- Có gì lạ đâu, khi con muốn bắt thái-tử thì phải tranh thắng với Bùi tiểu thư. Còn con bắt Thủ-Huy thì phải tranh thắng với công chúa Đoan-Nghi. Giữa Đoan-Nghi với Bùi Trang-Hòa, con thắng Trang-Hòa dễ hơn. Vì Trang-Hòa không hấp dẫn đàn ông, tính tình lại thiếu nồng nàn. Nên mẹ khuyên con bắt thái-tử.
- Nhưng mẹ ơi ! Bao nhiêu tâm ý của con, con dồn cho nhị ca rồi. Con nói thực, dù có bị ngàn dao phanh thây con cũng nhất quyết phải bắt con nai Thủ-Huy.
- Muộn quá rồi con ạ ! Thủ-Huy chỉ còn sống được có 29 ngày nữa, thì con có bắt được, cũng chỉ để làm người đàn bà góa mà thôi.
- Con tin rằng anh ấy sẽ khỏi bệnh. Mệnh anh ấy lớn lắm. Chết thế nào được ?
Vú mai kéo đầu Thụy-Hương sát vào lòng mình, rồi ghé miệng và tai nói nhỏ một lúc. Cuối cùng vú tát yêu gái :
- Thời niên thiếu, mẹ là một hoa khôi Thăng-long, một đệ nhất danh kỹ. Mẹ đã từng làm cho hàng nghìn, hằng vạn đàn ông, từ vương tôn, đại thần, cho tới những võ lâm đệ nhất cao thủ, phải cúi đầu cho mẹ sai bảo như con chó con, là nhờ vào bản lãnh đặc biệt.
- Ủa con có nghe mẹ luyện võ bao giờ đâu ?
- Luyện võ thì chỉ có thể thắng một người, mười người, trăm người. Bản lãnh của mẹ có thể thắng cả đoàn quân, thắng cả một nước, thắng từ một anh thư sinh cho đến một đại tôn sư võ học, thắng cả vua.
- ? ! ? ! ?
- Đó là bản lãnh biết xử dụng cái vốn sắc đẹp trời ban. Bản lãnh gồm : Biết xử dụng khóe mắt, biết uốn lưỡi cho giọng ngọt ngào, biết lượn tấm thân cho mềm, biết cho đàn ông đúng lúc, biết giới hạn cho những gì, nhất là biết giữ lại những gì không nên cho. Bản lãnh này, mẹ sẽ từ từ dạy con, để con làm cái việc ấy mới quan trọng. Con phải nhớ lấy. Đừng để cho lòng mình bồng bột, rồi bị đàn ông biến con thành một thứ đồ chơi. Con nên nhớ, mẹ con chỉ là một vú em của công chúa. Cha con chỉ là một thị vệ. Nhưng con có sắc đẹp, lại ở hoàn cảnh có thể xử dụng sắc đẹp. Trong hai thiếu niên anh hùng, con được làm vợ người nào thì cũng thế thôi. Điều cần nhất là làm cái việc đó. Để thực hiện điều đó, mẹ nghĩ, nếu như con bắt được một người khác, thì dễ thành công hơn.
- Người đó là ai ?
Vú Mai nói nhỏ vào tai con gái. Thụy-Hương rùng mình:
- Con nghe lời mẹ. Nhưng khó quá.
- Mẹ có một điều cần nhắc con. Hồi Thủ-Lý ở đây thì Tín-Hương nương đã cảm, đã yêu thương chàng đến điên đảo thần hồn, nhưng nó tự biết thân phận, nên chỉ biết hầu hạ chàng để được gần gũi. Còn Trung-Tĩnh nương thì say mê Thủ-Huy ngay từ khi hầu về ngụ trong Đông-cung.
- Không lẽ ? Con không tin.
- Con ơi ! Tình yêu có muôn nghìn ngã rẽ, con người ta khi đã yêu, thì không còn ngã nào cấm kỵ được. Mẹ để ý theo dõi, mỗi khi nhìn Thủ-Lý thì Tín-Hương nhìn với tất cả yêu thương nồng nàn. Còn Trung-Tĩnh nương thì mỗi khi thấy Thủ-Huy bên cạnh con hay Đoan-Nghi, thì ánh mắt ả tóe ra lửa hận. Y phục của Huy, bao giờ ả cũng dành để giặt dũ. Con nên đề phòng, dù ả bị câm.
- ! ! !
- Hồi thái tử sắp sửa đi Thiên-trường thì Trung-Tĩnh nương xin về quê chịu tang chú, rồi không thấy tin tức gì. Hai hôm trước đây cô nàng lù lù dẫn xác về. Khi mới về, cô nàng vội vào phòng Thủ-Huy đem quần áo đi giặt. Thủ-Huy hỏi rằng sao sắc diện cô nàng có vẻ phờ phạc. Cô nàng mở to mắt nhìn Thủ-Huy như muốn ăn tươi nuốt sống, rồi gục đầu vào ngực Thủ-Huy mà khóc. Mẹ đoán rằng cô nàng biết chuyện con với Thủ-Huy. Con phải đề phòng cô nàng.
Thụy-Hương rời khuê phòng, tới phòng của Thủ-Huy, thì vừa gặp Tín-Hương nương. Nàng hỏi :
- Này ! Bệnh của Thiếu-bảo ra sao ?
- Thiếu-bảo không đau nữa, nhưng bệnh tình e khó qua khỏi hai mươi chín ngày nữa. Hiện người đang mặc y phục, truyền lấy ngựa. Dường như người sắp đi đâu thì phải. Quận chúa cứ vào.
Nói rồi nó mỉm cười bí hiểm. Thủ-Huy đã ra, Thụy-Hương tỏ vẻ lo ngại :
- Nhị ca ! Nhị ca bị lên cơn có đau lắm không ? Sao nhị ca không nằm nghỉ mà đi đâu đây ?
- Anh chỉ còn sống được mấy ngày nữa thì nghỉ làm gì ? Anh ra bến thủy quân đây. Đô đốc Lý Thần, chỉ huy hạm đội Aâu-Cơ, canh phòng con thuyền của bọn Tống báo cho biết, có hai cao thủ Hoa-sơn trốn đi. Anh là tổng-lĩnh thị vệ, cấm quân, nên phải đi điều tra.
Thụy-Hương định hỏi « Em có đi được không ». Chợt nhớ lời mẹ dạy « Khi người đã có cảm tình với ta, ta cứ tự coi như mình là vợ, là người yêu, thì trong tâm người không còn chỗ cho kẻ khác ». Nàng nheo mắt mỉm cười :
- Nhị ca chờ em thay y phục. Em phải đi với nhị ca, nếu có gì bất trắc thì hai người vẫn hơn một.
Quả nhiên thái độ của Thụy-Hương làm Thủ-Huy không từ chối được. Hai người lên xe. Viên thị vệ đánh xe tên Nguyễn Hữu-Duệ. Y hỏi :
- Xin Thiếu-bảo cho biết, Thiếu-bảo định đi đâu ?
- Người đưa ta đến bãi Ngọc-thụy, nơi có con thuyền của bọn tù.
Xe rời Đông-cung. Thụy-Hương hỏi :
- Nhị ca, có phải tù là bọn mật sứ Hoa-sơn không ?
- Đúng vậy, chúng bị giam lỏng trên chiếc thuyền lớn.
- Nhị ca ơi ! Em có một thắc mắc là xưa kia Kinh-Nam vương giam lỏng Trường-bạch song hùng, Hoa-sơn tứ đại thần kiếm ở Thiên-trường. Bây giờ nhị ca giam bọn mật sứ. Võ công chúng cao thâm khôn lường, sao chúng không trốn đi ?
Thụy-Hương nghiêng nghiêng cái đầu, dưới ánh trăng, đôi mắt, hai gò má nàng vốn đã huyền ảo, mờ mờ như người đi đêm, càng thêm huyền ảo. Thủ-Huy rùng mình nghĩ thầm :
- Ngũ muội đẹp thực, hôm nay nàng tình tứ hơn bao giờ cả. Tiếc rằng ta sắp chết, bằng không... bằng không ta cưới nàng làm vợ, thì thực là thần tiên. Nhưng...nhưng ta đã có Đoan-Nghi rồi. Dù ta có sống sót, ta cũng không thể phụ nàng.
Hầu trả lời bằng âm thanh đầm ấm ngọt ngào :
- Trốn sao được. Chân tay chúng bị xích bằng xích sắt, dao kiếm chặt không đứt. Sư thúc Lê Thúc-Cẩn còn cung cấp thuốc. Khu-mật viện bỏ vào thức ăn, khiến gân cốt chúng mềm xèo.
- Em không hiểu. Nhị ca xích chúng, thì sao chúng có thể ăn uống, đi lại ?
- Anh đâu có xích chặt chúng lại ? Xích khá dài, giữa hai tay cách nhau một thước rưỡi, giữa hai chân cách nhau hai thước. (1 thước=25cm).
- Em hiểu rồi. Như vậy ví dù chúng có thoát khỏi xích sắt, chúng cũng chỉ có thể đi lại, mà không dùng khinh công, không xử dụng võ công được.
Thủ-Huy bật cười về câu nói ngây thơ của cô sư muội. Giữa lúc đó chiếc xe quẹo phải hơi gấp, làm Thụy-Hương ngã vào lòng Thủ-Huy. Bị bất ngờ, Thụy-Hương run lên bần bật, nhưng nàng cũng kịp nghĩ đến những điều mẹ dặn. Nàng nằm yên trong lòng hầu, ngửa mặt nhìn lên. Vô tình Thủ-Huy cũng đang cúi xuống. Gương mặt thanh tú của Thụy-Hương dưới ánh trăng, tạo cho nàng cái diễm ảo của một tiên nữ. Thủ-Huy quàng tay đỡ nàng dậy, mà hỡi ơi, chân tay hầu như tê liệt. Thay vì nâng nàng dậy, hầu ôm chặt nàng vào lòng. Cả hai người đều cảm thấy trời đất cuồng, miệng khô, mặt nóng bừng. Nếu không có gã thị vệ đánh xe ngồi ở ghế trước, thì Thủ-Huy đã hôn Thụy-Hương rồi. Đôi thiếu niên cùng lặng đi đột lúc.
