9/11/12

Anh linh thần võ tộc Việt (H36)

Khắp bốn tiểu quốc Trường-sinh, Lạng-châu, Phong-châu, Thượng-oai dân chúng treo đèn kết hoa để chuẩn bị lễ sinh nhật của vua bà Bình-Dương. Tuy vua bà còn trẻ, nhưng dân chúng coi như một vị mẫu nghi chung. Quan Lễ-bộ thượng thư của Bắc-biên đệ thư mời toàn thể võ-lâm đồng đạo, cùng bách quan triều đình bốn tiểu quốc. Vua bà lại mời thêm quan Thái-úy phụ quốc nước Đại-lý là Trấn Nam vương Đoàn Trí-Minh, phò mã Hoa-sen ( đúng danh tự Xiêm là U-bon. U-bon nghĩa là hoa sen, nên chúng tôi chuyển sang tiếng Việt) quận vương lĩnh Trấn Bắc đại tướng quân Xiêm-quốc Lê Văn cùng công chúa Nong-Nụt. Vua Bà còn sai sứ đệ thư mời Kinh-lược An-vũ sứ Quảng Tây là Vương Duy-Chính, Kinh-lược An-vũ sứ Quảng-Đông là Dư-Tĩnh, cùng các biên thần Nam thùy lưỡng Quảng, như Ky Mân, Dương Điền, Tôn Miễn, Tô Giàm, Tiêu Chú.
Các biên thần Tống đều gửi thư cảm tạ, lấy lý do rằng không có phép của triều đình, nên không dám đi dự. Vua Bà sai sứ đem quà sang tặng cho tất cả các biên thần, lễ nhiều, ít có thứ bậc khác nhau.
Triều đình Đại-Việt cử Thái-tử đại-diện duy nhất đi dự. Tuy nhiên Khai-Quốc vương Lý Long-Bồ; Cổ-loa hầu Tạ Đức-Sơn cùng đi dự với tư cách Thuận-Thiên thập hùng. Quan thái phó Dương Bình đi với tư cách chưởng môn phái Sài-sơn. Long-thành ẩn-sĩ Tôn Đản và phu nhân Cẩm-Thi cầm đầu Tân-quy ngũ hùng gồm Bình Tây đại tướng quân Trần Anh, Trấn Bắc đại tướng quân Tôn Mạnh, Bình Nam đại tướng quân Tôn Trọng, trấn võ đại tướng quân Tôn Quý.
Về võ phái, chưởng môn phái Đông-a Trần Phụ-Quốc dẫn một phái đoàn cực kỳ hùng hậu tham dự, gồm Côi-sơn tam anh, thêm hai đô đốc Đoàn Thông, Phạm Tuy. Phái Tiêu-sơn thì chính chưởng môn Huệ-Sinh cùng các cao tăng trong Tỳ-Ni Đa-lưu-chi đường, Vạn-Hạnh đường, Tự-Viễn đường đi dự. Phái Mê-linh thì thái-thượng chưởng môn Tịnh-Tuệ, Tịnh-Huyền dẫn cả nghìn đệ tử theo. Phái Tản-viên thì chính tiên cô Bảo-Hòa cùng cửu đại cao thủ hạ sơn dự.
Vua Bà truyền mở cửa biên giới Hoa-Việt, cho người Hoa được tự do sang Đại-Việt chơi trong vòng một tháng. Mọi thứ hàng Tống bán sang Đại-Việt được miễn thuế ba tháng.
Thực là một lễ thời thanh bình. Trang nào, động nào cũng đốt pháo. Vua Bà ban chỉ ân xá cho tất cả những người đã bị kết án hay trong vòng điều tra. Ngược lại suốt thời gian lễ, quân sĩ không được nghỉ, vì phải tuần tiễu giữ an ninh phòng cướp lợi dụng.
Sau ngày lễ chính thức, quan khách lục tục ra về, có phái đoàn về trước, có phái đoàn về sau.
Trong khi đó...
Tại đại sảnh đường Phong-châu, trần thiết hết sức trang nhã, với gần ba trăm ghế ngồi. Tuy sảnh đường rộng, nhưng chỉ có mấy ngọn nến leo lét, thành ra những người ngồi cạnh nhau, cũng không nhìn rõ khuôn mặt nhau ra sao. Bên ngoài hơn trăm chó sói canh phòng. Trên trời ba trăm chim ưng bay lượn. Khi đã vào đêm, mốt số người từ khắp nơi âm thầm vào sảnh đường. Tất cả đều im lặng. Đúng giờ Tuất đèn đuốc thắp sáng chưng. Bấy giờ người ta mới nhìn rõ cử tọa.
Ngồi trên cao nhất là Khai-Quốc vương. Cạnh vương là đại sư Huệ-Sinh cùng với Nùng-Sơn tử. Điểm qua thành phần, thì thấy phái Đông-a có Côi-sơn tam-anh, Đô-đốc Đoàn Thông, Phạm Tuy. Thuận-Thiên thập hùng vắng mặt Thanh-Mai, Tự-Mai. Tân-quy ngũ hùng đủ mặt, các chưởng môn nhân, cùng bang trưởng các bang phái.
Khai-Quốc vương đứng lên hành lễ với quần hùng, rồi chắp tay:
- Thưa chư vị anh hùng, sở dĩ Quốc-công Thân-thiệu-Cực phải bầy ra lễ sinh nhật của công chúa Bình-Dương để khi chúng ta tề tựu về đây, tế tác Tống không ngờ tới buổi họp hôm nay.
... Thưa các vị, hồi đại hội Thăng-long, các vị ủy cho Bồ này làm minh chủ, hầu thống nhất tộc Việt, đòi lại đất tổ vùng lưỡng Quảng. Lại cách nay mấy năm, chúng ta hội nhau tại Trường-sinh, định rõ phải bình Chiêm, sau đó mới Bắc phạt. Việc bình Chiêm vừa xong. Hôm nay chúng ta họp nhau đây để bàn về Bắc phạt.
Quần hùng vỗ tay vang dội.
- Hồi đi sứ Tống, Bồ này với Yên-vương đã kết huynh đệ, phân định rõ ranh giới Tống-Việt: tất cả 207 khê động giữa hai nước thuộc Đại-Việt. Ngược lại tộc Việt không đem quân đòi lại lưỡng Quảng. Hơn nữa Đại-Việt với các nước thuộc tộc Việt gồm Đại-lý, Lão-qua, Xiêm-quốc, Chiêm-quốc, Chân-lạp, rút trọng binh khỏi biên giới Tống, cam kết không xâm phạm lãnh thổ Tống. Chính vì vậy mà Tống rảnh tay, rút quân về Bắc thắng Tây-hạ, ngăn được Liêu. Thế nhưng các biên thần Tống nhất định không buông các khê động. Mãi mấy năm gần đây, công chúa Bình-Dương thống lĩnh bốn tiểu quốc vượt biên, mới đòi được hết.
Vương tiếp:
- Nhưng bốn năm trước đây, Yên-vương hoăng, lại nhân Tần-vương Trần Tự-Mai thắng Tây-hạ, ngăn được Liêu. Nhờ vậy mà binh lực Tống phấn chấn lên, đám đại thần hiếu chiến nảy manh tâm Nam xâm. Vì chúng e ngại tai mắt của Ưng-sơn, nên hành sự rất kín đáo. Chúng mật lệnh cho An-vũ sứ lưỡng Quảng gửi nhiều toán tế tác sang Chiêm-thành, xúi Chiêm đánh vào phía Nam Đại-Việt. Một mặt chúng gây chia rẽ bốn tiểu quốc với triều đình. Mũi tên quan trọng, chúng nhắm vào Trường-sinh. Chúng nghĩ như vậy ắt ta phải đem quân đánh Chiêm, bình Trường-sinh. Bấy giờ chúng kéo Trường-sinh quy phục Tống. Ta khó ăn nói với Tống.
Vương nói lớn:
- Trời không chịu đất, thì đất phải chịu trời. Người Tống không để ta yên thì ta đánh lại. Tiên hạ thủ vi cường. Ta đánh trước.
Quần hào vỗ tay vang dội hết tràng này đến tràng khác.
