9/11/12

Anh hùng Bắc Cương (H36)

Tích trù Động-đình uy trấn Hán, Danh lưu thanh sử lực phù Trưng.
(Câu đối ở đền thờ Phật Nguyệt)
Nghĩa là:
Một trận Động-đình uy rung Hán, Tên còn thanh sử sức phù Trưng.

Mỹ-Linh hỏi Thiệu-Thái:
- Anh có nhìn ra võ công của lão Tôn không?
- Thức nhảy trên nóc điện xuống thuộc chiêu Kình ngư thăng thiên của phái Cửu-chân. Cái vung tay cho rượu bắn lên của Hồng-thiết giáo. Cái vẫy tay cho chung bay trở về cũng của Hồng-thiết giáo. Không biết lão có liên quan gì với bang Nhật-hồ Trung-quốc không?
- Em nghĩ rằng không! Với kiến thức cùng võ công hai lão, e phải làm tới Tả, Hữu hộ pháp. Mà trong các cao thủ bang Nhật-hồ, thì Tả, Hữu sứ, cùng ngũ sứ đều hiện diện cả rồi. Chỉ có mười trưởng lão ẩn làm thị vệ trong cung cho Lưu hậu sai phái. Hôm trước chúng có mặt trong đoàn đi đón chú hai, rồi giả vờ cho bọn Trường-giang thất quỷ bắt đi. Nếu trong đám đó có hai lão này, chú thím hai đã nhận ra.
- Vừa rồi lão Tôn ra tay, lão tung phấn lẫn trong chưởng. Dường như nó tên là Di-hồn. Ai hít phải, mấy khắc sau sẽ ngủ mê man trong vòng hai giờ. Lát nữa đây, mọi người bị nạn cậu hai có cho mình phản ứng không?
- Anh báo cho chú biết đi.
Thiệu-Thái vội đứng lên, lại bên Khai-Quốc vương làm như rót rượu hầu cậu. Chàng nhanh tay bỏ vào chung vương với Nguyên-Nghiễm, mỗi chung một viên thuốc. Chàng dùng Lăng-không truyền ngữ nói với vương:
- Chúng ta đều luyện thần công liên quan đến Vô-ngã tướng. Nên trong món gà hấp muối ngũ vị hương có pha chất độc nhẹ mà không việc gì. Lão họ Tôn phóng ra một ít phấn, tên Di-hồn làm cho buồn ngủ. Không chừng người pha thuốc trong thịt gà thuộc đồng bọn với hai lão cũng nên. Độc dược sắp phát tác. Cậu với Bình-Nam vương uống thuốc giải ngay mới kịp.
Khai-Quốc vương thấy chân tay vô lực, đang lo sợ, thì Thiệu-Thái tới bên rót rượu mời, rồi bỏ thuốc giải vào chung cùng dặn dò. Vương kinh ngạc, vội bảo cháu:
- Nếu thấy người của Bình-Nam vương trúng độc, các cháu cùng mợ hai cũng phải giả như thế, xem hai lão là ai? Muốn gì? Kẻ nào chủ trương đầu độc?
Vương vừa dứt lời, đám văn quan choáng váng, lắc đầu:
- Rượu mạnh quá.
Nói rồi buông chung, bỏ đũa. Có người đánh rơi chung xuống đất vỡ loảng xoảng, vội buông lời cáo lỗi.
Quách Quỳ tuy nhỏ tuổi, nhưng kinh lịch nhiều, y cảm thấy chân tay cử động khó khăn, vội vận công thử, thấy không còn lực. Y nới với Phạm Trọng-Yêm:
- Sư bá, cháu trúng độc như hôm trước ở trên Tuyệt-phong lĩnh. Chân tay vô lực.
Phạm Trọng-Yêm cũng nhận thấy thế, y đưa mắt nhìn Đông-Sơn lão nhân, lão dùng Lăng-không truyền ngữ nói:
- Chúng ta đều bị trúng độc. Đừng tỏ ra khiếp nhược. Vờ như không.
Khai-Quốc vương dùng Lăng-không truyền ngữ nói với Bình-Nam vương:
- Đại ca! Thứ thuốc Nhuyễn-cân này đại ca đã bị bang Nhật-hồ tung ra, hại đại-ca trên núi Tuyệt-phong. Nó không có gì đáng sợ. Nhưng lão họ Tôn vờ hắt chung rượu, nhân đó tung một ít phấn Di-hồn. Phấn Di-Hồn với thuốc Nhuyễn-cân sẽ làm người ta ngủ đi đến hai giờ. Đệ bỏ vào chung rượu đại ca một viên thuốc giải. Đại ca uống đi. Sau khi uống vờ như bị ngộ độc, gục đầu xuống bàn ngủ, để thấy những sự thực về đám tùy tòng của mình.
Bình-Nam vương đang kinh hoàng vì thấy chân tay vô lực, rồi thấy mắt dí lại buồn ngủ, cái nguy đến nơi, chưa biết giải quyết sao thì nghe Khai-Quốc vương nói. Vương mừng quá bưng chung rượu uống. Rượu vào, quả nhiên người tỉnh táo như thường. Vương vờ gục đầu xuống như người ngủ say.
Dư Tĩnh cũng nhận biết ra mối nguy hiểm. Y hiện lĩnh chức Kinh-lược an phủ sứ Quảng-Đông Nam-lộ, thường gọi tắt là Quảng-Đông. Bữa tiệc cho Tuyên-vũ sứ Khúc-giang đãi, nhưng y là quan trên đầu lĩnh biên thần, chịu trách nhiệm hoàn toàn về an ninh. Thế mà Bình-Nam vương cùng sứ đoàn Đại-Việt bị ám toán ngay trước mặt y, nhẹ thì mất đầu, nặng thì đến phải toàn gia tru lục.
Y thu tàn lực hô lớn:
- Quân bay đâu. Mau vào bảo vệ chủ tướng.
