4/11/12

Xuân Hương truyện (C5)

Trong thời gian này, ở Seoul chàng Lý suốt ngày đêm học thi thư bách gia ngữ. Văn chương của chàng có thể sánh với Lý Bạch, chữ viết ngang với Vương Hy Chi.
Triều đình có việc vui mừng, mở khoa thi "Thái bình". Chàng Lý đến trường thi. Chàng thấy rất nhiều nho sinh và dân chúng đang kính cẩn cúi đầu chào vua. Âm nhạc cung đình rộn rã. Những con chim anh vũ nhảy nhót theo điệu nhạc. Vua chọn đề thi và đưa cho Đô thừa chỉ treo lên trướng hồng. Đề tài là: "Xuân đường, xuân sắc, cổ kim đồng".
Lý công tử cảm thấy đề tài này đã học rồi. Chàng vừa suy nghĩ nội dung bài thi vừa mài mực "Long trì nghiên" và dầm ngọn bút "Đường hoàng mao" theo bút pháp của Vương Hy Chi và theo phong cách của Triệu Mạnh Phủ viết một mạch. Chàng nộp quyển đầu tiên. Thượng thí quan khi chấm bài thi của chàng đã "phê" từng chữ, và "quán châu" từng câu. Những dòng chữ như rồng bay cao, như chim nhạn sa xuống biển thật xứng là bậc thiên tài trong đời nay.
Bảng vàng treo lên. Vua đã ban 3 chén rượu cho công tử. Bài thi của chàng được treo lên trước trường thi kèm hai chữ "trạng nguyên". Công tử bước ra ngoài, đầu gài hoa giấy do vua ban, mặc áo "oanh sam" thắt lưng "hạc đái". Công tử dạo chơi 3 ngày trong thành phố, sau đó thăm mộ tổ tiên rồi đến chầu Vua.
Khi chàng đến, Nhà vua nói:
- Tài năng của khanh thực đứng đầu trong triều đình.
Vua gọi Dô Thừa chỉ vào và sai viết chiếu bổ nhiệm chàng làm Mật sứ tỉnh Jeolla. Đối với công tử đây là chức quan mà chàng mong đợi suốt đời. Vua ban cho chàng tú y, mã bài, du xích. Công tử tạ ơn vua. Trông chàng trên đường về nhà như mãnh hổ ở trong rừng. Chàng chào tạm biệt cha mẹ trước khi đi Jeolla. Chàng đem theo viên Tư lại, viên Trung phòng và quân lính. Tới trạm Chung Pha chàng thay ngựa. Qua Nam Thái Lĩnh, đến Goa Chun chàng nghỉ ăn cơm trưa, sau đó đi Su Won, Jin Wui, So Sa, rồi đến trạm Sung Hwan thì ngủ đêm. Ngày hôm sau chàng nghỉ ăn trưa ở Chun An, tới trạm Kim Je thì thay ngựa. Qua Duk Pyung ngủ đêm. Ngày tiếp theo qua Gong Ju, sông Keum Gang, nghỉ ăn trưa ở Keum Young và nghỉ đêm ở Kyung Chun. Ngày sau nữa qua No Sung, Eun Jin, tới Yeo San thì ngủ. Sáng hôm sau đó chàng gọi viên Tư lại vào phòng nói:
- Đây là Yeo San trước cửa tỉnh Jeolla. Công việc của nhà nước phải làm cho minh bạch.
Rồi chàng lệnh cho mọi người về con đường đi. Với Tư lại:
- Anh đi qua Jin San, Keum San, Mu Ju, Yong Dam, Jin An, Jang Su, Un Bong, Gu Re sau đó đến Nam Won ngày...
Với Trung Phòng:
- Anh đi qua Yong An, Ham Yeol, Im Phi, Oc Ku, Kim Je, Man Kyung, Go Bu, Bu An, Heung Duk, Go Chang, Jang Sung, Young Kwang, Mu Jang, Mu An, Ham Pyung tới Nam Won ngày...
Với bọn người hầu:
- Các ngươi đi Ik San, Keum Gu, Tae In, Jung Eup, Sun Chang, Ok Goa, Kwang Ju, Na Ju, Chang Pyung, Dam Yang, Dong Bok, Hwa Sun, Kang Jin, Young Am, Jang Heung, Bo Sung, Heung Yang, Nak An, Sun Chun, Gok Sung với Nam Won ngày...
Công tử yêu cầu mọi người nhắc lại hành trình. Sau đó, chàng cải trang thành người ăn xin, mũ thủng lỗ chỗ, nhàu nát, quần áo cũ kỹ, bẩn thỉu.
Chàng vừa đi vừa vãn cảnh. Tới Sam Re chàng nghỉ đêm. Ngày hôm sau chàng đi thăm cảnh lầu Củng bắc, chùa Nam cao, ngắm trăng rằm trên núi Càn chỉ, đến thăm trường luyện võ ở Da Ga, lấy củ sen ở Duk Jin, thăm đình Phi Phụ, ngắm thác Uy Bong.
Trong lúc đó các quan lại ở địa phương đã nghe tin mật sứ sẽ tới nên chuẩn bị mọi thứ tốt đẹp và không khỏi lo lắng trước những việc làm sai trái. Điều này khiến cho đám đầy tớ, người hầu không được yên ổn. Viên Hộ trưởng Nam Won tỏ ra rất hoảng hốt. Còn những viên quan khác thì sắp xếp mọi thứ để khi cần là chạy trốn.
Mật sứ đã đến đồng bằng Im Sil, lúc đang thời vụ. Người nông dân vừa làm vừa hát bài "Nông phu ca".

Ô Yô Rô, Sang sa đi ô.
Trời đất muôn dặm thời thái bình,
Thượng quân đức cao,
Nghe đồng dao từ xưa đến nay,
Đó là hồng đức của vua Nghiêu.
