5/11/12

Anh hùng Lĩnh Nam (H12)

Đào Kỳ thấy Nguyễn Trát là bạn của Đạo Sinh, nó lại nghi ngờ, dè dặt. Nó thấy trong những người thuộc Âu-lạc cũng có đến ba phái: Cửu-chân, Hoa-lư và Long-biên. Ngay trong phái Cửu-chân cũng có chín chi phái; trong đó, năm chi phái phục Hán, hai chi phái đứng giữa, chỉ có Đào, Đinh là chống Hán, phục Việt thôi, huống hồ các võ phái khác? Rồi Tản-viên còn chia năm xẻ bảy, chém giết nhau không gớm tay. Nay nó mới gặp Nguyễn Trát, được ông đưa về trang Cối-giang, nhưng nó chưa hiểu ông ra sao. Nên khi thấy ông nói đến Đạo Sinh khác hẳn những điều nó thấy, nó đâm ra ngại ngùng, tự nhủ:
– Đào Kỳ ơi! Mi cần phải thận trọng, không được tiết lộ thân thế. Cha mẹ, cậu mi hiện bị người Hán truy lùng rất gắt, mi tiết lộ ra, đúng là cái mồi cho bọn thợ săn bắt mi. Nguyễn Phan tiên sinh nhờ mi mang bí quyết võ công, kiếm pháp Long-biên ra dạy lại cho người có lòng với đất nước, chứ không nhất thiết phải dạy cho người của phái Long-biên. Nếu lão tin Nguyễn Trát, đã chỉ đích danh cho mi truyền lại. Ta phải cẩn thận, biết đâu Nguyễn Trát chẳng theo Đạo Sinh như bọn phản đồ Lê Nghĩa Nam?
Kinh nghiệm những ngày ở Thái-hà trang giúp nó thận trọng hơn, dù rằng đối với Nguyễn Trát, nó cũng có đôi chút tin tưởng. Bốn con trai của Nguyễn Trát là: Anh, Hùng, Hào, Kiệt, đối với nó thực tâm, tình cảm nồng hậu. Nó bớt đề phòng. Thỉnh thoảng vào buổi chiều, khi mặt trời xuống, nó ngồi thừ người ra nhớ đến Tường Quy. Ruột nó lại đau nhói lên như bị dao đâm. Nó tự hỏi không biết giờ này Tường Quy đã lấy chồng Hán hay chưa? Chắc nàng cũng đang khổ sở và nhớ nó đây.
Bên cạnh bốn người con trai Nguyễn Trát, còn có Phương Dung. Phương Dung rất thân với nó. Nó muốn mượn Phương Dung để thay thế Tường Quy mà không được. So sánh Phương Dung với Tường Quy, nó thấy hai người đều đẹp cả, nhưng ở Phương Dung thì sắc sảo, tinh khôn, đa tài, đa năng. Còn Tường Quy ôn nhu văn nhã, thuỳ mị, giọng nói đầy tình cảm. Nó thấy Tường Quy giống sư tỷ Thiều Hoa của nó nhiều hơn. Nó tìm ra được rằng, sở dĩ nó say đắm Tường Quy vì nàng có nhiều nét ôn nhu như sư tỷ nó. Từ bé sống bên cạnh sư tỷ, nó chỉ biết có nàng là thiếu nữ xinh đẹp, dịu dàng. Nên khi thấy Tường Quy giống sư tỷ, nó cảm thấy như quen thân nhau từ bao giờ.
Nó sống bình thản trong trang Cối-giang, tối tối thường kiếm chỗ vắng tập võ.
Đôi khi Nguyễn Trát thắc mắc về võ công của nó, nó bèn trả lời lược đi rằng nó học lóm một số võ công của các phái. Riêng về võ công Văn-Lang, nó kể rằng nó không có sư phụ. Nó được học võ công Văn-Lang là do một cơ duyên đặc biệt.
Trong câu chuyện, Đào Kỳ ưa dùng những tiếng, những chữ trong Tứ -thư, Ngũ-kinh và Bách-gia Chư-tử, khiến Nguyễn Trát cũng ngạc nhiên. Ông không thể ngờ một thiếu niên nhỏ tuổi như nó lại có thể có cái học uyên thâm về văn học như vậy. Trong đám con của Nguyễn Trát, Phương Dung là người hợp chuyện với Đào Kỳ nhất. Tuy mới mười sáu, vì được tập võ, nên đã lớn như một cô gái mười tám. Phương Dung đối với Đào Kỳ tuyệt không có một chút e thẹn nam nữ. Mới gặp mà như đã thân nhau tự thuở nào. Hai người trao đổi những câu chuyện về võ công, về văn học rất tương đắc. Còn bọn con trai của Nguyễn Trát gặp Đào Kỳ như có thêm người bạn mới, càng thêm vui vẻ. Suốt ngày, họ không đọc sách với nhau, lại bàn luận võ học. Chỉ có Thánh Thiên là lo buồn về chuyện gia đình nên thường thở dài hơn.
Đào Kỳ bàn:
– Hay đợi tối đến, ta thử về Cổ-lễ thám thính xem tình hình của bá phụ ra thế nào? Nếu có gì, mình mang bá phụ đi luôn.
Nguyễn Anh nói:
– Âu Lạc huynh nói phải đấy. Chúng ta đi đông người quá bất tiện, chỉ Aâu lạc, Thánh Thiên với ta đi được rồi. Còn các em ở lại... Nhưng chúng ta cần phải xin phép bố đã.
Họ đồng ý như vậy, trở về tìm Nguyễn Trát nhưng không gặp vì ông có việc mới đi khỏi. Phương Dung bàn:
– Chúng ta đi thăm người chứ có đi gây chuyện với ai đâu? Dù bố có biết cũng không trách phạt đâu. Chúng ta làm việc nghĩa hiệp mà. Đại ca, anh cho em đi với.
Nguyễn Anh định từ chối, nhưng khi thấy đôi mắt cầu khẩn của em thì không nỡ, nên gật đầu ưng thuận.
Đợi trời tối, bốn người lên ngựa ra đi. Họ rời khỏi Cối-giang được một lát, bỗng nghe phía trước có tiếng binh khí chạm nhau. Dường như đang có cuộc giao chiến. Nguyễn Anh kinh nghiệm giang hồ nhiều, chàng phất tay ra hiệu cho tất cả rẽ vào rừng, cột ngựa lại, rồi leo lên cây nhìn về phía trước.
Đào Kỳ hỏi:
– Có thấy gì không?
– Có, có hai người đang đuổi theo ba người. Họ chạy ngược về phía ta. Chúng ta nên núp xem sự thể ra sao. Nhất thiết không được lộ hình tích.
Bốn người núp vào bên đường. Đào Kỳ núp bên Phương Dung, lắng tai nghe rồi nói:
– Ba người chạy trước bước chân nhẹ nhàng, dường như họ thuộc phái Sài-sơn. Hai người đuổi sau, bước chân nặng nề, có lẽ họ là người phái Tản-viên.
