7/11/12

Anh hùng Tiêu Sơn (H19)

Xe đi vào giữa xã. Có tiếng ào ào từ xa đưa đến. Đinh Toàn lắng tai nghe:
- Hình như gần đây có chợ. Chợ đang họp, nên có tiếng vọng lại. Này cháu, phiên chợ làng này họp vào những ngày nào?
- Làng chúng tôi thuộc tổng Hồng-sơn. Tổng có ba xã. Xã nào cũng có chợ. Hội đồng quan viên ba xã họp nhau, đưa ra hương ước rằng: Xã Vạn-thảo phiên ngày một, ngày bẩy. Xã Vạn-thú họp ngày năm, ngày chín. Xã Vạn-hoa họp ngày ba ngày tám. Ngoài phiên ra, hàng ngày dân trong xã cũng họp chợ mua bán lẻ tẻ, gọi là chợ hôm, bởi họp từ sau giờ ngọ.
Đinh Toàn ngậm ngùi trong lòng. Hồi y bị Lê-Hoàn cướp ngôi, tuổi còn nhỏ, y không có ý thức gì. Y thích ăn bún riêu. Mỗi lần như vậy y lại gọi người tỳ nữ tên Lê Thúy dẫn đi chợ phiên ngoài thành Hoa-lư. Từ sau trận Cẩm-thủy, y không biết tin tức Lê Thúy, cũng chẳng có dịp đi chợ phiên. Y đề nghị:
- Cháu Hiểu này. Cháu có thể dẫn bọn ta xem chợ không?
Hiểu nhanh nhẹn:
- Thưa bác được, kính mời bác cùng các vị vào chợ mua sắm.
Chợ Vạn-thảo nằm bên bờ sông. Sông không lớn, nhưng thuyền, bè từ các nơi đổ về lũ lượt đậu trên bến. Triệu Huy có nhiều ý thức nhất về quân-sự. Y ngây người ra nhìn những người dân quê Việt chèo thuyền, neo thuyền, đi đứng trên những con thuyền nhỏ tròng trành như xiếc leo dây. Y tấm tắc khen ngợi trong lòng:
- Hơn nghìn năm nay, trong võ lâm truyền tụng rằng người Việt giỏi thủy tính nhất thiên hạ quả không sai. Thời Đông-hán thua Lĩnh-nam bẩy trận. Trong đó hết sáu trận là thủy chiến. Cứ như những người nông dân này, khi nhập ngũ, không cần huấn luyện, họ cũng là chiến sĩ thủy quân ưu tú nhất. Hoằng Tháo bị bắt trên sông Bạch-đằng. Đến bản triều bọn Lưu Trừng cũng bị mất mạng, chôn theo năm vạn quân trong cùng một giòng sông. Mình phải tấu về triều, tự hậu nếu đem quân sang Giao-chỉ, thì tránh dùng thủy chiến.
Huy để ý, trên sông có ba loại thuyền. Loại nhỏ nhất đan bằng tre, lòng thuyền trát nhựa cản nước. Loại này dài không quá mười bước, rộng không quá năm bứơc. Trên nóc thuyền có mui che mưa nắng. Có thuyền mui hình cong như ổ tò vò. Có thuyền mui là một tấm phên tre lợp lá, chống bằng bốn cọc tre. Loại thuyền thứ nhì bằng gỗ, dài từ hai mươi bước tới ba mươi bước. Loại này chỉ có một tầng. Trên mặt sàn thuyền, chở đầy hàng hóa. Thuyền di chuyển bằng sức chèo hoặc bằng sức chống của sào. Lọai thứ ba hơi ít, đó là thuyền đinh đi biển. Thuyền cao vòi vọi, dài hàng trăm bước, cao hai, ba tầng. Tầng trên cùng có nhiều cột buồm, có buồng lái cho tài công. Tầng thứ nhì, và tầng cuối có nhiều chèo.
Chợ Vạn-thảo chia làm hai loại gian hàng. Loại thứ nhất, ở trung ương gồm bốn cái đình lớn không tường, chỉ có cột gỗ, với nóc lợp ngói. Còn lại là lều, nóc bằng phên lát lá nón.
Phụng-Hiểu chỉ đình:
- Hàng ngày không có phiên, thì người trong làng họp chợ hôm. Chợ hôm ít người nên được họp trong đình. Khi có chợ phiên như hôm nay, thì ngày hôm trước người thị chợ phải đem cọc ra đóng, rồi chụp mái lều lên. Ai dùng lều phải trả tiền. Mỗi phiên một lều trả tiền-rưỡi.
