9/11/12

Anh linh thần võ tộc Việt (H5)

- Đúng vậy. Bấy giờ có viên tri phủ Nghi-châu tham nhũng, làm dân chúng oán giận. Họ bèn cùng hào kiệt, quân sĩ nổi dậy giết chết, chiếm Tuyên-châu, Liễu-châu, Tượng-châu, Quảng-châu. Khắp vùng Quảng Đông, Quảng-Tây chấn động. Lợi-Dụng được phong Quảng-Nam an vũ sứ ( Gồm Quảng-Đông Nam lộ và Quảng-Tây Nam lộ) cầm quân dẹp. Một đêm Dụng giết chết mười hai tướng giặc. Bình định xong, được phong Dẫn-tiến-sứ. Sau dần dần được thăng Lịch-khách tỉnh sứ. Niên hiệu Đại-trung tường phù thứ bẩy (Giáp-Dần, 1014) vua Chân-tông phong làm Khu-mật viện phó sứ, kiêm Tuyên-huy Bắc-viện sứ, Đồng-tri viện sự. Chỉ ít lâu sau lên tới Khu-mật viện sứ, Đồng-trung thư môn hạ bình chương sự. Niên hiệu Thiên-hy thứ nhì (Kỷ-Mùi, 1019) hai tể thần Đinh Vị, Lý Điệt cãi nhau trước mặt vua. Lý Điệt tố Lợi-Dụng với Đinh Vị gian tà, hợp đảng nhau. Vua nổi giận cách chức cả hai.
Khai-Quốc vương hỏi:
- Bấy giờ hai ông kia đang giữ chức gì? Bị cách tuột xuống còn thứ dân hay chỉ bị giáng chức thôi?
Bảo-Hòa mở tập sách trước mặt đọc lên:
- Bấy giờ Đinh Vị làm Thái-tử thái phó, Khu-mật viện sứ, Bình-chương sự. Vua giáng còn Hộ-bộ thượng thư. Lý Điệt làm Thái-tử thiếu phó, Bình-chương sự bị giáng còn Hộ-bộ thị lang.
Thiệu-Thái hỏi:
- Như vậy là Lý Điệt có thù hận với Lợi-Dụng. Điệt là văn quan hay võ quan? Vua có tin Điệt không?
- Điệt là văn quan. Vua nghe tố, hỏi Lợi-Dụng. Dụng đáp :
« Dùng văn gặp chúa, thần không bằng Điệt. Nhưng lăn mình vào chỗ chết thắng giặc phò quân vương, Điệt không bằng thần ».
Trần Bảo-Dân cười:
- Thằng cha này xuất thân quan võ mà khôn bỏ mẹ. Bản lĩnh làm quan thực cao thâm. Y nói như vậy là có ý muốn tỏ với nhà vua rằng: Bọn quan văn chỉ có miệng lưỡi, thì việc Điệt tố cáo y là vô lý. Y là quan võ, nhất tâm trung kiên, đem mạng sống ra phò tá quân vương. Sau vụ này chắc Lý Điệt bị cách chức nữa.
- Đúng vậy. Hôm sau vua gọi Đinh Vị vào cho giữ chức như cũ. Còn Lý Điệt bị cách. Lợi-Dụng được thăng lên Kiểm-hiệu thái-sư kiêm Thái-tử thiếu bảo, Hội-linh quan sứ, Thượng-thư hữu Bộc-xạ. Năm Càn-hưng thứ nhất (Nhâm-Tuất 1022) thăng lên Tả-bộc xạ kiêm Thị-trung, Võ-ninh quân tiết độ sứ. Sau đó lên Tư-không. Tới đây Lợi-Dụng lại bất hòa với Vương Tăng.
Lê Văn nhăn mũi cười:
- Lão này dễ hạ đấy. Vì y thích gây hấn với đồng liêu, chắc nhiều kẻ thù. Tại sao y gây với Vương Tăng?
- Vương Tăng giữ chức Chiêu-văn quan đại học sĩ. Nguyên quan chế triều Tống định rằng Khu-mật viện sứ, Kiểm hiệu tam tư, kiêm Thị-trung, Thượng-thư lệnh, khi lâm triều đứng sau tể tướng. Trong khi đó chức Vương Tăng là Chiêu-văn quan đại học sĩ tức tể tướng, nhưng thứ bậc Tham-tri chính sự lại nhỏ hơn Tả-bộc xạ, Thị-trung. Nếu lấy đẳng trật, Lợi-Dụng đứng trước. Nếu lấy chức vụ, Vương Tăng đứng trước. Viên Hạp-môn có nhiệm vụ xếp chỗ lâm triều không biết giải quyết sao. Lợi-Dụng cho thủ hạ nhập dinh Vương Tăng, Trương Tri-Bạch dùng độc chưởng khống chế. Hai người chịu nép. Lợi-Dụng trực tiếp chỉ huy bọn Tôn Đức-Khắc, Lê Lục-Vũ, Sử-vạn Na-vượng, Khiếu Tam Bản cùng mười trưởng lão bang Nhật-hồ khống chế bách quan. Khắp triều thần đều oán. Y còn dám ngang nghịch cả với Định-vương. Tước của y hiện tới quốc công.(1)
Tự-Mai hỏi:
- Trong triều, những tên nào chủ trương mở rộng Nam-biên? Tên nào chủ trương hòa bình?
- Những tên chủ xâm chiếm đại Việt gồm: Tào Lợi-Dụng, Lã Di-Giản, Trương Kỳ, Hạ Tủng, Trần Nghiêu-Tá, Phạm Ung, Triệu Thúc. Những người chủ hòa gồm Trương Sĩ-Tổn, Lý Điệt, Vương Tùy, Lý Ty, Vương Đức-Dụng. Còn Yến Thù y đứng giữa.
Trần Bảo-Dân nói sẽ vào tai Khai-Quốc vương:
- Yến-Thù là danh sĩ. Y vờ theo Lưu hậu mà thôi. Y vốn gốc người Việt, kết bạn thân với tôi. Ta có thể nhờ y nhiều chuyện.
Khai-Quốc vương hỏi:
- Gốc tích Yến Thù ra sao?
- Phụ thân y là di thần Ngô triều sang lập nghiệp ở Mân-Việt. Bẩy tuổi y nổi tiếng thần đồng. Thời Cảnh-đức (1004-1007), Trương Tri-Bạch đang làm An-vũ sứ Giang-Nam, nghe tiếng Yến Thù, cho mời tới đàm luận về văn chương. Y ứng đối như nước chảy. Tri-Bạch thượng biểu về triều, nhà vua cho gọi Thù vào triều. Bấy giờ Thù mới mười hai tuổi. Thù có người bạn gái tên Phương-Lan bằng tuổi Thù. Phương-Lan có thuộc loại sắc nước hương trời. Khi Thù lên đường, nàng nói : Người đi phen này thế nào cũng thanh vân đắc lộ, xin đừng quên nhau. Thù hứa : Dù cho sông cạn đá mòn, lòng này nào có đổi. Thù đến kinh giữa lúc đang đình thí của hơn nghìn tiến sĩ. Vua Chân-tông truyền cho Thù cùng dự thi. Thần sắc Thù thản nhiên, ung dung mài mực viết. Mỗi lần Thù làm xong một đoạn, vua với đại thần cùng đọc. Vua cũng như đại thần đều tấm tắc khen. Vua ban thưởng rồi ân tứ Đồng tiến sĩ xuất thân. Tể-tướng Khấu Chuẩn dèm : Thù không phải người Hán, y là người Việt. Nhà vua cười : Đại thi hào Trương Cửu-Linh đời Đường cũng người Việt vậy.
Mỹ-Linh, Tự-Mai, Lê Văn vốn ưa văn học, ba người suýt xoa:
- Tuyệt. Đánh giá một người về văn chương, y học, võ học không thể phân chủng loại, sắc dân.
