5/11/12

Anh hùng Lĩnh Nam (H16)

Xưa kia nói nói, thề thề,Bây giờ bẻ khóa, trao chìa cho ai?
(Ca dao)

Đã hơn mười năm, chú cháu Đào Thế Hùng mới gặp nhau. Nhớ nhung chồng chất như núi, tình thương như biển. Thời bấy giờ, tình nhân luân chú cháu, anh em rất nặng. Cho nên khi Thế Hùng dẫn các con và đệ tử ra Bắc lập nghiệp, hằng ngày, ông và các con luôn nhắc đến anh, đến các cháu ở quê nhà. Còn Đào Kỳ, khi gặp lại ba người em họ: Hiển Hiệu, Quý Minh và Phương Dung, nỗi mừng kể sao cho xiết?
Thuở bé, chàng cùng các em họ ở chung một nhà, nô đùa, tập võ với nhau. Chàng thường cùng các em dạo chơi đảo Nghi-sơn, lên núi Biện-sơn hái trái cây. Từ khi các em theo chú ra Bắc, chàng cảm thấy như thiếu thốn một cái gì trong đời. Hàng ngày, cha mẹ chàng cứ nhắc tới người chú này luôn. Còn các anh chàng cũng hay nhắc đến những kỷ niệm vui đùa với các em họ. Cho nên trong thời gian mười năm xa cách, lúc nào Đào Kỳ cũng nhớ đến chú thím, nhớ đến ba người em họ. Hôm nay, trong hoàn cảnh bèo nước gặp nhau, kể sao cho xiết nỗi vui mừng? Đào Kỳ gặp các em, chàng mới thấy con người ta có hai thứ tình: Tình nhân luân, là cha con, anh em và tình yêu nam nữ. Trước kia xa chú, chàng nhớ nhung, nhưng sự nhớ nhung đó nhẹ nhàng, dài dằng dặc. Khi xa cha mẹ, các anh, chàng cũng thấy nhớ như vậy mà thôi. Khi xa sư tỷ Thiều Hoa, chàng vừa thấy cái nhớ nhung giống như nhớ bố mẹ, kèm theo cái nhớ nhung đối với các anh chàng. Sau này gặp Tường Quy, chàng thấy cái nhớ nhung mãnh liệt, rung động khắp người. Có khi chân tay chàng bải hoải, đầu óc mơ hồ.
Đào Thế Hùng nói:
– Lâu ngày chú cháu không gặp nhau. Cháu với Nguyễn cô nương về trang ấp của chú ở mấy ngày đã. Thím vẫn nhắc đến cháu luôn. Bây giờ võ công cháu cao như vậy, cháu nên dạy cho các em, để khi khởi binh, còn dùng để đuổi giặc. Giòng giống họ Đào mà không nghĩ đến đuổi giặc thì thà làm trâu, làm chó còn ích lợi hơn.
Nghe chú nói, Đào Kỳ mới thấm thía trong lòng:
– Người đời thường ca tụng cha, chú, cậu ta là hào kiệt có hùng tâm, tráng khí thực quả đúng. Cha và cậu ta thì ta thấy bất cứ việc làm gì cũng hướng về phản Hán, phục Việt. Còn chú ta... lưu lạc ra Bắc mười năm, thân phải làm Huyện-úy cho giặc mà tấc lòng son đối với đất Lĩnh Nam vẫn không bao giờ nguôi.
Dọc đường về trang của chú, Đào Kỳ, Phương-Dung ríu rít chuyện trò với ba người em họ. Trang của Đào Thế Hùng tên là Hiển Minh. Chữ Hiển Minh ghép tên của hai con ông là Hiển Hiệu và Quý Minh. Khi ông rời Cửu-chân, chỉ dẩn theo có trên trăm tráng đinh và đệ tử. Tới Cổ-loa, ông tìm đất hoang để lập ấp, thì đất hoang không còn. Ông bàn cùng vợ, lên Đăng-châu đất rộng, người thưa, tai mắt của giặc không mấy chú ý. Ông tìm đến địa điểm nầy, cùng gia nhân, đệ tử phá hoang lập ấp. Với chủ tâm phục quốc trong lòng, ông đi chiêu tập dân chúng phiêu bạt sống rải rác các nơi về ấp. Ông chiêu nạp những người chống Hán, thất thế sa cơ, những người bị Hán đàn áp, những người trốn không chịu đi lính Hán sang Trung-nguyên đánh nhau. Chẳng bao lâu, dân đinh trong trang của ông đã lên tới trên hai ngàn người.
Thái-thú Tích Quang thấy thế lực của ông mạnh, uy tín lên cao, mời ông ra làm Huyện-úy. Là người đọc sách, ông biết lẽ tiến, thoái, nên nhận lời ra làm quan. Ông nghĩ: với uy tín của ông, không ai có thể nghi ông làm tôi mọi cho người Hán. Là Huyện-úy, nắm binh quyền trong tay, ông có nhiều cơ hội giúp đỡ dân chúng. Chứ nếu ông chống lại, Tích Quang sẽ phá trang ấp của ông ngay. Đến trang, Đào Kỳ xuống ngựa, gặp vợ Đào Thế Hùng, chàng hành đại lễ:
– Cháu là Đào Kỳ xin kính cẩn chào thím. Chúc thím được vạn sự nguyện đắc như sở cầu.
Bà Đào Thế Hùng là một mẫu phụ nữ hiền thục, không biết võ nghệ. Bà chỉ biết có việc chăm lo nội trợ. Nghe chồng con nói tìm được đứa cháu thì mừng lắm. Bây giờ thấy Đào Kỳ thành người lớn, dùng đại lễ kính bà, bà nắm tay cháu:
– Cháu đứng dậy đi.
Bà lo dọn cơm đãi Đào Kỳ. Khi thấy Phương Dung đi theo bèn hỏi:
– À, cháu lấy vợ rồi đấy à? Vợ cháu đẹp quá nhỉ? Vợ cháu quê ở đâu? Bao nhiêu tuổi?
Phương Dung ngượng quá, cúi đầu xuống, chưa biết trả lời sao, thì Đào Kỳ đã đỡ lời:
– Thưa thím, đây là Nguyễn Phương Dung sư muội.
Đào Hiển Hiệu ngạc nhiên:
– Hồi nãy em thấy Nguyễn cô nương sử dụng kiếm pháp Long-biên đến chỗ tuyệt kỹ. Em nghĩ, dù bố em gặp kiếm pháp đó cũng đành chịu thua... Nhưng sao cô nương lại là người của phái Cửu-chân ta?
Đào Kỳ cười:
– Để anh nói cho mà nghe. Nguyễn cô nương là sư muội của anh, nhưng không phải là đệ tử phái Cửu-chân. Anh được một vị cao nhân phái Long-biên dạy cho kiếm pháp, thì Nguyễn cô nương là sư muội của anh.