Chợ gồm nhiều khu, khu bán tơ vải, khu bán ngũ cốc, khu bán rau cỏ, khu ban tôm cá, khu bán thịt. Qua khu bán quà, Mỹ-Linh cứ liên miên hỏi về các món ăn. Phụng-Hiểu trả lời không kịp. Vừa đến mấy hàng bún riêu, hơi xông lên thơm nức. Đinh-Toàn chỉ một hàng nói:
- Nào, mời các vị ngồi xuống ăn bún riêu đã.
Cô hàng bán bún riêu tuổi khỏang mười bẩy, mười tám, dáng người rỏng cao, khuôn mặt thanh nhã, đôi môi hồng mọng. Cô mặc áo lụa mầu mỡ gà, yếm trắng, đầu vấn khăn mỏ quạ. Cô thấy Phụng-Hiểu, hỏi:
- Anh trương-tuần. Anh dẫn khách đắt hàng cho em hả?
- Đúng vậy, này cô Trúc, cô phải trả ơn anh đấy nhé?
- Dĩ nhiên. Mình là người giáp Nhì với nhau, bao giờ chả bênh nhau.
Cô hỏi Đinh Toàn:
- Bún riêu có hai loại bát. Loại bát ăn cơm và loại bát ăn canh. Loại bát ăn cơm thì một tiền năm bát. Còn loại bát ăn canh thì một tiền hai bát. Bác muốn xơi loại nào?
Triệu Huy xen vào:
- Chúng tôi có chín người, với anh Hiểu là mười. Tôi xin trả tiền hết. Cô cứ múc mời khách. Bao nhiêu tiền tôi cũng trả.
Bún riêu là món ăn bình dân của thôn quê Đại-việt. Đối với Thanh-Mai, Phụng-Hiểu, họ ăn thường ngày. Còn Đinh Toàn, từ ngày lưu lạc đến giờ đã gần bốn mươi năm, bây giờ mới được ăn lại. Còn bọn Triệu Huy, Bảo-Hòa, Mỹ-Linh lần đầu tiên được ăn món ăn thôn quê, họ ngồi chờ cô hàng múc riêu, miệng nuốt nước miếng ừng ực.
Cô hàng bún riêu lấy bún bỏ vào bát, rau muống của cô chẻ nhỏ như sợi tóc, ngâm nước, thành quăn queo. Trong rổ rau muống, còn có kinh giới, tía tô thái nhỏ. Hóa cho nên rổ rau muống đưa thêm mùi hương lên mũi thực khách thêm thơm tho. Sau khi bỏ bún vào bát, cô bốc rau muống, rau thơm bỏ lên trên. Cô không quên gắp tý mắm tôm với lát ớt vào cạnh bát. Cuối cùng, cô chan riêu, lễ phép mời khách:
- Mời các ông, các bác, các cô, các cậu xơi đi.
Đinh Toàn và hai ba cái, hết một bát. Cô hàng múc bát thứ nhì. Ông lại và mấy cái hết nhẵn. Trong khi đó Mỹ-Linh cũng ăn hết một bát. Nàng là công chúa, hàng ngày được ăn không biết bao nhiêu miếng ngon vật lạ, nhưng bún riêu là món bình dân, chưa bao giờ nàng được ăn. Sau khi ăn hai bát, bụng no rồi, nàng nghĩ:
- May mắn mình theo chú hai ra ngoài mới được ăn những món này. Chỉ tội hai đứa em Kim-Thành, Trường-Ninh của mình, ở mãi trong cung, chẳng được ăn miếng ngon thôn quê. Kỳ này về kinh, mình phải rủ bọn nó trốn ra ngòai thành Thăng-long ăn quà mới được.
Ăn xong, tính tiền, mười người ăn hết ba mươi mốt bát. Ngô Tích móc tiền trao cho cô hàng:
- Phương danh cô là Thanh-Trúc phải không? Ba mươi mốt bát giá mười tiền rưỡi. Nhưng tay cô đẹp thế kia, mà múc riêu cho bọn phàm phu tục tử như tôi ăn thì biết trả bao nhiêu cho vừa? Thôi tôi trả cô một quan vậy.
Một quan tiền Thuận-thiên là sáu trăm đồng, Tích trả cô gấp hai mươi lần gía bán thông thường.
Thanh-Trúc ngơ ngác không hiểu. Phụng-Hiểu giải nghĩa:
- Tiên sinh đây họ Ngô tên Tích, người nứơc Tống sang sứ nước ta. Tiên sinh thấy em xinh đẹp lễ phép, tặng thêm tiền cho em đấy.
Thanh-Trúc ít học. Nàng hỏi lại:
- Em đã dốt nát, không biết chữ, anh cứ nói chữ thì em hiểu sao nổi?
