5/11/12

Anh hùng Lĩnh Nam (H14)

Quốc thù vị phục đầu tương bạc.
(Đặng Dung, Thuật hoài).
Nghĩa là:
Thù nước chưa trả, đầu đã bạc?

Đào Kỳ cùng Phương Dung rời khỏi Cối-giang đi về phía Long-biên. Hai ngựa ruổi nhẹ gót trên đường. Dân chúng chen chúc, ngựa xe rộn rịp qua lại. Các quán ăn đầy thực khách, Hán có, Việt có. Những toán thiết kỵ người Hán nghênh ngang giữa đường, dân chúng hoảng hốt tránh vào một bên. Thỉnh thoảng có người không tránh kịp, bị lính thiết kỵ dùng roi quất túi bụi vào người. Nạn nhân đau đớn, ôm đầu lủi vào bên đường. Bọn Hán binh được dịp cười khoái trá.
Đào Kỳ nhớ lại mấy năm trước, chàng đã cùng Thiều Hoa và hai người con của Nguyễn Tam Trinh cũng đi trên con đường này. Chàng không dằn được cơn nóng giận, đã ra tay giết quân Hán. Tuy cứu được cô bé Tiá, nhưng lạc Thiều Hoa và hai con của Tam Trinh. Ngẫm lại thời gian qua đã sáu năm. Tuy mới sáu năm, nhưng vì trải qua nhiều biến cố, khiến chàng trở thành người khôn ngoan, tinh tế.
Nếu sáu năm về trước, chàng chẳng ngại ngùng gì, đứng giữa đường, đánh thiết kỵ người Hán cho bõ tức. Nhưng, nay chàng đã chín chắn, nói nhỏ với Phương Dung:
– Chúng ta không nên dây dưa với bọn lính Hán. Việc của chúng ta quan hệ hơn. Đợi ngày phất cờ khởi nghĩa rồi, giết chúng nó cũng không muộn.
Hai người chọn một quán ăn, cột ngựa ở cửa rồi bước vào. Chủ quán thấy hai người ăn mặc sang trọng, biết rằng là con cháu của Lạc-hầu, Lạc-tướng gì đây nên vội khép nép ra chào.
Phương Dung hỏi:
– Xin cho chúng tôi một bàn trên lầu, trông ra đường.
Chủ quán dẫn hai người lên lầu. Liếc nhìn qua thực khách, Phương Dung nói khẽ với Đào Kỳ:
– Anh à, phân nửa là bọn Hán, số còn lại là bọn Việt làm việc cho Hán.
Thực khách thấy Đào Kỳ, Phương Dung ăn mặc sang trọng, đeo kiếm thì đoán là người trong võ lâm. Hai người gọi mấy món ăn Việt rồi ngồi bàn chuyện.
Đào Kỳ khẽ nói:
– Đêm nay chúng ta thám thính Thái-hà trang, nếu tiện thì đại náo một trận cho chúng táng đởm kinh hồn.
Phương Dung nói:
– Vậy chúng ta phải giả dạng. Anh gắn thêm bộ râu, em thì giả trai. Đạo Sinh là đệ nhất cao thủ đương thời, có thể hắn không nhận ra võ công của anh, nhưng võ công của em thì hắn nhận ra. Vì vậy em sẽ mặc đồ đen giống như đệ tử của Mai Huyền Sương. Nếu Đạo Sinh nghi ngờ, sẽ nghi ngờ Mai Huyền Sương. Mình quấy phá Đạo Sinh, làm cho bọn chúng nghi ngờ nhau.
Hai người đang ăn uống thì có tiếng hô:
– Tô công tử giá lâm.
Tất cả thực khách trên lầu đều đứng dậy, chắp tay cúi đầu hành lễ. Một thanh niên người Hán trẻ tuổi, dáng người hùng vĩ đang bước lên lầu. Phía sau có năm người nữa, lưng đeo kiếm. Phương Dung ra hiệu cho Đào Kỳ rồi cả hai cùng đứng dậy:
– Anh phải nhớ, mình đừng làm khác người, để khỏi lộ hình tích.
Đào Kỳ lắng nghe người ngồi bàn bên cạnh nói với nhau:
– Đây là đại công tử của Tô thái thú, tên Tô Phương. Không hiểu sao hôm nay đại công tử lại cao hứng lên đây uống rượu?
Người khác nói:
– Nghe đồn Tô công tử võ công cái thế, năm người đi theo là Ngũ-phương thần kiếm. Ngũ-phương thần kiếm trước đây giúp Cảnh-Thủy hoàng đế đánh Vương Mãng chiếm lại Trường-an, Lâm-đồng và Đồng-quan. Thiên tử phong chức tước gì, Ngũ-kiếm cũng không nhận. Thiên tử mới ban cho Ngũ-kiếm thanh Thượng-phương bảo kiếm, có quyền tiền trảm hậu tấu.
Một người khác hỏi:
– Sao họ lại mặc quần áo khác nhau?
– Có gì mà không hiểu? Họ mặc quần áo theo kiểu ngũ hành. Người đứng đầu tức là cai quản trung ương. Theo ngũ hành thì trung ương thuộc màu vàng, nên họ mặc quần áo vàng.
– À, thì ra thế. Kế đó là bạch kiếm mặc quần áo trắng. Hắc kiếm mặc quần áo đen. Lam kiếm mặc quần áo xanh. Xích kiếm mặc quần áo đỏ.
– Nghe đâu Tô công tử được Kiến Vũ thiên tử phong làm Đô-sát Giao-chỉ thì phải?
– Đúng đấy. Còn Ngũ-kiếm sang đây điều tra xem Lĩnh-nam công thực sự chuẩn bị làm phản hay chỉ do người ta xàm tấu, vì triều đình chia làm hai phe. Một phe cho rằng Lĩnh-nam công là người hiệp nghĩa, cai trị dân bằng nhân trị. Còn một phe cho rằng Lĩnh-nam công muốn tự lập làm vua một nước.
Ghi chú của thuật giả
Nhân-trị, Pháp-trị là hai quan niệm cổ về phương pháp cai trị. Đời Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn Vương thì dùng nhân đức để cải hoá dân chúng. Phương pháp trên chép trong sách Đại-học. Người quân tử tự tu thân. Lấy đức của mình cảm hoá người trong nhà, tức là tề gia. Lấy nhà mình làm gương mẫu cảm hoá thiên hạ, là trị quốc. Nước mình dân chúng ăn ở khuôn mẫu, đạo lý, cảm hoá các nước khác phục tùng là bình thiên hạ. Thuyết đó được Khổng-tử, Mạnh-tử nhắc nhở trong suốt cuộc đời hai ngài. Mạnh-tử nói: "Nhân chi sơ, tính bản thiện", nghĩa là người ta sinh ra, tính vốn thiện như nước chảy chỗ trũng. Về sau Hàn Phi-tử, Thương Ưởng đưa ra thuyết Pháp trị: Người ta sinh ra tính vốn ác, cần phải dùng hình pháp mà cai trị. Danh từ Nhân- trị, Pháp-trị, các đời sau dùng để chỉ người dùng đức độ, chăm lo hạnh phúc cho dân, và người dùng sức mạnh cai trị dân.
Tô Phương ngồi xuống, nói với chủ quán:
– Mời Bạch Lan cô nương ra.
Chủ quán cúi rạp người xuống rồi đi vào. Chỉ lát sau, một thiếu nữ Việt, sắc phục theo lối quý tộc Hán, ôm đàn bước ra. Nàng cung tay hành lễ trước Tô Phương:
– Tiểu tỳ là Bạch Lan, xin cúi đầu tham kiến Tô đại công tử. Chúc Tô đại công tử danh vang tứ hải, đức tựa Thái-sơn.
