7/11/12

Anh hùng Tiêu Sơn (H11)

Đến đó cuộc đối thọai của hai người tạm ngừng, vì có nhiều tiếng pháo nổ, tiếng người vỗ tay. Thì ra Đinh Ngô-Thương tổng-trấn Thanh-hóa đứng ra chúc tụng Mỹ-Linh. Y đến trước Mỹ-Linh cung kính hành lễ. Y nói thực lớn:
- Hạ thần, Đinh Ngô-Thương, tổng trấn Thanh-hóa kính cẩn ra mắt công chúa điện hạ. Kính chúc công chúa điện hạ thánh thể an khang, tâm thường an lạc.
Sau đó Đinh Ngô-Thương ê a kể lể công việc cai trị trong trấn, toàn những kết qủa tốt đẹp. Sau Đinh Ngô-Thương đến các quan, lần lượt đến bái yết công chúa, dâng lễ vật. Đợi cho các quan bái yết xong, Mỹ-Linh vận nội lực nói lớn:
- Tuân chỉ dụ của đức Thuận-thiên hòang đế. Hôm nay tôi tới đây để cùng các vị dự lễ tế Bà-vương. Như các vị đã biết, kể từ khi lập quốc đến giờ, vùng Thanh-hóa của ta thời nào cũng nảy sinh ra các bậc anh tài phò vua, cứu nước. Thôn nào, xóm nào cũng có bậc hiền tài làm gương cho dân chúng. Chịu gian lao suốt đời, mưu cứu nước như anh hùng Đào Thế-Kiệt, Đinh Đại, Đào Thế-Hùng. Lập đại công với quốc gia, khảng khái tuẫn quốc như Đào Kỳ, Đào Hiển-Hiệu, Đào Phương-Dung, Quách Lãng. Cũng đất này, anh hùng Đô Dương, Chu Bá, Nguyễn Thành-Công tử thủ chống giặc Hán. Thế rồi, hai trăm lẻ năm năm sau, các anh hùng Cửu-chân lại cùng Triệu Trinh-Nương, nổi dậy đánh giặc Ngô. Sự tuy không thành, song khí tiết anh hùng, muôn đời không phai. Hôm nay chúng ta cùng tụ lại đây để tưởng nhớ công lao các bậc tiền nhân. Hoàng đế có ban sắc chỉ gia phong cho các anh hùng tuẫn quốc đồng thời với Triệu Trinh-Nương.
Lê Thuận-Tông ngồi sau đạo-sư Nùng-Sơn tử. Nó hỏi:
- Sư phụ. Đức hoàng đế ban sắc chỉ phong thần cho bà Triệu cùng các tướng của bà, đây là lần đầu tiên trong lịch sử hay vốn có từ trước?
Nùng-Sơn tử, sẽ vỗ tay vào vai đệ tử:
- Con hỏi câu đó thực phải. Để thầy nói cho con nghe về điển lệ Đại-Việt. Chắc con biết Quốc-tổ, Quốc-mẫu lập quốc ra sao rồi chứ?
- Thưa thầy con biết.
Nùng-Sơn tử tiếp:
- Khi đức hoàng đế bản triều vừa lên ngôi (1010), ngài nghĩ ngay đến việc phong thần cho các anh hùng dựng nứơc, qui luật đã định rõ ràng. Đầu tiên là những vị được tôn phong. Tôn phong khác với tấn phong. Tôn có nghĩa là những bậc có địa vị qúa cao, hơn hẳn hoàng đế. Hoàng đế chỉ dám « tôn » chứ không dám phong tặng. Đó là các vị được tôn lên hàng quốc tổ như Phục-hy, Thần-nông, Hùng-vương (gồm các vua Hùng từ Kinh-dương vương, Lạc Long-Quân trở xuống), An-dương vương. Triều đình truyền xây đựng đền thờ khắp nơi. Hằng năm các ngày giỗ, ngày đản sinh, tổ chức hội rất lớn. Tại Thăng-long chính hoàng đế đứng chủ lễ. Tại địa phương, thì quan chức cao nhất đứng chủ tế. Mọi chi phí do công qũi đài thọ. Lọai thứ nhì là các bậc thánh. Thánh có thánh Gióng tức Phù-đổng Thiên-vương, thánh Chèm tức Vạn-Tín hầu Lý Thân, Nhị Thánh tức hai bà Trưng. Sau, Lão-học ngày càng ảnh hưởng rộng, thêm hai vị thánh nữa là Chử Đồng Tử và Tiên-Dung . Thứ ba đến các thần. Thần chia làm năm bậc khác nhau. Bậc cao nhất là các anh hùng dựng nước, có huân công với dân tộc như Đào Kỳ, Phương-Dung, Thánh-Thiên, Phùng Vĩnh-Hoa, Đàm Ngọc-Nga, Triệu Trinh-Nương, Ngô Quyền v.v. Bậc thứ nhì là các thần hiển linh, giúp đỡ, che chở cho dân chúng, được gọi là phúc thần. Các quan địa phương theo thỉnh nguyện của dân chúng dâng biểu về triều. Bộ lễ có bổn phận cứu xét, rồi tâu lên hoàng đế ban sắc phong. Bậc thứ ba, là những vị có công với thôn xóm. Khi chết dân chúng thờ cúng. Những vị đó dù không hiển linh cũng vẫn được phong. Thứ tư là những vị thần trong truyền kỳ, như thần sông, thần núi, thần sấm, thần sét. Những lọai thần này nếu hiển linh giúp dân. Quan địa phương theo thỉnh nguyện của dân chúng, dâng biểu về triều. Bộ lễ cứu xét một lần nữa, nếu có gì nghi hoặc, bộ cho điều tra lại, rồi thượng biểu lên hoàng đế, ban sắc phong.
Ông ngừng lại cho học trò theo kịp, rồi tiếp :
__ Đối với bà Triệu, hồi tiền Lý. Vua Lý Nam-Đế đã ban sắc phong cho bà vào năm Giáp-tý (544 sau Tây-lịch). Đến thời Lý lại một lần nữa ban chỉ dụ tu bổ đền thờ cùng lăng bà. Tuy các đời trước chỉ phong bà là thần, họăc công chúa họăc linh thần. Song dân chúng vẫn gọi bà là Lệ-hải Bà-vương. Hôm nay công chúa đem sắc chỉ của Thuận-thiên hoàng đế đến tế lăng bà Triệu, truy phong bà cùng các vị anh hùng theo bà khởi nghĩa.
Nghi lễ tế bắt đầu.
Hà Thiện-Lãm, Trần Anh đến ngồi cạnh Thanh-Mai. Thanh-Mai hỏi:
- Nãy đến giờ hai em đi đâu?
- Bọn em tuân lệnh anh ba Tạ Sơn theo dõi một bọn Tầu. Chúng ẩn ẩn hiện hiện đó vẻ gian dối. Anh Sơn dặn bọn em báo cho chị biết, phải tối cẩn thận. E chúng ám sát chị Mỹ-Linh.
Thanh-Mai gật đầu:
- Em yên tâm.
Từ hồi có trí nhớ, Lãm, Tông từng xem tế nhiều lần. Chúng xem chỉ để mà xem, tuyệt không hiểu những động tác đó ra sao. Bây giờ bên cạnh chúng có Thanh-Mai. Trong tâm tưởng, chúng cho rằng cái gì Thanh-Mai cũng biết, chúng tha hồ mà hỏi.
