Nói rồi bà cầm chung trà tung lên, kình lực phát ra vo vo. Tự-Mai kinh hoảng vội lộn xuống dưới ránh. Chung trà trúng xà nhà đến bốp một tiếng, vỡ tan tành ra thành những miếng nhỏ. Thấp thoáng, Lưu hậu nhảy tới phóng chưởng tấn công nó. Chưởng lực của bà cực kỳ hùng hậu, trong chưởng có mùi hôi tanh khủng khiếp. Tự-Mai vội vận khí ra ba kinh dương tấn công, ba kinh âm thủ. Phương pháp này của bố nó chế ra, dùng để phá Chu-sa ngũ độc chưởng. Vô tình nó đẩy ra chiêu Phong-ba hợp bích. Binh một tiếng. Nó cảm thấy khí huyết nhộn nhạo cực kỳ khó chịu.
Trong khi Lưu hậu bật lên tiếng ủa:
- Mi là ai mà giả thái giám đột nhập cấm cung? Thì ra mi thuộc phái Thiếu-lâm. Mi trúng Chu-sa ngũ độc chưởng của ta rồi. Mi mau bỏ khăn che mặt ra, ta muốn xem mặt mi một chút. Mi còn trẻ, mà đỡ được chưởng của ta kể cũng thuộc loại hiếm có.
Tự-Mai cười nhạt, nó tấn công liền ba chưởng bằng tất cả bình sinh công lực. Lưu hậu thấy chưởng của nó hùng hậu kỳ lạ, bà không dám coi thường, phát chưởng đỡ. Bình, bình, bình. Cả hai lảo đảo lui lại.
Vốn cực kỳ thông minh, Tự-Mai biết chậm một chút, thị vệ xuất hiện thì tính mạng khó bảo toàn. Nó chĩa ngón tay phóng liền ba Lĩnh-Nam chỉ vào ba ngọn đèn. Ba tiếng lốp bốp vang lên, trong phòng tối om. Nó điểm một chỉ về phía Lưu hậu. Bà đâu biết lợi hại của chỉ? Trong bóng tối, thấy kình lực ập tới, bà vung chưởng đỡ. Chỉ xuyên qua chưởng trúng người bà. Bà ối lên một tiếng. Rồi quát lớn:
- Quân to gan. Có thích khách!
Bên ngoài vang lên tiếng thanh la báo động. Tự-Mai kinh hãi, nó lượm mấy cuốn sách ném vào Lưu hậu. Lợi dụng bà mải đỡ, nó vọt qua cửa sổ. Ngơ ngác chưa biết trốn đâu. Trong lúc nguy cấp, nó nhớ lại trong Dụng-binh yếu chỉ của công chúa Thánh-Thiên nói rằng: Tìm chỗ sống ở chỗ chết. Nay nó đụng với Lưu thái hậu, thì chỗ chết là nơi bà cư ngụ. Nó cần trốn ở cung bà mới an toàn. Hôm Triệu Huy cho nó xem bản đồ cấm thành. Ngọc-thanh Chiếu-ứng Cảnh-linh cung là nơi thái hậu ở về phía Tây. Nó hướng phía Tây chạy.
Trong cấm thành, đèn đuốc sáng lòa. Phía trước mấy thị vệ đang chặn đường. Kinh hoàng, thấy bên cạnh có căn phòng tối mò, nó nhảy qua cửa sổ vào trong. Đây là một phòng ngủ trang trí rất thanh nhã. Nhanh nhẹn nó chui ngay vào gầm dường ẩn thân.
Bên ngoài người đi lại rầm rập. Có tiếng đàn ông nói:
- Bọn thần thực có tội, để thích khách phạm giá. Mong Thái-hậu đại xá.
Tiếng Lưu hậu nói:
- Khiếu Tam-Bản đấy ư? Người cho thị vệ giải tán ngay. Gian nhân lĩnh của ta ba chưởng. Dù cho gan bằng trời, đêm nay y cũng đau đớn đến chết đi sống lại.
- Tuân chỉ Thái-hậu.
Cấm thành trở lại yên tĩnh. Tự-Mai đang định chui ra khỏi gầm dường, có tiếng dép lẹp kẹp, rồi một người khoan thai đi vào. Nó ghé mắt nhìn trộm, thì ra Lý thái phi.
Thái-phi đến tấm bồ đoàn ngồi xuống, chắp hai tay vào nhau, mắt từ từ nhắm lại. Bà đang luyện công. Trí nhở Tự-Mai trở về: Hôm ở Khúc-giang, Định-vương căn dặn nó phải cẩn thận, vì võ công Lưu thái hậu cao thâm không thua gì bọn trưởng lão Hồng-thiết giáo. Nguyên trước đây bà theo học phái Hoa-sơn. Từ khi nhập cung bà vẫn tiếp tục luyện tập. Sau bang Nhật-hồ khống chế bà, rồi Trường-giang song ưng, Lê Lục-Vũ, Tôn Đức-Khắc, Sử-vạn Na-vượng, Khiếu Tam-Bản cũng khống chế bà, rồi bị bà khống chế lại, rút cục chúng phải qui phục. Vì vậy bà luyện thêm Hồng-thiết công cùng Chu-sa ngũ độc chưởng. Còn Lý thái phi xuất thân từ phái Nga-mi. Trước kia võ công bà cao hơn Lưu hậu. Sau bại dưới tay Lưu hậu về độc chưởng. Từ đấy bà phải khuất phục Lưu hậu để có thuốc giải hằng năm.
Tự-Mai thấy lối luyện công của Thái-phi giống phái Tiêu-sơn. Lúc đầu nó hơi bỡ ngỡ. Nhưng lát sau nó nhớ lại lời bố dạy: Võ công Tiêu-sơn, Thiếu-lâm, Nga-mi đều phát xuất từ kinh Kim-cương, Lăng-già, Bát-nhã, nên giống nhau đến bẩy tám phần.
Thái-phi luyện công hơn giờ, rồi đóng cửa lại. Bà ngồi lên chiếc ghế, tay mở cuốn sách ra đọc. Thình lình bà ngừng đọc, lên tiếng:
- Thiếu hiệp nằm dưới gầm dường mãi như vậy e mất phẩm giá đi. Ra đây mau.
Tự-Mai kinh hãi từ từ chui ra. Lý Thái-phi chỉ cái ghế gần đó:
- Người ngồi đi! Hừ, người còn trẻ thế, mà võ công đã đến trình độ kinh nhân. Người chịu ba độc chưởng của Thái-hậu mà không việc gì ư?
- Nhật-hồ độc chưởng không hại nổi vãn bối.
Lý Thái-phi nhắm mắt lại suy nghĩ rồi nói:
- Lúc người nhảy ở xà nhà xuống dường như là thức Vô sắc vô tướng của Thiếu-lâm. Còn ba chiêu chưởng của người phảng phất giống Kim-cương chưởng của Thiếu-lâm nhưng sát thủ cực kỳ ghê gớm. Người dùng thứ chỉ pháp gì huyền ảo vô cùng. Ta thực không nhận ra. Người là đệ tử của cao nhân nào?
- Vãn bối không có sư phụ. Vãn bối học nghệ với phụ thân.
- Người đột nhập vào cung làm gì? Người thực to gan lớn mật. Ta không như Lưu Thái-hậu đâu. Người cứ nói thực, ta sẽ giúp người thoát khỏi nơi đây, bằng không, dù người có bản lĩnh nghiêng trời lệch đất cũng mất mạng.
- Vãn bối có người bạn gái bị bắt làm cung nữ. Vãn bối vào tìm nàng. Vì vậy dù biết vào cấm thành nguy hiểm, vãn bối không từ nan. Vãn bối nghĩ dù chết vãn bối cũng phải tìm ra nàng.
- Người thực chí tình. Cung nữ đó họ gì? Người đã tìm thấy chưa?
Tự-Mai sợ đưa tên Thuận-Tường ra e nguy cho nàng. Nó nói dối:
- Tiểu bối không rõ nàng họ gì, chỉ biết tên mà thôi. Tiểu bối biết nàng theo hầu Thái-phi, nên mạo muội đột nhập vào đây. Mong Thái-phi khoan thứ cho tuổi trẻ bồng bột.
- Bồng bột! Người không bồng bột đâu, người thực xứng đáng nam nhi đại trượng phu đa tình. Ở đời đàn ông đa số đều hiếu sắc, đa dâm, rất ít kẻ đa tình. Ta có lời khen người đó.
Chợt nhớ lại câu truyện đối đáp giữa Định-vương Nguyên-Nghiễm với Minh-Thiên. Tự-Mai hỏi:
- Thái-phi! Thái-phi có biết Lưu hậu đang định hại Thái-phi để diệt khẩu không?
- Dĩ nhiên ta biết. Truyện này người nghe ở đâu?
- Tiểu bối nghe trộm được cuộc đối thoại của Minh-Thiên đại sư với Định-vương, nên đoán ra.
- Cuộc đối thoại đó ra sao?
Trí nhớ Tự-Mai rất tốt. Nó thuật lại nguyên văn cuộc đối thoại mà Bảo-Hòa, Thông-Mai ghe trộm, báo về Khu-mật viện Bắc-biên... Rồi Thiệu-Cực trình bầy cho sứ đoàn.