Một đội vệ sĩ gươm đao sáng choang tiến vào. Dư Tĩnh ra lệnh cho đầu lĩnh vệ sĩ:
- Các người chia nhau canh gác bên ngoài, xung quanh điện. Trong này để một đội. Bất cứ kẻ nào có hành vi kỳ lạ, lập tức băm vằm ra thành chả cho ta.
Tất cả mọi người đều cảm thấy chân tay vô lực. Khi Dư Tĩnh gọi vệ sĩ, mới an tâm.
Khai-Quốc vương, Thanh-Mai, Thiệu-Thái, Mỹ-Linh cũng vờ gục đầu xuống bàn.
Chỉ lát sau, mọi người đều thiu thiu ngủ hết.
Lão họ Tôn cười ha hả, bước tới trước mặt Dư Tĩnh. Lão móc trong bọc ra cái hộp, một tay mở mở nắp ra, một tay lão nắm lấy vai Dư-Tĩnh như người trên vỗ về kẻ dưới:
- Dư kinh lược sứ. Lão phu xin mời kinh lược sứ coi dùm xem viên ngọc này có đẹp không?
Dư Tĩnh thấy một luồng hơi nóng từ tay lão tràm vào người, khiến chân tay y hết bải hoải. Y biết lão dùng thần công giải độc cho mình. Y nhìn trong hộp, không có ngọc ngà gì cả, mà chỉ có một tượng bằng ngọc xanh biếc. Thấy tượng, y biết đó là thứ tín bài cực mật của Lưu hậu. Y là cháu bà, được bà thu dụng vào phe cánh, nên y thấy nhiều lần. Khi người cầm nó, coi như thay mặt bà xử lý mọi việc. Mặt y tái nhợt, tỏ ra cung kính:
- Ngọc quý thực, trên đời vãn bối chưa từng thấy qua.
Y nói đến đây tất cả mọi người đều ngủ gục xuống bàn. Dư Tĩnh vội quỳ gối hướng về Bắc lậy:
- Kinh lược an vũ sứ Quảng-Tây Nam-lộ thần Dư Tĩnh kính cẩn tiếp chỉ của thái hậu.
Lão họ Tôn nói:
- Kinh lược sứ làm thế nào đây.
- Thái hậu ban chỉ, phải lục xét trong người, cùng hành lý Bình-Nam vương cũng như tùy tòng lấy hết thư từ, kinh sách trên người, mang về. Chỉ dụ truyền phải làm cách nào để họ không biết mình làm. Ngặt vì cạnh Bình-Nam vương lúc nào cũng có Minh-Thiên, Đông-Sơn, Vương Duy-Chính, Địch Thanh, sao tiểu bối có thể làm nổi? Nên đành pha thuốc Nhuyễn-cân vào món thịt gà hấp. Đợi họ mê man, ta lục lọi. Bao nhiêu tội tình ta đổ lên đầu Tuyên-vũ sứ Khúc-giang. Tiểu bối cứ việc đem toàn gia y ra chặt đầu là yên truyện.
Lão họ Tôn cười:
- Dư an phủ sứ pha thuốc Nhuyễn-cân vào món thịt gà hấp, e chỉ có thể làm cho những cao thủ bậc trung khó cử động trong một chốc lát. Còn đối với Minh-Thiên, Đông-Sơn e vô hiệu. Vì vậy lão phu phải mượn chung rượu Địch Thanh tung ra ít phấn Di-hồn mới có kết quả.
Lão chỉ vào Khai-Quốc vương:
- Ngoài ra gã Lý Long-Bồ với vợ gã thêm hai đứa cháu, bản lĩnh thực không tầm thường. Thái hậu chỉ dụ sao gây nghi ngờ bất hòa giữa Bình-Nam vương với Đại-Việt. Thế cho nên khi hai lão phu tới đây, liền có nhiều hành vi cho Khu-mật viện Tống nghi ngờ theo dõi. Bấy giờ hai lão phu mới xuống thuyền thăm y, ra cái điều ta là Việt kiều hướng về đất tổ. Như vậy tai mắt của Phạm Trọng-Yêm thế nào cũng báo cho Bình-Nam vương biết. Hôm nay ta xuất hiện đánh thuốc độc, lấy thư tín, kinh sách mang đi. Hỏi sao Bình-Nam vương không nghi ngờ tên Lý Long-Bồ sai bọn ta làm.
Lão Lê tiếp:
- Dư kinh-lược sứ có biết truyện gã Long-Bồ mang kho tàng rời Tuyệt-phong cách đây hơn nửa tháng không?
Dư Tĩnh kinh hồn động phách:
- Như vậy có kho tàng thực ư? Gã Long-Bồ nhanh tay thực!
- Gã khôn vô cùng. Bề ngoài làm như tin tưởng bọn Trường-giang thất quỷ. Gã lập kế hoạch giả sai chúng cùng các cao thủ Đại-Việt đem kho tàng đi. Ai cũng tưởng thực. Bọn mười trưởng lão bang Nhật-hồ ngu như lợn. Chúng theo dõi biết tin tức đó, tưởng thực, tấu về triều. Lưu thái hậu sai thủy quân đón ở ngoài khơi đảo Hải-Nam đánh cướp rồi chở về.
Lão lắc đầu:
- Vì chắc ăn như bắp, nên Lưu hậu một mặt phái mười trưởng lão bang Nhật-hồ theo dõi cuộc khai quật. Nhất nhất chi tiết cuộc khai quật phải gửi tấu chương về hàng ngày. Cuộc khai quật đúng như di thư, mật ngữ chép, không sai tý nào. Người truyền hai lão phu đích thân chỉ huy trận đánh. Người lại cử những kẻ thân tín nhất đi theo giám sát. Chỉ dụ nói rõ: Sau khi cướp được, phải để nguyên trong thùng, chở thẳng về Biện-kinh. Bất cứ ai mở ra xem, đều bị giết tại chỗ.
- Thế kho tàng lớn không?
- Lớn lắm, chở đầy hai thuyền lớn, gồm một trăm thùng. Mỗi thùng phải bốn người khiêng.
- Chà thực vĩ đại.
