tống. Biết Tự-Mai với Thuận-Tường có tình ý. Chàng bảo y:
- Sư đệ hãy theo tiễn chân các vị về Tống. Nhưng phải trở lại trước ngày rằm tháng sau, để dự tranh ngôi động trưởng.
Tự-Mai kinh ngạc không ít, vì rõ ràng người tranh là Thiện-Lãm, Thuận-Tông. Tại sao Thiệu-Cực lại bảo nó tranh?
Vốn cực kỳ thông minh, thoáng một cái nó hiểu liền:
- Trận đấu vừa rồi, Triệu Tiết, Khúc Chẩn bị nó với Tôn Đản đả bại dễ dàng. Mà hai người này vốn do biên thần Tống cho trà trộn tranh dành hai chức châu trưởng. Vì vậy Thiệu-Cực nhắn nhủ nó, với chủ ý đe doạ phái Hoa-sơn: Hãy cho Triệu, Khúc rút lui trước thì vừa. Bằng không sẽ gặp Tự-Mai, Tôn-Đản e mất mạng.
Quả nhiên Hoa-sơn tam lão, Thất-hùng nghe Thiệu-Cực nhắc Tự-Mai. Họ đưa mắt nhìn nhau, như cùng có ý nghĩ:
- Rút trước đi là hơn.