Phụng-Hiểu giảng nghĩa:
- Ông này là quan của Tàu. Vua Tàu sai đi sứ sang nước ta.
Thanh-Trúc tươi mặt:
- Cảm ơn ông sứ Tàu.
Nàng liếc mắt nhìn tay, rồi lại cúi xuống nhìn chân Triệu Huy. Triệu Huy chưa hết kinh ngạc, nàng lại nhìn Ngô Tích, Triệu Anh. Đinh Toàn lạ lùng hỏi:
- Cô hàng bún! Mấy vị này có gì lạ đâu mà cô nhìn kỹ thế?
Thanh-Trúc nhoẻn một nụ cười:
- Trong làng này có nhiều người ghẻ Tầu. Vì vậy tôi nhìn chân tay các ông Tầu xem có ghẻ không!
Bảo-Hòa vỗ vai Trúc:
- Cô đừng sợ. Ba ông sứ Tầu này không bị ghẻ chân tay, mà ghẻ tim, ruột.
Bọn Triệu Huy biết Bảo-Hoà chửi mình, nhưng giữa chợ, y đành nhịn cho qua.
Tới gốc cây đề, tiếng nhạc từ đâu đó vọng lại, êm tai lạ lùng. Mỹ-Linh rất giỏi âm nhạc, nàng lắng tai nghe, rồi nói:
- Tiếng đàn bầu. Tại sao giữa chợ quê này mà lại có nghệ sĩ tài ba đến thế nhỉ? Chúng mình lại xem đi.
Dưới gốc đa to cỡ mười người ôm. Một cặp nghệ sĩ đang trình diễn. Người chồng mù, tuổi khoảng ba mươi. Gương mặt khắc khổ, da dăn deo, nhưng đôi bàn tay rất đẹp. Người vợ tuổi khoảng hai mươi lăm, hai mươi sáu, gương mặt tươi như hoa. Đôi mắt sáng như sao.
Người chồng ngồi trước cây đàn bầu, đang bật lên những âm thanh réo rắt. Người vợ tay kéo nhị, miệng hát. Bọn Thanh-Mai tới, thì khúc hát vừa hết. Thính chúng vỗ tay rào rào. Người đàn bà bưng cái rổ chìa ra. Mọi người ném tiền vào trong. Nàng luôn miệng nói câu cảm ơn.
Triệu Huy thấy cây đàn có một dây, thì ngạc nhiên:
- Đàn gì mà chỉ có một dây!
Người vợ đáp:
- Cây đàn này là nhạc khí có từ thời vua Hùng, do Trương Chi chế ra, tên gọi đàn bầu. Tiếng Hán-Việt gọi là Độc-huyền cầm.
Người chồng hướng vào thính chúng:
- Nào, bây giờ quý thính giả ưa thích bản nào, chúng tôi xin trình tấu.
Một người hỏi:
- Bản nào ông bà cũng thuộc sao?
- Vâng! Chúng tôi thuộc hết.
Ngô Tích rẽ đám đông, hỏi người đàn bà:
- Ông bà có hát những bản nhạc Trung-nguyên do chúng tôi yêu cầu không?
Người chồng lễ phép:
- Thưa quan viên. Không biết quan viên thích thưởng thức bản gì?
- Tôi muốn nghe bản Xuân dạ yến Trường-giang.
Người chồng ngước đôi mắt mờ nhìn trời không trả lời. Người vợ cúi xuống suy nghĩ. Triệu Huy cười đểu dả:
- Thôi, không biết hát bản đó, cũng chẳng hề gì. Bọn này làm sao biết được những bản cao như thế ? Chúng ta đi nào!
Người chồng cười nhạt:
- Chúng tôi suy nghĩ trước khi trình bày. Quan khách yêu cầu bản đó, thực là điềm gở. Nên chúng tôi còn trù trừ có nên hát không?
Triệu Huy cười khành khạch:
- Ông không biết hát bản đó tôi chẳng chấp đâu. Không biết thì nói không biết. Hà cớ gì nại ra rằng không tốt, với điềm gở?
Người chồng nói bâng quơ:
- Tôi nghe giọng nói quý khách, dường như là người Trung-quốc. Trung-quốc ở Bắc, Đại-Việt ở Nam. Thế mà quý khách muốn chúng tôi hát bài của Ngụy-Võ đế, đem quân Nam chinh. Quý khách có biết rằng bài này do Ngụy-Võ đế, trước khi vượt Trường-giang đánh Ngô, bầy tiệc rượu, cầm giáo múa dưới trăng rồi sáng tác không? Quý khách có biết rằng sau đó tám mươi vạn quân Tào bị đốt ở Xích-bích không?
