Mông-cổ lập quốc
Niên hiệu Chính-long Bảo-ứng thứ sáu (Mậu-Tý, DL.1168), đời vua Lý Anh-tông bên Đại-Việt, bên Trung-nguyên là niên hiệu Càn-Đạo thứ tư , đời vua Hiếu-tông nhà Nam-Tống.
Mùa Thu tháng 8.
Đại-Việt thiết đại triều tại điện Uy-viễn. Nhạc tấu bản Nguyên-thọ, nhà vua cùng Tuyên-phi Từ Thụy-Hương ra. Nhà vua ngồi trên ngai vàng. Bên trái là một long ỷ, Tuyên-phi Thụy-Hương ngồi đây. Bên phải là một long ỷ khác, dành cho thái-tử Long-Xưởng và ba hoàng tử là Kiến-Ninh vương Long-Minh, Kiến-An vương Long-Đức, Kiến-Tĩnh vương Long-Hòa.
Lễ nghi tất.
Tể tướng Đỗ An-Di bước ra tâu :
- Thần Kiểm-hiệu Thiếu-sư, Đồng-bình-chương sự, Uy-viễn đại học sĩ, Kinh-Bắc tiết độ sứ kính tâu.
Thái-tử Long-Xưởng tuyên chỉ :
- Xin tể tướng bình thân.
- Chương trình nghị sự hôm nay gồm có ba phần. Phần thứ nhất, để nghe tâu về việc đi sứ Kim.
Nghe Đỗ An-Di tâu, bách quan đều kinh ngạc vô cùng, vì họ chưa từng nghe nói đến việc triều đình cử sứ giả sang Kim-quốc bao giờ, thế mà nay họ lại nghe tâu sứ đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ trở về. Thế chánh sứ là ai ? Lên đường bao giờ ? Sứ sang Kim với nhiệm vụ gì ?
Họ cùng đưa mắt nhìn Lễ-bộ thượng thư Ngô Lý-Tín như để dò hỏi, thì ông này cũng ngơ ngơ ngác ngác. Họ lại nhìn nhà vua, thì thấy đôi mắt nhà vua lờ đờ, tỏ vẻ mệt mỏi, không mấy chú ý đến việc này. Họ nhìn thái-tử Long-Xưởng, thì thấy ông vua con mắt sáng long lanh, da tươi hồng. Như vậy rõ ràng vụ này do thái-tử chủ xướng.
Long-Xưởng biết phụ hoàng mình hoàn toàn u mê, ù ù, cạc cạc về việc liên kết với Kim, vương nhắc lại để cho ngài nhớ, và cũng để cho quần thần biết :
- Tâu phụ hoàng, cách đây hơn năm, trong lần mật nghị quốc sự với thần nhi, phụ hoàng ban chỉ rằng : Cái thế Đại-Việt ta an hay nguy là do Tống với Chiêm. Nay Chiêm đã hoàn toàn quy phục, chỉ có Tống là đáng chú ý. Nhưng tình hình Tống lại tùy thuộc vào Kim với Hạ. Vậy cần cử người sang Kim quốc, tặng phương vật, kết hiếu, để thăm dò tình hình.
Nghe Long-Xưởng tâu, nhà vua mới chợt nhớ :
- Hôm ấy, trẫm trao toàn quyền cho hoàng nhi. Nay sự ấy ra sao ?
- Sau một tháng chuẩn bị, thần nhi đã tâu rằng : Sứ Việt sang Kim-quốc, phải qua lãnh thổ Tống, vì vậy nên giữ kín. Vì thế, vụ này không đem ra triều nghị, cũng không làm lễ tiễn sứ. Phụ-hoàng ban chỉ cử phò mã Trần Thủ-Huy với công chúa Đoan-Nghi làm chánh phó sứ, lại nhờ hai trong Đại-Việt ngũ tuyệt là y-sư Phạm Tử-Tuệ, thần-tiễn Trần Tử-Giác xung vào sứ đoàn. Ngoài ra còn có Vỵ-xuyên ngũ tiên giả làm tỳ nữ đi theo nữa.
Nghe Long-Xưởng tâu, nhóm quần thần chủ yên phận hưởng thụ nghĩ thầm :
- Cái vụ này ắt là thái-tử chủ xướng, chứ ông vua nào có thiết tha gì đến quốc sự đâu. Hèn gì, cách nay hơn năm, sau lễ cưới của công chúa Đoan-Nghi với quốc-công Thủ-Huy, thì thái-tử loan báo rằng cử phò mã với công chúa làm khâm sai đại thần, mang Thượng-phương bảo kiếm đi kinh lý khắp Đại-Việt. Khâm-sai đặc mệnh được toàn quyền xử tử, cách chức bọn tham quan, bọn cường hào ác bá. Hồi ấy ai cũng nghi ngờ rằng Thủ-Huy đang giữ trọng trách tổng-lĩnh Thiên-tử binh, là cánh tay mặt của thái-tử, mà sao thái-tử lại cho rời Thăng-long ? Bây giờ mình mới hiểu ! Hà, nay mai ông vua con này lên ngôi, ắt có nhiều cải cách, ta khó mà ngồi yên hưởng thụ được.
Long-Xưởng tuyên chỉ :
- Thỉnh phò mã, công chúa vào.
Thủ-Huy, Đoan-Nghi vào điện, trong khi hơn trăm nhạc công tấu, ca bản Viễn-hành quy triều (đi xa về chầu vua).
Tự Thiên-tử sở,
Thiên-tử mệnh chi.
Chấp sự hữu khác,
Đức-âm mạc vi.
Chưng tai ! Mao sĩ,
Bạc ngôn hữu chi.
Duy kì hữu chi,
Bi nhiên lai ti.
Bảo hữu quyết thổ,
Bang gia chi ki.
Dịch:
(Tự nơi đức vua,
Đức vua sai đi.
Nhiệm vụ kính cẩn,
Quyết chẳng sai di.
Tốt thay tuấn sĩ,
Lời nói cẩn trọng,
Duy có người thôi.
Vui vẻ trở về,
Bảo vệ xã tắc,
Gốc của nước nhà)
Càn-nguyên điện đại học sĩ Trần Thủ-Huy tâu :
- Thần Thiếu-bảo, Trung-nghĩa thượng tướng quân, lĩnh Càn-nguyên điện đại học sĩ, kiêm Thượng-thư lệnh, tổng-lĩnh Thiên-tử binh, tước Côi-sơn công kính tâu.
Nhà vua tuyên chỉ :
- Phò mã bình thân .
Long-Xưởng kéo ghế cho Thủ-Huy, Đoan-Nghi ngồi. Vừa ngồi xuống, đôi mắt Thủ-Huy chạm ngay phải nhãn quang Tuyên-phi Thụy-Hương. Cả hai cùng ngỡ ngàng, cùng bồi hồi, cùng rung động thực mạnh. Nhưng mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Thủ-Huy thì nghĩ thầm:« Mình với Thụy-Hương đã qua biết bao nhiêu hạnh phúc, biết bao nhiêu kỷ niệm mặn nồng. Vì mình không chủ trương được, mà ví dù có chủ trương được, thì cũng không có quyền chủ trương ; thành ra mình phụ nàng. Nhưng thôi, may mắn cho nàng, đã trở thành Tuyên-phi » .
Trong khi đó Thụy-Hương nghĩ :« Người tình của mình ngồi ngay trước mắt mình, mà hóa ra nghìn trùng cách biệt. Cái tình là cái chi chi, thực khó hiểu. Chính mình chăng lưới bắt con nai Long-Xưởng, con nai Chính-long Bảo-ứng, mà sao mình vẫn không quên được Thủ-Huy ».
Trong khi đó, tiếng Thủ-Huy vẫn đều đều :
- Tuân chỉ phụ-hoàng, thần nhi dẫn sứ đoàn, giả làm khách thương vượt biển sang Kim-quốc. Nay sứ mệnh đã hoàn thành, xin tấu trình. Kim chúa có gửi quốc thư, và phương vật tặng phụ hoàng và mẫu hậu. Thần nhi kính cẩn dâng lên.
Thủ-Huy dâng quốc thư. Nhà vua liếc qua, rồi trao cho Long-Xưởng. Công chúa lại dâng lên hai cái áo ngự hàn bằng da điêu, cúc bằng vàng. Nhà vua tiếp lấy mặc thử, lông điêu bóng mượt thực đẹp. Còn một chiếc, ngài truyền mang vào nội cung cho hoàng-hậu.
Liếc mắt nhìn ngang, thấy Thụy-Hương ngồi trên chiếc ghế ở phía trái ngai vàng, tim Thủ-Huy đập đến bình một cái.
- Sứ đoàn dùng đường biển.
Thủ-Huy kể : Tất cả xuống một chiếc thuyền buôn của Tống, tại bến Vỵ-hoàng thuộc trấn Thiên-trường. Đây là một thương thuyền mà thủy quân tịch thu của bọn gian thương Tống. Phải nửa tháng, thuyền mới ra khỏi lãnh hải Việt. Khi thuyền qua eo biển đảo Hải-Nam thì gặp thủy quân Tống. Họ kiểm soát, thấy thuyền là thuyền Tống, dưới thuyền chở nhiều hương liệu, cá khô, tôm khô, đồ đồng, đồ gỗ, thì họ tin ngay. Nhất là họ thấy trong đoàn ai cũng biết nói tiếng Hoa bằng giọng Hàng-châu, họ càng tin hơn. Thuyền tiếp tục hướng Bắc mà đi. Hơn hai tháng sau, thì tới Liêu-Đông. Thuyền gặp thủy quân của Kim. Sứ đoàn nói cho họ biết rõ nhiệm vụ. Họ hộ tống, đổ bộ lên bờ, rồi quan trấn thủ Liêu-Đông cấp xe, ngựa, sai thiết kỵ hộ tống về Yên-kinh. Tới Yên-kinh, sứ đoàn được quan Lễ-bộ tham tri Gia-luật Sử-tri tiếp đón, cho ở Nam-thanh cung. Gia-luật Sử-tri tiết lộ cho thần nhi biết, triều đình Kim-quốc đang nghị về việc gửi sứ sang Đại-Việt, Đại-Lý. Mục đích việc gửi sứ, là bàn kế liên binh đánh Tống. Kim sẽ cho quân đánh từ Bắc xuống, Đại-lý đem quân vượt Kim-sa giang tiến đánh Tứ-xuyên, rồi chiếm Đông-xuyên, Tây-xuyên. Còn Đại-Việt thì đem quân tiến chiếm Quảng-Đông, Quảng-Tây, Kinh-Hồ (Kinh-châu, Hồ-Nam).
Nhóm đại thần chủ chiến đưa mắt nhìn nhau, trong cái nhìn, ngụ ý :
- Thì ra Kim cũng nghĩ như Đại-Việt. Vụ này có cơ thành công đây.
- Hai ngày sau sứ đoàn được triều kiến.
Lễ-bộ thượng thư Ngô Lý-Tín hỏi :
- Thưa Thiếu-bảo, triều đình Kim họ nói tiếng gì ? Về lễ nghi có giống Đại-Việt không ?
- Các đại thần lớn tuổi, thì họ nói hai thứ tiếng, một thứ tiếng của bộ lạc Nữ-chân, và tiếng Hoa vùng Yên-kinh. Còn các đại thần trẻ, thì họ chỉ nói tiếng Hoa. Lễ nghi của họ rất giản dị. Khi thiết triều, các quan đều được ngồi ghế. Sau khi thiết triều, thì vua, hoàng hậu , phi tần, công chúa với các quan, vợ các quan cùng ngồi ăn yến. Họ không ngồi trên sập như mình, mà ngồi ghế, còn thực vật thì để trên bàn tròn. Họ cũng không ngồi theo thứ bậc, mà ai thích ngồi đâu thì ngồi. Sau khi ăn yến, lại cùng nhau xem hát.