Thụy-Hương bừng tỉnh trước. Nàng ngồi dậy, hỏi Thủ-Huy :
- Nhị ca ơi ! Thế nhị cao trao cho ai trông coi bọn Hoa-sơn. Họ có đáng tin cậy không ?
- Thái tử truyền cho đô đốc Lý Thần, tức Thập-bát Nhất-liễu, chỉ huy hạm đội Aâu-Cơ đảm trách. Từ sau vụ y tuân chỉ Thái-hậu bắt cóc đại ca, đúng ra y bị xử tử . Nhưng một là y thuộc thành phần tôn thất, được hưởng Bát-nghị ; Hai là lúc ở Thiên-trường y tỏ ý ăn năn hối lỗi, nên được anh cả ân xá.
- Em thấy đại ca quá cẩn thận. Với mấy tên tù giam lỏng, giao cho một viên đội trưởng thị vệ phụ trách cũng được rồi. Thế mà đại ca trao cho nhị ca, đúng là dùng dao mổ trâu cắt tiết gà.
- Không phải vậy đâu. Đại ca mới cầm quyền, chưa có nhiều người thân tín. Đại-ca phải dè dặt, phải nghi ngờ. Từ khi cầm quyền đến giờ đại ca trải ba lần chết hụt, vì bị phản bội. Trong con mắt đại ca, hiện chỉ có mấy chúng mình với dăm ba người trong tôn thất mà thôi. Lòng người khó dò.
- Đại ca bị phản bội ba lần hụt chết sao ? Đại ca kín đáo thực, đến em, mà em cũng không biết. Đại ca bị phản bội bao giờ ? Ở đâu ? Ai phản đại ca ?
- Cho đến lúc này, Khu-mật viện cũng chưa tìm ra. Lần bị phản bội thứ nhất là, cái việc đại ca âm thầm đi Thiên-trường, chỉ đại hiệp Lê Thúc-Cẩn với mấy người thân tín trong Đông-cung biết trước hai ngày, thế mà có kẻ báo cho Thái-hậu biết. Thái-hậu biết rất sớm, người điều động đô đốc Lý Thần, rồi Nghi-tàm song ma đón đường. Suýt nữa đại ca mất mạng. Lần bị phản bội thứ nhì là cuộc chuẩn bị của thái-hậu, bị bọn Hoa-sơn biết hết, chúng còn đủ thời giờ kéo trọn cả bọn đi Thiên-trường, định bắt đại ca, phỗng tay trên của thái-hậu.
- Ừ nhỉ.
- Cứ điều này suy ra, tên Lưu Kỳ chẳng tử tế gì với thái-hậu. Y tưởng bắt được đại ca rồi, thì mọi việc hoàn tất, y bỏ luôn cái mộng làm Giao-chỉ quận vương, rồi bí mật trốn về Tống. Nhưng ma đưa lối, quỷ đưa đường, đại ca gặp anh, rồi bị Vỵ-xuyên ngũ tiên bắt sống.
- Tội nghiệp cho thái-hậu !
- Lần bị phản bội thứ ba, là Lưu thái sư, Hoàng thái phó thiết kế diệt triều đình gà mái gáy bí mật đến trời không biết, quỷ không hay. Thế mà cuối cùng cũng có con rắn độc nằm trong Đông-cung báo cho thái-hậu, dẫn đường cho thái-hậu, trao mật khẩu cho thái-hậu. Do đó thái-hậu với bọn Mao Khiêm lọt qua hai vòng đai phòng thủ, tập kích đại ca tại điện Uy-viễn suýt nữa hỏng việc. Nên nay đại ca mới bắt anh phụ trách việc kiểm soát bọn tù Hoa-sơn.
- Em hiểu rồi. Chính vì đại ca nghi ngờ hết mọi người, trừ Đại-Việt thất tiên, nên đại ca giao chìa khóa, khóa xích bọn Hoa-sơn cho nhị ca. Như vậy người mới yên tâm.
Như chợt nhớ ra điều gì Thụy-Hương hỏi :
- Nhị ca ! Hôm qua , em nghe Hoàng-hậu nói Ngự-sử đại phu có dâng biểu hặc rằng : Nhị ca tước phong tới hầu, hàm tới Thiếu-bảo, chức tới Thượng-tướng quân tổng-lĩnh Thiên-tử binh...Nhị ca có phủ đệ riêng sao nhị ca lại cứ ở trong Đông-cung ? Không biết nhị ca trả lời sao ?
- Ngũ muội ơi ! Khi đại ca đến Thiên-trường, người khẩn khoản xin với ông nội anh cho anh theo bảo vệ người, giúp người dẹp loạn. Ông nội anh cương quyết từ chối, vì từ lâu phái Đông-a nhà anh cấm đệ tử không được ra làm quan. Đại ca hứa : Sau khi dẹp yên triều đình gà mái gáy thì người trả anh về, chứ tuyệt đối không lưu anh lại làm quan. Thế nhưng dẹp loạn rồi, người lưu anh lại, còn bắt anh nhận chức tước.
- À bây giờ muội mới hiểu, từ ngày được phong chức tước, bao nhiêu bổng lộc, nhị ca đem phát cho kẻ khó. Nhị ca cũng không nhận thân binh, mã phu, thị nữ, cũng không nhận dinh thự, tiết kiệm cho công khố. Nhị ca ở tạm trong Đông-cung mà thôi. Vậy sau khi Ngự-sử đại phu đàn hặc nhị ca, triều định nghị ra sao ?
- Đại ca khẳng định rằng : Loạn tuy dẹp xong, nhưng an ninh của đại ca vẫn chưa bảo đảm. Vì vậy đại ca cần có người thực thân tín, võ công cao ở bên cạnh. Vì vậy, hiện đại ca không thể rời anh. Triều đình nghị rằng nên để anh ở trong Đông-cung một thời gian nữa.. Các quan đều vui vẻ.
- Thế thái độ của Ngự-sử đại phu ra sao ?
- Ông đâu có bắt lỗi anh. Chẳng qua có nhiều người nói ra, nói vào. Ông mới tâu như trên, để làm sáng cái đức của Đông-cung mà thôi.
- Bao giờ thì nhị ca cáo quan ?
- Khổ lắm, sau khi dẹp loạn xong, anh cả cử sứ giả về, không những xin lưu giữ anh lại, mà người còn xin ông nội cho Đông-a ngũ tuyệt trợ giúp nữa !
- Trời ! Anh cả sao lại làm tới như thế ? Chắc ông nội không đồng ý.
- Thế mà cụ đồng ý dồn toàn lực giúp anh cả nữa mới lạ chứ.
- ? ! ? ! ?
- Có gì đâu. Trong mấy ngày ở Thiên-trường, anh ấy luận bàn quốc sự suốt ngày đêm với ông nội, đến nỗi quên cả ăn ngủ. Nay đại ca đưa ra quốc sách : Đại-Việt ta tách khỏi vòng kiềm tỏa của Tống, biên thùy một nước như Liêu, như Kim, hay như Tây-hạ. Người sai sứ xin ông cho Đông-a ngũ tuyệt giúp người thực hiện cái chí đó.
- Thế sứ giả là ai ?
- Là bạn thân với ông nội.
- ? ? ?
- Thái sư Lưu Khánh-Đàm.
- Cái ông cụ đức mãn trời Nam này, ai mà chối được đề nghị của cụ. Cụ mất đi, làm chúng mình mất hẳn cái lọng che nắng, che mưa.
Xe tới bãi Ngọc-thụy.
Thủ-Huy quan sát : Con thuyền của đám người Hoa-sơn neo tại giữa sông. Xung quanh có bốn chiến hạm bao vây. Tên lính gác thấy xe Thủ-Huy, y vội hành lễ quân cách, rồi đánh một tiếng trống. Tên đội trưởng từ dưới con thuyền đậu sát bến bước lên. Y cúi đầu :
- Thỉnh Thiếu-bảo xuống chiến hạm. Lý đô đốc đang chờ Thiếu-bảo.
Theo quan giai thời Lý, chức đô đốc cao hơn Trung-nghĩa thượng tướng quân. Nên Lý Thần không phải lên bờ tiếp đón Thủ Huy.
Lễ nghi tất.
Lý Thần thấy Thụy-Hương thì lễ phép :
- Không biết phu nhân đây xưng hô thế nào ?
Viên thị vệ Nguyễn Hữu-Duệ đáp thay Thủ-Huy :
- Trình đô đốc đây là Ôn-huệ Nhu-mẫn quận chúa, nghĩa muội của công chúa Đoan-Nghi.
Lý Thần là chú họ của Long-Xưởng, nên ông coi thường cái tước quận chúa. Ông than :
- Nghĩ mau thực, mới hôm nào chúng ta gặp nhau trên bến Vỵ-hoàng, Thiếu-bảo hãy còn nhỏ, mà nay tước tới hầu, lại có phu nhân xinh đẹp thế này đây.
Thủ-Huy định chối rằng Thụy-Hương không phải vợ của mình. Nhưng hầu nghĩ mình sắp chết rồi, thì cải chính chi cho mệt. Hầu hỏi thẳng vào vấn đề :
- Thưa đô đốc, theo báo cáo, thì có hai quốc phạm trốn thoát. Chúng là những là ai ?
- Đó là một trong Hoa-nhạc tam phong tên Lạc-Nhạn và một trong Hoa-nhạc tam nương tên Vân-Đài. Theo dấu tích, thì cả hai nhâân nước lớn, chuồn xuống sông, bơi ngửa theo dòng nước chảy. Khi đến bến đò Bắc-ngạn thì có một con đò vớt lên. Rồi không biết sau ra sao. Tôi đã sai chim ưng truyền lệnh đến các cửa sông, để thủy quân kiểm soát tất cả thuyền bè qua lại. Thiếu-bảo yên tâm, chúng không chạy thoát đâu.