Rồi chàng tỉ mỉ thuật hết tất cả những gì đã gặp từ khi xảy ra trận đánh cảng Bắc. Nhưng chàng dấu chuyện gặp Tường Quy.
Đào Phương Dung và Đào Kỳ bằng tuổi nhau, thuở nhỏ thường chơi thân với nhau, nên nàng không tỵ hiềm, nói với cha:
– Bố ơi! Luật lệ trong vũ lâm Lĩnh Nam có cấm sư huynh, sư muội lấy nhau không? Phái Cửu-chân nhà ta có cấm như vậy không?
Thế Hùng lắc đầu:
– Trong các phái võ chỉ cấm những người trên, dưới vai như sư thúc với sư điệt không được lấy nhau mà thôi. Phái Cửu-chân nhà ta còn khuyến khích sư huynh, sư muội lấy nhau là khác. Như bác trai, bác gái con chả là sư huynh, sư muội là gì đó?
Đào Phương Dung vỗ tay:
– Bố ơi! Hai bác không biết bây giờ ở đâu? Vậy bố đứng ra hỏi Nguyễn cô nương cho anh Kỳ đi, rồi làm lễ cưới. Nhà mình sẽ có thêm nàng dâu đẹp như tiên nga, kiếm pháp thần thông mưu trí tuyệt vời.
Đào Phương Dung là cô gái học võ, được nuông chiều, tính tình tự nhiên, nghĩ sao nói vậy. Lời đề nghị của nàng làm Nguyễn Phương Dung ngượng quá, không biết trốn vào đâu cho thoát.
Bà Đào Thế Hùng cũng nói:
– Ừ, cháu cũng đã lớn rồi, bố mẹ cháu hiện không biết ở đâu. Thôi, chú thím đứng hỏi Nguyễn cô nương cho cháu, để trên đường xuôi ngược, vợ chồng bên nhau. Chứ cháu tuy là sư huynh của Nguyễn cô nương, mà hai người cứ đi với nhau như vậy, thì còn ra... thể thống gì nữa? À, thế song thân Nguyễn cô nương là ai?
Đào Kỳ tường thuật tỉ mỉ tất cả những điều chàng đã trải qua cho chú thím với các em nghe. Đào Thế Hùng bảo cháu:
– À, thì ra Nguyễn cô nương là con nhà danh gia, Nguyễn Trát với chú là chỗ giao tình rất hậu. Năm xưa, chú đã đấu với ông trên trăm chưởng.
Từ lúc đến trang, Phương Dung bị hết cô em họ của Đào Kỳ đến bà Thế Hùng tấn công không đường thoát, bây giờ thấy có chỗ tránh né, nàng đánh trống lảng:
– Thưa chú, thế cuộc đấu đó ai thắng, ai bại?
Đào Phương Dung reo:
– Đấy nhé, chị đã gọi bố em bằng chú, tức là xong rồi nghe.
Suốt đời Nguyễn Phương Dung chuyên tìm chỗ sơ hở của lời nói người ta mà tấn công. Nay nàng bị Đào Phương Dung dồn vào chân tường, đành ngồi chết trân. Nàng nghĩ thầm:
– Cái cô em này dồn mình vào chỗ dẫy không nổi rồi. Không biết cô này đã thôi chưa đây?
Đào Thế Hùng nói:
– Chúng ta ước hẹn đấu đến 120 chiêu thì thôi, vì vậy, không ai thắng, không ai bại. Thời gian qua mau thực, mới hôm nào đây, mà nay tóc chúng ta đã bạc hết rồi. Việc phục quốc thì chưa đi đến đâu cả.
Ngừng một lát, ông tiếp:
– Sau khi đi Mê-linh về, cháu phải đào kho tàng tại đền thờ Hùng-vương ngay. Biết đâu, một ngày kia, chẳng bị người ta vô tình đào lên lấy mất. Cháu đem kho tàng về Cối-giang cất để dùng vào việc khởi nghĩa. Còn vụ cháu với Phương Dung, chú khuyên cháu nên tiến hành sớm thì tốt hơn.
Tối hôm đó, Đào Kỳ dẫn các em đến giảng võ đường thao luyện. Chàng bắt các em biểu diễn cho xem để biết trình độ đến đâu. Chàng thấy bản lĩnh Đào Phương Dung ngang với sư tỷ Thiều Hoa của chàng. Còn Hiển Hiệu và Qúy Minh thì không kém gì nhị sư huynh. Đầu tiên, chàng đem nội công dương cương của gậy đồng ra giảng rất kỹ cho ba người luyện tập. Chàng giảng giải tới khuya mới ngừng.
Chợt nhớ ra điều gì, chàng hỏi Hiển Hiệu:
– Anh có một điều thắc mắc. Hôm qua trên tửu lầu, Trương Minh Đức sử dụng mấy chiêu của họ Đào nhà ta. Vậy hắn có phải là đệ tử của trang mình hay không?
Hiển Hiện lắc đầu:
– Huyện-lệnh xin bố em dạy võ cho hắn. Nhưng hắn chỉ mải trác táng nên tuy có tập mà chẳng thu được kết quả nào. Hắn lại mới cưới vợ.
Tim Đào Kỳ nhói lên. Chàng nghĩ đến Tường Quy:
– Hắn cưới vợ lâu chưa?
Đào Phương Dung là gái, hay tò mò chuyện yêu thương, vợ chồng, nên nàng biết rất tận tường, trả lời:
– Vợ hắn là con của Huyện-úy Bắc-đái Chu Bá. Tức cháu ngoại của nhân vật lừng danh võ lâm Lê Đạo Sinh. Nàng tên là Tường Quy. Võ công cũng không thua gì em. Nhan sắc thì thực là tiên nga giáng trần. Dù cho Mỵ Nương, Mỵ Châu tái sinh cũng không bằng. Nàng đàn ngọt, hát hay. Nhưng từ khi làm vợ Minh Đức, thì không được vui vẻ, suốt ngày ủ rũ. Em thường vào dinh Huyện-lệnh chơi với nàng. Em có hỏi tại sao, nàng không trả lời.
Khi Đào Kỳ nói chuyện với Đào Phương Dung, thì Nguyễn Phương Dung ngồi cạnh. Nàng đã biết mối tình của Đào Kỳ với Tường Quy. Biết chàng chưa quên được Tường Quy, nàng nghĩ thầm:
– Ta không trách Đào lang được. Chàng đã gặp Tường Quy trước khi gặp ta là điều thứ nhất. Điều thứ nhì, Tường Quy là người ôn nhu, văn nhã, thuần hậu hơn ta, tuy võ công nàng thua ta. Mẹ ta chả từng nói rằng trai gái mới lớn, thì mối tình chớm nở lần đầu bao giờ cũng làm người ta say đắm nhưng rồi mau quên.