- Hai hôm sau, vua truyền Thù làm thi, phú, luận.
Thù tâu :
- Bệ hạ muốn thử kiến thức trời cho thần, chứ không phải thử những gì thần học. Hôm trước bệ hạ thân ban đề tài cho thí sinh, thần chưa hề biết qua, như vậy là đúng với long ý. Còn hôm nay bệ hạ truyền thần làm thi, phú, luận. Những thứ đó thần đã học, và làm nhiều rồi. Xin bệ hạ cho đề khác.
Vua khen tặng Thù trung trực, không dối vua. Vua ra đề tài đặc biệt cho Thù : Di bất khả loạn Hoa.
Thù cầm bút viết liền hai vạn chữ. Thù bác lời Khổng-tử, bởi Khổng phân biệt ra Bắc-địch, Tây-nhung, Đông-di, Nam-man. Như vậy là thiếu kiến văn. Mỗi nơi đều có sở trường về văn hóa. Như phương Tây có Phật-giáo, phương Nam có thiên-văn, phương Bắc có võ-bị, phương Đông có văn học.
Lời Thù rất hợp ý vua. Vua phong Thù làm Mật thư tỉnh chính tự.
Thuận-Tông hỏi:
- Chức đó là chức gì vậy?
Mọi người đều lắc đầu. Khấu Kim-An đáp:
- Chức này nhỏ, nhưng tín cẩn lắm, làm việc cạnh vua. Khi vua ban chỉ thì sao chép, rồi gửi cho tòa Bình-chương. Ở đây sẽ cho những người chữ tốt soạn thành các bản chiếu chỉ.
Mỹ-Linh hỏi:
- Thế Thù vinh quy bái tổ, có cưới Phương-Lan không?
- Có. Khi Thù vinh quy về, bố mẹ Thù hỏi Phương-Lan cho. Hai người lai kinh, ngày ngày ngâm vịnh, ai cũng khen là cặp tài tử giai nhân.
Lê Văn lắc đầu:
- Hỏng bét. Anh chàng này hỏng bét rồi!
Khai-Quốc vương hỏi:
- Tại sao em bảo hỏng bét?
- Đại phàm, con trai đến tuổi nhược quán (20 tuổi) tinh khí mạnh, thì cưới vợ mới tốt. Con gái đến tuổi mười sáu tinh huyết sung thịnh, lấy chồng thì sau này nhan sắc bền, con cái khoẻ mạnh thông minh. Thù cưới vợ sớm như vậy thế nào quả chuối tiêu sẽ biến thành quả ớt. Hay cũng lâm cảnh cúi đầu e thẹn.
Đám đàn ông, từ Bảo-Dân đến Khai-Quốc vương đều bật cười. Mỹ-Linh ngơ ngác hỏi:
- Cái gì chuối tiêu thành ớt rồi cúi đầu e thẹn?
Lê Văn hỏi ngược lại:
- Em không thể trả lời chị, vì phải nói đến những điều cấm con ghế nghe. Tuy vậy, nếu anh cả bảo nói, thì em nói.
Khai-Quốc vương bật cười:
- Cái gì mà cấm với không cấm. Chuyện đó là chuyện thực tế, ai cũng phải trải qua. Con gái nên nghe để biết. Vả em là thầy thuốc, cần giảng giải cho mọi người hiểu. Ai cấm, ta cho em vã vào miệng, và cắt cái đó đi.
Tự-Mai cười khoái trá:
- Sao anh giống bố quá. Bố cũng nói: Mấy thằng hủ Nho làm bộ cấm đoán con gái nghe truyện tình dục, cấm bàn về truyện phòng the, trong khi họ dâm kinh khủng. Truyện đó không những không cấm mà còn phải viết thành sách dạy cho trai gái nữa.
Lê Văn ngồi nghiêm trang lại:
- Cái bộ phận sinh con, đẻ cái của đàn ông có nhiều tên gọi khác nhau. Tên Hán-Việt là dương vật. Tên Việt gọi là con buồi, cái buồi, con cặc, con củ cặc, con cặc lõ. Nhưng đôi khi không muốn nói trắng ra, người ta dùng những tiếng khác thay thế như: Con chim, con cu, con chim cu, con cá chuối, con cá quả, của làm giống, cái đầu gà, thằng củ lẳng, đầu thằng nhỏ. Bộ phận này gồm có hai phần. Thứ nhất là nang hoàn, tức túi đựng hòn dái, hay trứng dái. Cái túi co dãn bất thường, nhờ lớp da dăn deo xếp lại. Bên trong có hai hạt, lớn nhỏ khác nhau tuỳ giống, tùy tuổi, tùy người. Hai hạt đó có tên hòn dái, trứng dái, hột mít, ngọc hành, hai hột, hai trứng. Hai hòn này với thận là bộ phận chính để sản xuất tinh khí.
Thông-Mai hỏi:
- Có khi nào người đàn ông chỉ có một hột, hay không có hột không?
Lê Văn đưa mắt nhìn cử tọa một lượt:
- Em sẵn sàng nói, nhưng yêu cầu tất cả đàn ông, con trai có mặt phải chắp tay, để lên đầu đã.
Thông-Mai để tay lên đầu rồi hỏi:
- Tại sao?
- Kinh nghiệm hàng trăm lần giảng bài học này cho các ông, là các ông thọc tay vào quần khám hai hột của mình, nên em phải đề phòng sẵn.
Mọi người cười ồ lên. Lê Văn tiếp:
- Đại ca Thông-Mai hỏi như vậy là phải. Hoặc vì di truyền, hoặc vì trong khi mang thai, bà mẹ bị bệnh, ăn uống những thức độc, thì đứa trẻ ra đời chỉ có một hòn, hoăc một hòn lớn, một hòn nhỏ, đôi khi không có hòn nào. Y kinh nói: Thận, nang hoàn chủ về chí. Chí tức ý chí. Khi người đàn ông có hột lớn, hột nhỏ, tính tình thường trôi nổi, thiếu chí khí khi học hỏi, khi làm việc, hành sự trì nghi không quyết đoán. Người có một hòn thì tình trạng nặng hơn. Còn người không có hòn nào, thì tiếng nói ỏn ẻn như con gái, không có râu, cơ thể yếu đuối. Những người này thường được tuyển làm thái giám.
Lê Văn đưa mắt nhìn Thông-Mai:
- Bộ phận thứ nhì là qui đầu, tức đầu rùa.
Rồi chàng đứng lên vẽ hình, giảng giải chi tiết ống dẫn tinh, đường dẫn nước tiểu v.v. cuối cùng kết luận:
- Y kinh nói: Thận chủ não, chủ tủy. Anh chàng Yến Thù làm quan, cần lao chính sự ở vào cái tuổi đáng lẽ được chạy chơi, được phá phách; đó là một nguyên do thận hao. Anh chàng lại cưới vợ sớm, trong khi tinh khí chưa sung thịnh, đó là hai lý do thận hao. Anh chàng đọc sách nhiều, sáng tác nhiều, khiến não tủy hư không, đó là ba điều thận hao. Năm nay anh chàng mới vào tuổi trên ba mươi, nhưng em chắc cái đầu nhỏ thụt vào như đầu rùa mất.
Bảo-Dân vỗ vai Lê Văn:
- Em giỏi thực. Mấy tháng trước đây có hai thiếu nữ tuyệt sắc tên Hạnh-Chi, Hạnh-Diệp đến kinh thành thả thơ tuyển phu. Anh ta trúng cả hai. Như thế trong nhà anh ta có Phương-Lan, sáu mỹ mữ, nay thêm hai giai nhân nữa. Anh ta than: Hai giai nhân chỉ để mà nhìn thôi, vì... cái đầu nhỏ anh ta cúi xuống e thẹn. Các danh y đều chịu. Nếu Văn đệ trị được cho anh ta, thì hay biết mấy.
- Trị thì em dư sức, song anh bắt gã phải giúp mình.
