9/11/12

Anh hùng Bắc Cương (H31)

Thiệu-Cực trịnh trọng nói:
- Sau hôm đại hội Lộc-hà, Minh-Không đại sư mời tất cả các đại tôn sư võ lâm Đại-Việt tới chùa Tiêu-sơn cùng triều đình họp, để bàn định quốc sách. Tôn sư, chưởng môn nhân các đại môn phái Tiêu-sơn, Đông-a, Sài-sơn, Mê-linh, Tản-viên, Tây-vu đều hiện diện. Ngoài ra còn có Lạc-long giáo, bang Đông-hải, bang Hồng-hà. Có ba vị vắng mặt vì quốc sự. Một là Lạc-long giáo chủ Thân Thiệu-Thái, hữu hộ pháp Trần Thanh-Mai làm đại diện. Hai là chưởng môn phái Tản-viên Thân Bảo-Hòa nhờ Nùng-Sơn tử đại diện. Ba là chưởng môn phái Mê-linh Lý Mỹ-Linh vắng mặt nhờ sư thái Tịnh-Huyền đại diện.
Chàng đưa mắt nhìn mạ mạ, rồi nhìn Khai-Quốc vương:
- Về triều đình, ngoài ông ngoại, còn có cậu hai, Tả, Hữu bộc-xạ, Lục-bộ thượng thư, quản Khu-mật viện và mạ mạ.
Tự-Mai nhăn mặt:
- Như vậy là họp để định sách lược Đại-Việt, chứ không phải của tộc Việt phải không?
Thiệu-Cực đưa mắt nhìn Khai-Quốc vương, ngụ ý để Vương trả lời. Khai-Quốc vương đáp:
- Tự-Mai hỏi câu đó thực phải. Minh-Không đại sư tổ chức buổi họp với mục đích định sách lược cho Đại-Việt, chứ không phải chung cho tộc Việt. Việc định kế lâu dài cho tộc Việt, phải đợi chúng ta đi Xiêm, Lào, Chiêm, Chân, Đại-lý, Lưỡng-Quảng kết hợp anh hùng, rồi mới làm sau. Tức là chúng ta tự chỉnh đốn căn bản trước đã.
Vương hỏi Tôn Đản:
- Trong năm em, Đản lớn nhất. Đản thử đoán xem buổi họp với mục đích gì nào?
Tôn Đản đáp ngay:
- Từ trước đến giờ quốc nguy có ba điều. Một là Hồng-thiết giáo. Nay Hồng-thiết giáo biến thành Lạc-long giáo. Điều thứ nhì, là mối nguy Chiêm-thành, Lão-qua. Nay hai nước đó cùng Xiêm, Chân, Đại-lý lại biến thành bức tường che chở cho ta. Ba là mối lo võ lâm chia rẽ vì con cháu nhà Lê đòi ngôi vua. May thay Hồng-Sơn đại phu bỏ ra ngoài tự ái, bỏ ra ngoài công danh, cùng triều đình lo bảo vệ đất nước.
Có tiếng nói vọng vào:
- Không phải bỏ ra ngoài công danh đâu, mà vì đã tìm ra người tài trí hơn ta, làm cho Đại-Việt hưng thịnh, nên ta rút lui để tiêu dao với thiên nhiên. Chứ làm vua thì sướng gì?
Lê Văn la lớn:
- Bố! Bố đến bao giờ vậy?
Thiệu-Cực kinh hãi, vì với đoàn chó sói, chim ưng canh phòng e con kiến cũng không lọt vào được. Mà sao Hồng-Sơn đại phu lại đến dễ dàng như vậy?
Năm người từ ngoài bước vào: Trần Tự-An, Hồng-Sơn, Đặng Đại-Khê, Thân Thừa-Phú, và Lâm Huệ-Phương. Thấy ông nội, Thiệu-Cực mới tỉnh ngộ:
- Thì ra ông nội dẫn đường, chứ các cụ này sao qua mắt bọn lính sói, ưng của mình!
Lê Văn nhào tới ôm lấy Huệ-Phương:
- Mẹ ơi! Con đi sứ Tầu. Mẹ rủ bố đi chơi với bọn con cho vui.
Huệ-Phương tát yêu nó:
- Bắc thang lên trời thì dễ, chứ bảo bố bỏ bệnh nhân đi chơi e hơi khó. Mỗi ngày bố chữa hơn trăm người, đời nào bố chịu đi.
Bà nói nhỏ:
- Bố mới tuyển bẩy trăm người y sinh. Hy vọng mấy năm nữa mình sẽ có bẩy trăm thầy thuốc.
Vua Bà Bắc-Biên, Thân phò-mã, Khai-Quốc vương vội đứng dậy chào. Trần Tự-An xá vua Bà Bắc-biên:
- Công chúa điện-hạ! Cách đây ít ngày, bọn Hồng-thiết giáo Tây-vực phạm Tản-lĩnh, chúng bị Thân thế-tử bắt. Nhà có chủ, đất có vua, đáng lẽ để bọn chúng cho vua Bà sửa trị. Trong lúc cần thị uy với phái Hoa-sơn, tại hạ ra tay tru diệt bọn chúng. Tại hạ đã nhờ Thân thế-tử về cáo lỗi trước. Hôm nay tại hạ thân tới đây chịu tội.
Vua Bà Bắc-biên chắp tay xá:
- Quốc-trượng dạy quá lời. Đúng như Quốc-trượng dạy, tuy bọn Hoa-sơn đại bại bỏ chạy, chịu lỗi với Đặng sư huynh, nhưng cũng cần ra uy cho chúng biết mình không thể tha thứ quân cướp nước. Đa tạ Quốc-trượng đã thị uy dùm.
Phân ngôi chủ khách xong, Tự-An bảo Thiệu-Cực:
- Giang hồ đồn rằng, hôm nay hoàng-đế nhà Tống ăn món gì, mặc quần áo gì, ngày mai Thân thế-tử cũng biết liền. Lời đồn quả không sai. Từ trước đến nay ta thiết lập riêng một hệ thống tế tác theo dõi bọn Tống. Hôm rồi tại Thăng-long Thuận-Thiên hoàng-đế với ta đã họp nhau hợp hai hệ thống làm một, như vậy mới hiệu nghiệm. Ta lên đây gặp cháu, để chỉ cho cháu biết phương cách liên lạc với người của ta.
Vua Bà Bắc-biên mừng vô hạn. Vì từ hai mươi năm nay, phái Đông-a có hệ thống tế tác rất siêu phàm trên toàn đất Tống, hiệu nghiệm hơn của triều đình. Nay ông chịu thống nhất với hệ thống triều đình thì còn gì hơn.
Thiệu-Cực kính cẩn chắp tay:
- Mấy tháng qua cháu nhờ hệ thống tế tác của Đông-a, mà thu được đủ mọi tình hình Tống, Tây-hạ, Liêu. Đa tạ Quốc-trượng... Thôi chú Đản cứ tiếp tục đi.