Một lát, ba người chạy tới, hơi thở đã gấp. Trong đêm tối, Đao Kỳ không phân biệt được họ già hay trẻ, nam hay nữ. Bỗng có tiếng nói:
– Hai người chạy trước đi, ta ở lại cản chúng. Chỉ cần hai người sống sót về báo cho các sư huynh, sư đệ ta biết mà trả thù thì ta cũng mãn nguyện rồi. Chạy mau đi!
Tiếng nói rõ ràng là giọng đàn bà, không già lắm. Lại có tiếng đàn ông nói:
– Mậu ơi, nàng dẫn con chạy trước đi. Ta cố gắng ở lại cản hậu.
Có tiếng con gái đáp:
– Thôi, chúng ta cùng chết cả. Bố, mẹ! Hôm nay con được chết với bố mẹ là sung sướng rồi.
Hai người kia đuổi kịp đến nơi. Người trẻ đi trước nói:
– Vũ Công Chất, hôm nay ngươi phải chết dưới lưỡi gươm của châu Bạch-hạc ta, để mi hối hận về những lời nói vô lễ của mi.
Đào Kỳ nghe giọng rất quen thuộc. Thoáng một cái, nó nhớ ra, đó là gã họ Trần, đệ tử của Đức Hiệp. Gã được lệnh sư phụ đi quy tụ dân, họp thành một châu lớn, rồi hắn làm Châu-trưởng, đó là châu Bạch-hạc.
Nó lẩm bẩm chửi thầm:
– Thì ra bọn Thái-hà trang đang đuổi người ta để bức bách. Nếu cần, ta phải ra tay cứu người.
Lại nghe lão già tên Vũ Công Chất thở dài:
– Ta không hối hận! Con gái ta là ngọc, là ngà trên thế gian, thà chết chứ không chịu làm vợ bọn châu Bạch-hạc các người. Các người có giỏi, cứ vào đi. Ta há sợ gì?
Người đuổi theo thắp lên ngọn đuốc sáng lòa. Đào Kỳ nhận rõ y là một trung niên nam tử khoảng 40 tuổi, khí vũ hiên ngang. Phía sau là một người già đeo bảo đao. Cả hai rút đao xông vào. Vũ Công Chất cũng rút kiếm ra. Thế là năm người nhảy vào hỗn chiến.
Được mười hiệp, bỗng kiếm của thiếu nữ đi với Công Chất bị đánh bay lên trời. Nàng đang luống cuống thì tên trung niên nam tử đã chụp lấy cô cặp vào nách lùi lại phía sau. Vũ Công Chất xả liền ba kiếm để cứu con gái, dường như ông đánh thí mạng, không cần phòng thủ, mặc cho đao của đối phương phóng tới. Trung niên nam tử quát lớn:
– Lão không muốn sống nữa ư?
Choangmột tiếng nữa, kiếm trên tay vợ Vũ Công Chất bị rơi xuống đất. Lão già dí kiếm vào cổ bà. Vũ Công Chất quăng kiếm xuống đất nói:
– Được, ta thua các người. Các người muốn giết ta cứ giết đi. Ta vì trúng độc của người, chứ thực ra, các người không phải là đối thủ của ta. Trần Cảnh Trung, ngươi thực là hèn hạ, thế mà cũng xưng là anh hùng, không ngờ đến đời ngươi lại tàn tệ như thế. Ta, đệ ngũ Thái-bảo phái Sài-sơn, một đời nghĩa hiệp, đâu có sợ chết.
Vũ Công Chất chỉ lão già đi theo Cảnh Trung:
– Ngươi là ai mà lại bịt mặt như vậy? Nếu là anh hùng hảo hán thì mở khăn ra cho ta nhìn mặt?
Người bịt mặt cười ha hả, tiếng cười rung động màng nhĩ mọi người:
– Ta là ai? Không đến cái thứ như ngươi hỏi đến. Sắp chết đến nơi rồi còn lên giọng ngạo mạn.
Vũ Công Chất nói:
– Ngươi tuy bịt mặt, nhưng ta cũng nhận được võ công ngươi. Ngươi dùng nội công của phái Tản-viên, nhưng kiếm pháp của ngươi lại thuộc phái Cửu-chân. Ngươi định gây tội ác rồi đổ cho phái Cửu-chân phải không? Âm mưu của ngươi ta đã biết rồi. Ha...ha...
Người bịt mặt nói:
– Đáng lẽ ta tha cho vợ con ngươi, chỉ giết mình ngươi thôi. Nhưng ngươi đã khám phá ra tông tích của ta, vậy ta phải giết cả nhà ngươi.
Đào Kỳ nghe giọng nói của lão già, chợt rúng động tâm can. Thì ra lão là Đức Hiệp, đại đệ tử của Lê Đạo Sinh.
Đức Hiệp vung đao chém xuống đầu Công Chất. Vũ Công Chất thản nhiên chịu chết. Đào Kỳ thấy vậy, định nhảy ra can thiệp. Bỗng véo một cái, một người từ bóng tối nhảy ra vung tay búng vào kiếm của Đức Hiệp. Thanh kiếm bay khỏi tay y.
Y giật mình nhìn lại. Người búng kiếm của y là một lão già gầy gò. Y buột miệng kêu lên:
– Lục-trúc tiên sinh! Tại sao người lại can thiệp vào chuyện của ta? Giữa Thái-hà trang với châu Bạch- hạc xưa nay không thù, không oán...
Lục-trúc tiên sinh Lê Đạo Sinh chắp tay sau lưng nói chậm rãi:
– Việc thiên hạ thì người thiên hạ can thiệp là chuyện thường. Trần tiên sinh, châu Bạch-hạc của tiên sinh mấy trăm năm nay nổi tiếng giang hồ là hành hiệp trượng nghĩa, tại sao tiên sinh lại hành động đê tiện như thế này?
Trần Cảnh Trung chắp tay xá Đạo Sinh một xá, lùi lại nói:
– Vãn bối tham kiến Lục Trúc tiên sinh. Tiên sinh là cao nhân đương thời, xin tiên sinh chủ trì cho một việc. Vãn bối, về võ công, tư cách cũng không đến nổi nào. Vãn bối nghe Vũ Công Chất có người con gái là Vũ Trinh Thục, vãn bối mang lễ đến cầu hôn để kết thân giữa hai nhà Trần-Vũ, sau để nối thêm tình giữa hai trang Phượng-lâu với châu Bạch-hạc. Việc cầu hôn là sự thường, đồng ý hay không là tuỳ lão. Không ngờ lão kiêu ngạo, chửi bới người mai mối, còn đánh đến bị thương. Cái nhục ấy, vãn bối không trả sao được?
Đạo Sinh nói:
– Vũ tiên sinh tuy có nóng giận, nhưng Trần-châu trưởng cũng không nên vì thế mà giết người. Lão cả gan dám xin Trần tiên sinh cho Vũ tiên sinh thuốc giải.
Trần Cảnh Trung móc trong túi ra hai viên thuốc đưa cho vợ chồng Vũ Công Chất:
– Đây là thuốc giải. Ta vì nể lời Lục-trúc tiên sinh mà cho vợ chồng ngươi.
Vợ chồng Vũ Công Chất cầm lấy thuốc cho vào miệng uống.
Trần Cảnh Trung và người bịt mặt chắp tay vái Lê Đạo Sinh:
– Xin hẹn ngày tái ngộ.