Tô Phương vòng tay qua lưng nàng, kéo vào lòng mình, hôn lên má nàng hai cái. Bạch Lan dạo đàn rồi cất tiếng hát theo điệu sa mạc:
Hôm qua ra đứng bờ ao,
Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ.
Buồn trông con nhện giăng tơ,
Nhện ơi, nhện hỡi, nhện chờ với ai?
Tô Phương cười ha hả, nói:
– Còn chờ ai nữa? Chờ ta chứ còn chờ ai?
Y lại kéo Bạch Lan hôn cái nữa, thưởng cho nàng một nén bạc. Bạch Lan cúi đầu cảm tạ, rồi dạo đàn hát khúc nữa:
Trúc xinh trúc mọc bờ ao,
Em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh.
Trúc xinh trúc mọc đầu đình,
Em xinh en đứng một mình cũng xinh.
Xích kiếm ngồi cạnh Tô Phương ghé tai y nói nhỏ câu gì không rõ, chỉ thấy Tô Phương quay lại liếc Đào Kỳ và Phương Dung một cái rồi gật đầu. Xích kiếm tiến đến bàn hai người, vái Phương Dung một cái và nói:
– Thưa Mỵ nương, Tô đại công tử của tôi muốn mời Mỵ nương sang bàn uống rượu, nghe hát được chăng?
Phương Dung lắc đầu:
– Chúng tôi xin đa tạ Tô công tử. Xin để khi khác, hôm nay chúng tôi bận việc phải đi ngay.
Phương Dung nói khá to. Tô Phương cũng nghe thấy. Y đứng dậy, tiến đến bên Phương Dung chắp tay xá một cái:
– Cô nương, cô nương là tiên nga giáng thế, xin cho tôi được mời chén rượu, nên chăng?
Vừa nói, y vừa nắm tay Phương Dung kéo nàng đứng dậy. Đào Kỳ nháy Phương Dung. Nàng hiểu ý, đứng lên chỉ Đào Kỳ:
– Đây là biểu huynh tôi.
Tô Phương chắp tay vái :
– Không hiểu nhân huynh xưng hô thế nào?
Đào Kỳ nói:
– Tôi họ Âu, biểu muội họ Nguyễn.
Rồi chàng cùng Phương Dung lại bàn của Tô Phương ngồi. Tô Phương cho rằng hai người sợ mình, y mừng lắm, rót rượu mời Đào Kỳ uống. Y chỉ năm người theo hầu giới thiệu:
– Đây là Ngũ-phương thần kiếm. Vị đứng đầu là Hoàng kiếm, vị thứ nhì là Bạch kiếm, vị thứ ba là Hắc kiếm, vị thứ tư là Lam kiếm và vị thứ năm là Xích kiếm. Còn hai vị, chẳng hay là đệ tử cao nhân nào?
Đào Kỳ nói:
– Đệ là người phái Tản-viên. Nghiệp sư là Phong-châu song hiệp. Còn biểu muội là đệ tử phái Long-biên, đệ tử của Mai Huyền Sương lão sư.
Tô Phương gật đầu:
– Thì ra người nhà cả. Ta với Phong-châu song hiệp với Mai lão sư có chỗ giao tình rất hậu. Chẳng hay hai vị về Long-biên có việc gì?
Đào Kỳ nói:
– Chúng tôi vậng lệnh tôn sư về Long-biên yết kiến Lục-trúc tiên sinh.
Tô Phương cười ha hả:
– Thực là tuyệt. Có phải hai vị tới yết kiến Lục Trúc tiên sinh về vụ đại hội Tây-hồ chăng? Nhưng hai vị uổng công rồi. Lục lão tiên sinh mới đi Mê-linh hôm qua để...
Hắc kiếm đưa mắt ra hiệu cho Tô Phương rồi nói:
– Xin công tử tiểu tâm.
Tô Phương cười hê hê:
– Không lẽ ta còn không tin Phong-châu song hiệp với Mai lão nương ư? Lát nữa, bọn ta đi Mê Linh, vậy mời hai vị cùng đi, nên chăng?
Đào Kỳ thấy chàng công tử bột này vừa ngu lại vừa dại gái, nên muốn lợi dụng dịp này để biết nội tình bên giặc:
– Nếu Tô công tử thuận cho anh em chúng tôi đi cùng, còn gì hay hơn?
Tô Phương gọi chủ quán:
– Tất cả tiền ăn của hai vị đây tính về ta nghe.
Chủ quán cúi rạp người xuống tiễn khách. Bọn bồi thấy chủ nhân cung kính Đào Kỳ, Phương Dung thì biết ngay công tử nhà mình đã ăn phải bả tình của vị tiểu cô nương. Chúng biết, muốn lấy lòng Tô Phương, không gì bằng tỏ lòng kính cẩn vị tiểu cô nương ngày.
Bọn người cùng hướng về phía đông xuất phát. Tô Phương cho ngựa đi song song với Phương Dung, y nói:
– Gia phụ tôi mới đến đất Giao-chỉ có năm tháng, đã liên kết được hết các anh hùng hào kiệt, ban Ngũ-lệnh, thế là bọn phản nghịch không thể cựa quậy được nữa. Tấu chương gửi về triều đình, Mã thái hậu mừng lắm, khen ngợi không tiếc lời. Người hứa sẽ thăng thân phụ tôi lên làm thứ sử, cai quản các quận Cửu-chân, Nhật-nam và Hợp-phố.
Đào Kỳ nói:
– Tôi thấy sáu đại môn phái hầu như đều chống Hán triều, không hiểu Tô đại nhân làm cách nào thu phục được họ?
Tô Phương nói:
– Điều này Lục-trúc tiên sinh đã định liệu sẵn rồi. Phái Cửu-chân người nhiều thế mạnh là do tên hủ nho Nhâm Diên làm Thái thú. Y muốn bắt chước Khổng-Tử, dạy dân chúng lễ nghĩa. Bọn phản loạn nhân đó âm mưu tổ chức lực lượng hùng mạnh. Khi Kiến Vũ thiên tử đuổi Vương Mãng, chiếm lại Kinh-châu, người phong nghĩa đệ là Nghiêm Sơn làm Lĩnh-nam công, tước Bình-nam đại tướng quân, sai kinh lược sáu quận Nhật-Nam, Cửu-chân, Giao-chỉ, Quế-lâm, Nam-hải và Tượng-quận. Nghiêm Sơn lợi dụng chức vụ, tìm cách giết dần các Thái-thú, Đô-uý, đô sát, rồi đưa người của mình vào. Y dự định tổ chức thành một nước riêng như Triệu Đà, rồi hướng lên Bắc, tranh đất Trung-nguyên với thiên tử. Vì vậy, Mã thái hậu mới cử gia phụ làm Thái-thú Giao-chỉ, cùng với Ngũ-phương thần kiếm đây đến Lĩnh-nam điều tra hư thực. Gia phụ mới đến, ban hành Ngũ-lệnh cấm tập võ, thế là các phái võ với mầm mống phản loạn tan rã dễ dàng. Nhưng...
Y ngừng một lát rồi nói tiếp:
– Nghiêm Sơn lấy quyền Lĩnh-nam công phế bỏ Ngũ-lệnh, cho các phái võ vẫn được hoạt động như cũ. Gia phụ đành chịu thua và phải tìm cách thu phục các phái võ.
Phương Dung hỏi:
– Nhưng các võ phái ở Giao-chỉ lại không quy phục mới khó.
Tô Phương cười:
– Mặc cho Lục-trúc tiên sinh lo liệu. Phái Long-biên thì đã có sư phụ, sư bá cô nương lo chiếm lại. Phái Tản-viên thì chính Lục-trúc tiên sinh tự liệu, còn phái Hoa-lư, Sài-sơn thì đã có người phục sẵn ở trong. Khó khăn nhất là sáu đại môn phái. Khi sáu đại môn phái đã quy phục, những môn phái nhỏ chỉ còn nước cúi đầu tuân theo.