- Trên hai thuyền đó một thuyền có sự hiện diện của Phương Hổ với Nùng Sơn tử. Một có sự hiện diện của Phương Báo cùng Trần Kiệt. Trên đường từ Khúc-giang đến Hổ-môn, dọc đường Động-đình tam ưng dàn thuyền theo hộ tống. Qua Hổ-môn thuyền của bang Đường-lang hộ tống đến đảo Hải-Nam. Từ đảo Hải-Nam, thuyền của bang Hồng-hà hộ tống đến Tiên-yên.
Dư Tĩnh vui vẻ:
- Thế hai lão sư chặn đánh ở đâu?
- Ngay eo biển Hải-Nam. Trận đánh thực gay go muôn phần. Võ công bọn Trường-giang song quỉ thực không tầm thường, nhất là lão Nùng-Sơn với gã Trần Kiệt. Sau chúng ta có thủy quân tiếp viện, bọn bang Hồng-hà bỏ chạy. Hai lão Nùng Sơn, Trần-Kiệt cũng bỏ chạy theo.
Lão thở dài:
- Sau khi đoạt được, chúng ta quay trở về. Con mẹ nó, hai chiến thuyền vừa giúp chúng ta đánh bọn Hồng-hà quay lại hộ tống tới Tuyền-châu. Ở Tuyền-châu, hạm đội ở đây thay thế, canh phòng cho bọn ta tới Biện-kinh. Thuyền tới Biện-kinh vào giờ Ngọ. Lưu thái hậu không cho triều thần biết. Ngài thân chinh xuống thuyền, truyền mở ra coi, thì ôi thôi toàn đá xanh, không có một chút châu báu nào cả.
Dư Tĩnh kinh hãi:
- Chắc không có kho tàng, nên bọn Giao-chỉ ngạo ta ư?
Lão họ Lê lắc đầu:
- Sự thực có kho tàng mới đau chứ!
Dư Tĩnh lắc đầu không hiểu.
Lão họ Lê thở dài:
- Gã Long-Bồ cực kỳ xảo quyệt. Gã thiết lập hai kế đào kho tàng. Cả hai cùng làm như thực. Kế thứ nhất có sự tham dự của Trường-giang thất quỉ. Bọn mười trưởng lão biết tường tận kế này. Kế thứ nhì chỉ người Việt biết với nhau. Sau khi vào hang núi. Bọn chúng xếp đá vào một trăm thùng, cho xuống thuyền của anh em họ Phương, rồi gã Trần Kiệt, Nùng Sơn tử đi theo. Bọn trưởng lão bang Nhật-hồ thấy vậy, tin thực, theo bén gót, truyền mọi tin tức cho ta.
Dư Tĩnh nhảy chồn lên:
- Như vậy hỏng rồi, sau khi chuyển đá đi, chúng cho thuyền khác tới, chở kho tàng. Bấy giờ chúng chỉ việc âm thầm đưa về nước. Giá như bọn trưởng lão tiếp tục theo dõi, biết sự thực báo cho hai vị. Hai vị bỏ thuyền giả, cướp thuyền thực có phải là truyện thống khoái kim cổ không?
Lão họ Lê lắc đầu:
- Có đấy chứ. Hai trưởng lão núp trong hang theo dõi, biết việc lấy đá thay châu bảo, định lui ra báo cho chúng ta, lập tực bị thằng ôn con Tự-Mai điểm huyệt bắt sống. Nó tra khảo, bắt hai đứa tiếp tục báo cho ta biết rằng kho tàng chở đi rồi, bọn Giao-chỉ đang lấp hang. Chúng ta tin thực, càng hăm hở theo đuổi. Đã vậy bọn Tự-Mai còn bắt hai trưởng lão báo cho chúng ta biết có hai chiến thuyền Khúc-giang do Dư kinh lược sứ hộ tống. Nên chúng ta thấy hai chiến thuyền Tống theo sau, lại tưởng thực.
- Không! Tiểu bối đâu biết hai vị hành sự, nên chẳng hề sai chiến thuyền hộ tống, trợ giúp. Thế bọn chúng chở kho tàng thực bằng thuyền gì?
- Bằng chiến thuyền thủy quân Tống.
- Chiến thuyền ta?
- Thế mới tức chứ! Ta có hai chiến thuyền thuộc hạm đội Quảng-Đông tiếp tế cho đám binh mới đưa đến Tuyệt-phong vẫn đậu ở bến Khúc-giang. Gã Long-Bồ phối trí cho cháu gái tên Bảo-Hòa, anh vợ tên Thông-Mai, cùng bọn Tôn Đản, Tự-Mai, Lê Văn và đám giáo chúng Lạc-long của Chu Tấn âm thầm cướp chiến thuyền, điểm huyệt thủy thủ, lột quần áo mặc vào, rồi chuyên chở kho tàng xuống, công khai rời Khúc-giang đi Hổ-môn.
Lão họ Tôn nghiến răng ken két:
- Căm tức là cũng hai chiến thuyền Quảng-Đông chở kho tàng đó hợp với chúng ta đánh cướp kho tàng giả. Chúng còn làm bộ hộ tống ta tới Tuyền-châu. Sau đó tốc thẳng về Đại-Việt.
Dư Tĩnh bực mình:
- Tức thực là tức. Không ngờ Long-Bồ lại nuốt lời.
- Nuốt lời gì?
- Khi Long-Bồ với Bình-Nam vương kết huynh đệ. Y hứa rằng kể từ ngày kết nghĩa, sẽ giúp Bình-Nam vương chiếm kho tàng. Nào ngờ ?
- Y không nuốt lời đâu. Y chỉ chơi chữ mà thôi. Vì y nói "Kể từ ngày hôm nay, phía Đại-Việt nhường cho Tống tìm kho tàng". Trong khi kho tàng đã đào lên từ trước rồi.
- Tại sao y không nói trước rằng kho tàng đã mang đi rồi?
- Có đấy chứ, nhưng Bình-Nam vương không tin.
Dư Tĩnh kinh hãi:
- Thì ra khi hai vương kết nghĩa, lão tiên sinh cũng hiện diện.