Đạo Sinh rút trong túi ra một thẻ tre, trên có khắc chữ, đưa cho Cảnh Trung rồi nói:
– Trần châu trưởng, hiện thời đất Lĩnh Nam các gia, các phái, lại thêm các động, các châu có đến hàng ngàn. Anh hùng Lĩnh Nam không thiếu gì người tài, thế mà Kiến Vũ thiên tử và triều đình nghe lời xàm tấu của các quan lại người Hán, coi chúng ta như những bọn man di, ban lệnh cấm tập võ. Vì vậy, lão phu dự định tổ chức một đại hội, bầu lấy người minh chủ, rồi cử một phái đoàn sang Trung-nguyên, tâu xin thiên tử cho phép được tập võ.
Trần Cảnh Trung tiếp thẻ tre, hỏi:
– Vãn bối tưởng rằng Ngũ-lệnh của Tô thái thú cấm tập võ, chứ không phải là của Kiến Vũ thiên tử?
Lê Đạo Sinh lắc đầu:
– Không phải thế đâu, Châu trưởng. Tô thái thú ban hành lệnh cấm tập võ là do chỉ dụ của Kiến Vũ thiên tử. Lĩnh-nam công đã thượng tấu về triều để xin chỉ dụ chính thức. Còn lệnh cấm tập võ, ngài coi như của Tô thái thú, nên đã thu hồi. Vì vậy, tôi định tổ chức đại hội vào ngày 15 tháng tám sang năm tại Tây-hồ. Xin Châu trưởng tới dự.
Trần Cảnh Trung và Đức Hiệp cầm thẻ tre, chắp tay nói:
– Vãn bối xin tuân lệnh tiên sinh.
Vũ Công Chất chấp tay hướng về phía Đạo Sinh hành lễ:
– Đa tạ Lục-trúc tiên sinh cứu mạng.
Đạo Sinh phất tay làm hiệu. Phía sau có bốn người xuất hiện. Y ra lệnh:
– Các người mau đem kiệu của ta đưa Vũ tiên sinh về Thái-hà trang dưỡng thương.
Đợi cho bọn Đạo Sinh đi rồi, Đào Kỳ, Nguyễn Anh, Phương Dung, Thánh Thiên mới từ bụi rậm chui ra. Nguyễn Anh nói:
– Cái tên bịt mặt là ai? Kiếm thuật của y đúng là phái Cửu-chân, nhưng nội công của y lại thuộc phái Tản-viên. Âu Lạc huynh, anh là người thông thạo võ công nhiều phái, anh có biết lai lịch y không?
Đào Kỳ gật đầu:
– Tôi biết rất rõ. Y họ Lê tên Đức Hiệp, đại đệ tử của Lê Đạo Sinh. Y hiện thống lĩnh Thái-hà trang, thay sư phụ. Mọi việc của Thái-hà, y quyết đoán hết. Võ công y rất cao thâm.
Thánh Thiên vò đầu:
– Thực khó hiểu. Lão bịt mặt là Đức Hiệp giúp Trần Cảnh Trung, trong khi đó, sư phụ lão là Lục-trúc tiên sinh lại cứu Vũ Công Chất. Thế là thế nào?
Đào Kỳ cũng không hiểu, nói:
– Trần Cảnh Trung là đệ tử đời thứ hai của Lê Đạo Sinh. Y vâng lệnh Thái sư phụ lên mạn ngược, tập họp dân chúng, kết các động lẻ tẻ lại thành châu Bạch-hạc, đặt thuộc quyền Thái-hà trang.
Phương Dung nãy giờ im lặng, bây giờ mới lên tiếng:
– Em thử giải đoán xem có đúng không nghe. Lục-trúc tiên sinh cho năm đệ tử ra làm Huyện-uý, cầm quân năm huyện. Người lại cho năm đệ tử đi gom dân lập trang, ấp, thống nhất các động nhỏ thành châu. Thế lực của người ngày một lớn. Người muốn đi đến một bước nữa là thống nhất các môn phái Lĩnh Nam. Phái nào người cũng có chân tay, vì thế, người thao túng được cả. Duy có phái Sài-sơn, tám vị Thái-bảo đạo cao đức trọng, chưa chịu tuân phục nên người tìm cách mua chuộc tình cảm. Vì vậy, người sai Trần Cảnh Trung cùng Đức Hiệp bày ra việc cầu hôn, gây xích mích, rồi người đứng ra cứu Vũ Công Chất, như thế là vị đệ ngũ Thái-bảo phái Sài-sơn đã nằm trong tay người.
Đào Kỳ kêu ủa một tiếng đầy vẻ ngạc nhiên. Vì Nguyễn Trát thân với Hoàng Đức, kính trọng Lục-trúc tiên sinh là bề trên, trong khi Phương Dung lại nhìn y như một tên nguÿ quân tử. Nàng giải đoán sát với những hành động ám muội của Lê Đạo Sinh.
Nguyễn Anh lắc đầu:
– Ta không đồng ý. Lục-trúc tiên sinh là một bậc khiêm khiêm quân tử, tiếng tăm nghĩa hiệp lừng thiên hạ. Không bao giờ người lại có những thủ đoạn đê hèn như thế.
Phương Dung cười:
– Anh cả! Anh đừng lấy lượng quân tử mà đo lòng người. Phải nhìn vào sự thực mới được. Chuyện trước mắt: Lê Đạo Sinh giả nhân giả nghĩa, rồi Đức Hiệp trùm khăn đánh người, thế mà anh còn tin tưởng y ư?
Thánh Thiên thêm vào:
– Chị phải về thưa với cữu phụ ngay để người lột mặt nạ Lê Đạo Sinh mới được.
Đào Kỳ hỏi:
– Chị Thánh Thiên, cậu của chị là ai vậy?
Phương Dung đáp thay:
– Cậu của chị Thánh Thiên cũng là sư phụ của chị. Ngài là một người lừng danh thiên hạ. Ngài chính là đệ tam Thái-bảo phái Sài-sơn, họ Trần tên Công Minh. Ngài hiện đang điều khiển nghĩa quân ở châu Ký-hợp, xưng là Nam Thành vương, đã đánh quân Hán nhiều trận kinh thiên động địa.
Đào Kỳ kêu lên:
– Nam Thành vương à? Tôi đã nghe bố tôi nhắc đến nhiều lần.
Thánh Thiên thở dài:
– Âu Lạc, chị vẫn chưa biết tên họ em là gì đấy!
Cả bọn lấy ngựa, tiếp tục lên đường về Cổ-đại để dọ thám tin tức gia đình Thánh Thiên. Họ đi rất nhanh, khoảng giờ Tý đã tới Cổ-đại.
Thánh Thiên cho buộc ngựa nơi cây bàng trước chợ, rồi nói:
– Sư huynh Nguyễn Anh ở đây giữ ngựa, em với Âu Lạc, Phương Dung về nhà dò thám xem sao.
Nguyễn Anh đồng ý. Cả bọn men theo bờ của trang vào nhà. Họ cùng nhảy qua hàng rào trúc tới sân. Thánh Thiên khẽ gõ cửa ba tiếng. Không thấy ai trả lời. Nàng lại gõ ba tiếng nữa. Trong nhà vẫn im lìm.