Triệu Huy đồ chừng rằng vợ chồng nhà hát không biết nói lảng. Y cương quyết:
- Gở thì gở. Xin thử hát xem.
Người chồng bật lên mấy tiếng đàn dài thê lương. Người vợ kéo nhị, cất cao tiếng hát:
Đối tửu đương ca,
Nhân sinh kỷ hà?
Thí như triêu lộ,
Khứ nhật vô đa.
Khái đương dĩ khang,
Ưu tư nan vong,
Hà dĩ giải ưu.
Duy hữu Đỗ Khang.
Thanh thanh tử khâm,
Du du ngã tâm,
Đán vị quân cố,
Trầm ngâm chí kim.
Ao ao lộc minh,
Thực dã chi bình,
Ngã hữu gia tân,
Cổ cầm suy sanh.
Hạo hạo như nguyệt,
Hà thời khả chuyết?
Ưu tùng trung lai,
Bất khả đoạn tuyệt.
Vượt mạch, độ thiên,
Uổng dụng tương tồn,
Khế khoát đàm yên,
Tâm niệm cựu du.
Nguyệt minh tinh hy,
Ô thước Nam phi,
Nhiễu thụ tam đáp,
Vô y khả chi.
Sơn bất yếm cao,
Thủy bất yếm thâm,
Chu-công thổ bộ,
Thiên hạ quy tâm.
Bản nhạc dứt. Hai vợ chồng vẫn tiếp tục đàn. Người chồng nói:
- Mời quý thính giả lắng tai nghe. Kẻ hèn này xin dịch, nếu có chỗ nào khuyết điểm, nhờ cao nhân chỉ dạy cho:
Nâng chén rượu, ta ca một khúc,
Ngẫm đời người mấy chốc ai ơi?
Lăn tăn như hạt sương mai,
Ngày qua, tháng lại, kéo dài được bao?
Làm sao vơi được u sầu.
Giải khuây ta uống một bầu Đỗ Khang.
Nhớ người tà áo xanh xanh.
Lòng ta khắc khoải, sao đành quên nhau?
Chỉ vì nhớ bạn, lòng đau,
Ngày dài trôi mãi, mà sầu nào nguôi.
Tiếng nai ảo não trên đồi,
Ăn đêm trong cánh đồng tươi hoa bèo.
Nhà ta, bạn hữu cười reo,
Cùng nhau tấu nhạc, thổi tiêu gảy đàn.
Đêm nay ngập ánh trăng vàng,
Làm sao ta vẫn bàng hoàng chưa khuây?
Mối lo, canh cánh dạ này,
Biết làm sao để cho ngày trôi qua?
Đường đi vừa khó, vừa xa,
Trăm cay, nghìn đắng, thế mà còn đây.
Vui buồn trong bữa tiệc này,
Nên lòng nhớ lại những ngày cùng nhau.
Trăng khuya làm ánh sao mờ,
Quạ sang Nam kiếm, đâu ra mặt trời.
Lượn quanh cây lớn ba vòng,
Tìm không chỗ đậu, lại cùng bay cao.
Sơn nguy, thủy tận sợ nào?
Chu-công hiếu khách anh hào về theo.
Bọn Triệu Huy kinh hãi tự nghĩ:
- Người này dường như mới mù. Chứ y mù từ nhỏ, sao có thể thuộc, hiểu được những bài ca có trình độ cao như thế? Không lẽ đất Việt toàn người giỏi vậy sao?
Y cầm một thoi bạc trao cho người vợ:
- Xin thù lao hai vị.
Người vợ cầm lấy bạc. Nàng không tỏ vẻ mừng khi Huy cho số bạc quá lớn, chỉ nói nhẹ nhàng như gió thoảng:
- Đa tạ quan viên.
Người chồng hắng rặng một tiếng, rồi nói:
- Quý khách thích nghe thơ Ngụy-Võ, chúng tôi xin hát bài Hành lộ nan. Bài này, Ngụy-Võ đế làm trên đường chinh Bắc, diệt Viên Thiệu, thống nhất Hán tộc.
Bắc thượng Thái-hằng sơn,
Nan tai hà nguy nguy,
Dương trường phản cất khuất,
Xa luân vi chi tồi.
Thụ mộc hà tiêu sắt.
Bắc thanh phong chính bi,
Hùng bi đối ngã tỗn,
Hổ báo giáp lộ đề.
Khê cốc thiểu nhân dân,
Tuyết lạc hà phân phân.
Người vợ cất cao giọng ngâm lại câu:
Hung bi đối ngã tỗn.
Hổ báo giáp lộ đề.
Tuyết lạc hà phân phân.
Bà vừa hát vừa nháy Bảo-Hòa.
- Tiểu cô nương! Tiểu cô nương có hiểu không?
