8/11/12

Thuận thiên di sử (H28)

Nguyên thời mạt của nhà Tây-Hán, Thiên-sơn lão tiên dạy trước sau bẩy người đệ tử đều văn võ kiêm toàn. Bẩy người cùng nhau thề đem sức ra giúp dân, mưu cầu hạnh phúc. Họ ứng thí, thành đạt, cùng giữ chức thái thú, thứ sử bẩy quận liên tiếp. Nhưng bấy giờ vua Hán u mê tin dùng Vương Mãng, khiến giặc dã khắp nơi nổi dậy. Thiên-Sơn lão tiên triệu tập cả Thiên-sơn thất hùng lại, rồi ban cho thanh kiếm, với bốn giòng chữ trên.
Vừa đúng lúc đó, Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán. Thiên-sơn thất hùng cùng khởi binh lập ra nước Thục. Người đứng đầu Thiên-sơn thất hùng tên Công-tôn Thuật được tôn làm vua. Thanh kiếm Thiên-Sơn lão tiên ban cho, trở thành Thượng-phương bảo kiếm. Khi Công-tôn Thuật băng, thanh kiếm này lọt về tay con thứ nhì tên Công-tôn Thi. Công-tôn Thi hàng Hán. Sau này Thi lại phản Hán, bị Vương Bá giết chết, thanh kiếm về tay Vương Bá. Trong trận đánh bên bờ sông Bồ-lăng, Bắc-bình vương Đào Kỳ dùng chiêu võ Cửu-chân, tay không đoạt thanh kiếm này trên tay Vương Bá.
Khi Đoàn Huy sang Đại-Việt, hoàng đế Đại-lý ân cần dặn y bằng mọi cách tìm cho ra thanh kiếm này. Bởi, hiện họ Đoàn cai trị nước Đại-lý được là nhờ hai phái Thiên-sơn, Tượng-quận hợp lại. Nhưng có nhiều chi phái của Thiên-sơn, vẫn không phục. Họ cương quyết chỉ tuân phục người nào tìm được tín vật của Thiên-sơn lão tiên ban cho Công-tôn Thuật làm thượng phương bảo kiếm.
Đoàn Huy nhìn thấy thanh gươm, y run run, hướng vào đệ tử phái Thiên-tượng hô lớn:
- Toàn thể đệ tử phái Thiên-tượng quỳ xuống!
Mấy ngàn đệ tử Đại-lý nghe tôn sư của phái hô, họ không hiểu gì, nhưng cũng quỳ gối xuống. Đoàn Huy tay tiếp bọc nhiễu đỏ hô lớn:
- Đệ tử kính cẩn cung nghinh thánh lệnh của Thiên-sơn lão tiên.
Y tâu với Thuận-thiên hoàng đế:
- Hôm trước, anh em hạ thần mười phần chết, mới có phần sống. Nhờ ân đức của hoàng thượng thoát khỏi hiểm nguy. Hôm nay lại được bệ hạ ban cho di vật của lão tiên. Thần xin vì bệ hạ, đi khắp nơi tuyên bố thánh đức.
Nói rồi y quỳ gối lạy tạ. Thuận-thiên hoàng đế phất tay, một kình lực nhu hoà đỡ Đoàn Huy dậy. Ngài phán:
- Hôm nay, chúng ta tụ họp ở đây, vì cùng là con cháu vua Trưng cả. Đoàn huynh không nên đa lễ.
Ngài tiến tới trước mặt Kim-Sinh, tôn sư phái Cửu-long:
- Kim huynh. Dù Chân-lạp, dù Chiêm-thành, dù Lão-qua, dù Ngô-Việt, dù Đại-lý, dù Đại-Việt, chúng ta đều là giòng giống Việt-thường, con cháu vua Hùng cả. Xưa vua Hùng phong cho con thứ hai mươi mốt đến ba mươi theo dấu chim nhạn vào tận cùng phía Nam lập ấp qui dân. Nay thành nước Chân-lạp. Hôm nay Kim huynh cùng chư huynh đệ phái Cửu-long về đây lễ Bắc-bình vương, đủ tỏ anh em Cửu-long không quên được nguồn gốc.
Ngài cầm lấy hộp bọc nhiễu điều trên chiếc mâm do thái giám đội, mở ta. Bên trong lại một thanh kiếm nữa. Thanh kiếm này nhỏ, dài hơn thanh kiếm của Thiên-Sơn lão tiên một chút. Kim-Sinh liếc nhìn qua, thấy trên bao kiếm có khắc chữ Cửu-chân vương cạnh đó khắc cành hoa đào.
Mắt Kim-Sinh muốn hoa lên. Vì trong mật dụ của phái Cửu-long chép rằng, tỗ xưa kia của phái là Đào Thế-Kiệt, sinh ra Bắc-bình vương Đào Kỳ. Lúc sinh thời, ngài dùng một thanh kiếm đánh Đông dẹp Bắc. Khi thành đại nghiệp, ngài được tôn lên ngôi Cửu-chân vương. Sau ngài vui mừng, cười mà qui tiên. Thanh kiếm đó về Đô Dương, người kế tục ngài trấn nhậm Cửu-chân. Sau khi Đô Dương tử trận, thanh kiếm này tuyệt tích.
Kim Sinh nghĩ:
- Thanh kiếm này vốn là linh vật của Đại-Việt, mà nay hoàng đế ban cho phái Cửu-long. Có nghĩa ngài công nhận nước Chân-lạp vẫn thuộc giòng giống Việt.
Kim Sinh quỳ gối kính cẩn tiếp thanh kiếm. Khác với khi Đoàn Huy hành lễ, Thuận-thiên hoàng đế đỡ dậy không cho quỳ. Ngược lại ngài để Kim Sinh hành lễ. Đứng cạnh ngài có các thái tử. Các thái tử hiểu rằng ngụ ý phụ hoàng muốn nói: Chân-lạp vốn đất cũ, cùng giòng giống Việt-thường. Sau này ai được nối ngôi phải tìm cách thống nhất làm một.