Thiện-Lãm hỏi Thanh-Mai:
- Thông thường tế các thần khác, tam sinh gồm trâu, dê, lợn. Hôm nay tế bà Triệu lại thay trâu bằng nai. Em đố chị biết tại sao đấy?
- Chắc hồi còn sống bà thích ăn thịt nai?
- Không phải. Đương thời, bà Triệu cấm giết trâu, bò, hầu giữ hai con vật này, dùng cầy cấy.
- Nai thì làm sao tĩnh sinh được?
Thiện-Lãm nhăn mặt:
- Tĩnh sinh là gì vậy?
- Em không biết à? Trước khi tế một ngày, chủ tế phải làm lễ cáo yết, dắt tam sinh ra khám xét xem chúng có thực khỏe không? Có béo tốt không? Có sạch sẽ không. Sau khi biết chắc tam sinh thực tốt, ông cầm chén rượu đổ vào đầu chúng. Sau đó người ta mới giết chúng. Lễ đổ rượu có tên tĩnh sinh.
Thiện-Lãm hiểu được ý nghĩa đổ rượu vào đầu tam sinh. Nó sướng quá, hỏi:
- Mọi năm, trước khi tế một ngày, ban trị sự mặc áo thụng, đem kiệu đến nhà vị làm văn tế, rước bản văn về. Người viết văn tế cũng phải đội mũ, mặc áo thụng đi theo. Tới đền, ông chủ tế ra đón vào. Sao năm nay không có lệ đó?
Thanh-Mai bẹo má nó:
- Hai thằng giặc này! Hôm qua Mỹ-Linh nói rồi, không nhớ sao?
- Ừa nhỉ! Năm nay quan đại học sĩ trong triều làm văn tế. Bản văn rước từ Thăng-long về đây được mấy ngày rồi. À, em hỏi, ngoài Bắc tế có giống như ở đây không?
- Giống! Việc tế tự tối quan trọng. Vì vậy thời vua Đinh, đã ban hành bộ Quốc-triều điển lệ , ấn định rõ phương thức tế tự, thờ cúng. Vì vậy cả nước tế giống nhau.
Thời Lý, việc tế ấn định như sau: đầu tiên phải có một người chủ tế. Chủ tế có thể chọn một vị đạo cao đức trọng, hoặc một vị khoa bảng. Khi tế những anh hùng, thường chọn những vị có chức tước cao nhất. Bốn người bồi tế. Bồi tế đứng sau chủ tế năm bước. Bồi tế cứ theo chủ tế. Chủ tế làm gì, cũng làm như vậy.
Ngoài sân, các quan viên tế đã đứng vào chỗ. Thiện-Lãm nhận ra các chức sắc, nó nói:
- Ông chủ tế họ Đinh tên Ngô-Thương, hiện làm tổng trấn vùng Thanh-hoá. Bốn ông bồi tế gồm Tuyên-vũ sứ Đàm Toái-Trạng, còn ba ông kia thuộc kỳ hào vùng này.
Thanh-Mai hỏi:
- Hai ông Đông xướng, Tây xướng kia là ai?
- Ông Đông xướng là Đề-đốc thủy quân. Còn ông Tây xướng coi kị binh trấn này.
Nó hỏi Thanh-Mai:
- Tại sao lại có hai ông đứng quay mặt vào bên phải, bên trái chủ tế vậy?
Thanh-Mai nhắc sẽ:
- Hai ông đó có tên nội tán hầu nhắc chủ tế phải làm gì.
- Như vậy tức nhiên hai ông tán ra lệnh cho chủ tế phải không? Còn hai mươi ông đứng hai bên kia để làm gì?
- À, họ có tên chấp sự lát nữa sẽ dâng hương, dâng rượu, hoặc chuyển đọc chúc văn. Nghĩa là làm những việc lặt vặt.
Đến đó quan viên tế đều vào chỗ, áo thụng như đại triều, mũ cánh chuồn, đai ngọc. Người đồng văn cầm dùi đánh ba hồi trống tế mở đầu. Ông Đông xướng hô lớn:
- Khởi chung cổ!
Hai ông chấp sự đi hai bên, vào chỗ giá để chiêng trống. Một ông đánh trống, một ông đánh chiêng. Cứ một tiếng trống, tiếp theo đến tiếng chiêng. Sau ba hồi chiêng trống, đánh tiếp ba tiếng dõng dạc, rồi vái ba vái lui ra.
Ông Đông xướng lại hô:
- Nhạc sinh tựu vi...i...ị...ị!
Phường bát âm tấu nhạc. Nhạc tế bà Triệu không hiểu ai đề nghị, và đề nghị từ bao giờ, mà tấu các bản : Động-đình ca để mở đầu, tiếp theo tấu nhạc thiết triều đời vua Hùng. Nhạc cực kỳ hùng tráng.
Tiếp theo các ông xướng thi nhau xướng, chủ tế kiểm điểm tế vật xem có đầy đủ, thanh khiết không. Thiện-Lãm kể:
- Chị biết không, hàng năm trong trấn cử ra ba người có tâm huyết phụ trách nuôi tam sinh tế bà. Năm nay cả ba người nuôi nai, lợn, dê đều thuộc làng em lĩnh vinh dự. Chị xem con nai có béo không? Con lợn kia to kém gì con nghé? Con dê lớn hơn con lợn nhiều. Lệ tế ở đây để nguyên tam sinh. Nai, dê thui cả con. Lợn phải luộc chín.
Thanh-Mai hỏi:
- Tại sao lại có tới mai mươi mốt con lợn lớn nhỏ khác nhau trên hai dẫy bàn thờ kia vậy?
- À đó là lợn của các xã, các hội, cùng các quan văn võ trong trấn. Khắp vùng này, ai cũng mong đến ngày hôm nay, để được quỳ gối lễ Bà.
Đến đó tiếng xướng cực lớn, làm Thanh-Mai, Thiện-Lãm phải ngừng lại:
- Nghênh thần cúc cung bái!
Tất cả chủ tế, bồi tế v.v. đều xuống gối.
- Hưng!
Tất cả lên gối.
- Bái!
Tất cả xuống gối.
Sau khi lên gối, xuống gối lễ đủ tám lễ. Tiếp theo lễ dâng rượu, dâng hoa quả xong, lại có tiếng xướng:
- Bình thân, phục vị!
Mọi người về chỗ mình. Tiếng xướng:
- Nghệ độc chúc văn.
Tức độc văn tế. Tiếng xướng rõ ràng, tuân chỉ hoàng đế, người soạn văn tế là Hàn lâm học sĩ, kiêm thị trung Lý Nhân . Nhưng người đọc lại là một chức quan ở Cửu-chân. Vị Đông-xướng cất cao giọng:
- Phụng chỉ Đại-Việt hoàng đế, người đọc văn tế là Thự mẫn thư lang, quản câu ngự phủ, đồng trung thư kiện biên tu, kiêm thủ Thanh-hóa trại, Cửu-chân huyện, cộng sự Vũ Anh-Thông .
