Vua Trưng là một trong các đại anh hùng, mà dân Việt thờ kính trên khắp lãnh thổ. Chưa một sử gia, một văn nhân, một danh nhân nào tìm được một chút khuyết điểm của ngài. Ở đâu có người Việt là có đền thờ ngài.
Dưới đây thuật giả xin trích dịch hai bài văn khắc trên bia đá, tại đền thờ ở Đồng-nhân, nay thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà-Nội. Đền dựng vào niên hiệu Đại-Định thứ 3 (1142) đời vua Lý Anh-tông, tại bãi Đồng-nhân bên bờ sông Hồng. Vì bãi đất bị nước sông Hồng xoáy làm lở, năm 1819 dân Đồng-nhân dời đến khu Giảng-võ của triều Lê, thuộc thôn Hương-viên, làng Đồng-nhân, tức địa điểm hiện tại. Trong đền có tượng hai bà, che màn phía ngoài. Hai bên là tượng thờ nữ đại công thần thời Lĩnh-Nam. Chùa Viên-minh ở bên trái đền, có lối đi thông sang chùa. Hồi mười hai tuổi, thuật giả thường đi học qua đền thờ vua Trưng. Thời gian 1945 về trước, các phụ huynh dạy con cái rằng:
“Khi qua đền thờ vua bà, phải mở mũ, cúi đầu, hai tay khoanh lại. Nếu thấy lá rụng, rác rơi trước đền, phải nhặt lên”.
Đền thờ hai bà ở Đồng-nhân là nơi mang nhiều kỷ niệm về thời thơ ấu của thuật giả. Năm 1972, nghe tin B52 san bằng đền thờ Đồng-nhân, thuật giả khóc đến hơn mười ngày. Sau được biết đền vẫn còn, mới thôi.
Năm 1993, thuật giả trở lại Thăng-long, đã đến lễ vua Trưng cùng các vị anh hùng. Trụ trì bấy giờ là ni-sư Đàm Vinh. Sư khỏe mạnh, thông minh. Sư dẫn thuật giả thăm tháp của chư tổ. Liên tiếp từ năm 1993 đến 2001, lần nào về Việt Nam, thuật giả cũng đến đền Đồng-nhân lễ vua Trưng, và dĩ nhiên cúng dường.
Dưới đây, tôi xin dịch hai bài văn bia ở đền thờ Đồng-nhân, Hà-nội. Bia này vẫn được bảo quản rất tốt.
Bài thứ nhất :
Văn bia chép sự tích vua Trưng.
Thế gian có sự nghiệp thần kỳ, khiến lòng người không kìm hãm được súc động chăng?
Nước Đại-Nam ta, từ thời Hồng-bàng đến đời Lê, trên mấy ngàn năm, xuất hiện nhiều anh hùng, tranh giữ giang sơn, lập nền chính thống, sử sách còn ghi Đinh, Lý, Trần, Lê.
Than ôi! Đấng trượng phu phải như vậy. Trượng phu trong đám nữ lưu, xứng đáng có hai bà Trưng. Vua Bà là con lạc tướng, giòng dõi vua Hùng, sinh ra vốn dị thường. Ngặt vì từ khi nước Văn-lang bị mất, thế nước thuộc nhà Thục (1) rồi thuộc Hán, trải hơn hai trăm năm ăn nhờ ở đậu, không luận làm gì. Thêm vào đó, quan lại nhà Hán tàn bạo, hào kiệt không ngóc đầu dậy được, hoàn cảnh như vậy mà vua Bà làm lên sự nghiệp mới thực kỳ lạ, mới thực đáng phục.
Chị vì chồng. Em vì chị, nhấc tay, quát một tiếng, khiến tên thái thú bỏ chạy. Chỉ mấy ngày chiếm được trên năm mươi thành (2). Uy trấn Lĩnh-Nam, danh vang Hoa-hạ. Tài trí như Phục-ba mà bại hai ba lần. Thanh thế khiến nhà Hán nhức đầu vỡ mật. Khi sự việc chẳng như ý, chị em cùng trầm mình ở Hát-giang.
Than ôi! Trí tuệ biết dường nào! Dũng lược biết dường nào. Nghĩa lớn biết dường nào! Chị em một nhà, anh hùng thiên cổ, có lẽ trong nữ lưu chưa từng có, mà cũng hiếm thấy có sự tương tự như thế.
Anh hùng khởi sự, không thể đem thành bại luận bàn. Việc làm của nhị Trưng càng không nên luận bàn thành bại. Nghìn năm sau (ta) đọc sử cũ chính khí còn bốc dậy.
Lịch đại trải đến bản triều, việc thờ cúng Hai-bà được ghi vào quốc lễ. Đền thờ xây dựng khắp nơi, đó là uy danh của Hai-bà còn truyền lại.
Đền thờ Hai-bà do dân xã Đồng-nhân thuộc huyện Thanh-trì đã xây dựng lên từ lâu ở bờ sông. Gần đây bãi sông lở, dân xã tìm được khu vườn sáu mẫu, đất Vũ-miếu xưa, thuộc thôn Hưng-viên, huyện Thọ-xương, xin triều đình ban cho để lập đền, hương khói phụng thờ. Triều đình khâm ban chiếu chỉ chuẩn y, thể theo ý dân, bằng chứng hãy còn. Chân dung Hai-bà trải qua bao đời vẫn không đổi, linh ứng lạ kỳ, truyền tụng có chứng.