Đào Phương Dung là cô gái rất thông minh, lại gần Đào Kỳ từ nhỏ, nên cô biết rõ người anh họ mình hơn hết. Nàng thấy Đào Kỳ chú ý đặc biệt đến Tường Quy, nét mặt, hơi thở thay đổi theo lời tường thuật của mình thì nghĩ:
– Anh ta kể rằng đã ở Thái-hà trang của Lê Đạo Sinh. Tường Quy là cháu ngoại Lê Đạo Sinh, biết đâu hai người đã chả từng gặp nhau? Ta phải dò cho ra manh mối vụ này mới được.
Nghĩ thế, nàng tiếp:
– Tường Quy thường ưa ra cửa sổ nhìn trăng đánh đàn. Dường như nàng có mối ẩn tình câm nín thì phải.
Câu nói này làm Đào Kỳ như mê như tỉnh. Bất giác, chàng buông tiếng thở dài não nuột. Tiếng thở dài đó cả hai nàng Phương Dung cùng nghe, nhưng tâm tư họ khác nhau.
Đối với Nguyễn Phương Dung, từ khi mới gặp Đào Kỳ, nàng đã cảm thấy xao xuyến trong lòng. Rồi Đào Kỳ luyện võ cho nàng trong suốt một năm. Hai người ở bên sông, vừa luyện võ, vừa ngắm trời nước mênh mông. Dần dần nàng yêu Đào Kỳ lúc nào không biết. Trai cũng như gái, ở bất cứ thời đại nào, nơi nào, mối tình đầu bao giờ cũng dễ đến. Cái thuở ban đầu đó mãnh liệt vô cùng. Còn Đào Kỳ thì chỉ coi nàng như một cô em gái. Chàng đem tất cả những đau khổ của mối tình tuyệt vọng ra than thở với Phương Dung. Phương Dung tuy yêu thương chàng, nhưng đành câm nín, không dám thổ lộ ra ngoài. Nàng là người thông minh, tự nghĩ:
– Dần dần chàng sẽ quên Tường Quy và nghĩ đến ta.
Giờ đây, nghe cô em họ nói đến Tường Quy, chàng thở dài não nuột, thì Phương Dung biết rằng hình bóng Tường Quy đã ăn sâu vào tâm tư Đào Kỳ, thật khó phai mờ đi được. Mấy hôm trước, ông bà Đào Thế Hùng ngỏ ý sẽ về Long-biên hỏi nàng cho Đào Kỳ, nàng cảm động, mừng vô hạn. Nhưng bây giờ nàng mới thấy: Muốn xóa bỏ hình bóng Tường Quy thật không phải dễ.
Trời về khuya, Đào Thế Hùng dục các con, các cháu đi ngủ. Đào Kỳ về phòng, để nguyên quần áo, nằm vật xuống giường, ôm đầu mà khóc. Chàng tự biết mình khóc là thiếu vẻ anh hùng, nhưng chàng không thể nào cầm được nước mắt. Nước mắt tuôn ra không ngừng. Mãi về khuya, mối ẩn ức mới nhẹ đi đôi chút. Chàng nghĩ:
– Ta phải đi thăm nàng. Ta chỉ cần được nhìn nàng một lúc cũng đủ thỏa mãn rồi. Huyện Đăng-châu này có chú ta là cao thủ, lại ở riêng. Ta lọt vào dinh Huyện lệnh thăm nàng, dù ta bị muôn ngàn mũi tên của giặc bắn vào người mà được nhìn nàng một cái cũng thỏa lòng.
Nghĩ rồi, chàng lấy khăn bị mặt lại, đeo kiếm vào lưng, rồi theo cửa ngách của trang, hướng về huyện đường. Từ trang Hiển Minh đến huyện đường không xa. Đứng ngoài nhìn vào dinh huyện lệnh, nhờ bóng trăng dọi xuống, chàng thấy hai chòi canh của quân Hán. Nhún người một cái, chàng nhảy vào trong hàng rào. Tên quân Hán thấy thấp thoáng có bóng đen trước mặt, hắn cho rằng hoa mắt, đưa tay lên dụi, thì Đào Kỳ đã chạy qua. Chàng nhảy lên nóc huyện đường, rồi móc hai chân vào mái ngói, đu người xuống cửa sổ, nhìn vào trong: Đó là một căn phòng trang trí cực kỳ hoa mỹ, nhưng không có ai trong đó. Chàng buông chân, vọt vào phòng. Chợt có tiếng chân người đi vào. Chàng vội núp sau một cái tủ. Người đi vào là một thiếu nữ người Việt, mặc quần áo theo lối nô tỳ, cô bưng một dĩa trái cây để lên bàn, châm lửa đốt trầm cho vào lư hương. Có tiếng nói từ phòng bên vọng qua:
– Ninh ơi, công tử đã về chưa?
Tim Đào Kỳ đập loạn lên. Chàng đã nhận ra tiếng nói đó là của Tường Quy.
Người nữ tỳ đáp:
– Thưa mợ, công tử đang bận việc với quan, không biết giờ nào mới xong.
Tiếng Tường Quy nói:
– Thôi, ngươi đi ngủ đi.
Người nữ tỳ lau cái án thư rồi ra khỏi phòng. Cánh cửa phòng bên cạnh mở ra, Tường Quy thẫn thờ bước vào. Nàng mặc bộ quần áo lụa màu thiên thanh, trên ngực có thêu nhánh đào rực rỡ.
Đào Kỳ bủn rủn cả chân tay, ngẫm nghĩ:
– Không lẽ vì nàng nhớ đến ta mà thêu cành đào trên áo?
Tường Quy đến bên cửa sổ, nhìn lơ đãng về phương trời xa, cất tiếng hát khe khẽ:
Thanh thanh tử khâm,
Du du ngã tâm,
Túng ngã bất vãng,
Tử ninh bất tự âm.
Thanh thanh tử bội,
Du du nga tư,
Túng ngã bất vãng,
Tử ninh bất lai.
Yểu hề, đạt hề,
Tại thành khuyết hề,
Nhất nhật bất kiến như tam thu hề!
(Tà áo xanh xanh, em nhớ anh không nguôi. Em không đến thăm anh được, tại sao anh không gửi thư thăm em? Chiếc khăn xanh xanh, làm em nhớ anh buồn dằng dặc. Em không tới thăm anh được. Tại sao anh không đến thăm em? Một mình em ngồi, lòng bồi hồi nhớ anh. Em chỉ thấy bóng mình theo mình mà thôi. Em ngồi trong cửa thành đã mòn mỏi. Một ngày không gặp anh, dài bằng ba thu).
Đào Kỳ biết bài ca trên là bài Tử khâm trong kinh Thi, nghĩa là Tà áo của anh.
Tường Quy mơ màng nhìn trăng, cất tiếng ngâm sa mạc:
Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ,
Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai?
Anh ơi, chua ngọt đã từng,
Non xanh, đất đỏ, xin đừng quên nhau.
