Tháng Giêng, niên hiệu Trinh-phù thứ 11 (DL. 1186, Bính-Ngọ. Từ tháng 7 về sau, cải nguyên là Thiên-tư Gia-thụy) triều đình thiết đại triều giữa mùng một tết. Đây là lần đầu tiên trong suốt mười năm qua, mới có một buổi thiết triều, với sự hiện diện đầy đủ các thân vương, phò mã, công chúa, văn võ đại thần tại triều cũng như tại các trấn, phủ, huyện.
Buổi thiết đại triều do Thái-phó Lý Kính-Tu, thầy của vua triệu tập. Từ trong triều đến ngoài trấn, dĩ chí đến dân chúng, ai cũng biết : Năm nay nhà vua 13 tuổi, bắt đầu chấp chính. Đây là buổi thiết triều đầu tiên, mà nhà vua cầm quyền thực sự. Theo lời tâu của Lý Thái-phó thì :
Buổi thiết đại triều do Thái-phó Lý Kính-Tu, thầy của vua triệu tập. Từ trong triều đến ngoài trấn, dĩ chí đến dân chúng, ai cũng biết : Năm nay nhà vua 13 tuổi, bắt đầu chấp chính. Đây là buổi thiết triều đầu tiên, mà nhà vua cầm quyền thực sự. Theo lời tâu của Lý Thái-phó thì :
« Luật triều Lý, định rằng đến tuổi 13, nếu là hoàng tử thì cho mở phủ đệ riêng. Là công chúa thì cho hạ giá (gả chồng). Còn nhà vua thì không theo luật ấy mà theo điển lệ áp dụng vào thời vua Nhân-tông, Anh-tông. Hai vua Nhân-tông, Anh-tông lên ngôi vua từ thuở còn thơ. Thái-hậu buông rèm thính chính, cạnh vua có các đại thần phụ chính. Đến năm 13 tuổi, thì thái hậu lui vào hậu cung, các chức phụ chính đều bãi bỏ ».
Vì vậy sau buổi thiết triều này, Chiêu-thiên Chí-lý hoàng thái hậu họ Đỗ không thính chính nữa. Bốn phụ chính Đỗ An-Di, Lý Kính-Tu, Vũ Tán-Đường, Trần Thủ-Huy sẽ lui về nhiệm vụ của mình.
Một điều cực kỳ quan trọng : Trước đây phò mã Trần Thủ-Huy, công chúa Đoan-Nghi đã khẳng định rằng, để tránh nội loạn, hai vị nhận làm phụ chính đại thần cho tới khi nhà vua trưởng thành chấp chính. Hôm nay là ngày quy ẩn của phò mã với công chúa. Vì ân đức của công chúa quá rộng, quá lớn, trải từ trong triều tới thôn ấp, nên khi nghe tin công chúa lui về điền dã, thì trăm quan, dân chúng đều cảm thấy buồn bã.
Thái-sư Đỗ An-Di được phong chức Phụ-quốc Thái-úy, Bình-chương quân quốc trọng sự, nghĩa là vẫn nắm quyền phụ chính của một văn quan kiêm chức vụ quân sự của Thủ-Huy. Thái-phó Lý Kính-Tu cải phong kiêm đồng bình chương sự. Mạc Hiển-Tích cải phong Thiếu-sư, Thượng-thư tả bộc xạ.
Ba hồi chiêng trống, nhạc tấu bản Nguyên-thọ. Nhà vua từ trong đi ra. Trừ hai vương Kiến-Khang, Kiến-Bình, các công chúa, phò mã, Tứ-trụ triều đình ; còn lại các quan văn võ hai hàng quỳ gối tung hô vạn tuế. Ngoài sân điện Càn-nguyên, Lôi-tiễn bắn ba mũi. Lập tức ba vệt xanh-đỏ vọt lên bầu trời, nổ ba tiếng lớn, tỏa ra ánh sáng ngũ sắc. Đó là hiệu báo cho trăm họ biết, vua bắt đầu chấp chính. Thế là trong Hoàng-thành, Kinh-thành, dân chúng đốt pháo mừng Xuân, mừng tân quân trị vì.
Quan Thái-phó Lý Kính-Tu thay mặt các quan chúc mừng thái-hậu, nhà vua nhân dịp năm mới. Nhà vua tuyên chỉ :
- Phụ hoàng băng hà, trao ngôi trời cho trẫm, khi trẫm còn thơ. Mười năm qua, nhờ liệt tổ phù hộ, nhờ chư khanh phò tá, mà dân giầu, nước mạnh. Hôm nay là ngày đầu tiên trẫm thân chấp chính. Tuy vậy trẫm cũng phải nhờ sức chư khanh.
Tiếp theo, nhà vua ban chỉ thăng chức tước cho toàn thể các quan trên toàn quốc. Lại ban chỉ ân xá cho các phạm nhân khinh tội, giảm án cho phạm nhân trọng tội, rồi tuyên chỉ giữ nguyên các phép cũ.
Lý Kính-Tu tâu :
- Phò-mã Thái-úy, Tả-kim ngô đại-tướng quân, Côi-sơn quốc công, cùng trưởng công chúa được bệ hạ chuẩn cho hồi hưu. Phò mã đã bàn giao chức vụ cho Thái-sư Đỗ An-Di. Hôm nay triều đình tiễn phò mã về điền dã. Không biết bệ hạ có chỉ dụ gì không ?
Nhà vua bước xuống ngai vàng, cầm tay công-chúa Đoan-Nghi, nói bằng ngôn từ bình dân :
- Chị ! Em nghe nói hồi phụ hoàng còn tại thế, người cực kỳ sủng ái chị với anh Thủ-Huy. Khi em ra đời, người ta ác miệng vu cho em là con hoang của Tuyên-phi với Mạc Hiển-Tích để mưu soán ngôi. Chỉ duy anh Thủ-Huy là cãi rằng em giống phụ hoàng như hai giọt nước, rồi bỏ tình riêng với anh Long-Xưởng mà cứu em bao phen. Mấy năm trước anh Long-Xưởng mưu giết em chiếm ngôi. Nếu không có anh chị thì em đã chết rồi. Mười năm qua, anh chị trấn ngự biên cương, khiến nước lớn sợ, nước nhỏ kính. Công lao đó em không bao giờ quên.
Hai giọt nước mắt chảy trên gò má, nhà vua nói tiếp :
- Tuy em còn thơ, thế nhưng anh chị vẫn hành xử với em ra phận chúa tôi. Còn em, bề ngoài em gọi chị là chị, chứ thực ra, trong tâm em đối với chị như một bà mẹ. Em vẫn ước ao được học võ công của anh chị. Tiếc rằng anh chị trấn ngự biên cương, thành ra chỉ Long-Ích, Long-Tường được anh chị dạy dỗ. Bây giờ anh chị về điền dã, em cảm thấy cô đơn quá.
Đoan-Nghi nắm chặt tay nhà vua :
- Xưa, tài trí nghiêng trời lệch đất như Linh-Nhân hoàng thái hậu, uy dũng cổ kim khó ai hơn như Thái-úy Lý Thường-Kiệt ; mà cũng khoanh tay đứng ngoài, khi đức Nhân-tông nhà ta chấp chính vào tuổi mười ba. Nay em cũng đã vào tuổi đó rồi, thì phải tự quyết, để chăn dắt trăm họ. Liệt tổ Đại-Việt sẽ phù hộ cho em. Chư vị tiên đế sẽ giúp em.
Nghe Đoan-Nghi nói câu này, thì toàn thể các quan đều đưa mắt nhìn Đỗ thái hậu với Đỗ An-Di. Họ hiểu vị công chúa này muốn nói :
- Nhà vua chấp chính, thì Đỗ thái-hậu, Đỗ An-Di hãy tự biết mình, tài trí thua xa Linh-Nhân hoàng thái hậu với Thái-úy Lý Thường-Kiệt thì không còn lý do gì xen vào việc triều chính nữa.