Lý Thái-phi vẫy Tự-Mai lại gần, bà nói:
- Thiếu hiệp. Những gì Minh-Thiên với Định-vương nói, đều đúng cả. Ta chết không sao, nhưng hoàng thượng không thể chết được. Ta muốn nhờ thiếu hiệp giúp ta một việc. Thiếu hiệp giúp ta. Ta nguyện không quên ơn. Sau khi xong, ta hứa thả cung nữ bạn gái của thiếu hiệp ra, để hai người thành vợ chồng. Thiếu hiệp nghĩ sao?
Hùng tâm nổi dậy, Tự-Mai hiên ngang đáp:
- Thái phi muốn tiểu bối giúp việc gì?
Thái phi nói nhỏ:
- Ở đây tai vách mạch rừng. Thiếu hiệp theo ta.
Bà đứng dậy, tay cầm ngọn nến rồi đẩy mạnh vào bức tường tước mặt. Bức tường chuyển động, để hở ra một con đường ngầm xuống đất. Bà vẫy Tự-Mai cùng vào, rồi kéo vách tường lại như cũ.
Hai người xuống hầm. Hầm được trang trí như một căn phòng luyện võ. Thái phi chỉ ghế cho Tự-Mai ngồi, rồi nói:
- Căn hầm này ta dùng để luyện công. Không ai có quyền vào. Ta bí mật kiến tạo, Lưu hậu không thể biết được.
Bà móc trong vách hầm ra một cái hộp, trịnh trọng để trước mặt, rồi nói:
- Tuy chưa biết danh tính thiếu hiệp, nhưng thấy cung cách cùng võ công, ta cũng biết thiếu hiệp thuộc đệ tử danh gia, thân phụ thiếu hiệp có địa vị lớn trong võ lâm. Vì vậy ta nhờ thiếu hiệp đem cuốn sách này về trao cho người, để người tùy nghi giúp ta được gì thì giúp. Ta biết chỉ mình thân phụ thiếu hiệp giúp ta được mà thôi.
- Sao Thái-phi cho rằng phụ thân vãn bối làm được việc khó khăn này.
- Trên thế gian không ai có thể chống nổi bọn Tôn Đức-Khắc, Lê Lục-Vũ, Sử-vạn Na-vượng, Khiếu Tam Bản cùng bang Nhật-hồ. Vừa rồi, thiếu hiệp chống được ba chưởng của Lưu hậu, thì lệnh tôn thừa bản lĩnh trị chúng.
Trong tâm Tự-Mai vang lên lời dạy của bố : Khi người đem nghĩa tri kỷ đãi ta, mà ta không đáp lại, thực chẳng đáng kẻ sĩ. Vì vậy nó nói:
- Thái-phi yên tâm. Trường-giang thất quỷ cùng bang Nhật-hồ Trung-quốc bỏ Lưu hậu theo Định-vương rồi.
- Có chuyện đó ư?
Tự-Mai đem việc sứ đoàn Đại-Việt thu phục Trường-giang thất quỷ cùng bang Nhật-hồ ra sao thuật lại một lượt. Lý Thái-phi thở phào một tiếng:
- Tạ ơn Trời, Phật.
Bà bỗng nắm lấy tay Tự-Mai:
- Thiếu hiệp. Ta biết thiếu hiệp là ai rồi.
- ??
- Thiếu hiệp họ Trần tên Tự-Mai, con trai thứ của Côi-sơn đại hiệp Trần Tự-An.
Tự-Mai kinh ngạc đến đờ người ra, không nói nên lời.
Bà ngơ ngẩn một lúc rồi tiếp:
- Thì ra võ công thiếu hiệp là võ công Đông-a, xuất phát từ võ công Tiêu-sơn, hèn chi có ba phần giống võ công Thiếu-lâm. Cho nên Thái-hậu không nhận ra.
Tự-Mai kinh hãi:
- Sao... sao Thái-phi biết?
- Biết chứ! Thuận-Tường sang Đại-Việt về thì bị tiến cung. Nó kể cho ta nghe hết. Nó nhớ công tử ngày đêm. Được rồi! Trần công tử, Côi-sơn đại hiệp chế ra thứ nội công khắc chế với Nhật-hồ độc chưởng, hèn chi công tử lĩnh ba chưởng cửa Thái-hậu mà không sao. Công tử đưa tập sách này cho Côi-sơn đại hiệp. Ta hứa việc của công tử với Thuận-Tường tốt đẹp.
- Xin Thái-phi nói rõ hơn về nguyên do nào Lưu hậu định hại người.
Lý Thái-phi thở dài:
- Hiện Thiên-Thánh hoàng đế đã mười tám tuổi, nhưng Lưu Thái-hậu vẫn cầm quyền. Ta với quần thần muốn bà lui về hậu cung. Vì vậy bà định hại ta.
- Thưa Thái-phi, tiểu bối nghe Lưu hậu có tài trị nước. Vả hoàng đế là con bà sinh ra, bà lấn quyền của con, đâu có gì quá đáng!
- Thiên-tử không phải con bà sinh ra.
- Thế sinh mẫu của Thiên-tử là ai?
- Là ta!
Tự-Mai mở to mắt ra, nhưng nó hiểu ngay:
- Thì ra thế. Đúng lý con lên ngôi vua, mẹ làm Thái-hậu, buông rèm thính chính. Có đâu lại do Lưu Thái-hậu? Mẹ đẻ vẫn chỉ là thái phi?
- Thái-phi còn khá. khi Tiên-đế băng, Lưu hậu thí cho ta chức Thuận-dung tức một thứ cung nữ không hơn không kém, rồi bắt rời cung ra coi lăng tẩm, giống như những cung nữ bị đầy vậy.
Tự-Mai lắc đầu không hiểu. Lý thái phi thuật:
- Ta vốn người đất Hàng-châu. Thân phụ làm một chức võ quan thị vệ. Trước tiên đế được vua Nhân-tông tuyển con gái của Tuyên-huy Nam-viện sứ họ Quách phong làm vương phi. Tiên đế lên ngôi, Quách phi được phong Chương-mục hoàng hậu. Năm ba mươi hai tuổi hậu băng. Tiên đế lập một cung nữ xuất thân bần hàn, làm Chương-hiến minh-túc hoàng hậu. Tức Lưu thái hậu bây giờ.(1)
Tự-Mai nhớ lại lời Thiệu-Cực trình bầy. Nó tiếp:
- Quần thần đều phản đối! Tiên đế hỏi Định-vương Nguyên-Nghiễm. Vương để tay lên ngực, ý muốn nói vua nên tự hỏi lòng mình. Vì vậy Lưu phi được phong làm Hoàng-hậu.
Thái-phi kinh ngạc:
- Kiến thức thiếu hiệp thực vô song.
Tự-Mai kể lại tất cả những gì Thiệu-Cực sưu tầm được: Xuất thân không gốc tích của Lưu hậu. Vua Thái-tông bắt đuổi ra khỏi cung. Sau khi làm Hoàng- hậu, Lưu hậu phụ tá vua ra sao, cùng những biến cố Khấu Chuẩn, Đinh Vị, Tào Lợi-Dụng v.v.
Lý Thái-phi thở dài:
- Thiếu hiệp biết tất cả những gì bí ẩn của cung đình Tống. Duy việc hoàng thượng là con của ta, thiếu hiệp không biết mà thôi.
Bà thở dài:
- Năm ta mười lăm tuổi được tuyển cung. Bấy giờ tiên đế sủng ái Dương phi. Lưu hoàng hậu thấy ta xinh đẹp, đem về cung hầu hạ. Bà có ý dùng ta chia bớt lòng tiên đế. Quả nhiên ta đại hạnh. Tiên đế thấy ta, sủng ái liền. Ta mang thai. Trong lúc đó Lưu hậu cũng mang thai. Thời gian mang thai... một hôm theo tiên đế chơi hoa viên, cành thoa tiên đế ban cho ta rơi xuống đài. Ta buồn quá phát khóc. Thái giám tìm được dâng lên, thì cành thoa vẫn còn nguyên. Tiên đế phán: Thoa không hư, ắt sinh hoàng nam. Sau mười tháng, một đêm ta đau bụng lâm bồn ra hoàng nam. Ta ôm hài nhi trong lòng. Muốn ghi kỷ niệm cũ, ta đem chàm bôi lên cành thoa, rồi in vào mông hài nhi.(2)
- Chà! Vết chàm có lớn không?
- Không. Cành thoa đó có chữ Lý là họ của ta.
Thái phi ngửa mặt nhìn lên nóc hầm, như tưởng lại truyện cũ:
- Ta mệt quá ngủ thiếp đi đến hai ngày. Khi thức dậy, thì ôi thôi, cung nữ hầu hạ cho ta biết hài nhi đã chết từ bao giờ. Ta khóc lóc thảm thiết, ôm con đi đi lại lại trong phòng. Bất chợt ta để ý thấy mông hài nhi không hề có vết thoa. Ta khám phá ra hài nhi bị chết vì nghẹt hơi, nên mặt tím bầm. Trong khi đó Lưu hậu cũng sinh một hoàng nam. Hôm sau tiên đế tới an ủi ta. Ta đem sự việc tâu lên. Tiên đế cho rằng sau khi sinh mất máu nhiều, con chết, ta hoảng hốt mà tưởng tượng ra. Ta cũng tin như vậy.