Nàng nóng nảy dùng tay đẩy mạnh cửa. Cánh cửa kêu kẹt một tiếng rồi mở tung ra. Nàng nhảy vào nhà, dùng đá đánh lửa lên soi khắp nơi, nhưng vẫn không thấy cha nàng. Đồ đạc trong nhà đổ ngổn ngang. Cả bàn thờ tổ tiên cũng sập xuống, chứng tỏ tại đây trước đó đã có trận đánh khá dữ dội.
Phương Dung tìm ra vết máu ở giữa nhà. Đào Kỳ tìm ra một thanh kiếm gẫy. Thánh Thiên nhận ra đó là thanh kiếm của cha nàng. Phương Dung suy nghĩ rồi nói:
– Kẻ địch với sư bá có quen biết, và có hai người, nên trên bàn có ba chén nước chưa uống. Em đoán như thế này: Kẻ thù tới chơi, thương thảo một việc gì đó với sư bá. Sau đó sư bá không đồng ý, mới xảy ra trận đấu. Sư bá dùng kiếm đã đánh một đối thủ bị thương, vì vậy kiếm của sư bá có vết máu. Một trong hai đấu thủ có chưởng lực hùng hậu, thuộc loại dương cương nên mới đánh vỡ được bàn thờ. Rồi sau đó, diễn biến thế nào thì không biết.
Ngừng một lát, Phương Dung tiếp:
– Nhất định sư bá bị bắt chứ không phải bị giết. Nếu bị giết thì xác còn đây. Nếu sư bá không bị bắt thì đã trở về đây bày lại bàn thờ tổ tiên. Vì người Việt chúng ta dù còn một chút hơi tàn, khi thấy bàn thờ tổ tiên bị đổ ngổn ngang, cũng phải bày lại.
Phương Dung suy nghĩ, rồi tiếp:
– Chúng ta thử đoán xem kẻ thù là người Hán hay người Việt? Thêm nữa, kẻ thù còn là người thân nên mới được sư bá pha trà tiếp đãi. Nếu kẻ thù là người Hán, quyết lão bá không cho vào nhà, chứ đừng nói tới mời uống nước. Sau khi chủ khách phân ngôi, chúng mới đề nghị một việc gì đó, sư bá không chấp thuận, nên xảy ra cuộc chiến, rồi sư bá bị bắt.
Thánh Thiên nói:
– Võ công của bố chị không lấy gì làm cao cho lắm, nên cao thủ bậc trung cũng dư hại người.
Đào Kỳ nói:
– Chúng bắt lão bá đi là vì chị Thánh Thiên, quyết chúng không hại lão bá đâu.
Đào Kỳ, Phương Dung giúp Thánh Thiên dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, đóng cửa cẩn thận, rồi cùng trở lại chỗ Nguyễn Anh đang chờ. Từ xa đã nghe thấy tiếng binh khí chạm nhau. Cả ba chạy vội lại. Nguyễn Anh đang dùng kiếm đấu với hai người mặc theo Việt và một người mặc theo Hán. Nguyễn Anh đã có vẻ luống cuống lắm rồi.
Phương Dung nói:
– Âu Lạc, võ công anh cao nhất, đứng ngoài lược trận, đề phòng địch có cứu viện và đừng cho chúng chạy. Để em với Thánh Thiên nhập cuộc được rồi.
Nói rồi, Phương Dung rút kiếm hô lớn:
– Anh cả đừng sợ, có em đây.
Lời vừa dứt, ánh kiếm loáng véo một tiếng, đâm thẳng vào lưng tên Hán. Tên này thu côn trở về gạt kiếm của Phương Dung, đáng choang một tiếng. Phương Dung cảm thấy cánh tay tê chồn, suýt nữa văng mất kiếm. Đào Kỳ đứng ngoài ngẫm nghĩ:
– Kiếm pháp của Long-biên lấy mau thắng chậm, lấy nhu chế cương mà Phương Dung lại dùng sức, thành ra lấy cái sở đoản của mình chọi với sở trường của địch, hỏng mất. Ta phải nhắc nàng mới được.
Nghĩ rồi, Đào Kỳ hô lớn:
– Phương Dung, Tam hư thất thực.
Phương Dung tỉnh ngộ. Đánh ra liên tiếp ba hư chiêu, tên Hán tưởng nàng đánh thực, vội vung côn đỡ. Y đã mất khá nhiều sức, đến chiêu thứ tư y cho rằng Phương Dung vẫn đánh hư chiêu, nên côn đến nửa chừng thì thu về. Không ngờ chiêu đó lại là thực. Xoẹt một tiếng, kiếm đâm rách vai áo y, máu chảy ròng ròng. Y tức quá chửi lớn:
– Con bà nó, con nhỏ Nam man.
Rồi y vung côn đập chát, chát. chát, ba lần.
Đào Kỳ lại hô lên:
– Tam hư, thất hư.
Phương Dung hiểu ý, đánh toàn hư chiêu. Chỉ một lát thì tên cầm côn mệt nhừ, lùi dần về một góc. Còn tên Việt đánh với Thánh Thiên ngang sức. Đào Kỳ nhận thấy y sử dụng võ công của phái Tản-viên, bản lĩnh y cũng vào loại bình thường. Tuy y dùng kiếm, nhưng nguyên lý vẫn nằm trong võ công Văn-lang. Còn Thánh Thiên sử dụng võ công Sài-sơn rất thành thạo nên hai người ngang nhau. Về phía Nguyễn Anh thì chàng đàn áp đối phương không còn đường chống chọi.
Được thêm vài hiệp, tên Hán hô lớn:
– Chạy!
Y chém bậy một đao rồi bỏ chạy. Nhưng y bỗng đâm sầm vào một người dù y đã cố gắng dừng lại để khỏi đụng vào người đó, nhưng không kịp nữa. Hai người đụng vào nhau đánh bộp một cái, người y văng trở lại, lộn đi hai vòng. Y đành buông tay nói:
– Ta chịu thua.
Nguyên khi thấy tên Hán bỏ chạy, Đào Kỳ nhảy ra chặn đường, định bắt sống. Không ngờ y mải chạy, không nhìn thấy Kỳ, nên đụng vào người chàng. Công lực y yếu hơn nên bị văng trở lại, bị Phương Dung dí kiếm vào cổ.
Tên đánh với Thánh Thiên nghe đồng bọn hô chạy, y chém bậy một kiếm rồi biến vào đêm tối.
Đào Kỳ quay lại xem Nguyễn Anh thế nào thì thấy Nguyễn Anh đã bắt được tên đánh với chàng.
Phương Dung nói:
– Đại ca, anh ở ngoài này giữ ngựa, tại sao lại xảy ra cuộc đụng độ? Chúng là ai?
Nguyễn Anh nói:
– Ta đang đứng giữ ngựa, không hiểu ba tên này ở đâu tới, xông vào đánh. Chúng không nói một lời nào cả.
Phương Dung bàn:
– Chúng ta đưa hai tên này vào nhà chị Thánh Thiên thẩm vấn xem chúng là ai? Tại sao lại tấn công chúng ta?