Tôn Đản tiếp:
- Rút lại ta chỉ còn mối nguy duy nhất là Tống dọa nếu Thuận-Thiên hoàng-đế không thoái vị, cùng bỏ niên hiệu. Họ sẽ mang quân sang đánh. Đây chẳng qua là lời đe dọa hão huyền, trong khi trong lòng họ run rẩy về trận Chi-lăng, Bạch-đằng chưa hết.
Hồng-Sơn đại phu thử Tôn Đản:
- Tại sao cháu bảo họ dọa. Biết đâu họ không làm thực?
- Thưa sư bá, vì Tống gờm ta, nên mới lôi kéo Chiêm, Lào làm hai đạo quân đánh phía Nam. Nay hai đạo đó biến thành hai mũi tên chống họ. Họ mong nội bộ Lê, Lý chém giết nhau, rồi đem quân qua. Nay Lê, Lý cùng nắm tay nhau. Họ còn hy vọng gì nữa? Cho nên đại hội Tiêu-sơn không phải để phòng Tống, mà muốn lập kế lâu dài bảo vệ đất nước.
Tự-An nhìn Lâm Huệ-Phương cười:
- Lê phu nhân. Hôm qua luận về đám trẻ này, phu nhân nói: Tướng của Tôn-Đản cực tốt. Sau này sự nghiệp vĩ đại vô cùng, danh lưu thanh sử muôn đời với tộc Việt. Nay cứ nghe lời nghị luận, sự nghiệp sẽ như phu nhân nói.
Ông bảo Tôn Đản:
- Cháu thử phác họa xem, trong buổi đại hội chúng ta bàn gì nào?
Tôn Đản chắp tay hướng Tự-An:
- Đa tạ sư bá khuyến khích. Theo cháu, triều đình cùng các tôn sư bàn ba vấn đề chính. Một là thái độ với triều Tống cùng biên thần. Việc này anh Cả cháu đã ban chỉ dụ cho đại hội lạc hầu Bắc-biên rồi: Cứng với biên thần, mềm với triều đình. Chúng cháu thêm: Nếu cần, tàn sát, vu hãm bọn chủ trương xâm lăng. Kể cả đào mồ cuốc mả, cho người về quê tàn sát anh em họ hàng chúng.
Tư-An vỗ tay:
- Hay thực. Đám trẻ này có đề nghị hợp ý ta. Giỏi! Tiếp đi Đản.
- Hai là phải làm cho mộng Nam-chinh của Lưu hậu với Triệu Nguyên-Nghiễm tan tành, để họ quay mũi dùi lên Bắc, sang Tây đấu với Liêu, Tây-hạ, Thổ-phồn. Trong khi đó ta có thời gian chỉnh đốn kết hợp tộc Việt lại. Sau thời gian đánh nhau với Bắc, Tây dù thắng, dù bại, tinh lực Tống kiệt quệ. Trong khi đó ta giầu, mạnh. Họ gờm ta, mà không dám nhìn xuống Nam nữa. Tự hai vấn đề trên, nảy ra vấn đề thứ ba. Hiện ta định mềm với triều Tống. Thế nhưng tế tác Tống đều biết anh cả cháu có mộng đòi lại đất cũ thời Lĩnh-Nam. Vì vậy họ vẫn để trọng binh, tướng tài ở phương Nam. Muốn cho họ thỏa mãn, cho họ yên tâm, anh cả phải sang sứ Tống kết thân với danh sĩ, võ lâm Tống, tỏ ý hiếu hòa. Vì vậy anh với bọn cháu mới lên đường.
Nghe Tôn Đản nói, mọi người nhìn nhau với con mắt khâm phục. Tự-An vỗ vai nó:
- Chúng ta cùng tới đây để nói cho các cháu biết rõ đại kế giữ nước đã định trong đại hội Tiêu-sơn. Đại kế này không phải mình triều đình, mà toàn thể võ lâm, kẻ sĩ đều phải góp sức. Đại kế kéo dài trong vòng năm mươi năm.
Ông nhìn cử tọa một lượt rồi tiếp:
- Đại kế chia làm năm phần: Phần một về Bắc-cương. Ta phải giữ vững các khê động. Vì Khê-động là bức trường thành ngăn làn sóng Bắc-phương tới. Bất cứ động chủ, trại chủ nào theo Tống, đều phải lôi kéo về. Bằng không lôi kéo được, ta giết chết thực thảm khốc, cho những người khác lấy đó làm gương. Ta nhắc lại, không phải tự nhiên họ theo Tống, mà do biên thần Tống dụ dỗ, đe dọa. Đối với đám này, ta áp dụng như Đản vừa trình bầy. Phần này do vua Bà Bắc-biên chủ động. Phái Tản-viên, Tây-vu hỗ trợ. Phái Đông-a giúp về phương diện tế tác, cùng trừng phạt bọn biên thần Tống.
Tướng mặt Tự-An rất đặc biệt. Khi ông im lặng, hoặc nghiêm nghị, khuôn mặt uy nghi. Ai nhìn cũng phải ớn lạnh. Ngược lại, khi ông vui cười, khuôn mặt thực thiện cảm, ôn nhu. Hôm nay phải trình bầy quốc sách, mặt ông lạnh như tiền, nên trong phòng hội hơn trăm người, mà không một tiếng động.
Ông tiếp:
- Phần thứ nhì làm sao cho nước giầu dân mạnh. Nội dung có ba điều: Mở mang học hành cho trai gái đều đi học. Học cả văn lẫn võ, học luôn binh bị. Khi quốc gia hữu sự, hô một tiếng có hàng triệu người cầm vũ khí. Điều này do Khu-mật viện, binh bộ, lễ bộ, cùng Lạc-long giáo đảm trách. Điều hai, tổ chức y khoa chữa trị cho dân chúng. Điều này do phái Sài-sơn đảm trách. Điều thứ ba khuyến khích nông tang, phá rừng tăng diện tích trồng cấy, giảm thuế cho dân, giảm chi phí xa xỉ. Điều này do tể tướng đảm trách, phái Sài-sơn trợ giúp.
Phần thứ ba, thống nhất tộc Việt lại thành một nước như thời Lĩnh-Nam. Nếu không được, cũng kết hợp thành thế liên minh, trao đổi võ công, canh nông, y học, văn học. Có như vậy ta mới hướng lên Bắc đòi lại đất tổ. Ví dù không đòi được, ta cũng bảo vệ được bờ cõi. Phần này do phái Tiêu-sơn cùng Lạc-long giáo chủ xướng.