Khai-Quốc vương tiếp:
- Tuy họ âm mưu như vậy, nhưng may mắn ta biết trước, ta hóa giải một phần, thành ra Trường-sinh vẫn thuộc Đại-Việt. Ta cũng vờ không biết ý đồ chúng, cứ đem quân bình Chiêm. Chúng tưởng ta bình Chiêm xong ắt mệt mỏi. Nhưng chúng đâu ngờ ta không những không mệt mỏi, mà yên tâm đem quân Nam thùy phòng thủ Đại-Việt, để quân Bắc-biên đánh Tống.
Vương ngừng lại chỉ Trần Bảo-Dân:
- Nhị sư huynh vừa từ bên Tống về, có thể cho chư vị anh hùng biết rõ tình hình hơn.
Trần Bảo-Dân đứng dậy cung tay chào quần hùng rồi nói:
- Sau khi Tần-vương tung toàn bộ quân Tống đánh những trận long trời lở đất với Tây-Hạ. Cả hai bên đều tổn thất không biết bao nhiêu mà kể. Nhưng Tống coi như thắng lớn vì chiếm lại phần đất bị Tây-Hạ lấy trước đây. Những đạo quân tinh nhuệ nhất của Tống gần như phải tổ chức lại. Vì vậy vương không thể xua quân diệt Tây-hạ. Tây-hạ sai sứ sang cầu hòa, xin tiến cống.
Phò-mã Hà Thiện-Lãm lắc đầu:
- Chắc anh Tự-Mai không chịu!
- Sao phò mã biết tiểu sư đệ không chịu?
- Vì hồi trước Tự-Mai vây Linh-châu, bọn hủ nho ăn tiền của Tây-hạ xin nhà vua bãi binh. Tự-Mai đành lui binh. Sau Tây-hạ vi ước, đem quân đánh Tống. Nhà vua sai Tự-Mai đánh Tây-hạ. Tự-Mai đòi chém hết đám nho thần xin tha cho Tây-hạ hồi trước rồi mới chịu ra binh. Nhà vua không chịu, Tự-Mai sai lực lượng Ưng-sơn giết hết đám nho thần đó với vợ con, bố mẹ. Vì vậy nay Tây-hạ thua, xin giảng hòa tất không ai dám tán thành.
- Phò mã chỉ đoán đúng một nửa. Nay chính tiểu sư đệ tâu xin hòa, lấy lý do sau mấy trận, binh mã hao tổn quá nhiều. Nhà vua đồng ý phong cho vua Tây-hạ làm Hạ-quốc vương, rồi cho bọn Tam-anh, Ngũ-hổ ra trấn Tây-biên, còn phò mã với công chúa về triều.
Lạng-châu công Thân Thiệu-Cực lắc đầu:
- Như vậy tôi e có bọn gian thần nào đó nói ra, nói vào, nhà vua mới làm như vậy. Bởi lẽ Hạ xin quy thuận là do dư uy các trận đánh của Tự-Mai, thì dù sau khi nó hàng, cũng phải để Tự-Mai ở Tây-biên hầu trấn áp chúng chứ? Có đâu lại đưa về triều ? Tự-Mai là một đại tướng, mà cho về triều thì là tướng không quân, ngồi chơi xơi nước.
- Đúng thế. Tiểu-sư đệ về triều, ngày ngày cùng công chúa ngao du thắng cảnh. Nhưng bọn hủ nho vẫn sợ uy, vì họ nghĩ rằng Ưng-sơn song hiệp là tiểu sư đệ với công chúa.
Bảo-Dân ngừng lại cho mọi người theo kịp, rồi tiếp:
- Nhưng tại biên giới Liêu-Tống, quân Tống thừa cơ đêm đến tràn sang đất Liêu cướp của, giết quan lại. Sứ Liêu sang Tống thống trách. Nhà vua sai sứ điều tra, thì Phạm Trọng-Yêm chối rằng những nơi xẩy ra cướp phá, hoàn toàn không có quân Tống. Yêm đổ vấy cho Liêu bầy ra để có cớ gây sự. Sứ giả hai bên vừa chia tay, thì trên đường về nước, sứ Liêu bị quân Tống giết chết cướp tài vật. Nam viện đại vương của Liêu xua quân đánh tràn qua. Tống mất ba thành. Triều đình Tống phải cải phong Tần-vương Tự-Mai làm Kinh-Nam vương, rồi để vương với công chúa trấn Bắc.
Ngồi dưới này, Tôn Đản hỏi sẽ Thuận-Tông:
- Em nghĩ sao?
- Còn sao nữa, chính ông nội Bảo-Dân cùng với một số cao thủ tuân lệnh Tự-Mai giả làm quân Tống giết quan Liêu, gây chiến tranh Liêu-Tống, hầu hút lực lượng Tống để chúng ta đánh lên cho dễ.
Thiệu-Cực hỏi:
- Hiện ai làm tể tướng Tống?
- Hoàng-hựu nguyên niên (Kỷ-Sửu, 1049) Trần Chấp-Trung lĩnh Chiêu-văn quan đại học sĩ, giám tu quốc sử (tả tể tướng) cùng các tể thần giữ chức Đồng trung thư môn hạ bình chương sự, Tập-hiền viện đại học sĩ (hữu tể tướng), Khu mật viện sứ; Tham tri chính sự, khu mật viện phó sứ... trước đây tâu xin tha cho Tây-Hạ, bắt Tự-Mai rút quân, đều bị Ưng-sơn giết cả nhà. Tháng tám ngày Nhâm-Tuất lấy một số nho thần khác thay thế. Đó là Văn Ngạn-Bác làm Chiêu văn quan đại học sĩ. Tống Tường làm Đồng trung thư môn hạ bình chương sự, Tập-hiền-viện đại học sĩ, Bàng Tịch làm Khu mật viện sứ, Cao Nhược-Nột làm Tham-tri chính sự, Lương Thương làm Khu mật viện phó sứ. (TS. Nhân-tông kỷ)
- Tư cách năm người này ra sao?
- Văn-mô, vũ lược. Cả năm đều chủ trương buông phía Bắc, mà mở rộng biên cương về phía Nam. Nhà vua nghiêng về phía mấy tên này. Cho nên cả năm người đều âm thầm xui bọn Dư Tĩnh, Vương Duy-Chính, Tiêu Chú, Ky Mân, Trần Thự, Dương Điền, Tôn Miễn tung tế tác sang bên ta xui dục sao cho có nội loạn, nếu cần thì gây ra sự đã rồi. Bấy giờ Tống có cớ đem quân Nam-chinh.
Khai-Quốc vương hỏi Thiệu-Cực:
- Tình hình Lưỡng-Quảng ra sao?
- Lưỡng-Quảng hiện có rất ít quân triều. Tại Ung-châu có bốn đạo quân 441, 442, 443, 444. Tại-Quảng-châu có các đạo quân 331, 332, 333, 334. Còn ngoài ra chỉ chỉ có quân của các trấn, các châu mà thôi. Lương thảo họ thu được bao nhiêu đều cất vào những thành chính để tải lên cho mặt trận phía Bắc, phía Tây. Tuy nhiên vượt ra ngoài Ngũ-lĩnh họ có đạo kỵ binh với một hạm đội đóng ở hồ Động-đình. Tại Kinh-châu họ có hai hạm đội với 20 vạn quân.
Khai-Quốc vương xoa hai tay vào nhau:
" Chúng muốn gây chiến thì được chiến tranh. Ta nhân cớ chúng gây chiến, đánh chiếm lại Lưỡng- Quảng"
Mọi người vỗ tay.
Khai-Quốc vương hỏi Thiệu-Cực:
- Cháu trấn Bắc-biên, vậy cháu tìm lấy một cớ nào lớn nhất để ta gây sự. Gây sự sao cho có lợi.