Bảo-Hòa lắc đầu. Mỹ-Linh giảng:
- Bài thơ này của Ngụy-Võ đế tức Tào Tháo. Tào trên đường đi đánh Viên Thiệu đã làm ra. Nghĩa rằng: Phía Bắc có núi Thái-hằng, cao vòi vọi, đường đi quanh co như ruột dê. Xe cộ lên núi, bánh bị gẫy. Cây cối thực tiêu sơ. Gió Bắc thổi rét căm căm. Gấu ngồi trên hốc đá nhìn xuống. Hổ báo rống bên đường. Trong thung lũng dân chúng thưa thớt. Tuyết rơi phơi phới.
Bảo-Hòa chợt hiểu ra:
- Mình chết thực. Thì ra cặp vợ chồng này là người của Khu-mật viện Đại-Việt. Cậu hai bố trí họ để nhắn mình cái gì đây? Đúng rồi. Hai người này rõ ràng nói giọng Thăng-long, chứ đâu có phải tiếng Thanh-Nghệ?
Bảo-Hòa móc túi lấy bạc tặng vợ chồng nhà hát. Giữa lúc đó có tiếng người dùng lăng không truyền ngữ nói vào tai nàng:
- Gặp hổ, sai hổ. Gặp báo, sai báo. Hổ, báo không thắng thì dùng trăn. Đừng hỏi lôi thôi. Cứ đến khu bán thú vật sẽ biết.
Triệu Huy thấy cặp vợ chồng nhà hát kỳ bí. Y thúc Lê Phụng-Hiểu:
- Chuồn thôi.
Họ tiếp tục đi tới khu bán gia súc. Tiếng trâu rống, tiếng ngựa hí, tiếng lợn kêu, tiếng chó sủa tạo thành âm thanh đặc biệt. Mùi xú uế xông lên nồng nặc, làm Mỹ-Linh choáng váng. Trong khu này, bán khá nhiều thú rừng, nào trĩ, nào công, nào gà rừng. Lại có chỗ bầy bán cả hươu, nai.
Chợt Bảo-Hòa sáng mắt lên, khi nàng nhìn thấy mấy người thợ săn bán thú dữ. Trước mặt một ông lão tuổi khoảng sáu mươi, bầy ra ba cái cũi. Cũi thứ nhất trong giam năm đôi trăn lớn. Cũi thứ nhì giam một đôi báo. Cũi thứ ba giam một đôi hổ. Cạnh đấy còn một cái xe, trên có căn nhà nhỏ. Căn nhà không có cửa, mà chỉ có những lỗ bằng trứng gà. Bảo-Hòa biết đây là tổ nuôi ong mật. Nàng lên tiếng:
- Cụ ơi, những thú này cụ bán cả ư?
Ông cụ nghe giọng nói, nhìn dáng người Bảo-Hòa, thì biết nàng không ở trong tổng. Ông cười:
- Cô hỏi chơi hay định mua?
- Cháu định mua đem về nuôi.
Người con trai ông thợ săn, tuổi khoảng hơn hai mươi, cười chế diễu:
- Cô nói đùa. Cô tưởng mấy con thú này hiền hẳn. Nó mà gầm một tiếng, cô vỡ mật ra chết liền.
Bảo-Hòa mỉm cười:
- Nhà tôi không có chó. Tôi định mua về để chơi với chúng cho vui. Ông định giá đi?
Ông già cười:
- Trời đất ôi, có ai mua thú dữ về nuôi như chó bao giờ? Nếu cô sai bảo được những con thú này, tôi biếu cô đấy. Còn không thì một đôi trăn giá hai quan tiền. Đôi báo năm lạng bạc, đôi hổ bẩy lạng.
Thanh-Mai thấy Bảo-Hòa nháy mắt, thì biết nàng đang tìm dịp thoát thân. Vì vậy nàng nói với ông thợ săn:
- Ông giữ lấy lời nghe. Nếu em tôi sai bảo những con thú này được thì ông phải cho chúng tôi.
Ông lão thợ săn quả quyết:
- Quân tử nhất ngôn mà!
Người đi chợ, cùng tất cả đám thợ săn thấy truyện lạ cùng bu lại xem. Bảo-Hòa tiến đến cũi giam hai con hổ, nàng gầm gừ mấy tiếng nhỏ. Hai con hổ đang nằm ủ rũ trong chuồng, nghe tiếng nàng, chúng đứng nhỏm dậy, vẫy đuôi mừng. Bảo-Hòa rút then mở cũi, rồi gầm lên mấy tiếng. Hai con hổ nhanh nhẹn chui ra khỏi cũi. Chúng nhảy vào vồ Triệu Huy, Ngô Tích.