Ông nhìn Khai-Quốc vương:
- Phần thứ tư, hoàn toàn ở quốc ngoại. Đối với Tống ta không nói gì tới đòi lại Lưỡng-Quảng. Để họ yên tâm mặt Nam-thùy. Cống lễ thực hậu, lời lẽ nhũn nhặn. Trong khi ta mua chuộc, đe dọa biên thần Tống. Còn các quan tại triều, ta mua chuộc, kết thân. Ai giúp ta, trong bóng tối ta làm cho công việc của họ trôi chảy, vua yêu. Ai chống ta, ta âm thầm làm cho công việc của họ trở ngại, ta phao tin nhảm, đâm bị thóc chọc bị gạo cho vua ngờ, đồng liêu ghét. Nếu cần ta ám sát, tàn hại vợ con, bố mẹ. Như thế khi Lưu hậu, Nguyên-Nghiễm xướng ra việc Nam-chinh, quần thần ngăn cản. Ta gây cho triều Tống chia phe, chia đảng chống báng nhau. Làm sao chia thành phe ngoại thích với phe hoàng tộc. Phe võ quan với phe văn quan. Phe nội thị với phe Nho-sĩ. Phe Lưu hậu với phe Nguyên-Nghiễm. Trong mỗi phe lại chia rẽ vì ganh tỵ. Việc này do Khu-mật viện với phái Đông-a, Mê-linh làm. Ba người chủ xướng là Khai-Quốc vương, Thiệu-Cực và tôi.
Mọi người bật cười rộ lên. Tự-An tiếp:
- Phần thứ năm, ta chọc cho Tống với Liêu, Tây-hạ, Thổ-phồn đánh nhau. Ta cho người xen vào cả hai bên. Người của ta bên Tống gây thù oán với phe Tây-hạ, Thổ-phồn. Người của ta bên các nước kia gây oán với Tống. Khi hai bên đánh nhau, ta cố giữ sao cho không bên nào thắng bên nào. Họ càng đánh nhau lâu càng tốt. Phần này cũng do Khu-mật viện, phái Đông-a cùng Mê-linh chủ động.
Ông đứng dậy nhìn cử tọa một lượt:
- Nếu vì lý do Lưu hậu, Nguyên-Nghiễm nghi ngờ ta không thực tâm thần phục, mà muốn đòi Lưỡng-Quảng, Khai-Quốc vương sẽ không lên ngôi vua Đại-Việt, mà ngồi cầm thực quyền, để ngôi vua cho Khai-Thiên vương. Sau khi thống nhất tộc Việt, Khai-Quốc vương sẽ làm hoàng-đế cả tám nước như vua Trưng.
Trời đã tối, vua Bà mời mọi người nhập tiệc.
Việc chuẩn bị xong. Khai-Quốc vương truyền cho Thân Thiệu-Cực với Lâm Thanh-Trúc cầm quân trấn biên thùy Tống-Việt phía Đông. Còn biên giới phía Tây vẫn do Bắc-biên phụ trách.
Tháng mười một, phái đoàn tới Khâm-châu. Quan Tổng trấn Khâm-châu giữ chức Tuyên-vũ sứ vội sai người phi ngựa về báo cho quan Kinh-lược an-phủ sứ Dư Tĩnh biết. Dư Tĩnh hiện theo Bình-Nam vương vắng mặt, vì vậy Tuyên-vũ sứ phải gửi tấu chương về Biện-kinh rằng Trừ quân Đại-Việt, Thái-tử Lý Long-Bồ tước phong Khai-Quốc vương sang triều cống.
Trong khi chờ chỉ dụ từ Tống triều, phái đoàn Việt sứ tạm ở dinh quan trấn thủ Khâm-châu.
Suốt từ hôm khởi hành từ Thăng-long, ngày nào Thanh-Mai cũng bắt năm ông mãnh luyện võ với nhau. Trong năm thiếu niên, Tự-Mai, Lê Văn có căn bản cực kỳ vững trãi. Còn lại Thiện-Lãm theo học Nùng-Sơn tử. Lê Thuận-Tông theo học Tịnh-Huyền. Hơn năm qua, được minh sư truyền dạy. Nên hai đứa đã có căn bản không tầm thường.
Riêng Tôn Đản. Hôm cùng Lý Long-Bồ, Trần Tự-Mai lọt vào động Xuân-đài, nó tự luyện võ công Cửu-chân. Sau khi ra khỏi, về Thăng-long, nó được sư thái Tịnh-Huyền dẫn giải những chỗ khó khăn, khúc mắc cho nó. Vì vậy võ công của nó tiến rất mau.
Trên Tản-lĩnh, Tự-Mai, Tôn Đản hút nội lực của hai đại cao thủ, nên công lực chúng không thua Thanh-Mai làm bao. Tôn Đản đem những gì Đặng Đại-Khê giảng cho nó, trần thuật với Khai-Quốc vương. Nó chỉ nói qua, vương hiểu liền.
Trong khi luyện võ, Tôn Đản đưa ra ý kiến: Tại sao không thử hợp võ công Sài-sơn, Mê-linh trong đó có Cửu-chân, với Đông-a làm một. Ý kiến được cả bọn đồng ý. Tự-Mai tuy đã lớn, nhưng vì mất mẹ từ lâu, nó bị chị quản chế, cái gì cũng phải hỏi chị. Nó đưa ý kiến:
- Chúng mình phải làm bí mật, đừng cho chị Thanh-Mai biết, e tao bị bà chằng rắc rối.
Thế rồi nó đem bộ Đông-a chưởng pháp ra truyền cho bốn đứa. Lạ thay, bốn đứa luyện rất dễ dàng. Nó giảng:
- Toàn bộ có ba mươi sáu chiêu, đều lấy chữ trong kinh Kim-cương, Lăng-già đặt ra. Bộ chưởng này khởi thủy do tổ sư Trần Tự-Viễn, nhân học Thiền-công của phái Tiêu-sơn, rồi chế thành. Nhưng Thiền-công Tiêu-sơn vốn là thứ nội công nhà Phật, từ bi hỷ xả. Đánh người đấy, mà không nỡ hại người. Cho nên lúc đầu ba mươi sáu chiêu chưởng chỉ hoá giải những gì người đánh ta mà thôi. Tổ Trần Tự-Viễn dạy cho đồng môn phái Tiêu-sơn. Sau thành pho Tiêu-sơn chưởng pháp.
Nói rồi nó biểu diễn một lượt, rồi tiếp:
- Sau khi rời chùa Tiêu-sơn, tổ Trần Tự-Viễn về Thiên-trường, qui dân lập ấp, cưới vợ, thu đệ tử, lập môn phái. Trong khi giao đấu với trộm cướp, tổ nhận thấy Tiêu-sơn chưởng quá sơ lược. Tổ mới sửa đổi, mỗi chiêu biến thành hai. Một chiêu đánh xuôi, một chiêu đánh ngược.
Tôn Đản hỏi:
- Tao không hiểu. Mày biểu diễn thử xem sao.
Tự-Mai gật đầu:
- Như chiêu Lăng-già thính kinh tay phải quay tròn, đẩy thẳng. Tay trái đánh bật từ dưới lên. Hai kình phong xoáy như trôn ốc phát về trước.