Thuận-thiên hoàng đế đến trước Chế Ma-Thanh, ngài cầm lấy tay y, bằng giọng ấm áp, ngài phán:
- Xưa Quốc-tổ, Quốc mẫu sinh trăm con. Con lớn nhất được phong làm vua. Còn lại chín mươi chín người, mỗi người được phong một nơi. Hoàng tử thứ ba mươi mốt đến bốn mươi vượt núi vào Nam, lập ra nước Chiêm-thành. Chế huynh đệ, người nhỏ hơn ta đến mười tuổi, thì ta là anh, người là em. Một giải đất Chiêm-thành, dài từ Nghệ-an vào đến Chân-lạp, ta giao cho người. Chân-lạp vốn nhiều vàng, lắm ngọc, sông sâu, núi cao, biển rộng, người hãy đem hết tài năng ra phò tá huynh trưởng, để ghi danh thiên cổ. Bất cứ huynh đệ làm việc gì liên quan đến Đại-việt, Chân-lạp, Lão-qua, cũng đừng quên rằng chúng ta cùng một tổ.
Ai nghe Thuận-thiên hoàng đế nói những lời đó đều tưởng những câu khuyên nhủ thông thường. Nhưng Chế Ma-Thanh đã từng hội họp với Triệu Thành tại Hồng-hương mật cốc. Y được phong Kiểm hiệu thái sư. Tĩnh hải tiết độ sứ. Đồng bình chương sự. Suy thành thuận hoá công thần. Chiêm-thành quận vương. Thực ấp vạn hộ. Thực phong ngũ thiên hộ. Cho nên khi nghe Thuận-thiên hoàng đế nhắn nhủ, y rùng mình, cảm thấy như mưu kế đã bại lộ.
Thuận-thiên hoàng đế, trao cho y một hộp sơn son thiếp vàng. Y mở hộp ra, bất giác mồ hôi y xuất cùng mình, chân tay y bải hoải. Vì trong hộp có mười thoi vàng lớn, bốn đôi vòng đeo tay bằng hồng ngọc. Một cái vòng đeo cổ bằng vàng, nạm ba mươi sáu hạt kim cương lớn. Đây chính là lễ vật y dâng cho Triệu Thành. Trong hộp còn một phong giấy. Y mở ra coi, chính là tờ biểu, y gửi Triệu Thành tâu về Tống đế, trình bày mưu kế của y lật anh là Chế Ma-Huy, rồi đem quân đánh vào phía Nam Đại-việt. Y không hiểu sao, nay lại nằm trong cái quả này.
Kinh hoàng y nghĩ:
- Mình họp cùng Triệu Thành bí mật đến thần không biết, quỷ không hay. Mà sao Khu-mật viện nhà Lý lại biết tỏ tường. Vàng, ngọc, cùng tờ biểu này, chính tay Triệu Thành cất giữ, làm sao lọt vào tay Lý Công-Uẩn? Chỉ nguyên tờ biểu này, y có thể đem mình ra chặt đầu. Hoặc nếu y gửi cho hoàng huynh mình thì toàn gia mình đã bị tru lục rồi.
Bất giác chân tay y bủn rủn cả ra. Y quỳ gối rập đầu binh binh liền tám lần:
- Biên thần Nam phương tạ hồng ân của hoàng đế bệ hạ. Ân đức của bệ hạ rộng như trời như biển. Hạ thần dù thịt nát xương tan cũng không đủ đền ơn bệ hạ.
Nguyên những thư tín, vàng ngọc của Chế Ma-Thanh dâng cho Triệu Thành. Trong lần từ Thiên-trường về Thăng-long, y đã bị Thanh-Mai sai tráng sĩ Thiên-trường lặn xuống sông, đột nhập thuyền ăn cắp về. Khai-quốc vương trình với Thuận-thiên hoàng đế, đem tặng lại cho y, để suốt đời y phải cúi đầu tuân lệnh Khu-mật viện Đại-Việt.
Ngài đến trước Phủ-Vạn:
- Phủ hoàng thúc. Hiện giờ bên Lão-qua, do ấu quân cai trị. Quyền hành đều nằm trong tay hoàng thúc. Tiếng rằng hoàng thúc ngồi dưới một người, mà thực ra ngồi trên trăm họ. Hoàng thúc tuy chưa làm vua, mà thực ra uy quyền đã hơn vua. Xưa Quốc-tổ cho các hoàng tử thứ bốn mươi mốt tới năm mươi vượt núi về phương Tây qui dân lập ấp. Nay thành Lão-qua. Lão-qua với Đại-việt cùng giòng giống vua Hùng cả. Hôm nay hoàng thúc tới đây dự lễ để tỏ lòng không quên nguồn gốc. Thực quý vô cùng. Ta có món quà tặng hoàng thúc.
Ngài mở lồng bàn. Trên cái mâm, có hộp lớn sơn son thiếp vàng, ngoài đề chữ Hoàng-thúc Lão-qua. Phủ-Vạn mở ra. Bên trong có một tượng Phật bằng ngọc xanh biếc, lớn bằng cổ tay. Cạnh đó mười thỏi vàng với con voi bằng vàng, trên nạm hơn trăm hạt kim cương. Đây chính là lễ vật y gửi Triệu Thành về dâng cho vua Tống. Trong hộp còn trục giấy, cuộn tờ biểu y dâng vua Tống trình bầy kế hoạch lật đổ cháu, chiếm ngôi vua, rồi đem quân đánh vào vùng Thanh-hóa của Đại-việt.
Y kinh hoàng, chân tay run lẩy bẩy, đầu gối nhũn ra. Y quỳ xuống rập đầu liền tám lần:
- Hạ thần thọ hoàng ân trọng hơn núi. Kể từ nay, thần xin làm thân trâu ngựa theo hầu hoàng đế bệ hạ.