Đào Kỳ khen:
– Tô đại nhân thực là người đại trí, đại lực.
Chàng vừa khen, vừa nghĩ trong lòng:
– Hỏng to rồi. Trong các môn phái đầy dẫy những bất đồng ý kiến. Sự tương tranh với nhau khiến cho họ quên mất kẻ thù lớn. Nguy hơn nữa là họ chạy theo mượn tay kẻ thù để thanh toán đồng môn. Khi đã thắng đồng môn rồi, họ sẽ không còn đủ lực lượng để đối phó với quân thù nữa. Phái Cửu-chân nhà ta đã tan nát rồi. Phái Long-biên tuy đã đuổi được bọn Nghĩa Nam đi, nhưng mối nguy vẫn còn đó. Phái Tản-viên thì Đặng Thi Sách không biết có đối phó nổi với Lê Đạo Sinh hay không?
Tô Phương hỏi Đào Kỳ:
– Hiền đệ là đệ tử của Phong-châu nhị hiệp, nhưng không hiểu đứng vai thứ mấy?
Đào Kỳ giật mình:
– Chết thật, ta không biết Vũ Hỷ, Phương Anh có bao nhiêu học trò, làm sao trả lời đây?
Nghĩ rồi, chàng phải lựa lời nói cho qua:
– Đệ là cháu gọi sư phụ bằng cậu, nên không xếp vào thứ bậc. Nhưng võ công của đệ lại được chân truyền.
Chàng nói lấp đi như vậy, cố làm nổi bật võ công của mình khiến Tô Phương không ngờ tới. Chàng tự tin võ công mình bây giờ còn cao hơn song quái, dù Tô có tra hỏi, chàng vẫn dư sức trả lời.
Hoàng kiếm hỏi:
– Ta nghe phái Tản-viên có Phục ngưu thần chưởng 36 thức hùng mạnh vô cùng. Chưởng môn trước đây là Đặng Thi Kế, cũng chỉ biết được có chín thức. Còn Lục-trúc tiên sinh cũng chỉ biết có 12 thức mà thôi. Người ta đồn rằng Phong-châu song hiệp đã học được đủ chín thức, mỗi thức đều biến hoá thành hai là âm, dương, rồi hai biến thành 18 và 18 biến thành 36. Chẳng hay tiểu huynh đệ học được tới đâu rồi?
Hoàng kiếm là người lão luyện, có ý tra hỏi võ công của Đào Kỳ, bởi y sợ có thể chàng là gian tế chăng?
Đào Kỳ nghẫm nghĩ:
– Mi hỏi ai câu này, chứ hỏi ta thì vô ích. Ta thông cả 36 thức, biến hoá thành 2.304 chiêu.
Nghĩ rồi chàng bèn trả lời với vẻ tự đắc:
– Cậu tôi thương tôi lắm nên đã dốc hết truyền cho. Ngặt vì cậu tôi chỉ biết các thức dương thôi, không biết các thức âm.
Hắc kiếm hỏi Phương Dung:
– Nguyễn cô nương, dường như cô nương là đệ tử mới nhập môn của Mai lão nương thì phải?
Phương Dung cười:
– Nếu so tuổi, tôi là đồ tôn của lão gia cũng không đáng. Nhưng lão gia đặc cách nhận tôi làm đệ tử thứ chín.
Hắc kiếm tiếp:
– Hôm trước tôi có so tay luyện kiếm với lão gia. Khi ở Trung-nguyên, tôi cứ tưởng anh em mình là đệ nhất rồi, không ngờ đến Giao-chỉ mới biết ngoài bầu trời này, còn có bầu trời khác.
Phương Dung hỏi:
– Thế đại ca đấu với sư phụ tôi đến mấy hiệp thì phân thắng bại?
Đào Kỳ xen vào:
– Chắc ít ra cũng phải 100 hiệp?
Hắc kiếm gật đầu:
– Đúng đó, đấu tới hiệp thứ 98 thì tôi bị thua.
Phương Dung cười:
– Tôi không tin. Có lẽ đại ca đến đây là khách, nể chủ nhân nên nhường sư phụ tôi thì đúng hơn.
Hắc kiếm được Phương Dung gỡ nhục, y cười híp mắt lại, không nói gì. Cả bọn tiếp tục lên đường. Đến khi mặt trời gần xế bóng, Hoàng kiếm nói:
– Thưa công tử, sắp tới huyện Đăng-châu rồi. Đêm nay chúng ta ngủ ở Đăng-châu, mai sẽ lên đường tiếp. Huyện-lệnh Đăng-châu là Trương Thanh, người Hán, quê ở Kinh-châu, nhậm chức đã được trên mười năm.
Tô Phương đồng ý. Đoàn người tiến vào Đăng-châu.
Khi nghe đến tiếng Đăng-châu, Đào Kỳ thấy tim mình như bị nhói lên một cái. Bồi hồi thầm nghĩ:
– Trước đây Tường Quy nói rằng cha nàng đã hứa gả nàng cho con trai Huyện-lệnh Đăng-châu, họ Trương. Đã hơn năm qua rồi, chắc giờ này nàng đang sống hạnh phúc bên chồng. Không biết lúc này nàng có biết ta cũng đang ở Đăng-châu không? Ta làm thế nào để tìm được nàng? Nhìn nàng một lần cho thoả tấc lòng nhung nhớ bấy lâu?
Tự nhiên Đào Kỳ nảy ra ý tưởng cứ liều đột nhập phủ đường Đăng-châu để gặp được Tường Quy, rồi có vì nàng mà chết cũng cam lòng. Chàng nghĩ tiếp:
– Ừ, sao ta không đột nhập phủ đường Đăng-châu lén nhìn dung nhan nàng? Biết đâu ta chẳng được nghe nàng đánh đàn? Rồi sau đó bị vệ sĩ phát giác, ta vừa chiến đấu vừa chạy. Nếu chẳng may ta bị giết, sáng nàng thức giấc, binh sĩ kể cho nghe, đêm qua có tên trộm viếng dinh huyện lệnh bị giết, xác còn phơi ngoài đường. Nàng ra đường coi, thấy ta chắc nàng sẽ nhỏ xuống xác ta mấy giọt nước mắt. Chỉ cần thế thôi, ta cũng mãn nguyện lắm rồi.
Nghĩ tới đó thì đoàn người đã đi vào phố huyện.
Bạch kiếm hỏi:
– Công-tử chúng ta kiếm hàng quán, rồi cho gọi Huyện-lệnh tới, hay chúng ta vào Huyện?
Tô Phương gật đầu:
– Chúng ta vào quán ăn trước, rồi cho gọi y đến.
Cả bọn tiến vàomột tửu lâu lớn nhất, trên có chiến đèn lồng mầu đỏ đề ba chữ Anh hùng lâu. Chủ quán thấy bọn tám người ăn mặc sang trọng, nửa Hán, nửa Việt; lưng đeo kiếm, vội cúi rạp mình xuống mời. Cả bọn lên lầu. Tô Phương chỉ một bàn lới trưng hoa thật đẹp giữa lầu nói:
– Ta lấy bàn kia.
Chủ quán chắp tay thưa:
– Xin quan nhân lấy bàn khác. Bàn này của Trương công tử. Công tử đã có lệnh, dù ngài không đến ăn, cũng không cho ai ngồi vào. Nếu quan khách ngồi vào mà công tử biết được, ắt người nổi lôi đình.
Hắc kiếm hỏi:
– Trương công tử là ai?
Chủ quán thưa:
– Thưa, là con trai duy nhất của Trương Huyện-lệnh.