Tiếng ngâm của nàng dài lê thê, bay vào không gian. Dưới ánh trăng, Đào Kỳ thấy những giọt lệ tuôn rơi xuống hai gò má. Nàng lấy ống tiêu đưa lên miệng thổi. Tiếng tiêu lên cao tít tận mây mờ, bay vào trong đêm trăng, tạo thêm vẻ thảm não. Đào Kỳ nhận ra đó là bài Cổ Loa di hận. Bản này chàng đã nghe Chu Thổ Quan thổi hôm chàng cùng Tường Quy, Minh Châu đi thăm cố đô Cổ-loa. Có điều tiếng sáo của Tường Quy thổi trong đêm trăng, giọng thảm não hơn nhiều. Đào Kỳ không tự chủ được nữa, chàng lột khăn bịt mặt ra, thẫn thờ tới trước mặt nàng ngồi xuống.
Tường Quy xuất thần theo tiếng tiêu, đắm chìm vào mối tình xa xưa, đến nỗi Đào Kỳ tiến ra ngồi đó, nàng cũng không hay.
Điệu sáo ngưng, nước mắt nàng rơi từng giọt trên gò má. Nàng ngửng đầu lên, thấy Đào Kỳ ngồi trước mặt, thì cho rằng mình đang sống trong mơ. Nàng không dám chớp mắt, vì sợ nếu chớp mắt, hình ảnh Đào Kỳ sẽ biến đi mất. Nàng than:
– Anh ơi! Từ khi gặp gỡ ở trang Thái-hà, chúng mình du ngoạn cố đô Aâu-lạc, em đã mơ màng được cùng anh trăm năm chữ đồng. Tại sao em lại sinh vào gia đình người Việt. Cha mẹ dạy em hận thù người Hán, khinh ghét Mỵ Châu, rồi lại bắt em làm một Mỵ Châu? Tại sao ông ngoại lại cho em mượn du thuyền của người, để chúng mình chơi trăng trên sông? Đêm trăng trên sông Hồng-hà ấy, chúng mình đã yêu nhau. Em đánh đàn cho anh nghe. Để rồi mấy ngày sau anh bỏ đi, chỉ để lại cho em mấy chữ. Từ hôm lấy chồng, em vẫn dành tình yêu cho anh. Em ước mơ một ngày nào đó, em được gặp lại anh một lần, dù chỉ trong giấc mơ. Hôm nay, trong giấc mơ, em đã toại nguyện. Nhưng tình trong giấc mộng, muôn ngàn vẫn là không.
Nàng đến ngồi bên Đào Kỳ, ngả đầu vào vai chàng mà khóc. Đào Kỳ như bay bổng lên cao, chập chờn, mơ mơ, tỉnh tỉnh. Nước mắt Tường Quy nhỏ xuống cánh tay. Chàng đưa cánh tay lên miệng hớp lấy giọt nước mắt đó.
Bỗng những tư tưởng, ý thức trong sách Đại-học, Trung-ung, Luận-ngữ, Mạnh-tử trở về với chàng. Chàng nghĩ:
– Tường Quy đã có chồng. Ta có thể để cho nàng ô danh, thất tiết được không? Ta là con trai của một Lạc- hầu, chưởng môn phái Cửu-chân, ta có thể nào đi tình tự với vợ một tên Hán dốt nát, yếu hèn không?
Chàng định đẩy Tường Quy ra, nhưng giọt nước mắt thứ nhì lại nhỏ xuống tay chàng. Chàng đưa hai tay bế nàng lên, ôm chặt trong lòng, tự bào chữa cho hành động của mình:
– Nàng với ta yêu thương nhau, thì ta là chồng nàng. Tên Trương Minh Đức là Hán tặc, đến cướp đất nước ta, cướp cả người yêu của ta. Chỉ ta mới xứng đáng được hưởng mối nhu tình của nàng.
Trong đầu óc chàng lóe lên ý tưởng:
– Bây giờ ta bồng nàng trở về Long-biên, đào kho vàng cất dấu ở đền Hùng, rồi tìm một nơi xa xôi ẩn thân, hưởng diễm phúc bên nàng, thì thực là thần tiên.
Nhưng hình ảnh cô bé Tía và mẹ bị quân Hán bắt giết giữa chợ Long-biên lại hiện lên. Hình ảnh những đoàn người Việt bị bắt làm lao binh sang Trung- nguyên, vợ con, cha mẹ tiễn lên đường khóc lóc thảm thiết, nhảy múa trước mắt chàng. Chàng nghe văng vẳng tiếng cha nói:
– Là con dân Âu-lạc, nếu một ngày quên phục quốc, thì thà làm chó, lợn còn ích lợi hơn.
Hai giòng tư tưởng đối nghịch nhau làm đầu óc chàng mê đi, mà hai tay chàng vẫn ôm chặt tấm thân mềm mại của Tường Quy.
Cứ như vậy, hai người, hai cơ thể, mà hồn hòa lẫn với nhau trong giấc mộng dài. Không biết thời gian đã trôi qua được bao lâu. Bỗng có nhiều tiếng nhạc ngựa vọng từ sân lên, rồi có tiếng người nói:
– Huyện lệnh đại nhân và công tử đã về.
Tường Quy giật mình tỉnh giấc vu sơn. Nàng ngước mắt nhìn Đào Kỳ. Bấy giờ nàng mới biết rằng Đào Kỳ đến thăm nàng thực chứ không phải giấc mơ.
Đào Kỳ định phóng mình qua cửa trốn chạy. Nhưng chàng nghĩ lại:
– Đất nước này là đất nước Văn-lang, đất nước Âu-lạc. Ta đường đường là một đấng nam tử người Việt, tại sao phải trốn chạy trước kẻ thù người Hán? Võ công chúng muôn ngàn lần không bằng ta. Tường Quy thương yêu ta thì nàng là vợ ta. Việc gì ta phải trốn? Ta cứ hiên ngang ngồi đây. Cha con tên Trương Minh Đức vào thì ta phóng chưởng giết chết chúng. Ta há sợ bọn Hán cướp nước sao?
Trong khi đó, Tường Quy lo sợ cuống quýt:
– Anh! Anh mau vượt cửa sổ trốn đi. Em những tưởng là giấc mơ, không ngờ là anh thực. Anh ơi, em là gái có chồng, muôn ngàn lần chúng ta không thể thành vợ chồng được nữa. Anh đi đi!
Đào Kỳ hiên ngang nói:
– Anh không đi đâu hết. Đây là đất nước Âu-lạc, em là người anh yêu. Anh cứ ở đây. Anh mới chính là chồng em và em là vợ anh. Anh phải giết chết tên Huyện lệnh, chiếm huyện này rồi đánh thẳng lên Luy-lâu, lập lại nước Âu-lạc.
Có tiếng gõ cửa, rồi giọng Trương Minh Đức kêu:
– Phu nhân! Mở cửa cho ta, sao lại đóng cửa như vậy?
Đào Kỳ ôm chặt Tường Quy vào ngực, đặt lên môi nàng một cái hôn. Cả hai đắm chìm vào cơn ảo mộng.