Thiệu-Cực chỉ Nùng Trí-Cao:
- Cớ lớn đã có từ lâu, đó là tế tác Tống ám hại cha con Nùng hầu. Đúng thủ tục ra, khi có xích mích giữa hai biên thần, thì Trí-Cao tâu về triều, rồi hai triều Tống-Lý nói với nhau. Bây giờ Trí-Cao làm như nóng nảy, gửi thư cho Vương Duy-Chính, yêu cầu nộp Trần Thự cho Cao báo phụ cừu. Tất nhiên Chính không chịu. Bấy giờ Trí-Cao lấy tờ giấy cung khai của Trần Thự tấu về triều Tống. Phải tính sao đúng lúc sứ tới Biện-kinh, thì ta cho quân vượt biên. Trong khi triều đình đang bàn tính về tờ biểu của Trí-Cao, thì biểu của Chính tới kinh tâu vụ ta vượt biên. Như vậy ắt Tống triều cho rằng đây là vụ xung đột nhỏ, sẽ cử sứ xuống hòa giải. Tổng số thời gian từ khi ta vượt biên, tới lúc sứ đến Quế-châu mất hai tháng. Trong hai tháng, ta đã chiếm xong phân nửa Lưỡng-Quảng rồi. Nào Trí-Cao sư điệt, cháu định cử ai đi sứ Tống đây? Ai đi sứ Quế-châu đây?
Trí-Cao còn trầm ngâm thì Thiệu-Cực tiếp:
- Người đi sứ Tống cần phải có bằng này điều kiện. Một là thuộc giới bút mặc văn chương, đủ để đấu khẩu với bọn nho thần chuyên nhai văn nhấm chữ. Hai là phải có võ công cao, để lỡ có sự còn tự thoát thân được. Ba là phải thấu hiểu tình hình Trường-sinh. Khi đi sứ, lời lẽ cần tỏ ra ty tiện, hết sức phô trương lòng trung thành với Tống, lễ cực kỳ hậu. Sứ thần sẽ mang theo thực nhiều vàng bạc hầu hối lộ bọn tham quan, bọn cung nga thái giám, nhờ chúng kết tội bọn Dư Tĩnh, Vương Duy-Chính, Ky Mân, Trần Thự.
Trí-Cao suy nghĩ rồi hướng Hoàng-Giang cư sĩ:
- Thưa thầy, xét kỹ ba điều kiện sư bá đưa ra, thì chỉ thầy mới có. Vậy con xin thầy đừng quản ngại giúp con việc này. Con xin xuất ra một nghìn lượng vàng để thầy hối lộ cho bọn tham nhũng. Còn như cần hối lộ ai, cung nào, điện nào, thì sư bá Phụ-Quốc sẽ cho biết.
Hoàng-Giang cư sĩ khẳng khái:
- Được, thầy đi.
Ông nói với vua Bà:
- Nội chúng ta đây, vua Bà nổi tiếng cử bút thành văn, xin vua Bà soạn cho bài biểu.
Vua bà Bình-Dương cầm bút viết liền một hơi, rồi trao bản nháp cho Phụ-Quốc:
- Xin sư huynh đọc xem có được không.
Phụ-Quốc cầm biểu đọc thực lớn:
Man-di biên thần là Nùng Trí-Cao xin rập đầu chảy máu trước thánh Thiên-tử để đèn trời xét cho mối oan khuất.
Tộc Nùng của thần từ mấy đời trấn ở Nam-thiên, tuy vạn dặm xa xôi, nhưng lúc nào cũng ngửa cổ trông về Thiên-triều như con đỏ mỏi mắt chờ mẹ. Hằng năm, ông, cha thần đều có lễ, nhờ các bậc tể thần Lưỡng-Quảng chuyển về dâng lên bệ hạ, cũng có hậu lễ đến các vị trấn thủ Nam-thùy.
Mấy năm trước, phụ thân thần là Nùng Tồn-Phúc, cùng huynh trưởng là Nùng Trí-Thông được biết rằng tất cả lễ cống gồm châu báu, phương vật đều bị các biên thần dấu đi. Phụ thân thần đành cử sứ về Biện-kinh cáo với triều đình. Nhưng khi sứ đi qua Quế-châu thì bị bắt giết, biểu bị xé vứt đi. Như vậy các tể thần Nam-thùy chưa cho là đủ, lại sai Chinh-di đại tướng quân Trần Thự đem một đoàn cao thủ sang ám hại phụ thân cùng huynh trưởng của thần. Các vệ sĩ của thần đâu biết các vị là quan của Thiên-triều, tưởng là gian tế, nên bắt giam và lấy khẩu cung. Bấy giờ thần mới hay là ý của An-vũ sứ Lưỡng-Quảng. Vì vậy thần phải dâng lễ tạ Trần tướng quân rồi đưa về.
Nghĩ phụ thân, huynh trưởng chưa từng phạm lỗi mà bị giết, thần lớn mật gửi sứ tới cửa nhà trời khiếu oan, cùng dâng lễ vật, cúi mong Thánh-hoàng xét cho để hai vong hồn của phụ thân, huynh trưởng thần được siêu thoát.
Thần khép nép dâng biểu, lòng xiết bao kính sợ.
Lễ dâng gồm:
1. Vàng khối năm trăm lượng.
2. Bạc khối một vạn lượng.
3. Ngà voi mười cặp.
4. Hương liệu mười cân.
5. Quế chi mười cân.
6. Voi lớn hai cặp.
7. Đính kèm bút tích cung khai của Chinh-di đại tướng quân Trần Thự.
Tôn Đản khen:
- Bài biểu này có tác dụng đổ cho bọn quan Nam-thùy ăn chận cống phẩm, được dâng vàng bạc... Chắc chắn bọn tể thần Tống tin thực, ghen ăn, sẽ xúm vào kết hàng vạn thứ tội lên đầu, rồi còn đòi chia chác nữa.
Thiệu-Cực nói:
- Bây giờ tới sứ thần đi Quế-châu. Người này không cần văn hay, phải tỏ ra hống hách, để bọn Vương Duy-Chính nổi giận, có như vậy, sau này sứ Tống tới dàn hòa, y mới bật ngửa ra, nổi khùng lên. Ở đây chúng ta đều đã xuất hiện, bọn Tống biết mặt cả rồi. Chỉ có một người khả dĩ đảm nhận được, đó là Thường-Hiến, em Thường-Kiệt. Vậy Thường-Hiến đảm nhận vụ này. Còn thư cho chúng, để Trí-Cao viết.
Công chúa Kim-Thành nói:
- Anh Thiệu-Cực này. Em nghĩ rằng đi sứ Quế-châu không cần người ôn nhu văn nhã, mà cần người gàn bát sách, ngang như cua như ghẹ mới xong. Em xin tiến cử một người có khả năng đó.
Tất cả phòng họp đều đờ người ra suy nghĩ, không ai biết người mà Kim-Thành tiến cử. Cuối cùng Dương Bình bật cười:
- Tôi đoán ra rồi. Người đó là em sữa của Đông-cung đại học sĩ Thường-Kiệt tên Dư Phi, ái đồ của Long-thành ẩn-sĩ.
Dư Phi tuy ít xuất hiện, nhưng chàng thường ôm đàn cùng bầy hạc, bầy chó ngao du khắp nơi tấu cho dân xem, nên cả nước, ai cũng biết tiếng. Hôm nay chàng theo hầu sư phụ, sư mẫu lên họp, vì không thích làm quan, nên gục xuống bàn mà ngủ. Bây giờ bị sư mẫu lôi cổ ra, chàng bật cười:
- Thưa các vị, thầy còn hơn bố, cô còn hơn mẹ. Nay thầy cô bảo gì Phi này thành hữu thì Phi cũng phải tuân. Việc nói ngang, nói gàn, thì là võ công mà Phi này giỏi nhất. Nhược bằng chúng chặt đầu, thì Phi sẵn sàng đục nhau với chúng.
Trí-Cao nói với Dư Phi:
- Em không có tài viết văn gây sự. Nhờ anh viết dùm.