Long-Xưởng vẫy tay cho Thủ-Huy ngừng lại, rồi hỏi quần thần :
- Không biết các vị có cao kiến gì không ?
Tể-tướng Đỗ An-Di hỏi :
- Thưa phò mã, nghe nói người Nữ-chân theo chế độ mẫu hệ, không biết sự thực ra sao ?
- Không phải thế ! Họ trọng đàn bà, cho nên khi nhà vua thiết triều, thì thái-hậu, hoàng-hậu cũng tham dự. Trên toàn quốc, nam, nữ cũng phải luyện tập võ nghệ, học xung phong hãm trận, tổ chức hơi giống thời Lĩnh-Nam của ta. Có điều hơi khác là thời Lĩnh-Nam thì cả nam binh, nữ binh đều ra trận. Còn Kim thì nữ binh giữ nhiệm trấn thủ canh phòng, bảo vệ. Khi nghe nói trong sứ đoàn Đại-Việt có công chúa, với Vỵ-xuyên ngũ tiên nên hoàng hậu truyền mời vào hậu cung khoản đãi, và đàm đạo.
- Tổ chức nội cung của Kim ra sao ?
Long-Xưởng hỏi Đoan-Nghi : Nghi muội tâu lên để phụ hoàng cùng triều đình biết.
- Tâu phụ hoàng, nội cung Kim có tổ chức hơi khác nội cung Tống, cái khác ấy lại giống nội cung Đại-Việt thời đức Thái-tổ, Thái-tông. Vua có ba bà hoàng-hậu, hoàng hậu có toàn quyền trong nội cung như tuyển các vương phi cho hoàng tử, tuyển cung nga, tuyển thái giám, ban chế bổ nhiệm nữ quan. Một điều hơi khác Đại-Việt ta, là các hoàng hậu, phi tần đều luyện võ, học binh pháp, hành binh, xung phong hãm trận. Ngay khi thần nhi vào cung, thì Chính-Đức, Nhất-Đức, Nguyên-Đức hoàng hậu cùng họp lại khoản đãi. Các bà hỏi thăm rất kỹ tình hình Đại-Việt.
Tuyên-phi Từ Thụy-Hương gật đầu tỏ vẻ hài lòng :
- Trước đây tôi cứ phân vân mãi về việc Kim chỉ là một bộ tộc kém văn minh, so với tộc Tống với Liêu, thế mà họ thắng Tống, thắng Liêu. Bây giờ tôi mới hiểu rằng họ biết trọng phụ nữ, như thời vua Trưng của ta. Ta phải học lấy cái hay của họ.
Thụy-Hương vừa dứt lời, thì bọn chủ hòa như Tô Hiến-Thành, Ngô Lý-Tín, Lý Kính-Tu, Trần Trung-Tá mỗi người một câu tỏ vẻ phụ họa theo nàng, làm Thủ-Huy, Đoan-Nghi kinh ngạc không ít.
Nguyên khi nhà vua ban chỉ phong cho Từ Thụy-Hương làm Tuyên phi, thì từ triều đình đến hậu cung đều nổi lên những chống đối mãnh liệt. Hoàng-hậu gặp nhà vua, tâu cho ngài biết rất chi tiết những gì diễn ra ở Đông-cung giữa Thụy-Hương với Thủ-Huy, Long-Xưởng. Bà kết luận : Về danh nghĩa thì Thụy-Hương là cung nữ của Long-Xưởng, tức con dâu của nhà vua. Nhà vua không thể làm chuyện trái luân thường. Còn triều đình thì chống đối về tư cách của vú Mai, về việc vú Mai mang thai mà không biết cha của Thụy-Hương đích thực là ai. Lập tức Thụy-Hương soạn ngay một bài dụ trả lời các quan, trao cho nhà vua ký, rằng trước đây vua Thánh-tông từng đem một thôn nữ về cung, sau thành Linh-Nhân hoàng thái hậu. Thì nay, sao lại chống đối nhà vua phong quận chúa Thụy-Hương làm Tuyên-phi ? Nàng từng lập rất nhiều công với triều đình. Rằng võ công của nàng rất cao, văn chương cùng kiến thức mênh mông ! Nàng lại tâu với nhà vua rằng việc nàng với Thủ-Huy, Long-Xưởng là sự thực. Trước khi trao thân cho ngài, nàng đã từng tâu hết ngọn nguồn, xin ngài đừng ép nàng. Nay sự đã ra thế này, thì chỉ mình nhà vua có thể dập tắt dư luận mà thôi. Việc dập tắt đó rất dễ, chỉ cần trong một buổi thiết đại triều, nhà vua khẳng định rằng : khi Tuyên-phi Thụy-Hương dâng hiến cho ngài, ngài thấy rõ ràng rằng Tuyên-phi còn là một xử nữ. Ai còn nói ra, nói vào về đức hạnh của nàng, sẽ bị giết cả nhà.
Thế là không ai dám chống đối nữa. Hoàng-hậu, quần thần đều phải ngậm tăm, vì có tâu gì chăng nữa, nhà vua cũng không nghe, trong khi sự đã rồi. Nàng lại soạn chế, tuyển quận chúa Bùi Trang-Hòa làm chính phi cho Long-Xưởng. Lễ cưới được tổ chức ngay sau đó. Nàng còn tâu xin nhà vua cho mẹ nàng giữ chức trưởng ty Thượng-thiện, một chức vụ rất nhỏ, nhưng cực quan trọng, trông coi việc nấu nướng cho nhà vua ăn hằng ngày, làm yến ban cho các quan, sứ thần. v.v. Thế là vú Mai đương nhiên dọn vào ở trong cung của con. Ngày đêm bà bầy mưu thiết kế cho nàng.
Cũng kể từ khi Thụy-Hương được phong làm Tuyên-phi, hằng ngày nàng làm việc cạnh nhà vua như một đại học sĩ. Đấy là bề ngoài, chứ thực ra, mọi tấu chương đều do nàng đọc, phê chuẩn. Còn nhà vua thì chỉ duyệt rồi ký mà thôi. Mọi quyền hành của nhà vua trước đây chuyển sang Đông-cung, thì nay lại trở về với nhà vua.
Long-Xưởng, với Đông-cung triều chỉ còn là cái bóng mờ. Nhân đó phe chủ hòa lại xúm vào mà xu phụ Thụy-Hương. Những ông đại thần phe này đa số là nho gia già nua, mũ cao, áo rộng. Chính các ông, trước đây từng chống đối vú Mai với Thụy-Hương, thì bây giờ lại ra luồn vào cúi với nàng, để giữ được cái chức, cái tước. Họ luôn dâng biểu, làm thơ làm từ ca tụng nàng : Nào là tài trí không thua tể tướng thời Lĩnh-Nam Nguyễn Phương-Dung. Nào Tuyên-phi có phong cách mẫu nghi thiên hạ như Linh-Nhân hoàng thái hậu.v.v.
Những khi nhà vua thiết triều, quần thần nghị sự có rất nhiều điều trái với châu phê của Thụy-Hương, nhà vua cũng ừ hự cho qua ; thành ra cùng một việc mà có hai lối giải quyết khác nhau. Thụy-Hương rất bực mình về việc này, nàng trách cứ nhà vua. Nhà vua đề nghị nàng nên dự các buổi thiết triều, để đối đáp với các đại thần. Nàng bèn soạn một chỉ dụ, căn cứ vào tích xưa, vua Thánh-tông cho Ỷ-Lan thần phi dự các buổi thiết triều, nghị quốc sự, nay ngài cũng cho Tuyên-phi Thụy-Hương cái quyền ấy.
Sau khi chỉ dụ ban ra, Thụy-Hương đường đường, chính chính tham dự các buổi thiết triều cạnh nhà vua. Thế là, trong cung bao nhiêu tấu chương, nàng giải quyết hết. Khi thiết triều nàng ban chỉ, quyết định chính sách. Trong triều, ngoài dã bàn tán thì thầm rằng Tuyên-phi làm vua, chứ không phải Chính-long Bảo-ứng hoàng đế làm vua. Bọn nho thần chủ hòa càng được dịp nịnh hót, tâng bốc nàng hết lời.
Những biến cố này xẩy ra trong khi Thủ-Huy đi sứ, thành ra quốc công với công chúa Đoan-Nghi không biết gì. Nay, sau hơn năm trở về, hai người thấy Thụy-Hương hành xử như ... một ông vua đầy quyền hành, thì ngạc nhiên không ít.
Thái-tử Thái-phó, lĩnh Lại-bộ thượng thư Lý Kính-Tu hỏi công chúa Đoan-Nghi về việc đối đáp trong cuộc nghị sự với các bà hoàng hậu Kim :
- Khải điện hạ, không biết điện hạ trả lời thế nào ?
- Thượng-thư sợ tôi tiết lộ cơ mật của Đại-Việt chăng ?
- Thần sợ điện hạ không quen đối đáp với những mánh lới trong phép dụng gián...
- Này Thượng-thư ơi ! Ta đi sứ Kim với mục đích gì ? Ta cầu họ hay họ cầu ta ? Dĩ nhiên ta cầu họ. Khi ta cầu họ thì trước hết ta phải mua lòng tin của họ trước. Vì vậy ta phải thực thà. Tại sao ? Các bà hoàng hậu Kim đều tham dự chính sự. Khi Kim triều chuẩn bị gửi sứ sang ta, thì tế tác của họ đã biết hết tình hình ta ; bọn tế tác đó đã tâu về triều, thì các bà hậu đương nhiên biết hết rồi. Ta dấu làm gì ? Vô ích.
Công chúa tâu tiếp :
- Ngay chiều hôm ấy , nhà vua, tể tướng, Binh-bộ thượng thư, ba bà hoàng hậu đãi yến thần nhi với phò mã trong cung. Sau yến là cuộc nghị sự mật. Hai bên bàn với nhau tới canh ba mới chấm dứt. Các khoản hai bên đồng ý với nhau gồm :« Đại-Việt, Đại-lý, Đại-Kim cùng ra quân đánh Tống. Đại-Kim sẽ giữ nhiệm vụ thuyết phục Đại-lý hợp tung, liên binh với nhau. Sau khi Tống bị diệt, thì giang sơn Tống chia làm ba.
Vì vậy :
- Phía Đại-lý đem quân vượt Độ-khẩu tiến chiếm Thành-đô, rồi thuận thế đánh Đông-xuyên, Tây-xuyên. Ba vùng này vĩnh viễn thuộc Đại-lý.
- Phía Kim, đem quân vượt sông đánh xuống Nam-kinh, rồi tỏa ra chiếm tất cả châu quận còn lại.
- Phía Đại-Việt đem quân vượt biên tiến chiếm Quảng-Đông, Quảng-Tây, Hồ-Nam rồi Trường-sa. Tất cả các vùng này đều thuộc Đại-Việt.
Ranh giới Đại-Kim với Đại-Việt lấy sông Trường-giang làm giới hạn. Đại-Kim, Đại-Việt là hai nước bạn với nhau. Hằng năm, hai bên gửi sứ sang thông hiếu, và tặng phương vật.
Về thời gian ra binh, ấn định là ngày mười rằm tháng tám, năm Nhâm-Thìn (1172) ».