Nói đến đâu, nó làm đến đó. Gió lốc cuồn cuộn, trúng vào tảng đá, binh một tiếng. Tảng đá bật tung lên, rồi rơi xuống cách chỗ cũ hai trượng.
Nó tiếp:
- Bây giờ chiêu Lăng-già thính kinh được sửa đổi thành chiêu Đông-phong nộ lãng nghĩa là gió Đông làm sóng nổi giận cuồn cuộn bốc dậy. Tay phải từ trước quay tròn, thu vào người. Tạo thành khoảng lực đạo trống phía trước. Tay trái đánh ụp tự trên xuống. Như vậy có hai lực. Một lực hoá giải, một lực tấn công.
Nói rồi nó đánh thử một chiêu. Lê Văn vung tay đỡ, gật đầu:
- Chiêu này nguy thực, trong công có thủ.
Tự-Mai tiếp:
- Thiền-công Tiêu-sơn chỉ hoá giải. Bây giờ một phần hoá giải, một phần tấn công. Đó là nguyên lý chưởng pháp Đông-a.
Chỉ ba ngày, Tự-Mai dạy bốn đứa đều xử dụng được Đông-a chưởng pháp rất thuần thục. Trong khi đó Tôn Đản, Lê Thuận-Tông dạy Cửu-chân chưởng pháp cho các bạn. Tự-Mai vốn bác học, nó nói:
- Cửu-chân chưởng là pho chưởng tối cổ của Trung-tín hầu Vũ Bảo-Trung sáng chế, với chủ đích khắc chế võ công Trung-nguyên từ chiêu thức đến nội công. Thời gian ngài sáng chế ra, bên Trung-nguyên có các phái Liêu-Đông, Tương-dương, Thái-sơn, Thiên-sơn, Quan-trung, Trường-bạch. Những phái đó nay chỉ còn Liêu-đông, Trường-bạch. Còn các phái kia biến thể thành phái khác.
Tôn Đản rất chú ý đến võ công Trung-nguyên. Nó hỏi:
- Những phái hiện nay, mới thành lập ư?
-- Đúng thế. Phái Thiếu-lâm do tổ sư Bồ-đề Đạt-ma thành lập. Sau biến thể ra phái Nga-mi. Phái Võ-đang hoàn toàn do đạo gia mới thành lập gần đây. Phái Hoa-sơn, Côn-luân, Không-động do các phái võ cổ biến thế ra.
Lê Văn vỗ tay reo:
- Vậy cứ thấy người nào xử dụng võ công Hoa-sơn, Côn-luân, Không-động, Liêu-đông, Trường-bạch. Ta dùng võ công Cửu-chân đục lại chắc thắng.
- Đúng thế. Đối với võ công Thiếu-lâm, Nga-mi, Võ-đang, ta dùng võ công Đông-a. Bởi võ công Tiêu-sơn, Thiếu-lâm cùng nguồn gốc, song võ công Tiêu-sơn sát thủ mạnh hơn. Võ công Đông-a từ Tiêu-sơn mà ra, rồi biến thể thành trái ngược lại. Riêng Võ-đang, hồi Tống sang đánh Đại-Việt, ông nội tôi bắt được cuốn phổ của họ, đem về nghiên cứu thành phá cách.
Nó chỉ Lê Văn:
- Riêng Văn, phải dạy chúng nó thực kỹ học thuyết kinh lạc, để có thể học phương pháp đẩy chất độc trở lại cơ thể địch nhân. Như vậy gặp bọn Trường-bạch, Liêu-đông, Côn-luân, Hồng-thiết... ta mới không sợ.
Lê Văn đem lý thuyết kinh lạc trong y học ra giảng dạy cho các bạn. Chỉ trong ba ngày, chúng thuộc hết. Thế là năm thiếu niên dạy lẫn nhau, đứa nào cũng biết võ công Đông-a, Sài-sơn, Mê-linh (Cửu-chân), Tản-viên. Thế rồi chúng đấu với nhau loạn xà ngầu.
Mấy hôm sau, có sứ từ Biện-kinh ra, truyền dẫn sứ đoàn triều kiến Thiên-Thánh hoàng-đế. Sứ giả là một văn quan giữ chức Đàm-châu tư-mã tên Tào Khánh. Tào Khánh thấy sứ đoàn, chỉ có Khai-Quốc vương, Vương-phi với năm thiếu niên. Y kinh ngạc, nghĩ thầm:
- Mình nghe nói Lý Long-Bồ có tài kinh thiên động địa. Tại sao, đi sứ Thiên-triều lại không mang theo tùy tùng văn võ, mà chỉ có năm thiếu niên chưa ráo máu đầu?
Khi tiếp súc với Khai-Quốc vương, y thấy ở vương tư thái ôn nhu, khoan hoà, mà trong mắt tiết ra tia hàn quang cực mạnh. Y tỏ vẻ kinh sợ:
- À thì ra thế. Vị vương-tử trẻ tuổi này văn võ kiêm toàn, nên mới tự hào, không mang theo tùy tùng.
Quan tổng trấn Khâm-châu cử một đội kị mã trăm người theo hộ tống sứ đoàn. Khác với lần trước, sứ đoàn vượt Hành-sơn, lên hồ Động-đình, qua Trường-giang sang Kinh-châu, tới Biện-kinh. Lần này sứ đoàn đi đường Khâm-châu, men theo bờ biển đến cửa Hổ-môn lên Khúc-giang, rồi tới Thường-sơn, sau đó vào Trường-sa, hồ Động-đình, đi Biện-kinh.
Tuổi trẻ hiếu động, vừa thấy đội kỵ mã, Tôn Đản hỏi viên đội trưởng:
- Này thầy đội! Thầy cho biết cao danh quý tính đi. Để tôi giới thiệu bọn tôi trước.
Nó giới thiệu từ Khai-Quốc vương trở xuống. Tôn-Đản mới học tiếng Hoa. Tuy nhiên nó nói rất sõi. Viên đội trưởng nghe nó xưng hô với Khai-Quốc vương, Vương-phi bằng anh, chị. Y cho rằng vương với chúng là em họ hàng gì. Nhân đi sứ Bắc, Vương dẫn theo cho chúng kinh lịch cuộc đời. Y trả lời:
- Thưa công tử, tiểu nhân tên Ôn Vi, năm nay ba mươi tuổi.
Ra khỏi thành Khâm-châu, năm đứa cho ngựa xen lẫn vào đám kị binh trò truyện hết người này đến người kia. Đám kị binh này lấy từ đạo kị binh Đàm-châu.
Hà Thiện-Lãm hỏi Tự-Mai:
- Này anh sáu. Đàm-châu ở đâu vậy?
Lần đầu tiên Tự-Mai nghe đến tên này. Nó quay sang hỏi quan tiếp dẫn sứ:
- Tào đại nhân! Bọn anh em tại hạ kiến văn hủ lậu, không biết Đàm-châu ở đâu. Mong đại nhân chỉ dạy cho.