Không đắn đo, Dư Phi cầm bút viết liền:
Chưởng-quản anh hùng tộc Nùng là Thái-tử thiếu bảo, Trường-sinh hầu, lĩnh Trấn-viễn đại tướng quân nước Đại-Việt, thư cho bẩy tên cẩu tặc Vương Duy-Chính, Dư Tĩnh, Ky Mân, Dương Điền, Tôn Miễn, Tô Giám, Tiêu Chú biết rằng:
Năm trước đây chúng mày gửi tên Trần Thự sang sát hại phụ thân cùng huynh trưởng tao. Nay tao thư cho bọn cẩu tặc chúng bay hay: Kể từ khi nhận được thư này, chúng mày phải thân tới trướng của tao rập đầu tạ tội, lại trói tên Trần Thự đem nộp. Hẹn trong mười lăm ngày, mà chúng mày không tuân lệnh, thì ông cố nội mẹ mày sẽ đem binh giết hết chúng mày cùng bố mẹ, vợ con, tôi tớ, trâu bò, lừa ngựa, chó mèo, gà vịt, chim muông.
Ông tổ nội mẹ chúng mày.
Cả hội trường cùng bật cười, cười lăn cười lộn.
Dư Phi nói:
- Cao này. Khi đi Quế-châu, anh sẽ mang theo một đàn chó, với một đàn hạc. Anh không cỡi ngựa, mà cỡi bò. Như vậy anh mới có cớ cà khịa với bọn chúng. Nhân đó anh dò la quân tình chúng một thể.
Thiệu-Cực khen:
- Giỏi, thư gây sự như vậy mới khiến cho chúng tức, mà không nộp Trần Thự. Lại thêm lối nói như cua của Dư Phi thì tuyệt.
Khai-Quốc vương nói gằn từng tiếng:
- Xin các vị nghe.
Hội trường có tới mấy trăm người, mà không một tiếng động.
- Ta chia lực lượng làm bốn: hăm dọa, phòng thủ nước, Bắc-tiến và ngoài biển.
- Thứ nhất, lực lượng hăm dọa gồm toàn bộ quân Đại-lý dồn lên phía Bắc làm như chuẩn bị vượt Độ-khẩu đánh vào Thục. Thục tất gửi biểu tâu về triều Tống. Tống sẽ điều quân Tây-xuyên, Đông-xuyên trợ Thục. Như vậy ta cầm chân được quân Lưỡng-Xuyên không tiếp cứu mặt trận Tây-Hạ. Thành ra Tống không dám đưa quân từ Tây-Hạ về Nam.
Trấn-Nam vương Đại-lý Đoàn Trí-Minh đứng dậy nhận lệnh.
- Thứ nhì, lực lượng trừ bị, gồm mười đạo Thiên-tử binh. Lực lượng này quan Thái-phó Dương Bình tổng chỉ huy để phòng thủ và tiếp ứng nếu cần.
Dương Bình đứng lên nhận lệnh.
- Thứ ba, lực lượng ngoài biển, gồm ba hạm đội Âu-Cơ, Bạch-đằng, Động-đình do đô đốc Đoàn Thông tổng chỉ huy, nhiệm vụ phòng duyên hải. Sẵn sàng chở quân trừ bị đổ lên Khâm-châu, nếu quân Bắc-tiến thất thế.
Đoàn Thông đứng lên lĩnh mệnh.
Khai-Quốc vương trao thanh Thượng-phương bảo kiếm cho công chúa Bảo-Hòa:
- Thứ tư, lực lượng Bắc tiến do Trưởng đại-công- chúa Bảo-Hòa tổng chỉ huy.
Công chúa Bảo-Hòa đứng dậy nhận kiếm, rồi bước lên trướng:
- Chủ lực chính Bắc-tiến là quân Trường-sinh. Vậy Trường-sinh hầu cho biết lực lượng có bao nhiêu?
Nùng Trí-Cao cung tay:
- Thưa sư phụ, về bộ binh có năm vạn chia ra ba vạn nam, hai vạn nữ. Kị có một vạn với bẩy nghìn ngựa. Thú có ba trăm voi, ba trăm báo, ba trăm hổ, ba trăm sói, với một vạn người. Lực lượng pháo có hai trăm xe bắn đá, một vạn người và năm vạn người vận tải.
- Vậy quân Trường-sinh phát xuất thình lình từ Tả-giang lên phía Bắc, dùng voi, xe bắn đá, nhanh chóng chiếm các phủ huyện, sao cho tới Quế-châu trong vòng một tháng. Tất cả đệ tử Tản-viên đều theo giúp trong đạo Trường-sinh.
Công chúa đứng dậy cung tay hướng đại sư Huệ-Sinh, sư thái Tịnh-Tuệ, Tịnh-Huyền:
- Đệ tử đã cho chuẩn bị hơn nghìn bằng sắc tăng ni Tống. Xin các vị trao cho các đệ tử Tiêu-sơn, Mê-linh ẩn thân vào dân chúng, vào các chùa dọc biên giới tới Quế-châu. Mỗi khi quân Trường-sinh đánh tới đâu, thì đoàn cao thủ của ta từ trong thành làm nội ứng. Như vậy quân Trường-sinh tiến mau hơn.
Huệ-Sinh, Tịnh-Tuệ, Tịnh-Huyền mỉm cười nhận lệnh.
Công-chúa hướng Trần Phụ-Quốc:
- Nhiệm vụ phái Đông-a rất nặng. Vì Côi-sơn tam anh ở trên đất Tống lâu, thông thạo đường lối, xin đem đệ tử phục dọc đường ngoài các thành từ biên giới tới Biện-kinh, hễ thấy ngựa trạm báo tin là giết chết. Như vậy tin tức giữa các châu, các thành với triều đình bị gián đoạn. Họ sẽ không nắm được tình hình.
Phụ-Quốc cung tay nhận lệnh.
Trí-Cao hỏi:
- Kính sư phụ, nếu đệ tử tiến thẳng lên Bắc như vậy, e hở hai hông, chúng đánh ép thì mất đường tiếp tế lương thảo .
- Con hỏi vậy thực phải. Sư phụ đã tính trước rồi.
Công chúa hướng phò mã Lê Văn:
- Lực lượng em có bao nhiêu?
- Vì đường xá xa xôi, em mang theo hai vạn bộ và năm trăm thớt voi.
- Võ công em cực cao, hiện chỉ có đại cao tăng Thiếu-lâm, với Hoa-sơn tứ lão mới đương nổi em. Vậy em đi kế đạo quân Trường-sinh. Khi đạo Trường-sinh chiếm được Quế-châu rồi dừng lại, thì em tiến lên chiếm núi Ngũ-lĩnh và trấn tại đây, không cho viện quân từ Đàm-châu tiến xuống.
Công chúa hỏi phò mã Lê Thuận-Tông và công chúa Kim-Thành:
- Hai vị cho biết lực lượng Phong-châu.
Công chúa Kim-Thành cung tay:
- Lực lượng Phong-châu gồm có bộ binh ba vạn, kị binh một vạn; voi một trăm thớt, hổ hai trăm con, báo hai trăm con, sói năm trăm con.
- Công chúa với phò mã đem quân vượt biên chiếm Khâm-châu, tẻ sang Đông, tiến chiếm vùng Liêm-giang, rồi Quảng-châu, Khúc-giang, bảo vệ sườn phải cho Trường-sinh.
Công chúa hướng phò mã Hà Thiện-Lãm, với công chúa Trường-Ninh:
- Xin hai vị cho biết lực lượng Thượng-oai.
Công chúa Trường-Ninh cung tay:
- Lực lượng Thượng-oai không có hổ, báo, sói binh. Bộ binh có ba vạn, kị binh hai vạn, tượng binh ba trăm thớt.
- Công chúa với phò mã đem quân vượt biên, tiến sau quân Trường-sinh, trấn nhậm thành trì cho quân Trường-sinh tiến lên Bắc, sẵn sàng tiếp cứu quân Trường-sinh.
Công chúa hướng Lạng-quốc công Thân Thiệu-Cực:
- Anh hai ! Quân của Lạng-châu ra sao?
- Bộ ba vạn, kị hai vạn, voi, hổ, báo, sói mỗi loại ba trăm.
- Anh tiến quân theo Thuận-Tông, Kim-Thành; trấn giữ thành trì do quân Phong-châu chiếm được, sẵn sàng tiếp ứng cho đạo này. Anh là tổng chỉ huy hai đạo Phong-châu, Lạng-châu.
Phò-mã Thân Thiệu-Thái hỏi:
- Còn anh, anh ngồi chơi ở nhà sao?