- Đúng vậy, ta bắt giam lão canh cổng, rồi thế vào chỗ lão. Đang đêm, Ngô Cẩm-Thi đâu phân biệt được?
Dư Tĩnh kinh hoảng:
- Bây giờ Lưu hậu quyết định sao?
- Lấy tất cả thư tín, cũng như kinh sách trong người Bình-Nam vương đưa về kinh. Nếu trong đó có chứng cớ rằng Vương-gia hợp tác với Giao-chỉ trong vấn đề kho tàng, Thái-hậu sẽ đem cho đình thần nghị tội, rồi đem Vương-gia ra chặt đầu. Còn như không có chứng cớ, thì ít ra cũng gây cho hai người nghi kị, thù hận nhau.
- Nghĩa là Lưu hậu muốn giảm thế lực Bình-Nam vương.
- Đúng thế.
Lão Tôn hú lên một tiếng, mười tên võ sĩ vừa tuân lệnh Dư Tĩnh bảo vệ tướng soái đồng cười rộ. Khai-Quốc vương nhận ra chúng là mười trưởng lão bang Nhật-hồ Trung-Quốc, ẩn trong lớp áo thị vệ theo Tào Khánh, bây giờ lại xuất hiện ở đây. Có điều hôm nay chúng để mặt thật chứ không giả trang như hôm trước.
Bọn trưởng lão rời hàng ngũ, khám xét trên người Triệu Thành cùng tùy tòng. Chúng còn vào phòng ngủ đem hết hành lý ra. Sau khi lục lọi lấy thư tín rồi, lão Tôn nói:
- Chúng tôi xin rời nơi đây. Dư kinh lược sứ cũng phải lăn ra ngủ đi thôi. Tôi đem vợ chồng tên Lý Long-Bồ cùng hai đứa cháu nó về kinh. Biết đâu ta không đoạt lại kho tàng?
Lão họ Tôn lấy nước thấm vào khăn, rồi lau mặt cho Khai-Quốc vương, Vương-phi cùng Thiệu-Thái, Mỹ-Linh. Bốn người vờ ngơ ngơ ngác ngác hỏi:
- Cái gì vậy? Tại sao chúng tôi lại ngủ say thế này? Bây giờ là giờ nào rồi?
Lão họ Tôn cười:
- Anh em lão phu là người của Lưu thái-hậu. Thái-hậu sai anh em lão phu đến tiếp rước Vương-gia cùng Vương-phi lai kinh.
Lão chỉ vào mười trưởng lão bang Nhật-hồ:
- Mười vị này hộ tống vương gia không trọn vẹn, để Trường-giang thất quỷ phạm thượng. Thái hậu rất lấy làm ân hận. Vì vậy người truyền chỉ đích thân anh em lão phải tiếp giá Vương-gia.
Lão cười:
- Vì hằng nghe danh vương gia như sấm động, nên anh em lão phu đã mạo muội xin tiếp kiến riêng. Đa tạ Vương-gia dành cho cuộc đàm thoại hữu ích.
Khai-Quốc vương vờ như không nghe rõ những lời bàn luận của hai lão Tôn, Lê, với Dư Tĩnh. Vương hỏi:
- Cô-gia phải đi cùng Bình-Nam vương chứ?
- Bình-Nam vương bận công vụ không về ngay được. Người với tùy tùng sẽ về sau. Xin thỉnh Vương-gia khởi hành trước.
Khai-Quốc vương nghĩ thầm:
- Hai lão Tôn, Lê tưởng bọn mình trúng độc nhuyễn cân. Bề ngoài chúng lễ phép, mà tuyệt không đả động đến việc giải độc. Như vậy những câu lễ độ chẳng qua là lời ngạo mà thôi. Đã thế ta cũng lờ như không biết gì cả.
Vương hỏi:
- Bao giờ chúng ta lên đường?
Lão Lê chắp tay:
-- Xin vương gia lên đường ngay cho. Hành lý, cũng như cống phẩm, thỉnh vương gia viết mấy chữ, bọn lão phu sẽ cho người về thuyền lấy mang theo. Xung quanh vương gia có Trường-giang thất quỉ. Cạnh Thân giáo chủ có quá đông cao thủ Lạc-long giáo. Thú thực anh em lão phu không thể địch đổi Trường-giang thất quỉ, lại càng không muốn động thủ với anh em Lạc-long giáo.
Khai-Quốc vương nghiêm mặt hỏi:
- Hai vị lão sư, cung cách tiếp sứ thần Đại-Việt bằng lối cho uống thuốc Nhuyễn-cân thế này, do chỉ dụ của Thái-hậu hay do hai lão sư đây?
Lão Tôn cười thực đểu:
- Hai lão phu cũng thế, mà Thái-hậu cũng vậy. Miễn là anh em lão phu thỉnh được Vương-gia tới Biện-kinh. Với võ công của Thân giáo chủ, kiếm pháp của công chúa Bình-Dương, không mời kiểu này e không xong.
Khai-Quốc vương nói với Vương-phi:
- Thanh-Mai, chúng ta đi thôi.
Vương bảo Thiệu-Thái, Mỹ-Linh:
- Các cháu viết mấy chữ trao cho hai vị đây, để hai vị về thuyền lấy hành lý cho các cháu.
Bên ngoài đã có hai cỗ xe đậu sẵn. Lão Tôn mời Khai-Quốc vương, Vương-phi lên một xe, đích thân lão rong xe. Xe còn lại lão Lê mời Thiệu-Thái, Mỹ-Linh lên. Mười trưởng lão bang Nhật-hồ cỡi ngựa theo hộ tống. Ngoài ra còn có hơn trăm giáp sĩ gươm dáo sáng choang dẫn đường.
Mỹ-Linh hỏi lão Lê:
- Lê tiên sinh, bây giờ tiên sinh đưa chúng tôi đi Biện-kinh phải không?
- Khải điện hạ đúng thế.
- Đường từ Khúc-giang đi Biện-kinh có hai ngả. Một ngả, chúng ta phải trở lại cửa Hổ-môn rồi men theo bờ biển, sau đó vượt Trường-giang đến Kinh-châu. Tôi muốn đi theo đường này.