- Công tử hỏi thực phải. Đàm-châu thời Hán gọi là Trường-sa.
Cả năm đứa trẻ cùng bật reo lên:
- Vậy chúng tôi biết rồi.
Tự-Mai giảng cho Thiện-Lãm:
- Trường-sa nguyên thuộc lãnh địa Âu-lạc. Khi Đồ Thư mang năm mươi vạn quân sang đánh Âu-lạc, chiếm phía Bắc lập ra ba quận Nam-hải, Quế-lâm, Tượng-quận. Trường-sa thuộc Quế-lâm. Thời Tây-Hán, Triệu Đà làm vua Nam-Việt thường mang quân đánh Trường-sa, Nam-quận. Đến thời Lĩnh-Nam, các bà Trưng Nhị, Lê Chân, Hồ Đề, Trần Năng tái chiếm, đặt trực thuộc Quế-lâm như cũ.
Trong khi nói, Tự-Mai nhận thấy viên đội trưởng họ Ôn lắng tai nghe ngóng. Thỉnh thoảng y cau mặt lại, tỏ ý bất bình. Nó cười thầm:
- Tên họ Ôn này chắc chắn không phải đội trưởng. Coi thân thủ, y phải thuộc hàng võ lâm cao thủ, ít ra bản lĩnh không thua gì bọn trưởng lão Hồng-thiết giáo. Cổ y hơi rút xuống, bàn tay đỏ hỏn. Nhất định y đã luyện Chu-sa độc chưởng. Vậy có thể y giữ chức vụ cao hơn. Y tuân lệnh thượng cấp giả làm đội trưởng hầu mưu đồ gì đây? Ta phải dò cho ra mới được.
Lê Văn hỏi:
- Em nghe nói, thời vua Trưng có nhiều trận đánh nhau với Hán. Trận Trường-sa ác liệt nhất, đến nỗi vua Quang-Vũ phải tới Kinh-châu điều động. Truyện đó ra sao?
Tự-Mai gật đầu:
- Đúng thế. Bấy giờ Lĩnh-Nam mới phục hồi. Vua Quang-Vũ sai năm đạo quân sang đánh. Các đạo khác đều giao tranh ở lãnh thổ Hán, Chiêm, Lào. Duy trận hồ Động-đình giao tranh trên đất Lĩnh-Nam. Vua Trưng ban chỉ dụ cho công chúa Phật-Nguyệt, bằng mọi giá phải thắng địch. Quân Lĩnh-Nam có bẩy vạn người. Quân Hán hai mươi lăm vạn. Trận đánh khủng khiếp liên tiếp hai tháng. Cuối cùng Mã Viện, Lưu Long bại. Ta bắt sống năm vạn tù binh, giết mười vạn.
Tôn Đản thích quá, nó hỏi:
- Anh nghe trận này mình mất ba đại tướng quân, thế những vị nào tử trận?
- Ba vị tên Quách Lãng, Đinh Bạch-Nương, Đinh Tĩnh-Nương. Cả ba đều theo học với Đinh Đại. Khi nào tới Trường-sa, chúng ta sẽ viếng thăm nhiều di tích nước Văn-lang như núi Tam-sơn, nơi phát tích hai vị quốc mẫu. Cánh đồng Tương, nơi hẹn hò mỗi năm Lạc Long-Quân với Âu-Cơ tái hội. Ghềnh Tương-giang có mộ liệt nữ Lĩnh-Nam Trần Thiếu-Lan.
Trong khi nói truyện, Tự-Mai khám phá ra trong đám kị binh có mười cao thủ võ lâm, đều thuộc bang Nhật-Hồ Trung-quốc. Còn lại chín mươi người đích thực kị binh. Riêng Ôn Vi biết tiếng Việt.
Tự-Mai nghĩ thầm:
- Hồng-thiết giáo Đại-Việt có Tả, Hữu-sứ hộ giáo, ngũ vị Sứ-giả, cùng mười Trưởng-lão. Song không ai biết Tả, Hữu hộ pháp cùng ngũ Sứ tên tuổi, mặt mũi ra sao. Chắc bang Nhật-hồ Trung-quốc, có Tả, Hữu hộ pháp, ngũ vị Sứ giả cùng mười Trưởng-lão. Lưu thái-hậu hiện bị bang Nhật-hồ khống chế. Có lẽ vì vậy chúng gửi cả mười Trưởng-lão theo sứ đoàn với nhiệm vụ gì đây? Không lẽ chúng dám tấn công sứ đoàn?
Nó chợt nhớ hôm rời Thăng-long, Khai-Quốc vương nhận được tin: Lưu hậu bị bang Nhật-hồ khống chế. Vì vậy mụ thu nhận mười trưởng lão của bang này làm thị vệ canh phòng cung Thái-hậu. Nó tự hỏi:
- Lưu hậu sai mười Trưởng lão bang Nhật-hồ giả làm vệ sĩ, ra cái bộ Trung-quốc lắm nhân tài, hay để ám hại anh cả chăng? Ta phải theo dõi cẩn thận mới được.
Lê Văn cũng đã nhận ra mười cao thủ bang Nhật-hồ, nó dùng Lăng-không truyền ngữ nói với Tự-Mai:
- Này anh Sáu. Mười tên này đều hoá trang, che dấu bộ mặt thực, không chừng chúng là người quen mặt cũng nên. Mình có nên lột mặt nạ chúng không?
- Đừng, để hỏi chị Thanh-Mai đã.
Buổi trưa, Ôn Vi quay ngựa trở lại, nói với Tào Khánh:
- Trình Tư-mã, phía trước kia là Lục-phương-sơn. Qua núi này, đi vào địa phận Ngọc-lâm, sau đó vào Quảng-Đông Nam lộ. Xin Tư-mã cho biết mình nghỉ ở trạm Lục-phương-sơn hay Ngọc-lâm.
Tào Khánh suy nghĩ một lát rồi đáp:
- Chúng ta tới Ngọc-lâm sẽ nghỉ đêm.
- Như vậy xin đại nhân cho ruổi ngựa, mới có thể tới Ngọc-lâm buổi chiều. Bằng không e chúng ta phải đi dưới trăng.
Tào Khánh nói với Khai-Quốc vương:
- Xin vương gia định liệu cho.
Khai-Quốc vương vui vẻ:
- Chúng tôi đều thuộc con nhà võ, việc phi ngựa không có gì khó khăn cả.
Thình lình Tự-Mai uốn cong người, rồi vọt mình lên cao. Nó đã đáp xuống lưng ngựa Thanh-Mai. Từ Tào Khánh cho tới đám kị mã đều biết Tự-Mai là em Khai-Quốc vương phi, nên khi thấy nó đùa với chị như vậy. Họ không ngạc nhiên.
Nhưng Khai-Quốc vương với Thanh-Mai biết có biến cố gì. Vì từ trước đến giờ, mỗi khi Tự-Mai muốn nói riêng với chị, nó đều làm như vậy.