Tự-Mai thở phào một tiếng:
- Có thể hoàng tử do Lưu hậu sinh ra chết. Bà đem đổi lấy hoàng tử của thái phi. Cũng có thể Lưu hậu giả mang thai. Đợi khi thái phi lâm bồn, bà cũng giả lâm bồn, sai người bắt con của thái phi làm con mình, lại sai bắt con nít dân giả nào đó, bịt mũi cho chết, đem làm con thái phi.
Lý thái phi giật mình:
- Thiếu hiệp biết cả rồi ư?
- Tiểu bối đoán vậy thôi.
- Ta thực không minh mẫn bằng thiếu hiệp. Hơn năm sau, ta lại thụ thai. Lưu hậu cũng thụ thai. Hai ta cũng lâm bồn cùng một lúc. Ta sinh con gái. Lưu hậu cũng sinh con gái. Sau khi sinh, thực kỳ lạ, ta uống thuốc bổ máu, lập tức ngủ ly bì hơn ngày. Khi tỉnh lại, được biết con gái của ta chết rồi. Ta xem xét, rõ ràng mặt tím, chứng tỏ bị người ta bóp mũi cho chết.
Tự-Mai cười:
- Lưu hậu liên hệ với bọn Nhật-hồ, ắt biết dùng thuốc Di-hồn. Thứ thuốc này uống vào ngủ đến hai ngày liền. Có lẽ cả hai lần, bà cho người đầu độc thái phi, làm thái phi ngủ, bà dễ hành sự.
Lý thái phi nhảy phắt lên:
- Thì ra thế. Bây giờ ta hiểu hết cả. Con trai Lưu-hậu sinh ra được phong làm Thái-tử liền. Lưu- hậu sai Dương phi nuôi dưỡng. Còn công chúa bà sai ta nuôi.
- Có phải công chúa Huệ-Nhu không?
- Đúng đấy! Này thiếu hiệp, võ công người cao thâm như vậy, sao người không ứng tuyển phò mã. Ta nói cho người biết công chúa Huệ-Nhu có nhan sắc khắp hậu cung không ai bì kịp. Nàng lại văn hay, chữ tốt, võ công cao cường.
Tự-Mai lắc đầu:
- Đa tạ tiền bối, dù công chúa Huệ-Nhu có là con gái Ngọc-Hoàng đại đế, là Hằng-Nga giáng thế, vãn bối cũng không thế ứng tuyển, vì tâm vãn bối đã có người bạn gái kia rồi. Dù nàng ở trong ngục A-tỳ, dù nàng ở góc biển chân trời nào vãn bối cũng phải cứu nàng ra.
- Thực là một thiếu niên đa tình. Thế gian này, người đa tình thường đa tài. Cung nữ bạn của thiếu hiệp diễm phúc không nhỏ. Thiếu hiệp gặp nàng trong trường hợp nào?
Tự-Mai thấy Lý thái phi dám đem tính mệnh của mình, của hoàng đế ra gửi cho nó. Nó nghĩ thầm:
- Ta chẳng nên dấu diếm bà.
Nó thuật tỷ mỉ trận đánh Tản-lĩnh cùng cuộc tao ngộ với Thuận-Tường, không thiếu chi tiết nào cho Lý thái phi nghe. Bà chăm chú theo dõi, thỉnh thoảng hỏi thêm chi tiết. Sau khi nghe xong, bà vuốt tóc nó:
- Khi Thuận-Tường tiến cung, nàng có thuật cho ta nghe về mối nhu tình với thiếu hiệp. Ta hỏi thực, có phải Thuận-Tường cho người dẫn thiếu hiệp vào đây tương hội không? Con nhỏ này thực to gan lớn mật. Còn thiếu hiệp thì ngang quá ghẹ, lại liều lĩnh đa tình.
Bà nghĩ ngợi một lúc rồi nói:
- Cái tin Khai-Quốc vương với Định-vương kết huynh đệ có đúng không?
Tự-Mai trả lời bằng cái gật đầu:
- Lưu hậu muốn giảm thế lực của Định-vương, mới bầy ra vụ sai vương đi sứ Nam-thùy, gây hấn với võ lâm tộc Việt. Như vậy Lưu hậu chỉ việc ngồi ôm gối xem hai hùm chọi nhau. Lúc đầu Định-vương bị mắc mưu. Sau vương nhận ra một sự thực: Tống nên có một người anh em trung thành ở phương Nam hơn là một đại thù. Người kết huynh đệ với Khai-Quốc vương.
Lý thái phi chắp tay hướng lên trời:
- Tạ ơn Quốc-tổ Phục-Hy, Thần-Nông. Tạ ơn thái cô Nữ-Oa dun dủi cho hai anh tài kết huynh đệ.
Tự-Mai lại lược thuật một lần nữa việc sứ đoàn chinh phục Trường-giang thất quỷ cùng bang Nhật-hồ. Biến bang Nhật-hồ thành bang Hoàng-Đế. Lý thái phi tươi nét mặt:
- Ta có nghe tin này. Bây giờ chính miệng thiếu hiệp kể lại ta mới tin hẳn. Từ khi bản triều lập lên, mối ưu tư lớn của vua Thái-Tổ, Thái-Tông, Tiên-đế là bang Nhật-hồ cùng dư đảng của bang này. Nay dư đảng lớn nhất là Trường-giang thất quỷ qui phục Khai-Quốc vương. Bọn Nhật-hồ biến thành bang Hoàng-Đế, đến nằm mơ ta cũng không ngờ tới.
Chợt bà mở to mắt, hàn quang chiếu ra làm Tự-Mai lạnh cả người:
- Thiếu hiệp! Phải chăng thiếu hiệp nhận chỉ dụ của Định-vương về kinh, thi hành một sứ mạng gì?
- Thái phi đã hỏi, vãn bối đâu dám dấu. Vãn bối đến đây với hai sứ mạng. Một là đón Ngô Quảng-Thiên về Đại-Việt. Hai là tìm cho ra gốc tích bốn người thuộc Hồng-thiết giáo Đại-Việt tên Đào Tường-Phúc, Chu Bội-Sơn, Sử-vạn Na-vượng, Khiếu Tam-Bản.
Lý thái phi cười lớn, vỗ vai Tự-Mai:
- Thiếu hiệp là em Khai-Quốc vương, cũng như em Định-vương, mà không hiểu rõ hai ông anh mình.
- Tiểu bối ngu muội chưa nắm vững vấn đề.
- Phàm khi ban lệnh cho người dưới, tùy theo khả năng mà giao. Thiếu hiệp với bốn người anh em kết nghĩa, võ công, mưu trí tuyệt vời. Nên hai ông anh giao việc, mà không đi vào chi tiết. Hai vị tính toán dùng năm người em vào việc khác hơn là hai việc kia. Binh pháp nói: Hư là thực, thực là hư như thế đó.
Tự-Mai chợt à lên một tiếng:
- Phải rồi! Muốn phóng thích Ngô Quảng-Thiên cùng ba con trai, thì Định-vương chỉ cần sai một tên thư lại truyền lệnh cũng đủ. Cha con họ Ngô tự trở về Đại-Việt, đâu cần bọn vãn bối hộ tống? Đúng rồi, riêng một mình Ngô Cẩm-Thi võ công cũng cao ngang bọn vãn bối, thêm Ngô lão sư với ba con trai, e khó ai đến gần, bọn vãn bối thực ngu quá.
- Đúng thế. Hai ông anh thiếu hiệp thuộc loại trí-tuệ bậc nhất thế gian, lại nắm Khu-mật viện trong tay, lý gì không biết hành trạng bốn tên Đào, Chu, Sử, Khiếu mà phải nhờ năm thiếu hiệp?
Tự-Mai đờ người ra một lúc, rồi nó đỏ mặt lên:
- Mình thực đáng chết. Anh cả với Định-vương đã biết việc mình với Thuận-Tường, đương nhiên biết Thuận-Tường bị tiến cung, đang phục thị Lý thái phi. Người ước tính mình về kinh ắt tìm Thuận-Tường. Rồi Thuận-Tường cho người dẫn mình vào đây tương hội với Lý phi. Hèn gì Triệu Huy đem bản đồ hoàng thành, cấm thành giảng giải chi tiết cho mình. Thì ra hai ông anh đã tính trước.
Nó bật dậy:
- Hai vị biết Thái-phi bị bao vây không thể liên lạc được. Vì vậy mới xếp đặt cho vãn bối về kinh để gặp Thái-phi. Trời ơi! Thực xấu hổ. Hai ông anh coi vãn bối như con kiến bò trên tay vậy. Thái-phi thực xứng đáng tri kỷ của Định-vương. Thoáng một cái hiểu ý vương liền.