Nhân tìm được tấm bia không chữ, dân chúng nhờ tôi viết văn, ý định mượn bia, truyền lại sự việc tỏ tường. Tôi muốn mượn tấm bia này, bầy tỏ sở kiến của mình. Mong cao nhân đọc bia, sửa lại cho đúng.
Nay làm bài ký.
Minh-mệnh vạn vạn niên,
nay mới là năm thứ hai mươi mốt.
Năm Canh-Tý, trung tuần tiết trọng hạ, ngày tốt.
Tứ tiến sĩ, khoa Bính-Tuất, nguyên đốc học Bắc-Ninh.
Vũ Hoán-Phủ, hiệu Đường-xuyên soạn.
Chú giải
(1) Theo quan niệm của tác giả, triều Thục là ngoại xâm, không đúng lý.
(2) Tác giả nói năm mươi thành là không kể mười lăm thành thuộc Tượng-quận. Vua Trưng khởi binh chiếm sáu mươi lăm thành, trong vòng hơn tháng. Sử sách còn ghi lại số thành đó như sau:
– Tượng-quận 15 thành.
– Nam-hải 14 thành.
– Quế-lâm 10 thành.
– Giao-chỉ 10 thành.
– Cửu-chân 9 thành.
– Nhật-Nam 7 thành.
(3) Ý chỉ trận hồ Động-đình, làm rung động Trung-nguyên. Vua Quang-Vũ nhà Hán phải đem quân tới Kinh-châu tiếp viện, đích thân đốc chiến.
(4) Thời Lĩnh-Nam có năm trận đánh lớn:
– Trận Trường-an do Hoàng Thiều-Hoa làm chúa tướng. Nguyễn Phương-Dung là quân sư, đánh tan hai mươi vạn quân Hán. Bên Hán, đích thân vua Quang-Vũ chỉ huy. Hán bại, mất Trường-an, lui về giữ Lâm-đồng.
– Trận hồ Động-đình do công chúa Phật Nguyệt chỉ huy. Bên Hán do Mã Viện, Lưu Long, Đoàn Chí chỉ huy. Hán thiệt ba mươi vạn người, Lĩnh-Nam mất năm vạn quân. Phía Lĩnh-Nam, các anh hùng Quách Lãng, Đinh Bạch-Nương, Đinh Tĩnh-Nương tuẫn quốc.
– Trận Tượng-quận do công chúa Nguyệt-đức Phùng Vĩnh-Hoa chỉ huy. Lĩnh-Nam mất năm vạn người, Hán mất hai mươi lăm vạn. Phía Lĩnh-Nam mất Tượng-quận. Các anh hùng sau đây tuẫn quốc: Đặng Đường-Hoàn, Đào Chiêu-Hiển, Đào Đô-Thống, Đào Tam-Lang, Đinh Xuân-Hoa.
– Trận Nam-hải do công chúa Thánh-Thiên tổng chỉ huy với các đại tướng khét tiếng Lĩnh-Nam: Đào Phương-Dung, Trần Quốc, Tử-Vân, Lê Chân, Đàm Ngọc-Nga, Lê Ngọc-Trinh, Lê Thị Hoa, Phan Đông-Bảng, Vũ Công-Chất. Phía Hán do Mã Viện, Lưu Long, Đoàn Chí chỉ huy với các đại tướng vô địch Chu Long, Trịnh Sư, Ngô Anh, Vương Hùng, Phùng Đức, Sầm Anh, Mã Anh, Mã Huống, Mã Dư. Lĩnh-Nam mất bảy vạn người. Hán mất bốn mươi vạn. Các anh hùng Lê Chân, Vũ Công-Chất, Phan Đông-Bảng, Lê Thị Hoa tuẫn quốc.
– Trận Hành-sơn do bà Hoàng Thiều-Hoa tổng chỉ huy. Phía Hán do vua Quang-Vũ thân chinh. Bên Hán do Mã Viện chỉ huy. Lĩnh Nam mất năm vạn người. Hán mất mười lăm vạn. Trận này nhiều anh hùng tuẫn quốc.
– Trận Lãng-bạc, phía Lĩnh-Nam vua Trưng ngự giá thân chinh công chúa Gia-hưng Trần Quốc tổng chỉ huy. Bên Hán do Mã Viện chỉ huy. Lĩnh Nam thiệt năm vạn người, Hán mất hai mươi lăm vạn.
Trong sáu trận, thì Mã Viện tham dự ba trận hồ Động-đình, Hành-sơn. Lãng-bạc, đều bị thua. Vì vậy văn bia mới nói tài trí như Mã Viện mà bại đến ba lần.
(5) Tức khu Giảng-võ đời Lê.
(6) Lối văn sáo ngữ thời xưa: Nghĩa là Minh-Mệnh vạn vạn năm, nay mới là năm thứ hai mươi mốt tức 1840.