Hắc kiếm gạt đi:
– Công tử ta muốn ngồi là ngồi. Các người khỏi lo. Nếu Trương công tử gây sự, chúng ta khắc có biện pháp đối phó.
Nói rồi cả bọn ngồi vào bàn.
Tô Phương hỏi Phương Dung:
– Nguyễn cô nương, cô nương quen các món ăn Việt, xin kêu cho mấy món thời trân.
Phương Dung hỏi chủ quán:
– Ông có đủ các món Việt không?
Chủ quán đáp vẻ thản nhiên:
– Thưa cô nương, tại bản quán, không món Việt nào mà không ngon.
Phương Dung gật đầu:
– Vậy thì tốt quá. Ông cho hai bát chuối xanh nấu ốc nhồi. Tôi nói lại là ốc nhồi chứ không phải ốc ang đâu nhé. Hai đĩa chả rươi với trứng. Mùa rươi là tháng chín, bây giờ mới tháng hai, nhưng quán ông lớn, tất có món mắm rươi để làm chả. Nước mắm chấm là nước mắm nhĩ đã cất lên rồi. Cho thêm 16 đùi gà mái ghẹ luộc, với lá chanh non. Canh thì tám bát canh cua đồng nấu với rau đay. Rượu, càng nhiều càng tốt, nhưng phải thứ rượu tăm mới được. Còn tráng miệng, mùa này là mùa quýt. Ông cho quýt Đăng-châu là được.
Chủ quán thấy Phương Dung kêu toàn những món trân quý, lại biết quýt Đăng-châu là ngon thì phục vô cùng:
– Cô nương quả thực là người sành ăn.
Đào Kỳ chợt nhớ lại hồi còn ở Thái-hà trang, một hôm đi chơi Cổ-loa với Tường Quy và Minh Châu, vô tình gặp Chu Thổ Quan. Chu nói rằng gặp hai người con trai tên là Đào Hiển Hiệu, Đào Quý Minh và một gái là Đào Phương Dung đến từ Đăng-châu. Ba người đó là con của chú ta. Vậy chú ta đang ở Đăng-châu. Ta phải dò la tin tức của người mới được.
Phương Dung xin phép Tô Phương để nàng xuống lầu rửa tay. Lúc nàng đang rửa tay, bỗng nghe có tiếng nói lớn ở ngoài:
– Đứa nào dám cả gan ngồi vào bàn của lão gia? Lão gia phải băm vằm nó ra mới được.
Nàng nhìn ra, thấy một thanh niên người Hán khoảng 20 tuổi, cùng với ba tên cận vệ, đeo gươm đi vào.
Chủ quán chạy ra chắp tay:
– Trăm lạy công tử thương cho tôi nhờ. Bọn họ những tám người, đều mang gươm đao. Tôi đã can, nhưng họ không nghe, cứ đòi ngồi vào bàn đó.
Phương Dung đồ chừng đây là Trương công tử, nàng lẩm bẩm:
– Tụi Hán sắp giết nhau rồi đây. Tội gì ta không đổ thêm dầu vào lửa?
Nghĩ rồi, ngàng tiến ra đứng ở chân cầu thang, liếc nhìn Trương công tử mỉm cười. Trương công tử thấy sắc đẹp của Phương Dung thì thần hồn, thần phách như bay mất. Y người lại hỏi chủ quán:
– Cô nương, cô nương... này là... ai vậy?
Chủ quán muốn nói nàng là đồng bọn của kẻ chiếm bàn nhưng không dám. Y tảng lờ không biết:
– Cô nương đây cũng là khách mới đến.
Phương Dung e lệ cúi đầu chào:
– Kính chào công tử.
Nàng liếc mắt đưa tình rồi chạy vụt lên lầu, ngồi xuống bên Tô Phương. Trương công tử chạy theo. Thấy nàng ngồi cùng bàn với sáu người Hán, một người Việt ngay trên bàn của mình, y liền có ý tưởng ra oai:
– Bọn bay là ai mà dám ngồi vào bàn của ta?
Phương Dung liếc mắt nhìn Trương công tử mỉm cười, rồi nhìn Tô Phương.
Tô Phương hỏi:
– Bàn này là của quán, ai có tiền thì được ngồi. Ngươi là ai mà dám lên đây to tiếng?
Trương công tử bị Phương Dung đưa tình, hồn phách bay phơi phới. Y quát lớn:
– Bay đâu, bắt bọn này cho ta. Trừ cô em này thì không được động đến.
Hoàng kiếm đứng dậy, thân hình y chuyển động thấp thoáng một cái, mọi người nghe bốp, bốp hai tiếng, y đã trở về chỗ cũ. Trương công tử bị tát hai cái ngã lộn xuống sàn. Lập tức cả ba tên cận vệ cùng rút đao nhảy vào. Hoàng, Lam, Bạch kiếm đứng dậy, vung tay một cái, chụp ba thanh đao, thuận đà túm lấy ba tên vật xuống sàn đánh rầm một tiếng. Xích kiếm chụp Trương công tử liệng ra xa. Bọn Tô Phương cười ồ lên khoái chí. Trương công tử với ba tên cận vệ vội lồm cồm bò dậy, chạy mất.
Hoàng kiếm nói:
– Thằng Trương công tử này là cái bị thịt. Nhưng có lẽ nó chưa chịu thua đâu. Không chừng nó còn trở lại sinh sự cũng nên.
Tô Phương cười:
– Thế nào chúng cũng kéo thầy chúng đến để trả thù. Ta thấy võ công của chúng dường như là võ công Giao-chỉ chứ không phải võ công Trung-nguyên. Âu huynh đệ, người có nhận ra chúng thuộc phái nào không?
Ngay từ khi bốn tên lên lầu, nhìn thân pháp của chúng, Đào Kỳ đã biết chúng sử dụng võ công Cửu-chân rồi. Hơn nữa, lại chính võ công Đào trang nhà chàng. Nhưng, dường như chúng mới học, nên chưa thành thạo. Chàng biết bọn Ngũ phương thần kiếm đều là những người bác học, nên không thể nói dối được:
– Đệ thấy chúng sử dụng võ công Đào gia thuộc Cửu-chân.
Hoàng kiếm nói:
– Đúng đó. Như vậy, trong nhà Trương Thanh có nuôi người của Đào gia. Chỉ một việc này, chúng ta có thể moi của hắn được nhiều vàng bạc rồi đây.
Đào Kỳ lo lắng suy nghĩ:
– Nếu sư phụ của Trương công tử là người Đào gia, không chừng là bố mẹ, hay sư huynh, sư đệ của mình cũng nên. Ta cứ im lặng mặc cho Tô Phương phản ứng. Mình chỉ nên toạ thủ bàng quan mà thôi.
Trước kia, chàng cứ tưởng tượng rằng chồng của Tường Quy phải là một gã đẹp trai, uy vũ, văn võ kiêm toàn. Không ngờ hôm nay giáp mặt thì y chỉ có cái vẻ hách dịch của một công tử văn không thông, võ không thạo. Chắc rằng Tường Quy sẽ đau khổ lắm.
Nhưng ngoài sự dự liệu của Tô Phương, bọn Trương công tử không thấy trở lại.
Hoàng kiếm nói:
– Đêm nay chúng ta ngủ tại đây, sáng mai vào huyện đường cũng chưa muộn.
Cả bọn đi ngủ. Khoảng gần canh ba, Phương Dung nghe có tiếng gõ cửa rất khẽ ở phòng Tô Phương, rồi có tiếng mở cửa. Từ khi nàng được Đào Kỳ dạy tâm pháp trấn môn của Long-biên, thì trở nên linh mẫn vô cùng. Nàng ghé tai vào vách nghe.