Vũ Anh-Thông tiến đến trước bàn thờ quỳ gối, mở trục giấy ra. Ông đằng hắng một tiếng rồi cất cao giọng đọc. Văn tế thời Lý còn ảnh hưởng của thời Lĩnh-nam. Thể văn dùng thường là văn xuôi, chứ không dùng lối văn biền ngẫu như đời Lê, đời Nguyễn sau này. Bài văn tế khá dài. Sau đọan mở đầu nói về việc dựng nước của vua Hùng, vua An-dương, tiếp đến đọan ca tụng cuộc khởi binh của vua Trưng. Đoạn ca tụng Lệ-hải Bà-vương như sau:
« ...Trải hơn 200 năm, dân Việt do phương Bắc cai trị. Người Việt bị coi như trâu như chó. Muốn cam phận trâu ngựa cũng không yên, sống không nổi, chết cũng không xong.
... Hào kiệt bao phen nổi lên, ngặt vì thế nước chông chênh, mà giặc Bắc đông người, nhiều của, nên đành nuốt hận. Uất khí tụ lại thành căm gan, tím mật.
...Đất Cửu-chân, địa linh nhân kiệt, anh hùng đã nhiều, nữ kiệt cũng lắm. Giặc Ngô ngày càng hung bạo, bắt dân trói lại từng xâu, đưa sang Kiến-nghiệp làm lính đánh Ngụy. Lương gạo bị thu, trâu bò không còn đủ để cầy bừa. Dân chúng căm hận, nguyền rủa chó Ngô... »
Bỗng nghe tiếng kêu véo inh tai nhức óc. Vũ Anh-Thông đang quỳ, bị bật tung lên cao, rồi ngã vật ra. Đầu vỡ làm đôi, óc, máu bầy nhầy.
Biến cố xẩy ra đột ngột, cao thủ tham dự có hàng trăm, mà không ai ngờ tới. Véo, véo hai tiếng nữa, chỉ thấy bóng xanh thấp thoáng, Thanh-Mai đã đứng trước Mỹ-Linh, nàng rút kiếm gạt đánh choang, choang hai tiếng. Mỹ-Linh kinh hoàng nhìn lại thì ra hai qủa phi trùy ám toán nàng. Nếu không có Thanh-Mai ra tay nhanh thì nàng đã chết rồi.
Trong sân rối lọan cả lên. Tạ Sơn từ phía sau vọt lên trước. Chàng vung tay chụp một người quần áo rách rưới ngồi lẫn trong đám dân chúng. Người này bật tung một cái, vọt lên cao, tránh cái chụp chụp của Tạ Sơn. Tạ Sơn biến chiêu thần tốc từ cái chụp biến thành chưởng hướng lên trời. Người kia từ trên cao phóng xuống một chưởng. Hai chưởng gặp nhau đến Bùng một tiếng, cát bụi bay mịt mờ. Người kia bay lên cao. Ở trên cao, y đá gío một cái, người bay vọt về phía bàn thờ. Tạ Sơn vọt theo đánh lên một chỉ. Người đó còn ở trên cao, tay rút kiếm khoa một vòng. Y đã đáp xuống đất. Y cười khì:
- Tưởng võ công Giao-chỉ thế lào, hóa ra tầm thường thôi.
Giọng nói của y lơ lớ, thì ra y là người Hán.
Trong khi hai người đấu với nhau, thì đạo quân Ngự-long vây kín khu lễ đài, trong tư thế chuẩn bị tác chiến. Tạ Sơn đã rút kiếm ra cùng người kia giao chiến. Kiếm pháp của Tạ Sơn là kiếm pháp Tiêu-sơn, đường đường, chính chính, rõ ràng là kiếm pháp con nhà Phật. Còn kiếm pháp người kia khi nhanh, khi chậm, điêu luyện. Hai ngươi đầu với nhau được trên năm mươi hiệp. Lý Mỹ-Linh đứng quan sát trận đấu, nàng hỏi Nùng-Sơn tử:
- Thưa đạo trưởng, kiếm pháp của người này thuộc môn hộ nào vậy?
Nùng-Sơn tử đáp:
- Kiếm-pháp Hoa-sơn. Hoa-sơn là một phái võ ở vùng Giang-tô. Phái võ được thành lập trên hai trăm năm. Võ công cực kỳ ảo diệu. Có thời phái Hoa-sơn đã lấn át cả phái Thiếu-lâm, Võ-đang. Cách đây mấy năm, nhân võ công nước Đại-lý trở thành vô địch thiên-hạ, làm cho Tống triều lo lắng không ít. Hồi đầu năm qua, vua Tống cho mở võ đài ở Biện-kinh, tuyển anh hùng vô địch. Võ đài tuyển trong một tháng, kết quả, đệ tử phái Hoa-sơn là Địch Thanh đoạt chức vô địch, giật giải trạng nguyên. Đệ tử phái Thiếu-lâm giật giải bảng nhãn. Còn đệ tử phái Võ-đang chỉ đoạt được giải Thám-hoa.
Lê Thuận-Tông hỏi:
- Thưa sư phụ, tại sao anh Sơn chưa thắng được tên ăn mày kia?
Nùng-Sơn tử giảng:
- Có hai lý do. Tạ chỉ-huy sứ tuổi còn trẻ, công lực không được làm bao. Trong khi tên Hán kia đã già, công lực cao thâm khôn lường. Điều thứ nhì là võ công Tiêu-sơn xuất phát từ Thiền-công, tinh kỳ thì có, nhưng căn bản vẫn không hung dữ để có thể đàn áp được đối thủ đễ dàng. Nếu người đấu với tên Hán thuộc phái Đông-a thì tên Hán kia chịu sao nổi.
Tạ Sơn đang đấu với tên người Hán, chàng dùng hết sức mình mà không hạ được đối thủ. Trong khi chàng là Điện-tiền chỉ huy sứ, thống lĩnh toàn bộ Ngự-lâm quân, thì còn gì là thể thống? Nghe Nùng-Sơn tử nói, chàng tỉnh ngộ. Chàng chưa học kiếm pháp Đông-a, nhưng đêm trước đã cùng Thanh-Mai trao đổi mấy chiêu. Chàng nghe sư phụ dặn Kiếm pháp Đông-a với Tiêu-sơn cùng nguồn gốc. Chỉ khác ở điểm kiếm pháp Đông-a đánh ngược lại với Tiêu-sơn . Tạ Sơn định đánh chiêu Mã qúa Hằng giang , theo đúng kiếm pháp Tiêu-sơn thì kiếm từ dưới vung lên, rồi biến chiêu đưa vào ngực đối thủ. Chàng đổi thành từ dưới tạt ngang, đưa vào chân đối thủ. Kiếm đáng lẽ vòng sang phải, chàng vòng sang trái. Xoẹt một tiếng, tên ăn mày bị trúng đầu gối. Y nhảy vọt lên chửi thề:
- Con mẹ nó tên Nam-man dữ qúa.
Y đánh liền mười chiêu, với lối đánh như cả hai cùng chết. Tạ Sơn chiết với y mười chiêu, rồi chàng lại đổi ngược kiếm pháp Tiêu-Sơn. Choảng một tiếng, hai kiếm chạm nhau, chàng cảm thấy cánh tay tê chồn.
Tạ Sơn đổi chiêu thình lình thắng đối thủ dễ dàng. Chàng đổi thêm chiêu nữa, tay y trúng kiếm. Kiếm rơi xuống đất. Chàng dí kiếm vào cổ y nói:
- Quỳ xuống, bằng không ta lấy mạng mi.
Từ phía dân chúng có tiếng cười khanh khách:
- Tưởng võ công Giao-chỉ thế nào, hóa ra hai người đánh một.