Đợi cho Phủ-Vạn lạy xong, Thuận-thiên hoàng đế đến bên Trần Uy. Ngài nắm lấy tay ông, ân cần nói:
- Khi xua Quốc tổ cho các hoàng tử thứ năm mươi mốt tới sáu mươi đến vùng Nam-hải phá rừng, lập ấp qui dân. Đời vua An-Dương, vua Trưng vẫn là Nam-hải. Ngài lại sai hoàng tử thứ sáu mươi mốt tới bẩy mươi lập ấp qui dân. Đời vua An-dương vua Trưng là Quế-lâm. Hơn trăm năm trước, anh hùng Quế-lâm, Nam-hải hợp sức với nhau lập ra nước Ngô-việt. Gần đây Ngô-việt bị Tống diệt. Tuy vậy, dân Ngô-việt vẫn không quên nguồn gốc mình gốc con cháu vua Hùng. Hôm nay Trần huynh cùng Tiền thái tử về đây lễ anh hùng thời vua Trưng. Mong rằng sau lễ trẫm sẽ được gặp Trần huynh để đàm đạo.
Sau khi tặng quà hết tất cả mười sáu đại tôn sư, hoàng-đế hướng xuống quần hùng nói lớn:
- Hôm nay giỗ một vị đại vương, ngài còn là một vị đại tôn sư võ học Lĩnh-nam. Trẫm...
Một đoàn người ngựa rầm rập tiến vào khu lễ đài. Đi đầu có một tráng sĩ cầm lá cờ lớn, trên thêu chữ Đại-tống Bình-nam vương một lá cờ khác có chữ Thái-úy, tổng đốc binh mã, chưởng quản Khu-mật viện. Tiếp theo hơn mười người cỡi ngựa đi vào.
Thanh-Mai nói với Mỹ-Linh:
- Bọn Triệu Thành.
Triệu Thành cỡi ngựa đi đầu, tiếp theo, bọn Vương Duy-Chính, Dư Tĩnh, Minh-Thiên, Đông-Sơn lão nhân, Địch Thanh, Triệu Anh, Triệu Huy, Quách Quỳ.
Sư thái Tịnh-Tuệ, nhân danh ban tổ chức cùng hai nữ đệ tử Ngô Thuần-Trúc, Hàn Diệu-Chi tiến ra thi lễ:
- Bần ni, chưởng môn phái Mê-linh, được võ lâm Đại-việt ủy cho tổ chức giỗ Bắc-bình vương năm nay. Bần ni xin các vị cho biết, các vị thuộc môn phái nào?
Dư Tĩnh đáp:
- Chúng tôi không thuộc phái võ cũng như bang hội nào của Giao-chỉ cả. Chúng tôi là sứ đoàn Thiên-triều qua quận Giao-chỉ.
Nói rồi y giới thiệu từng người trong bọn. Cao nhất Triệu Thành, thấp nhất Quách Quỳ.
Ngô Thuần-Trúc lễ phép đáp:
- Thì ra các vị thuộc sứ đoàn nhà Đại-tống đấy. Nhưng thưa Triệu vương gia, đây là nơi võ lâm Đại-việt tổ chức giỗ tổ. Giỗ tổ chia ra làm năm ngày. Ngày thứ nhất dành cho võ lâm anh hùng. Ngày thứ nhì trở đi đành cho dân chúng. Các vị không phải võ lâm Đại-Việt, cũng không phải con dân Đại-Việt, các vị không thể vào đây.
Vương Duy-Chính quát lớn:
- Khắp thiên hạ, đâu cũng thuộc đất của thiên tử. Giao-chỉ là một quận của nhà Đại-tống, tức đất của thiên tử. Chúa ta lĩnh mệnh làm sứ thần, thay mặt thiên tử kinh lý Giao-chỉ, mà các người dám cấm ư?
Ngô Thuần-Trúc vẫn ôn tồn:
- Vương chuyển-vận-sứ nói sai rồi. Từ cổ, vua Đế-Minh đã cắt đất chia thiên hạ làm hai. Từ núi Ngũ-lĩnh về Bắc thuộc Trung-quốc. Từ Ngũ-lĩnh về Nam thuộc Văn-lang. Cương giới đã định, phong tục, luật pháp khác nhau. Có lý đâu đất Đại-việt chúng tôi thành một quận của Trung-quốc?
Vương Duy-Chính đưa mắt cho Triệu Thành, rồi nói:
- Nếu cứ biện luận theo kiểu này, không biết bao giờ cho dứt. Bây giờ chúng tôi lấy tư cách người võ lâm, đến đây dự lễ tiền nhân võ lâm có được không? Xưa kia Đào Kỳ được phong Hán-trung vương triều Hán. Vương gia của tôi là Bình-nam vương triều Tống. Người sau lễ người trước sự thường. Không lẽ các vị không cho?
Hàn Diệu-Chi gật đầu:
- Nếu tiền bối nói thế thì được. Anh hùng vốn của chung thiên hạ. Ai cũng có quyền vào lễ. Nào mời các vị.
Vương Duy-Chính tự hào tiến sĩ xuất thân, ứng đáp nhanh, mà y cảm thấy thua kém một bước. Y muốn nhân danh võ lâm vào lễ, Diệu-Chi gọi ngay y bằng danh tự tiền bối, không còn gọi y là Chuyển-vận-sứ nữa. Y đành cùng Triệu Thành theo thầy trò Diệu-Chi vào lễ đài.
Diệu-Chi cầm loa xướng ngôn:
- Kính thưa chư vị anh hùng võ lâm Đại-việt. Đặc biệt giỗ Bắc-bình vương năm nay có nhiều cao nhân tiền bối võ lâm Trung-quốc tới lễ. Vị cao tăng mặc áo cà sa đại hồng là Minh-Thiên đại sư, thủ tọa Đạt-Ma đường phái Thiếu-Lâm.
Nàng chỉ vài Đông-Sơn lão nhân:
- Vị lão nhân đây là một trong Hoa-sơn tứ đại thần kiếm Đông-Sơn lão nhân. Vị trung niên này là Dư Tĩnh, đệ tử của người. Thiếu niên đi cạnh người là võ trạng nguyên Địch Thanh.