Tiếng Hoàng kiếm nói nhỏ:
– Công tử, chúng ta ra ngồi nói chuyện.
Có tiếng Tô Phương hỏi:
– Có chuyện gì đó?
Hoàng kiếm nói:
– Ra ngoài rồi hãy nói chuyện.
Rồi có tiếng kẹt mở cửa sổ. Phương Dung khẽ mở cửa sổ nhìn theo, thấy Tô Phương cùng Ngũ phương kiếm đi về phía sau vườn. Nàng cũng vượt cửa sổ, theo sau xa xa. Bọn họ đến giữa đồng rồi ngừng lại.
Hoàng kiếm nói:
__ Công tử, công tử cho gã Âu-Lạc với Nguyễn cô nương là người thế nào?
Tô Phương nói:
– Thì họ là người đi cùng đường với Đạo Sinh, Huyền Sương.
Hắc kiếm nói:
– Đã đành như thế, nhưng dường như võ công rất cao cường, không kém gì bọn tôi. Tôi thấy bước chân chúng đi nhẹ mà trầm, rõ ràng nội công rất thâm hậu.
Tô Phương nói:
– Võ công chúng cao đến đâu chăng nữa cũng không bằng sư phụ chúng. Phong-châu song quái cũng chẳng đáng gì, huống hồ chúng?
Lam kiếm nói:
– Dường như công tử thâm tình với Nguyễn cô nương?
Tô Phương nói :
– Phải, từ ngày ta ra đời đến giờ, chưa thấy một người con gái nào nhu mì, yểu điệu như vậy. Phụ thân ta lại không cấm lấy vợ người Việt, thế thì có sao đâu?
Lam kiếm nói:
– Tôi thấy mắt tên họ Âu với Nguyễn cô nương liếc nhau đầy tình tứ. Chắc chúng không thể nào là anh em cô cậu đâu.
Tô Phương nói:
– Lam đại ca thực đa nghi. Tuổi gã họ Âu bất quá 17, 18, Nguyễn cô nương có 16, 17. Nếu chúng có tình ý với nhau cũng là mối tình ngây thơ, dễ bị bộc lộ. Mấy hôm nay đi với chúng ta, tuyệt không thấy chúng bộc lộ ra. Ta hỏi đại ca, người đã trên 30 tuổi rồi, nếu người yêu của người có tình ý với một kẻ khác, người liệu có nhịn nổi không? Gã họ Âu nếu có tình ý với Nguyên cô nương thì mấy hôm nay hắn đâu còn đi theo bọn ta? Những lúc ta với Nguyễn cô nương ngồi bên nhau, hắn còn vui vẻ là khác nữa.
Đến đây, sáu người trở về phòng ngủ. Phương Dung không dám về ngay, sợ chúng khám phá ra. Nàng nằm yên một lúc, chợt thấy có tiếng chân người đi phía sau, rồi hơn mười người đi tới.
Nàng nằm yên quan sát. Bọn này đến gần cửa sổ thì đánh lửa lên, đốt một vật gì. Sau đó lấy một ống tre, đục cửa sổ, rồi ghé miệng thổi vào.
Phương Dung tỉnh ngộ:
– Thì ra bọn chúng thổi thuốc mê để bắt bọn Tô Phương với mình đây. Không biết Đào đại ca có thoát được không? Bọn này đúng là của Trương công tử rồi. Chúng ghê thật. Không hiểu khi thấy mặt ta, chúng sẽ phản ứng ra sao?
Một lát sau, nàng thấy bọn chúng khiêng sáu người là Tô Phương và bọn Ngũ-kiếm ra. Bọn chúng ngừng lại giữa cánh đồng. Có tiếng nói:
– Thưa công tử, không thấy vị cô nương xinh đẹp và gã người Việt trong phòng. Chúng tôi đã lục khắp mà không thấy. Bây giờ công tử định sao?
Trương công tử nói:
– Chắc vị cô nương đã cùng gã người Việt lên đường trước rồi. Bây giờ giam sáu tên này lại. Còn chúng ta đuổi theo.
Phương Dung cười thầm:
– Bọn này thiếu kinh nghiệm giang hồ. Chúng thấy hành lý của ta còn ở trong phòng, mà lại bảo ta lên đường trước rồi. Thực ngu quá. Đợi bọn chúng đi rồi, ta tìm Đào đại ca để thám thính xem bọn chúng định làm gì?
Trương công tử và đồng bọn lục tục ra đi. Phương Dung trở về phòng. Nàng vừa mở cửa bước vào thì bị một chưởng âm nhu quét vào mặt. Nàng vội lùi lại, thủ thế. Nhưng chưởng người kia lại biến thành chỉ đâm vào mắt nàng, êm và nhanh không thể tưởng. Nàng hoảng hốt lộn đi một vòng mới tránh khỏi, thì người đó lại vung một quyền đánh bồi vào ngực nàng. Nàng đã tới chân tường, đành vận sức ra hai tay đỡ. Bỗng người đó nhảy lùi lại, nói khẻ:
– Khá lắm. Em tránh được hai thế tấn công của anh thì võ công đã vào hạng cao thủ rồi.
Nhận ra tiếng Đào Kỳ, Phương Dung vùng vằng:
– Làm em hết hồn.
Đào Kỳ xin lỗi, rồi nói:
– Chúng ta sang lục hành lý của Tô Phương và Ngũ phương kiếm xem có gì lạ không?
Hai người lục hành lý của Tô Phương thì thấy một sắc chỉ của Hán Quang Vũ phong cho y làm Đô sát quận Giao-chỉ. Trong bọc còn nhiều thư tín nữa, nhưng Phương Dung không dám đọc hết, vội thu vén cho vào bọc, rồi vượt tường ra ngoài.
Phương Dung vẫy Đào Kỳ theo sát bọn Trương công tử. Bọn họ đi về phía đông huyện lỵ, rồi vào trong một trại có lính Hán đứng gác bên ngoài. Đến gần, Phương Dung nhìn thấy chữ Đăng Châu lao xá.
Hai người vượt hàng rào, theo đến một căn nhà đèn đuốc sáng choang. Hai người núp vào bên cửa sổ phía sau ghé mắt nhìn vào, thấy Trương công tử ngồi bên một chiếc bàn, ba tên hộ vệ người Hán đứng một bên. Gần đó, khoảng bảy, tám người Việt khoanh tay chờ lệnh.
Trương công tử hướng vào một người Hán, hỏi:
– Chu quản ngục, người cho ta gửi sáu tên này. Nhớ trói chặt vì võ công chúng không tầm thường đâu.
Chu quản ngục khom lưng nói:
– Tạ ơn công tử tín nhiệm. Không hiểu mấy tên này là ai, phạm tội gì? Dường như chúng là người Hán. Coi y phục có lẽ chúng cũng là quan nha gì đây.
Trương công tử nói:
– Ừ, người lấy nước đổ vào mặt cho chúng tỉnh dậy để ta thẩm vấn chúng.
Chu quản ngục vẫy tay. Một người lính Việt bước vào mang nước dội lên đầu bọn Tô Phương. Sáu người tỉnh dậy, ngơ ngác nhìn nhau không hiểu gì cả.
Trương công tử đá vào mặt Tô Phương một cái, rồi hỏi:
– Tên chó con này! Mày biết tay ông nội mày chưa?
Tô Phương chưa kịp lên tiếng thì Hoàng kiếm đã nói:
– Thằng chó chết kia, mày có biết công tử và bọn tao là ai không?
Trương công tử nổi giận nói:
– Chúng mày là ai, tao cũng không sợ. Bất quá chúng mày là Thái tử của Kiến Vũ hoàng đế là cùng, ta há sợ sao? Chúng mày đã lọt vào tay tao, tao sẽ cho biết mùi đau khổ. Hồi chiều, chúng mày dám làm nhục bọn tao ở Anh hùng tửu lầu, chỉ một tội đó, dù chúng mày là Diêm-vương, hay Ngọc-hoàng thượng đế tao cũng giết chết.