Ba người bước ra. Họ trang phục theo lối khách trú. Một người to béo, tuổi khoảng ba mươi. Một người dáng dấp như thư sinh, tuổi khoảng hăm ba hăm bốn, và một đạo sĩ tuổi khá gìa. Tên thư sinh vung tay bắt kiếm của Tạ-Sơn.
Tạ Sơn lượn kiếm một vòng, đẩy vào ngực y. Y không coi kiếm chàng vào đâu, dùng hai ngón tay kẹp cứng thanh kiếm Tạ Sơn. Y rung tay một cái, kiếm Tạ Sơn gẫy làm mấy mảnh. Y cười ha hả.
Tạ Sơn bật một chưởng, đẩy mấy mảnh kiếm gẫy vào người thư sinh. Thư sinh vọt người lên cao tránh khỏi. Tạ Sơn không nhân nhượng, đánh ngược lên một chưởng. Thư sinh đá gió một cái, bật người ra xa hơn hai trượng, rơi xuống đất. Tạ Sơn tấn công y bằng hai chưởng liền. Y cười nhạt một tiếng, vung tay đỡ. Bình, bình hai tiếng. Tạ Sơn bật lui ba bước, khí huyết trong người chạy nhộn nhạo.
Nguyễn Khánh truyền đạo Ngự-long vây bọn này đến bẩy tám vòng. Y quát:
- Các người là ai?
Thư-sinh nói:
- Tại hạ họ Địch tên Thanh.
Y vừa lên tiếng, khắp quảng trường bật lên tiếng ồ...
Mặt trời ngả về tây. Nắng chiều chiếu chụp xuống núi rừng xanh tươi mầu vàng úa. Thỉnh thoảng có đám mây trắng trôi lững lờ về vùng núi xanh xa xa. Người dân Cửu-chân dự hội tế Bà-vương có cảm tưởng như Bà đang ngự trên đám mây nhìn xuống dương gian.
Tướng-quân Nguyễn Khánh cầm cờ đỏ chỉ một cái, hơn trăm Thiên-tử-binh bao vây ba người vào giữa, cung dương thẳng. Chỉ cần một hiệu lệnh nhỏ, là buông tên.
Mười đội thiếu niên Hồng-hương, gươm đao sáng ngời đứng vây vòng ngoài. Lại còn ba đội giáo chúng Hồng-thiết giáo cung tên đứng sau, sẵn sàng nhảy vào vòng chiến.
Địch Thanh cười nhạt:
- Ta từ Trung-quốc sang đây muốn nói truyện với võ-lâm Giao-chỉ, chứ không muốn nói truyện với đám binh lính này.
Một đạo trưởng Hồng-thiết giáo bước ra cười nhạt:
- Ta, Hoàng Can thủ lãnh Hồng-thiết giáo trấn Thanh-hóa. Chúng ta là người võ lâm. Người muốn nói gì?
Địch Thanh vẫn bình tĩnh:
- Hồng-thiết giáo bọn mi chẳng qua là bọn cướp, uống máu người. Ta không nói truyện với mi.
- Thế thì được.
Hoàng Can vẫy tay, giáo chúng Hồng-thiết cầm ống tiêu thổi lên điệu nhạc âm thanh ma quái, như từ cõi âm vọng về. Lập tức, từ trong cái xe đậu gần đó, hàng trăm con rắn từ từ bò ra, vây xung quanh thầy trò Địch Thanh. Địch Thanh kinh hoảng, vung tay phát chưởng hướng vào đàn rắn. Thì lập tức bốn con rắn vọt lên quấn quanh người y. Vung tay chụp, thì mấy con rắn trườn xuống chân, rồi lên cổ. Y chụp con trên cổ, thì con khác luồn vào bụng. Y nhảy nhót, chụp một lúc, thủy chung vẫn không chụp được con nào.
Đông-Sơn lão nhân thấy đệ tử lâm nguy, lão nghĩ:
- Phải khống chế tên Hoàng Can này, mới hy vọng cứu Địch Thanh.
Lão nhảy vèo đến, tay xử dụng cầm-long công, bắt Hoàng Can. Nhưng tay lão vừa chạm vào cổ Can, thì bốn con bọ cạp sắc xanh mướt không hiểu đã bám trên tay lão từ hồi nào. Lão kinh hoảng, dùng tay trái búng mấy con bõ cạp khỏi tay phải. Nhưng tay trái vừa vung lên, thì bốn con bọ cạp chui vào trong tay áo lão.
Hoàng Can nói lớn:
- Sao? Địch trạng nguyên. Người có muốn nói truyện với Hồng-thiết giáo ta không?
Chợt Địch Thanh ngoạc mồm ra đọc một tràng tiếng quái dị:
Ta pha tà ka la.
Sa sa thanh thí u tơ lơ ma.
Củng thiên chi ha ha.
Đạo ta cà mạ mạ thì di hu.
Hoàng Can nghe Địch Thanh đọc chú, gương mặt y cực kỳ kho coi. Y hú lên một tiếng, bao nhiêu rắn, rời Địch Thanh trườn xuống đất, rồi chui về xe. Can đến trước Đông-Sơn lão nhân thu mấy con bọ cạp về. Y chắp tay:
- Xin tiên sinh thứ tội, tiểu nhân không biết.
Rồi lùi về chỗ giáo chúng.
Tạ Sơn thấy bọn Hồng-thiết đang hùng hùng hổ hổ, mà Địch Thanh đọc có mấy câu chú, lập tực rút lui, thì không hy vọng gì vào chúng nữa. Chàng phất tay ra hiệu cho binh đội lui lại. Chàng hỏi Địch Thanh:
- Người tên Địch Thanh? Phải chăng người là đệ tử phái Hoa-sơn, vừa mới đây người đoạt chức vô địch trong trận đấu võ đài vùng Biện-kinh?
Địch Thanh cười rất thanh nhã:
- Tạ huynh quả không hổ với chức Điện-tiền chỉ-huy-sứ. Kiến văn Tạ huynh rộng mênh mông. Truyện vừa mới xẩy ra ở Trung-nguyên mà Tạ huynh đã biết. Tại hạ qủa không xứng với chức vô địch Trung-nguyên. Sở dĩ tại hạ đạt được giải Hoàng-long, do anh hùng bốn biển nhường cho đó thôi.
Địch Thanh chỉ vào người béo tròn:
- Vị này là đại-sư huynh tại hạ. Họ Dư tên Tĩnh.
Trong khi Tạ Sơn không biết Dư Tĩnh là ai, thì Địch Thanh chỉ vào đạo-sĩ:
- Vị này là Đông-sơn lão-nhân, sư phụ của tại-hạ.
Cả quảng trường cùng bật lên tiếng ồ . Vì Hoa-sơn tứ lão khét tiếng võ lâm trên 20 năm qua. Họ mang tên Đông, Tây, Nam, Bắc. Lão này mang tên Đông cho nên trang phục mầu xanh. Dư luận đồn Hoa-sơn tứ lão võ công cao thâm không biết đâu mà lường. Chỉ nguyên đệ tử của Đông-sơn lão nhân là Địch Thanh đọat chức vô địch võ đài Biện-kinh thì đủ biết võ công sư phụ Địch còn cao thâm biết là dường nào?
Lê Thuận-Tông hỏi Nùng-Sơn tử:
- Sư phụ. Gã Địch Thanh đựơc vua phong anh hùng vô địch hay võ lâm bầu lên?