Thủ-Huy cật vấn rất kỹ, thấy không có gì gian dối, hầu với Thụy-Hương lên xe ra về. Nghĩ rằng mình sắp chết, thì nên ngao du một vòng Thăng-long giữa đem trăng sáng cho biết. Hầu bảo Hữu-Duệ :
- Huynh đưa chúng tôi tới tửu lầu Động-đình. Hôm nay tôi mời quận chúa với huynh một bữa.
Duệ đánh xe vòng về phía Bắc. Xe chạy bon bon dưới ánh trăng. Hữu-Duệ hỏi :
- Nghe Lý đô đốc hỏi, tiểu nhân mới biết. Thì ra quận chúa đây là phu nhân của Thiếu-bảo đấy. Vậy mà anh em thị vệ không ai hay.
Nghe Lý Thần, rồi viên thị vệ nói, lòng Thụy-Hương cực kỳ phấn khởi. Nhưng nàng cũng chối lấy lệ :
- Nhân huynh lầm rồi. Tôi chỉ là cô em nấu cơm cho Thiếu-bảo thôi. Phúc nhà tôi mỏng lắm, sao có thể thành phu nhân của Thiếu-bảo.
Thủ-Huy nói thực tình :
- Quận chúa đây là em kết nghĩa của tôi. Tôi yêu thương quận chúa như yêu thương em gái tôi vậy. Nếu bảo tôi chết thay cho Quận-chúa sống tôi cũng cam tâm. Còn...còn...trong tâm tôi, tôi đã nguyện chỉ dành cho một người khác rồi.
Ý Thủ-Huy muốn nói là Đoan-Nghi, nhưng hầu ngừng lại.
Câu nói của Thủ-Huy như gáo nước lạnh dội vào đầu Thụy-Hương. Nàng buông một tiếng thở dài não nuột.
Tửu lầu Động-đình là một con thuyền lớn ba tầng đậu trên bãi sông Hồng-hà. Xe ngừng trước đầu cầu. Một tửu bảo chạy ra cầm lấy cương ngựa. Một tửu bảo khác cúi rạp người xuống mời khách. Hữu-Duệ ra lệnh :
- Cho một bàn trên tầng thứ ba, quay ra sông.
Động-đình là một trong bốn tửu lầu lớn nhất Thăng-long. Chủ nhân thuộc giới võ lâm, giao du cực rộng, nên y thuộc mặt hầu hết các vương thân, tôn thất, các quan trong triều. Y từng nghe tiếng Thủ-Huy, nhưng Thủ-Huy quá bận rộn, chưa có địp ra đây thưởng thức các món quốc-sản nên y không biết mặt hầu. Thị-vệ cũng như cấm quân ở Thăng-long, có hàng nghìn. Y thấy hai người trong y phục thị vệ với một thiếu nữ sắc nước hương trời, thì coi thường. Y ra lệnh cho một tửu bảo tiếp đãi.
Thụy-Hương hỏi :
- Hôm nay tửu lầu có những món ăn gì đặc biệt không ?
- Chắc quý khách ít lai vãng đến thiểm lầu nên không biết. Hôm nay là ngày Trung-nguyên, nên thiểm lầu chỉ có món chay.
Thụy-Hương cãi :
- Hôm nay là ngày mười tư, mai mới là ngày lễ Trung-nguyên.
Tửu bảo cười :
- Thưa cô nương, bây giờ đã sang giờ tý, ngày rằm rồi ạ.
Ghi chú của thuật giả:
Thời Lý Phật-giáo là quốc giáo. Kể từ niên hiệu Anh-vũ Chiêu-thắng thứ ba ( Mậu Ngọ,DL. 1078). đời vua Lý Nhân-Tông, ngày mùng tám tháng tư, một chỉ dụ ban ra :Những ngày lễ trọng như Phật-đản, Thích-ca thành đạo, Trung-nguyên, vía Phật A-di-đà... thì từ vua cho tới dân đều ăn chay. Lại cấm sát sinh, cấm săn bắn, cấm đánh cá, giảm án cho tù nhân trọng tội, ân xá cho tù nhân tội nhẹ. Ai phạm vào các điều cấm thì bị đánh ba mươi roi.
Thụy-Hương móc túi lấy ra nén bạc một lượng thưởng cho tửu bảo :
- Tôi mải làm việc, quên cả giờ. Anh nhắc tôi mới nhớ. Thưởng cho anh đây.
Thường thì khi thưởng cho tửu bảo, ngưới ta chỉ thưởng cho năm ba đồng là nhiều. Đây Thụy-Hương thưởng cho y một lượng bạc tức 1800 đồng (một lượng bạc ăn ba quan. Mỗi quan 600 đồng).Tửu bảo cầm lấy bạc mà tưởng mình nằm mơ. Y cúi rạp người xuống :
- Không biết quý khách dùng món gì ?
- Cho tôi ba bát canh Thiên-lý, một đĩa rau muống luộc chấm tương, hai đĩa đậu phụ kho với măng. Còn tráng miệng thì cho quả thời trân.
Kể từ khi rời Thiên-trường về Thăng-long, trải đã mấy năm, đây là lần đầu tiên Thủ-Huy dạo chơi Thăng-long, nên cái gì đối với hầu cũng lạ hết. Hầu chợt để ý đến một bàn lớn, gần sát với đài dành cho ca kỹ, và nhạc công. Trên bàn bầy đầy những món mặn : Cá chép rán, gà quay, bồ câu hầm, tái dê. Hầu định hỏi tửu bảo, xem ai mà lại có quyền vượt phép nước, thì thấy có năm người từ dưới lầu hai leo lên. Thực khách đồng loạt đứng dậy cúi đầu hành lễ.
Thụy-Hương nói nhỏ :
- Thái-úy Tô Hiến-Thành, Thiếu-sư Đỗ An-Di, Hình-bộ thượng thư Trần Trần Trung-Tá, Thái-bảo Ngô Nghĩa-Hòa, đô đốc Lý Thần.
Chủ nhân tửu lầu cung cung, kính kính tiếp khách, rồi gọi năm cô đầu xinh đẹp mời rượu. Thủ-Huy than :
- Loạn rồi. Trong khi cả nước tuân luật ăn chay, thì ông Thái-úy, Thiếu-sư, Thái-bảo, Thượng-thư Hình-bộ, Đô-đốc lại rượu chè ê hề thế kia, thì còn gì là quốc pháp nữa ?
Chủ nhân trang trọng giới thiệu đệ nhất danh ca Thăng-long là Chi-Hoa lên đài. Thủ-Huy khen :
- Chà, cô ấy đẹp đấy chứ ?
Thụy-Hương hỏi :
- Nhị ca khen nàng đẹp, vậy so với Đoan-Nghi, thì ai đẹp hơn ?
Thủ-Huy biết Thụy-Hương không bằng lòng lời khen của mình. Hầu nghĩ : Mình sắp chết rồi, thì tiếc gì một lời nói cho cô sư muội vui lòng ?
- Tuy nhiên, cô ta làm sao mà so sánh với Ôn-huệ Nhu-mẫn quận chúa của anh !
Nói rồi hầu nắm lấy tay nàng.
- Không biết nhị ca nói có giống như ý nghĩ không ?
- Nếu em cho rằng em không đẹp, thì em chỉ cho anh cái người đẹp hơn em đi ? Ví dù ai đó đẹp hơn em thì kệ họ. Anh chỉ biết yêu thương cô nghĩa muội của anh. Nếu như bệnh anh không khỏi, hồn anh sẽ theo phù hộ cho em lấy được người chồng anh hùng, biết sủng ái em.
- Nếu như y phũ phàng với em thì sao ?
- Anh sẽ hiện hồn bóp cổ y lè lưỡi ra cho bõ ghét .
- Còn Đoan-Nghi, nếu anh chết, anh định gả nàng cho ai ?
Thủ-Huy chưa kịp trả lời, thì có một người ăn mày, quần áo lôi thôi đi lên. Người ăn mày tuổi khoảng trên dưới sáu mươi. Đầu ông ta đội cái mũ vải, da dăn deo. Ông không xin, cũng chẳng nói, chẳng rằng, thủng thỉnh cầm cái rá nhỏ đi khắp các bàn. Không ai cho ông thức ăn, mà chỉ cho tiền. Khi người ăn mày tới bàn của Tô Hiến-Thành, thì bị tửu bảo xua đuổi. Lý Thần ra hiệu cho tửu bảo không được đuổi lão, rồi bưng bát miến gà đang ăn dở trao cho lão. Lão chỉ tay vào bát miến gà, rồi bịt mũi, ý nói rằng miến gà hôi lắm, lão không ăn. Lý Thần lại trao cho lão cái đùi gà. Lão cầm đùi gà viết xuống bàn :
« Kim nhật thị Trung-nguyên,
Quốc pháp dư bách niên.
Bất tuân tam thập trượng,
Ngã bất thực kê thang ».
Tạm dịch :
Hôm nay ngày Trung-nguyên,
Luật nước hơn trăm năm,
Vi phạm ba mươi trượng,
Tôi không ăn kê thang.
Đỗ An-Di quát mắng lão ăn mày. Ba bốn tửu bảo xúm vào đuổi lão, nhưng lão cứ đứng lỳ. Cả ba đứa tửu bảo cùng hè nhau đẩy, mà thủy chung lão không nhúc nhích.
Đỗ An-Di bực mình, y đứng dậy dùng một thức hổ trảo chụp lão, rồi ném lão ra xa. Lão rơi xuống sàn đến rầm một tiếng, tiền văng tứ tung. Lão quằn quại mấy cái rồi nằm yên. Bọn tửu bảo chạy lại lôi lão đi, không hiểu sao lão nặng quá, bốn đứa không khiêng nổi. Bọn chúng cố sức dựng lão đứng dậy. Thân hình lão cứng đơ, mắt trợn ngược.
Thực khách kêu lên :
- Lão ăn mày câm chết rồi.
- Á-khất bị người ta ném mạnh quá chết rồi. Mau đi báo quan.