Vào nhà Thánh Thiên, Phương Dung đốt đèn lên. Nàng điệu một tên ra ngồi đối diện, rồi rút kiếm nhắm người y đâm một nhát nhanh như chớp. Y sợ quá hét lên, nhưng Phương Dung đã thu kiếm về, cười hì hì. Rồi nàng ra trước sân, chặt một cây trúc, cắt thành từng đoạn ngắn, dài khoảng hơn gang tay, một đầu vót thực nhọn.
Thánh Thiên, Nguyễn Anh và Đào Kỳ đều không hiểu nàng định làm gì. Nhưng họ biết Phương Dung hành sự quái dị, mưu kế không biết đâu mà lường, nên đành ngồi nhìn xem nàng định làm gì.
Phương Dung hỏi Thánh Thiên:
– Nhà chị có chày giã cua không? Chị cho em mượn.
Thánh Thiên không biết Phương Dung định làm gì, nhưng nàng chắc rằng cô bé này định bày trò doạ mấy tên bị bắt. Nàng vội xuống bếp lấy cái chày giã cua đưa lên.
Phương Dung cầm một đoạn trúc, chĩa đầu nhọn xuống đất, vận kình đóng chày vào đầu kia. Đoạn trúc ngập xuống tận đuôi. Nàng cầm một đoạn trúc khác ướm thử lên đầu tên Hán, dơ chày định nện xuống. Thánh Thiên vội kêu lên:
– Đừng em, không nên.
Tên quân Hán cũng kêu lên:
– Đừng, cô nương, đừng làm thế!
Phương Dung cười:
– Tại sao lại không được? Cái chày này đóng đoạn trúc vào giữa đỉnh đầu thì khi ta hỏi ngươi mới khai thực. Nếu không, ngươi sẽ nói láo.
Tên quân Hán bở viá, lắp bắp:
– Cô nương hỏi gì, tiểu nhân xin nói thực hết.
Phương Dung cười:
– Ta hỏi một câu, mi trả lời một câu. Nếu mi nói láo một câu, ta sẽ đóng vào đầu mi một đoạn trúc. Mi nói sai hai câu, ta đóng vào mắt trái. Mi nói sai ba câu, ta đóng vào mắt phải, mi nhớ không? Tên mi là gì?
– Dạ, thưa cô nương, tiểu nhân là La Quý.
– Mi làm việc ở đâu?
– Dạ, thưa thuộc Long-biên.
– Mi làm dưới quyền ai?
– Thưa, thuộc giám sở Tế-tác huyện Long-biên.
– Ai là người cầm đầu mi?
– Thưa, Huyện-úy Hoàng Đức.
– Ai sai mi đến đây? Tại sao lại tấn công chúng ta?
– Thưa, Huyện-uý sai chúng tôi đến đây, gặp ai vào nhà này, phải bắt giải về huyện.
Nguyễn Anh bàn với Phương Dung:
– Huyện-uý Long-biên là Hoàng Đức, đệ tử Lê Đạo Sinh, không lẽ tiên sinh lại hại chúng ta? Tiên sinh phải biết chúng ta là người phái Long-biên chứ?
Đào Kỳ nghĩ được một kế, nói với hai tên đó:
– Như vậy, chúng ta hiểu lầm rồi. Hai vị đại ca, chúng tôi xin lỗi đại ca nghe. Chúng tôi là người của Huyện-úy Bắc Đái sai đến đây. Không ngờ các vị đánh lầm mà thành cớ sự. Thôi, hai vị về đi, cho chúng tôi gửi lời chào Hoàng Đức tiên sinh.
La Quýmắt sáng lên hỏi:
– Thế công tử cũng quen thân với đại nhân Hoàng Đức ư?
Đào Kỳ gật đầu:
– Cho tôi gửi lời thăm cô nương Minh Châu, ái nữ của Hoàng đại nhân.
Nói rồi, Đào Kỳ cởi trói cho chúng. Chúng nghe Đào Kỳ hỏi thăm Minh Châu liền tin ngay chàng là người nhà.
– Thì ra cùng người nhà cả.
Nói rồi chúng lượm vũ khí, phóng vào đêm tối.
Đợi hai tên đi rồi, Nguyễn Anh hỏi:
_ Âu Lạc, anh thân quen với Huyện-úy Bắc-đái và Long Biên đấy à?
Đào Kỳ lắc đầu:
– Huyện-úy Bắc-đái là Chu Bá, con rể Lê Đạo Sinh. Huyện-úy Long-biên là Hoàng Đức, lại là đệ tử của y. Chúng ta bắt được người của Hoàng Đức, nếu giết đi, chúng sẽ truy tầm lôi thôi. Chi bằng tha chúng ra cho êm chuyện. Muốn tha chúng, ta dùng kế Hư hư, thực thực, để chúng nhức đầu không tìm ra ta là ai.
Phương Dung gật đầu:
– Chúng ta đợi thân phụ về, thỉnh thị ý kiến mới được. Như vậy, thân phụ chị Thánh Thiên bị Huyện-úy Long-biên bắt rồi.
Bốn người về đến nhà thì trời vừa sáng. Nguyễn Trát dậy uống trà. Ông gọi bốn người vào sảnh đường hỏi:
– Hôm qua, các con đi thám thính tình hình bên nhà Thánh Thiên, đã giao tranh với ai?
Phương Dung hỏi:
– Bố ơi, sao bố biết?
Nguyễn Trát nói:
– Gì mà không biết? Các con đi từ chập tối, nếu không có gì trở ngại, đã trở về trước nửa đêm. Đến giờ mới về, chắc là gặp địch thủ rồi đánh nhau nên mới lâu thế.
Nguyễn Anh kể lại hai vụ đêm trước. Vụ Châu-trưởng Bạch-hạc đánh Vũ Công Chất và vụ người sở Tế tác Long-biên do Hoàng Đức sai đến bắt cha Thánh Thiên. Nguyễn Trát cau mày suy nghĩ nửa buổi không ra.
Đào Kỳ nói:
– Thưa lão bá, cháu có một điều muốn hỏi lão bá: Lục-trúc tiên sinh là người tốt hay xấu?
Nguyễn Trát nói:
– Thì dĩ nhiên là người tốt rồi. Sỡ dĩ người đời tôn ông là Lục-trúc tiên sinh, vì trong kinh Thi có câu:
Chiêm bỉ kỳ úc,
Lục trúc a a,
Hữu phỉ quân tử,
Như thiết, như tha,
để ca tụng đức độ của ông. Ông hiện là Thái sư thúc của chưởng môn Tản-viên, sư thúc của Đặng Thi Kế và Nguyễn Thành Công. Hai người này năm trước đây đã đoạt chức Lĩnh Nam võ công đệ nhất. Ông tuy làm quan với Hán nhưng đối với dân Việt như ruột thịt. Suốt bao năm qua đã bao che cho chúng ta.
Đào Kỳ định nói vụ bí mật ở Thái-hà trang ra, nhưng lại thôi.