Thanh-Mai vờ mắng em:
- Thằng hư qúa! Già rồi còn như con nít.
Tự-Mai quàng hai tay ôm cổ chị, miệng ghé sát tai, nó kể những gì thấy ở Ôn Vi với bọn mười kị mã, mà nó nghi là Trưởng lão bang Nhật-hồ.
Từ trước đến giờ, Thanh-Mai thường tinh tế hơn em. Đâu ngờ lần này, nàng vô tâm đến độ không nhận ra những điều đó. Đây là lẽ thông thường. Vì nàng mới làm cô dâu, đang ngụp lặn trong tình yêu, thành ra thiếu quan tâm.
Nghe em thuật, Thanh-Mai kinh hoảng, nàng vờ thò tay ra sau túm áo Tự-Mai liệng nó lên không, miệng mắng:
- Cút mau!
Tự-Mai lộn một vòng, rồi đáp xuống lưng ngựa mình. Thanh-Mai dùng Lăng-không truyền ngữ nói vào tai chồng những gì Tự-Mai kể. Khai-Quốc vương dùng Lăng-không truyền ngữ nói với Vương-phi:
- Em đừng sợ! Hiện ta đang bị trăm kị mã đi theo, giống ở tù. Chỉ mong bọn chúng trở tay hãm hại. Chúng ta có thể thoát khỏi vòng kiềm chế, thong dong đi Khúc-giang, rồi lên Biện-kinh.
- Phía trước kia, có đôi chim ưng đang bay lượn. Dường như Bảo-Hoà với anh Thông-Mai ở đó thì phải?
- Anh Thông-Mai với Bảo-Hoà luôn ở cạnh chúng ta. Bất cứ bọn ngoại nhân nào đụng chạm đến chúng ta, họ đã tính trước rồi.
- Em đã dặn năm ông mãnh: Tuyệt đối không được dụng võ trong bất cứ trường hợp nào.
Đến đó, có hai kị mã từ phía trước phi ngựa ngược chiều với sứ đoàn. Lạ một điều hai người không ngồi, mà chống hai tay lên lưng ngựa, chân chổng lên trời.
Mọi người đều kinh ngạc. Riêng Lê Văn, nó xuất thân phái Sài-sơn, hậu duệ của Phù-Đổng thiên vương, thuật kị mã xuất qủy nhập thần, nên nó coi thường.
Khi hai ngựa cách đội kị binh hơn trăm trượng. Hai người co tay lại, rồi duỗi ra, thân vọt lên cao. Ở trên cao, họ lộn một vòng, mông đã ngồi ngay ngắn trên mình ngựa.
Hai người thấy quan binh, mà vẫn ngang tàng, không chịu tránh. Viên kị binh đi đầu vẫy tay ra hiệu cho họ tránh sang một bên. Hai kị mã không coi kị binh vào đâu, đâm bổ tới.
Khi hai ngựa sắp tới trước đoàn kị binh, họ gò cương ngựa thực gấp. Hai con ngựa dựng vó trước dậy, hí inh ỏi. Viên kị binh đi đầu mắng:
- Hai người có mù không? Tại sao thấy quan binh không chịu tránh?
Hai kị mã vung roi ngựa lên. Roi ngựa cuốn lấy hai kị binh. Hai kị mã giật mạnh roi một cái. Hai viên kị binh bay bổng lên cao, rồi rơi xuống lưng ngựa, ngay phía trước hai kị mã. Hai kị mã quay ngựa, phi trở về đường cũ.
Hai kị binh khác vọt khỏi mình ngựa, ở trên cao chúng phóng xuống hai chưởng. Trong chưởng phong co mùi hôi tanh khủng khiếp. Thanh-Mai nhận ra đó là hai Trưởng-lão bang Nhật-hồ. Chúng phát Chu-sa ngũ độc chưởng. Hai kị-mã vung tay đẩy ngược chưởng lên đỡ. Binh, binh. Hai kị binh bay bổng lên cao, rơi xuống đất, miệng ri rỉ ứa máu ra.
Tự-Mai nói với chị:
- Hai kị binh này thuộc mười trưởng lão bang Nhật-Hồ Trung-Quốc có khác. Võ công chúng không thua mười Trưởng-lão Lạc-long giáo Đại-Việt làm bao. Thế mà bị trúng hai chưởng của kị-mã, đã lạc bại quá dễ dàng. Em thấy dường như chúng giả đấu võ với nhau vậy.
Thanh-Mai gật đầu:
- Hai kị mã gốc tích ra sao, mà bản lĩnh cao thâm đến chỗ khó lường. Có lẽ võ công chúng hơn các trưởng lão Lạc-long giáo, chỉ thua Đại-Việt ngũ long một chút mà thôi.
Ôn Vi hỏi hai kị binh bị lạc bại:
- Lão thất, lão bát. Sao vậy?
Hai kị binh đã ngồi dậy, leo lên mình ngựa, trả lời:
- Không sao cả. Đệ chưa vận đủ mười thành công lực.
Lão thất, lão bát, phát chưởng tấn công hai kị mã.
Hai kị mã vọt ngựa tới, tay vung lên, chụp lão thất, bát, rồi phi ngựa chạy như bay.
Khai-Quốc vương dùng Lăng-không truyền ngữ nói với Vương phi và năm sư đệ:
- Phải cẩn thận. Trong đoàn hộ tống có sự hiện diện đủ mười trưởng lão bang Nhật-hồ Trung-quốc. Vừa rồi chúng giả vờ thua hai kị mã, để rồi bị bắt. Có thể hai kị mã cũng là người của Lưu hậu, chúng diễn trò với mưu định gì chưa rõ. Cũng có thể mười Trưởng-lão vờ thua để qua mắt Tào-Khánh với Lưu hậu.
Diễn biến xẩy ra đột ngột. Ôn Vi la lớn lên:
- Mau duổi theo.
Đoàn kị binh phi ngựa như gió, đuổi theo hai kị mã. Tào Khánh nói với Khai-Quốc vương:
- Tên đội-trưởng này bậy qúa. Chúng lo cứu đồng bọn, bỏ ta ở đây. Thôi ta mau tới núi Lục-phương-sơn chờ chúng.
Núi Lục-phương sơn tuy trông thấy, nhưng cũng phải gần một giờ sức ngựa mới tới nơi. Tào Khánh gò ngựa lại. Y chỉ vào thung lũng có thác chảy trắng xoá đổ vào cái hồ nước trong veo.
- Cảnh trí mùa thu đẹp thế này, mà chúng ta phải lao tâm khổ tứ trong vòng danh lợi, không có thời giờ thưởng lãm.
Khai-Quốc vương nhận thấy lời Tào Khánh đượm vẻ bi quan. Vương nghĩ thầm:
- Tên này được cử đi tháp tùng sứ thần, mà còn thốt ra lời chán nản, ắt y có tâm sự gì đây?
Vương hỏi:
- Tào đại nhân sao lại cảm thán như vậy?