Bọn tửu bảo cười ha hả :
- Á-khất giả chết. Để ta xem tim lão còn đập không ?
Nói rồi y sờ tay vào ngực Á-khất. Tay y vừa chạm vào ngực lão, thì cảm thấy như bị ngoặm một miếng đau điếng người. Y hét lên :
- Ái chà.
Bọn tửu bảo kinh hãi buông lão ra. Lão đổ xuống như cây chuối bị đốn. Đỗ An-Di biết lão giả bộ chết, y túm cổ áo lão, để lão dựa vào cái cột, cạnh bàn ăn của y.
Thực khách cười ồ lên, rồi buông đũa, ngừng ăn để xem tấn hài kịch. An-Di bị chọc quê, y cầm cả con bồ câu quay ném vào lão, miệng mắng :
- Ăn đi.
Con bồ câu trúng mặt lão, rồi rơi xuống vai, thì dính chặt như người ta móc vào vậy.
Thực khách lại reo lên cười ha hả. Có người vỗ tay.
An-Di cáu quá, y cầm bó đũa ném vào người lão, kình lực khá mạnh. Gần ba chục cái đũa trúng vào người lão, nhưng không rơi xuống, mà đầu đũa dính tua tủa, chĩa ra như lông nhím.
Thực khách cười ồ lên. Họ reo hò, vỗ tay.
An-Di không chịu được nữa, y vung tay phát một quyền đánh vào mặt lão. Binh một tiếng, người lão bay tung lên cao. Thân lão vẫn cứng đơ, quay hai vòng rồi rơi xuống bàn dành cho các cô đào. Rầm một tiếng, bát đũa, thức ăn vọt theo vòng cầu, túa xuống người bọn An-Di. Cả bọn phải nhảy lùi lại tránh.
An-Di phi thân đá vào cái bàn lão đang nằm, người lão bay tung lên cao, chạm vào trần đến rầm một tiếng. Lão dính toòng teeng trên trần.
Thụy-Hương kinh ngạc hỏi :
- Nhị ca, tại sao lão lại bị dính trên trần nhà ?
- Dính đâu ? Lão dùng hai ngón tay móc vào cây xà nhà, đánh đu trên xà nhà đấy chứ.
Thụy-Hương hỏi Thủ-Huy :
- Trong năm người ngồi ở bàn kia, thì Ngô Nghĩa-Hòa, Trần Trung-Tá là quan văn. Còn Tô Hiến-Thành, Đỗ An-Di, Lý Thần đều là quan võ. Võ công của họ đâu có tầm thường, mà họ lại hành sự như phường du thủ du thực vậy ? Võ đạo đâu ?
- Không phải họ không có võ đạo. Cũng chẳng phải võ công họ thấp, mà bản lĩnh quái nhân kia quá cao thâm. Quái nhân cố tình trêu họ, cho họ chừa cái thói hách dịch mà thôi. Bằng không lão chỉ đánh một chiêu, thì An-Di đã mất mạng rồi.
Thụy-Hương hỏi tửu bảo :
- Này anh ! Anh có biết lý lịch quái nhân kia không ?
- Từ hơn chục năm trước, trong thành Thăng-long xuất hiện một người ăn mày câm. Không ai biết gốc tích y ra sao, người ta gọi lão là Á-khất (á là câm, khất là ăn mày). Lão chỉ xin tiền, mà không xin thức ăn. Sau mỗi ngày, được bao nhiêu tiền lão lại chia cho bọn ăn mày khác. Hồi Thái-úy Tô Hiến-Thành coi phủ thừa Thăng-long, người nghi lão làm gian tế cho Tống, truyền bắt lão điều tra. Nhưng khi hỏi cung, lão cứ lắc đầu, tỏ vẻ không biết nói. Tô đại nhân bỏ lão lên cái xe, sai chở đi khắp các cửa thành, các chợ, gọi loa cho dân chúng : Nếu ai biết lý lịch lão, sẽ thưởng cho nghìn đồng tiền. Nhưng không ai biết cả. Tô đại nhân đành tha lão ra.
Đến đây lão ăn mày từ trên trần rơi xuống đến rầm một cái. Lão vẫn nằm bất động.
Chủ tửu lầu sai tửu bảo lau chùi, dọn dẹp cái bàn của bọn Tô Hiến-Thành, truyền bầy tiệc khác. Khi ngồi vào bàn mới, Tô Hiến-Thành, Ngô Nghĩa-Hòa kinh ngạc đến đờ người ra, vì chỗ hai người ngồi có vết ngón tay viết sâu vào gỗ một bài thơ :
Ký hoài xuất tố lưỡng hung trung,
Văn thuyết vi ngôn, ý doãn tòng.
Tham dục truất trừ thiên lý ngoại,
Hy di chi lý, nhật bao dung.
Ghi chú của thuật giả:
Cổ nhân đặt tên bài này là Giác nhân mê ngạn, nghĩa là « Giác ngộ người trong bến mê ». Xuất xứ : Thiền-uyển tập anh.
Ngô Tất-Tố dịch như sau :
Như muốn lìa xa cõi bụi hồng,
Vẳng nghe lời diệu hãy vui lòng.
Đuổi ngoài nghìn dặm điều tham muốn,
Để lẽ huyền vi chứa ở trong.
Biết lão ăn mày, trong khi đựa vào cột, đã nhanh tay viết bài thơ này, ngụ ý khuyên răn : Không nên lăn mình vào chốn bụi hồng, ăn chơi. Hãy nghe lời ta, bỏ hết dục vọng, thì lẽ huyền vi trong lòng mới hiện ra được.
Hiến-Thành, Nghĩa-Hòa kinh hãi, vì biết rằng lão ăn mày là cao nhân đương thời. Tuy bị Đỗ An-Di khinh khi, làm nhục, đánh chửi, mà lão vẫn không hề chống đỡ, hay đánh trả. Trái lại lão còn làm thơ, lời lẽ nhẹ nhàng, tỏ ý bao dung, khuyên răn. Hai người định đến xin lỗi lão, thì lão đã chuồn mất từ bao giờ.
Tửu lầu trở lại yên tĩnh.
Thủ-Huy hỏi Thụy-Hương :
- Em đoán lão ăn mày là loại người nào ?
- Em đoán không ra.
- Lão là người có bản lĩnh cao thâm không biết đâu mà lường. Có lẽ ngang với ông nội của anh.
- Võ công lão thuộc môn phái nào ? Em không thấy lão ra chiêu.
- Khi lão bị bọn tửu bảo đẩy, lão dùng Thiên-cân trụy của phái Tiêu-sơn. Lúc lão bị An-Di để dựa lưng vào cột, tay lão chĩa ra, rồi viết chữ, lào dùng Lĩnh-Nam chỉ của phái Tản-viên. Khi rơi từ trần nhà xuống, lão dùng nội công âm nhu của phái Mê-linh. Hà, khó biết lão thuộc môn phái nào. Tuy nhiên nội lực làm cho đũa, chim câu dính vào người, thì e ông nội của anh cũng không làm được.
Hai người vừa ăn vừa nói truyện.
Lát sau, lại một người ăn mày khác. Người này trẻ hơn người trước nhiều, mặt y đẹp vô cùng. Dung quang sáng rực, mắt chiếu ra tia sáng lấp lánh, miệng không cười mà như cười . Y trang phục theo nông dân, đầu đội khăn, tay phải chống cây gậy bằng gỗ đen bóng, tay trái ngửa ra. Y vừa đi vừa hát bài ca của bọn hát xẩm xin ăn. Khi qua bàn của Thủ-Huy, y mỉm cười rất tươi :
- Công-tử, tiểu thư ! Hôm nay là ngày Trung-nguyên, ngục tù mở rộng, lòng người mở rộng. Xin công tử, tiểu thư cũng mở từ tâm.
Thụy-Hương móc túi, trong túi nàng không còn tiền, cũng chẳng có bạc. Nàng tỏ ra luống cuống, thì người ăn mày lại hát :
« Thế gian lìa sinh diệt,
Do như hư không hoa.
Lòng không thiết có, không,
Mà khởi tâm đại bi. »
Trong khi Thủ-Huy ngơ ngơ, ngác ngác, không hiểu gì về ý tứ sâu sa của bốn câu hát, thì Thụy-Hương giật mình. Vì người ăn may đã đọc đoạn đầu bài kệ, mà Bồ-tát Đại-Huệ tán thán Phật Thích-ca, khi ngài đến núi Lăng-già thuyết pháp. Nguyên văn chữ Hán như sau :
« Thế gian ly sinh diệt,
Do ư hư không hoa.
Chí bất đắc hữu, vô,
Nhi hưng đại bi tâm ».
Từ khi về Thăng-long, Thụy-Hương thường cùng Đoan-Nghi ra chùa Chân-giáo nghe các cao tăng thuyết pháp, giảng kinh Lăng-già . Bài kệ trên nàng tụng hàng nghìn, hằng vạn lần. Nên nghe người ăn mày đọc, nàng hiểu ý ông muốn nói với nàng rằng : « Trong thế gian này, cái lẽ sinh, diệt vốn như hoa hư không. Trong lòng chẳng đoái hoài. Chẳng nghĩ tới, có tiền, có bạc hay không ; thì cái tâm mới tiến tới lẽ giải thoát ».
Nàng mở to mắt ra nhìn người ăn mày, rồi không tự chủ được, nàng tháo đôi xuyến trên tay, cung cung, kính kính trao cho ông ta. Ông ta thản nhiên bỏ vào túi.
Bỗng Thủ-Huy thấy lưng đau như dao đâm vào, tai kêu bập bùng như trống thúc, mắt hoa, đầu váng. Hầu biết sang giờ Tý, thì nọc tằm độc hành hạ, đánh vào thận, cơn đau bắt đầu. Hầu nghiến răng tập trung tinh thần vận công chống đau. Tuy cơn đau có giảm, nhưng người hầu vẫn run lên bần bật.