- Chả cần em trị, anh ta cũng giúp mình tận tâm.
- Được, em sẽ đi với anh để trị cho y. Thôi, anh nói tiếp về y đi. (2)
Bảo-Dân thuật:
- Thù ở cạnh vua, tha hồ đọc sách. Sách nào, tấu chương, quốc vụ Thù đều đọc hết. Năm mười bốn tuổi vua thăng lên : Mật các độc thư. Tức chuyên đọc tất cả tấu chương các nơi gửi về, tóm lược hầu vua. Năm sau được thăng chức đến sáu lần: Chiếu thí trung thư, Thái-thường-tự lễ lang, Đông-phong ân, Quang-lộc tự thừa, Tập hiền hiệu lý. Cuối năm phụ thân qua đời, y cáo quan về chịu tang. Hết tang lai kinh được giữ chức coi về lễ nghi cung Thái-thanh, đặc biệt ghi chép những lời dạy dỗ của thái hậu, hoàng đế cùng hoàng hậu ban cho quần thần, phi tần. Khi mẫu thân qua đời, y xin về cư tang, vua không thuận. Y làm bài thơ cổ phong dài trăm câu khóc mẹ cực thảm thiết. Vua cùng hoàng hậu cảm động, thăng lên Thái-thường tự thừa. Hoàng hậu thấy y thông minh, cho y giữ chức Tham-quân tại phủ Thăng-vương.
Thiệu-Thái hỏi:
- Thăng vương là ai vậy?
- Là Thiên-Thánh hoàng đế. Bấy giờ ông còn là Thái-tử, tước phong Thăng-vương. Cũng năm đó, y được thăng Thượng-thư hộ bộ ngoại lang, kiêm Thái-tử xá nhân. Ít lâu sau thăng Hàn-lâm học sĩ. Mỗi khi vua hỏi Thù về điều gì, Thù lại lấy trong tráp khóa kín ra mẩu giấy nhỏ, ghi chú sự sự chi tiết. Vua rất hài lòng về tính cẩn thận của y.
Mỹ-Linh hỏi:
- Y thông minh, cần mẫn, làm quan lớn khi tuổi trẻ như vậy mà không bị người ta ghen tức ư?
- Không. Y rất khiêm tốn lễ độ. Trong khi làm quan, y để nhiều thời giờ sáng tác văn học. Văn của y từ vua, đại thần cho đến thứ dân đều ưa chuộng. Công chúa nên nhớ các quan cũng như dân chúng Tống rất trọng văn học. Nếu khi triều kiến, công chúa trổ tài văn chương ra, mới thu phục được nhân tâm.(3)
- Khi Thiên-Thánh hoàng đế lên ngôi vua. Chương-hiến Minh-túc hoàng thái hậu tức Lưu hậu vâng di chiếu buông rèm thính chính, tể thần Đinh Vị, Khu-mật-viện Tào Lợi-Dụng muốn chỉ một mình mình tấu lên Thái-hậu, chứ không muốn đem ra đình nghị. Các quan đều sợ không dám lên tiếng. Mình Thù dám tâu với thái hậu : Quần thần tấu lên Thái-hậu, nào biết sự thể ra sao? Thái-hậu có ngồi sau màn không? Thành ra ai cũng tưởng hai tể thần tự quyết. Thái-hậu khen phải, truyền việc gì cũng phải đình nghị. Sau vụ này Thù được thăng lên Gián-nghị đại phu kiêm thị độc học sĩ.
Thiện-Lãm hỏi:
- Hai chức này có lớn không?
- Lớn. Hơn nữa chức vụ rất tín cẩn. Gián-nghị đại phu chuyên để can gián vua khi vua làm sai, nói nôm na là chức cố vấn cho vua. Còn thị độc học sĩ là chức hầu vua để đọc tấu chương, giảng sách cho vua, tức ông thầy của vua.
Lê Văn thở dài:
- Triều Tống đang thịnh có khác. Họ dùng một thần đồng, một văn gia lỗi lạc vào chức giảng sách, cũng như đọc tấu chương. Vua không hiểu thì giảng giải cho. Hèn chi họ muốn mở rộng biên cương.
- Đâu đã hết. Thái-hậu thấy Thù là cựu thần của Đông-cung, mà chỉ
giữ chức nhỏ, dù tín cẩn, như vậy không xứng. Bà thăng cho Thù lên làm Lễ-bộ thị lang, Khu-mật viện phó sứ. Khi làm phó sứ, y thấy Khu-mật viện sứ Trương Kỳ vô tài. Y dâng sớ vạch ra những sai lầm của Kỳ.
Thanh-Mai cau mặt:
- Y vốn nhũn nhặn, nhưng nay sao sinh chứng vậy?
- Có gì lạ đâu, y vốn là bạn của đại sư huynh, tam sư huynh với ta. Nguyên Trương Kỳ cho rằng cần phải mở rộng Nam-thùy, sau khi có thêm dân, thêm lúa gạo, quay lên Bắc diệt Liêu, Tây-hạ, Cao-ly. Bốn ta họp nhau, cùng vạch ra những sai lầm của Kỳ: Nam-biên gồm Đại-Việt, Đại-lý, cả hai luôn tuế cống, thần phục, văn học thịnh. Khi không mang quân đánh, thì sĩ dân ai phục? Quân tướng không hết lòng. Chi bằng chấn hưng Nho-học, khuyến khích nông tang cho dân giầu, như vậy mới là đấng nhân quân. Các văn thần đều phụ theo Thù.
Bảo-Hòa hỏi:
- Trong tập ghi chú về Tống triều, đại ca Trần Phụ-Quốc có chép truyện Thù bị cách chức. Việc ấy ra sao?
Bảo-Dân cười:
- Thù trước đã học võ công Long-biên của phụ thân. Khi y làm quan ở kinh đến tuổi mười tám. Nghe tiếng bọn ta, y đến tham luận về thi, về họa, nhạc, rồi kết bạn. Chúng ta mật cho y biết rằng mình cũng người Việt. Y mừng lắm. Chúng ta đem võ công Đông-a dạy y. Hiện bản lĩnh y ngang với bọn ta.
Mỹ-Linh bật nói lớn:
- Có thế chứ. Tiểu muội nghĩ y là văn quan, trói gà không chặt, sao có thể đủ sức khoẻ vừa học, vừa làm quan, vừa viết văn. Thì ra y nhờ võ công, nên có sức khỏe để làm ba bốn chuyện một lúc. Thế y bị cách trong trường hợp nào?
- Vì ở chức vụ thị độc học sĩ, y ra vào Ngọc-thanh chiếu ứng cảnh linh cung rất thường. Một lần có tên thái giám họ Trịnh hầu nhà vua từ nhỏ cầm gậy trúc chỉ vào mặt y nói đùa : Ông có phải Nam-man không. Y nổi giận vung tay gạt gậy trúc. Chân khí tòng tâm phát ra, khiến gậy vỡ làm nhiều mảnh bay tứ tung. Một mảnh làm gẫy bốn răng cửa của Trịnh tổng thái giám. Quan ngự sử dâng sớ đàn hạch. Y bị cách làm tri huyện Nghi-châu. Khi y lên đường, sĩ tử theo y đến hàng ngàn.
- Tại sao vậy?
Thiện-Lãm hỏi.
- Khi y ở kinh, có mở trường dạy học. Trường của y dành cho Nho-sĩ sắp thi tiến sĩ. Mỗi khoa thi, thí sinh đậu tiến sĩ do cửa y xuất ra đến phân nửa. Vì vậy khi y bị giáng, học sinh đều theo y đi. Ở Nghi-châu mấy tháng, nhà vua nhớ những ngày cùng y làm việc, thăng y coi phủ Ứng-thiên. Ở đây y gặp Phạm Trọng-Yêm. Hai người bàn định lập ra kế hoạch giáo dục học sinh trong nước. Tiếng tăm hai người vang khắp thiên hạ.