Ô Yô Rô, Sang sa đi ô.
Vua Thuấn làm thánh khí do công đức cao,
Cày bãi ở Lịch Sơn.
Ô Yô Rô, Sang sa đi ô.
Nông cụ do thần nông tạo ra,
Lưu truyền nghìn vạn đời.
Sao lại không lâu dài.
Ô Yô Rô, Sang sa di ô
Vua Hạ Võ nhân đức,
Trị lụt lội trong 9 năm.
Ô Yô Rô, Sang sa đi ô.
Vua Thành Thang nhân đức,
Gặp hạn lớn trong 7 năm.
Ô Yô Rô, Sang sa đi ô.
Sau khi thu hoạch mùa màng,
Phải đóng thuế cho vua.
Số lượng thực còn lại,
Để phụng dưỡng cha mẹ,
Để nuôi nấng vợ con.
Ô Yô Rô, Sang sa đi ô.
Trồng trăm cây,
Biết được bốn mùa,
Cái tin tưởng là trăm cây.
Ô Yô Rô, Sang sa đi ô.
Dặm đường công danh,
Sao bằng việc nông gia.
Ô Yô Rô, Sang sa đi ô.
Cày bừa ruộng Nam, vườn Bắc,
Làm cho cơm no, áo ấm.
Ô nâ đal, Sang sa đi ô.

Lúc đó mật sứ chống gậy trúc đi qua, được nghe bài "Nông phu ca", nói:
- Năm nay được mùa lớn. ở chỗ khác có mấy lão nông khỏe mạnh, đầu đội mũ, người cày, người cào đất trong vườn, vừa làm vừa hát bài "Bạch phát ca".

Hãy đi tố cáo, hãy đi tố cáo,
Tố cáo với ông trời,
Sẽ nói gì?
Để cho người già không chết,
Để cho người trẻ không già,
Hãy đi tố cáo với ông trời
Là kẻ thù, là kẻ thù.
Phải ngăn chặn kẻ thù tóc bạc,
Tay phải cầm rìu,
Tay trái cầm gai nhọn,
Đánh đuổi tóc bạc đang tới,
Kéo lại sắc đẹp đang đi,
Buộc bằng sợi chỉ xanh,
Buộc cho thật chặt,
Sắc đẹp tự đi.
Tóc bạc luôn luôn tới,
Dưới tai có nếp nhăn,
Tóc đen trở thành tóc bạc,
Khi trẻ tóc xanh, lúc già tóc trắng như tuyết.
Thời gian thật vô tình,
Dẫu thời thiếu niên lâu dài,
Nhưng thay đổi rất nhanh,
Tất cả do thời gian.
Ngựa quý ngàn vàng,
Chạy trên đường lớn ở Tràng An.
Cảnh đẹp muôn đời của đất nước,
Muốn xem một lần nữa.
Ngồi bên cạnh người con gái đẹp,
Vui chơi bằng mọi cách.
Cảnh đẹp bốn mùa: sáng hoa, đêm trăng,
Mắt mờ, tai điếc,
Không thể xem được, không thể nghe được,
Không làm gì được.
Buồn thay! Bạn của ta ơi!
Muốn đi đâu!
Như lá phong đỏ cuối thu rơi xuống,
Thỉnh thoảng rơi xuống.
Như sao lặn sáng sớm,
Thỉnh thoảng rơi xuống.
Con đường đi ở đâu?
Ôi! Công việc nặng nhọc!
Có lẽ cuộc đời ta,
Là giấc mộng Nam Kha.

Trong khi họ hát như vậy thì có người nói xen vào:
- Hãy hút thuốc đi.
Một người nông phu bước lên bờ ruộng. Ông lấy ra cái tẩu thuốc bằng đá, moi thuốc từ trong cái túi da rồi nhét vào tẩu, ngón tay dấp nước dãi ấn chặt miệng tẩu rồi ghé vào bếp lửa hút. Tiếng điếu kêu "rích", "rích" như chuột. Khói từ lỗ mũi ông tuôn ra. Mật sứ thân mật nói chuyện với nông phu.
- Ông ơi, cho tôi hỏi một chút.
- Hỏi gì vậy?
- Tôi nghe nói ở huyện ta có cô Xuân Hương sống với quan huyện, ăn nhiều của hối lộ làm ảnh hưởng xấu đến việc quan, có đúng không?
Người nông phu bực tức hỏi lại:
- Cậu sống ở đâu?
- Ông hỏi có việc gì?
- Cậu nói như vậy chứng tỏ cậu không có mắt, không có tai.
Hiện nay vì làm trái ý quan huyện mà Xuân Hương bị đánh và đang bị bỏ ngục. Trong thế gian này hiếm có một liệt nữ như nàng. Mày là tên ăn xin miệng lưỡi như con rết, nói năng lung tung, dám xúc phạm đến tấm lòng như ngọc của Xuân Hương, nên chết đói cũng đáng thôi. Công tử Lý hay công tử tam đã lên Seoul. Hắn không có tin tức gì cả. Một kẻ đạo đức như thế thì không thể làm quan được, thậm chí không bằng "cái c." của tao.
- Trời ơi! Sao ông lại nói như thế.
- Sao! Cậu có quan hệ với hắn à?
- Không phải đâu, chỉ vì ông nói quá xấu về người ta đó thôi.
- Vậy cậu không biết gì về sự việc nên mới nghĩ như vậy.
Mật sứ quay đi, nói một mình:
- Ôi! Ta mất uy tín rồi.
Rồi nói với mọi người:
- Xin các ông tiếp tục công việc.
Đi đến một chỗ ngoặt, mật sứ gặp một đứa trẻ vừa kéo cây tre trên đường, vừa đọc thơ:

Hôm nay là ngày nào,
Chặng đường ngàn dặm đi Seoul,
Khi đi bộ thì mất mấy ngày?