Tào Khánh thở dài:
- Tiểu nhân là văn quan, mà phải lĩnh chức võ, thành ra các tướng sĩ bất phục. Mấy hôm nay tiểu nhân nhận được tấu chương từ Quảng-Tây lộ gửi về triều rằng quan của Khê-động Việt tràn sang chiếm lại những khê động theo Tống. Tiểu nhân vội cho phi ngựa về triều khẩn báo, thế mà nay đã hơn tháng, không nhận được chỉ dụ gì.
Khai-Quốc vương nói lảng:
- Những khê động đó vốn thuộc Đại-Việt. Nay họ trở về với Đại-Việt đâu có gì lạ.
- Thưa vương gia, sự việc đâu có giản dị như vương gia nghĩ. Trong triều các quan thường bất đồng ý kiến nhau về Nam-biên. Cho nên tấu chương gửi về, có khi hàng năm không có chỉ dụ. Vì vậy quan binh Nam-thùy chỉ biết ngồi chờ. Ngồi chờ cũng chẳng sao, nhưng quân Khê-động Nam-thùy vẫn cứ tiến, thế mới khổ.
Mặc cho Tào tâm sự với chồng. Thanh-Mai chỉ lên vách núi nói với Tự-Mai:
- Em nhìn xem, vách núi sừng sững thế kia, mà phía trên, hoa nở đẹp biết bao. Giá mình lên đó ngồi ngắm hoa mới thực tuyệt.
Tự-Mai nháy Lê Văn:
- Ê! Chú mày! Chúng ta lên chỏm núi chơi đi.
Lê Văn hỏi các bạn:
- Ai có gan leo lên đỉnh núi chơi không?
- Lên thì lên chứ sợ gì.
Tào Khánh ngăn cản:
- Vách núi dựng đứng như bức tường, sao leo lên được. Các vị công tử không nên đùa, nguy hiểm lắm.
Lê Văn là đứa tinh nghịch bậc nhất. Nó tung mình xuống ngựa, bám vách núi leo lên. Tiếp theo Tự-Mai, Tôn Đản. Thoáng một cái, năm đứa đã lên tới chóp núi. Lê-Văn nói vọng xuống:
- Chị Mai! Trên này có chỗ bằng phẳng, hoa nở đẹp lắm. Chị lên đây chơi với em đi.
Tuy đã là vương phi, cao quý tuyệt đỉnh, nhưng dù sao Thanh-Mai cũng xuất thân con nhà võ. Chân tay ngứa ngáy chịu không được. Nàng hỏi Khai-Quốc vương:
- Mình lên đó chơi đi.
Khai-Quốc vương gật đầu. Cả hai vọt người khỏi mình ngựa, rồi leo lên. Qua vách núi thẳng đứng, quả như lời Lê Văn nói, đỉnh núi là một khu bằng phẳng, cỏ úa, lá vàng một mầu thực đẹp. Trên thảm cỏ, có rất nhiều hoa lạ, mầu sắc sặc sỡ.
Khai-Quốc vương cúi xuống hái mấy bông hoa, cài lên tóc Vương-phi. Hoa mầu tím, mầu trắng, mầu vàng ánh vào đôi má trắng hồng của Thanh-Mai. Nàng đẹp hơn bao giờ cả.
Không thấy năm cậu em, Vương dìu Vương-phi dạo trên thảm cỏ vàng óng ánh đầy hoa đủ mầu.
Bên kia khu đất bằng thuộc sườn núi thoai thoải, đổ xuống thung lũng. Thung lũng có con suối chảy ngoằn ngèo như con rắn. Rừng núi toàn một mầu hồng-sẫm, vàng úa. Bất giác vương ôm sát vợ vào người.
Tuy làm chồng Thanh-Mai mấy tháng qua, thế mà Vương vẫn cảm thấy say say trước sắc đẹp Vựơng-phi trên thảm cỏ úa đầy hoa. Không cầm lòng được, Vương ôm lấy Thanh-Mai, bế bổng nàng lên, đặt một cái hôn vào lên môi nàng, rồi để nàng trên phiến đá. Dưới ánh nắng nhạt mầu mùa thu, ống quần lụa đen chiếu óng ánh. Vương ngồi dưới đất, hai tay cởi dầy cho Thanh-Mai. Thanh-Mai hiểu tính chồng hơn ai hết: Anh hùng, hào sảng, đa tình. Nàng im lặng thưởng thức cái ôn nhu lãng mạn của đấng tài hoa. Vương nhè nhẹ bóp chân cho nàng.
Vương cười:
- Thanh-Mai nhớ hai cặp tình nhân Trần Tự-Sơn, Hoàng Thiều-Hoa và Đô Dương, Nguyễn Giao-Chi không?
Thanh-Mai vốt tóc chồng:
- Nhớ chứ. Cả hai nam tử Đại-Việt đó đều đa tình, đa tài. Còn hai kiều nữ, đều ôn nhu, thuần hậu.
- Đành rằng thế. Có điều Trần, Đô có hai cái nhìn khác nhau về tình yêu. Em hiểu cái khác nhau đó không?
- Trần cho rằng khi nợ nước xong, cùng người yêu ngao du sơn thủy. Còn Đô thì ngược lại. Đô cho rằng khi yêu nhau, yêu bất cứ lúc nào, bất cứ tại đâu. Trước khi xung trận, trong vòng lửa dậy, sau trận chiến đều yêu nhau được cả.
- Đúng vậy. Anh em mình cũng giống Đô. Trên đường lo quốc sự. Ta vẫn yêu nhau được như thường.
Thình lình Vương cầm bàn chân nàng đưa vào miệng cắn một cái nhẹ nhẹ. Thanh-Mai nhắm mắt tận hưởng hương vị tình yêu. Nàng biết trong bốn anh em Vương. Chỉ Vương hiểu, thưởng thức được cái nồng thắm của ái tình.
Thanh-Mai không thấy mấy ông mãnh đâu, nàng lên tiếng:
- Năm thằng giặc đâu rồi?
Không có tiếng trả lời. Nàng đưa mắt nhìn chồng như hỏi ý kiến.
Vương cười:
- Kệ chúng! Với trí thông minh, với võ công của năm đứa, anh e trên thế gian này không ai làm hại được chúng đâu.
Thấy cặp chim ưng lượn trên đầu, vương huýt sáo gọi chúng xuống, gỡ thư dưới chân chúng ra đọc.
Thanh-Mai hỏi:
- Có tin tức gì không?
- Có, của Mỹ-Linh. Hai vị bang trưởng Đông-hải, Đường-lang cùng Thiếu-Mai, Mỹ-Linh đã thành công trong vụ thuyết Triệu Thành cướp ngôi vua Tống.
Thình lình có hai người từ dưới núi leo lên. Thấp thoáng một cái, chúng đứng trước mặt vương cười ngạo nghễ, thái độ tỏ ra bất hảo. Chúng chính là hai kị mã bắt sống hai kị binh.