Công chúa phì cười:
- Nhiệm vụ của anh với Bình-Dương cực kỳ quan trọng là tổng chỉ huy ba đạo Trường-sinh, Thượng-oai, và Hoa-sen.
Công chúa tiếp:
- Bây giờ tới các đại tướng. Trần Anh, Tôn Trọng theo giúp đạo Trường-sinh. Tôn Mạnh theo giúp đạo Phong-châu, Tôn Quý theo giúp đạo Thượng-oai.
Công chúa tính toán một lúc rồi tiếp:
- Về cao thủ, như trên đã phân phối. Côi-sơn tam anh giúp đạo Trường-sinh. Anh Thiệu-Thái với Bình-Dương giúp đạo Phong-châu. Đại sư Huệ-Sinh, đạo sư Nùng-sơn-tử giúp đạo Thượng-oai.
Công chúa nhìn Thiệu-Cực:
- Anh hai có cần cao thủ không?
Thiệu-Cực cười tủm tỉm:
- Anh chỉ xin sư thái Tịnh-Tuệ, Tịnh-Huyền với ông bà Long-thành ẩn-sĩ Tôn Đản là đủ rồi. Trong khi ta đánh nhau, thế nào Thiên-trường ngũ kiệt, với Đại-Việt ngũ long nghe tin ắt ngứa chân, ngứa tay không chịu được, cũng phải xuất hiện trợ chiến.
Trí-Cao bàn:
- Không biết thầy đồ Bắc-ngạn nay ở đâu, nên mời ông ấy theo giúp thì bố tướng Tống cũng chết dí hết.
Thiệu-Cực gõ tay lên đầu Trí-Cao:
- Con nói thế có ngày thầy đồ đánh con què dò con có biết không? Hôm ấy, con bàn về việc đòi cố thổ Lĩnh-Nam với thầy, rồi đưa đến cuộc thảm sát. Như vậy rõ ràng thầy với con cùng một chí hướng. Thầy ở trong bóng tối, nhất cử nhất động của ta với Tống thầy biết hết. Thầy chẳng từng hứa với con rằng: ngày mai con đánh tới đâu, thì đêm trước thầy giết tướng giữ thành cho con là gì đấy? Không chừng thầy có mặt trong phòng họp này cũng nên.
Trí-Cao mỉm cười:
- Đa tạ sư thúc dạy khôn cho.
Khai-Quốc vương đứng lên nói:
- Về thời gian hành sự, Bồ này đã tính trước. Chúng ta tiến quân vào tháng chín. Như vậy tin tới triều là tháng mười. Họ sai sứ xuống giảng hòa vào tháng mười một. Nghị hoà thất bại, sứ về tới là tháng chạp. Nếu Tống triều khẩn cấp phản ứng thì quân từ Tây, Bắc khởi hành phải vào đầu tháng hai. Nhanh ra, họ tới nơi vào tháng ba, tư là tháng nóng bức, thấp nhiệt bao phủ không gian Ngũ-lĩnh. Quân Tống từ Bắc xuống khí hậu nóng nực, bệnh thời khí tràn lan, binh sĩ, lừa ngựa phía Bắc không chịu nổi. Nếu họ chấp nhận giao chiến ắt bị thua. Còn như họ án binh chờ cuối Thu, thì ta có thêm sáu tháng củng cố cai trị, như vậy là một năm. Bấy giờ họ có phản công cũng vô ích. Nào, bây giờ quý vị về chuẩn bị ngay thì vừa. Khi có lệnh, tất cả cùng hành động.
Vương hỏi Bảo-Hòa:
- Tổng hành doanh Bắc tiến của cháu theo đạo binh nào?
- Cháu tùy cơ ứng tiến.
Hoa-sen quận vương Lê Văn hỏi:
- Có một vấn đề tế nhị đặt ra là hiện bốn tiểu quốc Trường-sinh, Phong-châu, Thượng-oai, Lạng-châu đều thuộc Bắc-biên. Nếu như chiếm lại lưỡng Quảng, thì đất đó do ai cai trị, cơ chế tổ chức ra sao?
Khai-Quốc vương hỏi đại sư Huệ-Sinh:
- Sư phụ trí tuệ bao la, xin sư phụ dạy cho đệ tử.
Huệ-Sinh đứng lên nói:
- Trước khi lên đây họp, hoàng thượng với thái sư ủy cho bần tăng nghiên cứu vụ này. Nay bần tăng quyết định như sau: trong hơn ba mươi trang động thuộc Trường-sinh thì hầu hết thuộc sắc dân Nùng. Người Nùng nói tiếng Việt lẫn tiếng Quảng. Trong hai lộ Quảng, thì phân nửa dân phía Nam biết nói tiếng Việt. Riêng nửa vùng phía Tây của Quảng-Tây nói tiếng Thái.
Đại sư hỏi Trấn-Nam vương Đoàn Trí-Minh:
- Vậy ta chia Quảng-Tây làm ba phần. Một phần ba phía Tây, dân nói tiếng Thái ta tổ chức thành nước nhỏ, đặt trực thuộc hoàng đế Đại-lý. Không biết ý kiến Đoàn vương gia nghĩ sao?
Đoàn Trí-Minh là em ruột hoàng đế Đại-lý. Ông đi dự đại hội chỉ với mục đích sao cho Việt mạnh, Tống yếu, để Tống không xâm lăng Đại-lý. Nay tự nhiên được chia một phần ba Quảng-Tây, ông mừng lắm:
- Thưa đại sư, hiện Đại-lý chia làm sáu Chiếu (ghi chú: chiếu có nghĩa như một vùng). Mỗi Chiếu có một vị vương. Nếu nay sắc dân Thái thuộc Quảng-Tây được thống nhất với Đại-lý, thì chúng tôi chia vùng này thành ba Chiếu nữa là chín. Về tên ba chiếu này, chúng tôi xin lấy lại những tên thời Lĩnh-Nam. Ba tên đó là Tượng-quận, Bồ-lăng, Thiên-sơn.
Quần hào vỗ tay vang dội.
Huệ-Sinh tiếp:
- Một phần ba phía Nam của Quảng-Tây đặt trực thuộc Thượng-oai, chập hai vùng làm một, mà vẫn giữ tên Thượng-oai. Còn một phần ba phía Bắc đặt trực thuộc Trường-sinh. Vùng này xin lấy tên thời Lĩnh-Nam là Quế-lâm. Về Quảng-Đông, một phần ba phía Bắc cũng được đặt trực thuộc Trường-sinh, phần này giữ nguyên tên thời Lĩnh-Nam là Nam-hải. Một phần ba phía Đông-Nam đặt trực thuộc Phong-châu, chập hai vùng làm một mà vẫn giữ tên Phong-châu. Một phần ba phía Tây-Nam đặt trực thuộc Lạng-châu, vẫn giữ nguyên tên Lạng-châu. Đến bấy giờ thì Trường-sinh gồm ba vùng lớn: Trường-sinh, Quế-lâm, Nam-hải, nên đặt tên nước là Đại-Nam. Nước Đại-Nam được kể như một nước lớn bằng Xiêm-quốc, Đại-lý, Bắc-biên.
Ông nói với Trí-Cao:
- Khi quân hầu chiếm xong các vùng Nam-hải, Quế-lâm, tổ chức cai trị hoàn hảo rồi hãy đăng quang. Bây giờ thì vẫn giữ nguyên thân phận hầu tước.
Trí-Cao cúi đầu:
- Đa tạ Quốc-sư dạy dỗ.
Hoa-sen quận vương hỏi:
- Trường hợp quân Tống ở vùng Trường-sa, hồ Động-đình yếu quá, em có nên xua quân tiến chiếm nốt vùng Nam Trường-giang không? Sau khi chiếm rồi, em trao vùng này cho ai?
Khai-Quốc vương đáp:
- Về mặt trận từ Ngũ-lĩnh lên Bắc, em toàn quyền quyết định. Nhưng em ơi, vuốt mặt phải nể mũi một chút, vì vùng này Tống gọi là Kinh-Nam. Dường như Tự-Mai mới được cải phong làm Kinh-Nam vương. Không lẽ em chiếm nước của Tự-Mai? Không lẽ em với Tự-Mai đánh nhau, coi sao được?