Hành động của nàng nhanh quá, đám thợ săn cũng như mọi người không ai ngờ tới. Dân chúng kinh hoàng chạy ra xa đứng nhìn. Ngô Tích, Triệu Huy chuyển thân, liệng hành lý cho Đinh Toàn với Quách Quỳ giữ, rồi xuất chiêu, phục hổ.
Khi thấy Bảo-Hòa mở cũi hùm, Thanh-Mai ra hiệu cho Mỹ-Linh, rồi phóng chưởng tấn công Triệu Anh. Chỉ một chiêu nàng đã kiềm chế y, bẻ gập cánh tay ra sau. Bình thường, đấu võ Thanh-Mai không thể nào chịu của y được đến ba chiêu. Nay y bị trúng độc, khí lực không còn, y bị kiềm chế dễ dàng. Mỹ-Linh cũng chụp cổ Đàm An-Hòa bằng một chiêu cầm-long công. Nàng quay lại tìm Đinh Toàn với Quách Quỳ, không biết hai người trốn đâu mất!
Triệu Huy, Ngô Tích đang dùng hết sức chống nhau với đôi hổ. Bảo-Hòa lại mở cũi thả đôi báo ra. Nàng hú lên một tiếng, chúng nhảy vào trợ sức với đôi hổ. Anh em Ngô Tích, Triệu Huy quả xứng đáng là đại cao thủ. Mỗi người chống với một cọp một báo, mà không nao núng.
Bảo-Hòa đứng gầm gừ điều khiển hổ, báo tấn công ráo riết. Nàng chạy lại cũi chứa trăn, mở cũi húyt sáo mấy tiếng. Một đôi trăn vọt ra khỏi cũi, chúng phóng đến cuốn Triệu Anh, Đàm An-Hòa lại, như người ta dùng dây trói. Còn bốn đôi khác ngỏng đầu như người đứng, trong tư thế sẵn sàng tấn công anh em Triệu Huy.
Dân chúng náo loạn cả lên. Tuy vậy họ vẫn không chạy, mà đứng thành vòng tròn xem ba cô gái lạ, mặt đẹp như tiên, có tài sai hổ, báo, trăn tấn công người. Trống báo động thúc liên hồi.
Ông lý đã cùng một đội hoàng-nam xuất hiện, đao kiếm sáng ngời, làm thành vòng vây xung quanh đấu trường, đề phòng thú dữ.
Chiến đấu được một lúc, Ngô Tích mệt muốn đứt hơi. Y nhìn sang bên cạnh, chiêu thức Triệu Huy đã rời rạc. Y nghĩ:
- Tình thế này, chi bằng hãy tạm bỏ chạy. Đại ca ta là Thiên-sứ, chắc bọn chúng không dám hại. Ta cần tìm Bình-nam vương, để người can thiệp với vua Giao-chỉ bắt chúng tha đại ca ra.
Nghĩ vậy y hú lên một tiếng, báo hiệu cho Triệu Huy bỏ chạy. Hai người cùng vận hết sức phát liền mấy chưởng, bình, bình. Hổ báo bị đẩy lui . Hai người vọt mình vào đám dân chúng trốn. Nhưng nhanh hơn, Bảo-Hòa huýt sáo mấy tiếng, tám con trăn phóng tới quấn hai người vào giữa.
Hai người càng vùng vẫy, trăn cuốn càng chặt.
Thanh-Mai mừng quá, nàng lấy mấy sợi dây của thợ săn trói bọn chúng lại. Bảo-Hòa bị trúng độc, thân thể rã rời. Sau trận đấu, nàng choáng váng, ngồi xuống đất dựa lưng vào một con hổ dưỡng thần. Một con khác đến nằm cạnh. Hai con báo liếm tay nàng tỏ vẻ thân ái. Bảo-Hòa ôm lấy cổ chúng như ôm những con chó.
Mỹ-Linh đến bên hỏi:
- Chị Bảo-Hòa, có sao không?
- Không sao cả. Em yên tâm.
Nói xong nàng gượng gạo vẫy tay gọi bố con ông thợ săn. Hai bố con ông cùng hơn mười người thợ săn khác không dám lại gần. Họ quỳ gối ở xa, lạy thụp xuống đất. Đối với thợ săn, thú rừng là những con vật linh thiêng, phải có thần tiên mới sai khiến được chúng. Họ thấy Bảo-Hòa sai thú của họ như họ sai chó. Nàng lại trang phục như người Thái, hơi khác lạ với người Kinh. Bảo-Hòa mỉm cười nói với ông thợ săn:
- Cụ giữ lời, hứa cho tôi mấy con thú này nghe.