Nếu có Thanh Thông mã,
Mà Triệu Tử Long đã qua sông,
Thì sẽ tới trong hôm nay.
Thương quá Xuân Hương,
Nghĩ về người chồng họ Lý,
Bị giam ngục,
Số mệnh chỉ còn trong khoảnh khắc.
Con người không tốt, họ Lý kia,
Đã ra đi và không có tin tức.
Đó là đạo đức của người quý tộc ư?

Mật sứ hỏi em bé:
- Cháu ở đâu thế?
- ở Nam Won.
- Cháu đi đâu?
- Đi Seoul.
- Có việc gì?
- Chuyển thư của Xuân Hương đến nhà quan huyện cũ.
- Này cháu, hãy cho ta xem lá thư đó.
- Ông thật không biết gì cả.
- Sao cháu nói vậy.
- Xem thư của người khác là điều cấm kị, hơn nữa đây lại là thư của phụ nữ.
- Cháu có biết câu của người xưa nói là: Người đưa thư trước khi xuất phát phải "xem lại" không! Nếu xem thì có ảnh hưởng gì đâu.
Lũ trẻ bảo nhau:
- Ông này hình dạng không tốt nhưng lời nói thì rất khôn ngoan; nên cứ cho ông ta xem một chút.
Mật sứ cầm thư đọc:
- Sau lần chia tay, đến nay vẫn không có tin tức gì; thiếp chắp tay cúi đầu chào và chúc sức khỏe công tử. Tiện thiếp Xuân Hương gặp nạn quan, bị giam cầm trong ngục, tính mệnh tính bằng khoảnh khắc, đang kề bên cái chết. Hồn thiếp đang ở Hoang lăng mộ, có ma quỷ xuất nhập. Dẫu bị chết nghìn vạn lần, liệt nữ không bao giờ lấy hai chồng. Tình cảnh của thiếp và của mẹ già vô cùng thê thảm. Xin lang quân suy xét và có cách giải quyết.
Phần cuối của lá thư Xuân Hương viết mấy câu thơ:

Khứ tuế hà thời quân biệt thiếp
Tạc dĩ đông thiết, hựu đông thu
Cuồng phong bán dạ vũ như tuyết
Hà vị Nam nguyên ngục trung tù

Lời lẽ như viết bằng máu, hàng hàng như chim hải âu đi trên bãi biển; tất cả đều vọng tiếng kêu "Trời ơi! Trời ơi!".
Lũ trẻ ngạc nhiên hỏi:
- Tại sao xem thư của người khác mà ông lại khóc?
- Này trả lại cháu! Dù là thư người khác nhưng nội dung buồn thì tự nhiên chảy nước mắt đấy.
Một đứa trẻ nói:
- Ông giả là người có tình thương để làm ướt lá thư của người ta thì sao? Giá trị của lá thư này là 15 lạng, ông bồi thường đi.
- Các cháu biết không, Lý công tử là bạn của ta đấy. Hai chúng ta có công việc phải đi xuống phía nam. Hôm nay công tử sẽ tới Jeon Ju và hẹn với ta sẽ gặp nhau ở Nam Won vào ngày mai. Các cháu đi theo ta sẽ gặp ông đó.
Bọn trẻ ngạc nhiên thay đổi nét mặt. Chúng nói:
- Ông có biết Seoul ở mãi phía kia không?
Chợt chúng thấy thắt lưng của mật sứ có vật hình tròn như cái đĩa. Chúng vừa bước lùi lại, vừa nói:
- Ông lấy cái này ở đâu? Nó làm chúng cháu sợ lắm.
- Nếu tiết lộ bí mật này thì không bảo toàn được tính mệnh đâu.
Mật sứ nói với lũ trẻ rồi đi.
Trên đường vào Nam Won, đến Bak Suk Chi, Mật sứ nhìn ra bốn hướng thấy núi vẫn là núi xưa, nước vẫn là nước cũ. Chạy vào cổng phía Nam, Mật sứ một mình nói chuyện với cảnh vật:
- Lầu Kwang Han ơi, có khỏe không? Cầu O Jak ơi, có vô sự không? Cây liễu xanh ở trước nhà khách là nơi trước kia ta buộc ngựa vui chơi. Nước Thanh quế trong sạch là nơi ta rửa chân. Con đường rộng rãi, tươi đẹp là con đường ngày xưa ta đi lại.
Dưới cầu O Jak những cô gái đang giặt quần áo, trò chuyện với nhau:
- Các em ơi!
- Gì thế?
- Xuân Hương thật đáng thương quá. Còn Quan huyện mới độc ác làm sao. Dẫu Quan huyện muốn cưỡng bức nhưng Xuân Hương là người có lòng chung thủy cao quý nên không bao giờ sợ chết. Ngược lại, Lý công tử thực là người vô tình.
Trong khung cảnh thiên nhiên lúc này trông các cô khác nào Anh Dương công chúa, Lan Dương công chúa, Trần Thái Phượng, Quế Thiền Nguyệt, Bạch Lăng Ba, Địch Kinh Hồng, Thẩm Kiều Yên, Giả Xuân Vân. Nhưng Dương Tiểu Du vắng mặt thì các cô ngồi tìm ai?
Mạt sứ lên lầu ngắm cảnh. Mặt trời đã ở phía tây. Chim chóc đã bay vào rừng tìm chốn ngủ. Cây liễu ở đằng kia kìa là cây liễu mà Xuân Hương của ta trước đây đã đánh đu. ở phía Đông, nhà của Xuân Hương nằm sâu trong rừng Jang Lim. Tưởng như có thể nghe thấy tiếng khóc của Xuân Hương trong ngục đá xám xịt. Vào lúc hoàng hôn, Mật sứ tới nhà Xuân Hương. Trước mắt chàng, ngôi nhà khác đã sụp đổ. Ngôi nhà chính cũng rất bẩn thỉu. Cây ngô đồng đứng mệt mỏi trước cơn gió mạnh. Dưới hàng rào con vẹt bị chó cắn lông tung ra, dáng đi xiêu vẹo. Con chó màu vàng đang thiu thiu ngủ ở trước cửa, không nhận ra khách quen nên vừa chạy vừa sủa "gâu", "gâu".