Vương đưa mắt cho Thanh-Mai, ngụ ý im lặng. Hai kị mã tiến tới trước vương, chắp tay hành lễ:
- Anh em chúng tôi, Trường-giang song hùng, xin tham kiến Khai-Quốc vương và Vương-phi. Anh em tại hạ ở xa, nghe tiếng Vương-gia anh hùng cõi Nam. Hôm nay mới được tham kiến. Giang hồ còn nói, Vương-gia nhất định không tuyển cung nga, mỹ nữ, đợi khi nào tìm được đệ nhất giai nhân mới thu nạp. Dường như hôm rồi có tin vương gia tuyển Vương-phi. Vương-phi không những xinh đẹp, mà còn là một võ lâm cao thủ.
Thanh-Mai đáp lễ, nàng mỉm cười:
- Thì ra hai vị Phương Hổ và Phương Báo đấy. Thế mà võ lâm đồn đại rằng hai vị qua đời rồi. Gia nghiêm thường nhắc đến hai vị luôn.
Nàng quay lại nói với chồng:
- Anh à! Để em giới thiệu hai vị Trường-giang sung hùng với anh. Hai vị nguyên là anh em song sinh. Khởi thủy theo học với vị chưởng môn phái Côn-lôn. Đến năm hai mươi tuổi, nhân phái Côn-lôn cùng bang Nhật-hồ khai chiến. Hai vị đây giúp kẻ thù giết sư phụ, vì vậy được bang chủ Đỗ Ngạn-Tiêu thu làm đệ tử. Dưới hai vị còn năm người nữa, kết thành bang Trường-giang.
Khai-Quốc vương đã nghe nói về Trường-giang song hùng. Vương thản nhiên như không coi chúng vào đâu:
- Phải chăng hai vị đây là sư huynh của Đỗ Lệ-Thanh?
Đỗ Ngạn-Tiêu có mười đệ tử. Con rể tên Hồ Dương-Bá đứng hàng thứ chín. Con gái tên Đỗ Lệ-Thanh đứng hàng thứ mười. Đặng Đại-Bằng đứng hàng thứ nhất. Còn Phương Hổ, Phương Báo đứng hàng thứ thứ ba, thứ tư. Hồi Tống Thái-Tông bao vây, tiêu diệt bang Nhật-Hồ. Các đệ tử đều sa lưới hết. Duy Đại-Bằng được sư phụ sai đi có việc ở xa, nên thoát nạn. Sau y tụ tập bang chúng tái lập bang Nhật-hồ. Hồ Dương-Bá, Đỗ Lệ-Thanh bị bắt, tình nguyện sang Đại-Việt làm gian tế, xin triều Tống ân xá cho bố mẹ, anh em. Trong trận này, anh em họ Phương tử chiến, rồi mất tích. Vì vậy giang hồ đồn rằng chúng qua đời.
Phương Báo hỏi Thanh-Mai:
- Không biết lệnh tôn của vương phi cao danh quý tính là gì?
Thanh-Mai không trả lời vào câu hỏi:
- Hai vị đã gặp gia nghiêm trên núi Không-động rồi mà.
Thanh-Mai nghe phụ thân kể rằng, cách đây hơn mười lăm năm...
Nhân sang Trung-nguyên du hành, đại hiệp Trần Tự-An ghé thăm Ngu Sơn đại hiệp, chưởng môn phái Không-động. Giữa lúc đó xẩy ra việc Phương Hổ, Phương Báo đến ăn cắp vũ kinh của phái này. Hai anh em họ Phương đã cướp được bộ quyền phổ, đánh ngã ba trong Không-động ngũ kiệt. Chúng định bao vây giết chết Ngu Sơn, thì Trần Tự-An can thiệp. Ông đánh bại Phương Hổ, đoạt lại quyền phổ cho Ngu Sơn.
Tuy vậy, việc chúng đánh bại Không-động tam kiệt đồn ra giang hồ. Ai nghe đến tên chúng, cũng kinh tâm động phách. Chúng lập ra một bang, làm ăn trên sông Trường-giang từ Thục đến bờ biển, dài hàng nghìn dặm, thế lực rất lớn. Bất cứ hai phe chính tà, nghe đến tên chúng đều phải lui bước. Họ đặt cho chúng danh hiệu Trường-giang thất quỷ.
Nghe truyện cũ, Phương-Hổ tím mặt lại. Y nghiến răng kèn kẹt:
- Thì ra con gái tên Trần Tự-An đấy! Bấy lâu nay, chúng ta định sang Giao-chỉ tiêu diệt phái Đông-a, giết cho đến con gà, con chó cũng không tha. Hà... hà... thực thiên đường có nẻo mi không tới. Địa ngục không đường dẫn xác vào. Đáng lẽ hôm nay lão gia giết mi trước, nhưng mi xinh đẹp thế này, lão gia bắt mi về làm cây thuốc trước đã, rồi sẽ tính tội phái Đông-a sau.
Nghe Phương Hổ buông lời vô lễ. Thanh-Mai vọt người dậy, phóng vào người y chiêu Đông-hải lưu phong. Phương-Hổ thấy chưởng phong quái ác, y lùi một bước, rồi phản công. Bình một tiếng. Phương Hổ bật lui về sau. Y cảm thấy chưởng lực của đối thủ hung ác lạ thường, cánh tay y đau nhức không chịu được. Bất giác y lùi lại một bước. Trong khi đó Thanh-Mai cảm thấy gần như toàn thân tê liệt, khí huyết đảo lộn, tai nàng phát ra những tiếng vo vo không ngừng.
Thanh-Mai nghĩ thầm:
- Hai đại ma đầu này trước đây đấu ngang tay với phụ thân mình, hèn chi công lực y mạnh đến dường này. Nguyên bản lĩnh y đã không thua phụ thân làm bao. Thêm vào đó, bấy lâu nay y cố công luyện võ để trả thù. Có lẽ võ công y cao ngang với Đại-Việt ngũ long.
Nàng cười nhạt:
- Đa tạ tiền bối nhẹ tay.
Nghe Thanh-Mai nói, Khai-Quốc vương nghĩ thầm:
- Hồi ở Đại-Việt, mình nghe nói Phương Hổ, Phương Báo là anh em song sinh, xuất thân ở bang Nhật-Hồ, võ công chúng cao thâm không biết đâu mà kể. Chúng hành sự xuất nhập thất thường. Bàn tay chúng giết người không gớm tay. Không biết chúng lên đây với mục đích gì?
Sau khi lĩnh một chưởng của Thanh-Mai, hai gã họ Phương tỏ ra khách khí hơn. Phương Hổ chắp tay lễ phép:
Anh em tại hạ bạo gan mời Vương-gia cùng Vương-phi tới Khúc-giang, để cùng tìm kho tàng Tần-Hán. Sau khi thấy kho tàng, anh em tại hạ xin hộ tống Vương-gia cùng Vương-phi tới Biện-kinh.