- Tại sao công chúa lại muốn đi theo đường bờ biển?
- Vì đường bờ biển sẽ qua trấn Phụng-hoàng, Triều-dương, Đông-sơn, Thường-sơn, Đông-khê, Chương-giang.
Lão Lê bật cười:
- Thì ra Công-chúa muốn đi đường này để thăm chiến trường cũ thời Lĩnh-Nam. Công-chúa thực xứng đáng con cháu vua Trưng. Rất tiếc lão phu không chiều công chúa. Thôi thì lão phu kể cho công chúa nghe cũng được.
Lão cho xe chạy song song với xe Khai-Quốc vương rồi kể:
- Từ Hổ-môn, đi ngược lên tới Bình-sơn. Nơi này diễn ra trận đánh ở đồi Vong-thiên. Bấy giờ công chúa Thánh-Thiên lĩnh chức Bình-Ngô đại-tướng quân, với hai vạn binh Việt ngài dùng hỏa công đốt binh Lưu Long đến hơn bốn vạn. Đi khoảng nửa ngày tới Triều-dương, rẽ về hướng Tây tới Phụng-hoàng, nơi công chúa Đông-triều Lê Chân, dùng loạn tên phục kích giết đại tướng Hán tên Vũ Hải-Triều. Sau đó đến núi Thường-sơn, nơi Trường-sa vương Công-tôn Thiệu cùng Thiên-ưng đại tướng quân Đào Nhất-Gia tử chiến với Mã Viện, giết Mã thái hậu. Hiện trên Thường-sơn có đến thờ Công-tôn Thiệu, Đào Nhất-Gia với phu nhân là quận chúa Lý Lan-Anh. Nhìn ra xa, đó là đảo Đông-sơn, nơi đại tướng Vũ Chu dùng nỏ thần bắn hơn ba vạn quân Hán. Trên vùng biển này hạm đội Lĩnh-Nam của công chúa Gia-Hưng Trần Quốc phá hạm đội Hán, cùng giết chết đô đốc Hán tên Đoàn Chí, tước Nam-an hầu. Cuối cùng tới Chương-châu, Tuyền-châu nơi công chúa Đô-đốc Trần Quốc cùng hai Đại tướng quân Quế-hoa, Quỳnh-Hoa đổ quân lên chiếm mười tám thành Hán, thừa thắng, định kéo về chiếm kinh đô Lạc-dương.
Mỹ-Linh khen:
- Lê tiên sinh đã được vãng cảnh này nhiều lần rồi thì phải. Tiên sinh thực nhiều nhân duyên.
Lão Lê chỉ về phía trước:
- Chúng ta đi theo bờ sông Vũ-thủy đến Quế-dương, rồi sông Lục-thủy tới Hành-sơn. Đây là một trong năm ngọn núi Lĩnh-Nam. Chúng ta bỏ ngựa vượt Tương-giang lên Trường-sa, hồ Động-đình. Từ Quế-dương trở đi không thiếu gì di tích lịch sử thời vua Hùng, vua Trưng.
Khai-Quốc vương thản nhiên cùng Vương-phi nói truyện, ngắm cảnh. Anh em lão Tôn, Lê tưởng cưỡng bách được Vương, lúc đầu còn dương dương tự đắc. Sau thấy tư thái ung dung của Vương, hai lão đâm ra chột dạ:
- Tên Lý Long-Bồ bản lĩnh thực siêu phàm. Đường đường là đấng trừ quân tộc Việt, bị đánh thuốc độc, không biết sống chết lúc nào. Thế mà y thản nhiên như thường. Y quả không hổ anh hùng đời nay.
Một hôm, cả đoàn tới địa phận Quế-dương. Dường như Tuyên vũ sứ Quế-dương được báo trước, y cực kỳ lễ độ với hai lão Lê, Tôn, thân hành tiếp đón sứ đoàn vào dinh an nghỉ.
Lão Tôn nới với Tuyên-vũ sứ:
- Phiền đại nhân để chúng tôi nghỉ đêm nay thôi. Sáng mai phải lên đường sớm, cho kịp tới Hành-dương. Vùng này vẫn còn ảnh hưởng mạnh của người Hoa gốc Việt. Thú thực anh em lão phu vẫn chưa yên tâm. Khi nào vượt sông Trường-giang sang Kinh-châu, anh em lão phu mới dám thư thả.
Hai lão Tôn, Lê cho rằng tất cả sứ đoàn đều bị trúng thuốc Nhuyễn-cân ắt không thể xử dụng Lăng-không truyền ngữ. Vì vậy chúng chỉ giám sát sơ sài.
Vừa vào dinh Tuyên-vũ sứ, vương dùng Lăng-không truyền ngữ nói với Vương-phi, cùng hai cháu:
- Chúng ta dùng võ công, nhất định dư sức hạ hai tên này, cũng như bọn mười trưởng lão. Có điều chúng lĩnh chỉ của Lưu hậu tiếp ta, mà ta hạ chúng, thực không ổn tý nào cả.
Mỹ-Linh hỏi:
- Không biết Lưu hậu định mưu đồ gì, mà lại bắt chúng ta kiểu này?
- Cứ như hai lão Tôn, Lê nói, Lưu hậu muốn hai việc: Làm giảm thế lực Bình-Nam vương cùng chiếm kho tàng. Kho tàng hiện đã về tới Đại-Việt, bà ta có muốn đòi cũng không được nữa. Còn làm giảm thế lực Bình-Nam vương thì bà ta muốn chia rẽ chúng ta với Vương. Điều này bà ta thất bại rồi. Bà ta tưởng đem chúng ta đi, rồi đổ vạ lên đầu rằng chúng ta đánh thuốc mê Vương. Có ngờ đâu, những gì Dư Tĩnh với hai lão Chu, Đào bàn nhau, Bình-Nam vương biết hết.