Mỹ-Linh gật đầu:
- Đúng thế, học phong thời Đường có qui củ. Nhưng sau khi Đường tàn, suốt thời Ngũ-đại cho đến nay, nhờ Thù, Yêm, mới thịnh lên.
- Triều đình nghị, triệu hồi y về, phong Ngự sử trung thừa, rồi Tư-chính điện học sĩ, kiêm Hàn-lâm độc học sĩ, Binh bộ thị lang. Y về tới kinh, thái hậu thăng y lên Tham-tri chính sự, Thượng-thư tả thừa. Hiện y giữ chức này. Tuy làm quan thân tín, nhưng y cũng bị Tôn Đức-Khắc khống chế bằng độc chưởng. Lát nữa đây ta sẽ thăm y. Thiệu-Thái phải theo ta đi, để giải Chu-sa ngũ độc chưởng cho y. Ta sẽ dạy y phương pháp phản Chu-sa độc chưởng của sư phụ.(4)
Khai-Quốc vương xoa tay vào nhau:
- Đánh rắn phải đánh dập đầu. Chúng ta cần ghi tâm: Kẻ nào chủ xâm Đại-Việt ta dùng đủ mọi phương kế hạ chúng. Dù phải xử dụng võ công, vu oan giá hạ, giết chết bố mẹ, vợ con chúng. Ta đã loại được bốn tên trợ thủ đắc lực của Lưu hậu là: Tôn Đức-Khắc, Lê Lục-Vũ, Sử-vạn Na-vượng, Khiếu Tam Bản. Bây giờ tới tên Tào Lợi-Dụng. Bảo-Hòa, Thông-Mai cần nghiên cứu kế sách sao cho mau chóng.
Thông-Mai đưa mắt nhìn năm cậu em Đản, Mai, Tông, Lãm, Văn. Tia hàn quang từ mắt chàng chiếu ra uy nghiêm, khiến bọn chúng đều rùng mình, không dám nhìn thẳng vào mặt chàng. Bọn chúng đều nhủ thầm: Hung dữ như Nhật-Hồ lão nhân, mà chúng còn dám phá phách, không hiểu tại sao, chàng là anh chúng, mà chỉ đưa mắt một cái khiến chúng kinh sợ?
Chỉ riêng Thanh-Mai, nàng đã được sư phụ Hồng-Sơn giải cho rõ: Xưa Phù-Đổng thiên vương thường đốt lửa xung quanh để luyện võ, vì vậy khói bay mù mịt. Nhân đó mắt ngài phải chống với khói, riết rồi nội công của ngài khiến người sau luyện thành, mắt chiếu ra tia nhìn cực mạnh, dù bất cứ ai bị rọi vào người cũng phải rùng mình.
Thông-Mai chỉ năm trẻ:
- Việc hạ Lưu hậu với bọn chân tay không khó. Kế hoạch đã sẵn. Nhưng thành hay không do các em. Các em phải tuyệt đối nghe lời ta.
Cả năm trẻ đều răm rắp:
- Bọn em tuyệt đối tuân lời sư huynh.
Quốc-Vương nói với Tự-Mai:
- Việc hạ Lưu hậu cần chờ tới cuộc thám thính đêm nay của Tự-Mai đã. Cuộc thám thính đêm nay rất quan trọng. Nếu ta thành công, có thể bảo vệ Đại-Việt ít nhất trong ba mươi năm không sợ Tống xâm lăng. Lỡ ra bị lộ, sẽ đưa đến Lý thái-phi, Thiên-Thánh hoàng đế và tất cả chúng ta e khó toàn tính mạng. Dù tính mạng chúng ta được bảo toàn, nhưng Tống-Việt sẽ có chiến tranh. Em thử nghĩ xem có làm nổi không?
- Em đã suy nghĩ kỹ, nếu em bị bắt, chắc chắn sẽ bị giết. Em sẽ xưng là người của Tây-hạ, rồi tự tử. Chị Bảo-Hòa đã may cho em bộ quần áo thái giám bằng vải Tây-hạ rồi. Trong túi, em còn bỏ một bộ giản sử Tây-hạ nữa. Như vậy Lưu hậu nổi giận, thì chiến tranh Tống-Hạ sẽ xẩy ra, chứ không liên quan tới Đại-Việt.
- Được rồi. Ta sợ trong đám thị vệ có người nhận ra võ công, chiêu số của mình mới phiền.
- Chị Bảo-Hòa đã tính đến truyện đó. Trong khi đấu, em dùng Thái-cực quyền cùng phép điểm huyệt. Hai pho võ công này chưa truyền ra ngoài, thì bọn thị vệ khó lòng biết nổi.
- Bằng vào dịch lý của Nho-gia, Nhân-qủa của nhà Phật, chúng ta hành sự theo đạo lý, không thể chịu sự thất bại. Em cứ cố gắng mà làm.
Vương ghé tai Tự-Mai dặn nhỏ một lúc. Nó gật đầu liên tiếp:
- Như vậy sau này gặp sư phụ, em phải xám hối về tội ăn cắp. Hà, không ngờ bây giờ em thành tên trộm.
Vương vỗ vai nó:
- Mỗi tộc có một nền văn minh riêng. Hiện về phương diện đó, Tống hơn ta nhiều, ta phải học lấy. Chứ đừng tự ái dân tộc, rồi phủ nhận hết cái hay của người.
Vương nhấn mạnh:
- Tộc Hán có kẻ tốt người xấu. Em không thể và không nên học thói dã man của bọn Lê Ba, Vũ Nhất-Trụ, Lê Đức vơ đũa cả nắm. Thấy một người Hoa xấu, rồi kéo cao cờ xua đuổi họ, chém giết họ, cướp của mồ hôi nước mắt của họ. Hán, Việt cùng gốc từ vua Phục-Hy, Thần-Nông. Suốt mấy nghìn năm sống yên ổn với nhau. Mãi tới đời Tần Thủy-Hoàng, đạo lý suy đồi y sai Đồ Thư mang quân sang đánh Âu-Lạc; đời Hán Quang-Vũ mưu diệt tộc Việt. Từ đó Việt-Hoa mới thù oán nhau. Quốc sách của chúng ta hiện chủ xướng sao cho hai tộc sống thuận hoà với nhau. Ta diệt tất cả bọn Hán trịch thượng, bọn Việt ác độc với Hán. Ta chỉ chống cái dã tâm của bọn ác độc muốn chiếm đất nước ta, coi ta như chó như lợn. Còn văn hóa vốn vô tri, không nên bỏ cái hay của người. Họ sang đánh ta cướp hết sách về. Nay ta cũng lấy sách của của họ.
Bảo-Dân, cùng Thiệu-Thái, Lê Văn lên đường đến bộ Lễ trở về, chàng thuật truyện:
- Khi tôi xưng là người của sứ đoàn Đại-Việt, viên tham-tri Phùng Nguyên vội kính cẩn mời vào. Chính lễ bộ thượng thư Tôn Thích thân rót trà mời tôi. Y thấy tôi nói giọng Biện-kinh thì phục lắm. Trong khi nói truyện vô tình y tiết lộ cho biết Lưu hậu cực kỳ bối rối khi mất tin hai lão Sử cùng Khiếu. Nhất là hôm qua có tấu chương từ Kinh-châu tâu về hai tên đại đạo Sử-vạn Na-vượng, Khiếu Tam Bản vào dinh kinh lược sứ trộm bảo vật của sứ đoàn Xiêm. Tiếp theo sáng hôm qua Diêu Vạn cũng dâng biểu về việc dọc đường có giao chiến với hai tên đại đạo Sử, Khiếu. Thái-tử, công chúa An-nan Tam-gia La-sun cùng tâu về việc bị hai tên đạo tặc Sử, Khiếu cướp bảo vật. Tôi tới thăm Yến Thù. Thiệu-Thái đã trị bệnh cho y. Tôi dạy y phương pháp phản Chu-sa độc chưởng rồi.