- Con chó kia, đừng sủa nữa, ta là khách người nhà kia mà. Chủ nhân của mày đi đâu mà chỉ có mày đón ta?
Nhìn vào cánh cửa chàng thấy chữ "trung" mà chàng đã biết, nay mất đi phần trên, chỉ còn lại phần dưới lay động trước gió đông nam, gợi bao điều sầu não.
Mật sứ đi vào ngôi nhà lạnh lẽo. Mẹ Xuân Hương đang ngồi nấu cháo miệng lẩm bẩm:
- Trời ơi! Trời ơi! Thân phận của tôi. Lý công tử thật độc ác, vì không cần biết đến cảnh nguy nan của con tôi nên không có tin tức gì. Trời ơi! Buồn quá!
Bà gọi người hầu cho thêm củi vào bếp rồi ra suối cạnh nhà gội đầu, chải tóc. Sau đó bà lấy nước đặt lên đàn lễ, chắp tay, cúi đầu cầu nguyện:
- Trời ơi! ma quỷ ơi! Ông Trời, ông Trăng và các tinh tú xin kết lại thành tấm lòng thương. Tôi nuôi nấng con gái chu đáo mong được thấy cái hiếu thảo của cháu ngoại. Nhưng con tôi hiện bị giam trong ngục và bị đánh tàn nhẫn. Không có cách nào cứu thoát. Trời đất thần linh có thấu cảnh ngộ của tôi thì hãy phù hộ cho Lý Mộng Long ở Seoul làm quan to để cứu con gái tôi.
Sau khi cầu nguyện, bà gọi Hương Đan đem thuốc, vừa hút vừa than thở, khóc lóc.
Khi chứng kiến cảnh đó, Mật sứ nghĩ: "Ta được làm quan là nhờ ân đức của tổ tiên. Nhưng nay mới hiểu rằng còn nhờ ân đức của nhạc mẫu nữa."
Chàng gọi cửa:
- Trong nhà có ai không?
- Ai đấy?
- Tôi đây.
- Tôi là ai?
Mật sứ bước vào nhà:
- Tôi là Lý đây.
- Ơ! Lý công tử à? Con trai của Lý Phong Hiến à?
- Ô hô! Nhạc mẫu đãng trí rồi sao mà không nhận ra tôi.
- Anh là ai?
- Người ta nói rằng con rể là khách trăm năm sao lại không biết tôi.
Mẹ Xuân Hương mừng rỡ.
- Trời ơi! Trời ơi! Thế này là thế nào. Công tử ở đâu về? Cơn gió nào đưa công tử tới đây? Có phải đám mây mà tôi thấy ở đỉnh núi đưa công tử đến đây không? Có phải công tử biết tin về Xuân Hương nên đến đây cứu không?
Bà cầm tay dắt Mật sứ đến ngồi trước cây đèn và ngắm chàng rất kĩ. Bà thấy chàng trong hình dáng "người ăn mày xấu xí nhất". Thật khó diễn tả tâm trạng bà lúc này.
- Thế này là thế nào?
- Người quý tộc trở thành người ăn mày thì không thể biểu hiện bằng lời nói. Sau khi đến Seoul con đường công danh của tôi đã đứt. Tài sản trong nhà cũng tiêu tan hết. Cha tôi thành ông giáo vườn; còn mẹ tôi thì bỏ về nhà. Tất cả đều tan biến. Tôi lần này đến xin tiền Xuân Hương thì thấy hoàn cảnh hai nhà như nhau.
Mẹ Xuân Hương tức giận:
- Cậu thật là người vô tình. Cậu ra đi mà không có tin tức gì, sao bây giờ lại về đây nói những điều này. Tôi chờ đợi lời hứa của cậu được thực hiện nhưng mọi việc đến bây giờ mới tốt đẹp làm sao. Cái tên bắn đi rồi, nước đã đổ rồi... tôi còn biết trách ai chứ. Còn cách nào cứu được Xuân Hương con tôi nữa chứ? Nói xong bà xông vào định cắn mũi Mật sứ. Chàng bình tĩnh đáp:
- Đó là sai lầm của tôi chứ không phải là sai lầm của mũi tôi. Nhạc mẫu sao không tìm hiểu kĩ tôi. Dù trời có vô tâm nhưng vẫn còn có gió, mây, sấm, chớp kia mà.
Mẹ Xuân Hương càng tức giận hơn:
- Người quý tộc đã trở thành tên ăn mày mà có tài giễu cợt như vậy.
Mật sứ còn muốn biết thêm thái độ của mẹ Xuân Hương nên nói:
- Tôi đói bụng lắm, xin cho một thìa cơm.
- Hết cơm rồi.
Sự thật không phải trong nhà hết cơm nhưng vì quá tức giận mà mẹ Xuân Hương nói như vậy. Lúc đó Hương Đan từ nhà ngục về. Nghe mẹ Xuân Hương nói, cô rất ngạc nhiên, tim đập thình thình. Cô nhẹ nhàng bước vào phòng, thấy Lý công tử đang ở đó. Hương Đan vui mừng chạy đến chỗ Mật sứ:
- Xin chào công tử. Quan lớn và phu nhân có khỏe không? Công tử đi đường xa có mệt không?
- Mọi việc đều tốt cả. Còn nàng thế nào?