Trong khi đau đớn gần như mê đi, thì người ăn mày vuốt tay vào ngang lưng hầu một cái. Người hầu nóng bừng lên, cái đau từ từ giảm. Tiếng người ăn mày rót vào tai :
- Công tử ! Công tử thử nghĩ xem, cái hình hài công tử hôm nay đẹp đẽ như thế này, thì giỏi lắm bẩy, tám chục năm nữa cũng thành tro bụi. Bấy giờ thì nào triều đình gà mái gáy, nào ép Tống công nhận quốc danh Đại-Việt, nào Đoan-Nghi, nào Thụy-Hương... cũng không mang theo được.
Câu nói của người ăn mày làm Thủ-Huy bừng tỉnh. Hầu nghĩ :
- Như lão nói, đúng cái lẽ Vô-thường của nhà Phật, thì cái to lớn nhất là Đại-Việt, khi ta chết cũng hết, cũng chẳng mang theo được, thì ta còn giữ tiền bạc làm gì ?
Hầu móc cái hộp trong bọc ra. Trong hộp đựng hai viên ngọc Hoàng-hậu ban thưởng cho hầu sau đêm dẹp loạn. Hầu lại sờ túi, trong túi còn hai nén vàng, một xâu tiền. Hai tay hầu cung kính trao cho ông :
- Tiếc quá, trong túi tôi chỉ còn bấy nhiêu thôi. Xin ông cầm lấy, gọi là làm duyên.
Lão già thản nhiên tiếp nhận.
Trao vàng, ngọc cho lão ăn mày rồi, thì trong tâm Thủ-Huy thấy nhẹ nhàng, khoan khoái . Bao nhiêu cái đau đớn hành hạ biến mất, mất luôn cả cái ưu uất vì sắp chết, không giúp Long-Xưởng kiến tạo Đại-Việt thành một nước hùng mạnh như Kim, Liêu, biến đi thực mau. Người hầu lâng lâng, chân khí chu lưu khắp vòng Đại-chu-thiên. Nghĩ đến đây thì dưới gan bàn chân, chỗ huyệt Dũng-tuyền của hầu, nước ri rỉ chảy ra ướt hết cả dày.
Hầu rùng mình :
- Lão này là ai, mà biết mình bị bệnh nan y sắp chết ? Lại biết tâm sự, chí hướng mình ? Lão chỉ vuốt tay một cái, nói mấy câu, khiến mình suy nghĩ, chân khí dẫn chất độc ra khỏi cơ thể ?
Chợt để ý đến bàn tay người ăn mày, tươi hồng, mịn như nhung. Hầu nghĩ ra một truyện, trong lòng tự chửi thầm :
- Thì ra lão là Á-khất. Á-khất là một hòa thượng. Thoáng một cái, mà ông đã cải trang thành người khác.
Hầu vội chắp hai tay vào nhau :
- A-di-đà Phật. Đệ tử lớn gan kính thỉnh Bồ-tát an tọa, để được hầu chuyện.
Người ăn mày thản nhiên ngồi xuống. Thủ-Huy cung cung, kính kính bưng bát canh Thiên-lý ngang mày :
- A-di Đà-Phật, đệ tử thành kính cúng dàng bát canh. Của ít, nhưng lòng nhiều mong đại sư phụ nhận cho.
Người ăn mày tiếp bát canh, khi tay ông chạm vào tay Thủ-Huy, thì một luồng nội lực chính đại quang minh, mạnh như bài sơn, đảo hải tràn vào người hầu. Hầu đang bứt rứt, ngực căng, hô hấp khó khăn, thoáng một cái những cảm giác ấy biến mất. Người ăn mày thu công, rồi lấy muỗm múc canh ăn.
Thủ-Huy biết vị tăng này dùng Thiền-công thượng thừa chữa bệnh cho mình. Hầu nói nhỏ :
- Đa tạ đại sư cứu khổ, cứu nạn.
Thủ-Huy chỉ vào cái bàn của bọn Đỗ An-Di :
- Đại sư phụ ! Đại sư phụ dạy Tô Thái-úy, Đỗ Thiếu-sư sơ sài như vậy, không ngờ lại thành công. Kìa ! Họ đã bầy các món chay, không uống rượu nữa kìa.
Thụy-Hương kinh ngạc :
- Lão tiên sinh đây là hòa thương ư ? Người chính là Á-khất ư ?
- Đúng vậy. Người vừa rời đây, rồi hóa trang vào trêu ghẹo những kẻ rông rài, để dạy dỗ mà thôi.
Á-hòa-thượng cười khanh khách như suối chảy :
- Hà, thí chủ đã thông minh, lại tinh tế. Bần tăng tịnh khẩu khất thực, mang giả tướng bần hàn che mắt chúng sinh đã hơn mười năm. Bần tăng nguyện rằng, khi có người nhận ra thực tướng của bần tăng thì bần tăng mới khai khẩu. Mười năm qua, bần tăng khất thực khắp đế đô, không ai nhận ra thực tướng. Hôm nay, thí chủ đã thấy thực tướng của bần tăng, bần tăng đành khai khẩu.
Ông hỏi Thủ-Huy :
- Này thí chủ, bằng vào cách nào, thí chủ nhận ra thực tướng bần tăng ?
Thủ-Huy mỉm cười :
- Bạch sư phụ, khi sư phụ lên lầu, đệ tử thấy sư phụ đội mũ, nhưng vải mũ sát đầu, thì biết là đầu không tóc, hẳn là một vị tăng. Bước chân sư phụ nhẹ như chim, sư phụ lại đi bằng gót, thì đệ tử biết sư phụ luyện Thiền-công Tiêu-sơn đến trình độ cao không biết đâu mà lường.
- Giỏi !
Thủ-Huy nhớ đến bản tấu trình của Khu-mật viện về hành trạng của một cao tăng pháp danh Trí-Thiền. Hầu nghĩ thầm :
- Ông này là Trí-Thiền bồ tát đây. Mình nói toẹt hành trạng của Á-hòa-thượng này ra, cho ông hết dấu diếm.
Hầu nói với Thụy-Hương:
- Đại sư phụ đây pháp danh Trí-Thiền, tục danh là Lê Thước, đệ tử của Thánh-tăng Minh-Không. Đại sư vốn thuộc cành vàng lá ngọc. Ông nội là Thái-tử Thiếu-phó, Phong-châu tiết độ sứ, Long-nhương đại tướng quân Trung-nghĩa quốc công dưới thời đức Thái-tông, Thánh-tông, Nhân-tông. Bà nội là công chúa Kim-Thành, con của vua Thái-tông. Công-chúa từng cùng phò mã trấn ngự Bắc-cương mấy chục năm. Phụ thân ngài là Lê Văn-Đạc, giữ chức Thái-tử thái-sư, Đồng-trung thư môn hạ bình chương sự, tước phong Thuần-mẫn quốc công, dưới thời vua Nhân-Tông, Thần-Tông. Vì giác ngộ, muốn tìm lẽ giải thoát, đại sư nhập vào chốn không môn.
Trong khi Thủ-Huy nói, thì Trí-Thiền dùng ngón tay chỏ vạch vạch lên cái khay đồng.
Thụy-Hương kinh hãi :
- Em nghe người đời không ngớt ca tụng hạnh giáo hóa của Bồ-tát đã nhiều. Em hằng nguyện sẽ được gặp Bồ-tát. Không ngờ hôm nay em theo anh dạo chơi Thăng-long mà được toại nguyện.
Nàng chắp tay lễ ba lễ :
- Đệ tử tham kiến Bồ-tát.
Á-hòa-thượng xua tay :
- Miễn lễ. Bần tăng hỏi hơi đường đột, phải chăng cô nương là người Hoa ?
Mặt Thụy-Hương tái ngắt :
- Muôn ngàn lần không phải. Đệ tử là người Việt, sinh trưởng trên đất Việt. Phụ thân đệ tử là thị vệ thời vua Thần-tông, qua đời từ lâu.
- Như vậy bần tăng nhận lầm người rồi.
Trí-Thiền nắm lấy tay Thủ-Huy, một luồng nội lực mạnh muốn nghiêng thành đổ núi dồn vào người hầu. Hầu vội vận khí chống trả, nhưng cũng cảm thấy như bị ngoặm một miếng đau thấu tim gan . Trí-Thiền cười :
- Tưởng ai, hóa ra cháu nội của cố tri Tự-Kinh. Thế nào, ông vẫn an lạc chứ ?
- Đa tạ đại sư, ông nội đệ tử vẫn mạnh ...
Tuy miệng hỏi thăm mà Trí-Thiền vẫn dồn Thiền-công vào người Thủ-Huy, làm hầu đau điếng người.
Trí-Thiền nhăn mặt lắc đầu:
- Xưa nay phái Đông-a thường tự hào là đệ nhất danh môn Nam-phương, không bao giờ cho đệ tử luyện võ công phái khác. Thế mà bần tăng thấy dường như thí chủ còn luyện thêm võ công Hoa-sơn, Không-minh tâm pháp của phái Mê-linh. Lại luyện cả Huyền-âm nội lực của phái Trường-bạch nữa. À, phen này gặp người bạn già Thủ-Kinh, bần tăng phải hỏi cho ra lẽ mới được.
Thủ-Huy càng tỏ ra lễ phép :
- Bạch sư phụ ! Đệ tử chỉ luyện nội công Đông-a mà thôi. Nội công của bản môn để lại, dù đệ tử luyện cả đời cũng không hết, thì làm sao có thời giờ luyện nội công các phái khác ?
Trí-Thiền bẹo tai Thủ-Huy :
- Rõ ràng thí chủ luyện võ công Hoa-sơn ! Dấu bần tăng sao được ?
Thủ-Huy giật mình :
- Quả đệ tử có luyện võ công Hoa-sơn, chứ không luyện nội công Hoa-sơn. Đó chẳng qua là đạo hiếu, mà đệ tử phải luyện.
- Có thế chứ. Sự việc ra sao ?
- Nguyên thái tổ mẫu của đệ tử là công chúa Huệ-Nhu, xuất thân là đệ tử Hoa-sơn...