Nàng chỉ vào Triệu-Thành:
- Vị này là đại hiệp Triệu Thành, cao đồ của Minh-Thiên đại sư. Hai vị đi cạnh Triệu đại hiệp là hai trong Tung-sơn tam kiệt tên Triệu Anh, Triệu Huy.
Nàng cố ý hạ Triệu Thành xuống sau Địch Thanh, coi như không cần biết đến cái tước Bình-nam vương của y. Nàng giới thiệu tiếp:
- Vị này họ Vương tên Duy-Chính thuộc phái Võ-đang.
Nàng xướng tiếp:
- Tấu nhạc.
Nhạc tấu vang lừng. Bất đắc dĩ Triệu Thành phải lên đài đốt hương. Nhưng y chỉ vái có một vái, rồi đứng sang bên cạnh nhường chỗ cho tùy tùng lễ. Đợi cho bọn tùy tùng lễ xong, y cất tiếng hỏi:
- Trong buổi lễ hôm nay, ai có ngôi vị cao nhất?
Nhật-Hồ lão nhân bước ra:
- Chính lão phu. Không biết đại hiệp có điều chi thắc mắc?
Việc Nhật-Hồ lão nhân mới tái xuất giang hồ, Triệu Thành chưa biết. Vì vậy y không rõ lão là ai. Y chỉ vào cây cờ bay phất phới, trên có hàng chữ:
Đại-hội anh hùng võ lâm Đại-việt
- Phải triệt hạ cây cờ này ngay tức khắc. Cây cờ mang giòng chữ phản nghịch như thế kia, mà để nguyên được ư?
Nhật-Hồ lão nhân hỏi:
- Xin Triệu đại hiệp cho biết thế nào là phản nghịch?
Triệu Thành dõng dạc nói lớn:
- Các người đây đều thuộc con dân Thiên-tử. Đất của các người chỉ có một quận Giao-chỉ, không hơn, không kém. Thế nhưng các người tiếm xưng Đại-việt. Như vậy không phản nghịch ư?
Phạm Trạch từ dưới đài nhảy lên, trả lời thay cho sư phụ:
- Triệu đại hiệp tới đây là khách, chúng tôi lịch sự, để các vị lên đài lễ tổ, đó là một điều thân thiện. Các vị chỉ lễ có một lễ, thực vô phép, không thể tha thứ. Đã vậy còn hống hách với chúng tôi. Bộ các vị chê gươm Đại-việt không sắc ư?
Dư Tĩnh quát lớn:
- Các người định đùng số đông áp chế chúng ta ư? Ta đến đây là khách. Các người là chủ. Lớn tiếng đe dọa khách phải chăng chủ trương của võ đạo Giao-chỉ? A ha, hậu thế của Đào Kỳ, Phương-Dung không ngờ hèn quá!
Tại khán đài phái Đông-a, Tôn Đản cười khoan khoái:
- Bọn Triệu Thành sắp đánh nhau với bọn Nhật-Hồ rồi. Kể ra bọn Nhật-Hồ tuy ác độc, tà ma, ngoại đạo, tham quyền, ngu dốt, nhưng được cái chúng yêu nước. Hôm trước mình bắt được Nhật-Hồ lão nhân, Vũ Nhất-Trụ, Hoàng Văn, Đặng Trường, Nguyễn Chí. Chỉ cần tung mẻ lưới, vây Ngọc-lan đình, có vồ, giam trọn bọn trưởng lão Hồng-thiết giáo, coi như dẹp yên cái mầm mống kinh tởm này. Nhưng anh cả cho rằng diệt bọn Hồng-thiết như vậy, uổng mất lòng yêu nước của chúng. Cần thả Nhật-Hồ lão nhân ra dùng lão cùng bọn giáo chúng đối phó với bọn Tống. Anh cả bầy kế cho Nhật-Hồ lão nhân ngồi chủ vị hôm nay, để lão phải đứng ra đối đầu với bọn Triệu Thành. Ta cứ việc ôm gối ngồi cao.
Trong mười trưởng lão của Hồng-thiết giáo Đại-việt, mỗi người đều có một đường lối hoạt động riêng. Chống Trung-quốc bằng tất cả mọi khả năng như Vũ Nhất-Trụ, Lê Ba, Nguyễn Chí, Phạm Trạch, Lê Đức, Phạm Hổ. Đối với năm người này, cái gì của Trung-quốc cũng xấu hết. Đến độ văn hoá chung của Hoa-Việt như lịch số, thiên văn, y học, Phật-giáo, họ cũng bài xích, muốn xóa bỏ hết. Trong khi cầm quân tranh dành thời Thập-nhị sứ quân, khi họ tới đâu có người Hoa ắt thẳng tay tàn sát. Họ quên mất rằng những triều đại Tần, Hán, Đường, Tống đem quân sang đánh Đại-việt do bọn vua quan ác độc. Chứ dân Hoa với Việt vốn cùng một tổ, đâu có thù hằn gì nhau! Những người Hoa sống ở đất Việt, họ càng đáng thương, vì phải chạy trốn bọn vua chúa tàn bạo, mà rời quê hương ra đi. Tuy chủ trương như vậy, nhưng đối với Hồng-thiết giáo cả sáu người đều trung thành.
Ngược lại Hoàng Văn vốn người Việt gốc Hoa. Y mang hai giòng máu Hoa-Việt. Đúng ra, với địa vị của y. Y phải dung hoà những mâu thuẫn Hoa-Việt. Y lại thiên hẳn về phía Hoa, đào thêm hố chia rẽ hai dân tộc. Y vốn người của Khu-mật viện nhà Tống sai sang Đại-Việt, tổ chức người Hoa thành đội ngũ, để chờ quân Tống sang, làm nội ứng. Y được phong tước Cổ-loa hầu, phó đô nguyên soái. Chính y dẫn dụ bọn Hoàng Liên theo Tống. Vì vậy, khi y bị Mỹ-Linh đánh bại, bị bắt, Khai-quốc vương không giết y. Vương muốn dùng y như một chứng cớ, tố giác âm mưu bọn Triệu Thành.