Mặt Đỗ thái hậu, An-Di cau lại, thực khó coi.
Nhà vua hỏi Thủ-Huy :
- Anh Thủ-Huy ơi ! Quan Lý Thái-phó, thầy em thường nói : Khi xưa, tổ của anh là Kinh-Nam vương, có tặng cho đức Nhân-tông ba bảo bối giữ nước. Vậy, bây giờ anh có gì cho em không ?
Thủ-Huy đưa mắt nhìn Đỗ An-Di, rồi nói :
- Bảo bối mà Kinh-Nam vương tặng đức Nhân-tông gồm có ba món. Một là, tuân theo những phép tắc của đức Thánh-tông để lại. Hai là giữ hòa khí trong hoàng tộc, đừng để người ngoài chia rẽ tình ruột thịt. Ba là, vĩnh viễn không tăng thuế. Bây giờ thần cũng dâng bệ hạ ba khoản. Một là, bệ hạ có một nho gia chính khí dọc ngang trời đất lĩnh chức Thái-phó. Vậy việc nội trị nhất nhất nghe theo người.
Nghe Thủ-Huy nói, quần thần đều đưa mắt nhìn Lý Kính-Tu.
- Hai là, việc giao thiệp với các nước, thần đã đặt thành nền móng, xin giữ nguyên. Ba là, phàm làm vua phải tránh ba điều : Điều một là mê sắc đẹp, ham săn bắn, rượu chè, yến tiệc âm nhạc ; điều hai là xây dinh thự, cung điện cao đẹp ; điều ba là tăng thuế. Phạm vào một trong ba điều đó thì mất nước.
Ghi chú của thuật giả:
Sau này, khi Thái-phó Lý Kính-Tu qua đời rồi, vua Cao-tông quên lời dặn của Thủ-Huy. Nhà vua mê sắc đẹp, ham săn bắn, lại rượu chè, yến tiệc, bắt trăm họ phục dịch xây cất cung điện. Do đó dân chúng nổi loạn khắp nơi, rồi đưa đến triều Lý mất nghiệp. Xin đọc các hồi sau.
Lý Kính-Tu nghe Thủ-Huy dặn nhà vua, ông gật đầu tỏ vẻ kính phục. Ông truyền lễ quan ghi chép ngay tại chỗ, để sau này nhắc lại.
Nhà vua chỉ Kiến-Khang vương, Kiến-Bình vương hỏi Đoan-Nghi :
- Từ hồi ba, bốn tuổi, Long-Ích, Long-Tường được chị dạy văn, anh Thủ-Huy dạy võ. Liệu bây giờ, có thể phò tá em được chưa ?
- Các vị phụ chính danh tiếng cổ kim, đều không phải là người có võ công cao. Thần xin nêu tỷ dụ, như bên Trung-nguyên, nhà Chu có Chu-công, Thái-công ; Hán có Trương-Lương, Tiêu-Hà. Đại-Việt ta, thời vua An-Dương có Phương-chính hầu Trần Tự-Minh, thời Lĩnh-Nam có công chúa Nguyệt-đức Phùng Vĩnh-Hoa. Sáu vị đó võ công đâu có cao ? Thế nhưng tài trí phò tá thiên tử lừng danh thiên cổ. Năm nay Long-Ích đã hai mươi tuổi, về võ công thì hiếm thiếu niên ngang tuổi có thể sánh. Song cầm quân, thì Ích dư tài đại tướng. Em nên trao dần binh quyền cho Ích. Còn Long-Tường mới mười hai, mà anh tài sớm phát ; Tường tỏ ra có đại tài về thủy quân. Chị sẽ mang Tường về Thiên-trường để dạy dỗ tiếp. Sang năm Tường đủ mười ba tuổi, em có thể trao trọng quyền cho Tường.
Nhà vua quay lại hỏi Lý Kính-Tu :
- Thưa thầy, theo điển lệ của các vị tiên đế thì khi hoàng tử tới tuổi mười ba sẽ cho mở phủ đệ riêng, rồi trao quyền. Thế sao năm nay Long-Ích đã hai mươi tuổi, tuy đã phong vương, cho mở phủ đệ, mà chưa được trao quyền bính !
Kính-Tu ngửa mặt nhìn thẳng rồi tâu :
- Khi hoàng tử Long-Ích đủ mười ba tuổi, Tứ-trụ triều đình có đem vụ này ra nghị sự, rồi làm biểu phong vương. Phò mã Thái-úy với thần bàn nên trao cho thống lĩnh Thiên-tử binh. Song Đỗ Thái-sư , Mạc Thiếu-sư không đồng ý. Vụ đưa lên Chiêu-Thiên thái hậu, người thuận phong vương cho hoàng tử, được mở phủ đệ riêng, mà bác bỏ việc trao binh quyền, lấy lý do vương còn nhỏ tuổi. Hai năm sau, thần nhắc lại việc trao binh quyền, thái hậu lại bác, vì bấy giờ mới xẩy ra vụ Bảo-Quốc vương làm loạn. Bây giờ bệ hạ chấp chính, việc trao quyền là do bệ hạ.
Nghe Kính-Tu tâu, mặt thái hậu với An-Di, Hiển-Tích tái đi, trông thực khó coi. Nhà vua hỏi :
- Thưa thầy, bây giờ, có thể ủy cho Kiến-Khang nhiệm vụ gì?
Lý Kính-Tu mở sổ Ngọc-điệp ra rồi tâu :
- Cứ như điển lệ các tiên đế để lại, xin bệ hạ duyệt qua rồi ban chỉ.
Nhà vua đọc một lượt, rồi tuyên chỉ cho Đỗ An-Di:
- Thái-sư soạn chỉ, kể từ ngày hôm nay, phong cho Kiến-Khang vương chức tước như sau :
« Dao-thụ Thiếu-phó, Thượng-trụ quốc, Long-thành tiết độ sứ, tổng lĩnh Thiên-tử binh, Khu-mật viện sứ, Kiến-Khang vương ».
Kiến-Khang vương lạy tạ.
Nhà vua hỏi Lý Kính-Tu :
- Thưa thầy, mấy năm trước, Tứ-trụ triều đình xin phong cho Long-Tường tước Kiến-Bình vương. Vì Kiến-Bình chưa đủ tuổi trưởng thành, lại ở trên Bắc-cương, nên chưa cho mở phủ đệ riêng. Năm tới đây, Kiến-Bình đủ tuổi, sẽ cho mở phủ đệ. Vậy nên cho ở phủ nào ?
- Hiện phủ Khai-Quốc, không có ai ở. Phủ này lớn, rộng nhất trong các phủ. Phủ cất vào thời đức Thái-tổ, cấp cho Khai-Quốc vương. Bây giờ có thể cấp cho Kiến-Bình vương. Trong khi Kiến-Bình với nhũ mẫu là Đoan-hòa phu nhân đi Thiên-trường, thì tạm giao cho chồng của phu nhân trông coi. Còn các quan của phủ đệ, cũng như cung nga, thái giám thì sẽ do Lê thái-phi, sinh mẫu của vương tuyển chọn.
Nhà vua rút thanh Thượng-phương bảo kiếm trao cho Đoan-Nghi :
- Xưa đức Thái-tông trao kiếm cho tổ cô Kim-Thành, với chỉ dụ : Thượng trảm hôn quân, hạ trảm gian thần. (Trên được xử tội vua tối ám, dưới được xử gian thần). Nay em cũng trao kiếm này cho anh chị. Trong khi ngao du sơn thủy, nếu anh chị thấy tham quan, cường hào, thì thay em xử tội chúng.
Đoan-Nghi rơm rớm nước mắt tiếp kiếm, rồi cùng Thủ-Huy rời điện Càn-nguyên, tay dắt Kiến-Bình vương Long-Tường theo. Nhà vua, với các quan đứng nhìn đến khi hai người khuất bóng mới trở vào điện.