- Bần tăng hiểu rồi, hồi ấy phái Đông-a cầm tù Hoa-sơn tứ đại thần kiếm. Bị giam lỏng trọn đời không được hồi hương, Tứ đại thần kiếm nghiên cứu, viết ra bộ Vô song vô đối Trung-nguyên võ kinh. Gọi tắt là Vô-trung kinh. Khi sắp qua đời, họ dấu tại một nơi bí mật nào đó, rồi làm kệ gửi về cho đồ tử, đồ tôn sang tìm. Việc này không qua mặt được Kinh-Nam vương, với công chúa Huệ-Nhu. Công chúa bí mật lấy Vô-Trung kinh đem về đọc. Gốc là đệ tử Hoa-sơn, công chúa đọc qua, người hiểu liền. Công chúa sợ rằng sau khi mình hoăng rồi, e rằng tâm huyết của mấy chục đời phái Hoa-sơn sẽ mai một. Người xin với Kinh-Nam vương cho phép mỗi thế hệ của phái Đông-a, gia ân một người luyện võ công Hoa-sơn, hầu sau này có dịp đem về Trung-nguyên truyền cho đồ tử, đồ tôn phái Hoa-sơn ... chắc thí chủ thuộc thế hệ thứ năm được ban ân luyện võ công Hoa-sơn ?
- Kiến thức đại sư thực mênh mông.
- Thế sao trong nội tức thí chủ lại có Không minh tâm pháp, nội công Âm-nhu của phái Mê-linh, lại có cả Huyền-âm công của phái Trường-bạch bên Trung-nguyên ?
Tuy đối thọai, mà Trí-Thiền vẫn tiếp tục dồn Thiền-công sang người Thủ-Huy. Thủ-Huy phải vận công trấn nhiếp, không nói được nữa. Thụy-Hương thấy mồ hôi hầu toát ra, nàng thay hầu kể cho Trí-Thiền nghe về tất cả những biến cố : Công-chúa Đoan-Nghi luyện võ công Mê-linh, rồi hút nội công của Tô-lịch nhị tiên ra sao... Thủ-Huy phát tâm Bồ-đề cứu Đoan-Nghi thế nào.
Trí-Thiền à lên một tiếng, rồi nắm chặt tay Thủ-Huy hơn. Không trấn tĩnh được cái đau, Thủ-Huy bật lên tiếng kêu, rồi giật tay lại, đưa lên xem, thì thấy cổ tay sưng vù. Hầu kinh hãi định hỏi, thì thấp thoáng một cái, Á-hòa-thượng đã biến mất.
Thụy-Hương hỏi :
- Nhị ca bị trúng độc ư ?
- Không, trái lại, anh cảm thấy người khoan khoái vô cùng.
Thị vệ Nguyễn Hữu-Duệ chỉ vao cái khay :
- Thưa Thiếu-bảo, dường như đại sư dùng tay viết gì vào cái khay này thì phải.
Thủ-Huy cầm cái khay lên, thì ra Á-hòa-thượng đã dùng chỉ lực viết lên bài kệ :
Đạm nhiên tự thủ,
Duy đức thị vu.
Hoặc vân thiện ngôn,
Quyền quyền nhất cú.
Tâm vô bỉ ngã,
Ký tuyệt hôn mai.
Nhật dạ trắc giáng,
Vô hình khả trú.
Như ảnh, như hưởng,
Vô tích khả thú.
Tam niên chi hậu,
Sinh tử khả luận.
Ghi chú của thuật giả:
Bài kệ này, tôi lấy trong Thiền-uyển tập anh. Đồ-Nam tử dịch như sau :
Lấy đức làm trọng,
Thanh đạm giữ mình.
Một lời nói phải,
Ghi nhớ đinh ninh.
Lòng không bỉ, ngã,
Sáng sủa quang minh.
Đêm ngày cảm cách,
Chẳng thấy tâm hình.
Như vang, như bóng,
Vết sạch sành sanh.
Ba năm về sau,
Sống, chết mới luận.
Vàng ngọc của Thủ-Huy đôi xuyến của Thụy-Hương ngài để lại cạnh bàn.
Thủ-Huy ngẫm nghĩ về mấy câu kệ của Trí-Thiền :
« ...Bốn câu đầu ngụ ý đạo đức rõ ràng. Nhưng còn hai câu :
Tâm vô bỉ ngã,
Ký tuyệt hôn mai.
Sao giống yếu quyết trong Không-minh tâm pháp quá. Như ý ngài, nếu bỏ ra cái hình hài của ta, không phân biệt ta với người, thì sẽ không còn nhiều người. Như kinh Kim-cương nói : Vô nhân tướng, vô ngã tướng, vô chúng sinh tướng, vô thọ giả tướng. Nghĩa là bỏ ra hình hài người, bỏ ra hình hài ta, bỏ ra hình hài chúng sinh, bỏ ra hình hài vạn vật. Nhưng ngài chỉ khuyên ta bỏ ra ngoài ta, người cũng đủ. Còn hai câu : Nhật dạ trắc giáng, vô hình khả trú, thì ngài dạy ta ngày đêm không thấy thân mình nữa, rõ ràng là vô ngã tướng. Kể ra bỏ cái ta cũng không khó. Nếu ta làm đươc như vậy, thì sau ba năm mới biết rằng mình sống hay chết . Như vậy thì cái hạn 49 ngày sẽ chết của Ngự-y Phương-Thanh sẽ kéo dài tới ba năm nữa».
Hầu tập trung thần chí, người như mê đi không biết gì nữa. Mồ hôi vã ra như tắm ? Lát sau hầu cảm thấy khoan khoái không bút nào tả xiết.
Thủ-Huy gọi tửu bảo tính tiền, rồi cùng Thụy-Hương xuống lầu. Đôi giầy của hầu ướt sũng, vì nước từ huyệt Dũng-tuyền vẫn ri rỉ chảy ra trong khi cơn đau bắt đầu hành hạ. Hầu biết rằng sắp sang giờ Dần, nọc độc trong can phát tác, cơn đau sẽ ghê gớm lắm. Hầu bảo Nguyễn Hữu-Duệ :
- Phiền huynh đánh xe trở về càng mau càng tốt .
Chiếc xe vọt lên trong đêm khuya. Xe tới Đông-cung, thì cơn đau của Thủ-Huy càng mãnh liệt. Chân hầu cơ hồ không nhắc lên được. Thụy-Hương bồng Thủ-Huy đưa vào tẩm phòng. Trong cơn đau, mơ mơ tỉnh tỉnh, đầu hầu ấp vào ngực nàng. Hương thơm trinh nữ từ hai đóa hoa trà mi rực mùi thơm, càng làm cho hầu trở thành mơ hồ hơn. Hầu nhắm mắt, trấn nhiếp tâm thần. Trong cơn mơ, hai tay ôm lấy cổ nàng.
Vào thời gian này, Nho-giáo đã có chỗ đứng rất vững trong triều đình, ngoài dân dã, trải hơn trăm năm. Thế nhưng hai người cùng quên đi những gì của luân lý Nho-giáo cấm kỵ: Trai gái không được cầm vật gì trao cho nhau (Nam nữ thụ thụ bất tương thân). Họ quên cả bộ Hình-thư định rằng : Khi không có sự ưng thuận của cha mẹ thì hôn nhân không thành. Rằng chưa treo cưới mà trai gái gần nhau thì sẽ bị tội trượng, nam thì xung quân, nữ thì bị gọt đầu sơn vôi, đem đi bêu diễu cho dân chúng xem. Điều này dễ hiểu, bởi Thủ-Huy là con một đại tôn sư võ học, vượt ra ngoài những ràng buộc phiền tạp. Còn Thụy-Hương thì không những mẹ không cấm đoán, mà còn dạy nàng thuật bắt nai.
Ghi chú của thuật giả
Để độc giả có một ý niệm về Nho-giáo du nhập vào Đại-Việt, tôi xin ghi ở đây mấy giòng về diễn tiến của văn hóa này :
Tháng 8 niên hiệu Thần Vũ thứ hai đời vua Lý Thánh-tông (DL. 1070, Canh-Tuất), cho lập Văn-miếu, tạc tượng Chu Công, Khổng Tử, Tứ -phối (Nhan Uyên, Tăng Sâm, Tử Tử, Mạnh Tử) vẽ hình Thất-thập nhị hiền (72 học trò giỏi của Khổng Tử) ở cửa Tây-Nam hoàng thành Thăng-long. Bốn mùa cúng tế. Vua chọn nho thần uyên thâm dạy cho thái-tử Càn-Đức.
Đến niên hiệu Thái-ninh thứ tư (DL.1075, Aát Mão), cho mở khoa thi Mình-kinh bác học và khoa thi Nho-học tam trường. Lê Văn-Thịnh đỗ đầu khoa Minh-kinh, được vào cùng học với vua Lý Nhân-tông.
Niên hiệu Anh-vũ Chiêu-thắng nguyên niên, đời vua Lý Nhân-tông (DL.1076, Bính-Thân) lập Quốc-tử giám (tức trường đại học Hoàng-gia).
Niên hiệu Chính-long Bảo-ứng thứ 8 (DL.1170, Canh Dần) đời vua Lý Anh-tông, lại lập miếu thờ Khổng Tử ở phía Nam thành Thăng-long.
Sang đời Trần, Lê, Quốc-tử giám vẫn được duy trì. Chu Văn-An (1292-1370) xuất thân từ đây.
Kể từ đời Lý, cho đến hết đời Lê, các thí sinh trúng tuyển thi Hội, thì Đình đều được bái yết ở Văn-miếu, Tổng cộng có 187 khoa thi, và 2991 thí sinh trúng tuyển tiến sĩ.