Vương nhắc lại:
- Chúng ta nhất định không dụng võ công. E rằng sau khi chúng ta khởi hành, Bình-Nam vương chặt đầu Dư Tĩnh, rồi cho truyền lệnh các nơi, đón giết hai tên này. Hoặc giả anh em Lạc-long giáo, bang Trường-giang tưởng chúng ta bị bắt cóc, họ tổ chức đón đường giải cứu mới thực phiền phức. Nhưng không sao, đã có Bảo-Hòa, Thông-Mai lo liệu.
Tuyên-vũ sứ sai dọn tiệc. Y cùng vợ đích thân bồi tiếp Vương với Vương-phi. Trong khi ăn tiệc, Mỹ-Linh chú ý đến một tỳ nữ quét sân, lưng rất quen mà nàng không biết đã gặp ở đâu? Khi tỳ nữ đó quay lại, nàng thấy nút áo trên cổ thị có sợi chỉ đỏ. Nàng đưa mắt cho chú. Khai-Quốc vương nháy mắt, dùng Lăng-không truyền ngữ nói:
- Cháu hỏi xem người quét sân là ai?
Mỹ-Linh chưa kịp hỏi, một mùi thơm như trầm thoảng qua. Cả bốn người suýt bật cười, vì người đó chính là Bảo-Hòa. Mỹ-Linh dùng Lăng-không truyền ngữ hỏi:
- Chị Bảo-Hòa. Chị theo kịp bọn này từ bao giờ vậy?
- Sau khi đem kho tàng về đến Đại-Việt, chị với anh Thông-Mai vội sang Quảng-Đông. Đến đây gặp lại Trường-giang thất quỷ cùng trưởng lão Lê Đức, Đỗ Nhất-Bách. Người của Khu-mật viện báo cho chị biết những gì xẩy ra quanh vụ hai lão Tôn, Lê. Trưởng lão Lê Đức ra lệnh cho Trường-giang thất quỷ dàn ra từ hồ Động-đình lên tới Kinh-châu. Hai trưởng lão Lê Đức, Nhất-Bách chờ ở Trường-sa. Chị với anh Thông-Mai trà trộn vào đám vệ sĩ. Chủ ý của cậu hai ra sao?
- Chú không cho dụng võ. Cứ coi như họ tiếp sứ đoàn. Mình thản nhiên xem sao. Có điều phải cẩn thận, bằng không chúng sẽ tìm cách hạ độc với thứ khác nữa, nguy lắm. Chị đã dò thám được lý lịch của hai lão Tôn, Lê chưa?
- Chưa! Hành động của chúng rất khó hiểu. Trong lúc bàn tán với nhau, chúng luôn hướng về đất Việt. Ngôn từ tỏ ra kính trọng cậu hai. Trong khi đó chúng lại chịu làm tay sai cho Lưu hậu. Chị đã liên lạc được với hệ thống tế tác Đông-a. Nhóm này sẽ cho em biết khi đến núi Thiên-đài.
- Chúng thuộc bang Nhật-hồ Trung-quốc hay Hồng-thiết giáo Đại-Việt?
- Không biết nữa.
Tiệc dứt lão Tôn nói với Tuyên vũ sứ:
- Mọi truyện coi như xong. Chúng tôi không dám phiền đại nhân nữa. Xin cho yên nghỉ sớm, mai còn đi Trường-sa.
Tuyên-vũ sứ vội cáo lui. Lão Tôn hỏi Khai-Quốc vương:
- Vương-gia! Vương-gia cho chúng tôi thuộc loại người nào?
- Về võ công, cô gia thấy hai vị thuộc loại bản lĩnh hiếm có trong giới võ lâm Hoa-Việt. Vì kiến thức, kinh lịch những người như hai vị, thực đếm trên mười đầu ngón tay. Nhưng không hiểu sao hai vị lại cam tâm làm đương sai cho Lưu hậu. Bảo vì công danh ư? Cô-gia thấy ngôn từ các vị không muốn vướng mắc vào quan trường. Như vậy không phải rồi. Bảo vì tiền bạc ư? Cô gia thấy không đúng. Vì với bản lĩnh hai vị, muốn giầu có đâu khó khăn.
Lão Tôn cười tủm tỉm:
- Vương-gia thực tinh tế khác thường. Lão phu muốn kiến tạo sự nghiệp vua Trưng, nên đành khuất thân mượn thế Lưu hậu như Nghiêm Tử-Lăng mượn thế Quang-Vũ khi xưa.
Mỹ-Linh tiếp lời chú:
- Điều chắc chắn tôi biết võ công của Tôn tiên sinh thuộc võ công Cửu-chân. Tiên sinh luyện tới mức tối cao. Chỉ hơi tiếc...
- Công chúa thấy lão phu có gì khiếm khuyết ư?
- Không phải thế. Tiên sinh tuy luyện tới mức tuyệt cao, song vẫn chưa hợp được âm-dương như Bắc-bình vương Đào Kỳ. Nên không thành vô địch thiên hạ.
Nàng suy nghĩ một lúc, rồi tiếp:
- Nếu bảo hai vị làm tôi tớ cho Lưu hậu e khinh bạc thái quá. Bất cứ ai nói đến bà cũng dùng lời lẽ thực tôn kính. Duy hai vị vẫn ngông nghênh, coi bà không vào đâu cả.
Lão Tôn mỉm cười rung đùi.
Lão Lê hỏi Thiệu-Thái:
- Lão phu nghe giáo chủ đả bại Nhật-Hồ lão nhân. Ắt công lực phải cao thâm vô cùng. Thế nhưng lão phu không thấy giáo chủ luyện Hồng-thiết công, mà chỉ luyện Chu-sa ngũ độc chưởng mà thôi. Không luyện Hồng-thiết công lại muốn thắng Nhật-Hồ lão nhân thực thiên nan, vạn nan.
- Tại sao hai vị biết vãn sinh chưa luyện Hồng-thiết công?
- Giáo chủ ơi! Phàm luyện Hồng-thiết công tới trình độ tối cao, thì không độc tố nào nhập vào cơ thể được. Đây hai lão mới dùng chút ít thuốc Nhuyễn-cân, cùng Di-hồn thôi mà chân tay giáo chủ vô lực, lại ngủ li bì. Như vậy đủ rõ giáo chủ chưa luyện Hồng-thiết công.