Đối với vấn đề liên binh Đại-Kim, Đại-lý đánh Tống, nhà vua không có một ý niệm gì. Trong thâm tâm ngài thì: Phía Bắc cứ để nguyên tình trạng như vậy, ba năm tiến cống một lần. Phía Nam, Chiêm-thành ; phía Tây, Lão-qua muốn làm gì cũng bỏ qua, miễn sao họ không xâm phạm mình, để cho mình yên ổn là được rồi. Tuy vậy, thấy Long-Xưởng, Đoan-Nghi, Thủ-Huy định làm những việc mà ngài coi như vá trời, không ngờ lại thành công. Ngài hỏi quần thần :
- Chư khanh nghĩ sao ?
Đám quan lại thuộc phe ù lì chỉ chờ có thế, người nào cũng muốn lên tiếng chống đối vụ này, nhưng không ai có can đảm. Họ đưa mắt nhìn người cầm đầu là Tô Hiến-Thành. Bất đắc dĩ Tô phải bước ra :
- Thần Tô Hiến-Thành, Kiểm-hiệu Thái-úy, Đồng-bình chương-sự, Trung-vũ quân tiết độ sứ, Phụ-quốc thượng tướng quân, Chiêu-văn quan đại học sĩ, Giám-tu quốc sử, Đăng-châu quốc công kính tâu.
Long-Xưởng tuyên chỉ :
- Quốc công bình thân.
- Khổng-tử nói rằng : Di bất khả loạn Hoa. Nghĩa là các sắc dân di địch không thể nào xâm chiếm nổi Trung-nguyên. Từ sau khi nhà Tấn bị suy vong, thì xẩy ra cái vạ Ngũ-hồ loạn Hoa. Năm sắc dân phía Bắc vượt Vạn-lý trường thành vào chiếm Trung-nguyên. Họ có sức mạnh, thì họ chiếm được. Nhưng chiếm được rồi, họ bị người Hoa đồng hóa, rút cuộc năm tộc Hồ bị mất giống. Nay Kim cũng như Liêu, nguyên là những bọn rợ sống ở Quan-ngoại (chỉ phía Bắc Vạn-lý trường thành), xâm lấn Trung-nguyên. Liêu gốc là rợ Khất-đan, Kim gốc là rợ Nữ-chân. Chúng không có phong hóa, chẳng có văn hiến, vì vậy khi dùng sức mạnh chiếm được Trung-nguyên, thì bị Trung-nguyên đồng hóa. Trước đây Liêu cai trị Hoa-Bắc, nhưng trải hơn trăm năm thì tộc Khất-đan không còn nữa, chúng hóa thành người Hoa hết. Kim dùng sức mạnh chiếm được Liêu và Hoa-Bắc, chúng cai trị Trung-nguyên mới có mấy chục năm, mà lớp trẻ đã bị đồng hóa rồi. Như phò mã nói : Các quan trẻ chỉ nói được tiếng Hoa, mà không nói được tiếng Nữ-chân. Đến đây thần thấy Đại-Việt mình có mấy cái may.
Hiến-Thành ngừng lại một lát rồi tiếp : Cái may thứ nhất là vào thời vua Trưng. Bấy giờ nếu như công chúa Gia-Hưng đánh chiếm được Trung-nguyên, hay dù không chiếm được Trung-nguyên, nhưng ta tái chiếm Nam-hải, Quế-lâm, Tượng-quận, rồi cai trị thì... giờ này chúng ta đều thành người Hoa, nói tiếng Hoa, chứ đâu có còn là người Việt, nói tiếng Việt nữa ? Cái may thứ nhì, là vào thời đức Thái-tôn, sau khi ta giúp Nùng Trí-Cao chiếm vùng Nam sông Trường-giang, lập nước Đại-Nam. Giả như Trí-Cao không bị Địch-Thanh đánh bại, Đại-Nam sát nhập vào Đại-Việt, thì giờ này Đại-Việt cũng chung số phận của Ngũ-hồ, trở thành châu quận của Trung-nguyên.
Nghe Hiến-Thành nói, quần thần đều đưa mắt nhìn Long-Xưởng. Vì từ gần mười năm qua, Long-Xưởng cùng một số đại thần trẻ, chủ trương liên binh với Kim, Hạ, Đại-lý đánh Tống, đòi lại vùng đất Lưỡng-Quảng, Hồ-Nam của tộc Việt. Việc sai Thủ-Huy đi sứ nằm trong sách lược đó. Nhưng nay Thủ-Huy vừa mới thuật sơ về Kim triều, mà Tô Hiến-Thành đã lên tiếng công kích. Long-Xưởng nổi giận cành hông, vương đưa mắt nhìn công chúa Đoan-Nghi, ngụ ý : Em trả lời ông già ù lỳ này đi.
Công-chúa Đoan-Nghi phóng tầm mắt nhìn Tô Hiến-Thành một cái. Hồi này nội công Âm-nhu của nàng đã tiến tới tuyệt đỉnh, hàn quang chiếu ra, làm Tô rùng mình thoái lui hai bước. Công chúa lắc đầu :
- Tô Thái-úy ơi ! Chết thực, Tô thái-úy hiện là lão thần số một, số hai của bản triều, mà người kiến giải như vậy thì thực tôi không biết phải phê phán như thế nào. Thái-úy đem một nước lớn như Đại-Việt ta, vốn có văn hiến, phong tục, tiếng nói riêng biệt, khác hẳn với Trung-nguyên ra, so sánh với một bộ tộc như Khất-đan, Nữ-chân thì còn trời đất nào nữa ?
Công-chúa nói chậm lại :
- Thái-úy nên biết rằng xa xưa là Ngũ-hồ, gần đây là Khất-Đan, là Nữ-chân ..., họ đều thuộc những bộ tộc thiểu số của Trung-quốc, họ là người Trung-quốc. Khi họ là người Trung-quốc, thì họ nói tiếng Hán, pha lẫn một số tiếng Khất-đan, Nữ-chân. Lúc họ chiếm được toàn thể Trung-nguyên, họ di cư về vùng có nhiều người Hán, thì họ nói tiếng Hán là lẽ thường. Tỷ như bên ta, tộc Thái, tộc Mèo, tộc Nùng, tộc Lô-lô, họ là các trang động Bắc-cương, nhưng họ đều là người Việt, họ nói tiếng Việt, hoặc tiếng Việt pha lẫn tiếng riêng của họ. Nếu như họ về vùng đồng bằng sinh sống, thì đương nhiên họ phải nói tiếng Việt, con cháu họ sẽ chỉ nói tiếng Việt, đó là lẽ thường.
Các quan nhìn nhau nghĩ thầm :
- Chí của cô công chúa này thực rộng, bỏ xa mấy ông già lo hưởng thụ, lười biếng.
- Còn như Thái-úy dẫn lời Khổng-tử Di bất khả loạn Hoa, rồi giải nghĩa rằng : Man di không thể chiếm nổi Trung-quốc, thì đó là Thái-úy nói chứ không phải Khổng-tử nói. Từ xưa đến giờ, các danh gia đều giải nghĩa câu này như sau : Tộc Hoa vốn là tộc có phong hóa, có văn hiến, có pháp độ. Những thứ đó giúp cho việc giáo hóa con người. Các sắc dân di, tức sắc dân thiếu văn minh không thể, không nên phá bỏ những thứ đó ; chứ Khổng-tử không chủ ý nói Di là sắc dân Khất-đan, Nữ-chân...vì đương thời Khổng -tử, các sắc dân Khất-đan, Nữ-chân chưa kết hợp thành. Chính ngay Khổng-tử cũng không hề dùng chữ di để chỉ tộc Việt mình.
Công chúa hỏi Tô Hiến-Thành :
- Tôi nói như vậy có đúng không ?
Hiến-Thành im lặng.
- Còn như, Tô thái-úy cho rằng ta đòi được cố thổ, rồi dân ta sẽ nói tiếng Hoa, và thành người Hoa. Điều này thực là một điều tự ty hết sức ! Thưa Tô thái úy, nếu ta đòi được các vùng tộc Việt, ta vẫn để cho dân chúng muốn nói tiếng gì thì nói. Nhưng tiếng chính thức vẫn là tiếng Việt. Bấy giờ những người Hoa gốc Việt sẽ nói tiếng Việt. Như vậy sao lại gọi là mất nước ?
Thái-tử thái-phó, lĩnh Lại-bộ thượng thư Lý Kính-Tu bước ra, xá Long-Xưởng :
- Khải điện hạ, Đại-Việt ta liên kết với Kim, như vậy là từ nay, ta không còn xưng thần với Tống nữa sao ? Một chư hầu, đã mấy đời được thánh Thiên-tử phong vương tước, ngồi tọa trấn Nam-phương, bây giờ bỏ đấng quân phụ, đi theo bọn rợ Nữ-chân thì sao có thể cai trị được nước? Từ đời Tam-hoàng, Ngũ-đế đến giờ chưa có vị vua nào bỏ một vị Thiên-tử, liên kết với một nước di địch. Thần mong điện hạ xét lại.
Bọn văn quan chủ hòa nghe Kính-Tu khải, đều sáng mắt ra, tỏ vẻ khoan khoái, đồng ý với những lời ông ta phát biểu. Nghĩa-Thành vương Lý Long-Căn, thái-tử Lý Long-Xưởng, thêm các hoàng tử Long-Minh, Long-Đức, Long-Hòa cùng bật lên tiếng hừ, rồi đưa mắt nhìn Thủ-Huy với Đoan-Nghi. Trong y muốn hai người này trả lời Lý Kính-Tu.
Trong khi đó Long-Xưởng mỉm cười. Cái cười của người thiếu niên này bầy tỏ mối cảm khái, thương xót cho một nho thần, chỉ biết sách vở, giống như con ngựa kéo xe, bị che mất hai bên mắt :
- Được rồi, trước đây vì muốn bảo mật, mà cô gia không đem ra triều nghị về việc kết hiếu với Kim. Chính sách đối ngoại của ta, từ trước đến giờ, triều đình vẫn chưa hoàn toàn đồng ý với nhau. Đây là một vấn đề sống còn của xã tắc. Các vị đều là đại thần, ai cũng có trách nhiệm. Vậy các vị có cao kiến gì, thì phát biểu. Sau đó, không ai có quyền bàn ra, nói vào nữa. Cô gia hoàn toàn không phát biểu ý kiến. Nào xin các vị phát biểu.
Gì chứ luận bàn về sách vở, thì đám nho thần chủ hòa chuyên nhai văn, nhấm chữ này rất giỏi. Nghe Long-Xưởng nói, họ cùng nhìn nhau, tỏ ý mừng rỡ, vì sẽ được xử dụng mớ kiến thức trong sách vở mà họ đọc được.Tô Hiến-Thành đưa mắt nhìn Dao-thụ Thái-phó Ngô Lý-Tín, lĩnh Lễ-bộ thượng thư, người mà cứ mở miệng ra là dẫn Tứ-thư, Ngũ-kinh.
Ngô bước ra, cung tay :
- Khải điện hạ ! Kinh-thư, thiên Thái-thệ viết : « Trời sinh ra dân, đặt ra vua, đặt ra thầy, đều là để giúp Thượng-đế, vỗ về yên dân bốn phương ». Sách Tả-truyện cũng viết : « Làm chủ thiên hạ là trời. Nối trời là vua ». Kinh Thư, thiên Vũ-cống gọi thế giới ta ở là Thiên-hạ. Thiên-hạ chia làm chín châu. Đất Thiên-hạ chia làm năm cõi, gọi là Ngũ-phục, ở giữa là kinh thành. Tiếp với bốn phía Đông, Tây, Nam, Bắc của kinh thành 500 dặm (250 km) là cõi Điện-phục.