Vương cười tủm:
- Ừ, nếu em có gan thì cứ đánh Kinh-Nam, nói thực, anh không muốn đụng tay vào cái tổ ong bầu này. Ngại lắm.
Lê Văn vỗ ngực:
- Của Tự-Mai, chứ của anh cả em cũng chiếm. Em biết rõ: tiếng rằng Tự-Mai được phong Kinh-Nam vương, mà có bao giờ đến Kinh-Nam đâu? Em cứ chiếm, chiếm xong em trả cho Tự-Mai, để Tự-Mai trấn khu hồ Động-đình, Trường-giang, thì tổ bảo tụi tướng Tống cũng không dám vượt sông chiếm lại. Nếu chúng cả gan đem quân đánh Tự-Mai thì chúng sẽ thành ma không đầu hết.
Quần hào vỗ tay vang dội hoan hô. Khai-Quốc vương mỉm cười tỏ vẻ tán thành ý của Lê Văn. Vương ghé tai sư đệ nói nhỏ mấy câu, rồi hai anh em cùng cười.
Bảo-Dân đứng lên nói:
- Trước khi chấm dứt buổi họp, tôi xin lưu ý các vị về các nhân vật bên Tống có thể được cử làm tướng đối phó với chúng ta. Về tài dùng binh, hiện cả Tống, Việt, không ai địch lại tiểu sư đệ Tự-Mai, vì y thấu hiểu phương pháp dùng binh của công chúa Thánh-Thiên lẫn Tôn-Ngô binh pháp. Nhưng ta không sợ y, vì không bao giờ y đánh ta. Trường hợp bị Tống ép quá, y sẽ bỏ quan cùng vợ ngao du thắng cảnh.
Ông tiếp:
- Người có tài dùng binh bậc nhì là Phạm Trọng-Yêm, Văn Ngạn-Bác, Địch Thanh, Trương Ngọc, Tôn Tiết. Nhưng Yêm với Bác đều là tể thần, chắc họ không xuất chinh. Rút cục chỉ còn Tam-anh. Tài dùng binh bậc ba là bọn tướng trẻ Quách Quỳ, Triệu Tiết, Diêu Tự, Yên Đạt, Tu Kỷ, Khúc Chẩn, Đào Bật. Bốn tướng trong Ngũ-hổ cũng có tài dùng binh, kém Địch Thanh một chút. Về khả năng dùng binh bên ta, xin để Khai-Quốc vương phán quyết.
Khai-Quốc vương đứng dậy nói:
- Trận Bắc-chinh, ta ra quân có bằng này yếu tố thuận lợi. Một là bất ngờ, ngay bọn quan lại địa phương cũng không biết. Hai là yếu tố lợi dụng thời gian; Tống ở xa, ta ở gần. Khi họ phản ứng thì đã trễ. Ba là yếu tố địa thế, khí hậu. Quân mã ta là quân mã sống ở Lĩnh-Nam, chịu khí hậu đã quen, cùng tiếng nói với dân, lại thông thạo địa thế. Tống đem quân từ Bắc xuống, tiếng nói với dân không cùng, khó chịu nổi khí hậu, không thông thạo địa thế. Nhưng ta phải công nhận Tống cũng có nhiều ưu điểm hơn ta. Thứ nhất quân, tướng ta bây giờ mới xuất trận lần đầu, không thể kinh nghiệm bằng quân, tướng Tống đã đánh hàng trăm trận với Liêu, Hạ. Ta tiến lên Bắc là tấn công, trong khi họ ở thế thủ trong các thành. Công dễ bị thất bại hơn thủ.
... Về tài dùng binh, thì hiện Phụ-Quốc, Trung-Đạo, Bảo-Hòa, Tôn Đản, Dương Bình, Lê Văn đứng hạng đầu. Thứ đến, Lê Phụng-Hiểu, Lý Nhân-Nghĩa, Đoàn Thông, Phạm Tuy, Nùng Trí-Cao, Lý Thường-Kiệt, Thân Thiệu-Cực. Loại thứ ba là Lê Thuận-Tông, Hà Thiện-Lãm, Trần Anh, Tôn Mạnh, Tôn Trọng, Tôn Quý. Nhưng bàn về mưu trí, kể cả Tống lẫn Việt không ai bằng Thiệu-Cực, Thanh-Nguyên.
... Về võ công, khi chiến trận xẩy ra, thì e các phái Thiếu-lâm, Võ-đang, Nga-mi, Không-động, Côn-luân, Hoa-sơn đều nhập cuộc. Ngoài ra bang Hoàng-Đế cũng khó đứng ngoài. Bên ta thì khỏi bàn, các đại môn phái, các bang đều đã tham dự.
Buổi họp chấm dứt.
Hai sứ đoàn Trường-sinh cùng khởi hành một ngày. Sứ đoàn của Hoàng-Giang cư sĩ gồm mười người, thì mất hai người làm quản tượng. Một người điều khiển chim ưng. Hoàng-Giang cư sĩ làm chánh sứ. Còn lại sáu người đều lĩnh nhiệm vụ chăm sóc voi, mang cống vật. Nhưng thực sự mười người thì năm là đệ tử Sài-sơn võ công cực cao. Năm là đệ tử của Trần Phụ-Quốc đều đã ở Biện-kinh lâu năm, biết hết tình hình triều Tống.
Sứ đoàn đi theo đường liên Liễu-châu, Quế-châu, vượt Ngũ-lĩnh đến Trường-sa, sau đó dùng thuyền sang Kinh-châu rồi đi Biện-kinh.
Còn sứ đoàn của Dư Phi thì chỉ có mình chàng, với con bò tót kéo xe. Trong xe chở nào trống, nào đàn, nào chiêng, nào thức ăn cho hạc, cho chó. Trên trời hai mươi con hạc bay theo. Dưới đất bầy chó năm mươi con. Vì đi bằng xe bò, nên Phi tiến rất chậm, hai ngày sau tới Ninh-châu (hay Ung-châu, nay là Nam-ninh thuộc Quảng-Tây). Ninh-châu hồi ấy là lỵ sở của Tổng-trấn Nam-thùy ngà Tống, dân cư đông đúc.
Lúc đoàn chó cùng Phi đến cửa Nam Ninh-châu, viên quan coi thành thấy báo có sứ đoàn, thì y vội ra ngoài đón tiếp. Khi nhìn lá cờ, bất giác y nổi giận cành hông. Đúng theo thủ tục hồi đó, cờ phải là mầu xanh với hàng chữ : Sứ đoàn Trường-sinh thượng tiến kinh lược an-vũ sứ Quảng-Tây lộ . Nhưng nay không phải là cờ xanh, mà cờ trắng, lại là một chiếc quần lót, treo trên một cành củi mục mốc meo. Trên cờ viết nguệch ngoạc mấy chữ : Sứ đoàn Trường-sinh giá lâm Quế-châu. Chữ giá lâm nguyên chỉ dùng cho vua chúa đến nơi nào. Nhưng y cho rằng Dư-Phi là phường man mọi, không hiểu văn tự Trung-nguyên, nên kiên nhẫn hỏi bằng tiếng Quảng:
- Người đến yết kiến An-vũ sứ có việc gì?
Dư Phi chỉ ngón tay vào tai, rồi lắc đầu, trả lời bằng tiếng Việt:
- Cái lày, cái lày ngộ muốn gặp tên Vương Duy-Chính lể lưa thư của Trường-sinh hầu. Lỵ mau cho ngộ vào thành, pằng không ngộ lói lắm dồi.
Viên quan giữ thành biết tiếng Việt. Y vội báo cho viên phủ lại là Vĩnh Cơ. Vĩnh Cơ là quan văn, y kiên nhẫn truyền lệnh:
- Man dân không lễ nghĩa, là chuyện thường. Cho nó vào nghỉ trong thành.
Cổng thành mở lớn, Dư Phi nghênh ngang đánh xe đến một tửu lâu thực lớn mang tên Ninh-châu đại tửu lầu. Chủ tửu lầu ra đón. Dư Phi thấy trên nút áo y có sợi chỉ đỏ, tím tréo nhau, thì biết là người của phái Đông-a làm việc cho Khu-mật viện Đại-Việt. Chàng vờ hất hàm hỏi:
- Này chủ tửu lầu, ông là Tầu hay Việt?