- Bây giờ thiếu hiệp cứ đóng vai thái giám Mai-Tự trong cung Ôn-đức, tự do ra vào, không ai nghi ngờ gì. Tuy nhiên phải tối cẩn thận, vì tai mắt Lưu hậu rất nhiều.
Sau đó Lý thái phi dặn dò Tự-Mai từng đường đi nước bước trong cung. Những ai đáng tin cậy, những ai cần đề phòng. Bà kết luận:
- Thiếu hiệp đã bị lộ hình tích, khiến Lưu hậu nghi ngờ Định-vương sai người đến liên lạc với ta. Đêm nay thiếu hiệp hãy ra ngoài cùng các bạn phải làm bằng này việc: Trước hết thanh toán mười trưởng lão bang Nhật-hồ, làm Chu Bội-Sơn, Đào Tường-Phúc mất hết vây cánh. Sau tìm cách chia rẽ hai người này với Lưu hậu.
- Mười trưởng lão bang Nhật-hồ giả làm thị vệ, diễn vở kịch để cho Trường-giang thất quỷ bắt đi, vãn bối đã biết mặt chúng. Võ công chúng cao thâm khôn lường. Còn hai tên Đào, Chu hiện ở đâu?
- Chúng mới lên đường cùng mười trưởng lão bang Nhật-hồ đi Khúc-giang để đào kho tàng. Bị thất bại trong vụ Trường-giang thất quỷ, chắc chúng sẽ tìm đủ cách bắt sứ đoàn hầu đào kho tàng. Khi năm thiếu hiệp lên đường chúng chưa xuất hiện phải không? Còn hai gã Sử-Vạn, Khiếu hiện ở xung quanh Lưu hậu.
Tự-Mai chợt nhớ lại cuộc tao ngộ với Thông-Mai ở tửu lầu. Nó nghĩ ra ngay:
- Thôi rồi, anh cả với Định vương sợ Lưu hậu hại Lý thái phi với hoàng đế. Hai người sợ màng lưới Lưu hậu, khó liên lạc với thái phi. Vì vậy Định vương muốn ta về kinh giữa lúc người vắng nhà, Lưu hậu không đề phòng. Người đoán rằng ta sẽ đột nhập cấm cung thăm Thuận-Tường. Người nhờ ta thông báo việc Lưu hậu định hại nhà vua cho thái phi. Rồi anh Thông-Mai dặn ta dạy bà cách phản Ngũ-độc chưởng. Khi có bản lĩnh này trong tay, chính thái phi trị Lưu hậu dễ dàng.
Nghĩ vậy nó nói:
- Thái-phi! Thái-phi đã hứa giúp cháu vụ Thuận-Tường. Cháu muốn tạ Thái-phi một lễ.
- Thiếu hiệp cho ta gì nào?
- Vãn bối bạo gan, muốn truyền bản lĩnh phản Chu-sa ngũ độc cho Thái-phi. Khi Thái-phi có bản lĩnh này trong tay, chẳng còn úy kị Lưu hậu nữa.
- Ta sợ nội công Nga-mi với Đông-a khác nhau, e khó luyện thành.
- Thái phi cứ thử xem, biết đâu?
Rồi không đợi bà có đồng ý hay không, nó giảng về yếu quyết kinh Thủ-lăng nghiêm, cùng tương quan giữa Thủy, Hỏa Mộc, Thổ Hỏa, Kim Thổ, Thủy, yếu quyết nội công Đông-a. Thái phi ngồi vận công thử. Bà thấy không khó khăn gì.
Tự-Mai lại giảng về cách vận hành chân khí chu lưu kinh mạch, cách phát lực cùng dùng Tam-âm kinh phòng ngự. Tam-dương kinh tấn công. Lý-phi luyện một lúc cũng thông ngay.
Cuối cùng Tự-Mai cùng bà chiết chiêu để bà vận khí cho quen. Cứ như vậy đến gần sáng thì bà phát chiêu đã khá thành thạo. Bà chắp tay hướng Tự-Mai:
- Nhất tự vi sư, bán tự vi sư. Thiếu hiệp dạy ta phương pháp này là muốn cứu ta, muốn cứu hoàng thượng. Ta... muôn vàn cảm tạ.
Rồi không giữ được cảm động bà ôm lấy Tự-Mai. Tự-Mai mồ côi mẹ từ nhỏ, cạnh nó có Thanh-Mai. Nhưng gần đây Thanh-Mai lấy chồng, chị em không gần nhau thường, cho nên nó thấy thiếu thốn một cái gì. Bây giờ Thái-phi ôm lấy nó, nó cũng ôm lấy bà như hai mẹ con. Lát sau Thái-phi xoa đầu nó:
- Sau này ta muốn gặp thiếu hiệp thì tìm ở đâu? Không lẽ cuộc tao ngộ này rồi vĩnh biệt ư?
- Vãn sinh không bao giờ quên Thái-phi đâu. Dù có quên Thái-phi, vãn sinh cũng không thể quên Thuận-Tường. Nhớ Thuận-Tường, đương nhiên vãn bối phải tìm Thái-phi.
Thái-phi vuốt tóc nó:
- Hay thế này. Ta... ta muốn nhận thiếu hiệp làm cháu, nên chăng?
Tự-Mai xụp xuống đất lạy bốn lậy:
- Cô cô.
- Điệt nhi.
Hai người lại ôm lấy nhau. Lý Thái-phi nói:
- Ta được một điệt nhi như cháu, thực không gì vui bằng.
Hai người nói chuyện một lúc rồi thái phi trao chiếc hộp cho Tự-Mai, bà nói nhỏ:
- Điệt nhi phải rời đây ngay đêm nay. Ta vờ sang cung Lưu hậu thăm bà. Điệt nhi theo ta, khi tới chân cấm thành, thì vượt tường ra ngoài.
Bà mở cửa hầm, cùng Tự-Mai ra ngoài. Bà đi trước. Tự-Mai chắp tay giả theo sau hướng phía Tây. Vừa đi được một quãng, thì hai tên thị vệ đứng chắn đường:
- Tâu Thái-phi! Đêm khuya, trong cấm thành mới có thích khách. Xin Thái-phi trở về cho.
Tự-Mai biết hai thị vệ này có nhiệm vụ canh Thái-phi. Thái-phi đáp:
- Ta thăm Thái-hậu.
Nói rồi bà thản nhiên bước đi.
Hai tên thị vệ bàn với nhau mấy câu, rồi một tên theo sau Lý Thái-phi với Tự-Mai. Khi tới chân cấm thành, Lý Thái-phi bảo Tự-Mai:
- Mai-Tự, đã có thị vệ theo hầu ta. Người lui thôi.
Tự-Mai khom lưng, quay trở về. Tên thị vệ theo Lý Thái-phi đi. Nhìn trước, nhìn sau không có ai, Tự-Mai tung người lên tường cấm thành, rồi nhẹ nhàng đáp xuống. Nó hướng cửa Đông hoàng thành mà đi. Ngửa mặt nhìn lên trời, thấy cặp chim ưng đang bay theo, nó yên tâm.
Vừa tới cửa Đan-phượng, tiếng chim ưng ré trên không. Tự-Mai giật mình, vì nó biết chim ưng báo cho biết có người theo dõi. Nó thản nhiên như không biết, tìm chỗ thấp, tung mình leo lên mặt hoàng thành ra ngoài.
Nó vờ bước đi, nhưng lắng tai nghe, thấy có tiếng chân người, biết mình vẫn bị theo dõi. Thình lình nó quay lại, thấy thấp thoáng có bóng người núp vào bụi cây phía sau. Nó tung mình tới xử dụng ưng trảo chụp người kia. Người ấy lạng mình tránh khỏi. Nó chĩa nhón tay điểm vào huyệt Á-môn. Người kia ngã lăn xuống đất.
Tự-Mai nhắc người đó lên, nó kinh ngạc vì thấy người đó nhẹ quá. Dưới ánh sáng lờ mờ, nó nhận ra đó là một thiếu nữ. Nếu như Thiệu-Thái, Lê Văn, chắc chắn sẽ tỵ hiềm nam nữ, không dám đụng vào người nàng. Tự-Mai là con Côi-sơn đại hiệp, người ngang tàng không hai trên đời. Ông thường công kích những lề thói hủ lậu của luân lý Khổng, Lão, Phật. Cho nên nó nhiễm lối giáo dục của bố. Không nề hà nó cặp thiếu nữ vào nách, rồi hướng phủ Định-vương, dùng khinh công chạy tới.
Nó vừa tới nơi, đã thấy cổng mở sẵn. Lê Văn đang chờ nó:
- Em thấy chim ưng bay hướng này, biết anh về, nên mở cổng chờ.
Thấy Tự-Mai cặp nách một cô gái, nó hỏi:
- Ai thế này?
- Không rõ. Y thị theo dõi ta. Ta điểm huyệt đem về đây.
Viên thị vệ gác cổng thấy Tự-Mai ngang nhiên bắt một thiếu nữ, y trố mắt nhìn. Tự-Mai nói:
- Thị là gian tế. Ta bắt về trao cho vương gia.