Nguyễn Trát bỗng thở dài:
– Môn phái ta mới nhận được thư của Lục-trúc tiên sinh Lê Đạo Sinh mời đến 15 tháng tám sang năm họp nhau ở Tây-hồ, tìm phương sách tâu với Kiến Vũ hoàng đế, xin hủy bỏ lệnh cấm tập võ. Trong thư mời có nói rõ chỉ thỉnh đệ nhất cao nhân của môn phái, chứ không phải chưởng môn. Do vậy, phái Long-biên chúng ta có nhiều điều không ổn.
Đào Kỳ giả vờ như không biết, hỏi:
– Cháu tưởng người chưởng môn là đệ nhất cao nhân chứ còn ai nữa?
Nguyễn Trát lắc đầu:
– Cháu không biết đấy thôi. Người chưởng môn phái Long-biên bao giờ cũng được truyền hai võ công trấn môn. Một là bài tổng quyết về biến hoá kiếm thuật, hai là 72 thức kiếm căn bản. Tất cả các đệ tử đều được học kiếm, quyền, nội công như nhau. Riêng người được truyền ngôi chưởng môn thì được biết bài quyết về biến hoá kiếm thuật. Khi biết bài quyết này, kiếm thuật trở thành huyền ảo vô cùng. Lại nữa, những thế kiếm rời rạc, khi sử dụng cứ phải đánh từng thế một. Nhưng nếu muốn sử dụng những thế kiếm đó thành một mạch như mây trôi, như nước chảy, thì phải có 72 thức kiếm trấn môn. Chỉ 72 thức đó thôi, có thể nối liền các thức khác thành một dây liên miên bất tuyệt. Tuy nói rằng 72 thức, chứ mỗi thức có 36 chiêu, tổng cộng 2.592 chiêu. Mỗi chiêu lại phân âm dương thành 5.184 chiêu. Cứ tam hư, thất thực thành 15.552 chiêu hư, 36.309 chiêu thực. Kiếm pháp Long Biên lấy mau thắng chậm, chiêu số lên tới 51.861 chiêu, thì đối thủ còn biết đường nào mà mò nữa? Chính với kiếm pháp này, năm xưa Vạn-tín hầu mới thắng hết các cao thủ của Tần Thuỷ Hoàng, thắng luôn cả phò mã Sơn Tinh của Văn-Lang.
Đào Kỳ đã nghe Nguyễn Phan nói về nguyên lý này. Chính ông đã dạy kiếm pháp cho chàng. Nhưng Nguyễn Phan cũng quên mất một số câu quyết về nội công. Khi Đào Kỳ khám phá ra những thẻ đồng trong cây gậy thời Văn-lang thì chàng được học đầy đủ nội công âm nhu. Nhưng những câu quyết về biến hoá, nếu không được Nguyễn Phan giảng dạy, thì chàng cũng không hiểu gì. Vì bài quyết biến hoá, người xưa đã dùng thuật ngữ riêng biệt để chép phòng lỡ ra người ngoài bắt được thẻ đồng cũng vô dụng. Chàng đã được Nguyễn Phan giảng giải, nên hiểu hết. Bây giờ, nghe Nguyễn Trát nói, chàng không ngạc nhiên cho lắm.
Phương Dung hỏi Đào Kỳ:
– Hồi đêm, anh đánh với tên Hán, tại sao anh biết để nhắc em câu Tam hư, thất thực. Em sử dụng lý thuyết đó, thắng tên Hán dễ dàng. Anh biết kiếm pháp Long-biên à?
Nguyễn Trát giật mình nhìn Đào Kỳ:
– Này cháu, hôm trước ta đối chưởng với cháu, thấy trong chưởng lực có hòa lẫn dương cương với âm nhu. Dương cương thì giống như Tản-viên và Cửu-chân, còn âm nhu thì rõ ràng của Long-biên nhà ta. Đã mấy hôm nay ta cố suy nghĩ mà không tìm ra nguyên do. Hôm đó, ta có hỏi là cháu học võ với ai, cháu đã nói là có nỗi khổ tâm không thể nói ra. Cứ như ta suy nghĩ, nội công của cháu bao gồm cả Cửu-chân lẫn Tản-viên. Hồi đầu ta nghi cháu là đệ tử của Đào Thế Kiệt nhưng sau thấy không phải. Ta đã đấu với Đào Thế Kiệt trên trăm chiêu, nhưng chưởng lực của y thấp hơn ta một bậc. Còn hôm đó chiết chiêu với cháu, ta thấy nội công cháu thâm hậu hơn ta. Nội công của cháu không bằng Lê Đạo Sinh, nhưng ngang với Đặng Thi Kế và Nguyễn Thành Công, hơn ta nhiều. Về nội công âm nhu hôm đó cháu sử dụng mới hai thành công lực nhưng đã hơn ta. Trên đời này, dù sư phụ ta sống lại cũng không bằng cháu. Chỉ có Thái sư phụ là có thể hơn cháu mà thôi.
Ngừng lại giây lát, ông nói tiếp:
– Cháu mới ngần này tuổi, võ công đã đến trình độ đó thì chỉ vài năm nữa, ngay đến Lê Đạo Sinh cũng thua cháu. Ta tự hỏi ai là sư phụ cháu? Về âm nhu, ta có thể nghi cháu được Thái sư phụ ta hiện còn tại thế, ẩn nấp ở đâu đó truyền thụ cho. Thuyết này khả dĩ tạm vững. Nhưng còn nội công dương cương, cháu học ai? Ta nghi phải hợp cả Đào Thế Kiệt với Đặng Thi Kế lại mới bằng cháu. Cháu lại biết Ngưu phục thần chưởng, cả những chiêu mà Lê Đạo Sinh cũng không biết thì thực kỳ lạ.
Đào Kỳ thầm khâm phục kiến thức của Nguyễn Trát. Nó nghĩ thầm:
– Các chưởng môn của Lĩnh Nam đều là những nhân vật kỳ vĩ ở thế gian này. Bố ta thì văn võ toàn tài, thao lược xuất chúng. Người lại thương đệ tử, yêu dân như yêu con. Chưởng môn phái Hoa-lư Cao Cảnh Sơn thì hào sảng, nhã lượng, cao trí. Chưởng môn phái Tản-viên Đặng Thi Sách thì hùng tâm, lược tài, cùng vợ là Trưng Trắc đang mưu đồ phản Hán phục Việt, khắp nơi cúi đầu tuân phục. Còn Nguyễn Trát, chưởng môn phái Long-biên kiến thức uyên bác, lòng dạ quảng đại. Chỉ gặp ta một lần, đưa ta về trang, đãi như thượng khách, không nghi ngờ gì cả. Người như vậy thực hiếm có.
Thông thường, cứ trời sắp tối, Nguyễn Trát tập trung các đệ tử lại giảng võ đường để giảng dạy. Đào Kỳ là người khác phái, nên chàng tránh xa. Hôm ấy chàng hơi mệt nên về phòng ngủ trước. Một lát sau, chàng tỉnh dậy, khi nhìn sang giảng võ đường thấy còn đèn sáng. Chàng rón rén lại gần ghé mắt nhìn vào, thấy Nguyễn Trát đang bảo Nguyễn Anh:
– Để hiểu rõ Âu Lạc hơn, bây giờ con giả làm La Quý cầm côn đấu với Phương Dung. Đến chỗ nào Âu Lạc nhắc Phương Dung thì cho ta biết.