- Thiếp vẫn bình thường ạ. Bà ơi, xin đừng làm như vậy. Công tử đi xa ngàn dặm về đây để gặp ai chứ, sao lại đối xử như vậy. Nếu mà cô con biết được thì sẽ trách móc nhiều lắm.
Hương Đan vào bếp lấy cơm, ớt tươi, kim chi và các gia vị cho vào nước tương. Nàng mời Mật sứ:
- Trong khi chờ cơm nóng, xin công tử ăn tạm cho đỡ đói.
Mật sứ bưng bát cơm nói:
- Thật là mừng quá! Lâu lắm rồi mới gặp em đây.
Chàng cho tất cả các thứ vào bát cơm, không dùng thìa mà dùng tay bốc. Chỉ trong nháy mắt chàng đã ăn hết sạch.
Nhìn Mật sứ ăn, mẹ Xuân Hương nói:
- Chao ôi, chắc là quen kiểu ăn mày rồi.
Đột nhiên nghĩ về số phận của Xuân Hương, Hương Đan ngậm ngùi khóc:
- Làm thế nào bây giờ; cô tôi cao quý như thế, làm thế nào để cứu cô tôi.
Thấy Hương Đan nói vậy, Mật sứ rất khó biểu lộ thái độ. Chàng an ủi:
- Nàng đừng khóc nữa. Cô của nàng sẽ sống chứ không chết đâu. Người nào làm việc tốt thì chắc chắn sẽ sống.
Nghe Mật sứ nói, mẹ Xuân Hương đáp ngay:
- Thật là quý tộc kiêu ngạo. Làm sao cậu lại có thể nói như vậy.
Hương Đan đỡ lời:
- Xin công tử đừng bận tâm về lời nói của bà. Người già gặp khi hoạn nạn thì bực bội nói vậy thôi. Xin mời công tử dùng cơm nóng. Mật sứ đón mâm cơm, nghĩ ngợi: "Lòng tức giận của ta cao đến tận trời, nỗi sốt ruột của ta khiến ăn không biết ngon". Bởi vậy chàng nói:
- Hương Đan ơi, mang cơm đi.
Chàng cầm ống điếu gõ mạnh xuống mặt bàn:
- Nhạc mẫu ơi! Tôi phải đi gặp Xuân Hương đây.
- Cậu cứ đi. Nếu cậu không gặp con gái tôi thì không còn đạo làm người nữa.
Hương Đan nhắc Mật sứ:
- Bây giờ nhà ngục đóng cửa rồi, xin công tử dợi đến lúc có tiếng trống hãy đi.
Vừa lúc đó tiếng trống vang lên. Hương Đan đội liễn cháo, tay cầm đèn lồng. Mật sứ đi theo sau.
Lúc bấy giờ không có mặt bọn lính gác, nhà ngục có vẻ yên tĩnh. Xuân Hương nửa tỉnh, nửa mơ. Nàng thấy chàng Lý đầu đội mũ bằng, mặc áo lụa hồng. Đang bồi hồi, xao xuyến thì có tiếng gọi:
- Xuân Hương ơi!
- Công tử thật không biết gì cả, từ dây đến dinh quan huyện rất gần, nếu có tiếng gọi to thì quan sẽ nghe thấy.
Nghe thấy thì sao? Cứ để tôi gọi.
Mật sứ lại gọi to:
- Xuân Hương ơi!
Xuân Hương giật mình thức tỉnh bởi tiếng gọi quá lớn. Nàng nói:
- Ôi! Tiếng gọi này trong giấc mơ hay trong đời thực. Tiếng gọi này nghe lạ quá.
Mật sứ hồi hộp chưa biết bộc lộ thế nào. Chàng nói với mẹ Xuân Hương:
- Xin bảo giúp là tôi đã đến.
Mẹ Xuân Hương nói:
- Nếu bảo là cậu đã đến thì con gái tôi sẽ chết ngất. Xin cậu chờ một chút. ở bên trong ngục, Xuân Hương nhận ra tiếng nói của mẹ. Nàng gọi:
- Mẹ ơi! Sao mẹ lại đến đây lúc này. Vì lo cho con mà mẹ đi lại như vậy thì có lúc bị vấp ngã đấy. Lần sau xin mẹ đừng đến nữa, đừng bận tâm về con nữa.
- Con đừng lo cho mẹ mà hãy giữ tinh thần cho vững nhé. Đã đến rồi...
- Ai đến?
- Con chỉ cần biết là có người đến.
- Ôi! Khó thở quá, con sẽ chết vì khó thở đấy. Xin mẹ cho biết đi. Trong giấc mơ con đã gặp công tử, chúng con đã âu yếm, thoả nỗi mong chờ. Nay có tin tức về công tử à? Hay có thư báo công tử đã làm quan và sắp về đây? Trời ơi! Khó thở quá!
Mẹ Xuân Hương nói:
- Chồng của con hay một đứa ăn mày đã đến rồi.
- Trời ơi! Có đúng như vậy không? Công tử đã đến rồi ư? Người con gặp trong giấc mơ bây giờ gặp tại đây ư?
Tay nàng nắm chặt những song sắt cửa sổ, miệng khó nói thành lời.
- Trời ơi! Ai đây thế! Có lẽ đây chỉ là giấc mơ. Bấy lâu thiếp nhớ mong chàng vô cùng mà không gặp được, nay sao gặp dễ thế này. Thiếp dẫu có chết cũng không oán hận gì nữa. Sao chàng lại vô tình như vậy? Từ khi li biệt, lúc nào mẹ con thiếp cũng mong chàng. Ngày tháng trôi qua, thân phận thiếp đã đến cảnh này đây. Cảnh tra tấn ngục tù khiến thiếp khó tránh khỏi cái chết. Chàng đến đây để cứu thiếp phải không?
Trong phút chốc mừng rỡ đón người yêu, Xuân Hương bỗng kinh ngạc khi thấy dung mạo của chàng.