Trương Minh Đức lại gọi:
– Phu nhân! Mở cửa mau. Làm gì mà không lên tiếng vậy?
Tường Quy bị Đào Kỳ ôm chặt, hai môi dính vào nhau. Đừng nói tiếng gọi của chồng, chứ tiếng sét đánh nàng cũng không nghe thấy nữa.
Đức gọi cửa không được, y tức mình, ghé vai huých một cái. Then cửa gãy lìa. Y mở cửa bước vào. Tường Quy hất Đào Kỳ ra quát lên:
– Ngươi là ai? Vào đây định làm gì?
Trương Minh Đức nhận được mặt Đào Kỳ, gã kêu lên:
– Thằng Nam-man này đi với thằng Tô Phương và Ngũ-phương kiếm. Phải bắt lấy nó.
Trương Minh Đức nhảy tới, vung quyền đánh vào mặt Đào Kỳ. Chàng nhận ra đó là thế quyền của phái Cửu-chân. Thấy công lực Minh Đức tầm thường, chàng không thèm tránh né, chỉ vận công chịu đòn. Chát một tiếng, Trương Minh Đức ôm tay nhăn nhó, y có cảm tưởng như vừa đấm vào một bức tường bằng đá.
Thấy Đào Kỳ vẫn đứng yên, cho rằng có sự gì lạ, y vội kêu lên:
– Phu nhân! Phóng chưởng đánh nó mau. Kiếm đây, giết nó đi!
Tay trái Tường Quy tiếp kiếm, tay phải phóng chưởng đánh vào mặt Đào Kỳ. Chưởng lực của nàng khá hùng hậu. Đào Kỳ không tin Tường Quy đánh mình thực. Chàng không vận công chịu đòn, cũng không đỡ. Binh một tiếng, chàng bị hất tung vào tường. Người chàng lảo đảo, rồi khạc ra một tiếng, nhổ ra một búng máu tươi.
Trương Minh Đức kêu:
– Dùng kiếm đâm nó mau.
Tường Quy thấy Đào Kỳ không đỡ, không tránh, không vận công chịu đòn, khi thấy Đào Kỳ thổ máu tươi, thì vô cùng ái ngại:
– Ngươi là ai? Mau chạy đi, nếu không, đừng trách kiếm ta không sắc.
Tường Quy đưa mũi kiếm chênh chếch hướng vào ngực Đào Kỳ đâm một nhát. Từ lúc bị chưởng lực của Tường Quy đánh trúng. Đào Kỳ cảm thấy như trời long đất lở, chàng không đau vì chưởng mà đau vì tình:
– Thì ra nàng vẫn coi trọng chồng hơn ta. Chồng nàng bảo nàng đánh ta, giết ta, nàng cũng làm theo. Đã vậy, ta để nàng giết ta cho vừa lòng chồng. Ta cũng không thiết sống nữa.
Mũi kiếm đã tới trước ngực, Đào Kỳ vẫn không tránh. Tường Quy hoảng hốt đẩy xéo đi. Xoẹt một tiếng, mũi kiếm đâm vào ngực phải chàng. Máu tươi phun ra đầy áo.
Trương Minh Đức hô:
– Đừng giết y, hãy bắt sống.
Mấy tên quân Hán ở ngoài chạy vào phòng. Chúng ùa đến bắt Đào Kỳ. Vết thương ở ngực làm chàng điên tiết:
– Mấy tên Hán thối tha kia. Tường Quy là người yêu của ta, nàng có quyền giết ta, đánh ta. Còn bọn mi, muốn bắt ta còn khó hơn bắc thang lên trời.
Chàng vận chưởng phóng về phía trước. Bùng một tiếng, bốn tên quân Hán văng vào tường, miệng phun máu có vòi. Thuận tay, chàng phóng một chưởng nữa về phía Trương Minh Đức. Tường Quy hô:
– Không được hại chồng ta!
Nàng vung chưởng đỡ. Đào Kỳ thấy chưởng của mình mạnh quá, nếu để nàng đỡ trúng, thế nào cũng bị gãy tay hoặc thiệt mạng. Chàng vội thu chưởng về, đẩy xéo sang một bên. Bình một tiếng, cánh cửa sổ bị bay ra xa, rơi xuống đất, kêu lên một tiếng lớn.
Chàng nhảy vèo đến, tay trái cặp Tường Quy vào nách, vượt cửa sổ ra ngoài. Phía ngoài, lính Hán bao vây chặt như nêm, nhưng chúng không dám bắn tên vì sợ trúng Tường Quy.
Lưu Chương đứng giữa bọn binh Hán. Y nhận ra Đào Kỳ là người đi với Ngũ-phương kiếm. Y cho rằng chàng vào đây bắt huyện lệnh để đòi thả Tô Phương. Y bảo Đào Kỳ:
– Ngươi đi cùng bọn Ngũ-phương kiếm thì đúng là bọn phản nghịch. Nếu ngươi là anh hùng hảo hán, hãy để phu nhân của công tử xuống. Chúng ta đấu mấy trăm chưởng. Chứ thân là anh hùng lại đi uy hiếp một nữ nhân, thực là hèn hạ.
Uất khí làm Đào Kỳ nổi máu hung. Chàng hít một hơi dài, vận đủ mười thành công lực, phóng chiêu Ác ngưu nan độ, một chiêu cương mãnh nhất của Phục ngưu thần chưởng.
Lưu Chưởng kinh lịch nhiều. Y thấy chưởng lực ác liệt, chiêu số kỳ diệu, chưởng phong vừa chụp xuống người thì y biết ngay là nguy rồi. Y vận hết sức, đưa hai tay lên đỡ chưởng của Đào Kỳ. Binh một tiếng lớn, người y bị bật lên cao, lưng đập vào một cây lớn trong sân huyện đường, rơi xuống. Y dãy dụa mấy cái, rồi nằm luôn.
Đào Kỳ định tìm đường chạy, chợt chàng cảm thấy đau nhói trên vai, như bị ai đâm bằng dao. Chàng bắt dao, thì ra Tường Quy đã đâm chàng. Kinh lực trên tay bị mất, chàng để Tường Quy tuột xuống đất.
Vừa đứng xuống đất xong, Tường Quy đã dùng dao tấn công chàng. Đám quân Hán thấy chàng đã bị thương nặng nên chúng ào vào ôm chặt lấy chàng rồi trói lại.
Thình lình, một bóng đen từ nóc nhà nhảy xuống, vung kiếm lên như sao sa. Mỗi lần vung lên là đầu một tên quân Hán rơi xuống. Vòng vây đã mở rộng. Bóng đen ôm Đào Kỳ nhảy qua hàng rào, biến mất trong đêm tối.
Rung động mãnh liệt vì tình yêu, mệt mỏi vì chiến đấu, lại bị Tường Quy đánh một chưởng, thích một kiếm vào ngực, cuối cùng đâm một dao vào lưng, máu ra nhiều quá, chàng ngất đi lúc nào không hay. Trong lúc mơ màng, chàng biết một người trùm kín mặt, đánh đuổi quân Hán, rồi ôm chàng chạy vào đêm tối.