- Hoa hay Việt thì cũng là con cháu vua Thần-Nông.
- Ông nói nghe được quá. Tôi tấu tặng ông một bản nhạc.
Không đợi chủ tửu lầu trả lời, Dư Phi lấy dùi đánh trống. Khi tiếng trống nổi lên, lập tức đàn chó dàn hàng cùng nhảy múa, tru tréo, gầm gừ. Trên trời đàn hạc vỗ cánh bay lượn hót véo von. Tiếng chó, tiếng hạc hòa thành điệu nhạc rất êm tai, khiến thực khách trong tửu lầu bỏ cả ăn ra ngoài xem. Dân chúng tụ lại đông nghẹt, người người vỗ tay theo điệu nhạc. Tấu xong bản nhạc Dư Phi đứng lên trên xe nói lớn bằng tiếng Việt:
- Hay không bà con.
- Hay thực. Cho nghe bản khác đi.
Dư Phi lấy đàn bầu ra đánh, đàn chó xếp hàng ngay ngắn thè lưỡi im lặng. Nhưng đàn hạc thì khoan thai vỗ cánh bay tít trên trời cao. Bản nhạc dứt, Dư-Phi nói:
- Này ông chủ tửu lầu. Tôi có năm mươi con chó, hai mươi con hạc. Xin ông cho tôi năm mươi đĩa mì xào dòn với thịt bò. Lại cho hai mươi lăm con gà hấp ngũ vị hương, mỗi con chặt làm hai. Đấy là phần chó. Còn hạc thì cho tôi hai mươi cân tôm hấp nấm hương.
Y chỉ con bò tót:
- Cho tôi mười cân rau tươi cho con bò này.
Y tiếp:
- Còn tôi ư? Xin cho tôi một phần chả cá Thăng-long với một bát rượu tăm. Tôi ăn trên xe này.
Ăn xong Phi nói với tửu bảo:
- Người cho ta mười phòng ngủ cho chó. Mỗi phòng năm con. Nếu chó làm dơ bẩn phòng, dường chiếu, người cứ tính tiền. Còn hạc của ta, chúng ngủ trên cây được rồi.
Thế là cái tin sứ thần Trường-sinh tiêu tiền như nước, chó được ăn mì xào dòn, gà hấp ngũ vị hương. Hạc được ăn tôm hấp nấm hương. Bò được ăn rau tươi, đồn khắp huyện. Họ còn nói: sứ thần là người văn nhã, tấu nhạc hay vô cùng. Người người đến trước tửu lầu. Dư Phi lên lầu cao ngồi tấu đủ thứ nhạc, nào trống, nào đàn, nào tiêu cho chó nhảy, hạc múa hót, đến khuya mới đi ngủ.
Hôm sau Dư Phi lên đường sớm, chiều tới Khâu-dương. Y lại diễn ra những gì ở Ninh-châu. Ba ngày sau y mới tới Liễu-châu. Liễu-châu là châu trị của Quảng-Tây lộ.(1)
Thực tế, Lạng-châu công Thân Thiệu-Cực đã nhân đó phá hết tai mắt của y. Nhưng y dấu diếm không dám nói vụ mình bị bắt nhục nhã ra. Hàng ngày y chỉ thu nhận tin tức lặt vặt của đám thương gia trình cho Vương Duy-Chính. Duy-Chính đâu biết rằng đám thương gia đó đều là người của Khu-mật viện Đại-Việt. Họ tuân lệnh Thiệu-Cực loan báo tin bịa đặt. Cho đến nay, Vương vẫn tin rằng 207 khê động hoàn toàn hoạt động biệt lập, mỗi nơi có mấy người dùng gậy gộc canh phòng trộm cướp, rồi lại hay gây sự đánh nhau. Còn Đại-Việt, sau khi trúng kế của Tống triều, đánh Chiêm, binh lực hao tổn chín phần mười. Y yên tâm ôm gối mà ngủ. Hoá cho nên đến nay Tống triều cũng như Vương Duy-Chính không biết những chuẩn bị vĩ đại của tộc Việt.
Khi nghe báo có sứ của Trường-sinh tới, Vương Duy-Chính cho rằng Nùng Trí-Cao xin phụ thuộc Tống. Y bỏ Quế-châu xuống Liễu-châu. Hằng ngày y tiếp tin tức báo cáo về việc làm của Dư Phi, thì y cho rằng đó là tên man dân ngu dốt, làm chuyện lẩm cẩm. Y vội sai Cao Nhất, nguyên là viên Tiến-sĩ xuất thân, nổi tiếng về thi phú thời đó, trước làm quan ở triều bị biếm; tổ chức tiếp đón thực nồng hậu.
Cao Nhất ra ngoài thành Liễu-châu cùng một đội kị binh đón sứ. Nhưng khi nhìn lá cờ, thì y muốn điên lên được. Dư Phi hất hàm, không hành lễ:
- Ông có phải là Cao Nhất đó chăng?
- Phải. Ta được lệnh ra đón huynh đệ đây.
- Ông có biết chữ không?
- Ta xuất thân tiến sĩ thì kinh, sử, tử, tập, cùng Bách-gia, Cửu-lưu, Tam-giáo đều thông, lọ là chữ? Huynh đệ có chỗ nào không thông thì cứ hỏi, ta chỉ cho.
- Vậy thì được rồi. Tôi nhớ không lầm, thì Khổng-tử ngao du khắp các chư hầu, không ai biết dùng đạo của ngài. Đi đến đâu ngài cũng mang đàn theo. Chính ngài nói: ba ngày không nghe nhạc Thiều thì ăn không biết mùi vị có đúng không?
- Đúng thế. Huynh đệ cũng đọc sánh của nho gia đấy ư?
- Ông tự xưng là tiến sĩ, vậy có biết tấu nhạc Thiều không?
Cao Nhất luống cuống:
- Ta không học cái nghề mọn đó.
- Mọn thế chó nào được. Nghề đó là của Khổng-tử. Chính Khổng-tử có sang nước tôi học nhạc. Khi về nước ngài viết kinh Nhạc. Nhưng sau kinh này thất truyền. Nếu ông muốn học nhạc, tôi dạy cho ông. Cam đoan giỏi hơn Khổng-tử.
Vì khinh thường, Cao Nhất bị thua Dư Phi một keo. Y nói:
- Khổng-tử tấu nhạc, soạn nhạc kinh là có. Nhưng ngài sang Nam-man học nhạc là bịa đặt, không có chứng cớ.
- Nhất định có. Bên nước Việt tôi có bộ Văn-lang cảo lục, phần nghệ văn chí chép rõ ràng. Tôi xin đọc cho ông nghe.
Nói rồi y xuất trong bọc ra quyển sách, đọc lớn lên:
" Thời vua Hùng thứ bốn mươi ba, năm thứ tám, một học trò nước Lỗ sang Phong-châu xin thọ giáo với ngài Dư Minh. Y tên là Khổng Khâu. Dư tiên sinh dạy y về lễ nghĩa, cùng nhạc. Mười năm sau y về nước Lỗ, làm quan tới Đại-tư-khấu. Y soạn ra các bộ Kinh-thư, Kinh-xuân-thu, Kinh-lễ, Kinh-nhạc".
Đọc xong Dư Phi đưa sách cho Cao Nhất. Nhất tiếp lấy xem, thì ra sách chép bằng văn tự Khoa-Đẩu. Y nổi cáu:
- Sách này bịa đặt.
- Bịa thế nào. Bây giờ cứ việc này mà suy là trong nước tôi, con nít cũng biết tấu nhạc. Kể cả chim muông, chó mèo. Ông không tin ư, để tôi chứng nghiệm cho ông coi.
Nói rồi Dư Phi cầm dùi đánh trống. Đàn chó của y nhảy múa, xủa theo nhịp điệu. Trong khi trên trời, đàn hạc tung cánh nhào lộn, cùng hót véo von. Hết bản nhạc, y hỏi Cao Nhất:
- Ông có biết bản nhạc vừa rồi tên là gì không?