Kiến-Ninh vương Long-Minh gật đầu, mỉa mai :
- Phải rồi, phía trong Điện-phục là Giao. Phía trong Giao 100 dặm là Quốc.Trong Quốc có thành gọi là Đô. Đô là nơi vua ở. Thưa Thái-phó có đúng thế không ?
Lời mỉa mai Ngô Lý-Tín của Long-Minh làm Long-Xưởng, Thủ-Huy suýt bật cười. Nhưng ông ta không biết. Trái lại ông ta còn vui vẻ vì được dịp xả ra những gì ông ta đã thuộc lòng. Ông ta tiếp :
- Quả như điện hạ phán. Trong Thiên-hạ, nước chính giữa là Trung-quốc. Vua của Trung-quốc là thiên-tử . Các nước chư hầu phải quy phục.
Kiến-An vương Long-Đức thấy ông quan văn này không hiểu ý nghĩa châm biếm của Long-Minh, trong ý nghĩ người thiếu niên nảy ra một cách châm biếm : Cứ hỏi cho ông ta nói, nói đến mệt hết hơi thì thôi. Vương cười :
- Thưa Thái-phó, Thái-phó nói Ngũ-phục, thế còn bốn phục kia là gì ?
- Cõi thứ nhì, ngoài Điện-phục là Hầu-phục, cách Điện-phục 500 dặm. Trong Hầu-phục thì cách Điện-phục 100 dặm là thái ấp phong cho các khanh đại phu ; xa hơn 200 dặm là thái ấp phong cho chư hầu tước Nam ; còn lại 300 dặm là thái ấp phong cho các chư hầu tước Công, Hầu, Bá, Tư û. Ngoài Hầu-phục là Tuy-phục. Ở cõi Tuy-phục, trong 300 dặm gần là nơi truyền bá văn chương, giáo hóa ; 200 dặm tiếp là nơi tổ chức võ bị bảo vệ nước. Ngoài cõi Tuy-phục là cõi Yêu-phục. Trong 300 dặm gần nhất cho dân rợ Đông-di. Còn 200 dặm là cõi đầy những kẻ có tội. Cõi cuối cùng là cõi Hoang-phục, cách Yêu-phục 500 dặm. Trong 300 dặm dành cho rợ Nam-man. Còn 200 dặm để dầy những kẻ có tội nặng. Như vậy khắp Thiên-hạ đều là Trung-quốc. Hay nói rõ hơn : Trung-quốc là cả Thiên-hạ.
Đến đây thấy Ngô Lý-Tín có vẻ mệt mỏi, Thủ-Huy biết, nếu ông ta nói nữa thì sẽ lẫn. Khi lẫn thì không làm chủ được ngôn ngữ. Vì vậy công hỏi tiep cho lão mệt :
- Thái-phó mới dẫn giải về Ngũ-phục trong kinh Thư. Vậy tiếp theo kinh Thư, cái lý về Trung-quốc với Thiên-hạ là một có chi khác lạ không ?
Quả nhiên Ngô mắc mưu. Ông vừa thở hổn hển vừa nói :
- Sách Thuyết-văn giải tự nói : « Xét cổ thời, bờ cõi thuộc nội canh, đô ở trong giao, chỗ chư hầu được thực ấp gọi là quốc ». Mạnh-tử, thiên Ly-lâu nói : « Thiên-hạ là quốc gia. Gốc của Thiên-hạ là ở quốc. Gốc của quốc là ở gia ». Cho nên suốt mấy nghìn năm qua, trải Tam-hoàng, Ngũ-đế, khắp thiên-hạ này đều lấy nằm lòng, trăm nước đều hướng về Trung-nguyên : « Phổ thiên chi hạ, mạc phi vương thổ. Xuất thổ chi tân, mạc phi vương thần ».Nghĩa là : Khắp dưới gầm trời, không đâu không là đất của vua. Tất cà dân trên mặt đất, không ai không là tôi tớ vua. Kinh Thư thiên Quán-thích từng thuật lời Chu-công Đán rằng : « Ta muốn hoàn thành công nghiệp của Văn vương mãi mà không nản. Công nghiệp đó là che chở khắp cho dân, đem đức tới góc biển hay chỗ mặt trời mọc, không đâu là không thần phục ». Trong Sử-ký, Tư Mã-Thiên thuật lời thừa tướng Lý Tư, nói với vua Thủy-Hoàng : « Ngày xưa đất Tần chẳng qua nghìn dặm, nay nhờ bệ hạ anh linh sáng suốt, nên bình định được bốn biển, đuổi được man di. Mặt trời mặt trăng chiếu tới đâu thì nơi ấy phải quy phục.»
Đến đây Ngô Lý-Tín vừa thở hổn hển vừa nói. Thủ-Huy dùng lăng không truyền ngữ rót vào tai Kiến-Tĩnh vương Long-Hòa : « Xin điện hạ đặt thêm câu hỏi Ngô Thái-phó về nguồn gốc chữ Hoa-Hạ, để ông có dịp trổ tài ».
Long-Hòa mỉm cười hướng Ngô Lý-Tín :
- Thưa Thái-phó, thế chữ Hoa-hạ để chỉ Trung-quốc gốc từ đâu ? Tại sao lại có tên này ?
Đáng lẽ đến đây Ngô Lý-Tín ngừng lại để thở, nhưng khi một hoàng tử hỏi một câu đúng vào cái sở trường của mình, ông cố lấy hơi tiếp :
- Nguyên từ thượng cổ, người Trung-hoa cư trú quanh vùng sông Hoàng-hà. Còn bốn phương là các tộc khác. Để đề cao mình là giống dân có lễ nghĩa, nên họ tự xưng là Hoa-hạ. Chữ Hoa-hạ được giải thích trong Tả-truyện : « Miện phục thái chương viết Hoa, đại quốc viết Hạ ». Nghĩa là : Áo mũ đẹp đẽ, rực rỡ gọi là Hoa, nước lớn gọi là Hạ. Như vậy Trung-quốc là Hoa-hạ, các tộc xung quanh phải theo gió mà quy phục. Chu Lễ, thiên Vương-chế nói :
Đông phương viết Di,
Tây phương viết Nhung,
Nam phương viết Man,
Bắc phương viết Địch.
Nghĩa là :
Dân tộc ở phương Đông của Trung-quốc là Man-di, ở phương Tây là Khuyển-nhung, ở phương Nam là Nam-man, ở phương Bắc là Bắc-địch. Điện hạ có thấy không ? Khi viết Man, người Hoa họ dùng bộ trùng là sâu bọ, chữ Địch họ dùng bộ khuyển là chó không ? Ta so với họ chỉ là sâu bọ , là chó mà thôi, vì thế ta phải hướng về Trung-nguyên mà quy phục, như chó theo chủ.
Đến đây ông ta mệt quá, không nói nổi nữa. Long-Xưởng nói với mấy đại thần chủ hòa :
- Không biết Ngô Thái-phó giảng như vậy có đúng sách vở không ?
Tô Hiến-Thành, Lý Kính-Tu đều gật đầu :
- Ngô Thái-phó kiến giải thực không sai. Cái lý của thiên hạ là như vậy !
Long-Xưởng đưa mắt cho Thủ-Huy, ngụ ý nói : Như vậy đủ rồi, nhị đệ bẻ gẫy lý luận của bọn hủ nho đi.
Nhưng Thủ-Huy chưa kịp nói thì Tham-tri chính sự (phó tể tướng), kiêm Hộ-bộ thượng thư Vũ Tán-Đường, lĩnh Vũ-lâm đại học sĩ đã bước ra xin nói. Long-Xưởng gật đầu :
- Xin đại học sĩ bình thân mà nghị luận.
- Thưa quan Thái-phó, những lời nghị luận của quan Thái-phó đều trích dẫn trong các sách cổ của Trung-quốc. Mà các sách này lại được viết ra bởi bọn văn nhân hồ đồ, không đi ra ngoài, chỉ ngồi trong bốn bức màn, tưởng tượng ra. Căn bản là Ngũ-phục, Cửu-châu. Cái gọi là Ngũ-phục hay Thiên-hạ chỉ quanh quẩn ở lưu vực sông Hoàng-hà, chứ đâu có bao gồm Đại-Việt ta ? Thế thì kinh Thư nay có còn đúng nữa hay không ?
Kiến-Ninh vương Long-Minh nói lớn :
- Lý luận quanh sách của người Hoa, thì tại sao không lý luận thực tiễn lịch sử của Trung-hoa, của ta ? Xưa kia vua Minh lập đàn trên núi Ngũ-lĩnh, tế cáo trời đất, rồi phân chia lãnh thổ làm hai. Từ núi Ngũ-lĩnh về Bắc chia cho con trưởng là vua Nghi làm vua phương Bắc, từ Ngũ-lĩnh về Nam phong cho con thứ là Lộc-Tục, ngài thề rằng : Cương thổ hai con đã phân, đời đời phải thương yêu nhau. Nam chẳng xâm Bắc. Bắc chẳng xâm Nam. Kẻ nào vi phạm lời này, sẽ tuyệt tử tuyệt tôn. Sau Bắc thành Trung-nguyên, Nam thành Đại-Việt. Nơi ngài lập đàn tế cáo trời đất đó, gọi là Thiên-đài. Núi Thiên-đài nằm bên bờ sông Tương, phía Nam hồ Động-đình. Bốn nghìn năm qua, Ngũ-lĩnh vẫn còn kia, Thiên-đài vẫn tồn tại với đôi câu đối :
Thiên-đài đại đại phân Nam, Bắc,
Lĩnh-địa niên niên dữ Việt thường.
(Thiên-đài thời thời chia Nam, Bắc,
Lĩnh-đia năm năm với Việt-thường).
Gần đây, vào thời vua Trưng, trong trận đánh Trường-sa hồ Động-đình, Hổ-nha đại tướng quân Đào Hiển-Hiệu được lệnh trấn thủ tại Thiên-đài chặn quân Hán, để cho đại quân Việt rút về Nam. Nhưng khi ngài cùng chư quân thấy Thiên-đài là đất linh của Đại-Việt, đã cùng chư quân tử chiến, chống Lưu Long, khiến vua Quang-Vũ phải thân xuống đốc chiến. Nay tại Thiên-đài vẫn còn đôi câu đối :
Nhất kiếm Nam hồ kinh Vũ Đế,
Thiên-đao Bắc lĩnh trấn Lưu Long.
( Một kiếm của nữ vương Phật-Nguyệt ở phía Nam hồ Động-đình làm kinh hồn vua Quang-Vũ nhà Hán.
Một nghìn tay đao ở phía Bắc núi Ngũ-lĩnh trấn Lưu Long).