- Thế bộ Lễ có cho biết bao giờ chúng ta vào triều kiến không?
- Không! Về việc tuyển phò mã. Nửa tháng nữa tất cả các ứng sinh đều tề tựu tại bộ Lễ để coi hình dạng, cùng bệnh tật. Vậy mấy cậu em phải chuẩn bị ngay mới kịp.
Tự-Mai cười lớn:
- Chị Bảo-Hòa đã may quần áo cho bọn em rồi. Em với Lê Văn mặc y phục thời Lĩnh-Nam. Anh Đản mặc y phục vùng Bắc biên.
Lê Văn hỏi:
- Nghĩa là đầu tiên các quan bộ Lễ nắm chân, nắm cẳmg xem bọn em có đẹp trai không? Mắt có bị lác, miệng có bị méo không? Tuổi có quá già không? Sau đó bọn em phải làm gì?
- Bộ Lễ loại ra một số người. Những người trúng cách được mời ăn tiệc. Hôm sau vào đình thí.
- Thể lệ ra sao?
- Các thí sinh vào yết kiến nhà vua. Sau đó, mười bẩy thiếu nữ cùng công chúa cũng xuất hiện, ngồi vào mười tám chiếc ghế kê thành một hàng. Thí sinh chọn cô nào, đứng trước ghế cô ấy. Như vậy họ bị phân thành mười tám toán. Nhà vua ra đầu đề cho các thí sinh thi văn. Mỗi toán lấy trúng cách ba người. Ba người này sẽ đấu võ. Người nào thắng, được làm tân lang.
Khai-Quốc vương bảo Lê Văn:
- Em điểm vào mấy huyệt cho Tự-Mai ngủ một giấc. Hết canh một gọi y dậy. Như vậy y khỏe mạnh, tỉnh táo hơn.
Lê Văn dùng ngón tay trỏ điểm vào huyệt Nội-quan, Thần-môn, Đại-lăng của Tự-Mai. Quả nhiên, Tự-Mai ngáp dài, rồi vào phòng ngủ.
Trời vừa sập tối, trên trời có tiếng chim ưng réo. Thiệu-Thái nhắc cậu:
- Bảo-Hòa sai chim ưng đến dẫn đường cho Tự-Mai đấy. Cháu nghĩ cậu nên cho cháu với Mỹ-Linh vào hoàng-thành điều khiển chim ưng theo dõi Tự-Mai, lỡ có gì còn cứu trợ kịp.
Khai-Quốc vương gật đầu. Tự-Mai được đánh thức. Thanh-Mai thân dọn cơm cho em ăn. Nàng pha một bình trà đặc cho Mỹ-Linh, Thiệu-Thái cùng Tự-Mai uống. Rồi dặn:
- Cẩn thận nghe.
Ba người theo dấu chim ưng dẫn đường biến vào đêm tối. Tới khu cửa Đông hoàng-thành nghe tiếng tiêu văng vẳng. Ba người lần theo mà đi. Tới một nơi thấp nhất, bên trong chỉ là bãi đất đổ rác, không có thị vệ canh coi. Ba người tung mình nhảy lên mặt thành, rồi đáp xuống như chiếc lá rụng.
Tự-Mai đã quen đường, nó dẫn hai người đến cửa Nam cấm thành, rồi chỉ một cây cao:
- Chị Mỹ-Linh ở dưới canh chừng, anh Thiệu-Thái lên cây chỉ huy chim ưng. Em vào thành.
Vì tường cấm thành quá cao, Tự-Mai phải dùng dây, một đầu có thỏi chì tung lên cho quấn vào một trụ thành, rồi giật mạnh. Người nó tung lên cao, đáp lên mặt thành. Nó thu cuộn dây ném ra ngoài cho Mỹ-Linh, rồi đáp xuống đất. Nhanh nhẹn, nó băng mình vào khu vườn thượng uyển nơi trồng toàn hoa quỳnh. Sau khi quan sát, nó nghĩ:
- Theo bản đồ Lý thái phi vẽ cho ta, ngay Nam cấm thành là Sùng-chính điện, nơi vua ngự triều. Vậy thì kia là Sùng-chính điện rồi. Sau điện Sùng-chính tới Tập-hiền viện, nơi Thiên-Thánh hoàng đế thường làm việc ban đêm.
Nó băng mình vượt qua khu Sùng-chính tối om, thấy trước mặt là ngôi điện khá lớn, đèn đuốc sáng choang. Nó đoán là điện Tập-hiền. Bên ngoài thị vệ cầm vũ khí đi đi, lại lại canh phòng. Vòng ra phía sau không thấy có thị vệ, nó núp ngay vào bụi cây sát bên cửa sổ.
Thình lình một luồng gió quạt vào đầu. Kinh hãi, nó tung người lên không. Còn lơ lửng trên cao, dưới ánh sáng lờ mờ, nó nhận ra con Sơn-sơn. Lập tức nó chụm miệng gừ lên mấy tiếng rồi đáp trên lưng cọp. Con Sơn-sơn đã nhận ra Tự-Mai, nó để nguyên cho Tự-Mai cỡi trên lưng. Cả đôi cọp cùng đến bên nó. Nó vuốt ve như chơi với chó. Nó gừ thêm mấy tiếng ngụ ý dặn cọp canh chừng phía sau.
Nó nhìn vào trong cửa sổ. Bên trong không có ánh sáng chiếu ra. Nó đoán là phòng trống. Lắng tai nghe ngóng một lúc, nó dùng tay sẽ kéo. Cửa sổ có then cài. Nó lùi lại, vận âm kình phát nhẹ một chưởng. Then cửa sổ bị gẫy, cánh cửa từ từ mở ra. Nó nhảy ngay vào trong, rồi đóng cửa lại.
Ánh sáng từ phòng bên kia lọt qua đủ cho nó nhìn rõ chỗ nó đứng là phòng chứa sách. Phòng này rộng thênh thang. Nhìn những bộ sách xếp ngay ngắn trong hơn trăm giá. Nó than thầm:
- Sách vở mấy nghìn năm của Trung-nguyên, có bao nhiêu họ đều bảo tồn được hết. Bên mình, văn tự Khoa-đẩu nào có thua gì Trung-nguyên. Nhưng nay bị hủy diệt hết rồi. Bây giờ chỉ có mấy chục bộ, viết bằng chữ Hán lưu truyền mà thôi.
Có tiếng động từ phòng bên kia vọng lại. Nó leo lên giá sách nhìn qua. Đó là một thư phòng, đèn nến sáng choang. Một thiếu niên đang ngồi trên chiếc ngai sơn son thiếp vàng, cạnh án thư đầy sách. Một trung niên Hán tử mặc quần áo đại thần đứng bên thiếu niên. Gần đó, hai thái giám đang quạt than lò sưởi đỏ rực. Tự-Mai nghĩ thầm:
- Cơ chừng gã thanh niên này là Thiên-Thánh hoàng đế đây. Kể ra tướng mạo y coi được hơn anh cả mình. Còn trung niên Hán tử là ai, mà tướng mạo thanh nhã, tiên phong đạo cốt, rõ ra con nhà Nho. Có điều chòm râu y hơi giống Nhật-Hồ bên Đại-Việt.
Một thái giám bước vào quỳ gối:
- Tâu bệ hạ, thái hậu có chỉ dụ. Hôm nay người se mình, không thính chính. Vậy bệ hạ cùng các đại học sĩ cứ tiếp tục cần lao chính sự.
Thiếu niên gật đầu, rồi vẫy tay ra hiệu cho thái giám lui. Tự-Mai im lặng theo dõi.
Bỗng thiếu niên ngửng đầu lên hỏi trung niên Hán tử:
- Này, Yến học sĩ, trẫm mệt quá rồi, đọc tấu chương không nổi nữa. Người tâu cho trẫm rõ về sứ đoàn Giao-chỉ đi. Vấn đề này lôi thôi quá.