Cao Nhất nổi điên:
- Nhạc này là thứ chó múa, chim kêu có gì hay đâu?
- Hừ ! Ông dốt bỏ mẹ đi í. Tác giả của nó là Khổng-tử đấy. Bản nhạc này là bản nhạc tấu khi vua Lỗ thiết triều. Ông nói thế thì ra vua Lỗ, quan Lỗ kể cả Khổng-Tử là chó, là mèo ư?
Bây giờ Cao Nhất mới biết rõ rằng Dư Phi không phải là man dân, mà là người bác học. Y đến đây để khiêu khích. Biết có đấu khẩu cũng không lại, y dẫn Dư Phi vào thành.
Vương Duy-Chính ra công đường, cùng các quan của Quảng-Nam lộ xếp hàng chờ khách. Dư Phi hiên ngang đi vào, không hành lễ. Duy-Chính hỏi:
- Sứ đoàn có bao nhiêu người?
- Năm mươi con chó, hai mươi con hạc, một con bò tót.
- Tại sao không đem người theo mà lại đem chó theo?
- Đi gặp bọn chó má thì phải mang chó theo để cho chó chơi với nhau.
Duy-Chính gận cành hông, nhưng y vẫn cố nhịn:
- Trường sinh nghèo quá, không có vải làm cờ ư, mà phải lấy quần lót?
- Khổng-Tử đứng nhìn giòng nước chảy mà đưa ra thuyết tùy thời. Nùng hầu sai tôi đến đây nói chuyện với mấy con rận, thì phải dùng quần lót chứ có gì lạ đâu.
Duy-Chính nạt:
- Này gã họ Dư kia, đến tên Lý Đức-Chính (tên vua Lý Thái-tông) có đến đây cũng phải biết điều, còn mi chỉ là tay sai của gã mọi Nùng Trí-Cao, mà dám vô lễ ư? Bộ mi chê gươm ta không sắc sao? Ta muốn biết tên ôn con Nùng Trí-Cao muốn gì?
Dư Phi cười sằng sặc:
- Này ! Đừng có đe dọa. Phi này đéo có sợ mi đâu. Mi chỉ là cái thây ma mà đòi dọa ta ư?
Y chỉ vào mặt Duy-Chính:
- Bọn bay mặt người mà dạ thú. Bay âm mưu chiếm nước tao bằng cách gây chia rẽ Trường-sinh với Đại-Việt. Bay tưởng chúa tao không biết ư? Được tao nói cho bay nghe hết.
Rồi y thuật lại những gì Trần Thự sang sát hại cha con họ Nùng, cùng âm mưu của Vương Duy-Chính một lượt. Vương Duy-Chính và đám biên thần càng nghe càng kinh hãi đến đờ người ra.
Phi nghiến răng:
- Bây giờ ta đọc thơ của chúa ta cho bọn mi nghe.
Nói rồi y móc thư trong bọc ra đọc lớn lên. Y đọc xong rồi mà bọn Duy-Chính còn điếng người ra. Dư Phi quát:
- Một là mi trao tên Trần Thự cho ta. Hai là chúa ta sẽ đem quân giết hết bọn mi. Tống triều sẽ tru di tam tộc bọn mi. Đồ bẩn thỉu.
Nói rồi y tụt quần cầm cò đái. Vì y vận nội lực, nên nước đái vọt trúng giữa trán Vương Duy-Chính đến bộp một cái. Thuận tay, y kéo cò cho nước đái trúng vào các quan. Vương Duy-Chính giận quá, y phóng tay chụp Dư Phi. Phi vờ như không biết võ để y chụp. Duy- Chính gọi võ sĩ:
- Đem tên mọi này ra chặt đầu.
Cao Nhất can:
- Tuyên-vũ sứ bớt nóng. Dù tên Nam man này có vô lễ, ta cũng không thể giết y, mà chỉ nên giam lại mà thôi.
Vương Duy-Chính truyền giam Dư Phi vào ngục, rồi họp các quan thuộc quyền. Cao Nhất nói:
- Triều đình bắt ta hành sự thực mật. Hoàng thượng dặn rằng hiện nay ta chưa thể chỉnh bị binh mã Nam chinh. Mỗi hành sự của ta mà bị lộ, người sẽ coi như ta tự ý làm. Nay Trần Thự bị lộ hình tích, mà y dấu diếm, khiến bấy lâu nay ta không biết gì cả. Sự này mà triều đình hay được thì chúng ta bị giáng là chắc. Vậy tôi nghĩ ta nên thả tên này ra, rồi cho người tới Trường-sinh tạ lỗi với Trí-Cao rằng: Thự tự ý làm lếu, đã tấu về triều để trị tội.
Vương Duy-Chính đành nghe theo. Hôm sau y sai Cao Nhất đãi tiệc Dư Phi, rồi sai tiễn y về. Cao nói:
- Huynh đệ về thưa với Nùng hầu rằng chúng tôi tuyệt không ngờ Trần Thự lại tự ý hành sự như vậy. Vương đại nhân đã khẩn cáo về triều. Nay mai người sẽ sai sứ sang Trường-sinh tạ lỗi với Nùng hầu cùng điếu tang người quá cố. Mai này tôi sẽ thân tiễn huynh đệ về.
Hôm sau Dư Phi thủng thẳng đánh xe bò trở về Trường-sinh. Y về đến nơi, đúng lúc sứ đoàn Hoàng-Giang đến Biện-kinh.

Ghi chú :
(1) Theo tổ chức hành chánh thời Bắc-Tống vùng Nam Ngũ-lĩnh được gọi là Quảng-Nam lộ, lớn như một nước. Nhưng vì lớn quá, nên chia ra làm Quảng-Nam Tây-lộ và Quảng-Nam Đông-lộ, thường gọi tắt là Quảng-Đông, Quảng-Tây. Phần Bắc Ngũ-lĩnh lên tới hồ Động-đình gọi là Kinh-Nam, tiếng bình dân là Giang-Nam. Cả hai vùng được coi như một nước nhỏ. Riêng khu hồ Động-đình, Trường-sa gọi là Đàm-châu.
Về quan lại, thì Quảng-Đông, Quảng-Tây mỗi nơi có một Kinh-lược An-vũ sứ lớn nhất coi về quân sự . Về hành chánh thì có một viên Chuyển-vận sứ. Hai người ngang quyền nhau, không ai trên ai. An-vũ-sứ Quảng-Tây bấy giờ là Vương Duy-Chính. Trong khi An-vũ sứ Quảng-Đông là Dư Tĩnh. Nhưng Vương kiêm nhiệm chức Tuyên-vũ sứ là chức quan lớn nhất về quân sự coi toàn bộ Quảng-Nam. Vì phải kiêm nhiệm, nên Vương trao quyền quân sự Quảng-Tây cho Trần Thự, trong khi thực tế Thự coi về tế tác (so với ngày nay gồm công-an, cảnh sát, phòng nhì, tình báo quốc ngoại). Quảng-Đông, cũng như Quảng-Tây chia ra làm nhiều châu. Mỗi châu lại có nhiều phủ, huyện.
Trị sở của lưỡng Quảng đặt tại Quế-châu, trị sự của Quảng-Tây đặt tại Liễu-châu. Khi Dư Phi tới biên cảnh, thì quan lại ở đây đã cho phi ngựa về loan báo với Vương Duy-Chính. Hàng ngày, Phi đi tới đâu, làm gì, phủ, huyện phải nhất nhất báo về.
Bấy giờ Trần Thự coi về tế tác. Khi y ám sát cha con Nùng Tồn-Phúc bị bắt, dù được cứu ra. Nhưng trong khi bị thẩm vấn, y phải cung khai hết tổ chức, cùng người của y cài vào các cơ sở Đại-Việt. Thế nhưng trở về y tâu láo với triều rằng chính y giết cha con Tồn-Phúc, làm cho triều đình Đại-Việt và Trường-sinh nghi kị nhau, bất cứ lúc nào cũng có thể đánh nhau. Bấy giờ Tống sẽ sai người sang dụ Trí-Cao đem Trường-sinh phụ thuộc Tống. (Ung-châu kỷ sự, Hy-Ninh hận sự)