Hai thiếu niên đem thiếu nữ vào sảnh đường. Tự-Mai nói với nàng:
- Ta điểm huyệt làm cho mi không nói được, chân tay mi tê liệt. Bây giờ ta giải khai huyệt đạo cho mi. Bằng mi la lên một tiếng, ta lại làm cho mi câm. Nếu mi tuân lệnh thì chợp mắt ba cái liền.
Thiếu nữ chợp mắt ba cái. Tự-Mai giải khai huyệt đạo. Nàng nhảy phắt dậy. Bấy giờ Tự-Mai mới nhận ra thiếu nữ tuổi khoảng mười lăm, mười sáu, đôi mắt to đen, mũi cao, không giống người Hán, người Việt. Đầu nàng cài một bông lan bằng vàng, trên dát bẩy viên kim cương lóng lánh. Cổ đeo chuỗi ngọc trai đến năm vòng sáng rực. Hai cổ tay, mỗi bên ba cái vòng, một bằng ngọc xanh, một bằng vàng, một bằng bạc. Nàng mặc áo lụa mầu xanh, xiêm trắng, khăn quàng cổ mầu tín. Tự-Mai, Lê-Văn cùng khen thầm:
- Nàng này đẹp không thua gì Huệ-Phương với Mỹ-Linh. Không chừng là vương phi, công chúa cũng nên.
Lê Văn hỏi:
- Cô nương tên gì? Thuộc phủ nào? Ty nào trong cấm thành?
Thiếu nữ quát:
- Quân này to gan thực! Bọn mi là ai mà dám ám toán hại ta. Ban nãy ta không đề phòng, bị mi tấn công. Bây giờ thì đừng hòng.
Giọng thiếu nữ lơ lớ cực kỳ khó nghe.
Nói rồi nàng xuất quyền đánh Tự-Mai đến vù một tiếng. Tự-Mai không né tránh, nó dùng hai ngón tay kẹp lấy cổ tay nàng. Thiếu nữ vùng vẫy gỡ ra, nhưng tay nàng như bị kìm xiết chặt. Tức quá nàng co chân đá Tự-Mai. Nó nhận ngay ra chiêu cước thuộc võ công Sài-sơn. Thấy kình lực của nàng yếu quá, nó vận công chịu đòn. Bốp một tiếng, thiếu nữ mắng:
- Đồ quỷ sứ.
Nước mắt thiếu nữ rơm rớm chảy xuống đôi mi cong thực đẹp.
Tự-Mai thấy nét mặt nàng hiện ra vẻ đau đớn, nó vội buông ra. Thiếu nữ ôm tay nhăn nhó, lườm lườm nhìn Tự-Mai:
- Sẽ có một ngày kia ta ăn thịt mi.
Tự-Mai hối hận:
- Tại hạ hơi mạnh tay, mong cô nương đừng chấp.
Lê Văn thấy tay nàng biến sang mầu tím, nó về phòng lấy ra hộp cao, trịnh trọng:
- Cô nương, để tại hạ thoa thuốc cho cô nương, bằng không tay tím bầm xấu lắm.
Thiếu nữ đưa tay cho Lê Văn thoa thuốc. Bàn tay nàng thon dài, da mịn màng, tươi hồng. Lê Văn thoa đến đâu vết bầm đen biến đi đến đó. Nàng nói với nó:
- Cảm ơn. Thôi ta đi đây.
Nói rồi rảo bước ra cửa. Tự-Mai chặn lại:
- Khoan! Cô nương không thể ra khỏi đây.
Thiếu nữ cũng không vừa:
- Mi định làm gì ta?
- Cô nương phải khai cho rõ. Hà cớ gì cô nương theo ta!
Thiếu nữ phát cáu:
- Có ai vô lý như mi không? Mi có việc của mi. Ta có việc của ta. Hà cớ mi quay lại ám toán ta, rồi bảo ta theo mi.
Thiếu nữ quay lại nói với Lê Văn:
- Này anh. Ta thâm cảm ơn anh đã chữa tay cho. Trong người ta còn nhiều vết đau đớn. Nếu anh chữa cho ta khỏi, bao nhiêu tiền ta cũng trả.
Nói rồi nàng vén tay áo. Tự-Mai, Tôn Đản cùng ồ lên kinh ngạc. Khắp cổ tay mịn đẹp, đầy những vết roi nổi tím bầm. Lê Văn nắm lấy tay nàng xem xét, nó hỏi Tự-Mai:
- Anh đánh nàng đấy à?
Thiếu nữ lắc đầu:
- Không phải y.
Rồi nàng dụt tay lại, đưa mắt nhìn Tự-Mai:
- Ta không cho y nhìn thấy tay ta.
Lê Văn nói với Tự-Mai bằng tiếng Việt:
- Em đồ chừng trong người nàng còn nhiều vết thương. Em là thầy thuốc chắc nàng không ngượng ngùng. Còn anh, sợ nàng e thẹn. Vậy anh tránh sang bên cạnh, em xem bệnh cho nàng.
Tự-Mai sang phòng bên cạnh. Lê Văn xem xét thấy khắp chân tay cùng thân thiếu nữ đầy vết roi. Nó điểm vào mấy yếu huyệt trấn thống, rồi dịu dàng nói với nàng như mẹ nói với con:
- Tội nghiệp quá! Cô nương đừng quản ngại. Cô nương cho tại hạ xem xét vết thương trong người, mới hy vọng chữa trị được.
Thiếu nữ e thẹn, nhưng cũng phải cởi áo ra. Lê Văn rùng mình vì khắp người nàng đầy thương tích. Nó than:
- Trời ôi! Kẻ nào đánh cô nương tàn nhẫn thế này.
Lần đầu tiên trên đời phải để lộ thân thể trước một chàng trai. Ngượng quá, thiếu nữ lấy áo che thân, mắt nhìn lên trần nhà:
- Thôi đại ca. Ngượng chết đi được.
Miệng tuy nói vậy, nhưng nàng vẫn để cho Lê-Văn xem vết thương. Sau khi xem xét, Lê Văn nói:
- Cô nương chỉ bị ngoại thương mà thôi, không hề gì. Chữa trị ba ngày thì khỏi.
Nó lấy cao thoa trên người nàng. Đầu tiên nó thoa trên hai cánh tay. Cô gái ngượng quá, vội quay mặt đi.
Thời bấy giờ luân lý tộc Việt, tộc Hán rất quý trọng phụ nữ. Vì vậy con gái phải che kín khắp người. Ngay cha, anh cũng không được nhìn thấy cánh tay đầu gối. Vì bắt buộc phải để cho Lê Văn trị bệnh cho, nên cô đành hở thân thể ra đã là quá đáng. Đây Lê Văn còn chà cao lên da, lên thịt, hỏi sao nàng không ngượng?
Lúc đầu tay Lê Văn chạm vào vết thương, nàng còn thấy đau, sau đó nó chà mấy cái, cảm giác đau đớn biến đi, thay vào bằng cảm giác khoan khoái rừng rực chạy khắp người. Chịu không được, nàng bật lên tiếng kêu:
- Thôi đi anh. Em... chịu không nổi rồi.
Cô gái nói thực, nhưng Lê Văn cho rằng nàng đau, chứ không phải cảm giác kỳ lạ. Lời Hồng-Sơn đại phu dạy vang lên bên tai nó:
- Khi bệnh nhân đau đớn, thầy thuốc phải tự coi mình như một người mẹ hiền, an ủi, thương xót họ.
Nó sẽ vuốt lên mái tóc nàng:
- Cô nương ngoan, chịu khó một tý thôi, để tôi trị cho mau khỏi, lỡ để lâu, vết thương đóng mủ, thành thẹo thì xấu lắm. Ừ, cô nương ngồi yên như vậy đi.
Thấy lời dỗ có kết quả, Lê Văn tiếp tục thoa đến phần lưng nàng. Cô
gái run lên bần bật, trong khi Lê Văn lại tưởng nàng đau đớn, nó càng dỗ bằng những lời thực ngọt:
- Cô nương ngoan lắm. Ngồi yên nghe. Đấy, cô nương thấy không, tôi thoa thuốc đến đâu, hết đau đến đó.
Lời Lê Văn càng ngọt ngào, cô gái càng rung động mãnh liệt. Thoa hết phía sau, Lê Văn thoa đến phía trước. Khi phải thoa đến vết thương trên nhũ hoa, nó ngừng lại lưỡng lự một lúc không biết có nên tiếp tục hay không. Lời Hồng-Sơn đại phu vang lên trong đầu nó:
" Khi phải trị bệnh, không nên tỵ hiềm tuổi tác, nam nữ, giống nòi cũng như giầu nghèo, sang hèn. Chỉ cần có kết quả là y đạo đã đạt".
Nó nhắm mắt lại rồi thoa thuốc cho thiếu nữ. Thiếu nữ rên:
- Đừng anh! Đừng! Ta xấu hổ chết đi được. Ái!
Mặc nàng kêu, Lê Văn tiếp tục thoa. Qua một vài lần, nó can đảm hơn, mở mắt ra nhìn. Nó thấy thiếu nữ lim rim mắt, người như say rượu.
Sau khi thoa thuốc, Lê Văn giải khai huyệt đạo cho nàng. Thiếu nữ nói nho nhỏ:
- Đa tạ đại ca.