Nùng-Sơn tử ngơ ngác không hiểu nhìn Thanh-Mai. Thanh-Mai đáp:
- Nguyên khi vua Tống Chân-tông băng vào niên hiệu Càn-hưmg nguyên niên, để di chiếu cho con thứ 6 là thái tử Trinh lên nối ngôi, bấy giờ mới 13 tuổi. Thái-tử Trinh sinh ngày 14 tháng 4 năm Canh-Tuất (1010) mẹ là Lý thần-phi. Nhân Chương-hiến hòang hậu họ Lưu không con, nuôi Trinh làm con nuôi. Vua Chân-tông để di chiếu cho cho Lưu hòang hậu được quyền buông rèm nghe việc nước. Bấy giờ bên Đại-Việt, nhằm niên hiệu Thuận-thiên thứ 13 đương kim Thiên-tử (1022). Lưu hậu hay nghe lời dèm pha của bọn hoạn-quan, gây lắm truyện rắc rối, làm người trong nước không phục. Việc đầu tiên Lưu thay thế các tể-thần, phong Đinh Vị giữ chức tư-đồ kiêm thị-trung thượng-thư tả bộc-xạ. Phùng Thừa giữ chức tư-không kiêm thị-trung, khu-mật-viện-sứ, thượng-thư hữu bộc-xạ. Tào Lợi-Dụng được phong thượng-thư tả bộc-xạ kiêm thị-trung. Lại biếm chức danh sĩ Khấu Chuẩn đang là tư-mã Đạo-châu làm tham-quân Lôi-châu. Khấu Chuẩn buồn qúa, thành bệnh mà chết. Thấy vua còn nhỏ, Lưu hậu vốn thất học, quyết định việc nước hồ đồ, dân chúng không phục, mùa màng mất liền hai năm, tình hình Trung-nguyên rối lọan, các nước Tây-hạ, Thổ-phồn, Đại-lý, Liêu đều tự xưng đế, không nạp cống tế, đem quân vào xâm lấn.
Thanh-Mai liếc nhìn bọn Địch Thanh rồi tiếp:
- Năm năm sau, Thiên-thánh hoàng đế đã đến tuổi trưởng thành, có ý khôi phục đế nghiệp như thời vua Thái-tổ, Thái-tông. Nhà vua rất ham tập võ. Các quan hiến kế rằng muốn cho nước mạnh, phải có nhiều võ tướng dũng mãnh. Nhà vua nảy ra ý lập võ đài ở Biện-kinh, tuyển các võ sĩ phong làm tứơng cầm quân. Thể lệ đặt ra như sau: Người nào vô địch sẽ được lĩnh giải Hoàng-long, vua ban cho con rồng bằng vàng, được lĩnh bằng trạng-nguyên. Kế đó là hai người về nhì được lĩnh giải Bạch-phụng, vua ban cho con phụng bằng ngọc trắng, được lĩnh bằng bảng nhãn. Tiếp theo bốn người được ban giải Hắc-hổ, mỗi người sẽ lĩnh một đầu hổ bằng ngọc đen, được bằng thám-hoa. Bảy người kế tiếp được phong Thiên-thánh thất ưng. Thiên-thánh là niên hiệu của đương kim thiên-tử nhà Tống. Ngòai ra nhà vua còn tuyển thêm 18 anh hùng nữa gọi là Thập bát anh hùng. Tất cả được lĩnh đồng Tiến-sĩ. Tổng cộng 32 người đều được bổ là tướng cầm quân. Kể từ khi Tống Thái-tổ cầm quyền, đây là lần đầu tiên võ lâm Trung-nguyên từ tay trắng, phút chốc giữ địa vị trọng yếu. Phong trào luyện võ sôi nổi khắp Trung-quốc. Các nước Tây-hạ, Đại-lý, Thổ-phồn hqảng kinh, vội sai người tiến cống tỏ ý qui phục. Ngoại trừ Liêu vẫn đem quân quấy rối biên giới. Nhất là phương Nam, Đại-việt tuy vẫn cống hiến đầy đủ, song hễ có đụng chạm ở biên giới là xua quân đánh tràn qua.
Đến đó Thanh-Mai phải ngừng lại vì tiếng nói của Địch Thanh.
Địch Thanh vận nội lực vào đơn điền mói thực lớn:
- Tại hạ Địch Thanh, trước đây là một thôn phu vùng Hoa-sơn. Bản lĩnh võ công có, võ đạo có. Nhiều khi muốn đem tài ra, trước tuốt ba thứơc gươm hầu báo đáp hoàng ân, sau mang ấn phong hầu về làm rạng tổ tông, sư môn. Nhưng đường tiến thân vào binh nghiệp thực gian nan. Trước phải đầu quân, rồi mới từ từ thăng quan. Trong khi đó thì con các vương hầu, sinh ra đã được phong làm tướng làm sóai. Vì vậy tại hạ đành tiêu dao với cỏ cây. Không chịu tòng quân.
Đến đó y ngừng lại để quan sát cử tọa. Hầu như quân binh, dân chúng đều đồng ý với y. Y tiếp:
- Năm trước đây, thánh thiên tử đã nhìn thấy nhiều anh hùng, có tài, có đức, cứ phải chôn vùi cuộc đời với cỏ cây. Người cho tổ chức thi võ. Bên Đại-tống có văn trạng-nguyên, bảng-nhãn, thám-hoa, tiến-sĩ, thì cũng có võ trạng, võ bảng-nhãn, võ thám-hoa và võ tiến-sĩ. Hồng-ân ban xuống lấy một trạng-nguyên, hai bảng-nhãn, bốn thám-hoa, bẩy hòang-giáp, và mười tám tiến-sĩ, tổng cộng 32 người.
Quảng trường im phăng phắc không tiếng động. Địch Thanh tiếp:
- Tất cả 32 người đều được trọng dụng. Mới buổi sáng còn là thôn phu, buổi chiều bảng vàng ghi tên, được triều kiến long nhan, nhận ấn nguyên soái, ruổi ngựa đuổi giặc. Khi tại hạ được phong trạng-nguyên, tự cảm thấy tủi hổ khi nhìn về Lĩnh-nam. Đất Lĩnh-nam nghìn xưa vốn là nơi rồng nằm hổ phục, anh tài như lá trong rừng. Trước đây Vạn-tín-hầu Lý Thân chả từng được vua Thủy-hòang nhà Tần phong nguyên nhung ruổi ngựa khắp Vạn-lý trường-thành đuổi Hung-nô lên tận miền tuyết phủ đó sao? Dù sau khi hầu qua đời, Hung-nô nghe danh còn khiếp đảm. Ngày nay phái Mê-linh chẳng là đồ tôn của người đó sao? Lại như thời Đông-hán, Đào Kỳ của đất Cửu-chân, thắng khắp anh hùng Trung-nguyên, cầm quân đánh Thục, được phong Hán-trung vương.
Dân chúng, võ lâm hiện diện nghe một võ-trạng nguyên Trung-quốc ca tụng anh hùng người Việt đều mát lòng hả dạ, vỗ tay vang trời. Địch Thanh tiếp:
- Thiên-thánh hoàng đế coi con dân trong Thiên-hạ đều như nhau. Tống, Liêu, Việt, Hạ, Thổ đều là con dân cả. Ngài xuống chiếu truyền mở Anh hùng đại hội vào 15 tháng 3 năm tới tại Biện-kinh. Ngài truyền cho tất cả nam, nữ, Hán, Việt, Liêu, dù gìa, dù trẻ đều được tham đự. Tổng số lấy một trạng, hai thám, bốn bảng, bẩy hoàng gíap và 32 tiến-sĩ. Tất cả đều được phong chức từ tiết-độ-sứ tới chiêu-thảo-sứ.