Thủ-Huy, Đoan-Nghi ra khỏi Hoàng-thành. Kị binh, Ngưu binh, Thiên-tử binh dàn thành hai hàng, hành lễ quân cách tiễn đưa. Tới bến Tiềm-long, thì Đại đô đốc Phùng Tá-Chu, Vũ-kị tướng quân Tăng Khoa, cùng các đô đốc, chư tướng đứng chờ sẵn. Hai đội võ sĩ Long-biên, Côi-sơn đã dàn trên bến.
Lễ nghi tất.
Lôi-tiễn bắn chín phát.
Thủ-Huy, Đoan-Nghi đi trước, kế tiếp Vương Thúy-Thúy dắt Long-Tường, rồi tới hai đội võ sĩ Côi-sơn, Long-biên xuống thuyền của phái Đông-a . Thuyền nhổ neo, dương buồm, từ từ rời bến. Hai bên bờ sông, chiến thuyền dàn ra. Trên nóc chiến thuyền, thủy thủ gươm dáo sáng ngời đứng nhìn chúa tướng ra đi. Thủ-Huy, Đoan-Nghi đứng trên đài chỉ huy vẫy tay từ biệt chư tướng, cho đến khi thuyền xuôi vào cuối giòng sông.
Đường Thăng-long, Thiên-trường, đi bằng thuyền phải mất nửa ngày. Đã gần mười năm, bây giờ Thủ-Huy mới có dịp trở về thăm cố hương đúng vào ngày mùng một tết. Những kỷ niệm về tết thời thơ ấu, hiện ra trong tâm công.
« Hồi ấy, cứ đến ngày 23 tháng chạp, bà Tự-Hấp sai Thủ-Lý điều động các em làm những việc đặc biệt như : Hái một chùm táo chín, cài vào trong Oâng mũ cóc, rồi đem ra treo ở trước ngõ. Đẵn cây tre thực cao, trồng cây nêu ở giữa sân. Từ sân dọc ra ngõ lấy vôi vẽ những mũi dáo, cung-tên, mục đích trấn tà ma. Có một năm, anh em vừa vẽ xong, thì ông Tự-Hấp đùa :
- Bà sai các con vẽ dáo, cung-tên trừ tà ! Tôi nghĩ đến quỷ sống, ma sống nghe tên mình còn phải chạy trốn, thì ma chết, quỷ chết đâu dám bén mảng ?
Từ đó về sau, tết đến, bà Tự-Hấp không sai các con vẽ dáo, cung-tên trừ tà nữa.
Rồi ngày mùng một tết, tất cả con, cháu, gia nhân tập trung lại, theo thứ tự hành lễ, chúc tết ông nội. Cứ sau khi một người con, cháu chúc tết, ông lại cho một cái tuiù bằng nhiễu đỏ, trong đựng tiền mừng tuổi ».
Khi con thuyền sắp sửa rẽ vào con sông nhỏ, Thủ-Huy chợt nhớ một chuyện, công chỉ vào cửa sông, nói với Đoan-Nghi :
- Chỗ kia là nơi, mà mười mấy năm trước, Vỵ-xuyên ngũ tiên dàn thuyền đánh cá bắt sống bốn trong Ngũ-nhạc đại lĩnh của phái Hoa-sơn cứu Long-Xưởng với anh. Chỗ khúc cong con sông nhỏ là nơi anh Thủ-Lý lừa cho thuyền của bọn Hoa-sơn mắc cạn, rồi bắt Hoa-nhạc tam phong, Tam-nương.
- Thế còn chỗ...
Đoan-Nghi nhìn Vương Thúy-Thúy mỉm cười hỏi :
- Chỗ nào anh nhìn thấy hết Vân-Đài Thúy-Thúy ?
Thủ-Huy bị vợ trêu, công cười nói lảng :
- Kìa, bến kia rồi, chúng ta chuẩn bị lên bờ chúc tết ông nội với bố mẹ.
Trên bến, Thủ-Lý Phương-Lan ; Trung-Từ Bảo-Bảo ; Vỵ-uyên ngũ tiên cùng chồng đang chờ đợi. Anh em gặp lại nhau trong ngày tết, chuyện trò ríu rít, vui vẻ . Từ ngày ra đời, bây giờ Đoan-Nghi mới được hưởng cái tình nhân luân anh em, chị em nồng nàn, đằm thắm của bình dân.
Thấy Phương-Lan dắt hai đứa bé trai khôi ngô đứng cạnh, Đoan-Nghi hỏi :
- Anh ! Chị ! Hai cháu đây là Tự-Thừa với Tự-Khánh phải không ?
- Chúng nó nghe chú thím về, xin theo anh chị ra đón chú thím đấy.
Thủ-Huy bế bổng Tự-Thừa, Đoan-Nghi bế Tự-Khánh lên, hôn vào má chúng.
- Bọn em thực có lỗi với anh chị.
Thủ-Huy than thở: Bốn năm trước ở Bắc-cương, chúng em tiếp được tin anh chị sinh cháu Thừa, rồi một năm sau sinh cháu Khánh, mà chúng em không về mừng anh chị được.
Phương-Lan xua tay :
- Chị biết chú thím muốn về, mà vì việc quân, nên chú thím gửi quà về cho các cháu, như vậy cũng đủ rồi.
Bà Tự-Hấp ra cổng nắm tay Đoan-Nghi, nói bằng tất cả tình cảm chân thực:
- Bây giờ mẹ mới tự hào là có cô con dâu ôn nhu, văn nhã, chứ không phải là cô công chúa nữa.
Nhìn thấy Long-Tường, bà hỏi :
- Thế, ai đây ?
- Thưa mẹ, em út của con tên Long-Tường.
Một tay dắt Đoan-Nghi, một tay dắt Long-Tường, bà Tự-Hấp đi trước, rồi Thủ-Lý, Thủ-Huy theo sau.
Cả một đại gia đình đang chờ vợ chồng Thủ-Huy về ăn tết. Cái tết đoàn tụ mà ông bà Tự-Hấp ước mong từ hơn mười năm.
Theo tục lệ thời đó, thì khi con cả lấy vợ, thì được ở chung với bố mẹ. Còn con thứ lấy vợ, nếu nhà rộng thì cũng vẫn ở chungï. Còn như nhà hẹp, thì bố mẹ sẽ mua, hoặc cất cho một căn nhà gần nhà mình, để vợ chồng, con cái ở. Tuy nhiên khi ăn, uống thì vẫn ăn chung. Hồi Thủ-Huy cưới Đoan-Nghi, bà Tự-Hấp cất cho vợ chồng Huy một ngôi nhà tranh, vách gỗ ngay cạnh bến sông. Vì Đoan-Nghi thích hoa trắng, ông bà trồng cho nàng một vườn mơ, một vườn mận. Thế nhưng hơn mười năm qua, Đoan-Nghi chưa bao giờ được nhìn hoa mơ, hoa mận nở cả. Bây giờ nàng theo chồng về đúng vào dịp tết. Vườn mơ, mận của nàng nở trắng xóa một bầu trời. Vợ chồng nhìn vườn hoa, lòng dâng lên một niềm kính yêu bà mẹ, đã chiều theo ý mình.
Văn chương bình dân Việt đã ca tụng cái thanh nhàn của nông dân như sau :
Tháng giêng ăn tết ở nhà,
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè.