Lê Văn lấy bút viết thang thuốc:
Qui-bản, Lộc-nhung, Hổ-cốt, Hà-thủ-ô,
Xuyên ngưu-tất, Đỗ-trọng, Tỏa-dương,
Đương-qui, Thục-địa, Uy-linh-tiên,
mỗi thứ hai lượng.
Hoàng-bách, Nhân-sâm, Khương-hoạt,
Bạch-thược, Bạch-truật, Đại-xuyên phụ-tử.
Mỗi thứ lượng rưỡi.
Tất cả tán nhỏ, chế mật ong, làm thành viên, uống mỗi ngày ba tiền.(3)
Ghi chú
(1) Tống-sử quyển 242, trang 8605-8628, Hậu-phi thượng.
(2)Tống-sử quyển 242 trang 8616-8617. Chúng tôi xin trích dẫn nguyên văn thảm sử chép như sau:
”Lý thần phi người đất Hàng-châu, tổ tên Diên-Tự, làm quan với họ Tiền (Nước Ngô-Việt) tới chức chủ-bạ huyện Kim-hoa. Phụ thân tên Nhân-Đức, lĩnh chức Tả-ban điện trấn. Lúc mới nhập cung hầu hạ Chương-hiến thái-hậu (Lưu thái hậu). Tính phi trang trọng, ít nói. Chân-tông thấy, đem về tẩm cung cùng chăn gối. Sau đó mang thai. Trong lúc mang thai, cùng vua dạo chơi trên đài cao, chiếc ngọc thoa bị rơi xuống đất. Phi buồn quá khóc lóc. Vua vui vẻ phán: Ngọc-trâm rơi xuống nếu không bị hư, sau sinh con trai. Quân hầu tìm lại được ngọc trâm, không bị hư hỏng dâng lên. Nhà vua đẹp lòng. Sau quả sinh ra vua Nhân-Tông, phi được phong Sùng-dương huyền quân, lại sinh một công chúa... Tiến phong Tài-nhân, rồi Uyển-nghi.
Khi vua Nhân-tông lên ngôi, phong làm Thuận-dung, sai coi Vĩnh-định lăng. Chương-hiến hoàng hậu sai Lưu Mỹ, Trương Hoài-Đức tìm thân thuộc của phi, được em phi là Lý Dụng-Hòa, bổ vào chức Tam-ban phụng.
Khi Nhân-tông sơ sinh, Chương-hiến hoàng hậu bắt làm con mình, sai Dương Thục-phi nuôi nấng. Khi Nhân-tông lên ngôi, phi mặc nhiên chịu ở lăng thờ phụng tiên đế, không thốt ra một lời về thân thế vua. Mọi người đều sợ Thái hậu, không ai dám nói sự thực với vua...
Niên hiệu Minh-Đạo nguyên niên, lâm bệnh, hoăng, hưởng dương bốn mươi sáu tuổi...”
Sau này các văn gia Trung-quốc đã bịa đặt thêm nhiều chi tiết nào là vương phi Nam-thanh cung Lộ-hoa-vương, nào là thái giám Quác-Hoè lấy mèo chết thay Thái-tử. Nào là Lý phi ra ở lò gạch. Nào là Bao-công tra ra án. v.v Chúng tôi thuật theo đúng chính chính sử đời Tống.
(3)Thang thuốc này ngày nay vẫn còn dùng để trị trật đả.
Nó nói:
- Cô nương ra hiệu thuốc cắt lấy thang thuốc này, mỗi ngày buổi sáng uống một viên với rượu. Uống hết, thì sức khỏe mới phục hồi. Thôi cô nương có thể ra về.
Thiếu nữ đầm đìa nước mắt:
- Tiểu muội không nhà thì biết về đâu.
- Cô nương không ở trong hoàng thành ư?
Thiếu nữ lắc đầu:
- Hoàng thành là cái gì?
- Chỗ cô nương bị anh Tự-Mai của tôi bắt đó.
- Chỗ ấy là hoàng thành à? Hoàng thành Đại-Việt hay Lão-qua?
- Hoàng thành Đại-Tống.
Mặt thiếu nữ hiện lên vẻ kinh hãi:
- Trời ơi! Thì ra tiểu muội bị bắt đem đến kinh đô Tống ư?
- Cô nương không biết mình ở đâu à?
- Không. Tiểu muội cùng huynh trưởng, chị dâu trên đường đi sứ sang Tống. Khi tới Liễu-châu thì tiểu muội bị gian tặc bắt đem đi. Chúng giam cầm, tra hỏi tiểu muội hơn nửa tháng nay. Hồi chiều, tiểu muội vờ ngất đi, chúng cho tiểu muội uống thuốc, rồi để nằm trên dường. Tiểu muội nhân đó vượt tường trốn đi, thì bị cái anh kia bắt mang về đây.
- Cô nương trong sứ đoàn sang Tống. Vậy cô nương là ai?
- Tiểu muội tên An-Nan Tam-gia La-sun Nong-Nụt, công chúa Xiêm-quốc.
Lê Văn bật lên tiếng ái chà:
- Hèn gì công chúa nói tiếng Hoa nhẹ như chim hót vậy đó. Ai bắt cóc công chúa? Chúng tra khảo điều gì? Chắc chắn chúng không phải trộm cướp, vì nếu là trộm cướp chúng đã tước đoạt châu báu trên người công chúa rồi.
- Chúng tra hỏi bắt tiểu muội dịch một pho sách cổ. Chúng nói văn tự Khoa-đẩu cổ với văn tự Thái là một. Tiểu muội nói rằng văn tự Thái vốn gốc từ văn tử Khoa-đẩu, do quốc mẫu Phùng Vĩnh-Hoa truyền bá. Nhưng trải hơn nghìn năm, đã đổi khác nhiều. Vì vậy tiểu muội chỉ biết được một trong mười chữ. Chúng không tin, tra hỏi tiểu muội hoài. Người tra hỏi tiểu mội là một mụ đàn bà xinh đẹp. Hồi đầu chúng không đánh, chỉ cật vấn thôi. Sau tiểu muội tức quá bưng bát canh nóng ném vào người mụ. Mụ ra lệnh đánh tiểu muội một trăm roi. Tiểu muội vờ trợn mắt giả chết. Chúng sợ quá cậy miệng ra đổ thuốc cho tiểu muội, rồi đặt lên dường. Đợi chúng không phòng bị, tiểu muội trốn đi. Trong khi trốn, gặp cái anh chàng kia điểm huyệt đem ra đây.
Lê Văn an ủi:
- Công chúa đừng giận anh ấy. Anh ấy là người rất tốt, cũng chạy trốn như công chúa. Vì thấy công chúa theo sau. Anh ấy tưởng công chúa là thị vệ đuổi theo, nên ra tay hơi nặng.
Lê Văn gọi một thị vệ phủ Định-vương:
- Phiền anh ra chợ cắt cho thang thuốc này đem về gấp.
Nó móc túi đưa cho y một nén bạc.
Lúc đầu Lê Văn thấy Nong-Nụt xử dụng võ công Sài-sơn, nó hơi ngạc nhiên. Bây giờ biết nàng là công chúa Xiêm, nó hiểu ngay: Võ công Xiêm-la, Lão-qua do công chúa Phùng Vĩnh-Hoa cùng chư đệ tử của người truyền lại.
Chợt nhớ lại một truyện: Vương phi Khai-Thiên vương cũng bị nhóm Lưu hậu bắt sang Tống, Tự-Mai đem bản đồ hỏi Nong-Nụt:
- Công chúa bị giam ở chỗ nào trong hoàng thành? Liệu công chúa còn nhớ không?
- Nhớ chứ. Đây chỗ tôi bị giam đây. Trong đó còn một bà bị giam nữa. Bà ta cũng bị bắt dịch sách như tôi vậy.
Một ánh sáng loé lên trong đầu Tự-Mai:
- Không lẽ là bà? Được ta hãy ghi nhớ, chờ có dịp, ta thám thính xem sao.
Đến đó có tiếng ngựa lộp cộp, rồi nhiều người vào sân. Lê Văn nhìn ra: bọn Triệu Huy, Tôn Đản đã về đầy đủ, chỉ thiếu có Ngô Cẩm-Thi.
Tự-Mai hỏi:
- Ngô tiểu thư đâu rồi?
Triệu Huy đáp:
- Ngô tiểu thư trùng phùng với phụ mẫu cùng ba vị huynh trưởng, nên nàng ở lại để hàn huyên.
Lê Thuận-Tông hỏi Tôn Đản:
- Anh năm này. Theo lệnh anh cả, khi chúng ta gặp Ngô bá bá rồi phải lên đường ngay. Vậy mai chúng ta khởi hành chứ?
Tôn Đản đưa mắt cho Tự-Mai:
- Ông quân sư định sao?
- Dĩ nhiên là thế. Ở đây phức tạp lắm, lên đường ngay để tránh phiền tạp.