Địch Thanh cất cao giọng:
- Nào các anh hùng võ lâm con cháu Vạn-tín-hầu, Bắc-bình-vương. Hãy mau mau lên đường đi Biện-kinh tham đự Anh hùng đại hội. Tại hạ sẽ thân hành gửi thư mời đến từng gia, từng phái sau.
Địch Thanh vừa ngừng, cử tọa vỗ tay vang dội, hết tràng này, đến tràng khác.
Nguyễn Khánh cầm roi chỉ vào mặt thầy trò Địch Thanh:
- Các người sang đây với tư cách võ lâmTrung-quốc, thăm võ lâm Đại-Việt hay do chiếu chỉ của Tống đế?
- Nếu với tư cách võ lâm thì sao? Do chiếu chỉ thì sao?
Nguyễn Khánh cười rung quảng trường:
- Nếu là võ lâm, thì thẻ bài nhập cảnh đâu? Có gì làm bằng rằng người là Địch Thanh? Luật lệ Đại-Việt cũng như Tống định rằng dân hai nước Hoa, Việt, muốn từ nước nọ sang nước kia phải có thẻ bài?
Dư Tĩnh cười nhạt:
- Luật lệ đó có từ bao giờ mà tại hạ không hề biết?
Chợt một âm thanh rất quen thuộc dùng lăng không truyền ngữ nói như rót vào tai Thanh-Mai. Nghe tiếng nói, nàng mừng run lên, vì chính là tiếng của sư thúc nàng tên Trần Kiệt. Như vậy phái Đông-a nhà nàng đã có mặt tại đây. Trần Kiệt giảng giải cho nàng một lúc, rồi dặn:
- Xuất hiện đi thôi!
Thanh-Mai bước khỏi khán đài, chắp tay hướng quần hùng hành lễ, rồi chỉ tay vào mặt Dư Tĩnh:
- Thưa các vị anh hùng Đại-Việt, vị này họ Dư tên Tĩnh. Trước đây thi đậu tiến sĩ, lại là cao thủ phái Hoa-Sơn. Dư tiên sinh hiện là biên cương trọng thần nhà Đại-Tống, giữ chức an-vũ sứ Quảng-tây lộ, tức điều động binh mã vùng biên giới Tống-Việt. Dư tiên sinh hằng tự hào rằng hàng ngày bên Đại-Việt có người đẻ thêm đứa trẻ, hay một ông già mới chết Khu-mật viện Quảng-đông cũng biết. Dư tiên sinh trực tiếp điều khiển nhiều toán tế tác sang Đại-Việt. Thế mà tiên sinh bảo không biết gì về luật lệ hai nước, thì quả khinh người quá.
Dư Tĩnh bị Thanh-Mai lột mặt nạ, y kinh hoảng:
- Cô nương là ai?
- Tiểu nữ là một con dân Đại-Việt. Này Dư tiên sinh, theo luật Tống khi một dân Tống muốn sang Đại-Việt, phải có thẻ bài, cùng giấy kiềm thự của quan trấn thủ biên giới Tống, rồi phải được quan trấn thủ Đại-Việt cho phép. Vậy những thẻ bài, cùng giấy của tiên sinh đâu?
Dư Tĩnh cười ha hả hỏi lại:
- Cô nương là ai? Ta có thẻ bài hay không, dễ thường phải trình cho cô nương chắc?
Tạ Sơn tiến lên chắp tay hướng Dư Tĩnh:
- Dư an vũ sứ! Tại hạ Tạ Sơn, điện tiền chỉ huy sứ Đại-Việt, xin thỉnh tiên sinh cho xem thẻ bài. Nếu tiên sinh không có thẻ bài, tại hạ đành vô phép với tiên sinh. Tiên sinh thử nghĩ coi, nếu như một tên trộm trâu, trộm bò cũng đến đây xưng là an vũ sứ sao?
Giữa lúc đó, có đoàn người từ dưới đồi đi lên. Dẫn đầu là một thớt voi khí thế cực kỳ hùng tráng. Phái đòan đông đến hơn trăm người. Họ trang phục rất kỳ lạ. Sau bành voi phất phới lá cờ có chữ Lạc-hầu Lạng-châu, phò mã Thân cạnh đó có lá cờ mầu xanh, trên thêu hàng chữ Lĩnh-nam Bảo-quốc, hòa dân công chúa . Một trung niên nam tử thân thể hùng vĩ, cằm vuông, mắt hổ, da hồng hào, cỡi trên con cọp trắng nõn. Trên bành voi là một thiếu phụ trẻ, mặc áo lụa vàng, giây lưng mầu hồng nhạt, quần đen, nhan sắc cực kỳ diễm lệ.
Mỹ-Linh xa chú mới hai ngày, nàng cảm thấy cô đơn, lo sợ viển vông, dù có thái-cô Tịnh-Huyền bên cạnh. Nay thấy thiếu-phụ. Nàng rời ghế ngồi, chạy đến trước ngựa cung cung kính kínhh hành lễ:
- Thần nhi Mỹ-Linh kính cẩn ra mắt cô-mẫu.
Nàng chưa kịp hành lễ với trung niên nam tử, thì thiếu-phụ phóng một chiêu cầm-long trảo. Người Mỹ-Linh không tự chủ được, bay vọt lên cao. Nàng đã ngồi trước bành voi với thiếu phụ.
Tạ Sơn đến trước voi, cung kính chắp tay hành lễ:
- Hạ thần Tạ Sơn, lĩnh điện-tiền chỉ-huy-sứ xin tham kiến công-chúa điện hạ và phò-mã.
Các quan văn võ trấn Thanh-hóa đồng cúi đầu hành lễ. Thiếu-phụ ôm Mỹ-Linh đáp xuống đất. Nàng tát yêu Mỹ-Linh hai cái rồi mỉm cuời:
- Con bé hay nhè của cô, bây giờ đẹp quá rồi.
Thiếu phụ với tay ôm đầu Mỹ-Linh vào ngực, nàng ghé miệng trái đào cắn lên má Mỹ-Linh. Người ngoài không biết liên hệ cô cháu. Cứ nhìn tướng mạo hai người giống nhau cũng đoán ra cùng nguồn gốc huyết tộc. Hai cô cháu giống nhau như hai giọt nước. Có điều ở thiếu-phụ thì đôi mắt sáng cực kỳ tinh anh. Nước da nàng trắng hồng, khuôn mặt trái soan, tóc để dài xuống lưng thon. Còn Mỹ-Linh thì da trắng trong, khuôn mắt dịu hiền, bàn tay trắng dài, dáng đi yểu điệu. Thiếu-phụ đó là con gái thứ nhì của Thuận-thiên hoàng đế. Nguyên hoàng đế có mười ba con gái. Năm 1009, khi lên ngôi, phong cho các con gái làm công chúa. Con gái đầu lòng được phong An-Quốc công-chúa gả cho sư điệt của ngài là Đào Cam-Mộc. Đào Cam-Mộc là học trò của sư-huynh nhà vua. Đào có công phò trợ nhà vua trong lúc dựng nghiệp. Lại gả con gái thứ nhì sắc phong Lĩnh-nam Bảo-quốc hòa dân công-chúa cho lạc-hầu Lạng-châu là Thân Thừa-Quý. Người đương thời thấy tên Lĩnh-nam bảo-quốc hòa-dân công-chúa dài qúa, mới gọi tắt là công-chúa Bảo-Hòa.