Từ hồi lớn lên, bây giờ Thủ-Huy Đoan-Nghi mới được hưởng cái thú thanh nhàn của ngày Xuân ở thôn quê. Hai vợ chồng tham dự những cuộc đấu gà, chọi trâu, đánh cờ người, đánh đu, bơi thi, leo cầu Ngô, leo cột mỡ, bắt lươn trong chum, cho đến cuộc thi thổi cơm trên mặt nước. Tội nghiệp Long-Tường, khi ra đời được mấy tháng thì phụ hoàng băng hà. Trong nội cung, hai bà thái hậu Chiêu-Linh, Chiêu-Thiên tranh quyền. Bên ngoài thì các anh chém giết nhau. Sợ bị tai bay, vạ gió, nó bị mẹ là Hiền-phi Lê Mỹ-Nga quản thúc trong cung. Mãi năm năm tuổi, mới được sổ lồng, được gửi lên Bắc-biên cho anh rể, chị gái nuôi, trong cái không khí quân lữ, thành ra không có bạn cùng lứa để nô đùa. Bây giờ, nó được tập võ cùng với hàng mấy trăm đệ tử. Được chạy, nhảy nô đùa trong cái không gian tươi sạch, đầy hoa cỏ của đồng quê. Nó cảm thấy hạnh phúc cùng cực. Trong các bạn, có ba người lớn hơn nó bốn năm tuổi, rất hợp tính nó. Một là Vũ Kim, võ công cao hơn nó gấp bội, thường chỉ dẫn cho nó. Hai là Phạm Khải, mưu trí tuyệt vời. Ba là Hoàng Ý rất giỏi thủy tính.
Cuộc sống của Thủ-Huy, Đoan-Nghi tại thôn trang thực là êm đềm. Hôm nay theo đoàn thuyền đánh cá, ngày mai lại xem tát nước, đánh kỳ, làm cỏ. Lại cũng có ngày theo nông dân đi phá rừng làm ruộng. Đôi khi cỡi trâu, ngao du khắp núi Côi, cũng có lúc theo thuyền đánh cá ra khơi. Trong suốt một năm, vợ chồng mới cảm thấy rằng mình đã để phí mười năm của cuộc sống hoa niên.
Giữa năm đó thì Đoan-Nghi sinh ra một trai. Nàng đặt tên là An-Quốc. Cũng như tất cả các cháu nội ngoại khác, ông bà Tự-Hấp đem về nuôi, dạy chung trong nhà, cho chúng có tình với nhau.
Được một năm êm đềm trôi qua. Hôm ấy, một ngày đầu tháng Chạp, có sứ giả của Thái-phi Lê Mỹ-Nga xin cầu kiến. Bà là sinh mẫu Long-Tường. Sứ giả chuyển chỉ dụ của bà, xin Thủ-Huy, Đoan-Nghi cho Long-Tường về kinh, để ngày mùng một tết nhận chiếu chỉ cầm binh quyền. Sứ giả nói : Trước đây hoàng tử Long-Tường đã được phong Kiến-Bình vương, nay tới tuổi trưởng thành, mới trao quyền. Đúng ra thì Thái-phi sẽ tuyển quan lại, bộc phụ, mã phu, cung nga, thân binh, thị vệ cho Long-Tường. Nhưng vì bị Đỗ thái hậu kiềm chế, nghi ngờ, nên phi không biết ai mà tuyển. Phi nhờ công chúa tuyển dùm.
Thủ-Huy hỏi :
- Phủ đệ của Kiến-Bình vương có thay đổi không ? Hiện ở đâu ?
- Thưa phò mã vẫn không thay đổi, chính là phủ Khai-Quốc.
Thủ-Huy chỉ Long-Tường nói với Đoan-Nghi:
- Phủ đệ Khai-Quốc rộng lớn nhất trong các phủ đệ của các thân vương. Tường đệ hiện chưa có gia sư, thân binh, cung nga, bộc phu, mã phu. Vậy ta có thể nhờ Trung-Từ Bảo Bảo tuyển dùm. Về võ công thì hiện Long-Tường không thua bất cứ võ quan nào trong triều. Phủ Khai-Quốc quá rộng, nay cho Tường về, ta cũng nên gửi theo y một số cao thủ để làm chân tay thân tín. Em định sao ? Em định tâu xin cho Tường nhiệm vụ gì ?
- Về binh quyền, có bốn chức vụ quan trọng nhất, sau Thái-úy. Một là Tổng-lĩnh Thiên-tử binh. Hai là Đại đô đốc. Ba là Tổng-lĩnh Kị-binh, Ngưu-binh. Bốn là Tổng-lĩnh cấm quân, thi vệ. Em muốn tâu xin trao cho Tường giữ chức Long-thành tiết độ sứ, Tổng-lĩnh thị vệ, cấm quân, kiêm Tổng-trấn Thăng-long. Như vậy, ta loại tên Mạc Hiển-Tích ra ngoài. Đỗ An-Di muốn khuynh đảo xã tắc thì y không sai được Thiên-tử binh của Long-Ích, Kị-ngưu binh của Tăng Khoa, Thủy-quân của Tá-Chu, và cấm quân thị vệ của Long-Tường.
Trần Lý mỉm cười thương hại :
- Cô em dâu ngoan như con thỏ của anh ơi !Vụ này anh thấy có hai cái nhiêu khê. Khó mà thành được !
Từ khi về Thiên-trường, bề ngoài thì Trần Lý với Đoan-Nghi là anh chồng, em dâu ; chứ thực sự ra Trần Lý đối với nàng như một ông bố đối với con gái. Trần Lý hết sức nhỏ nhẹ, chàng lại dạy Đoan-Nghi tất cả những gì của đời sống dân dã, mà nàng không có. Đoan-Nghi kính yêu người anh chồng mình không kém gì phụ hoàng Anh-tông. Nghe Trần Lý nói tới hai cái nhiêu khê, nàng hỏi :
- Thưa anh ! Hai cái nhiêu khê đó là gì ? Em nhìn không ra ! Xin anh dạy cho.
- Cái nhiêu khê thứ nhất là bao nhiêu cấm quân, thị vệ, hiện đều do Hiển-Tích với Đỗ hậu tuyển cả. Long-Tường liệu có chỉ huy được chúng không ?
- Em cũng biết thế, nên em lợi dụng luật có từ đời đức Thái-tổ : Khi một hoàng tử mở phủ đệ, chấp chính thì có toàn quyền tuyển người trong vương phủ. Một vương phủ, quan trọng nhất có bốn chức là trưởng sử, gia sư, mật thư và phủ khố. Trong thời gian Long-Tường ở đây, nó rất thân với ba người là Vũ Kim, Phạm Khải, Hoàng Ý. Vì vậy nó đã xin với bố mẹ cho ba người về trợ giúp. Nó dự tính trao cho Vũ Kim lĩnh chức gia sư, Phạm Khải lĩnh chức trưởng sử, Hoàng Ý lĩnh chức mật thư. Còn chức phủ khố, thì là nhũ mẫu của Tường là vú Châu.
Thủ-Huy hỏi anh :
- Vậy thì em xin bố cho hai đội võ sĩ Long-biên, Côi-sơn theo Long-Tường về, để làm thân binh ! Liệu bố có cho không ?
- Bố vốn chìu các con. Em mà xin thì dĩ nhiên bố cho liền.
- Thưa anh, còn cái nhiêu khê thứ nhì ?
- Liệu triều đình có thể loại Mạc Hiển-Tích ra ngoài như em muốn không ?
- Em nghĩ Thiên-tư Gia-thụy đã lớn, nay thân chính rồi thì phải củng cố, nắm lấy quyền. Cái việc Hiển-Tích tư thông với Đỗ thái hậu làm ô uế cung thất, Gia-Thụy biết hết. Từ xưa đến giờ cái chức Tổng-trấn Thăng-long, kiêm Tổng-lĩnh thị vệ, cấm quân, luôn luôn trao cho các thân vương. Thì bây giờ là dịp Gia-thụy cũng như đại thần chiếu luật, mà loại Hiển-Tích ra, trao cho Long-Tường.
- Anh nghĩ không giản dị như vậy ! Đỗ thái hậu đang say tình với Mạc Hiển-Tích còn gấp bội Cảm-Thánh thái hậu say Đỗ Anh-Vũ, Lưu Kỳ. Nếu Mạc còn giữ chức vụ Tổng-lĩnh cấm quân, thì mới hy vọng ra vào Hoàng-thành. Bây giờ y bị loại ra, thì Đỗ thái hậu sẽ lồng lộn lên như con lợn cái động đực. Bà sẽ không chấp thuận. Xưa Cảm-Thánh thái hậu mê Đỗ Anh-Vũ, Lưu Kỳ, mà còn muốn hại vua Anh-tông để nhường ngôi cho tình nhân. Huống hồ Đỗ thái hậu. Anh nghĩ việc em cho Long-Tường thay y không thành đâu.