Y giật lấy roi của một tên lính đứng gần đánh túi bụi vào người Tô Phương trên mười roi cho hả giận, rồi mới ngưng.
Hoàng kiếm cười nhạt:
– Được, mầy đánh đại công tử của Tô Thái-thú. Công tử hiện là Đô sát phủ tế tác của Giao-chỉ, một mệnh quan của triều đình. Tao e rằng cha con mày sẽ bị tru di tam tộc.
Chu quản ngục nói:
– Sao, ngươi... ngươi nói... sao?
Lam kiếm quát:
– Người bị công tử mày đánh là Tô công tử của ngài Thái-thú Giao-chỉ. Tô công tử còn là Đô-sát tế tác Giao-chỉ, một mệnh quan của triều đình. Công tử mầy vừa nói dù Tô công tử là Thái tử của Kiến Vũ hoàng đế, y cũng giết. Thế thì cha con mi làm phản rồi!
Trương công tử trong lúc muốn làm oai nói bừa bãi, đánh người không suy nghĩ, bây giờ nghe Lam kiếm nói, y rụng rời tay chân. Nhưng y cũng làm già:
– Chúng bay nói láo. Nếu là Tô công tử, tại sao không có chứng minh thư?
Xích kiếm quát:
– Mày cứ về nhà trọ, lục trong hành lý của công tử sẽ rõ.
Chu quản ngục, vốn người khôn ngoan, xảo quyệt, thấy việc tày đình xảy ra, y chắc từ huyện lệnh, công tử và y khó lòng toàn mạng. Y vội nói:
– Công tử, chúng ta tạm giam mấy tên này lại, rồi đến nhà trọ lục xét xem sao.
Trương công tử như người tê liệt, chỉ biết gật đầu. Bọn giữ ngục đem sáu người đi giam lại.
Chu quản ngục bảo những người chung quanh:
– Các người ra ngoài. Ta có việc cơ mật nói với công tử.
Chờ cho bọn tuỳ tùng ra hết, Chu quản ngục mới nói:
– Công tử, tôi đồ rằng bọn nó nói thực. Tô Thái-thú là một đại hồng nhân của Hán đế. Tô đại công tử lại là một nhân vật tài ba lỗi lạc, văn võ kiêm toàn. Trong trận đánh Côn-dương với Vương Mãng, Tô công tử một kiếm chém năm tướng. Mã thái hậu dường như không ưa Lĩnh-nam công nên đặc biệt ban chỉ dụ cho Tô công tử theo dõi, điều tra hành tung của Lĩnh-nam công. Công tử là Đô sát, tới huyện, chúng ta không biết mà tiếp đón, đã là một điều đại bất kính. Hơn nữa, công tử lại bắt giam Tô công tử và đánh đập người. Công tử còn nói những điều đại nghịch, phạm thượng. Tiểu nhân e rằng chúng ta không còn đất mà chôn.
Trương công tử mặt tái như gà cắt tiết:
– Bây giờ chỉ còn cách vào tha Tô công tử, quỳ lạy xin người tha tội.
Chu quản ngục nói:
– Công tử lâm thế cưỡi cọp rồi, bây giờ có xuống cũng không được nữa. Người tuy không giết cọp, nhưng e cọp sẽ không tha người. Dù Tô công tử có tha chúng ta, nhưng Ngũ-phương kiếm đi theo Tô công tử, được Cảnh-Thủy hoàng đế ban cho Thượng phương bảo kiếm, được quyền tiền trảm hậu tấu, dù là thân vương, đại thần. Bây giờ thả họ ra, võ công họ cao, có kiếm lệnh trong tay, đầu chúng ta sẽ rơi hết.
Trương công tử run lật bật:
– Chu quản ngục, người có kế gì cứu ta, ta nguyện tặng người một ngàn lượng vàng và nói với cha ta thăng quan cho ngươi.
Chu quản ngục ghé tai nói nhỏ:
– Dễ thôi! Chúng ta giết hết cả sáu tên rồi chôn trong rừng, còn trời đất nào biết được nữa?
Trương công tử gật gật đầu nói:
– Bây giờ chúng ta phải trở lại khách điếm lấy hết hành lý, ngựa của bọn chúng, rồi giết tất cả những tên hầu cận của ta để bịt miệng. Nhưng giết ngay đêm nay thì không được. Chúng ta hãy nói dối rằng sáu kẻ bị bắt là đại phạm, mạo xưng là Tô đại công tử và Ngũ-phương kiếm. Đợi chúng ta rượt bắt được thằng bé và con bé Việt đi cùng với chúng nó rồi hãy ra tay.
Nghe đến đó, Đào Kỳ khẽ vỗ vai Phương Dung, vượt tường chạy về khách điếm.
Đào Kỳ nói:
– Anh thấy tên họ Trương sử dụng võ công Đào gia mà ngại ngùng. Em có kế gì tìm ra người họ Đào ẩn trong phủ Đăng-châu không?
Phương Dung gật đầu:
– Dễ quá! Chúng ta trở về lấy ngựa, cứ theo đường chính mà đi. Gã họ Trương sẽ đuổi theo. Anh với em giả vờ chống cự, dùng võ công tầm thường đánh cho bọn chúng thua chạy. Tất nhiên, dù thua, chúng cũng phải theo bắt chúng ta. Chúng sẽ mời sư phụ chúng đến. Bấy gờ ta sẽ biết ngay người họ Đào nào ẩn thân ở trong phủ Đăng-châu.
Hai người trở về khách điếm, lấy hai con ngựa, thủng thẳng theo hướng đông mà đi. Đi đến lúc mặt trời lên thì tới một quán nước dưới gốc cây đa. Hai người dừng lại nghỉ chân.
Cô hàng là một thiếu nữ tuổi khoảng 20, dáng người yểu điệu. Thấy Kỳ, Dung đeo kiếm, cưỡi ngựa, liếc một cái rồi lấy gáo dừa múc nước, bưng đến đặt trước mắt khách:
– Công tử, tiểu thư dùng bánh đi.
Hai người thức suốt đêm, bụng đói meo, thấy bánh nếp vội cần lấy bóc ăn.
Phương Dung hỏi:
– Chị chủ quán ơi, chị có quả tươi cho em một đĩa.
Cô chủ quán vào nhà, Phương Dung ghé tai Đào Kỳ nói nhỏ:
– Cô này bước đi thân lượn như rắn, gót chân nhẹ nhàng, thân chúi về trước, chắc là người luyện võ. Anh có hiểu cô thuộc môn phái nào không?
Đào Kỳ nói:
– Anh đã nghe cha anh nói, phái Sài-sơn luyện tập khác đời, khi đi thì chúi người về trước. Chắc cô quán là người của phái Sài-sơn.
Cô hàng bưng ra một mâm trái cây nào chuối, nào ổi, nào cam rất tươi.
Phương Dung ngồi ăn, cố ý chờ bọn Trương công tử đuổi theo. Quả nhiên, chỉ một lát sau, Trương công tử với hơn mười tên lính đã đuổi tới. Thấy Kỳ, Dung, chúng reo lớn:
– Các người nghe đây. Huyện-lệnh truyền: Có hai tên phạm tội phản loạn, chúng ta phải bắt về huyện. Ai không liên quan thì lui ra.
Bọn chúng cùng nhảy xuống ngựa, rút vũ khí bao vây Kỳ, Dung. Hai người thản nhiên ăn trái cây, như không có gì xảy ra.
Cô chủ quán nói:
– Xin các quan bắt phạm nhân là đủ, đừng làm hư quán của tôi.