Tháng 2 năm Giáp Thìn, niên hiệu Hồng-đức thứ 15 (DL.1484), vua Lê Thánh-tông sai dựng bia tiến sĩ ở Văn-miếu. Sai thượng thư bộ Lề là Quách Đình-Bảo soạn bộ sách chép tiểu sử các thí sinh trúng tuyển tiến sĩ. Sai Đông-các đại học sĩ Thân Nhân-Trung, Đỗ Nhuận ; Đông-các hiệu thư Đào Cử, Đàm Văn-Lễ, Ngô Luân...soạn văn bia. Lại sai khắc bia, ngày 15 tháng tám năm ấy thì tạc xong, sai dựng ở sân Văn-miếu. Các triều đại kế tiếp, soạn bia những khoa thi sau.
Kể từ năm khởi công, tạc từ khoa 1442 đến khoa 1779 có 82 bia, khắc 1323 tên tiến sĩ. Như vậy có 1668 tiến sĩ không được khắc tên trên bia đá.
Đến triều Nguyễn, lại lập Văn-miếu nữa ở Huế cũng có bia tiến sĩ theo quy mô của Văn-miếu Thăng-long.
Tất cả những di tích này ( 1997) hiện vẫn còn tại Hà-nội, được bảo quản rất kỹ, lấy làm biểu tượng cho nước Đại-Việt văn hiến. Hình bìa bộ Anh-linh thần võ tộc Việt, tôi đã đùng hình Văn-miếu Thăng-long làm bìa.
Độc giả muốn thâm cứu thêm về Văn-miếu Thăng-long, có thể tìm đọc các sách (Chữ Hán) sau :
ĐVSKTT, bản kỷ 3 và 7.
ĐNNTC.
Nhị hoàng di ái lục.
Hoàn-long huyện chí.
Hà-nội địa dư.
Hoàng Việt địa dư chí.
Thăng-long cổ tích khảo.
Thăng-long sự tích khảo
Long-biên bách nhị vịnh.
Hà-nội sơn xuyên phong vực.
Văn miếu kiến tạo thời Lý, nay vẫn còn tại Hà-nội
Thụy-Hương ôm Thủ-Huy vào phòng. Bị Thủ-Huy ôm chặt lấy cổ, đầu nàng quay mòng mòng, miệng khô, chân tay bải hoải. Nàng định đặt Thủ-Huy xuống giường, nhưng lòng lại không muốn. Nàng tự hỏi :
- Thủ-Huy ôm lấy mình, vì muốn tìm nguồn an ủi trong cơn đau, hay cũng đang say tình ?
Hình ảnh nàng ngã vào lòng Thủ-Huy trên xe đến bến Ngọc-thụy, làm lòng nàng ấm áp kỳ lạ :
- Người này say mê nàng.
Những lời mẹ giảng giải về phương cách bắt con nai văng vẳng bên tai. Thụy-Hương rùng mình : Ta phải tỉnh táo, làm chủ cho cuộc đi săn này. Ta không thể để mất cơ hội. Dù ta có được làm vợ Thủ-Huy hay không, ta cũng phải hưởng những gì trời cho trước mắt. Mẹ ta dạy ta cách cho Long-Xưởng hưởng hương thơm đào hoa, nếm mùi suối Đào-nguyên, nay ta cho Thủ-Huy.
Nghĩ vậy, nàng ngồi lên giường, đặt Thủ-Huy nằm xuống, tay nàng ấp chặt đầu Thủ-Huy vào ngực mình. Trong cơn mơ mơ màng màng vì đau, Thủ-Huy lại tưởng người ngồi cạnh mình, ôm lấy mình là Đoan-Nghi. Hầu gục đầu vào ngực nàng. Đôi lứa thiếu niên cùng say, cùng say...cùng mơ mơ... cùng buông lỏng hết...Môi kề môi.
Thụy-Hương nhớ lời mẹ dặn, nàng trồi dần người lên đầu giường... Mặt Thủ-Huy trườn xuống thấp, xuống thấp...Đến đây cơn đau của Thủ-Huy đã dứt. Hầu say sưa hưởng hương thơm, uống nước của ngọn suối Đào-nguyên.
Cứ như vậy...
Đêm khuya trôi đi như giòng suối Thiên-thai vô tận.
Cuối cùng Thụy-Hương buông lỏng cuộc đời, ngắt nhụy đào duy nhất của đời con gái cho tình quân.
Tiếng trống cầm canh vọng lại, đâu đó tiếng chim ăn đêm lạc loài thoảng trong canh tàn. Nhưng trong căn phòng nhỏ của Đông-cung, thành Thăng-long, có đôi thiếu niên quên hết mọi vật xung quanh. Họ bơi lặn trong rung động, trong say sưa, họ chìm đắm vào nhau.
Tiếng trống ở tòa Khâm-thiên giám báo đã sang giờ Mão, Thụy-Hương bừng tỉnh trước. Ánh sáng ban mai lọt qua khung cửa sổ, hai người nhìn nhau, không ai nói lời nào, mà như cùng nói với nhau rất nhiều. Thụy-Hương thì thỏa mãn tràn đầy, cho dù có chết ngay, nàng cũng cam tâm. Còn Thủ-Huy, ngay từ đầu cuộc hành trình vào Thiên-thai, người thiếu niên mơ mơ, hồ hồ tưởng đâu mình đang đi với Đoan-Nghi trong giấc mộng Vu-sơn. Bây giờ giáp mặt đôi ta thì lại là Thụy-Hương, mà là thực tại chứ không phải là giấc mơ nữa. Thủ-Huy nhìn nàng:
- Thì ra là em à ?
Thụy-Hương đang say men tình, nàng không chú ý đến câu hỏi của Thủ-Huy.
- Anh nghỉ nghe.
Nàng nói bằng giọng nhẹ như gióp thoảng : Em phải vào bếp trông coi Ngự-trù nấu cháo cho đại ca, nhị ca ăn rồi còn dự buổi thiết Đông-cung triều.
Thụy-Hương trở về phòng mình, thì vú Mai đã ngồi đó từ bao giờ. Bà mỉm cười tinh quái nhìn con gái :
- Giỏi ! Con đã thành công với Thủ-Huy. Bây giờ con đang bơi trong hạnh phúc. Nhưng con ơi ! Thủ-Huy chỉ là một thiếu niên ngây thơ, chưa từng nếm mùi trái chua, thì con bắt y dễ dàng. Vì vậy, mẹ phải dạy con thêm, để con có bản lĩnh bắt bất cứ người đàn ông nào cũng phải quỳ gối cho con sai bảo.
- Mẹ ơi ! Thủ-Huy là một đấng thiếu niên anh tài, làm vợ anh ấy cũng không uổng tấm hồng nhan. Như mẹ nói, mẹ chỉ là một vú em, con chỉ là con một thị vệ. Bây giờ nếu con là vợ Thủ-Huy thì cũng đường đường ngôi mệnh phụ, con nghĩ như vậy cũng là quá rồi ! Mẹ muốn con phải thế này, thế nọ chi cho mệt tấm thân.
- Con không hiểu gì cả.
Vú Mai nói bằng giọng thiết tha :
- Con nói rằng Thủ-Huy là một đấng thiếu niên anh tài, mẹ cũng đồng ý với con. Võ công y cao, trí tuệ siêu phàm, văn chương quán thế... gì chăng nữa, y vẫn là tay mơ trong tình trường, một đứa con nít trong phòng the. Y không thể đem con đến tuyệt đỉnh rung động, tuyệt đỉnh Vu-sơn. Mẹ muốn dạy thêm cho con ít bản lĩnh, để con tiến xa hơn, để làm việc ấy...
Thụy-Hương rùng mình ngồi ngay ngắn lại :
- Con nghe lời mẹ.
- Điều con nên nhớ, đàn ông có thể là vua, là văn quan, là võ tướng... là anh lái buôn, là anh thợ cầy. Nếu cứ nhìn vào địa vị, tài năng của họ, thì họ khác nhau rất nhiều. Nhưng họ có chung một huyệt đạo, con chỉ cần điểm trúng là họ sẽ biến thành con mèo con, con chó ngoan, con nai hiền lành. Huyệt đạo đó là năm cái cao ngạo « Tự ái, tự cao, tự hào, tự thị, tư tôn ». Con ạ. Tự ái có thể ví như con sư tử. Tự cao ví như con đại bàng. Tự hào ví như con gấu. Tự thị ví như con cọp. Tư tôn ví như con chó sói. Nếu ta biết mềm, biết vuốt ve năm cái tự đó, thì ta có thể biến con sư tử, con hổ, thành con chó ngoan ngoãn. Biến con gấu, con sói thành con mèo nhu mì. Biến con đại bàng thành con chim sáo trong lồng. Họ mạnh đến có thể tay không giết cọp. Họ uy quyền đến độ có thể ra một lệnh, khiến núi tan, khiến đất rung chuyển, khiến người chết như rạ. Thế nhưng, những loại người đó lại dễ bị sắc đẹp làm cho tan nát sự nghiệp. Khi đứng trước họ, bề ngoài ta dùng cái nhu nhã, dùng làn môi, dùng sóng mắt, dùng lời ngọt ngào đưa đẩy. Còn bề trong, ta tự coi mình là Quan-thế-âm, họ là những Phật-tử, đến trước ta quỳ gối để cho ta sai khiến.
- Muốn thế, mình phải làm gì trước, làm gì sau?
- Này con nghe cho kỹ. Có bẩy bước.
Thế rồi vú Mai ghé miệng vào tai Thụy-Hương giảng giải. Mẹ thì nói, con thì gật đầu.
Về phần Thủ-Huy. Khi Thụy-Hương ra rồi, hầu mới thực sự tỉnh táo. Người thiếu niên nghĩ thầm :
- Mình đã làm một việc bất hiếu đối với cha mẹ. Một việc phạm pháp, một lỗi lớn với Đoan-Nghi.
Nhưng tưởng lại cái thời gian vừa qua, người thiếu niên vẫn cảm thấy ngọt ngào, hạnh phúc hơn là hối hận. Hầu lại chìm mình vào trong giấc ngủ.
Thủ-Huy tỉnh giấc thì mặt trời đã lên cao. Hầu choàng dậy, chạy ra ngoài, thì vừa gặp tỳ nữ thân tín là Trung-Tĩnh nương. Hầu hỏi :
- Chết rồi ! Tôi ngủ mê, quên cả dự thiết Đông-cung triều. Dễ thường sang giờ thìn rồi cũng nên.