Mỹ-Linh nghĩ thầm:
- Hai con quỉ này quên mất rằng nếu luyện Thiền-công tới mức tối cao, không những độc chất cũng như ma nghiệp không hại được cơ thể.
Lão Chu như đọc được ý nghĩ của Mỹ-Linh:
- Công chúa không phục anh em lão phu ư? Anh em lão phu biết trong thiên hạ còn Vô-ngã tướng thiền công cũng chống được mọi chất độc. Nhưng thần công đó tuyệt tích hơn nghìn năm rồi.
Lão cười khành khạch:
- Có lẽ Nhật-Hồ lão nhân tuổi già, quá suy nhược nên mới bị hạ dễ dàng như thế chăng?
Thình lình lão Tôn lên tiếng:
- Anh em chúng tôi đang đàm luận với sứ đoàn về võ công. Các vị là ai mà lại núp nghe trộm thế?
Tay lão tung chung rượu qua cửa sổ. Nhưng đã trễ, người nghe trộm lạng người chạy khỏi một quãng khá xa. Hai lão vọt mình đuổi theo.
Khai-Quốc vương hỏi vương phi:
- Ai thế? Bảo-Hoà hay Thông-Mai?
Thanh-Mai đáp:
- Bước chân người này hơi trầm, có lẽ họ luyện Hồng-thiết công. Em nghĩ dường như lão Tôn, Lê sai người diễn kịch, để xem chúng ta có thực trúng độc không. Nếu chúng ta không trúng độc ắt tò mò đuổi theo, bị lộ liền. Đã vậy ta cứ ngồi đây, mặc họ làm ma làm quỷ gì thì làm.
Bỗng Thanh-Mai lấy tay viết xuống bàn:
- Hai lão Tôn, Lê trở lại đấy. Mình lờ đi như không biết gì vậy.
Nàng lên tiếng nói lớn:
- Anh ơi. Ngày mai lên Trường-sa, chúng mình yêu cầu hai lão Tôn, Lê cho đi dọc sông Tương lên hồ Động-đình, để biết cánh đồng Tương thế nào.
Mỹ-Linh tiếp:
- Thím hai nói đúng đó. Mình hãy ngừng lại để có thể du ngoạn hồ Động-đình cho biết nơi phát tích ra hai vị Quốc-mẫu.
- Dĩ nhiên là thế. Qua Kinh-châu, chúng ta chỉ đi hai ngày nữa là tới Biện-kinh. Kỳ này tha hồ cho thím với Mỹ-Linh mua sắm nhé. Phải sắm thực nhiều qùa mang về dâng ông bà, cùng biếu các chú, các cô ở nhà, bằng không mình lại bị trách.
Khai-Quốc vương, vương phi, Mỹ-Linh toàn bàn những truyện tầm thường. Trong khi Thiệu-Thái ngơ ngơ ngẩn ngẩn như buồn ngủ.
Thanh-Mai thấy tiếng chân người nhẹ nhàng lảng ra xa, thì biết rằng kẻ rình rập không còn nữa.
Sáng hôm sau Tôn, Lê nhị lão đốc thúc mọi người lên đường thực sớm theo hướng Bắc. Khoảng giờ Ngọ (11-13 giờ) phía trước hiện ra một dãy núi cao mịt mờ.
Thanh-Mai hỏi lão Tôn:
- Tôn tiên sinh. Phải chăng trước mặt chúng ta là núi Ngũ-lĩnh, nơi phân định biên cương Hoa-Việt của hai triều đại Thần-Nông Bắc-Nam?
- Khải vương phi đúng vậy. Nơi đây bốn nghìn năm trước vua đế Minh, cháu ba đời vua Thần-Nông đã lập đàn tế cáo trời đất phân chia lãnh thổ cho hai thái tử. Từ Ngũ-lĩnh về Bắc chia cho con trưởng tức vua đế Nghi cai trị sau thành Trung-quốc. Từ Ngũ-lĩnh về Nam chia cho vua Kinh-Dương cai trị sau thành Lĩnh-Nam.
Khai-Quốc vương hỏi:
- Ngài phân chia như vậy. Thế sao lãnh địa vùng Bắc Ngũ-lĩnh như Trường-sa, hồ Động-đình sau thuộc Lĩnh-Nam?
Lão Tôn cười:
- Tiếng rằng dùng núi phân cương vực, nhưng núi khó định giới rõ ràng, nên hai vua đế Nghi, Kinh-Dương lấy sông Trường-giang cho dễ. Vả lại vua Kinh-Dương cưới công chúa con vua Động-đình. Vì vậy Động-đình thuộc triều Nam Thần-Nông.
Một trưởng lão bang Nhật-hồ luôn ruổi ngựa cạnh xe Khai-Quốc vương hỏi:
- Tôn lão gia! Tại hạ nghe nói bấy giờ có vua Nghi, Kinh-Dương, sao còn có vua Động-đình?
- Vua Kinh-Dương cai trị Lĩnh-Nam, với hơn trăm chư hầu. Trong đó có nước Động-đình. Vua Động-đình cũng như vua Tống, Tề, Lỗ đều thống thuộc vua Chu. Như vua Chiêm, Lão, Chân, đều là chư hầu vua Hùng.
Thanh-Mai hỏi:
- Ngũ-lĩnh gồm năm ngọn là Đại-dữu, Thủy-an, Lâm-gia, Quế-dương, Yết-dương. Ngọn trước mặt kia là ngọn nào?
- Ngọn Quế-dương. Vượt qua Quế-dương, chúng ta đi vào địa phận Tương-giang rồi tới Trường-sa, hồ Động-đình. Ngọn Quế-dương có chín cái đèo. Qua đèo thứ chín đến một địa danh mà lão phu cam đoan vương gia, Vương-phi sẽ hoan hỉ lắm. Bởi nó là di tích linh thiêng của tộc Việt.
Thanh-Mai hỏi:
- Có phải đồi Thiên-đài không?
- Vương phi thực bác học.