Đặng Trường vốn xuất thân họ Trần. Sau vì ông tổ ba đời phạm tội, phải cải sang họ Đặng. Y xuất thân trong gia đình vọng tộc, tương đối có kiến thức rất rộng. Thủa thơ ấu, y theo Nhật-Hồ lão nhân sang Trung-nguyên, học võ công Trung-nguyên, cho nên y không chống Trung-quốc. Nhưng rất trung thành với Hồng-thiết giáo Đại-việt.
Đỗ Xích-Thập quả thực ngu dốt nhất trong bọn mười trưởng lão Hồng-thiết. Y xuất thân đệ tử phái Tản-viên. Nhưng vì làm những điều ô danh môn hộ, bị đuổi ra khỏi môn phái, y theo Hồng-thiết giáo. Nhân khi Nhật-Hồ lão nhân bị bọn Lê Ba, Vũ Nhất-Trụ giam dưới hầm. Y tưởng lão chết rồi. Y muốn làm giáo chủ, nhưng quá dốt, nên y đi tìm thế dựa bằng cách theo tên Hoàng Văn, có thể mượn thế Tống triều.
Nhật-Hồ lão nhân bị giam hai mươi năm, lão mới ra tù, không biết gì đến những thay đổi của đám đệ tử. Từ trước đến nay, võ lâm Đại-Việt cho lão là bọn tà ma, ác quỷ. Không bao giờ Hồng-thiết giáo được mời tham dự những cuộc tế lễ anh hùng. Hôm nay không những lão được mời mà còn được võ lâm Đại-việt cho ngồi vào ghế chủ vị, một ghế cao nhất của các tôn sư. Đến nằm mơ lão cũng không ngờ tới mình lại được danh dự cao như vậy.
Bây giờ, thình lình bọn Triệu Thành tới quấy phá buổi lễ. Lão là chủ vị, bổn phận lão phải đứng ra đối phó. Bọn đệ tử chống Trung-quốc của lão chỉ thiếu Vũ Nhất-Trụ, không biết Khu-mật viện giam đâu. Còn tất cả đều có mặt. Lê Ba đội lốt đạo sĩ Dương Ẩn, y quên mất mình ở vị tôn sư của phái Sài-Sơn. Y đứng dậy chỉ vào mặt Dư Tĩnh:
- Chúng ta đang hội nhau, tưởng nhớ công ơn võ lâm tiền bối. Bất cứ kẻ nào đến đây gây rối, chúng ta đều giết sạch. Mi là ai, ta không cần biết. Dù mi có là Ngọc-Hoàng đại đế, Thập-điện Diêm-La cũng phải biết điều.
Khai-quốc vương đứng hầu bên cạnh phụ hoàng. Vương nghĩ thầm:
- Ta cần phải đổ thêm dầu vào cho hai bọn này chém giết nhau.
Nghĩ vậy vương hướng vào Dương Ẩn:
- Dương đạo sư. Vị này là một đại thần của triều Tống đấy. Về võ, người thuộc phái phái Hoa-sơn, về văn người xuất thân tiến sĩ.
Dương Ẩn trở lại bình tĩnh:
- Dù cho Triệu Khuông-Dẫn tới đây cũng phải biết điều, chứ cái thứ tép riu, cá lòng tong này mà cũng hạch sách chúng ta ư?
Triệu Khuông-Dẫn là thái tổ nhà Tống. Khắp Trung-quốc không ai được nhắc đến tên tục này. Bất cứ người nào nhắc đến bị ghép phạm tội đại bất kính, bị đem chém. Nay Dương Ẩn công khai nhục mạ trước chỗ đông thì còn gì thể thống thiên triều?
Triệu Thành giận quá, chân tay y run bần bật. Nhưng y không dám cho tùy tùng xử dụng võ công. Vì y biết rằng xử dụng võ công ở đây có khác gì tự tử? Y dùng Lăng-không truyền ngữ nói vào tai Địch Thanh:
- Địch trạng nguyên, kể từ giờ phút này, bất cứ kẻ nào làm nhục thiên triều, trang nguyên phải kiềm chế cho chúng biết oai Trung-quốc.
Chợt nhìn thấy Thuận-thiên hoàng đế. Y lớn tiếng:
- Nam-bình vương! Vương gia nhận sắc phong của thiên triều, trấn ngự phương Nam, mà để cho người ta đem húy của đức thái tổ ra nhục mạ thế ư?
Thuận-thiên hoàng đế mỉm cười:
- Triệu đại hiệp. Đại hiệp là ái đồ của viện trưởng viện Đạt-ma phái Thiếu-lâm, không lẽ không biết luật lệ võ lâm? Tại hạ đến đây với tư cách đệ tử phái Tiêu-sơn, chứ không phải với tư cách ông vua. Trên đài này, toàn các tôn sư võ phái của giòng giống Việt. Vai vế tại hạ rất nhỏ. Người có quyền, vai vế cao nhất ở đây chỉ có Nhật-Hồ tiên sinh. Đại hiệp gặp điều gì không vừa lòng, cứ khiếu nại với tiên sinh hay hơn.
Nhật-Hồ lão nhân nghe Thuận-thiên hoàng đế đề cao vai trò của mình, lão hãnh diện, sung sướng ra mặt. Lão đưa mắt nhìn các đệ tử, ngụ ý bảo : « Các người hành động đi chứ? »
Đỗ Xích-Thập, Hoàng Liên đều nhận sắc phong của Tống. Họ cùng nghĩ rằng: Vạn nhất xẩy ra động thủ, chắc chắn bọn Triệu Thành bị nguy. Bấy giờ không lẽ hai người ngồi nhìn? Mà ra tay viện trợ, e mất mạng. Hoàng Liên vốn người xảo trá bậc nhất. Y thị đứng lên, nói với Triệu Thành:
- Bình-nam vương gia. Không hiểu cây cờ đây có gì lạ, mà vương gia kết tội chúng tôi bạo nghịch?