Trải bốn nghìn năm, Đại-Việt ở phương Nam, Trung-nguyên ở phương Bắc, lãnh thổ đã phân, tiếng nói có khác, phong tục bất đồng, mà luật pháp, điển chương càng không giống nhau. Kìa, Hán cai trị Đại-Việt, vua Trưng cùng 162 anh hùng khởi binh, dựng lại chính thống. Rồi Triệu Trinh-Nương, Tiền Lý Nam đế, Bố Cái đại vương. Kể từ Ngô vương lập ra triều đình, chính thống sáng rực, rồi Đinh triều, Lê triều. Gần đây, đức Thái-tổ nhà ta ứng lòng người, thuận mệnh trời lập nghiệp rồng. Vì dân ta thưa, đất ta hẹp, ta phải tiến cống, để được yên dân. Chứ ta đâu có hèn, nước ta đâu thiếu anh hùng ? Thời đức Thái-tổ, Thái-tông, Thánh-tông đã nói lên rằng : Nếu như Tống để ta yên, thì họ sẽ có một Nam biên yên ổn. Còn như họ cứ cho mình là thiên-tử, dùng sức mạnh áp chế ta, thì họ sẽ có một kẻ thù ghê gớm, mà cái gương Bắc phạt đánh Ung, Khâm, Liêm, Dung, Nghi, Bạch thời Anh-vũ chiêu thắng âm vang chưa hết. Sau trận này, ta tu cống đầy đủ. Nhưng ta vẫn là ta, vẫn là Đại-Việt. Mấy năm trước, Tống dùng mưu sâu lập triều đình gà mái gáy, nhưng nhờ các đại thần, nhờ anh hùng võ lâm, nên dẹp yên được. Sau đó ta chỉnh bị binh mã định hỏi tội Tống. Tống phải nhượng bộ bằng việc công nhận quốc danh An-Nam, khi phong phải phong ngay là An-Nam quốc vương, chứ không còn cái nhục phong là Giao-chỉ quận vương nữa.
Hơn ai hết, Kiến-Ninh vương Long-Minh cực thông minh. Tuy tuổi mới mười tám, nhưng được Long-Xưởng uốn nắn, nên kiến thức rất rộng. Long-Minh biết rằng dùng kinh điển để lý luận với một lão thần cả đời nhai văn, nhấm chữ này thì vạn vạn lần vương không thắng nổi, nên vương đã dùng lịch sử, dùng chủ đạo tộc Việt, bẻ gãy lý luận của ông ta.
Kiến-An vương Long-Đức tiếp lời anh :
- Chúng ta học nho, nhưng không phải học nho, rồi cái gì nho nói cũng phải. Nho vốn phát xuất từ Trung-nguyên, nhưng không phải học nho rồi phải cúi đầu trước người Trung-nguyên. Cứ như lý của Thái-phó thì Thái-phó muốn ta phải nhận cái gọi là Nam-man của Tống hay sao ? Ta nhục nhã đến độ hạ mình là sâu bọ, là chó mèo ư ? Thái phó muốn làm sâu, làm bọ, làm chó, làm mèo thì là quyền thái phó. Thái phó không thể bắt cả tộc Việt chịu nhục như vậy.
Kiến-Tĩnh vương Long-Hòa tiếp lời anh :
- Cô gia lấy làm kinh ngạc, kinh ngạc đến kinh hoàng, khi Thái-tử thái phó Lý Kính-Tu cho rằng mình kết thân với Kim là đi theo rợ Nữ-chân. Phò mã Thủ-Huy với công chúa Đoan-Nghi mới đi sứ để kết thân với Kim, trong thế liên hợp, hai nước ngang vai với nhau, chứ đâu có cúi đầu làm tôi Kim ? Chính cái ông vua Tống, với bọn nho thần Tống mới phải cúi đầu đem vàng, lụa, gái đẹp dâng cho Kim để được yên. Thế mà Lý thượng thư lại tôn cái gã vua Tống là đấng quân phụ, là thánh thiên tử thì còn trời đất nào nữa ? Hỡi ơi ! Khí phách anh hùng của người Việt trong tâm thượng thư bị rơi mất ở chỗ nào rồi ?
Tăng Khoa, vốn ngang tuổi với Long-Minh, Long-Đức, Long-Hòa, nên hầu hiểu rõ cái hài hước trong câu nói của ba hoàng tử. Hầu hỏi Ngô Lý-Tín một câu đứng đắn :
- Thưa Thái-phó, trở lại vấn đề Ngũ-phục, cứ theo kinh Thư thì vùng cách xa kinh đô 2500 dặm là cõi của rợ. Bấy giờ kinh đô của vua Hoàng-Đế cho tới triều Chu, Tần đều ở vùng Lạc-dương. Mà từ Lạc-dương đến Khúc-phụ là quê hương của Khổng-tử xa đến hơn 3000 nghìn dặm. Như vậy Khổng-tử cũng là rợ sao ? Hỡi ơi ! Thánh nhân của nho gia mà là rợ ư ?
Câu hỏi của Tăng Khoa làm cho Ngô Lý-Tín luống cuống không trả lời được đã đành, mà đến các nho thần chủ hòa cũng im.
Long-Xưởng kết luận :
- Cuộc triều nghị về việc kết thân với Kim đã xong. Nếu chư vị không có ý kiến gì, thì xin phò mã, công chúa tâu tiếp về việc sứ đoàn đã làm ở Kim.
Công chúa Đoan-Nghi nhìn Tô Hiến-Thành, Lý Kính-Tu mỉm cười :
- Tô Thái-úy, Lý Thái-phó, Ngô thượng thư ơi ! Vả tôi với phò mã chỉ ước hẹn sơ với Kim như vậy thôi, chứ đâu có bắt buộc phải thi hành ? Chúng tôi cũng không hề tâu xin phụ hoàng xuất binh đánh Tống mà ? Trong khi đi sứ, tôi thấy Kim không mấy thực tâm, họ cũng sắp mất nước đến nơi rồi, họ lo giữ thân chưa xong, thì hy vọng gì họ liên kết với ta ?
Triều đình kinh ngạc, họ đều chờ đợi Thủ-Huy, Đoan-Nghi nói rõ về tình hình Kim... Long-Xưởng mỉm cười đưa mắt nhìn Thủ-Huy :
- Phò mã tâu lên phụ hoàng chi tiết tình hình Kim, để chúng ta còn định quốc kế.
Thủ-Huy tiếp lời Đoan-Nghi :
- Trong thời gian lưu trú ở Yên-kinh, thần nhi được biết, đối với Tống thì Kim mạnh. Nhưng ở phía Bắc của Kim còn rất nhiều nước, dân chúng vũ dũng kinh nhân, binh lực hùng mạnh vô cùng. Các nước đó là Khắc-liệt, Nãi-man, Mông-cổ , Thát-đát, Tây-liêu, Tây-hạ, Thổ-phồn. Chưa biết lúc nào các nước này sẽ tràn vào chiếm Kim. Vì vậy việc liên kết với Kim chưa chắc đã thực hiện được.
Cả triều đình đều im lặng, lắng tai nghe.
- Trong các nước này, thì Tây-liêu, Tây-hạ, Thổ-phồn có tổ chức triều đình giống như Tống, Kim, Đại-Việt. Còn các nước Khắc-liệt, Nãi-man, Mông-cổ thì phân nửa dân chúng sống theo chế độ định cư như chúng ta, phân nửa sống theo chế đệ lều trại, du mục. Còn Thát-đát cùng hơn hai trăm bộ tộc khác sống lẻ tẻ. Khắc-liệt, Mông-cổ đã chinh phục được nhiều nước nhỏ, mà trở thành đế quốc hùng mạnh. Vua nước Khắc-liệt là Thoát-Lý. Khắc-liệt gồm hơn năm mươi chư hầu. Tuy vậy các nước ấy khó có thể hùng manh thêm. Duy Mông-cổ, chúa là Thiết Mộc Chân, thì có hùng tài, đại lược, tương lai có thể thôn tính các nước kia. Thiết Mộc Chân là con nuôi Thoát-Lý. Trước đây Kim đã sai sứ sang phong cho vua nước Khắc-liệt làm Bắc-cương vương hãn, và con nuôi của ông ta là Thiết Mộc Chân làm Đại-Kim quốc Bắc-cường chiêu thảo sứ. Từ đấy Khắc-liệt , Mông-cổ chinh phục hết các tiểu quốc, mà trở thành hai trong bốn quốc gia hùng mạnh hơn Kim đó là Khắêc-liệt, Thát-đát, Nãi-man, Mông-cổ. Kim lấy làm lo lắng nhất là Khắc-liệt, có ý tìm cách làm cho Khắc-liệt yếu đi. Những năm gần đây, Mông-cổ ngày càng trở thành hùng mạnh, giầu có, hơn hẳn Khắc-liệt. Kim biết việc đó, ngầm sai sứ sang xúi Thiết Mộc Chân thôn tính Khắc-liệt. Như vậy chiến tranh giữa Mông-cổ với Khắc-liệt sẽ bùng nổ. Kim khoanh tay làm ngư ông hưởng lợi. Khi Kim sai sứ sang phong cho Thiết Mộc Chân làm Mông-cổ quận vương thì Thiết Mộc Chân không những không tiếp sứ, mà còn tỏ vẻ khinh rẻ, đuổi sứ về. Kim đế giận lắm truyền đem quân tiến đánh. Các đại thần hết sức can gián, vì nếu đánh Mông-cổ chưa chắc đã thắng, ấy là không kể việc Khắc-liệt sẽ ra binh cứu chư hầu, Thát-đát đánh sau lưng. Nhà vua mới bỏ qua. Đệ lục vương tử Vĩnh-Tế là người túc trí, đa mưu, mới hiến kế rằng : Mông-cổ là nước nhỏ hơn Khắc-liệt, hiện thống lĩnh 72 bộ tộc. Lãnh thổ Mộng-cổ tuy nhỏ hơn, dân chúng ít hơn Khắc-liệt, nhưng binh lực mạnh hơn. Thoát-Lý vẫn lo ngại khi mình qua đời rồi, thì Thiết Mộc Chân sẽ chiếm ngôi vua của con. Con của Thoát-Lý là Tang-Côn vốn nóng nảy, lại thiển cận, vẫn có ý ganh tỵ với Thiết Mộc Chân, y chiêu dụ kẻ thù của Mộc Chân là Trác Mộc Hợp làm vây cánh. Nếu như ta ban chỉ cách chức Thiết Mộc Chân, phong Tang-Côn làm Mông-cổ vương, ắt Tang-Côn đem quân đánh Thiết Mộc Chân. Ta đứng ngoài nhìn hai hổ cắn nhau. Khi một hổ bị chết, thì hổ còn lại tất bị thương nặng. Bấy giờ ta chỉ cử tay một cái là lấy được cả Khắc-liệt lẫn Mông-cổ. Nhà vua nghe theo kế này.
Ghi chú của thuật giả:
Vua nước Khắc-liệt ( Karakhayit ), Nguyên-sử chép tên ông ta là Thoát-Lý, được Kim phong tước vương. Các sử gia Tây-phương không biết đến cái tên Thoát-Lý này, họ phiên âm theo tiếng địa phương là Tô Ha Rin. Mông-cổ sử chép là Vương-Hãn bởi ông đươc Kim phong tước vương, còn là tiếng Mông-cổ, Hãn có nghĩa là lãnh chúa, hay vương hay vua. Người Khắc-liệt ghép tước vương của Kim, với danh xưng hãn của ôngï, gọi ông là Vương-Hãn. Rồi các sử gia Tây-phương phiên âm thành Ong-khan.
Thiết Mộc Chân (Tamujin, Témujin).
Tang Côn (Sănggum).
Trác Mộc Hợp (Jamuca).
Mông-cổ (Mongol).
Kim (Or).