- Tôi nghe Thiên-đài là ngọn đồi trên đỉnh bằng phẳng, tròn trịa. Nơi đó Đế-Minh lập đàn tế cáo trời đất. Từ đấy tộc Việt coi Thiên-đài như khu đất linh. Hằng năm cứ rằm tháng giêng các vua Hùng, sau đến vua An-Dương, vua Trưng đều đến tế cáo Quốc-tổ, Quốc-mẫu. Cũng chính vì vậy thời vua Trưng đã xẩy ra trận đánh kinh thiên động đia giữa quân Hán với quân Việt.
Lão Tôn kinh ngạc:
- Lão phu xa đất nước đã lâu, thiếu sách đọc, nên không biết rõ chi tiết lịch sử này.
- Trận đánh diễn ra vào niên hiệu vua Trưng thứ ba. Bấy giờ sau trận Nam-hải, vua Quang-Vũ nhà Hán xuất binh nghiêng nước quyết diệt Lĩnh-Nam. Binh Hán chia làm năm đạo. Đạo thứ nhất đánh vào Nam-hải, nay thuộc Quảng-Đông. Đạo thứ nhì từ Thục đánh xuống Độ-khẩu. Đạo thứ ba do vua Chiêm đánh lên. Đạo thứ tư do vua Lão-qua đánh sang. Đạo thứ năm do Mã Viện đánh thẳng từ Kinh-châu qua. Lĩnh-Nam binh ít, thế cô, vua Trưng ban chỉ cho nữ vương Phật-Nguyệt rút khỏi Trường-sa.
- Tưởng gì chứ chi tiết này, lão phu nhớ rồi. Khi nữ vương Phật-Nguyệt ban lệnh rút quân, thì quốc công Đào Hiển-Hiệu, Đào Quí-Minh cùng các đại tướng thuộc Tây-vu nhất định không chịu rút lui. Sau nữ vương Phật-Nguyệt phải trao quyền chỉ huy cho Thuần-chính hoàng thái hậu Hoàng Thiều-Hoa. Thái-hậu truyền đánh một trận, làm cho binh tướng Hán hao hụt rồi rút lui. Ngài trao cho quốc công Hiển-Hiệu phục binh tại Thiên-đài, chặn đường tiến quân của mười vạn thiết kị Hán. Đợi cho quân Việt qua núi Quế-dương rồi mới rút. Không ngờ khi đến Quế-dương, quốc công viếng Thiên-đài, người thuật về di tích này cho tướng sĩ nghe.
Lão ngừng lại thở dài:
- Tướng sĩ nghe kể sự tích Thiên-đài, xin với quốc công cố thủ không chịu bỏ. Thế là hơn vạn binh Việt tử chiến với mười vạn thiết kị Hán. Trận chiến kéo dài ba ngày, quân Hán chết hơn ba vạn mà không chiếm được. Vua Quang-Vũ nhà Hán biết rằng nếu không chiếm được Thiên-đài, thì tuyệt vọng đánh Lĩnh-Nam. Y nổi giận thân tới đốc chiến. Sau hơn mười ngày, toàn bộ nghĩa sĩ Việt tử thương. Trong khi Hán thiệt mất bẩy vạn.
Đoàn người đã vượt qua hết chín ngọn đèo. Xe đổ đèo thứ chín, thì hiện ra cánh đồng xanh tươi trải dài tới chân trời. Xa xa con sông Tương uốn khúc dài vô tận.
Ngay dưới chân đèo, một ngọn đồi tròn, đỉnh bằng phẳng hiện ra. Xung quanh đèo có đường đi lên như trôn ốc. Thấp thoáng trên đỉnh như có ngôi nhà.
Thanh-Mai hỏi:
- Tôn tiên sinh. Dường như tiên sinh đã lên Thiên-đài du ngoạn nhiều lần rồi thì phải. Bóng ngôi nhà kia phải chăng đền thờ Quốc-tổ, Quốc-mẫu?
Lão Tôn lắc đầu:
- Chưa. Lão phu đi qua đây nhiều lần, nhưng chưa bao giờ lên Thiên-đài chơi cả. Còn đền thờ trước kia có hay không lão phu không biết. Nhưng hiện nay trên đó có ngôi chùa. Chùa làm từ đời nào cũng không rõ nữa.
Lão Tôn lệnh cho đám trưởng lão bang Nhật-hồ cùng thiết kị nghỉ dưới chân đồi. Chỉ hai xe chở sứ đoàn đi lên mà thôi.
Xe lên tới đỉnh.
Quả như lão Tôn nói, giữa đỉnh Thiên-đài có ngôi chùa. Xe đậu ở trước cửa Tam-quan. Gió thổi, thông reo vi vu như muôn nghìn linh hồn chúng sinh tụ về. Sau tam quan, một ngôi chùa gạch rất cổ kính. Mái ngói đỏ sẫm, nổi bật lên giữa khu rừng xanh tươi.
Thanh-Mai nhìn trên vách đá thẳng đứng. Sau lớp rêu phong trước chùa có đôi câu đối. Nàng đọc lớn lên:
Thiên-đài đại đại phân Nam-Bắc.
Lĩnh-địa thanh thanh dữ Việt-thường
Thiệu-Thái hỏi:
- Hai câu này nói gì vậy?
- Vế trên nói: Sau khi tế trời tại đây, thì Thiên-đài đời đời chia triều Thần-Nông thành Nam-Bắc. Vế dưới ý nói núi Lĩnh-Nam xanh tươi mãi với giòng giống Việt-thường.
Thiệu-Thái chỉ vào đôi câu đối trên cổng tam quan, rồi đọc lớn lên:
Tích trù Động-đình uy trấn Hán,
Danh lưu thanh sử lực phù Trưng.
Chàng hỏi Mỹ-Linh:
- Cái gì mà lại có vua Trưng ở đây?
Mỹ-Linh vốn thông văn học, nàng kinh ngạc hỏi Thanh-Mai:
- Thím hai này. Chùa thờ Phật, mà sao đôi câu đối này khống dính dáng gì tới đạo pháp cả vậy kìa.