Nghe thiếu niên nói, Tự-Mai cười thầm:
- Thì ra gã là Thiên-Thánh hoàng đế thực. Còn Hán tử là Yến Thù đây. . Hai năm trước y được phong Tham tri chính sự, Thượng thư tả thừa, Hàn-lâm thị độc học sĩ cho đến nay vẫn còn giữ chức này. Theo quan chế nhà Tống, chức vị y ngang với phó tể tướng.
Yến Thù cung tay:
- Tâu bệ hạ sự việc như sau. Tháng tám năm trước, võ lâm thuộc Lĩnh-Nam cũ, tổ chức đại hội ở Thăng-long, để giỗ Bắc-bình vương Đào Kỳ. Tám vùng có người Việt sống, bầu Khai-Quốc vương Lý Long-Bồ làm minh chủ, và tôn làm trừ quân.
- Việc này trẫm theo dõi rất chi tiết.
- Sau đại hội, Khai-Quốc vương cho rằng dân chúng ở Nam-thùy Tống thuộc Quảng-Đông, Quảng-Tây, Vân-Nam phần đông là người Hoa gốc Việt. Nếu cứ để cho biên thần hai bên gây hấn, bắt dân chúng thù hận nhau mãi, biết đến bao giờ cho yên. Vương quyết định lên đường sang Tống kết hiếu, giải quyết mọi rắc rối với ta.
Tự-Mai nghĩ thầm:
- Người Tống cứ gọi nước mình là Giao-chỉ. Trong khi Yến Thù gọi là Đại-Việt. Khi y nói tới anh cả, luôn gọi là vương. Thế thì đúng y là bạn của đại, nhị, tam sư huynh. Y có thiện cảm với Đại-Việt.
- Khá đấy. Long-Bồ có lòng nhân như vậy thực đáng khen.
- Khi sứ đoàn tới Quảng-Đông Nam-lộ, tuyên-vũ sứ tấu về triều. Khu-mật viện xin cử thiết kị theo hộ tống. Thái hậu chỉ dụ rằng việc đón sứ đoàn không thuộc Khu-mật viện. Người sai Đàm-châu tư-mã Tào Khánh cùng mười thị vệ võ công cao nhất đi đón. Trên đường tới Quảng-châu, sứ đoàn bị bọn Trường-giang thất quỷ bắt. Chúng ép sứ đoàn khai ra bí mật kho tàng Lĩnh-Nam.
- Trẫm nghe Lý Long-Bồ võ công cao lắm, sao để cho bọn giặc cướp bắt đi?
- Khai-Quốc vương là người thủ lễ. Vương cho rằng Tống là nước lớn. Triều đình đã cử thiết kị hộ tống rồi, sứ đoàn không được dùng võ. Dụng võ trên đất Tống là vô lễ với tộc Hán, với võ lâm, với triều đình.
- Cử chỉ đáng khen. Giữ lễ như thế thực chưa có nước nào hơn.
- Tâu bệ hạ, trên đường đến Khúc-giang, sứ đoàn khuyên răn thế nào không biết, Trường-giang thất quỷ quay lại qui phục triều đình, thành bộ hạ của Định-vương.
- Chắc Thái-sư vui lắm.
- Vâng. Giữa lúc đó bang Nhật-hồ đại hội ở Tuyệt-phong, đánh thuốc độc hại Định-vương cùng phái đoàn của người. Khai-Quốc vương với sứ đoàn xuất hiện. Sứ đoàn dùng võ công chinh phục bang này. Họ đồng ý giải tán, đổi thành bang Hoàng-Đế, chuyên đi trị bệnh cho dân chúng. Vì vậy Định-vương, Quốc-vương kết làm anh em.
- Từ trước đến giờ, triều đình truy lùng trải mấy chục năm, mà không diệt được tụi Nhật-hồ. Nay Khai-Quốc vương khiến chúng cải tà qui chánh. Như vậy vương có công lớn với triều đình. Hà! Triều đình nợ vương hai món lớn quá.
- Thái hậu sai hai đại thần Tôn Đức-Khắc, Lê Lục-Vũ cùng mười thị vệ võ công cao nhất xuống Khúc-giang đón sứ đoàn. Dọc đường không biết một thế lực nào đó, bắt mất mười thị vệ. Hai vị Tôn, Lê thua trí, hoá điên hoá khùng. Triều đình mất tin tức sứ đoàn.
- Võ công hai vị này bậc nhất đất Tống, thêm mười thị vệ mà sao còn để thất bại.
- Thực khó hiểu! Thái hậu lại sai hai vị đại tướng quân Sử, Khiếu đi đón. Không rõ tại sao hai vị lại đột nhập dinh kinh lược sứ Kinh-châu ăn trộm cống phẩm cửa sứ bộ Xiêm rồi trốn mất. Hiện sứ bộ Xiêm đã tới Biện-kinh.
- Trước đây trẫm đã tâu với thái hậu rằng: Bọn theo Hồng-thiết giáo ở bất cứ đâu cũng thuộc loại du thủ du thực, ngu ngu đần đần, điên điên khùng khùng. Mình dùng nó, có ngày nó cắn mình. Tục ngữ nói đừng chơi với hổ, có ngày nó ăn thịt. Đừng gần với rắn, có ngày nó nhả nọc. Bọn Hồng-thiết giáo vừa là hổ vừa là rắn. Đến sứ đoàn mà hai lão còn dám ăn trộm thì trong cung này khó yên.
Ngừng lại suy nghĩ một lúc, nhà vua tiếp:
- Thế sứ đoàn Đại-Việt đâu?
- Tâu vẫn chưa có tin tức gì cả.
Nhà vua bứt rứt ra mặt:
- Như vậy thì còn gì thể diện của Thiên-triều nữa. Bọn Tôn, Lê, Sử, Khiếu tội đáng xử trảm. Học sĩ soạn cho trẫm hai chỉ dụ kể tội chúng, trao cho đình thần nghị tội. Nếu không xử bọn chúng, từ nay các phiên thần không qui phục chúng ta. Nguy lắm.
Bỗng có tiếng nói vọng vào:
- Tả Bộc-xạ, Hàn quốc công Tào Lợi-Dụng xin vào triều kiến.
Thiên-Thánh hoàng đế gật đầu:
- Mời quốc công.
Một đại thần thân thể hùng vĩ, mũ áo chính tề, tay cầm trục giấy tiến vào, định quỳ gối hành lễ. Nhà vua đứng dậy phất tay:
- Quốc công an tọa. Miễn lễ. Đêm khuya quốc công vào có việc gì vậy?
- Tâu bệ hạ, sứ đoàn Giao-chỉ tự tới Biện-kinh, hiện trú ngụ ở khách điếm Nam-phong. Sáng nay họ đến bộ Lễ cáo tri.
- Thực nhục quốc thể. Tể tướng phải chiếu luật trị tội bọn hộ tống sứ đoàn Đại-Việt. Ai đời ba đoàn được cử đi, mà để cho đạo tặc quấy nhiễu, rồi họ tự tới kinh bao giờ. Theo ý tể tướng nên cử ai tiếp sứ cho tiện?
Tự-Mai chửi thầm:
- Trong khi nhà vua gọi nước mình là Đại-Việt. Mà lão già này cứ gọi là Giao-chỉ, như vậy lão thuộc phe chống nước mình đây.
- Tâu bệ hạ, sứ đoàn Giao-chỉ gồm Lý Long-Bồ cùng vợ tên Trần Thanh-Mai. Cháu gái tên Lý Mỹ-Linh. Cháu trai tên Thân Thiệu-Thái. Ngoài ra có năm thiếu niên sang ứng tuyển phò mã. Nhưng chỉ có ba người chính thức được đề cử. Dọc đường sứ đoàn tuyển thêm vợ chồng Trần Bảo-Dân, con gái Ngô Quảng-Thiên tên Ngô Cẩm-Thi làm hướng đạo. Theo ý ngu thần, nên cử Hàn-lâm thị độc học sĩ Yến Thù tiếp sứ đoàn. Sở dĩ sứ đoàn có phụ nữ vì họ nghe thái hậu lâm triều, nên muốn bệ kiến.