(7) Trung tuần tiết trọng hạ là tháng năm.
(8) Tiến-sĩ khoa Bính-Tuất, ý chỉ tác giả đậu tiến sĩ năm 1826.
(9) Vũ Tông-Phan (? -1862) tự Hoán-Phủ, hiệu Lỗ-Anh, nguyên quán làng Hòa-dương, huyện Đường-an, tỉnh Hải-dương.
BÀI THỨ NHÌ
Văn bia kỷ niệm Viên-minh tự.
Sự vật dựa vào cái cũ, mà làm lớn ra, quy mô ngày càng tăng gọi là trùng tu. Hoặc gọi là tân tạo, không phải không đúng.
Viên-minh tự ở bãi Đồng-nhân, cổ tự của Thăng-long. Cạnh chùa là đền thờ nhị Trưng. Nhị Trưng có công đánh đuổi giặc Bắc, dựng nền móng cho nước, lại là tổ đầu tiên dành độc lập cho nước Đại Nam. Sự nghiệp hùng vĩ của nữ anh hùng đã sáng ngời trong lịch sử. Ai người có tấc lòng son mà không chiêm ngưỡng, sùng bái? Chư thiện nam, tín nữ các nơi đổ về như nước chảy, như mây tụ lại. Đúng là đền thờ của đất nghìn năm văn vật vậy.
Việc hương khói trong chùa do vị trụ trì đảm trách, truyền nhau đời này qua đời khác. Tổ thứ nhất pháp danh Đàm Kiên đầu tiên đến trụ trì, công xây dựng đã thực to lớn. Kế đến tổ thứ nhì Đàm-Chất, tam tổ Đàm-Nghĩa hưởng kế tục, vẫn giữ nếp tốt, do vậy việc thờ phụng trong chùa ngày càng phồn thịnh. Tứ tổ, pháp danh Đành-Hinh, xây thêm đền nữa, thờ các thần linh sông núi. Ngũ tổ pháp danh Đàm-Thuận, trùng tu đền nhị Trưng, ngày càng nguy nga tráng lệ, lại xây thêm một nhà thờ tổ, một nhà khách. Đền miếu trang nghiêm, qui mô to lớn, khiến Viên-minh tự trở thành đại thắng tích trong các đại cổ tự mỹ thuật của Thăng-long. Công đức liệt tổ, ai cũng nghe, cũng thấy, tín đồ trong vùng ca tụng công đức.
Trải nhiều năm mưa gió phũ phàng, nhà cửa đổ nát. Thay cũ, làm mới thực khó khăn, lớn lao thay. Bần ni nghĩ rằng: việc nghĩa bất khả từ nan, trách nhiệm không thể ủy thác cho người khác. Vì vậy năm Canh-Ngọ (1930), bèn thuê thợ khởi công. Chỗ hỏng sửa lại mới, chỗ hẹp xây rộng ra. Trải mấy năm chịu khó xây dựng, cả đền, lẫn chùa, đều hoàn thành, xếp đặt lại huy hoàng, cảnh chùa cao đẹp, khiến kiến trúc cổ sẵn có, được mở rộng, lớn đẹp hơn xưa.
Đấy là do thập phương chư Phật độ trì, và anh linh nhị Trưng phù hộ, quả phúc viên mãn, mừng sao kể siết.
Nhân ngày khánh thành, lược thuật đôi lời, khắc vào bia đá, di truyền hậu thế, chép pháp danh liệt tổ. Mong rằng từ việc kiến trúc, đến trùng tu, công đức trụ trì của liệt tổ trước sau tại chùa này sẽ trường tồn với núi Nùng, sông Nhị.
Nay liệt kê pháp danh liệt tổ trụ trì Viên-minh tự trên bãi Đồng-nhân như sau:
Đệ nhất tổ: Tỳ-kheo ni, pháp danh Đàm-Kiện.
Đệ nhị tổ: Tỳ-kheo ni pháp danh Đành-Chất.
Đệ tam tổ: Tỳ-kheo ni, pháp danh Đàm-Nghĩa.
Đệ tứ tổ: Tỳ kheo Ni, pháp danh Đàm Hinh.
Đệ ngũ tổ: Tỳ kheo ni, pháp danh Đàm Thuận.
Hoàng-triều Bảo Đại năm thứ bẩy (1932)
Ngày tốt, năm Nhâm Thân, tháng mười một.
Tỳ-kheo ni,pháp danh Đàm-Thư
Trụ trì Viên Minh tự cẩn ghi.
Đông-giang Hoàng Tăng-Bí (1)
Phó bảng Hà Đông, năm Canh-Tuất (1900) kính soạn.
Chú giải:
(1) Hoàng Tăng-Bí (1883-1939) tự Nguyên-phủ, quán làng Vẽ tức Đông-ngạc, huyện Từ-liêm, tỉnh Hà-Đông. Ông đậu phó bảng năm 1910, không ra làm quan. Ông tham gia phong trào Đông-kinh nghĩa thục. Bị người Pháp bắt giam, quản thúc ở Huế. Sau ông ra Hà-nội viết báo.