Long-Tường hỏi :
- Chị Đoan-Nghi ! Em không hiểu ! Chị nói chi tiết cá vụ này hơn một chút.
Đoan-Nghi ôm lấy đầu Long-Tường :
- Được ! Chị vì em mà giảng.
Đoan-Nghi nói thực chậm :
- Lối phân quyền của triều đình do Quốc-phụ Khai-Quốc vương thiết lập, sao tránh cái nạn tướng cầm quân khuynh đảo triều đình. Người duy nhất muốn làm loạn, tiếm vị được là Thái-úy. Nhưng Thái-úy phải nắm được Khu-mật viện, Thiên-tử binh, thị vệ cấm quân, Thủy-quân, Kị-binh, Ngưu-binh. Bởi muốn ban lệnh, điều động quân thì phải qua Khu-mật viện...
Thấy Long-Tường gật đầu, trầm tư. Thủ-Huy hỏi :
- Em thử nói tiếp anh nghe xem có đúng không nào ?
- Ví thử Thái-úy không nắm được Khu-mật viện, thì không làm được lệnh điều quân.
- Được ! Em tiếp đi.
- Nếu ông ta nắm được Khu-mật viện, nhưng khi lệnh điều quân làm phản ban ra cho Thiên-tử binh. Thiên-tử binh không tuân thì cũng vô ích. Giả như ông ta nắm được tướng chỉ huy Thiên-tử binh, y đem quân về làm phản, mà không được Thủy-quân chở sang sông cũng hỏng. Bằng như ông ta nắm được Thủy-quân nữa, thì thị vệ, cấm quân, Kị-binh, Ngưu-binh chống lại, thì cũng vô phương.
- Giỏi !
- Cho nên thời đức Thánh-tông, bấy giờ Thái-úy Thường-Kiệt tuy được tin dùng, nhưng quản Khu-mật viện lại là Trung-Thành vương, tổng lĩnh Thiên-tử binh là Tín-Nghĩa vương thuộc thân vương. Đại đô đốc là Lý Kế-Nguyên, người thân tín của Linh-Nhân hoàng thái hậu. Tổng lĩnh cấm quân, thị vệ là Hùng-Nhân, đệ tử của Mộc-tồn hòa thượng. Tướng chỉ huy Kị-binh là Hà Mai-Việt, là anh em phía ngoại của đức Thánh-tông.
- Giỏi !
Từ hôm vợ chồng Thủ-Huy về Thiên-trường sống đến giờ, thì tuy ông bà Tự-Hấp, Đại-Việt ngũ tuyệt, Vỵ-xuyên ngũ tiên... Bề ngoài có vẻ niềm nở, thương yêu hai người. Nhưng trên nét mặt mọi người dường như ẩn tàng một điều gì lo lắng, mà không ai nói ra. Bây giờ nghe Đoan-Nghi, Thủ-Huy định đưa Long-Tường về lĩnh Long-thành tiết độ sứ, rồi giảng cho Long-Tường về đại kế phòng ngự giữ ngôi vua từ thời Thái-tổ để lại. Hai người thấy Trần Lý xịu mặt xuống, thoáng một nét buồn.
Đoan-Nghi hỏi :
- Anh có điều gì lo lắng thì phải ?
Trần Lý gật đầu, rồi chỉ Thủ-Huy :
- Khai-Quốc vương quả là thần nhân ! Còn chú, chú cứ tự tin vào công lao, vào lòng trung của mình, mà không xét thấy mối lo lắng của Long-Xưởng. Bây giờ lại không nghĩ đến mối lo của Đỗ thái-hậu.
- ? ! ! ? !
- Chính vì chú không biết Long-Xưởng, nên Long-Xưởng mới phải mượn tay Cảm-Thánh thái hậu giết ba vương, rồi xua đuổi chú với Đào Duy, Tăng Khoa.
Thủ-Huy cau mày :
- Đó là ý của Long-Xưởng. Như anh thấy Đại đô đốc là Kiến-Ninh vương ! Quản Khu-mật viện là Tăng Quốc, chồng của nhũ mẫu Long-Xưởng. Tổng-lĩnh Kị, Ngưu binh là Tăng Khoa, em sữa của anh ấy. Tổng-lĩnh Thiên-tử binh là Kiến-An vương. Tổng lĩnh cấm quân thị vệ là Mạc Hiển-Tích. Như vậy, em muốn đem quân làm phản, thì dễ gì bằng ấy người nghe theo ?
- Trời ơi ! Chú ngây thơ quá đi. Trong hai lần chú đem quân về Thăng-long cứu Long-Xưởng, chú có cần Khu-mật viện làm lệnh đâu, mà các tướng cũng răm rắp tuân lệnh chú ?
- ! ! !
- Tỉ như chú làm phản, thì không cần Kiến-Ninh vương theo chú, chú vẫn trực tiếp ban lệnh cho các đô đốc thủy quân có đúng không ?
- Vâng ! Vì họ là đệ tử của em.
Trần Lý cốc vào đầu Thủ-Huy :
- Ngốc ơi là ngốc ! Còn như chú muốn điều động Thiên-tử binh, chú có thể ra lệnh cho các đô thống chỉ huy các hiệu binh, mà không cần qua Kiến-An vương. Có đúng không ?
- Vâng. Vì các đô thống đều là người em đào tạo ra.
- Hứ ! Thế khi chú muốn cướp ngôi vua của Long-Xưởng, thì chú chỉ cần sai mật sứ gọi Thủy-quân, Thiên-tử binh kéo về Thăng-long, đánh úp kinh thành bất cứ lúc nào, bấy giờ Xưởng chỉ có đường ngửa cổ ra cho chú chặt đầu.
Thủ-Huy à lên một tiếng :
- Em chủ quan, tự tin vào lòng trung, công lao, mà không nghĩ tới mối lo lắng của Long-Xưởng. Còn ba vương, người nào cũng có tài cầm quân, cũng uy tín hơn Long-Xưởng. Nên anh ấy phải trừ đi. Ừ nhỉ ! Giá anh ấy đợi lên ngôi vua ít lâu rồi hãy trở mặt thì đâu đến nỗi !
Trần Lý bẹo tai em :
- Cái chú này lú lẫn rồi ! Vua Anh-tông băng hà, không để di chiếu lại nhường ngôi cho Long-Xưởng. Vì vậy Long-Xưởng cần phải được tất cả đại thần ký vào biểu tôn lên ngôi. Trước mặt Long-Xưởng, y có hai khối đại thần. Một khối gồm có chú với ba vương, và một số đại thần phò tá Xưởng. Một khối khác gồm các gian thần, các đại thần già nua, ù lỳ. Từ mười năm qua, bao nhiêu công lao của ba vương với chú, với đám trung thần phò tá Xưởng để chống bọn nịnh quan. Bây giờ Xưởng muốn lên ngôi vua thì phải giết hết chúng đi, lấy lý do chúng làm loạn. Rồi bọn chú ký biểu tôn y lên ngôi vua. Có đúng thế không ?
- Vâng !
- Còn như để chúng sống, tức chúng không có tội. Nhưng Long-Xưởng ăn làm sao nói làm sao với các chú ? Để chúng sống tức coi tụi nó như chân tay, ban chức tước cho chúng, chúng mới ký vào biểu tôn Xưởng lên ngôi. Nhưng Xưởng làm việc đó thì chú, rồi Tăng Khoa, ba vương phản đối. Giữa hai khối người, một khối ù lỳ, nhưng chúng chỉ là con chó, trước kia chúng tuân chỉ vua Anh-tông, bây giờ chúng lại nghe lệnh Long-Xưởng mà xủa ; không những chúng không nguy hiểm, mà lại được việc. Còn một khối, toàn những người tài trí, uy quyền áp đảo Long-Xưởng, nắm quân lữ trong tay ; trước kia thì rất cần thiết, khi mà cái mộng đánh chiếm Lưỡng-Quảng không còn nữa, thì trở thành vô ích, nguy hiểm. Vì vậy Long-Xưởng phải giết ba vương, xua đuổi, rồi sẽ giết chú với Tăng Khoa sau.