Chu quản ngục bảo Đào Kỳ, Phương Dung:
– Các người nên ngoan ngoãn chịu trói đi.
Đào Kỳ hỏi cô chủ quán:
– Chị ơi, chúng tôi có hai người, mà bọn chúng đông quá, chị giúp bọn tôi một tay, không bao giờ chúng tôi quên ơn.
Cô chủ quán cười:
– Nếu ta cứu ngươi, sau đó huyện lệnh sẽ cho người đến đốt quán của ta. Vả lại, ta đánh không nổi mấy người này đâu.
Chu quản ngục dơ tay chụp vào ngực Đào Kỳ. Chàng chờ tay y sắp tới nơi, giả bộ loạng quạng lui lại. Y chụp hụt. Hai tên Hán khác nhảy vô vồ Đào Kỳ cùng một lúc với Chu quản ngục. Đào Kỳ làm bộ bưng mặt khiếp sợ, tay vung loạn lên, giả vờ đẩy tay Chu quản ngục đánh vào tay hai tên lính Hán, còn chàng lui vào gốc cây đa. Chàng bám rễ đa, leo lên cây ngồi:
– Ta lên đây rồi, đố các người bắt được ta. Này, ta bảo cho biết, muốn bắt ta thì phải có thang.
Bọn chúng bỏ Kỳ vào vây bắt Phương Dung. Hai tên cùng chụp lấy nàng. Nàng định chờ chúng chụp trúng rồi mới vung tay phản đòn. Không ngờ cô chủ quán đã vung tay một cái, hai trái ổi bay trúng giữa trán chúng. Chúng đau quá, há mồm ra la lớn định chửi, thì một trái ổi khác đã bắn vọt vào miệng chúng. Chúng đau dớn lùi lại, đưa tay móc ổi ra.
Trương công tử la lớn:
– Lê Chân, nàng muốn làm phản sao?
Cô chủ quán tên Lê Chân cười khúc khích:
– Công tử, chúng tôi đãi ổi cho quan binh mà là làm phản sao?
Cả bọn Trương công tử cùng xông vào. Lê Chân tay đấm, chân đá, chỉ vài chiêu, bọn Hán đã bị đánh rơi hết vũ khí. Chúng hè nhau bỏ chạy mất dạng.
Đào Kỳ từ trên cây nhảy xuống, chắp tay xá Lê Chân:
– Anh em chúng tôi đa tạ đại đức của chị đã cứu giúp.
Lê Chân thở dài:
– Không hiểu hai vị đã phạm tội gì với huyện lệnh mà đích thân công tử phải đuổi bắt. Tôi đồ rằng bọn họ sẽ trở lại, vậy chúng ta nên rời khỏi nơi đây thôi. Hà... cái quán này bỏ lại thực tiếc.
Phương Dung nói:
– Chị yên tâm, chúng có trở lại cũng không dám đốt quán của chị đâu. Nếu chúng đốt, em xin đền chị gấp trăm lần.
Lê Chân cười, nàng vuốt tóc Phương Dung:
– Vậy thì biết rồi. Em tôi xinh đẹp thế này, chị là gái cũng còn thương huống hồ con trai? Chị đoán xem nghe. Chắc Trương Minh Đức thấy em, động lòng, muốn bắt về làm vợ. Em không chịu mới bỏ chạy, có đúng không?
Đào Kỳ thấy Lê Chân hào sảng mà dịu dàng, cười đùa mà nghiêm trang, chàng sinh lòng kính phục:
– Không hẳn thế đâu! Chúng em xin chị ừ cho một điều, lát nữa, người của Trương Minh Đức đến, chị đừng có ra tay, để mặc bọn em đối phó.
Lê Chân hỏi:
– Cậu em dễ thương quá! Nhà ta chỉ có một mình ta là gái. Giá ta có một người em như cậu thì kể cũng vui. Nhưng tại sao cậu lại yêu cầu như vậy?
Đào Kỳ vắn tắt:
– Chúng em có chủ ý riêng, lát nữa chị sẽ thấy.
Lê Chân cười:
– Thế thì được.
Nhưng ba người chờ đến chiều cũng không thấy Trương Minh Đức và đồng bọn đến. Lê Chân bàn:
– Nếu hai em không có việc gì vội, về nhà chị nghỉ đêm nay.
Đào Kỳ, Phương Dung cảm thấy ở Lê Chân toát ra một cái gì thân mật, hào hiệp. Cả ba cảm thấy như đã quen nhau từ lâu. Lê Chân dẫn hai người vào một trang. Dân trong trang đông đúc, tất cả đều làm nghề chài lưới. Họ thấy Lê Chân đều cúi đầu chào. Lê Chân ở trong một căn nhà năm gian khá lớn. Đằng trước có hồ nước ngọt. Trong vườn đầy hoa cỏ. Trời mới chập choạng tối, mấy cây dạ hương đã bốc hương thơm ngào ngạt. Cây đào trong vườn nở đầy hoa. Đào Kỳ thấy các luống hoa được tỉa cắt giống như ở trang Mai Động của Nguyễn Tam Trinh, chàng nghĩ thầm:
– Lê Chân sử dụng võ công Sài-sơn, vậy sư phụ nàng chắc cũng ngang vai với Nguyễn Tam Trinh. Nếu nàng có trồng hoa giống như trang Mai Động cũng không có gì lạ.
Lê Chân dọn cơm đãi hai người. Những món ăn nàng nấu toàn đồ biển, tuy giản dị nhưng tinh khiết. Nàng bưng lên một đĩa mực luộc, chấm với mắm tôm chanh. Nàng nói:
– Mực tươi luộc mới ngon, chứ để ươn thì mất thơm. Ăn mực luộc phải bốc bằng tay mới có mùi vị. Nếu ăn bằng đũa sẽ mất hết thi vị. Muốn cho thơm ngon phải ăn với húng tía.
Đây là lần đầu tiên Đào Kỳ, Phương Dung ăn bốc. Đào Kỳ đã được ăn mực luộc nhiều lần, nhưng đều cắt thành miếng nhỏ, dùng đũa gắp.
Món thứ nhì là rạm rang.
Lê Chân giảng:
– Con rạm sống ở biển. Tuy nhỏ hơn cua đồng, nhưng ngon hơn. Cá biển tanh hơn cá đồng, nhưng rạm lại thơm hơn cua đồng. Cứ con nước ròng thì rạm mẩy, nhiều gạch. Rạm tươi bắt lên, vặt hết chân đi, rửa thực sạch, rồi cho vào nồi với mấy thìa mỡ rang lên với mấy thìa muối. Phải có mỡ thì muối mới dính vào vỏ rạm. Khi ăn, ta gắp cả con mà cắn. Cắn cho mạnh, tiếng rạm vỡ ra nghe dòn.. Thế là vừa ăn bằng miệng, vừa ăn bằng tai. Trên thế gian, bất cứ thứ gì ăn vụng cũng được, nhưng có ba thứ, một là cam, quýt, hai là mực khô nướng, ba là rạm rang thì không được, vì mùi thơm bốc ra điếc mũi thiên hạ.
Lê Chân xé đôi một con rạm ra, lấy cơm cho vào mai, dùng đũa ngoáy, gạch rạm làm đỏ các bát cơm, vừa thơm vừa đẹp mắt. Hai người ăn một bữa cơm ngon chưa từng có. Lê Chân hỏi:
– Hồi chiều, hai em xin chị đừng ra tay với bọn Trương Minh Đức, em còn bảo có chủ ý riêng. Vậy chủ ý đó là gì?