Chàng giật mình tỉnh dậy, thì thấy mình đang nằm trên giường, bên cạnh là ông bà Đào Thế Hùng, ba người em họ và Phương Dung. Nhờ nội công thâm hậu, đầu óc chàng tỉnh táo trở lại. Chàng tự nhủ:
– Thế là mình không chết. Ù, tại sao mình không để cho Tường Quy giết mình đi có hơn không?
Ông bà Đào Thế Hùng ôn tồn hỏi cháu:
– Hôm trước, cháu đã ước hẹn kế hoạch với Lê Chân, Phùng Vĩnh Hoa, Đàm Ngọc Nga. Nhiệm vụ của cháu là đi Phong-châu gặp chưởng môn phái Tản-viên. Thế tại sao hôm qua cháu lại đột nhập huyện đường Đăng-châu định bắt cóc con dâu Huyện-lệnh?
Câu hỏi của Đào Thế Hùng chứng tỏ ông không biết chuyện của chàng? Khuya hôm qua, Phương Dung gõ cửa phòng đánh thức ông dậy, báo cho ông biết rằng Đào Kỳ bị thương nặng. Ông hoảng hốt vội cùng vợ và các con vào phòng Đào Kỳ. Thấy chàng bị hai vết ngoại thương và bị chưởng lực đánh vào ngực. Thương thế không nặng lắm. Ông rịt thuốc cho chàng. Ông hỏi nguyên do, Phương Dung rưng rưng nước mắt, lắc đầu.
Nguyên đêm qua, nghe cô em họ Đào Kỳ kể chuyện Tường Quy, Phương Dung đoán biết thế nào chàng cũng đột nhập huyện đường Đăng-châu thăm người yêu. Gần Đào Kỳ một năm qua, nàng hiểu tính chàng hơn ai hết: Bề ngoài thì cương nghị, nhưng trong lòng đầy tình cảm. Chàng có thể vì người yêu mà moi gan, móc tim cho ăn. Người yêu muốn là trời muốn. Chàng còn đi trước cả ý muốn của người yêu nữa. Sợ Đào Kỳ có gì sơ xẩy, nàng dắt kiếm vào lưng rồi băng mình theo sau.
Khi Đào Kỳ nhảy vào phòng Tường Quy, nghe nàng hát, thổi tiêu... rồi xuất hồn đắm đuối hôn nhau, nàng đều thấy hết. Cơn ghen nổi lên, nàng uất nghẹn trong cổ, định nhảy vào giết chết cả hai người cho hả giận. Song đến lúc thấy Đào Kỳ bị Tường Quy đâm trọng thương, nàng vội rút kiếm giết quân Hán cứu chàng đưa về trang Hiển Minh.
Đào Thế Hùng thở dài:
– Sau khi băng bó cho cháu, thì Huyện lệnh báo cho chú biết đêm qua có gian tế đột nhập, định bắt cóc vợ Trương Minh Đức. Võ công thích khách cực kỳ cao thâm, một chưởng đánh bốn tên quân Hán vỡ ngực chết trong phòng Trương Minh Đức. Lưu Chương võ công cao biết chừng nào, thế mà chỉ một chưởng đã khiến y bị phun máu miệng, hôm nay còn chưa biết sống chết ra sao. Sau khi thích khách bị vợ Trương Minh Đức đánh một chưởng phun máu miệng, bị đâm một kiếm vào ngực, một dao vào vai. Ta biết ngay thích khách là cháu.
Ngưng một lúc, ông thở dài nói tiếp:
– Vợ Trương Minh Đức là cháu ngoại Lê Đạo Sinh, kể ra võ công cũng vào hàng cao thủ hiếm thấy so với tuổi nàng. Nhưng nàng không thể đả thương vào ngực cháu được. Võ công Cửu-chân nhà ta...
Đào Kỳ kinh hãi tự nghĩ:
– Chú mình là nhân vật tinh tế hiếm có ở đời. Đúng, võ công Cửu-chân luôn luôn bảo vệ khu ngực. Dù cao thủ hạng nhất cũng khó có thể đánh trúng ngực một đệ tử Cửu-chân loại thường. Trừ trường hợp chưởng lực mạnh quá, làm thiệt mạng thì không kể.
– Với công lực của cháu, nếu cháu vận khí phản công, đến ngay sư phụ nàng cũng bị hất văng đi, có thể bị nội thương mà chết. Thế mà cháu bị nàng đánh trúng, còn bị thương nữa, rõ ràng cháu muốn để cho nàng đánh. Cháu còn bị nàng đâm hai nhát... Chú thực không hiểu.
Đào Kỳ đoán chú mình đã biết sự thực, chàng giả đau, rên lên một tiếng, rồi nhắm mắt vờ ngủ.
Thuốc trị thương của Đào trang Cửu-chân vốn nổi tiếng khắp Lĩnh Nam, nên chỉ ba ngày sau, Đào Kỳ đã khỏe mạnh như thường, vết thương gần đóng vẩy. Chàng lại tiếp tục luyện võ cho các em. Ba người con của Thế Hùng thấy mình gần người anh họ một ngày, bằng luyện tập cả mấy năm. Võ công của họ tiến rất nhanh.
Đào Phương Dung cùng tuổi với Đào Kỳ, thuở nhỏ anh em chơi đùa, sống chung trong một nhà với nhau, tình nghĩa như ruột thịt. Xa nhau mười năm, nhớ thương chồng chất. Bây giờ gặp lại nhau, Đào Kỳ đã trở thành người võ công tuyệt vời, còn hơn cả bố nàng. Nàng thấy người anh họ thân thiết với mình nên nói với bố:
– Bố ơi, anh Kỳ đi Mê-linh, bố cho con đi theo anh ấy, nghe bố!
Đào Thế Hùng thấy con và cháu quấn quýt bên nhau thì mừng lắm. Ông bảo con gái:
– Anh con đi có việc cơ mật, chỉ trong nửa tháng lại về. Con cứ ở nhà luyện tập. Nếu có con đi theo chỉ thêm vướng tay vướng chân vô ích.
Sau mười ngày, vết thương Đào Kỳ đã lành hẳn. Đào Phương Dung nói với anh rằng:
– Anh Kỳ ơi! Em muốn dẫn anh đi dạo chơi một cảnh đẹp bậc nhất vùng này. Vậy anh có muốn đi không? Mà này, chỉ mình anh đi với em thôi.
Xưa nay Đào Kỳ vốn chiều cô em họ. Bất cứ nàng muốn gì, dù là những việc khó khăn chàng cũng không từ chối. Huống hồ, nay nàng rủ đi chơi?
Nguyễn Phương Dung là con nhà võ học danh gia, nàng hiểu biết tình nghĩa anh em Đào Kỳ nên không tỏ vẻ khó chịu:
– Cô em họ này tính hay làm nũng đã quen, bây giờ nàng muốn đi chơi với Đào Kỳ để tâm sự riêng tư gì đó, ta chẳng nên xen vào.