Thủ-Huy vò đầu :
- Em ngu quá ! Em ngu quá !
Trần Lý bẹo hai má Thủ-Huy :
- Ngu một lần, suýt tan nát đất nước. Bây giờ chú lại sắp ngu hơn lần trước nhiều !
- Em về đây đi cầy, có dính dáng gì tới triều chính nữa đâu !
- Hư ...ư...ư ! Đỗ thái-hậu, Đỗ An-Di muốn khuynh đảo triều đình từ lâu. Nhưng trong thì họ bị Lý Kính-Tu, Vũ Tán-Đường cản trở. Ngoài thì bị chú đầy uy quyền ức chế. Có đúng thế không ?
- Vâng !
- Chú chán chường cái ô uế, kinh tởm ở hậu cung, chú muốn đem quân làm cỏ bọn gian thần. Nhưng vì bố không cho. Nên chú lui về điền dã. Về điền dã thì phải buông hết. Thế nhưng Thượng-phương bảo kiếm nằm trong tay cô vợ xinh đẹp, kiếm thuật thần thông của chú. Hỏi rằng bọn An-Di, Hiển-Tích làm sao mà ăn ngon, ngủ yên được ?
- ! ! !
- Đỗ thái hậu nơm nớp sợ chú hơn Long-Xưởng sợ chú nữa. Khác một điều là bà không sợ chú cướp ngôi, mà sợ chú giết bà ấy với Gia-Thụy, rồi đưa Long-Ích, Long-Tường thay thế.
- ! ! !
- Về binh lực, tuy An-Di giữ chức Thái-úy, mà y không nắm được những lực lượng chính. Này nhé, em rể chú là Tá-Chu còn cầm quyền Đại đô đốc. Đệ tử, kiêm nghĩa đệ Tăng Khoa còn cầm Kị, Ngưu binh. Mới đây, chú lại tâu xin trao Thiên-tử binh cho Long-Ích. Rồi bây giờ định gạt tình nhân của Đỗ thái hậu là Mạc Hiển-Tích ra, để đưa Long-Tường về thay thế. Có khác gì chú kề gươm vào cổ anh em họ Đỗ không ? Chú về điền dã mà uy quyền ngang với một Thái-thượng hoàng, vượt hẳn chức Thái-úy của Đỗ An-Di. Anh nghĩ, Đỗ hậu, với An-Di sẽ không ngồi yên để bị chú kiềm chế đâu. Thế nào họ cũng ra tay hại chú. Trang Thiên-trường này khó mà yên được. Có khi y vu cho chú thím một vài tội gì đó, rồi mang quân về bắt. Dĩ nhiên chúng ta chống lại. Bấy giờ y chỉ việc sai một hiệu binh về tàn phá trang này. Chúng ta chỉ có mấy trăm đệ tử thì chống sao lại ?
Thủ-Huy, Đoan-Nghi như người trong mộng chợt tỉnh. Đoan-Nghi nói cứng :
- Nhưng nay Đỗ không còn là phụ chính, Đỗ hậu không còn thính chính nữa. Quyền trong tay Gia-thụy mà !
- Anh cũng hy vọng Long-Trát nắm được quyền.
Thế rồi ông bà Tự-Hấp sai Phương-Lan, Bảo-Bảo chuẩn bị hành trang cho Long-Tường theo sứ giả về Thăng-long.
Trung-Từ Bảo Bảo đã tuyển đủ thị nữ, bộc phụ, mã phu cho phủ Kiến-Bình. Trước khi thuyền rời bến, ông bà Tự-Hấp cầm tay Long-Tường :
- Vợ chồng ta tuy dạy văn, luyện võ cho con, nhưng chúng ta không thu con làm đệ tử. Con có biết tại sao không ?
- Thưa, con biết !
- ? ? ?
- Vì thế lực phái Đông-a quá lớn, mà trong triều thì Đỗ thái hậu, Đỗ An-Di, Mạc Hiển-Tích khuynh đảo triều đình, hoàng huynh lại quá nhu nhược. Nếu con là đệ tử phái Đông-a, họ sợ con tiếm ngôi vua...Vì vậy sư phụ, sư mẫu mới không cho con làm lễ nhập môn.
- Đúng vậy !
Ghi chú của thuật giả:
Vì những liên hệ gữa Lý Long-Tường với Nguyên-tổ Trần Triều là Trần Lý, nên sau này tuy nhà Trần lên ngôi, nhưng vẫn tu bổ, tế lễ lăng tẩm các vua triều Lý. Chứ không có việc đào hố làm bẫy rồi giật sập tiêu diệt như ảo sử đã thuật.
Nguyên do, có ảo sử là từ xưa đến giờ các sử gia đều tin theo ĐVSKTT, cho rằng : Khi Lý Chiêu-Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh vào tháng 10 niên hiệu Thiên-chương Hữu-đạo thứ nhì (1225), thì Trần Thủ-Độ loại tất cả các thân vương, đại thần thuộc hoàng tộc nhà Lý ra khỏi quan trường. Năm sau, niên hiệu Kiến-trung nguyên niên, đời vua Thái-tông nhà Trần, ngày 10 tháng 8 (1226) Thủ-Độ bức tử vua Lý Huệ-Tông, rồi giết hết tông tộc triều Lý.
Trong khi ấy, gia phả cả bốn dòng con cháu Hưng-Đạo vương, lại chép rằng tông tộc Lý triều không hề bị giết, mà chỉ phải đổi thành họ Nguyễn, vì kiêng tên Nguyên-tổ Trần Lý.
Nhưng người ta tin theo ĐVSKTT, chứ không chịu suy xét thêm.
Mãi tới năm 1941, tạp chí Sử-học số 2 của Nhật-bản đã sưu tầm, tìm ra một sự kiện đặc biệt thì vấn đề này được soi sáng :
« Tháng tám năm Bính-Tuất (1226), đại đô đốc Trần triều là Lý Long-Tường, con thứ 6 vua Anh-tông, đã đem toàn bộ chu sư, tướng sĩ, tông tộc rời Đại-Việt, tỵ nạn tại Cao-ly ».
Rồi thời đệ nhất Cộng-hòa), tổng thống Lý Thừa-Vãn của Đại-hàn trong khi viếng thăm Việt-Nam, ông cũng tuyên bố rằng tổ tiên ông là người Việt. Bấy giờ tôi còn là một sinh viên, nhưng cũng ghi tâm sự kiện này, tự hẹn sau sẽ đi tìm cho ra sự thực : Nếu như quả có việc Lý Long-Tường đem mấy nghìn người họ Lý sang Cao-ly, thì không có việc Thủ-Độ tuyệt diệt con cháu họ Lý.
Tháng 8 năm 1980, đi dự đại hội y khoa Trung-quốc ở Hàng-châu, tôi có dịp làm quen với phái đoàn Bắc-cao. Trong phái đoàn có bác sĩ Lý Chiếu-Minh ở Hùng-xuyên (Hunchon) và nữ bác sĩ Lý Diệp-Oanh ở Thuận-xuyên (Sunchon). Nghe tôi họ Trần, lại là người Việt-Nam, bác sĩ Lý Diệp Oanh trỏ tay vào trán tôi : « Vì tổ tiên anh xua đuổi, nên tổ tiên tôi mới thành thuyền nhân, và Đại-Hàn mới có họ Lý ».
Xin đọc phụ bản : Nguyên-tổ hai giòng họ Lý ở Hàn-quốc, cuối quyển 3, bộ AHĐA, Dựng-cờ bình Mông.