Đào Kỳ giật mình vì họ đang tìm hiểu chàng. Nguyễn Anh cầm côn hướng về phía cha làm lễ, đứng chờ đợi. Phương Dung cũng rút kiếm hành lễ rồi đứng chờ. Nguyễn Trát quát lên:
– Xuất chiêu!
Nguyễn Anh diễn lại những chiêu của La Quý không sai một chút. Sau bảy chiêu, chàng dồn Phương Dung vào góc. Chàng ngừng lại nói:
– Đến đây thì Âu Lạc nhắc Phương Dung Tam hư, thất thực.
Rồi chàng ra chiêu như La Quý, còn Phương Dung chiêu kiếm hư hư, thực thực ước khoảng mười chiêu nữa, Nguyễn Anh nói:
– Đến đây, Âu Lạc nhắc Phương Dung Thất hư, thất thực.
Phương Dung đổi kiếm pháp. Được vài chiêu nữa, cả hai cùng ngừng lại, bái tổ rồi cất vũ khí vào giá.
Nguyễn Trát thở dài:
– Phương Dung sử dụng kiếm rất đúng quy củ. Nhưng giữa hai chiêu Xuân đáo hoa khai và Xuân khứ hoa lạc có khoảng trống lớn. Âu Lạc đã nhắc Tam hư, thất thực chính là yếu quyết trấn môn của phái Long Biên. Về sau y nhắc Thất hư, thất thực cũng là một yếu quyết đó. Như vậy, y thông thạo hết 72 chiêu kiếm trấn môn và nội công của bản môn.
Phương Dung hỏi:
– Bố ơi, thế tại sao bố không truyền thuật đó cho chúng con?
Nguyễn Trát nói:
– Một là bố không biết, hai là bố có biết cũng chỉ truyền cho người thừa kế chưởng môn, chứ không truyền cho con.
Nguyễn Hùng hỏi:
– Tại sao bố là chưởng môn lại không biết?
Nguyễn Trát thở dài:
– Nguyên Thái sư phụ của cha tự nhiên mất tích. Các đệ tử của ngài họp nhau để bầu người chưởng môn. Cuộc bầu này bất thành vì chẳng ai chịu ai. Cuối cùng đi đến giải quyết bằng võ công. Sư phụ của ta đã thắng một sư huynh, một sư đệ, và một sư muội, giữ chức chưởng môn. Các vị đó giận dỗi bỏ đi phiêu bạt các nơi. Do vậy, môn phái ta yếu đi nhiều. Năm trước đây, ta với sư đệ, dự đại hội Lĩnh Nam, chiếm được ghế Lĩnh Nam đệ nhị võ công cũng có chút danh. Nhưng...
Nguyễn Trát buồn rầu nói tiếp:
– Nay đại hội Tây-hồ sắp đến, các vị sư bá, sư thúc của ta cho người nhắn rằng sẽ trở về đây để nhận nhiệm vụ cao nhân nhất phái Long-biên. Ta biết các vị sẽ tranh đoạt chức chưởng môn với ta. Chức chưởng môn không có gì quan trọng, nhưng những vị sư bá, sư thúc của ta hiện là những người làm việc với người Hán. Phái Long-biên chúng ta chủ trương phục quốc, chống Hán phục Việt, mà nay có vị chưởng môn làm việc với Hán thì còn gì là Long-biên nữa? Ngày mai, sư đệ Phan Đông Bảng sẽ đến đây bàn cách đối phó với biến cố này.
Chiều hôm sau, Phương Dung đến rủ Đào Kỳ ra bờ sông chơi. Đi cạnh Phương Dung, chàng chợt nhớ tới Tường Quy và buông tiếng thở dài. Phương Dung là một thiếu nữ cực kỳ thông minh, khi thấy Đào Kỳ thở dài liền hỏi:
– Em thường thấy anh thở dài. Người ta có khi thở dài vì xa cha mẹ, quê hương, có khi thở dài vì tình trường bất như ý. Anh... anh có thể nói cho em nghe được không?
Đào Kỳ nhìn thẳng vào mặt Phương Dung hỏi:
– Tại sao em biết anh có hai cái buồn khác nhau như vậy?
Phương Dung vênh mặt lên, ánh mắt nàng chiếu sáng ngời:
– Có gì mà không hiểu? Khi anh nhìn trời đất bao la, nét mặt đăm chiêu mà thở dài, là nhớ đến cha mẹ. Còn khi mắt anh gần như nhắm lại, hoặc nhìn ra xa xuất hồn, mặt hiện nét nhu mì là anh nhớ người yêu. Âu Lạc, anh có thể cho em biết về mối tình đã làm anh đau khổ không?
Đào Kỳ thở dài:
– Cách đây một năm, anh làm nô bộc cho người ta. Tại trang của người, anh gặp một thiếu nữ. Nàng là cháu trang chủ. Anh và nàng thương yêu mặn nồng. Nàng thường đánh đàn cho anh nghe.
Phương Dung hỏi:
– Nhưng vì địa vị khác nhau nên trang chủ không cho anh và nàng thành vợ chồng có đúng không?
Đào Kỳ lắc đầu:
– Không, nàng đã có vị hôn phu và dường như sau đó hai tháng nàng sẽ lên đường về nhà chồng.
Phương Dung càng thắc mắc:
– Với võ công của anh như vậy, tại sao anh không cùng nàng trốn đi, ai làm gì được anh?
Câu nói của Phương Dung làm Đào Kỳ giật mình nghĩ thầm:
– Cô bé này thực là người có óc nổi loạn, dám bàn đến chuyện trai gái bỏ nhà đi với nhau.
Thời bấy giờ, uy quyền cha mẹ rất lớn, con cái phải nhất nhất tuân theo, mà Phương Dung dám bàn đến chuyện trốn đi, đó là điều Đào Kỳ không tưởng tượng nổi.
Đào Kỳ tỉnh ngộ:
– Ừ nhỉ, tại sao ta không làm thế? Không biết bây giờ có còn kịp không?
Phương Dung hỏi:
– Anh Âu Lạc, sau này lớn lên anh sẽ làm gì?
Đào Kỳ đáp không suy nghĩ:
– Anh sẽ đuổi người Hán, phục hồi lại nước Âu- lạc.
Phương Dung ngắt lời:
– Âu-lạc hay Văn-Lang?
– Âu-lạc cũng được. Văn-Lang cũng thế, có khác gì đâu?
Phương Dung nói:
– Em thấy người Việt nào cũng nghĩ vậy. Thế nhưng trên đất Việt này, cứ một Hán thì có tới cả vạn Việt. Nếu tất cả người Việt cùng ào lên bắt người Hán, thì chỉ mấy khắc là thành. Nhưng không ai đứng ra hô hào cả. Dù có người đứng ra, nhưng những người khác cũng không nghe theo.
Đào Kỳ giật mình tỉnh ngộ. Cô bé này nói phải. Nếu bây giờ có người đi ước hẹn các gia, các phái, đồng nhất loạt nổi dậy thì việc phục hồi đất nước đâu có khó gì?