- Được rồi, ngày mai truyền cho Yến Thù đem sứ đoàn đến Nam-thanh điện ở. Thôi quốc công về nghỉ, tuổi hạc quốc công đã cao, mà khuya còn phải lao quốc sự làm trẫm không an tâm.
Nhà vua rót một chung trà trao tay cho Tào Lợi-Dụng:
- Đây là sâm thang. Quốc công uống một chung cho đỡ mệt.
Lợi-Dụng tạ ơn, bưng chung sâm thang uống. Nhà vua lấy trong tráp ra một hộp bằng bạc, trao tay cho Lợi-Dụng:
- Hôm rồi sứ Cao-ly đem đến cống mười cân sâm. Trẫm dâng thái hậu một cân, dùng một cân. Quốc công nên dùng một cân, bảo vệ sức khỏe.
Tào Lợi-Dụng nói lời tạ ơn rồi ra về. Nhà vua thân tiễn Tào khỏi điện rồi mới trở vào. Tự-Mai nghĩ thầm:
- Ông vua này thực nhân từ, anh minh. Ông đối với quần thần hơi giống như Thuận-Thiên hoàng đế. Vua, quan như thế, hèn chi nước họ giầu, dân họ mạnh, họ mới nghĩ đến mở rộng Nam-thùy.
Thiên-Thánh hoàng đế cầm bút phê vào tấu chương về việc tiếp sứ, bỏ ra bên cạnh, rồi cúi xuống đọc tấu chương tiếp. Đọc được một lát, nhà vua buông bút hỏi Yến Thù:
- Bây giờ đến vấn đề tuyển phò mã. Từ trước đến giờ trẫm không mấy chú ý tới việc này. Hôm trước nghe tuyển phò mã hoàng muội khóc lóc không muốn. Rồi mới đây tự nhiên đổi thái độ, vui vẻ khác thường. Trẫm cật vấn, hoàng muội chỉ cười, không trả lời. Về việc này trẫm có ý nghĩ: Thiếu niên anh hùng thiên hạ thi nhau kéo về, trong lòng họ cực hoan hỉ, phải làm sao cho cuộc đấu võ không có kẻ sống người chết. Khanh nghĩ sao?
- Việc này thần không được dự vào. Mọi việc do thái hậu định đoạt cả. Chỉ còn tháng nữa bộ Lễ khám bệnh, duyệt lý lịch. Kỳ tuyển này chỉ lấy có một trăm tám mươi người. Sau đó có cuộc điện thí. Đề tài điện thí do bệ hạ ra.
- Trẫm sẽ không ra đề tài trong Tứ-thư, Ngũ-kinh, mà ra đề tài về những việc trọng đại bản triều. Như vậy, sau này ta có mười tám thiếu niên anh tài từ võ công đến kiến thức đều siêu đẳng.
- Tại Sùng-chính điện, các ứng sinh được ban cho dự yến. Giữa yến, công chúa cùng mười bẩy tiểu thư con đại thần xuất hiện đi một vòng cho sĩ tử thấy dung nhan. Mỗi hoa khôi ngồi vào một ghế, trước ghế để một án thư, trên án thư có nhánh hoa bằng vàng. Sĩ tử được quyền chọn hoa khôi. Ai muốn ứng làm tân lang của hoa khôi nào, thì đứng trước ghế hoa khôi đó.
Nhà vua bật cười:
- Lỡ ra một hoa khôi có hàng mấy chục người xin ứng tuyển thì thực rầy ra to. Lại nữa, lỡ một hoa khôi không ai đoái hoài thì sao?
- Tâu bệ hạ, tỷ như hoa khôi Giáp có hai mươi người dự tranh, họ sẽ phải đấu võ với nhau. Ai thắng mười chín đối thủ thì được. Lại như hoa khôi Ất không có ai xin dự tranh, thì sau khi những người dự tranh các hoa khôi khác bị loại, sẽ lại có quyền tái xin dự tranh.
- Ai nghĩ ra thể lệ này vậy?
- Thần không rõ, tất cả do chỉ dụ của thái hậu truyền cho Tào Lợi-Dụng.
- Chắc Tào bầy ra đây.
Nhà vua bảo hai thái giám:
- Cho hai người rời khỏi đây. Trẫm có việc riêng muốn nói chuyện với Yến đại học sĩ.
Hai thái giám lui khỏi phòng. Nhà vua vẫy Yến Thù lại gần. Ông thở dài não nuột:
- Trẫm có một điều khổ tâm riêng, mong khanh cứ thực tình tâu bầy, đừng dấu diếm trẫm.
Yến Thù rùng mình, cúi đầu xuống:
- Thần tội đáng chết, thân làm tới đại thần, mà để chúa có điều khổ tâm. Tâu bệ hạ điều đó thần biết rất rõ, nhưng quả thực sức thần có hạn, không làm được gì hơn.
- Khanh biết rồi à? Việc đó là việc gì?
- Tâu bệ hạ, việc nội cung.
- Từ lâu trẫm thắc mắc về việc thái hậu sinh ra trẫm, thế nhưng người không nuôi trẫm, mà giao cho Dương thục-phi nuôi. Sau người sinh hoàng muội Huệ-Nhu cũng giao cho Lý thần-phi nuôi. Đúng lý ra thái hậu phải thương yêu trẫm với hoàng muội lắm. Thế nhưng người đối với trẫm hết sức nghiêm khắc. Trong khi Lý thần phi lại yêu thương trẫm đến chỗ không thể tưởng tượng nổi.
- Bệ hạ thánh minh ít ai sánh kịp.
- Từ khi trẫm có trí khôn, Lý thần phi thường tìm cách gần trẫm vào những lúc vắng người. Tin này tới tai thái hậu, người cấm không cho Thần-phi thăm trẫm nữa. Trẫm phải âm thầm thăm thần phi.
- Tâu bệ hạ, Thần-phi với Thái-hậu hai lần cùng mang thai, sinh cùng ngày. Lần đầu thái hậu sinh bệ hạ, thần phi sinh một hoàng nam. Được mấy giờ hoàng nam hoăng. Lần sau thái hậu sinh công chúa Huệ-Nhu. Lý thần phi cũng sinh một công chúa. Như lần trước, được mấy giờ cũng hoăng. Nhưng thần biết, bệ hạ không xuất từ Lưu thái hậu. Mà xuất từ Lý phi. Vụ này hiện đổ bể. Thái hậu định dùng hai lão Sử, Khiếu đem thị vệ hại thái phi, giáng bệ hạ xuống tước vương rồi sát hại. Sau đó lập lên một ấu quân.
- Sao khanh biết?
- Định-vương ban dụ rằng hiện người của thái hậu bao quanh hoàng thượng, vương rất khó tâu điều này. Vì vậy vương truyền thần thay vương tấu ngũ sự khẩn yếu.
Nhà vua nắm lấy tay Yến Thù:
- Trẫm thấy từ hôm Nam-du về đến giờ thái sư không vào cung gặp trẫm. Trẫm cho rằng người mệt mỏi, nên nghỉ tĩnh dưỡng. Thì ra thái sư dương Đông kích Tây như thế đó.
- Điều thứ nhất, nhân vụ Sử, Khiếu lộ bản tướng đạo tặc. Bệ hạ phong hai đại võ lâm cao thủ, hiện đang làm quan ở ngoài vào chức vụ của chúng để có người tâm phúc hộ vệ.
- Điều này sẽ làm thái hậu nổi lôi đình, nhưng bắt buộc.