Long-Tường lên đường được nửa tháng sau thì người nhà của Vũ Kim, Phạm Khải, Hoàng Ý trở về. Họ trình bầy :
- Kiến-Bình vương về Thăng-long, vào triều kiến nhà vua, giữa lúc đang thiết tiểu triều. Đỗ thái hậu vẫn ngồi thính chính cùng Đỗ An-Di, Mạc Hiển-Tích. Ba người nắm hết quyền. Cả ba áp chế nhà vua còn hơn hồi trước Cảm-Thánh thái hậu, Đỗ Anh-Vũ áp chế vua Anh-tông nữa.
Thủ-Huy nghiến răng :
- Bọn này đáng chết thực.
- Khi Long-Tường dâng biểu của công chúa Đoan-Nghi thì Hiển-Tích tiếp lấy đọc, mà không trao cho nhà vua. Y bỏ biểu vào túi rồi tâu : Năm nay Kiến-Bình vương đã đến tuổi trưởng thành. Lý ra thì trao cho quyền hành, cùng tham chính tại triều. Hiện Nam phương đang thiếu người tín cẩn. Vậy xin trao cho lĩnh chức tổng trấn Nam-thùy. Thái-hậu tuyên chỉ chấp thuận, truyền cho vương phải dẫn thủ hạ lên đường ngay trong ngày. Vương xin vào bái kiến Lê thái phi, hậu cũng không cho. Vương được mang theo đội võ sĩ Long-biên. Còn đoàn võ sĩ Côi-sơn thì trao cho Vân-ma thượng-tướng quân Đàm Thì-Phụng quản lĩnh, đóng tại Bắc-ngạn.
Thủ-Huy kinh ngạc :
- Đàm Thì-Phụng đang là đô thống chỉ huy hiệu Ngưu-binh, trấn ở biên giới sao lại về triều ? Về từ bao giờ ?
- Thưa phò mã, năm trước con gái của Đàm tướng quân là Đàm Ngọc-Anh, được phong là nguyên phi. Vì vậy trong triều lại nảy ra một thế lực mới là thế lực họ Đàm. Bác ruột của nguyên phi là Đàm Dĩ-Mông được cử làm quản Khu-mật-viện, lĩnh Lại-bộ thượng thư, Đồng-bình chương sự (Phó tể tướng), hàm Thái-bảo.
- Á chà !
Thủ-Huy than :
- Thế giữa phe Đỗ An-Di vơí phe Đàm Dĩ-Mông có chống đối nhau không ?
- Không ! Tuy vậy Đỗ thái hậu cho rằng Thì-Phụng là người của phò mã, vì thế Đàm Ngọc-Anh tuy được hoàng thượng sủng ái, mà chỉ được phong làm Nguyên-phi, mà không được phong làm Hoàng-hậu. Ngôi Hoàng-hậu vẫn bỏ trống. Tuy vậy, con quý, thì phụ vinh. Thái-phó Lý Kính-Tu chiếu luật tâu xin triều đình gia quan tiến chức cho Dĩ-Mông, Thì-Phụng.
Nguyên trước đây Đàm Dĩ-Mông theo phe Cảm-Thánh hoàng thái hậu, đã phản lại vua Anh-tông và Chiêu-Linh hoàng hậu nhiều lần. Khi triều đình gà mái gáy bị dẹp, y được Đỗ An-Di che chở, nên thoát khỏi chết. Từ ngày ấy đến giờ, y bị thất sủng, bị trù dập, chỉ được giữ những chức vụ canh phòng quanh Thăng-long. Tuy nhiên em y là Đàm Thì-Phụng tương đối có tài, được Thủ-Huy nâng đỡ, trao cho thống lĩnh đạo Ngưu-binh, đặt dưới quyền Tăng Khoa.
Bây giờ Thủ-Huy, Đoan-Nghi mới phục Trần Lý nhìn xa, biết trước những gì sắp xẩy ra. Công hỏi anh :
- Anh bảo chúng em phải làm gì ?
- Chú có hai con đường đi.
- ! ! !
- Ngay bây giờ, sai mật sứ liên lạc với Gia-thụy, tâu trình tất cả những nguy cơ, những lạm quyền của họ Đỗ, của Mạc Hiển-Tích. Rồi xin nhà vua ban mật chỉ cho chú mang quân về tru diệt chúng. Khi có mật chỉ, chú điều động vài hạm đội, vài hiệu Thiên-tử binh về Thăng-long, làm cỏ hết bọn nghịch thần, bọn họ Đỗ.
Đoan-Nghi lắc đầu :
- Bọn em không muốn làm việc này. Trước đây, bọn em đã làm hai lần cho anh Long-Xưởng, một lần cho Gia-thụy rồi. Bây giờ bọn em muốn xa lánh hết. Vả bọn em không thể giết Đỗ thái hậu, khi giết Đỗ thái hậu thì phải phế Gia-thụy rồi giết đi. Bọn em không có can đảm giết Gia-thụy.
- Vậy thì chỉ có cách theo gương Phạm Lãi, cáo quan, du ngoạn ngũ hồ thì mới yên thân.
- Nghĩa là ?
- Chú thím dâng biểu về triều xin được sang Trung-nguyên du ngoạn ít năm. Khi chú ra hải ngoại rồi, thì anh em họ Đỗ như tù được tha tội. Họ sẽ hết lo sợ. Hết lo sợ, thì hết nghi ngờ. Còn anh em họ khuynh đảo triều đình thì kệ họ. Ta mũ ni che tai.
Nghe Trần Lý luận, Đoan-Nghi run run hỏi :
- Liệu khi chúng em xa quê hương, bọn họ Đỗ có dám cướp ngôi không ?
- Đại phàm, xưa nay bọn gian thần muốn làm chuyện ấy, thì phải có tài cả văn lẫn võ, lại có nhiều uy thế, nắm được quân lữ. Nay anh em họ Đỗ không nắm được gì cả. Chẳng qua, Đỗ hậu chỉ muốn bảo vệ ngôi vua của Long-Trát, An-Di muốn nắm quyền, ban phúc, giáng họa mà thôi. Còn cướp ngôi thì bất quá chúng sẽ dâng biểu cầu phong với Tống triều. Tống triều gồm toàn các đại nho, không bao giờ họ chấp thuận giúp bầy tôi cướp ngôi vua.
Thế rồi Đoan-Nghi gửi biểu về triều xin triều đình cùng Thủ-Huy sang du ngoạn Trung-nguyên. Trong biểu kể rõ, nào viếng chiến trường cũ thời Anh-vũ Chiêu-thắng. Nào thăm núi Thiên-đài, nơi vua Minh tế cáo trời đất rồi chia thiên hạ làm hai, thành Trung-nguyên, Lĩnh-Nam. Nào viếng hồ Động-đình, nơi phát tích ra hai vị quốc mẫu. Nào thăm Vạn-lý trường thành.
Trong khi chờ đợi chỉ dụ cho phép, thì Trần Lý Phương-Lan, Trung-Từ Bảo-Bảo chuẩn bị một con thuyền thực lớn, thuyền phu thực giỏi, nước ngọt, lương thực, y phục cho hai người. Con thuyền này mang tên Thiên-ưng.
Thúy-Thúy muốn theo Thủ-Huy đi, để có dịp về thăm quê hương. Song nàng sợ Đoan-Nghi, mà không dám mở miệng. Cuối cùng nàng biết người có uy nhất đối với Thủ-Huy Đoan-Nghi là ông bà Tự-Hấp. Còn người mà có thể năn nỉ lại là Trung-Từ Bảo-Bảo. Nàng nhờ Bảo-Bảo nói với Trung-Từ. Trung-Từ nhận lời liền.
Chiều hôm ấy Trung-Từ Bảo-Bảo gọi Thủ-Huy ra chỗ vắng rồi cười :
- Tớ hỏi thực đằng ý một câu nghe.
- Hỏi gì thì hỏi đi !
- Đằng í với Thúy-Thúy đã có gì chưa ?
- Có gì là cái gì ?