Đào Phương Dung lấy ngựa. Hai anh em rời trang đi về phía đồi núi xa xa.
Hai người ruổi ngựa thong thả qua cánh đồng đầy hoa thơm. Đào Kỳ nhận thấy hôm nay nét mặt cô em có vẻ huyền bí, cười không phải cười, nghiêm không ra nghiêm. Chợt Phương Dung hỏi:
– Em đố anh biết em sẽ đưa anh đến chỗ nào?
– Thì dễ quá. Em bảo sẽ đưa anh đến một nơi cảnh trí nên thơ của núi rừng Đăng-châu, chứ còn đi đâu nữa?
Phương Dung nheo mắt:
– Đành rằng núi rừng, có suối chảy, có nước trong, có hoa thơm, nhưng tại đó còn có một người mà anh ghét nhất thế gian.
Đào Kỳ nhìn thẳng vào mặt cô em để tìm lấy câu giải đáp, nhưng chỉ thấy khuôn mặt thanh tú, hàm răng trắng đều và đôi mắt đen trong đen. Chàng nói:
– Trên đời anh, anh chỉ ghét có một người, đó là cô em họ, con chú của anh.
Phương Dung nheo mắt:
– Nếu vậy, tất cả thiên hạ đều muốn được anh ghét. Anh ghét mà em nói gì anh cũng nghe, em xin gì cũng được. Em hỏi anh câu này nhé: Có phải anh ghét Lê Đạo Sinh, Hoàng Đức lắm không?
– Đúng, vì chúng giả nhân giả nghĩa. Hoàng Đức bắt giam anh, Lê Đạo Sinh bắt anh làm nô bộc, để gài bẫy bắt bố anh.
– Thế thì anh ghét là phải. Giả dụ: Nếu anh tử tế với hắn, mà hắn đánh anh phun máu miệng thì sao?
– Thì dĩ nhiên chúng là kẻ thù của anh.
– Nếu chúng lại dùng kiếm đâm anh?
– Thì anh phải giết chúng.
Phương Dung xì một tiếng:
– Anh nhớ lấy câu này nghe.
Hai người leo qua ngọn đồi sim, đến một bờ suối, nước chảy trong veo. Phương Dung bảo Đào Kỳ xuống ngựa, rồi cột ngựa vào gốc cây. Hai anh em men theo bờ suối mà đi. Đến gần một thác nước, Phương Dung chỉ vào một tảng đá rất lớn:
– Bên kia tảng đá có một cái hang rất sâu, anh lại đó coi trước đi, em sẽ đến sau. Trong hang có một nàng tiên nữ đang ngồi ngắm mây trời và chờ tình quân Đào Kỳ tới.
Đào Kỳ cho là cô em nói đùa, nên chàng xăm xăm bước tới. Chàng phì cười vì tài tưởng tượng của Phương Dung. Sau khi vượt qua mấy tảng đá nhỏ, lúc đến trước tảng đá lớn, chàng bỗng giật mình. Vì, quả nhiên bên kia tảng đá lớn có một thiếu nữ đang ngồi soi bóng dưới nước. Tay nàng cầm ống tiêu để lên miệng thổi. Tiếng tiêu vang lên tít tận trời xanh, lơ lửng theo mây trắng trôi về miền xa xa. Chàng nhận ra đó là bài Trường hận Trương Chi. Trước đây, chàng đã nghe Đệ-tứ Thái-bảo của phái Sài-sơn thổi trên sông Hồng mấy năm về trước.
Chàng bước thêm mấy bước nữa thì nhìn thấy tấm lưng thon thon và bàn tay búp măng của thiếu nữ. Tim chàng đau nhói lên, chàng loạng choạng muốn ngã, vì, người thiếu nữ đó chính là Tường Quy.
Nguyên sau hôm Đào Kỳ bị thương, Đào Phương Dung đầy thắc mắc về việc chàng đột nhập huyện đường Đăng-châu, nên nàng tìm cách vào chơi với Tường Quy để hỏi cho ra lẽ. Nàng là bạn Tường Quy, nên mỗi lần nàng đến thăm, nô tỳ không cần vào thông báo. Nàng lên thẳng phòng khách, gõ cửa rồi bước vào. Tường Quy thấy nàng thì mừng vô kể:
– Mình đang mong Phương Dung đấy. Vào đây, mình cần hỏi chị mấy câu.
Tường Quy đóng cửa phòng, Phương Dung chặn trước:
– Để mình hỏi trước đã. Cách đây nữa tháng, dường như có người đột nhập vào đây định bắt cóc chị. Nghe nói người này võ công cao cường, chỉ một chiêu, bốn người lính vỡ ngực chết. Lưu Chương võ công cao biết mấy, cũng chỉ chịu được có một chưởng, đến nay chưa khỏi. Thế mà tại sao chị đánh hắn một chưởng, hắn đỡ không nổi? Rồi còn bị chị đâm cho hai kiếm?
Tường Quy thẫn thờ nhìn vào không gian vô tận, lúc sau mới thở dài, nói:
– Hắn muốn mình giết hắn đấy chứ. Với bản lĩnh của hắn, dù ông ngoại mình có ra tay, chưa chắc đã thắng.
Phương Dung càng ngạc nhiên:
– Chị có biết tại sao không?
Tường Quy trả lời bằng cái gật đầu, hai hàng nước mắt tuôn rơi, nàng thuật lại chi tiết tất cả những gì liên hệ giữa nàng với Đào Kỳ cho Phương Dung nghe. Rồi kết luận:
– Giữa chàng với mình có nhiều ân ân, oán oán quá. Chàng bị sư thúc Hoàng Đức bắt giam, bị thái sư phụ bắt làm nô bộc. Chàng với mình yêu nhau, rồi không hiểu sao chàng lại đi với Tô Phương và Ngũ-phương kiếm tới đây. Rồi Ngũ-phương kiếm làm nhục chồng mình, rồi chồng mình xông thuốc mê bắt Tô Phương và Ngũ-phương kiếm để xảy ra cuộc động binh. Hiện giờ, Tô Phương đã được một bàn tay bí mật cứu ra, Ngũ-phương kiếm sẽ còn đi đến sinh sự... Và chàng tới đây vì mình, muốn mang mình đi xa để cùng hưởng hạnh phúc. Hôm qua, vì sợ chồng, mình ra tay đánh chàng, những tưởng chàng đỡ lại hay phản đòn. Không ngờ chàng để cho mình đánh, mình đâm, mới đau lòng...
Ngừng một lát, Tường Quy tiếp:
– Trước đây, mình đã đi cùng chàng đến Cổ-loa tìm một người chú họ Đào nhưng không thấy. Chỉ gặp Chu Thổ Quan, ông cho biết có ba người từ Đăng-châu, một gái hai trai cũng đã đến Cổ-loa tìm cha chàng. Chàng cho biết đó là ba người em con chú của chàng. Bây giờ mình mới hiểu ông chú chàng chính là lão bá và ba người em họ là hai người anh của chị và chị.