Hai bố con ông thợ săn quỳ gối chắp tay lạy Bảo-Hòa liên tiếp:
- Tấu lạy tiên cô. Cô là người nhà trời, cô sai khiến đươc hổ báo. Con xin kính dâng cô hết.
Bảo-Hòa là con một lạc-hầu vùng bắc-biên Việt-Tống. Mẫu thân nàng hiện làm vua bà 207 khê động. Khi sinh ra đời được mười ngày, mẫu thân nàng bị cảm, rồi mất sữa. Với địa vị một vua bà, thì kiếm cho con một bà vú thực không khó. Nhưng mẹ nàng là người sùng đạo Phật, không muốn con mình bú người, mà con người không được bú mẹ, như vậy sinh ra nghiệp quả. Sẵn trong châu nuôi nhiều hổ, báo, thân phụ nàng nặn sữa hổ, báo nuôi nàng.
Khi đã lên bốn, lên năm, nàng vẫn còn ăn sữa. Một lần theo anh vào rừng chơi, chẳng may đi lạc. Bố mẹ nàng kinh hãi, xuất lĩnh trên trăm người đi tìm suốt hai ngày không thấy đâu. Mọi người cho rằng nàng bị thú dữ ăn thịt rồi. Bốn hôm sau một tóan thợ săn tìm thấy Bảo-Hòa đang ở trong hang cọp. Suốt mấy ngày nàng bú cọp, sống với bầy cọp con. Không ai hiểu tại sao cọp mẹ không ăn thịt nàng. Cuối cùng một người thợ săn cho biết rằng khi trẻ con uống sữa thú rừng lâu ngày tự nhiên trong người tiết ra mùi hương đặc biệt thoang thỏang như hoa lan rừng. Phàm thú dữ ngửi thấy mùi hương đó, thì không ăn thịt. Ngược lại còn phục tùng, trung thành như chó đối với chủ. Từ đấy dân chúng Bắc- biên coi nàng như công chúa con Ngọc-Hòang thượng đế giáng sinh, gọi nàng bằng cô. Nàng cũng xưng cô với họ, riết rồi thành quen.
Bảo-Hòa cũng như các đệ tử Tây-vu khác, được dạy tiếng nói của thú rừng, hầu sai khiến, chỉ huy như chỉ huy binh đội. Hôm nay, giữa lúc chị em lo sợ rằng sau khi chữa khỏi bệnh cho Triệu Anh, chắc chắn bọn chúng sẽ giết chết chị em nàng để phi tang... thì gặp bọn thợ săn bán thú rừng. Nàng dùng bản lĩnh Tây-vu, sai thú tấn công bọn chúng, mà thành công.
Bảo-Hòa mỉm cười:
- Không, cô không nhận của ông đâu. Đây cô trả tiền cho.
Nàng trả cho ông số bạc gấp đôi lần ông ra giá. Nàng nói:
- Ông mua cho mỗi con trăn một con gà. Mỗi cặp hổ, báo một đùi thịt trâu, bỏ vào cũi cho chúng ăn.
Khi bọn Triệu Anh đi rồi, trong lòng ông lý khả nghi. Ông sai một hoàng nam theo dõi hành tung của bọn chúng. Hoàng nam vừa đi, đã chạy về báo cho ông hay về cuộc giao chiến của chị em Thanh-Mai với bọn Triệu Huy. Ông ra lệnh đánh trống Ngũ-liên báo động, rồi dẫn đội hoàng nam đến đấu trường. Dân chúng có mặt kể cho ông nghe từ đầu đến cuối diễn tiến trận đấu. Ông đến nơi đúng lúc Thanh-Mai, Mỹ-Linh bắt Đàm An-Hòa, Triệu Anh. Trong lòng ông kinh hoàng, tự hỏi:
- Mấy cô gái này là ai, đang đi cùng Đàm hiệu úy, với Thiên-sứ, rồi lại sai hổ, báo, trăn bắt sống họ?
Bảo-Hòa vẫy tay gọi ông lý:
- Cụ lý. Mời cụ lại đây, tôi có truyện muốn nói với cụ.
Tiếng nói của nàng thanh tao, mà oai lạ lùng. Ông lý chắp tay:
- Tấu lạy tiên cô. Con muốn lại, nhưng... những ông kễnh này ghê quá. Con không dám.
Bảo-Hòa mỉm cười:
- Ông đừng sợ, những con chó, con mèo này hiền lắm. Nó không nhá thịt ông đâu. Thôi, ông sợ thì thôi. Phụng-Hiểu, anh lại đây.
Lê Phụng-Hiểu rất can đảm. Chàng hiên ngang tiến tới. Bảo-Hòa nói sẽ:
- Anh có biết cô là ai không?