Đào Kỳ kể sơ lược bố chàng là đệ tử của Đào Trang, Phương Dung là đệ tử phái Long-biên, vâng lệnh người trên đi liên lạc với Đặng Thi Sách, phái Tản-viên, không ngờ lại gặp Tô Phương và Ngũ phương thần kiếm, và những diễn biết đã xảy ra. Đào Kỳ, Phương Dung dấu tất cả những chuyện còn lại.
Lê Chân hỏi:
– Như vậy, chắc Trương Minh Đức không dám giết Tô Phương đâu. Không biết người họ Đào hiện ẩn náu tại huyện Đăng-châu có chịu ra mặt hay không? Ta thấy hai em tuổi còn nhỏ, chắc võ thuật cũng không cao lắm, cứ ẩn ở đây chờ, trước sau gì, bọn Trương Minh Đức cũng sẽ tìm đến.
Đào Kỳ nhìn Phương Dung gật đầu đồng ý. Lê Chân tiếp:
– Chị là đệ tử phái Sài-sơn. Sư phụ của chị là một trong Bát-tuấn của môn phái. Chị chẳng cần dấu hai em làm gì, môn phái chị cũng như phái Cửu-chân, Long-biên, đều gốc ở Âu-lạc cả. Đã là người Việt thì ai cũng mưu phục quốc.
Bỗng Đào Kỳ nghe thấy có tiếng chân người đi về phía nhà Lê Chân. Tiếng đi nhẹ và trầm, rõ ràng người phái Cửu-chân của chàng. Chàng đồ chừng đây là một cao thủ ngang hàng với cha chàng, vội nháy mắt cho hai người rồi thổi tắt ngọn đèn đi. Tiếng chân đi đến gần nhà thì ngừng lại nghe ngóng, tiếp theo có tiếng chân đi của ba người nữa, võ công thấp hơn. Lê Chân tính tình hào sảng như nam tử, lên tiếng hỏi:
– Cao nhân phương nào giá lâm trang An-biên, xin xuất hiện. Tiểu nữ là Lê Chân hân hạnh được tương kiến.
Lập tức bọn người lạ dàn hàng ngang trước cửa nhà nàng. Lê Chân đánh lửa châm vào đuốc, vẫy tay mời:
– Quý vị giá lâm, xin vào dùng nước.
Bốn người lưỡng lự rồi bước vào nhà.
Lê Chân rót nước mới:
– Quý vị yên tâm, đứa con gái An-biên này không bỏ thuốc mê đâu, tôi xin uống trước.
Nàng bưng bát nước vối uống trước. Bọn người ngập ngừng giây lát rồi cũng bưng bát uống theo.
Lê Chân hỏi:
– Coi thân thủ các vị đều là người võ công thượng thừa, chẳng hay tại sao lại đi làm tay sai cho cho huyện lệnh người Hán?
Người già nhất trong bọn nói:
– Chúng tôi có nỗi khổ tâm không thể nói ra được, mong các vị thứ lỗi. Tôi đến đây thỉnh cầu ba vị một việc: Một là Âu công tử, Nguyễn tiểu thư theo tôi về huyện đường. Hai là các vị phải trốn đi thực mau.
Phương Dung hỏi:
– Bốn vị làm theo lời yêu cầu của Huyện lệnh, hay của Trương Minh Đức?
Người già đáp:
– Trương công tử yêu cầu, tôi không ra tay. Nhưng sau, Huyện lệnh thỉnh cầu, chúng tôi đành phải đi.
Phương Dung cười:
– Bốn vị có biết tại sao họ yêu cầu bắt chúng tôi không? Tôi sợ quý vị bắt tôi rồi Huyện lệnh sẽ giết quý vị để diệt khẩu.
Dứt lời, nàng tường thuật chi tiết sự việc cho bốn người cùng nghe. Người già nhất nghe xong, phát run:
– Thế thì nguy rồi! Tôi sợ bây giờ ở nhà Huyện-lệnh đã bắt giữ vợ con tôi để làm áp lực. Các vị có cao kiến gì, xin giúp chúng tôi thoát thân, nguyện không bao giờ quên ơn.
Bất thình lình, Đào Kỳ vung chưởng đánh vào mặt người già. Chưởng pháp chàng sử dụng đúng là chưởng pháp Cửu-chân. Người già vung tay đỡ lại, cũng bằng chưởng pháp Cửu-chân. Hai chưởng chạm nhau đánh bùng một cái. Người già nhảy lùi lại, trong khi Đào Kỳ vẫn đứng nguyên tại chỗ. Đào Kỳ thấy chưởng lực người già ngang với chưởng của cha mình. Chàng nhìn kỹ người thì thấy không phải là cha hay cậu mình. Người này nhỏ hơn một chút. Tiếng nói pha giọng Bắc khá nhiều. Chàng liền vung chưởng đánh liên tiếp 20 chưởng, toàn hư chiêu. Người kia vung chưởng đỡ. Hai người sử dụng cùng một thứ võ công, cuốn lấy nhau như đôi bướm lập lờ, khó phân biệt ai thắng, ai bại. Bỗng người kia nhảy lùi lại một bước, hỏi:
– Âu công tử! Công tử với Cửu-chân song kiệt là chỗ thế nào?
Phương Dung bước ra, lấp loáng mấy ánh kiếm xoẹt xoẹt, cắt đứt vải che mặt của bọn người kia rồi lùi lại. Tất cả mọi người đều kêu ái chà một tiếng. Tiếng ái chà của Lê Chân và bọn người bịt mắt thì ngạc nhiên về kiếm pháp thần tốc của Phương Dung. Còn Đào Kỳ ái chà là vì người già, mặt giống hệt cha chàng. Chàng vội hỏi người già:
– Tiên sinh là Đào... Thế Hùng?
Người kia thở dài:
– Tôi ẩn thân gần mười năm, không ai biết tung tích. Không ngờ hôm nay bị công tử tìm ra. Này công tử, võ công của người cao gấp mấy lần ta, người lại sử dụng võ công Cửu-chân, nhưng dường như nội công là của Tản-viên, rồi cách biến hoá thì giống như kiếm thuật của Long-biên. Ta ẩn thân đã lâu, không ngờ đất nước mình mới nảy ra được nhân tài quán thế như vậy.
Đào Kỳ phục xuống đất lạy:
– Cháu là Đào Kỳ, xin ra mắt chú hai.
Đào Thế Hùng đỡ Đào Kỳ dậy, nước mắt rưng rưng, hỏi:
– Thì ra cháu là con út của anh ta. Chú ẩn thân làm Huyện-uý Đăng-châu từ lâu. Gần đây chú nghe tin Thái thú Cửu-chân là Nhâm Diên đánh phá Đào, Đinh trang, không biết anh chị và các cháu lưu lạc phương nào? Ta đau khổ vô cùng và đã cho người dò tìm khắp nơi. Không ngờ hôm nay gặp cháu ở đây.
Ông chỉ ba người đi theo:
– Đây là Hiển Hiệu, Quý Minh và Phương Dung, em của cháu.
Đào Kỳ nắm tay các em nói:
– Cách đây một năm, anh được Chu Thổ Quan cho hay rằng ba em đến Cổ-loa tìm gia đình anh, và Chu còn biết thêm là các em đã đến từ Đăng-châu. Anh đoán rằng chú và các em ở đây. Thì đúng là chú ở Đăng Châu mà anh lại cứ đi Cổ-loa để tìm.
Chàng nhìn lên đầu Đào Thế Hùng, thấy tóc ông đã bạc trắng hết. Đào Thế Hùng than thở:
– Trước kia đọc sử, nghe thuật một đêm lo nghĩ, sáng hôm sau đầu Ngũ Tử Tư đã bạc, chú không tin. Nhưng từ khi nghe Đào, Đinh trang bị tàn phá, chú thấy ngày phục quốc càng xa, nên chỉ mươi hôm, tóc đã trở thành bạc trắng.