- Điều thứ nhì, chuyển hai đạo thị vệ Hoàng-thành thay hai đạo thị vệ Cấm-thành. Hai đạo Hoàng-thành hầu hết đều là người thân tín của thái sư. Như vậy thái hậu có muốn dùng binh biến truất phế bệ hạ, cũng không làm được nữa.
- Thì ra thái sư chuẩn bị cả rồi.
- Tâu bệ hạ, thái hậu bàn Nam chinh với thái sư. Thái sư vờ tán thành. Người còn xin đi sứ, đem cả cháu thái hậu là Dư Tĩnh theo, làm như nhất tâm với thái hậu. Cho nên bề ngoài người giả như gây hấn với võ lâm Nam phương. Nhưng bề trong người mật sai Phạm Trọng-Yêm, Ngô Anh bí mật liên lạc, kết thân với võ lâm nhân sĩ Lĩnh ngoại. Trong khi người vắng nhà, thái hậu tha hồ tung hoành. Thái hậu đâu ngờ thái sư tuy vắng nhà, nhưng người thân tín thực nhiều chuẩn bị hết mọi sự.
- Tuyệt.
- Điều thứ ba, Thái-sư cử người thay thế Tôn Đức-Khắc thống lĩnh Ngự-lâm quân. Các tướng trong Ngự-lâm quân toàn người trung nghĩa của triều đình, mà thái sư đã thay dần và loại bọn dư đảng bang Nhật-hồ rồi.
- Thái sư đã dự trù cử ai vào chức vụ này chưa?
- Tâu bệ hạ người xếp đặt xong rồi. Điều thứ tư, có người nhập cung trị Chu-sa ngũ độc chưởng cho Lý phi, truyền phản Chu-sa ngũ độc để phi quay lại khống chế thái hậu. Bấy giờ bệ hạ mới tôn phi lên làm thái hậu. Thân phận Lưu thái hậu để Lý thái hậu quyết định.
- Khanh khải với thái sư rằng trẫm xin thái sư bảo toàn cho Lưu thái hậu. Dù gì Lưu hậu cũng là người sủng ái của tiên đế.
- Thần xin truyền chỉ của bệ hạ tới thái sư. Điều thứ năm, nhân có sứ thần Đại-Việt tiến cống. Bệ hạ chú ý: Đại thần nào dùng tiếng Đại-Việt, Thuận-Thiên hoàng đế, Khai-Quốc vương thì là người trung tín của bệ hạ. Người nào dùng tiếng Giao-chỉ, Nam-man, Lý Công-Uẩn, Lý Long-Bồ thì là người của Lưu thái hậu.
- Nhưng cho đến nay trẫm cũng chưa có bằng chứng đích xác về xuất thân của mình.
Yến Thù ghé miệng vào tai nhà vua nói nhỏ. Nhà vua rùng mình, định hỏi một vài chi tiết, thình lình một thái giám vào quỳ tâu:
- Tâu bệ hạ có quan Tư-mã Kinh-châu Trần Trung-Đạo và Chiêu-võ hiệu úy lĩnh Đô đốc Tương-giang hồ Động-đình Vương Văn xin vào bệ kiến mật tấu khẩn cấp.
Yến Thù nói:
- Mời Tư-mã vào trước.
Tự-Mai nghĩ thầm:
- Chắc là anh cả, Định-vương xếp đặt với Yến Thù đây, chứ dễ gì nhà vua tiếp ngoại thần trong đêm. Nhất, tam sư huynh về đây từ bao giờ mà mình không biết.
Trần Trung-Đạo vào quỳ gối:
- Thần Trần Trung-Đạo, Tư-mã Kinh-châu, lĩnh Phiêu-kị đại tướng quân xin yết kiến thánh hoàng.
- Tư mã bình thân. Đêm khuya Tư-mã tâu trình việc chi khẩn cấp?
Trần Trung-Đạo tâu:
- An-vũ sứ Kinh-châu nhận chỉ của triều đình tiếp sứ đoàn Đại-Việt, Xiêm-la. Trong khi sứ đoàn cư ngụ trong dinh An-vũ sứ, thì hai vị đại thần tên Sử-vạn Na-vượng cùng Khiếu Tam Bản có nhiệm vụ tiếp sứ đoàn Đại-Việt, lại giả làm kẻ trộm đột nhập trộm cống phẩm.
Rồi Trung-Đạo trần thuật vụ trong khi giao đấu, kiếm Sử, Khiếu bị gẫy rơi lại, quân-sĩ nhận diện được, nên An-vũ sứ sai vẽ hình truy tầm. Dọc đường chiêu thảo sứ Diêu Vạn hộ tống sứ đoàn Xiêm gặp Sử, Khiếu đang áp tải sứ đoàn Đại-Việt. Diêu Vạn đoạt lại được cống phẩm v.v.
Nhà vua đã đọc qua tấu chương, nay Trung-Đạo diện tấu, khiến nhà vua nổi giận. Nhưng nhà vua ớn vụ Sử, Khiếu thuộc nhóm Nhật-hồ theo giúp thái hậu, nên ông còn trù trừ. Chợt nhớ ra điều gì nhà vua hỏi:
- Võ công Tư-mã so với Sử, Khiếu ra sao?
Yến Thù tâu:
- Võ công Trần Trung-Đạo thuộc võ công Thiền-môn. Người lại học được phương pháp phản Chu-sa độc chưởng, nên mới đánh đuổi nổi hai lão Sử, Khiếu. Nay Sử, Khiếu phạm tội đạo tặc, thần nghĩ bệ hạ nên lưu Trung-Đạo ở kinh, hầu chờ khi hai tên kia trở lại, có người trị chúng.
Nhà vua gật đầu:
- Mời Tư-mã ngồi. Cho Vương Văn vào.
Trần Phụ-Quốc vào, quỳ gối:
- Thần Vương Văn, lĩnh Chiêu-võ hiệu uý, Đô đốc Tương-giang hồ Động-đình xin yết kiến thánh hoàng.
Yến-Thù cầm bản tấu chương lên tóm lược cho nhà vua nghe về vụ hai đại thần Tôn Đức-Khắc, Lê Lục-Vũ được chỉ dụ đi đón sứ đoàn Đại-Việt cùng mười thị vệ. Mười thị vệ mất tích trong trường hợp kỳ lạ, rồi hai lão hóa điên hóa khùng giết thuyền trưởng ở Tỷ-quy, nay không biết ra sao.
Nhà vua hỏi Yến Thù:
- Khanh nghĩ sao?
Yến Thù ghé sát miệng vào tai nhà vua:
- Nên phong Trung-Đạo vào chức của Tôn Đức-Khắc. Vương Văn vào chức của Sử-vạn Na-vượng cùng Khiếu Tam Bản. Như vậy bệ hạ có người thân tín hầu giải quyết vụ bảo an cho Lý phi.
Nhà vua tỏ vẻ cương quyết:
- Khanh soạn chiếu chỉ cho trẫm, ngay từ bây giờ. Một là phong Trần Trung-Đạo làm Phiêu-kị đại tướng quân, tổng lĩnh Ngự-lâm quân. Hai là phong Vương Văn làm Trấn-quốc đại tướng quân tổng lĩnh thị vệ.
Yến Thù cầm bút viết chiếu chỉ, rồi tuyên đọc. Phụ-Quốc, Trung-Đạo cúi đầu lạy tạ. Nhà vua tuyên chỉ:
- Bất cứ trường hợp nào, hai khanh không thể nghe lệnh ai, dù là tể thần. Hai khanh chỉ trực tiếp nghe chỉ dụ của trẫm, hoặc trẫm sai Yến đại học sĩ truyền đến. Ngay bây giờ hai khanh có thể đi nhậm chức được rồi.
Nhà vua nói nhỏ với Yến Thù:
- Người mật cáo cho Định-vương biết những gì mới xẩy ra. Người đi ngay, đừng chần chờ nữa.
Yến Thù cúi đầu bái biệt rời khỏi điện.