- Công tử ơi! Bản thân thiếp có chết cũng không hề gì, còn công tử sao lại đến thế này, sao hình dáng công tử lại như thế này?
- Xuân Hương ơi! Xin đừng buồn. Số mệnh người ta treo ở trên trời. Không thể thay đổi được.
Xuân Hương buồn bã nói với mẹ:
- Lòng con chờ công tử ở Seoul hơn là lòng người dân khát nước trong những năm hạn hán chờ mưa. Nhưng bây giờ cái cây mà con trồng đã gãy, cái tháp công xây đã đổ. Đáng thương thay cho thân phận của con. Sau khi con chết, xin mẹ làm cho việc này để con không phải ân hận. Chiếc áo lụa trong tủ con đang mặc, mẹ hãy bán đi mua giày tốt cho công tử. Con sắp chết rồi nên không cần đến những thứ đó. Mẹ hãy bán cả tủ áo để mua thức ăn cho công tử. Sau khi con chết mẹ hãy chăm lo cho công tử như con vậy.
Quay sang Mật sứ nàng nói:
- Xin công tử hãy nghe lời thiếp nói. Ngày mai là sinh nhật của Quan huyện. Sau bữa tiệc mừng, Quan huyện say rượu sẽ đem thiếp ra đánh. Chắc là thiếp sẽ chết thôi. Lúc đó chàng hãy chạy đến như một người phu mai táng, mang thiếp đến Phù dung đường, nơi mà chúng ta gặp nhau; đặt thiếp nằm ở nơi yên tĩnh. Công tử hãy liệm cho thiếp nhưng không cần cởi áo, rồi chôn thiếp ở chỗ nhiều ánh sáng. Sau này công tử thành danh thì liệm lại thiếp bằng thứ vải quý, đưa lên kiệu tang, mang đến Seoul mai táng ở Tiên Sơn. Tấm bia đặt mộ thiếp xin chàng khắc tám chữ: "Thủ tiết oan tử Xuân Hương chi mộ". Thiếp sẽ trở thành "Vọng phu thạch". Mặt trời lặn xuống núi phía tây, ngày mai rồi trở lại, nhưng Xuân Hương đã một lần ra đi thì không bao giờ quay lại. Xin chàng hãy giải mối oán hận của thiếp. Trời ơi! Trời ơi! Thân phận của thiếp. Đáng thương thay mẹ thiếp. Sau khi con chết, gia đình khánh kiệt, mẹ thiếp phải đi ăn mày chỗ này, chỗ kia, đến lúc kiệt sức chết ở dưới chân đồi. Quạ ở núi Ji Ly mổ mắt người. Ai là người đuổi con quạ đó. Trời ơi! Trời ơi! Thân phận của thiếp!
Thấy Xuân Hương khóc, Mật sứ nói:
- Xin đừng khóc nữa. Dẫu bầu trời sụp xuống thì vẫn có lối thoát ra. Nàng biết tôi là người thế nào mà khóc lóc buồn bã như vậy?
Mật sứ tạm biệt Xuân Hương trở lại nhà nàng.
Thời gian gặp công tử trôi qua rất nhanh. Khi công tử đi rồi, Xuân Hương ngồi một mình than thở:
- Ông trời sinh ra con người không phân biệt dày mỏng, nhưng ta có tội gì mà ở tuổi thanh xuân đôi tám đã phải chia tay người yêu. Sự trừng phạt này là thế nào? Ba, bốn tháng qua ta đã phải sống âm thầm trong ngục tối, không phân biệt ngày đêm. Sau khi chết đi ta sẽ nói về mình như thế nào trước Ngọc Hoàng. Trời ơi! Trời ơi! Thân phận của ta!
Trong khi khóc lóc, Xuân Hương ở trong trạng thái nửa sống, nửa chết, như đang ở phút chót của cuộc đời.
Về tới nhà Xuân Hương, nhưng Mật sứ không ngủ. Chàng ra ngoài huyện phủ để xem xét tình hình.
Lúc đó có viên Lại và viên Thừa phái nói chuyện với nhau:
- Anh biết không, tôi nghe người ta nói có người mặc áo thêu, chính là Lý Công tử. Đêm qua lại có một người lạ ăn mặc rách rưới theo mẹ Xuân Hương đến nhà ngục. Vậy trong bữa tiệc mừng sinh nhật Quan huyện anh phải rất cẩn thận để không xảy ra việc gì.
Mật sứ nghe nói thế, đoán là bọn chức sắc trong huyện đã biết mình rồi nên lánh vào chỗ vắng. Chàng lại gặp mấy tên lính đang to nhỏ:
- Các anh nghĩ sao, người ăn mày đi lại chỗ nhà ngục trông lạ lắm. Chắc đó là mật sứ. Phải kiểm tra lại dung mạo người này.
Mật sứ nghĩ bọn chúng thật là bọn ma quỷ. Chàng đi tiếp vào trong huyện, thăm dò các nơi rồi về nhà Xuân Hương. Trong khi đó viên Hộ trưởng cũng phỏng đoán về sự xuất hiện của Mật sứ.
Hôm nay là ngày mừng thọ của Quan huyện. Theo kế hoạch ngày này những thuộc hạ của Mật sứ cũng đến Nam Won.
Khách đến mừng thọ quan huyện có viên võ quan ở Un Bong, các quan huyện Gu Re, Gok Sung, Sun Chang, Ok Goa, Jin An, Jang Su.
Trước đó, quan huyện đã gọi lính hầu vào truyền lệnh:
- Hãy bảo kỹ nữ bày rượu: nói cho Nhục khố tử mổ bò thật to, bảo Lễ phòng chuẩn bị âm nhạc, căng màn, làm rạp, nói quân lính không cho người ngoài vào phủ đường.