Thoát-Lý (Toharin), hay Vương Hãn (Ong-khan)
Thủ-Huy ngừng lại một lát cho mọi người theo kịp những biến cố, rồi tiếp :
- Thế nhưng khi mật sứ Kim gặp Tang-Côn, Trác-Mộc-Hợp, thì hai người này không dám khởi binh, vì e ngại võ công, tiễn thủ của bốn đại tướng Mông-cổ. Họ xin Kim ba điều. Một là Kim phải ra binh cùng một lúc với họ, để chia lực lượng Mông-cổ. Hai là sau khi diệt Thiết Mộc Chân rồi, thì Kim phải rút quân về, tất cả lãnh thổ cũng các bộ tộc thuộc Mông-cổ sẽ do Khắc-liệt cai trị. Ba là Kim phải tăng viện cho Khắc-liệt mấy cao thủ có thể thắng các tướng của Thiết Mộc Chân... Ngược lại Khắc-liệt luôn thần phục, tiến cống Kim, khi Kim cần thì có thể điều động quân Khắc-liệt đánh Tống, Tây-hạ, Tây-liêu. Kim triều nghị sự, rồi thỏa thuận tất cả các điều Tang-Côn đưa ra.
Ghi chú của thuật giả:
Khi mới khởi nghiệp, Thành Cát Tư Hãn được dân sa mạc tôn là Thần-điêu, rồi Hỏa-điêu, Thiên-điêu. Danh hiệu cuối cùng mà ông nhận là Thiên-hỏa điêu đế. Trên kỳ hiệu của Mông-cổ, ông cho vẽ hình con chim ưng, tượng trưng cho ông. Khi ông xưng đế, thì Mông-cổ có chín đại tướng lừng danh, đương thời được tôn mỹ hiệu Cửu đại sơn điêu (Chín con điêu của núi lớn). Dưới cờ, ông viền chín cái răng, mỗi cái treo một đuôi sơn ngưu, biểu tượng của chín đại tướng. Đó là kỳ hiệu tại bản doanh. Nhưng kỳ hiệu ở những thành nhỏ, đạo quân nhỏ, không có đuôi sơn ngưu, người ta làm cái đuôi giả bằng tơ thay thế. Vào thời gian Thủ-Huy đi sứ Kim, trong chín đại tướng Mông-cổ, mới có bốn người nổi danh, đươc tôn mỹ hiệu Tứ liệp lang vương (bốn lãnh chúa sói săn). Đó là :
Tốc Bất Đài (Sobodai) hiệu là Hỏa-liệp đại lang vương.
Gia Luật Mễ (Jalma) hiệu là Thiết-liệp nhị langvương.
Triết Biệt (Jaba) hiệu là Thần-tiễn tam lang vương.
Bác Nhĩ Truật (Bogurci) hiệu là Kim-cương tứ lang vương.
Độc giả trẻ phải cẩn thận, Tây-phương viết về Mông-cổ, nhân họ không biết dịch chữ sơn ngưu, một loại trâu hoang ở Mông-cổ thế nào cho phải. Họ dịch đại là Cửu bạch mã vĩ, tức chín đuôi ngựa trắng (Neuf queues-de-cheval blanches). Người Trung-hoa thù hận Mông-cổ, họ gọi là Cửu-mao đại đạo có nghĩa là cờ có chín cái lông của bọn trộm cướp.
Tuyên-phi Từ Thụy-Hương hỏi :
- Chắc khi Kim cử phái đoàn cao thủ viện trợ cho Khắc-liệt, họ xin sứ đoàn Đại-Việt theo. Trường hợp này phò mã, cũng như công chúa không thể từ chối ! Có đúng thế không ?
Từ ngày cưới vợ, Thủ-Huy chưa từng được nghe tiếng nói của Thụy-Hương. Rồi sau khi Thụy-Hương trở thành Tuyên-phi, giữa hai người gần như cạn giòng lá thắm, tuyệt đường chim xanh ; cho đến nay, trải mấy năm chưa gặp lại nàng. Bây giờ thình lình nghe tiếng nàng nói với mình, trong tâm công rúng động.
- Tâu...Tâu... phi...phi... quả...quả như vậy.
Gì mà Thụy-Hương không hiểu tâm trạng Thủ-Huy. Nàng nghĩ thầm :
- Thì ra nhị ca cũng không đến nỗi tệ cho lắm. Nghe ta hỏi, mà luống cuống như vậy, thì hẳn vẫn còn yêu thương ta.
- Phò mã hãy tâu chi tiết về việc này.
- Tuân chỉ Tuyên-phi... Kim triều cử Vũ-kị thượng tướng quân A-lỗ Cốt-đả cầm đầu đoàn cao thủ gồm Ký-Bắc tam hổ, Cao-ly song ngưu và sứ đoàn Đại-Việt âm thầm lên đường sang Khắc-liệt.
Tuy ngồi ngang với Đoan-Nghi, nhưng Thụy-Hương cũng nhìn rõ gương mặt Đoan-Nghi cau lại, khi nghe nàng đối đáp với Thủ-Huy. Nàng nghĩ thầm :
- Dù ta là em sữa của người, là bầy tôi của người, từng chịu ơn người. Nhưng nay ta là mẹ trẻ của người, ta ngồi ngang với mẹ người rồi. Thủ-Huy là của ta. Giữa ta với chàng, tình nghĩa mặn mà, sâu như biển, rộng như trời đất. Người không thể, không có quyền ghen với ta. Thế mà người khó chịu ư ? Được, ta sẽ trêu cho người tức đến điên lên cho bõ ghét.
Nghĩ vậy, nàng lại lên tiếng :
- Này phò mã ! Lý lịch các cao thủ Kim ra sao ? Võ công của họ so với phò mã thế nào ?
Thủ-Huy không hiểu những uẩn khúc trong lòng Thụy-Hương, công tâu tiếp :
- A-lỗ Cốt-đả là một đại cao thủ của phái Liêu-Đông, Trung-quốc. Liêu-Đông tán cốt loạn huyết chưởng của y thực khủng khiếp. Trong những trận đánh với Tống, các tướng Tống nghe danh y đều táng đởm kinh hồn. Trước đây, chỉ có Ngô Giới, Ngô Lân, Hàn Thế-Trung, Lưu Kỳ là đấu ngang tay với y mà thôi. Năm nay y khoảng 40 tuổi.
Nghe đến võ công Liêu-Đông, trên gương mặt triều đình Đại-Việt đều hiện ra nét kinh hãi. Bởi vào thời vua Nhân-tông (1076-1077), ba đại cao thủ của phái Liêu-Đông là Liêu-Đông tam ma theo Quách Quỳ sang đánh Đại-Viêt. Trong trận Kháo-túc, anh hùng tài trí, võ công cao cường như : Trung-thành vương Lý Hoằng-Chân với vương phi là Nguyễn thị Trinh-Dung, Tín-nghĩa vương Lý Chiêu-Văn với vương phi là Lê Ngọc-Nam; cùng các danh tướng như Định-viễn đại tướng quân Ngô Ức, với phu nhân là Quách Phương-Dược, Vân-ma thượng tướng quân Trần Ninh với phu nhân là Trần Ngọc-Hương... đều bỏ mạng vì Liêu-Đông chưởng. Sau chính Kinh-Nam vương Trần Tự-Mai phải ra tay mới bắt giết được Tam-ma.
Thủ-Huy tiếp !
- Còn Ký-Bắc tam hổ là ba đại cao thủ Thiếu-lâm, có tên là Trương Đạo-Hoàng, Hàn Đạo-Thanh, Tô Đạo-Huyền. Ba người nguyên là tăng phạm giới bị đuổi ra khỏi môn phái. Quá uất hận, họ đóng cửa năm năm nghiên cứu, rồi sáng chế ra ba pho võ công Hoàng-hổ loạn huyết chưởng, Bạch-hổ tán cốt chỉ, Hắc-hổ đoạt mệnh đao. Sau đó họ tái xuất giang hồ, tìm lên chùa Thiếu-lâm giết chết Thủ-tọa La-Hán đường, Đạt-ma đường.Từ đấy tên của họ vang khắp thiên hạ. Ba người qua lại giang hồ, gây ra gần trăm án mạng, khiến võ lâm nổi sóng. Họ đã hạ sát trước sau gần trăm đệ tử của các phái Thiếu-lâm, Côn-luân, Hoa-sơn. Các vụ án này gây trấn động võ lâm Trung-nguyên. Các cao thủ võ lâm hội nhau tìm ba người để tru diệt. Ba người trốn lên Yên-kinh dự tuyển võ. Cả ba đều được trao cho chức đô thống, mỗi người chỉ huy một đội thị vệ Kim.
Thủ-Huy định tâu tiếp thì Thụy-Hương lại chêm vào :
- Chính sách dùng người của Kim như vậy, hèn gì đang từ một bộ lạc thiểu số, họ nổi lên diệt Liêu rồi tràn xuống đánh Trung-nguyên. Cứ như việc Ký-Bắc tam hổ thì rõ : Họ dùng người cùng đường để đánh Trung-nguyên. Sau này khi Tam-hổ cầm quân đánh Tống, chúng sẽ vận dụng hết khả năng để trả thù, để trút cái uất hận bị săn đuổi. Có lẽ Đại-Việt ta phải học lấy chính sách này, tận dụng những người bị Tống, bị Chiêm săn đuổi cùng đường.
Thụy-Hương hỏi :
- Còn Cao-ly song ngưu ? Họ là người Cao-ly chăng ?
- Tâu họ mang mỹ hiệu như vậy , chứ họ không phải là người Cao-ly. Họ là người Tống. Song ngưu là anh em sinh đôi, giống nhau như hai giọt nước. Anh tên Du Bất-Huynh, em tên Du Vô-Đệ. Họ là người thuộc phái Không-động Trung-quốc. Khi Triệu Cấu chạy xuống Nam lập ra nhà Nam Tống, hô hào trung hưng. Anh em họ Du suất lĩnh gia thuộc, bán hết điền sản ứng nghĩa mộ binh. Trong dịp Trường-giang ngũ hùng đại hội võ lâm ở hồ Động-đình, anh em họ kéo binh về theo Nhạc Phi. Tống triều phong cho Du Bất-Huynh làm Tả-thiên ngưu vệ thượng tướng quân, Vô-Đệ làm Hữu-thiên ngưu vệ thượng tướng quân. Hai người đem quân đi tiên phong, đánh Kim, lập không biết bao nhiêu công lao. Võ lâm gọi họ là Du thị song anh. Lúc Tống Cao-tông nghị hòa với Kim, là lúc anh em họ Du đang tiến quân vào Chu-tiên trấn. Dù nhà vua sai tể tướng Tần Cối, phát kim bài ban lệnh cho Nhạc Phi bãi binh. Nhưng Du thị song anh vẫn tiến quân. Cho đến khi kim bài thứ mười ba ban ra, thì là lúc anh em họ Du tiến tới ngoại ô Biện-kinh. Họ đành ngừng tiến quân. Quá phẫn uất, họ kéo bản bộ binh mã vào rừng ẩn thân kháng Kim. Cao-tông sai người về quê họ, quật mồ mả tổ tiên họ lên, trộn với phân. Nghe tin này, anh em họ Du cùng bộ hạ âm thầm về Biện-kinh, quật lăng mộ bẩy vua nhà Tống, rồi bỏ vào cối dã nhỏ thành bột. Giữa lúc này Kim sai sứ chiêu dụ. Hai người kéo đệ tử hàng Kim. Kim phong cho anh em Du thị nguyên chức của Tống. Còn tước thì từ tước nam thăng lên ba bậc, là tước hầu. Hai người cải tên Vô-Huynh thành Vô-Triệu, Bất-Đệ thành Bất-Triệu, để tỏ lòng căm hờn họ Triệu (Họ của các vua Tống).