Triệu Huy thấy Nong-Nụt. Y đưa mắt hỏi Lê Văn. Lê Văn đáp:
- Cô nương đây nhũ danh Nong-Nụt, thuộc khê động Thái ở Bắc-biên, được Khai-Quốc vương phái mang thư đến cho chúng tôi. Phiền An-phủ sứ tìm cho nàng một phòng thực yên tĩnh.
Triệu Huy đi rồi, Tự-Mai thuật mọi việc cho bốn anh em nghe. Tôn Đản bàn:
- Nhất định công chúa Nong-Nụt bị Lưu hậu sai người bắt cóc rồi. Hôm nay Triệu Huy đem lệnh Định-vương đến Khu-mật viện truyền tha Ngô Quảng-Thiên, chắc chắn Lưu thái hậu biết. Sự hiện diện của chúng ta tại đây khó qua mắt bà. Vậy mai chúng ta giả ngoan ngoãn lên đường. Hôm trước Ngô Quảng-Thiên là hư chúng ta là thực. Bây giờ chúng ta là hư, còn Bảo-Hòa, Thông-Mai mới là thực.
Tự-Mai còn muốn trở lại gặp Thuận-Tường. Nhưng nghĩ tới quốc sự, nó đành theo lời Tôn Đản.
Sáng hôm sau Tôn Đản nói với Triệu Huy:
- Triệu An-phủ sứ ở lại nghe. Anh em chúng tôi xin lên đường.
Triệu Huy sai cấp cho gia đình Ngô Quảng-Thiên ba con ngựa để ba con trai cỡi. Còn một chiếc xe bốn ngựa cho vợ chồng Ngô Quảng-Thiên với Cẩm-Thi. Năm ông thiên lôi đứng trước bậc tiền bối như Ngô Quảng-Thiên, chúng không dám đùa nghịch, đứa nào cũng làm mặt nghiêm. Tôn Đản sai Tự-Mai, Thuận-Tông, Thiện-Lãm cỡi ngựa đi trước. Nó đi bên cạnh xe ngựa Ngô Quảng-Thiên. Tiếp theo tới ba anh em họ Ngô. Cuối cùng là Lê Văn, Nong-Nụt.
Mấy hôm sau đoàn người ngựa tới Kinh-châu. Tự-Mai đưa mọi người tới bến sông tìm đò chở mướn sang. Suốt một giải Giang-Bắc, thuyền đậu san sát hàng nghìn chiếc, lớn có, nhỏ có. Khác với các bến đò khác, khách đến thẳng đò điều đình. Bến đò Giang-Bắc không thế. Tất cả đò của năm chủ. Một chủ chuyên chở xuôi giòng về Đông. Một chủ chở ngược giòng về Tây. Một chủ chở lên Bắc, một chủ chở xuống Nam. Còn một chủ chở ra biển.
Tự-Mai tới hãng chở xuống Nam. Một trung niên thiếu phụ tiếp nó. Mụ hỏi:
- Khách quan có bao nhiêu người ngựa?
- Chúng tôi có mười hai người, một xe tứ mã, và chín ngựa.
- Quan khách muốn qua sông hay đến tận Nam hồ Động-đình?
- Tôi muốn tới Nam hồ.
- Xin cho một lượng vàng.
Tự-Mai định chê đắt, thì có tiếng tiêu dìu dặt vọng lại. Một tiểu đồng cỡi lừa thủng thẳng đi tới. Tự-Mai nhận ra y tấu bản Trương Chi tình khúc. Tiểu đồng liếc nhìn Tự-Mai rồi nói với mụ cho thuê đò:
- Này mụ Tư. Mụ nhường cho ta món khách này được không?
- Được chứ.
Tiểu đồng nói với Tự-Mai:
- Khách quan đi đò của tôi tốt hơn. Chúng tôi sẽ đãi cơm quý khách. Nhưng giá tới ba lượng vàng kia đấy.
Ngôn ngữ tiểu đồng khác thường, Tự-Mai đưa mắt nhìn. Nó thấy trên ngực tiểu đồng mang con chim ưng bằng bạc, rõ ràng dấu hiệu của phái Đông-a. Nó nghĩ thầm:
- Cứ như ngôn ngữ của gã này, thì gã thuộc đời thứ ba. Như vậy gã là đệ tử của sư huynh ta đây.
Nghĩ vậy nó đáp:
- Tôi chỉ có hai lượng thôi.
Tiểu đồng ép tay ngang hông, chìa hai ngón tay ra giật giật mấy cái như hành lễ rồi nói:
- Xin quan khách theo tôi.
Tự-Mai vẫy tay cho cả đoàn theo tiểu đồng tới bãi sông. Tiểu đồng truyền đò phu dắt ngựa, đẩy xe xuống con đò lớn. Còn người thì mời ngồi trên sàn, ngắm cảnh. Thuyền từ từ rời bến, hướng Nam-ngạn.
Thuyền đi đến giữa sông, trong sóng gió mịt mờ, xa xa xuất hiện một con đò cực lớn, ẩn hiện giữa lớp mây mù. Tiếng đàn, tiếng trống từ con đò đó vọng lại nhu hòa êm ái vô cùng. Mọi người cùng lắng tai nghe. Khi hai con thuyền cách nhau khoảng nửa dặm, thình lình âm điệu trên con đò lớn đổi hẳn. Mỗi tiếng đàn, tiếng trống đều khiến mọi người như muốn ù tai nhức óc.
Nong-Nụt nội công non nớt nhất, nàng phải bịt tai lại. Nhưng tiếng đàn, tiếng sáo vẫn lọt vào tai nàng. Lê Văn kinh hãi để ngón tay trỏ vào huyệt Đại-trùy của nàng, rồi dồn chân khí sang. Nong-Nụt lấy lại được bình tĩnh. Nàng than:
- Âm nhạc gì mà quái gở vậy?
Âm nhạc lại đổi nhịp, đổi điệu. Mọi người đều khoa chân múa tay như điên loạn.
Ngô Quảng-Thiên hô lớn:
- Tất cả ngồi im vận công. Kẻ địch muốn dùng âm nhạc tấn công chúng ta.
Mọi người vội ngồi vận công. Nhưng chỉ được một lúc, tiếng nhạc như càng thúc dục, khiến chân tay múa may quay cuồng.
Lê Văn thấy cái nồi đồng nấu cơm để ở cuối thuyền. Nó cầm lên, tay rút kiếm gõ vào nồi thành tiếng boong boong. Lạ thay tiếng boong boong làm âm thanh bên thuyền kia hỗn loạn. Mọi người cảm thấy khoan khoái như trút được gánh nặng.
Nong-Nụt hỏi Tự-Mai:
- Lê Văn làm gì vậy?
- Kẻ nào đó dùng âm nhạc tấn công mình. Lê Văn gõ nồi thành âm thanh chống lại đấy.
Cứ thế, tiếng nhạc bên thuyền kia đổi, Lê Văn cũng đổi cách gõ nồi. Lát sau hai con thuyền đã gần nhau. Tôn Đản thấy mồ hôi trên trán Lê Văn lấm tấm hiện ra. Tiếng gõ nồi hơi rối loạn. Mọi người đều biết cuộc nhạc-chiến đã phân thắng bại. Mà bại về Lê Văn.
Ngô Quảng-Thiên vội lạng người đến bên Lê Văn. Ông xòe bàn tay để lên huyệt Bách-hội của nó. Lập tức Lê Văn rùng mình, tiếng gõ nồi boong boong vang lên, đàn áp hẳn tiếng nhạc bên thuyền kia.
Hỗn chiến một lúc nữa, bỗng tiếng bực bên thuyền kia vang lên, rồi tiếng đàn im bặt. Rõ ràng người sử dụng âm thanh bên thuyền kia đã bị thua. Lê Văn cũng ngừng lại không gõ nồi nữa. Có tiếng nói từ bên thuyền lớn vọng sang:
- Không biết cao nhân phái Sài-sơn cùng phái Khúc-giang nào bên đó. Trần Bảo-Dân phái Đông-a xin chịu thua rồi.
Tự-Mai đứng lên đầu thuyền, nó chắp tay lại:
- Nhị sư huynh đấy ư?
Một người thân thể hùng vĩ, mặt đẹp vô cùng, tung mình từ thuyền lớn nhảy sang. Y như con đại bàng đáp xuống cạnh Tự-Mai. Không nói không rằng, y vung tay tấn công nó bằng chiêu Đông-phong ba lãng. Tự-Mai lui một bước, vận công trả lại bằng chiêu Phong-ba hợp bích. Bình một tiếng, nó loạng choạng bật lui hai bước, khí huyết đảo lộn cực kỳ khó chịu. Trong khi đó người kia cũng ôm tay tần ngần. Người kia cau mặt nhìn Tự-Mai rồi nhảy đến ôm nó:
- Tự-Mai đấy à? Anh chờ em hơn tháng nay ở đây rồi. Những ai trên thuyền đó?
Tự-Mai giới thiệu với mọi người:
- Vị này tên Trần Bảo-Dân, đệ nhị đệ tử của bố tôi.
Bảo-Dân thấy Ngô Quảng-Thiên vội chắp tay:
- Sư bá! Sư bá bỏ Biện-kinh đi mà không sợ ư?
Ngô Quảng-Thiên thở dài:
- Ta được phóng thích đấy chứ.