Trong buổi lễ, Quan huyện Nam Won ngồi giữa, bên trái là viên chỉ huy quân đội, bên phải là Lệnh quan. Quang cảnh huyện phủ thật nhộn nhịp. Khắp nơi cờ hoa rực rỡ. Âm nhạc rộn ràng suốt ngày đêm. Các kỹ nữ mặc quần áo đủ các màu nhảy múa, giơ cao những cánh tay trắng muốt. Mọi người đồng thanh hô "Ji hoa ja, du dung sil".
Thật khó nói tâm trạng của Mật sứ khi thấy cảnh tượng này.
Mật sứ nói:
- Này bọn lính hầu hãy báo với quan huyện thế này: Có mộtngười ăn mày từ xa đến, muốn cho bữa tiệc vui thì đem món ăn cho người đó.
Bọn lính nói:
- Chúng ta không biết ông là ai nhưng lệnh của quan huyện cấm người ăn mày được vào đây. Thôi im đi.
Bọn chúng đẩy Mật sứ ra ngoài trông thật buồn cười. Viên võ quan ở Un Bong trông thấy nói với Quan huyện:
- Tôi xem người ăn mày kia tuy áo quần rách rưới nhưng có thể là quý tộc hay dòng dõi quý tộc. Nếu cho ngồi ở phía dưới, cho ăn uống có được không?
- Thôi cũng được, tuỳ theo ý ông.
Quan huyện đồng ý một cách miễn cưỡng.
Mật sứ nghĩ trong bụng: "Ta sẽ đóng vai tên ăn cắp để cuốicùng kẻ bị trói là chúng bay".
Viên võ quan nói với người hầu về người ăn mày:
- Hãy mời ông ta ngồi.
Mật sứ ngồi ngay ngắn, mắt quan sát hai bên. Chàng thấy ở hàng trên các quan huyện ngồi trước bàn tiệc rượu, có tiếng hát vang lừng. Trong khi đó Mật sứ ngồi trước cái bàn xấu xí, với đôi đũa gỗ; món ăn chỉ có giá xào, dưa bằng củ mài, cũng có rượu nhưng là loại rượu đục. Mật sứ bực tức đá cái bàn. Viên võ quan thấy vậy đem cho Mật sứ một đĩa xương sườn bò:
- Mời ông món này.
Hắn lại lấy thêm một đĩa khác.
- Mời ông ăn thịt chân bò. Một lát sau hắn nói tiếp:
- Trong bữa tiệc này chỉ nghe nhạc và xem múa thì chưa đủ vui. Chúng ta hãy làm thơ xướng hoạ đi.
Mật sứ đáp lời:
- Hay lắm.
Viên võ quan ra đề trước hai từ; "cao" (chỉ kích thước) và "cao" (chỉ mỡ). Theo thứ tự, mọi người làm thơ. Mật sứ nói:
- Tên ăn mày này khi trẻ có đọc sách. Trong bữa tiệc vui vẻ hôm nay tôi được ăn uống nhiều nên phải đáp lại. Vậy xin làm một bài thơ.
Viên võ quan đưa bút nghiên cho Mật sứ. Chỉ trong chốc lát Mật sứ đã làm xong bài thơ. Bài thơ này miêu tả việc cai trị của Quan huyện.
Kim tôn mĩ tửu thiên nhân huyết,
Ngọc bàn giai hào vạn tính cao.
Chúc lệ lạc thời dân lệ lạc,
Ca thanh cao xứ oán thanh cao.
Khi xem bài thơ Quan huyện không biết được ý nghĩa nhưng viên võ quan thì hiểu rõ; y nghĩ rằng đã xảy ra việc lớn.
Làm xong thơ, Mật sứ chào mọi người ra ngoài. Viên võ quan vội vã nói:
- Trời ơi! Đã xảy ra việc lớn rồi.
Rồi y gọi Công phòng xem xét lại mọi việc, gọi Binh phòng kiểm tra lại ngựa, gọi viên Sảnh sắc sắp xếp lại việc trà đàm, gọi viên cai ngục kiểm tra các tù nhân, gọi viên Hình phòng sắp xếp lại công văn giấy tờ, gọi viên Tư lệnh sắp xếp lại binh lính.
Lúc đó, Quan huyện không biết gì về sự việc trên nên hỏi võ quan:
- Ông võ quan đi đâu về đấy?
- Tôi đi tiểu.
Quan huyện quát lính hầu:
- Đem Xuân Hương đến đây cho ta.
Quan huyện đã say lắm. Mật sứ nháy mắt ra hiệu cho những người vừa được quan huyện sai phái. Những người này vừa đi vừa bàn tán về Mật sứ.
Cũng lúc đó, ở nhiều nơi trong huyện đã có mặt những người dưới quyền Mật sứ, kịp tới Nam Won. Bất ngờ Mật sứ giơ cao Mã bài trong như vầng trăng sáng. Khi nhìn thấy Mã bài, mọi người nhất loạt kêu:
- Mật sứ xuất hiện!
Tiếng kêu to như núi lở, như trời đất đảo lộn khiến cho cây cỏ và thú vật cũng phải run sợ. ở cửa phía nam mọi người chạy vào hô to:
- Mật sứ xuất hiện! ở cửa phía bắc mọi người cũng chạy vào hô to:
- Mật sứ xuất hiện!
Cửa phía đông, phía tây cũng như thế, làm cho trời xanh cũng phải chấn động. Có tiếng quát:
- Đưa Hình quan ra đây.
Tiếng quát làm cho viên Hình quan vô cùng hoảng sợ. Hắn run rẩy nói:
- Dạ! Hình quan có mặt đây ạ.
Lập tức hắn bị đánh túi bụi bằng roi.
Viên Công phòng chạy vào:
- Tôi không muốn làm quan nhưng người ta bắt phải làm. Bây giờ phải nhảy vào đống lửa...