Gió chiều chạy qua đồi, mơn trớn da thịt, làm quần áo của thiếu-phụ với Mỹ-Linh bay nhè nhẹ. Quảng trường im lặng, để nhìn hai tiên nữ nói chuyện với nhau.
Hà Thiện-Lãm hỏi Nùng-Sơn tử:
- Sư phụ, hai vị đó là ai vậy.
Nùng-Sơn tử giảng:
- Nguyên hồi mới lập quốc, nước Văn-lang chia làm 100 vùng khác nhău. Mỗi vùng do một lạc-hầu coi về hành chính, kinh-tế; một lạc-tướng coi về quân sự. Chế độ này kéo dài trong mấy nghìn năm. Đến thời Lĩnh-nam, sau khi vua Bà tuẫn quốc, Mã Viện tâu về triều xin hủy bỏ chế độ lạc-hầu, thay vào đó bằng chế độ làng xã. Tuy vậy, khi Viện bị triệu-hồi. Dân chúng vẫn trở lại chế độ cũ. Sau này, trải qua thời đại Bắc thuộc dài gần nghìn năm, hầu hết miền đồng bằng đã trở thành quận huyện. Trừ miền núi, ảnh hưởng bởi phái Tây-vu vẫn gĩư nguyên. Các trang, động dần dần thống nhất thành châu. Nay còn hơn 20 châu chia làm hơn trăm trang, động. Tuy vậy chỉ có 7 châu lớn gọi là Bắc-địa thất châu là Vĩnh-an, Tô-mậu, Lạng-châu, Thất-nguyên, Quảng-nguyên, Bảo-lạc và Thiên-long. Khi đức Đại-Việt hoàng-đế mới lập nghiệp, gả em gái là công-chúa Hồng-Châu cho lạc-hầu Thân Thiệu-Anh. Nào ngờ công-chúa tìm người thế thân đi tu, tức là sư thái Tịnh-Huyền. Sau đức Kim-thượng lại gả công-chúa Lĩnh-nam Bảo-quốc hòa dân công-chúa thường gọi tắt là công-chúa Bảo-Hòa cho con trai Thân Thiệu-Anh là Thân Thừa-Quý, tức vị to lớn như Hộ-pháp kia.
Đến đó Nùng-Sơn tử phải ngừng lại, vì có nhiều tiếng quát tháo của phò-mã Thân Thừa-Quý và tiếng cãi vã của Đông-sơn lão-nhân.
Phò-mã Thân Thừa-Quý nghiêm nghị hỏi Đông-Sơn lão nhân:
- Người đường đường là một trong bốn đại cao thủ bậc nhất Trung-nguyên. Hà cớ gì vượt biên vào Đại-Việt ta làm truyện ám muội. Như vậy chẳng hóa ra tự mình làm hại thanh danh mình ư?
Đông-Sơn lão nhân cười khành khạch:
- Ta không ngờ một vị phò-mã văn võ kiêm-toàn như Thân lạc-hầu mà cũng không thông thế tục. Ta sang đất Giao-chỉ một cách đường đường chính chính, sao lại bảo rằng mất tinh thần võ-đạo Hoa-sơn?
Đàm Toái-Trạng bước ra chỉ mặt Đông-Sơn:
- Người là ai? Tên gì? Đến trấn Thanh-hóa của ta ăn nói vô phép. Bộ người chê gươm ta không sắc sao?
Nói xong, Trạng hô lớn:
- Quân bay, chuẩn bị cung nỏ.
Hơn trăm cung thủ hướng vào nhóm người Địch Thanh. Địch Thanh cười nhạt:
- Ta tưởng đến Cửu-chân sẽ gặp được nhiều nhân vật kỳ vĩ võ-lâm Giao-chỉ. Không ngờ chỉ gặp bọn hèn hạ, dùng binh đội đàn áp người.
Đàm Toái-Trạng cười nhạt:
- Bản-nhân là an-vũ-sứ trấn Thanh-hóa. Bản nhân chỉ biết luật pháp của đức hoàng-đế Đại-Việt chứ không cần biết luật lệ võ-lâm. Bản nhân có bổn phận bắt gian nhân. Bọn mi đến đây quấy rối trong trấn. Bản nhân hãy bắt để xét xử. Các ngươi có chịu buông vũ khí chịu trói hay không? Bằng không bản nhân hạ lệnh buông tên.
Địch Thanh cười khinh khỉnh:
- Chúng ta là tùy tùng của sứ đòan Thiên-triều, mượn đường qua đây để vào Chiêm-quốc. Người chẳng qua là một tên an-vũ-sứ của đất Giao-chỉ, mà cũng dám hỗn láo với chúng ta ư?
Đàm Toái-Trạng cười nhạt:
- Thì ra các vị là khâm sai Thiên-triều đấy. Xin các vị cho bản nhân được coi thẻ bài.
Địch Thanh luống cuống:
- Chúng ta không có.
Đàm Toái-Trạng nạt lớn:
- Quân bay đâu, gô cổ chúng nó lại.
Đông-Sơn lão nhân hỏi
- Xin an-vũ-sứ cho biết chúng tôi phạm tội gì?
Toái-Trạng nói:
- Thứ nhất, bọn mi nhập bản quốc không có thẻ bài của quan tổng-trấn Bắc-cương. Ta phải bắt mi điều tra xem mi đến bản quốc với mưu đồ gì. Thứ nhì, mi đến giữa hội tế Bà-vương gây hỗn loạn, đó là tội đại-bất kính. Chiếu luật Đại-Việt, phải tội phanh thây.
Toái-Trạng chỉ vào gã ăn mày bị bắt trói:
- Huống hồ tên này cùng bọn với mi. Y giết mệnh quan triều đình trong khi thi hành sắc chỉ của hoàng-đế, lại mưu sát công-chúa. Hai tội ấy đều phải lăng trì.
Đông-sơn lão-nhân đưa mắt cho Địch Thanh hỏi ý kiến. Địch Thanh dáo dác nhìn khắp nơi như muốn tìm ai. Song nhìn mãi cũng không thấy. Suy nghĩ một lát y nói:
- Sư phụ. Mình cứ chịu trói đi, rồi tính sau. Khổng-tử còn chịu buông xuôi để tránh tai nạn tại nước Trần mà.
Toái-Trạng ra lệnh cho Thiên-tử-binh trói ba người lại.
Cuộc tế lại tiếp tục. Một văn quan được chỉ định thay thế người đã chết đọc văn tế. Cuộc tế chấm dứt.
Vừa lúc đó, có tiếng tù và thổi, rồi một kỵ binh tay cầm cờ phi như bay lên đồi. Quân canh phòng tránh dạt sang hai bên. Mọi người đều biết rằng đó là ngựa lưu-tinh chạy trạm.