Thụy-Hương ngắt lời Thủ-Huy :
- Còn sứ đoàn Đại-Việt, những ai theo đoàn cao thủ Kim đi giúp Khắc-liệt ?
- Tâu, ngoài thần với công chúa, còn có y sư Phạm Tử-Tuệ, thần tiễn Trần Tử-Giác với Vỵ-xuyên ngũ tiên. Đoàn cao thủ âm thầm lên đường, dẫn theo hơn trăm võ sĩ thuộc đoàn đệ tử của Cao-ly song ngưu. Phải mất mười lăm ngày, phái đoàn mới tới nước Khắc-liệt. Vua Khắc-liệt là Vương-Hãn với thái tử Tang-Côn và các hãn thuộc bộ tộc khác mừng lắm.
Đỗ An-Di kinh ngạc :
- Tôi nghe Kim là giống người phản phúc, xảo trá vô cùng. Thế mà sao họ lại quá ngây thơ với Khắc-liệt như vậy
- Họ đâu có ngây thơ ?
Thủ-Huy trả lời : Kim triều nghị rằng lực lượng Mông-cổ, Khắc-liệt ngang nhau, chỉ cần hai bên đánh nhau một trận, một bên bị diệt, thì một bên cũng mất hết tinh lực. Kim chỉ dơ tay ra là diệt cái bên thắng. Vì vậy Kim mới đoàn cao thủ sang giúp Khắc-liệt, rồi kéo quân lên Vạn-lý trường thành, hẹn Khắc-liệt ngày khởi binh đánh úp Mông-cổ. Khi Khắc-liệt kéo binh gần tới lãnh địa Mông-cổ, thì đoàn cao thủ âm thầm báo kế hoạch cho Thiết Mộc Chân. Được tin này, Thiết Mộc Chân đề phòng, hoặc phục kích sẵn chờ đợi Khắc-liệt. Trận chiến sẽ thảm khốc vô cùng. Dĩ nhiên Mông-cổ sẽ bại. Đợi trận chiến chấm dứt, thì Kim xua quân ào ạt tấn công Khắc-liệt, thế là sa mạc được bình định. Kim sẽ đóng quân ở Khắc-liệt, Mông-cổ, rồi tìm kẻ bất tài đặt lên làm vua cả hai nước.
Binh-bộ thượng thư Phí Công-Tín hỏi :
- Phò-mã có tìm hiểu võ công của Kim, với Mông-cổ không ? Võ công của họ so với võ công Trung-quốc có giống nhau không ?
- Kim vốn là một bộ tộc Bắc-cương của Trung-quốc. Võ công của họ là võ công Trung-quốc. Các võ tướng của họ đa số xuất thân từ các đại môn phái Trung-quốc như Liêu-Đông, Trường-bạch, Thiếu-lâm, Hoa-sơn, Côn-luân, Không-động và các bang hội như Hoàng-Đế, Đường-lang, Động-đình. Nếu Tống triều tuyển võ, ứng sinh phải thuộc danh môn, chính phái, thì Kim triều tuyển võ tướng lấy võ công cao làm căn bản, không cần biết họ thuộc hắc đạo, hay bạch đạo. Khi ứng tuyển, nhà vua ban chỉ ân xá cho tất cả tội phạm đang lẩn trốn, truyền mở cửa nhà tù, cho phép tù nhân, dù phạm bất cứ tội gì, nếu trúng tuyển cũng được bổ nhiệm. Vì vậy võ lâm Trung-nguyên phạm tội đều kéo về Yên-kinh theo Kim. Hóa cho nên Kim thu hút hầu hết các cao thủ Trung-quốc. Còn Mông-cổ thì họ cũng không có một hệ thống võ học riêng, họ học của các tôn sư Tây-hạ, Tây-liêu, Trung-quốc, Thổ-phồn, Tây-vực, Kim, rồi thu thái lấy những tinh hoa. Thành ra khi đấu với họ khó biết trước mà ứng phó.
Thụy-Hương tuyên chỉ :
- Được rồi, xin phò mã thuật tiếp vụ đoàn cao thủ Kim sang trợ giúp Khắc-liệt ra sao ?
- Khi A-lỗ Cốt-Đả bàn kế với Tang Côn đánh úp Mông-cổ, thì Vương Hãn không cho. Vương lý luận : Trong suốt bao năm qua, Thiết Mộc Chân luôn giữ đúng bổn phận của một phiên thần, của một người con hiếu thảo. Bất cứ cuộc chinh phạt nào của Vương Hãn, Thiết Mộc Chân cũng đem bản bộ quân mã đi tiên phong. Khi Vương Hãn bị người em ruột phản bội, chiếm mất ngôi vua, phải lưu vong, Thiết Mộc Chân giúp ông đánh đuổi bọn phản tặc, tái lập vương triều. Nay Vương không thể tàn nhẫn như vậy.
Lý Kính Tu khen :
- Kể ra Vương Hãn cũng có đạo nghĩa, xứng đáng làm chúa vùng sa mạc đấy chứ ? Nhưng liệu Tang Côn, Trác Mộc Hợp có chịu yên phận hay không ?
- Quả đúng như thượng thư luận. Trác Mộc Hợp nghị rằng : Hiện binh lực Mông-cổ tuy không đông bằng Khắc-liệt, nhưng binh tướng cực hùng mạnh. Bây giờ thì không sao. Nhưng một mai Vương Hãn băng rồi, thì Thiết Mộc Chân sẽ diệt Tang Côn, lên làm vua Khắc Liệt. Vương Hãn vẫn không đổi ý. Cuối cùng vương đồng ý làm cách nào diệt được bốn đại tướng lừng danh sa mạc của Thiết Mộc Chân. Như vậy, Mông-cổ sẽ yếu đi, Khắc-liệt sẽ mạnh lên, cho dù Thiết Mộc Chân có nổi lòng hươu dạ vượn, cũng không dám.
Đỗ An-Di bật cười :
- Mục đích của Kim là làm cho Khắc-liệt có nội chiến để không còn là mối lo cho Kim, nên mới gửi đoàn cao thủ sang. Thế mà nay Vương Hãn không chịu ra binh, thì cái đoàn võ sĩ của A-lỗ Cốt-đả hóa ra đi không lại về không sao ?
- Quả như Tể tướng nghị.
Thủ-Huy tiếp :
- A-lỗ Cốt-đả bàn kế riêng với Tang Côn, Trác Mộc Hợp rằng ý Vương Hãn như vậy, nhưng ta nhân đó làm trái đi, khiến cho Thiết Mộc Chân không kiềm chế được, mà phải đem quân đánh Khắc-liệt. Bấy giờ dù Vương Hãn không muốn gây chiến, cũng không tránh nổi. Kế hoạch họ dự trù như sau. Đầu tiên, Vương Hãn ban chỉ cho tất cả các chư hầu trong nước Khắc-liệt, mỗi chư hầu sẽ tổ chức tuyển lấy bốn tướng có võ công cao nhất, xếp theo thứ tự từ một tới bốn. Sau đó gửi bốn tướng ấy về kinh đô vào đình thí. Các võ tướng theo thứ bậc đấu với nhau, để vào chung kết. Vương Hãn sẽ tuyển lấy bốn tướng có võ công cao nhất. Sau khi trúng tuyển, thì đệ nhất dũng sĩ sẽ được cử làm tướng tổng tư lệnh lực lượng Thiết-kỵ toàn cõi Khắc-liệt. Đệ nhị, đệ tam, tứ dũng sĩ sẽ được cử làm tướng chỉ huy ba binh đoàn Thiết-kỵ của Vương-Hãn. Như vậy, bốn đại tướng của Thiết Mộc Chân đương nhiên phải tham dự cuộc tuyển lựa này. Các cao thủ Kim, sẽ giả làm tướng của Trác Mộc Hợp, của Tang Côn, đánh bại bốn đại tướng Mông-cổ, thế là danh tiếng của Tứ liệp lang vương Mông-cổ không còn nữa. Đó là bề ngoài, để che mắt Vương Hãn. Nhưng thực sự ra, thì khi đấu võ, các cao thủ Kim sẽ thẳng tay giết bốn đại tướng của Thiết Mộc Chân ; mà Mông-cổ không thể phản đối được. Quả nhiên, khi Vương Hãn ban chỉ ra, thì các tiểu quốc thuộc Khắc-liệt hồ hởi cho tuyển dũng sĩ, rồi gửi về tham dự. Mông-cổ trúng kế. Họ gửi bốn đại tướng về tranh tài, đó là Tốc Bất Đài, Bác Nhĩ Truật, Triết Biệt, Gia Luật Mễ.
- Thiết Mộc Chân là người tay trắng làm lên đế nghiệp, thì trí dũng phải có thừa, thế mà sao y cũng mắc mưu này ?
Tô Hiến-Thành hỏi : Dù Thiết Mộc Chân có u mê, thì những người xung quanh ông ta cũng phải nhìn ra chứ .
Thủ-Huy cười :
- Thiết Mộc Chân cũng không vừa, Trác Mộc Hợp tố cáo ông ta chờ Vương Hãn băng hà rồi chiếm ngôi, quả không oan. Khi chỉ dụ tuyển võ sĩ vừa ban ra, lập tức ông ta cử bốn đại tướng quân tham dự võ đài. Oâng ta nghĩ rằng, nếu như bốn đại tướng quân của ông trúng tuyển, nắm quyền chỉ huy các đạo Thiết-kỵ của Khắc-liệt, thì khi Vương Hãn băng, ông ta chỉ trở tay một cái là lên ngôi vua, đẩy Tang Côn ra ngoài.
Tuyên-phi Thụy-Hương thấy Đoan-Nghi say xưa nghe Thủ-Huy thuật chuyện, ánh mắt nàng sáng ngời, tràn đầy hạnh phúc, thì trong lòng nảy ra mối ghen tức. « Đáng lẽ người hạnh phúc bên chàng là ta, chứ đâu phải Đoan-Nghi ? Tiếc thay, vàng đã vào tay, mà ta để vuột mất. Đã vậy ta trêu cho Đoan-Nghi ghen lồng, ghen lộn lên cho hả giận. ». Nghĩ vậy, nàng rót chung trà truyền cung nga bưng đến trước mặt Thủ-Huy :
- Phò mã uống chung trà cho tốt giọng.
Khi nói câu này, nàng liếc mắt đưa tình, miệng mỉm cười. Quả nhiên Thủ-Huy không nhìn ra cái lắt léo của Thụy-Hương. Công bưng chung trà :
- Đa tạ Tuyên-phi ban thưởng.
Rồi uống một hơi hết sạch. Trong khi đó Đoan-Nghi nhìn Thụy-Hương bằng đôi mắt tóe lửa.
Thụy-Hương nhìn Đoan-Nghi, mỉm cười :
- Xin phò mã cho biết, A-lỗ Cốt-đả bầy kế giết bốn tướng Mông-cổ ra sao ? Có thành công không ?