Triệu Thành bình tĩnh trở lại. Y chỉ cây cờ, dõng dạc nói:
- Võ công các vị dù cao đến đâu, nhưng vẫn phải tuân theo luật lệ của thiên tử. Thiên-tử phong cho Lý Công-Uẩn làm Giao-chỉ quận vương cai quản quận Giao-chỉ, gồm đất từ phía Nam Lưỡng-Quảng, cho đến quận Chiêm-thành. Các vị sống trong đất Giao-chỉ cùng như sống tại Trung-nguyên. Các vị không thể tiếm danh từ một quận, xưng lên một nước. Cây cờ này phải hạ xuống, bỏ chữ Đại-việt đi, thay vào đó bằng chữ Giao-chỉ.
Triệu Thành cảm thấy dường như kế hoạch của y với Duy-Chính phác hoạ cùng Hoàng Văn ở Cổ-loa bị lộ. Bây giờ sự tình biến đổi đảo lộn hết. Đúng chương trình, sau khi Thuận-thiên hoàng đế đến lễ. Triệu Thành xuất hiện, nhân danh sứ thần thiên triều, thống trách hai việc. Một, tiếm xưng hoàng đế. Hai, tiếm đùng quốc hiệu Đại-việt. Triệu Thành bắt Thuận-thiên hoàng đế theo đúng chiếu chỉ thiên triều, trở lại với tước Nam-bình vương, bỏ niên hiệu Thuận-thiên. Đồng thời bỏ quốc hiệu Đại-việt, trở lại với tên quận Giao-chỉ. Võ lâm Giao-chỉ muốn « được » mang tên Đại-việt, cùng dùng niên hiệu, Thuận-thiên hoàng đế phải thoái vị, nhường ngôi cho Nam-quốc vương triều Lê tức Hồng-Sơn đại phu.
Sau đó Thành bỏ đi. Bấy giờ bọn Hoàng Văn, Xích-Thập, Hoàng Liên, Nùng Dân-Phú xúm vào thống mạ Thuận-thiên hoàng đế hèn nhát, làm mất quốc thể, bắt phải thoái vị trả ngôi vua về cho Hồng-Sơn đại phu. Nếu ngài chịu thoái vị, Hồng-Sơn đại phu lên ngôi vua. Triều đình văn võ bá quan người bỏ đi, người ngơ ngác. Trong khi võ lâm chia năm xẻ bẩy. Đúng lúc đó, Tống, Chiêm, Lào đem quân vào.
Ngược lại Thuận-thiên hoàng đế không chịu thoái vị, Hồng-Sơn đại phu sẽ được phái Đông-a phò trợ, khởi binh. Phái Mê-linh đã vào tay Hoàng Liên. Phái Tản-viên vào tay Đỗ Xích-Thập cùng nổi lên tiếp tay. Đợi cho người Việt tàn sát nhau, cuối cùng dù bên nào thắng, Tống cũng đem quân vào. Hoàng Văn sẽ cùng đoàn ngũ người Hoa nổi lên tiếp ứng.
Như vậy cả hai trường hợp, Tống chiếm Đại-Việt xong, sẽ thừa thế chiếm Chiêm-thành, Lão-qua, Chân-lạp. Bờ cõi phương Nam mở rộng. Bấy giờ có thừa lương thực, cùng binh sĩ, đem lên chiếm Đại-lý. Đại-lý chiếm rồi, thanh thế Tống lớn vô cùng, chỉ đánh một tiếng trống là chiếm được Liêu, Tây-hạ.
Thế nhưng, bây giờ sự thể đổi khác. Từ hai ngày qua Triệu Thành tìm Hoàng Văn khắp mà không thấy. Nhà của y bị giáp binh chiếm đóng. Tìm Hoàng Liên, Xích-Thập cũng biệt tăm.
Triệu Thành thấy mười sáu đại tôn sư võ lâm đang ngồi trước mặt. Trong đó có Xích-Thập với Hoàng Liên. Còn lão già Nhật-Hồ, Thành không biết lý lịch.
Nghe Triệu Thành nói, Dương Ẩn (Lê Ba) cười nhạt:
- Triệu đại hiệp nói nghe cũng lạ tai. Từ cổ, giữa Lĩnh-nam với Trung-nguyên cương giới đã phân, văn hoá, phong tục có khác. Trung-quốc là Trung-quốc. Đại-việt là Đại-việt. Đại-việt có bắt Trung-quốc phải bỏ tên Trung-quốc để đổi thành Liêu-đông, Quan-ngoại đâu? Tại sao Trung-quốc bắt Đại-việt phải đổi thành Giao-chỉ? Đương kim hoàng đế Tống triều lấy hiệu Thiên-thánh hoàng đế. Đại-việt nào có bắt Thiên-thánh hoàng đế bỏ niên hiệu để trở thành Biện-lương quận vương đâu mà Trung-quốc bắt hoàng đế Đại-việt bỏ niên hiệu Thuận-thiên để trở thành Giao-chị quận vương?
Y ngừng lại một lát rồi tiếp:
- Tôi nghĩ, rừng nào, cọp ấy. Trung-quốc có vua Trung-quốc. Đại-việt có vua Đại-việt. Nước sông, nước giếng không ai phạm vào ai sẽ tốt đẹp mọi bề. Các vị là sứ đoàn sang Chiêm-quốc, trở về ngang Đại-việt, đến dự lễ anh hùng nước tôi. Chúng tôi xin kính mời quý vị uống ít chung rượu rồi lên đường cho.
Vương Duy-Chính thấy Dương Ẩn ngồi sau cây cờ trên thêu hình một kỵ mã. Con ngựa phun ra lửa, y biết Ẩn thuộc phái Sài-sơn. Y nghĩ thầm:
- Lạ thực. Ta đến đây với mục đích ép Lý Công-Uẩn thoái vị, trả ngôi vua cho chưởng môn phái Sài-sơn Hồng-Sơn đại phu. Tại sao tên đạo sĩ này vốn người của phái Sài-sơn lại làm khó dễ ta?