Thời Lý dùng phương tiện truyền tin giống như thời Lĩnh-nam. Trên đường từ các huyện về trấn, đều có những trạm thông tin. Như tại huyện có tin tức, thư tín khẩn, muốn trình về quan tổng-trấn, dùng phương tiện này. Một viên kỵ binh, đeo cái túi vải trước ngực. Trong túi đựng công văn khẩn, rồi phi ngựa từ huyện tới trạm thứ nhất. Tới nơi, trao túi cho viên kỵ binh thứ nhì. Viên này lại phi tới trạm thứ ba. Cứ như thế cho tới trấn. Bất cứ quan, quân, dân lớn nhỏ thấy ngựa lưu tinh đều phải tránh xa. Ai không tránh, phạm tội ngăn trở việc quốc-gia đại sự, phải tội chém.
Viên kỵ binh xuống ngựa đến trước Đàm Toái-Trạng kính cẩn trình lên cái túi trước ngực. Đàm Toái-Trang mở túi ra, lấy công-văn đọc. Y đọc xong đến trước Mỹ-Linh, cúi rập người xuống:
- Khải tấu công chúa điện-hạ, có văn thư khẩn của Khu-mật-viện nói rằng Thiên-tử triều Tống là Thiên-thánh hoàng đế (Tống Nhân-tông) gửi một sứ-đòan sang Chiêm-thành. Sứ đòan sẽ qua trấn Cửu-chân. Khu-mật-viện còn ban lệnh rằng, các quan trấn thủ dọc đường phải cung ứng mọi nhu cầu cần thiết như nhà ở, người hầu, lương thực, cùng sai binh tướng hộ vệ. Lệnh này trái với lệnh cách đây nửa tháng. Cách đây nửa tháng, lệnh nói rằng: sứ đoàn mượn đường qua Chiêm-thành. Không cần hộ vệ, cung ứng nhu cầu ẩm thực cùng tiếp đãi . Tiểu nhân thực không hiểu.
Lý Mỹ-Linh vẫy tay gọi Đinh Ngô-Thương, Đàm Toái-Trạng tới cạnh. Nàng nói nhỏ:
- Khu-mật-viện đổi lệnh, tức là hoàng-thượng đã biết rõ sứ-đòan giả mượn đường để do thám cùng ăn cắp di-thư. Như thế Khu-mật-viện muốn chúng ta thù tiếp, hộ vệ, tức là canh gác họ.
Đàm Toái-Trạng ngơ ngác:
- Truyện mới xẩy ra hai ngày. Bọn hạ thần chưa tấu về triều, sao hoàng-thượng đã biết?
Phò-mã Thân Thừa-Quý nói:
- Vậy chắc chắn sứ-đoàn không có bọn Đông-sơn lão nhân rồi. Vì cách đây hơn tháng, ta với công-chúa được tin báo có bọn gian phi Tống đột nhập vào lãnh địa các khê-động, thuyết phục các động-chủ, trang chủ phản Việt đầu Tống. Ta lập tức cho người theo dõi. Thì ra chúng có đến ba đòan. Ta đánh đuổi hai đòan về Ung-châu. Còn bọn mới tới là bọn này đây. Võ công bọn chúng rất cao cường. Chúng ta âm thầm theo chúng từ Lạng-châu tới Thăng-long. Song chúng không ở lại Thăng-long, mà khẩn cấp lên đường đi Trường-yên. Tại Trường-yên chúng dò thám phủ Khai-quốc vương. Phủ Khai-quốc vương canh phòng cực kỳ chu đáo. Chúng vừa lọt vào đã bị bại lộ. Cao thủ trong phủ Khai-quốc đông như vậy, mà cũng không bắt được chúng.
Đàm Toái-Trạng vừa định lên tiếng hỏi, thì từ dưới đồi, một đòan người ngựa đi lên. Dẫn đầu là Triệu Thành, phía sau còn có bọn Triệu Huy, Vương Duy-Chính. Tay Triệu Huy cầm cây cờ lớn, trên đề chữ Sứ đòan Đại-Tống . Triệu Huy hô lớn:
- Bách quan trấn Cửu-chân, thuộc Giao-chỉ mau mau tiếp sứ thần Thiên-triều.
Sứ đoàn Bình-nam vương Triệu Thành đến Đại-Việt bằng đường Khâm-châu, chứ không bằng đường Ung-châu như thường lệ. Sự thực một bộ phận phụ do bọn Địch Thanh, Đông-Sơn lão nhân theo đường Ung-châu vào dò thám vùng Quảng-nguyên, Lạng-châu. Không ngờ bọn này bị công chúa Bảo-Hòa và phò mã Thân Thừa-Quý khám phá ra, theo dõi rất gắt.
Thủ tục ngọai-giao thời Lý-Tống như sau: Khi sứ đoàn Trung-quốc tới biên giới, báo cho quan trấn-thủ. Quan trấn-thủ có bổn phận tiếp đón cung cấp chỗ ăn, ở, cùng người hầu, kể cả người tắm ngựa, cỏ, cho ngựa ăn. Sau đó cho ngưạ lưu-tinh báo về triều. Triều đình cử quan lên bên giới tiếp dẫn sứ-gỉa đến Thăng-long. Thường là lễ-bộ thượng-thư. Khi sứ đoàn tới nơi, thì thái-tử hoặc hoàng đệ sẽ mở cửa thành ra đón. Thành Thăng-long có các cửa Tường-phù, Quảng-phúc, Đại-hưng và Diệu-đức. Thông thường thì thái-tử mở cửa Đại-hưng ra đón sứ đoàn. Sứ đoàn được hướng dẫn tới cư ngụ ở điện Long-an. Ngày đầu, thái-tử chiêu đãi, trao đổi quà tặng. Ngày thứ nhì chánh, phó sứ vào yết kiến vua ở điện Kiền-nguyên, đọc chiếu chỉ của vua Tống sắc phong cho vua Lý. Song lần này sứ đoàn Bình-nam vương Triệu Thành không đến Đại-Việt, mà chỉ mượn đường sang Chiêm. Vì vậy triều đình cử Dực-thánh vương, em trai của vua hoàng đế lên châu Vĩnh-an đón, hương dẫn về tới Thăng-long, đãi tiệc tặng quà. Bình-nam vương Triệu Thành tự giới thiệu là người trong võ-lâm, không muốn những nghi thức phiền toái. Thành xin Dực-thánh vương để cho sứ đoàn tự tại. Thành xin triều đình sức giấy cho các trấn dọc đường giúp đỡ phương tiện khi được yêu cầu là đủ. Khu-mật-viện lập tức đạt giấy đi khắp nơi.
Nào ngờ Bình-nam vương Triệu Thành, dùng cái vẻ bề ngoài là võ-lâm, không cần nghi-thức, để dễ bề do thám, và nhất là tìm di thư thời Lĩnh-nam. Ngay khi rời Thăng-long lên đường đi Chiêm-quốc, Thành chia sứ đoàn làm hai. Một do Triệu Anh, Ngô Tích, Triệu Huy, Quách Quỳ lên đường đi Cửu-chân trước. Còn một do Triệu Thành dẫn Minh-Thiên, Vương Duy-Chính đi vòng sang Thiên-trường dò thám khu vực ảnh hưởng của phái Đông-a.

Ghi chú:
Công-chúa Lĩnh-Nam Bảo-quốc hòa dân tại chùa Kiến-sơ thuộc xã Phù-đổng, huyện Gia-lâm, Hà-nội. Chùa xây năm 820, ngay cạnh đền thờ thánh Gióng (Phù-đổng Thiên-vương)