- Đồ con kợp ! Lại giả vờ rồi. Có gì là gì gì với nhau ấy ?
- Gì gì là cái gì mới được ?
- Này liệu hồn, đừng có giả vờ giả vịt. Đây biết hết rồi.
- Đồ con tườu ! Hỏi gì thì hỏi thẳng, ấm ớ hoài !
Trung-Từ ghé miệng vào tai Thủ-Huy :
- Cái của nợ này, giả vờ giả vịt khéo lắm. Hồi xưa của nợ đã nhìn thấy hết cô nàng. Cho nên từ hôm ấy, cô nàng nhất kiến chung tình (thấy một lần, yêu đến chết). Nghe Bảo-Bảo nói cô nàng si của nợ lắm, luôn ước mơ được của nợ thưởng thức nụ đào đời con gái. Vậy của nợ thưởng thức bao giờ ? Đã không ? Thưởng thức bao nhiêu lần rồi ?
- Nếu mỗ nói rằng có gì, thì mỗ nói láo. Còn nói không có gì, thì cái đồ con tườu lại không tin. Vậy nhà mi muốn nghĩ sao thì nghĩ.
- Như vậy là nhận tội rồi phải không ? Phải hối lộ ! Đây thích ăn của đút lắm ! Bằng không đây tố cáo với Đoan-Nghi thì chỉ có chết .
- Muốn hối lộ gì ?
- À, có tội mới hối lộ. Hè ! Hối lộ gì hả ? Dễ thôi ! Đem nàng theo, để nàng được về thăm quê cho đỡ nhớ ! Hơn nữa khi vườn hồng của Đoan-Nghi nở, thì còn có nàng thay thế. Chịu không ?
- Chịu thì mỗ chịu. Nhưng Bảo-Bảo phải nói với Đoan-Nghi, chứ mỗ mở miệng ra là mắc quai !
Trung-Từ cười hô hố :
- Như vậy là xong rồi ! Nói cho mà biết, hôm qua tớ đã đề nghị với Đoan-Nghi. Cô nàng bảo hỏi đằng ý. Bây giờ đằng ý bằng lòng thì hẩu lớ.
Cuộc chuẩn bị xong, Thủ-Huy, Đoan-Nghi ngồi chờ chiếu chỉ ban ra. Hai người không phải chờ lâu, năm ngày sau, trong khi cả nhà đang ăn cơm thì tráng đinh vào báo :
- Có sứ giả từ Thăng-long cầu kiến công chúa điện hạ.
Thủ-Huy, Đoan-Nghi vội vã ra đón. Sứ giả là một viên thị lang ở bộ Lễ, con thứ của ông bà Đào Duy tên Đào Bá.
Lễ nghi tất.
Đào Bá nói :
- Hoàng thượng nhận được biểu của điện hạ xin hành hương đất tổ, long tâm mừng lắm. Người cũng muốn du hành một chuyến, nhưng thân thế, địa vị không cho phép. Người bàn với Lý thái phó rằng để công chúa phò mã dễ dàng di chuyển, người đã sai sứ cáo cho Tống-triều biết việc triều đình Đại-Việt gửi hai vị sang tế Quốc-tổ, Quốc-mẫu. Hoàng thượng còn tuyên chỉ : Công chúa, phò mã làm quan thanh liêm, nên không dư giả. Nay lên đường hành hương, cần chi tiêu nhiều, hoàng thượng ban cho công chúa mười nén vàng.
Nói rồi, y xuất trong bọc ra một cái hộp bọc lụa đỏ, trong hộp đựng vàng sáng chói.
Thế là ba ngày sau, phái Đông-a tiễn Thủ-Huy, Đoan-Nghi cùng tùy tùng xuống con thuyền Thiên-ưng. Con thuyền đậu ngay bến sông trước căn nhà mà Thủ-Huy, Đoan-Nghi ở. Bây giờ là đầu Xuân, hoa mơ, hoa mận nở trắng rực một bầu trời. Đoan-Nghi bước đi giữa bầu trời rực hoa, mà luyến tiếc rằng mình đã bỏ ra đi, khi hoa trổ sắc.
Cầm tay cháu, đại hiệp Tự-Kinh ân cần dặn dò :
- Trước đây thầy địa lý Đoàn Thông đã nói : Ngôi mộ trên núi Tiêu-sơn đã hết phúc. Họ Lý suy đồi là lẽ thường của trời đất. Ngặt vì mang danh hiệp nghĩa, ông mủi lòng trước lời cầu khẩn của Long-Xưởng mà cho con về Thăng-long làm quan. Rốt cuộc cả môn phái Đông-a, cả nhà mình làm cái công việc dã tràng xe cát biển Đông. Tuy vậy, ông cháu ta cũng đạt được một thắng lợi lớn vĩnh cửu là Trung-nguyên phải công nhận quốc danh của ta, chứ không còn coi là một quận của họ như nghìn năm qua. Thôi bây giờ hai cháu cứ thản nhiên lên đường, ngao du thắng cảnh. Việc triều đình hãy buông lỏng.
Bà Tự-Hấp dặn Đoan-Nghi :
- Một vị Vạn-thế sư biểu như Khổng-tử, cũng phải công nhận rằng ta nên đổi con cho nhau mà dậy. Cha mẹ dậy con, thì không mấy kết quả. Cho nên tất cả các cháu, ông nội dậïy hết. Bây giờ hai con cứ vui vẻ ra đi, cháu An-Quốc, để mẹ dậy cho.
Phương-Lan dắt Trần Tự-Thừa, Trần Tự-Khánh theo ra bờ sông tiễn chú thím. Hai trẻ dường như có linh tính rằng kỳ này chú thím ra đi phải lâu lắm mới trở về. Chúng ôm lấy Thủ-Huy, Đoan-Nghi, không muốn buông ra.
Thừa hỏi Đoan-Nghi :
- Bao giờ thím về ?
- Mau nhất thì sáu tháng, còn lâu thì hai ba năm. Con biếu thím cái gì nào ?
Thừa sờ tay vào túi, trong túi chỉ có ba đồng tiền. Nó đưa mắt nhìn xung quanh. Ngay cạnh nó, một cây mận hoa nở trắng rực một khoảng không gian. Nó hái một cành hoa nhỏ rồi trao tay cho Đoan-Nghi :
- Con biếu thím đấy.
Đoan-Nghi cảm động, nàng tiếp cành hoa mận, rồi định tìm một vật tặng cháu, thì chợt thấy chồng cùng tùy tùng đã xuống thuyền đang chờ đợi mình. Nàng vội tung mình lên nóc thuyền, tay chỉ vào cả vườn mận nói với Thừa :
- Thím đi còn lâu mới về, vườn mận này có 175 cây, thím cho cháu đấy.
Thừa chắp tay lại :
- Cháu xin đa tạ thím.
Sau câu nói của Trần Thừa, trời đang âm u, mây dăng mù mịt, bỗng ánh dương Xuân tỏa xuống, phủ lên trăm hoa. Người người nhìn nhau, trong cái buồn chia ly, có cái vui trong ánh vàng ban mai.
Ghi chú của thuật giả:
Huyền thoại Trần Thừa hái hoa mận tặng Đoan-Nghi. Đoan-Nghi tặng vườn mận 175 cây cho Trần Thừa thường được đem thuật lại vào ngày rằm tháng giêng tại các nhà từ họ Trần. Ý nghĩa như sau : Cây mận, trong Hán-tự là Lý. Do thiên mệnh an bài, nên Trần Thừa hái một cành hoa mậïn tặng Đoan-Nghi, có nghĩa là Đoan-Nghi sẽ bị chính người họ Lý giết. Còn Đoan-Nghi tặng vườn mận 175 cây cho Trần Thừa, có nghĩa nàng trao ngôi vua họ Lý cho Trần Thừa. Sau Trần Thừa thành Thái tổ Trần triều. Trần triều làm vua được 175 năm. Vườn mận, mơ đó đến nay (1997) chỉ còn lại cái tên xóm Mơ.