Vương Duy-Chính không hiểu cũng phải. Vì ngoài Khu-mật viện Đại-việt, không ai biết chân tướng cùng nguồn gốc của Dương Ẩn. Không ai có thể ngờ Dương Ẩn trong lớp áo đạo sư, thái thượng chưởng môn phái Sài-sơn lại âm thầm theo Hồng-thiết giáo, leo tới chức trưởng lão. Võ công Dương rất cao thâm, ngôi sư thúc của Hồng-Sơn đại phu, một trong Đại-việt ngũ long. Ngoài ra đạo sư Dương Ẩn ít khi xuất hiện. Nên chỉ những đệ tử thân tín mới biết mặt.
Còn Lê Ba, một ma đầu hạng nhất, nổi tiếng giết người không gớm tay. Giáo-chúng Hồng-thiết cho y cái tên con quỷ dâm dục. Khi y nhìn thấy một người đàn bà nào, mà y nảy lòng ham muốn. Y phải tìm đủ mọi cách để giao hoan cùng người đàn bà đó, với bất cứ giá nào, dù phải hy sinh cả tính mệnh. Y không từ bất cứ người đàn bà nào, dù vợ của thuộc cấp, chị dâu, con dâu. Tuy dốt nát, dâm đãng cùng cực, nhưng mưu đồ của y rất lớn. Y muốn trở thành giáo chủ Hồng-thiết giáo. Nhưng Hồng-thiết giáo bị võ lâm coi như bọn tà ma ngoại đạo. Trong thâm tâm, y tưởng rằng Sài-sơn thế mạnh, ân nhiều, khắp Đại-việt tôn phục vì, sáng tổ là Phù-đổng Thiên-vương. Trong phái, y đóng vai hiền lành đạo đức. Sau này y có lên ngôi giáo chủ, ai dám dị nghị về đạo hạnh của y.
Hồng-Sơn đại phu nguyên là Nam-quốc vương Lê Long-Mang, ngoài phu nhân ra chỉ duy sư phụ của ông biết thôi. Khi sư phụ của ông từ trần, truyền ngôi chưởng môn cho ông, bị nhiều kẻ chống đối. Ông phải thố lộ lý lịch của ông với sư thúc Dương Ẩn, để nhờ Dương Ẩn giúp đỡ ông. Chính vì thế Dương Ẩn nắm được yếu điểm của ông. Y tự tin, y nắm được cả Hồng-thiết giáo lẫn phái Sài-sơn, rồi đi tới chỗ thống lĩnh võ lâm.
Thế rồi Hồng-Sơn đại phu ngày càng nổi tiếng. Tài năng càng tăng, khắp nơi đều kính nể. Y muốn khống chế ông thực muôn lần không được. Sau y nghĩ ra một kế, bắt cóc phu nhân của ông là Vũ Thiếu-Nhung, cho Nhật-Hồ lão nhân dùng làm cây thuốc luyện công. Rồi sau đó gài cho truyện này vỡ lở ra. Đương nhiên Hồng-Sơn đại phu phải từ chức và truyền ngôi chưởng môn cho y.
Khi gài bẫy cho Vũ Nhất-Trụ xuống thăm Nhật-Hồ lão nhân, y những tưởng xông thuốc mê, giam Nhất-Trụ lại, rồi đem Vũ Thiếu-Nhung ra doạ Hồng-Sơn đại phu. Y đương nhiên thống lĩnh đệ tử phái Sài-sơn. Trong đại hội võ lâm này, y cho Lê Đức thống lĩnh giáo chúng dự đại hội. Y sẽ đứng ra khuyên Lê Đức cải tà quy chánh. Lê Đức giả quy thuận phái Sài-sơn. Hồng-thiết giáo đang bị coi như tà ma ngoại đạo, trở thành đệ tử phái Sài-sơn đạo đức nhất nước.
Nào ngờ Nhật-Hồ lão nhân được Mỹ-Linh, Thiệu-Thái cứu ra. Khai-quốc vương phóng thích lão. Lão xuất hiện, tha thứ hết tội lỗi cho bọn đệ tử. Bao nhiêu công trình của Lê Ba đều ra mây khói. Cho đến giờ này, quần hùng vẫn chưa biết Lê Ba với Dương Ẩn là một.
Vương Duy-Chính gật đầu:
- Những điều Dương đạo sư nói chẳng qua thuộc lý. Lý đó đã mất từ lâu rồi. Thời Tần Thủy-Hòang, vua An-dương sai sứ giả sang tiến cống xưng thần, được phong chức tước. Từ đấy, đất phía Nam thành quận huyện của Trung-quốc. Đến khi Triệu Đà thắng An-dương. Y cũng phải phục tùng, tiến cống xưng thần. Sau này con Đà xin về kinh làm việc, xóa bỏ lĩnh địa Nam-việt. Đến cuối thời Đông-hán, nhân Vương Mãng soán vị ở Trung-quốc, Trưng Trắc nổi lên làm loạn ở Lĩnh-nam.
Bỗng thấp thoáng, Vương Duy-Chính bị một người tát vào mặt bốp bốp hai cái. Khi y vung tay đỡ, người kia đã lùi lại. Mọi người nhìn xem ai đánh Vương, thì ra Lê Đức. Lê Đức chỉ tay vào mặt Vương Duy-Chính:
- Trước bàn thờ anh hùng Lĩnh-nam, mà mi dám kêu tên húy của vua Bà ra ư? Cho mi hai cái tát, để liệu mà giữ mồm.
Đúng ra bản lĩnh Vương Duy-Chính ngang với bọn trưởng lão Hồng-thiết. Nhưng vì trong khi y mãi nói, Lê Đức xuất thủ mau quá, y phản ứng không kịp. Y chửi thề:
- Võ công đánh trộm mà cũng dương danh ư? Đẹp mặt chưa? Các hạ cho biết cao danh.
Sư thái Tịnh-Tuệ đáp:
- Người này là đệ tử thứ tám của Nhật-Hồ lão nhân. Hiện giữ chức trưởng lão của Hồng-thiết giáo.