Phương Dung nói:
– Anh Âu Lạc này, nghe cha nói võ công anh cao lắm phải không? Cha đấu chưởng với anh còn bị thua, vậy anh dạy em đi.
Đào Kỳ gật đầu:
– Em muốn học võ công gì nào?
– Nhưng anh có những võ công gì đã?
Đào Kỳ thấy Phương Dung ánh mắt đầy vẻ quyến rũ, mơ màng, nên thấy không nỡ nói dối nàng:
– Anh biết quyền pháp, kiếm pháp, nội công của phái Cửu-chân. Anh biết chưởng pháp, cầm nã pháp, kiếm pháp, nội công của phái Tản-viên.
Phương Dung hỏi:
– Võ công của hai phái Hoa-lư và Tản-viên đều thuộc Văn-Lang, vậy võ công hai phái đó có gì khác nhau không?
Đào Kỳ nói:
– Trước đây chỉ có võ công Văn-Lang. Nhưng từ khi vong quốc, các hào kiệt Văn-Lang phiêu bạt, thành lập nhiều môn phái khác nhau. Sau thống nhất lại còn Hoa-lư và Tản-vên. Thoạt kỳ thuỷ họ giống nhau. Nhưng khi vong quốc, mỗi tướng có một sở trường, một trí nhớ khác nhau nên họ truyền lại cho đệ tử cũng khác. Rồi từ đó đến nay, trên 200 năm, các đời sau thêm thắt, sáng chế thêm nên khác nhau.
Phương Dung hỏi:
– Thế sư phụ anh là ai?
Đào Kỳ nói:
– Ahh không có sư phụ. Chỉ nhờ cơ duyên mà thôi.
Phương Dung nói:
– Bố em bảo võ công Long-biên không dùng sức, chỉ dùng mau thắng chậm, cho nên, nếu là đệ tử thấp như em mà được truyền bài quyết và 72 thức kiếm trấn môn thì cũng thành anh hùng vô địch.
Đào Kỳ suy nghĩ:
– Bài quyết và 72 thức kiếm trấn môn của Long- biên hiện Đạo Sinh cũng đang muốn có. Vì muốn, nên y đã giam Nguyễn Phan hơn mười năm nay rồi. Có ngờ đâu Nguyễn Phan lại dạy cho ta. Ừ! Ta đã học được võ công Văn-Lang thì cũng trở thành anh hùng vô địch, ta giữ làm gì võ công của Long-biên? Không biết ta có nên dạy cho Phương Dung không?
Đào Kỳ hỏi Phương Dung:
– Dung ơi, em đã học được những gì về kiếm thuật của Long-biên?
Phương Dung đáp:
– Những gì bốn anh của em học, em cũng học được. Có điều em chưa đủ kinh nghiệm mà thôi. Nếu anh dạy em kiếm thuật của Văn-lang thì hay biết mấy?
Đào Kỳ nói:
– Bố em bảo bài quyết và 72 thức kiếm trấn môn bị thất lạc. Anh nghĩ người xưa chế ra được tại sao ta lại không chế ra được? Phương Dung, em nghĩ có phải không?
Phương Dung nói:
– Hay là chúng mình chế ra đi?
Đào Kỳ ngẫm nghĩ:
– Bây giờ ta cứ đem bài quyết của Nguyễn Phan dạy Phương Dung rồi bảo do mình chế ra, Phương Dung đâu có phân biệt được? Như vậy võ công Long-biên ta trả về Long-biên thì có gì lạ?
Nghĩ vậy, Đào Kỳ liền bảo Phương Dung:
– Em thử diễn lại cho anh xem các chiêu thức kiếm thuật Long-biên, may ra anh có tìm được không?
Phương Dung rút kiếm đánh từ chiêu thứ nhất đến chiêu cuối cùng mà nàng đã học, rồi hỏi Đào Kỳ:
– Anh thấy thế nào?
– Trong 72 chiêu này, ta hãy biến một chiêu thành ba, tức 216 chiêu đã. Nguyên lý như thế này:
Sinh sinh, tử tử, vượng vượng, ly ly.
Nhất khí, liên hoàn bất tự ly.
Chàng giảng cho Phương Dung thế nào là Sinh vẫn là sinh, thế nào là Tử sẽ không là tử, rồi Vượng vừa sinh vừa tử, cuối cùng là Ly không là ly. Làm thế nào để nối liền các chiêu lại, các chiêu đều theo một biến thái là vòng tròn. Cần tránh không cho chiêu thức trở lại lúc đầu. Lúc trước, Phương Dung đánh từng chiêu rời rạc. Bây giờ nàng đã hiểu, vung kiếm lên như vòng tròn nọ nối vòng tròn kia, liên miên bất tuyệt. Khi nàng đi được 72 thức thì thành cả muôn ngàn chiêu.
Trời đã ngả bóng. Nàng cảm thấy mệt nhoài. Đào Kỳ truyền nội công âm nhu cho nàng, bắt nàng tĩnh toạ, thở hít. Nàng vận khí một lúc thì thấy cơ thể mát rượi, bao nhiêu mệt mỏi đã tan biến đi hết.
Phương Dung phục quá, đứng dậy nói:
– Em không tin anh sáng chế ra. Chắc những bí quyết đó là võ công của nhà anh thì đúng hơn.
Đào Kỳ dặn:
– Những gì chúng mình sáng chế hôm nay, em đừng cho bố biết, người cười chúng mình chết.
Phương Dung gật đầu.
Hai người trở về trang trời đã xế chiều. Từ đấy, Đào Kỳ cứ đưa Phương Dung ra bờ sông luyện kiếm. Khoảng gần sáu tháng, nàng đã luyện xong bài quyết dài lê thê và 72 thức trấn môn. Đào Kỳ dùng kiếm đấu với Phương Dung, khi chàng dùng nhu, Dung dùng cương. Khì chàng dùng cương, Dung dùng nhu. Khi thì hai người song đấu, mỗi người đều dùng cả nhu lẫn cương. Hai người vung kiếm cuốn lấy nhau, không còn phân biệt được nữa.
Chiều hôm ấy, khi hai người về đến trang, người tỳ nữ đã vội nói với Phương Dung:
– Cô nương, mời cô nương lên gặp ông.
Phương Dung, Đào Kỳ lên nhà tổ, thấy có mấy người lạ ngồi đó.
Nguyễn Trát bảo Phương Dung:
– Con ra mắt sư thúc đi con.
Phương Dung phục xuống hành lễ:
– Cháu xin tham kiến sư thúc.
Đào Kỳ chắp tay chào:
– Tiểu bối Âu Lạc, xin tham kiến Long-biên nhị hiệp.
Phan Đông Bảng:
– Không dám, không dám. Tôi đã nghe sư huynh nói chưởng lực của tiểu hữu cao thâm khôn lường, sư huynh tôi cũng không bằng. Không ngờ tiểu hữu còn nhỏ tuổi như vậy.
Đào Kỳ nói:
– Không dám. Đó chẳng qua Nguyễn lão bá muốn dạy dỗ cho hậu bối đấy thôi.
Phan Đông Bảng nói:
– Tuyệt thực, tuổi trẻ, có chân tài, lại không lộ chí kiêu căng.