- Tấu lạy cô không.
- Cô là con vua bà coi 207 châu động vùng biên giới bắc Đại-Việt. Bọn người Tầu này mưu hại cô. Cô ra lệnh cho hổ, báo bắt chúng. Vậy anh hãy sai hoàng-nam đóng kín cổng làng tìm cho được hai tên đồng bọn đang trốn đâu đó.
Một con báo liếm tay Phụng-Hiểu. Tuy chàng biết nó không cắn mình, mà chân tay cũng run run, người phát lạnh. Tiếng nói uy nghiêm của Bảo-Hòa khiến chàng không tự chủ được. Chàng lui lại gọi bốn đội trưởng hoàng-nam ra lệnh, tìm bắt Đinh Toàn, Quách Quỳ.
Thấy Lê Phụng-Hiểu dám lại bên Bảo-Hòa, ông lý làm gan, ông đến gần chắp tay lạy:
- Tấu lạy cô, xin cô ban lệnh.
Bảo-Hòa rút lệnh bài của mẹ, trao cho ông lý:
- Ông cho người phi ngựa về đinh tiết-độ-sứ Đinh Ngô-Thương, nói rằng cô đã bắt được bọn gian nhân. Đinh phải cho đạo binh Quảng-thánh tới giải tù nhân về.
Một người cụt tay, tuổi khỏang ba mươi rẽ đám đông đi ra. Ông lý chỉ người đó giới thiệu:
- Đây ông tiên chỉ làng Vạn-thảo.
Bảo-Hòa kinh ngạc không ít, vì xưa nay tiên chỉ phải là người già, đạo cao, đức trọng. Không ngờ tiên chỉ Vạn-thảo lại còn quá trẻ. Nhìn dáng điệu, khuôn mặt của ông tiên chỉ rất quen, mà nàng không nhớ đã gặp ở đâu. Người cụt tay cúi đầu chào Bảo-Hòa:
- Hoàng-triều thiên tướng Quách Thịnh xin kính cẩn ra mắt cô nương. Chẳng hay cô nương từ đâu gía lâm tệ xã?
Bảo-Hòa nghe đến tên Quách Thịnh, nàng á lên một tiếng, mừng rỡ:
- Quách tướng quân quên cô rồi sao? Cách đây năm năm, tướng quân theo cậu hai của cô là Dực-thánh vương, đem quân giúp mạ mạ đánh bọn Tầu-ô Đại Quang-Lịch, đốt trại Như-hồng trên đất Tống. Sau đó tướng quân bị thương ở tay. Mạ mạ đem về nhà dưỡng thương hơn tháng mới khỏi. Lúc ấy cô thường gọi hùm, gọi báo đến chơi đùa với tướng quân. Sau trận đó, ông ngọai thương xót, phong cho tướng quân tước Trung-thành hầu, ăn lộc một nghìn hộ.
Người cụt tay đã nhận ra Bảo-Hòa:
- Thì ra quận chúa. Tiểu tướng thực vô tâm. Cũng tại quận chúa mau lớn qúa, tiểu-tướng nhận không ra. Thấm thoát đã trên năm năm. Bây giờ quận chúa xinh đẹp như thế này rồi. Tiểu tướng xin ra mắt quận chúa.
Bảo-Hòa chỉ Mỹ-Linh:
- Bình-Dương là con gái lớn cậu cả đấy.
Quách Thịnh chắp tay:
- Thần Trung-thành hầu xin tham kiến công chúa điện hạ.
Quách Thịnh gọi ông lý:
- Mau đánh trống rước công chúa, quận chúa về đình.
Quách Thịnh đến bên Bảo-Hòa:
- Từ sau khi được hoàng thượng phong cho tước hầu. Tiểu nhân trở về làng cũ lấy vợ, được dân chúng tôn làm tiên chỉ. Tuy ở thôn dã, tiểu nhân cũng vẫn lấy việc dạy dỗ lớp sau, hầu khi quốc gia hữu sự, cho chúng ra giúp nước.
Dân làng đã đem đến ba cái kiệu để rước chị em Thanh-Mai. Bảo-Hòa xua tay:
- Cô không đi kiệu đâu. Chị Thanh-Mai cỡi ngựa. Mỹ-Linh đi kiệu. Cô cỡi hùm được rồi.
Bảo-Hòa nói với đám thợ săn:
- Các ông chở mấy cái cũi trăn này theo cô. Còn mấy con chó, con mèo của cô thì không cần.
Nàng nhảy lên lưng cọp, hô một tiếng, nó rảo bước theo sau kiệu Mỹ-Linh. Con hùm còn lại, cùng hai con báo đi cạnh nàng.