Trung-Tĩnh nương dùng ngón tay viết lên lòng bàn tay hầu :
- Thiếu-bảo yên tâm. Sáng nay, Thái-tử ban chỉ không cho tiểu tỳ đánh thức Thiếu-bảo, để Thiếu-bảo ngủ. Thái-tử đang thiết Đông-cung chiều.
Thủ-Huy súc miệng, rửa mặt, thay y phục, rồi sang nghị sự đường. Đông-cung triều đang nghị về việc bổ nhiệm các thí sinh trong kỳ thi võ vừa qua. Trong Đông-cung, công chúa Đoan-Nghi, quận chúa Trang-Hòa, Như-Như, Thụy-Hương, đều được ngồi phía phải của Long-Xưởng. Tăng Khoa ngồi phía trái. Thủ-Huy ngồi vào ghế dành cho mình
Binh-bộ thượng thư Phí Công-Tín đang tâu :
.... Có tất cả 1938 ứng sinh. Không có ứng sinh nào đủ điều kiện trúng đại đô, trung đô, hạ đô (trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa). Lấy 72 thượng vệ (tiến sĩ), 144 trung vệ (phó bảng), 288 hạ vệ (Cử nhân). Có 18 dứng sinh dưới 18 tuổi khai tăng tuổi ; 36 ứng sinh gái giả trai; 72 ứng sinh thuộc các sắc dân Mường, Thái, Nùng, Mèo, Lô-lô, không biết nói tiếng Việt ; 120 ứng sinh gốc người Chàm, người Lào, người Hoa. Tất cả đều bị loại.
Long-Xưởng hỏi :
- Chư khanh nghĩ sao ?
Quan Kiểm-hiệu Thái-úy Tô Hiến-Thành tâu :
- Khi triều đình ban chỉ tuyển võ, đã nói rõ rằng : Ứng sinh phải trên 18 tuổi, là trai, phải biết nói tiếng Việt. Thế mà trong các cuộc sơ tuyển tại các trấn, tuyển quan không chịu tuân chỉ, tuyển cả thiếu niên. Thần xin triều đình ban chỉ giáng các tuyển quan địa phương hoặc sơ xuất, hoặc vi chỉ. Riêng các ứng sinh khai tăng tuổi, gái giả trai, truyền đánh ba mươi côn, thích chữ vào mặt.
Thủ-Huy bàn :
- Trước hết ta hãy xét từng trường hợp, chứ không nên giải quyết chung. Đầu tiên là các ứng sinh dưới mười tám tuổi . Họ còn trẻ, khai man tuổi ứng thí, thì họ phải có tài mới dám làm vậy. Tuổi trẻ, tài cao, thì đó là những tinh hoa của đất nước. Thần xin điện hạ chuẩn tấu trao họ cho Binh-bộ dạy thêm binh pháp, xung phong, hãm trận, cùng luyện võ, học văn. Đợi tới 18 tuổi sẽ tùy tài, đức bổ dụng.
Dao-thụ Thái-phó Ngô Lý-Tín tâu :
- Từ xưa đến giờ, các đấng nhân quân thường dùng lễ để giáo hóa hơn là hình pháp. Lời bàn của Trần Thiếu-bảo thực hợp với đạo lý. Thần xin điện hạ chuẩn tấu đề nghị của Trần Thiếu-bảo.
- Cô gia chuẩn tấu. Bây giờ tới các ứng sinh nữ giả trai.
Quan Hình-bộ thượng thư Trần Trung-Tá tâu :
- Xưa nay nữ nhân thương là mối họa cho xã tắc. Vì vậy các thánh nhân như Tam-hoàng, Ngũ-đế chưa từng dùng nữ quan. Ở nước ta, từ khi đức Nhân-Tông băng đến giờ, triều đình bị cái nạn nữ nhân xen vào việc triều chính, khiến xã tắc bao phen nguy như trứng chồng. Thế mà còn có đến 36 gái giả trai dự thi. Như vậy rõ ràng các y thị coi thường phép nước. Thần xin điện hạ chuẩn đề nghị của Tô Thái-úy.
Nghe Trung-Tá tâu, các quan đồng quay lại nhìn công chúa Đoan-Nghi, quận chúa Trang-Hòa, Thụy-Hương, Như-Như. Công-chúa Đoan-Nghi đứng dậy nói :
- Quan Gián-Nghị đại phu nói như vậy e quá đáng. Điều mà đại phu nói, nếu ở bên Trung-nguyên thì thực là hợp với đạo lý. Nhưng đối với Đại-Việt ta thì lại xa đạo lý.
Công-chúa nhỏ nhẹ :
- Bên Trung-nguyên, từ khi Hán Cao-tổ Lưu Bang dựng nước, đã dùng Nho làm chủ đạo trị nước. Mà Nho thì trọng nam, khinh nữ. Hơn nữa trong lịch sử Trung-nguyên chỉ có những nữ nhân làm cho nước loạn, mà không có nữ nhân làm cho nước thịnh ; thì việc dùng nữ quan là điều không nên.
Các đại thần đều gật đầu công nhận lời của Đoan-Nghi là có lý.
- Còn bên Đại-Việt ta, từ khi dựng nước, các vua Hùng, vua An-Dương đều dùng đạo lý tộc Việt, thường đươc gọi là chủ đạo tộc Việt trong việc trị nước. Nho chỉ có chút bóng dáng từ thời Đinh, Lê. Mãi tới khi bản triều lập chính thống, mới được dùng một phần. Từ đời đức Thánh-Tông, mới có hẳn chỗ đứng, mà người chủ trương dựng tượng thánh Khổng cùng 72 tiên hiền, xây Văn-miếu là Linh-Nhân hoàng thái hậu. Hiện triều đình vẫn dùng chủ đạo tộc Việt trong phép trị dân. Chủ đạo này, lấy từ chủ đạo cổ, một phần Nho, một phần Thích. Khi dùng chủ đạo của ta, thì nên dẫn chứng thời vua Hùng, vua An-Dương , vua Trưng hay năm vị tiên đế bản triều, chứ không nên, không cần dẫn chứng Tam-hoàng, Ngũ-đế.
Một số đại thần chủ đem Nho trị dân bẽn lẽn, trong lòng không phục. Đoan-Nghi biết vậy, tiếp :
- Thời vua Hùng ta có công chúa Tiên-Dung, thời vua Trưng ta có không biết bao nhiêu nữ anh hùng. Sau vua Trưng tới Lệ-hải bà vương Triệu-thị Trinh. Đến bản triều, thì nhiều vô kể, nào Quốc-mẫu Thanh-Mai, nào tiên nương Bảo-Hòa, Thiếu-Mai, nào Ngũ-long công chúa, nào Hồng-hà ngũ long, nào các phu nhân của Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt, nào công chúa Thiên-Thành, Động-Thiên, Thiên-Ninh. Các vị ấy qua đời, mà nay dân chúng còn hương khói tôn thờ... Các vị không nên vì hai người đàn bà, mà bỏ phí cả tài năng của con cháu vua Trưng.
Công chúa nhìn Long-Xưởng :
- Đối với 36 thiếu nữ giả trai, triều đình không nên nhìn vào khía cạnh họ phạm luật, mà chỉ nên xét đến cái thiện ý của họ. Trước hết, họ phải có tài, mới dám ứng thí, mới lọt qua kỳ thi tại các trấn. Họ lại có lòng son, muốn đem tài lương đống ra phò tá quân phụ. Họ là người đến với triều đình, nên trọng dụng họ, chứ không nên xua đuổi họ.
Thái-bảo Ngô Nghĩa-Hòa tỏ vẻ không bằng lòng :
- Tâu điện hạ, ngặt vì trong triều không có ngạch nào dùng nữ quan, thì đặt các nữ quan này vào đâu ?
Thủ-Huy tâu :
- Không khó. Tiều đình chọn những người ưu tú nhất để dạy dỗ cung nga, thái giám. Còn lại dùng làm nữ thị vệ, làm nữ quan của Khu-mật viện, làm giáo đầu dạy nữ tù, dạy thiếu nhi mồ côi.
- Cô gia chuẩn của công chúa, của nhị đệ. Truyền tha tội cho các ứng sinh gái giả trai. Truyền trao cho công chúa Đoan-Nghi xét tài năng bổ dụng. Bây giờ tới các ứng sinh Bắc-cương và ứng sinh Hoa, Chàm, Lào.
Thủ-Huy tâu :
- Các ứng sinh thuộc sắc dân Bắc-cương không biết nói tiếng Việt mà bị gạt ra ngoài thì e uổng mất các tinh hoa của đất nước. Từ thời đức Thái-tổ, triều đình luôn ưu đãi các sắc dân này. Chả vậy mà các công chúa Hồng-Châu, Lĩnh-Nam Bảo-Hòa, Bình-Dương, Kim-Thành, Trường-Ninh, Thiên-Thành... được gả cho hào kiệt Bắc-biên. Hơn trăm năm qua, Bắc-cương luôn là ải địa đầu trấn giặc Bắc. Thần xin đề nghị, đặc cách cho các ứng sinh Bắc-cương không cần thi, ban cho đỗ thượng vệ, lưu họ lại Thăng-long một thời gian, dạy họ học tiếng Việt, rồi bổ nhiệm sau. Còn các ứng sinh gốc người Hoa, Chàm, Lào. Họ đều sinh trưởng trên đất Việt, thì họ là người Việt. Xin triều đình xét, cho họ thi. Nếu có tài, thì cũng lấy đậu như người Việt.
Long-Xưởng tuyên chỉ :
- Cô gia thuận đề nghị của Trần Thiếu-bảo. Truyền Binh-bộ, Lễ-bộ thi hành tất cả chỉ dụ hôm nay.
Long-Xưởng hỏi Tăng Khoa :
- Bây giờ nghị tới vấn đề gì ?
- Khải, bãi triều.
Long-Xưởng cùng Đoan-Nghi lui vào hậu điện.