Hắn cũng bị đánh.
- Trời ơi! Đầu tôi vỡ ra rồi.
Viên Toà thủ, viên Biệt gián cũng bay hồn bạt vía. Viên Lại và Hộ trưởng cũng hồn bay phách lạc. Bọn lính hầu các loại bỏ chạy tán loạn. Những võ quan, viên chức khi chạy trốn kẻ thì cắp bánh trái thay cho bình phù, kẻ thì đội bàn thay cho mũ, kẻ thì bỏ gươm cầm cái bao không. Đàn sáo, trống chiêng bị đập pháp lung tung.
Quan huyện sợ vãi đái, chạy vào phòng ngủ như con chuột nhắt. Hắn mất hết tinh thần, nói năng lú lẫn:
- Lạnh quá. Đóng gió đi kẻo cửa sổ vào. Khát cổ đưa vào nước.
Người hầu bếp trong lúc luống cuống ôm cánh cửa chạy trốn bị bọn lính hầu đánh lộn, kêu ầm ĩ:
- Trời ơi! Tôi chết mất.
Lúc đó Mật sứ bảo rằng;
- Đây là huyện mà trước đây cha ta cai quản nên không được phá phách. Hãy đưa những kẻ có tội vào nhà khách để xét hỏi. Tại nhà khách, Mật sứ ngồi uy nghiêm ra lệnh:
- Huyện quan bị "phong khố bãi chức".
Lời của Mật sứ được quân lính đồng thanh nhắc lại. Lệnh này còn được treo khắp nơi trong huyện. Mật sứ gọi viên cai ngục nói:
- Đem các tù nhân ra đây.
Khi tù nhân được dẫn ra. Mật sứ xét từng người, ai không có tội được thả ngay. Mật sứ chỉ vào một người hỏi:
- Cô gái kia là ai?
Viên hình lại trả lời:
- Đó là con gái của kĩ nữ Nguyệt Mai, có trọng tội.
- Tội đó là gì?
- Quan huyện đòi cô này sống chung nhưng cô ta đã chống lại để chung thuỷ với chồng. Cô ấy tên là Xuân Hương.
Mật sứ nói với cô gái:
- Mày đã chống lại nhà quan để thủ tiết thì không thể sống được nữa. Chết là xứng đáng thôi. Vậy mày có bằng lòng ngủ với ta để đổi lấy sự sống không?
Xuân Hương trả lời:
- Các quan huyện mới đáng lẽ phải là những ông quan nhân đức. Xin ngài hãy lắng nghe thiếp giãi bày. Núi đá dốc đứng gặp gió mạnh có đổ được không? Cây tùng, cây trúc gặp tuyết rơi có thay đổi được không? Ngài đừng nói như vậy. Hãy giết tôi đi ngay. Nàng gọi người hầu:
- Hương Đan ơi, hãy tìm xem Lý công tử ở đâu? Tối qua khi chàng tới ngục ta đã dặn chàng đầy đủ nhưng bây giờ chàng ở nơi nào, có biết ta chết không?
Xuân Hương vừa dứt lời, Mật sứ đã nói to:
- Hãy ngẩng đầu nhìn ta đây.
Xuân Hương ngẩng đầu, thấy Mật sứ chính là Lý Công tử và cũng là người ăn mày hôm qua. Nàng vừa khóc vừa cười:

Ôi! Vui quá!
Lang quân! Mật sứ! Vui quá!
Vào mùa thu ở Nam Won,
Lá cây rụng xuống.
Nhưng mùa xuân vào nhà khách,
Hoa lê và gió xuân đã cứu thiếp.
Đây là thực hay là giấc mơ?
Chỉ lo khi thức dậy là giấc mơ.

Cùng lúc đó mẹ của nàng bước vào. Không thể nói hết được nỗi mừng vui của bà.
Sao lại không vui mừng được khi lòng chung thuỷ cao quý của Xuân Hương đã được ánh sáng chiếu rọi.
Mật sứ đã hoàn thành sứ mệnh ở Nam Won. Chàng đem theo mẹ con Xuân Hương và Hương Đan cùng đi. Trông thế oai nghiêm, đẹp đẽ của chàng lúc này ai cũng phải khen ngợi. Dù được vinh hiển nhưng tâm trạng của Xuân Hương trước khi rời Nam Won, xa cách quê hương thật vừa buồn vừa vui:

Phù Dung đường ơi! Ta đã chơi và ngủ ở đây,
Xin chào tạm biệt.
Lầu Kwang Han ơi! Cầu O Jak ơi! Young Ju Gak ơi!
Xin chào tạm biệt.
Có mùa xuân mỗi năm xanh hơn,
Vương tôn không bao giờ trở lại.
Câu thơ này là nói về mình.
Lúc chia tay nhau,
Gửi lời chào mãi mãi.
Không hẹn được ngày gặp lại...

Sau khi xem xét các tỉnh, Mật sứ trở lại Seoul, vào yết kiến Vua. Chàng cúi đầu chào vua và trình bày mọi việc. Nhà vua ngợi khen và bổ nhiệm chàng chức Lại tào tham nghị đại tư thành và ban cho Xuân Hương danh hiệu "Trinh liệt phu nhân".
Hai người cảm tạ ân đức của vua rồi xin phép về nhà chào cha mẹ.
Cha mẹ chàng Lý chúc thọ thánh quân.
Sau một thời gian, chàng được phong các chức Lại phán, Hộ phán, tả, hữu, lãnh tướng.
Khi tuổi già lãnh tướng xin về nghỉ sống hạnh phúc trăm năm với Xuân Hương. Trinh liệt phu nhân sinh được ba trai, hai gái đều thông minh, tuấn tú khác thường, hơn cả cha mẹ. Các đời con cháu nối dõi đều làm quan to trong triều, lưu truyền mãi mãi.