Tường Quy thở dài:
– Nếu chuyện này lộ ra thì giữa cha chồng mình với lão bá sẽ xảy ra một cuộc đụng chạm lớn, khó có thể biết kết quả sẽ đi về đâu. Mình đành im miệng, mặc cho con tạo xoay vần. Mình nhờ Phương Dung làm cách nào giúp mình... giúp mình gặp lại anh ấy một lần, rồi mình chết cũng đành cam.
Thế rồi, hai người con gái bày mưu thiết kế, để dẫn Đào Kỳ tới đây, tương hội với Tường Quy.
Đào Kỳ như người mất hết sức lực. Chàng ngồi xuống tảng đá cạnh đó, ngắm nhìn cái lưng thon thon, hai bờ vai gầy của Tường Quy. Chàng cứ ngồi như vậy, không biết đến bao lâu. Còn Tường Quy thì tựa lưng vào phiến đá thổi tiêu. Mối hận tình trong lòng hợp với cảnh trước mắt: Hai người tuy gần nhau trong gang tấc, nhưng lại cách nhau ngàn trùng, như hai thế giới khác biệt, nàng phổ vào khúc tiêu.
Khúc tiêu dứt, nàng thẫn thờ nhìn Đào Kỳ. Bốn mắt gặp nhau, không ai dám lên tiếng.
Rồi những giọt nước mắt của Tường Quy chảy dài xuống hai gò má. Đào Kỳ không tự chủ được nữa, chàng run run đứng dậy, tiến đến bên nàng. Nàng đưa tay hướng về trước chờ đợi. Chàng nắm lấy tay nàng, ngồi xuống bên cạnh, tay trái quàng qua cổ nàng, tay phải nắm lấy hai tay nàng, hai má kề nhau. Hai người cùng cảm thấy giờ phút thiêng liêng vô cùng này không thể buông nhau ra, vì buông nhau ra, sẽ vĩnh viễn xa nhau. Họ cùng nhìn bóng mình in dưới suối nước. Mỗi lần gió riu riu thổi, bóng của họ lại rung động dưới đáy nước.
Cứ như vậy, họ quên mất thời gian trôi đi. Họ cùng nhìn lên trời, thấy từ phía sau lưng họ, một sợi khói xanh lơ lửng bốc lên. Bỗng Tường Quy lên tiếng:
– Anh ơi! Anh hiểu cho em. Hôm trước em phải ra tay là sự bất đắc dĩ. Tại sao anh không tránh? Sao anh không vận công để đến nỗi bị thương nặng như vậy?
Đào Kỳ lắc đầu:
– Anh nghĩ thà để chết dưới tay em, còn sung sướng hơn là chết vì nhớ nhung em.
Câu nói của Đào Kỳ làm Tường Quy muốn ngất lịm đi. Nàng nằm gọn trong lòng chàng. Đào Kỳ đặt lên môi nàng một chiếc hôn. Hai người lại lịm đi trong một thời gian lâu.
Tường Quy giật mình tỉnh trước. Nàng vội đứng dậy, sửa quần áo, định bước đi. Nàng biết, nếu còn chần chờ, chỉ chuốc thêm đau khổ mà thôi. Trí thì nàng nghĩ như thế, nhưng con tim lại không cho nàng rời bước.
Chợt nhớ ra chuyện gì, Tường Quy vội hỏi:
– Hồi trước, trong trang Thái-hà xảy ra vụ gian nhân định cứu tù, rồi sư bá Đức Hiệp, sư thúc Hoàng Đức, cha em, mẹ em vây đánh gian nhân. Y đã nhanh tay bắt dì út làm con tin thoát nạn. Y lấy kho tàng của ông ngoại làm ông ngoại lo buồn không ít. Y còn đánh sư bá Đức Hiệp bị trọng thương, y cũng đã đấu chưởng với ông ngoại. Người trong trang không bao giờ ngờ là anh, chính em cũng thế. Hôm anh đột nhập vào huyện đường thăm em, em mới biết kẻ đó chính là anh, vì anh chỉ phát có ba thành công lực đã đánh Lưu Chương suýt bỏ mạng.
Có tiếng chân người đi lại gần. Nội công Đào Kỳ đã tới mức thượng thừa, nên chàng nghe rất rõ. Chàng nhận ra tiếng chân của một người đàn ông và một người đàn bà. Chàng còn phân biệt được đó là người thuộc phái Cửu-chân. Chàng giật mình, vì quanh vùng này, ngoài chú chàng ra, làm gì có người nào có nội công Cửu-chân cao như thế?
Chàng vội đứng lên nhìn về sau thì thấy Nguyễn Phương Dung và Đào Thế Hùng đang đi tới.
Thế Hùng thấy chàng thì mừng lắm, nói:
– Cháu đi chơi với em từ sáng đến giờ chưa về, làm chú lo ngại quá. Em đâu rồi?
Đào Phương Dung từ ngọn cây gần đó nhảy vèo xuống cạnh cha:
– Bố ơi! Con đây này.
Đào Thế Hùng thấy Tường Quy, ông thở dài:
– Con người ta, dù thánh hiền, dù anh hùng, dù kẻ ngu phu ngu phụ, cũng không ai thoát khỏi đường tình. Nhưng hoàn cảnh của cháu, ông trời đã an bài như vậy, thì phải chấp nhận. Cái thế của cháu: Tới có được không? Tường Quy với cháu có thể trở lại thành vợ chồng được, thì cháu cứ tới. Còn không, nên sớm xa nhau, đừng để đau khổ làm hại cả cuộc đời.
Đào Kỳ nghe lời giảng giải của chú, chàng tỉnh ngộ liền. Tự suy nghĩ:
– Dầu sao ta cũng không thể thoát khỏi cái ràng buộc luân lý của Khổng-Tử. Ta là người đọc sách, hiểu biết nhiều. Xuất thân ta là con trai của một Lạc-hầu danh tiếng, làm chưởng môn phái lớn trong võ lâm. Nếu ta cùng Tường Quy bỏ trốn, thiên hạ sẽ phỉ nhổ ta không ít. Bố mẹ, chú thím, cậu mợ ta còn bị ảnh hưởng lây. Ta thương yêu Tường Quy, nhưng ta không thể làm thế nào hơn. Ta đành phải xa nàng...
Thế Hùng bảo con gái:
– Con đưa Tường Quy về đi thôi.
Tường Quy theo Đào Phương Dung, tới chỗ buộc ngựa, phi thân nhảy lên. Nàng dơ roi ngựa định cho chạy, không biết nghĩ gì, nàng ngừng lại, liếc nhìn Đào Thế Hùng, Nguyễn Phương Dung và Đào Kỳ, rồi dùng chân thúc vào bụng ngựa, lững thững trở về.