Vương Duy-Chính giận căm gan, nhưng y phải ngậm miệng. Y tiếp:
- Kể từ sau khi Trưng thị bị bại, đất Giao-chỉ lại thuộc về Trung-quốc. Mãi gần đây, thiên triều bận việc ở phương Bắc, mới phong cho Lê Hoàn làm Giao-chỉ quận vương. Con Hoàn là Long-Đĩnh nối ngôi. Y hoang dâm quá, bị bệnh không ngồi được, phải nằm mà thiết triều. Người Việt gọi y bằng Ngọa-triều. Ngọa-triều chết, con còn nhỏ, thiên triều chỉ dụ tìm con trai Lê Hoàn cho kế vị.
Y ngừng lại, đưa mắt cho Triệu Thành. Triệu Thành tiếp:
- Nhưng Lý Công-Uẩn âm mưu với Đào Cam-Mộc, Thân Thiệu-Anh tâu rằng Lê Hoàn không còn một người con nào cả. Thiên triều thể theo đó, thuận cho Công-Uẩn tạm làm Giao-chỉ quận vương, để chờ tìm ra con Lê Hoàn sẽ trả ngôi vua về cho. Còn nếu không tìm được, chờ đến khi con Ngọa-triều lớn, sẽ nối ngôi cha. Không may con Ngọa-triều chết.
Y ngừng lại một lát, đưa mắt nhìn khắp cử toạ một lượt, rồi tiếp:
- Lý Công-Uẩn lên làm vua đã mười tám năm. Thiên triều năm lần bẩy lượt thúc dục y tìm kiếm con cháu nhà Lê. Y đều trả lời rằng không còn. Thiên triều luôn luôn tưởng nhớ đến Lê Hoàn đã tiến cống xưng thần trong bao năm, không hề lỗi đạo, nên vẫn cố công tìm kiếm con cháu kẻ cô trung. Hay đâu trời không phụ người. Cô gia mới tìm ra được con thứ của Lê Hoàn.
Hồng-Sơn đại phu là Lê Long-Mang rất ít người biết. Vì vậy khi nghe đến con thứ của vua Lê Đại-Hành còn sống, họ đều im lặng chờ xem là ai.
Triệu Thành tiếp:
- Người đó tên Lê Long-Mang, tước phong Nam-quốc vương. Vương ẩn thân ở thôn dã. Về võ công, danh vương lừng lẫy Giao-chỉ. Về ân đức, vương trải khắp Hoa-Việt. Vương xứng đáng làm vua đất Việt.
Chờ cho mọi người ngơ ngác một lúc, Triệu-Thành chỉ xuống khán đài phái Sài-Sơn:
- Vương chính thị Hồng-Sơn đại phu.
Mọi người đều bật lên tiếng ái chà, « ồ » kinh ngạc.
Triệu Thành lớn tiếng:
- Thiên triều quyết định hưng diệt, kế tuyệt, cho nên phái cô gia đến đây, để thương lượng với anh hùng Lĩnh-nam rằng: Lý Công-Uẩn phải thoái vị, để trả ngôi vua về cho họ Lê, thiên triều để yên. Bằng không, đại quân Lưỡng-Quảng trên sáu mươi vạn theo đường bộ tiến sang. Thủy quân vùng Mân-Quảng hơn mười vạn sẽ đổ bỗ vào vùng Thanh-Nghệ. Quân Chiêm từ trong tiến lên. Quân Lào từ Tây kéo qua, quyết dẹp Lý Công-Uẩn.
Y ngừng lại một lát rồi dõng dạc:
- Khổng-tử nói « Binh đao là hung khí, thánh nhân bất đắc dĩ mới phải dùng ». Nhưng nếu thiên triều không diệt Lý Công-Uẩn, e bọn phản thần tặc tử Trung-quốc sẽ noi gương. Anh hùng, võ lâm Đại-việt chọn Lý tức chọn chiến tranh. Chọn Lê có hòa bình. Chọn Lý chỉ có quận Giao-chỉ, với tước Giao-chỉ quận vương. Phải, bỏ quốc hiệu Đại-việt, bỏ niên hiệu Thuận-thiên hoàng đế. Chọn Lê có quốc hiệu Đại-Việt, với niên hiệu của hoàng đế. Trung-quốc, Đại-Việt kết anh em, đời đời kết thân trong thế môi hở, răng lạnh.
Lê Đức có học nhất trong đám đệ tử Nhật-Hồ. Y hỏi:
- Lê làm vua hay Lý làm vua cũng là việc riêng của Đại-việt chúng tôi. Các vị không có quyền xen vào. Các vị hăm mang quân sang đánh ư? Các vị đừng quên hai lần sông Bạch-đằng xác đến giờ chưa tiêu hết. Núi xương ở Chi-lăng vẫn còn đó. Chúng ta há sợ sao? Các người kết tội Lý cướp sự nghiệp của Lê Hoàn. Thế còn Triệu Khuông-Dẫn cướp sự nghiệp của Sài Vinh thì sao? Nói mà không sờ lên gáy.
Địch Thanh lạng người chặt vào vai Lê Đức. Lê Đức trầm vai tránh khỏi. Địch Thanh chuyển tay thành trảo chụp vào ngực y. Lê Đức xuống trung bình tấn tay trái gạt tay Địch Thanh, tay phải xỉa vào ngực. Địch Thanh thu tay lại, chân quét một cước. Lê Đức nhảy lên cao, phóng vào cổ, mặt y hai cước.
Địch Thanh đẩy lên cao một chưởng. Chưởng phong bao trùm khắp lễ đài. Lê Đức ở trên cao đá gió một cái, y đáp xuống dưới đài. Y cười lớn:
- Tên bé con Địch Thanh kia. Ta sợ chạm đến bài vị anh hùng Lĩnh-nam, nên nhường mi. Mi có giỏi xuống đây chọi với ta ngàn chiêu.
Phạm Trạch cười hích hích, hai môi y rung động như hai quả chuối đen trên mặt:
- Hôm nay chúng ta giết sạch mấy tên Tống này, lấy gan tế Bắc-bình vương.
Giáo chúng Hồng-thiết giáo rút vũ khí ra loảng xoảng.