Tự-Mai giới thiệu mọi người. Bảo-Dân nói:
- Xin mời Ngô sư bá cùng cách vị dời gót ngọc sang tệ chu chơi. Được Bảo-Hòa, Thông-Mai báo trước rằng sư bá cùng mấy tên quỷ sứ này sẽ đến đây. Cháu sai đệ tử chờ ở bến Giang-Bắc mấy ngày rồi. Đáng lẽ đệ tử đem Chu-các này đón sư bá, nhưng bị người của Lưu hậu theo sát sư bá, cháu đón sẽ bị lộ hình tích. Cho nên cháu chờ sư bá ở giữa giòng sông.
Ngô Quảng-Thiên cùng cả đoàn sang Chu-các. Vừa bước vào phòng khách, Tự-Mai giật mình đứng khựng lại. Vì trong thuyền đã có hai người mà một người nó nhớ nhung ngày đêm là Bảo-Hòa. Một người nó thấy lạnh gáy là Thông-Mai. Cạnh đó, một người nữa khiến nó kinh ngạc, đó là Triệu Piên-Phương, vương phi Khai-Thiên vương. Nó vội thi lễ với bà, rồi hỏi Bảo-Hòa:
- Bà chị tiên-cô! Không ngờ tiên cô cùng với ông hoà thượng cũng có mặt ở đây. Tình hình sứ đoàn ra sao rồi?
Trong năm ông thiên lôi, Bảo-Hòa thương yêu nhất Tự-Mai với Lê Văn. Nàng nắm tay hai đứa để ngồi hai bên như mẹ đối với con. Nàng nói với Lê Văn:
- Em tôi kiếm ở đâu được cô vợ đẹp thế này?
Từ sau khi chữa trị cho Nong-Nụt, tình cảm nảy sinh. Trên đường từ Biện-kinh về đây, hai trẻ như bóng với hình không rời nhau nửa bước. Lê Văn có tính khoáng đạt của thầy thuốc, không tỵ hiềm kẻ Xiêm người Việt. Nó đã trị bệnh cho hàng nghìn người ở Vạn-thảo sơn-trang, nhưng chưa bao giờ trị cho một thiếu nữ xinh đẹp, nhu mì như vậy. Lại nữa trong Vạn-thảo sơn trang, có nhiều y sĩ nữ, nên phàm trị bệnh cần phải đụng chạm vào người nữ, thì đại đệ tử Dương Bình sẽ sai nữ y sĩ điều trị. Có thể nói đây là lần đầu tiên Lê Văn thấy toàn bộ thân thể một thiếu nữ.
Về phần An-Nan Tam-gia La-sun Nong-Nụt. Nàng là gái Thái. Tục lệ Thái coi phụ nữ như bông hoa quý. Cho nên khi con gái tới tuổi mười ba trở lên, chỉ cha, mẹ mới có quyền ngồi cạnh, cầm lấy tay. Đối với đàn ông, việc nhìn thẳng vào mặt cũng cấm kị. Không may bị bắt cóc, bị đánh đòn đau đớn ê chề nàng phải tòng quyền để Lê Văn chà thuốc khắp người.
Tuổi mười lăm, mười sáu, cơ thể mới nảy nở, nhạy cảm mà nàng bị Lê Văn nhẹ nhàng thoa thuốc trên nhũ hoa. Người nàng như đi vào giấc mơ huyền ảo. Nàng đã yêu Lê Văn từ đấy. Trên đường từ Khai-phong đến Giang-Bắc, nàng tự coi như vợ Lê Văn, săn sóc kính trọng nó như người chồng.
Lê Văn nghe Bảo-Hòa hỏi, nó bẽn lẽn:
- Nàng đâu phải là vợ em... nhưng...
Câu trả lời ngập ngừng của cậu em báo cho Bảo-Hòa biết một sự thực: Đôi lứa đã yêu thương nhau. Để gỡ ngượng cho Lê Văn, nàng chuyển sang hỏi Tự-Mai:
- Công lực em cao thực, có lẽ không thua gì chị. Em đỡ của Lưu hậu ba độc chưởng mà không sao. Trái lại độc chất chạy về người, làm bà phải vận công suốt một đêm mới khỏi đau ở tay. Nhưng độc chất theo Dương-minh kinh chạy vào đại-trường, tiểu trường. Từ hôm ấy trở đi, mỗi đêm bà lên cơn đau bụng vào giờ Tý một lần.
Tự-Mai biết Thông-Mai, Bảo-Hòa đã thống nhất hệ thống tế tác Đông-a, Đại-Việt, Bắc-biên, Lạc-long giáo. Nhất cử nhất động của nó, Bảo-Hòa, Thông-Mai đều biết. Nó đưa mắt nhìn anh, Thông-Mai ngửa mặt lên trời mà cười. Chàng xoa đầu em:
- Em lớn rồi, phàm hành sự phải quang minh lỗi lạc. Em yêu thương, nhớ nhung Thuận-Tường đường đường chính chính, không việc gì phải ngượng ngùng.
Nghe anh nói, Tự-Mai thêm can đảm. Nó ngồi ngay thẳng dậy. Thông-Mai tiếp:
- Khi Quốc-vương, Định-vương gọi em vào trao cho nhiệm vụ đi đón Ngô sư bá, đáng lẽ em phải hiểu ngay chiều sâu của vấn đề. Thế mà vì u mê trong tình yêu, đến nỗi Lý thái phi nói ra mới biết. Tý nữa thì hỏng đại sự. Việc quốc gia mà để hỏng thì dù em có chết, Thuận-Tường có chết cũng không đền được hết tội. May mà chưa hỏng. Bây giờ em hiểu chưa?
Nghe anh kết tội, Tự-Mai lạnh xương sống. Từ bé, nó vốn úy kị ông anh gương mẫu này, mà nhờn với Thanh-Mai. Vì nó biết Thông-Mai khác hẳn với Thanh-Mai. Mọi hành động Thanh-Mai đều thiên về tình cảm. Tính Thông-Mai giống cha như hệt: cương quyết, ngay thẳng. Chẳng thế mà chàng cấm tên đầu bò liếm Đặng Đức-Kềnh đến nhà con điếm già Anh-Tần. Y thề rằng nếu tái phạm cả nhà bị chết. Sau Thông-Mai bắt được y tái phạm. Chàng tàn sát cả nhà y đến con chó con mèo cũng không tha. Tự-Mai đáp:
- Bây giờ em hiểu hết rồi.
- Em thử nói anh nghe xem nào!
- Định-vương, Quốc-vương truyền cho năm đứa chúng em theo Triệu Huy về kinh đón Ngô sư bá, đó là hư. Còn thực là để em gặp Lý thái phi, báo cho thái phi biết việc Lưu hậu đang định hai bà cùng Thiên-Thánh hoàng đế, cũng như đem điều bí mật về Lưu hậu ra ngoài. Vì Định-vương biết thế nào về kinh em cũng tìm gặp Thuận-Tường. Chỉ Thuận-Tường mới đưa em vào gặp Lý thái phi mà tế tác của bà không biết, không nghi ngờ.
- Đúng! Rồi sao nữa?
- Nhưng việc gặp Lý thái phi lại cũng là hư. Mà thực là báo cho Lý thái phi yên tâm, không sợ Lưu hậu cắt thuốc giải Chu-sa ngũ độc chưởng. Nay mai có anh Thiệu-Thái tới giải tuyệt độc tố này cho bà.
- Được! Tiếp đi.
- Nhưng việc gặp Lý thái phi trở thành hư. Thực bây giờ chính là việc em lọt vào khu cấm của Lưu hậu. Khi em bị lộ hình tích, bà biết ngay em là người của Định-vương. Em đối với Lưu hậu ba chưởng. Sau ba chưởng đó, Lưu hậu lo sợ vì với một nhóc con như em, mà cũng không sợ độc chưởng của bà. Bà hiểu rằng mưu hại Lý thái phi của bà bị lộ. Bà phải bỏ ý định, bằng không Định-vương cho người tới thanh toán bà. Sau này anh ra lệnh cho em dạy bà cách phản Chu-sa độc chưởng, khi đã có phương pháp này trong tay, bà không sợ Lưu hậu cũng như tay chân Lưu hậu. Bà có thể tự giải quyết việc nội cung. Định vương cứ ngồi khoanh tay mà xem.
- Em có biết tại sao Lý phi không nhận em làm con, mà chỉ nhận làm cháu không?
- Em không biết.
- Việc này ngoài sự suy đoán. Em yên tâm, nếu bà nhận em làm con, sau sẽ bất lợi cho em. Bây giờ tới vấn đề khác. Em với Lê Văn phải ứng tuyển phò mã. Đây là lệnh của bố, anh chỉ chuyển lại mà thôi.
Tự-Mai ngồi bật dậy:
- Em không thể tuân lệnh. Em có Thuận-Tường rồi. Bố giết thì em chịu, chứ em không bỏ Thuận-Tường đâu. Bây giờ em có tuân lệnh bố mà ứng tuyển thì sau này em cũng không kết hôn với công chúa, mà kết hôn với cung nữ Thuận-Tường.