- Người bầy mưu giết bốn tướng là Trác Mộc Hợp với A-lỗ Cốt-đả. Đến ngày tỷ thí, thì chỉ có bốn tiểu vương gửi người tới tranh tài là An Tăng, Cút Sa, Da Di Đài, Thiết Mộc Chân. Trác Mộc Hợp cho biết, trong bốn tướng của Mông-cổ thì Bác Nhĩ Truật sở trường về độc chưởng được cử tranh chức đệ nhất, Tốc Bất Đài thì công lực cực cao thâm được cử tranh chức đệ nhị, Gia Luật Mễ thì kiếm thuật thần thông được cử tranh chức đệ tam, Triết Biệt thì tiễn thủ vô địch được cử tranh chức đệ tứ . Y đề nghị các cao thủ Kim cũng chia làm hai nhóm. Một nhóm đại diện cho Trác Mộc Hợp, một nhóm đại diện cho Khắc-liệt. Mỗi nhóm phải gồm những cao thủ có khả năng giết được bốn tướng Mông-cổ. Sau khi luận bàn, thì hai cao thủ có khả năng trị độc chưởng của Bác Nhĩ Truật là A-lỗ Cốt-đả, Trần Thủ-Huy. Hai cao thủ có công lực cao, khả dĩ trị được Tốc Bất Đài là Trương Đạo-Hoàng, Trần Tử-Tuệ. Hai cao thủ có khả năng trị được kiếm thuật của Gia Luật Mễ là Tô Đạo-Huyền, Đoan-Nghi. Hai cao thủ có thể thắng tiễn thủ của Triết Biệt là Hàn Đao-Thanh, Trần Tử-Giác. Thế là các cao thủ Đại-Việt giả làm người của Khắc-liệt, còn các cao thủ Kim giả làm người của Trác Mộc Hợp. Như vậy có tất cả sáu nhóm. Thể lệ rất giản dị, nếu cặp nào trong một trăm hiệp, mà không kẻ thắng, người thua, thì coi như hòa.
Thủ-Huy ngừng lại cho triều đình theo dõi kịp, rồi tiếp :
- Sau khi các nhóm tề tựu thì chia làm ba cặp giao đấu. Trận đầu, nhóm của Mông-cổ đấu với nhóm của An Tăng. Nhóm của Mông-cổ thắng thế dễ dàng. Bên thắng, bên bại, không ai bị thương hoặc chết cả. Trận thứ nhì nhóm cao thủ Kim của Trác Mộc Hợp đấu với nhóm của Cút Sa, dĩ nhiên các võ tướng của Cút Sa địch sao lại các cao thủ Kim ? Nhóm cao thủ Kim chỉ cần xuất ba bốn chiêu, đã thắng đối thủ dễ dàng. Đến trận thứ ba, các cao thủ Việt đấu với nhóm của Da Di Đài thì bị bất ngờ.
Triều đình đều kinh ngạc. Hiện diện có tới trên trăm người, mà không một tiếng động. Thụy-Hương hỏi :
- Cái gì đã xẩy ra ?
- Tâu, bốn cao thủ của Đa Di Đài là người của phái Hoa-sơn. Họ gồm hai nam trong Hoa-nhạc tam phong tên Liên-Hoa, Tiên-Nhân và một nữ là đệ nhị nhân trong Hoa-nhạc tam nương tên Công-Chúa. Dù cách xa đã gần mười năm, dù họ đã hóa trang rất khéo, nhưng sư thúc Phạm Tử-Tuệ cũng nhận ra kịp thời.
Thái-phó Ngô Lý-Tín lĩnh Lễ bộ thượng thư nghe thuật đến đây thì tâu :
- Hồi bọn Hoa-sơn bị giam ở bến Ngọc-thụy, thì Lạc-Nhạn với Vân-Đài trốn đi. Khu mật viện đã cho truy tầm, song không có dấu vết. Về sau, ngư nhân tìm thấy hai cái xích tay, hai cái xích chân của họ để ở bãi sông, mà không bị chặt, bị cắt, rõ ràng họ được ai đó dùng chìa khóa mở ra cho. Ai đã có chìa khóa, giúp gian nhân thoát xích chân tay ? Rồi khi sứ Tống sang lĩnh người của phái Hoa-sơn do ta trao trả, họ nhất định đòi hai người này. Thần trần thuật với họ rằng hai người này trốn đi. Nhưng sứ thần Tống đổ tội cho Đại-Việt đã giết hai người. Họ lý luận rằng : Nếu hai người trốn thoát, thì ắt họ trở về Trung-quốc rồi. Cớ sao, giờ này vẫn không thấy đâu. Cứ như phò mã tâu, thì trong đám Hoa-sơn giúp Khắc-liệt, không có Lạc-Nhạn, Vân-Đài, vậy có thể hai người này còn ở trong Đại-Việt làm tế tác. Thế mà trong mấy năm qua cứ mỗi lần sứ ta sang Tống, hoặc sứ Tống sang ta, họ vẫn nằng nặc đòi người.
Trưởng-ty Phòng-ngư Khu-mật viện là Long-nhương thượng tướng quân Lưu Khánh-Bình biết Ngô Lý-Tín công kích mình, ông nói ngang :
- Thưa Thượng-thư đây chỉ là cái cớ để Tống gây sự với ta . Khi họ muốn gây sự, thì không có cớ này, họ nặn ra cớ khác, có gì lạ đâu
Nghĩa-thành vương Lý Long-Căn là người quản Khu-mật viện thường theo dõi tình hình Tống. Vương cực kỳ sủng ái công chúa Đoan-Nghi, yêu thương Thủ-Huy. Vương hỏi bằng ngôn từ bình dân
- Cháu Thủ-Huy à ! Thế họ có nhận ra mình không ?
Thủ-Huy cảm động, công cũng trả lời bằng ngôn từ bình dân :
- Thưa chú, lúc đầu họ tưởng sứ đoàn là người Hán. Nhưng khi đấu, họ nhìn chiêu thức, nội công, thì biết mình xử dụng võ công Đại-Việt, mà tuyệt nhiên họ không nhận ra mình là ai.
- Cháu có biết vì lý do nào phái Hoa-sơn lại tham dự trận đấu này không ?
- Tống muốn cho Khắc-liệt mạnh, nên gửi cao thủ sang giúp Vương Hãn, để vương đánh vào sau lưng Kim. Nhưng Vương Hãn không ưa Tống. Vì vậy Tống phải giúp Da Di Đài, rồi xui y chiếm ngôi Vương Hãn. Chính Da Di Đài cũng đang muốn giết Tứ liệp lang vương của Mông-cổ để trừ đi cái chướng ngại về sau.
- Vậy cháu hành xử ra sao ?
- Sư thúc Phạm Tử-Tuệ bàn rằng « Mình sang Kim chỉ với mục đích kết hiếu. Không ngờ Kim muốn lợi dụng mình. Mình thắng hay bại cũng thế thôi, vì Kim cũng đang cầu kết thân với mình. Vậy mình nên ghìm sao cho hòa thì hơn ». Không ngờ phía Hoa-sơn, họ tưởng mình là chân tay của Tang Côn, họ không muốn gây hấn với cái ông thái-tử này, nên họ cũng có ý đấu cầm chừng. Vì vậy khi đấu, cháu với Đoan-Nghi dùng võ công Hoa-sơn, còn nhị vị sư thúc thì dùng võ công hỗn tạp khi thì Hoa-sơn, khi thì Đông-a, khi thì Thiếu-lâm, lại cũng có lúc dùng võ công Đại-Việt. Tất cả bốn cặp Đại-Việt với Hoa-sơn đều hòa nhau. Cả hai toán đều không muốn dự vào chung kết. Từ Vương-Hãn cho tới A-lỗ Cốt-đả, Thiết Mộc Chân tuy biết thế, nhưng họ không rõ tại sao. Cuối cùng chỉ còn toán của Kim đấu với toán của Mông-cổ. Trận đầu A-lỗ Cốt-đả đấu với Bác Nhĩ Truật. Nói ra thực xấu hổ, ở nhà cháu cứ nghĩ võ công Đại-Việt mình là vô địch. Nay đi sứ, mới biết ngoài bầu trời này còn có bầu trời khác. Kể về công lực thì A-lỗ Cốt-đả với Bác Nhĩ Truật ngang nhau. A-lỗ thì dùng độc công của phái Liêu-Đông, còn Bác Nhĩ Truật thì dùng độc công của phái Trường-bạch. Cuối cùng cả hai đều bị thương nặng. Mà ác thay, vì cả hai đều là đệ tử không chính thức của hai tà phái Liêu Đông, Trường-bạch, nên họ không có thuốc giải. Trận thứ nhì, thì Trương Đạo-Hoàng đấu với Tốc Bất Đài. Kể về công lực thì hai bên ngang nhau. Nhưng về chiêu thức thì Tốc Bất Đài học của nhiều phái khác nhau, sao có thể thắng được Hoàng-hổ loạn huyết chưởng là bộ chưởng cực tinh diệu, dùng Thiền-công của Thiếu-lâm làm căn bản, lại biến hóa theo Tiên-thiên bát quái . Kết quả, Tốc Bất Đài bị thua ở hiệp thứ 97, và bị loạn huyết, mê man. Trận thứ ba thì Tô Đạo-Huyền đấu với Gia Luật Mễ. Đạo-Huyền dùng Hắc-hổ đoạt mệnh đao, do chính y dùng biết bao nhiêu tâm huyết chế ra. Nó vừa có cái dũng mãnh, có thể so sánh với Đông-a kiếm pháp, vừa có cái biến hóa tinh diệu không thua gì Mê-linh kiếm pháp. Còn Gia Luật Mễ thì dùng một loại kiếm pháp rất lạ. Khi thì thần tốc, khi thì dũng mãnh. Đấu được gần trăm hiệp thì Gia Luật Mễ bị đánh rơi kiếm, nhưng y nhanh tay bắn rơi đao của Tô Đạo-Huyền, làm Đạo-Huyền bị thương. Kết quả Gia Luật Mễ thắng. Cuối cùng là trận đấu giữa Hàn Đạo-Thanh với Triết Biệt. Đạo-Thanh dùng Bạch-hổ tán cốt chỉ. Chỉ lực của y không dũng mãnh như Lĩnh-Nam chỉ của mình, nhưng tinh diệu hơn. Còn Triết Biệt thì chỉ giỏi tiễn thuật thôi, võ công y bình thường, y bị thua ở hiệp thứ bẩy mươi tư, nhưng y bắn Đạo-Thanh bị thương hai vết. Trận này coi như hòa. Kết quả các trận đấu, thì Kim không giết đươc một tướng nào của Mông-cổ , nhưng Bác Nhĩ Truật bị trúng độc mê man, Tốc Bất Đài, Triết Biệt bị bại. Tiếng tăm bốn đại tướng nổi tiếng vô địch sa mạc bị mất. Trên cao từ Thiết Mộc Chân cho tới các tướng Mông-cổ không còn dám kiêu căng nữa. Thiết Mộc Chân phải hạ mình nhún nhường với Tang Côn. Tang Côn là người nông nổi, y tự mãn với kết quả này. Y sai sứ sang Kim, hẹn rằng khi Kim xuất chinh đánh Tống, y sẽ gửi một binh đoàn kị mã một vạn người theo trợ chiến. Y cũng sẽ ra lệnh cho sau tiểu quốc, mỗi tiểu quốc gửi hai nghìn người đặt dưới quyền điều động của Kim. Tuy A-lỗ Cốt-đả bị trúng độc, nhưng Kim coi cuộc gửi cao thủ sang Khắc-liệt là một thành công lớn. Kim triều phong cho y tước công. Ký-Bắc tam hổ được phong tước hầu. Kim chúa ân cần khoản đãi sứ đoàn rồi nhắc nhở rằng : Xin Đại-Việt chuẩn bị sẵn, chờ khi Kim, Hạ, Đại-lý xuất quân, thì Đại-Việt cũng đem quân vượt biên đánh chiếm lại vùng đất Lưỡng Quảng, Kinh-Hồ.